Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 1 Mùa Vọng A.2016 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 1 Mùa Vọng A (28/11 -> 03/12/2016)

Thứ hai, 28/11/2016

Đề tài: TIN TƯỞNG VÀ CẦU XIN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 8,5-11)

5 Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin : 6 “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” 7 Người nói : “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp : 8 “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. 9 Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này : ‘Đi !’, là nó đi, bảo người kia : ‘Đến !’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi : ‘Làm cái này !’, là nó làm.” 10 Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng : “Tôi bảo thật các ông : tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. 11 Tôi nói cho các ông hay : Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời.”

SUY NIỆM:

1.  Theo lẽ thường tình, gia đình nào có khách quý đến thăm thì cũng rất lấy làm hãnh diện: Ông Đại đội trưởng trong bài Tin Mừng hôm nay thay vì vui mừng khi có Chúa Giêsu đến thăm thì ông lại tỏ thái độ khiêm tốn, nhìn nhận rằng mình chẳng xứng đáng để Chúa đến nhà.

2. Ông đã bộc lộ niềm tin của mình qua việc cho rằng Chúa Giêsu là một con người quyền năng: Chúa không cần phải đến nhà ông, chỉ cần Ngài muốn thì một lời phán thôi, người đầy tớ của ông cũng sẽ được khỏi bệnh.

3. Bài Tin mừng ghi lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành bệnh cho người đầy tớ của viên Đại đội trưởng: Bài Tin Mừng còn có ý trình bày về sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu không chỉ dành cho người Do Thái mà thôi, mà còn dành cho những người lương dân có lòng tin nữa.

4. Viên đại đội trưởng này là người ngoại quốc, nhưng lại rất thực tình với người Do Thái khi ông đã bỏ tiền ra để giúp xây hội đường Capharnaum, cảm phục vì tấm lòng tốt đó, người Do Thái đã giới thiệu ông và xin Chúa Giêsu giúp đỡ ông (Lc 7,1-3).

5. Niềm tin mạnh mẽ của ông được thể hiện bằng việc làm: Ông đã đến xin Đức Giêsu chữa bệnh cho đầy tớ của ông, vì khi xin ai điều gì thì mình phải tin người đó có và sẵn sàng cho điều mình xin.

6. Ông có một lòng tin mạnh mẽ. Ông đã xin Đức Giêsu chữa bệnh từ xa, chứng tỏ rằng ông tin vào bản thân của Chúa hơn là việc Chúa làm; đó là đức tin đích thực và đức tin này biểu lộ cách khiêm nhường.

7. Ông là người vừa có địa vị, vừa có chức quyền nhưng lại đến xin Đức Giêsu, một người Do Thái, một người chẳng có chức quyền địa vị gì trong xã hội.

8. Ông tự xưng mình là người không đáng được Chúa Giêsu đến nhà: Vì ông biết luật người Do Thái cấm tiếp xúc với người lương, nhưng nhất là vì ông khiêm tốn và rất cảm phục trước thế giá của Chúa Giêsu.

9. Chúa Giêsu ngạc nhiên vì người ngoại kiều này chẳng hề biết Chúa, thế mà ông lại tin tưởng cách mạnh mẽ như vậy và người đã không tìm thấy được lòng tin nào mạnh mẽ như thế ở nơi người Do Thái là những người đã từng chứng kiến phép lạ, đã từng lắng nghe lời Chúa giảng.

10. Đức Giêsu đã khen ngợi đức tin mạnh mẽ của viên đại đội trưởng, đồng thời Chúa cũng loan báo trước cho người Do Thái biết rằng: Rất nhiều người trong bốn phương thiên hạ sẽ được gia nhập nước trời, còn con cái trong nhà sẽ bị tống ra nơi tối tăm vì đã không chịu tin.

11. Lời loan báo của Chúa Giêsu rất có giá trị: Chúa sửa sai quan niệm hẹp hòi của dân Do Thái về ơn cứu độ, họ cho rằng chỉ có người Do Thái mới được ơn này (Yn 22,18).

12. Chúa Giêsu muốn nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ bằng cách kêu gọi muôn dân đáp lại tình yêu thương của Thiên Chúa: Chúa Giêsu không dựa vào bất cứ điều kiện ưu tiên nào của dân Do Thái, nhưng chỉ dựa vào tư cách là con cái Thiên Chúa, dành riêng cho những ai tin nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, là con Thiên Chúa.

13. Thái độ khiêm hạ và lòng tin mạnh mẽ của Viên sĩ quan là bài học để chúng ta áp dụng  vào cuộc sống hôm nay. Mọi sự đã có Chúa lo liệu, phần chúng ta chỉ cần cậy trông, kêu xin Chúa ban ơn và hết lòng cộng tác với ơn Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết sống khiêm nhường, để xứng đáng được Chúa ban nhiều ơn. Amen.***

 

Thứ ba, 29/11/2016

Đề tài: PHẦN THƯỞNG CHO NHỮNG KẺ BÉ MỌN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 10,21-24)

21 Được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. 22 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” 23 Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng : “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy ! 24 Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết : nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

SUY NIỆM:

1. Theo Tin Mừng, người bé mọn là người có thái độ khiêm nhường, biết sống tín thác trông cậy vào Chúa. Hôm nay Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy: niềm hạnh phúc của người nghèo, người bé mọn là họ được Chúa mạc khải cho họ biết về Chúa Cha.

2. Trong cuộc sống Ki-tô giáo, người bé mọn là người biết khiêm tốn đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành. Ngược lại với những con người luôn tự đắc với những khả năng cá nhân, luôn ngạo mạn với những gì mình có. Chính vì kiêu căng mà họ đánh mất chức năng làm con Thiên Chúa, từ đó họ không có thể biết Chúa, không thể nào yêu mến Chúa được.

3. Bối cảnh: Khi bảy mươi hai Mộn đệ được Chúa sai đi thực tập truyền giáo và đã thành công trở về (Lc 10,17-20). Chúa Giêsu bày tỏ niềm vui ra mặt, chính trong lúc vui mừng Chúa đã dâng mấy lời tạ ơn lên Chúa Cha.

4. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại Lời Chúa Giêsu vui mừng loan báo rõ ràng mối tương quan giữa Người với Thiên Chúa Cha. Và Chúa cũng cho thấy những ân phúc lớn lao dành cho những ai được Mạc Khải về mối tương quan đó.

5. Câu nói: “Giấu kín không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết”, nhưng lại Mạc Khải cho những kẻ bé mọn => Gợi lại câu chuyện trong ĐN 2,18-23, các nhà khôn ngoan thông thái không biết cách giải thích cơn mộng của Vua Nabucodonoxo, nhưng cậu thanh niên Daniel lại được Mạc Khải cho biết điều bí nhiệm của giấc mộng, vì cậu đã cầu nguyện cùng Thiên Chúa và cảm tạ ngợi khen người đã cho mình đầy khôn ngoan và sức mạnh.

6. Người bé mọn: Là những ai đã nghe lời loan báo của các Môn đệ và tin vào Đức Giêsu, đó là những con người khiêm nhường, còn những kẻ khôn ngoan là các nhà lãnh đạo Do Thái đã không chịu tin vào Đức Giêsu vì họ quá kiêu căng, tự mãn.

7. Chính vì thế, trong lúc vui mừng, Chúa Giêsu đã ngợi khen và tạ ơn Cha mình vì đã cho người bé mọn, dốt nát nghe lời rao giảng của các Môn Đệ mà nhận biết Tin Mừng của Đức Giêsu.

8. Cha tôi đã trao phó mọi sự cho tôi: Chúa Giêsu đã ngợi khen và tạ ơn Chúa Cha vì đã cho các Môn Đệ biết Người đồng bản tính với Chúa Cha, đã trao phó mọi sự trong tay Người và đã cho Người thấu suốt bản tính của Chúa Cha và được quyền cho kẻ khác cùng biết.

9. Vì thế, Chúa Giêsu đã tự Mạc khải người là Thiên Chúa, vì chẳng có ai có thể thấu suốt được bản tính của Thiên Chúa nếu người ấy không đồng bản tính với Thiên Chúa.

10. Chúa Giêsu chính là thầy dạy, là Đấng ban phát mọi ơn lành và Chúa Giêsu Mạc khải cho loài người được biết Chúa Cha là ai.

11. Ở đây, Chúa cũng muốn nói đến việc: "Ai đón nhận được Mạc Khải là người được diễm phúc". Lời khen của Chúa Giêsu dành cho các Môn Đệ cho thấy rõ ràng việc tin nhận Người là một ân huệ của Thiên Chúa ban và những người tin đó được hưởng thành quả trọn vẹn của các lời hứa trong Cựu Ước.

12. Chúa Giêsu chính là thành quả của các lời hứa trong Cựu Ước, cho nên các Môn đệ và những ai tin vào Người, tin vào các Mạc Khải của Người là những người có diễm phúc hơn các Ngôn Sứ và các Vua Chúa trong thời Cựu Ước.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con tinh thần bé mọn để con xứng đáng lãnh nhận Mạc Khải của Chúa. Amen.  ***

 

 

Thứ tư, 30/11/2016

Đề tài: HÃY TRỞ NÊN NGƯỜI MÔN ĐỆ

KÍNH THÁNH AN-RÊ TÔNG ĐỒ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 4,18-22)

18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá.19 Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá."20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông.22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

SUY NIỆM:

1/ Thánh An-rê được vinh dự là một trong số 12 Tông Đồ của Đức Giêsu, Ngài là con ông Gioanna, là em ruột của Thánh Phê-rô. Hai người ai là anh hay là em, Kinh Thánh chưa có gì chứng minh rõ ràng nên Giáo hội vẫn con đang truy tầm. Theo truyền thống từ trước tới nay vẫn nhận Ngài là em của thánh Phê-rô.

2/ Nghề nghiệp của ông trước khi theo Chúa là đánh cá, sống tại làng Betsaida, bên bờ biển hồ Galile (Ghenezaret). Chúng ta theo não trạng Á Đông, vẫn gọi Phê-rô là anh.

3/ An-rê là Môn Đệ của Yoan Tẩy Giả, được Yoan Tẩy Giả chỉ cho ông biết Chúa Giêsu là chiên Thiên Chúa. Ông cùng với một người bạn khác là Yoan đến gặp Chúa Giêsu và tin nhận Chúa Giêsu là Đấng thiên sai, nên ông đã nói cho anh mình là Phê-rô biết, rồi cùng dẫn Phê-rô đi gặp Chúa. Nhưng cả hai cũng chưa dứt khoát có nên đi theo Chúa hay không, mãi cho đến hôm hai ông ngồi xếp lưới định đi đánh cá, lúc ấy có Chúa Giêsu đi ngang qua kêu gọi, cả hai ông đã từ bỏ tất cả để theo Chúa.

4/ Trong thời gian đi theo Chúa, Tin Mừng có ghi lại lúc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh lần đầu. Lúc đó An-rê đã tìm được 5 chiếc bánh và 2 con cá từ một bé trai trong đám đông, và ông đã đem đến trao cho Chúa Giêsu.

5/ Đang lúc đó có đám đông đang nghe Chúa giảng, với số bánh và cá ít ỏi đó, Chúa đã làm phép lạ vĩ đại để nuôi tất cả họ. Lần thứ hai là vào dịp lễ Vượt Qua ở năm thứ ba cuộc đời công khai của Chúa, chính An-rê đã dẫn một nhóm người Hy Lạp đến gặp Chúa, Tin Mừng chỉ có biết về An-rê như thế thôi.

6/ Theo lưu truyền, khi các Tông Đồ lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần vào ngày lễ ngũ tuần. Sau đó An-rê đi rao giảng ở vùng Bithyni-a, Ngài bị bắt bên bờ biển Hắc Hải và kết thúc cuộc đời tại Achai-a.

7/ Ngài bị đưa đến tổng trấn Êgê-a xét xử, ông này nói với Ngài: “Chúa Giêsu là vị thẩm phán tối cao mà ngươi nói, có phải chính là Người đã chết trên Thập Giá không? Hôm nay nếu ngươi không dâng hương tế thần, ngươi cũng sẽ chết y như vậy”.

8/ Thánh An-rê không hề sợ hãi, lại còn nói: “Cực hình của ông sẽ đem lại vinh quang bất diệt cho tôi”.

9/ Tổng trấn Êgê-a truyền đem Thập Giá tới. Khi thấy Thập Giá, An-rê vui mừng kính chào: “Ôi, Thập Giá tốt lành, hãy đưa ta đến gặp Thầy chí Thánh của ta”, Ngài giang tay ra chịu cột chứ không chịu đóng đinh để chịu chết lâu hơn Thầy mình, chậm hơn, đau hơn.

10/ Hình phạt kéo dài 2 ngày mà Ngài chưa chết, Ngài luôn mở miệng cao rao danh Chúa Kito. Qua ngày thứ ba, Ngài cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu Kito, xin hãy đón nhận hồn con”, và Ngài đã tắt thở trong bình an.

11/ Theo lưu truyền: Thập Giá mà An-rê bị chết là Thập Giá hình chữ “X”, nên thường được mệnh danh là Thập Giá Thánh An-rê.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con gặp Chúa, sống bình an bên Chúa và chết bình an trong tay Chúa Kito. Amen.**R

 

Thứ năm, 01/12/2016

Đề tài: THỰC THI Ý MUỐN CỦA CHA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 7,21.24-27)

21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. 26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.

SUY NIỆM:

1. Lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành là điều mà Chúa muốn chúng ta làm: Lời Chúa chỉ mang lại sự sống đời đời cho những ai quyết tâm sống theo Lời Chúa dạy, Tin Mừng sẽ trở nên niềm vui mừng cho những ai biết đón nhận và đem ra sống.

2. Đối với Chúa Giêsu, việc thực hành Lời Chúa mang một ý nghĩa rất quan trọng,đừng chỉ biết nghe suông nhưng phải biết làm cho Lời Chúa sinh hoa kết trái; bằng cách kiên trì sống Lời Chúa qua các việc làm cụ thể => Có như thế chúng ta mới trở nên con người khôn ngoan khi xây nhà trên đá.

3. Bài Tin Mừng là một Dụ Ngôn hai người xây nhà. Một người khôn xây nhà trên đá, một người dại xây nhà trên cát => Đó là hình ảnh của 2 người khi nghe Lời Chúa, một người đem ra thực hành, còn người kia thì không.

4. Bài học Chúa Giêsu muốn dạy hôm nay là: Không những chúng ta phải đọc, nghe, hiểu và tin vào Lời Chúa mà còn phải đem ra thực hành, đó mới là người khôn ngoan.

5. Lời Chúa được ghi chép trong Kinh Thánh, Lời Chúa là khuôn vàng thước ngọc, là tiêu chuẩn đạo đức cho hết mọi người muốn sống tốt, dành cho mọi thời đại.

6. Lời Chúa là lời ban ơn cứu rỗi,  là lời ban sự sống: Lời ấy sắc bén và linh nghiệm như gươm hai lưỡi, nhưng điều quan trọng là phải làm sao cho lời ấy đem lại kết quả.

7. Trước hết phải biết lắng nghe Lời Chúa, phải chịu khó học hỏi và suy niệm: Phải nghe Lời Chúa với tấm lòng ngưỡng mộ và đơn sơ như đám dân lành đơn sơ, chất phát, đi theo Chúa khắp nẻo đường Palestine.

8. Phải chịu khó học hỏi Lời Chúa như cô Maria Madala ngồi bên chân Chúa.  Phải suy gẫm Lời Chúa như mẹ Maria, mẹ đã ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.

9. Sau khi nghe, phải hiểu, phải tin! Vì khi hiểu Lời Chúa thì lời ấy mới ảnh hưởng tới tận cõi lòng, như gốc cây ăn sâu vào trong lòng đất, rễ càng sâu, cây càng vững, càng sinh nhiều hoa trái.

10. Càng hiểu Lời Chúa và để Lời Chúa ăn sâu vào lòng, thì Lời Chúa càng phát triển, càng thêm sức mạnh cho tâm hồn. Sau đó phải tin vào Lời Chúa và Lời Chúa là kho tàng sự thật, trong đó có biết bao điều mầu nhiệm vượt qua ngoài lý trí cũng như sự hiểu biết của con người. Cho nên cần phải tin mạnh mẽ mới có thể chấp nhận những mầu nhiệm ấy.

11. Sau khi hiểu, sau khi tin mà còn phải đem Lời Chúa ra thực hành: Lời Chúa dù có quý, có tốt đẹp đến đâu mà không đem ra thực hành thì cũng trở thành vô dụng.

12. Chúa Giêsu cho thấy điều này qua hình ảnh người xây nhà mà Chúa cho là khôn/ và dại: Khôn dại ở đây chính là thái độ của họ đối với Lời Chúa, ai đem ra thực hành là người khôn, ai không thực hành là dại.

13. Chúa bảo chúng ta phải khôn ngoan, khôn như người xây nhà trên đá: Khôn ngoan là nghe và thực hành Lời Chúa => Liệu chúng ta có sự khôn ngoan đó không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Chúa và can đảm đem ra thực hành mọi lúc, mọi nơi. Amen! ***

 

Thứ sáu, 02/12/2016

Đề tài: QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 9, 27-31)

27 Đang khi Đức Giê-su ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: "Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi! " 28 Khi Đức Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không? " Họ đáp: "Thưa Ngài, chúng tôi tin." 29 Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: "Các anh tin thế nào thì được như vậy." 30 Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: "Coi chừng, đừng cho ai biết! " 31 Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.

SUY NIỆM:

1/ Một người đàn ông mù từ thuở mới sinh tên Robet-to Newman. Mãi đến lúc 50 tuổi, sau một lần phẫu thuật, ông đã nhìn thấy ánh sáng trong cuộc đời. Thế giới mà từ trước tới nay ông nhận thức được qua đôi mắt mù của ông, hôm nay đã thay đổi hoàn toàn, bởi vì những điều ông dự đoán, tưởng tượng đều rất khác xa với thực tế.

2/ Phúc Âm hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa cho 2 người mù được sáng mắt thể lý, đồng thời Chúa cũng ban cho họ nguồn hạnh phúc đích thực trong tâm hồn. Bài học hôm nay cho chúng ta thấy rằng: hai người mù nhờ vào quyền năng và tình thương của Chúa Giêsu mà họ nhìn thấy được vạn vật, đồng thời mắt tâm hồn họ cũng được mở ra.

3/ Trước ân huệ nhiệm màu của Thiên Chúa dành cho mình, họ đã ca tụng và loan báo về Đức Giêsu cho khắp cả vùng được biết.

4/ Đối với chúng ta, đôi mắt thể lý không bị mù, nhưng đa số chúng ta mù về con mắt lương tâm. Nếu chúng ta muốn được chữa lành, chúng ta cần phải xác tín vào quyền năng của Chúa Giêsu. Nhờ đó Người sẽ chữa lành chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể nhìn thấy thế giới chung quanh một cách mới mẻ hơn so với những gì mà từ trước tới nay chúng ta vẫn nhìn thấy.

5/ Đôi mắt con người là cơ quan rất quý giá và thiết yếu cho đời sống con người.Người mù lòa chịu biết bao thiệt thòi và tâm lòng họ buồn khổ như thế nào? Có người cho rằng mù lòa là một nỗi bất hạnh nhất, nên họ nghĩ thà chết đi còn hơn là bị mù. Người mù bẩm sinh chịu rất nhiều thiệt thòi về thị giác, mà còn thiệt thòi về cả con người và tất cả cuộc đời của họ.

6/ Thế giới hữu hình xinh đẹp này như chết đi trong lòng họ, bởi vì họ không có chút quan niệm gì về màu sắc, hình dáng của những người thân yêu. Ánh sáng và bóng tối đối với họ đều giống nhau, văn minh tiến bộ hầu như họ không hề biết đến.

7/ Đời sống của họ là chuỗi ngày dài đầy tự ti mặc cảm, cho nên tâm trạng của họ là luôn khao khát được thấy, cho dù là thấy mờ mờ. Họ dám làm bất cứ thứ gì để được sáng mắt , họ vái tứ phương như hai người mù hôm nay, họ đã vận dụng lòng tin vào Chúa Giêsu để được sáng mắt.

8/ Hai người mù hôm nay họ không xin của ăn, cũng chẳng xin tiền bạc như mọi khi, họ chỉ kêu xin cho được sáng mắt. Lạ một điều là họ kêu lên đúng với chức vụ của Chúa Giêsu: “Lạy ông Giêsu con vua Đa-vít”. Ít ra họ cũng có quan tâm để ý đến Kinh Thánh, chính nhờ quá đau khổ mà họ đã đi tìm kiếm Chúa.

9/ Họ đã tìm đúng đối tượng, họ đã nhận ra sự thật, họ nhận ra Chúa là Đấng Thiên Sai, Đấng đến để giải thoát, để cứu chữa loài người.

10/ Nói đúng hơn, họ đã tìm ra Chúa, họ đã tin Chúa là Đấng quyền phép, Người có thể cho họ được sáng mắt một cách thật dễ dàng, và họ đã được đúng với những gì họ xin và Chúa Giêsu đã xác nhận như vậy.

11/ Câu chuyện hai người mù nhắc nhở chúng ta kiểm điểm đời sống đức tin của mình. Nếu thân xác chúng ta có đôi mắt để giúp chúng ta nhìn thấy vạn vật để mà hành động, thì về phương diện linh hồn, chúng ta cũng phải có con mắt đức tin, hiểu được những điều siêu việt và giúp chúng ta hành động đúng.

12/ Chúng ta hãy làm một phép so sánh: Giữa người mù và người sáng mắt, mặt lợi mặt hại như thế nào, thì người có đức tin và không có đức tin cũng sống trong 2 thế giới cách biệt nhau như thế.

13/ Con mắt thể xác là quá quan trọng thì đức tin cũng quan trọng như vậy. Nhưng chúng ta cần kiểm điểm xem đức tin của chúng ta như thế nào, đức tin đang lên hay đang xuống, hay lúc lên lúc xuống như người sốt rét. Tại sao vậy ?

14/ Đức tin theo kiểu sốt rét là lúc lên, lúc xuống, là đức tin bị lệ thuộc theo cảm giác, tùy theo ngoại cảnh hay bị lệ thuộc vào người chung quanh, nhất là khi gặp thử thách nặng nề, thất bại vì bệnh tật, thua lỗ, thất thế.

15/ Vì thế chúng ta đừng bao giờ để cho nghịch cảnh làm chủ đời sống đức tin của chúng ta. Trái lại, càng gặp nghịch cảnh, đức tin của chúng ta càng phải vững mạnh và sáng giá hơn.

16/ Chúng ta đừng đi trên trần gian này bằng con mắt thể lý, vì con mắt thể lý hay bị đau, bị ảo ảnh, bị mờ mịt. Nhưng chúng ta cần đi bằng con mắt đức tin do Chúa Giêsu dẫn dắt để rồi khi đến cuối con đường, Chúa Giêsu cũng âu yếm nói: “Đức tin của con đã cứu chữa con”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở con mắt đức tin cho con, để chúng con nhận ra quyền năng và tình thương của Chúa ở khắp mọi nơi. Amen.**R

 

Thứ bảy, 03/12/2016

Đề tài: HÃY RA ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG

KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Marco (Mc 16,15-20)

15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

SUY NIỆM:

1/ Rao giảng Tin Mừng là một món nợ mà tất cả những ai đã chịu phép rửa tội đều phải trả. Rao giảng Tin Mừng là làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa, là vượt thắng sự ích kỷ của chúng ta, là cúi mình phục vụ cho anh em như là cách Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông Đồ.

2/ Sau lễ Phục Sinh, khi Chúa Giêsu hiện ra với Nhóm 11, Chúa Giêsu muốn chỉ cho các Môn Đệ thấy tầm quan trọng của việc loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Chúa Giêsu đã sai các Môn Đệ ra đi rao giảng về tình thương của Thiên Chúa.

3/ Thánh Phanxico Xaviê là mẫu gương cho tất cả những ai muốn loan báo Tin Mừng. Ngài đã ra đi khắp nơi để làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa và phục vụ đồng loại/ lòng hăng say của Ngài đã giúp đưa được rất nhiều người về với Chúa.

4/ Đường lối sống đạo của mỗi Kito hữu chúng ta là phải hăng say trong công việc loan báo Tin Mừng, để mọi người nhận biết Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta là ngần nào?

5/ Thánh Phanxico Xaviê là một nhà truyền giáo vĩ đại, Ngài sinh ngày 07/04/1506 tại lâu đài Xaviê, nước Tây Ban Nha. Ngài là con út trong gia đình có 6 anh em, thân phụ Ngài là quan cố vấn đại thần, Ngài thuộc dòng dõi võ tướng nên tính khí Ngài rất hăng hái, hiếu chiến.

6/ Hồi nhỏ thân phụ Ngài quá bận việc triều đình, các anh lớn thì bận tham gia chiến trận. Thân mẫu Ngài đã đảm đương việc dạy dỗ Phanxico, bà đã dạy cho Phanxico một tâm hồn nhạy cảm, rất tế nhị và thực dụng, thực tế. Nhờ những đức tính đó nên Phanxico sau này trở thành một người rất can đảm và dễ thương.

7/ Vào năm 1525, lúc Ngài được 19 tuổi, người ta thấy Phanxico học ở đại học Paris là đại học nổi tiếng nhất lúc bấy giờ, về sau Ngài phụ trách giảng dạy môn triết học, vì Ngài đỗ cử nhân khoa triết.

8/ Ngài đang đạt độ cao trên đường học vấn và đang hăng say theo đuổi danh vọng như vậy, thì Ngài gặp một sinh viên đang học tại đại học Paris, lúc ấy đã 33 tuổi, anh ta là một cựu đại úy, thông minh, đã giải ngũ, tên là I-nhati-o.

9/ Lúc bấy giờ I-nhati-o đang tìm người cộng tác để thành lập Dòng Tên. I-nhati-o thấy Phanxico thông minh đạo đức, lại hăng say làm việc Tông Đồ, có tài ăn nói hùng biện, tài thu phục nhân tâm, nên I-nhati-o muốn chiêu mộ cho bằng được con người tài đức này để phụng sự Chúa và Giáo hội.

10/ Nhờ phương pháp tĩnh tâm và cầu nguyện do I-nhati-o khởi xướng cùng với ơn Chúa tác động. I-nhati-o dần dần làm cho Phanxico hiểu rõ câu lời Chúa trong Tin Mừng: “Nếu lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?”.

11/ Phanxico đã suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng Ngài đã nhận ra lý tưởng sống nơi I-nhati-o. Ngài nhận ra Thiên Chúa là kho báu tuyệt hảo nhất, nên Ngài đã từ bỏ tất cả danh vọng trần thế để đi theo cộng tác với I-nhati-o và một số anh em khác trong việc loan báo Tin Mừng và cứu rỗi các linh hồn.

12/ Ngày 15/08/1534, tại một nhà nguyện nhỏ ở Mông-Mác , Paris, I-nhati-o với tư cách là bề trên ,đã nhận lời khấn của Phanxico và đặt Ngài làm phụ tá cho mình.

13/ Ngày 26/06/1537, cả hai I-nhati-o và Phanxico Xaviê cùng lãnh chức Linh Mục.Rồi theo lời yêu cầu của Đức Phaolo 3, đã phái hai Ngài đi truyền giáo ở Ấn Độ.

14/ Ngày 07/4/1541, là ngày sinh nhật lần thứ 35, Phanxico từ giã anh em để khởi hành từ Lisbone thủ đô Bồ Đào Nha đi Ấn Độ, để thi hành sứ mạng truyền  giáo ở Á Châu. Sau hơn một năm lênh đênh nguy hiểm trên biển cả, Ngài cập cảng Goa , Ấn Độ vào tháng 05/1542.

15/ Thời gian truyền giáo ở Ấn Độ của Thánh Phanxico Xaviê không dài, chỉ độ 10 năm, trong khi đó thời gian di chuyển từ nước nọ sang nước kia đã mất 3 năm.

16/ Trong 7 năm truyền giáo, Ngài đã rửa tội cho 1.200.000 người, đã phá hơn 40.000 tà thần, đi truyền giáo trong 30 nước. Đường Ngài đi dài bằng 3 lần chu vi trái đất, khoảng hơn 100 ngàn cây số, thời đó phương tiện di chuyển bằng tàu thủy nên rất chậm.

17/ Ngài đã hy sinh quên mình, không thiết gì đến chuyện ăn ngủ. Cứ chỗ nào có đông người là Ngài lại đến đó giảng dạy và biến nơi đó thành điểm truyền giáo. Người ta đến xin học giáo lý và chịu rửa tội rất đông đến nỗi Ngài không có giờ để đọc kinh nhật tụng và ăn uống.

18/ Ngài qua đời tại đảo Tân Châu, thuộc hải phận tỉnh Quảng Châu đang khi đợi giấy phép cho vào Trung Hoa vào ngày 03/12/1552, khi tới đảo này thì Ngài bị sốt rét trong lúc ngước mắt nhìn về cánh đồng truyền giáo bao la mà Ngài ước mơ đem Tin Mừng, rồi Ngài nhắm mắt qua đời.

19/ Ngài ra đi truyền giáo, chấp nhận mọi gian khổ, không phải để đổi lấy của cải vật chất ở trần gian, mà chỉ để được sống trong tình yêu Chúa và phân phát tình yêu đó cho đồng loại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nước trời là cùng đích, là báu vật mà con cần chiếm hữu. Xin cho con dám sẵn sàng hy sinh tất cả để chiếm cho được nước trời, và nhất định sẽ không bao giờ làm điều ngược lại. Xin cho con luôn biết sống và làm mọi việc vì yêu Chúa. Amen.**R

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1930
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  11
 Hôm nay:  13
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11405422
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top