Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN A.2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần XI  Thường Niên A (19/06 -> 24/06/2017)

Thứ hai, 19/06/2017

Đề tài: KHÔNG ĐƯỢC BÁO OÁN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 5,38-42)

38 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. 42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

SUY NIỆM:

1/ Thánh nữ Maria Goretti là một thiếu nữ xinh đẹp đã làm say lòng nhiều người / có một thanh niên tên Alexandro. Anh chàng này ao ước chiếm đoạt nhưng bị Ngài kháng cự nên hắn đã đâm chết Ngài bằng 14 nhát dao. Tuy quá đau đớn nhưng thánh nhân vẫn nói lên lời tha thứ, và Ngài còn xin Chúa tha thứ cho hắn.

2/ Luật Cựu ước của Moisen là mắt đền mắt, răng đền răng, đây là luật công bình.Luật công bình xem ra ác độc, nên Chúa Giêsu đã sửa đổi, đã kiện toàn điều luật cũ, bằng cách thay đổi nó hướng tới tình yêu thương: Nếu ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái nữa. Chúa Giêsu đã yêu thương tha thứ cho dù loài người đã đóng đinh Chúa vào Thập giá, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy yêu thương và sẵn sàng bỏ qua những lầm lỗi của kẻ khác.

3/ Trong cuộc sống, có biết bao lần chúng ta bị người khác xúc phạm. Chúng ta hãy theo gương Chúa, theo gương Thánh M.Goretti, hãy thực thi lời Chúa dạy: Khoan dung tha thứ cho người khác để đáng được Chúa khoan dung tha thứ cho chúng ta.

4/ Khi Chúa Giêsu tuyên bố: Bãi bỏ luật báo thù, có nghĩa là chúng ta không được trả đũa, không được ăn miếng trả miếng khi bị xúc phạm hay bị người khác làm hại, nhưng hãy sống yêu thương, quảng đại.

5/ Luật Lêvi (Lv 24,17-20) dạy rằng: Người nào đả thương đến sinh mạng người khác, tất phải chết, người nào gây thương tích cho người khác làm sao, thì người ta cũng sẽ làm cho nó như vậy.

6/ Luật này khi được tuyên bố vào thời đó, được cho là một sự tiến bộ so với luật rừng và luật bộ lạc. Cách báo oán của luật rừng thường gây thiệt hại nặng hơn, còn luật Moisen thì ấn định sự công bằng: Mắt đền mắt, răng đền răng, nhưng cách báo oán bằng đúng với sự thiệt hại như vậy vẫn còn mang tính cách dã man.

7/ Khi Chúa Giêsu kiện toàn lề luật, là Chúa làm cho luật trở nên hoàn hảo hơn, nên Chúa dạy: Đừng lấy oán báo oán, nhưng phải lấy đức báo oán, bởi vì oán báo oán thì oán chất chồng, đức báo oán thì oán tiêu tan.

8/ Đức báo oán sẽ dập tắt ngọn lửa hận thù và đưa đến hòa giải. Tóm lại, Chúa muốn dạy ta một thái độ nhẫn nhịn, tha thứ để không gây oán thù, đừng ích kỷ, hẹp hòi, ác độc, nhưng hãy rộng lượng tha thứ cho mọi người.

9/ Con người sống với nhau đừng đối xử theo cách ăn miếng trả miếng, hận thù, báo oán. Nhưng hãy tha thứ, nhẫn nhịn, quảng đại, người Ki-tô hữu chỉ được lấy ơn đền oán vì không còn cách trả thù nào cao quý hơn là yêu thương và tha thứ.

10/ Một câu chuyện báo oán đáng cho ta suy nghĩ: Có một kẻ trèo lên cây hái quả, anh ta sơ ý trượt chân ngã xuống đè chết một người đi đường. Gia đình nạn nhân kiện: đòi mạng, quan tòa phải xử ra sao? Quan tòa xử rằng: Một người thân của người bị chết phải leo lên cây rồi gieo mình xuống trên người phạm lỗi để đòi mạng, nhưng cách trả thù này xem ra không khả thi, bởi  có khi vì đòi mạng mà mình phải thiệt mạng.

11/ Thực hành một điều Chúa dạy thôi cũng là quá khó rồi bởi vì chúng ta tài hèn sức kém. Bởi vì chúng ta lắm tự ái nên đầu óc luôn hẹp hòi, chấp nhất, thù vặt, thù dai, ăn miếng trả miếng. Vì vậy chúng ta còn ở xa lời Chúa dạy lắm, chúng ta cần cố gắng, cần có quyết tâm cao hơn nữa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa giúp con yêu người con yêu mà còn giúp con yêu cả những người làm thiệt hại cho con, làm nhục, làm cho con tức giận, vì chỉ yêu họ thì con mới trở nên giống Chúa. Amen.

 

Thứ ba, 20/06/2017

Đề tài: YÊU KẺ THÙ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Matheu (Mt 5,43-48)

43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

SUY NIỆM:

1/ Henry Dunant là người sáng lập ra chữ thập đỏ. Trong Nhật Ký ông có ghi lại câu chuyện sau đây: Hồi chiến tranh Pháp-Áo, có nhiều binh sĩ Áo bị bắt làm tù binh. Một bà cụ thấy ông chăm sóc cho họ thì phản đối vì bà cho rằng người Áo là kẻ thù. Ông đã nói với bà: Trong cơn đau khổ, không còn có sự khác biệt giữa bạn và thù nữa, vì tất cả cùng là anh em.

2/ Nhiều người trong chúng ta cũng đồng ý với quan niệm của bà cụ trên đây. Chúng ta thường khó chịu với những ai ta không ưa / hoặc những ai không ưa ta.

3/ Hôm nay Chúa Giêsu muốn không những chúng ta yêu người có nghĩa tình với ta.Mà Người còn muốn chúng ta đi xa hơn thế khi nói rằng: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.

4/ Mỗi người trong chúng ta đều được mang hình ảnh của Thiên Chúa. Ai trong chúng ta cũng đều mang một phẩm giá cao quý và được Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở thành anh em với nhau.

5/ Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình, cũng chính là lúc chúng ta trân trọng hình ảnh Thiên Chúa có trong anh em mình và làm cho hình ảnh Thiên Chúa đang có ở trong ta được thêm rạng rỡ, vinh quang.

6/ Bài Phúc Âm Chúa dạy chúng ta phải bãi bỏ luật báo thù, báo oán. Tức là không được trả đủa, không được ăn miếng trả miếng. Đây quả là một thái độ anh hùng, một tình cảm cao quý. Hôm nay Chúa muốn tình cảm của chúng ta phải cao quý hơn nữa, đó là hãy yêu thương kẻ thù.

7/ Luật Cựu Ước dạy rằng: hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù. Trong cách đối xử với người khác, người ta thường phân biệt ra làm 2 loại người, đó là bạn và thù.

8/ Bạn bè, thân nhân, ân nhân thì người ta yêu thương, còn thù địch thì người ta có quyền ghét bỏ và tìm cách tiêu diệt. Cách phân biệt đối xử như vậy vẫn còn quá nhiều khiếm khuyết và còn gây ra biết bao thù oán.

9/ Khi muốn kiện toàn lề luật, Chúa Giêsu dạy: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho người ngược đãi anh em. Đây là mức tuyệt đỉnh của Đức bác ái Ki-tô giáo , là buộc chúng ta phải yêu thương mọi người, không phân biệt ai, kể cả những người thù ghét, bắt hại chúng ta.

10/ Lý do Chúa Giêsu đưa ra là để chúng ta trở nên con cái Cha trên trời, là Đấng cho mặt trời mọc trên kẻ dữ, người lành, kể cả kẻ bất lương. Chúa cho mưa trên người tốt, kẻ xấu.

11/ Một điều nữa, chúng ta cần phải sống cao thượng hơn những người khác thì mới có công phúc. Yêu kẻ yêu mình đó là tình cảm tự nhiên. Còn yêu kẻ thù là hành động bác ái siêu nhiên, như vậy mới có công phúc trước mặt Chúa. Nếu chúng ta chỉ chào hỏi người anh em, cho vay để lấy lời và mong đòi được nợ ,thì chúng ta cư xử có khác gì người ngoại giáo đâu?

12/ Một cách để tiêu diệt kẻ thù chính là yêu thương họ, biến họ thành bạn. Chỉ có tình thương và lòng tha thứ mới tiêu diệt được kẻ thù //  thay vì tiêu diệt kẻ thù, ta hãy tiêu diệt tính thù hận trong cõi lòng mình.

Cầu nguyệnLạy Chúa, chỉ có một thứ kẻ thù mà chúng con có quyền ghét bỏ, đó là ma quỷ và tội lỗi. Xin Chúa thương con và giúp con yêu thương tất cả mọi người chung quanh như lời Chúa đã dạy . Amen.

 

Thứ tư, 21/06/2017

Đề tài: THÓI QUEN TỰ THƯỞNG

Thánh Luy Gônzaga – Tu sĩ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 6,1-6;16-18)

1 "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. 5 "Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.  6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16 "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

SUY NIỆM:

1/ Người Pháp có kể một câu chuyện về truyền thuyết ông già Noel: Một thanh niên có tên là Nicolas, một đêm kia khi anh đi ngang qua một gia đình nghèo trong xóm, anh nghe tiếng người mẹ và đứa con gái khóc, vì họ quá nghèo nên không có tiền làm đám cưới cho con. Nicolas lặng lẽ về nhà lấy túi tiền ném vào cái bàn của gia đình ấy qua khung cửa sổ. Nhờ có số tiền đó nên gia đình đã tổ chức đám cưới cho con mình.

2/ Hôm nay Chúa dạy: Làm phúc bố thí cho người nghèo là một việc quá cần thiết để nên Thánh. Nhưng chúng ta phải làm vì mục đích gì ? Nếu chúng ta đã tự thưởng bằng cách phô trương cho người đời biết để họ khen chúng ta, thì lúc đó Chúa sẽ không thưởng nữa, vì Ngài là Thiên Chúa hay ghen.

3/ Chúa dạy ta: Làm việc bác ái là việc tốt, nhưng nó sẽ không mang lại lợi ích nào nếu chúng ta làm với ý khoe khoang, chỉ tìm tiếng khen, tìm danh tiếng cho bản thân.

4/ Con người chỉ là một cây bút chì trong bàn tay của họa sĩ là Thiên Chúa. Cũng như qua các việc phúc đức, chúng ta trở thành công cụ để làm vinh danh Chúa.

5/ Bởi thế khi chúng ta làm được việc gì tốt, chúng ta hãy tin rằng Chúa thấu biết tất cả. Điều cần thiết là chúng ta phải làm với tính cách khiêm tốn và âm thầm.

6/ Chúa căn dặn chúng ta phải có ý hướng ngay lành khi làm việc lành phúc đức.Chúa bảo đừng làm theo cách của bọn giả hình, điều Chúa muốn nói đây là cách sống đạo của người Phariseu qua 3 thí dụ đó là: Bố thí, cầu nguyện và ăn chay.

7/  Cả 3 việc này là những việc tốt, rất đáng khen thưởng. Nhưng nếu làm chỉ để cho người khác biết mình là người đạo đức, để cho người ta khen mình thì nó trở thành không tốt.

8/ Người Phariseu thường làm 3 việc này để lãnh tiếng khen. Cũng vì họ được người ta khen rồi nên Chúa bảo: Họ đã lãnh công rồi. Chúa sẽ không trả công cho họ nữa.

9/ Chúa bảo chúng ta đừng làm cho người ta khen, chỉ cần một mình Chúa biết là đủ.Cho dù chúng ta có dấu kín, có âm thầm, không ai hay, không ai biết, nhưng chắc chắn Chúa thấy, Chúa biết và Chúa sẽ thưởng công.

10/ Tâm lý chung: Khi chúng ta làm được một việc tốt, chúng ta rất thích, rất mong được người khác biết để người ta đề cao, khen ngợi. Nhưng Chúa bảo chúng ta không nên làm với ý hướng đó, mà phải làm với ý ngay lành.

11/ Nếu chúng ta  làm việc tốt mà có ý phô trường, khoe khoang, thì những việc đó tuy tốt nhưng lại không có công phúc trước mặt Chúa.

12/ Những việc nào chúng ta làm dù nhỏ nhưng ý chúng ta làm vì Chúa thì sẽ được Chúa ghi công. Còn những việc nào chúng ta làm để cầu danh, thì cho dù việc đó là việc lớn lao, cũng chẳng có công phúc gì trước mặt Chúa.

13/ Hãy xét lại xem chúng ta có mắc những lỗi lầm trên đây không? Hãy coi chừng vì nhiều khi chúng ta làm nhiều và tưởng rằng nó sẽ có nhiều công phúc, nhưng đến ngày phán xét chúng ta sẽ rất ngạc nhiên vì chẳng có công phúc bao nhiêu. Công phúc nhiều hay ít còn tùy thuộc vào cách chúng ta làm ở trần gian này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con làm mọi việc trên đời này chỉ vì lòng con yêu mến Chúa thôi . Amen.

 

Thứ năm, 22/06/2017

Đề tài: CẦU NGUYỆN LÀ LẼ SỐNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 6,7-15)

7 "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. 9 "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, 10 triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. 11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; 12 xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; 13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. 14 "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.

SUY NIỆM:

1/ Một tập sinh đến hỏi Cha giáo tập của mình: “Thưa Cha, đâu là điều kiện cần có để con có thể cầu nguyện sốt sắng”. Cha giáo liền trả lời ngắn gọn: “Khi trong lòng con tràn ngập yêu thương”. Nếu chúng ta đang giận ghét, bực tức ai thì khó lòng mà cầm trí cho được.

2/ Người Ki-tô hữu có hai cách cầu nguyện: Cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng. Chúa Giêsu và Giáo hội cũng muốn nhấn mạnh đến cách cầu nguyện chung, là cầu nguyện cộng đoàn.

3/ Câu trả lời cho ý kiến thắc mắc này khi chúng ta đọc lại bài Tin Mừng. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa không dùng tiếng “con” mà lại dùng tiếng “chúng con”, tiếng “chúng con” nói thay cho một cộng đoàn tín hữu đang cùng nhau cầu nguyện.

4/ Nếu tất cả các cộng đoàn tín hữu cùng nhau cầu nguyện thì toàn thể Giáo hội sẽ hòa vang lời chúc tụng, ngợi khen. Thiên Chúa cũng muốn mọi người tín hữu cùng đồng tâm nhất trí và hiệp thông với nhau trong bầu khí yêu thương khi cầu nguyện.

5/ Khi cộng đoàn cầu nguyện, chúng ta cần có một bầu khí yêu thương hiệp nhất, ngõ hầu lời cầu nguyện của chúng ta luôn được đẹp lòng Chúa.

6/ Trong bài Tin Mừng gồm có 3 phần: Phần thứ nhất, phải cầu xin cách kín đáo, không nên dài dòng vì Chúa dư biết chúng ta cần gì. Phần thứ hai: Chúa muốn chúng ta cầu xin những gì gồm tóm trong Kinh Lạy Cha. Phần thứ ba: Xin ơn tha thứ mà điều kiện để được ơn tha thứ chính là phải sẵn sàng tha thứ cho nhau.

7/ Kinh Lạy Cha do chính Chúa Giêsu dạy, và Chúa chỉ dạy duy nhất một Kinh này thôi. Nên chắc chắn đây là Kinh hoàn hảo và đầy đủ ý nghĩa nhất.

8/ Khi dạy Kinh này, Chúa Giêsu muốn chúng ta có những tâm tình và phải sống như thế nào cho đúng với địa vị là con cái Chúa. Cho đúng theo cách gọi là Cha và cho đúng với tâm tình là anh chị em với nhau.

9/ Cũng qua Kinh này, Chúa muốn dạy chúng ta phải xin thứ gì trước, thứ gì sau.Phân tích Kinh Lạy Cha ra, chúng ta thấy có 3 điều ước và 4 điều xin.

10/ Về lời mở đầu: Chúa dạy chúng ta phải kêu lên cùng Thiên Chúa là Cha chúng ta, đây là một điều kiện tự nhiên khi ta muốn xin sự gì cùng ai.

11/ Tiếp đến là 3 lời ước nguyện: Chúng ta ước mong cho nước Cha ngày càng mở rộng, mọi người đều nhận biết Cha và làm theo đúng ý Cha, sau đó chúng ta cầu xin cho những nhu cầu phần xác cũng như phần hồn.

12/ Kinh Lạy Cha là mẫu Kinh quan trọng và hoàn hảo nhất. Nên chúng ta phải yêu mến và siêng năng đọc hơn hết. Thánh Augustino nói: Ta đọc những Kinh khác mà không đọc Kinh Lạy Cha là vẫn còn thiếu, cho nên chỉ cần đọc Kinh Lạy Cha thì cũng đủ rồi.

13/ Điều cần thiết là: Khi ta đọc Kinh Lạy Cha, hãy hướng tâm tình con thảo lên Cha mình, đó là ý Chúa Giêsu muốn, là tâm tình con cái đối với Cha mình, và tâm tình anh chị em với nhau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi con đi cầu nguyện chung, xin cho con luôn đặt hết tâm tình yêu mến Chúa và yêu thương tất cả anh chị em của chúng con, để lời cầu nguyện của chúng con xứng đáng được Chúa chấp nhậm . Amen.

 

Thứ sáu, 23/06/2017

Đề tài: KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mattheu (Mt 11,25-30)

25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. 27 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. 28 "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."

 

SUY NIỆM:

1/ Trái tim là nơi phát xuất mọi suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của con người. Mọi dấu chỉ bên ngoài là sự biểu lộ tâm tình ẩn dấu bên trong.

2/ Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ cách cụ thể qua Đức Giêsu, để những ai tin và đón nhận sẽ trở nên Một với Đức Giêsu, sau đó họ sẽ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa.

3/ Yêu Chúa là trung thành bước theo Chúa trong cả những khó khăn thử thách. Yêu cũng là hy vọng. Tình yêu của Thiên Chúa luôn quảng đại, vượt qua mọi tính toán, đo lường của con người.

4/ Tất cả cốt lõi của Đạo Công Giáo được gom tóm trong một quả tim (Mt 11,25-30), bởi lẽ Thiên Chúa là tình yêu. Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, một người lính đã lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra (Yn 19,34). Hình ảnh Chúa Giêsu trên thập giá với trái tim bị đâm thâu, là đỉnh cao của tình yêu được tỏ bày. Nước và máu chảy ra, từ đó nguồn mạch tình yêu được khai sinh.

5/ Trong suốt cuộc đời, cả khi hấp hối trên thập giá, Đức Giêsu yêu mến từng người và mọi người chúng ta. Người đã hiến mạng sống cho mỗi người chúng ta, Người đã yêu chúng ta bằng con tim nhân loại. Do đó, trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta, được coi là dấu chỉ và biểu tượng tuyệt vời của tình yêu mà Chúa Giêsu không ngừng dâng lên cho Chúa Cha.

6/ Lễ Thánh tâm Chúa được thiết lập từ cuộc hiện ra của Chúa Giêsu cho Thánh nữ Margarita Maria Alacoque vào những năm cuối thế kỷ XVII, vào năm 1899 Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII chính thức lập Lễ  Thánh Tâm Chúa Giêsu cho toàn thể Giáo hội.

7/ Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với Thánh Nữ và tỏ cho Thánh Nữ biết: Chúa đã yêu thương loài người đến mức nào?. Chúa nói với Thánh Nữ: “Nầy là Trái Tim đã yêu thương loài người đến nỗi không còn tiếc gì với họ”

8/ Tôn thờ Thánh Tâm là nòng cốt của Đức Tin Công Giáo. Hai Đức Giáo Hoàng Piô XI và Piô XII đã nói: Tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu là điều cốt yếu của đạo chúng ta. Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã dâng hiến toàn thể nhân loại cho Thánh Tâm Chúa. Vì tình yêu phát xuất từ trái tim Chúa là tình yêu Thánh hóa và cứu độ. Nhờ đó chúng ta được ơn hoán cải và sống bé nhỏ trong tình yêu trái tim Chúa.

9/ Ở Paray Le Monial bên Pháp, Chúa Giêsu đã tỏ trái tim cho Thánh Nữ Margarita và dạy phải làm việc đền tạ đầu tháng (Thứ sáu đầu tháng).

10/ Một trái tim bằng thịt, không phải bằng kim loại, được đặt vào bên trong lồng ngực nhờ các xương sườn che chắn, nên rất dễ bị tổn thương. Thiên Chúa biết tôi mỏng giòn, như chiếc bình sành dễ vỡ nên Người rất yêu thương tôi, Người luôn bao bọc tôi bằng ân sủng của Ngài. Tình yêu của Thiên Chúa khiến tôi luôn tự hỏi: “Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm”.

11/ Trái tim là nguồn phát máu đi nuôi cơ thể; khi trái tim ngừng đập, lúc ấy con người không còn sự sống. Trái tim làm việc cật lực để cung cấp máu, không hề ngưng nghỉ một giây phút nào. Từ khi con người sinh ra đến lúc chết, tính ta mỗi phút trái tim chuyển được 10 lít máu, mỗi giờ 600 lít máu, mỗi ngày 14.000 lít máu, một năm 5.110.000 lít. Nếu ai sống đến 60 tuổi thì trái tim đã làm việc để chuyển đi 30 triệu lít máu. Mỗi ngày tim đập được 100.000 lần, nó có một sức mạnh có thể nâng được một toa xe lửa nặng 45 tấn lên cao 1 mét.

12/ Trái tim con người là để yêu thương, chứ không phải để phát sinh động lực để thù ghét. Chúa muốn chúng ta theo gương Chúa, hiền lành, khiêm nhường và yêu thương.

Cầu nguyện: Lạy trái tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin uốn lòng chúng con nên giống như rất Thánh Trái Tim Chúa.

 

 

Thứ bảy, 24/06/2017

Đề tài: LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Tin Mừng Chúa Giê-su KI-tô Theo Thánh Luca (Lc 1,57-66.80)

57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai.58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. Ông Gio-an Tẩy Giả chịu phép cắt bì 59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: "Không, phải đặt tên cháu là Gio-an."61 Họ bảo bà: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả." 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gio-an." Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? " Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

80 Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.

SUY NIỆM:

1/ Lịch sử lễ mừng sinh nhật: Từ thế kỷ thứ 4, Giáo hội La Mã và Đông Phương đều mừng lễ sinh nhật Gioan Tẩy Giả vào tháng sáu, tức là sáu tháng trước lễ Chúa Giêsu giáng sinh. Gioan Tẩy Giả là Gioan Tiền Hô, người đi trước dọn đường cho Chúa cứu thế, trong hàng ngũ các Thánh, chỉ mình Thánh Gioan có lễ kính vào ngày sinh nhật.

2/ Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả: Cuộc đời Thánh Gioan gắn liền với cuộc đời ngôi hai Thiên Chúa. Gioan là tiếng kêu dọn đường, Gioan nhắc lại lời Thiên Chúa hứa còn Chúa Giêsu làm cho hoàn thành lời hứa đó. Gioan rao giảng sự thống hối còn Chúa Giêsu là đấng tha tội và lập bí tích giải tội. Gioan dọn đường, còn Chúa Giêsu chính là con đường.

3/ Sự khác thường của Thánh Gioan Tẩy Giả: Sự thụ thai của hai con trẻ cùng được tiên báo bởi một sứ thần Gabirie. Cả hai cùng được sinh ra bởi hai người nữ mà đáng lẽ không thể có con. Bà Elizabet thì đã quá già, còn Mẹ Maria thì đã khấn trọn đời đồng trinh, không biết đến người nam. Cả hai còn trẻ cùng được trao nhiệm vụ khi còn ở trong bụng mẹ, Gioan là tiền hô và Chúa Giêsu chính là đấng cứu thế, Gioan chết vì nhiệm vụ còn Chúa Giêsu thì chết vì tội của người khác.

4/ Đức Giêsu cần Gioan để làm gì? Chúa Giêsu cần Gioan loan báo trước, trong khi Gioan lại cần cha mình là ông Giacaria để xác nhận nhiệm vụ mà Chúa trao phó cho mình. Đức Mẹ cần đi thăm viếng để hài nhi Gioan giới thiệu hài nhi Giêsu trong cung lòng bà mẹ được chúc phúc, Gioan cần Chúa Giêsu tha tội nguyên tổ cho mình khi đang con là một thai nhi.

5/ Tính cách thứ nhất của Gioan khi làm xong nhiệm vụ giới thiệu: Gioan là một ngôn sứ làm phép rửa, vì thế ông có biệt danh là Gioan Tẩy Giả. Ông rao giảng giới thiệu Chúa Ki-tô đến với mọi người, sau khi xong nhiệm vụ giới thiệu, ông đã tránh sang một bên để Chúa trực tiếp gặp gỡ với mọi người.

6/ Tính cánh thứ hai là khiêm nhường trước Chúa cứu thế nhưng rất cương quyết với những gương xấu công khai: Sau khi làm phép rửa cho Chúa Giêsu tại sông Yodan, chính mắt ông nhìn thấy Thánh Linh hiện xuống trên đầu Chúa con và ông cũng nghe tiếng phán xác nhận tư cách người Con : “Đây là Con ta yêu dấu, hãy nghe lời Ngài”, và ông đã giới thiệu Chúa cho dân chúng: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, Ngài đến sau tôi nhưng lại có trước tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài” (Yn 1,15). Ông cũng chỉ cho các Môn đệ của mình: “Đây là Đấng thiên sai”, lần khác ông tuyên bố:“Ngài phải lớn lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Yn 3,30). Sau cùng ông cương quyết không nhượng bộ hành động loạn luân của vua Herode, cho dù việc đó đã dẫn ông tới cái chết (Lc 3,19).

7/ Tính cách thứ ba: Khi có những bối rối về Đức Tin, ông đã xin Chúa chỉ dạy: Gioan sinh ra bởi một cặp vợ chồng già, đây là sự lạ, cha bị câm trong suốt thời gian mẹ mình mang thai, sự lạ, nhảy mừng trong lòng mẹ khi được hài nhi Giêsu ghé thăm, một chuyện lạ. Lớn lên, ông được tràn đầy Chúa Thánh Thần, ông được chứng kiến sự xuất hiện của thần khí qua biến cố phép rửa cho Chúa Giêsu tại sông Yodan, đây là sự xuất hiện của Chúa Ba Ngôi, đây là chuyện lạ. Có quá nhiều chuyện lạ trong đời ông nhưng không vì thế mà không có những bối rối, trăn trở về Đức Tin. Nếu đúng như lời tiên tri Isaia nói trong sách Isaia 61,1-2, thì Chúa đến để lập lại trật tự, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm và ngày phóng thích cho những tù nhân. Thế nhưng sao Đấng Messia đến rồi mà các việc kia không xảy ra và ông vẫn đang bị cầm tù, nếu gặp người khác thì họ đã la làng lên, nhưng với Gioan, ân sủng của Thiên Chúa đang ở trong ông ngập tràn và mạnh mẽ, thay vì chống đối, nghi ngời thì ông chỉ sai Môn Đệ đến để xin Chúa giải thích, chỉ dẫn. Sau đó ông đã tin tưởng và tuân phục: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”, ông đã hớn hở vui mừng khi các Môn Đệ của mình đi theo Chúa hết, dân chúng cũng lần lượt rời bỏ ông. Ông là người thật đáng khâm phục.

8/ Suy nghĩ thứ nhất về Gioan Tẩy Giả: Sau khi chịu phép rửa tội, chúng ta phải làm chứng cho Chúa Ki-tô, nói sự thật và sống theo sự thật. Cho dù sự thật đó có thể làm cho ta mất mạng sống, Thánh Gioan cố gắng giúp cho Herode sống tốt hơn, vì ông cho rằng: Một vị vua như Herode thì không thể thiếu phụ nữ đến độ phải đoạt vợ của anh mình, nhưng Gioan đã chết dưới bàn tay độc ác của Herodiade.

9/ Suy nghĩ thứ hai: Ki-tô hữu cần sống khiêm nhường: Chúa phải lớn lên còn cái tôi phải bị hạ xuống. Sau khi ông giới thiêu Chúa cho dân chúng rồi ông không nên xuất hiện nữa để mà cướp công. Chúng ta đã gieo rồi thì để cho ai gặt tùy ý, đừng thắc mắc, đừng quay lại, đừng kể công để mà mất công phúc.

10/ Trong đời sống đức tin: Chúng ta có thể đặt câu hỏi, thắc mắc nghi ngờ nhưng đừng mất lòng tin, mất lòng trông cậy; hãy phó thác nơi Chúa, hãy tin tưởng nơi các Đấng bề trên, chờ đợi và lắng nghe lời giải thích của giáo hội. Chúng ta không nên bạ đâu tin đó, hoặc gặp cái gì khó hiểu cũng đòi phải chứng minh, niềm tin vào Chúa Ba Ngôi luôn là một bí nhiệm nên Chúa chỉ có thể giải thích cho những ai có lòng tin và lòng trông cậy yêu mến và tuân phục Chúa thì mới hiểu được về cách xử sự này, chúng ta cần học nơi Thánh Gioan Tẩy Giả.

11/ Cuộc sống của Gioan Tẩy Giả có sướng lắm không? Chúng ta cứ tưởng tượng xem, Gioan Tẩy Giả đi vào trong hoang địa có giống như chúng ta đi picnic không? Áo da thú chỉ dành cho người giàu có, nổi tiếng vì thứ này quá đắt tiền, ăn châu chấu và uống mật ong rừng, đây là hai thứ chỉ có ở trong các nhà hàng đặc sản, mật ong rừng 500-600 ngàn đồng một lít. Nhiều người thời nay cho rằng sống như vậy là quá vương giả. Thật sự tấm da thú vào thời đó thối và cứng lắm, ở nơi hoang địa thì ban ngày cực nóng, ban đêm cực lạnh, châu chấu đâu phải lúc nào cũng có, mà châu chấu khô thì chỉ là món đỡ đói cho người dân nghèo, mật ong đâu phải lúc nào cũng có, trong hoang địa thì làm gì có tủ lạnh, làm gì có chai lọ để tích trữ để dành. Hơn nữa, Gioan vào hoang địa là để ăn chay cầu nguyện chứ đâu phải để ăn sang mặc đẹp cho ai ngắm? có thể ăn được một bữa no thì có hàng trăm bữa đói, sống như vậy là khắc khổ, là khổ tu, là một vị thánh tu rừng, chỉ có sống như vậy mới làm tiền hô, mới gặp được Chúa nên dễ gì ai bắt chước cho được? Gioan sống như vậy là để dạy chúng ta cần phải loại trừ tội lỗi, tiêu diệt cái dục vọng, dâm ô. Sống như vậy là để chay tịnh, sám hối mà thôi, chúng ta hãy cùng nài xin Thánh Gioan trợ giúp.

Cầu nguyệnLạy Chúa, trong ngày mừng lễ sinh nhật Gioan Tẩy Giả, con cảm tạ Chúa vì yêu thương, an bài và sắp đặt Ngài như món quà tặng và làm tấm gương soi cho con và cho mọi người. Xin nhờ vào lời chuyển cầu của Thánh Gioan, xin Chúa ban cho các anh chị em đang khao khát được làm mẹ, được thỏa lòng ước mong. Xin Cho các cháu bé đã và sẽ được sinh ra được tràn đầy sức mạnh và tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con biết noi gương thánh nhân luôn hy sinh, khiêm nhường và hăng sai trong sứ vụ loan báo tin mừng mà Chúa đã yêu thương ban tặng và mời gọi chúng con hãy đến nhận lãnh, chúng con cầu xin nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gioan. Amen.

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1750
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  6
 Hôm nay:  1087
 Hôm qua:  3790
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11414710
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top