Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 19 (TN A)

Thứ hai, ngày 11/08/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Matthêu (Mt 17,22-27)

Đề tài: Trả thuế Đền Thờ?

22 Khi thầy trò tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, 23 họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy." Các môn đệ buồn phiền lắm. 24 Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền Thờ đến hỏi ông Phê-rô: "Thầy các ông không nộp thuế sao?" 25 Ông đáp: "Có chứ!" Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: "Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?" 26 Ông Phê-rô đáp: "Thưa, người ngoài." Đức Giê-su liền bảo: "Vậy thì con cái được miễn. 27 Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh."

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Khi Chúa tiên báo cuộc thương khó lần thứ hai, Phê-rô đã can ngăn Người. Bởi loài người chúng ta luôn có cái nhìn trần tục và cho rằng con người luôn yếu đuối.

2/ Đối với cái nhìn của Thiên Chúa thì ngược lại: Sự yếu đuối trở nên mạnh mẽ, trong ánh nhìn của Thiên Chúa, chúng ta luôn nhìn thấy sự hy vọng, lạc quan chiến thắng, vinh quang.

3/ Trong cả 3 lần loan báo sự thương khó, các Môn đệ đều bộc lộ sự kém tin của mình. Lời tiên báo lần đầu (Mt 16,21-23) => Phê-rô can ngăn vì ông chưa hiểu gì về Chúa. Sau lời tiên báo thứ hai (Mt 20,17-28), các Môn đệ lại cũng hiểu sai nên các ông tranh nhau địa vị.

4/ Chúa Yesus không đến thế gian để cất đi sự đau khổ, nhưng Ngài vui vẻ đón nhận sự đau khổ để đi vào cõi chết như phương thế để lãnh nhận ơn cứu độ, vì đau khổ chính là con đường mà các ông phải đi.

5/ Người Do Thái hằng năm phải nộp thuế, là thứ thuế dành cho việc phụng tự, bảo trì đền thờ.

6/ Vì lý do Thánh vụ nên Chúa nói với Phê-rô: "Con cái ở trong nhà được miễn". => Khi nói như thế, Ngài có ý nhắc khéo bọn họ rằng, Ngài là con Thiên Chúa nên Ngài phải được miễn.

7/ Ý Chúa muốn nói rằng: Trong phạm vi bản tính Thiên Chúa thì Ngài không phải nộp thuế mà đúng ra Ngài chính là người được đứng ra nhận thuế.

8/ Nhưng trên phạm vi con người, thì Ngài cũng là một công dân thuộc một dân tộc, nên Ngài có bổn phận phải tuân theo Luật Moisen và phải đóng thuế như bất kỳ ai.

9/ Chúng ta thấy Chúa đóng thuế bằng một phép lạ: Người thu thuế hỏi Phê-rô chứ không hỏi Chúa, nhưng sau khi về nhà thì Chúa lại hỏi Phê-rô về việc nộp thuế, hơn nữa Phê-rô chỉ câu một con cá là đủ tiền nộp thuế, mà tiền ấy ở nơi miệng con cá chứ không phải do bán cá mà có tiền, rõ ràng đây là phép lạ.

10/ Như vậy việc Chúa nộp thuế là nộp trên lĩnh vực một tín hữu, một công dân, nộp vì vâng lời, nộp để làm gương sáng.

11/ Làm một con người sống ở trên đời, chúng ta có bổn phận với Chúa, với bản thân, với gia đình và với tha nhân, đóng thuế là một bổn phận đối với nhau, bởi nhà nước dùng tiền ấy để lo cho công ích.

12/ Moi thứ xem ra chính đáng, hợp lý, buộc chúng ta phải vui vẻ thi hành. Chúa Yesus đã làm gương cho chúng ta về việc này, chúng ta đừng nên làm khác đi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, những điều Chúa nghĩ, chúa nói, Chúa làm, đều trở nên gương mẫu cho chúng con noi gương bắt chước. Xin Chúa giúp chúng con biết chu toàn bổn phận nhất là phải sống tốt đạo đẹp đời. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Đền Thờ mà Chúa Giêsu và Phêrô phải đóng thuế hôm nay cũng là Đền Thờ Jerusalem mà tiên tri Êzêkiel đề cập tới trong Bài đọc I. Có rất nhiều chi phí cho Đền Thờ: lễ hy sinh sáng chiều qua việc sát tế con chiên một tuổi, rượu, bột, và dầu ôliu. Những thứ này sau khi dâng sẽ là thức ăn nuôi hàng tư tế, ngòai ra còn phải mua dụng cụ, hương lửa, và quần áo cần cho việc tế lễ. Sách Xuất Hành (Exo 30:13) ấn định: Tất cả các đàn ông Do Thái, 20 tuổi trở nên, phải đóng góp vào thuế Đền Thờ mỗi năm ½ shekel (khỏang lương của 2 ngày làm việc). Phương pháp trả tiền được ấn định như sau: Mỗi năm vào tháng Ba (Adar), người có trách nhiệm trong các làng mạc sẽ ra thông cáo cho biết thời gian phải trả thuế Đền Thờ đã đến và các quầy đóng thuế sẽ được đặt các nơi để thâu nhận thuế. Nếu ai không trả thuế trước ngày 25 của tháng này, họ sẽ phải lên Jerusalem để trả.

Nhà của Phêrô rất gần Hội đường Capernaum, nên không lạ khi những người thu thuế cho Đền Thờ đến hỏi ông Phêrô: "Thầy các ông không nộp thuế sao?" Ông đáp: "Có chứ!" Những người thu thuế có thể hỏi vì thói quen nhưng cũng có thể hỏi để lấy cớ tố cáo Chúa Giêsu nếu Ngài không chịu đóng thuế.

Vừa về tới nhà, Đức Giêsu hỏi ông trước: "Anh Simôn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?" Ông Phêrô đáp: "Thưa, người ngoài."

Hai lý do thật rõ ràng Chúa Giêsu có thể dùng để miễn trừ đóng thuế: Thiên Chúa là Cha Ngài, và Đền Thờ là nơi ngự của Thiên Chúa, là nhà Cha của Ngài (Lk 2:49).

Chúa Giêsu liền bảo: "Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh." Nhiều nhà chú giải đặt câu hỏi cho phép lạ này vì lý do nó quá nhỏ đế cần làm phép lạ. Phần đông cho rằng nó chỉ là một kiểu nói của người Do Thái. Chúa bảo Thánh Phêrô: Hãy mang lưới ra biển và thả lưới bắt cá để lấy tiền trả thuế Đền Thờ cho Thầy và anh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Đền Thờ là nơi Chúa ở với con người, và vì thế cần bảo trì xứng đáng.

- Để bảo trì cần giáo dân phải đóng góp. Rất nhiều giáo dân đã quên bổn phận này hay đóng góp chưa đủ.

- Là người lãnh đạo, Chúa được hưởng đặc quyền miễn trừ; nhưng vì không muốn làm gương mù cho người khác, Ngài bảo Phêrô hãy chu tòan việc đóng thuế Đền Thờ.

Thứ ba, ngày 12/08/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Matthêu (Mt 18:1-5, 10, 12-14)

Đề tài: Điều kiện vào Nước Trời.

1 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?" 2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông  3 và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 4 Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. 5 Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. 10 “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” 12 “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? 13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Trong đời sống con người luôn có hai lựa chọn: Một là sống hạnh phúc, hai là sống bất hạnh. Dĩ nhiên ai cũng muốn được hạnh phúc, nhưng điều kiện để được hạnh phúc đó là: Phải sống đơn sơ, đừng quá mưu tính, quanh co, lẽo lự, là cho trí óc luôn căng thẳng mệt mỏi.

2/ Con nít thì đầu óc lúc nào cũng đơn sơ, vô tư, hạnh phúc. Ban ngày thì sống bằng những ước mơ, ban đêm đi vào giấc ngủ cũng chỉ là những mơ ước.

3/ Chúa bảo muốn vào được nước trời thì phải trở nên như trẻ thơ, thì được kể là lớn trong Nước Trời. Rõ ràng tiêu chuẩn Nước Trời khác hẳn với tiêu chuẩn thế gian.

4/ Thế gian luôn đề cao, luôn trân trọng những người giàu có, quyền thế, còn Chúa dạy các Môn đệ hãy trở nên những kẻ bé mọn, hãy trở nên giống Chúa.

5/ Chúa Yesus mời gọi chúng ta sống sao cho giống Chúa, để được trở nên con Thiên Chúa trong nước trời.

6/ Chúng ta nên hiểu rằng: Trở nên như trẻ nhỏ không phải là hóa kiếp hay hóa thân, hay phải tái sính theo lối suy nghĩ của Nicođêmô, nhưng là trở nên nhỏ bé về tinh thần, sống đơn sơ như trẻ nhỏ vốn trong trắng và sạch tội.

7/ Trẻ nhỏ như một cây non, chúng yếu đuối nên phải luôn trông cậy, nương tựa vào người khác, nương tựa vào cha mẹ, cha mẹ bảo sao chúng cũng tin, cũng nghe, tâm hồn trẻ nhỏ như tờ giấy trắng tinh, ai viết gì vào đó cũng được, nhưng hễ đã viết rồi rất khó xóa.

8/ Trẻ nhỏ rất dễ tin, chúng chỉ tin ở cha mẹ và cho rằng chỉ có cha mẹ mới thỏa mãn được mọi nhu cầu của chúng.

9/ Đó là thái độ Chúa muốn chúng ta phải có đối với Chúa, trước mặt Chúa chúng ta phải cảm thấy thật sự nhỏ bé, yếu đuối, bất lực và rất cần ơn trợ giúp của Chúa.

10/ Trẻ nhỏ thì hồn nhiên, ngây thơ, trong sạch, không quanh co, không lừa đảo, gian dối, không biết để bụng oán hờn, không thù hằn oán ghét, không mánh mung bon chen như người lớn.

11/ Trẻ nhỏ thích diễn tả mọi sự bằng tình thương, chúng chỉ tin vào người nào khi thấy người ấy yêu thương chúng. Muốn thuyết phục người khác bằng lời lẽ sẽ rất ít có hiệu quả, chỉ thành công khi kèm theo tình yêu thương, yêu thương là ngôn ngữ của trẻ thơ.

12/ Tình yêu thương là thứ ngôn ngữ chúng ta có thể giao tiếp với mọi người và cũng là cách để chúng ta được Chúa yêu thương và được Ngài nhận vào Nước Trời.

13/ Lý do tại sao Chúa bảo chúng ta hãy nên như trẻ nhỏ. Hãy tự hỏi mình: Tôi còn trẻ hay tôi đã già, có khi tuổi cao nhưng tâm hồn còn rất trẻ, cũng có người đã già khi tuổi mới 20. Nếu chúng ta luôn mưu mô xảo quyệt là chúng ta đã già, nếu chúng ta đơn sơ, hồn nhiên bao nhiêu là chúng ta còn rất trẻ, đó là tâm hồn đơn sơ, chân thật.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thà rằng con sống đơn sơ, khiêm tốn và giống như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời, còn hơn là sống già nua cằn cỗi, quỷ quyệt và chẳng bao giờ được vào Nước Trời. Xin Chúa ban cho chúng con một tâm hồn đơn so, bình an. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

2.1/ Khiêm nhường là điều kiện để được vào Nước Trời.

(1) Tham vọng của con người: Các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?" Các môn đệ hỏi câu hỏi này vì các ông đã quá quen với tiêu chuẩn và giá trị của thế gian: tiêu chuẩn của thế gian là địa vị, danh vọng, và quyền hành; người có giá trị là người có địa vị và quyền hành lớn nhất, chẳng hạn như vua hay một nguyên thủ của quốc gia. Có thể nói mục đích của các môn đệ khi theo Chúa lúc đầu là để được cùng thống trị với Chúa, khi Ngài khôi phục vương quốc Israel. Tham vọng này được chứng minh khi mẹ và hai anh em Giacôbê và Gioan đến xin Chúa cho một người ngồi bên phải và một người ngồi bên trái Chúa khi Ngài trị vì. Mười tông-đồ kia bất mãn với hai anh em về yêu cầu này.

(2) Điều kiện để được vào Nước Trời: Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ (paidíon) đến, đặt vào giữa các ông và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời." Hai tư tưởng chính Chúa Giêsu muốn các môn đệ hiểu ở đây: Thứ nhất, tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời hoàn toàn khác với tiêu chuẩn của thế gian. Thứ hai, để được vào Nước Trời, con người phải hạ mình và trở nên như một trẻ nhỏ.

2.2/ Người mục tử nhân lành: Vẫn trong chiều hướng dạy dỗ các môn đệ làm quen với tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời, Chúa Giêsu tiếp tục dạy các ông hai bài học:

(1) Đừng khinh thường kẻ bé mọn: "Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời."

Thế gian chú trọng đến những người có địa vị, quyền thế, và giầu có; Chúa dạy các môn đệ phải thương xót và săn sóc những kẻ bé mọn (mikros). Tĩnh từ Hy-lạp dùng như danh từ ở đây khác với danh từ dùng cho trẻ nhỏ ở trên (paidíon), tĩnh từ này được dùng để chỉ:

- những người có thân hình nhỏ bé: trẻ thơ, người lùn;

- những người không quan trọng, không có địa vị trong xã hội, người nghèo khó, thất học.

Người môn đệ của Đức Kitô phải biết đứng về phía những kẻ cô thân cô thế để bênh vực và giúp đỡ họ như những con cái của Thiên Chúa. Mỗi người này đều có một thiên thần hộ thủ để bênh vực cho họ trước Thiên Chúa. Ai khinh thường và làm hại họ, thiên thần sẽ tường thuật cho Thiên Chúa (x/c Tob 3:8-9, 12:12-14).

(2) Phải đi tìm con chiên lạc: Chúa tiếp tục dạy các môn đệ: "Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc."

Người của thế gian chú trọng đến đám đông để được phổ thông và nổi tiếng; họ không thể hiểu nổi tại sao lại bỏ 99 con chiên trên núi để đi tìm con chiên lạc. Thiên Chúa như một người cha yêu thương chú trọng đến từng cá nhân một, nhất là những con chiên bị lạc đường. Ngài biết từng con chiên, yêu thương từng con chiên, không thỏa mãn cho đến khi tìm được con chiên lạc, và chỉ vui mừng khi thấy tất cả chiên được qui tụ về một đàn dưới quyền của một Chúa chiên.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Nhà lãnh đạo thành công trước hết là người biết lắng nghe Lời Chúa, sau đó phải tìm mọi dịp để rao truyền và áp dụng những lời này trong cuộc sống để sinh ích cho mọi người.

- Trở nên như trẻ thơ không phải làm tất cả những gì chúng làm, nhưng biết khiêm nhường hạ mình trước mặt Thiên Chúa và tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Ngài.

- Nhà lãnh đạo theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa không phải là người đứng chỉ tay năm ngón, nhưng biết yêu thương và phục vụ mọi người, nhất là những người cô thân cô thế. 

Thứ tư, ngày 13/08/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 18:15-20)

Đề tài: Cách sửa lỗi cho nhau

15 "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. 18 "Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. 19 "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.

20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ."

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Trở nên hoàn thiện là mục đích cuối cùng của Ki-tô hữu. Qua bí tích rửa tội, mọi Ki-tô hữu đều được mời gọi nâng đỡ nhau để hoàn thiện mỗi ngày.

2/ Muốn hoàn thiện, cần phải nhìn thấy con người của mình và phải biết sửa lỗi cho nhau trong tình bác ái huynh đệ. Khi anh em phạm lỗi, bên cạnh việc khuyên nhủ, còn cần phải hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện để thúc đẩy tội nhân sớm ăn năn và trở về.

3/ Hiệp nhất trong lời cầu nguyện còn gia tăng tình yêu thương cộng đoàn,  hiệp nhất còn là dấu chỉ có sự hiện diện của Đức Ki-tô để biến đổi và thánh hóa cộng đoàn ngày một hoàn thiện hơn.

4/ Ở đời không có ai là người hoàn hảo, ai cũng có sai lầm thiếu sót, nên cần phải giúp nhau sống tốt bằng cách chỉ bảo nhau. Sửa lỗi là rất cần thiết, nhưng phải sửa như thế nào.

5/ Chúa Yesus hiểu rõ con người chúng ta yếu đuối, hay lầm lỗi, cần được sửa chữa. Nên Ngài dạy chúng ta một cách sửa chữa tế nhị, đó là khi muốn sửa lỗi ai, chúng ta phải làm từng bước như Chúa chỉ dạy thì mới mong có kết quả tốt đẹp.

6/ Trước hết là sự gặp gỡ riêng giữa hai người, chỉ 2 người thôi, chỉ ta và người sai lỗi, chỉ gặp gỡ nhau trong tình thân ái, kín đáo, chân thành nói chuyện với nhau. Sau khi gặp mà người sai lỗi vẫn còn tự ái, cố chấp, lúc đó có thể mời thêm một hai người khác làm chứng nhân và cùng góp ý. Nhiều người, nhiều bộ óc, cao kiến hơn, minh chứng lòng thành thật của chúng ta.

7/ Nếu vẫn chưa có kết quả, khi ấy mới đưa ra cộng đoàn, hay những vị có thẩm quyền để giải quyết. Chúng ta hãy nhớ cách thức sửa chữa mà Chúa đã chỉ dạy.

8/ Người có lỗi cũng như người giúp anh em mình sửa lỗi hãy nhớ: Ai phản đối, ai chê trách ta mà chê phải, trách đúng, đó là bậc thầy dạy ta không phải trả tiền thù lao.

9/ Người khen ta mà khen phải, đó là bạn; người chê ta mà chê đúng, đó là thầy. Người nịnh hót ta, đó là thù địch của ta, những người đối lập là thầy dạy ta.

10/ Việc giúp nhau sửa lỗi rất tốt, rất cần, nhưng chúng ta cần thực hiện điều đó theo ý hướng giúp nhau trở nên tốt. Chúng ta cần hết sức khéo léo, tế nhị đúng lúc, đúng nơi, đúng tình người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, biết mình, và luôn ý thức về thân phận tội lỗi của mình, để dễ dàng đón nhận những thiếu sót của anh em và chân thành giúp nhau sửa lỗi để chúng con mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

      Như chúng ta đã nhấn mạnh: mục đích của việc sửa lỗi là để đưa người anh em phạm lỗi trở về, chứ không phải vì tự ái, vì tức giận, hay bất kỳ lý do nào khác. Vì thế, việc sửa lỗi cần được làm hết sức khôn ngoan và tế nhị mới mong đạt được kết quả tốt đẹp. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra phương pháp sửa lỗi rất khôn ngoan với ba tiến trình tuần tự phải làm:

(1) Bước đầu tiên: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” Điều Chúa muốn mạnh trong bước đầu tiên này là giữa hai người mà thôi. Tại sao? Vì tâm lý con người rất phức tạp, họ không muốn tội của họ bị phơi bày trước đám đông, nhất là trước mặt những người có liên hệ mật thiết với họ. Vả lại bước này cũng cần cho việc bảo đảm sự công bằng, vì người vi phạm có cơ hội trình bày lý do và hoàn cảnh tại sao họ làm như thế.

(2) Bước thứ hai: “Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.” Nếu chuyện giữa hai người không thể giải quyết được thì cần thêm nhân chứng. Theo phong tục của Do Thái, lời chứng của 3 người trở lên là chứng thật. Để có thể chinh phục được người anh em, chúng ta cần khôn ngoan trong việc chọn các nhân chứng: cần chọn những người có thế giá và được sự kính trọng của người anh em phạm lỗi. Nếu không, kết quả sẽ không được như chúng ta mong muốn vì người anh em đó có thể cho chúng ta “bè cánh” để ức hiếp họ.

(3) Bước sau cùng: “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh (ekklesía)[1]. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” Nếu người anh em đó vẫn không chịu nghe lời các nhân chứng thì mang nó ra trước cộng đoàn. Mỗi cộng đoàn đều có hiến pháp, luật lệ và hình phạt cho những thành viên vi phạm. Hình phạt sau cùng là khai trừ họ ra khỏi cộng đoàn. Phúc Âm nói hãy coi họ như người Dân Ngoại (ngoài Do Thái) hay một người thu thuế (tội lỗi). Dĩ nhiên Phúc Âm ở đây không có ý so sánh với những người Dân Ngoại chưa có cơ hội biết Chúa và những người thu thuế chưa có cơ hội ăn năn trở lại.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Sửa lỗi là việc làm hết sức tế nhị, nhất là sửa lỗi cho những người bằng vai hoặc vai trên chúng ta. Vì thế, có nhiều người chủ trương xin hai chữ bình an vì không muốn mất thời gian, gánh chịu ghen ghét, và hậu quả không hay có thể sẽ đến. Nhưng như Lời Chúa hôm nay, sửa lỗi là một bổn phận để đưa người anh em tội lỗi trở về, chứ không phải là việc có thể không làm.

- Biết bao lần chúng ta đã sửa lỗi không vì mục đích “đưa họ trở về,” nhưng vì không kềm được tính nóng giận, để vạch lá tìm sâu… Hình phạt chỉ là bước sau cùng phải áp dụng trên người lầm lỗi sau khi đã áp dụng cả 3 bước này, và mục đích của hình phạt là để thanh tẩy chứ không để hủy hoại con người.

- Ba bước phải làm mà Chúa dạy hôm nay sẽ bảo đảm sự công bằng và tránh được các nỗi sợ về phương diện tâm lý.

Thứ năm, ngày 14/08/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 18:21-19:1)

Đề tài: Tha thứ cho nhau .

21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? " 22 Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." 23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết." 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao! " 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." 30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? " 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."

1 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Ga-li-lê và đi đến miền Giu-đê, bên kia sông Gio-đan.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Xin được tha thứ là hành động vĩ đại nhất của con người, nhưng chỉ xin tha thứ cho mình thôi chưa đủ, con người cần phải tha thứ cho người khác.

2/ Con đường nên giống với Đức Yesus sẽ rất gần, nếu chúng ta luôn biết tha thứ cho nhau.

3/ Thiên Chúa luôn thứ tha nên người Môn đệ Chúa phải học biết cách tha thứ, nhận ra bản thân mình yếu đuối và luôn tin tưởng vào lòng khoan dung của Chúa và học biết cách tha thứ cho nhau là đôi cánh giúp con người bay mau tới Thiên Chúa.

4/ Sửa lỗi cho nhau cũng quan hệ mật thiết đến việc tha thứ cho nhau. Vì vậy khi Chúa đề cập đến việc sửa lỗi thì Chúa cũng nói đến vấn đề tha thứ.

5/ Người Do Thái cũng được dạy là phải biết tha thứ cho nhau, nhưng các tôn sư không đồng ý với nhau là phải tha thứ đến lần thứ mấy thì thôi. Có ý kiến cho rằng, chỉ tha thứ đến lần thứ bốn, Việt Nam thì nói: "Bất quá tam", đến lần thứ tư thì coi như vượt mức.

6/ Phê-rô thắc mắc nên hỏi Chúa, Chúa Yesus cho biết phải tha thứ luôn luôn, mãi mãi. Chúa Yesus đã cắt nghĩa rõ ràng qua Dụ Ngôn 2 con nợ, chúng ta mắc lỗi với Chúa nhiều nhưng Chúa tha hết, trong khi anh em chỉ mắc lỗi với chúng ta ít thôi, không đáng so với lỗi ta mắc với Chúa. Thế mà chúng ta cố chấp, ti tiện, không tha thứ.

7/ Điều kiện để được Chúa tha thứ là chúng ta phải biết tha thứ cho anh em, nếu chúng ta không tha thứ cho anh em thì đừng mong Chúa tha thứ cho chúng ta.

8/ Tính cách của Đạo chúng ta là tha thứ để được tha thứ, phải biết thương xót người khác để đáng được Chúa thương xót, đó cũng là điều kiện mà chúng ta cam kết trong Kinh Lạy Cha.

9/ Đó là giao kèo mà chúng ta đã ký kết với Chúa, đó cũng là mẫu mực mà chúng ta cần nhìn vào đó để thi hành. Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta theo mức độ mà chúng ra đã tha thứ cho kẻ khác, chúng ta tha ít hay nhiều thì Thiên Chúa cũng tha cho ta ít hay nhiều.

10/ Ai trong chúng ta cũng có nhiều sai sót, tật xấu, khuyết điểm. Chúng ta luôn muốn Chúa tha thứ và mọi người thông cảm cho chúng ta, chúng ta hãy đối xử với người khác như thế.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con có được sức mạnh của tình yêu Chúa, để chúng con biết vượt lên những ích kỷ, xấu xa của bản thân, hầu chúng con có thể dễ dàng tha thứ khi bị người khác xúc phạm con. Amen. 

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

 2.1/ Phải tha thứ bao nhiêu lần? Chúng ta phải biết ơn sự mau miệng và tính thành thật của Phêrô, vì nhờ thánh nhân mà chúng ta có được sự giảng giải rõ ràng của Chúa Giêsu về một vấn đề hết sức tế nhị và rất khó thi hành. Phải tha thứ bao nhiêu lần? Tục ngữ Việt-nam có câu “quá tang ba bận,” và phong tục của người Do-thái cũng thế “tối đa là 7 lần.” Phêrô lặp laại truyền thống lần khi hỏi Chúa: “Có phải là 7 lần chăng?” Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm cho Phêrô và chúng ta giật mình: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." Các nhà chú giải thường tranh luận “bảy mươi lần bảy là bao nhiêu lần?” Có người cho là 70*7= 490 lần; người khác cho là 707 hay 777, một con số rất to lớn. Điều quan trọng Chúa muốn nhấn mạnh nơi đây là bất cứ lúc nào anh chị em nói lời xin lỗi là chúng ta phải tha. Nhiều người đã lắc đầu và cho rằng: Nếu thánh trên bàn thờ còn phải nhảy xuống để can thiệp thì làm sao con người có thể tha thứ mãi, nhất là với những người cứ tái đi tái lại? Nhưng nếu chúng ta biết trở nên tốt là một tiến trình tập luyện lâu dài thì việc phải kiên nhẫn tha thứ là chuyện tất nhiên phải làm.

2.2/ Tại sao phải tha thứ? Thay vì đưa ra câu trả lời, Chúa kể một ví dụ rất rõ ràng và có thể giải quyết nhiều vấn nạn khác chung quanh vấn đề tha thứ. Người nói: “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết." Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.”

Sự tương phản giữ hai món nợ và cách xử cho ta thấy rõ sự ác độc của kẻ đã được tha thứ này. Số tiền anh được tha là mười ngàn yến vàng (tálanton) tương xứng với khỏang 4.8 triệu Mỹ-kim (một yến vàng giá 5000-6000 quan tiền) trong khi bạn anh chỉ nợ 100 quan tiền (khỏang 10 Mỹ-kim). Nếu so sánh giữa hai món nợ, số tiền bạn anh nợ chưa đáng số lẻ của món nợ anh được tha. Chúng ta hãy xem cách xử của anh với người bạn nợ: Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao!" Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.

Tại sao anh làm như thế? Vì anh nghĩ rằng sẽ không ai biết cách cư xử của anh, nhất là vị vua đã tha nợ cho anh. Nhưng tất cả những gì anh làm đã không giấu được các bạn của anh vì những người này có thể cũng là bạn với con nợ của anh. Họ buồn lắm và đến thuật lại cùng vị vua tất cả mọi điều xảy ra. Chúng ta thử tưởng tượng xem phản ứng của nhà vua sẽ ra sao khi biết được tin này: Vua đòi đầy tớ đến mà phán rằng: “Hỡi đầy tớ độc ác kia! Ta đã tha hết nợ cho ngươi vì ngươi cầu xin Ta; tại sao ngươi không thương xót đồng bạn ngươi như Ta đã thương ngươi?” Chủ nội giận, trao anh cho kẻ giữ ngục cho đến khi anh trả xong hết nợ.

Cũng vậy, trong mối tương quan của chúng ta với Chúa: Nếu chúng ta không chịu tha thứ những khuyết điểm nhỏ bé của anh em phạm đến chúng ta như kẻ bất lương hôm nay, làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ những tội lớn chúng ta đã xúc phạm đến Ngài? Vì thế, tha thứ không còn là chuyện có thể làm hay không làm, nhưng là một bổn phận phải làm kèm theo hình phạt nếu không làm như Chúa đã báo hôm nay: “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha Ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Một trong những lý do chính đưa đến ly dị và đổ vỡ trong gia đình hiện nay là rất nhiều người đã không thể tha thứ cho nhau. Tha thứ giúp chúng ta hàn gắn đổ vỡ và giúp gia đình được sống bình an.

- Để có thể tha thứ, chúng ta cần thường xuyên nhìn lại quá khứ và xét mình để nhận biết yếu đuối và tội lỗi của mình. Nếu mình không hoàn toàn, tại sao bắt người khác phải hoàn toàn? Vì thế, thường xuyên lãnh nhận bí-tích Hòa Giải trong gia đình là điều tối cần để giữ hạnh phúc của gia đình.

- Nếu không năng xét mình, con người dễ rơi vào chỗ kiêu ngạo, tự cho mình là công chính. Một khi họ cảm thấy bản thân tốt lành, họ sẽ dễ dàng xét tội và buộc tội tha nhân. 

Thứ sáu, ngày 15/08/2014 -Lễ Đức Mẹ Lên Trời

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Luca (Lk 1:39-56)

Đề tài: Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.

39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? 44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."

46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. 48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. 49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! 50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. 51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. 52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. 53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. 54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, 55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời." 56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Hôm nay, Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa được đưa về trời, là niềm an ủi, là hy vọng cho Dân Thánh.

2/ Thiên Chúa Cha không muốn người chịu cảnh hư nát trong mồ vì người đã hạ mình sinh con Cha yêu quý, là Đấng ban sự sống cho nhân loại.

3/ Đức Maria hồn xác lên trời là một ân ban cao trọng do lòng thương xót của Thiên Chúa. Bởi thiên chức Mẹ Thiên Chúa và "Đức Đồng Trinh trọn đời", Mẹ xứng đáng được thưởng đặc ân Hồn Xác lên trời.

4/ Chúng ta nhận thấy niềm tin của Giáo Hội vào mầu nhiệm này đã tiến triển dần dần cho đến khi Đức Giáo Hoàng Pi-ô 12 công bố là một tín điều vào ngày 01/11/1950.

5/ Dựa vào sử liệu quý giá đó, chúng ta có thể biết được niềm tin của Giáo Hội đối với tín điều này như sau:

     Theo dòng thời gian, Lễ Kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được gọi bằng nhiều tên khác nhau trong các sách Phụng Vụ:

a) Lễ An nghỉ => Lễ Đức Mẹ chết

b) Lễ chấm dứt => Đức Mẹ kết thúc cuộc sống ở trần gian.

c) Lễ Đức Mẹ vượt qua => Đức Mẹ vượt từ cuộc sống trần gian qua cuộc sống Nước Trời.

d) Lễ Mông Triệu => Lễ Đức Mẹ được Thiên Chúa đưa về Trời.

e) Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời cho tới chúng ta ngày nay.

6/ Trên đây là những tên gọi về Lễ Kính, còn Lễ này được chính thức bắt đầu từ năm 650 tại Rô-ma, do Đức Thánh Cha Thêôđôrê I thành lập.

7/ Giáo dân phấn khởi mừng Lễ này rất sốt sắng, vì Lễ này không những làm sáng danh Mẹ Maria mà còn nhắm đến một chân lý bảo đảm cho Giáo dân trong niềm tin vào cuộc sống bên kia thế giới. Tức là bảo đảm tín điều: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy.

8/ Bởi vì chẳng những người ta thấy Chúa Yesus mà cả Đức Mẹ cũng sống lại và lên trời cả hồn xác để mở cửa Thiên Đàng đón nhận tất cả con cái lần lượt lên sau.

9/ Đức Giáo Hoàng Sergio  thứ 8 cung nghinh ảnh tượng Đức Mẹ Hồn xác lên trời, được tổ chức tại nhiều nơi.

10/ Vào giữa thế kỷ thứ 9, Giáo dân mừng Lễ Kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời sốt sắng và long trọng. Đức Giáo Hoàng Lê-ô thứ 4, lập tuần bát nhật sau Lễ Đức Mẹ lên trời để ghi ơn Đức Mẹ đã cứu thành Rô-ma thoát khỏi 2 tai nạn khủng khiếp là hỏa hoạn và dịch tễ. Dịp này Ngài cũng công bố Luật cử hành ngày áp lễ và lễ vọng, và luật ăn chay ngày áp lễ. Ngày nay đã bỏ luật ăn chay ngày áp lễ và bỏ tuần bát nhật.

11/ Năm 1642 Đức Urbano 8 đã nâng Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời lên hàng Lễ buộc, luật này ngày nay không buộc nữa.

12/ Chính Thiên Chúa cũng đã làm một phép lạ lớn lao nơi mặt trời trước con mắt chiêm ngưỡng của Đức Giáo Hoàng Pi-ô 12, đó là mặt trời múa. Phép lạ này xảy ra liên tiếp 4 lần: trong ngày 30,31 tháng 10 và ngày 1-8/11/1950 để củng cố và ghi dấu biến cố quan trọng đã diễn ra ở Rô-ma, biến cố tuyên bố tín điều, coi như đã được Thiên Chúa xác nhận.

13/ Khát vọng con người là đạt đến hạnh phúc Nước Trời, nhưng Nước Trời là chân thật hay huyền ảo. Giáo hội Mừng Kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, chính là lời xác tín, là khát vọng vươn tới Thiên Chúa, là ước vọng lớn lao nhất của con người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đang sống đời hiện tại nhưng biết hướng lòng về hạnh phúc quê trời để mai sau được cùng Đức Mẹ chung hưởng vinh quang. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

3.1/ Làm theo thánh ý Thiên Chúa là lý do được Thiên Chúa chúc phúc.

(1) Chị họ Elisabeth nhận ra sự cao trọng của Mẹ Maria: Khi Mẹ Maria vào nhà ông Zachariah và chào hỏi bà Elisabeth, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà Elisabeth được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng." Người con bà Elisabeth đang cưu mang trong lòng là Gioan Tẩy Giả, hai thai nhi đã nhận ra nhau do Thánh Thần tác động; và Bà Elisabeth cũng nhận ra diễm phúc được làm Mẹ Thiên Chúa của Maria, người em họ mình.

(2) Lý do của sự cao trọng và được chúc phúc: Bà Elisabeth nhận ra lý do Maria được chúc phúc, và nói: "Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em." Con người được chúc phúc là vì niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa, chứ không vì bất cứ việc gì con người làm. Mẹ Maria tin vững mạnh nơi Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và Mẹ đã thưa lời "Xin Vâng" với sứ thần Gabriel.

3.2/ Khiêm nhường phục vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân: Theo sự quan phòng của Thiên Chúa, người tín hữu cao trọng là người biết khiêm nhường phục vụ tha nhân.

(1) Khiêm nhường phục vụ Thiên Chúa: Mẹ Maria biết nguồn gốc của sự cao trọng của Mẹ là nơi Thiên Chúa; Mẹ chỉ là nữ tỳ hèn hạ của Ngài. Vì thế, Mẹ Maria đáp trả lời khen ngợi của chị họ Elisabeth như sau: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!"

Ngược lại với cách đáp trả của Đức Mẹ, là cách con người kiêu hãnh nhận những gì Thiên Chúa và tha nhân đã làm cho, là của mình. Họ nghĩ vì họ có tài đức, hay có vận may, hay nhờ những cố gắng riêng, mà họ được như hiện tại. Bài kinh Magnificat là một thức tỉnh cho loại người này, họ phải biết khôn ngoan nhận ra và cư xử thích đáng trước khi quá muộn: "Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời."

(2) Khiêm nhường phục vụ tha nhân: Lòng yêu mến Thiên Chúa phải được bày tỏ qua những việc làm cụ thể cho tha nhân. Mẹ Maria đã chọn đi thăm viếng và ở lại phục vụ người chị họ mình ba tháng, vì Mẹ biết chị họ đã cao niên và son sẻ, dù Mẹ có thể chọn ở nhà để dưỡng thai. Người kiêu hãnh có thể nghĩ: chị họ phải đi thăm và phục vụ mình, vì mình là Mẹ của Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

Chúng ta cần sáng suốt để nhận định:

- Thiên Chúa là Đấng uy quyền và khôn ngoan: Ngài phác họa và điều khiển toàn bộ Kế Hoạch Cứu Độ cho con người qua sự vâng lời và khiêm nhường thực hiện của Đức Kitô.

- Mẹ Maria đã khôn ngoan nhận ra Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và khiêm nhường cộng tác để cung cấp cho Đức Kitô một thân xác, cần thiết cho Kế Hoạch Cứu Độ.

- Noi gương Mẹ, chúng ta cầu xin để chúng ta cũng nhận ra thánh ý Thiên Chúa, và khiêm nhường cộng tác để mưu cầu phần rỗi cho chúng ta và cho tha nhân. Đừng bao giờ rơi vào bẫy kiêu hãnh của ma quỉ để đánh cắp những ơn lành của Thiên Chúa và lạc xa đường cứu độ.

Thứ bảy, ngày 16/08/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 19:13-15)

Đề tài: Nước Trời và tình yêu không phân biệt .

13 Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. 14 Nhưng Đức Giê-su nói: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng." 15 Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Phụ nữ và trẻ em là những người thấp kém trong bậc thang xã hội Do Thái lúc bấy giờ, nhưng quan điểm của Chúa Yesus lại đi ngược với truyền thống đó. Chúa muốn tiếp xúc với mọi người bằng một tình yêu không phân biệt đẳng cấp.

2/ Chúa Yesus cũng muốn các Môn đệ dành cho mọi người bằng một tình yêu phổ quát dành cho tất cả, nhất là những kẻ bé mọn về thể lý cũng như tinh thần.

3/ Các Môn đệ khó chịu khi thấy người ta đem trẻ nhỏ đến với Chúa Yesus, các ông không muốn Chúa Yesus bị quấy rầy, một phần vì khi giảng xong thì Chúa cũng rất mệt, một phần vì các ông có não trạng coi thường các em bé, đầu óc của họ giống với bọn người Do Thái.

4/ Lời can thiệp của Chúa Yesus khiến cho mọi người bỡ ngỡ, giả như Chúa nói: Hãy sống giống như Đức Mẹ, như Thánh Yuse, như Yoan Tẩy Giả, như Phê-rô,…thì các con sẽ được vào nước trời, thì chắc là không có ai thắc mắc gì, nhưng đàng này Chúa Yesus lại nói: “Nước Trời thuộc về những ai như trẻ nhỏ”.

5/ Chúng ta có nhiều thắc mắc về trẻ nhỏ: Trẻ nhỏ thì tính tình chưa hoàn chỉnh, chúng có rất nhiều mặt chưa tốt, cần phải học hỏi để hoàn thiện như là thích chơi thích ăn, thích đùa giỡn.

6/ Chúa Yesus đã giải tỏa những thắc mắc của chúng ta, điều mà Chúa muốn chúng ta giống trẻ nhỏ ở chỗ: Chúng ta phải khiêm tốn, hạ mình xuống như trẻ nhỏ.

7/ Suy nghĩ thật kỹ, chúng ta thấy điều Chúa dạy rất chí lý, rất sâu sắc. Trẻ nhỏ nhận biết mình yếu kém, hèn mọn, bé nhỏ, thì chúng ta cũng phải biết nhìn nhận về mình như vậy. Trẻ nhỏ nhận ra mình cần phải học hỏi thêm, cần được uốn nắn, cần được giáo dục, thì chúng ta cũng nên nhận biết mình như vậy.

8/ Trẻ nhỏ nhận biết mình cần được tha thứ, cần được giúp đỡ, thì chúng ta cũng cần nhận ra bản thân mình giống như vậy.

9/ Hôm nay thứ bảy, chúng ta hãy nhìn về gương sống của Đức Mẹ, Đức Mẹ có một thái độ đơn sơ như trẻ nhỏ. Vì thế Đức Mẹ đã đón nhận được Đức Ki-tô. Thái độ phó thác của Mẹ ở trong hai tiếng xin vâng và với tâm tình khiêm tốn của Mẹ được nhận ra trong lời kinh Magnificat. Chính vì thái độ và tâm tình đơn sơ, khiêm tốn, phó thác mà Mẹ đã được phúc Thiên Đàng, được làm mẹ con Thiên Chúa.

10/ Chúng ta hãy học nơi Chúa: Hãy quan tâm, trân trọng, hãy để mắt đến những con người yếu đuối, hèn kém, bởi vì họ cũng là những chi thể đau yếu của Chúa, đồng thời chúng ta cũng hãy học nơi Mẹ tâm tình khiêm tốn, đơn sơ, phó thác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con phải có một tâm tình trong sạch, đơn sơ, khiêm tốn và phó thác vào Chúa như tâm tình của các em bé, để chúng con xứng đáng là đền thờ cao quý cho Chúa ngự. Amen.

Bài chia sẻ bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Tại sao các môn đệ la rầy trẻ nhỏ? Trẻ em thường ồn ào và chạy nhảy lung tung làm chia trí cuộc đàm thọai hay cần được nghỉ ngơi của người lớn. Các môn đệ thấy Thầy mình bận rộn tối ngày, hết giảng dạy rồi lại chữa bệnh, xuất hiện ở đâu cũng kéo theo một đám đông ồn ào chen lấn, nên các ông có lý do để la rầy và ngăn cản không cho chúng đến. Hiểu ý hướng tốt lành của họ nên Chúa Giêsu không trách các ông, Ngài chỉ nói: Cứ để trẻ em đến với Thầy! Đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng." Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.

Qua bài học này, Chúa Giêsu dạy cho những người lãnh đạo một bài học quan trọng để có thể đối đầu với đòi hỏi của đám đông. Khi chọn xuất hiện nơi công cộng là chọn để cho đám đông đến với mình, đừng khinh thường và trốn tránh họ vì sứ vụ và thành công của mình phần lớn cũng liên quan tới họ. Có những người sau khi đã nổi tiếng tìm cách bảo vệ mình và xa lánh đám đông nên họ cũng từ từ rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, Chúa cũng không dạy dành hết thời giờ cho đám đông mà quên đi việc nghỉ ngơi bồi dưỡng. Chúa đã từng nhắc nhở các môn đệ: “Các con hãy lui vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi” (Mk 6:31); hay Chúa bảo các ông xuống thuyền và chèo qua bờ bên kia trong khi Chúa giải tán đám đông đang muốn tuyên xưng Chúa làm vua cai trị họ (Mt 14:22). Và rất nhiều lần, Ngài đã bỏ đám đông và các môn đệ để lên núi cầu nguyện một mình (Mt 14:23, Lk 9:18, Jn 6:15). Chúa biết cách làm chủ thời gian và xử thế trong mọi trạng huống xảy ra cho Ngài.

Người lớn cần trở nên giống trẻ về phương diện nào? Chắc chắn Chúa không đòi chúng ta trở nên trẻ nhỏ về mọi phương diện vì chúng cũng có những điều cần phải học để trưởng thành hơn, nhưng một số các đặc tính của trẻ rất cần cho mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa như:

(1) Trẻ thơ tuyệt đối tin tưởng nơi cha mẹ chứ không nơi chúng hay người ngòai, chúng ta cũng phải tuyệt đối tin tưởng nơi Thiên Chúa chứ không nơi bất cứ quyền lực nào khác, ngay cả chính mình.

(2) Cha mẹ dạy sao nghe vậy, chúng chưa biết bướng bỉnh cãi lại; chúng ta cũng cần có thái độ như vậy khi tiếp cận các giới răn của Chúa, đừng lý sự để tìm cách biện minh cho các hành động sai trái của mình.

(3) Trẻ thơ cần gì xin đấy, hết rồi lại xin thêm, chúng không biết tích trữ phòng hờ; Chúa cũng đòi chúng ta như thế, lương thực này nào đủ cho ngày đó chứ không lo tích trữ cho cả một đời trong khi biết bao người cần có của ăn hằng ngày.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 - Mỗi người phải chịu trách nhiệm về các hành động và cuộc đời mình. Chúng ta đừng đổ tội cho tiền nhân cũng đừng tùy thuộc vào công đức của hậu thế.

- Chúng ta cần có một niềm tin vững vàng nơi Thiên Chúa như con trẻ tin vào cha mẹ chúng; đừng để những bon chen của cuộc sống làm chúng ta mất đi niềm tin này. 


Trở lại      In      Số lần xem: 2661
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  17
 Hôm nay:  4306
 Hôm qua:  2155
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11422140
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top