Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 21 (TN A)

Thứ hai, 25/08/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 23,13-22)

Đề tài: Sự giả hình 

13 "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào. 14 Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn. 15 "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người. 16 "Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: "Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc." 17 Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? 18 Các người còn nói: "Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc." 19 Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? 20 Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. 21 Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. 22 Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.

Bài chia sẻ cua Yuse Luca:

1/ Mahatma Gandhi, khi còn là sinh viên, ông thường rất mê đọc Kinh Thánh và xác tín rằng Ki-tô Giáo là giải pháp cho sự phân hóa giai cấp nghèo giàu sâu sắc tại Ấn Độ. Một ngày kia khi đến nhà thờ dự lễ, ông bị những Ki-tô hữu da trắng chặn lại và mời ông đến nhà thờ khác dành riêng cho người da đen. Ông đã đi ra và không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa!

2/ Chúa Yesus khiển trách các Kinh Sư và Pha-ri-sêu về tội giả hình, họ đòi người khác giữ đạo nhưng lại tìm mọi cách để miễn chước cho mình khỏi phải giữ luật đạo.

3/ Đây là vấn nạn của Giáo Hội công giáo hôm nay, nhiều người chỉ tìm kiếm lợi ích cho bản thân mình hơn là tìm kiếm cho vinh quang Thiên Chúa.

4/ Trong công tác truyền giáo, chúng ta thường bị cám dỗ lo cho thành tích cá nhân, nên lơ là bổn phận với Chúa, đối với tha nhân, không muốn đem tha nhân về với Chúa.

5/ Trong đời sống đạo đức, chúng ta vẫn tìm kiếm tư lợi và ảnh hưởng cá nhân hơn là hướng dẫn tha nhân về với Chúa.

6/ Trong việc giữ luật Chúa, chúng có rất ít thành tâm thiện chí, nhiều khi chúng ta lại là vật cản, không cho người khác đến với Chúa.

7/ Chúng ta thường có thành kiến xấu về Kinh Sư và biệt phái, có những khi chúng ta chuyện trò với nhau, chúng ta không ngại gán cho người nọ, người kia là: Quân Pha-ri-sêu, đồ luật sĩ, đồ biệt phái giả hình.

8/ Thật ra Kinh Sư và Pha-ri-sêu là những người có học, thông biết luật lệ, và nhận lãnh trách nhiệm giảng dạy cho Dân Do Thái, nhưng đã nhiều lần Chúa Yesus tranh luận về lối sống của họ, cảnh cáo họ, và khuyến cáo dân chúng phải coi chừng họ, bởi họ thường tự cho mình là đạo đức nên khinh chê những người tội lỗi và lánh xa họ.

9/ Họ còn tự ý giải thích luật theo ý riêng cách chi li và chất lên đầu lên cổ kẻ khác, trong khi chính họ thì không hề đụng tới. Đúng là lời nói và việc làm của họ không đi đôi với nhau, họ sống đóng kịch nên Chúa gọi họ là bọn giả hình.

10/ Pha-ri-sêu kiêu căng nên chọn hình thức bề ngoài, mà tâm hồn họ thì rỗng tuếch, lời nói và việc làm không đi đôi với nhau.

11/ Việt Nam có nhiều câu ca dao: “Khẩu phật, tâm xà / Miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm”. Để diễn tả những khuôn mặt giả danh giả nghĩa, chỉ làm bộ đạo đức tốt lành bên ngoài, còn bên trong thì lòng họ nham hiểm.

12/ Qua phúc âm, Chúa muốn dạy chúng ta hãy cố gắng sống thành thật với chính mình, lo hoán cải sửa đổi bên trong hơn là lo trang điểm trình diễn bên ngoài. Chúng ta có thể lừa với nhau, nhưng không thể che dấu Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con chuyên lo canh tân đời sống, thành thật và khiêm tốn trước mặt mọi người để xứng đáng Chúa yêu thương, tha thứ và chúc phúc. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Giả hình (hupokrites) trong tiếng Hy-lạp có nghĩa “người trả lời.” Vì thế, theo truyền thống Hy-lạp, chữ này có liên quan đặc biệt đến những người trả lời trong cuộc đối thọai của các vở kịch trên sân khấu, các diễn viên. Họ là những người đóng kịch, trong lòng đang vui mà phải giả bộ khóc hay đang buồn mà phải cố cười để mua vui cho thiên hạ. Nói tóm, người giả hình là người sống không thật với lòng mình, người mà ca dao Việt-nam mô tả:

Bề ngòai thơn thớt nói cười,

Mà trong nham hiểm giết người không dao.

Đứng trước thử thách và đau khổ, những người theo lối sống giả hình sẽ tìm cách không phải chịu gian khổ bằng cách nêu lên mọi lý do để biện minh cho hành động nhát đảm sợ sệt của mình. Họ sẽ cố gắng che đậy sự ích kỷ trong lòng bằng những hành động giả ân nghĩa bên ngoài.

Chúa Giêsu gọi các Kinh-sư và Biệt-phái là những hạng người này: "Khốn cho các ngươi, hỡi các Kinh-sư và Biệt-phái giả hình! Các ngươi khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào. Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không để họ vào. Khốn cho các ngươi, hỡi các Kinh-sư và Biệt-phái giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”

Kinh-sư và Biệt-phái khóa cửa Nước Trời bằng lối sống giả hình. Làm sao họ có thể vào Nước Trời bằng giữ chi li bao lề luật không cần thiết mà bỏ quên biết bao điều quan trọng của Luật như công bằng, nhân từ và trung tín? Và nếu dân chúng cũng tin họ và làm như thế thì cũng chẳng được vào Nước Trời.

Chúa cũng lên án họ về việc không chịu làm gương sáng cho những người mới theo đạo: "Khốn cho các người, hỡi các Kinh-sư và Biệt-phái giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.” Thay vì làm gương sáng, họ làm gương mù và dạy cho những người mới trở lại đạo giả hình của mình. Những người mới vào đạo thường hăng hái và nhiệt thành hơn những người đã theo đạo lâu năm; nếu không nhiệt thành về điều tốt, họ sẽ nhiệt thành về những gì xấu đã được chỉ dạy.

Các Kinh-sư và Biệt-phái là những người làm luật và thông luật. Họ biết cách phiên dịch luật sao cho trắng hóa đen, đúng hóa sai, bằng cách thêm bớt hay tìm chỗ sơ hở của lề luật. Một ví dụ Chúa Giêsu đưa ra hôm nay về việc chỉ Đền Thờ mà thề. Luật dạy khi đã chỉ Đền Thờ, nơi Thiên Chúa hiện diện, thì phải giữ lời thề đó bằng bất cứ giá nào. Nhưng các Kinh-sư và Biệt-phái tìm cách làm cho lời thề đó không phải giữ bằng cách lý luận loanh quanh. Họ bảo: "Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc."

Chúa vạch trần những lý luận khôi hài của họ: “Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? Các ngươi còn nói: "Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc." Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề.”

Và Chúa kết luận: “Ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.”

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Cùng một niềm tin có thể dẫn tới hai lối sống hoàn toàn trái ngược nhau: một lối sống dựa trên tin yêu và một lối sống giả hình hoàn toàn bên ngòai.

- Con người có thể bị đánh lừa bằng lối sống giả hình bên ngoài, nhưng Thiên Chúa không bao giờ bị đánh lừa vì Ngài thấu suốt mọi sự trong tâm hồn.

- Chúng ta cần biết sống đơn sơ thành thật trước mặt Thiên Chúa và con người.

 

Thứ ba, 26/08/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 23,23-26)

Đề tài: Truyền giáo bằng gương sáng

23 "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. 24 Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà. 25 "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. 26 Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Các Thánh tử đạo nhắc nhở chúng ta rằng: Chết vì niềm tin là ơn gọi chỉ dành cho một số người, nhưng sống niềm tin là ơn gọi dành cho tất cả mọi người.

2/ Công đồng Vaticano II đã tạo cơ hội cho các tín hữu chứng minh niềm tin của mình bằng hành động, nghĩa là sống đạo không chỉ ở tại nhà thờ mà còn phải đem đạo ra thực hành trong đời sống ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.

3/ Chúa Yesus dạy: Tin Chúa là phải thực thi giáo huấn của Chúa và phải chỉnh sửa lại nội tâm bằng cách để cho Lời Chúa chất vấn những việc mình làm trong cuộc sống.

4/ Tôi có sống đạo theo kiểu sao nhãng, trốn tránh làm việc thiện, từ chối giúp đỡ tha nhân không? Có thể hiện lòng nhân nghĩa, xử sự công bình với mọi người không?

5/ Có phải tôi chỉ lo trang điểm cho thể xác mà quên dọn sạch nội tâm và thánh hóa bản thân không?

6/ Tôi có sẵn lòng giúp đỡ mọi người vì lòng yêu Chúa, hay tôi chỉ có thái độ vô cảm để đối xử với mọi người?

7/ Kiêu căng, háo danh, giả hình là những nết xâu của người Pha-ri-sêu. Chúa bảo chúng ta đề phòng những hạng người này.

8/ Chúa lưu ý chúng ta: Đừng tỉ mỉ hoàn thành những việc nhỏ mà bỏ sót những việc lớn. Đừng băn khoăn vì không nộp thuế (những việc nhỏ), trong khi đó lại lờ đi những lỗi nặng về đức công bằng.

9/ Chúa không bảo chúng ta coi thường việc nhỏ, nhưng Chúa chỉ lên án cái đầu óc tham lam, biến tôn giáo trở thành cơ hội làm giàu.

10/ Chúa rất ghét thái độ giả hình, Chúa trách Pha-ri-sêu chỉ lo sạch bề ngoài mà không lo sạch bề trong, bát chén cũng phải sạch cả trong lẫn ngoài.

11/ Thanh tẩy mà chỉ lo tắm gội bên ngoài, mà bên trong không lo sám hối, thanh tẩy nhưng dơ bẩn cáu ghét trong tâm hồn thì cũng vô ích thôi.

12/ Chúa Yesus luôn lên án những điều này và phê bình họ là những kẻ giả hình, chỉ ưu chuộng hình thức bề ngoài mà tâm hồn thì rỗng tuếch, dịp này Chúa cũng nhắc nhở chúng ta.

13/ Thế giới hôm nay đầy dẫy những sự phức tạp, giả dối. Vì thế mỗi người công giáo chúng ta cần phải sống trung thực khi phải  giao tiếp với nhau.

14/ Phải trung thực từ tư tưởng, lời nói, đến việc làm. Lời Chúa nhắc nhở biệt phái cũng là để nhắc nhở chúng ta phải sống thành thật, công minh, chính trực.

15/ Chúa Yesus cũng nói với chúng ta rằng: Có biết bao lần chúng ta cũng sống như Pha-ri-sêu: Giả hình, kiêu ngạo, tự kiêu và khi dễ kẻ khác.

16/ Chúng ta cần nhớ rằng: Chúng ta có thể tha hồ lừa dối nhau, sống giả hình trước mặt nhau, nhưng không thể dấu được Thiên Chúa, chúng ta đừng bao giờ cố tình sống giả hình.

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con phải từ bỏ tội lỗi và sống ngay chính trước mặt Chúa từ trong tư tưởng lời nói việc làm, có như thế mới mong chúng con làm vinh danh Chúa. Amen.

 

Bài chia sẻ của  LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Chúa tiếp tục trách các kinh sư về nếp sống giả hình và sự khờ dại của việc quá lo lắng những việc nhỏ mọn mà quên đi những việc lớn quan trọng hơn: "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisee giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.”

Các lọai rau thơm mà người Do-Thái và Việt-Nam ta quen dùng quá nhỏ để đóng thuế vì ngày xưa họ có thói quen trồng những thứ này chung quanh nhà để cần đến khi dùng, chứ không sản xuất bằng những nhà kiếng to lớn như ngày nay. Chúa Giêsu muốn cho các Kinh-sư và Biệt-phái nhìn thấy những điều quan trọng hơn trong Luật mà họ đã không để ý tới là công lý, lòng nhân và thành tín. Đây là 3 điều tối quan trọng mà Chúa sẽ dùng để phán xét con người trong Ngày Chung Thẩm chứ không phải việc tính coi có bao nhiêu rau thơm để đóng thuế!

Chúa lên án họ là: “Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.” Cả hai: muỗi và lạc đà đều là vật dơ bẩn đối với người Do-Thái. Khi con muỗi rơi vào các chum nước dùng để thanh tẩy, họ sẽ cẩn thận gạn lọc để lấy ra. Điều chính Chúa Giêsu muốn làm nổi bật ở đây là sự tương phản về chiều kích: lạc đà là con vật to lớn trong khi muỗi là một côn trùng quá nhỏ. Các Kinh-sư và Biệt-phái đã quá chú trọng đến việc nhỏ như việc đóng thuế rau thơm mà quên đi những việc tối quan trọng của Luật như công lý, lòng nhân và thành tín.

Chúa cũng lên án họ về việc giả hình: quá chú trọng đến hình thức bên ngòai mà bỏ quên trau dồi những nét đẹp trong tâm hồn: "Khốn cho các ngươi, hỡi các Kinh-sư và Biệt-phái giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. Hỡi người Biệt-phái mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.”

Việc rửa tay trước khi ăn cho hợp vệ sinh là việc cần làm nhưng không quan trọng bằng việc thanh tẩy sạch những tội lỗi trong tâm hồn. Chúng ta đã nghe Chúa nói trong những chương trước không phải những gì từ ngoài vào làm con người ô uế, nhưng là tất cả những tội lỗi từ trong con người phát ra như nói hành, cáo gian, dâm ô, trộm cướp, giết người…

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Đã bao lần chúng ta cũng đã từng lo lắng như những dân thành Thessalonica; nhưng một khi ngày lo sợ đã qua đi, chúng ta trở lại cuộc sống bình thường với những tội quen phạm và bất công quen làm, mà quên đi lời Chúa cảnh cáo “vào giờ các ngươi không ngờ thì Con Người sẽ tới.”

- Đã bao lần chúng ta đã hành động giống như các Kinh sư và Biệt phái: Đọc kinh theo thứ tự và không bỏ sót kinh nào, nhưng không bao giờ để ý tới việc lỗi đức công bằng qua việc nói xấu người vắng mặt, hay không chịu bỏ công bỏ của để giúp cho các anh chị em đang thiếu thốn. Cần khôn ngoan để nhận ra tổng quát bức tranh của cuộc đời, các việc quan trọng phải làm trước khi chú trọng đến các việc nhỏ hơn.

- Đã bao lần chúng ta bỏ lỡ bao cơ hội để học hỏi Lời Chúa, những buổi tĩnh tâm để nhìn ra những tội lỗi cần sửa và những nhân đức cần tập luyện, đưa con cái đến nhà thờ học giáo lý, sinh họat đòan thể … Thay vào đó, chúng ta chạy theo những hình thức bên ngoài như lo làm giầu, lo hưởng thụ. Nếu những bậc cha mẹ làm những điều này thì họ có khác chi những người dẫn đường mù quáng mà Chúa cảnh cáo hôm nay. 

 

Thứ tư, 27/08/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 23,27-32)

Đề tài: Đạo đức giả (Kính thánh Monica)

27 "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. 28 Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!  29 "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. 30 Các người nói: "Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ." 31 Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. 32 Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Đôi lời về Thánh Monica: Nhạc sĩ Y Vân đã diễn tả lòng mẹ qua một ca khúc bất hủ “Lòng mẹ bao la như biển thái bình,..” Người mẹ là mẫu gương cao cả, quý giá về sự quên mình, không lùi bước trước bất cứ đòi hỏi hy sinh nào.

2/ Đọc tiểu sử các Thánh, chúng ta thấy nhiều vị thánh nhờ công đức của mẹ mình mà nên người, cụ thể nhất là Thánh Monica, mẹ của Thánh Augustino.

3/ Thánh Augustino đã xác nhận điều trên đây: Nhờ ơn mẹ tôi, nhờ lời cầu nguyện và công phúc của Người, mà tôi được thành người như hiện nay: “Lạy Chúa, con được làm con Chúa, chính vì Chúa đã ban cho con một người mẹ, một trong những tôi tá tuyệt vời của Chúa.”

4/ Monica được tôn dương là vị Thánh gương mẫu cho các bà mẹ, là quan thầy của các bà mẹ Công giáo, Ngài sinh năm 331, trong một gia đình đạo đức ở Ta-gát, Phi Châu. Năm lên 22 tuổi, bà vâng lời cha mẹ, kết hôn với Patriciô, một người ngoại giáo, thuộc dòng dõi quý phái, tính tình ngang tàng, độc ác, tuổi lại gấp đôi Monica.

5/ Sống trong gia đình nhà chồng, bà phải chịu sự cay nghiệt của bà mẹ chồng và sự bê tha, cộc cằn, thô lỗ của người chồng. Vậy mà do lời cầu nguyện cùng sự hy sinh, kiên nhẫn, dịu dàng, Monica đã thay đổi được tính tính của người mẹ chồng, nhất là đã cảm hóa được người chồng tin theo Chúa và được chết trong ơn nghĩa Chúa.

6/ Về việc con cái, Monica quả là một người mẹ lý tưởng, cả đời hy sinh cho con và nhất là đứa con đầu lòng là Augustino, một thanh niên sa đọa.

7/ Đối với đứa con trai này, bà rất buồn phiền, hết lòng khuyên bảo con, có thể nói không lúc nào lòng bà không nghĩ đến con, lo lắng cho con, và tìm mọi cách để đưa con về với Chúa.

8/ Bà đã cầu nguyện và khóc thật nhiều, đã hết nước mắt vì con. Thánh Ambrosio đã nói với bà: “Nước mắt chảy ra không vô ích đâu, bày hãy cứ trông cậy, con bà sẽ trở lại”.

9/ Đúng như lời Thánh Ambrosio an ủi, sau những năm tháng sa đọa, Augustino đã ăn năn hối cải, và chịu phép rửa tội bởi Thánh Ambrosio. Lúc ấy Augustino đã 33 tuổi.

10/ Vui mừng vì thấy con đã trở về với Chúa, bà Monica hết sức vui mừng đi theo con về Phi Châu, nhưng dọc đường bà đã qua đời năm 387, thọ 56 tuổi.

11/ Nhìn vào mẫu gương cao đẹp của một người vợ, người mẹ, chúng ta hãy xin Thánh Monica cầu bầu các chị em phụ nữ biết noi gương Ngài, dám hy sinh đời mình để hoàn thành 2 bổn phận tốt đẹp, nặng nề và quan trọng là làm vợ và làm mẹ, để gia đình của các chị em đều trở nên gia đình Thánh.

12/ Chia sẻ về bài Phúc âm: Đức Yesus khiển trách các Kinh sư chỉ lo cho đẹp mã bên ngoài bằng các việc đạo đức giả hiệu, nhưng không thể che dấu được những ô uế bên trong là thói háo hanh, ham lợi.

13/ Kinh Sư là người giỏi giang, thông luật, tỏ vẻ đạo đức, nhưng họ luôn xao lãng việc bổn phận của một người thầy là phải tuân giữ lề luật và phải thi hành luật Chúa đối với tha nhân là sống bác ái, sống tốt với người đồng loại.

14/ Chúa kêu trách chúng ta vì đã không sống thật với chính mình, người Môn đệ không được sống giả hình từ trong tư tưởng, đến lời nói, việc làm để chứng thực về sự toàn thiện của Thiên Chúa và bác ái với tha nhân.

15/ Chúa Yesus dùng một hình ảnh tương xứng để so sánh về lối sống giả hình gian dối của các Kinh sư và Pha-ri-sêu. Ngài so sánh họ với những ngôi mộ ở nghĩa địa, bên ngoài thì đẹp lộng lẫy, những bên trong thì thối tha hôi hám.

16/ Bên ngoài nhìn họ rất tốt mã, nhưng bên trong lòng họ thì xấu xa, đầy những thứ háo danh, tham lợi, bất công, ác độc, kiêu căng, ti tiện của họ!

17/ Chúa đưa ra một kiểu giả hình nữa, đó là họ giả bộ phàn nàn, phản đối tổ tiên họ đã ra tay sát hại các Ngôn sứ cho nên họ đã xây mồ mả cho các Ngôn sứ của Chúa. Nhưng đàng khác tâm địa họ lại xấu xa hơn tổ tiên của họ, là họ đã căm thù chính Đấng mà các Ngôn sứ đã loan báo.

18/ Tổ tiên của họ đã giết các Ngôn sứ là những người đã loan báo về Đấng cứu thế, còn các Kinh sư hôm nay lại đang âm mưu hãm hại Chúa Yesus là Đấng cứu thế, như vậy tội của họ nặng hơn tội của tổ tiên họ.

19/ Chúng ta cần ghi nhớ: Giả hình, giả dối, giả bộ, giả trá, giả đò đều xấu như nhau, đều bị Chúa lên án, người đời ai cũng ghét nên chúng ta cần phải loại bỏ khỏi đời sống của chúng ta.

20/ Chúng ta cần xét mình xem trong đời sống đạo hằng ngày chúng ta có mắc phải chứng lỗi lầm ấy không? Chúng ta cần kiểm điểm và mau chóng sửa đổi.

21/ Về việc nhận định, phê phán, xét đoán, lên án, đánh giá kẻ khác, Chúa Yesus không dựa vào hình thức bên ngoài, nhưng dựa vào tâm ý bên trong. Đó là vì Chúa thấu suốt tâm ý, còn chúng ta thì không thể nào biết được, nên đừng bao giờ vội vàng, hấp tấp, nhẹ dạ xét đoán hay buông ra lời kết luận kẻ khác.

22/ Chúng ta nên hết sức cẩn thận khi phải đánh giá về người khác, bởi vì việc ấy không phải là bổn phận của chúng ta. Hơn nữa chúng ta có khi còn yếu đuối hơn họ thì làm sao chúng ta có thể đánh giá đúng về người khác được.

23/ Chúng ta cần tìm hiểu kỹ tâm tình và ý hướng bên trong, phải để có thời gian kiểm chứng thực hư thế nào đã, để tránh khỏi sai lầm và gây ra lỗi đức bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, bài học Chúa dạy là phải hy sinh, nhẫn nhục, và đánh giá tốt về người khác. Xin cho con biết sống chân thật và khiêm tốn với mọi người để đáng được Chúa yêu thương, chúc phúc. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Cũng giống như những người lười biếng không chịu làm việc, các Kinh-sư và Biệt-phái cũng bị Chúa tố cáo về lối sống giả hình của họ. Thay vì chu tòan bổn phận hướng dẫn dân chúng sống theo sự thật, theo lề luật Chúa dạy, họ làm dân chúng xa lánh Chúa vì lối sống đầy gương mù của họ: “Khốn cho các người, hỡi các Kinh-sư và Biệt-phái giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!”

Họ che mắt dân chúng để khỏi nhìn thấy những tính tóan dơ bẩn bên trong bằng việc làm những công trình to lớn bên ngoài như xây cất mồ cho các tiên tri và tô mả cho những người công chính. Chúa Giêsu vạch trần những tính tóan của họ: “Các ngươi nói: "Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ." Như vậy, các ngươi tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. Các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!” Những mồ mả họ xây là những bằng chứng tố cáo việc đổ máu người vô tội của họ. Cha ông họ đã làm những việc này trong quá khứ, họ đang làm những việc ấy trong hiện tại, và họ sẽ còn làm trong tương lai khi họ đổ máu người vô tội quan trọng nhất là Chúa Giêsu.

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Đời sống kỷ luật không thể thiếu nếu chúng ta muốn thành công trong tất cả các công việc tinh thần cũng như vật chất.

- Bao lâu còn khả năng làm việc, con người cần làm để nuôi sống bản thân và góp phần vào các công cuộc phát triển trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

- Chúng ta cần phải thành thật trong khi làm việc. Chúng ta chỉ có thể che mắt con người, nhưng không thể đánh lừa Thiên Chúa. 

 

Thứ năm, 28/08/2014 (Thánh Augustino)

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu (Mt 24,42-51)

Đề tài: Tỉnh thức

42 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. 43 Anh em hãy biết điều này : nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. 44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

45 “Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc ? 46 Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. 47 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. 48 Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng : ‘Còn lâu chủ ta mới về’, 49 thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa, 50 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết, 51 và ông sẽ loại trừ hắn ra, bắt chung số phận với những tên đạo đức giả : ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức, vì Chúa sẽ đến bất ngờ. Tỉnh thức ở đây là phải luôn sống trong ơn nghĩa Chúa để khi giờ chết đến dù bất thình lình, ta cũng luôn sẵn sàng đón tiếp người.

2/ Tỉnh thức là luôn thanh tẩy đời sống mỗi ngày. Tỉnh thức là luôn tuân giữ Luật Chúa và tín thác vào người trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

3/ Tỉnh thức là luôn sẵn sàng ứng phó với mọi biến cố xảy đến, nếu hôm nay Chúa gọi tôi, thì hành trang tôi đã chuẩn bị sẵn sàng rồi.

4/ Hôm nay, bằng bài Tin Mừng, Chúa kêu gọi mọi người hãy tỉnh thức, sẵn sàng đón Chúa  đến. Chúng ta có thể tìm hiểu ý Chúa qua 2 Dụ Ngôn:

5/ Dụ Ngôn thứ nhất: Kẻ trộm viếng nhà, vì chủ nhà luôn biết lúc nào kẻ trộm đến viếng nên buộc ông phải luôn luôn canh chừng sẵn sàng để khỏi bị mất mát.

6/ Chúa đến trong giờ chết của mỗi người cũng bất ngờ như vậy nên phải luôn sẵn sàng, nghĩa là lúc nào cũng phải sống trong ơn nghĩa Chúa, để khi Chúa đến thình lình, ta cũng không sợ gì!

7/ Dụ Ngôn thứ hai: Ông chủ đi xa trở về bất ngờ. Nếu ông trở về mà thấy người đầy tớ đang hăng say làm việc, đang tín trung làm nhiệm vụ được trao ,thì anh đầy tớ sẽ được khen thưởng và được trao nhiệm vụ lớn lao hơn, có nghĩa là được hưởng hạnh phúc đời đời.

8/ Ngược lại, nếu lúc ông trở về mà bắt gặp tên đầy tớ bê trể trông việc, nhậu nhẹt say sưa, thì nó sẽ bị loại trừ, nghĩa là nó sẽ bị quăng ra khỏi nơi hạnh phúc đời đời.

9/ Cả hai Dụ Ngôn đều muốn nhắc đến sự bất ngờ và kết quả sẽ rất khác nhau tùy thuộc vào yếu tố sẵn sàng hay không sẵn sàng.

10/ Câu chuyện về ba con quỷ học việc, chúng được đưa xuống trần gian để tập sự. Trước tiên là chúng phải trình bày cho tướng quỷ về kế hoạch mà chúng sẽ cám dỗ loài người.

11/ Tên thứ nhất nói: Tôi sẽ bảo với loài người là không có Thiên Chúa. Satan nói: Mày sẽ thất bại vì càng ngày người ta càng tin có Thiên Chúa.

12/ Tên thứ hai nói: Tôi sẽ bảo với họ là không có địa ngục. Satan bảo: Mày sẽ không lừa dối ai được nếu xài cách đó, vì loài người vẫn biết có một địa ngục dành cho tội nhân.

13/ Tên quỷ thứ ba nói: Tôi sẽ bảo với loài người là đừng có vội vã làm gì? Còn nhiều thời giờ, cứ vui chơi cho thoải mái đi. Satan nói: Hay lắm! Hay lắm!, mày sẽ làm hại được vô số người bằng cách đó.

14/ Quá đúng, ảo tưởng nguy hiểm nhất là cứ tưởng mình còn rất nhiều thời giờ.

15/ Đời sống người Ki-tô hữu ở trần gian thật vắn vỏi, vì cuộc đời con người quá tạm bợ, mong manh. Người ta ví đời người mau tan như hơi nước, như hơi thở chóng hết, như cánh chim mất hút, như bông hoa sớm nở, tối tàn.

16/ Cuộc đời luôn phù du, lại bất ngờ, bởi đâu có ai biết lúc nào mình chết, chính vì yếu tố bất ngờ mà Chúa dạy chúng ta phải luôn tỉnh thức, sẵn sàng, nghĩa là luôn sống trong ơn nghĩa Chúa, để khi Chúa đến bất thình lình, chúng ta luôn có đủ điều kiện để hưởng hạnh phúc với Chúa.

17/ Đôi điều về đời sống Thánh Augustino:

Thánh nhân sinh ngày 13/11/254 tại Ta-gát, Numidia, nước Algeria, Phi Châu.

Từ nhỏ, Ngài lười học, ham chơi, để có tiền ăn chơi Ngài đã tìm mọi cách để giở trò lừa bịp, gian dối, Ngài hay gây sự, mánh mung và cho rằng: “Thà sống gian dối còn hơn là phải chịu thua”, Ngài chôm đồ nhà đi bán và luôn lừa dối cha mẹ. Năm 13 tuổi, Ngài được gửi đi học ở Madaura để học tập, Ngài chăm chỉ nên tiến bộ rất nhanh nhưng vì không đủ tiền học nên lại phải trở về Ta-gát. Tại đây Augustino đang tuổi lớn nên đã rơi vào con đường sa đọa. Sau đó cha mẹ Ngài lại cố gắng kiếm tiền để gởi Ngài đi học môn hùng biện tại Cathago. Tại Thành phố xa hoa này, Augustino tiếp tục ăn chơi, cặp bồ với một cô gái tên Melani, chung sống với nhau và có một đứa con riêng.

Năm 28 tuổi, Ngài trốn sang Roma để tìm danh vọng và đã trở thành nhà hùng biện sáng giá ở Milano. Lúc này mẹ, vợ, em gái và con trai đã sum họp, nhưng vì danh vọng và lòng tham, Augustino đã đuổi vợ về Nước và cưới một cô gái khác mới chỉ 12 tuổi giàu sang phú quý, và Ngài đã bán lời, buôn chữ, cho đến khi ăn năn trở lại.

Augustino ăn năn trở lại là do ơn Chúa cải hóa nội tâm sâu xa, tiếp đến là do nước mắt, sự hy sinh và lời cầu nguyện của Mẹ Ngài (Thánh Monica). Đồng thời nhờ gương sáng và lời giảng của người Thầy là Thánh Ambrosio, Giám Mục Milano cũng có ảnh hưởng rất nhiều cho sự đổi đời của Ngài.

Sau thời gian học giáo lý với Thánh Ambrosio, lễ phục sinh năm 387 Thánh Augustino cùng với con trai và người bạn thân là Alip được nhận bí tích rửa tội do Đức Giám Mục Ambrosio. Augustino đã hồi sinh trong đức tin để bước vào đời sống mới trong Chúa Ki-tô.

Sau đó Ngài cùng Mẹ và người thân giả từ Nước Ý để trở về Phi Châu, nhưng trước khi tàu nhổ neo thì Monica qua đời. Lúc đó bà mẹ 56 tuổi và Augustino 33 tuổi.

An táng mẹ xong, Ngài trở về quê hương, bán tất cả tài sản phân phát cho người nghèo, chỉ giữ lại ngôi nhà của cha mẹ, và Ngài đã biến ngôi nhà ấy thành tu viện và sống ẩn dật tại đây 2 năm. Bốn năm sau Đức Giám Mục Valerio coi sóc Giáo phận Hippon, biết Ngài có tài hùng biện nên đã mời Ngài diễn thuyết cho giáo dân. Các bài giảng đã gieo ấn tượng mạnh mẽ, người ta đã tung hô Ngài và cổ võ phong chức Linh Mục cho Ngài. Ngài được thụ phong Linh Mục năm 392. Ba năm sau, năm 395 được đặt làm Giám Mục phụ tá và liền vào năm sau Ngài được làm Giám Mục chính, kế vị Đức Giám Mục Valerio vừa qua đời.

Trong chức vụ chủ chăn, Ngài sống rất nhân hậu, giàu lòng bác ái, hết lòng bảo vệ Giáo Hội chống lại các lạc giáo, viết rất nhiều sách, Ngài được tôn phong là một đại tiến sĩ của Giáo Hội, một nhà tư tưởng sâu sắc nhất của nhân loại, suốt đời Ngài đã dùng Thánh Vịnh của Đa-vít để sám hối, đọc cho đến khi nhắm mắt vào năm 430.

Bài học từ Thánh Augustino: Ngài sống tội lỗi, nhưng sau đó đã âm thầm hối cải, đền bù tội lỗi mình bằng một sự nghiệp lớn lao để phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội, và đã trở thành Đại Thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết thật sự ăn năn sám hối tội mình và quyết làm mọi sự cho Chúa để đền tội. Amen.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

Trong xã hội hôm nay, tình trạng trộm cắp diễn ra nhan nhản. Kẻ trộm lấy cắp ban ngày, ban đêm, buổi sáng, buổi tối. Chúng lấy của người ngoài, người giàu, người nghèo và đôi khi nó lấy luôn của người thân.

Như vậy, tình trạng trộm cắp diễn ra thường xuyên, nhanh nhạy và nhiều thủ đoạn, nên khó mà lường trước được!

Hôm nay, Đức Giêsu ví giờ Chúa gọi mỗi người chúng ta chẳng khác gì kẻ trộm. Thiên Chúa không giống như kẻ trộm, nhưng ngài đến gõ cửa và mời gọi chúng ta ra khỏi thế giới này rất bất ngờ, nhanh nhạy và sắc bén như kẻ trộm. Vì thế, phải tỉnh thức.

Tỉnh thức là người luôn sống trong ân sủng của Chúa. Luôn sẵn sàng đón chờ Chúa đến bất cứ lúc nào...

Tỉnh thức là luôn biết hồi tâm để nhận ra cái sai cần sửa, để ngày càng đẹp lòng Chúa hơn.

Tỉnh thức là luôn biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống.

Tỉnh thức là người luôn cầm đèn sáng trên tay với đầy đủ dầu, để khi Chúa đến, họ sẵn sàng ra đi đón Ngài.

Ngược lại với người tỉnh thức là những kẻ ngủ mê.

Vì ngủ mê nên nghĩ đời mình vẫn còn dài, chưa vội dừng cuộc chơi, phí đời trai trẻ.

Ngủ mê là những người không nhận ra tội của mình mà sửa sai.

Ngủ mê là những người luôn kết án kẻ khác, trong khi bản thân mình lại dung túng cho những sự xấu xa lên ngôi.

Và khi giờ đã đến, “Ông Chủ” hiện diện, người tỉnh thức thì hân hoan ra đón, còn kẻ lơ là thì nghĩ chủ chưa về, nên: “đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa”. Tuy nhiên, bất chợt, chủ trở về vào đúng: “... ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết”. Nên ông chủ sẽ cho nó “...chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".  

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tỉnh thức với những nhân đức và sẵn sàng đón chờ Chúa đến với chúng con trong niềm tin và hy vọng. Amen.

 

Thứ sáu, 28/08/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Mác-cô (Mc 6,17-29)

Đề tài: Thánh Gioan Tẩy Giả chết – Chứng nhân cho sự thật

 

17 Khi ấy, vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18 mà ông Gio-an lại bảo : “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài !” 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.  21 Một ngày thuận lợi đến : nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê.22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái : “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” 23 Vua lại còn thề : “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ : “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói : “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” 25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

 

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Vài hàng về cuộc đời của Yoan Tẩy Giả: Yoan Tẩy Giả là vị Tiền Hô của Chúa Yesus. Vào năm thứ 15 đời Hoàng đế Tiberio tức là năm thứ 27 sau công nguyện, Ngài đi khắp vùng sông Yodan để rao giảng, kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến.

2/ Mọi người đều cảm phục nên tưởng Ngài là Đấng Cứu Thế đến, nhưng Ngài khiêm nhường bảo mình chỉ là người dọn đường. Cuối cùng Ngài đã bị Hêrôđê bắt giam và chém đầu.

3/ Trong 8 người con của Vua Hêrôđê cả, có 3 người con trai cùng có tên Hêrôđê: 1) Hêrôđê Philiphe/ 2) Hêrôđê Antipa là Vua nước Do Thái đã có vợ là Công Chúa Ả-rập, trong một chuyến đi Roma thăm anh mình, ông đã say mê sắc đẹp của Herodia (người chị dâu), và tìm cách nhiếm đoạt, ông bỏ vợ mình và cưới Herodia đem về Hoàng Cung của mình. Hêrôđê em là người thích của lạ và khoái nghe hùng biện, vì thế khi nghe Yoan Tẩy Giả dạy hay, được mọi người mến phục, ông đã mời Yoan Tẩy Giả vào diễn thuyết trong Triều, không phải ông thích nghe chân lý mà chỉ thích tài hùng biện của Yoan.

4/ Dịp may đã đến nên Yoan thẳng thắn khuyên can nhà vua không được lấy vợ của anh mình. Hêrôđê giật mình và ra lệnh bắt giam Yoan vào ngục. Phần Herodiade vẫn căm thù nên cố tìm cho được dịp để giết Yoan.

5/ Dịp may đã đến vào ngày sinh nhật của Vua, ông mở tiệc ăn mừng. Khi thực khách bá quan văn võ đã no say, Hêrôđê không còn điều gì gây hứng thú, ông bèn bày ra một cuộc khiêu vũ, và cô vũ nữ Salome (con gái riêng của Herodiade). Cô vũ nữ này múa đẹp làm cho Vua Hêrôđê say mê và hứa rằng cô ta xin gì thì ông cũng ban, cho dù là nữa giang sơn!

6/ Salome đến hỏi ý mẹ, bà Herodiade bảo con xin cái đầu của Yoan Tẩy Giả đặt trên mâm.

7/ Hêrôđê đã lỡ hứa rồi nên đành chấp nhận, thế là Yoan bị chặt đầu ngay lập tức, bởi vì ông đã đứng ra bảo vệ luân thường đạo lý.

8/ Bài học ở thời đại chúng ta là: Đa số thắng tiểu số, thế những đa số chưa chắc đúng. Người tín hữu đôi khi phải sẵn sàng thuộc về nhóm tiểu số, để trung thành với những đòi hỏi của Chúa Yesus.

9/ Chúng ta đừng bao giờ bóp méo chân lý, đừng bao giờ giải thích vòng vo để biện hộ cho những điều sai trái. Thánh Yoan Tẩy Giả đã sống như thế, Ngài đứng về phía chân lý nên luôn bênh vực cho chân lý và sẵn sàng chết vì chân lý.

10/ Trong đời sống cũng thế, chúng ta phải luôn đứng về phía sự thật, tình thương và công bằng. Đừng vì cái lợi trước mắt mà gian dối, quanh co, đừng vào hùa với người khác mà xét đoán, dèm pha, kết án oan ai.

11/ Chúng ta hãy lấy Lời Kinh Hòa Bình làm tiêu chuẩn để sống, làm tiêu chuẩn cho mọi hành động của chúng ta.

12/ Yoan Tẩy Giả là tiếng hô làm thức tỉnh lòng người. Ra đón chờ Đấng Cứu Thế, ông đã mau mắn đón nhận, sống và đánh đổi cả mạng sống mình để hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa trao phó.

13/ Mỗi Ki-tô hữu, qua bí tích rửa tội, cũng được mời gọi trở nên tiếng hô cho tha nhân. Vậy chúng ta có dám sống gương sáng để làm chứng về Đức Ki-tô, hay lại dùng chính đời sống mình làm vật cản, không cho người khác đến với Chúa.

14/ Qua bí tích rửa tội, mọi Ki-tô hữu đều được mời gọi đi làm chứng cho nước Thiên Chúa. Vậy chúng ta có thật sự là ánh sáng, là muối, là men để thấm nhiễm Tin Mừng vào Thế Giới hôm nay không?

Lời cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa những hy sinh đau khổ bé nhỏ hằng ngày, bởi con không có ơn can đảm để chịu phúc tử đạo. Chúng con chỉ dám dâng lên Chúa những yếu đuối thấp hèn của con, để xin Chúa thương nhận và ban ơn thêm sức cho con. Amen.

 

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

Thánh Gioan Tẩy giả được mệnh danh là người mở đường cho Đấng Cứu Thế và là người làm chứng cho sự thật bằng cái chết của mình. Cả cuộc đời và lời rao giảng của ngài luôn “nhất ngôn, nhất hành”.

Thật thế, ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ, ngài đã là tiếng kêu trong hoang địa: hãy dọn đường, bạt lối, san bằng những trở ngại trong tâm hồn để đón nhận Đấng Cứu Thế đến. Sau cùng, cái chết của ngài minh chứng cho thấy một tâm hồn không quanh co, lắt léo. Thánh Gioan không chấp nhận gian dối. Thánh nhân là con người khẳng khái, cương trực từ trong lời nói đến hành động.

Thật vậy, chỉ vì là chứng nhân cho sự thật, nên ngài không thể chấp nhận chuyện phi nhân, vô đạo đức của cuộc tình trái khuấy nơi vua Hêrôđê và bà Hêrôđia. Vì vậy, cái chết và chiếc đầu trên mâm là cái giá phải trả cho sự công chính nơi Gioan.

Nếu Gioan được biết đến là con người cương trực, công chính thì Hêrôđê lại được biết đến là một con người nhu nhược, bê tha, tàn nhẫn và thiếu quyết đoán trong vai trò lãnh đạo. Quả thật, chỉ vì lời hứa dựa trên cảm tính trong lúc chè chén say sưa nên đã xảy ra hết sức thô bạo, coi thường luật pháp, dẫn đến sự tàn nhẫn khi đang tay giết chết một vị ngôn sứ vô tội để thỏa mãn thú tính đê hèn của mình.

Trong thế giới ngày hôm nay, vẫn còn đó không ít những người ham danh, lợi, thú... mà quyết định thiếu khôn ngoan, thiển cận, ích kỷ, đê hèn, chỉ nghĩ tới mối lợi đê tiện của cá nhân mình mà quên đi việc lớn: “đại nghĩa”. Vì thế, họ sẵn sàng: hối lộ, gian dối, chém giết lẫn nhau, chiếm đoạt tự do... những con người đó, hẳn họ là hình ảnh của Hêrôđê và Hêrôđia của thời đại hôm nay.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy noi gương Gioan, can đảm làm chứng cho sự thật dù có bị thiệt thòi hay coi thường... Nhưng như Gioan, chúng ta xác định thật rõ: chúng ta thuộc về Chúa, về Ánh Sáng, về Sự Thật.  Chính vì thế, làm chứng cho sự thật là thuộc về Ánh Sáng. Chết cho sự thật là nhân đức anh hùng để nói cho mọi người biết mình đang tự do ở trong Ánh Sáng. 

Lạy Chúa, làm chứng cho sự thật không phải là chuyện dễ. Vì thế, xin Chúa ban ơn trợ giúp, để trong mọi hoàn cảnh, chúng con luôn trở nên chứng nhân cho sự thật. Amen.

 

Thứ bảy, 29/08/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 25,14-30)

Đề tài: Vốn liếng Chúa trao - Hãy sinh lời thêm


14 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này : “Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. 15 Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, 16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn, và gây lời được năm yến khác. 17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. 18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. 19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy đến và yêu cầu họ thanh toán sổ sách. 20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói : ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’ 21Ông chủ nói với người ấy : ‘Khá lắm ! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !’ 22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói : ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’ 23 Ông chủ nói với người ấy : ‘Khá lắm ! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !’ 24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói : ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này !’ 26 Ông chủ đáp : ‘Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác ! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, 27thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ ! 28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. 29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa ; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. 30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài : ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng’.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Mỗi người đều được Chúa ban cho các nén bạc khác nhau, người quản lý trung tín luôn biết sử dụng ơn Chúa cách hiệu quả và biết vâng phục Thánh ý Chúa trong mọi sự.

2/ Người quản lý trung tín luôn biết nhận ra sự hiện diện của Chúa trong từng biến cố của cuộc sống, biết nhận ra các giá trị của khổ đau, của những hy sinh âm thầm hằng ngày, biết nhận ra Chúa trong tha nhân nghèo khổ.

3/ Mỗi Ki-tô hữu đều là một quản gia các ân huệ của Chúa. Vì thế, bao lâu ta còn sống ở trần gian, ta cần phải làm sinh lời các ân huệ ấy của Chúa.

4/ Dụ Ngôn hôm nay Chúa bảo mọi người hãy tỉnh thức, không phải tỉnh thức cách tiêu cực, thụ động nhưng là tỉnh thức cách tích cực, siêng năng làm việc để sinh nhiều lợi ích.

5/ Cả 3 người đầy tớ đều được chủ trao số vốn khác nhau tùy theo năng lực, nhưng hai người đầu đều hiểu rằng mình được chủ tin yêu nên ra sức làm việc để đáp lại lòng tin yêu của chủ, họ quyết đem hết nghị lực ra phục vụ tận tình nên đã được chủ khen là có lòng trung thành.

6/ Người đầy tờ thứ ba, anh cũng hiểu rõ trách nhiệm của mình, nhưng vì anh không tín nhiệm vào ông chủ, nên đã không có sáng kiến phục vụ tốt cho ông chủ. Anh không làm mất vốn, nhưng dưới mắt ông chủ thì anh còn phải làm sinh lời, vì thế anh bị cho là đồ vô dụng và không đáng được ông chủ tín nhiệm nữa.

7/ Mỗi người chúng ta đều lĩnh nhận một số vốn khác nhau, không ai giống ai, ai cũng phải làm lợi số vốn Chúa trao, đừng ai nghĩ rằng mình không nhận được gì, hoặc là số vốn quá ít, để rồi chúng ta không phải làm gì cả.

8/ Mỗi người ai cũng có nhiệm vụ của mình, tuy ta không giống nhau về khả năng, nhưng giống nhau về cố gắng, thà cố gắng mà không có tài, còn hơn có tài mà không cố gắng làm sinh lời cho Chúa.

9/ Chúng ta hãy bắt chước hai người đầy tớ thứ nhất và thứ hai, họ siêng năng, chăm chỉ làm việc cho chủ, chứ đừng bắt chước người đầy tớ thứ ba, lười biếng không chịu làm việc.

10/ Chúng ta nên nhớ rằng: Không có gì quá nhỏ mà không đáng làm, cũng không có gì quá nhỏ mà không đem lại lợi ích. Vấn đề là chúng ta có chịu làm hay không?

11/ Tóm lại, Mỗi người hãy tận dụng tài năng, sức lực và phúc lộc Chúa ban để xây dựng sự nghiệp đời này và hạnh phúc mai sau trên trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu được trách nhiệm của mình để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho anh em con. Amen.

 

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được thuộc về Chúa. Chúng ta chính thức là công dân Nước Trời. Khi trở thành con cái trong nhà, chúng ta được Thiên Chúa tin tưởng và trao cho chúng ta trách nhiệm làm ngôn sứ cho Ngài. Đây chính là nén bạc Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã mượn hình ảnh của người làm kinh tế để nói về việc sinh lời nén bạc tinh thần. Nếu ông chủ trao cho đầy tớ những nén bạc và nhủ hãy đi sinh lời thêm, thì Thiên Chúa cũng vậy. Ngài trao ban cho chúng ta những nén bạc là Lời Chúa, là những "ơn ban...” và không ngừng mời gọi chúng ta sinh lời ra nhiều, để làm vinh danh Chúa và giúp ích cho anh chị em chung quanh mình nhiều hơn.

Thật vậy, mỗi người đều được Chúa trao cho những nén bạc khác nhau tùy vào khả năng. Điều quan trọng là chúng ta có biết sử dụng nó cho đúng mục đích cách trung tín và khôn ngoan hay không mà thôi.

Người khôn ngoan là người biết đón nhận thánh ý Chúa và mau mắn thi hành. Người quản lý trung tín là người biết nhận ra sự hiện diện của Chúa trong từng biến cố vui buồn của cuộc sống. Biết đón nhận đau khổ và sẵn sàng hy sinh vì mối lợi đời sau. Biết nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi tha nhân, nhất là những người nghèo khổ đói khát...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự đặt mình trước mặt Chúa để cật vấn mình rằng: Chúa đã đầu tư cho tôi những nén bạc như sức khỏe, tài năng và nhiều ơn ban khác..., nhưng tôi có thực sự sinh lời ra thêm bằng việc tạ ơn Chúa, sẵn sàng giúp đỡ anh chị em mình và có biết dâng những hy sinh đau khổ, thất bại trong cuộc đời lên Chúa để xin Chúa thánh hóa, hầu sinh ích cho mình và tha nhân hay không?

Nói chung, tôi đã dùng của cải tài năng và ân huệ Chúa ban như thế nào? Tôi có tích cực phát triển“vốn đầu tư” mà Chúa đã trao cho tôi không? Hay tôi lo chôn giấu cho thật kỹ trong sự ích kỷ, kiêu ngạo, bất nhân và hận thù?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa ban, đồng thời, xin cũng cho chúng con biết sinh lời những nén bạc đó bằng những nhân đức trong đời sống hằng ngày. Amen.

 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1970
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  4
 Hôm nay:  649
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11403465
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top