Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 25 (TN A)

Thứ hai, 22/09/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 8,16-18)

Đề tài: Lãnh nhận và Thông truyền

16 Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông dân chúng rằng : “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. 17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. 18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Trong Cựu Ước, Dung mạo Thiên Chúa là điều bí nhiệm so với trí hiểu của con người. Nhưng vào thời Tân Ước, Chúa Yesus đã Mạc Khải tất cả cho loài người: Thiên Chúa là Đấng yêu thương, người cũng không muốn tỏ lộ cách riêng cho một nhóm người nào, nhưng muốn cho mọi người đều biết.

2/ Người Ki-tô hữu đã được hưởng ánh sáng Lời Chúa, thì họ đừng giữ cho riêng mình, cũng đừng dập tắt. Nhưng phải tìm cách làm cho nó lan tỏa ra mọi người chung quanh bằng những việc làm hằng ngày.

3/ Sự hiện diện của một chứng nhân Đức tin giữa lòng xã hội, một Ki-tô hữu sống bác ái chính là cách làm cho Tin Mừng được lan tỏa khắp nơi trong Thế giới hôm nay.

4/ Mục đích của đèn là để soi sáng cho mình và cho người khác. Một khi chúng ta đã biết một chân lý, chúng ta ta không được phép làm thinh, nhưng phải biết áp dụng chân lý ấy vào đời sống cụ thể của mình.

5/ Nói cách khác,  khi chúng ta nhận lãnh Đức Tin, chúng ta không được giữ nó cho riêng mình, nhưng phải chiếu giải Đức Tin ấy cho mọi người chung quanh, phải đốt niềm tin ấy cháy sáng lên nơi tâm hồn của kẻ khác.

6/ Một cái đèn được thắp lên thì hy vọng sẽ thắp sáng lên được nhiều cái đèn khác. Ngược lại, nếu cái đèn ấy tắt đi là gây tối tăm cho nhiều người. Nghĩa là nếu ta sống tốt đẹp, thì chúng ta sẽ gây ảnh hưởng cho nhiều người khác, trái lại nếu ta sống chẳng ra gì, ta sẽ gây ảnh hưởng xấu cho nhiều người khác. Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

7/ Càng gần đèn thì càng sáng tỏ, càng nhiều đèn thì đèn càng sáng. Đừng nên sống theo kiểu đèn nhà ai nấy sáng, nhưng phải sống theo kiểu: “Sáng trăng, sáng cả vườn đào!”

8/ Mỗi người là một cái đèn,  đèn cần được thắp sáng lên, mỗi người phải tự thắp sáng đèn mình lên. Một đèn cháy sáng, rồi hai, rồi ba, rồi hàng trăm, hàng ngàn, thế giới này sẽ bớt tăm tối. Tất cả mọi người đều thắp đèn, thế giới này sẽ sáng rực lên, vừa ấm cúng, vừa vui tươi.

9/ Người Ki-tô hữu phải là những chiếc đèn sáng đặt ở trên cao  để xua đuổi tăm tối và chiếu sáng cả căn nhà. Căn nhà thế giới, căn nhà của Giáo hội, căn nhà của mỗi gia đình.

10/ Gia đình nào cũng cần thứ ánh sáng đó biết bao, Chúa cần chúng ta là những cây đèn sáng như vậy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ánh sáng Đức Tin là món quà Chúa trao ban nhưng không, xin cho chúng con biết quảng đại trao ban cho anh em theo khả năng của mỗi người, để nước Chúa mau lan rộng, để thế giới hết tăm tối. Amen.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

CÁC CON LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN

(Cn 3, 27-34 {hoặc 27-35}; Lc 8, 16-18)

Khi nói về đèn, người ta nghĩ ngay đến đặc tính của nó là chiếu sáng và đẩy lui bóng tối. Mất đi yếu tố này, nó không còn phải là chính nó nữa. Có chăng, chỉ là vật trang trí, hoặc là đèn hư mà thôi.

Hôm nay, Đức Giêsu ví các môn đệ của Ngài như là đèn, và bổn phận của các ông là phải chiếu sáng: "Các con là ánh sáng thế gian". Khi nói như thế, Đức Giêsu có ý nhắc các ông rằng: nếu bản chất của đèn là chiếu sáng, thì đời sống của các ông cũng phải tỏa sáng như vậy.

Những ánh sáng của người môn đệ chính là đời sống nhân hiền, khiêm tốn, từ bi, hay thương xót, biết thông cảm, luôn đồng hành với những ai cần sự giúp đỡ, sẵn sàng bảo vệ cho công lý, sống chết cho sự thật toàn vẹn. Nếu người môn đệ đi ngược lại, thì chẳng khác gì có đèn mà không có dầu, hoặc có đèn nhưng thực tế đèn đã hư hỏng, không còn tác dụng nữa.

Tuy nhiên, muốn trở nên đèn sáng để soi chiếu trần gian, người môn đệ phải biết gắn bó đời mình với Đức Giêsu là nguồn ánh sáng. Luôn biết sẵn sàng để cho Lời Chúa soi chiếu cuộc đời của mình trước, rồi kế đó, người môn đệ sẽ chiếu tỏa cho anh chị em của mình những giá trị Tin Mừng.

Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta, mỗi người đều được đón nhận một cây nến cháy sáng qua lời mời gọi của vị chủ sự: "Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô". Như thế, chúng ta thuộc về Ánh Sáng, hay nói đúng hơn, chúng ta là ánh sáng và bổn phận phải chiếu tỏa ánh sáng cho mọi người xung quanh. Không bao giờ chúng ta được phép chỉ giữ ánh sáng cho riêng mình. Hoặc có khái niệm: "Đèn nhà ai nấy rạng". Nếu chúng ta có chủ trương ích kỷ như vậy, hẳn là một điều vô lý vì: "Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường".

Như vậy, mỗi chúng ta phải là những chứng nhân sống động của Chúa ngay trong một xã hội đang tìm mọi cách để chối bỏ đức tin hay loại bỏ chứng từ đức tin. Một chứng nhân sống động là gì nếu không phải là vào cuộc để dấn thân vì người nghèo, sự thật và công bằng?

Lạy Chúa, xin cho ngọn đèn cháy sáng trong ngày Rửa Tội luôn chiếu sáng trên cuộc đời chúng con, để cuộc đời chúng con luôn phản chiếu ánh sáng của Chúa cho anh chị em xung quanh. Amen.

 

Thứ ba, 23/09/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 8,19-21)

Đề tài: Nghe và đem ra thực hành

19 Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. 20 Người ta báo cho Người biết : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” 21 Người đáp lại : “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Trong cuộc sống, đôi khi tình bạn, tình đồng chí còn gắn bó hơn là mối tương quan ruột thịt. Rõ ràng mối liên hệ sâu xa giữa người với người không chỉ giới hạn trong huyết thống, máu mủ, mà còn trong tư tưởng, ý chí, tình cảm.

2/ Trong bài Tin Mừng, Chúa  Yesus không phủ nhận mối liên hệ huyết thống, nhưng người luôn muốn xây dựng một gia đình của Chúa. Gia đình dựa trên mối liên hệ Đức Tin, đó là ý nghĩa lời của Chúa Yesus hôm nay: Mẹ và anh em tôi chính là: Những ai biết lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.

3/ Lời của Đức Yesus mở ra cho chúng ta một con đường đi vào gia đình của Thiên Chúa, đó là làm theo những gì mà ý Người muốn!

4/ Khi mới nghe bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta dễ hiểu lầm: Cho là từ khi bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Yesus đã từ bỏ, đã quên mất gia đình cũng như những người thân thuộc của Ngài.

5/ Mẹ và anh em Ngài lặn lội từ xa đến thăm mà lại nhận được câu trả lời có vẻ hững hờ như thế: Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.

6/ Thử hỏi có gì tệ bạc cho bằng? Thật ra câu trả lời của Chúa không phải là một cách chối từ tình thân thuộc, ruột thịt. Mà ý Chúa muốn nói đến một thứ tình cảm cao quý hơn, đó là cùng liên kết với nhau trong Thiên Chúa qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

7/ Bài học từ bài Tin Mừng hôm nay không bao giờ mang ý nghĩa là: Chúa Yesus phủ nhận gia đình, Chúa Yesus không hạ giá người mẹ yêu quý của Ngài. Trái lại, Ngài gián tiếp đề cao mẹ mình.

8/ Bởi vì đâu có ai nghe Lời Chúa và thực hành Lời Chúa cho bằng mẹ Ngài. Qua đó Chúa muốn mọi người hiểu rằng: Mối quan hệ trọng đại nhất đối với Ngài chính là quan hệ trong Đức Tin.

9/ Bất cứ ai khi nghe lời Ngài và đem ra thực hành thì người đó có liên hệ với Ngài. Ai càng thực hành lời Ngài, người đó càng kết hợp mật thiết với Ngài.

10/ Chúng ta là Ki-tô hữu, Chúa Yesus sẽ nhận ra chúng ta là Môn đệ, là anh em trong gia đình Ngài, không phải vì danh hiệu Ki-tô hữu chúng ta đang có, mà là hóa trái đã được chúng ta làm trổ sinh trong cuộc sống.

11/ Hoa trái đó chính là những việc lành phúc đức, những hàng động yêu thương, hòa bình, tha thứ, nhịn nhục, khiêm nhường. Cuộc sống càng được dệt bằng những hành động tốt ấy, thì quan hệ giữa chúng ta và Chúa yesus càng mật thiết hơn.

12/ Lời Chúa là chân lý nên rất quý giá, làm sao để Lời Chúa mang lại nhiều hoa quả tốt đẹp.  Trước hết phải đọc, phải học, phải suy gẫm, phải cầu nguyện, đừng để nước đổ đầu vịt, nhưng phải đem ra thực hành để Lời Chúa mới sinh ích. Được như thế, cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con quyết tâm thực hành Lời Chúa dạy, để xứng đáng là thành viên ưu tú trong gia đình của Chúa. Amen.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

NGHE VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA

(Cn 21, 1-6. 10-13; Lc 8, 19-21)

Truyền thống từ xa xưa luôn tin nhận Đức Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế và là Nữ Tỳ Thiên Chúa. Đức Maria được diễm phúc cao trọng này là nhờ Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa cách trọn vẹn. Vì thế, Đức Giêsu hết mực tôn kính Mẹ.

Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Maria và các anh em của Ngài đến tìm Ngài, và khi được tin báo, Đức Giêsu lại nói: "Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".

Qua câu nói này, người nghe cảm thấy ngỡ ngàng quá đỗi, bởi vì xem ra có vẻ Đức Giêsu quá thờ ơ với mối liên hệ ruột thịt, hơn nữa, người đó lại là Mẹ mình... Phải chăng điều này không thể chấp nhận được! Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý thì đây là một cách gián tiếp, Đức Giêsu ca tụng Mẹ mình hơn ai hết. Tại sao vậy? Thưa! Vì Mẹ Maria là người trung thành và tín thác nơi Thiên Chúa tuyệt đối qua thái độ lắng nghe, suy niệm và thực hành cách trọn vẹn Lời của Thiên Chúa trong cuộc đời và nơi các biến cố.

Như vậy, đối với Đức Giêsu, tình nghĩa gia đình không chỉ xây dựng trên liên hệ máu mủ, mà thiết yếu phải được củng cố bởi lòng tin. Vì vậy, một cách mặc nhiên, câu trả lời của Đức Giêsu đã làm cho Mẹ thêm vinh dự, cao trọng và đáng để mọi người noi gương.

Hôn nay, phụng vụ mừng kính thánh Piô thành Pietrelcina.

Thánh nhân tên thật là Francesco Forgione. Khi được 15 tuổi, Francesco gia nhập dòng Capuchin và lấy tên Piô.

Cuộc đời của thánh nhân được tô đậm bởi đời sống đức tin tuyệt vời. Có thể nói: đối với ngài, đức tin chính là cuộc sống. Vì thế, cuộc đời của ngài là một cuộc đời luôn đi tìm Chúa trong đức tin và hân hoan thi hành.

Ngài đã hoàn toàn tin tưởng Thiên Chúa và hết lòng khiêm nhường chấp nhận mọi sự.

Ngài đã can đảm làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống của ngài. Ngài luôn đứng về phía người nghèo, người bị áp bức. Ngài cũng là người xuất sắc trong việc bảo vệ chân lý và tìm mọi cách đưa người ta tìm được sự thật theo Tin Mừng và giúp họ trở về con đường ngay nẻo chính khi tin nhận Thiên Chúa là Chúa và làm chủ tuyệt đối trên cuộc đời của họ.

Ngài có ơn Chúa đặc biệt trong việc nhìn thấu suốt tâm hồn người ta. Vì thế, ngài đã giúp cho họ nhận ra đâu là con đường đưa tới Thiên Chúa thật và đâu là con đường đưa tới diệt vong. Tưởng cũng nên nhắc lại, thời của thánh Piô luôn phải đối diện với chủ nghĩa thực dụng, duy vật và vô thần. Vì thế, mỗi khi gặp những người chối bỏ Thiên Chúa, ngài thường khuyên: "Ôi con dại dột biết là chừng nào!!! Con đã phản bội Chúa là Thiên Chúa của con và con tự đặt mình giữa hàng ngũ những kẻ thù của Thiên Chúa!". Từ những chỉ dẫn khôn ngoan của thánh nhân, nhiều người đã từ bỏ chủ thuyết vô thần hoặc tương đối để quay trở về với Thiên Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta luôn đặt niềm tin nơi Chúa. Đón nghe Lời Chúa và thực hành thì sẽ được hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài. Đồng thời, biết noi gương thánh Piô khi xưa là: sống và làm chứng cho sự thật, sẵn sàng can đảm lên tiếng khi người ta đi sai đường trệch lối.

Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống thường ngày. Ước gì cuộc đời của chúng con luôn được Lời Chúa soi dẫn. Amen.

 

Thứ tư, 24/09/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô Theo Thánh Luca (Lc 9,1-6)

Đề Tài: Sống phó thác mọi sự cho Chúa

1 Khi ấy, Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. 2 Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. 3 Người nói : “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. 4 Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. 5 Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” 6 Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Khi bắt đầu sứ vụ, Chúa Yesus căn dặn các Môn đệ khi ra đi rao giảng Tin Mừng, đừng mang theo bao bị, lương thực, tiền bạc. Ý Chúa dạy: Để cho tâm hồn không phải vướng bận, các ông sẽ tự do phục vụ cho Tin Mừng hiệu quả hơn.

2/ Một ý nữa Chúa muốn dạy: Không ai có thể làm tôi hai chủ vì của cải ở đâu thì lòng họ cũng ở đó. Người Môn đệ Chúa khi đi đâu, làm gì, phải biết sống tín thác vào Thiên Chúa.

3/ Người Môn đệ của Chúa phải biết bằng lòng với cuộc sống hiện tại, đó là cuộc sống được chia sẻ từ những anh em chung quanh, bởi vì làm thợ thì đáng được hưởng công.

4/ Trong 3 năm đi rao giảng công khai, Chúa Yesus đã tuyển chọn được một số Môn đệ, cho họ sống bên cạnh để học cho biết cách Ngài nghĩ, Ngài nói, Ngài sống thế nào. Họ được trực tiếp nghe lời Người giảng dạy, học kinh nghiệm thực hành lời mình rao giảng. Vì thế cũng có đôi lần Ngài sai họ ra đi thực hành.

5/ Trước khi đi, Chúa căn dặn họ nhiều điều, một trong những điều mà mới nghe qua thì thấy nó rất nghịch lý: Đó là Chúa bảo “Đừng mang theo gì cả”, được sai đi đến nơi xa lạ, không được một ai đón tiếp, thế mà họ phải ra đi với hai bàn tay trắng, không bị gậy, không áo quần, không lương thực, không có chút tiền nào bỏ túi để phòng thân.

6/ Dù mới nghe qua thì nghịch lý, nhưng Chúa lại muốn các Môn đệ phải sống như thế. Ngài muốn cho họ sống khó nghèo để họ có thể khám phá ra đâu là sự giàu có đích thực.

7/ Sống nghèo không phải là họ bất lực, không có khả năng làm giàu, cũng không phải là không được phép hưởng sự giàu sang, nhưng sống nghèo họ có thể khám phá ra đâu là sự giàu sang đích thực, và giúp họ cảm nghiệm được sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.

8/ Lo lắng đến nhu cầu vật chất: Nhu cầu thì ai lại chẳng có, lo cái ăn, cái mặc, sự an ủi hạnh phúc của bản thân, ai mà chẳng muốn.

9/ Thế nhưng ra đi rao giảng mà không có chút dự phòng, sẽ giúp cho người Môn đệ cảm nghiệm được sự quan tâm săn sóc của Đấng mà khi họ no đủ thì họ chẳng bao giờ nhận ra.

10/ Chỉ khi họ bó tay với những vất vả toan tính, lúc đó sự trợ lực của Thiên Chúa mới chói sáng, mới giúp con mắt họ mở to ra. Khi đã tín nhiệm rồi, thì họ mới an tâm dồn hết mọi nỗ lực để thi hành bổn phận.

11/ Công việc mà họ được trao phó là đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, mang bình an đến cho kẻ khác chứ không phải suốt đời cứ lẩn quẩn chung quanh cái ăn cái mặc.

12/ Đàng khác, khi trong tay các ông chẳng có phương tiện gì, người Môn Đệ cũng phải nổ lực hơn bởi vì có Thiên Chúa cùng hành động chung với họ. Phương tiện duy nhất mà họ cần phải có chính là tình yêu.

13/ Rao giảng Tin Mừng là giới thiệu tình yêu của Thiên Chúa cho con người, một Thiên Chúa vì yêu nên mới giải thoát cho con người, và mời gọi con người đón nhận tình yêu đó.

14/ Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta hãy tin vào Chúa quan phòng, Ngài là một người Cha nhân ái, luôn yêu thương chúng ta, hãy phó thác mọi sự cho Chúa, xin Chúa trợ giúp.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa tình yêu, xin cho con mau nhận sự ra sự hiện diện và hướng dẫn của Chúa trong mọi hoàn cảnh, xin giúp con luôn tín thác vào Chúa. Amen.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

GIẢI THOÁT CON NGƯỜI CÁCH TOÀN DIỆN

(Cn 30, 5-9; Lc 9, 1-6)

Thiên Chúa hằng chăm lo cho dân của Người. Vì thế, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã ban cho dân các Tổ phụ, rồi sai các Tiên tri, và thời sau cùng, Người trao ban chính Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã kiện toàn tất cả những gì đã loan báo trước đó, đồng thời, Ngài không ngừng mời gọi những môn sinh của mình tiếp bước để cùng Ngài ra đi và tiếp nối sứ mạng cao quý là loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Để củng cố lời rao giảng, Đức Giêsu còn trao ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. Mặt khác, Đức Giêsu muốn các môn đệ thanh thoát nhẹ nhàng để chỉ chú tâm cho công cuộc loan báo Tin Mừng là việc chính yếu, Ngài đã truyền cho các ông: "Đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo". Bên cạnh đó, Ngài còn hướng dẫn các ông về cung cách ứng xử khi thi hành sứ vụ: "Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ".

Như vậy, nếu nhìn cách tổng thể, chúng ta thấy chính Đức Giêsu và sau đó là lệnh truyền của Ngài cho các môn đệ làm toát lên sự lo lắng và ý định muốn giải phóng con người toàn diện cả xác lẫn hồn.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy hân hoan đón nhận sứ vụ như là một hồng ân, dẫu rằng chúng ta không xứng đáng. Mặt khác, luôn sống trong sự phó thác nơi Chúa và đừng quá lo lắng về cơm áo gạo tiền trong khi thi hành sứ vụ. Bởi vì chính Đấng sai ta cũng đã sống cảnh: "Con cáo có hang, con chồn có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu". Sự thanh thoát này giúp chúng ta không bị vướng bận đến chuyện phụ thuộc của vật chất, sự an tâm trần thế. Ngược lại, nhờ lối sống đơn giản, chúng ta được nâng đỡ tinh thần từ bỏ mình và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa cách tốt đẹp hơn. Đức Giêsu cũng không quên nhắc các môn sinh của mình là không được dùng những hình thức khống chế, quyền lực để phụ trợ cho sứ mạng, ngược lại hãy dùng tình thương và gương sáng. Tôn trọng tự do và ước muốn của người thụ huấn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được thanh thoát và can đảm, tin tưởng và phó thác, vui mừng và hy vọng trong khi loan báo Tin Mừng tình yêu của Chúa cho anh chị em chúng con. Amen.

 

Thứ năm, 25/09/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô Theo Thánh Luca (Lc 9,7-9)

Đề Tài: Con cáo già cứng lòng

7 Khi ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói : “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.” 8 Kẻ khác nói : “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy !” Kẻ khác nữa lại nói : “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” 9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói : “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi ! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Tất cả những hành động, lời nói của Chúa Yesus, những dâu lạ Ngài làm đều đã lọt vào tai Hê-rô-đê nên ông phân vân lắm, phải chăng tiếng nói lương tâm của ông cũng đang lên tiếng.

2/ Trước lời cảnh báo của Yoan Tẩy Giả, chắc Hê-rô-dê cũng suy nghĩ rất nhiều, nhưng trong lúc lòng ông đang phân vân, không biết phải ngã về phía nào, một biến cố thình lình xảy đến khiến ông phải ra lệnh chém đầu Yoan cho vừa lòng Hêrôdiađê, đây quả là một quyết định nhu nhược!

3/ Có lẽ ray rức lương tâm khiến cho Hê-rô-đê nóng lòng tìm gặp Chúa Yesus để thử xem có phải là Yoan Tẩy Giả sống lại hay không, nhưng Hê-rô-đê chỉ tìm gặp được Người bằng lòng chịu khổ nạn mà thôi.

4/ Tin Mừng cho biết Hê-rô-đê là một ông vua háo danh, háo thắng: Một con người xảo quyệt, đến nỗi Chúa Yesus đã gọi ông là con cáo già, ông chỉ thua một chút táo bạo của vua cha mà thôi, khi Tin Mừng nói tới ông, thì cũng muốn nhấn mạnh vai trò của ông trong vụ án của Chúa Yesus.

5/ Lời xác nhận của Hê-rô-đê cho ta thấy là ông đã nghe nói nhiều về Chúa Yesus. Vì thế ông đã hỏi Chúa nhiều điều, không phải về giáo lý, về luật như các thượng tế đã hỏi, mà ông chỉ hỏi những điều ông tò mò muốn biết.

6/ Dù ông có hỏi bao nhiêu, Chúa Yesus cũng chẳng hé môi, không đáp nửa lời, vì sao? Bởi vì lương tâm của Hê-rô-đê đã chết rồi, trong đầu ông đang có quá nhiều tiếng gọi, nhất là tiếng gọi của Yoan Tẩy giả, nếu có thêm tiếng gọi nào nữa thì ông cũng chẳng thể nghe vì tai ông đã điếc nặng lắm rồi.

7/ Chúa không trả lời vua Hê-rô-đê, nhưng Chúa càng im lặng thì đầu ông càng chịu vang dội, hơn cả những lời trách mắng của Yoan Tẩy Giả. Kinh nghiệm cũng cho ta thấy: Sự im lặng của ai đó càng làm cho chúng ta kinh hải, càng lo sợ hơn là lúc họ nói ra, bởi vì chúng ta không thể nào đoán đúng ý nghĩ của họ nên lúc đó sự im lặng càng đáng sợ hơn.

8/ Cũng thế, Chúa để cho ai đó nhiều tội lỗi, một sự yên tĩnh, thì chắc chắn rằng đó là hình phạt đáng sợ nhất, khủng khiếp nhất, không một tiếng nói, không một âm thanh lay động, không một lời khiển trách. Đó chính là một sự im lặng đáng sợ.

9/ Cuối đời Hê-rô-đê đã chết nhục nhã đau thương. Ông và bà vợ bất chính đã bị vua A-rê-ta kéo quân tấn công, bắt đi lưu đày ở Ly-ong vào năm 39 và chết cô độc ở đó. Mỗi khi nhắc tới tên Hê-rô-đê, không ai nghĩ tới những việc lớn lao ông đã làm, nhưng ai cũng trước tiên nghĩ đến tội ác mà ông đã phạm.

10/ Cuộc đời vua Hê-rô-đê nhắc nhở chúng ta: Đừng bao giờ chai đá, đừng bao giờ nhắm mắt, bịt tai, nhưng hãy khiêm nhường nhận tội lỗi của mình. Để khi đời chúng ta qua đi, mọi người sẽ nhắc nhớ chúng ta vì họ yêu thương chúng ta, chứ đừng để họ nhắc chúng ta bằng cái lắc đầu, phàn nàn, thương hại, hai tiếng rủa thầm

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đừng bắt chước sống theo kiểu Hê-rô-dê, nhưng hãy sống tốt, hành động tốt, để khi con chết, không có chút ân hận hối tiếc nào, để đáng được Chúa thương, Chúa thưởng. Amen.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

XIN CHO LƯƠNG TÂM ĐƯỢC LÊN TIẾNG

(Gv 1, 2-11; Lc 9, 7-9)

Tin Mừng hôm nay cho thấy vua Hêrôđê hoang mang vì nghe người ta đồn Gioan Tẩy Giả chết sống lại. Ông lo lắng vì tin đồn này đã đụng đến tận căn hành vi tội ác của ông. Bởi vì ông là một người nhu nhược và ham mê sắc dục, nên đã đang tâm giết một người công chính là Gioan Tẩy Giả, chỉ vì ngài đã dám lên tiếng bênh vực sự thật và tố cáo hành vi sai quấy của ông.

Như vậy, hôm nay, một lần nữa hình ảnh vua Hêrôđê xuất hiện đã gợi lại cho chúng ta về bản chất của con người ác tâm, thất đức này. Tuy nhiên, căn bệnh của vua Hêrôđê cũng không khó kiếm trong xã hội của chúng ta, nhất là những người làm lớn.

Hằng ngày, chúng ta vẫn chứng kiến cảnh vì lợi ích của một người hay một nhóm người, mà gây nên biết bao oan sai, thất đức cho những người chân yếu tay mềm! Lại cũng vẫn còn đó những người chỉ vì miếng cơm manh áo mà chối bỏ lương tâm và thi hành những điều bất chính. Hay vì những thú vui xác thịt, chóng tàn, mau qua và đi đến chuyện giết người dãn man, ghê rợn.

Thật vậy, căn bệnh của vua Hêrôđê cũng vẫn và sẽ tồn tại trong xã hội của chúng ta, nếu chúng ta không can đảm để tra tay cắt đi khối "ung nhọt" ghê tởm đó ra khỏi lương tâm, và không tìm cách để chữa trị bằng đời sống đạo đức, tôn trọng lẽ phải, công bằng và thực thi bác ái...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức được con người của mình là yếu đuối, bất toàn, nên cần phải hồi tâm để kịp thời trở về với bản chất: "Nhân chi sơ, tính bốn thiện". Không được vô cảm và phủi tay, hay ghép điều xấu cho người khác, để mình vô tội, rồi vô tư đến nỗi: "Bình chân như vại" như không có chuyện gì xảy ra! Nếu chúng ta rơi vào tình trạng trên, hẳn chúng ta là một hạng người đê hèn và đáng trách, nhu nhược và đáng bị nguyền rủa. Cũng cần cảnh giác quan niệm chân lý thuộc về số nhiều mà chúng ta dễ bị "hiệu ứng đám đông" chi phối, làm cho chúng ta bị mập mờ không biết đâu là đúng, là sai, nhắm mắt đi theo những lời lẽ ngon ngọt của những kẻ nịnh bợ, rồi như một sự phát sinh tất yếu, chúng ta hành động chẳng khác gì những kẻ ác tâm, thất đức.

Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên những con người tốt và biết thi hành điều tốt cho anh chị em chúng con. Xin Chúa cũng tha thứ tội lỗi cho chúng con và ban cho chúng con ơn sám hối để trở về với Chúa. Amen.

Thứ sáu 26/09/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô Theo Thánh Luca (Lc 9,18-22)

Đề Tài: Chúa Yesus là ai?

18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng : “Dân chúng nói Thầy là ai ?” 19 Các ông thưa : “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”20 Người lại hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. 22 Người còn nói : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Trước những quan niệm, những hiểu biết của dân chúng về Chúa Yesus. Ông Phê-rô đã đại diện cho nhóm Mười hai nói lên lời tuyên xưng của mình: “Thầy là Đức Ki-tô con Thiên Chúa hằng sống”.

2/ Dù miệng Phê-rô tuyên xưng chính xác như vậy, nhưng lòng ông cũng chỉ hiểu rằng: Chúa Yesus sẽ mang lại vinh quang trần thế. Trong khi vinh quang của Chúa Yesus chỉ tỏ hiện qua hình bóng Thập giá, bởi vì Thập giá là dấu chỉ vinh quang mà Chúa Yesus phải vượt qua.

3/ Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Yesus cũng dùng để chất vấn chúng ta: Đối với tôi, với anh thì Đức Yesus là ai và thập giá mang lại ý nghĩa gì cho cuộc đời của chúng ta.

4/ Sứ vụ của Chúa Yesus khi đến trần gian là để mang lửa từ trời xuống sưởi ấm trái đất. Nếu trái đất này không có lửa thì chẳng có sinh vật nào có thể sống sót, vì nó quá lạnh lẽo.

5/ Sau gần 3 năm giảng đạo, hôm nay là thời điểm Chúa muốn kiểm tra thử lửa mà Chúa mang đến, đã bắt đầu cháy chưa? Cháy ở đâu? Cháy như thế nào?

6/ Điều quan trọng là Chúa sắp lên Yerusalem để kết thúc sứ vụ nên Chúa muốn biết kết quả như thế nào sau 3 năm giảng dạy!

7/ Các Tông đồ báo cáo: Dân chúng nghĩ Chúa là một trong những Ngôn sứ danh tiếng, rõ ràng dư luận về Chúa còn khá mơ hồ, dân chúng đang hoang mang, biết rất mù mờ về Ngài, họ chỉ nhận ra Ngài ở môt khía cạnh nào đó. Ngài có thể chỉ là kẻ dọn đường, chứ chưa phải là Đấng thiên sai mà mọi người đang mong đợi để đến cứu họ.

8/ Riêng đói với các Tông đò, các ông luôn ở bên cạnh nên các ông biết rõ hơn. Phê-rô đã thay mặt mọi người, long trọng tuyên xưng: “Thầy là Đức Ki-tô con Thên Chúa hằng sống”.

9/ Chúa Yesus đã xác nhận lời tuyên xưng của Phê-rô là đúng và báo trước cho các ông biết trước về cuộc khổ nạn đang chờ Chúa ở Yerusalem. Các lãnh đạo Do Thái sẽ tố cáo, hành hạ tàn nhẫn, kết án tử hình, nhưng Ngài sẽ sống lại vào ngày thứ ba.

10/ Một câu hỏi hôm nay được nhiều người tự đặt ra: Chúa Yesus có nhận ra tôi là Ki-tô hữu không? Trong cách sống, cách hành động, cách gặp gỡ giữa tôi với mọi người, người ta có nhận ra tôi là Ki-tô hữu không?

11/ Không phải là chúng ta tự xưng, tự phong, nhưng là chính cách sống tốt đẹp của chúng ta nói lên điều đó.

12/ Để đạt đến mẫu người Ki-tô hữu lý tưởng, chúng ta phải chứng tỏ cách sống đầy tình yêu thương để đời sống của chúng ta trở nên bức chân dung hoàn hảo của Đức Ki-tô.

13/  Chúng ta hãy cố xóa bỏ cách sống ích kỷ nhỏ nhen, hãy cố gắng sống thật quảng đại, độ lượng, yêu thương tất cả mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Yesus, con tin Ngài chính là Đức Ki-tô, con Thiên Chúa. Xin giúp con dám sống điều chúng con tin và rao truyền điều chúng con dám làm chứng cho mọi người cùng nhận biết Chúa. Amen.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

TUYÊN XƯNG NIỀM TIN ĐI ĐÔI VỚI ĐỜI SỐNG

(Gv 3, 1-11; Lc 9, 18-22)

Vào một buổi học Giáo lý nọ, một cô Giáo lý viên hỏi em nhỏ: "Con có tin Đức Giêsu là Thiên Chúa không?". Em trả lời ngay: "Dạ, thưa không ạ!". Quá ngỡ ngàng, cô Giáo lý viên hỏi tiếp: "Tại sao con không tin?". Em đó nói: "Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, ắt Ngài làm được nhiều sự, Ngài sẽ làm cho bố con không nghiện rượu, mẹ con không cãi nhau với bố con và hàng xóm nữa"; "Nếu Ngài là Thiên Chúa, thì những người tin Ngài phải sống tốt".

Qua câu chuyện trên, chúng ta học được bài học đầy ý nghĩa về một câu trả lời xem ra bướng bỉnh của cậu bé, nhưng hàm chứa những điều căn bản trong Đạo!

Thật vậy, trong xã hội và đôi khi cả chính chúng ta, miệng vẫn tuyên xưng niềm tin vào Chúa, nhưng trong cuộc sống, nơi hành vi, lời nói lại mẫu thuẫn với những gì chúng ta tuyên xưng. Hình ảnh méo mó, lệch lạc về Đức Giêsu lại được những môn đệ của Chúa trong thời đại hôm nay vui vẻ trình bầy qua cách sống của mình...!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta một mặt noi gương Phêrô để tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa. Nhưng ngay sau đó, phải là người phản ánh niềm tin cách trung thực trong cuộc sống của mình để mọi người nhận ra Đức Giêsu trong cuộc sống của chúng ta.

Muốn làm được điều đó, chúng ta phải hiểu về Đức Giêsu và sứ mạng của Ngài là chết để đền tội thay cho nhân loại, chứ không phải lãnh đạo và cứu độ bằng quyền lực. Đừng để lối hiểu của những người Dothái đương thời với Đức Giêsu và ngay cả các môn đệ thời bấy giờ về Đức Giêsu chi phối lựa chọn của chúng ta, rồi từ đó hy vọng một điều phù phiếm, hão huyền. Thật vậy, những người đó, họ hiểu Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh theo kiểu trần tục, đến để tái lập nước Israel và giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của ngoại bang và mang lại độc lập phồn vinh cho xứ sở. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không nằm trong ý định của Thiên Chúa và Đức Giêsu, vì Đức Giêsu đến để giải thoát bằng bằng con đường khiêm hạ và phục vụ, hy sinh và phải chết.

Lạy Chúa, xin cho chúng con một khi đã tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Độ, thì đồng thời cũng phải là người phản chiếu tình yêu cứu độ của Chúa ngang qua cuộc sống của chúng con mỗi ngày. Ước gì mỗi người chúng con là chứng nhân trung thành của Chúa trong xã hội hôm nay. Amen.

 

Thứ bảy, 27/09/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô Theo Thánh Luca (Lc 9,43b-45)

Đề Tài: Đau khổ và hạnh phúc

43b Khi ấy, đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, thì Người nói với các môn đệ rằng : 44 “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây : Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Đang khi các Môn đệ còn chưa hết ngạc nhiên và ngỡ ngàng về những phép lạ và cuộc biến hình vĩ đại, thì Chúa Yesus lại tiên báo về số phận phải chết khổ nhục của Ngài.

2/ Hạnh phúc và đau khổ là 2 thực tại mà không ai có thể tránh né được: Khi mặc lấy thân phận con người, Chúa Yesus cũng ý thức rất rõ về điều đó, nên Người đã đón nhận nó cách bình thản, dù rằng khi phải đối diện trực tiếp với nó, Người không tránh khỏi phải xao xuyến trong lòng.

3/ Chúa Yesus muốn các Môn đệ ý thức được điều đó để tránh những ảo tưởng sai lầm. Là môn đệ, họ cũng phải chịu như Thầy khi họ bị chống đối, bắt bớ, đó là số phận của tất cả những người tin Chúa chứ không riêng gì các Môn đệ. Thế nhưng chúng ta cần phải xác tín rằng: Phía sau Thập giá nặng nề chính là vinh quang của ngày phục sinh.

4/ Khi phải sống kiếp người, không ai có thể nói trước là mình sẽ chết cách nào: Chết vì bệnh, chết vì bị hành hạ, vì bị tra tấn, bị xử tử. Không ai có thể nói điều đó cách chính xác, chỉ có riêng một mình Chúa Yesus mà thôi.

5/ Chúa không nói một lần, mà nói rất nhiều lần. Hôm nay là lần điển hình, Ngài tỏ ra cho các Môn đệ biết những cực hình Ngài phải chịu: bị bắt, bị nộp, bị đánh đòn, đóng đinh,… Lần khác Chúa còn nó rõ hơn: Ngài sẽ bị nộp cho Thượng tế, Kinh sư; họ sẽ xét xử Ngài, nộp Ngài cho lương dân, Ngài bị sỉ vả, đánh đón, đóng đinh và chịu chết trên Thập giá.

6/ Chúa báo trước Ngài chịu đau khổ nhục nhã như vậy, nhưng Chúa cũng báo trước Ngài sẽ sống lại. Vì thế cái chết của Chúa có một giá trị vô song.

7/ Nếu Chúa không chết thì làm gì có Chúa sống lại. Nếu Chúa chết luôn, không sống lại, thì chúng ta tin Ngài làm gì? Như Thánh Phao-lô nói: Nếu Đức Ki-tô không sống lại thì chúng ta là những người dại dột nhất và chúng ta sống Đức tin chỉ là uổng công vô ích.

8/ Thánh Yoan Tông Đồ nói: Chúa Yesus hoàn toàn tự do lựa chọn vận mệnh cho mình, Ngài không để mình bị bắt, nhưng Ngài tự nộp mình. Ngài không để người khác chiếu cố vác đỡ Thập Giá, chính Ngài tự vác nó trên vai, Ngài chọn lựa phải chết cách nào, chết lúc nào!

9/ Vì sao Chúa lại chọn cái chết khắc nghiệt: Cũng vì yêu thương! Đời Ngài là một mầu nhiệm tình yêu, dâng hiến đời mình cho kẻ mình yêu. Chúng ta hãy suy niệm tận tình về cuộc khổ nạn của Chúa Yesus, thì cho dù tâm hồn chúng ta có chai lì, cuối cùng chúng ta cũng nghe tiếng kêu từ nơi trái tim Chúa: “Này con, xem đây: Không phải là trò đùa mà là tình Cha yêu thương con”.

10/ Suốt cuộc đời trần thế của Đức Mẹ, quả thực là một người Mẹ đau khổ. Từ lúc cưu mang cho đến lúc ôm xác Chúa trên tay, từng giây phút, Mẹ luôn tràn ngập đau khổ trong lòng. Nhờ đó, Mẹ đã đi hết cuộc hành trình Đức Tin, xin Mẹ luôn giúp chúng con biết sống mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Chúa Yesus, con Mẹ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì con chưa yêu Chúa nên Thập Giá còn nặng vai, vì chưa mến nên con cảm thấy đời con còn lắm chông gai. Nhưng con quyết tâm theo Chúa, xin Chúa thương nâng đỡ đời con. Amen.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

HÓA GIẢI ĐAU KHỔ BẰNG LÒNG MẾN

(Gv 11, 9 - 12, 8; Lc 9, 44b-45)

Trong một thánh lễ nọ, có một cụ bà đến bàn ghi ý lễ và nói: "Tôi muốn được xin ơn chết lành!". Vị ghi ý lễ không chịu, vì đây là điều quái gở, nên tự ý ghi lại là: "Xin như ý". Biết được, bà cụ không đồng ý và yêu cầu ghi đúng nguyên văn. Ôi thật là người tràn đầy đức tin! Chúng ta không biết được cụ bà này xin cho mình hay cho ai, nhưng chúng ta biết chắc rằng, họ đang bình an và muốn được trở về với Chúa là nguồn bình an đích thực của mình.

Có một câu chuyện khác kể về hai người nọ đang gặp đau khổ và đến xin một vị ẩn sĩ tìm cách giúp cho mình vượt qua thực trạng của cuộc sống mà họ đang phải đối đầu.

Sau khi nghe họ giãi bày tâm sự, vị ẩn sĩ trả lời: "Tốt hơn các anh hãy tìm đến một vị khác, tôi không có đủ tư cách để trả lời câu hỏi đó, bởi vì cả đời tôi có bao giờ nhận điều xấu từ bàn tay Chúa đâu!". Nghe đến đây, hai người thanh niên chợt hiểu rằng khi con người vui vẻ đón nhận khổ đau, thì khổ đau không còn là vấn đề nữa.

Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài sẽ phải chịu ngay khi dân chúng và chính các môn đệ đang trầm trồ khen ngợi vẻ huy hoàng, vinh quang qua quyền năng của Đức Giêsu nơi các việc Ngài đã làm cho dân. Khi tiên báo lúc này, Đức Giêsu muốn các môn đệ hãy đi theo con đường hy sinh, từ bỏ và đón nhận đau khổ vì tình yêu thì sẽ đạt được hạnh phúc đích thực.

Khổ đau không bao giờ buông tha chúng ta. Chỉ có điều chúng ta đối đầu với chúng trong sự tiêu cực thì chính khổ đau sẽ vùi dập cuộc đời và nó sẽ làm cho chúng ta thất vọng. Còn nếu chúng ta đón nhận nó trong lòng mến Chúa và sứ vụ thì sẽ bình an và đôi khi hạnh phúc hiện lên từ những gian nan khốn khổ. Bởi lẽ, theo niềm tin của người Công Giáo thì: "Qua đau khổ mới được vào vinh quang".

Hôm nay, phụng vụ kính nhớ thánh Vinh Sơn Phaolô, linh mục. Cuộc đời của thánh nhân ngay từ thời thơ ấu đã toát lên vẻ thánh thiện, thương người và đầy lòng vị tha, luôn bênh đỡ những người nghèo và ra tay giúp đỡ họ. Chính vì thế, thánh Vinh Sơn đã luôn rao giảng lòng thương xót của Chúa và sống chứng nhân tình yêu của Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời. Dù với bất cứ chức vụ nào: "Bề Trên Dòng hay trong cương vị của một mục tử, thánh Vinh Sơn đã luôn chu toàn trách vụ cách hết sức khôn ngoan". Ngài yêu thương những người nghèo khó, những kẻ đau khổ, những kẻ lao động vất vả, đặc biệt ngài lưu tâm tới việc giáo dục các thiếu nữ.

Thánh Vinh Sơn còn muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu khi lựa chọn một cuộc sống nghèo trong lao động để gẫn gũi những người mà Chúa gửi đến cho mình.

Cuộc đời của thánh Vinh Sơn có thể tóm gọn trong một câu: "Ngài không hề yên thân khi thấy anh chị em của mình chịu đau khổ, đói khát. Ngài luôn tìm cách giúp đỡ họ, và sẵn sàng chấp nhận hy sinh đau khổ vì lợi ích của tha nhân. Lựa chọn của ngài là luôn kết hợp với Đức Kitô chịu đóng đinh để thăng hoa ơn cứu độ qua đau khổ".

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng: con đường theo Chúa là con đường của đau khổ và hy sinh. Tuy nhiên, trung thành với chúng trong lòng mến Chúa, chúng con sẽ được phục sinh vinh hiển mai ngày. Amen.


Trở lại      In      Số lần xem: 3090
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  12
 Hôm nay:  1809
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11352113
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top