Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa TUẦN 30 THƯỜNG NIÊN A 2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần XXX Thường Niên A (30/10 -> 04/11/2017)

Thứ hai, 30/10/2017

Đề tài: ĐỪNG QUÁ CÂU NỆ VÀO LỀ LUẬT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 13,10-17)

10 Ngày sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường. 11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. 12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!" 13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. 14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát!" 15 Chúa đáp: "Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? 16 Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?" 17 Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.

SUY NIỆM:

1/ Chuyện xưa có kể về một đạo sĩ nọ đem dâng cho vua một chiếc nhẫn rất kỳ diệu.Nó kỳ diệu ở chỗ nếu người đeo nó làm điều lành thì nó chiếu sáng và cho ra một cảm giác thật dễ chịu, ngược lại nếu người đeo làm điều ác thì nó sẽ siết chặc như sợi dây khiến cho người đeo có cảm giác rất đau đớn.

2/ Mỗi Kito hữu chúng ta cũng có một chiếc nhẫn do Chúa ban đó là lề luật Thiên Chúa. Luật Chúa sẽ làm cho con người thoải mái, bình an, tự do nếu chúng ta vui lòng tuân giữ; ngược lại nếu ta tuân giữ cách miễn cưỡng, cứng nhắc thì luật Chúa sẻ biến con người thành nô lệ, bất an, khổ sở.

3/ Ông trưởng hội đường trong Phúc Âm đúng là típ người thứ hai, ông giữ luật cứng ngắc đến độ: thà để cho bệnh nhân chịu đau đớn hơn là chữa trị cho họ trong ngày Sabat.

4/ Thái độ này đã bị Chúa Giêsu lên án khi gọi những con người như ông ta là đạo đức giả. Còn Chúa Giêsu thì vẫn chữa bệnh, vẫn trừ quỷ trong những ngày lễ nghỉ.

5/ Nhiệm vụ Chúa Giêsu đến trần gian là để phục hồi những gì đã hư mất. Tin Mừng ghi lại rất nhiều lần Chúa làm phép lạ để chữa bệnh cho dân chúng. Mục đích của Chúa chẳng những chữa bệnh phần xác cho họ, mà còn bày tỏ tình Thiên Chúa yêu thương con người qua việc chữa lành bệnh tật trong tâm hồn.

6/ Bên cạnh những phép lạ Chúa làm, Chúa còn mời gọi con người đến đón nhận và trao ban tình yêu thương đó qua việc cứu chữa tâm hồn họ, ban cho họ ơn cứu độ.

7/ Vào thời Chúa Giêsu, mọi dịch vụ khám chữa bệnh đều bị cấm làm trong ngày Sabat. Các Kinh Sư và Phariseu từ trước tới nay vẫn chủ trương: thà để bệnh nhân chịu đau đớn còn hơn là vi phạm luật ngày Sabat, vì phạm luật là xúc phạm đến Thiên Chúa.

8/ Chính vì thái độ máy móc và tinh thần nô lệ lề luật đã khiến cho người khác có cái nhìn sai lệch về Thiên Chúa. Dưới con mắt của họ, Thiên Chúa cũng so đo, cũng tính toán, cũng luôn rình rập con người để tìm một lý do nào đó trừng phạt. Họ chỉ muốn áp dụng lẽ công bình của con người cho Thiên Chúa.

9/ Hôm nay Chúa Giêsu muốn đánh đổ quan niệm sai lầm ấy: Ngài muốn cho mọi người thấy: niềm vinh dự và hạnh phúc của Thiên Chúa chính là nhìn thấy con người được hạnh phúc, ấm no, bình an.

10/ Do đó Chúa Giêsu đã không ngần ngại chữa bệnh trong ngày Sabat, Ngài không những giải phóng con người khỏi bệnh tật, mà còn cởi trói cho con người thoát khỏi xiềng xích của tội lỗi, thoát ra khỏi một thứ tôn giáo vụ hình thức.

11/ Tự do mà Chúa muốn con người có được là tự do của tình thương. Chỉ có những ai biết sống yêu thương, quảng đại thì mới thật là những đứa con tự do của Thiên Chúa, đồng thời cũng là những con người có khả năng sáng tạo và cứu thoát anh em đồng loại.

12/ Thiên Chúa yêu thương, đó là chân lý nền tảng của đạo chúng ta, tình yêu không hề tính toán. Chúng ta hãy biết mở lòng ra để đón nhận tình yêu của Chúa, sau đó chúng ta đem ban phát cho anh em chung quanh.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho con luôn biết tuân giữ luật Chúa với tấm lòng khôn ngoan và nhân hậu. Amen.**R

 

Thứ ba, 31/10/2017

Đề tài: SỨC MẠNH ÂM THẦM CỦA NƯỚC TRỜI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 13,18-21)

18 Vậy Người nói: "Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? 19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được." 20 Người lại nói: "Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? 21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."

SUY NIỆM:

1/ Hạt giống rơi xuống đất, gặp hơi ẩm sẽ mọc thành cây, cây thì mọc lên cách âm thầm mạnh mẽ nhưng không gây ra tiếng động. Thế nhưng khi cây ngã đổ thì luôn gây ra riếng vang lớn.

2/ Khi Chúa Giêsu đem so sánh một hạt giống âm thầm mọc cùng với nắm men làm dậy cả thúng bột. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến một đặc tính của nước trời: khởi sự trong nhỏ bé nhưng khi trưởng thành thì nó lớn lao, tốt đẹp.

3/ Sự trưởng thành này sẽ diễn tả từ từ theo thời gian nhưng nó rất chắc chắn và mạnh mẽ, chúng ta hãy đem so sánh với những rễ cây xuyên tường, đội nức cả vỉa hè. Nước trời lớn mạnh trong âm thầm là do quyền năng của Thiên Chúa.

4/ Nước trời sẽ lớn mạnh và lan rộng đến khắp cả năm châu bốn biển, và làm thay đổi cuộc sống của con người cách triệt để, như nắm men làm dậy cả khối bột.

5/ Lời Đức Giêsu nói từ thuở xa xưa, thì nay đã ứng nghiệm, mọi thứ đang trở thành hiện thực, giáo hội ngày nay mỗi ngày thêm lớn mạnh mang lại ơn cứu độ cho mọi dân tộc.

6/ Khi đưa ra 2 Dụ Ngôn hạt cải và nắm men, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đặc tính âm thầm, mạnh mẽ của nước trời, là một sự khởi đầu khiêm tốn, nhưng sẽ thành tựu một cách lớn lao, tốt đẹp.

7/ Sự lớn mạnh, sự thành tựu sẽ diễn ra từ từ theo thời gian, nhưng nó rất chắc chắn, bởi vì đó là do quyền năng và sự can thiệp của Thiên Chúa, và ảnh hưởng của nước trời sẽ lan rộng ra khắp cả nhân loại.

8/ Nước trời sẽ thay đổi cuộc sống của con người như men làm dậy cả thúng bột. Điều Chúa nói từ xa xưa, nhưng hôm nay đã thành hiện thực, giáo hội hôm nay chẳng khác nào cây có tán lá sum xuê để cho nhiều dân tộc núp bóng, có nghĩa là mang ơn cứu rỗi đến cho họ.

9/ Sở dĩ chúng ta nhìn nước trời lúc khởi đầu có vẽ như nó rất chậm chạp. Vì hai lý do: thứ nhất, cách hành động của Thiên Chúa rất khác xa với con người/ thứ hai: chứng tỏ rằng Thiên Chúa rất tôn trọng sự tự do của mỗi người. Đa số loài người có tính hấp tấp, tham lam, làm điều gì chúng ta cũng muốn phải chiến thắng, phải kết quả mỹ mãn ngay lập tức, thích thấy đời này thay đổi nhanh chóng.

10/ Chính vì người Do Thái nóng vội, thích chiến thắng ngay, thích tôn Chúa Giêsu lên làm vua, bởi vì họ thích nhìn thấy Chúa Giêsu như một vị thiên sai oai phong lẫm liệt.

11/ Thiên Chúa luôn hành động khác hẳn. Ngài muốn chứng tỏ mọi hành động của Ngài nói lên tình yêu thương. Chúa muốn nước trời là một lời mời gọi âu yếm và để cho mọi người luôn tự do đáp lại, tự do đón nhận, tự do đổi đời mình dần dần.

12/ Thiên Chúa không phô trương bằng những màn ảo thuật giật gân, hay làm những phép lạ lóe mắt thiên hạ, Ngài cũng không xâm phạm quyền tự do của mỗi người.

13/ Hôm nay cách thức Chúa dẫn dắt chúng ta theo cách từ từ dần trôi. Chúa cũng muốn cho ảnh hưởng nước trời từ từ lan rộng trong mỗi cuộc sống cá nhân và trong các cộng đồng xã hội.

14/ Điều Thiên Chúa mong muốn là chúng ta hãy ngoan ngoãn vâng phục , đi theo bàn tay hướng dẫn của Ngài. Chúng ta đừng cố tình làm trở ngại cho chương trình của Chúa bằng những lỗi lầm đáng trách của chúng ta.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin mở to đôi mắt con, để con nhìn thấy những tác động âm thầm của quyền năng và tình thương của Chúa. Amen.**R

 

Thứ tư, 01/11/2017

Đề tài:  HÃY NÊN HOÀN THIỆN NHƯ CÁC THÁNH Ở TRÊN TRỜI 

LỄ MỪNG KÍNH CÁC THÁNH NAM NỮ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh  Mát-Thêu (Mt 5,1-12a)

1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2Người mở miệng dạy họ rằng: 3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. 4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. 5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. 7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. 8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. 9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. 11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. 12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

SUY NIỆM:

1/ Ngày xưa, người giáo dân ít học, ít hiểu biết nên thường cho rằng: Nên Thánh là chuyện chỉ riêng cho các Linh Mục, Tu sĩ, những nhà tu hành. Thế giới luôn biến đổi, vật chất của cải biến đổi thì trong lĩnh vực tinh thần cũng biến đổi, nhất là trong lĩnh vực tình thương, sự chia sẻ.

2/ Người Kitô hữu cho dù ở địa vị hoàn cảnh nào cũng có thể nên Thánh được. Đó là vì ân sủng của Chúa ban và do bí quyết sử dụng ơn Thánh của mỗi người.

3/ Lời khuyên tám mối phúc thật của Chúa Giêsu đã giúp cho biết bao con người trở nên thánh thiện. Chúng ta hãy nhìn vào lịch sử của Giáo Hội  lữ hành.

4/ Các Thánh là những người trung thành bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá. Các Thánh là những người khao khát được sống giống Chúa trong tư tưởng, lời nói cũng như việc làm.

5/ Tám mối phúc chính là con đường hẹp của tin mừng. Ai muốn được hưởng hạnh phúc với Chúa thì phải tìm thấy giá trị và niềm vui khi bước theo con đường thập giá, Cũng chính là con đường đưa chúng ta đến nguồn hạnh phúc đích thật.

6/ Các Thánh Nam Nữ mà chúng ta mừng kính hôm nay bao gồm những vị được giáo hội chính thức nhìn nhận và những người đã sống cuộc đời lành thánh trong âm thầm không ai hay biết, nhưng đã được chính Chúa thưởng công trên Thiên Đàng.

7/ Tất cả các Thánh chính thức cũng như vô danh, họ cũng đều là những môn đệ Chúa Kitô. Họ là những con cái của Thiên Chúa, họ là những thành viên của cộng đoàn dân Chúa tại trần gian. Họ đến từ cuộc đời Kitô hữu đầy những gian nan thử thách, các ngài cũng được trang bị đầy đủ các ơn thánh cần thiết để chiến thắng, không khác gì chúng ta ,cũng không có gì ưu tiên hơn chúng ta.

8/ Họ là những người đã chiến thắng bản thân, chiến thắng đam mê của chính mình.Chiến thắng những cám dỗ của thế gian, của xác thịt tội lỗi và mưu chước của ma quỷ để làm cho đời sống của mình phù hợp với những đòi hỏi của Tin mừng Chúa Kitô.

9/ Đời sống của các Thánh không phải là một giấc mơ đẹp. Lễ các Thánh cũng là lễ của chúng ta vì chúng ta cũng phải nên thánh, việc nên thánh không dành riêng cho một số người nào nhưng là của mọi người.

10/ Cộng đồng Vatican II, trong hiến chế tín lý đã dành cả 5 chương để nói về ơn gọi nên thánh. Đây là ơn gọi chung cho mọi người trong Giáo Hội.

11/ Người Kitô hữu không có hai lý tưởng, không có hai cấp bậc Kitô hữu. Như là hạng nhất, hạng ưu tú, thiểu số và một hạng tầm thường, hạng nhì dành cho đa số. Không phải thế, chỉ có một hạng Kitô hữu thế thôi, và tất cả chúng ta đều phải nên thánh.

12/ Nên Thánh là gì? Theo như Thánh Têrêxa nhỏ, nghĩa là làm một việc bình thường bằng một cách phi thường nhờ vào lòng yêu mến, Ngài đã thực hiện đời sống thánh thiện một cách rất bình thường.

13/ Một cách làm của Ngài: Bất cứ việc gì chúng ta làm, dù nhỏ nhặt đến đâu, chẳng hạn cúi xuống nhặt một cây kim vì lòng mến Chúa và để phục vụ anh em. Đó là chúng ta đang xây đắp cho kho tàng vĩnh cửu trên Thiên Quốc.

14/ Đừng nên đi tìm đâu xa, Chúa nói: Ơn Cha đủ cho con, nên thánh không phải là cố gắng làm những việc phi thường, vĩ đại, nhưng là khiêm tốn làm tròn mọi bổn phận hằng ngày một cách tốt đẹp vì lòng yêu mến Chúa. Như vậy cơ hội nên Thánh đang ở trong tầm tay .

Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa biết bao đam mê, cám dỗ của cuộc sống, xin cho con biết đem khôn ngoan lựa chọn và nhờ ơn Chúa trợ lực, chúng con sẽ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu cùng các Thánh trên trời. A men

 

Thứ năm, 02/11/2017

Đề tài:  TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA 

 HÃY CẦU CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 6,37-40)

37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài,38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."

SUY NIỆM:

1/ Nguồn gốc của việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có từ lúc nào ? Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2Mcb 12,43-46).

2/ Giáo hội từ những thế kỷ đầu cũng đã có cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.Thánh Augustinô, thế kỷ IV, đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Các dòng tu đặc biệt quan tâm đến việc này. Thánh Ôđi-lô, Tu viện trưởng Dòng Cluny, vào giữa thế kỷ XI (1048) đã có sáng kiến cho dòng của ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời vào ngày 2/11, ngay sau lễ Các Thánh. Sáng kiến này được Giáo Hội đưa vào lịch Phụng vụ Rôma.

3/ Công Đồng Triđentinô (1545-1563) nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết. Công Đồng Vaticanô II cũng dạy: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh..." (GH 50),

4/ Về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Ðồng dạy: "Khi được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa... các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên tòa Chúa Cha..." (GH 49). Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu phải đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện. Ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời liên quan đến niềm tin về luyện ngục và các thánh thông công.

5/ Thuật từ tiếng Latin:  Lễ này tiếng Latin là “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”, tiếng Anh gọi là “Commemoration of all the Faithful Departed”, có khi cũng gọi là “All Souls Day” (Lễ các linh hồn) hay “Defuncts Day “(Lễ các người đã qua đời). Uỷ Ban Phụng Tự dịch là “Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” là đúng, nhưng bình dân vẫn gọi là “Lễ các đẳng”. Vậy chúng ta tìm hiểu từ vựng này .

6/ Nghĩa của các đẳng : Các đẳng là tất cả thứ bậc. Thuật từ “Các đẳng linh hồn” để chỉ tất cả các linh hồn người quá cố trong luyện ngục (thuộc thành phần Hội thánh đau khổ), phân biệt với “Các thánh nam nữ” là các phúc nhân trên thiên đàng (Hội Thánh khải hoàn).

7/ Có người cho rằng quan niệm về “linh hồn mồ côi” và “các đẳng linh hồn” v.v.chịu ảnh hưởng tư tưởng “cô hồn các đẳng” của ngoại giáo. Như Phật Giáo chia địa ngục ít nhất có 18 tầng và quỷ cũng có nhiều cấp bậc. Trong “Phật thuyết quỷ vấn Mục Liên kinh” có rất nhiều thứ quỷ: quỷ đau đầu, quỷ mặc áo rách, quỷ ngủ bờ ngủ bụi, quỷ đói, quỷ nam căn bị thối rửa… Hay trong xã hội loài người cũng chia làm nhiều giai cấp, tức là thứ bậc khác nhau trong xã hội: sĩ, nông, công, thương, binh .

8/ Trong tác phẩm “Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn” đề cập đến 10 hạng “cô hồn”:Thiền tăng, nho sĩ, đạo sĩ, thiên văn địa lý, lương y, quan liêu, tướng quân, hoa nương, thương cổ và đãng tử. Trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” cũng nói đến 10 loại: Vua chúa, tể thần, đại tướng, kẻ ham giàu, kẻ ham danh, thương nhân, binh lính, quý nữ, kỹ nữ, bần nhân gặp nạn chết oan...

9/ Con số 10 chỉ là số phiếm chỉ cho tất cả các loại cô hồn tồn tại trong “lục đạo” mà thôi. Phải chăng, chính những hoàn cảnh này đã ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của chúng ta?

10/ Thực ra, trong xã hội trần gian bao giờ cũng có nhiều thứ bậc, đẳng cấp, giai tầng... Khi lìa trần, người ta không thể mang theo mình bất cứ của cải vật chất nào. Mọi thứ bậc, đẳng cấp, địa vị của con người ở trên đời không có ý nghĩa gì trước Tòa Phán Xét. Thiên Chúa xét xử con người theo “công trạng” nó đã làm ra. Chúa không hỏi chúng ta là ai, thuộc giai cấp nào trên thế gian, nhưng Chúa sẽ hỏi chúng ta về “nén bạc” (ân sủng và tình yêu) mà Chúa giao phó đã được sinh lợi như thế nào.

11/ Như Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: “Nên nhớ Người sẽ không khiển trách họ về hạnh kiểm, tội lỗi hay lời báng bổ; mà chỉ vì không ích lợi gì cho ai. Như kẻ đã chôn nén của bạc mình, đời sống y không có gì khiển trách, nhưng y không làm ích gì cho ai khác.”

12/ Vì vậy, khi nói “các đẳng linh hồn”, chúng ta nghĩ tới tất cả các linh hồn của mọi hạng người trên đời này đã quá cố và đang còn phải thanh luyện trong luyện ngục. Họ có thể là ông bà, tổ tiên, thân nhân, bạn hữu của chúng ta hay là những người xa lạ. Khi còn ở đời này, có thể họ là người giàu sang quyền quý hay nghèo khó mọn hèn. Họ có thể là những Kitô hữu hữu danh hoặc “Kitô hữu vô danh”. Tất cả họ đều là chi thể của Chúa Kitô, giờ đây đang thuộc về Giáo Hội đau khổ và cần đến lời cầu nguyện của chúng ta.

13/ “Các đẳng linh hồn” không có nghĩa là trong luyện ngục các linh hồn vẫn có sự phân chia đẳng cấp, điạ vị như khi còn ở thế gian hay trong Luyện Ngục có bao nhiêu đẳng cấp, thứ hạng linh hồn. Trong Luyện Ngục, tình trạng thanh luyện của họ có thể khác nhau, nhưng được “phân cấp” như thế nào thì chúng ta không biết.

14/ Khi nói “linh hồn mồ côi”, chúng ta nghĩ tới linh hồn của hạng người phải đơn độc trong cuộc lữ hành đức tin khi còn ở trên đời. “Đơn độc”, “cô quả”, “mồ côi”.... hiểu theo nghĩa đời thường là không có người thân thích, bạn bè, không có ai đồng hành để được quan tâm, nâng đỡ đời sống đức tin. Họ có thể là những tín hữu cô nhi, quả phụ hay kẻ cơ bần sống đời đơn chiếc. Họ cũng có thể là những tín hữu giàu sang, con đàn cháu đống, bạn hữu tứ phương mà thực ra những người quen biết xung quanh họ không ai có niềm tin Công Giáo như họ để xin lễ hay cầu nguyện cho họ. Và nay, những linh hồn đó đang ở trong Luyện Ngục, đang cần đến lời cầu nguyện từ Giáo Hội chiến đấu là chúng ta .

15/ “Linh hồn mồ côi” không phải là linh hồn không được Chúa đoái trông chăm sóc,ít được Chúa yêu thương hay bị Ngài lãng quên. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Mọi linh hồn đều được Thiên Chúa tạo dựng. Mọi người đều được Chúa yêu thương bằng một tình yêu riêng biệt, không ai giống ai, Ngài vẫn không ngừng gọi chúng ta bằng chính tên riêng của từng người: “Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho” (Is 62,2) và tình yêu đó luôn luôn đầy tràn: “Ơn của Ta đủ cho ngươi” (2Cr 12,9).

16/ Bản văn Công Giáo đầu tiên sử dụng từ “các đẳng” mà chúng tôi được biết là “Văn Tế Các Đẳng Linh Hồn” của cha Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874): “Nhớ các đẳng xưa: Tay Chúa dựng hình, tính thiêng gởi xác. Di luân tài mạng chịu thiên tư, lý dục thị phi đầy địa bộ...”.

17/ Cụm từ “các đẳng”, “các đẳng linh hồn” đã được sử dụng từ lâu trong Giáo hội tại Việt Nam để chỉ các tín hữu đã qua đời đang còn thanh luyện chờ ngày hưởng phúc thanh nhàn bất diệt. Lịch phụng vụ của Roma xưa nay ghi lễ ngày 02/11 là “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”. Lịch phụng vụ ởViệt Nam thì dịch là: “Lễ Các Linh Hồn”, “Lễ cầu Hồn”, “Lễ Cầu Cho Mọi Tín Hữu Qua Đời”, sau này dịch là “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời”. Thiết nghĩ cách dịch “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” thì sát nghĩa với nguyên bản, nhưng nên hiểu đó vẫn là nói tắt, vì đầy đủ phải là Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời Đang Còn Thanh Luyện nơi luyện ngục .

18/ Cách nói “Lễ các đẳng” cũng là cách nói tắt, mang âm hưởng văn hóa bản địa về “cả thảy vong linh” thuộc “thập loại chúng sinh” gồm cả “cô hồn các đẳng”! Phải chăng các tiền nhân của chúng ta đã hội nhập văn hóa trong khi tạo ra cụm từ này để phiên dịch?

19/ Giáo dân Việt Nam chúng ta có thói quen xin lễ cho các linh hồn tổ tiên nội hay ngoại, linh hồn thân nhân, linh hồn mồ côi, linh hồn ngoại đạo, thai nhi, linh hồn người chết vì tai nạn… và trong Thánh lễ hàng ngày, Hội Thánh luôn cầu nguyện cho mọi người đã qua đời. Đó là những việc làm rất tốt để tưởng nhớ người đã qua đời, thực thi bổn phận “hợp thông cùng các thánh”.

20/ Ngày “Commemoratio omnium Fidelium Defunctorum”, chính xác là ngày “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời”. Còn “Lễ Các Đẳng” là cách nói vắn tắt, hiểu theo giáo lý Công Giáo như đã trình bày, thì không đúng cho lắm, những nếu đặt trong bối cảnh văn hoá Việt Nam thì việc tiếp tục sử dụng nó cũng không có gì ngăn trở.**R

Cầu nguyện: Giêsu, Maria, Giuse! Con mến yêu, xin thương cứu các linh hồn / (3 lần)

 

Thứ sáu, 03/11/2017

Đề tài: GIỮ LUẬT VÌ YÊU MẾN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 14,1-6)

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 2 Và kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng. 3 Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: "Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không? " 4 Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. 5 Rồi Người nói với họ: "Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?"

6 Và họ không thể đáp lại những lời đó.

SUY NIỆM:

1/ Trái tim Chúa Giêsu lộ ra bên ngoài cho người ta thấy bởi vì trái tim Chúa luôn rộng mở. Trái tim con người không có ai có thể thấy vì thế nên miệng thì nói yêu nhưng trái tim không yêu nên chẳng ai có thể kiểm chứng được.

2/ Tình yêu của Thiên Chúa luôn vô hạn và vô điều kiện, trong khi tình yêu con người luôn có điều kiện. Còn một điều đáng buồn hơn nữa ở trái tim con người: tình yêu bị bắt buộc, có khi vì không yêu mà bị giết chết, có khi vì yêu mù quáng nên tự hại mình và tự hại mạng sống của người mình yêu.

3/ Hôm nay Chúa chữa cho một người phù thũng trong ngày Sabat. Người Do Thái viện cớ phải giữ luật nên không cho phép Chúa chữa bệnh và chống đối Ngài.

4/ Chúa Giêsu đã đưa ra một câu hỏi để đánh động lương tâm họ, đồng thời Chúa cũng muốn họ hiểu rằng: luật lệ cho dù là luật Sabat cũng sẽ trở thành vô nghĩa nếu như luật ấy không mang lại lợi ích cho con người.

5/ Cuối cùng điều Chúa muốn dạy hôm nay: nền tảng của mọi lề luật đó là luật bác ái yêu thương, nếu giữ đủ mọi thứ luật mà thiếu bác ái thì coi như chưa chu toàn, còn nếu thiếu sót mọi lề luật khác nhưng đã chu toàn luật bác ái thì coi như đã chu toàn tất cả.

6/ Thiên Chúa dạy phải nghỉ ngày Sabat và dùng ngày đó chỉ để thờ phượng Chúa, để nghỉ ngơi sau 6 ngày làm việc vất vả. Nói chung luật ngày Sabat Chúa lập ra để mưu cầu lợi ích cho con người chứ không phải để biến con người thành máy móc nô lệ.

7/ Thời gian qua bộ óc của các Kinh Sư và Biệt Phái đã biến luật Sabat thành một dụng cụ để kìm kẹp con người, họ phân biệt và cấm đoán đủ thứ, họ cố làm chết đi tinh thần lề luật đến độ họ không còn dám giúp đỡ anh em mình nếu chẳng may gặp hoạn nạn đớn đau bệnh tật trong những ngày này.

8/ Họ bảo rằng: Khi giữ luật Chúa trong ngày Sabat thì cho dù có đói chết cũng không được bứt lúa ăn, không được giải cứu cho người đàn bà bị quỷ ám, bị còng lưng suốt 18 năm, không được chữa bệnh cho người bị liệt 38 năm ở bờ hồ, không được lấy bùn xức mắt người mù, không được chữa người đàn bà bị phù thũng.

9/ Chúa hỏi họ trong ngày Sabat có được chữa bệnh không, họ đã làm thinh. Chúa Giêsu đã quở trách thái độ của họ bằng cách chữa bệnh cho người ấy, để minh chứng rằng việc Chúa làm trong ngày Sabat là đẹp lòng Thiên Chúa.

10/ Hôm nay Chúa không có ý phá bỏ luật kiêng việc của họ, nhưng Chúa muốn kiện toàn để chứng tỏ cho Kinh Sư và Phariseu biết: Tinh thần lề luật thì cao quý hơn là việc chỉ câu nệ giữ luật bằng hình thức bên ngoài mà coi thường luật bác ái yêu thương.

11/ Ngày Sabat, một con vật sa xuống hố còn được cứu sống huống chi con người, con người cao trọng biết bao nhiêu. Điều này mang ý nghĩa rằng: Luật bác ái yêu thương luôn cao trọng hơn luật nghỉ ngày Sabat.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy con phải yêu thương mọi người vì Chúa đã tóm tắt giới răn chỉ còn 2 điều: mến Chúa và yêu người. Xin giúp con biết yêu thương mọi người như Chúa dạy . Amen.**R

 

Thứ bảy, 04/11/2017

Đề tài: TINH THẦN KHIÊM HẠ

THÁNH CARÔLÔ BORRÔMÊÔ – GIÁM MỤC

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 14,1.7-11)

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.

7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8 "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."

SUY NIỆM:

1/ Nhiều đội bóng năm nay vô địch thế giới vì có lối chơi mới mẻ. Cũng chính vì cứ nghĩ mình luôn là đội bóng hạng nhất nên tới kỳ World Cup khác thì thất bại thảm hại / cũng chỉ vì họ khinh địch, ngạo mạn, ảo tưởng.

2/ Thực hế cho thấy những kẻ có ý nghĩ ngạo mạn, không trước thì sau cũng sẽ thất bại, bởi họ coi khinh người khác và mờ mắt trước những ảo tưởng nên không chịu phấn đấu tiến lên.

3/ Trong lĩnh vực tâm linh cũng thế, Chúa muốn nhắc chúng ta điều này khi đưa ra một lời khuy ên mạnh mẽ: Ai tự cao tự đại, khi gặp cơn cám dỗ sẽ dễ dàng gặp thất bại thảm hại. Ngược lại, ai khiêm tốn xin ơn Chúa trợ giúp và nhờ lời cầu nguyện nâng đỡ của mọi người, thì họ sẽ dễ dàng đạt được hạnh phúc nước trời.

4/ Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu không có ý dạy chúng ta một tiểu xảo: giả vờ hạ xuống để rồi liền sau đó ta sẽ được thiên hạ tôn lên ngay, giả bộ ngồi chỗ cuối để người ta mời mình lên chỗ trên cao.

5/ Chúa Giêsu không có ý dạy chúng ta làm một tiểu xảo, bởi vì nếu thế thì Chúa đi ngược lại chủ trương đường lối của mình. Chúa không có ý dạy chúng ta hạ mình xuống với hậu ý được cất nhắc lên cao, và ai đó có ý đồ như vậy là kẻ háo danh chứ không phải là khiêm nhường nữa.

6/ Ngày nay không thiếu những kiểu đi tìm hư danh cách lộ liễu, kiêu căng, lố bịch;nhiều người tự xưng mình là kẻ hèn hạ tội lỗi, không ra gì với dụng ý để được khen ngợi là người thánh thiện. Như vậy đây mới chính là một tiểu xảo.

7/ Ở đây Chúa muốn chúng ta chân thành nhận ra giá trị thật của mình, hạ mình xuống để khiêm nhường, mà khiêm nhường là thật sự biết mình, biết ưu khuyết điểm của mình đúng với chân giá trị của mình giữa những người khác.

8/ Chúng ta có gương sáng của Tin Mừng là Mẹ Maria, trước ơn gọi làm Mẹ Chúa cứu thế, Mẹ đã khiêm nhường nhận mình là nữ tì của Chúa. Khi đã là Mẹ Chúa Giêsu trong bụng mình, Mẹ đã làm người phục vụ cho bà Elizabet.

9/ Khi con mình đã nổi danh, Mẹ vẫn kể mình là hàng tôi tớ phục vụ tại tiệc cưới Cana. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Mẹ vẫn hiện diện với các Tông Đồ để âm thầm cầu nguyện và phục vụ, giúp đỡ các ông.

10/ Điều cần làm là: chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu trong tấm gương tự hạ và khiêm nhường của Mẹ để phục vụ những người chung quanh, nhờ đó chúng ta sẽ đáng được Thiên Chúa xót thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết sống khiêm nhường khi đến với Chúa và khi sống với gia đình và những người xung quanh. Xin cho con chỉ biết yêu thương phục vụ như Mẹ Maria. Amen.**R

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2000
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  585
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11403401
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top