Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 33 (TN A)

Thứ hai, 17/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 18,35-43)

Đề tài: Mù mà lại thấy Chúa

35 Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. 36 Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. 37 Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó. 38 Anh liền kêu lên rằng : “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” 39 Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi ; nhưng anh càng kêu lớn tiếng : “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” 40 Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi : 41“Anh muốn tôi làm gì cho anh ?” Anh ta đáp : “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” 42 Đức Giê-su nói : “Anh nhìn thấy đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” 43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Một em bé gái mù trong một trại khuyết tật: Em có nụ cười rất hồn nhiên, điều này làm nhiều người ngạc nhiên; có người hỏi em có buồn trách số phận không? Em trả lời: Trước đây em buồn nhưng giờ thì không! Em cảm thấy vui vì tuy Chúa không cho em thấy cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp nhưng Chúa lại cho em thấy nhiều thứ khác mà người sáng mắt không thể thấy, đó là “bình an!”.

2. Câu chuyện Tin Mừng Chúa chữa anh mù dạy chúng ta một bài học về lòng tin: Anh mù nhận ra Đức Yesus là Đấng Messia mà người sáng mắt không thấy được, anh đã tin và lòng tin của anh đã được đáp trả bằng một phép lạ diệu kỳ, “anh đã được sáng mắt”.

3. Chúng ta có con mắt thể lý rất sáng nhưng con mắt Đức tin lại mù: Đôi lúc đời chúng ta gặp gian nan thử thách trái ý, chúng ta chỉ biết oán trách Chúa, có khi chúng ta không còn tin vào Chúa nữa!

4. Từ vùng Pêrê (miền thập tỉnh) đi lên Yerusalem phải đi băng qua Giêrikô: Đang đi trên đường, đây là lần thứ ba Chúa Yesus công khai nói cho các Môn đệ biết người lên Yerusalem để chịu chết, nhưng các Môn đệ không hiểu gì (Lc 9, 22-24);(Lc18,31-33). Các ông cứ nghĩ Đức Yesus sẽ khôi phục nước Do Thái trần thế, chứ đâu có tin Chúa sẽ chịu chết để cứu thế gian và khôi phục nhân loại về cho Chúa Cha.

5. Vì có dân chúng đi theo Chúa Yesus, nên anh mù biết có Đức Yesus Nazaret đi ngang qua và anh đã không ngừng kêu xin Chúa và còn nại vào tước hiệu con vua Đa-vít để xin Chúa xót thương anh.

6. Tước hiệu con vua Đa-vít: Nói lên niềm hy vọng của dân Do Thái, tin vào một vị cứu tinh sẽ giải thoát họ khỏi ách nô lệ và đem lại vinh quang cho đất nước.

7. Tước hiệu con vua Đa-vít được thiên sứ Gabriel nhắc tới khi truyền tin cho Đức Maria: Và đó cũng là lời dân chúng tung hô Đức Yesus khi Ngài khải hoàn vào Yerusalem trong ngày rước lá.

8. Một anh mù ăn xin nhưng lại không xin bánh, không xin tiền như thường ngày, mà hôm nay anh lại xin được sáng mắt => Chứng tỏ anh đã nhận ra và anh dám nói lên điều mà những người khác không bao giờ dám nói, dám xin.

9. Người mù trong đoạn Tin Mừng chắc chắn ý thức được nổi khổ của anh mình: Vì bị mù lòa và khao khát được ra khỏi tình trạng tồi tệ ấy nên anh đã van xin Chúa.

10. Thân phận người mù thật đáng thương: Anh không thể chiêm ngắm vũ trụ xung quanh, không thể thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên, không thể nhìn thấy gương mặt thân yêu của mẹ mình, không thể phân biệt đường đi, không đánh giá được sự nguy hiểm chung quanh mình => Vì thế anh mù luôn sống trong cảnh bi quan, tuyệt vọng.

11. Người mù thể xác cũng giống thân phận người mù Đức Tin: Khi Chúa chữa bệnh mù thể xác là trả lại phẩm giá con người, cùng lúc Chúa mở con mắt Đức Tin để anh nhận ra Ngài là con vua Đa-vít, là Đấng Cứu Thế.

12. Hình ảnh anh mù nói lên thân phận con người trongcuộc lữ hành Đức tin: Con người không thể tự cứu mình, những người chung quanh cũng không cứu được, không ai khác ngoài Đức Ki-tô => Hãy trung thành bước theo Người thì sẽ không bị mù đức Tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nếu có Chúa, con không cần con mắt. Nếu có Chúa bên cạnh, con chẳng cần phải tin Chúa vì con đã thấy Chúa bên con. Xin cho con luôn vững tin vào Chúa. Amen.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

ÁNH SÁNG ĐỨC TIN

(Kh 1, 1-4; 2, 1-5a; Lc 18, 35-43)

Có một câu chuyện kể về hai người đàn bà điếc: Buổi sáng nọ, một trong hai bà hỏi người kia rằng: “Chị đi chợ à?”, vì điếc, nên không hề nghe thấy người kia hỏi gì, chỉ nhìn miệng và đoán ý mà thôi. Tuy nhiên, người này đã đoán đúng ý và đáp lại: “Vâng! Em đi chợ”. Bà kia thốt lên: “Thế mà em cứ tưởng là chị đi chợ!”. Câu chuyện thật buồn cười, nhưng đây là cuộc sống thực của những người điếc nói chuyện với nhau.

Cuộc đời, sứ vụ và lời rao giảng của Đức Giêsu cũng bị các môn đệ hiểu sai, nên không lạ gì khi Ngài nói một đàng, các ông hiểu một nẻo theo kiểu: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Con mắt tâm linh, đức tin của các ông không còn đủ độ nhạy bén để nhận ra Thầy của mình là Thiên Chúa và Ngài đến để loan báo về triều đại của Thiên Chúa chứ không thiết lập một đất nước và vương quốc theo kiểu trần gian. Như vậy, mắt thể lý của các ông thì sáng, nhưng con mắt tâm linh thì lại mù.

Biết được cách nhìn và lối hiểu sai lạc của các tông đồ, nên Đức Giêsu đã tìm mọi cách để giúp cho các ông hiểu rõ sứ vụ của mình và mai đây chính họ là những người tiếp bước, vì thế, Ngài quyết định đi lên thành Giêrusalem để thực hiện sứ vụ cứu chuộc nhân loại bằng chính cái chết.

Trên hành trình ấy, Đức Giêsu đã gặp anh mù thành Giêricô. Lạ lùng thay, những người sáng mắt thì không nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, còn anh mù, anh ta lại nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng Giải Thoát! Khi gặp Ngài, anh ta đã biểu lộ niềm tin tuyệt đối khi cất tiếng kêu xin: “Lạy Con Vua David, xin thương xót con”. Thấy được sự tín thác của anh, Đức Giêsu đã ra tay cứu giúp khi phán: “Đức Tin của anh đã cứu anh”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái độ khiêm tốn để nhận ra Chúa như anh mù Giêricô khi xưa. Chỉ có thái độ khiêm nhường, tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, thì con mắt đức tin của chúng ta mới thực sự sáng để xác tín và đi theo Chúa trọn vẹn.

Câu hỏi của Đức Giêsu với anh mù thành Giêricô khi xưa cũng là câu hỏi cho mỗi người chúng ta hôm nay: “Anh muốn Tôi làm gì cho anh?”. Khi được hỏi như thế, chúng ta sẽ trả lời Chúa như thế nào? Mong được khỏi bệnh? Được giàu có? Được sung sướng? Hay mong cho được ơn nghĩa đức tin?

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho chúng con được thêm niềm xác tín mạnh mẽ nơi Chúa như anh mù khi xưa. Xin cho chúng con được biến đổi nhờ được gặp Chúa. Amen.

 

Thứ ba, 18/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 14,22-33)

Đề tài: Sụp ngã và đứng lên (Cung hiến Đền thờ Thánh Phê-rô)

22 Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 23Giải tán họ xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. 24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. 26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau : “Ma đấy !”, và sợ hãi la lên. 27 Đức Giê-su liền bảo các ông : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” 28 Ông Phê-rô liền thưa với Người : “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” 29 Đức Giê-su bảo ông : “Cứ đến !” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. 30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên : “Thưa Ngài, xin cứu con với !” 31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói : “Hỡi kẻ kém lòng tin ! Sao lại hoài nghi ?” 32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng. 33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói : “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Tại sao Chúa bắt các Môn đệ phải đi? Sau khi cho dân chúng ăn xong, Chúa Yesus bảo các Môn đệ ra đi, Matthêu kể rằng: Chúa Yesus bắt họ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, nghe qua chúng ta thấy có vẻ lạ nhưng chúng ta sẽ tìm thấy lời giải thích khá rõ ràng nếu đọc kỹ Tin Mừng Yoan. Yoan nói rằng sau khi cho đám đông ăn xong thì đám đông muốn vây lấy Chúa và dùng áp lực để đưa Chúa lên làm vua. (Yn 6,15)

2. Tại  xứ Palestin sôi động: Khi đã có phong trào quần chúng cổ vũ thì một cuộc cách mạng rất có thể sẽ bùng nổ ngay tại đó; có thể lối suy nghĩ của các Môn đệ càng làm cho tình trạng này thêm nguy hiểm khi họ vẫn luôn nghĩ về Chúa Yesus như một thế lực trần gian.

3. Sở dĩ Chúa Yesus bảo các Môn đệ đi ngay vì đã đến lúc mà Ngài thấy rằng tình trạng này sẽ rất nguy  hiểm,  nên tốt hơn hết là Ngài nên đối phó một mình và Ngài không muốn để các Môn đệ dính líu vào.

4. Matthêu thuật lại rằng: Trước khi Chúa Yesus cho đám đông ăn, Ngài bảo họ ngồi xuống bãi cỏ xanh, vì thế chúng ta đoán biết đó là mùa xuân, khoảng trung tuần tháng tư và đêm đó trăng rằm. Vậy vào lúc 3 giờ sáng (canh tư) Chúa đang đi trên vùng đất cao ở phía bắc bờ hồ thì Ngài nhìn thấy rõ chiếc thuyền đang phải chiến đấu với sóng gió nên Ngài xuống biển hồ để giúp họ.

5. Trong cuộc sống, gió thường hay thổi ngược, chúng ta thường phải chống chọi khi đời sống là một cuộc chiến đấu vô vọng với chính mình, với hoàn cảnh, với cám dỗ, với sầu khổ và với những quyết định sai của chúng ta. Chính những lúc như thế, chúng ta không phải chiến đấu một mình, vì Chúa Yesus sẽ đến với chúng ta giữa cơn bão tố của đời sống, Ngài nói với giọng bình tĩnh, rõ ràng: “Hãy yên tâm, Thầy đây đừng sợ!”.

6. Có 3 điều nói lên cá tính của Phê-rô: (1) Phê-rô làm theo cảm tính chứ không suy nghĩ chín chắn, ông luôn mắc phải lỗi lầm là không nhìn kỹ thực trạng và không cân nhắc kỹ lưỡng, ông cũng đã làm như vậy khi xác nhận lòng trung thành của ông đối với Chúa Yesus (Mt 26,33-35); nhưng sau đó ông đã chối Ngài, vì ông là con người tình cảm nên tuy có đôi lần vấp ngã nhưng lúc nào ông cũng ngay thẳng, thành thật và yêu thương!

7. (2)Vì để cho tình cảm chi phối nên ông thường thất bại và buồn khổ: Chúa Yesus khuyên mọi người nên nhìn kỹ sự việc trước khi hành động (Lc 9,57-58). Người Ki-tô hữu cũng thường hành động theo cảm xúc nên thường thì phải trả giá.

8. (3)Tuy nhiên, Phê-rô không bao giờ thất bại ở phút cuối. Vì khi thất bại ông luôn nắm chặt lấy tay Chúa Yesus, kinh nghiệm cho thấy mỗi lần thất bại, khi đứng lên thì thất bại đó lại mang ông đến gần Chúa Yesus hơn.

9. Người ta thường nói: Một vị Thánh không phải là một người không bao giờ vấp ngã, mà sẽ tiếp tục đứng dậy và đi sau khi vấp ngã. Phê-rô càng vấp ngã thì ông càng yêu Chúa hơn.

10. Câu chuyện một cô gái gánh nước và miếng gỗ trong thùng nước: Người ta hỏi tại sao, thì cô trả lời: Cho nước đừng chao đổ ra ngoài.

11. Khi lòng bị chao đảo, bối rối, hãy đặt Thập giá vào lòng bạn để giữ cho lòng bạn được yên tĩnh. Khi sóng gió dồn dập nếu có Chúa hiện diện, lòng ta sẽ được thanh tịnh và bình an.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban bình an cho linh hồn con bởi khi Chúa bước vào lòng con thì sóng gió sẽ tức khắc lặng yên. Amen.

 

Thứ tư, 19/11/2014 (Lc 19,11-28)

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 19,11-28)

Đề tài: Sinh lợi nén bạc theo khả năng

11 Khi ấy, dân chúng đang nghe Đức Giê-su, thì Người kể thêm cho họ một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giê-ru-sa-lem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. 12 Vậy Người nói : “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. 13Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ : ‘Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.’ 14 Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng : ‘Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.’
15 “Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. 16 Người thứ nhất đến trình : ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.’ 17 Ông bảo người ấy : ‘Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi ! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.’ 18 Người thứ hai đến trình : ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.’ 19 Ông cũng bảo người ấy : ‘Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.’
20 “Rồi người thứ ba đến trình : ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. 21 Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.’ 22 Ông nói : ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. 23 Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng ? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ !’ 24 Rồi ông bảo những người đứng đó : ‘Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén.’ 25 Họ thưa ông : ‘Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi !’26 Ông đáp lại : ‘Tôi nói cho các anh hay : phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi. 27 ‘Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi.’” 28 Đức Giê-su nói những lời ấy xong, thì dẫn đầu các môn đệ, tiến lên Giê-ru-sa-lem.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Một tỷ phú Mỹ dẫn đứa cháu nội đi chơi: Chợt ông nhìn thấy 1 đồng xu bên vệ đường, ông dừng lại nhặt. Đứa cháu thắc mắc hỏi tại sao ông quá giàu mà lại phải cúi xuống nhặt một đồng xu cho tốn công? Ông tỷ phú trả lời: Ngày xưa ông từng phải đi tìm những đồng xu như thế này để sống cho nên ông rất quý và trân trọng nó.

2. Mỗi người được Chúa ban cho những nén bạc, Chúa luôn muốn mỗi người phải sinh lợi theo khả năng của mình: Điều quan trọng là chúng ta có biết tận dụng những tài năng, những số vốn Chúa ban để làm sinh lợi theo ý của Người hay không?

3. Chúa muốn chúng ta bắt chước cách hành xử của 2 người đầy tớ trung tín trong Tin Mừng, biết chăm chỉ làm việc để sinh lợi số vốn Chúa ban.

4. Hãy sống trọn vẹn ơn gọi của mình, hãy làm sinh lợi theo khả năng. Bởi trong ngày phán xét, Chúa sẽ tính sổ và xét xử mọi việc làm của chúng ta bất kỳ là việc lớn hay nhỏ, và căn cứ vào đó để thưởng phạt mỗi người.

5. Chúa giảng Dụ Ngôn nén bạc tại nhà ông Dakêu trên đường lên Yerusalem để chịu chết: Qua Dụ Ngôn này Chúa muốn nói với chúng ta trong khi chờ đợi ngày Chúa tái lâm, chúng ta không được lười biếng, nhưng phải bắt chước cách làm việc của người đầy tớ tốt, dùng những nén bạc chủ giao để mau mắn làm sinh lời.

6. Làm sinh lời số vốn Chúa ban: Tức là làm vinh danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi của mình bằng những việc lành phúc đức. Trong ngày cách chung, người đầy tớ tốt sẽ được vào tham dự phần vinh quang nước Chúa, còn kẻ lười biếng sẽ bị phạt nơi tối tăm khốn nạn đời đời.

7. Dụ Ngôn Chúa đề cao hai người đầy tớ tốt lành trung tín, biết dùng những nén bạc để làm sinh lời cho ông chủ:  Những ơn lành phần xác như là tài năng, sức khỏe, tiền bạc, cơ hội; còn những ơn phần hồn như là: các bí tích, các ơn ích của Hội thánh, ơn Thánh sủng, ơn hiện sủng, ơn Thánh hóa của Chúa thánh thần => Để tôn vinh danh Chúa và mưu ích phần rỗi cho linh hồn mình và cho tha nhân!

8. Giá trị sinh lời phải tỷ lệ tương xứng: Hai thành bốn, năm thành mười. Chúa ban ơn sủng cho mỗi người khác nhau nên khi đòi công phúc mỗi người cũng khác nhau, tỷ lệ với những ơn Chúa ban.

9. Điều này giúp chúng ta biết nhìn lại giá trị của nhau: Không được so bì, ghen tỵ về địa vị, danh giá, sự thành công, hơn thiệt.

10. Nén bạc Chúa trao ra có khác nhau và số lời làm ra cũng có khác nhau: Nhưng sự cố gắng thì giống nhau và phần thưởng cũng giống nhau, đó là được chung hưởng niềm vui với chủ.

11. Dụ Ngôn nén bạc cũng cảnh cáo kẻ lười biếng không chịu sử dụng ơn Chúa để làm sinh lợi cho phần rỗi: Người đầy tớ lười biếng khi lãnh nhận nén bạc từ tay chủ, anh đã không làm theo ý chủ nhưng lại muốn theo ý riêng của mình.

12. Những ơn lành chúng ta lãnh nhận từ tay Chúa mà không chịu dùng theo tinh thần của Chúa thì cũng sẽ bị lấy mất đi, do đó chúng ta đã không có được công mà còn phải chịu phạt nữa.

13. Lời Chúa như hạt giống gieo vào lòng mỗi người: Chúng ta không được phép để nó nằm yên, chôn vùi nó, nhưng phải để Lời Chúa tác động vào tâm hồn chúng ta để chúng ta có động cơ hành động theo tinh thần của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn can đảm, ơn sức mạnh để chúng con biết sử dụng hiệu quả ơn Chúa ban, nhằm sinh lợi ích cho con và cho tha nhân. Amen!  ***

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

HÃY ĐẦU TƯ CHO TƯƠNG LAI

(Kh 4, 1-11; Lc 19, 11 – 28)

Cuộc sống của con người luôn phải đối diện với thực trạng: cơm, áo, gạo, tiền... Đây là những thứ cần thiết căn bản trong đời thường. Muốn có cuộc sống ổn định, người ta thường phải kiếm kế để sinh nhai. Có những người không có tiền thì đi làm công. Người có tiền thì đầu tư cách này hay cách khác để kiếm lời...

Vào thời Đức Giêsu, người ta cũng xử dụng đồng tiền để sinh lời, nhằm đáp ứng nhu cầu căn bản trong đời sống thường nhật.

Vì thế, Đức Giêsu đã mượn hành động này để nói đến một cuộc đầu tư khác, đó là cuộc đầu tư đức tin, đầu tư vì Nước Trời...

Câu chuyện được khởi đi từ việc một người quí tộc nọ trẩy đi phương xa để lãnh nhận vương quyền, ông ta đã gọi các đầy tớ trung tín lại và trao cho họ một số vốn để đầu tư sinh lời. Khi trao như thế, ông chủ rất tin tưởng đầy tớ của mình, và lẽ tất nhiên, người đầy tớ không được nhận rồi sau đó đem cất giấu...

Hình ảnh này gợi lại cho chúng ta nhớ đến món quà cao quý và vô giá mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Đây là gia tài hay còn gọi là vốn liếng thiêng liêng trong đời sống đức tin của chúng ta. Hồng ân đó, Thiên Chúa hẳn không hề muốn chúng ta giữ lấy cho riêng mình, nhưng được lan tỏa cho mọi người chung quanh qua hình ảnh trao ngọn nến cháy sáng và mời gọi phải chiếu tỏa cho anh chị em chung quanh.

Như vậy, lãnh nhận ơn Chúa là hồng ân, nhưng hồng ân luôn gắn liền với trách nhiệm. Nói cách khác,“Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Vì thế, Lời Chúa hôn nay mời gọi chúng ta hãy cố gắng sống tốt, đầu tư tích lũy những nghĩa cử yêu thương, tấm lòng bao dung, nhân từ, đại lượng... ,có thế, ánh sáng ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội mới được chiếu tỏa, nếu không, chẳng khác gì đèn sáng nhưng lại đặt dưới gầm giường hay trong thùng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho ánh sáng đức tin chúng con luôn được chiếu tỏa trên cuộc đời chúng con và cho cả những người chung quanh nữa. Ngõ hầu mọi người nhận biết Chúa và tin thờ Chúa. Amen.

 

Thứ năm, 20/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 19,41-44)

Đề tài: Hãy khóc tội mình.

41 Khi ấy, Đức Giê-su đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, thì khóc thương 42 mà nói : “Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi ! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. 43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. 44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Lịch sử đạo Công giáo không thiếu những người có đời sống tội lỗi nhưng sau đó đã biết ăn năn sám hối => Từ bỏ đường tội để quay lại cùng Chúa.

2. Hôm nay Chúa Yesus khóc thương Thành Yerusalem đã từ chối ơn cứu độ của người: Số phận của Thành này cũng chính là số phận của mỗi chúng ta, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương cho dù chúng ta luôn sa ngã phạm tội.

3. Thiên Chúa rất ghét tội nhưng Ngài lại rất yêu thương kẻ có tội: Nhưng phải là người biết sám hối tội mình, biết nhận ra Chúa như anh trộm lành; còn những kẻ chai lì, cố tình thì Chúa lại rất nghiêm minh.

4. Điều Chúa luôn mong muốn là chúng ta biết ăn năn sám hối và can đảm thay đổi cách sống sao cho phù hợp với tình yêu quảng đại đầy yêu thương của Người!

5. Hãy biết khóc thương chính mình vì những tội đã phạm: Cuối năm phụng vụ, Giáo hội luôn nhắc nhở chúng ta phải quay lại kiểm điểm đời sống của mình và phải trở về với tình yêu của Chúa, mau mắn ăn mày ơn tha thứ của Ngài.

6. Trong một cuộc hành trình lên Yerusalem: Sau khi Chúa tiến vào Yerusalem cách long trọng; nhưng khi đến gần, Chúa Yesus nhìn thấy trước Thành này sẽ bị tàn phá, cũng là báo trước cuộc phán xét trong ngày cánh  chung nên Chúa Yesus đã thốt lên những lời thương tiếc cho Yerusalem.

7. Chúa Yesus tiếc rằng:  Phải chi hôm nay dân trong Thành nhận biết Ngài là Đấng Cứu Thế sẽ đem lại sự an bình, tức là ơn cứu độ mà Chúa sắp thực hiện qua cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Người.

8. Nhưng hiện giờ: Lúc Chúa chưa chịu chết, thì dân Do Thái lại đang ước vọng có một Đấng Cứu Thế sẽ đến oai nghi, oanh liệt và sẽ chiến thắng theo kiểu các vua chúa thế gian. Bởi con mắt họ bị che khuất nên đã không thể nhận ra người là Đấng phải đến bằng cái chết nhục trên Thập giá.

9. Chúa Yesus đã báo trước hình phạt mà Thành này phải chịu vì tội không đón tiếp Ngài: Lời loan báo tiên tri này đã ứng nghiệm vào năm 70 sau Chúa, do quân đội Rôma tàn phá bình địa Thành Yerusalem.

10. Lời tiên báo này cũng chính là lời cảnh báo chúng ta: Tất cả mọi Ki-tô hữu phải tỉnh thức, đánh giá lại mọi việc mà bổn phận các Ki-tô hữu phải chu toàn, ai cũng phải sẵn sàng cho giờ chết của mình.

11. Noi gương Chúa: Chúng ta phải sẵn sàng làm nhiều việc từ thiện, bác ái để phục vụ tha nhân, cho dù tha nhân có vô ơn bạc nghĩa, vì đó là bác ái vô vị lợi của Ki-tô giáo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, đời chúng con luôn đầy tràn tội lỗi, xin Chúa giúp chúng con mau mắn sám hối quay về với Chúa để xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ, lãnh nhận lòng thương xót vô biên của Chúa. Amen ****

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

TẠI SAO CHÚA KHÓC THƯƠNG THÀNH GIÊRUSALEM?

(Kh 5, 1-10; Lc 19, 41-44)

Trong cuộc sống, hẳn chúng ta cũng chứng kiến nhiều người khóc: có những người khóc vì đau khổ, bệnh tật, bất hạnh, thất vọng và bị bỏ rơi... Nhưng cũng có những người khóc vì sung sướng!

Hôm nay, Tin Mừng tường thuật việc Đức Giêsu khóc thương thành Giêrusalem. Tại sao vậy? Thưa vì Ngài nhìn thấy viễn cảnh tương lai qua sự đổ nát do đế quốc Rôma gây nên vào năm 70 Công Nguyên.

Nhưng có lẽ, điều làm cho Đức Giêsu đau lòng hơn cả chính là dân thành này đã khước từ chính Ngài là nguồn ơn cứu độ. Không tuân giữ những lời dạy của Ngài, không hề để ý đến những hành vi tội lỗi của mình để sám hối ăn năn... Ngược lại, họ luôn tự hào mình là dân tộc ưu tuyển, nên đương nhiên được hưởng những quyền đặc lợi cho riêng mình. Chính sự tự hào này đã giam hãm con người và thái độ của họ trong sự ích kỷ, nên không thể đón nhận được ơn lành của Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mau mắn đón nhận lời giáo huấn của Chúa và ra sức thi hành để được cứu độ. Cần loại bỏ sự tự kiêu, ích kỷ và thay vào đó là thái độ khiêm nhường để nhận ra vai trò, trách nhiệm của mình. Có thế, chúng ta mới mong được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn yêu mến luật Chúa và cùng nhau chung tay xây dựng tòa nhà Giáo Hội bằng chính đời sống chứng tá của mình. Amen.

 

Thứ sáu, 21/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 12,46-50)

Đề tài: Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ

46 Khi ấy, Đức Giê-su còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47 Có kẻ thưa Người rằng : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” 48 Người bảo kẻ ấy rằng : “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” 

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Thánh Martino Giám mục: Khi còn là một sĩ quan quân đội. Một hôm trong thời tiết giá lạnh, Ngài gặp một người ăn xin chìa tay xin tiền Ngài, vì không có sẵn tiền trong túi để cho nên Ngài đã rút gươm ra, cắt đôi chiếc áo khoát và cho người ăn xin phân nữa. Đêm sau trong giấc ngủ, Ngài mơ thấy Chúa Yesus mặc nửa tấm áo choàng mà Ngài cho người hành khất hôm qua và Chúa nói với những người đi theo hầu Ngài rằng: Đây là Martino, bổn đạo mới của ta, và nửa tấm áo choàng này là của anh cho ta hôm qua!

2. Khi Chúa Yesus trả lời cho đám đông, Chúa đã cho chúng ta biết đâu là gia đình, người thân đích thật của Chúa: Đó là những ai tin và thi hành các giáo huấn của Chúa sẽ trở nên người nhà của Chúa => Vì thế Chúa đòi hỏi người Môn đệ phải lựa chọn dứt khoát, họ phải vượt lên trên những gì thuộc về thế gian mới có thể thuộc trọn về Chúa.

3. Để được thuộc trọn về Chúa, làm người thân của Chúa: Chúng ta phải biết sống điều Chúa dạy mỗi ngày.

4. Điều đau lòng nhất của Chúa là: Chính những người thân yêu, gần gũi nhất của Ngài lại không hiểu Ngài. Thánh Yoan nói rằng: “Bởi chưng chính các anh em Ngài lại không tin Ngài” (Yn 7,15); Thánh Marcô cũng cho chúng ta biết rằng khi Chúa Yesus khởi sự thi hành sứ vụ trước công chúng thì các thân nhân của Ngài đi bắt Ngài vì họ nói Ngài đã mất trí (Mc 3,21), họ cho rằng Ngài mất trí vì đã lao vào một công việc nguy hiểm.

5. Khi Edward Burrough quyết định đi theo con đường mới của mình: Cha mẹ ông đã căm tức tinh thần cuồng nhiệt của ông và đã đuổi ông ra khỏi nhà. Ông đã nài nĩ cha mẹ rằng: Hãy cho con ở lại để làm đầy tớ cho cha, con sẽ làm công việc của đứa ở cho cha, hãy cho con ở lại; nhưng cha ông là người cứng cõi nên cho dù cậu có quý yêu mái nhà gia đình, thì cậu cũng phải giã biệt ra đi!

6. Tình yêu chân thật, tình bạn chân thật: Phải được đặt trên một số cơ sở mới có thể tồn tại được.

7. Phải có một lý tưởng chung => Cho dù họ có khác biệt về gia thế, kiến thức và khác về lề lối làm việc nhưng họ có thể làm bạn với nhau rất thân thiết vì họ có một lý tưởng chung để đeo đuổi.

8. Tình bạn được hình thành vì có cùng cảnh ngộ, cùng nhớ lại cảnh ngộ đó: Như khi hai người vừa trải qua một biến cố lớn, về sau ôn lại việc này thì tình bạn cũng nảy sinh.

9. Tình yêu được đặt trên nền tảng vâng phục: Chúa Yesus phán: Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy (Yn 15,14), không còn cách nào tỏ bày tình yêu chân thành cho bằng tinh thần vâng phục.

10. Quan hệ bà con thật sự không chỉ là vấn đề huyết thống: Dĩ nhiên huyết thống là sợi dây liên kết bền chặt vì có rất nhiều người tìm được niềm vui bình yêu trong bầu khí gia đình; nhưng thực tế cho thấy những người đôi khi gần gũi, thân thiết nhất lại không phải là người bà con, mà là những người có cùng chung lý tưởng. Cho dù chúng ta có bị người thân hất hủi thì cũng còn có Chúa, còn có anh em đồng đạo nữa.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ, xin Mẹ dạy con biết mở lòng đón nhận Thánh ý Chúa và luôn cố gắng thi hành Thánh ý Ngài để con có thể trở thành một thành viên trong gia đình của Chúa.

Thứ bảy, 22/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 20,27-40)

Đề tài: Kẻ chết sống lại – Kính thánh Cécilia (tử đạo)

27 Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su : “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này : Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết.30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ ?”
34 Đức Giê-su đáp : “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” 39 Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói : “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” 40 Thế là họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Thời nay nhiều người chú ý nghiên cứu về kinh nghiệm của những người “chết hụt”: Họ chỉ ngất đi trong một thời gian, nhưng sau đó lại sống lại, các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người, những điều họ kể lại họ cũng thống nhất với nhau rằng: “Cuộc sống bên kia hạnh phúc hơn bên này”.

2. Nhóm Sadoc không tin vào sự sống lại, cuộc sống đời sau => nên họ chất vấn Chúa Yesus về đời sống của con người sau khi chết.

3. Chúa Yesus trả lời họ rằng: Chúa xác nhận về cuộc sống đời sau và cho biết: “Đời sau con người sẽ bất tử, không chết nữa vì ngày đêm họ được hưởng nhan Thánh Chúa”.

4. Chủ nghĩa thực dụng hôm nay: Con người chỉ biết sống có hiện tại mà chẳng để ý gì đến hạnh phúc đời sau; chính các Ki-tô hữu phải là dấu chỉ về đời sau khi chỉ biết tìm kiếm Thiên Chúa và mong muốn được hưởng thánh nhan Ngài.

5. Phái Sadoc dựa vào luật Moisen (DNL 25,5-6) đưa ra câu chuyện để chế giễu về sự sống lại, về sự sống đời sau. Chúa Yesus lại dựa vào sách (XH 3,6) để chứng minh là có sự sống lại và sự sống đời sau.

6. Chúa Yesus đã dựa vào sách Thánh để minh chứng chân lý vè sự sống lại: Những lời Chúa cũng có thể bị con người lợi dụng bằng cách bẻ cong và cắt nghĩa ý riêng mình như nhóm Sadoc đã dựa vào (ĐNL 25,5-6) để từ chối không tin có sự sống lại.

7. Chúng ta cần dựa vào Lời Chúa để đưa đến sự sống chứ đừng lợi dụng Lời Chúa để đưa chúng ta đến sự chết, để phủ nhận các chân lý và đưa ra sự chia rẻ, đố kỵ, ghen ghét.

8. Từ chối sự sống lại sẽ gây ra cho ta tâm trạng bi quan, chán nãn về cùng đích của con người, hoặc sống buông thả để hưởng thụ mọi thú vui đời này cách bất chính.

9. Lời Chúa chiến thắng bè phái Sadoc là tin mừng cho những kẻ vững tin vào Chúa: Thiên Chúa tạo nên con người để ban cho con người được thông phần với sự sống của Ngài => Nhờ đó con người được tồn tại mãi mãi vì chỉ có Thiên Chúa mới cho con người được sống lại sau khi chết.

10. Ngôn ngữ của loài người không thể diễn tả hết về ý nghĩa của sự sống lạị, nên Chúa phải diễn tả bằng cách so sánh với các Thiên Thần.

11. Ý Chúa muốn nói rằng: Con người sau khi chết, cũng được sống lại giống như thân xác Chúa Ki-tô phục sinh, sẽ không còn bị hạn chế bởi sinh lão bệnh tử, có thể đi xuyên qua tường và ẩn hiện theo như ý mình muốn. Đọc lại câu chuyện Chúa Phục Sinh trong Tin Mừng (Yn 20,19-31), chúng ta sẽ thấy rõ như vậy.

12. Theo kiểu nói ngang hàng với các Thiên Thần, còn có nghĩa là chẳng phải lo lắng gì khác ngoài việc phụng vụ và ca tụng Chúa mà thôi.

13. Một câu khen tặng của nhóm Kinh Sư (Lc 20,39) thuộc nhóm biệt phái: Họ mừng vì thấy đối thủ của mình là phái Sadoc bị thua (hai phái này luôn kình chống nhau). Chúng ta cũng thấy họ khen Chúa vì thấy Chúa có cùng một ý với họ trong vấn đề chống lại phái Sadoc không tin có sự sống lại.

14. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta đừng bám víu vào bất cứ thứ gì ở đời này: Vì tất cả sẽ qua đi. Trái lại chúng ta chỉ nên tìm kiếm và xây dựng đời sống vĩnh hằng bằng việc luôn tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể và nhất là việc lắng nghe và sống Lời Chúa, theo gương Mẹ Maria.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con mở rộng tâm hồn đón nhận sự sống của Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể, để sau này chúng con cảm mến được niềm vui và hạnh phúc nơi bàn tiệc Nước Trời. Amen.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

SỐNG TRINH KHIẾT.

(Kh 11, 4-12; Lc  20, 27-40)

Trong Tin Mừng, chúng ta thường thấy nhắc đến một số nhóm luôn đứng lên để chống đối Đức Giêsu, trong đó có nhóm Sađốc. Nhóm này không tin có sự sống lại, và họ cũng thuộc về một trong các nhóm chuyên chống đối Đức Giêsu.

Hôm nay, chính nhóm Sađốc này đã đứng lên để bàn mưu tính kế nhằm hãm hại Đức Giêsu. Cái bẫy mà họ đưa ra chính là câu chuyện liên quan đến sự sống lại.

Vấn nạn mà họ đặt ra cho Đức Giêsu và yêu cầu Ngài trả lời là: Theo luật Maisen, nếu người anh lấy vợ, khi chết đi mà chưa có con, thì người em phải lấy vợ của anh mình.

Vậy  cả 7 anh em một nhà kia lấy vợ, nhưng khi chưa có con thì anh ta đã chết, sau cùng người đàn bà kia cũng chết.

Vấn đề đặt ra là , như thế, khi sống lại, người đàn bà kia sẽ là vợ của người nào trong 7 anh em đó?

Một câu hỏi xem ra hóc búa, hòng hy vọng Đức Giêsu sẽ bị mắc hợm. Tuy nhiên, Ngài đã trả lời rất thâm thúy rằng: “Con cái đời này thì dựng vợ gả chồng, còn những ai được xét là xứng đáng dự phần vào đời sau và được sống lại từ cõi chết thì sẽ không còn dựng vợ  gả chồng nữa”.

Qua câu trả lời này, Đức Giêsu không những đã phá vỡ mưu đồ ác nhân của nhóm Sađốc, mà còn mặc khải cho họ một sứ điệp quan trọng trong cuộc sống mai hậu nữa, đó là: khi còn sống trên trần gian, thì chuyện lấy vợ gả chồng có mục đích lưu truyền nòi giống theo lệnh truyền của Chúa: “Hãy sinh sản  đầy mặt đất”. Duy trì nòi giống là vì con người sẽ phải chết, nên cần phải có con nối dõi tông đường.

Nhưng cuộc sống trên Thiên Quốc mai hậu thì hoàn toàn khác, họ sẽ tồn tại mãi mãi trong sự sống muôn đời. Họ không cần phải đặt vấn đề duy trì nòi giống nữa, vì thế, họ không cần phải lấy vợ, gả chồng.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức rằng: cuộc sống trên trần gian này chỉ là tạm bợ mà thôi. Cuộc sống trên Thiên Quốc mai ngày mới vĩnh viễn. Vì thế, trong cuộc sống này, hãy chu toàn bổn phận của mình cách chính đáng. Tuy nhiên, cần phải hướng lòng về quê thật chính là Thiên Đàng, nơi đó là nơi tràn đấy ánh sáng và bình an.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con ý thức rằng: quê hương chúng con ở trên trời. Vì thế, chúng con cần phải biết sống xứng đáng là con cái Chúa, để sau này được chung hưởng hạnh phúc Thiên Quốc với các thánh trên trời. Amen.


Trở lại      In      Số lần xem: 2829
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  8
 Hôm nay:  2087
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11407496
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top