Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 34 (TN A)

Thứ hai, 24/11/214

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 9,23-26)

Đề tài: Lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam

23 Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ? 26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Những lời nhắn nhủ với các chủng sinh tại  Kẻ Vinh. Thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh viết: Những cực hình trong chốn lao tù làm cho kẻ khác khổ sầu, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, tôi vẫn vui sướng hân hoan vì có Chúa luôn ở cùng tôi!

2. Hôm nay Giáo hội VN hân hoan tưởng nhớ đến những tấm gương hy sinh của cha   ông tiền nhân để lại  : các Ngài như những hạt giống Tin Mừng trổ sinh làm cho cánh đồng truyền giáo VN  được một mùa gặt bội thu.

3. Thế giới hôm nay vẫn tồn tại bao nhiêu thách đố khiến cho người tín hữu phải chịu mất đi nhiều thứ: Như là danh lợi, quyền thế, mạng sống để đổi lấy công lý, hóa bình, sự thật, tình thương.

4. Cho dù thế gian nhất quyết loại trừ các Ngài   thì Thiên Chúa cũng luôn dành sẵn vinh quang cho các Ngài.

5. Một vinh dự đặc biệt đối với dân tộc VN: Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo đã phong thánh cùng lúc cho 118 vị, đa số là giáo dân, đa số là người VN trong thế kỷ 18,19 / từ năm 1773 đến năm 1862, đã được phong chân phước 4 đợt.

6.  Xếp theo thời gian có 4 đợt phong chân phước.

- Đợt 1: Ngày 27/5/1900 => Đức Lê-ô thứ 13 có             64 vị.

- Đợt 2: Ngày 15/4/1906 => Đức Pi-ô 10    có                   8 vị

- Đợt 3: Ngày 2/5/1906 => Đức Pi-ô 10   có                    20 vị

- Đợt 4: Ngày 29/4/1951 => Đức Pi-ô 12 có                     25 vị

- Đợt 5: Ngày 5/3/2000 => Đức Yoan Phao-lô II có            1 vị    (Thánh Anre  Phú yên )

Thành phần gồm:

+ 97 Người Việt Nam

+ 11 Người Tây Ban Nha

+ 10 Người Pháp

=> Tổng cộng: 118 vị Thánh

7. Riêng Việt Nam có 3 vị đứng đầu nói lên tình huynh đệ Bắc Trung Nam một nhà:

1) Miền Bắc: Thánh An-rê Trần Dũng Lạc – Linh mục

2) Miền Trung: Tô-ma Thiện – Chủng sinh

3) Miền Nam: Emmanuel Lê Văn Phụng – Giáo dân

8. Lễ phong thánh: Lúc 9 giờ sáng ngày 19/06/1988 (15 giờ cùng ngày tại Việt Nam). Trước 8.000 người Việt Nam từ hơn 40 quốc gia, 1.100 người Tây Ban Nha, 3.000 người Pháp và rất đông Giáo dân Ý và khách thập phương.

9. Chi tiết bổ sung: Có hơn 130.000 người chịu tử đạo trong 42 cuộc bách hại lớn nhỏ, ròng rã suốt hơn hai thế kỷ 18 và 19 nghĩa là trong suốt 235 năm.

10. Các cuộc bách hại: Được xét xử như sau:

+ 75 vị xử trảm – chém đầu  +  thánh Anre Phú Yên =  76

+ 22 vị xử giảo – thắt cổ

+ 10 vị bị tra tấn chết rũ tù

+ 6 vị bị thiêu sống

+ 3 vị lăng trì – phân thây từng mảnh

+ 1 vị bị bá đao – xẻo từng miếng thịt

11. Còn một hồ sơ thứ 2 xin phong thánh, đã trình Tòa Thánh 14/10/1917: Xin phong chân phước cho 1315 vị Đáng Kính, trong số này có 200 nữ tu dòng Mến Thánh Giá!

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con được bền đỗ trong Đức Tin, nhờ vào máu của các Thánh tử đạo Việt Nam đã đổ ra. Xin giúp chúng con quyết lòng theo Chúa cho đến cùng. Amen!

 

Thứ ba, 25/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 21,5-11)

Đề tài: Trời đất sẽ qua đi

5 Khi ấy, nhân có mấy người nói về Đền Thờ lộng lẫy nguy nga với những phiến đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo : 6 “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” 7 Họ hỏi Người : “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước ?”
8 Đức Giê-su đáp : “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng : ‘Chính ta đây’, và : ‘Thời kỳ đã đến gần’ ; anh em chớ có theo họ. 9 Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. 10 Rồi Người nói tiếp : “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. 11 Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém ; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Thế giới đang cùng lúc đối diện với nhiều cơn khủng hoảng: kiểu gì thì nó cũng có sức công phá của nó, mọi người đều cho rằng: Điểm nóng của thế giới hôm nay chính là khủng hoảng kinh tế. Thế nhưng khủng hoảng đạo đức, tôn giáo và luân lý cũng đâu kém phần trầm trọng.

2. Con người vốn dĩ chỉ thích đưa bản thân mình lên: Thích tôn vinh sự nguy nga tráng lệ bên ngoài, nhưng đối với Chúa Yesus, điều mà nhân loại cần quan tâm hơn hết chính là vẻ đẹp bên trong tâm hồn      (là cuộc sống, là hạnh phúc vĩnh cửu)       chứ không phải là những thứ mau qua của trần thế.

3. Điều mà con người cần quan tâm chính là làm sao để niềm tin luôn luôn đứng vững: Để con người có thể nhận định được những dấu chỉ của thời gian và bình tĩnh trước mọi biến cố, cho dù là những biến cố lớn lao từ bầu trời!

4. Thánh Ambrosio, bậc thầy của Thánh Augustino đã nhận định rằng: Mỗi con người chúng ta là một đền thờ, đền thờ này chỉ sụp đổ khi niềm tin trong lòng chúng ta bị sụp đổ .

5. Chính vì thế Chúa Yesus đã cảnh cáo rằng: Đừng bị dao động bởi những biến cố bên ngoài nhưng là phải kiên vững niềm tin từ bên trong => Bởi vì khi Chúa đến đi kèm với những biến động lớn lao, thì liệu rằng niềm tin của chúng ta có còn kiên vững hay không? (Lc 18,8)

6. Diễn biến câu chuyện: Sau khi Chúa chỉ trích các luật sĩ và đề cao tấm lòng quảng đại của bà góa. Khi Chúa Yesus và các Môn đệ ra khỏi đền thờ và đi về phía núi cây dầu; từ nơi này, mọi người có thể nhìn thấy đền thờ Yerusalem đồ sộ, nguy nga, kiên cố, các Môn đệ liền tấm tắc khen ngợi và có cảm nghĩ rằng: Đền thờ này sẽ tồn tại đến muôn đời.

7. Nhưng Chúa Yesus tỏ thái độ bi quan và báo trước rằng: Sẽ có một ngày đền thờ này sẽ bị tàn phá bình địa, lời tiên báo này đã trở thành sự thật vào năm 70 khi quân Roma tiến chiếm và phá hủy bình địa thành Yerusalem.  *****

8. Bài Tin Mừng này Chúa muốn giảng dạy về sự sụp đổ của Thành Yerusalem,   và cũng là dấu chỉ ngày cánh chung của thế giới.

9. Chúa Yesus loan báo sẽ có những điềm lạ xuất hiện trước khi đền thờ bị sụp đổ .  . Ở đây Chúa đề cập với hai điềm báo: Tiên tri giả xuất hiện và chiến tranh loạn lạc!

10. Trước kia, nhiều Ngôn sứ đã tiên báo: Đền thờ thứ nhất sẽ bị tàn phá (Mk 3,1/Ger 7,1-15/ Ez 8,11) tượng trưng cho giao ước của Thiên Chúa bị dân Chúa phá hủy do dân bất trung với giao ước, thay vì họ hối cải thì lại gây cho họ lòng phẩn nộ !

11. Đến lượt Chúa Yesus tiên báo đền thờ cuối cùng do Hêrôđê xây cất (Lc19,43-44): Cũng sẽ bị hoang tàn vì dân Do Thái khước từ Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa sai đến, nhưng lời tiên báo đó đáng lẽ ra là phải giúp họ hối cải thì họ lại ngỡ ngàng và phản đối (Mt 26,61/Cv 6,14) Đây cũng là lời Đức Yesus tiên báo trước số phận đền thờ Yerusalem sẽ bị tàn phá bình địa.

12. Bài Phúc Âm hôm nay nói đến 2 điềm báo: Tiên tri giả xuất hiện và Chúa bảo đừng nghe theo họ // người ta làm chứng rằng trước khi Yerusalem bị tàn phá, đã xuất hiện rất nhiều tiên tri giả.

13. Về chiến tranh lạc, thiên tai khủng khiếp: Luca cho biết những hiện tượng đó không thuộc về ngày tận thế, mà chỉ thuộc về lịch sử của thiên nhiên; có thể tác giả Luca liên tưởng đến vụ lộn xộn về chính trị xảy ra vào năm 68, khi mà vua Nêrô băng hà.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn giữ vững niềm tin trước mọi biến động của thời cuộc vì chính Chúa là chủ tể mọi vật, sẽ phân xử theo lẽ công minh để không ai phải thất vọng vì Ngài. Amen.***

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Ngày của Đấng Thiên Sai đến

Người Do-Thái quan niệm họ đang sống giữa 2 thời đại: thời hiện tại rất xấu xa, không thể chữa trị, và xứng đáng bị tiêu diệt; và thời tương lai huy hoàng của Thiên Chúa và sự thống trị của người Do-Thái. Giữa 2 thời này sẽ có Ngày của Đấng Thiên Sai, Ngày mà những sự kinh hoàng trong trời đất sẽ xảy ra. Trong Ngày này, trái đất sẽ bị tiêu hủy và các tội nhân sẽ bị tiêu diệt (Isa 13:9, Joel 2:1-2, Amo 5:18-20, Zep 1:14-18). Ngày này sẽ xảy ra bất thình lình như kẻ trộm vào nhà lúc ban đêm (I Thes 5:2, II Pet 3:10). Các ngôi sao và thái dương hệ sẽ không còn chiếu sáng, trái đất sẽ rung chuyển, và cơn giận của Thiên Chúa sẽ tràn xuống con người (Isa 13:10-13, Joel 2:30-31).

1/ Tất cả những huy hoàng của thế gian là tạm bợ: ngay cả sự huy hoàng của Đền Thờ Giêrusalem. Nếu khách hành hương đứng từ Đồi Ôliu nhìn xuống Thành Giêrusalem, Đền Thờ và cảnh huy hoàng lộng lẫy của nó là cảnh đầu tiên đập vào mắt khách hành huơng. Ngày nay, tuy Đền Thờ không còn nữa, nhưng vẻ huy hoàng của nó vẫn còn sót lại qua những tảng đá khổng lồ và Bức Tường Than Khóc. Vào thời của Chúa Giêsu, Đền Thờ là niềm kiêu hãnh của người Do-Thái; vì thế, không lạ gì khi có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, nhưng Đức Giêsu bảo: "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào."

2/ Đền Thờ Giêrusalem bị quân đội Rôma phá hủy hoàn toàn vào năm 70 AD: Chỉ hơn 30 năm sau, lời tiên tri của Chúa Giêsu về Thành Giêrusalem được ứng nghiệm. Quân đội Rôma đã đem quân vây hãm thành: dân chúng không còn thực phẩm nên đã phải ăn thịt lẫn nhau để sống, có những người đã phải nhai cả giầy dép cho đỡ đói. Họ san phẳng Thành Giêrusalem đúng như lời Chúa Giêsu tiên báo: “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Sử gia Josephus ước chừng khỏang 1,100,000 người chết trong biến cố này, và 97,000 người khác bị đem đi lưu đày. Nước Do-Thái hòan tòan bị xóa sổ trên bản đồ.

3/ Những tiên đóan của Chúa Giêsu về Ngày Tận Thế: Họ hỏi Người: "Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?" Chúa Giêsu không cho biết bao giờ Ngày Tận Thế sẽ xảy ra, nhưng Ngài liệt kê 2 điều báo trước:

(1) Sẽ có các tiên tri giả và những người đóan mò:

- Những người mạo nhận là Chúa Giêsu đến lần thứ hai: Từ khi Chúa Giêsu lên trời tới giờ, nhiều người mạo nhận là tiên tri từ trời sai tới: Mohamed của Hồi Giáo, Smith của Mormon.

- Những người đóan mò Ngày Tận Thế sắp tới: Thời nào cũng có người đóan mò Ngày này; nổi danh hơn cả là ông Nostradamus. Ngày đầu của Năm 2000 được nhiều người tiên đóan là Ngày Tận Thế, và nhiều người đã chuẩn bị cho ngày này; thế mà chúng ta sắp sửa bước qua năm 2009 rồi, mà chưa thấy gì cả. Chúa Giêsu đã đề phòng: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta đây," và: "Thời kỳ đã đến gần;" anh em chớ có theo họ.

(2) Những dấu lạ của đất trời:

- Sẽ có chiến tranh và lọan lạc: “Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi; vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu… Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ.” Chiến tranh vẫn xảy ra ở mọi nơi và mọi thời, ngay cả trong thời đại chúng ta. Điều này chỉ xác nhận con người đang ở giữa 2 thời như người Do-Thái tin tưởng, chúng ta không thể dựa vào chiến tranh để tiên đóan Ngày Thiên Chúa gần đến.

- Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém: Những trận động đất lớn vẫn xảy ra ở mọi nơi và mọi thời; gần chúng ta nhất là trận động đất ở Sichuan, Trung Quốc, 2008, đã cất đi gần 70,000 người. Ngòai ra, các thiên tai như sóng thần, lũ lụt, dịch gà, dịch bò điên, hạn hán là những lý do làm mất mùa, gây đói khát, vẫn xảy ra hàng năm.

- Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện: Đây có lẽ là điềm báo rõ hơn cả vì từ thời Chúa Giêsu về trời đến nay, con người chưa bao giờ được chứng kiến những điềm lạ lớn lao từ trời như các tiên tri loan báo như: mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao trong thái dương hệ không còn chiếu sáng. Khi tất cả các điềm lạ trên xảy ra, Ngày Tận Thế sau cùng mới tới.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Ngày Phán Xét chắc chắn sẽ xảy ra; sẽ có các điềm lạ xảy ra trên trời và dưới đất báo trước; nhưng còn chắc chắn ngày nào giờ nào, không ai được biết.

 

Thứ tư, 26/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.  (Lc 21,12-19)

Đề tài:  Cơ hội cuối của những kẻ tin

12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. 13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. 14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. 15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. 16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. 17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. 18Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Trong một thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, Ngài cho biết: Đức Tin không phải là một thứ ánh sáng có thể xua tan mọi thứ bóng tối, nhưng chỉ là ngọn đèn hướng dẫn các bước đi của chúng ta, soi sáng vừa đủ cho cuộc hành trình (Lumens Fidei, 57).

2. Chúa Yesus đang chuẩn bị cho các Môn đệ bước vào cuộc thử thách trong cuộc hành trình đi theo Người: Chúa Yesus trong tư cách là Đấng dẫn đường, đã bảo đảm sẽ ở với các ông trong mọi cơn gian nan thử thách và sẵn sàng giúp các ông chiến thắng.

3. Chúa Yesus cho biết, chỉ trong những cơn khốn khó mới có những cơ hội để các ông làm chứng cho Chúa: Người Môn đệ luôn phải giữ vững niềm tin khi đối diện với những cơn bách hại luôn xảy ra trong mọi thời đại.

4. Thái độ cần có của người Môn đệ là chính sự can đảm và kiên nhẫn mới mong cứu được mạng sống của mình.

5. Sau khi loan báo các tai họa sẽ xảy đến như là: Tiên tri giả, chiến tranh loạn lạc, các thiên tai sẽ xảy đến cho mọi người. Qua đoạn Tin Mừng này, Luca lại ghi tiếp việc các Ki-tô hữu bị bách hại.

6. Điềm báo thứ 3 trước khi đền thờ bị phá hủy đó là: Những cuộc khủng bố bách hại, Chúa cũng lưu ý đây là dịp để các Kitô làm chứng cho Đức Tin của mình!

7. Ở đây Chúa Yesus muốn báo cho các Môn đệ biết rằng: Sẽ có một thời kỳ lịch sử, trong đó các ông sẽ phải làm chứng cho Chúa giữa những cơn bách hại. Cũng giống như Đức Kitô phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang của người (Lc 24,26). Các Môn đệ cũng phải trải qua những thử thách đó, Luca còn ghi rõ lại những thử thách mà các Môn đệ phải chịu vì danh Chúa.

8. Chức năng làm chứng đối với Thánh Luca là chức năng thuần túy của nhóm mười hai (Cv1,8.22), và của Têphano (Cv22,20), của Phalo (Cv 22,15/Cv 26,16). Làm chứng là công bố Đức Yesus Ki-tô đã sống lại và là Thiên Chúa => Làm chứng ở đây cũng đồng nghĩa với việc tử đạo cho các thế hệ sau này.

9. Qua các gương làm chứng trong các cuộc bách hại: Ngày nay người Ki-tô hữu cũng có dịp làm chứng cho Đức Kitô, điều này thúc đẩy chúng ta dám sống can đảm trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố trong cuộc sống để giữ vững niềm tin và dám sống đức tin trong đời sống thường ngày.

10. Chúa Yesus đã trấn an các Môn đệ rằng: Khi gặp những cơn bách hại và thử thách vì danh Chúa, các ông đừng có lo nghĩ phải đối phó ra sao, vì chính Chúa Thánh thần (Yn 15,26-27) sẽ thông ban lời nói khôn ngoan cần thiết cho họ để họ có thể đối đáp lại những lời vu oan, tố cáo của địch thù đến nỗi bọn chúng không thể nào bắt bẻ được.

11. Chúa cũng nhắc chúng ta: Nơi an toàn nhất là gia đình, nhưng ở nơi này cũng có những sự bách hại khiến cho một số người bị sa ngã. Đó là trường hợp những người thân trong gia đình cố tình cản trở, chống lại việc loan báo Tin Mừng.

12. Các cuộc bách hại sẽ xảy ra mọi nơi mọi lúc, khiến cho các Môn đệ khó lòng mà trốn tránh được: Bởi vì nó phát xuất từ một thế gian luôn chối từ sứ điệp của Đức Kitô.

13. Cho dù một sợi tóc => Thiên Chúa sẽ chăm sóc tận tình cho các chứng nhân của Người, nên các Môn đệ cứ an tâm giữ vững đức tin và trung thành với Chúa để bảo đảm mình có được sự sống đời đời và công việc loan truyền Tin Mừng thâu lượm nhiều kết quả.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm sức mạnh để chúng con có thể vượt qua mọi thử thách, hầu giúp chúng con làm chứng cho Chúa cách trọn vẹn hơn. Amen. ****

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

1/ Chịu đựng gian khổ để làm chứng cho Chúa: Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ về những gian khổ sắp xảy đến cho họ: "Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.” Ngài nói rõ ràng: Gian khổ xảy ra là cơ hội ngàn vàng để các môn đệ có cơ hội làm chứng cho Ngài. Nhường bước trước gian khổ là mất cơ hội làm chứng cho Thiên Chúa.

2/ Đừng lo lắng phải đối phó thế nào: Các môn đệ không chiến đấu một mình, nhưng Chúa Giêsu sẽ cùng họ chiến đấu: “Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” Khi một người biết có một quyền lực mạnh hơn quyền lực của địch thù giúp họ, họ sẽ không còn sợ hãi và tự tin hơn trong việc chống cự lại. Thánh Phaolô có kinh nghiệm này khi ngài nói: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.”

3/ Bảo đảm sẽ chiến thắng: Không có một quyền lực nào của thế gian có thể thắng nổi quyền lực của Thiên Chúa. Quyền lực thế gian chỉ có hiệu quả tạm thời vì Thiên Chúa cho phép xảy ra; nhưng một khi Thiên Chúa quyết định rút lại, không một quyền lực nào có thể chống lại được. Chúa Giêsu bảo đảm điều này với các môn đệ, mặc dù các ông sẽ phải chiến đấu, “nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Gian khổ phải có trong cuộc đời để tinh luyện con người, để phân biệt người anh hùng với kẻ tiểu nhân; và nhất là để chúng ta chứng tỏ đức tin và tình yêu vào Thiên Chúa.

- Khi phải đương đầu với gian khổ, chúng ta không chiến đấu một mình. Chính Chúa Giêsu hứa Ngài sẽ cùng chúng ta chiến đấu. Sự khôn ngoan và sức mạnh để chiến đấu đến từ Đức Kitô.

- Chúa Giêsu bảo đảm sự chiến thắng sẽ về tay chúng ta vì một sợi tóc trên đầu chúng ta cũng đã được Thiên Chúa đếm. Hiểu biết tòan bộ trận chiến như thế, chúng ta còn chờ đợi gì mà không xông vào cuộc chiến để làm chứng cho Thiên Chúa?

 

Thứ năm, 27/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 21,20-28)

Đề tài:    Vui mừng vì sắp được giải thoát

20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. 21 Bấy giờ, ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi ; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác ; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. 22 Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. 23 Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó !
“Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này. 24 Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.
25 “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. 26Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Thế giới đã đồn đoán rất nhiều về ngày tận thế: Cụ thể là vào năm 1000, năm 2000, năm 2012, những đồn đoán này cũng đã khiến cho một số người nhẹ dạ hết sức lo sợ.

2. Nhìn những căng thẳng chính trị giữa các nước có vũ khí hạt nhân, khiến cho nhiều người hoảng sợ và cho rằng ngày tận thế đang đến rất gần.

3. Viễn cảnh ngày cách chung hôm nay được Chúa Yesus đề cập đến: Ngày thế giới kết thúc được báo trước bằng những cơn khốn khổ cùng cực, đầy tai ương chết chóc.

4. Điều Chúa Yesus muốn nhấn mạnh ở đây không phải là những dấu lạ xuất hiện hay là việc Chúa ngự đến xét xử, nhưng là dịp Chúa mang ơn cứu chuộc đến cho con người  !

5. Mục đích Chúa Yesus đến là để quy tụ nhận loại về một mối: Ngày đó không phải để cho Thiên Chúa hủy diệt trái đất, nhưng để cho Ngài đến để ban sự sống.

6. Chúa muốn chúng ta cần sống bằng tâm tình mừng vui hân hoan, vì được giải thoát chứ không phải là tâm tình sợ hãi của những kẻ không có lòng tin.

7. Ở những đoạn Phúc Âm khác, hai Thánh sử Matthêu và Marco hành văn mô tả các tai biến cánh chung theo lối văn khải huyền, riêng Thánh Luca loan báo việc Yerusalem sắp sụp đổvà coi biến cố này như một điềm báo về cuộc phán xét chung cuộc.

8. Bài Phúc Âm hôm nay ghi lại biến cố thành Yerusalem bị tàn phá, như là một điềm báo và ngày phán xét chung.

9. Khi Chúa cho thấy cảnh Thành bị các đạo binh vây hãm, thì đó là dấu hiệu Thành sắp bị tàn phá nên mọi người phải chạy trốn để thoát tai nạn.

10. Các lời ghi chép về sự bất trung của Yerusalem có ở sách: Mk 3,12/ Gr 7,1-15/ và Ed 8,11, thì bây giờ sẽ được ứng nghiệm.

11. Trong hoàn cảnh phải chạy trốn đó, thì cảnh đáng thương nhất chính là những phụ nữ mang thai và những bà mẹ có con nhỏ. Họ cần được săn sóc, cần an toàn và yên tĩnh hơn những người khác!

12. Ở đây cũng diễn tả những cảnh khốn khổ: Nhiều người trong dân chúng bị giết hại, nhiều kẻ bị lưu đày sang ở với dân ngoại. Yerusalem sẽ bị dân ngoại dày xéo cho đến khi mãn thời của dân ngoại.

13. Theo kiểu nói này có hai nghĩa để chúng ta hiểu: a) Dân ngoại được giảng đạo để cho họ theo Chúa (Lc 24,47)/ b) Dân Do Thái cũng trở lại với Chúa Ki-tô, điều mà trước đây cha ông họ đã chối bỏ. Đó cũng chính là niềm hy vọng của Phaolô (Rm 11,25-27) và Luca cũng chia sẻ niềm hy vọng đó (Lc 13,35).

14. Biến cố Yerusalem sụp đổ : Được trình bày như một thiên tai, làm chuyển động cả tinh tú và cũng làm cho nhân loại khiếp sợ => Đây cũng là giai đoạn quyết liệt để nước Thiên Chúa được thiết lập ở trần gian.

15. Câu 27 có ý nói: Khi Yerusalem sụp đỗ là thời gian Con người ngự đến, hay nói cụ thể hơn: Khi Chúa Yesus sống lại thì lúc Hội Thánh Công giáo được khai mạc và sự khai mạc này kết thúc khi Chúa đến vào ngày cánh chung.

16. Câu 28 ý nghĩa rằng: Các Ki-tô hữu là những nhân chứng trung tín của Chúa, khi gặp bất cứ biến cố nào thì cũng đừng nên sợ hãi, buông xuôi, nhưng hãy phấn khởi, đứng thẳng, hiên ngang, ngẩng đầu lên vì anh em sắp được cứu chuộc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn sống trong tư thế đứng thẳng, hiên ngang, sẵn sàng đợi chờ Chúa đến, để chúng con hưởng nhờ ơn cứu chuộc Chúa dành sẵn cho chúng con. Amen.****

 

Thứ sáu, 28/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 21,29-33)

Đề tài: Thế giới này sẽ qua đi

29 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn. Người nói : “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. 30 Khi nhìn cây đâm chồi, thì anh em biết là mùa hè đã gần đến. 31 Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. 32 Thầy bảo thật anh em : thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 33 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Dấu chỉ của thời đại là cụm từ mà công đồng Vatican II muốn nói tới như là cách cắt nghĩa các biến cố sẽ xảy ra dưới ánh sáng của Lời Chúa.

2. Cây vả là một hình ảnh đơn sơ, tự nhiên để Chúa dạy cho chúng ta một bài học về Đức Tin, về sự liên hệ với triều đại của Thiên Chúa.

3. Dụ Ngôn cây vả là nét tương phản giữa một người luôn tin tưởng và hy vọng với một con người chỉ biết hoang mang lo sợ và không chịu trông cậy vào Thiên Chúa.

4. Hằng ngày có biết bao sự kiện lớn nhỏ xảy ra trên thế giới: Mỗi sự kiện là một dấu chỉ nhắc nhở cho những ai luôn tỉnh thức và luôn đặt đời mình dưới sự quan phòng của Thiên Chúa.

5. Đây chính là lời mời gọi dành cho những kẻ tin Chúa, là phải quy hướng đời mình về cùng đích là chính nước Thiên Chúa.

6. Bất cứ ở đâu có vật chất, có thời gian, thì ở đó có hợp, có tan, có mở đầu, có kết thúc.    Vũ trụ mà chúng ta đang sống, có điểm khởi đầu, thì cũng có điểm cuối cùng, điểm chấm dứt.

7. Tất cả mọi thứ đang có trên đời này, đang bay trong vũ trụ này, hễ có ngày khởi đầu thì cũng sẽ có ngày chung cuộc. Ngày đó chúng ta gọi nó là ngày cánh chung.

8. Ngày tận thế là ngày chấm dứt lịch sử của nhân loại, là ngày cùng tận của thế giới, như Chúa Yesus đã nói trong bài Tin Mừng “Trời đất sẽ qua đi”

9. Loài người chúng ta đã từng có mặt, từng tồn tại trên cõi đời này cũng thế, chúng ta cũng sẽ qua đi như chưa từng có mặt bao giờ. Cuộc đời con người được sánh ví như gió thổi, mây trôi; như hơi thở, bóng câu; như hoa sớm nở tối tàn.

10. Có biết bao người sinh ra trước chúng ta. Trước kia ta vẫn thấy họ, nhưng bây giờ họ đi đâu cả rồi. Họ đã chết. Đến lượt chúng ta cũng thế, thời gian dù lâu hay mau, chúng ta ai cũng phải chết.

11. Vũ trụ và mọi thứ vật chất sẽ qua đi là xong, nhưng chúng ta thì không như thế; cái chết đối với chúng ta đâu phải là hết ! Bởi chết chính là sự sống mới bắt đầu, đó là sự sống mới, sự sống đời đời. Dù tin hay không tin thì sự sống vĩnh cửu vẫn là một điều có thật và điều này sớm hay muộn thì mỗi người cũng phải đối diện.

12. Hôm nay mỗi người có thể quyết định số phận đời mình. Hoặc là đời đời hạnh phúc, hoặc là suốt kiếp khốn cùng !

13. Nói rõ hơn: Số kiếp của mỗi người được định đoạt tùy theo những việc làm tốt hay xấu ở đời này.

14. Mọi sự rồi sẽ qua đi. Vũ trụ cũng sẽ qua đi. Chúng ta không cần phải biết và cũng chẳng nên quan tâm lắm làm gì; mỗi người chúng ta cũng sẽ qua đi, nhưng qua đi khi nào chúng ta cũng không biết được, chỉ có điều chúng ta phải luôn chuẩn bị sẵn sàng vì Thiên Chúa chỉ căn cứ vào những việc làm tốt xấu ở đời này để thưởng phạt chúng ta mà thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra mọi dấu chỉ của Chúa trong cuộc sống, để chúng con hiểu rằng: Sống mà hành động theo ý Chúa muốn thì khi chết Chúa sẽ chìu ý chúng con và sẽ cho chúng con hưởng phúc cùng Ngài. Amen.****

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Khi thấy những điều đó xảy ra, thì anh em hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.

1/ Phiên dịch các hiện tượng trong trời đất: Kinh nghiệm dạy con người biết phiên dịch các hiện tượng trong trời đất. Con người quan sát các hiện tượng trời đất: nếu cùng một kết quả xảy ra sau nhiều lần như thế, con người kết luận nó cũng sẽ xảy ra như vậy trong lần tới. Chúa Giêsu trưng dẫn một ví dụ mà người nghe đều đã có kinh nghiệm: "Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi.”

2/ Phiên dịch các hiện tượng của Ngày Phán Xét: Chúa Giêsu nói tiếp: “Cũng vậy, khi anh em thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” Ngày Phán Xét là một chân lý, chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng. Chúa Giêsu xác tín với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa qua những sự kiện xảy ra trong cuộc đời: những hiện tượng thiên nhiên trong vũ trụ, những biến cố trong cuộc đời mỗi người, và những gì sẽ xảy ra trong Ngày Phán Xét.

- Các sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời mà chúng ta đã nghe đi nghe lại trong Phụng Vụ Lời Chúa cuối năm là 3 sự sau: sự chết, sự sống lại, và sự phán xét.

- Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho Ngày Phán Xét, vì mọi người sẽ được lãnh nhận phần thưởng trường sinh hay bị tiêu hủy muôn đời là tùy thuộc vào những gì họ đã làm ở đời này. 

 

Thứ bảy, 29/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 21,34-36)

Đề tài:    Hãy tỉnh thức và sẵn sàng

34 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Tỉnh thức là ngủ nhưng không ngủ mê mệt, ngủ không cần người kêu dậy, tự mình đến giờ là có thể dậy cách tỉnh táo. Trong ý niệm của người Ki-tô hữu, tỉnh thức là có thể nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc đời.

2. Thánh Kinh khi nói đến việc tỉnh thức, thì thường dùng hình ảnh người đầy tớ đợi chủ về. Việc tỉnh thức này là một sự chuẩn bị cả hồn lẫn xác, lúc nào cũng sẵn sàng.

3. Tỉnh thức còn có nghĩa là giữ mình khỏi mọi thứ đam mê, không dính bén vào những tật xấu mà còn phải gia tăng lòng mến Chúa qua việc luôn luôn cầu nguyện!

4. Thực tế cho thấy con người dễ chìm vào giấc ngủ sâu của những đam mê vật chất, danh vọng, thú vui. Muốn tỉnh thức, mỗi người cần giữ mình khỏi mọi thứ tật xấu, không đua tranh danh lợi, không dửng dưng với những lời mời gọi thế gian , sống đúng lời khuyên Phúc Âm.

5. Muốn tỉnh thức phải cầu nguyện. Lời cầu nguyện giúp chúng ta đứng vững trước những cuốn hút của đam mê, dửng dưng trước những quyến rũ của vật chất => Nhờ đó chúng ta có thể đứng vững trong ngày Chúa trở lại.

6. Sau khi Chúa quả quyết về ngày giờ Chúa sẽ đến, bây giờ Chúa truyền cho các Môn đệ phải tỉnh thức và cầu nguyện.

7. Qua bài Tin Mừng, Chúa nói rõ cho chúng ta cần phải tỉnh thức và cầu nguyện để có thể đón Chúa trong các nguồn ơn Thánh, trong giờ chết mỗi người, và trong ngày cánh chung của nhân loại.

8. Vì sao phải đề phòng? Vì Chúa sẽ đến bất ngờ và vì việc phán xét quá nghiêm minh nên không ai có thể thoát được, không khác nào chiếc lưới ụp xuống bất ngờ nên Chúa bảo chúng ta hãy đề phòng!

9. Chè chén say sưa, khoái lạc xác thịt => Đừng lo lắng sự đời, đừng quá đam mê công việc trần thế, của cải danh vọng, địa vị mà bỏ bê công việc nước Trời.

10. Tỉnh thức là phải tỉnh táo, cẩn thận để có thể đối phó kịp thời với mọi cảnh ngộ bất ngờ xảy đến; có nghĩa là sẵn sàng đón tiếp Chúa bất kỳ lúc nào!

11. Phải cầu nguyện luôn: Vì sức con người quá yếu đuối và tự mình không làm gì được, nên cần cầu nguyện để có đủ sức chống trả chước cám dỗ, những thử thách, những bách hại, và để xứng đáng đón nhận ơn Chúa.

12. Cầu nguyện luôn để có thể thoát khỏi mọi biến cố bất ngờ xảy đến,khiến  cho chúng ta đánh mất sự sống đời đời.

13. Tỉnh thức và cầu nguyện để có thể chịu đựng, để có thể xứng đáng lãnh nhận ơn cứu thoát của Chúa.

14. Hôm nay là ngày cuối năm Phụng Vụ , Hội Thánh muốn dùng bài Tin Mừng này để nhắc chúng ta phải tỉnh thức cầu nguyện trong khi chờ đợi ngày Chúa đến (trong giờ chết nói riêng và ngày cánh chung của nhân loại nói chung).

15. Hình ảnh cái lưới chụp xuống bất thình lình. Nhắc chúng ta rằng: Hết mọi người ở trần gian không ai thoát được cái chết, cũng có nghĩa là không ai thoát được giờ phán xét, vì thế mọi người cần tỉnh thức.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn tỉnh thức , là luôn sống trong ơn nghĩa Chúa. Amen. ****

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.

1/ Những cám dỗ của thế gian: Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ 2 điều có thể làm các ông xao lãng việc chuẩn bị cho Ngày Phán Xét:

(1) Vì chè chén say sưa: Ăn quá độ làm thân xác con người ra nặng nề và chỉ muốn ngủ. Một thân xác ù lỳ như thế sẽ không có nghị lực làm bất cứ việc gì. Uống quá độ làm con người say xỉn và con người không còn trí khôn sáng suốt để làm theo những điều hay lẽ phải. Con người phải ăn uống điều độ mới có thể giữ cho tinh thần minh mẫn nhận ra và làm những gì Chúa dạy.

(2) Vì lo lắng sự đời: Con người không thể làm tôi hai chủ: cả Thiên Chúa lẫn tiền bạc. Dĩ nhiên con người phải biết lo lắng làm việc bao lâu còn sống trong thế gian để có phương tiện sinh sống, nhưng không được dành hết thời giờ để lo lắng sự đời. Chúa Giêsu đã từng khuyên dân chúng: “Đừng làm việc để kiếm cho mình những lương thực sẽ hư nát, nhưng cho lương thực sẽ đem lại cuộc sống đời đời” (Jn 6:27).

Nếu không biết chuẩn bị sẵn sàng, “Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, và Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.” Lúc ấy, có muốn vùng vẫy thóat ra cũng muộn rồi.

2/ Sự quan trọng của việc cầu nguyện: Chúa Giêsu ý thức được tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Ngài đã nhiều lần cầu nguyện với Chúa Cha, và đã từng dạy các môn đệ cầu nguyện. Một lần nữa, Ngài khuyên các ông điều phải làm trong khi chuẩn bị cho Ngày Tận Thế: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn: hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” Cầu nguyện còn làm tăng trưởng mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Khi mối liên hệ càng mật thiết bao nhiêu, con người càng hăng hái nhiệt thành cho Ngày Chúa đến.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần học hỏi để biết về cuộc sống tương lai đời đời với Thiên Chúa, vì “vô tri bất mộ.” Những hấp dẫn của cuộc sống bất tử sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta chuẩn bị ngay từ đời này.

- Nếu không, những lười biếng và cám dỗ của cuộc sống thế gian sẽ làm lòng trí chúng ta ra nặng nề, không còn tấm lòng nhiệt thành đi đón Chúa, và chúng ta sẽ hối hận khi Ngày ấy tới.

- Để giữ lòng nhiệt thành và hăng hái chuẩn bị, chúng ta cần để cho Lời Chúa thấm nhập và làm chủ cuộc đời. Một nếp sống cầu nguyện mật thiết với Thiên Chúa không thể thiếu vì nó sẽ giúp chúng ta khao khát được gặp người chúng ta yêu thương và quí mến. 

=> CHIA SẺ LỜI CHÚA HẰNG NGÀY


Trở lại      In      Số lần xem: 4112
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  13
 Hôm nay:  1713
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11407122
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top