Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 4 Thường Niên A.2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 4 Thường Niên A (30.01 -> 04/02/2017)

Thứ hai, 30/01/2017

Đề tài: THÀ MẤT CHÚA HƠN LÀ MẤT CỦA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 5,1-20)

1 Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa.2 Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người.3 Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích.4 Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được.5 Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình.6 Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người7 và kêu lớn tiếng rằng: "Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi! "8 Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: "Thần ô uế kia, xuất khỏi người này! "9 Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì? " Nó thưa: "Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm."10 Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy.11 Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi.12 Đám thần ô uế nài xin Người rằng: "Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia."13 Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó.14 Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra.15 Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo -chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ.16 Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo.17 Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

18 Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người.19 Nhưng Người không cho phép, Người bảo: "Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào."20 Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.

SUY NIỆM:

1/Rất nhiều người Công giáo sợ khi phải đón tiếp Chúa. Vì Sao ? Có lần Chúa nói: tiền vào thì Chúa ra, không ai có thể làm tôi hai chủ. Các thánh tử đạo thì đổi mạng sống để có được Chúa, thật là một sự lựa chọn quá đớn đau, lỗ lã.

2/Kể từ sau khi Tổ tông phạm tội, thế giới và lương tâm con người bị một thế lực tà ma ám. Sứ mạng của Chúa khi đến thế gian là để lập lại trật tự, lập lại vương quyền, phá tan thế lực của tà thần là sự chết, để thiết lập lại triều đại của Thiên Chúa.

3/Trước phép lạ nhãn tiền Chúa làm để xua đuổi một cơ binh của ma quỷ. Dân chúng trước tiên là thán phục quyền năng của Chúa, nhưng sau đó vì cảm thấy tiếc số của cải đã mất nên đã đành đoạn đuổi khéo Chúa đi. Không khác gì dân Do Thái được cứu thoát, khi vào giữa Sa Mạc thì lại nuối tiếc miếng thịt, củ hành vào thời còn đang làm nô lệ cho Ai Cập.

4/Họ chấp nhận thà sống chung với lũ, bị thần ô uế ám hơn là bị mất 2 nghìn con heo chết. Họ không dám đánh đổi lợi ích kinh tế để đón nhận sự viếng thăm của Chúa. Lòng họ vẫn nghĩ rằng: Chúa đang còn ở xa mà họ đã thiệt hại rồi, nếu Chúa mà ở giữa họ không biết họ sẽ còn thiệt hại như thế nào nữa. Nên thôi, hãy đuổi khéo Chúa đi.

5/Không thiếu những Kito hữu trong chúng ta cũng phản ứng như thế. Chúng ta cảm thấy nuối tiếc những gì phải từ bỏ, nên đôi khi chúng ta cũng mời Chúa cảm phiền đi ra để cho con dễ làm việc, để con có thể dễ dàng sống trong cảnh tội lỗi quen thuộc của mình. Vì thế, dù chúng con thấy Chúa nhưng cũng chẳng dám mời Chúa vào nhà, vì có Chúa thì ....rách việc lắm.

6/Bài Tin Mừng cho thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa Thiên Chúa và ma quỷ, không khác nào ánh sáng với bóng tối. Người ta chấp nhận đồng lõa với bóng tối, dễ sống hơn là sống trong ánh sáng, vì bóng tối thì dễ dàng lập lờ đánh lận con đen, tốt xấu lẫn lộn, càng khó phân biệt thì càng dễ sống.

7/Chúa Giêsu là ánh sáng, Ngài đến để xua tan bóng tối, Ngài đến thì ma quỷ phải ra đi. Nhưng mục đích để ma quỷ hiện diện trên thế gian chính là con người, chúng hiện diện để lôi kéo, làm cho con người cũng phản bội Chúa giống như chúng. Vì thế chúng tìm mọi cách để ở gần con người.

8/Khi Chúa Giêsu trục xuất ma quỷ ra khỏi con người thì chúng xin gia nhập vào đàn heo. Như khi bóng tối phải đối diện với ánh sáng thì bóng tối không thể tồn tại, cả đàn heo phải nhào xuống biển và chết ngạt. Điều này có nghĩa rằng: không chỉ ma quỷ bị tiêu diệt mà tất cả những gì liên quan đến ma quỷ đều phải bị tiêu diệt theo, cùng bị chung số phận.

9/Tuy nhiên cho dù Thiên Chúa có quyền năng thế nào, thì Ngài cũng đành bó tay trước sự tự do của con người. Cả dân thành Gherasa kéo nhau ra, không phải để đón tiếp Chúa, nhưng là để đuổi khéo Chúa, mời Ngài mau đi nơi khác. Họ quyết tâm từ chối Chúa, vì họ vẫn một mực quyến luyến, tiếc rẻ của cải, nhưng của cải chính là miếng mồi ngon mà ma quỷ dành để nhử con người xa lìa Thiên Chúa.

10/Chúa Giêsu đang ở đàng xa mà họ đã mất đàn heo, nếu Chúa ở gần thì họ sẽ còn mất gì nữa, hay là mất tất cả ? Khi quay bước rời khỏi họ, Chúa cảm thấy lòng mình quặn đau, nhưng Chúa không phiền trách, nổi giận hay chúc dữ họ, Chúa cũng không khiến lửa trời xuống thiêu đốt họ. Nhưng ý Chúa: vẫn nhẫn nại chờ đợi họ tìm về với Ngài, Chúa vẫn hy vọng, không phải một lần, nhưng là Chúa vẫn mong chờ họ mãi mãi.

11/Chúng ta cảm ơn Chúa vì đã tạo dựng nên con người chúng ta có lý trí và sự tự do. Xin cho chúng ta biết sử dụng 2 ơn quý giá ấy theo như ý Chúa muốn: lý trí để phận biệt đâu là mưu ma chước quỷ, đâu là tình thương đợi chờ của Chúa, đâu là thế lực của sự dữ. Sự tự do không phải là để ta chối Chúa, xa Chúa nhưng là để ta nhiệt tâm kiếm tìm và mến yêu Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con dám từ bỏ tất cả để chỉ tìm kiếm một mình Chúa, xin cho con dám sống cho Chúa và chết vì Chúa. Amen.**R

 

Thứ ba, 31/01/2017

Đề tài: CHÚA CHỮA BỆNH VÀ CHO KẺ CHẾT SỐNG LẠI

THÁNH GIOAN BOSCO – LINH MỤC

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 5,21-43)

21 Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. 22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, 23 và khẩn khoản nài xin : “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống.” 24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, 26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác. 27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo choàng của Người. 28 Vì bà tự nhủ : “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa.” 29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi : “Ai đã sờ vào áo tôi ?” 31 Các môn đệ thưa : “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi : ‘Ai đã sờ vào tôi ?’” 32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. 33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. 34 Người nói với bà ta : “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo : “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa ?” 36Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường : “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” 37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. 38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy cảnh ồn ào và người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. 39 Người bước vào nhà và bảo họ : “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy ? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy !” 40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, rồi đưa cha mẹ đứa trẻ và những kẻ theo Người, cùng đi vào nơi nó đang nằm. 41 Người cầm lấy tay nó và nói : “Ta-li-tha kum”, có nghĩa là : “Này bé, Thầy truyền cho con : trỗi dậy đi !” 42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc. 43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

SUY NIỆM:

1/ Nơi Đức Giêsu phát ra một nguồn sức mạnh, nguồn sức mạnh ấy có khả năng chữa lành, đem lại sự sống cho những kẻ tin và biết phó thác mọi sự nơi Người.

2/ Ông trưởng Hội đường đã đến với Đức Giêsu bằng một Đức tin chân thành nên ông đã không phải thất vọng. Bất cứ ai gặp gỡ, tiếp xúc với Chúa Giêsu trong niềm tin đều sẽ nhận được những thần lực kỳ diệu từ nơi Người.

3/ Bài Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta hai kiểu sống Đức tin: a) Đức tin sáng suốt, mạnh mẽ như ông Gia-ia/ b) Đức tin đơn sơ chất phát như người đàn bà bị băng huyết.

4/ Chúng ta cần phải tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa: a) Chúa có quền năng trên thiên nhiên khi dẹp yên sóng gió/ b) Chúa có quyền năng trên ma quỷ: Khi Chúa trục xuất thân ô uế (Mc 5,1-20)./ c) Chúa có quyền năng trên sự chết (Mc5,41-42 ) /Chúa chữa lành người đàn bà bị loạn huyết (Mc 5,25-34).

5/ Nhờ niềm tin thúc đẩy nên ta tha thiết yêu Chúa và năng chạm đến Chúa, đồng thời cũng giúp ta an tâm khi bị sự dữ hoành hành nơi ta, nơi tha nhân và trên thế giới.

6/ Người đàn bà loạn huyết là hình ảnh những kẻ lâu năm bị chước cám dỗ, bị những tính mê tật xấu hành hạ, làm tiêu hao thần lực. Những người này cần có một đức tin chất phát đơn sơ trong lời cầu nguyện thì mới đón nhận được ơn cứu độ của Chúa.

7/ Cô con gái ông trưởng hội đường được phục sinh, là hình bóng những con người sống trong tội lỗi, luôn bị ma quỷ kìm kẹp, rất cần sự trợ lực đức tin của người Cha thì mới đón nhận được ơn phục sinh của Chúa.

8/ Những người đang sống lâu năm trong vòng tội lỗi, tự họ bất lực => Cần phải có sự giúp sức của những người trung gian thì mới có thể đón nhận được ơn Bí Tích Hòa Giải của Hội thánh.

9/ Chúa Giêsu đã bày tỏ sự thông cảm và lòng quan tâm đến những khổ đau của con người và ra tay cứu giúp con người qua việc chữa lành cho người đàn bà bị loạn huyết và sự phục sinh của cô con con gái ông Gia-ia.

10/ Trong cuộc sống hằng ngày, nếu ai cũng biết quan tâm và cảm thông cho nhau thì đau khổ sẽ bị chế ngự và hạnh phúc sẽ tăng dần lên nơi mỗi người, mỗi gia đình và trên toàn xã hội.

11/ Dù chúng ta luôn cảm thấy mình bất xứng, bị bỏ rơi, bị đơn độc => Thì Thiên Chúa vẫn chiếu cố đến ta, Ngài luôn tìm cách tạo quan hệ cá nhân tốt với ta. Đây là điều mà Chúa Giêsu đã nêu lên trong cách Ngài xử sự với người đàn bà bị bệnh loạn huyết.

12/ Dù chúng ta thấy đời mình đang chìm sâu trong tuyệt vọng, Thiên Chúa vẫn luôn quan tâm đến ta. Vì Người luôn là Chúa của kẻ sống, đó là điều được nêu lên trong câu chuyện Chúa Giêsu phục sinh, một bé gái đã chết được sống lại.

13/ Bài học từ hai phép lạ trên đây: Chúng ta cần thấy rõ về phẩm chất của Đức tin. Tin là điều kiện tiên quyết để Chúa Giêsu có thể ra tay cứu chữa, bởi thế đời sống Ki-tô hữu luôn tùy thuộc vào mức độ của lòng tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một đức tin mạnh mẽ, để chúng con có thể thấy tất cả những phép lạ mà Chúa đã thực hiện hằng ngày nơi mỗi người chúng con. Amen.***

 

Thứ tư, 01/02/2017

Đề tài: ĐỨC GIÊ-SU VỀ THĂM NAZARET

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 6,1-6)

1 Khi ấy, Đức Giê-su trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói : “Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì ? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao ? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?” Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giê-su bảo họ : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó ; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.

SUY NIỆM:

1/ Người dân Nazaret ai cũng quá rành về anh thợ mộc Giêsu: Người đã sống bên cạnh họ suốt 30 năm qua, họ ngỡ ngàng trước sự thay đổi quá lớn nơi con người vốn thầm lặng và chất phát của Đức Giêsu, nên họ không thể tin Người lại có thể là một vị Đại Ngôn Sứ.

2/ Quan niệm của dân Nazaret đều cho rằng Ngôn sứ không thể có một xuất thân quá bình thường như Đức Giêsu được. Họ cũng không thể tưởng tượng được rằng: Một ngôi làng quá bình thường như vậy lại có một con người cao trọng đến như thế => Nên họ đã vấp phạm. 

3/ Thông thường khi có một con người quá gần gũi quen thuộc với chúng ta thì chúng ta khó lòng mà nhận ra giá trị thật của người đó. Lắm khi vì thân quen lại dẫn chúng ta đến chỗ coi thường, đúng như câu: “Quen quá hóa nhàm / gần nhà gọi bụt bằng anh” là vậy.

4/ Lối sống hưởng thụ, thực dụng của vật chất cũng khiến cho người ta vô cảm, dửng dưng trước những vấn đề tâm linh, và họ đã trở nên cứng lòng trước những vấn đề, không ăn được nên sẽ bị họ loại trừ cách dễ dàng.

5/ Đây là lần thứ 2 Chúa Giêsu trở lại Nazaret. Lần thứ nhất (Lc 4,16-30), lần này có các Môn đệ cũng đi theo nên hôm nay khi Chúa trở về quê hương không phải chỉ vì mục đích thăm người thân, nhưng còn là dịp để Ngài thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho quê hương của mình nữa.

6/ Là Tông đồ của Chúa, ta có 2 bổn phận: Một đối với gia đình thân nhân, sau đó còn là bổn phận đối với việc rao giảng Tin Mừng cho họ nữa. Đây là một công việc khiến chúng ta chỉ muốn sao nhãng vì e ngại, vì sợ quen quá hóa nhàm. Hoặc Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng là ở chính quê hương mình, nơi bà con thân thuộc và gia đình mình mà thôi.

7/ Hôm nay Chúa Giêsu đi rao giảng nhưng lại bị thất bại tại chính quê hương mình. Sự thất bại này do sự cứng tin của con người chứ không do Chúa thiếu năng lực, bằng chứng là Chúa vẫn đặt tay làm một số phép lạ khi có người mở lòng tin.

8/ Đây là một bài học cho những ai muốn đi theo Chúa thì mất đi chỗ dựa dẫm an toàn, kể cả gia đình, người thân. Chúng ta chỉ còn có một chỗ dựa duy nhất là Thiên Chúa, Đấng đã mời gọi chúng ta làm Tông đồ, làm công việc dành riêng cho Thiên Chúa.

9/ Sứ vụ của Chúa luôn gặp nhiều thử thách: Về điểm này chúng ta có nhiều điểm tương đồng. Nhìn lại công tác Tông đồ, ít có những dễ dãi, suôn sẻ, hân hoan, nhưng luôn có nhiều khó khăn, thử thách, ngược đãi, khủng hoảng. Nhưng nếu đã cùng chết với Đức Ki-tô thì chúng ta cũng được cùng Phục sinh với Ngài.

10/ Thân nhân họ chỉ nhìn vào Chúa bằng con mắt tự nhiên nên đã từ chối không muốn tin vào Chúa. Họ chỉ thấy Chúa là con bác thợ mộc, con bà Maria. Nhưng qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, Chúa muốn ẩn mình trong vô danh, trong thân phận nghèo hèn, chịu nhiều thử thách, đau khổ, bị giết chết; nhờ đó Chúa có thể gần gũi và sống thân tình hơn với con người.

11/ Chỉ có Đức tin đơn sơ và chân thật mới nhận ra Chúa dưới hình thức đó mà thôi. Đầu tiên có Đức Mẹ và Thánh Giuse, sau đó có các Mục đồng, các đạo sĩ, có tiên tri Simeon và Anna, là những người nhận ra Chúa trong thân phận nghèo hèn. Còn dân Do Thái thì chê Chúa chỉ vì trong nhãn quan của họ, Đấng Cứu Thế phải siêu đẳng như thế nào mới xứng đáng, thế là họ đã bỏ qua một cơ hội duy nhất.

12/ Chúng ta đang trách cứ sự cứng tin của thân nhân Chúa. Nhưng thực tế chính chúng ta cũng không thể thoát ra khỏi vị trí của những kẻ cứng tin như vậy. Khi chúng ta nhận ra Chúa Giêsu đang ẩn mình nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta lại càng không thể nhận ra Chúa đang hiện thân nơi những anh em nghèo khó bệnh tật, càng không thể nhận ra Người trong những hoàn cảnh tầm thường của cuộc sống.

13/ Hôm nay, chúng ta đang dâng lễ, hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu đang ẩn mình trong bí tích Thánh Thể, trong tấm bánh nhỏ xíu. Xin Chúa hãy tha cho chúng ta qua thái độ cứng lòng tin để từ nay chúng ta có thể nhận ra Chúa đang hiện diện khắp mọi nơi trong cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đức tin để chúng con có thể nhận ra Chúa đang hiện diện nơi anh em của chúng con. Amen!***

 

Thứ năm, 02/02/2017

Đề tài: CỦA LỄ THÁNH DÂNG LÊN THIÊN CHÚA

(DÂNG CHÚA GIÊ-SU TRONG ĐỀN THÁNH – LỄ NẾN)

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 2,22-40)

22 Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng : “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. 24 Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng :

29“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.” 33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”

36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa.38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
39 Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

SUY NIỆM:

1/ Bổn phận cây nến là phải chiếu sáng. Cây nến vui vì mình sống có ích, mình chiếu sáng cho người khác thấy. Nó vui vì được làm một tia sáng.

2/ Hôm nay Đức Mẹ và Thánh Giuse vào đền thờ dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa. Hai Ngài hiểu rằng: Con trẻ Thánh này không thuộc về mình nhưng thuộc về Thiên Chúa, vì Người chính là ánh sáng chiếu soi cho muôn dân.

3/ Tiên tri Simeon cho thấy: Bao lâu con người chưa nhận biết Đức Ki-tô, chưa đi theo ánh sáng tin mừng mà Ngài Mạc Khải, thì bấy lâu con người vẫn còn đi trong bóng tối lầm lạc.

4/ Nhờ Bí tích thanh tẩy, chúng ta cũng được thánh hiến cho Thiên Chúa và được trở nên nghĩa tử của Người. Do đó chúng ta phải luôn sống trong ánh sáng và phải chiếu soi ánh sáng ấy cho mọi người, đó là cách chúng ta tôn vinh Thiên Chúa và thuộc trọn về Ngài.

5/ “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy…”. Luật không buộc thanh tẩy người chồng hay đứa con trai sơ sinh. Theo Luật Moisen cụ thể là luật Lê-vi (Lv 12,2-8): Một phụ nữ sinh một con trai được coi là bị ô uế trong vòng 40 ngày, sau 7 ngày thì đứa bé trai phải được bắt bì vào ngày thứ 8 và người mẹ con phải chờ ở nhà thêm 33 ngày nữa cho đến khi mãn thời gian thanh tẩy của bà (Lv 12,4). Trước khi bà được đụng chạm vào bất cứ vật Thánh nào hoặc đi vào các sân đền thờ. Sau ngày 40, bà phải đem đến cho vị tư tế phục dịch tuần ấy tại Lều Hội Ngộ hay đền thờ một con chiên một tuổi để làm lễ toàn thiêu, hoặc bồ câu non, hoặc con chim gáy để làm lễ tạ tội.

6/ Hy lễ dâng con theo luật Chúa truyền: Hy lễ không phải là cho việc chuộc con đầu lòng, mọi con trai đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa, muốn chuộc ra thì phải trả 5 Seken (= 15 chỉ bạc). Hy lễ hôm nay là cho việc thanh tẩy bà Mẹ, tác giả Luca không nhắc gì đến việc trả số bạc chuộc con này.

7/ Việc cắt bì và đặt tên cho Đức Giêsu là cơ hội để Chúa tỏ mình ra. Cũng như Gioan, Đức Giêsu được ghi dấu ấn là dấu chỉ của Giao Ước (St 17,11). Người được đặt tên là Giêsu, tên được chính Thiên Chúa ban cho, cho nên bản văn nhấn mạnh việc đặt tên hơn là việc cắt bì.

8/ Hình ảnh cụ Simeon gợi nhớ đến tư tế Eli trong (1 Sm 1-2), cũng như ông Dacaria trong truyện Gioan Tẩy Giả. Giacaria dự báo sự cao cả của Gioan Tẩy Giả trong bài ca “chúc tụng”, còn Đức Giêsu thì được ông Simeon ca tụng.

9/ Chính Thiên Chúa đã trở lại thánh điện của Người trong bản thân hài nhi Giêsu. Cho dù tội lỗi của Israel có ngập tràn thế nào, Thiên Chúa vẫn trung thành giữ lời Người đã hứa.

10/ Vào dịp chúng ta chịu phép rửa tội: Thiên Chúa đã nhận chúng ta làm con, Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, cho dù chúng ta có bất trung thế nào, cho dù chúng ta có tội lỗi, chúng ta có xua đuổi Người ra khỏi Thánh Điện là trái tim chúng ta. Người vẫn luôn tìm cách đưa chúng ta đến chỗ hoán cải và quay về.

11/ Chúa Thánh Thần luôn có mặt và làm việc. Chúng ta có thể thường xuyên sống dưới tác động của Người nếu chúng ta vẫn giữ nghĩa với Thiên Chúa và luôn chăm chú đi theo những gợi ý của Người trong lòng mình.

12/ Chúa Thánh Thần có thể trở thành nguồn sánh sáng giúp chúng ta hiểu niềm tin của chúng ta rõ hơn và hiểu bổn phận của chúng ta rõ hơn, chính xác hơn. Đây là nguồn sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta can đảm sống đời Môn đệ của Chúa Ki-tô.

13/ Ông Simeon và bà Anna là gương mẫu cho chúng ta về cách sống hy vọng và trung thành. Sự trung thành của họ đã được ban thưởng mỗi khi rước lễ, chúng ta cũng được nhận ân huệ ấy.

14/ Tất cả cuộc sống của Đức Maria và Thánh Giuse đều tập trung vào Đức Giêsu. Trong khi Người lớn lên bình thường như mọi trẻ em khác nhưng ơn nghĩa của Thiên Chúa vẫn ở trên Người, đã tạo nên trong gia đình này một bầu khí yêu thương, hiệp nhất.

15/ Bí quyết hạnh phúc đơn giản và siêu nhiên nhất chính là sự hiện diện của Đức Ki-tô. Đây là hình ảnh hoàn hảo cho mọi gia đình Ki-tô hữu.

16/ Nếu Đức Ki-tô là trung tâm của mọi gia đình, mặc dù cuộc đời luôn có nhiều thử thách. Chúng ta vẫn cảm nhận và tạo được hạnh phúc lớn lao là mình yêu thường người khác và được người khác yêu thương dưới cái nhìn và sự chăm sóc của Thiên Chúa.

17/ Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đi vào đền thờ của Người. Đó là cách Thiên Chúa đến viếng thăm chúng ta.

18/ Thế giới vẫn mù lòa, nhưng sự quan phòng của Thiên Chúa vẫn tiềm ẩn bên cạnh con người. Điều này Thiên Chúa vẫn thể hiện ngày qua ngày và mong sao con người sớm nhận biết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là nguồn sáng, xin biến đổi chúng con thành những ngọn nến chiếu sáng tình yêu Thiên Chúa cho mọi người được thấy. Amen.***

 

Thứ sáu, 03/02/2017

Đề tài: KHÔNG CÙNG PHE VỚI TỘI ÁC

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 6,14-29)

14 Khi ấy, vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói : “Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” 15 Kẻ khác nói : “Đó là ông Ê-li-a.” Kẻ khác nữa lại nói : “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ.” 16 Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói : “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy !”

17 Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18 mà ông Gio-an lại bảo : “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài !” 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

21 Một ngày thuận lợi đến : nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê.22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái : “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” 23 Vua lại còn thề : “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ : “Con nên xin gì đây ?” Mẹ cô nói : “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” 25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng : “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

SUY NIỆM:

1/ Đừng cao hứng mà hứa điều gì đang lúc quá vui, vì có thể bạn sẽ rất ân hận khi đã bình tĩnh trở lại.

2/ Vua Herode là con người phiến diện, không có lập trường, nên khi đã đam mê thì càng tỏ ra mù quáng, độc ác.  Ông vua này mắc bệnh sĩ diện, vừa thích thẳng lại vừa thích nịnh, ông đã buộc miệng đưa ra một lời hứa thiếu khôn ngoan lúc quá chén nên đã gây ra cái chết sớm hơn cho Gioan Tẩy Giả.

3/ Gioan Tẩy Giả là người của Thiên Chúa, ông tin Chúa, yêu Chúa nên rất ghét tội lỗi. Ông đã dám lên tiếng tố cáo chống lại cường quyền và đã dám lấy mạng sống của mình để làm chứng cho sự thật.

4/ Công việc truyền giáo của nhóm Chúa Giêsu và các Tông đồ đã làm cho danh tiếng của Ngài lan đi khắp nơi. Điều này đến tai vua Herode khiến cho vua lo ngại về cái ghế làm vua của mình.

5/ Từ ngày Gioan bị chém đầu, danh tiếng của Chúa Giêsu được đồn đi khắp nơi. Vua Herode thêm lo ngại nên đã sai Người đi dò xét dư luận, nhưng mỗi người lại trình báo mỗi kiểu. Thế nên vua rất muốn gặp Chúa Giêsu để tự dò xét xem thực hư thế nào? Vì trong lòng ông cứ lo sợ Gioan Tẩy Giả đã sống lại để oán trách cái tội ngoại tình và sát nhân của ông.

6/ Khi kể lại việc Gioan Tiền Hô bị chém đầu, Thánh Marco có ý đánh tan dư luận cho rằng Chúa Giêsu là Gioan sống lại. Cái chết của Gioan được kể lại sau khi Chúa Giêsu bị giới lãnh đạo quyết định giết (Mc 3,6). Bị thân nhân coi là mất trí (Mc 3,21), bị dân làng khinh dễ (Mc 6,4). Đây kể như một điềm báo xấu báo trước số phận của Đức Giêsu. Như vậy suốt cuộc đời của ông Gioan đều phục vụ cho sứ mạng Tiền Hô của Chúa Giêsu.

7/ Đoạn Tin Mừng hôm nay luôn cho chúng ta thấy sự đối nghịch giữa những con người với nhau: Người công chính (Gioan Tẩy Giả) và người tội lỗi (Herode và Herodiade). Người tội lỗi luôn gây hại cho người công chính, bóng tối luôn sợ ánh sáng. Điều này giúp chúng ta bình tĩnh chấp nhận những thiệt thòi do người xấu gây ra cho mình.

8/ Herode là con người nhu nhược trước tiếng nói lương tâm. Trước lời cảnh báo của người công chính, vì ông quá ham mê sắc dục, danh vọng ở đời.

9/ Khi bị cám dỗ về sắc dục, danh vọng. Chúng ta thường bị mù tối trước tiếng nói của lương tâm, bịt tai trước lời chỉ bảo của người khôn ngoan.

10/ Herode không chiến thắng được tính nết xấu xa của mình, nên đã đưa ra một lời hứa càng, mà không chịu cân nhắc hậu quả.

11/ Herode không yêu thương ai, nhưng chỉ xử sự ích kỷ, chỉ biết đến quyền lợi cá nhân mình. Vì quyền lợi của mình, ông sẵn sàng làm hại chết người khác, như là cướp vợ của anh mình, như là giết kẻ dám can gián mình!

12/ Herode coi thường tiếng nói lương tâm. Lúc đầu còn có chút phân vân áy náy khi làm điều xấu, nhưng dần dà ông sẵn sàng xua gạt trước mọi lời cảnh báo và càng tỏ ra chai cứng, mù quáng trước những lời nhắc bảo của người công chính như Gioan.

13/ Herode là điển hình cho một công dân thế gian, nên không thể nào là công dân nước trời.

14/ Herodiade là một người đàn bà gian ác và dã tâm khi xúi Herode giết Gioan để trả thù, để bà dễ dàng theo đuổi con đường bất chính.

15/ Nhìn vào Herode và Herodiade: Chúng ta dễ dàng nhận ra rằng khi ai đó bị vướng vào con đường đam mê khoái lạc và danh vọng thì thường sinh ra ghen tương đố kỵ, oán thù, gian ác.

16/ Gioan sẵn sàng hy sinh danh dự , mạng sống để bảo vệ sự thật. Để chống lại tội lỗi, bất kể tội ấy do ai phạm !

17/ Cái chết của Gioan tiên báo về số phận của các Môn đệ, của các chứng nhân Chúa Ki-tô. Người Môn đệ phải trung thành và can đảm làm chứng cho sự thật, cho dù sẽ bị một số phận đau thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trung thành với Chúa cho đến cùng. Amen.***

 

Thứ bảy, 04/02/2017

Đề tài: CỘI NGUỒN CỦA MỌI ƠN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 6,30-34)

30 Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông : “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

SUY NIỆM:

1/ Chúa Giêsu khuyên các Môn đệ tìm đến một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi đôi chút. Điều này Chúa muốn các ông nhớ rằng: những gì các ông làm được, có được thì không phải do tài riêng của các ông mà do ơn Chúa ban mà thôi.

2/ Vì thế Chúa muốn các ông hãy tách mình ra khỏi những xô bồ của công việc để đến nơi khác hoang vắng mà tĩnh tâm cầu nguyện, để mà cảm ơn Chúa vì những gì Chúa đã ban qua con người tầm thường của chúng ta.

3/ Chúa muốn các ông lánh riêng ra một bên để đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi. Đây là một cái nhìn đầy thông cảm khi thấy các ông đi thực tập truyền giáo trở về đầy vẻ mệt nhọc.

4/ Chúa chăm sóc ta, như cha chăm sóc con cái (khi thấy các Tông đồ mệt nhọc, cần bồi dưỡng cho lại sức). Đây cũng là một cái nhìn đầy yêu thương khi Chúa quan tâm đến nhu cầu của con người nơi các Tông đồ hơn là nhiệm vụ tông đồ của các ông.

5/ Đây cũng là mẫu gương dành cho các vị lãnh đạo đối xử với các cộng sự viên của mình.

6/ Sau các hoạt động Tông đồ, họ cần nhìn lại các công việc của mình trước mặt Chúa trong bầu khí tĩnh tâm, cầu nguyện: Đây là hình thức họp để kiểm điểm, để chia sẻ rút kinh nghiệm, rất hữu hiệu cho việc thăng tiến bản thân và đổi mới lề lối làm việc.

7/ Nghỉ ngơi sau thời gian dài làm việc mệt mỏi là điều cần  thiết để bồi bổ sức khỏe và bồi dưỡng thêm sức mạnh tinh thần.

8/ Tạm dừng mọi công việc để tìm nơi thanh vắng gặp gỡ Chúa, đón nhận sức sống của Chúa là một bổn phận rất cần thiết đến nổi: Dù công việc có cần đến đâu thì cũng phải tạm gác bỏ, ham làm việc mà quên bồi dưỡng tinh thần thì có thể đó chỉ là hiếu động hơn là hoạt động tích cực.

9/ Công việc bận rộn đến nỗi không có giờ ăn uống. Nhưng các Tông đồ đã vâng nghe lời Chúa Giêsu dạy, lánh riêng ra nơi vắng để nghỉ ngơi.

10/ Nghỉ ngơi ở đây không phải là xao lãng công việc hay đi tìm sự thoải mái nhưng là lấy lại sức cho thân xác. Bồi dưỡng thêm sức mạnh tinh thần và cầu Chúa tăng thêm nguồn sinh lực nội tâm.

11/ Các Tông đồ giảng dạy đã khơi dậy trong họ lòng khao khát đến với Chúa nên họ đã lui tới quá đông.

12/ Họ thấy các Ngài ra đi, họ cùng nhau theo đường bộ chạy trước, chi tiết này giúp ta thấy được lòng khao khát của dân chúng.

13/ Họ theo đường bộ chạy đến nơi là thái độ can đảm, quên mình sẵn sàng dẹp bỏ mọi sự cho việc tìm kiếm Chúa. Chính vì họ tin mạnh mẽ nên Chúa Giêsu đã tỏ lòng thương yêu săn sóc.

14/ Dù công việc Tông đồ bận rộn đến đâu, chúng ta cũng đừng quên là phải dành thời giờ cho Chúa, hãy chạy đến với Chúa.

15/ Người Tông đồ sống cho nhu cầu thể xác, cho tha nhân, cho tình thân, nhưng đừng quên phải dành thời gian sống với Chúa.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết phó thác mọi sự cho Chúa và nhận ra tất cả những gì mình có là do ơn Chúa ban, để trong mọi sự chúng ta biết ca tụng và cảm ơn Chúa cho xứng đáng. Amen.**

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2440
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  10
 Hôm nay:  1326
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11406735
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top