Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 5 Mùa Chay A.2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 5 Mùa Chay A (03/04-> 08/04/2017)

Thứ hai, 03/04/2017

Đề tài: BẢN ÁN ĐƯỢC VIẾT TRÊN CÁT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 8,1-11)

1 Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.

2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. 3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, 4 rồi nói với Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” 6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” 8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. 9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10 Người ngẩng lên và nói : “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?” 11 Người đàn bà đáp : “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói : “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”

SUY NIỆM:

1/ Tòa án trần gian thường tra khảo, ép lấy cung và kết án các tội nhân (hoặc chung thân hoặc tử hình) cho những người phạm tội sát nhân. Nhưng thời gian sau, kẻ sát nhận thật sự đã ra thú tội, thế là người bị tù oan kia sẽ được minh oan.

2/ Phúc Âm hôm nay thuật lại một câu chuyện những nhà lãnh đạo Do Thái thời Đức Giêsu đã lên án gắt gao một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, họ đem đến với Chúa và muốn Chúa Giêsu cũng kết án theo họ.

3/ Điều buồn cười nhất chính là những người Biệt phái này cũng là những kẻ tội lỗi, nhưng họ lại không chịu kết án chính mình trước mà lại muốn kết án tử kẻ khác.

4/ Họ muốn Chúa Giêsu là một quan tòa kết án tử kẻ khác, nhưng Chúa Giêsu lại là một quan tòa chuyên cứu sống. Họ đến với dụng ý muốn ném đá chết người phụ nữ, nhưng Chúa Giêsu lại dùng chính bản án đó để tra vấn lương tâm họ, giúp họ tỉnh ngủ nhận ra mình cũng ngập tràn tội lỗi, khiến cho họ bừng tỉnh và lần lượt rút lui không dám kết án chị ta nữa.

5/ Theo lời giải thích của Thánh Augustino thì bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm nói lên lòng từ bi nhân hậu hay thương xót của Chúa Giêsu đối với các tội nhân.

6/ Theo luật Moisen, người phụ nữ ngoại tình này phạm tội bất trung nên sẽ bị kết án tử bằng việc ném đá cho đến chết. Người Phariseu và Kinh sư mang chị ta đến để nhờ Chúa xét xử giùm, họ đến không phải vì ý tốt nhưng là có ý thử Người, nhằm hạ uy tín và có cớ để tố cáo Chúa phạm luật.

7/ Nếu Chúa xét xử thuận theo ý họ, thì Chúa sẽ bị dân chúng cho là Ngài mâu thuẫn với lời giảng dạy về lòng từ bi, nhân hậu đối với người tội lỗi. Có nghĩa là Chúa sẽ bị mâu thuẫn với chính mình, họ sẽ nhạo báng và cho rằng Chúa ngôn hành bất nhất (lời nói và việc làm trái ngược nhau).

8/ Ngược lại nếu Chúa cho bà ta trắng án, thì rõ ràng là Chúa đi ngược lại với luật Moisen. Rồi đây hôn nhân sẽ ra sao? Chúa lại đi ủng hộ việc ngoại tình sao?

9/ Chúa không trả lời họ: Ngài ngồi xuống đất, im lặng lấy tay vẽ nguệch ngoạc trên cát. Chúa muốn kéo dài thời gian để cho những người tố cáo phải suy nghĩ lại hành động của họ.

10/ Việc xét xử người khác là việc rất hệ trọng. Người cầm cân cần phải bình tĩnh, dè dặt, vô tư , vì mình đang cầm quyền xét xử. Quang tòa phải chí công vô tư chứ đừng vì tư lợi, xúc xiểm, ganh tỵ, áp lực hay a dua/

11/ Ý nghĩa của việc Chúa viết nguệch ngoạc trên đất mang ý nghĩa: Bản án của Chúa viết trên cát và sau đó Chúa muốn để cho gió cuốn đi. Con người thường thù oán, kết tội nhau, họ khắc ghi cho tới chết: khắc trên đá, khắc trên đồng, sắt hoặc chí ít cũng viết bản án ra trên trang giấy là lưu giữ hàng ngàn năm. Có khi họ còn viết bản án bằng máu để tư thù nhau mãi mãi.

12/ Chúa Giêsu đã thành công khi dùng chính gậy ông đập lại lưng ông. Chúa dùng bẫy của họ để gài lại cho chính họ, sau đó mọi người đã rút lui và không ai dám kết án chị ta, Chúa Giêsu cũng không kết án chị nhưng Chúa căn dặn chị hãy chừa tội, đừng tái phạm nữa /đây chính là điều kiện để được Chúa tha thứ /.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin khoan hồng cho chúng con vì chúng con tội lỗi nhiều. Xin Chúa hãy tha thứ  vì chúng con quyết tâm từ bỏ mọi tính mê tật xấu / chúng con sẽ không kết tội anh em /xin Chúa giúp con đừng tái phạm nữa. Amen.

 

BÀI GIẢNG TĨNH TÂM MÙA CHAY 2017

BÀI SỐ 1

 

- Cha giảng phòng :Lm.Giuse Bùi Công Trác /GĐ Đại Chủng Viện Giuse /TGP Sài Gòn

- Thời gian: 18h00, ngày thứ hai, 03/04/2017.  

- Tại nhà thờ  : Giáo Xứ Tân Thái Sơn /    

- Người lượt ghi : Giuse Luca

 

LỜI MỞ ĐẦU: (Cha Giảng Phòng)

Xin kính chào mọi người!

Hôm nay tôi mượn câu chuyện trong Phúc Âm nói về hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người là Biệt phái, ông đến chỉ để kể công và ý ông mong Thiên Chúa khen thưởng ông; còn người kia đứng ở cuối nhà thờ, nhận ra mình là con người đầy tội lỗi, anh chỉ biết cúi đầu, sám hối ăn năn và nài xin Thiên Chúa thứ tha. Kết quả là người thứ hai được tha tội, còn người kia thì không .

Vậy chúng ta cũng hãy thử xét xem: Ai là người đẹp lòng Thiên Chúa và ai thì không ? Lý do nào ? Ý Chúa muốn dạy gì ?

Hôm nay Thiên Chúa mời gọi chúng ta nhìn ngắm chân dung Chúa Giêsu, để cho hình ảnh Ngài in sâu vào lòng chúng ta, và xét lại xem con người của mỗi chúng ta đã sống như thế nào, sau đó chúng ta xin Chúa cho chúng ta sống sao cho đẹp lòng Chúa.

 

I/ NHẬN RA MONG MANH KIẾP NGƯỜI.

Mùa Chay bắt đầu từ Lễ Tro, bằng nghi thức xức Tro lên đầu, mỗi người từ một em bé mới sinh, đến ông già trăm tuổi, cho dù là người công chính hay kẻ tội lỗi đều cũng được quyền lãnh nhận chút Tro lên đầu, để gợi nhớ mình xuất thân từ bụi tro và cũng sẽ trở về bụi tro.

Khi chịu xức tro trên đầu, chúng ta nghe các Thừa Tác Viên đọc một trong hai lời sau đây:

1) Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro, sẽ trở về bụi tro.

2) Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.

 

Tôi cũng xin mượn 2 câu này để nhắc nhớ ông, bà, anh chị em: Hãy nhìn lại mình, hãy nhớ mình là bụi tro. Tôi mời gọi mọi người hãy nhìn lại mình để nhớ mình tội lỗi ,thấp hèn như thế nào, và kiếp con người ra sao. Hằng ngày qua sách vở, báo chí và các phương tiện truyền thông đã loan tin với biết bao cái chết, kiểu chết, để nhận ra rằng hôm nay ta đang tồn tại; nhưng đến mai đây, biết đâu ta đã ra đi / kiếp con người nay còn mai mất.

Tôi xin mượn tâm sự của một Linh Mục, ông vượt biên qua Mỹ từ khi còn nhỏ, ông kể lại …….

_ Vào năm 1986, một biến cố đã xảy ra cho gia đình ông. Một hôm đứa em trai muốn đi chơi xa, em đến để từ biệt mọi người, nhưng em đâu biết rằng đây là lần chào cuối cùng vì đêm đó gia đình nghe cảnh sát báo tin em đã chết vì một tai nạn lật xe, tại một khúc quanh nguy hiểm, lúc trời đang mưa và đường thì trơn trượt. Em đã ra đi khi đang ở tuổi 20, mọi sự như sụp đổ trong mắt ông. Một giờ đêm ông chạy ra nhà thờ, mọi cửa nẻo đều đóng kín, nhà thờ thì tối um, không gian vắng lặng / ông đứng giữa sân nhà thờ và hét lớn: “Lạy Chúa, tại sao em con chết”, nhưng mọi vật vẫn tĩnh lặng, Thiên Chúa cũng không trả lời.

_Khoảng mấy tháng sau, ông lại được tin ba ông mất, chung quanh bố ông chỉ có vài đứa em ở Việt Nam, còn những người ở bên Mỹ thì không ai về kịp để nghe được một lời trăn trối. Lần này thì ông quỳ gối và nhìn lên ảnh Chúa: “Lạy Chúa, tại sao ba con chết?” Chúa vẫn im lặng không trả lời.

Từ đây ông ta mới khám phá ra sự mỏng dòn, yếu đuối và mau chết của kiếp người. Đây cũng chính là lý do thúc giục ông tìm hiểu ơn gọi. Đời có sự sống sự chết, con người nay còn mai mất, hôm nay người này chết Nhưng mai kia có thể là tôi. Vì thế, bổn phận của tôi là phải mời gọi mọi người hãy tìm đến và tin vào Thiên Chúa.

Nói về cái chết thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thể hiện tư tưởng của mình về kiếp người qua bài hát “Cát bụi”. Kiếp người càng sống lâu, càng thấy rằng chết quá dễ và sống tốt thật là khó, hôm nay có dịp gặp nhau nhưng biết đâu ngày mai đã mất nhau. Cái chết không bao giờ có cuộc hẹn trước / còn sống thì còn hẹn hò nhưng chết thì hết. Kiếp người như nụ hoa sớm nở tối tàn / khi nhìn ngắm một đời người thì thấy kiếp người quá ngắn ngủi.

Đức Cha Bùi Tuần có lúc đã thốt lên: Tôi biết tôi sẽ chết, nhưng không biết ngày nào, giờ nào, cách nào, nhưng chắc chắn là tôi sẽ phải chết.

Mùa chay sao không nói chuyện sống mà lại nói chuyện chết, nhưng Chúa luôn mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về cái chết ,rồi hãy ao ước tìm về sự sống đời sau. Tìm hiểu kỹ như thế, chúng ta mới có thể sống tốt lành, nếu sống kiếp người mà không chết hoặc sống mà không có Chúa thì chán lắm. Bởi chúng ta sẽ nghe lời cay đắng từ miệng Chúa Giê-su : “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì?”

Trịnh Công Sơn có bài hát “Ở trọ” giúp chúng ta suy nghĩ một chút về kiếp con người : Con chim ở trọ cành tre, con cá ở trọ nơi khe nước bùn; còn tôi ở trọ trần gian, trăm năm về cõi xa xăm cuối trời. Có nghĩa là : Con chim đậu rồi sẽ bay đi, con cá rồi cũng sẽ bơi đi; con người có sống lâu trăm tuổi rồi cũng phải về với ông bà, không thể sống mãi được. Vì chúng ta ai cũng phải chết, ai cũng phải đội nón ra đi, người thì ra nghĩa trang, người thì vào nhà hài cốt. Số phận ai trong chúng ta cũng phải chết, cho nên từng bước chúng ta phải nhận ra những ân huệ Chúa ban để sống sao cho đẹp lòng Chúa.

 

II/ LÀM SAO ĐỂ NHẬN RA MÌNH TỘI LỖI

Chúng ta hãy cảm nghiệm điều này qua câu chuyện sau đây :

Làm sao để nhìn ra mình là con người tội lỗi ?: Một bà đạo đức kia, một hôm bà chết đi, bà được đưa thẳng lên một căn phòng rộng rãi, thoáng mát; nhưng sao chẳng có bóng người nào. Bà ta thầm nghĩ : Chắc thiên đàng là đây! Chắc mình được Chúa cho lên thiên đàng, nhưng sao lại chẳng thấy có ai thế  này. Bà quan sát kỹ căn phòng, ở nơi góc xa xa có một cánh cửa nhưng sao cũng đóng kín. Bà mon men tới gần, đang tới lui qua sát, chợt bà nghe có tiếng ai nói như là tiếng Thiên Chúa hỏi :

_Ngươi là ai ?

Bà thầm nghĩ : Chắc là mỗi ngày có bao nhiêu người chết, đủ thứ đạo, đủ mọi nước, đủ mọi hạng người, cho nên chắc là mình phải xưng tên: Dạ, con là Nguyễn Thị Tèo.

_Ta không hỏi tên, Ta không hỏi ngươi tên gì, mà Ta chỉ hỏi ngươi là ai ?

Bà thầm nghĩ : Chắc là nhiều người khác đạo đến đây, nên mình phải xưng tên Thánh để Chúa biết con là người có đạo: Lạy Chúa, con là Maria Nguyễn Thị Tèo.

_Ta không hỏi tên Thánh, Ta chỉ hỏi ngươi là ai ?

Bà ta lại thưa: Con ở Giáo xứ Tân Thái Sơn. Cũng không phải !

Bà ta bèn kể ra gia cảnh: Chồng con đều là người có đạo, các con bà đều ngoan , hiền / con còn có một đứa con làm nữ tu.

_Ta không hỏi ngươi có làm bà cố hay không, mà Ta chỉ hỏi ngươi là ai ? Chúa lại bảo : ….không phải.

Lúc này bà ta bắt đầu hoảng sợ vì Chúa hỏi mấy câu mà bà đều trả lời sai /

Giống như là học sinh thi trượt. Bà ta sợ quá, bèn quỳ xuống: Lạy Chúa, xin thương con vì con là kẻ tội lỗi.

Thế là cánh cửa liền mở ra.

 

Vậy bài học trong câu chuyện này là gì ?

Khi nào chúng ta nhận biết mình yếu đuối, xin Chúa xót thương thì sẽ được Thiên Chúa yêu thương. Đừng kiêu căng như ông Biệt phái: “Tôi không làm điều nọ, điều kia”. Chúa ghét ai kể công, càng ghét những ai tự mãn, cho nên ăn năn sám hối là vấn đề chính mà chúng ta cần thể hiện trước mặt Chúa. Ăn năn là nhận ra mình có tội : “Con đắc tội với Chúa”. Mọi người hãy nhận ra Chúa từ bi, nhân lành, còn ta thì tội lỗi, yếu đuối để  xin Chúa xót thương.

 

Thánh Augustino đã cầu nguyện cùng Chúa: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, biết con. Biết Chúa là Đấng tốt lành để con yêu mến tôn kính Chúa, biết con là đứa tội lỗi thấp hèn để xin Chúa xót thương, thứ tha.

Trong câu chuyện Phúc Âm, người thu thuế ý thức được thân phận tội lỗi thấp hèn nên đã được Chúa tha thứ, còn người Phariseu thì không. Chúng ta ở đây ai cũng phạm tội, không tội này thì tội kia, Linh Mục cũng thế.

Như vậy Linh Mục phạm tội gì ?  Có một chị kia, đến khoe với Cha Xứ:

_Thưa Cha, con được Chúa hiện đến trong giấc ngủ. Linh Mục có vẻ không bằng lòng, nhưng ngày nào gặp Cha, chị cũng khoe như thế. Một hôm Linh Mục dặn chị:

_Khi nào gặp Chúa, chị thử hỏi Chúa “Linh Mục phạm tội nào nặng nhất” ?

Mãi một thời gian sau Cha xứ gặp lại chị, Cha nhắc lại câu hỏi cũ, chị thưa:

_Dạ có, con có hỏi, nhưng Chúa bảo rằng “Chúa quên hết mất rồi”.

Điều nay cũng có nghĩa rằng: Chúa không nhớ tội ai hết, Chúa cũng không kết tội, nhưng cho mọi người cơ hội, để thống hối ăn năn (như trong chuyện người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang), vì lòng Chúa xót thương, quảng đại và đầy tràn ngập yêu thương.

 

Thánh Phaolo nói: Điều tốt tôi muốn làm nhưng tôi lại không làm, điều xấu tôi không muốn nhưng tôi lại cứ làm. Vậy nên mọi người hãy cúi mình xuống trước Chúa để xin ơn tha thứ.

Mùa Chay đã đi qua biết bao nhiêu lần, nhưng sau những kỳ Tĩnh Tâm, xưng tội, về nhà rồi mọi sự đâu cũng lại vào đấy, vẫn y như cũ. Ví dụ như tội nói hành nói xấu, vừa xưng tội xong, bước ra khỏi nhà thờ là miệng đã thấy ngứa rồi.. Tĩnh Tâm là quét nhà, bói ra ma quét nhà ra rác, quét rác xong, hốt rồi thì phải đổ đi, quét rồi mà cứ để đó thì quét làm gì ? Xét mình thì sẽ ra tội, không tội này thì tội kia, vậy hãy xét xem mình đã quét những gì ? Cũng có khi mình là cây chổi, đi quét rác, nhưng cuối cùng thì cây chổi cùn là thứ rác khó quét, khó đổ đi nhất.

Chúng ta cũng nên nhớ lại lời Gioan Tẩy Giả nói: Cái rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh trái thì sẽ bị chặt bỏ, chắc chắn ta sẽ bị chặt, nếu không sinh lời cho Chúa. Chúng ta cũng đâu biết mình sẽ chết lúc nào. Vậy ta hãy xin Chúa cho ta ăn năn, chừa bỏ tội lỗi, và mau mau quay về.

Lạy Chúa, xin giúp cho sau khi té ngã, biết đứng lên, và mau trở về. Xin giúp con nhận ra mình yếu đuối, tội lỗi, bụi tro. Xin cho con biết sống tâm tình của người thu thuế để được Chúa xót thương. Amen.   **R

 

(Lượt ghi nên không thể tránh được thiếu sót)

Giuse Luca/ Trưởng Nhóm Kinh Thánh Emmaus

 

Thứ ba, 04/04/2017

Đề tài: CON ĐƯỜNG KHÓ ĐI THEO

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 8,21-30)

21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.” 22 Người Do-thái mới nói : “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói : ‘Nơi tôi đi, các ông không thể đến được’ ?” 23Người bảo họ : “Các ông bởi hạ giới ; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này ; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. 24 Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” 25 Họ liền hỏi Người : “Ông là ai ?” Đức Giê-su đáp : “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. 26 Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật ; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.” 27 Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha. 28Người bảo họ : “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. 29 Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi ; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” 30 Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

SUY NIỆM:

1/ Khi chúng ta có dịp ghé vào các bệnh viện cấp cứu, chúng ta thường chứng kiến rất nhiều người nằm bất động trên những chiếc băng ca. Chỉ vì những phút giây nông nổi phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, đua xe,… Giá mà họ chịu nghe theo những lời cảnh báo của những người thân, của các cơ quan an toàn giao thông thì có lẽ giờ đây họ không cần phải hối hận.

2/ Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc tranh luận quyết liệt giữa Chúa Giêsu và nhóm biệt phái. Họ tìm Đấng Cứu Thế mà không gặp, bởi vì họ không tin nhận đức Giêsu, họ thấy Người không đáp ứng những yêu cầu do họ nghĩ ra, hoặc Người không giống như những gì họ tưởng tượng về Đấng Cứu Thế.

3/ Có biết bao người rơi vào hoàn cảnh bi đát này vì họ không tin vào Đức Giêsu. Điều này đúng với những gì mà Chúa Giêsu đã nói với người Do Thái: “Các ông đã chết trong đống tội của mình”, vì họ đã không chịu đi vào con đường cứu rỗi của Chúa.

4/ Chúa Giêsu nói với người Do Thái: “Con đường Ngài đi, họ không đi được”. Cũng có lần Chúa nói như thế với các Môn đệ, người Do Thái đã đoán gần đúng khi họ tự hỏi nhau “Ông ấy sẽ tự tử hay sao ?”

5/ Hôm ấy Chúa Giêsu không chối cũng không nhận. Các Môn đệ hỏi Chúa tại sao chúng con không đi ngay được ? Chúa Giêsu trả lời: “Sau này các con sẽ hiểu”.

6/ Còn chúng ta hôm nay thì đã hiểu rồi: Con đường Chúa đi là con đường Thập giá, chính Chúa cũng khẳng định như vậy trong bài Tin Mừng: “Khi nào các ông giương cao con người lên, bấy giờ các ông sẽ biết tôi là ai?” Gương lên cao có nghĩa là bị treo lên thập giá, bấy giờ Ngài sẽ thành Thiên Chúa cứu độ. Chúa khẳng định mạnh mẽ như vậy bởi vì người Do Thái không tin Ngài là Thiên Chúa.

7/ Con đường mà Chúa  Giêsu đi, lại ngược với tư tưởng, cảm nghĩ và sự lựa chọn tự nhiên của con người. Đó là con đường đau khổ của cuộc đời trần gian, mọi người ai cũng muốn tìm an ủi trần tục ,danh vọng và dục vong hay ít ra ai cũng muốn có cuộc sống dễ chịu ở trần gian.

8/ Chúa Giêsu lại muốn chúng ta nhìn thẳng vào sự thật: Cuộc đời luôn có Thập  giá, đắng cay, khổ cực. Tự nhiên chẳng ai muốn những thứ đó, nhưng phải chấp nhận vì đó là con đường mà ai cũng phải trải qua trong thời gian chúng ta còn sống kiếp sống ở trần gian, là còn phải chịu đau khổ.

9/ Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy tin vào Ngài và hãy cầu xin để Ngài ban ơn trợ giúp để chúng ta đủ sức vác Thánh giá đời mình. Rước Chúa cũng là cách Chúa tiếp sức cho chúng ta.

10/ Khi chúng ta muốn dấn bước theo Chúa, chúng ta phải xét lại thái độ sống:Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận hy sinh, chấp nhận đi theo con đường Thập giá Chúa đã đi, hay chúng ta chỉ muốn bước theo Chúa khi gặp điều may lành, được hạnh phúc vật chất. Còn khi gặp thử thách thì chúng ta lại nghi ngờ, kêu trách Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con ơn can đảm biết phó thác tin tưởng vào Chúa để chúng con luôn an tâm vững bước theo Ngài trên mọi nẻo đường chông gai trần thế. Amen. **R

 

BÀI GIẢNG TĨNH TÂM MÙA CHAY 2017

BÀI SỐ 2

 

- Cha giảng phòng : Lm.Giuse Bùi Công Trác .

- Thời gian: 18h00, ngày thứ ba, 04/04/2017.  

- Tại nhà thờ  : Giáo Xứ Tân Thái Sơn /    

- Người lượt ghi : Giuse Luca

 

Hôm nay Cha giảng Phòng công bố đoạn Tin Mừng của Thánh Luca kể lại câu chuyện Chúa gặp Gia-kêu và được Chúa đề nghị đến viếng thăm nhà ông. Một con người giàu có, tội lỗi, và ông là người cầm đầu trong ngành thuế. Chúa nói với ông : “Hôm nay Ta lưu lại nhà ngươi”.

Trong buổi tĩnh tâm hôm qua, tôi đã trình bày với anh chị em hai điều :

_Thứ nhất : Nhận ra căn tính của mình. Mỗi người ai cũng tội lỗi và cũng từ nguồn gốc bụi tro.

_Thứ hai : Làm sao để được Chúa thương yêu ? Chỉ bằng cách là quỳ xuống trước mặt Chúa, thú nhận mình tội lỗi, xin Chúa xót thương, qua hình ảnh của người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện.

 

Hôm nay tôi mời gọi anh chị em, chúng ta cùng nhìn lên Thập Giá, nơi Chúa Giê-su chịu đóng đinh, từ đây chúng ta mới cảm nhận được tình yêu lớn lao của Thiên Chúa đã dành cho loài người chúng ta / để chúng ta biết sống phó thác vào Ngài. Chúng ta biết rằng : Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, tình yêu ấy quá lớn lao khi Thiên Chúa đã dám hy sinh người Con Một để ban ơn giao hòa với chúng ta đúng theo luật công bình.

 

Chúng ta vừa trải qua Mùa Chay với 5 Tuần Chúa Nhật. Chúa muốn chúng ta nhìn ngắm vào tình yêu của Ngài qua 3 khía cạnh :

1) Tuần 3 Mùa Chay : Chúa cho chúng ta chứng kiến cuộc đối thoại giữa Ngài và người phụ nữ Samari, Chúa đã Mạc Khải cho chị và cho dân trong thành biết Chúa là Đấng Thiên Sai và Ngài xưng mình là Đấng ban Nước Hằng Sống.

2) Tuần 4 Mùa Chay : Chúa chữa một người mù từ thuở mới sinh và Mạc Khải cho anh biết Ngài là Đấng Cứu Độ, là ánh sáng của trần gian, Ngài muốn giải cứu nhân loại khỏi bóng đêm của tội lỗi.

3) Tuần 5 Mùa Chay : Chúa cho mọi người chứng kiến phép lạ Chúa cứu sống Lazaro đã chết và chôn trong mồ 4 ngày. Khi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Đấng Cứu Thế để chúng ta biết rằng Ngài là nguồn mạch sự sống và là sự sống lại.

Qua 3 khía cạnh Mạc Khải trên đây, Chúa muốn chúng ta nhận ra tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho thế gian là chính người Con Một. Ngài không tiếc gì khi muốn cứu chúng ta / ngoài ra Thiên Chúa còn ban Thánh Linh để muốn nắm chắc phần thắng là sẽ không để một ai phải hư mất, cho dù loài người vẫn tiếp tục sống trong sa đọa, tội lỗi.

 

Như vậy bằng cảm nhận của một xác thể yếu hèn, chúng ta sẽ có thể hiểu được tình yêu của Thiên Chúa như thế nào ?

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa dùng hai hình ảnh để nói lên tình yêu của Ngài dành cho con người: Một là hình ảnh gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, hai là tình yêu của người mẹ thế gian thương yêu con mình. *

Gà mẹ thì che chở ấp ủ, bảo vệ cho đàn con dưới đôi cánh rộng lớn của mình, nó che mưa che nắng cho con, che chở cho con trước mọi hiểm nguy, nó tìm được chút lương thực gì thì vội vàng gọi các con lại và nhường thức ăn cho con. Người mẹ thế gian cũng thế, sau 9 tháng mang nặng đẻ đau, sau những tuần lễ bị hành hạ vì thai nghén, mỗi lần cho con bú thì ruột mẹ lại đau; mẹ đã rút chất bổ dưỡng nơi thân thể mình để nuôi dưỡng đứa con bé bỏng của mình, rồi với biết bao cay đắng khổ nhọc lo cho con khôn lớn và cầu xin cho con  mình thành người hữu dụng.

Khi nói đến điều này, tôi lại nhớ đến mẹ tôi, một người mẹ đáng kính, đáng yêu. Tôi có được như hôm nay là do một bàn tay ấm áp của mẹ, tôi có đức tin vững mạnh là do bà truyền bản chất đạo đức của bà cho tôi, tôi được làm Linh Mục như hôm nay là do lời cầu nguyện cùng với biết bao nhiêu hy sinh hãm mình và lời nài xin từ mẹ tôi . Để rồi khi tôi được như hôm nay thì mẹ tôi đã lú lẫn, và cũng vì trách nhiệm công việc với Giáo hội mà tôi không thể trực tiếp chăm sóc mẹ mình trong những thời gian còn lại ở cuối cuộc đời của bà. Khi kể ra chuyện này, tôi cũng biết tự nhắc nhớ mình về tình yêu mà người mẹ thế gian đã dành cho tôi, để chỉ xin Chúa ban cho mẹ tôi trọn vẹn lời ao ước là : “Xin Chúa cho bà  được ơn ăn mày chết lành”.

Từ tình cảm con người, tôi suy đến tình yêu của Thiên Chúa. Chúa yêu tôi từ trước khi có tôi, Chúa tha thứ cho tôi từ trước khi tôi ăn năn quay về, Chúa ban thưởng cho tôi biết bao ơn lành trước khi tôi có thể làm được chút gì cho Chúa, Chúa chết vì tôi, chứ tôi có làm gì được cho Chúa đâu. Và như vậy cuộc đời tôi luôn thuộc trọn về Chúa, và món nợ tôi luôn phải trả là món nợ ân tình nặng nề, nên dẫu tôi có trả suốt cuộc đời thì cũng không đủ để đền đáp ơn Chúa đã ban cho tôi. Chỉ nguyện ước rằng : “Xin Chúa thương xót đến người mẹ đáng kính của con”.

Từ  những suy nghĩ trên đây, tôi cũng xin mời ông-bà, anh-chị-em suy nghĩ xem mình có cách gì để đáp đền ơn Chúa. Nói đến đây tôi lại nhớ lại một câu chuyện mà Đức Hồng Y Phanxicô có kể:

… Có một cụ ông kia, ngày nào cũng đến nhà thờ, ông chỉ vào một chút xíu rồi quay về ngay. Đã nhiều ngày, nhiều tháng như thế, ngày nào ông cũng làm như vậy, nên ông Từ giữ cửa nhà thờ nảy sinh thắc mắc. Một hôm, ông Từ đánh bạo lại gần hỏi ông cụ :

- Cụ vào nhà thờ làm gì mà chỉ có chút xíu rồi lại quay ra?

Ông cụ vui vẻ trả lời :

- Tôi đến chỉ để gặp Chúa, rồi tôi về.

Ông từ hỏi tiếp:

- Ông gặp gì mà nhanh vậy, thế ông nói gì với Chúa ?

- Tôi chỉ nói: “Chào Chúa, con đây!”

Bẵng một thời gian sau, không thấy ông cụ đến nhà thờ nữa, ông Từ dò hỏi thì mới biết ông cụ bây giờ không đi được nữa. Ông Từ tìm đến thăm ông cụ, và hỏi:

- Cụ nằm vậy, không đi tới lui được, cụ có buồn không ?

- Không, tôi chẳng buồn vì ngày nào tôi cũng có vị khách đến thăm. Rồi ông chỉ vào chiếc ghế gỗ để bên cạnh giường. Ông bảo :

- Vị khách ấy ngày nào cũng ngồi đây.

Ông Từ hỏi : Vị khách nào vậy ?

Ông cụ làm thinh một lúc lâu mới nói :

- Là Chúa Giê-su đấy. Mỗi lần đến, Chúa đều nói : “Chào con, là Ta đây”…

Rồi ông cụ tâm sự : Vì ngày xưa tôi hay đến thăm Chúa mỗi ngày, nên bây giờ tôi không đi được nữa, nên Ngài lại đến thăm tôi.

Thưa anh chị em ! Khi chúng ta nhìn lên Thánh Giá, chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Khi nghe bài Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa yêu thương và muốn cứu sống Giakeu cho dù ông là con người tội lỗi ; khi nhìn hình ảnh con gà mẹ ấp ủ gà con, tôi nhận ra tình yêu Thiên Chúa ; khi nghe câu chuyện kể về những người mẹ, tôi nhận ra tình mẹ thương con bao la.

Khi đã nhận ra tình Chúa yêu thương chúng ta , chúng ta phải tìm cách đáp trả, mỗi người tùy theo khả năng, hoàn cảnh của mình. Vị tiến sĩ thì yêu Chúa kiểu khác, người dốt thì yêu Chúa kiểu của mình, Linh Mục yêu Chúa một cách, Giáo dân yêu Chúa ,mỗi người mỗi cách, ai cũng thể hiện được tình yêu của mình. Yêu Chúa là tin Chúa, là làm vinh danh Chúa, làm cho người khác biết Chúa, yêu Chúa là làm theo lời Chúa dạy, là yêu thương anh em, quảng đại tha thứ cho anh em và dẫn đưa thật nhiều người về với Chúa.

 

Lạy Chúa, xin ban cho con đức tin, lòng cậy, lòng mến. Nhờ đó con sẽ yêu Chúa và làm vinh danh Chúa suốt đời con và nhất là con sống đổi mới trong Mùa Chay để con cũng được Phục Sinh cùng Chúa. Amen.**R

(Lượt ghi nên không thể tránh được thiếu sót)

Giuse Luca/ Trưởng Nhóm Kinh Thánh Emmaus

 

Thứ tư, 05/04/2017

Đề tài: AI LÀ CON CỦA ÁP-RA-HAM ?

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô Theo Thánh Gioan (Ga 8,31-42)

31 Vậy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người: "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi;32 các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông."33 Họ đáp: "Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do? "34 Đức Giê-su trả lời: "Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.35 Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi.36 Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do.37 Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông.38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói."39 Họ đáp: "Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham." Đức Giê-su nói: "Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm.40 Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm.41 Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm."

42 Đức Giê-su bảo họ: "Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.

SUY NIỆM:

1/ Giới trẻ sa lầy:  Đây là điều mà nhà chức trách và các bậc cha mẹ đang lo lắng, số người trẻ chìm vào ảo giác của ma túy, họ lầm tưởng rằng khi sống như vậy là họ được giải thoát, được thăng hoa, hạnh phúc trong đời sống huyền ảo khi đắm mình trong khói thuốc. Thật ra họ đang tự dối mình, đang chạy trốn thực tế bằng những ý tưởng bất mãn, hay nói cho đúng hơn: Họ đang lẫn trốn trách nhiệm, họ không dám đối mặt khi sự trầm luân ngày càng hiện rõ một cách tồi tệ.

2/ Sự thật sẽ giải phóng là gì? Tức là giải phóng các ông khỏi những thành kiến sai lầm và dối trá. Chính những điều này trói buộc chúng ta rất nhiều, khiến chúng ta chẳng còn chút tự do nào. Chỉ khi nào chúng ta biết tìm kiếm và can đảm chấp nhận sự thiện hảo, chúng ta mới thật sự có được sự tự do.

3/ Lời Chúa chính là đường, là chân lý, là sự sống. Là Môn Đệ Chúa, chúng ta được mời gọi tìm đến trong Lời Chúa, tức là trong chân lý và sự sống. Nhờ đó chúng ta mới có được sự tự do, mới được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi.

4/ Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và Nhóm Phariseu càng lúc càng sôi động và căng thẳng. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chủ đề nổi bậc là ông Áp-ra-ham: Giữa Áp-ra-ham và người Do Thái, giữa Áp-ra-ham và Chúa Giêsu.

5/ Chúa Giêsu muốn định nghĩa bản chất của người Môn Đệ đích thực của Chúa chính là: Ở lại trong lời Người, lắng nghe và thực hành cách kiên trì và mãi như vậy.

6/ Chính việc thông hiểu lời Chúa và chân lý của Chúa, sẽ hướng dẫn người Môn Đệ sống đúng với phẩm giá con cái Chúa, là con cái của sự tự do.

7/ Người Do Thái khi nghe Chúa nói đến sự tự do, họ không tin là họ đang sống trong nô lệ tội lỗi, nhưng họ không thể hiểu.

8/ Chúa Giêsu giải thích: Ai phạm tội thì làm nô lệ. Người Do Thái tuy là dòng dõi Áp-ra-ham vì họ là dân Chúa chọn, nhưng họ vẫn còn mang thân phận nô lệ, vì họ chưa chịu tin nhận Chúa Giêsu.

9/ Chúa còn giải thích thêm: Vì họ là con cái Áp-ra-ham nhưng họ lại tìm cách giết Chúa và không chịu tin vào lời Người, vì thế nên họ vẫn là con cái của ma quỷ.

10/ Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, do Chúa Cha mà sinh ra. Nếu họ cũng là con cái Thiên Chúa thì họ cũng phải nhìn nhận Chúa Giêsu, vì Ngài cũng là con Thiên Chúa. Nhưng thực tế họ không nhìn nhận Người nên họ không phải là con Thiên Chúa.

11/ Noi gương Chúa, khi chúng ta đối thoai với người chống đối chúng ta, để tìm cách giải quyết vấn đề và tìm cơ hội để trình bày chân lý và sự thật. Khi đối thoại, chúng ta phải can đảm chấp nhận thất bại trong hiện tại, nhưng chúng ta vẫn hy vọng giúp ích được cho nhiều người qua các cuộc đối thoại này.

12/ Lời Chúa là ánh sáng, là sức sống để nuôi dưỡng chúng ta. Điều kiện để trở thành Môn Đệ là ta phải ở lại trong lời của Chúa bao lâu ta còn muốn làm Môn Đệ Chúa. Maria là mẫu gương, đã chọn phần tốt nhất khi bà ở bên chân Chúa.

13/ Ở trong tình trạng tội lỗi là làm nô lệ cho ma quỷ. Chúng ta thường chiều theo cám dỗ và ước muốn của xác thịt, thế gian và ma quỷ, đi ngược lại đường lối của Thiên Chúa, vì con người yếu đuối nên chúng ta cần khắc khe với bản thân và tránh xa các dịp tội.

14/ Nếu biết nhận thức mình là con Thiên Chúa, thì phải biết lắng nghe và thực hành lời Chúa. Nếu không thì chúng ta chỉ là con theo danh nghĩa chứ không phải là con đích thực.

15/ Nếu chúng ta tin nhận Chúa Giêsu thì chúng ta phải biết lắng nghe và thực hành lời Chúa. Nếu là con Chúa thì ta đừng phạm tội, vì phạm tội là cách ta chối Chúa.

16/ Vì sao Biệt Phái lại tỏ ra thù nghịch với Chúa Giêsu? Họ ghen tức vì thấy tự nhiên xuất hiện một bậc Thầy được dân chúng lắng nghe, mà ông Giêsu lại không thuộc phe phái mình. Thứ đến là họ lo ngại nếu Chúa Giêsu cải cách thì họ lại mất đi quyền lợi mà phe họ đang thắng thế. Điều Chúa Giêsu đưa ra khi nói về họ, có vẻ như rất hợp lý khi Chúa nói : Các ông đang làm những việc của Cha các ông (là ma quỷ).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn đi theo Chúa là Đấng thiện hảo, xin cho con luôn ở trong tình thương Chúa và tránh xa kiếp sống nô lệ của dục tình. Xin cho con luôn sống trong chân lý của Chúa. Amen.---

 

Thứ năm, 06/04/2017

Đề tài: THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 8,51-59)

51 Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết." 52 Người Do-thái liền nói: "Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết. 53 Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai? "54 Đức Giê-su đáp: "Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông.55 Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người.56 Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ."

57 Người Do-thái nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham! "58 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu! " 59 Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

SUY NIỆM:

1/ Trong 3 năm giảng dạy, Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ để chứng tỏ thân phận của mình. Người Do Thái thì quá thành kiến, họ u mê nên không thể đón nhận sự thật. Họ một mặt phủ nhận quyền năng Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, một mặt họ tìm đủ cách để loại trừ Ngài.

2/ Chúng ta cũng có đôi mắt xác phàm như họ nên chỉ có thể nhận xét tha nhân theo dáng vẻ bề ngoài dễ đưa ta đến chỗ nhận xét sai lầm.  Bởi vì khi chúng ta làm điều gì, chúng ta không làm vì tình yêu Thiên Chúa, cho nên đôi khi chúng ta bị rơi vào cách cư xử tội lỗi; ta cố tình muốn bóp méo sự thật do những đam mê bất chính, khước từ chân lý, gạt bỏ luật Chúa và thích xử sự theo ý riêng của mình.

3/ Bài Tin Mừng Chúa Giêsu muốn nói đến hai quan điểm: Thứ nhất, Chúa muốn chúng ta lưu ý đến tương giao giữa Chúa và Thiên Chúa Cha/ Thứ hai, Chúa cho biết ai tuân giữ Lời Chúa thì sẽ không phải chết.

4/ Chúa Giêsu muốn nhắc đến mối tương giao mật thiết giữa Ngài và Cha Ngài.Chúng cũng quả quyết rằng: Chỉ có Ngài biết Chúa Cha còn người khác thì không biết, chính Chúa Cha đã sai Ngài đến trần gian, cho nên những lời mà Ngài dạy bảo chúng ta là lời của Thiên Chúa Cha. Cho nên một đời của Chúa Giêsu không bao giờ tìm vinh danh mình mà chỉ tìm vinh danh Đấng đã sai mình.

5/ Chúa Giêsu luôn cổ động, luôn quảng cáo, luôn Mạc Khải để mong ai cũng biết về cha mình. Ngài cũng như một sứ giả, một đại sứ luôn tuyên truyền để cho mọi người hiểu về đất nước của Cha mình.

6/ “Nếu ai tuân giữ lời Ta, người ấy sẽ không bao giờ phải chết”: Chính vì câu này mà người Do Thái bực tức, họ quan niệm về cái chết thể xác, họ cho rằng các tổ phụ, các tiên tri đều đã chết. Vậy thì Chúa Giêsu dựa vào đâu để nói câu đó?

7/ Họ cho rằng Chúa bị quỷ ám nên nói càn, nói gở. Người Do Thái tự hào khi họ là con cháu Abraham, và đây là lý do duy nhất để họ xứng đáng được vào nước trời => Vì Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham như thế.

8/ Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời họ rằng: Con cháu theo huyết thống như vậy thì chưa đủ, bởi vì có nhiều thứ con cháu: Muốn vào được nước trời thì phải có Đức Tin và hành động như Abraham thì mới xứng đáng được hưởng lời hứa ấy.

9/ Nếu họ sống ngược lại với cách sống của Abraham, nếu họ phủ nhận Đấng được Thiên Chúa sai đến, nếu họ từ chối Đấng ấy và còn đem giết Ngài đi, thì đó chính là tội bội tín, tội bất hiếu; thì không những họ không được thưởng mà còn phải bị phạt nữa.

10/ Chúa là Thiên Chúa hằng sống, nên ai giữ Lời Chúa thì sẽ không bao giờ phải chết. Vì họ có Chúa ở trong lòng như cành nho liền với cây nho, vì thế nếu ai đặt trọn niềm tin vào Chúa được hiệp thông, được sống với Chúa. Mà sự sống ấy thì vĩnh cửu, sự sống đời đời.

11/ Hôm nay ai tuân giữ Lời Chúa thì được ở trong nước trời, được Chúa yêu thương và ở trong họ. Hãy cố gắng thực hành Lời Chúa để được hưởng mọi hiệu quả tốt đẹp do Lời Chúa mang lại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa luôn ở bên con, xin Chúa nâng đỡ con để Lời Chúa hoàn thiện con, giúp con sống đẹp lòng Chúa. Amen.

 

 

Thứ sáu, 07/04/2017

Đề tài: KHÔNG TIN NÊN KHÓ ĐÓN NHẬN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 10,31-42)

31 Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. 32 Người bảo họ: "Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi? "33 Người Do-thái đáp: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa."34 Đức Giê-su bảo họ: "Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: "Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh""?35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ,36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: "Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: "Tôi là Con Thiên Chúa"?37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi.38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha."

39Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ. 40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó.41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: "Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng."42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

SUY NIỆM:

1/ Một người thành phố và một người thổ dân cùng nghe giảng về đạo. Anh thổ dân xin gia nhập đạo ngay, còn anh người Kinh kia mãi sau mới gia nhập đạo. Hai người gặp nhau, anh người Kinh hỏi: “Tôi phải mất một thời gian mới có được lòng tin, nhưng sao anh có đức tin sớm thế”. Bạn thổ dân thật thà đáp: “Do bạn có chút khôn ngoan nên bạn có thứ để dùng, còn tôi không có nó nên tôi mau mắn đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.

2/ Trong các cuộc tranh luận với lãnh đạo Do Thái. Chúa Giêsu muốn Mạc Khải sự thật về Người, về mối tương quan giữa Người với Thiên Chúa Cha.

3/ Người Do Thái không thể tin và cũng không muốn tin. Họ khăng khăng coi người chỉ là một phàm nhân, họ đã ném đá Người vì cho rằng Người nói lộng ngôn khi dám xưng mình là Thiên Chúa.

4/ Vì họ cho mình là khôn ngoan nên quá tự phụ về sự hiểu biết khôn ngoan của họ.Nên họ không thể nhận ra chính Đức Giêsu là Đấng Messia mà họ đang mong chờ.

5/ Trước đây, theo phụng vụ cũ thì Chúa Nhật thứ V được gọi là Chúa Nhật ném đá.Nên các ảnh tượng trong nhà thờ, được che lại bằng tấm vải màu tím để nhắc lại sự kiện người Do Thái ném đá Chúa.

6/ Họ ném đá vì cho rằng Ngài lộng ngôn, phạm thượng khi dám xưng mình là con Thiên Chúa, nhưng Chúa đã tránh mặt đi. Bài Tin Mừng hôm nay một lần nữa cho biết người Do Thái lại lượm đá ném Chúa, nhưng lần này Chúa không tránh nữa, Ngài đứng lại để đối chất với họ. Có hai câu nói khiến họ bực tức ném đá Ngài: “Chúa Cha ở trong Tôi” và “Tôi ở trong Chúa Cha”. Qua hai câu này, Chúa Giêsu xác định Ngài là con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa.

 7/ Đây là một Mạc Khải rất quan trọng: Nếu Chúa Giêsu chỉ là một người như mọi người, thì lời giảng dạy của Chúa cũng chỉ được người ta cho là hay hơn các lời giảng dạy của các bậc hiền nhân quân tử, hay của các vị sáng lập tôn giáo khác mà thôi, và cái chết của Ngài cũng chẳng có giá trị gì.

8/ Nếu Ngài là con Thiên Chúa, thì Ngài cũng là Thiên Chúa => Nên lời giảng của Ngài cũng sẽ quý giá hơn bất kỳ người nào và sự chết của Ngài mới có thể cứu chuộc được loài người.

9/ Người Do Thái xưa kia không chấp nhận, cũng không tin Ngài. Các phép lạ Chúa Giêsu làm nhân danh Chúa Cha, không những họ không tin Ngài mà họ còn coi là nhờ Tướng quỷ, là vì họ quá cố chấp và cứng lòng tin.

10/ Ngày nay cũng có biết bao con người cứng lòng tin như những người Do Thái thời Chúa Giêsu. Họ là những người không tin vào thần linh, cũng có thể là những người đã gia nhập giáo hội nhưng họ có lối sống đi ngược lại với niềm tin.

11/ Những con người có lối sống chỉ biết hưởng thụ và vô cảm với mọi người chung quanh, họ yêu cuồng sống vội.  Đây cũng là hình thức không đặt niềm tin vào thần linh.

12/ Hôm nay chúng ta hãy hướng lời cầu xin lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho những con người sống không có niềm tin. Xin Chúa giúp họ khi nhìn vào vũ trụ thiên nhiên, nhìn vào các tạo vật, nhìn vô bản thân mình để khám phá sự hiện hữu của Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi thế giới phát sinh những con người vô thần, chính là do lỗi của những người Ki-tô giáo chúng con, tin Chúa nhưng không sống đúng đức tin khiến cho thế giới không thể tin vào Chúa. Xin Chúa giúp con kiểm điểm lối sống trong Mùa Chay này. Amen.

 

Thứ bảy, 08/04/2017

Đề tài: MỘT NGƯỜI CHẾT THAY CHO MỌI NGƯỜI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 11,45-56)

45 Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm.47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ.48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta."49 Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả,50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt."51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân,52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.53 Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su.54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.

55 Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ.56 Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: "Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không? "

SUY NIỆM:

1/ Một tên vô lại thuộc chi tộc Benjamin tên là Seva, âm mưu nổi loạn định giết Vua Đavit. Ông Giô-áp đem quân bao vây thành và hạ lệnh giết tất cả mọi người trong thành; một phụ nữ trong thành khi nghe tin này bèn đến gặp ông Giô-áp và thương lượng rằng: “Bà sẽ cắt đầu Seva để mọi người trong thành được sống”, thế là bà trở lại thành, xúi mọi người giết Seva và quăng đầu hắn ra ngoài thành cho ông Giô-áp, ông Giô-áp thấy thế liền cho rút quân (2 Sm 20).

2/ Theo Luật công bằng: Kẻ có tội phải chết cho người vô tội được sống; nhưng trong vụ án Chúa Giêsu, người vô tội lại bị giết chết. Vì Thiên Chúa muốn cho cả loài người tội lỗi được sống.

3/ Chúa Giêsu vì yêu thương loài người nên đã nhập thể làm người. Ngài sống kiếp phàm nhân, sống như người trần thế, Chúa Giêsu đã tự nguyện bước lên đồi Canve làm của lễ hy sinh để cứu nhân loại, Ngài chu toàn ý muốn của Chúa Cha.

4/ Khi Chúa Giêsu cho Lazaro chết 4 ngày được sống lại. Phản ứng của dân chúng có 2 thái độ: một số người tin nhận quyền phép của Chúa, một số người khác không tin và chống đối Chúa.

5/ Đứng đầu nhóm thứ hai là các luật sĩ và biệt phái. Họ triệu tập công nghị và bàn cách đối phó. Họ thấy Chúa làm được quá nhiều việc và số người tin theo Chúa quá đông; nên giờ đây họ quyết định dứt khoát phải trừ khử Chúa cho xong.

6/ Họ đã âm mưu thế nào? Họ nghĩ ra một cách khi cho rằng: Những phép lạ Chúa làm gây hoang mang cho dân chúng nên Đế Quốc Roma sẽ cho rằng họ không lãnh đạo nổi đám dân chúng, rồi sẽ lấy cớ đó mà kéo quân chinh phạt họ và dân tộc Do Thái của họ.

7/ Chúng ta thấy rõ họ dự tính với nhau như thế, muốn tìm mọi cách để hại Ngài. Nhưng bọn họ không thể bắt bẻ Chúa được điều gì trong lĩnh vực Tôn giáo, mặc dầu họ tố cáo Ngài là lộng ngôn phạm thượng, dám công khai tuyên bố phá hủy đền thờ Yerusalem, phạm luật Sa-bát, không giữ luật truyền thống tổ tiên.

8/ Nhưng những điều đó không phải là tội và không đủ yếu tố để kết án tử hình cho Chúa. Họ đã chuyển sang một tội khác đó là vi phạm luật lệ nhà nước và xâm phạm quyền của Đế quốc Rô-ma.

9/ Họ tìm mọi cách để tố cáo nên kể từ đó Chúa Giêsu không đi lại công khai nữa. Các thượng tế và Phariseu đã ra lệnh cho dân chúng: “Nếu ai thấy Chúa ở đâu thì báo cáo để họ đến bắt Ngài”.

10/ Chúng ta thấy thái độ chống đối của người Do Thái đã đến hồi quyết liệt. Họ nhất định phải khử Chúa, vị thượng tế Cai-pha còn khích động mọi người: “Thà giết chết Chúa Giêsu để họ được sống yên ổn, là một việc cần làm”.

11/ Cái chết của Chúa Giêsu xảy ra chỉ vì lòng ghen tuông, thù hận, nghi kỵ mà thôi. Tuần Thánh đang đến, chúng ta xin Chúa cho chúng ta hiểu rõ công cuộc cứu chuộc của Chúa, xin Ngài giải thoát ta khỏi những tư tưởng ích kỷ, hẹp hòi, để chúng ta luôn sống với nhau bằng tình yêu thương, đoàn kết trong Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chết cho con được sống, xin giúp con biết chết đi bằng những lời cầu nguyện, hy sinh và bác ái cho anh em con, để tất cả chúng con được ơn cứu rỗi. Amen.

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1805
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  4
 Hôm nay:  351
 Hôm qua:  2056
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11416030
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top