Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN A.2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần 9  Thường Niên A (05/06 -> 10/06/2017)

Thứ hai, 05/06/2017

Đề tài: TẢNG ĐÁ BỊ LOẠI BỎ

THÁNH BÔNIFATIÔ – GIÁM MỤC, TỬ ĐẠO

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Marco (Mc 12,1-12)

1 Đức Giê-su bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: "Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 2 Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. 3 Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không.

4 Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. 5 Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. 6 Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: "Chúng sẽ nể con ta." 7 Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta." 8 Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. 9 Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác.10 Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 11 Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta! 12 Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi.

SUY NIỆM:

1/ Trải qua hơn 20 thể kỷ, Hội Thánh của Chúa vẫn đứng vững và ngày càng phát triển. Các đế quốc khác chỉ được một thời gian ngắn, rồi điêu tàn, chỉ một mình Giáo hội Công Giáo là vẫn đứng vững vì Hội Thánh này không phải của loài người.

2/ Vườn nho Israel đã được Thiên Chúa chọn và trao cho các tá điền canh tác nhưng đã bị thất bại. Bởi vì những tá điền này thiếu trách nhiệm nhưng lại đầy mưu mô hiểm độc.

3/ Vườn nho hôm nay là Hội Thánh Công Giáo do chính Chúa Giêsu sáng lập, đã cho nhóm tá điền mới chăm sóc, cho đến hôm nay vườn nho ấy đã sinh hoa kết quả thật tốt.

4/ Chúa Giêsu chính là nền tảng vững chắc của Giáo Hội, là đá tảng góc tường thật vững vàng, không một quyền lực nào có thể phá đổ.

5/ Hôm nay những hậu bối như chúng ta, những người đã thừa hưởng những công trình xương máu của tiền nhân để lại. Chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm làm cho vườn nho ngày càng rộng lớn hơn, đó cũng là ước vọng, là di chúc Chúa Giêsu để lại trước khi Ngài về Trời.

6/ Với Dụ Ngôn những tá điền hung ác, Chúa Giêsu muốn chúng ta cần lưu ý đến 2 điều thật quan trọng: a) Vườn nho cũ là Israel đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng và giao cho đám lãnh đạo Do Thái thời ấy canh tác, thế nhưng bọn họ đã không chu toàn. Vì thế vườn nho mới là dân Israel mới, tức là Hội Thánh Công giáo đã được Chúa Giêsu thiết lập và trao quyền cho các tá điền mới. Như vậy giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã bắt đầu từ hơn 2000 năm và đã gặt hái bước đầu thành công.

7/ Với chi tiết người Con duy nhất của ông chủ vườn nho bị giết. Chúa Giêsu muốn ám chỉ về chính Ngài, Ngài muốn ám chỉ về cái chết nhục nhã và sự Phục Sinh vinh quang của Ngài, Ngài chính là tảng đá đã bị bọn thợ xây loại bỏ, đã trở nên đá tảng góc tường, Ngài đã thành đá tảng, nền tảng cho vườn nho mới của Giáo Hội. Ngài đã trở thành nguồn ơn cứu độ cho mọi người.

8/ Hôm nay Chúa muốn dành cho chúng ta một bài học: Người Công giáo cũng được Thiên Chúa tuyển chọn để thay thế cho dân Do Thái để làm vườn nho cho Thiên Chúa, và đóng góp hoa lợi cho Ngài.

9/ Chúng ta xin Thiên Chúa  gìn giữ Giáo Hội khỏi rơi vào vết xe cũ của dân Do Thái. Nhưng coi chừng từng cá nhân chúng ta có thể trở thành những tá điền bất trung, thất tín.

10/ Nếu hiểu theo một khía cạnh nào đó, thì nếu bất cứ một tín hữu nào giữ đạo một cách vụ lợi, hay vụ hình thức. Có nghĩa là không muốn dấn thân để mang những hoa trái đức tin và lòng mến vào trong cuộc sống hằng ngày để làm chứng cho Đức Ki-tô và làm triển nở Hội Thánh của Chúa, thì người tín hữu đó cũng chỉ có tiếng mà không có miếng.

11/ Chúng ta mỗi người cần có một quan điểm rõ ràng và hết sức trung thực về Đức Ki-tô và về Hội Thánh, về vai trò của mỗi Ki-tô hữu. Nhờ đó trong cuộc sống đạo, chúng ta có thể làm lợi cho số vốn đức tin mà Chúa trao ban cho chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết cảm ơn Chúa vì đã được chung tay canh tác trong vườn nho của Chúa, xin cho chúng con biết siêng năng nhiệt thành làm lợi nhiều nhất cho vườn nho của Chúa. Amen.**

 

Thứ ba, 06/06/2017

Đề tài: TỐT ĐẠO, ĐẸP ĐỜI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Marco (Mc 12,13-17)

13 Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. 14 Những người này đến và nói: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp? " 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ giả hình, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem! " 16 Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: "Hình và danh hiệu này là của ai đây? " Họ đáp: "Của Xê-da." 17 Đức Giê-su bảo họ: "Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.

SUY NIỆM:

1/ Một thiên tài về vô tuyến điện: Ông Marconi, ông đã cống hiến nhiều phát minh cũng như ứng dụng nhiều thứ để giúp ích cho xã hội. Thế nhưng có một điều ông không thể nào hiểu nổi, đó là tại sao nó lại hoạt động được. Rõ ràng là những thứ ông không thể thấy nhưng lại có thể chứng minh được. Chỉ ở lĩnh vực điện thôi, chúng ta đã thấy là nó kỳ diệu rồi.

2/ Nộp thuế cho hoàng đế Cesar: Đây là một câu hỏi mà các lãnh đạo Do Thái dùng để gài bẫy Chúa Giêsu, cho dù là Do Thái bị đế quốc La Mã đô hộ, nhưng các lãnh đạo Do Thái cũng đang hưởng được nhiều quyền lợi vật chất cũng như tinh thần từ nơi hoàng đế Cesar.

3/ Chu toàn nhiệm vụ công dân đối với nhà cầm quyền của mình là lẽ đương nhiên. Nếu được hưởng quyền lợi thì cũng có nhiệm vụ phải đóng góp, điều này đương nhiên là hợp lý.

4/ Tuy nhiên ngoài bổn phận vật chất đối với xã hội, nhưng còn có một bổn phận khác càng quan trọng hơn đó là phải đóng góp của cải thiêng liêng cho Thiên Chúa.

5/ “Của Thiên Chúa trở về cho Thiên Chúa”. Nghĩa là phải đi tìm kiếm, phải gặp gỡ và phải luôn tôn kính yêu mến Ngài trong mọi lúc, mọi nơi. Phải để cho Ngài hướng dẫn mọi suy nghĩ, mọi ước muốn, mọi hành động nếu chúng ta đã mang danh là Ki-tô hữu.

6/ Những người chống đối Chúa Giêsu đã đặt ra một cái bẫy bằng một câu hỏi: Có nên nộp thuế cho Hoàng Đế Cesar không? Đây là một câu hỏi nguy hiểm đối với lịch sử nước Do Thái thời ấy. Chúa Giêsu trả lời kiểu nào cũng mắc bẫy.

7/ Nếu Chúa trả lời: Nên nộp thuế! Thì Ngài tự đặt mình vào vị thế đối lập với dân chúng. Họ sẽ bảo Ngài là phản quốc, là dua nịnh đế quốc, là có đầu óc vọng ngoại lai.

8/ Nếu Chúa trả lời: Đừng nộp! Thì chính quyền sẽ gán Ngài vào cái tội phản động, gây rối loạn, xúi dân chúng chống lại hoàng đế Cesar, họ sẽ tố cáo Ngài với chính quyền bảo hộ.

9/ Biết ý định họ muốn làm hại mình, Chúa Giêsu đã không thèm trả lời thẳng câu hỏi của họ/ Chỉ yêu cầu họ đưa ra cho Ngài xem một đồng bạc Roma đang phát hành. Chúa nhìn kỹ đồng bạc rồi hỏi: Hình và hiệu này là của ai? Họ trả lời: Của Cesar.

10/ Chúa bảo: “Của Cesar hãy trả về cho Cesar”. Tức là bổn phận của các ông đối với Cesar, hãy nộp về cho Cesar. “Nhưng các người cũng đừng quên, các người cũng có bổn phận đối với Thiên Chúa, cho nên những gì thuộc về Thiên Chúa thì hãy nộp về cho Thiên Chúa”.

11/ Với câu nói thêm ở vế thứ hai này: Chúa Giêsu đã đánh sập bẫy của họ, Ngài không bị mắc bẫy nhưng chính Chúa đã bẫy lại họ, đúng như câu tục ngữ: “Võ quýt dày có móng tay nhọn”, hay “Gậy ông đập vào lưng ông”.

12/ Họ mắc nợ thuế đối với Roma thì hãy đi mà nộp thuế cho Roma, đó là lẽ phải. Nhưng còn những món nợ mà họ còn mắc với Thiên Chúa thì họ cũng phải trả đủ cho Thiên Chúa. Tóm lại chúng ta có 2  bổn phận, chúng ta cần chu toàn cả hai.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn bổn phận đối với Chúa và đối với thế quyền, để con trở nên một Ki-tô xứng đáng và hữu gương mẫu. Amen.**

 

Thứ tư, 07/06/2017

Đề tài: MỘT SỰ HIỂU BIẾT SAI LỆCH

Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo Thánh Marco (Mc 12,18-27)

18 Có những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người: 19 "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta rằng: "Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình." 20 Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng. 21 Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. 22 Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. 23 Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ." 24 Đức Giê-su nói: "Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? 25 Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. 26 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. 27 Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to! "

SUY NIỆM:

1/ Một bé gái được cha  đưa đến Tòa Bạch Ốc để gặp Tổng Thống Abraham Lincoln. Họ cho cháu biết tướng mạo của Tổng Thống rất khó coi. Sau khi gặp em bé này, Tổng Thống đã đặt đứa bé lên đầu gối, ông trò chuyện với nó rất dí dỏm và hiền từ. Sau một hồi lâu, em bé đột nhiên la lên: “Bố ơi, Tổng Thống đâu có xấu, ông ấy dễ thương quá mà”.

2/ Nhóm Sa-đốc chỉ công nhận ngũ thư chứ không thừa nhận các sách Kinh Thánh khác như là: Lịch sử, giáo huấn và ngôn sứ, vì sách ngũ thư không đề cập đến mầu nhiệm sống lại nên họ cũng không tin vào mầu nhiệm ấy (Ngũ thư gồm: Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số, Đệ nhị luật)

3/ Nhóm Sa-đốc chất vấn Chúa Giêsu về sự sống đời sau và họ không tin sự sống lại và cũng không tin sự sống đời sau. Chúa Giêsu đã chỉ cho họ thấy những sai lầm vì sự thiếu hiểu biết về quyền năng của Thiên Chúa.

4/ Chúa Giêsu khẳng định rằng: Loài người ngày sau sẽ sống lại, nhưng sự sống mới này hoàn toàn khác với sự sống ở trần gian.

5/ Để có thể tin vào Chúa, chúng ta cần phải có ơn Chúa giúp. Và chúng ta cũng cần phải nỗ lực học hỏi Kinh Thánh để chúng ta có được niềm tin vững vàng, bởi vì ai càng coi trọng giá trị đời này thì càng coi nhẹ giá trị đời sau.

6/ Một câu hỏi được đặt ra: Hôn nhân có còn tồn tại trên Thiên Đàng hay không? Điều này nếu dựa vào Kinh Thánh, chúng ta có thể giải thích như sau: a) Khi con người sống lại thì hôn nhân không còn, bởi vì mục đích của hôn nhan trần gian là để lưu truyền nòi giống, còn ở trên trời thì mục đích ấy sẽ không còn, bởi vì các Thánh không chết nữa, bởi vì Thiên Chúa sẽ đáp ứng mọi khát khao của các Thánh.

7/ Trên Thiên Đàng, tình yêu lứa đôi, tình yêu vợ chồng sẽ không còn mối tương giao thể xác như ở trần thế. Thế nhưng tình yêu vợ chồng vẫn tồn tại, bởi vì dây liên kết hôn nhân là tình yêu như Kinh Thánh cho biết: Ở trên Trời, đức tin đức cậy sẽ hết, chỉ còn đức mến (đức ái). Vậy tình yêu phu phụ vẫn còn, còn tình yêu chứ không còn vấn đề vợ chồng.

8/ Hạnh phúc trên Thiên Đàng là hạnh phúc tuyệt đối. Cho nên các cuộc hôn nhân ở trần gian này, người ta thường cầu chúc nhau hạnh phúc trăm năm, và nếu có hưởng hạnh phúc thật sự đi nữa thì hạnh phúc ấy cũng chỉ là hình bóng để chuẩn bị cho hạnh phúc tuyệt đối ở mai sau mà thôi.

9/ Vấn đề chính của Bài Tin Mừng không phải là vấn đề hôn nhân, mà là vấn đề sống lại. Những người Sa-đốc không tin có sự sống lại nên họ đã bày ra câu chuyện giả tưởng để hỏi Chúa Giêsu về việc sống lại.

10/ Chúa Giêsu đã khẳng định: Kẻ chết sẽ sống lại và sẽ sống như Thiên Thần. Suốt hơn 20 thế kỷ qua, Giáo hội Roma vẫn xác tín và tuyên xưng niềm tin này.

11/ Chắc chắn con người sẽ sống lại nhưng sống lại như Thiên Thần hay quỷ dữ lại là một chuyện khác nhau. Và ai trong chúng ta cũng biết: Cuộc sống đời này quyết định cho cuộc sống đời sau, đây là vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ: Chỉ kẻ lành mới được hưởng phước Thiên Đàng, việc này đáng lo hơn là việc chết rồi mai sau sẽ là vợ của ai.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, điều kiện để được lên Thiên Đàng là phải chu toàn 3 việc: Vâng lời, khiết tịnh, khó nghèo. Chúa đã vâng lời tuyệt đối với Chúa Cha, sau đó mới có thể hoàn tất ơn cứu độ và được sống lại vinh quang. Xin cho con luôn biết vâng lời Chúa, vâng lời Giáo hội để con xứng đáng được phúc Thiên Đàng.**

 

Thứ năm, 08/06/2017

Đề tài: ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Marco (Mc 12,28b-34)

 28 Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?" 29 Đức Giê-su trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.

31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." 32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ." 34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! " Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

SUY NIỆM:

1/ Đừng để cho năm tháng làm quả tim thêm già nua. Nhưng hãy yêu thương với một tình yêu ngày càng mãnh liệt, trong sáng hơn, mới mẻ hơn. Muốn được như vậy, hãy xin Chúa đổ tràn tình yêu Ngài vào trong trái tim cằn cỗi khô khan của ta.

2/ Điều luật quan trọng và chính yếu nhất trong đạo Công giáo chúng ta, nó gồm tóm tất cả các điều luật khác => Đó là luật yêu thương.

3/ Mến Chúa hết lòng và yêu anh em thân cận như chính mình, cả hai đều quan trọng như nhau. Ai yêu Chúa (là Đấng mình không nhìn thấy) thì phải chứng minh tình yêu ấy qua việc yêu thương anh em lân cận,là những người mình luôn nhìn thấy / cả hai đều quan trọng như nhau.

4/ Thiên Chúa không bệnh tật, không thiếu thốn, không khổ đau. Ngài hoàn thiện nên chúng ta yêu Ngài rất dễ, vì Ngài làm ơn cho ta, ban ơn cho ta. Nhưng yêu anh em, anh em đói khát, bệnh tật đau khổ nên mới cần ta yêu thương giúp đỡ, hơn nữa Chúa bảo ta hãy yêu thương họ, ta yêu thương họ là ta vâng lời Chúa dạy. Như thế là ta đã làm đẹp lòng Chúa, khiến cho Chúa tin là ta đã yêu Chúa thật, cũng bởi vì họ là anh em của ta, cũng là con một Cha trên trời, và họ cũng là hình ảnh của Thiên Chúa , Cha của ta .

5/ Thánh Yoan nói: Ai nói mình yêu Chúa mà lại ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói dối. Mọi việc ta làm nếu không đặt trên nền tảng yêu thương, là tình mến Chúa yêu người thì cũng chỉ là thanh la xủm xọe, là giả tạo, là có tiếng mà không có miếng.

6/ Mỗi chúng ta khi làm việc gì, khi giúp đỡ ai: Ta hãy làm vì lòng mến Chúa, không làm vì ai cả, cũng chẳng phải làm cho chính mình. Ai cướp vinh quang của Thiên Chúa, người ấy đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt => Làm mọi sự hãy đặt trên nền tảng yêu thương.

7/ Chúa Giêsu thường đấu lý với những kẻ thù địch của Ngài. Lần đấu lý hôm nay xoay quanh vấn đề: Điều luật nào quan trọng nhất?.

8/ Đây là cuộc đấu lý thứ ba: Cuộc đấu lý thứ nhất là việc nộp thuế cho Hoàng đế Cesar / cuộc đấu lý thứ hai là vợ chồng của ai vào ngày ta sống lại / cuộc đấu lý thứ ba, hôm nay các Kinh sư đặt ra: Điều luật nào quan trọng nhất !

9/ Biệt phái luật sĩ hôm nay lại càng lầm to: Họ muốn lăn ra một tảng đá để mong cản đường bay của loài chim là một sai lầm, lần này phần thắng cũng lại nghiêng về Chúa Giêsu.

10/ Nhờ cuộc đấu lý hôm nay mà chúng ta có được một bản tóm tắt về luật tôn giáo thật là hoàn hảo, gọn gàng => Đó là mến Chúa, yêu người.

11/ Nếu chỉ dùng một chữ đề giải thích đạo Chúa thì không còn chữ nào hoàn hảo hơn chữ  yêu .  Đó là yêu Chúa, yêu người.

12/ Nói đến yêu Chúa thì quá dễ, ai cũng có thể yêu Chúa được. Nhưng về chữ yêu người thì quá khó, chúng ta đã nghe nói nhiều rồi, nhưng chưa bao giờ nói đủ, đủ để chúng ta thực hành được.

13/ Nếu nói yêu Chúa mà lại đi xử tệ với người khác thì kẻ ấy là người nói láo chính hiệu, nên Chúa cũng sẽ không công nhận lòng yêu mến của chúng ta. Thứ hai, yêu người không phải yêu theo kiểu dân ngoại, chỉ yêu kẻ yêu mình; nhưng ở đây Chúa muốn nói là: Phải yêu cả kẻ thù nữa . Thứ ba, yêu người là sẵn sàng giúp họ bằng lời nói, bằng cử chỉ, bằng của cải vật chất . Sau hết, tới ngày phán xét, Chúa cũng chỉ chấp nhận kiểu yêu người như thế này mà thôi .

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết thật lòng yêu thương tha nhân như chính mình con. Vì chính khi con gặp gỡ họ, cũng là lúc con gặp gỡ Chúa, xin Chúa ban cho con tình yêu quảng đại như Chúa. Amen.**

 

Thứ sáu, 09/06/2017

Đề tài: ĐỨC KI-TÔ LÀ CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Marco (Mc 12,35-37)

35 Khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su lên tiếng hỏi: "Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít? 36 Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con. 37 Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được? " Đám người đông đảo nghe Đức Giê-su cách thích thú. 

SUY NIỆM:

1/ Người Do Thái thắc mắc về nguồn gốc của Đức Ki-tô. Để đáp lại câu hỏi đó, Chúa Giêsu đã gửi đến họ một câu hỏi để giúp họ suy nghĩ, sau đó họ nhận ra rằng: Ngài vừa là con cháu của Vua Đa-Vít, nhưng đồng thời Ngài cũng là Thiên Chúa của Vua, đúng như lời các Ngôn Sứ đã báo trước: “Đấng Cứu Thế sẽ đến từ dòng dõi Vua Đa-Vít”.

2/ Chính Chúa Thánh Thần soi sáng cho Vua Đa-vít, nên ông đã nói: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi, bên hữu Cha đây, con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con” (Mc 12,36).

3/ Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, và cũng là người thật, đó là niềm tin tuyệt đối của người tín hữu. Lời đã thành xác phàm và sống giữa nhân loại để cứu độ con người và nâng con người lên địa vị con cái Thiên Chúa. Đó cũng là địa vị mà mỗi người chúng ta sẽ có được.

4/ Thánh Sử Marco không xác định Chúa Giêsu hỏi ai, hỏi nhóm người nào/ Nhưng ở cuối đoạn Tin Mừng thì Chúa Giêsu mới cho biết đó là đám đông dân chúng lắng nghe Chúa một cách thích thú.

5/ Câu Chúa Giêsu hỏi: Sao các Kinh Sư lại nói Đấng Ki-tô là con Vua Đa-vít, đây cũng là tước hiệu mà các Kinh Sư gán cho Ngài: Là con Vua Đa-vít.

6/ Theo truyền thống Do Thái ngày xưa vẫn cho rằng: Đức Ki-tô phải thuộc dòng dõi Đa-vít (2 Vua 7,14-17), nên người ta vẫn gọi Chúa Giêsu là con Vua Đa-vít. Nhưng chắc chắn Chúa Giêsu không tự xưng mình bằng tước hiệu này, bởi vì nó quá hàm hồ và mâu thuẫn. Chúa muốn tránh xa quan niệm về Đấng Ki-tô theo kiểu chính trị.

7/ Chúa Giêsu đã trưng dẫn từ Thánh Vịnh 110, theo đó Đấng Ki-tô vừa là con Vua Đa-vít, vừa được Vua Đa-vít gọi bằng Chúa.

8/ Chính Kinh Thánh đã gán cho Đức Ki-tô một phẩm giá, một phẩm tính cao cả hơn là con Vua Đa-vít và được gọi bằng tước hiệu Chúa.

9/ Sau biến cố Phục Sinh, các Ki-tô hữu đã dùng Thánh Vịnh 110 để tìm ra tước hiệu cao cả hơn cho tính cách của Chúa Giêsu. Họ tuyên xưng Ngài thuộc đẳng cấp Thần Thánh, Ngài đã sống lại và được Thiên Chúa phong làm Chúa tể vũ trụ, Ngài lên Trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.

10/ Đức Ki-tô cũng là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Đó là đức tin Ki-tô giáo, chúng ta cần tránh những sai lầm tai hại, hoặc quá nhấn mạnh đến Thiên tính mà bỏ quên nhân tính, hoặc ngược lại.

11/ Chúng ta căn cứ vào lời Thánh Yoan: Từ khởi thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa, nhưng Ngôi Lời đã thành xác phàm và ở giữa nhân loại để cứu độ con người và nâng con người lên địa vị con Thiên Chúa.

12/ Thánh Irê-nê lập luận rằng: Thiên Chúa đã làm người để con người trở thành con Thiên Chúa. Thật là vinh dự cho con người, ước gì niềm xác tín đó luôn được chúng ta mang theo trong lòng, nhờ đó nó giúp chúng ta diễn tả cuộc sống đức tin và giúp chúng ta sẵn sàng bảo vệ nó đến cùng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đã nhận ra Ngài là Thiên Chúa của con, xin cho con siêng năng học hỏi để hiểu biết nhiều về Chúa, để cho con ngày càng yêu mến Chúa nhiều hơn. Amen.**

 

Thứ bảy, 10/08/2017

Đề tài: TẤM LÒNG VÀNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Marco (Mc 12,38-44)

38 Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. 39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. 40 Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn." 41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. 42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. 43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.  44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."

SUY NIỆM:

1/ Trong đời sống, con người thường dành rất nhiều thời gian để thu tích của cải, mua sắm đủ thứ tiện nghi. Bởi vì tâm hồn chúng ta quá tham lam, túi tham của chúng ta vô đáy. Một con chim trên rừng chỉ dành một nhánh cây để làm tổ, một con nai khi khát, nó chỉ xuống suối uống một bụng nước.

2/ Chúa Giêsu nhìn thấy nhiều người dâng cúng trong đền thờ, kẻ nhiều người ít. Nhưng đối với Chúa thì tấm lòng cao trọng hơn của lễ, Chúa đã lên tiếng khen ngợi bà góa nghèo, tuy bà dâng cúng ít nhất, nhưng lại có trị lớn nhất trước mặt Chúa.

3/ Giá trị của việc dâng cúng không tùy thuộc vào số lượng của cải, nhưng tùy thuộc vào tấm lòng và một sự tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa.

4/ Người ta có thể dâng cúng vì hám danh, vì muốn được ca tụng hoặc vì tiền bạc quá dư thừa. Còn bà góa này lại cho đi tất cả những gì bà có để sống.

5/ Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngay cả khi chúng ta phạm tội và sống trong đống tội, Ngài vẫn đợi chờ và một mực xót thương, bởi vì Chúa chỉ cần tấm lòng chứ không cần hình thức bên ngoài.

6/ Câu chuyện một đôi vợ chồng mới cưới, đi về một vùng quê xa xôi thì gặp cơn mưa bão dữ dội. Họ vào nhà một cặp vợ chồng già để xin tá túc một đêm, đôi vợ chồng già đã âm thầm nhường căn phòng của mình để ra ngủ ở Sofa phòng khách, họ đã nhường cho đôi trẻ căn phòng ngủ duy nhất của mình.

7/ Câu chuyện trên đây là hình ảnh minh họa tân thời cho câu chuyện thú vị về hình ảnh của người đàn bà góa trong Tin Mừng. Hôm ấy Chúa Giêsu và các Môn Đệ ngồi nghỉ chân ở khu vực có để hòm tiền và Chúa đã gặp được tấm lòng tốt của bà góa phụ nghèo, bà dâng cúng hai đồng len-ta, đồng len-ta là đồng tiền nhỏ nhất mà chỉ người nghèo mới có; bà ta bỏ vào với tất cả tấm lòng, bà đã hy sinh đồng bạc cuối cùng mà bà dùng để sinh sống.

8/ Chúa Giêsu đã ca tụng lòng tốt của bà vì bà đã cho bằng một tình yêu thương. Càng cho nhiều là dấu bà càng yêu thương nhiều, cho với tất cả tình yêu thương vô bờ bến.

9/ Bà góa không chỉ cho phần dư thừa mà bà ta dành dụm được. Mà bà đã cho chính nguồn sống ít ỏi của bà, như vậy bà vừa cho cách quảng đại lại còn cho cách vui vẻ tận đáy lòng.

10/ Cũng vậy, đôi vợ chồng già đã giúp cho đôi tân hôn với một tâm tình yêu thương. Họ đã nhường phần tốt nhất cho người khác, họ không làm vì bị ép buộc nhưng vì tất cả một tấm lòng.

11/ Câu chuyện trên dạy cho chúng ta một bài học: Tình yêu thương có giá trị cao là do ở tấm lòng chứ không phải là những hình thức bề ngoài, giá trị vật trao tặng không quý bằng tấm lòng.

12/ Giá trị quà tặng không tùy thuộc vào số lượng vật chất mà chính là do tấm lòng con người. Điều này giúp chúng ta hiểu rằng: Dù ai có nghèo đến đâu thì cũng có cái gì đó để trao ban cho người khác, một cử chỉ nhân ái, một lời nói cảm thông, một cử chỉ tha thứ, một chút quà nhỏ vì mục đích chia sẻ, nó sẽ có giá trị rất lớn trước mặt Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã yêu con bằng một tình yêu không tính toán, xin giúp con yêu Chúa thật lòng qua việc chúng con chia sẻ của cải cho người khác vì lòng con yêu mến Chúa. Amen.**

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1560
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  10
 Hôm nay:  1308
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11406717
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top