Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 19 Thường Niên - C 2016 / Giuse Luca

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần 19  Thường Niên C (08/08 -> 13/08/2016)

Thứ hai, 08/08/2016

Đề tài: TRẢ TIỀN THUẾ ĐỀN THỜ

KÍNH THÁNH ĐAMINH – LINH MỤC

Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo Thánh Matthêu (Mt 17,22-27)

22 Khi thầy trò tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời,23 họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy." Các môn đệ buồn phiền lắm.

24 Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: "Thầy các ông không nộp thuế sao? "25 Ông đáp: "Có chứ! " Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: "Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài? "26 Ông Phê-rô đáp: "Thưa, người ngoài." Đức Giê-su liền bảo: "Vậy thì con cái được miễn.27 Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh."

SUY NIỆM:

1/ Khi Chúa tiên báo cuộc thương khó lần thứ hai, Phê-rô đã can ngăn Người. Bởi loài người chúng ta luôn có cái nhìn trần tục và cho rằng con người luôn yếu đuối.

2/ Đối với cái nhìn của Thiên Chúa thì ngược lại: Sự yếu đuối trở nên mạnh mẽ, trong ánh nhìn của Thiên Chúa, chúng ta luôn nhìn thấy sự hy vọng, lạc quan chiến thắng, vinh quang.

3/ Trong cả 3 lần loan báo sự thương khó, các Môn đệ đều bộc lộ sự kém tin của mình. Lời tiên báo lần đầu (Mt 16,21-23) => Phê-rô can ngăn vì ông chưa hiểu gì về Chúa. Sau lời tiên báo thứ hai (Mt 20,17-28), các Môn đệ lại cũng hiểu sai nên các ông tranh nhau địa vị.

4/ Chúa Giêsu không đến thế gian để cất đi sự đau khổ, nhưng Ngài vui vẻ đón nhận sự đau khổ để đi vào cõi chết như phương thế để lãnh nhận ơn cứu độ, vì đau khổ chính là con đường mà các ông phải đi.

5/ Người Do Thái hằng năm phải nộp thuế, là thứ thuế dành cho việc phụng tự, bảo trì đền thờ.

6/ Vì lý do Thánh vụ nên Chúa nói với Phê-rô: "Con cái ở trong nhà được miễn". => Khi nói như thế, Ngài có ý nhắc khéo bọn họ rằng, Ngài là con Thiên Chúa nên Ngài phải được miễn.

7/ Ý Chúa muốn nói rằng: Trong phạm vi bản tính Thiên Chúa thì Ngài không phải nộp thuế mà đúng ra Ngài chính là người được đứng ra nhận thuế.

8/ Nhưng trên phạm vi con người, thì Ngài cũng là một công dân thuộc một dân tộc, nên Ngài có bổn phận phải tuân theo Luật Moisen và phải đóng thuế như bất kỳ ai.

9/ Chúng ta thấy Chúa đóng thuế bằng một phép lạ: Người thu thuế hỏi Phê-rô chứ không hỏi Chúa, nhưng sau khi về nhà thì Chúa lại hỏi Phê-rô về việc nộp thuế, hơn nữa Phê-rô chỉ câu một con cá là đủ tiền nộp thuế, mà tiền ấy ở nơi miệng con cá chứ không phải do bán cá mà có tiền, rõ ràng đây là phép lạ.

10/ Như vậy việc Chúa nộp thuế là nộp trên lĩnh vực một tín hữu, một công dân, nộp vì vâng lời, nộp để làm gương sáng.

11/ Làm một con người sống ở trên đời, chúng ta có bổn phận với Chúa, với bản thân, với gia đình và với tha nhân, đóng thuế là một bổn phận đối với nhau, bởi nhà nước dùng tiền ấy để lo cho công ích.

12/ Moi thứ xem ra chính đáng, hợp lý, buộc chúng ta phải vui vẻ thi hành. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về việc này, chúng ta đừng nên làm khác đi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, những điều Chúa nghĩ, chúa nói, Chúa làm, đều trở nên gương mẫu cho chúng con noi gương bắt chước. Xin Chúa giúp chúng con biết chu toàn bổn phận nhất là phải sống tốt đạo đẹp đời. Amen.

 

 

Thứ ba, 09/08/2016

Đề tài: AI ĐƯỢC THIÊN CHÚA YÊU NHẤT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 18,1-5.10.12-14)

1 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?" 2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 4 "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. 5 "Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

10 "Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

12 "Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? 13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

SUY NIỆM:

1/ Chúa Giêsu đưa ra một câu trả lời mang nhiều ý nghĩa. Khi các Môn Đệ hỏi câu: “Ai lớn nhất trong nước trời?”. Họ hỏi như vậy, chứng tỏ họ không biết gì về nước Thiên Đàng. Chúa Giêsu nói: “Nếu các người không trở lại như trẻ nhỏ  ….”. Chúa ngụ ý bảo rằng: Các ông đang đi sai đường, nếu các ông không đổi hướng lại,  là các ông đã đi lạc xa nước Trời, chứ không phải là đang hướng về nước Trời.

2/ Một câu hỏi trong đời sống giáo dân: Chúng ta đang hướng về đâu? Nếu chúng ta chỉ hướng đến của cải vật chất, chuyên đi tìm và thực hiện những tham vọng cá nhân, mong chiếm hữu quyền hành, đề cao cái tôi của mình, thì rõ ràng là người đó đang hướng tới những mục tiêu đối nghịch lại với nước Trời.

3/ Muốn làm công dân nước Trời, chúng ta phải từ bỏ cái tôi, sử dụng khả năng mình có để phục vụ, chứ không phải là dùng quyền hành để thống trị. Bao lâu chúng ta còn cho mình là quan trọng, thì chúng ta vẫn còn đi sai hướng. Nếu chúng ta muốn đến được nước Trời, thì chúng ta phải dũng cảm quay lại.

4/ Những đức tính đáng yêu của đứa trẻ: Thường ngạc nhiên trước những sự lạ lùng của thế giới, dễ tha thứ, hay mau quên. Dù người lớn hay bậc cha mẹ có đối xử bất công với chúng, sự ngây thơ trong trắng khiến các em luôn học hỏi tiếp thu và thực hiện. Nhưng đây chưa phải là những điểm chính yếu mà Chúa Giêsu muốn đề cập đến.

5/ Đức tính đầu tiên chính yếu và then chốt của đức trẻ. Đó là: khiêm nhường. Đứa bé không muốn xuất hiện ở phía trước, mà chỉ muốn lẫn mình ở phía sau; nó không muốn nổi bật, chỉ khi nào nó lớn lên mới bắt đầu có sự so sánh, cạnh tranh, muốn dành phần thắng về mình, tìm chỗ trước, bỏ lại sự khiêm nhường sau lưng; khi đó nó mới đánh mất bản chất của tuổi thơ.

6/ Đặc tính nương nhờ của trẻ thơ: Nương nhờ đối với trẻ thơ là một trạng thái tự nhiên, không bao giờ nó nghĩ rằng nó đang đối diện với cuộc sống. Nó rất hài lòng và chịu nương tựa vào người nó yêu thương, chăm sóc nó. Nếu một người chấp nhận nương tựa vào Chúa thì đời sống của họ sẽ có sự bình an.

7/ Đặc tính tin cậy của trẻ thơ: Bản chất của trẻ thơ là nương tựa, là tin cậy ở cha mẹ sẽ cung ứng cho nó những nhu cầu cần thiết.

8/ Khi còn nhỏ, chúng không thể tự sắm cho mình quần áo, thức ăn hay nhà riêng để ở. Nhưng chắc chắn chúng tin rằng: Mình được nuôi dưỡng ,cho ăn mặc và sẽ có sẵn một tổ ấm với tiện nghi đầy đủ đang chờ chúng khi chúng đi đâu và trở về.

9/ Khi còn nhỏ, chúng đi đây đi đó mà không cần quan tâm đến việc trả lộ phí, cũng sẽ không nghĩ làm thế nào để đến đích. Vì chúng tin chắc rằng cha mẹ sẽ đem chúng đến đó an toàn.

10/ Sự khiêm nhường của trẻ thơ là khuôn mẫu cho đời sống người tín hữu đối với người khác. Sự lệ thuộc và tin cậy của trẻ thơ luôn là mẫu mực cho thái độ của người Ki-tô hữu đối với Chúa là Cha của mọi người.

11/ Ý nghĩa của từ "trẻ con" trong bài Tin Mừng: Trẻ con có phải là người mới bắt đầu trong đức tin, người mới bắt đầu đi trên con đường ngay nẻo chính, nên có thể dễ dàng vấp ngã trong đức tin.

12/ Tiếp nhận một đứa trẻ cũng có nhiều nghĩa: Nó còn có nghĩa là tiếp nhận một người có đức tin khiêm nhường giống như con trẻ. Trong thế giới cạnh tranh, người ta dễ chú ý đến những con người bon chen, cạnh tranh và lòng đầy tự tin. Ý Chúa muốn dạy rằng: Người quan trọng nhất không phải là người bon chen, hay người muốn leo lên cao bằng cách đạp ngã những người khác xuống. Nhưng là những con người yên lặng, khiêm nhường, đơn sơ, hạng người có tấm lòng của con trẻ.

13/ Một điều tuyệt diệu nữa là hãy nhìn thấy Chúa Giêsu trong đứa trẻ. Dạy dỗ một em bé ngỗ nghịch, hay thỏa mãn mọi nhu cầu của nó thường không phải là một công việc thơ mộng. Các cô giáo, các bà mẹ là những người giúp đỡ Chúa Giêsu nhiều nhất. Họ có thể tìm thấy niềm vui màu xám, nếu họ nhìn thấy Chúa Giêsu trong em bé ngổ nghịch đó.

14/ Đoạn văn từ câu (5-7.10) là lời cảnh báo của Chúa Giêsu: Chúng ta đang sống trong một thế giới bị ô nhiễm bởi tội lỗi, một thế giới đầy cám dỗ, ai cũng bị tội lỗi lôi kéo, nhất là những người phải sống xa gia đình.

15/ Đúng là thế giới này đầy dẫy cám dỗ, là điều không thể tránh ở một thế giới bị tội lỗi thâm nhập. Tuy nhiên trách nhiệm của chúng ta sẽ nặng hơn nếu chúng ta tự mình làm hòn đá cho người khác vấp ngã, là những người còn non yếu, là những người mới bắt đầu trong đức tin.

16/ Khi Chúa Giêsu nói: “Các Thiên Sứ của họ ở trên Trời không ngừng chiêm ngưỡng Thánh Nhan Cha Thầy …”. Trong thời Chúa Giêsu, người ta tin tưởng rất nhiều về Thiên Thần. Mỗi quốc gia đều tin có Thiên Thần, mỗi sức mạnh thiên nhiên như sấm sét, giông bão đều có Thiên Thần hộ mệnh. Những Thiên Thần này luôn có quyền trực tiếp diện kiến với Thiên Chúa . Dưới mắt Thiên Chúa, con trẻ quan trọng đến nỗi các Thiên Thần bảo vệ nó có quyền ra vào trực tiếp trước Nhan Thánh Chúa.

17/ Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu kiên nhẫn. Chiên là con vật ngu dại, người ta thường mất kiên nhẫn với những kẻ ngu dại. Khi họ gặp khó khăn chúng ta thường nói: Đây là lỗi của họ, họ tự rước lấy thì ráng chịu, đừng mất công thương hại một con người ngu. Cảm tạ Chúa vì Ngài không đối xử như vậy, chiên có thể dại dột nhưng người chăn vì thương nó nên đã liều mạng sống để cứu nó. Con người có thể ngu muội, nhưng Chúa luôn giàu tình thương, Ngài luôn yêu mọi người kể cả những con người ngu muội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin giúp con sống đơn sơ như trẻ nhỏ, để con xứng đáng nhận được sự quan tâm, thương yêu, săn sóc của Chúa.  Amen.****

 

 

Thứ tư, 10/08/2016

Đề tài: CHO ĐI ĐỂ ĐƯỢC NHẬN LẠI

LỄ THÁNH LAURENSO - PHÓ TẾ - TỬ ĐẠO

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 12,24-26)

24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. 26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy."

SUY NIỆM:

1/ Một nhà vua kia. Một hôm cải trang đi vi hành để tìm hiểu một chút về tình hình cuộc sống của dân chúng. Ông vào một thành phố nọ, gặp một người ăn xin, thay vì nhà vua cho anh ta cái gì đó, thì nhà vua lại ngửa tay ra xin anh ăn mày. Anh ăn mày bèn thò tay vào túi, vừa tính toán, anh bốc ra một hạt lúa và bỏ vào túi nhà vua. Nhà vua cũng cho tay vào túi mình, bốc một thứ gì đó và bỏ vào túi cho anh ăn mày. Anh ăn mày về nhà, dốc túi của mình ra và nhận thấy rằng: Thứ mà nhà vua vừa cho anh là một viên kim cương vừa to bằng hạt lúa. Anh ta vừa mừng, cũng vừa tiếc vì phải chăng anh ta cho hết túi lúa mà anh đang có, thì có lẽ giờ này anh đã giàu lắm rồi. Tiếc rằng vì anh chỉ cho 1 hạt lúa nên nhà vua cũng chỉ cho anh một hạt kim cương.

2/ Khác với tính tình của người ăn mày (anh chỉ biết ích kỷ để rồi phải tiếc nuối). Thánh Laurenso đã hy sinh tính mạng mình để bảo vệ Giáo Hội và làm vinh danh Chúa. Kết quả là Thánh nhân đã lãnh nhận gấp bội, đó là hạnh phúc nước trời.

3/ Biết cho đi tất cả, kể cả bản thân mình để phục vụ cho chân lý, cho vinh quang Thiên Chúa và luôn lo cho người khác. Đây chính là bài học lớn lao mà Chúa muốn chúng ta phải học nơi Thánh Laurenso qua bài Phúc Âm hôm nay.

4/ Sự xuất hiện của những người ngoại giáo Hy Lạp và những lời thỉnh nguyện của họ khiến cho Chúa Giêsu hiểu rằng: Giờ mà Chúa hằng mong đợi đã đến gần, thật sự đã đến. Giờ mà hạt lúa phải đi vào lòng đất và phải chết đi chứ không thể trơ trọi một mình, thì mới sinh nhiều bông hạt mới. Giờ mà  Đức Giêsu phải chiến thắng bằng cách đi qua Thập Giá. Giờ mà Chúa Giêsu sắp được tôn vinh.

5/ Cái chết của Chúa Giêsu không phải là kết quả bởi sự tàn bạo của con người,cũng không phải là cái chết ô nhục của Đức Giêsu. Nhưng là giờ của Chúa Giêsu đã được Chúa Cha quyết định.

6/ Chúa Giêsu được tôn vinh bằng chính cái chết của Ngài. Cái chết này được minh chứng tằng: Con Thiên Chúa được liên kết với Chúa Cha bằng sợi dây vâng phục dù trải qua bất cứ thử thách nào. Chúa Giêsu đã tự hiến mình mà không có chút nào dè giữ. Cái chết đó cho chúng ta thấy được tình yêu vô biên. Điều này cho thấy rằng: Người sống hoàn toàn cho Chúa Cha và vâng phục hoàn toàn mọi sự vì Ngài yêu loài người.

7/ Chỉ khi một hạt lúa mì bị hủy đi, thì nó mới trổ thành một khối lượng lúa lớn. Chính vì Chúa chịu chết và đã tỏ mình ra trong cái chết, mà Đức Giêsu sẽ quy tụ chung quanh Ngài một đoàn người đông đảo (Yn 12,32).

8/ Chỉ những ai liên kết với Người khi phục vụ, mới được liên kết với Chúa sau này.Chỉ những kẻ nào đi theo Chúa trong cuộc sống, mới sẽ đạt tới mục tiêu, là phần phúc khi được Chúa Cha nhìn nhận.

9/ Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, để Thầy ở đâu thì kẻ ấy cũng sẽ ở đó. Ai Phục vụ Thầy thì Chúa Cha sẽ yêu người ấy.

10/ Như thế, Qua cái chết của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rõ: Chúa Cha đã nghiêng quá mức về phía con người, nên mới ban cho chúng ta chính Con một của Ngài. Vì thế, Chúa Giêsu không thua kém Chúa Cha trong tình yêu. Người cầu xin để tình yêu của Chúa Cha sẽ được thực hiện, dù Chúa Giêsu biết rằng điều này đòi hỏi Ngài bằng một cái giá, mà cái giá ấy không gì khác hơn là chính mạng sống của Ngài.

11/ Công việc mà ma quỷ đang làm chính là nhằm chia lìa con người ra khỏi Thiên Chúa. Cho nên cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá cũng chính là sự chiến thắng vĩnh viễn của Người trên ma quỷ. Ma quỷ chỉ muốn làm mờ tối cái nhìn của loài người, khiến cho loài người không thể nhìn thấy Thiên Chúa.

12/ Cái chết của Chúa Giêsu là một Mạc Khải cao độ nhất về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người và là một sợi dây nối kết bất khả phân ly giữa Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha. Như thế ý đồ của ma quỷ đã hoàn toàn thất bại.

13/ Khi Chúa Giêsu bị giương lên cao như là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa.Khi đó sẽ xảy ra giữa loài người một cuộc phán xét tách biệt, do những người tin, hay không tin vào Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô phục sinh, và được tôn vinh. Sự lựa chọn này là điều bảo đảm cho một số người được cứu độ và được sống muôn đời. Và cũng chính là lúc lôi kéo án phạt và cái chết muôn thuởdành cho những kẻ khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin giúp con có được tấm lòng can đảm, quảng đại như Thánh Laurenso đã một lòng vì Chúa, vì Giáo Hội, dù phải chịu bách hại và giết chết. Xin cho con dám hy sinh mọi sự vì Chúa. Amen.***

 

Thứ năm, 11/08/2016

Đề tài: HÃY BIẾT XÓT THƯƠNG NHAU 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 18,21-19,1)

21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?"  22 Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." 23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết." 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao!"  29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." 30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?" 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."

1 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Ga-li-lê và đi đến miền Giu-đê, bên kia sông Gio-đan.

SUY NIỆM:

1/ Có hai người bạn biết nhau đã lâu nhưng vì có chuyện bất hòa nên cả hai cùng giận nhau. Một trong hai người đang hấp hối trên giường bệnh, anh này nói với anh kia: “Thôi chúng ta làm hòa nhé”. Anh bạn kia đồng ý nhưng khi ra về lòng vẫn còn đầy những ấm ức, anh bạn còn lại tuy gần chết những vẫn tay giơ cao nắm đấm. Nếu hai anh không vì một người kia sắp chết thì chuyện đó còn lâu mới có thể hòa.

2/ Tha thứ cho người mình ghét không bao giờ là một chuyện dễ làm. Theo lối nghĩ thông thường của Phê-rô thì tha bảy lần là quá lắm rồi, bởi vì người Do Thái cho rằng chỉ cần 4 lần là đủ, còn người Việt Nam thì chỉ có 3 lần.

3/ Nhưng đối với Chúa Giêsu thì bảy lần là chưa đủ, nhưng là bảy mươi lần bảy.Cũng có nghĩa là 70 lũy thừa 7, tức là tha thứ hoàn toàn, tha thứ tất cả.

4/ Sữa lỗi và tha thứ là 2 điều có quan hệ mật thiết với nhau, vì thế nên sau khi giúp nhau sửa chữa lỗi lầm, Chúa Giêsu muốn đề cập đến chuyện tha thứ cho nhau.

5/ Người Do Thái dạy là phải tha thứ cho nhau, nhưng các tôn sư thì không đồng ý với nhau về số lần và tha thứ đến lần thứ mấy thì thôi: Là ba, là bốn hay bao nhiêu?

6/  Khi ông Phê-rô thắc mắc hỏi Chúa, Chúa cho biết là phải tha thứ luôn luôn, tha mãi mãi không giới hạn số lần. Và cũng để làm sáng tỏ vấn đề, Chúa Giêsu đã đưa ra một Dụ Ngôn.

7/ Qua Dụ Ngôn, ý Chúa Giêsu muốn dạy rằng: Chúng ta nợ với Chúa thì nhiều lắm, tội chúng ta vừa nhiều vừa nặng, dường như là quá nhiều không thể tha thứ được, nhưng Chúa vẫn tha thứ cho chúng ta.

8/ Trong khi đó những lỗi phạm của anh em với ta, dù thế nào đi nữa thì cũng không đáng gì so với số tội mà chúng ta phạm đến Chúa. Thế mà chúng ta chấp nhất, ti tiện, không chịu tha thứ.

9/ Nếu như vậy thì chúng ta đừng mong Chúa tha cho chúng ta. Bởi vì tính cách tha thứ của đạo Chúa là chúng ta phải tha thứ như là mình đã được thứ tha, phải biết xót thương như mình đã được thương xót .

10/ Chúng ta hãy nhớ lời mình cam kết với Chúa trong Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

11/ Đây là một khế ước, một giao kèo mà chúng ta đã ký kết với Chúa, cho nên chúng ta cứ nhìn vào đó mà thi hành.

12/ Chúa sẽ tha cho ta theo mức độ mà chúng ta tha cho người khác. Nếu chúng ta làm khác đi thì Chúa cũng không tha cho chúng ta. Chúng ta tha ít thì Chúa tha ít.

13/ Ai trong chúng ta cũng có nhiều khuyết điểm, tật xấu. Nếu chúng ta muốn Chúa đối xử thật tốt với mình thì chúng ta cũng phải đối xử như thế với anh em mình. Hãy cảm thông và tha thứ như Chúa vẫn làm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa hãy thương xót con và giúp con cũng biết đối xử quảng đại đối với anh em con . Amen.****

 

 

Thứ sáu, 12/08/2016

Đề tài: VỢ CHỒNG BẤT KHẢ PHÂN LY

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 19, 3-12)

3 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói: "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?" 4 Người đáp: "Các ông không đọc thấy điều này sao: "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ," 5 và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt." 6 Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." 7 Họ thưa với Người: "Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?" 8 Người bảo họ: "Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. 9 Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình." 10 Các môn đệ thưa Người: "Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn." 11 Nhưng Người nói với các ông: "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. 12 Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu."

SUY NIỆM:

1/ Có rất nhiều đàn ông sau một thời gian tung hoành ngang dọc: Vợ lớn vợ bé, luôn bôn ba với những cuộc vui trác táng mà quên mất rằng mình cũng có gia đình, có vợ con. Thế rồi khi ngã ngựa, thân tàn ma dại với chiếc túi rỗng không, mang theo nhiều thứ bệnh tật, thì quay lui về tìm lại vợ con để xin tá túc.

2/ Giao ước mà Thiên Chúa ký kết với dân người tại núi Sinai là một giao ước tình yêu: Thiên Chúa yêu thương dân, và dân chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa.

3/ Thiên Chúa vì luôn giữ giao ước, nên luôn yêu thương chăm sóc cho dân Do Thái. Còn dân Chúa chọn thì luôn tìm cách phản bội lại Thiên Chúa.

4/ Giao ước cũ được kiện toàn bằng giao ước mới được Chúa Giêsu thiết lập với Hội Thánh. Nhờ đó ân sủng của Thiên Chúa luôn tuôn tràn khắp mọi nơi trên thế  giới.

5/ Hôn nhân gia đình cũng giống như giao ước giữa Thiên Chúa và Hội Thánh. Một giao ước bất khả phân ly. Thế nhưng hôm nay giao ước hôn nhân rất dễ bị tan vỡ, do người vợ hoặc người chồng luôn đặt sở thích của cá nhân mình lên trên quyền lợi của gia đình, trên cả lòng chung thủy và tình yêu thương của người kia.

6/ Chúa Giêsu muốn khẳng định tính bất khả phân ly của hôn nhân khi nêu lên một lý do thật quan trọng: Hôn nhân là việc của Thiên Chúa thiết lập và phê chuẩn, loài người không có quyền hủy bỏ, nó không thuộc quyền của con người, cũng không thuộc quyền của Giáo Hội, nên không ai có quyền giải tán hôn nhân. Vì nó thuộc quyền của Thiên Chúa, nên loài người không có quyền là thế.

7/ Nguyên do của ly dị: Là do con người ác độc, ích kỷ, do tính ham mê hưởng lạc thú, “mới chuộng cũ vong” nên đã có nhiều xã hội cho phép ly dị.

8/ Người ta lý luận rằng: Hôn nhân là sự kết hợp để hai con người sống hạnh phúc với nhau, nhưng nếu không còn hạnh phúc nữa thì sống chung với nhau làm gì cho khổ cả hai.

9/ Mới nghe qua thì thấy đôi chút có lý. Nhưng nếu cứ quan niệm ly dị là điều dễ làm, thế thì còn đâu là ý nghĩa của nền tảng gia đình - xã hội?

10/ Lúc đó, hôn nhân chỉ còn mang ý nghĩa của một thứ tình yêu hưởng thụ ích kỷ.Chẳng còn có chút hy sinh, tha thứ, chịu đựng lẫn nhau để vun vén hạnh phúc cho nhau, để mà sống nương tựa nhau cả đời, để mà giáo dục con, cháu nữa.

11/ Gia đình như thế sẽ không còn là nền tảng vì chỉ hơi một tí là bỏ nhau. Nếu biết được rằng không cho ly dị người ta sẽ cẩn thận hơn, luôn cố gắng để không xảy ra những chuyện đáng tiếc, nếu có lỡ xảy ra thì hai bên phải cùng cố gắng để giải hòa.

12/ Khi muốn xây dựng một căn nhà điều cần làm nhất chính là cái móng. Nếu làm móng đơn sơ cẩu thả, thì làm sao căn nhà không bị lún, nứt, sập đổ? Chính vì thói “ăn xổi ở thì”, đứng núi này trông núi nọ, không nhẫn nại, không hy sinh, nhất là không gắn kết bền chặc với nhau thì hôn nhân sẽ dễ dàng tan vỡ.

13/ Còn có biết bao hậu quả tai hại khác như là: tội nghiệp cho các đứa trẻ không cha không mẹ, không ai chăm sóc thương yêu.

14/ Cho phép ly dị: Là mở cửa để con người tha hồ ngoại tình. Tự do luyến ái chính là lý do đưa đến ngoại tình, gây ra đổ vỡ cho gia đình, làm gánh nặng cho xã hội.

15/ Vì thế, cho phép ly dị không phải là giải pháp xây dựng hạnh phúc gia đình, mà chính là nguyên nhân gây ra tan vỡ.

16/ Thiên Chúa biết rõ bản chất của con người là không kiên nhẫn và rất yếu đuối. Tình yêu của con người quá mong manh, lời hứa không bảo đảm, hạnh phúc không lâu bền. Con người quá ích kỷ nên chẳng muốn hy sinh cho nhau, không muốn gánh trách nhiệm.

17/ Chúa Giêsu đã nhắc đi nhắc lại: Hôn nhân phải đơn nhất, vĩnh viễn, một vợ một chồng và bất khả phân ly. Một vợ một chồng như hai tay vịn của chiếc cầu giúp cho hai người bước đi an toàn qua chiếc cầu gia đình. Dù cầu có cao sông có sâu, dù có khó khăn nguy hiểm thì họ cũng sẽ vượt qua.

18/ Đời sống gia đình tuy có nhiều khó khăn thách thức. Nhưng những ai biết nuôi dưỡng tình yêu biết chăm lo cho hạnh phúc gia đình, và biết để cho Thiên Chúa làm chủ, thì gia đình họ sẽ có hạnh phúc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra những yếu đuối lỗi lầm của mình, để biết cảm thông, yêu thương, tha thứ cho người bạn đời, để cho gia đình con luôn có Chúa làm chủ, giúp cho con đạt được cả hạnh phúc đời này lẫn đời sau. Amen.

 

Thứ bảy, ngày 13/08/2016

Đề tài:   HÃY SỐNG NHƯ TRẺ THƠ

Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 19,13-15)

13 Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. 14 Nhưng Đức Giê-su nói: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng." 15 Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.

SUY NIỆM:

1/ Phụ nữ và trẻ em là những người thấp kém trong bậc thang xã hội Do Thái lúc bấy giờ, nhưng quan điểm của Chúa Giêsu lại đi ngược với truyền thống đó. Chúa muốn tiếp xúc với mọi người bằng một tình yêu không phân biệt đẳng cấp.

2/ Chúa Giêsu cũng muốn các Môn đệ dành cho mọi người bằng một tình yêu phổ quát dành cho tất cả, nhất là những kẻ bé mọn về thể lý cũng như tinh thần.

3/ Các Môn đệ khó chịu khi thấy người ta đem trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu, các ông không muốn Chúa Giêsu bị quấy rầy, một phần vì khi giảng xong thì Chúa cũng rất mệt, một phần vì các ông có não trạng coi thường các em bé, đầu óc của họ giống với bọn người Do Thái.

4/ Lời can thiệp của Chúa Giêsu khiến cho mọi người bỡ ngỡ, giả như Chúa nói: Hãy sống giống như Đức Mẹ, như Thánh Yuse, như Yoan Tẩy Giả, như Phê-rô,…thì các con sẽ được vào nước trời, thì chắc là không có ai thắc mắc gì, nhưng đàng này Chúa Giêsu lại nói: “Nước Trời thuộc về những ai như trẻ nhỏ”.

5/ Chúng ta có nhiều thắc mắc về trẻ nhỏ: Trẻ nhỏ thì tính tình chưa hoàn chỉnh, chúng có rất nhiều mặt chưa tốt, cần phải học hỏi để hoàn thiện như là thích chơi thích ăn, thích đùa giỡn.

6/ Chúa Giêsu đã giải tỏa những thắc mắc của chúng ta, điều mà Chúa muốn chúng ta giống trẻ nhỏ ở chỗ: Chúng ta phải khiêm tốn, hạ mình xuống như trẻ nhỏ.

7/ Suy nghĩ thật kỹ, chúng ta thấy điều Chúa dạy rất chí lý, rất sâu sắc. Trẻ nhỏ nhận biết mình yếu kém, hèn mọn, bé nhỏ, thì chúng ta cũng phải biết nhìn nhận về mình như vậy. Trẻ nhỏ nhận ra mình cần phải học hỏi thêm, cần được uốn nắn, cần được giáo dục, thì chúng ta cũng nên nhận biết mình như vậy.

8/ Trẻ nhỏ nhận biết mình cần được tha thứ, cần được giúp đỡ, thì chúng ta cũng cần nhận ra bản thân mình giống như vậy.

9/ Hôm nay thứ bảy, chúng ta hãy nhìn về gương sống của Đức Mẹ, Đức Mẹ có một thái độ đơn sơ như trẻ nhỏ. Vì thế Đức Mẹ đã đón nhận được Đức Ki-tô. Thái độ phó thác của Mẹ ở trong hai tiếng xin vâng và với tâm tình khiêm tốn của Mẹ được nhận ra trong lời kinh Magnificat. Chính vì thái độ và tâm tình đơn sơ, khiêm tốn, phó thác mà Mẹ đã được phúc Thiên Đàng, được làm mẹ con Thiên Chúa.

10/ Chúng ta hãy học nơi Chúa: Hãy quan tâm, trân trọng, hãy để mắt đến những con người yếu đuối, hèn kém, bởi vì họ cũng là những chi thể đau yếu của Chúa, đồng thời chúng ta cũng hãy học nơi Mẹ tâm tình khiêm tốn, đơn sơ, phó thác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con phải có một tâm tình trong sạch, đơn sơ, khiêm tốn và phó thác vào Chúa như tâm tình của các em bé, để chúng con xứng đáng là đền thờ cao quý cho Chúa ngự. Amen.

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1336
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  11
 Hôm nay:  512
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11350816
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top