Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 32 Thường Niên - C 2016 / Giuse Luca

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 32 Thường Niên C (07/11 -> 12/11/2016)

Thứ hai, 07/11/2016

Đề tài: CỚ VẤP PHẠM

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 17,1-6)

 

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã ; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã ! 2 Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. 3 Anh em hãy đề phòng !

“Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó ; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. 4 Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh : ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó.”

5 Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng : “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” 6 Chúa đáp : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.”

SUY NIỆM:

1. Hiến chế Mục vụ lên án mạnh mẽ rằng: Nguyên do phát sinh thuyết vô thần không ai khác hơn mà chính là trách nhiệm của người Ki-tô hữu khi không chú trọng đến việc giáo dục Đức tin; có khi vì trình bày giáo lý sai lạc hoặc do cách sống có quá nhiều thiếu sót về mặt luân lý trong đời sống xã hội.

2. Trước khi Chúa Giêsu lên trời, Ngài đã sai các Môn đệ đi rao giảng Tin Mừng nước trời và làm phép rửa cho muôn dân: Ngày nay khi mỗi người chịu phép rửa tội, cũng được Chúa Giêsu mời gọi tiếp tục sứ vụ đó. Bởi thế việc tuyên xưng và giới thiệu niềm tin là một trách nhiệm quan trọng, bắt buộc và hết sức cao cả của mỗi Ki-tô hữu.

3. Đức Giáo Hoàng Le-ô Cả mà chúng ta Mừng kính hôm nay dạy rằng: Phụng vụ Ki-tô giáo không phải chỉ là nhớ lại các biến cố của Đức Ki-tô trong quá khứ mà là thực tại hóaviệc Chúa chịu khổ nạn và phục sinh, và còn đem áp dụng vào trong cách sống của người Ki-tô hữu.

4. Mỗi người Ki-tô hữu hôm nay phải là: Những chứng nhân trung thành của Thiên Chúa trước mặt mọi người bằng những hành động cụ thể một cách hết sức nhiệt thành và đầy lòng bác ái yêu thương.

5. Chúa Giêsu nghiêm khắc trong việc lên án tội làm gương mù, gương xấu. Vậy thì thế nào là gương xấu? Theo các Giáo sư luân lý: Gương xấu là một lời nói, một cử chỉ, một hành động không thích  hợp với cách sống đạo, làm cớ cho người khác vấp phạm, sa ngã, phạm tội.

6. Tuy nhiên gương xấu không chỉ là hai hành vi nói trên mà thôi, mà ngay cả việc bỏ sót những trách nhiệm đáng lẽ mình phải làm mà lại không làm ,cũng sẽ là gương xấu vì nó làm dịp cho kẻ khác phạm tội và bị thiệt hại về đường thiêng liêng.

7. Một ví dụ cụ thể: Người có trách nhiệm phải lên tiếng về một tình trạng bất công, nhưng vì nhát sợ nên đã giữ thái độ im lặng cho yên thân , thì đó là một gương xấu cho kẻ khác.

8. Xét về tội tạo nên gương xấu, có hai loại: Gương xấu trực tiếp là hành động của một người có chủ ý như là tạo ra một dịp cho người khác sa ngã; gương xấu gián tiếp là hành động của một người dự đoán là hành vi của mình có thể là cớ vấp phạm cho kẻ khác, nhưng thật sự mình không muốn như vậy.

9. Gương xấu nào cũng cần tránh nhưng gương xấu nào chủ ý thì tội luôn nặng hơn.Còn những gương xấu gián tiếp thì cũng cần phải tránh.

10. Chúng ta phải tránh mọi gương xấu: Phải sửa chữa những thiệt hại về tinh thần, việc sửa chữa này phải thực hiện bằng lời cầu nguyện, bằng gương sáng để đền bù lại bằng những hành động thiết thực khác.

11. Chúa nói: Người gây ra gương xấu thì thà rằng cột thớt cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển. Hình phạt này coi như rất nặng, coi như chết mất xác, chúng ta đừng ai cố tình vì phải trả lẽ nặng nề trước mặt Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dìu dắt, nâng đỡ, chỉ bảo con, để con không làm cớ cho người khác hư đi. Amen.

 

Thứ ba 08/11/2016

Đề tài: TƯ CÁCH ĐÚNG CỦA MỘT TÔI TỚ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 17,7-10)

7 "Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi",8 chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau! ?9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?10 Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi."

SUY NIỆM:

1/ Thánh Terexa khi còn sinh thời, Ngài đã ví mình như một cục đất sét mà Thiên Chúa là người thợ gốm. Ngài có thể vất mình ở xó xỉnh nào đó, cũng có thể Ngài nắn mình ra hình một con trâu xấu xí, đen lẻm, Ngài cũng có thể làm ra một con búp bê công chúa tuyệt đẹp.

2/ Tác giả “gương Chúa Giêsu” khuyên chúng ta đừng bao giờ kiêu hãnh vì mình làm được việc này việc nọ. Liệu cục đất sét có thể nào được tôn vinh hơn người thợ gốm không?

3/ Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta sống khiêm tốn, nhờ vậy chúng ta mới có thể làm nên những việc tốt đẹp. Khi chúng ta nhìn nhận mình thấp hèn yếu đuối, thì cũng có nghĩa là chúng ta mở rộng lòng mình ra để đón Chúa, thì cũng chính là lúc Chúa đến ban nhiều ân sủng cho linh hồn chúng ta. Có Chúa ở cùng, chúng ta sẽ làm được mọi việc và thành công.

4/ Có Chúa ở cùng, chúng ta có chỗ vững chắc để nương tựa, nhờ đó chúng ta mới có sự tự tin. Có Chúa là có tất cả, có Chúa là có sự thành công và hạnh phúc.

5/ Dụ Ngôn hôm nay Chúa Giêsu muốn nói về cách phục vụ của một người đầy tớ ở xã hội phong kiến thời đó. Cũng là hình ảnh để nói về thái độ làm việc của mỗi người trước mặt Thiên Chúa. Đây là thái độ phải khiêm tốn khi làm việc.

6/ Dụ Ngôn hôm nay trình bày gương mặt của một ông chủ có một người đầy tớ thật tuyệt vời. Anh ta siêng năng, chăm chỉ và làm mọi công việc từ trong nhà ra ngoài đồng đều hết sức chu đáo.

7/ Đây là bổn phận của người đầy tớ trong xã hội phong kiến, ông chủ không cần phải biết ơn anh ta. Nói cho rõ hơn, anh là đầy tớ nên mãi mãi anh vẫn chỉ là đầy tớ. Anh liên tục làm việc cho ông chủ, là một bổn phận đương nhiên. Ông chủ chẳng bao giờ phải áy náy về vấn đề ơn nghĩa, và anh đầy tớ cũng chẳng có thể nghĩ đến chuyền đòi được trả ơn. Đó là mối tương quan giữa chủ và tớ.

8/ Dụ Ngôn này có ý muốn nhắc cho chúng ta nhớ rằng: chúng ta tất cả đều là tôi tớ của Thiên Chúa. Chúng ta được sinh ra để phục vụ Chúa qua các bổn phận, qua các công tác mà Chúa đặt lên trên đôi vai của chúng ta.

9/ Thiên Chúa cũng muốn chúng ta hiểu rằng: khi chúng ta làm xong bổn phận, chúng ta đừng có tự cao tự đại, đừng đòi Thiên Chúa phải thưởng công cho chúng ta.

10/ Ý Chúa muốn dạy chúng ta phải luôn ý thức rằng: Mình là thân phận tôi tớ trước mặt chủ, và thái độ chúng ta phải có đó là vô công, vô danh, là không được nghĩ đến mình, không được đòi công xá, không khen thưởng gì cả, cũng không được tìm danh vọng.

11/ Tóm tắt, chúng ta phải sống khiêm tốn, bởi vì tất cả những khả năng, những tài giỏi, sự thành công từ việc lớn đến việc nhỏ mà chúng ta làm được, cũng đều là do ơn Chúa ban. Vì không có Chúa, chúng ta chẳng làm được gì.

12/ Chúng ta chỉ là dụng cụ của Chúa, cho nên đừng huênh hoang tự đắc, đừng đề cao cái tôi, đừng khuếch đại giá trị của mình, đừng tự cho mình là đáng công trạng, đừng nghĩ nếu không có mình thì không xong, không hoàn thành được. Đó chỉ là kiêu ngạo mà thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi ân phúc là do Chúa thương ban, xin cho con làm mọi việc bằng ý hướng ngay lành, và nhất là luôn sống trong tinh thần khiêm tốn của một tôi tớ . Amen.**R

 

Thứ tư, 09/11/2016

Đề tài: CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LATERANO

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 2,13-22)

13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem.14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? "19 Đức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại."20 Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? "21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

SUY NIỆM:

1/ Lịch sử Giáo hội cho biết: Giáo hội sơ khai từ thời các Tông Đồ luôn bị bách hại liên tiếp trong 3 thế kỷ liền, ròng rã trong gần 300 năm. Các tín hữu đổ ra biết bao xương máu, sau đó mới có một chỗ đứng công khai trong đế quốc Roma.

2/ Bắt đầu từ triều đại vua Constantinop Cả vào khoảng năm 306. Vị vua này là Hoàng Đế Roma, ông ta tỏ ra rất có thiện cảm với đạo Công giáo. Với chiếu chỉ Milano, ông chủ trương cho tự do tín ngưỡng, ra lệnh trả lại tất cả các cơ sở và tài sản khác cho Giáo hội, triều đình sẽ bồi thường cho những người vì ngay tình mà mua các tài sản đó.

3/ Ở Roma, ông đã trích ngân quỹ triều đình để xây mới hoặc sửa chữa các cơ sở của Giáo hội, nhất là các thánh đường mà điển hình là thánh đường Laterano, đền thánh Phero trên đồi Vatican, và đền thánh Phaolo ở ngoại thành. Chính đền thờ Laterano mà hôm nay cung hiến do ông ra lệnh xây cất năm 324.

4/ Theo truyền thống của Giáo hội, các nhà thờ tu bổ lại hay mới xây cất, đều phải làm lễ cung hiến, nghĩa là làm lễ dâng đền thờ đó cho Thiên Chúa ngự để gặp gỡ loài người, cũng là nơi giáo dân cử hành phụng vụ tôn thờ Thiên Chúa.

5/ Một trong những lễ cung hiến danh tiếng, trọng thể, là lễ cung hiến đền thờ Thánh Yoan làm phép rửa. Đền thờ này chính là cung điện Laterano tại Roma, vua Constantinop dâng cung điện này và cho tu sửa thành đền thờ. Chính ông đã làm lễ cung hiến trọng thể vào năm 324, từ đó đền thờ Laterano là nhà thờ chính tòa của vị Giám Mục thành Roma, mà ai là giám mục thành Roma thì người ấy là Giáo hoàng.

6/ Tất cả Giáo hội đều coi Roma là Giáo hội mẹ, và mọi người đều hướng về đây như hướng về người Mẹ muôn thuở.

7/ Mỗi lần cung hiến đền thờ là mỗi lần nhắc nhở chúng ta về sự cao quý của đền thờ, mà chúng ta dành riêng để làm nơi thờ phượng, để làm nơi gặp gỡ: Chúa gặp chúng ta và chúng ta chạy đến để gặp Chúa, chúng ta đọc kinh, ca hát, xưng tội, chịu lễ. Nhưng nó chỉ tốt đẹp khi chúng ta làm tự đáy lòng chứ không phải bằng môi bằng miệng.

8/ Chúng ta phải cố gắng làm cho đời sống hằng ngày càng thêm tốt đẹp hơn mỗi khi chúng ta đến nhà thờ. Tấm gương cho chúng ta soi là ông Giakeu trong bài Tin Mừng: Chúa đến thăm nhà ông, Chúa ngự vào hồn ông, vì lòng tin tưởng sám hối chân thành và quyết tâm đổi mới, nên Chúa đã đến để cứu độ gia đình ông.

9/ Mỗi người chúng ta cần nhớ: Nhà thờ bằng gỗ đá, sắt thép tuy cao quý, nhưng Chúa vẫn muốn ngự trong một đền thờ sống động và cao quý hơn đó là chính tâm hồn mỗi người. Do đó chúng ta nên yêu Chúa không chỉ ở trong đền thờ mà phải là trong chính linh hồn chúng ta. Chúng ta phụng thờ Chúa không chỉ ở hy lễ trên bàn thờ, mà phải là trong thánh lễ bằng cả cuộc đời mình.

10/ Chúng ta đến nhà thờ tham dự thánh lễ với mục đích gặp gỡ Chúa và mong được tiếp xúc thân mật với Chúa. Chúng ta đừng để tâm hồn chúng ta bị những thứ khác chiếm dụng làm dơ bẩn đền thờ, cũng đừng để cho cuộc gặp gỡ giữa ta với Chúa bị giới hạn bởi những cám dỗ của thế gian, của những đam mê vật chất. Ước mong rằng các cuộc gặp gỡ ấy luôn kéo dài ra bằng cả cuộc đời của chúng ta, để chúng ta có thể làm vinh danh Chúa bằng cách hăng say và nhiệt thành phụng thờ Chúa hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn được gặp gỡ Chúa ở nhà thờ, để Chúa biến đổi linh hồn con trở nên đền thờ xứng đáng là nơi cho Thiên Chúa ngự trị luôn mãi. Amen.**R

 

Thứ năm, 10/11/2016

Đề tài: NGÀY NÀO NƯỚC THIÊN CHÚA ĐẾN ?

THÁNH LÊÔ CẢ - GIÁO HOÀNG, TSHT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 17, 20-25)

20 Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: "Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. 21 Và người ta sẽ không nói: "Ở đây này! hay "Ở kia kìa! vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông." 22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. 23 Người ta sẽ bảo anh em: "Người ở kia kìa! hay "Người ở đây này! Anh em đừng đi, đừng chạy theo. 24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. 25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.

SUY NIỆM:

1/ Khi nào nước Thiên Chúa đến? Một câu hỏi mà ai cũng cần phải chuẩn bị câu trả lời. Một câu hỏi được đặt ra: Khi nào chúng ta cần ăn năn hối cải? Xin thưa! Khi biết mình sắp chết. Vậy thử hỏi chừng nào tôi chết? Thưa, không biết. Vậy thì hãy ăn năn ngay từ bây giờ…

2/ Nếu chút nữa tận thế, vậy ngay lúc này bạn phải làm gì? Thưa, tôi đi xưng tội. Một cận cảnh cho chúng ta thấy “kẹt xe”. Bình thường cứ cho là có 1/3 số người đi ra khỏi nhà để chợ búa, đến công sở, ngày nào cũng kẹt xe, kẹt trầm trọng và khủng khiếp.

3/ Thế thì nếu tất cả mọi người đều vụt chạy ra khỏi nhà đến nhà thờ để xưng tội.Nhưng liệu chúng ta có đến được nhà thờ không? Hơn nữa lúc ấy các Linh Mục cũng lo chạy đi xưng tội, vậy ai sẽ giải tội cho ai ?

4/ Mọi việc sẽ quá trễ nếu ta đợi đến giờ chết hoặc đợi đến khi tận thế. Tốt hơn hết, một lời khuyên khôn ngoan: Điều gì bạn cần phải làm lúc gần chết, tốt hơn hết hãy phải làm ngay bây giờ.

5/ Khi nhìn những chiếc lá vàng rơi, những cơn gió lạnh tràn về, người ta nhận ra tín hiệu đổi mùa, mùa thu đã tới, chuẩn bị cho mùa đông lạnh giá.

6/ Trong cuộc đời của chúng ta luôn có những tín hiệu: Sức khỏe xuống cấp, một cơn bạo bệnh, một tai nạn xảy ra cho ai đó. Tất cả những ký hiệu đó báo trước một biến cố sắp xảy ra và giờ chết có thể đang đến gần.

7/  Thiên Chúa không chỉ đến trong ngày quang lâm, ngày tận cùng của thế giới,nhưng Người cũng đang đến trong tất cả những biến cố lớn nhỏ xảy đến trong cuộc đời. Mọi tín hiệu vui hay buồn đều có ẩn ý : Thiên Chúa muốn báo trước cho tôi, điều quan trọng nhất trong những biến cố ấy là Ngài vẫn ở cạnh tôi, liệu tôi có muốn ở cạnh Ngài không ?

8/ Hôm nay Chúa Giêsu trả lời câu mà người Phariseu hỏi: Khi nào thì triều đại Thiên Chúa đến ?. Chúa trả lời: Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông. Vậy ý Chúa muốn nói điều gì ?

9/ Trước hết chúng ta cần hiểu rằng: Chủ đề chính các bài giảng của các Ngôn Sứ chính là nước Thiên Chúa và Chúa Cứu Thế đến.

10/ Tuy nhiên những nét phát họa của các vị ấy còn rất mơ hồ, gián tiếp, gói gém trong những hình ảnh có tính cách thời sự, lịch sử : Thời lưu đày sẽ chấm dứt, dân Chúa sẽ được giải phỏng, thế nhưng dưới ánh sáng của Tân Ước, chúng ta thấy hình ảnh này rất rõ ràng, sống động.

11/ Khi Chúa đến trần gian, thì lời giảng của Chúa là loan báo, giới thiệu, trình bày về nước Thiên Chúa, ngoài ra Chúa còn giải thích cho mọi người hiểu.

12/ Chúa còn dùng Dụ Ngôn để giải nghĩa về nước trời, và Chúa cũng luôn nhấn mạnh: Nước Trời không còn ở xa xôi nữa, cũng không còn là một lời hứa, nhưng nó đã trở thành hiện thực, nước Trời đã đến cùng với Ngài.

13/ Chính Chúa Giêsu đã thiết lập nước Thiên Chúa ở trần gian. Ai tin, ai sám hối đón nhận Ngài là người đó đã vào nước Thiên Chúa.

14/ Khi trả lời câu hỏi của người Phariseu, Chúa Giêsu nói : Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông. Nghĩa là: Nước Thiên Chúa không phải là một địa điểm, một nơi chốn, vì nước Thiên Chúa không thuộc về thế gian này, nên không ai có thể nói: nó ở đây hay ở kia.

15/ Nước Thiên Chúa không phải là một thế lực, cho nên không thể căn cứ vào số người rửa tội, số người đi lễ đọc kinh mà có thể phóng đoán được hình ảnh nước Thiên Chúa.

16/ Không ai có thể vẽ bản đồ, không ai có thể thống kê số người. Bởi vì nước Thiên Chúa thuộc về đời sống nội tâm, cho nên những ai đang sống trong chân lý, tình thương, hòa bình và ân sủng thì nước Thiên Chúa đang ở giữa họ.

17/ Bài Tin Mừng cho chúng ta một hình ảnh đúng, đầy đủ về nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chỉ hứa cho chúng ta nước Trời mai sau, hay hạnh phúc ở cuối đời. Mà Ngài sẽ trao ban cho chúng ta ngay trong cuộc hành trình đời này. Vậy chúng ta hãy nỗ lực trong đời sống hiện tại thì Thiên Chúa mới thu nhận chúng ta vào làm công dân nước Trời mai sau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cho dù đời con có biết bao thăng trầm, xin Chúa hãy đồng hành và dắt dìu con tới bến bình an. Amen.**R

 

Thứ sáu, 11/11/2016

Đề tài: HÃY SẴN SÀNG CHỜ ĐỢI

THÁNH MARTINÔ – GIÁM MỤC

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 17, 26-37)

26 "Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. 27 Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả. 28 Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. 29 Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. 30 Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải. 31 "Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. 32 Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. 33 Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. 34 Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 35 Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 36 Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại." 37 Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: "Thưa Thầy, ở đâu vậy? " Người nói với các ông: "Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó."

SUY NIỆM:

1/ Thánh Gieronimo tin rằng thánh địa sẽ là nơi xảy ra cuộc phán xét chung. Vì thế nên Ngài đã đến thánh địa để ăn chay cầu nguyện và đón chờ ngày Chúa đến phán xét chung.

2/ Khi nhận ra điều này, chúng ta cũng cần phải chuẩn bị: tâm tình sẵn sàng là phải luôn sống trong sự ăn năn sám hối và đền bù tội lỗi.

3/ Cách thế chúng ta tích cực đợi chờ ngày Chúa đến xét xử, chính là năng suy gẫm về cái chết của những người thân quá cố. Nhờ đó chúng ta sẽ vững tin và sống trong hy vọng một sự biển đổi toàn diện khi Chúa Kito ngự đến.

4/ Ý thức về thân phận hay chết gợi lên cho người Kito hữu hiểu rõ về thân phận mong manh bất toàn của kiếp con người.

5/ Chúng ta không biết rõ điều gì sẽ xảy ra trong giờ phán xét, nên mỗi người phải hoàn toàn hướng lòng về mục tiêu tìm kiếm cho mình một chung cuộc có giá trị hạnh phúc nước Trời mà Đức Kito không ngừng rao giảng.

6/ Bài Tin Mừng hôm nay kể lại những điều Chúa Giêsu trả lời cho nhóm Phariseu khi họ băn khoăn hỏi Chúa: ngày Chúa đến là ngày nào? Ngày nào Chúa quang lâm, ngày nào Chúa tái giáng thế lần thứ hai ?

7/ Bài Tin Mừng Chúa muốn cho họ biết một dấu hiệu là: Chúa sẽ đến thình lình như ánh chớp xuyên qua bầu trời, ánh chớp ấy đột xuất và bất ngờ giữa cơn ngủ quên của người trần thế.

8/ Ví dụ thứ nhất về sự ngủ quên này: Vào thời ông Noe, thời đó người ta cũng làm ăn phồn thịnh nên sinh ra thói ăn chơi phè phỡn, phạm tội mút mùa. Trong khi đó chỉ mình ông Noe cặm cụi đi đóng tàu để tránh lụt, lúc đó mọi người đều cười chê ông là điên khùng, dại dột, tính khí kỳ khôi, dị thường.. Còn bọn họ thì cứ sống hưởng thụ, ăn chơi, nghĩa là họ chỉ lo cho cái bụng.

9/ Nhưng giữa lúc đang hưởng thụ vinh hoa phú quý thì lụt Đại Hồng Thủy đến cuốn trôi tất cả. Kinh Thánh ghi lại là họ chết tất cả dưới dòng nước lụt ấy.

10/ Rõ ràng là gieo gió thì gặt bão, sống sao chết vậy, gieo trong xác thịt thì gặt trong hư nát. Thiên Chúa đã đến và gọi đi một cách bất ngờ/ ngày Chúa trở lại cũng sẽ đầy bất ngờ như vậy.

11/ Ví dụ thứ hai vào thời ông Lot, cả Thành Soloma cũng làm ăn thịnh vượng nên người ta cũng ăn chơi thả giàn. Nghĩa là tất cả đang hưởng thụ một thứ bình an thế gian, là thứ bình an giả tạo trong tội lỗi.

12/ Giữa lúc họ sống trong tội ác như vậy thì lửa trời đã đổ xuống thiêu hủy tất cả. Chỉ mình gia đình Ông Lot thoát chết, nhưng bà Lot sau đó lại thành tượng muối vì bà còn ham của cải nên đã quay đầu lại nhìn, và đã bị phạt.

13/ Hai câu chuyện trên đây là hai bài học nhắc nhở: Thiên Chúa sẽ đến và gọi chúng ta một cách rất bất ngờ, ngày Chúa phán xét cũng đầy bất ngờ như vậy. Thế nên cả nhân loại, cả chúng ta đều không thể biết bao giờ Chúa trở lại.

14/ Điều chúng ta cần ghi nhớ: Cuộc sống trần gian là lữ hành, chúng ta không khác chi một bông hoa phù dung, cuộc đời chúng ta ngắn ngủi lắm. Vì thế chúng ta đừng sống trong tình trạng đáng tiếc, đáng phàn nàn, đáng than khóc. Hãy sống sao cho có kết quả tốt đẹp, mỗi người hãy tự lo, không ai có thể lo dùm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, đời con người thật chóng qua, xin Chúa giúp con luôn sống trong ơn nghĩa Chúa và ơn trung thành với Chúa đến cùng. Amen.**R

 

Thứ bảy, 12/11/2016

Đề tài: CẦU NGUYỆN TRONG NIỀM TIN

THÁNH JÔSAPHAT – GIÁM MỤC, TỬ ĐẠO

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 18,1-8)

1 Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2 Người nói: "Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3 Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: "Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho. 4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc." 6 Rồi Chúa nói: "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! 7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"

SUY NIỆM:

1/ Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên Trời, lòng Ngài luôn hướng về chúng ta để lắng nghe những điều chúng ta kêu xin. Vì thế chúng ta hãy đến với Người bằng những tâm sự, những tâm tình phó thác, tin tưởng và kiên trì.

2/ Chúa Giêsu cũng dạy các Môn Đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, qua câu chuyện vị thẩm phán bất lương và người bạn xin bánh ban đêm.

3/ Cha Thánh Vianney đã khuyên một người nông dân trong Xứ Ars cách cầu nguyện đơn giản như thế này: Mỗi ngày trước khi ra đến ngoài đồng, anh hãy ghé nhà thờ cầu nguyện trong giây lát rồi hãy ra đồng; lúc chiều về anh cũng hãy ghé vào nhà thờ để cầu nguyện như vậy.

4/ Thiên Chúa luôn muốn chúng ta ngày đêm hằng kêu cầu danh Ngài, dù những lúc cam go nhất, Thiên Chúa cũng luôn hiện diện bên chúng ta. Người giải thoát chúng ta khỏi ách tội lỗi, và mang chúng ta về hưởng hạnh phúc bên Ngài.

5/ Lời Chúa Giêsu khuyên dạy trong bài Tin Mừng: Phải cầu nguyện luôn đừng nản chí. Nhưng làm sao chúng ta có thể cầu nguyện trong cơn lốc công việc mỗi ngày. Xin thưa, Chúa bảo chúng ta hãy biến công việc thành lời cầu nguyện.

6/ Cầu nguyện luôn, có phải là gia tăng các hành vi cầu nguyện không? Thưa không phải, nhưng là luôn hướng lòng về với Chúa, và hướng tất cả các công việc về Ngài. Học vì Ngài, làm vì Ngài, mọi việc chỉ vì Ngài mà thôi. Dù đau khổ, dù hạnh phúc, dù trong lúc nghỉ ngơi và ngay cả khi ta chết cũng vì Ngài.

7/ Điều này có nghĩa là: Hoàn thành mọi công việc cách tốt đẹp và luôn ý thức rằng:Chúng ta nối dài hành vi sáng tạo của Thiên Chúa và hành vi cứu chuộc của Chúa Kito, nhằm giúp Thiên Chúa thực hiện chương trình của Ngài trên toàn thế giới.

8/ Được như vậy là chúng ta đã biến mọi công việc chúng ta làm thành một hành vi thánh thiện. Và đó là cách chúng ta cầu nguyện được hiểu một cách sâu xa nhất tại thời đại chúng ta đang sống hôm nay.

9/ Chính nhờ cách cầu nguyện mà chúng ta thực hiện được mệnh lệnh của Chúa:Phải cầu nguyện luôn. Cụ thể mỗi sáng khi thức dậy, chúng ta nên dâng ngày sống của chúng ta cho Chúa bằng lời nguyện vắn tắt. Rồi trong lúc làm việc, chúng ta dành ít thời gian để hướng lòng về Chúa, để hướng lòng lên những sự vĩnh cửu trên trời, để đón nhận ánh sáng đức tin và sức mạnh nơi Chúa.

10/ Tối đến trước khi ngủ, chúng ta cũng đọc thêm vài lời kinh vắn tắt như lúc sáng để cảm tạ Chúa vì một ngày vừa qua. Đây cũng chính là hành vi xét mình xám hối để xin Chúa tha cho những lỗi lầm đã phạm, và quyết tâm sống tốt hơn vào ngày hôm sau.

11/ Nếu chúng ta sống được như thế là chúng ta đã biến đời mình thành một lời cầu nguyện không ngừng. Ai cũng có thể sống như thế, chúng ta nên xác tín rằng: Lời cầu nguyện là lẽ sống của người Kito hữu, nó như không khí chúng ta hít thở, khi nào thôi thở, thôi cầu nguyện chính là lúc ta chết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cầu nguyện là lẽ sống của đời con. Lúc con cầu nguyện là lúc con còn tin Chúa, còn yêu mến Chúa. Xin cho con luôn sống bằng lời cầu nguyện như Chúa đã làm và đã dạy. Amen.**R


Trở lại      In      Số lần xem: 1850
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  497
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11350801
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top