Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 34 Thường Niên - C 2016 / Giuse Luca

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 34 Thường Niên C (21/11 -> 26/11/2016)

Thứ hai, 21/11/2016

Đề tài: AI THUỘC TRỌN VỀ THIÊN CHÚA

LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH VÀO ĐỀN THỜ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 12,46-50)

46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.47 Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy."48 Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? "49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."

SUY NIỆM:

1/  Khi một ca sĩ lên sân khấu hát, người ta thường mang hoa lên dâng tặng để hoan hô, cổ võ. Một Linh Mục kia sau khi giảng xong trong một giờ lễ của thiếu nhi, một bé gái mang một cành hoa lên dâng tặng. Ngài mới hỏi: Vì sao con tặng hoa cho ta? --Vì con mến Ngài. --Vậy con có dâng gì cho Chúa không? --Con dâng lên Chúa cả cuộc đời của con.

2/ Giữa đám đông dân chúng, Chúa Giêsu đã ca tụng Mẹ Maria là người đã biết lắng nghe và thi hành lời Chúa. Trọn đời Mẹ được gói gọn trong hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ là mẫu gương thực thi ý Chúa cho mỗi người chúng ta.

3/ Qua bí tích rửa tội, chúng ta đã chính thức gia nhập vào gia đình của Thiên Chúa, được Chúa đón nhận và yêu thương. Nhưng nếu muốn sống xứng đáng với tình yêu thương đó, chúng ta phải biết đón nhận và thực thi ý Chúa.

4/ Luật lệ Do Thái cho phép các Trinh nữ Do Thái được dâng mình để phục vụ Thiên Chúa tại đền Thánh. Về trường hợp của Mẹ Maria, theo truyền thuyết, Mẹ đã dâng mình cho Chúa từ rất sớm, ngay khi vừa có chút khả năng hiểu biết ở tuổi khôn. Theo ngụy thư, thì Đức Mẹ được ông Yoakim và bà Anna dâng hiến vào đền Thánh lúc mới 3 tuổi. Đức Mẹ đã ở lại trong đền thánh rất nhiều năm.

5/ Dựa vào lưu truyền trên đây, người Hy Lạp, Armenia và Latinh đều mừng lễ Mẹ dâng mình vào ngày 21/11. Theo ông Simon Metaphorat thì lễ này được mừng chính thức vào năm 730 tại Contantinopoli, đó là tại Giáo hội Đông phương.

6/ Còn Tây Phương thì mãi đến thế kỷ 11 mới có cử hành lễ này. Trải qua nhiều thăng trầm, bãi bỏ, rồi lập lại, cuối cùng Đức Sisto 5 tái lập lại và duy trì cho đến hôm nay.

7/ Ngay từ khi bắt đầu có sự hiểu biết cho đến hết cuộc đời, không một giây phút nào mà Mẹ Maria không hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa. Thánh Yoan mô tả Đức Maria “chân đạp mặt trăng”, có nghĩa là Mẹ khinh chê của cải thế gian, Mẹ mau mắn từ bỏ tất cả để dâng mình cho Thiên Chúa.

8/ Mẹ dâng mình cho Thiên Chúa như thế nào? Mẹ dâng trí khôn để chỉ tìm biết ý Chúa, Mẹ dâng trái tim để chỉ yêu mến một mình Thiên Chúa, Mẹ dâng đôi mắt chỉ để chiêm ngưỡng một mình Thiên Chúa, Mẹ dâng miệng lưỡi chỉ để ngợi khen, tôn vinh Thiên Chúa.

9/ Mẹ dâng cả hồn xác cho Chúa làm chủ cai trị. Mẹ hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa, chỉ làm theo ý Chúa mà không bao giờ làm theo ý riêng mình, Mẹ dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa nên đã được Thiên Chúa ban lại trọn vẹn đầy đủ mọi ơn, mọi đức tính tự nhiên cũng như các nhân đức siêu nhiên.

10/ Từ đây chúng ta nhận ra một chân lý: Càng dâng hiến trọn vẹn cho Chúa thì Chúa càng lo lắng hoàn toàn cho chúng ta. Chúng ta cần xét lại xem chúng ta đã dâng mình cho Chúa thế nào, có dâng hết không hay chừa lại một phần, để cho một thần tượng nào đó xâm chiếm lòng mình như tiền bạc, của cải, thú vui, danh vọng, rượu chè, sái thuốc, dục tình ?

11/ Chúa muốn trước khi dâng mình, chúng ta phải dẹp bỏ tất cả, sau đó mới mời Chúa vào làm chủ, như thế chúng ta có chịu không, có vui lòng không ?

12/ Giáo hội luôn khuyến khích chúng ta: Chúng ta hãy nhờ Mẹ Maria dâng chúng ta cho Chúa, như vậy chúng ta hãy dâng hết những thứ chúng ta có cho Chúa. Có nghĩa là chúng ta dâng hết cuộc đời của chúng ta cho Mẹ bằng tâm tình phó thác, yêu mến, tin tưởng, cậy trông.

13/ Chúng ta không thể biết cuộc đời chúng ta sẽ ra sao, nên chúng ta hãy mau phó thác mọi sự cho Mẹ, đặt mình dưới sự chở che, lo lắng của Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng ta luôn sống đẹp lòng Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa có một người Mẹ gương mẫu, thánh đức là Đức Maria. Xin cho chúng con luôn sống tin tưởng, vâng phục và thực thi thánh ý Chúa như Mẹ. Amen. **R

 

Thứ ba, 22/11/2016

Đề tài: TRỜI ĐẤT SẼ QUA ĐI

KÍNH THÁNH CÊCILIA – TRINH NỮ, TỬ ĐẠO

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 21,5-11)

5 Khi ấy, nhân có mấy người nói về Đền Thờ lộng lẫy nguy nga với những phiến đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo : 6 “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” 7 Họ hỏi Người : “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước ?”

8 Đức Giê-su đáp : “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng : ‘Chính ta đây’, và : ‘Thời kỳ đã đến gần’ ; anh em chớ có theo họ. 9 Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. 10 Rồi Người nói tiếp : “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. 11 Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém ; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.”

SUY NIỆM:

1. Thế giới đang cùng lúc đối diện với nhiều cơn khủng hoảng: kiểu gì thì nó cũng có sức công phá của nó, mọi người đều cho rằng: Điểm nóng của thế giới hôm nay chính là khủng hoảng kinh tế. Thế nhưng khủng hoảng đạo đức, tôn giáo và luân lý cũng đâu kém phần trầm trọng.

2. Con người vốn dĩ chỉ thích đưa bản thân mình lên: Thích tôn vinh sự nguy nga tráng lệ bên ngoài, nhưng đối với Chúa Giêsu, điều mà nhân loại cần quan tâm hơn hết chính là vẻ đẹp bên trong tâm hồn      (là cuộc sống, là hạnh phúc vĩnh cửu)       chứ không phải là những thứ mau qua của trần thế.

3. Điều mà con người cần quan tâm chính là làm sao để niềm tin luôn luôn đứng vững: Để con người có thể nhận định được những dấu chỉ của thời gian và bình tĩnh trước mọi biến cố, cho dù là những biến cố lớn lao từ bầu trời!

4. Thánh Ambrosio, bậc thầy của Thánh Augustino đã nhận định rằng: Mỗi con người chúng ta là một đền thờ, đền thờ này chỉ sụp đổ khi niềm tin trong lòng chúng ta bị sụp đổ .

5. Chính vì thế Chúa Giêsu đã cảnh cáo rằng: Đừng bị dao động bởi những biến cố bên ngoài nhưng là phải kiên vững niềm tin từ bên trong => Bởi vì khi Chúa đến đi kèm với những biến động lớn lao, thì liệu rằng niềm tin của chúng ta có còn kiên vững hay không? (Lc 18,8)

6. Diễn biến câu chuyện: Sau khi Chúa chỉ trích các luật sĩ và đề cao tấm lòng quảng đại của bà góa. Khi Chúa Giêsu và các Môn đệ ra khỏi đền thờ và đi về phía núi cây dầu; từ nơi này, mọi người có thể nhìn thấy đền thờ Yerusalem đồ sộ, nguy nga, kiên cố, các Môn đệ liền tấm tắc khen ngợi và có cảm nghĩ rằng: Đền thờ này sẽ tồn tại đến muôn đời.

7. Nhưng Chúa Giêsu tỏ thái độ bi quan và báo trước rằng: Sẽ có một ngày đền thờ này sẽ bị tàn phá bình địa, lời tiên báo này đã trở thành sự thật vào năm 70 khi quân Roma tiến chiếm và phá hủy bình địa thành Yerusalem.  *****

8. Bài Tin Mừng này Chúa muốn giảng dạy về sự sụp đổ của Thành Yerusalem,   và cũng là dấu chỉ ngày cánh chung của thế giới.

9. Chúa Giêsu loan báo sẽ có những điềm lạ xuất hiện trước khi đền thờ bị sụp đổ .  . Ở đây Chúa đề cập với hai điềm báo: Tiên tri giả xuất hiện và chiến tranh loạn lạc!

10. Trước kia, nhiều Ngôn sứ đã tiên báo: Đền thờ thứ nhất sẽ bị tàn phá (Mk 3,1/Ger 7,1-15/ Ez 8,11) tượng trưng cho giao ước của Thiên Chúa bị dân Chúa phá hủy do dân bất trung với giao ước, thay vì họ hối cải thì lại gây cho họ lòng phẩn nộ !

11. Đến lượt Chúa Giêsu tiên báo đền thờ cuối cùng do Hêrôđê xây cất (Lc19,43-44):Cũng sẽ bị hoang tàn vì dân Do Thái khước từ Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa sai đến, nhưng lời tiên báo đó đáng lẽ ra là phải giúp họ hối cải thì họ lại ngỡ ngàng và phản đối (Mt 26,61/Cv 6,14) Đây cũng là lời Đức Giêsu tiên báo trước số phận đền thờ Yerusalem sẽ bị tàn phá bình địa.

12. Bài Phúc Âm hôm nay nói đến 2 điềm báo: Tiên tri giả xuất hiện và Chúa bảo đừng nghe theo họ // người ta làm chứng rằng trước khi Yerusalem bị tàn phá, đã xuất hiện rất nhiều tiên tri giả.

13. Về chiến tranh lạc, thiên tai khủng khiếp: Luca cho biết những hiện tượng đó không thuộc về ngày tận thế, mà chỉ thuộc về lịch sử của thiên nhiên; có thể tác giả Luca liên tưởng đến vụ lộn xộn về chính trị xảy ra vào năm 68, khi mà vua Nêrô băng hà.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn giữ vững niềm tin trước mọi biến động của thời cuộc vì chính Chúa là chủ tể mọi vật, sẽ phân xử theo lẽ công minh để không ai phải thất vọng vì Ngài. Amen.***

 

Thứ tư, 23/11/2016

Đề tài: CHỨNG NHÂN CHO TIN MỪNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 21,12-19)

12 "Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy.13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào.15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được.16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em.17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

SUY NIỆM:

1/ Thánh Augustino nói: Nếu tôi yêu Chúa thật lòng đến độ tôi coi thường bản thân, thì nếu có bị bắt tôi cũng chẳng mất mát gì. Người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị của tôi, chứ họ không thể lấy mất Chúa của tôi. Vì thế đây cũng là dịp để tôi có thể rao giảng về Chúa.

2/ Hôm nay Chúa Giêsu báo trước về số phận của những người theo Chúa. Trước tiên là bị ghen ghét, tố cáo, bị bách hại, bị giao nộp và bị giết chết.

3/ Chúa cũng muốn nhấn mạnh rằng: Đây chính là cơ hội để các ông làm chứng cho Chúa, cho sự thật. Vì thế, Chúa muốn giúp đỡ các ông bằng cách ban thần khí để các ông có đủ sức mạnh khi đối diện với kẻ thù.

4/ Chúa khuyên các ông “Đừng sợ”, vì nếu vượt qua được ,các ông sẽ nhận được phần thưởng lớn lao trên trời. Tuy nhiên muốn được như vậy các ông phải kiên trì và bền đỗ đến cùng.

5/ Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của năm phụng vụ. Vì thế Giáo hội cho chúng ta đọc những đoạn Tin Mừng nói về ngày tận thế. Khi tận thế đến, thì sẽ có những tai họa khủng khiếp xảy ra, những gian truân chưa từng thấy, những chiến tranh tàn khốc, thiên tai đủ thứ xảy ra khắp mặt đất. Những tai họa này xảy ra với tất cả mọi người, nên không ai trốn tránh hay thoát khỏi được.

6/ Đối với các tín hữu, Chúa Giêsu còn cho biết thêm: Họ còn phải gặp những cơn bách hại ghê gớm, họ sẽ bị mọi người ghen ghét, thậm chí là bị người thân tố cáo bắt nộp họ, họ bị đưa ra tòa vì cái tội dám tin vào Chúa, một số người sẽ bị giết chết.

7/ Nhưng Chúa Giêsu lại trấn an, khích lệ. Đây là cơ hội để họ làm chứng cho Chúa, và Chúa đã căn dặn tỉ mỉ :phải làm thế nào nếu khi có dịp phải làm chứng cho Chúa.

8/ Chúa hứa sẽ giúp đỡ họ ăn nói khôn ngoan. Đừng sợ mất gì cả, cho dù là một sợi tóc trên đầu cũng không mất, và sẽ được phần thưởng lớn lao trên trời. Muốn được như vậy phải kiên trì, phải bền đỗ đến cùng.

9/ Chúa Giêsu nhắc chúng ta: Đừng bận tâm về ngày nào tận thế, hãy lo sống kiên trì trong thời hiện tại. Đối với chúng ta hôm nay là phải kiên trì cho đến cùng, hãy sống đúng tư cách của một Kito hữu đích thực, chứ đừng sống kiểu có tiếng mà không có miếng, hữu danh vô thực.

10/ Cách làm chứng cho Chúa tốt nhất chính là thể hiện tối đa tình yêu thương đối với những người khác. Chúng ta chưa phải là Kito hữu chân chính nếu chúng ta chưa thể hiện tình yêu thương nhau.

11/ Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Tôi có yêu thương người láng giềng không? Tôi có mở rộng con tim đối với người khác không? Tôi có sẵn sàng chia sẻ điều mình có cho người khác không? Nếu chúng ta trả lời đúng được những câu hỏi đó, chúng ta mới thực là con cái của Chúa Kito.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết vui lòng chịu đựng những gian khổ Chúa gởi đến, để quyết một lòng theo đức Kito tới đỉnh đồi Can-vê và dám hy sinh vì Chúa đến giọt máu cuối cùng. Amen.**R

 

Thứ năm, 24/11/2016

Đề tài: MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM /

HÃY VINH DỰ VÌ TỔ TIÊN MÌNH 

BỔN MẠNG HỘI THÁNH CÔNG GIÁO VIỆT NAM

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 9,23-26)

23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

SUY NIỆM:

1/ Một vinh dự đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam: Lần đầu tiên trong lịch sử giáo hội công giáo được phong thánh cùng một lúc đạt kỉ lục 118 vị. Đa số giáo dân Việt Nam đã chịu khổ hình và chết vì đạo trên đất nước Việt Nam trong các thế kỷ 18 và 19, từ 1773 đến 1862, đã được phong chân phước 5 đợt, vào các năm 1900- 1906 -1909 – 1951- 2000.

2/ Xếp theo thời gian:

- Trịnh Nguyễn: 4 vị; Cảnh Thịnh: 2 vị; Minh Mạng: 58 vị; Thiệu Trị: 3 vị; Tự Đức: 50 vị.

- Còn một vị riêng lẻ là Thầy An-rê Phú Yên tử đạo ngày 26/7/1644 tại Kẻ Chàm, được phong chân phước vào năm 2000.

3/ Năm đợt phong chân phước:

a) 27/5/1900: Do Đức Lê-ô 13 => 64 vị

b) 5/4/1906: Do Đức Pi-ô 10 =>    8 vị

c) 02/5/1909: Do Đức Pi-ô 10 => 20 vị

d) 29/4/1951: Do Đức Pi-ô 12 => 25 vị

e) 05/3/2000: Do Đức Gioan Phaolo II  => 1 vị

TỔNG CỘNG: 118 Vị  (Chúng ta vẫn quen nghe các Linh mục giảng là chỉ có 117 vị)

4/ Quốc tịch của từng vị Thánh

· 97 Người  Việt Nam

· 11 Người  Tây Ban Nha

· 10 Người Pháp

5/ Thành phần:

-  Nước ngoài: 8 Giám Mục, 13 Linh Mục

-  Việt Nam: 37 Linh Mục, 1 chủng sinh, 15 thầy giảng và 44 giáo dân.

6/ Các Giám Mục và Linh Mục Châu Âu có công rất lớn, nhưng tòa Thánh xét thấy đa số các thánh tử đạo là người Việt, nên bộ phong thánh chấp nhận để tên các vị Thánh Việt Nam lên hàng đầu trên danh hiệu chính thức của bán án phong Thánh, theo thỉnh nguyện của Việt nam. Bản án không kể hết tên, chỉ nêu danh đại diện cho mỗi thành phần, mỗi nước. Riêng Việt Nam có 3 vị đứng đầu đại diện cho Bắc Trung Nam là một nhà Việt Nam.

7/  Các vị Thánh đại diện cho 3 miền:

a)  Miền Bắc: An-rê Trần An Dũng Lạc (Linh Mục)

b) Miền Trung: Toma Trần Văn Thiện (Chủng Sinh)

c)  Miền Nam: Emmanu-en Lê Văn Phụng (Giáo dân)

8/ Thời điểm phong Thánh: Vào lúc 9h00 sáng ngày 19/6/1988 = 15h00 cùng ngày tại Việt Nam. Trước 8.000 người Việt Nam cư ngụ tại 40 nước, 11.000 người Tây Ban Nha, 3.000 người Pháp. Rất đông giáo dân Ý và khách thập phương. Tại Tiền đường Thánh Phê-rô, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II cùng với 2 vị Hồng Y phụ tá, và 22 vị đồng tế, có một giám mục Việt Nam. Đức Giáo Hoàng tuyên bố phong thánh.

9/ Chi tiết bổ sung: Có khoảng 130.000 người tử đạo trong 42 cuộc bách hại lớn nhỏ ròng rã trong 3 thế kỷ 17->19 , nghĩa là trong 235 năm. Gồm 7 lần thời Chúa Nguyễn, 16 lần thời Chúa Trịnh, 6 lần thời Tây Sơn, 6 lần thời Minh Mạng, 2 lần thời Thiệu Trị, 5 lần thời Tự Đức.

10/ Ngoài các vị Thánh đã được tôn phong, Giáo hội Việt nam còn một hồ sơ thứ hai đã trình tòa Thánh từ 14/10/1917, xin phong chân phước cho 1.315 vị đáng kính, là cấp bậc đầu tiên phải trải qua trước khi xin phong Thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban đức tin cho chúng con, nhờ vào máu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã đổ ra. Amen. **R

 

Thứ sáu, 25/11/2016

Đề tài: HÃY TIN VÀO NHỮNG DẤU CHỈ CỦA THỜI ĐẠI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 21,29-33)

29 Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn: "Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. 30 Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi. 31 Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. 32 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 33 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.

SUY NIỆM:

1/ Nếu chúng ta tin Chúa vì những lời tiên báo đã xảy ra, nếu chúng ta tin Chúa vì những lời cầu xin được Chúa nhậm lời => Vậy thì lúc nào chúng ta mới tin? Tin mọi nơi, mọi lúc, hay chỉ tin vào lúc này mà lúc khác lại không tin?

2/ Người Kito hữu thường lo lắng, thắc mắc: Không biết ngày nào thì Chúa quang lâm? Ngày tận thế sẽ ra sao? Việc gì sẽ xảy ra?. Chúa dạy ta: Hãy biết nhìn vào các biến cố xảy ra trong cuộc đời mình và trên thế giới, để có thể nhận biết rằng Chúa đã đến hay đang đến.

3/ Muốn nhận ra tiếng Chúa, chúng ta cần lắng tai nghe; muốn nhận ra bước chân của Chúa, chúng ta cần phải tỉnh thức => Phải biết nhận ra thánh ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống.

4/ Ngoài ra chúng ta còn phải: Vững lòng tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Như thánh trẻ Dominicô Saviô, ngài luôn sẵn sàng mọi lúc mọi nơi nên không bao giờ biết hoảng sợ, cho dù là tận thế sẽ xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào ?

5/ Bất cứ ở đâu có vật chất, có thời gian, thì ở đó có phân tán, phân ly, cùng tận. Đời người thì có hợp có tan, vũ trụ có điểm bắt đầu thì cũng sẽ có điểm kết thúc.

6/ Tất cả những gì đang có trong vũ trụ, sẽ phải qua đi với thời gian. Nói chung các tinh tú, trái đất, mặt trời, mặt trăng với tất cả vạn vật chung quanh chúng ta, hễ đã có giây phút khởi đầu thì lẽ tất nhiên cũng sẽ có ngày tàn chung cuộc.

7/ Ngày tận thế: Là ngày chấm dứt lịch sử nhân loại, là ngày tận cùng của thế giới, đúng như những gì Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng: “Trời đất sẽ qua đi”.

8/ Còn loài người chúng ta thì sao? Tất cả cũng sẽ qua đi như chưa bao giờ có mặt chúng trên trần đời này. Đời người sẽ sánh ví như mây trôi, như gió thổi, như hơi thở, như bóng câu, như hoa sớm nở tối tàn.

9/ Có biết bao nhiêu người sống trước chúng ta, giờ này họ đi đâu cả rồi. Họ đã chết, rồi đến lượt chúng ta cũng thế: hai-ba-bốn-năm chục năm hay một trăm năm nữa, sẽ chẳng có ai đang sống hôm nay mà lúc đó còn sống => Chúng ta cũng sẽ chết.

10/ Vũ trụ vạn vật, mọi thứ qua đi là hết chuyện, là xong. Còn loài người chúng ta thì không phải thế, chết rồi không phải hết, mà sự sống thật sự mới bắt đầu, sự sống đời đời mới bắt đầu.

11/ Tin hay không tin, sự sống đời sau vẫn là một sự thật mà mỗi người sớm hay muộn cũng phải đối diện. Ngay từ cuộc sống đời này, mỗi người có thể quyết định cuộc sống đời mình mai sau, đời đời hạnh phúc bên Chúa, hay đời đời phải ray rứt khổ đau.

12/ Nói rõ hơn: Cuộc sống mai sau của mỗi người đều được định đoạt bởi những việc làm tốt hay xấu ở đời này. Tóm lại, mọi sự sẽ qua đi, chúng ta không nên biết và cũng chẳng cần phải quan tâm. Nhưng điều chúng ta cần phải nắm rõ đó là: Thiên Chúa sẽ căn cứ vào cuộc sống hiện nay của chúng ta để thưởng phạt chúng ta khi chết. Cho nên đời này chúng ta phải sống thật tốt đẹp, thật đàng hoàng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc đời con đang sống hôm nay là sống tạm, xin cho chúng con biết chuẩn bị sẵn sàng để đón chờ ngày Chúa đến, hầu có thể được hưởng hạnh phúc với Chúa đời sau. Amen. **R

Thứ bảy, 26/11/2016

Đề tài: HÃY TỈNH THỨC VÀ VỮNG TIN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 21,34-36)

34 "Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người."

SUY NIỆM:

1/ Người nhát gan luôn sợ chết, nhưng cho dù có sợ chết thì cũng đâu có cách nào thoát khỏi. Chỉ có một cách giúp chúng ta không sợ chết, đó là hãy năng suy gẫm về cái chết và chuẩn bị cho mình sẵn sàng để lãnh nhận ơn cứu chuộc.

2/ Hôm nay trước khi kết thúc bài giảng về ngày tận thế, Chúa Giêsu muốn cảnh báo mọi người về thái độ sống mà lại thiếu chuẩn bị . Sẵn đây Chúa còn đưa ra một điều kiện tiên quyết mà mọi người cần phải có đó là phải “tỉnh thức và cầu nguyện”.

3/ Cầu nguyện là tin và xin Chúa thương ban ơn nâng đỡ, giúp ta làm được những điều tốt lành, thánh thiện. Vì bản chất của chúng ta là yếu đuối, thấp hèn, luôn nghiêng chiều về những sự dữ.

4/ Tỉnh thức giúp chúng ta giữ nhà thật tốt khỏi trộm cắp, linh hồn tránh được những cơn cám dỗ của ma quỷ, những rủ rê ngọt ngào của thế gian, những ham muốn do dục vọng đê hèn của thân xác. Điều này giúp chúng ta không sa ngã phạm tội.

5/ Tỉnh thức và cầu nguyện giúp chúng ta mau mắn nhận ta thánh ý Chúa để tuân giữ, để thực hành. Tỉnh thức giúp chúng ta không chây lỳ với những tật xấu, tỉnh thức còn giúp chúng ta không đam mê những vui thú xác thịt thế gian.

6/ Bài Phúc Âm hôm nay nằm trong tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ mà bài Tin Mừng muốn nói đến ngày tận thế. Chúa Giêsu cho biết: Chắc chắn có ngày tận thế, đó là ngày Chúa quang lâm, ngày Chúa Chúa trở lại.

7/ Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định chắc chắn có ngày đó, nhưng ngày đó sẽ xảy ra thật bất ngờ, không ai biết trước. Giống như chiếc lưới chụp xuống bầy chim sẻ đang ăn trên cánh đồng, như chiếc lưới chụp xuống đàn cá đang lơ lửng dưới nước.

8/ Chúa bảo phải sẵn sàng bằng 3 việc phải làm: Thứ nhất giữ mình, tránh xa mọi thứ tội lỗi, tính mê tật xấu. Thứ hai phải tính thức, đừng để cho những thứ trần tục chi phối, làm cho tâm trí lu mờ mà quên đi chủ đích của cuộc đời. Thứ ba: phải chu toàn bổn phận tôn giáo, nghĩa là phải cầu nguyện, sống thân mật với Chúa. Xin Chúa ban ơn trợ giúp vì chúng ta không có ơn Chúa sẽ không làm gì được.

9/ Ngày Chúa quang lâm, ngày Chúa trở lại chính là ngày tận thế, ngày vinh quang của Chúa, ngày Thiên Chúa tỏ uy quyền, đồng thời cũng là ngày phán xét, ngày Chúa phân xử công minh. Vì thế mọi người cần phải chuẩn bị công nghiệp cho riêng mình.

10/ Một người kinh doanh giỏi, phải biết đầu tư vốn liếng, phải biết lợi dụng hoàn cảnh để đem lại lợi lộc và sự thành công. Sống ở trần gian, mỗi người là một nhà kinh doanh được Chúa trao cho vốn liếng, thời giờ, cơ hội ; chúng ta phải biết kinh doanh cho hợp lý, để mang lại thành công cho mai sau.

11/ Hôm nay là ngày cuối cùng, chúng ta hãy kiểm điểm: chúng ta đã đầu tư thế nào, chúng ta đã sống ra sao, lời hay lỗ; lợi thân xác hay thiệt linh hồn, được đời này mà mất đời sau. Chúng ta đã phí phạm bao nhiêu vốn vào chuyện vô ích? Chúng ta chấp nhận sống chung với tội lỗi bao nhiêu lần? Chúng ta sống vì trần tục hay vì Chúa? Chúng ta cần kiểm điểm, xét lại.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp, xin Mẹ giúp con kiểm lại đời sống để con cảm tạ Chúa, xin lỗi Chúa, để cám ơn nhau, xin lỗi nhau và giúp con quyết tâm sống đẹp lòng Chúa hơn  Amen.**R

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1756
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  8
 Hôm nay:  143
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11350447
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top