Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần Chúa Hiển Linh B / CN I TN B

Thứ hai, 05/01/2015

Đề tài: Chúa Giêsu tỏ mình cho tất cả mọi người.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 4,12-17.23-25)

12 Khi ấy, Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. 13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, 14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói : 15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại ! 16 Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

17 Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

23 Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. 24 Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền : những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt ; và Người đã chữa họ. 25 Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Theo triết gia Hy Lạp Diogenes: Con người khôn ngoan nhất là con người luôn nghĩ đến cái cùng đích của mình.

2/ Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển giúp cho cuộc sống vật chất cũng như tinh thần ngày càng đầy đủ hơn. Đây là nguyên do khiến con người cứ tưởng rằng mình có thể làm mọi sự và chỉ có cuộc đời này mới có giá trị .

3/ Chủ nghĩa hưởng thụ phát sinh ra căn bệnh lười biếng, chia rẽ, ích kỷ, hận thù..../ Những thứ này đang hủy diệt sự sống của mọi người trên trái đất và tước đi nguồn hạnh phúc mà con người luôn ước mơ.

4/ Muốn được hạnh phúc, con người chỉ cần nhận ra sự giới hạn của bản thân và cúi đầu trước Thiên Chúa như là nguồn mạch mọi ơn sủng => Nhờ đó con người mới có thể tạo bình an  ra và tiến tới hạnh phúc đời này và cả đời sau nữa.

5/ Lời mà nhà hiền triết Socrate luôn lập đi lập lại cho các học trò của ông, đó là: Hãy biết sự giới hạn của chính  mình!

6/ Chúa Yesus cũng dùng chính phương pháp này khi Ngài bắt đầu sứ mạng rao giảng của Ngài bằng lời kêu gọi hãy sám hối.

7/ Sám hối là hãy nhận ra thân phận tội lỗi, sự bất toàn của mình, rồi sau đó mới mở rộng tâm hồn ra đón nhận ơn tha thứ, ơn cứu độ của Thiên Chúa.

8/ Nhận biết mình là người như thế nào. Chính là điều kiện tiên quyết, là bước khởi đầu của mọi cuộc đổi mới trong đời sống đức tin cũng như của mọi cuộc thăng tiến trên con đường thánh thiện.

9/ Sám hối là bước khởi đầu của sự nên Thánh, không phải tất cả các vị thánh đều khởi đầu là những tội nhân, nhưng các Ngài bắt đầu có ý thức sâu sắc về sự tội lỗi là xấu xa, là do sự yếu hèn của mình.

10/ Càng ý thức về thân phận yếu hèn của mình, ta càng cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, đó là thực trạng của mọi tâm hồn thánh trong Giáo hội.

11/ Khi Chúa bảo: “Hãy sám hối”, thì Chúa cũng nói luôn là: “Vì nước trời đã đến gần”. Khi Chúa loan báo Tin Mừng về nước trời tức là Chúa đem ơn cứu độ đến và điều kiện để được gia nhập vào nước trời, để được ơn cứu độ là ta phải ăn năn sám hối, cải thiện đời sống và phải sống thánh.

12/ Điều kiện này không phải chỉ thực hiện trong Mùa Vọng, mùa Chay hay chỉ trong một thời gian nào đó. Mà phải thực hành suốt đời để tâm hồn ta lúc nào cũng tốt đẹp.

13/ Sám hối không chỉ là ý thức, hay là hồi tưởng tội lỗi mình, Sám hối không dừng lại ở chỗ đau xót, buồn phiền, sợ hãi nhưng phải là tâm tình hoan lạc, phấn khởi, vui tươi vì được đến hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa.

14/ Sám hối là điều mà Chúa Yesus Mạc Khải về một người Cha luôn tha thứ, yêu thương, luôn mong con cái ăn năn trở về và được sống. Người Cha luôn muốn các con mình yêu mến hơn là sợ hãi, vì đạo Chúa không phải là đạo buồn phiền, khổ đau mà là đạo của tin vui mừng, hân hoan hy vọng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là cùng đích của đời con. Xin cho con luôn biết nhận ra tình Chúa yêu thương con, để con không sống trong tội nữa mà chỉ muốn sống trong tình Chúa. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

1/ Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ giảng dạy cho Dân Ngọai tại miền Bắc của Galilee:

Galilee là vùng đất phì nhiêu, rất đông dân, nhưng bao quanh bởi các Dân Ngọai: Phía Tây Bắc là người Phoenicia, phía Đông Bắc là người Syria, và phía Nam là người Samaria; vì thế, Galilee chịu nhiều ảnh hưởng của Dân Ngọai hơn bất cứ vùng nào của người Do-Thái. Hơn nữa, Galilee còn là trục lộ giao thông của miền Trung Đông: Con Đường Ven Biển nối từ Damascus, Syria, tới Ai-Cập, rồi qua Phi Châu phải băng ngang qua Galilee; Con Đường tới phía Đông cũng phải qua Galilee. Vì thế, có thể nói: giao thông của thế giới phải ngang qua Galilee. Trong khi đó, Judah ở một vị trí tách biệt, không tiện lợi cho việc giao thông tới các nơi trên thế giới. Có người nhận xét về sự khác biệt giữa hai miền như sau: “Galilee là đường dắt tới mọi nơi, trong khi Judah không dắt tới đâu cả.” Điều này cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu rất tinh tế trong việc lựa chọn địa danh để rao giảng. Ngài chọn Galilee là chỗ đông dân cư, và là chỗ qua lại của nhiều nền văn minh thế giới; để nhiều người có cơ hội nghe Tin Mừng Ngài rao giảng.

Trình thuật hôm nay cũng đề cập tới việc Chúa Giêsu làm ứng nghiệm lời Tiên-tri Isaiah khi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng tại vùng này: “Này đất Zebulun, và đất Naphtali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Jordan, hỡi Galilee, miền đất của Dân Ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.”

2/ Từ Zebulun và Naphtali, Tin Mừng của Chúa Giêsu được lan rộng ra khắp nơi:

(1) Trước hết, Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng trong khắp miền Galilee; sau đó đến các vùng: Thập Tỉnh, Thành Jerusalem, miền Judah, và vùng bên kia sông Jordan. Dân chúng các nơi lũ lượt kéo đến đi theo Người.

(2) Họat động truyền gíao của Chúa Giêsu: Tin Mừng Chúa Giêsu rao giảng là "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." Ngài giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa lành họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải nhận ra nhu cầu học hỏi Lời Chúa để biết và sống theo sự thật.

- Chỉ có một cách duy nhất để nhận ra sự thật từ bao nhiêu sự gian dối là dựa vào Lời của Thiên Chúa.

- Hai tiêu chuẩn căn bản để nhận ra sự thật: chúng ta phải tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa và phải giữ các giới răn của Ngài.

 

Thứ ba, 06/01/2015

Đề tài: THIÊN CHÚA LÀ CHA YÊU THƯƠNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 6,34-44)

34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. 35 Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: "Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. 36 Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn." 37 Người đáp: "Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!" Các ông nói với Người: "Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?" 38 Người bảo các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem!" Khi biết rồi, các ông thưa: "Có năm chiếc bánh và hai con cá." 39 Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. 40 Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi. 41 Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. 42 Ai nấy đều ăn và được no nê.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Một đạo sĩ Ấn Độ đang cố gắng cứu một con bọ cạp đang chới với giữa dòng nước. Khó khăn lắm ông mới cứu được nó, nhưng sau đó ông bị con vật dùng cái đuôi có nọc độc chích vào tay ông; tuy vậy ông vẫn kiên nhẫn và không bỏ cuộc. Học trò ông thấy vậy bèn lên tiếng: “Thầy đừng nên mất thời giờ vô ích! Nó là con bò cạp, bản chất của nó là chích hết mọi sinh vật khác trong tầm với của nó”.

2/ Ông Đạo sĩ liền điềm đạm trả lời: Đúng vậy! bản chất của con bò cạp là chích bất cứ ai, còn bản chất của con người là cứu vớt những ai đau khổ mà mình nhìn thấy /

3/ Phép lạ hóa bánh ra nhiều: Không chỉ bày tỏ quyền năng và vinh quang của Chúa mà Chúa còn muốn bày tỏ tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

4/ Qua phép lạ hóa bánh: Thiên Chúa còn muốn dẫn đưa nhân loại đến với bí tích Thánh thể, là bí tích mà Thiên Chúa muốn ở cùng với nhân loại và muốn trở thành lương thực nuôi sống con người.

5/ Lời dân Do Thái kêu gào với ông Moisen trong Sa mạc: Ai sẽ cho chúng ta thịt để ăn? Khi họ nhớ lại những đồ ăn thức uống khi còn ở bên Ai Cập, Thiên Chúa đã không làm ngơ trước lời van xin ấy nên đã ban Manna cho họ.

6/ Chúa Yesus đã không làm ngơ trước cảnh dân chúng đi theo Chúa để nghe rao giảng mà chưa có gì ăn. Chúa đã hóa bánh ra nhiều cho họ ăn.

7/ Chúa Yesus đã cho chúng ta một nguyên tắc sống khi nghe Chúa bảo với các Môn đệ: “Các con hãy cho họ ăn”. Câu nói đó đã phá tan não trạng của các Môn đệ khi các ông đề nghị Chúa giải tán đám đông. Đây quả là một thái độ lẫn tránh, không muốn bị phiền hà, mặc kệ ai đói khát, Chúa Yesus không chấp nhận thái độ ngoảnh mặt làm ngơ, bưng tai giả điếc. (Makeno).

8/ Chúa vẫn nói với chúng ta câu này hằng ngày: Các con hãy cho họ ăn! Trước những khổ đau, túng thiếu của anh em, chúng ta thường có thái độ nào? Dĩ nhiên ngoảnh mặt làm ngơ là thái độ dễ thực hiện nhất. Thế nhưng phép lạ hóa bánh ra nhiều của Chúa Yesus khiến chúng ta phải suy nghĩ trước những nhu cầu của người khác.

9/ Chúng ta có thiếu gì cách để biện minh: Làm sao tôi có thể? Làm sao tôi giải quyết được những khó khăn của người khác? Điều đó vượt quá tầm tay của tôi?...// Không khác gì lời biện minh của các Môn đệ: “Làm sao có đủ bánh cho từng này con người ăn?”

10/ Qua phép lạ, Chúa Yesus muốn giải thích cho mỗi người chúng ta hiểu mình cần phải làm gì? Chúa không đòi chúng ta làm những việc lớn lao, nhưng đòi chúng ta phải biết chia sẻ phần nho nhỏ trong tầm tay của mình, trong khả năng của mình. Phần còn lại sẽ được Chúa tiếp tay.

11/ Điều quan trọng không phải là cho ít hay cho nhiều nhưng quý ở chỗ là có cho hay không?  Chúng ta có hiểu rằng những người kia cũng là con Thiên Chúa hay không?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con ý thức được rằng: Chia sẻ cho kẻ khác thì vui hơn là nhận. Xin Chúa trợ giúp chúng con để tình thương nhân ái của Chúa được lan tỏa đến mọi người. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

1/ Chúa Giêsu yêu thương và dạy dỗ dân chúng: Trình thuật kể: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” Để hiểu thấu những điều này, chúng ta cần đọc Sách Tiên-tri Ezekiel để nhận ra tại sao chiên bơ vơ không người chăn. Theo Tiên-tri, chiên bơ vơ không phải vì không có người chăn; nhưng tại các người chăn vô trách nhiệm: họ chỉ để ý đến lông chiên, thịt chiên, mà không để ý đến tình trạng của chiên. Nếu những nhà lãnh đạo không chịu săn sóc, dạy dỗ, chỉ đường, thì làm sao những người dân biết sống lành mạnh và tránh được những nguy hiểm trong cuộc sống?

2/ Chúa Giêsu làm phép lạ để nuôi dân:

(1) Quá mải mê nghe Chúa giảng, dân chúng quên ăn: Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: "Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn." Chắc các ông quan niệm, nhà lãnh đạo tôn giáo chỉ có trách nhiệm phần hồn cho dân chúng mà thôi. Chúa Giêsu muốn dạy cho các môn đệ một bài học: Người rao giảng không chỉ quan tâm đến việc cho dân chúng lương thực phần hồn, đôi khi còn phải quan tâm đến việc cho giáo dân lương thực phần xác nữa.

(2) Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ cho dân ăn: Người đáp: "Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!" Các ông nói với Người: "Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?" Qua lời đối thọai, chúng ta nhận ra ngay những tính tóan của các môn đệ và tình yêu không tính toán của Chúa Giêsu. Các môn đệ nghĩ ngay đến tiền, Chúa Giêsu chỉ nghĩ đến tình yêu.

(3) Chúa Giêsu làm phép lạ từ 5 chiếc bánh và 2 con cá: Người bảo các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem!" Khi biết rồi, các ông thưa: "Có năm chiếc bánh và hai con cá." Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi. Chúa cần sự cố gắng và cộng tác của các môn đệ dẫu Ngài có thể làm mọi sự.

(4) Hình bóng của Bí-tích Thánh Thể: “Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người.” Cả 4 Thánh-sử đều tường thuật phép lạ này. Riêng Gioan, phép lạ này mở đầu cho “Diễn từ về Thánh Thể” trong chương 6 của ngài, dù Gioan không tường thuật sự kiện Chúa lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly. Qua Bí-tích Thánh Thể, Thiên Chúa chứng tỏ Ngài vẫn yêu thương, săn sóc, và cho dân ăn mỗi ngày.

(5) Số còn dư lại: “Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 - Chúng ta phải cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời, trước khi có thể yêu thương Ngài và tha nhân.

- Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu không tính toán, vô vị lợi, và không biên giới. Chỉ có tình yêu này mới giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn và trung thành yêu thương tới cùng.

- Bí-tích Thánh Thể là nguồn mạch yêu thương, vì Chúa Giêsu đã yêu thương phó mạng sống làm lễ tế hy sinh cho con người. Nếu chúng ta cảm thấy mình ích kỷ, thiếu yêu thương, khó tha thứ, đây là Bí-tích tăng cường tình yêu cho chúng ta.

 

Thứ tư, 07/01/2015

Đề tài: "Thầy đây, đừng sợ!"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 6, 45-52)

45 Sau khi cho năm ngàn người được ăn no nê, lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, về phía thành Bết-xai-đa, trong lúc Người giải tán đám đông. 46 Sau khi cho họ đi, Người lên núi cầu nguyện. 47 Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. 48 Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông, và Người định vượt các ông. 49 Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. 50 Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” 51 Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, 52 vì các ông đã không hiểu phép lạ bánh hoá nhiều : lòng các ông còn chai đá !

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Thánh Inhaxiô Thành Antiôkia đã can đảm xin các tín hữu cầu nguyện cho mình được phúc tử đạo. Thánh nhân đã vững lòng tin vào Chúa và nói rằng: Chính khi thú dữ xông vào xé nát thịt tôi thì chính là lúc tôi được trọn vẹn dâng hiến cho Chúa. Xin Chúa hãy đón nhận lễ vật con dâng!

2/ Giữa đêm tối, chiếc thuyền của các Môn đệ đang cố chống chèo vì ngược gió, khiến các ông hoang mang sợ hãi. Chúa đi trên biển để đến với các ông mà các ông cứ tưởng là ma nên càng thêm hoảng hốt. => Các ông chưa tin vào quyền năng của Chúa Yesus, lòng các ông vẫn còn mù tối.

3/ Chúa rất yêu thương khi nhìn thấy các ông đang vất vả chèo chống. Chúa đã đến giữa cơn hoảng loạn và dạy các ông hãy vững lòng tin, chớ có ngờ vực nhưng hãy vững vàng tin tưởng; nếu các ông tin Chúa, các ông sẽ không phải sợ hãi mà sẽ vững tay chèo tới bến.

4/ Cuộc đời của chúng ta như chiếc thuyền đang bấp bênh trên sóng biển trần thế. Lắm lúc chúng ta quá hoảng sợ vì bão tố, phong ba, tai ương, hoạn nạn. Chúa mời gọi chúng ta hãy vững tin vào Chúa và luôn giữ lời Người, vì lời Chúa là đuốc soi đường giúp chúng ta đi về tới bến.

5/ Có một câu chuyện tương tự như chuyện trong bài Tin Mừng. Một người kia đang đi trên biển, bỗng gặp sóng to gió lớn, lúc ấy ông cũng thấy Chúa Yesus đang đi trên mặt biển đang tiến về phía ông. Sực nhớ lại câu chuyện trong đoạn Tin Mừng, ông cũng bắt chước Phê-rô vội kêu to: “Lạy Chúa, nếu thật là Chúa thì cho con đi trên mặt nước mà đến với Chúa”. Chúa Yesus liền trả lời: “Được, hãy đến đây”. Nghe Chúa nói thế, ông vội vàng mặc chiếc áo phao an toàn rồi can đảm bước ra khỏi thuyền, tiến về phía Chúa Yesus, bất chấp sóng to gió lớn. Chúa Yesus mỉm cười đưa tay ra đón lấy ông, vừa hỏi: “Tại sao con lại nghi ngờ lời nói của ta hỡi kẻ kém lòng tin?”. Nghĩ mình bị Chúa trách oan, ông liền biện hộ: “Đâu có, con có nghi ngờ gì lời Chúa nói đâu”. Chúa Yesus lắc đầu: “Thế sao con phải mặc áo phao trước khi nhảy xuống biển”. Nhìn lại mình, ông gãi đầu phân bua: “Lạy Chúa, vật này con mang theo chỉ đề phòng hờ….!”

6/ Tâm trạng người đàn ông ấy đâu khác gì chúng ta!

7/ Chúng ta tin Chúa nhưng không tin tuyệt đối. Khi hỏi thì ai trong chúng ta cũng nói ngay là mình tin tuyệt đối, nhưng có những lúc hành động của chúng ta biểu lộ là chúng ta chưa tin.

8/ Nhiều khi chúng ta cầu xin, nhưng lòng còn lo lắng không biết Chúa có đáp ứng điều mình xin không! Thậm chí có người nghĩ rằng: Chúa có thấy con khổ quá không? Chúa đang ở đâu. Chúa ơi?

9/ Hoặc cũng có khi như Thánh Phê-rô. Chúng ta thường xin Chúa làm ngay phép lạ như là điều kiện để chúng ta tin Ngài luôn hiện diện giữa chúng ta trong lúc khó khăn nguy hiểm.

10/ Tin Mừng hôm nay Chúa nhắc chúng ta: “Hãy an tâm, thầy đây đừng sợ”. Qua lời trấn an này, Chúa không có ý nói rằng những ai tin vào Ngài sẽ không gặp phải khó khăn, thiếu thốn, sẽ không gặp nguy hiểm; nhưng Chúa bảo chúng ta hãy tin tưởng, tín thác vào Chúa, Chúa vẫn nắm tay chúng ta cho dù chúng ta không cảm thấy gì.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn trông cậy và tín thác mọi sự trong tay Chúa. Amen.****

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

1/ Chúa Giêsu có uy quyền trên gió bão: Ngay sau Phép Lạ “Bánh hóa nhiều,” là Phép Lạ “Đi trên biển và truyền sóng gió phải im lặng.” Thánh Marco tường thuật: “Lập tức, Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bethsaida trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông.” Khi Người lên thuyền với các ông, sóng gió lặng im. Theo trình thuật, Chúa Giêsu, tuy lên núi cầu nguyện, nhưng mắt Ngài không quên theo dõi các ông. Khi thấy các ông lâm nguy, Ngài đến và giúp các ông thóat khỏi nguy hiểm của gió bão.

2/ Các Tông-đồ sợ hãi: Là con người, các ông lo sợ tất cả những gì đe dọa đến sự sống. Trình thuật hôm nay tường thuật 2 nỗi lo sợ của các ông:

(1) Sức mạnh của gió bão: là nỗi lo sợ cho những người sống về nghề thuyền chài. Gió bão có thể làm thuyền chìm và lấy đi mạng sống con người. Hồ Galilee được nhiều người gọi là Biển Hồ vì kích thước to lớn của nó (21km/13km/204m).

(2) Quyền lực của ma quỉ: Cộng với nỗi lo sợ gió bão là nỗi lo sợ ma quỉ. Người Do-Thái tin quyền lực của ma quỉ, và Chúa Giêsu đã nhiều lần trục xuất quỉ ra khỏi con người. Các ông nhìn ra Chúa, nhưng không thể hiểu một người mà có uy quyền đi trên mặt nước; vì thế, “khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt.”

3/ Chúa Giêsu trấn an các Tông-đồ: Người bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!" Một khi có Chúa Giêsu đồng hành, con người sẽ không phải sợ hãi bất cứ một quyền lực nào: sóng gió phải yên lặng, ma quỉ phải nghe lời, điều không thể trở thành có thể.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta sợ hãi nhiều thứ và chưa có bình an, vì chúng ta chưa sở hữu và chưa tin tưởng hòan tòan nơi tình yêu của Thiên Chúa.

- Để có được tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải tin tưởng hòan tòan nơi Đức Kitô và giữ các giới răn của Ngài, nhất là giới luật yêu thương.

- Sợ hãi là khuynh hướng tự nhiên của con người; nhưng tình yêu Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi sợ hãi trong cuộc đời, để có thể sống bình an và đạt được ý nghĩa của cuộc sống.

 

Thứ năm, 08/01/2015

Đề tài: Chúa Giêsu chu tòan sứ vụ Chúa Cha trao phó.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca (Lc 4, 14-22a)

14 Khi ấy, được đầy quyền năng Thần Khí, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng đồn Người lan ra khắp vùng lân cận. 15 Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh.

16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : 18 Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.

20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Trong hội đường, trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người. 21 Người bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” 22a Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Bề trên tại một tu viện nọ muốn khắc phục tình trạng suy thái của cộng đoàn tu viện mà ông đang cai quản. Ông bèn đến xin ý kiến của một bậc thầy khôn ngoan, vị này cho biết: “Hãy thông báo cho toàn tu viện biết, Chúa đang hiện diện làm một người nào đó trong cộng đoàn”. Thế là mọi người đều đối xử tốt với nhau vì không biết người đứng bên cạnh mình có phải là Thiên Chúa đang hiện thân hay không? Nhờ thế, đời sống cộng đoàn trở nên thăng tiến cách bất ngờ.

2/ Từ ngàn xưa, các Ngôn sứ đã loan báo cho Israel về sự xuất hiện của Đấng Messia của Thiên Chúa. Đấng ấy sẽ đến cứu thoát muôn dân khỏi cảnh tối tăm lầm lạc.

3/ Đấng có thể làm cho kẻ què được đi, người mù sáng mắt, người câm nói được, người tù đày được giải thoát, kẻ nghèo khó được nghe rao giảng Tin Mừng. Đấng ấy chính là Đức Ki-tô.

4/ Đức Yesus đã công bố cho mọi người biết: Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai quý vị vừa nghe. Chúa muốn Mạc Khải cho muôn dân biết gốc tích của sứ vụ của mình. Người là Đấng đến từ Thiên Chúa, Người đến để đem Tin Mừng giải thoát cho muôn dân. Hay nói cho đúng hơn, Thiên Chúa đang ở giữa dân người, Người đến để ban ơn cứu độ cho tất cả những ai tin tưởng và trông đợi Người.

5/ Từ chối hay đón nhận Tin mừng Chúa mang đến, đó là thái độ hoàn toàn tự do của mọi người. Người ta muốn chối bỏ hay chấp nhận, Thiên Chúa không áp đặt ai hay cố tình đưa họ vào thế bắt buộc.

6/ Sự tự do là một đặc ân cao quý nhất,  nhưng nó cũng như con dao hai lưỡi khiến mọi người phải đề phòng, người khôn ngoan lúc nào cũng phải dè dặt.

7/ Chúng ta thử đặt mình vào một trong số người có mặt tại hội đường Nazaret để nghe Chúa, chúng ta sẽ phản ứng thế nào?

8/ Mọi người sao lại vội vàng phản ứng trước những câu Kinh Thánh và những lời chú giải phát xuất từ miệng Chúa. Chúa chỉ lặp lại lời vị Ngôn sứ Isaia, một vị Ngôn sứ được kính trọng nhất trong niềm hy vọng của Israel.

9/ Liền sau khi dân chúng nghe lời bình giải của Chúa Yesus, mọi người như bị mê hoặc, thán phục về những lời hấp dẫn xuất phát từ miệng Chúa.

10/ Nhưng sau đó bài Tin Mừng cho thấy: Chính những người này đã thay đổi 180độ, họ đều đầy lòng căm phẫn, tức tối khi biết rõ thân phận của Chúa cũng chỉ là những người như bọn họ, Ngài không thể là Đấng Thiên Sai trong ý nghĩ của họ.

11/ Họ càng tức tối hơn khi nghe Chúa nói những lời Tiên tri Isaia đang ứng nghiệm vào chính mình. Vì thế họ đã muốn tiêu diệt Chúa qua việc dự định xô Ngài xuống vực thẳm.

12/ Khi nghe qua sự kiện này, chúng ta có quyền trách dân làng Nazaret sao quá nóng vội và lấy làm tiếc vì họ đã bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở . Nhưng nếu suy xét cho kỹ, chúng ta sẽ tự trách mình và có biết bao nhiêu cơ hội trong đời mà chúng ta đã đánh mất.

13/ Dân làng Nazaret không chấp nhận Chúa Yesus vì cái quan niệm, cái nhìn hẹp hòi, thành kiến nên đã bỏ lỡ cơ hội đón nhận Chúa và được Chúa ban ơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết loại bỏ những thành kiến xấu xa về người khác, để con có thể nhận ra Chúa trong những người anh em  không vừa ý của con. Amen.  ****

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

1/ Chúa Giêsu giảng dạy trong các hội đường: Trình thuật của Luca hôm nay ngay sau biến cố Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc, và bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Ngài. Chúa Giêsu chọn Galilee là địa điểm để bắt đầu sứ vụ rao giảng vì Galilee là vùng rất đông dân cư, và dân chúng mở lòng cho những dạy dỗ mới, chứ không bảo thủ như ở vùng Judah. Người Do-Thái chỉ có một Đền Thờ duy nhất tại Jerusalem, nhưng hội đường mới là các trung tâm tôn giáo của dân địa phương. Theo Lề Luật, chỗ nào có từ 10 gia đình trở lên, chỗ đó phải có một hội đường. Vì thế, hầu như mỗi làng mạc hay thành phố, đều có ít nhất một hội đường cho dân học hỏi và làm việc thờ phượng. Phụng vụ của người Do-Thái gồm 3 phần chính:

(1) Phần phụng vụ của các lời cầu nguyện;

(2) Phần đọc Kinh Thánh: Có tất cả 7 người trong cộng đòan đọc. Họ đọc bằng tiếng Do-Thái, nhưng được phiên dịch ra tiếng Aramaic hay Hy-Lạp, vì thời của Chúa Giêsu, ít người hiểu tiếng Do-Thái. Nếu là Sách Luật, họ đọc một câu một lần; nếu là Sách Tiên-tri, họ đọc 3 câu một lần.

(3) Phần dạy dỗ: Không có nhất định một Rabbi. Người trưởng hội đường có thể mời bất cứ một người nào có thế giá trong dân để chia sẻ, và để điều khiển cuộc đối thọai sau đó. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu có cơ hội giảng dạy để người ta biết tới và tôn vinh.

2/ Chúa Giêsu giảng dạy tại Nazareth, nơi Ngài lớn lên: Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabbath, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người Sách ngôn sứ Isaiah. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” Đây là đọan văn trong Chương 61 của Isaiah, nói về Năm Hồng Ân, xảy ra mỗi 50 năm một lần. Trong năm này, tất cả nợ nần được tha, tất cả đất đai đã bán được trả về cho chủ cũ, tù nhân được phóng thích hay giảm án. Nói tóm, mọi người đếu có cơ hội làm lại cuộc đời (Lev 25).

Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Chúa Giêsu nói với dân chúng Người chính là Đấng mà Tiên-tri Isaiah đã loan báo. Ngài đã được Thánh Thần ngự xuống và tấn phong khi chịu Phép Rửa tại sông Jordan bởi Gioan Tẩy Giả, và hôm nay Người bắt đầu sứ vụ đã được trao phó. Chắc chắn Chúa Giêsu không quan tâm đến việc giải phóng người nghèo phần xác cho bằng người nghèo về tâm linh: bị mù lòa và bị xiềng xích bởi tội lỗi, và năm hồng ân của Chúa chính là ơn cứu độ Ngài mang tới cho con người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Nếu chúng ta yêu Thiên Chúa, chúng ta phải thực hành những gì Chúa truyền, vì những giới răn này giúp chúng ta ở lại trong Chúa, và không lạc xa tình yêu của Ngài.

- Yêu Thiên Chúa là biết lo chung với những lo âu của Thiên Chúa: Làm sao cho mọi người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa để tất cả đều được hưởng hồng ân cứu độ của Ngài.

- Mỗi người chúng ta đều có bổn phận cùng chung với Giáo-Hội lo việc truyền giáo: làm sao cho càng ngày càng tăng số người nhận biết và tin vào Thiên Chúa.

 

Thứ sáu, 09/01/2015

Đề tài: Gặp Chúa nơi vắng lặng.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 5,12-16)

12 Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia ; có một người toàn thân mắc bệnh phong vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng : “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 13 Người giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh. 14 Rồi Người ra lệnh cho anh không được nói với ai, và Người bảo : “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

15 Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng ; dân chúng lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. 16 Nhưng Người lui vào những nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Nhiều người nổi tiếng, giàu có đã từ bỏ tất cả để vào tu trong dòng kín. Họ muốn lánh thế gian để vào nơi cô tịch, thích hợp cho việc kết hợp với Thiên Chúa.

2/ Một ngày sống của Chúa Yesus với biết bao công việc phải làm. Người đi giảng khắp nơi để giảng dạy đạo lý nước trời cho dân chúng, chữa các loại bệnh tật, an ủi những người sầu khổ.

3/ Tuy bận rộn nhưng Chúa Yesus vẫn luôn dành thời giờ để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Ngài vẫn luôn dành những thời gian ở nơi vắng lặng để cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

4/ Qua câu chuyện từ bài Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Yesus thường lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện, Ngài muốn ở gần Chúa Cha hơn, Ngài muốn nhận nguồn sức mạnh từ Chúa Cha để vượt qua những cám dỗ của trần thế.

5/ Chúa Yesus cũng trông đợi ơn Cha ban để chu toàn Thánh ý, giúp Ngài hoàn tất ơn cứu hộ cho nhân loại.

6/ Đối với Chúa Yesus, những giây phút cầu nguyện trong thinh lặng rất quan trọng, Ngài luôn tìm dịp để thưa chuyện, để tâm tình với Chúa Cha, Ngài là mẫu gương cho chúng ta trong đời sống cầu nguyện.

7/ Bài Tin Mừng kể lại việc Chúa chữa cho một người phong. Vào thời Chúa Yesus, ai mắc bệnh thì phải bị đẩy vào con đường chết dần chết mòn. Thật khủng khiếp, họ bị xã hội nguyền rủa, xa lánh.

8/ Người phong chẳng những bị thân xác hao mòn, tinh thần băng hoại trong tuyệt vọng. Đời sống họ là những tháng ngày rến xiết, đau thương, khốn cùng.

9/ Thái độ của người phong luôn làm cho chúng ta suy nghĩ. Bởi vì dù anh đang mang tâm trạng e dè, sợ sệt, anh vẫn tin tưởng kêu xin Chúa “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi lành bệnh”.

10/ Lời này diễn tả một tâm tình hoàn toàn phó thác đời mình dành cho tình thương quan phòng của Chúa mà không có chút hoài nghi, cho dù anh đang cùng đường, tuyệt vọng.

11/ Chúa Yesus rất hài lòng vì thái độ khiêm tốn đầy tin tưởng của anh. Bằng một thái độ khiêm tốn đầy tin tưởng của anh, bằng một thái độ khoan dung, từ ái, Chúa Yesus đã đặt tay lên vai anh và chữa lành anh bằng một lời đầy yêu thương “Tôi muốn, tôi cho anh được khỏi bệnh”.

12/ Đặt tay lên vai người phong. Đây là một cử chỉ mà lề luật không cho phép bởi vì nó sẽ làm cho tay Chúa dơ bẩn. Dĩ nhiên với quyền năng của mình, Chúa Yesus không cần phải chạm vào người anh ta, Chúa vẫn có thể chữa lành cho anh ta.

13/ Chúa Yesus có ý dạy chúng ta rằng: Tình yêu mà anh vừa dâng hiến cho Chúa, anh sẽ nhận được tình yêu đáp trả qua việc Chúa đặt tay lên vai anh => Đây cũng là một cử chỉ yêu thương mà Chúa muốn thể hiện.

14/ Câu chuyện người phong tuy ngắn gọn nhưng Chúa muốn diễn tả chính xác nguyên tắt sống của người Ki-tô hữu: Không bi quan, không mất niềm tin tưởng, luôn cậy trông cho dù cuộc đời xem ra chẳng còn lối thoát, và nhất là đừng bao giờ quên sự săn sóc kín nhiệm của Cha trên trời.

15/ Chẳng có điều gì ngăn cản chúng ta đến với tình yêu của Chúa. Cho dù cuộc sống có tăm tối, u buồn, cho dù quanh ta ai cũng khinh miệt chúng ta, nhưng Chúa vẫn sẵn sàng đáp lời, sẵn sàng cứu giúp chúng ta.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luyện tập đến với anh em, bằng những cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt nhất, để chúng con xứng đáng được Chúa yêu thương săn sóc, cứu chữa chúng con. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

1/ Chúa Giêsu chữa người phong cùi được sạch:

(1) Thái độ của người phong cùi: Trước hết, thái độ khiêm nhường của anh được biểu tỏ bằng cách anh sấp mặt trước mặt Ngài. Thứ đến, sự tin tưởng của anh nơi Chúa Giêsu được bày tỏ trong câu xin “Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Sau cùng, lời cầu xin của anh rất đẹp lòng Thiên Chúa: "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Nếu Thiên Chúa muốn, chứ không phải chỉ riêng con người muốn mà thôi; vì có rất nhiều điều con người muốn, nhưng không đẹp lòng Thiên Chúa.

(2) Thái độ yêu thương trìu mến của Đức Kitô: Chúng ta biết luật lệ của Do-Thái rất nghiêm nhặt với người cùi: họ phải ở trong trại xa cách với mọi người, và phải tránh tiếp xúc với mọi người bằng cách la to câu “Không sạch! Không sạch!” mỗi khi có người đi ngang qua, để họ khỏi trở nên không sạch. Nhưng Đức Giêsu giơ tay đụng vào anh ta và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi." Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.

2/ Hai điều Chúa truyền cho người được chữa lành:

(1) Đừng nói với ai: Chúa làm phép lạ vì lòng thương dân, và để họ tin vào Ngài để được sự sống đời đời, chứ không phải để nổi tiếng. Đó là lý do tại sao Ngài ngăn cản anh “Đừng nói với ai!” Nhưng tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Phần Chúa Giêsu, Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

(2) Để làm chứng cho người ta biết, hãy đi trình diện với các tư tế và hãy dâng của lễ như Luật dạy. Để chứng tỏ mình đã khỏi bệnh, người phong cùi phải đi trình diện các tư tế để chịu khám xét. Nếu quả thực đã lành, các tư tế sẽ chứng nhận cho về sống với mọi người. Ngòai ra, người đó còn phải dâng của lễ như được mô tả chi tiết trong (Lev 14).

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa, không phải chúng ta đã thấy Ngài, nhưng dựa vào lời của nhiều nhân chứng.

- Hai nhân chứng có thế giá nhất là Kinh Thánh chúng ta đọc từ bên ngòai và Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta từ bên trong. Ngòai ra, còn có nhiều các chứng nhân khác nữa như: lời chứng của các Tông-đồ, gương chứng nhân của các thánh Tử-đạo, đời sống tốt lành của các thánh và của những người sống chung quanh chúng ta.

- Sau khi đã tin Đức Kitô, chúng ta cũng phải làm chứng cho Ngài bằng việc rao giảng và cuộc sống chứng nhân, để người khác cũng nhận ra và tin vào Đức Kitô.

 

Thứ bảy, 10/01/2015

Đề tài: SỨ MẠNG KHIÊM TỐN.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan (Yn 3,22-30)

22 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. 23 Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa. 24 Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam.

25 Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và một người Do-thái về việc thanh tẩy. 26 Họ đến gặp ông Gio-an và nói : “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.” 27 Ông Gio-an trả lời : “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. 28 Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói : ‘Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.’ 29 Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. 30 Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Một bác nông dân chất phát khi được mời làm nhân chứng cho cuộc điều tra phong Thánh cho Cha Thánh Yoan Maria Vianney, ông đã phát biểu như sau: Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người!

2/ Chúng ta cần sống gắn bó với Thiên Chúa, như là Thánh Phaolô nói: "Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi".

3/ Sở dĩ công cuộc truyền giáo chưa đạt được như ý Chúa muốn là bởi vì chúng ta chưa để cho Chúa làm chủ cuộc đời mình, chưa muốn Chúa làm chủ các ước muốn của ta => Vì thế tha nhân chưa nhận ra sự hiện hiện của Chúa nơi mỗi con người chúng ta.

4/ Thánh Yoan Tẩy Giả nói về mình: “Ngài phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”. Chúa Ki-tô là cùng đích của nhân loại, chúng ta là con, chúng ta có bổn phận phải giới thiệu Chúa cho anh chị em của mình.

5/ Thiết nghĩ cách giới thiệu hiệu quả nhất chính là sống đời công chính, gương sáng => Để mọi người có thể nhận ra Chúa qua lời nói, việc làm của chúng ta.

6/ Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời chứng cuối cùng của Yoan, cũng là những lời xác nhận vai trò và sứ mạng khiêm tốn của mình “Tôi là tiếng kêu trong Sa Mạc, là kẻ dọn đường cho Chúa đến”.

7/ Đến khi ông thấy Chúa Ki-tô xuất hiện, ông kêu gọi mọi người hãy tin vào Đức Ki-tô. Ông tự ý làm lu mờ mình đi bằng cách nói rằng: “Tôi chẳng có gì, tôi chẳng là gì cả, chỉ có Đức Ki-tô là Đấng Cứu Thế, là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian, Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”.

8/ Cái đẹp, cái thánh thiện của Yoan là như thế. Ông cho rằng chỉ có Chúa Ki-tô mới là quan trọng, vì thế phép rửa của ông chỉ là giúp người ta tỏ lòng sám hối, chỉ có tính cách dọn đường, dọn lòng để cho mọi người sẵn sàng nhận lãnh phép rửa của Chúa Ki-tô.

9/ Yoan đã vui, đã mãn nguyện khi thấy mọi người bỏ ông mà đi theo Chúa, cả các Môn đệ của ông cũng thế, ông đã chu toàn đầy đủ nhiệm vụ của mình!

10/ Nếu chúng ta ngưỡng mộ Yoan, chúng ta hãy can đảm sống khiêm nhường, nhìn nhận sự yếu kém thật sự của bản thân mình. Chẳng là gì cả, chẳng có gì cả, con chỉ là dụng cụ cho Chúa sử dụng, chỉ là người liên lạc thấp hèn của Chúa mà thôi! Một tôi tớ hữu hiệu của Chúa.

11/ Nhìn về gương sống Thánh của Mẹ Maria, chúng ta cũng thấy Mẹ sống âm thầm, khiêm nhường. Mẹ đã tham dự, đã đồng công với biết bao vinh nhục khổ đau của Chúa Yesus, con Mẹ.

12/ Khi vui Mẹ chẳng khoe khoang, khi buồn Mẹ chẳng than trách, mà chỉ âm thầm suy niệm mọi biến cố do Chúa gửi đến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sống khiêm nhường vì khiêm nhường là của lễ đẹp lòng Chúa nhất và cũng là sợi dây bền chặt nhất nối kết con lại với Chúa và liên kết con lại với anh em con. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

1/ Sự ghen-tị của các môn đệ của Gioan: Trình thuật kể lý do của sự ghen tị: “Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đi tới miền Judah. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. Còn ông Gioan, ông cũng đang làm phép rửa tại Aenon, gần Salim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa. Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gioan và một người Do-Thái về việc thanh tẩy. Họ đến gặp ông Gioan và nói: "Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Jordan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông." Gioan đã nói rõ về sự khác biệt của 2 Phép Rửa: Phép Rửa của ông làm là Phép Rửa để tha tội; Phép Rửa của Chúa Giêsu là Phép Rửa ban Thánh Thần. Sự tranh luận xảy ra có thể tại sao cần có 2 Phép Rửa, nhưng điều chính chi phối môn đệ của Gioan là họ ghen tị khi thấy Chúa Giêsu được nhiều người đến với hơn thầy của họ.

2/ Thuốc chữa bệnh ghen-tị: Gioan Tẩy Giả cho các môn đệ và cho chúng ta 3 liều thuốc để chữa bệnh ghen tị:

(1) Mọi hồng ân đều đến từ Thiên Chúa: Ông Gioan trả lời: "Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.” Hay nói như Thánh Phaolô: Mọi quà tặng đều đến từ một nguồn là Chúa Thánh Thần; không phải để khoe khoang, nhưng để phục vụ. Hay nói như kiểu Phúc Âm, Thiên Chúa càng ban tặng nhiều bao nhiêu, Ngài càng có quyền đòi lại nhiều bấy nhiêu.

(2) Biết mình là có bình an và niềm vui: Điều làm cho con người có bình an là phải biết mình. Gioan Tẩy Giả rất bình an vì ông biết mình và biết Đức Kitô: “Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: "Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.” Gioan có niềm vui khi thấy nhiều người tuôn đến với Đức Kitô, vì đó phù hợp với sứ vụ của ông. Gioan so sánh Đức Kitô với chú rể, và cô dâu là dân chúng tin vào Đức Kitô; còn ông chỉ là người phù rể: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn.”

(3) Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi: Đây là châm ngôn của Gioan và nên là kim chỉ nam cho hết mọi người khi chúng ta phục vụ Thiên Chúa. Bổn phận của chúng ta cũng giống như Gioan là dọn đường cho mọi người và chỉ cho họ đường đến với Thiên Chúa; chứ không lợi dụng việc phục vụ Thiên Chúa để tìm lợi nhuận, nổi tiếng, và thỏa mãn các nhu cầu của chúng ta. Khi mọi người đã tới được với Thiên Chúa, chúng ta vui mừng vì đã hòan tất sứ vụ, và sẵn sàng để lui vào bóng tối.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúa Kitô đã xuống trần để cứu chúng ta thóat khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết. Ngài đã thiết lập Bí-tích Hòa Giải để sẵn sàng tha thứ các tội của con người.

- Con người chúng ta vẫn có thể phạm tội vì còn mang trong người những yếu đuối và tính đam mê xác thịt. Mỗi khi đã lỡ phạm tội trọng, chúng ta cần chạy đến với Bí-tích Hòa Giải để được tha tội.

- Điều tối nguy hiểm là chúng ta đánh mất ý thức về tội lỗi hay tin Chúa sẽ cứu tất cả mọi người mà không cần ăn năn xưng tội. Đây chính là thứ tội mà Thánh Gioan gọi là “tội đưa đến cái chết.”


Trở lại      In      Số lần xem: 1649
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  6
 Hôm nay:  1869
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11352173
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top