Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần II Mùa Chay B -2018

Chia sẻ Lời Chúa Hằng ngày Thứ 2 -> Thứ 7 (26/02 -> 03/03/2018)

Thứ hai, 26/02/2018

Đề tài: Cách đo lường lòng thương cảm

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 6,36-38)

36 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Ông Mahatma Gandhi rất thán phục giáo lý của Chúa Ki-tô, nhưng ông không thể trở thành Ki-tô hữu vì các đồ đệ của Chúa không chịu sống tám mối phúc thật.

2/ Ông phát biểu: Tôi mến Chúa Ki-tô nhưng lại rất ghét người Ki-tô hữu vì họ chẳng giống Chúa Ki-tô. Nếu họ sống giống Chúa Ki-tô thì dân Ấn Độ đã trở thành Ki-tô hữu hết rồi.

3/ Ông Gandhi đã bị các người Ki-tô hữu da trắng đuổi ra khỏi nhà thờ chỉ vì ông là người da màu. Ở nơi các Ki-tô hữu vẫn còn có sự phân biệt đối xử; điều này vô tình đã ngăn cản người khác đến với Chúa. Đây là kết quả của việc người Ki-tô hữu sống không đúng với giáo lý Chúa Yesus dạy.

4/ Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi mọi người hãy sống nhân từ như cha trên trời. Mỗi người phải có bổn phận yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ cho anh chị em của mình mà không nên so đo thiệt hơn.

5/ Lòng nhân từ đích thực luôn thúc đẩy chúng ta đón nhận mọi người mà không loại trừ, phân biệt một ai; cho dù chúng ta có cách biệt địa vị, ngôn ngữ, màu da, tiếng nói.

6/ Xét đoán người khác là tội mà Thiên Chúa ghét nhất. Bởi vì chúng ta chỉ là người trần mắt thịt, chúng ta chỉ thấy đôi chút bên ngoài, còn Thiên Chúa mới là Đấng thấu suốt. Chúng ta cùng là tội nhân với nhau, tại sao chúng ta lại tự cho mình cái quyền lên án kẻ khác.

7/ Tại sao Thiên Chúa lại cấm chúng ta chỉ trích phê bình nhau. Xét đoán là chỉ trích, phê bình ai một cách nhục nhã, không đủ điều kiện, không có quyền mà cứ xét đoán người khác cách bừa bãi. Chúng ta thường xét đoán xấu cho người khác, khiến cho Chúa phải cấm.

8/ Ở đây Chúa chỉ khiển trách biệt phái Kinh sư, là hạng người lãnh đạo tôn giáo thời ấy. họ luôn cho rằng mình mới tốt /còn tất cả những người khác là có tội, là xấu, thái độ như thế là xấu.

9/ Chúng ta thường lên mặt thầy đời, chỉ trích người này, kết án người kia. Chúng ta đừng tự cho mình là đúng, là tốt và ngược lại chỉ thấy tội của người khác, họ sai, mình mới đúng.

10/ Việc người thì sáng, việc mình thì quáng: “Chân mình thì lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”, thái độ như thế chúng ta sẽ bị Chúa lên án.

11/ Khi chúng ta có thành kiến với ai, thì chúng ta dễ mắc phải cái lỗi này. Cho dù họ có tốt đến đâu thì chúng ta cũng cứ cho là họ nói sai, nghĩ sai, làm sai hết.

12/ Chúa bảo: “Chúng ta đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”. Nhiều người nghĩ sai: nếu ta không xét đoán người khác thì cho dù chúng ta có lỗi phạm bao nhiêu thì Chúa sẽ không xét đoán ta. Nghĩ như thế là sai! Thưa không phải thế, Chúa chỉ muốn nói với chúng ta: Nếu chúng ta không muốn người khác khắt khe với mình thì trước hết chúng ta đừng đối xử với họ như vậy.

13/ Đương nhiên chúng ta không muốn sống cái kiểu mà lúc nào cũng bị người khác dòm ngó, bới móc. Vậy thì đừng làm cho người khác những điều mà mình không thích.

14/ Chúa muốn chúng ta lúc nào cũng đối xử nhẹ nhàng với mọi người, thì việc trước tiên là tâm hồn chúng ta sẽ luôn được bình an vì có Chúa ở trong lòng.   Nhưng nếu tâm hồn ta cứ rối loạn khi cứ bận bịu xét tội anh em, thế thì lòng ta sẽ quá chật chội khiến cho Chúa không còn chỗ để trú ngụ, khiến cho Chúa phải đi ra, thế là tâm hồn kẻ ấy sẽ mất bình an.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin  giúp cho lòng con luôn tràn ngập yêu thương và bình an, khiến cho Chúa luôn muốn ở lại với con. Amen.

Bài chia sẻ của  LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.

1/ Xét mình và xưng tội thường xuyên giúp con người trở nên nhân từ: Nhân đức là thói quen tốt được dùng để sửa trị tội lỗi, là những thói quen xấu. Để có lòng nhân từ, con người phải qua một tiến trình như sau:

(1) Nhận ra yếu đuối và tội lỗi của mình: Xét mình là việc đầu tiên phải làm để nhận ra tội mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Người không thường xuyên xét mình sẽ không nhận ra tội cần sửa chữa; và vì vậy, họ coi mình tốt lành, và dễ kiêu ngạo để phán xét và lên án tha nhân. Người thường xuyên xét mình dễ nhận ra tội lỗi để thú tội và lãnh nhận ơn tha thứ; đồng thời việc xét mình cũng giúp họ sửa trị kịp thời những thói quen xấu: “năng xét mình, năng chừa” là vậy. Ai cũng biết thói quen xấu để lâu ngày rất khó chừa.

(2) Nhận ra yếu đuối và tội lỗi của tha nhân: Xét mình không chỉ giúp cho sự thăng tiến cá nhân, nhưng còn giúp cho sự thăng tiến gia đình và xã hội. Xét mình giúp con người nhận ra sự yếu đuối của con người: “thánh nhân ngày còn ngã 7 lần;” không ai không có tội. Nếu mình cũng có đầy khuyết điểm tội lỗi, tại sao lại bắt người khác phải tốt lành, thánh thiện, điều không ai có thể làm nổi! Vì thế, con người dễ dàng nhân từ và tha thứ cho tha nhân hơn. Nếu Thiên Chúa đã nhân từ tha thứ cả núi tội của mình, không có lý do gì mình lại giữ những tội nhiều khi quá nhỏ của tha nhân, như Chúa Giêsu cảnh cáo: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.”

2/ Ăn ở rộng lượng với mọi người: Nguồn gốc của tình yêu nhân từ và tha thứ đến từ Thiên Chúa. Ngài thương yêu và tha thứ khi con người vẫn còn là tội nhân, và chẳng ra điều kiện gì trước khi tha thứ. Vì thế, khi con người đã được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa, con người cũng phải đối xử nhân từ với tha nhân như vậy: đừng tha thứ nửa chừng, cũng đừng đòi điều kiện nào cả, như Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Nhận ra mình là tội nhân giúp chúng ta hai điều: Chúng ta cần được Thiên Chúa tha thứ và chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm và tha thứ cho anh chị em hơn. Ngược lại, nếu không nhận ra mình là tội nhân, chúng ta sẽ dễ dàng kiêu ngạo coi mình là hòan thiện; và rất dễ phê bình, xét đóan, kết án, và không tha thứ cho người khác.

- Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, chúng ta biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối, và Máu Cực Thánh của Chúa Giêsu đổ ra sẽ không sinh ích lợi cho chúng ta.

- Bí-tích Gỉai-Tội không thể thiếu cho việc thăng tiến cá nhân và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Gia đình nào năng cùng nhau lãnh nhận Bí-tích này sẽ dễ dàng giải quyết các xung đột. 

 

Thứ ba, 27/02/2018

Đề tài: Ngôn hành tương phản

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 23,1-12)

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : 2“Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy.
8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Mỗi lần chuẩn bị cho một cuộc tranh cử các chính khách luôn vận động dân chúng bằng những lời hứa tốt lành khi họ đắc cử. Thế nhưng khi đắc cử rồi thì những lời hứa kia sẽ chỉ là những lời nói suông, lời hứa không kèm bảo chứng.

2/ Bài Tin Mừng hôm nay tác giả Tin Mừng cho thấy: Các Kinh Sư và Phariseu thường nói mà không làm, họ dùng quyền giảng dạy và khuyên bảo kẻ khác giữ luật, chu toàn bổn phận, nhưng chính họ thì chẳng bao giờ thi hành. Họ không sống niềm tin nên chẳng thể nêu gương sáng cho người khác.

3/ Lời Chúa là chân lý, là sự thật, là lời dẫn đưa con người đến sự sống, nếu ai chịu tuân giữ. Vì thế Chúa mời gọi mọi người cần tuân giữ lời Chúa truyền dạy, biểu hiện qua các việc làm cụ thể như: Cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, sống bác ái với tha nhân trong Mùa Chay.

4/ Chúa Yesus khiển trách thái độ tự mãn, khoe khoang, sống đạo giả hình của những người Phariseu. Chúa cũng cảnh giác dân chúng đừng bắt chước việc làm của họ.

5/ Trước mặt Chúa, ai là người có thể tự hào rằng mình có công phúc? Rồi sau đó yêu cầu Chúa thưởng công? Chúng ta cũng dễ dàng rơi vào kiểu sống đạo của người Phariseu khi tưởng rằng mình chỉ cần giữ đạo qua việc siêng năng đọc kinh, đi lễ.

6/ Xin thưa như vậy chưa đủ! Đạo Chúa đòi hỏi mọi người phải sống Đức tin và đối xử với tha nhân với tình yêu chân thật và khiêm tốn sâu thẳm, chỉ giữ đạo thôi thì chưa đủ nhưng còn phải sống đạo gương mẫu nữa.

7/ Chúng ta có thể nói như Thánh Phaolo: Nếu có phải tự hào thì tôi phải tự hào về những yếu đuối của mình, để cho quyền năng và sự thánh thiện của Thiên Chúa được tỏa sáng và sự công chính của Đức Ki-tô luôn đổ tràn trên tôi.

8/ Nếu chúng ta sống đạo bằng tình bác ái và tấm lòng khiêm nhường. Thì Thiên Chúa sẽ luôn phù trì, nâng đỡ, chở che tôi. Chúng ta phải luôn ghi nhớ: Thiên Chúa rất ghét kẻ kiêu ngạo, mà chỉ ban dự dật ơn lành cho kẻ khiêm nhường.

9/ Chúa Yesus phán: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên.

10/ Thế giới hôm nay người ta trọng chứng hơn trọng cung. Họ chỉ cần người chứng nhân mà không cần những người chỉ biết thuyết giảng, họ chỉ cần người dám làm chứ không cần người chỉ nói.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, từ lỗ tai đến cánh tay là một chặng đường khá dài. Xin Chúa cho chúng con vừa nhiệt thành rao truyền Lời Chúa, vừa nhiệt tình sống đạo qua các việc làm thể hiện đức bác ái yêu thương, để chúng con trở nên môn đệ đích thực của Chúa. Amen.

Bài chia sẻ của  LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Tri hành đồng nhất

1/ Người đóng kịch: Tài tử nổi tiếng là người nói hay và diễn xuất giỏi, làm sao để sống như nhân vật trong vở kịch; mặc dù biết đó không phải là con người thật của mình. Ví dụ: người nghệ sĩ có gia đình phải đóng vai linh mục hay thầy tu. Người diễn xuất:

(1) Phải giả vờ, không được sống thật: Họ không được nói những gì họ muốn nói; nhưng phải nói những gì đạo diễn muốn họ nói: nhiều khi muốn nói có nhưng phải nói không, hay ngược lại. Ngòai ra, còn phải diễn xuất sao cho đúng tâm tình của vai họ thủ: đang buồn cũng phải giả vui, hay đang vui cũng phải giả khóc. Họ chỉ có thể sống thật với con người của mình sau khi cánh màn nhung khép lại.

Đức Giêsu nhận ra tính kịch sĩ nơi những người Biệt-phái và Kinh-sư khi họ ăn chay, cầu nguyện, và làm phúc bố thí; nên Ngài đã dạy các môn đệ cách làm những việc lành này cho đúng, mà chúng ta đã nghe trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Hôm nay, Chúa Giêsu đề phòng các môn đệ về tài giảng dạy của họ: "Các Kinh-sư và các người Pharisees ngồi trên toà ông Moses mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.”

(2) Phải hóa trang, không được mang những gì mình thích: Những người đóng kịch sợ người ta biết bộ mặt thật của mình, nên phải đeo mặt nạ; hay phải hóa trang kỹ lưỡng để người xem khỏi nhận ra. Điều nguy hiểm cho những người này là nguy cơ bị tha hóa: đeo mặt nạ riết rồi tưởng là mặt thật của mình, hóa trang đóng kịch mãi rồi thành thói quen. Khi phải trở về sống ở đời thực, họ cũng vẫn đóng kịch như đang trên sân khấu vậy. Chúng ta có thể nhận ra tính thay vợ đổi chồng như thay áo của một số các nghệ sĩ.

Các Biệt-phái và Kinh-sư cũng hành động như các nghệ sĩ. Lề Luật khuyến khích họ phải ăn mặc theo lễ nghi mỗi khi lên Đền Thờ cầu nguyện. Mặc lễ phục mãi rồi trở thành thói quen. Họ nghĩ rằng cứ phải đeo những hộp kinh thật lớn trước trán và mang những tua áo thật dài mới có thể cầu nguyện, hay là thành người đạo đức thánh thiện. Họ quên rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu;” và Thiên Chúa muốn họ có tâm hồn ngay thẳng khi cầu nguyện.

2/ Sống thật với con người của mình:

(1) Sống khiêm nhường: Con người thích quyền bính, danh vọng, và được phục vụ như các Kinh-sư và Biệt-phái: “Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "Rabbi".” Người môn đệ Chúa Giêsu được kêu gọi để làm ngược lại: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

(2) Biết Thiên Chúa, biết mình, và biết người: Nói một cách tuyệt đối, chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng được gọi là Thầy, Cha, hay Vị Lãnh Đạo. Tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng chọn và trao trách nhiệm cho mỗi người: cha mẹ, thầy dạy, người lãnh đạo, tiên tri, tư tế … như chúng ta thấy trong Kinh Thánh. Chính Chúa Giêsu, tuy là Thiên Chúa, cũng chọn để gọi Thánh Giuse và Đức Mẹ là cha mẹ mình. Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là thái độ khiêm nhường và tinh thần phục vụ khi thi hành bổn phận, chứ không được kiêu ngạo, chú trọng đến danh xưng, và lợi dụng quyền hành.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải sống thành thật với Thiên Chúa, vì chúng ta không thể giấu Ngài bất cứ điều gì. Chúng ta cũng phải sống công bằng và thành thật với nhau, vì không ai muốn bị người khác đánh lừa, và đó cũng là tiêu chuẩn để Thiên Chúa ban ơn và chúc phúc.

- Giáo dục rất cần thiết để trẻ em biết sống thật. Đừng bao giờ dạy dỗ con cái đóng kịch để đánh lừa người khác, vì rất dễ thành thói quen.

 

Thứ tư, 28/02/2018

Đề tài: Tham vọng trần tục.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 20,17-28)

17 Khi ấy, lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường Người nói với các ông : 18 “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, 19 sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.”
20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo ; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. 21 Người hỏi bà : “Bà muốn gì ?” Bà thưa : “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” 22 Đức Giê-su bảo : “Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?” Họ đáp : “Thưa uống nổi.” 23 Đức Giê-su bảo : “Chén của Thầy, các người sẽ uống ; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”
24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. 25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : “Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 26Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. 27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Thế giới hôm nay không thiếu những cảnh các người quyền cao chức trọng luôn xài tiền như nước bên trong những lâu đài tiện nghi dư thừa. Bên cạnh họ là những dân đen cơ cực đói rách bần hàn => Đây luôn là những cảnh tượng đáng buồn.

2/ Trước khi lên Yerusalem, Chúa Yesus dạy cho các Môn đệ về tư cách của những người đứng đầu. Trong thế giới của Chúa, người thủ lãnh không được đòi người khác phải phục vụ mình. Trái lại, lạy Chúa, ai làm lớn phải phục vụ anh em.

3/ Phục vụ như Chúa Yesus là: Sẵn sàng hiến thân mình, đến độ sẵn sàng chịu chết để làm giá cứu chuộc muôn người.

4/ Chúa Yesus đã làm gương sáng trong tư cách làm thầy mà cúi xuống rửa chân cho các Môn đệ của mình. Chúa còn lên Yerusalem để chịu nhạo báng, đánh đòn, chịu chết trên thập giá => Hàn gắn lại mối dây liên kết sự sống với Thiên Chúa.

5/ Chúa Yesus đã hiến thân để phục vụ linh hồn mọi người. Chúng ta là Ki-tô hữu, chúng ta cũng được mời gọi phục vụ mọi người theo cách thức của Chúa là hiến mình vì lợi ích của anh em.

6/ Tin Mừng Marco tường thuật lại việc 2 Môn đệ Giacobe và Yoan là anh em ruột. Hai ông đến xin Chúa Yesus cho được ngồi 2 bên tả hữu, là 2 chức vụ cao trong nước trời, nếu sau này Ngài là vua dân Do Thái.

7/ Thánh Mattheu cũng thuật lại: Bà mẹ của 2 ông cũng đến thỉnh cầu Chúa Yesus cho 2 người con của bà được ngồi bên tả hữu trong vinh quang của nước Chúa.

8/ Đây là tâm lý tự nhiên của con người nên bà mẹ nào cũng muốn con mình có được chỗ tốt nhất, vinh dự nhất, được làm thủ lãnh để sai bảo kẻ khác. Bà mẹ của 2 Môn đệ này cũng thế, Chúa đã sửa bảo họ cách tế nhị và cũng nhân cơ hội này Chúa cũng dạy họ một bài học khiêm nhường để thắng lướt tính ghen tỵ.

9/ Sở dĩ những Môn đệ khác cũng bực mình với Yacobe và Yoan, bởi vì họ cũng có chút ghen tỵ và không muốn cho hai ông này được phần hơn, các ông chỉ suy nghĩ về nước Chúa Yesus ở trần gian này.

10/ Chúa Yesus lại có cách hành xử khác. Chúa không thuộc về thế gian nên không muốn dùng quyền để áp bức người khác, người giàu có quyền thế lại cai trị kẻ nghèo đói.

11/ Nước trời đang có ngay tại trần gian, ở nơi mỗi người. Nước trời là giáo hội Chúa, nơi đây các lãnh đạo không dùng quyền bính nhưng dựa trên tình thương, đây là nơi mà theo nguyên tắc là không có oán thù, ghen tỵ, tranh chấp.

12/ Giáo hội cũng là một tổ chức trần thế nhưng không thể có cảnh “cá đối bằng đầu” để rồi không có ai phục tùng ai. Điều Chúa Yesus muốn nhấn mạnh là không thể bãi bỏ chức vụ của những người đứng đầu, nhưng điều quan trọng là không được dùng quyền cai trị để áp bức kẻ khác, nhưng để phục vụ, không phải để dành quyền lợi cho cá nhân mình nhưng để bảo vệ quyền lợi cho những kẻ khác.

13/ Lòng kiêu ngạo muốn đấu tranh để cầm đầu mọi người vốn là điều không tốt, chỉ là do lòng ghen tỵ. Hai tật xấu này luôn làm cản trở sự phát triển đời sống cộng đồng về mọi phương diện, nên Chúa đòi phải loại bỏ 2 tật xấu này.

14/ Tôi muốn thành công và có tham vọng để làm gì? Tham vọng không xấu, muốn thành công cũng không xấu, nhưng phải biết kiềm chế ý chí. Có phải vì lòng ta muốn phát triển khả năng Chúa ban để phục vụ người khác không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa giúp con có tham vọng để phát triển và cạnh tranh nhưng không ghen tỵ, xin giúp con làm mọi việc vì lòng mến Chúa và mục đích phục vụ anh em con. Amen.

Bài chia sẻ của  LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Tham quyền và củng cố địa vị.

1/ Đấng Thiên Sai phải ngang qua con đường đau khổ: Người Do-Thái, trong đó có các Tông-đồ, và ngay cả chúng ta, không thể nào hiểu nổi thánh ý của Thiên Chúa. Họ và chúng ta không thể nào hiểu nổi tại sao một Thiên Chúa quyền uy không dùng sức mạnh để cứu độ, mà lại chọn con đường gian khổ để cứu độ con người! Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ ý định của Thiên Chúa, các môn đệ không hiểu và cũng không muốn chấp nhận con đường này. Tại sao Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ?

(1) Ngài muốn gánh hình phạt của cả nhân lọai trên vai: Tiên tri Isaiah đã loan báo trước: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta … Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Isa 53:4-5).

(2) Con người dễ bị cảm hóa bởi tình yêu hơn lệnh truyền: Trong Cựu Ước, nhiều lần Thiên Chúa truyền qua Lề Luật; nhưng con người vẫn vi phạm. Trong Tân Ước, Thiên Chúa muốn con người nhìn thấy Chúa Giêsu chịu gian khổ, để con người hiểu tình yêu của Ngài dành cho họ; để họ yêu mến Ngài. Khi con người cảm nghiệm được tình yêu, họ sẽ biết sống tốt đẹp.

2/ Người mẹ của môn đệ muốn quyền hành cho hai con mình: Điều bà mẹ của Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu cũng dễ hiểu, nếu xét theo tiêu chuẩn con người; vì có bà mẹ nào không muốn con cái mình có một tương lai yên ấm! Hơn nữa, nếu con được yên ấm, mẹ cũng được hưởng nhờ. Chúa Giêsu rất kiên nhẫn cắt nghĩa cho Bà: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" Họ đáp: "Thưa uống nổi." Vì ham muốn chức quyền, nên họ trả lời “Có!” Nhưng nếu hiểu rõ “chén đắng” mà Chúa Giêsu sắp uống là Con Đường Khổ Nạn của Ngài, chưa chắc họ dám trả lời với Ngài như vậy. Các nhà lãnh đạo tinh thần cũng phải noi gương Chúa Giêsu, phải kiên nhẫn cắt nghĩa và làm cho dân chúng hiểu những gì quá sức họ.

3/ Mười môn đệ khác tức tối với hai anh em đó: Khó chịu khi thấy người khác hơn mình là điều thường xảy ra cho tất cả mọi người, vì ai cũng muốn làm lớn. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nhiều thiệt hại và đổ vỡ trong cộng đòan. Nếu không biết cách sửa chữa kịp thời, cộng đòan sẽ có nguy cơ tan rã. Nhận ra sự nguy hại của điều này, Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.”

Chúa Giêsu muốn các môn đệ sự khác biệt giữa hai lý tưởng và hai cách lãnh đạo. Lý tưởng khác thì các lãnh đạo cũng phải khác. Lý tưởng của các môn đệ Chúa là đưa mọi người về cho Thiên Chúa, chứ không phải để đạt được uy quyền danh vọng ở đời này; nên cách lãnh đạo của họ cũng phải khác, họ phải phục vụ và hy sinh chịu gian khổ để người khác được cứu độ. Chúa Giêsu dùng chính gương của Ngài để làm ví dụ cho các ông: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Lòng ham muốn quyền hành, chức tước, và địa vị, xâm nhập khác nơi; ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo và trong gia đình. Người môn đệ Chúa phải đề phòng những ham muốn này; nếu không, họ sẽ cảm thấy bực tức, khó chịu, và ngay cả bỏ lý tưởng đang theo đuổi.

- Chúa Giêsu truyền: Nhà lãnh đạo tôn giáo phải khác với những nhà lãnh đạo khác, vì mục đích của hai bên khác nhau. Họ phải hy sinh phục vụ và chịu đựng gian khổ để đưa con người về với Chúa, chứ không phải để đạt những lợi lộc vật chất ở đời này.

 

Thứ năm, 01/03/2018

Đề tài :  Ích kỷ là một tội ác

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 16,19-31)

19 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây : “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

23 “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.24 Bấy giờ ông ta kêu lên : ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát ; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm !’ 25 Ông Áp-ra-ham đáp : ‘Con ơi, hãy nhớ lại : suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi ; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’
27 “Ông nhà giàu nói : ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, 28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này !’ 29 Ông Áp-ra-ham đáp : ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.’ 30 Ông nhà giàu nói : ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’ 31 Ông Áp-ra-ham đáp : ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.’”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Báo chí đưa tin: Vào một ngày cuối năm 2013, một xe tải chở bia gặp nạn, tại vòng xoay Tam Hiệp, Biên Hòa. Thay vì phải giúp đỡ cho anh tài xế gặp nạn thì hàng trăm người chạy ra hôi của, bỏ mặc sự van xin khóc lóc của anh tài xế đáng thương kia.

2/ Người phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay: Nhà ông quá giàu nên ông sống kiểu “kín cổng cao tường”. Ông đã bị của cải vật chất che khuất tầm nhìn, ông không còn có thể nhìn thấy những mảnh đời cơ cực xung quanh.

3/ Trong khi ông vui thú với yến tiệc linh đình mỗi ngày, ăn mặc toàn lụa là gấm vóc. Thì Lazaro ở ngay cổng nhà ông, mình mẩy đầy mụn nhọt, đang đói khát chỉ mong có được những vụn bánh từ bàn ăn của ông rơi xuống để ăn nhưng cũng không có được.

4/ Ông phú hộ đã lạnh lùng hưởng thụ mà không có chút lòng xót thương nào. Không biết dùng của cải dư thừa để giúp đỡ tha nhân nghèo đói. Lazaro đã chết vì thiếu thốn, đói khổ.

5/ Nhưng ở kiếp sau Lazaro đã được bình an hạnh phúc nơi lòng Abraham. Đây cũng là bài học cho tất cả các Ki-tô hữu hôm nay. Chúa dạy: Chúng ta phải có trách nhiệm yêu thương và giúp đỡ tha nhân khi họ gặp khó khăn, đói khổ.

6/ Bài Tin Mừng Chúa có ý dạy chúng ta phải có thái độ sống khôn ngoan trong việc sử dụng tiền bạc của cải. Tiền bạc của cải tự nó là những phương tiện tốt, ai trong chúng ta cũng cần nó để có thể sống đúng với nhân phẩm của mình.

7/ Sự thiếu thốn, bần cùng cũng là sự dữ mà Thiên Chúa không muốn cho con cái Ngài vướng phải. Tuy nhiên tiền bạc luôn là con dao 2 lưỡi, nếu ta sử dụng đúng thì nó sẽ trở thành phương tiện tốt.

8/ Trái lại! Nếu chúng ta chạy theo đồng tiền và coi nó như một cứu cánh cho mình. Nghĩa là chúng ta tôn thờ nó như thần tượng mà bỏ qua hết các giá trị khác, thì cho dù chúng ta có giàu sang suốt đời cho đến lúc chết đi nữa thì chúng ta cũng chẳng mang được gì theo và cũng chẳng có công phúc gì trước mặt Chúa.

9/ Chúng ta có thể dùng đồng tiền để sống âm no hạnh phúc ở đời này. Đồng thời cũng dùng nó để chuẩn bị cho hạnh phúc mai sau, nếu chúng ta biết đầu tư tiền cho đời này, thì cũng phải biết đầu tư tiền cho mai sau.

10/ Hãy dùng tiền để mua thật nhiều bạn hữu, để họ luôn chờ đón chúng ta ở cửa Thiên Đàng.

11/ Chúng ta cũng nên nhớ câu chuyện thời chiến quốc. Phùng Huyên làm việc cho Mạnh Thường Quân là một tướng quân nước Tề, Phùng Huyên được sai đi qua đất Tiết để đòi nợ. Trước khi đi, Mạnh Thường Quân dặn Phùng Huyên khi đòi nợ xong, coi ở nhà thiếu thứ gì thì mua về. Khi qua đến đất Tiết, Phùng Huyên gọi các chủ nợ lại và thông báo tha hết nợ.

Lúc về, Mạnh Thường Quân hỏi: “Ông đã mua được gì để đem về?”, Phùng Huyên trả lời: “Tôi thấy nhà tướng quân chẳng thiếu thứ gì, chỉ thiếu có điều nghĩa nên tôi mua điều nghĩa đem về. Ít năm sau, Mạnh Thường Quân bị thất sủng, phải lui về đất Tiết ẩn dật, dân chúng cùng ra đường chào đón, cung kính Mạnh Thường Quân. Bấy giờ Mạnh Thường Quân mới nói với Phùng Huyên” “Anh vì tôi mà mua điều nghĩa, ngày nay tôi mới trông thấy”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con được hằng ngày dùng đủ, nếu con có nghèo túng, đói khổ, xin cho con đừng bán rẻ lương tâm. Nếu con được khá hơn, xin Chúa cho con biết san sẽ cho người túng thiếu. Amen.

 

Thứ sáu, 02/03/2018

Đề tài: Số phận những ai theo Chúa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 21,33-43.45-46)

33 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng : “Các ông hãy nghe dụ ngôn sau đây : Có chủ nhà kia trồng được một vườn nho ; chung quanh vườn, ông rào giậu ; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa.34 Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. 35 Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông : chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. 36 Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước ; nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. 37 Sau cùng, ông sai con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng : ‘Chúng sẽ nể con ta.’ 38 Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau : ‘Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó !’ 39 Thế là chúng bắt lấy cậu, tống ra khỏi vườn nho và giết đi. 40 Vậy khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia ?” 41 Họ đáp : “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.” 42 Đức Giê-su bảo họ : “Kinh Thánh có câu : ‘Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.’ Các ông chưa bao giờ đọc câu này sao ?
43 Bởi đó, tôi nói cho các ông hay : Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”
45 Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ. 46 Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/Các Thánh tử đạo Việt Nam là những viên đá đầu tiên xây nền móng cho Giáo hội Việt Nam. Mỗi người Ki-tô hữu Việt Nam hôm nay phải là những viên gạch xây tường ngôi nhà Giáo hội.

2/ Thiên Chúa đến với con người, nhưng con người lại không muốn đón tiếp Chúa. Chúa Yesus chính là tảng đá đã bị loại bỏ, lãnh đạo Do Thái đã dành cho Chúa cái chết nhục nhã.

3/ Thập giá đưa đến vinh quang. Qua cái chết của Chúa Yesus, ơn cứu độ đã được ban xuống cho nhân loại. Nếu chúng ta là Môn đệ của Chúa, chúng ta phải trở nên giống Chúa, sẽ bị bách hại vì Tin Mừng, chấp nhận chịu thương tổn để mang lại lợi ích cho tha nhân.

4/ Chúng ta cần vững vàng tin tưởng rằng: Nhờ quyền năng của Chúa thì những hy sinh mất mát mà người Môn đệ phải chịu, sẽ đơm bông kết trái, sẽ dẫn đưa nhiều linh hồn về với Chúa.

5/ Bài Tin Mừng, tác giả muốn dùng tính cách hình dung để diễn đạt một sự thật: Thiên Chúa là chủ vườn nho, vườn nho là dân Do Thái, Tá điền là giới lãnh đạo tinh thần. Chúa trao cho giới lãnh đạo quyền coi sóc tinh thần và làm sinh lợi cho Chúa là những việc lành phúc đức.

6/ Biết bao lần Chúa sai các sứ giả của Chúa là các Ngôn sứ đến để thu hoạch phần hoa lợi. Nhưng các Ngài đều bị ngược đãi và giết chết.

7/ Sau cùng Thiên Chúa đã sai người con một đến với họ là chính Đức Yesus. Chẳng những họ đã không kiêng nể gì, mà còn xử tệ hơn nữa, đã bắt lấy người con lôi ra khỏi vườn nho và giết người đi, tức là Chúa Yesus đã bị giết chết bên ngoài Thành Yerusalem.

8/ Dụ Ngôn vừa có tính cách lịch sử, vừa có tính cách tiên tri, đang diễn tả một biến cố mà nó đã thực sự xảy ra. Qua những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử Do Thái, thái độ của lãnh đạo Do Thái đối với các Ngôn sứ mà Thiên Chúa sai đến.

9/ Mặc khác, Dụ Ngôn cũng có tính cách tiên tri khi nói về đạo Chúa sẽ lan tràn khắp các dân tộc. Cũng trong Dụ Ngôn này, Chúa Yesus cũng muốn cho ta thấy rõ thân thế và sứ mạng của Chúa.

10/ Những người được Thiên Chúa sai đến trước kia cho dù là những người nổi tiếng như Elia, Eliseu, Geremia, Yoan Tiền Hô,... cũng chỉ là những tôi tớ. Còn Chúa Yesus mới là người con trai duy nhất.

11/ Ở đây Chúa Yesus cũng muốn nhấn mạnh đến sự nhẫn nại của Thiên Chúa đối với các tá điền, nhất là về cái chết của Ngài như là một sự nhẫn nại tột độ, một sự nhượng bộ cực kỳ thẳm sâu của Thiên Chúa.

12/ Chúa Yesus được sai đến trần gian để tháo gỡ những xiềng xích tội lỗi đang trói buộc linh hồn chúng ta, những tinh thần xấu, những não trạng lỗi thời. Ngài cũng tháo gỡ những cái làm cho Tôn giáo trở nên nặng nề, biến chất.

13/ Chúa đến để giúp cho mọi người nhận ra rằng: Đạo Chúa là đạo tình yêu, Thiên Chúa là tình yêu, Luật chính của nước Ngài là Luật “Tình Yêu”.

14/ Chúa chết trên thập giá cũng chỉ minh chứng cho một tình yêu trọn vẹn và tuyệt đối của Ngài. Vì thế Chúa Yesus đã khẳng định: Không có tình yêu nào cao quý hơn là chết cho người mình yêu.

15/ Mùa Chay, Chúa kêu gọi chúng ra suy gẫm về những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua người con duy nhất của Ngài. Chúa Yesus đã ban cho chúng ta hồng ân cao quý nhất là ơn cứu độ bằng một cái chết thảm thương của Ngài. Mỗi khi chúng ta đi ngắm 14 chặng đường Thánh Giá là chúng ta lại suy gẫm về Hồng ân cao quý ấy.

16/ Khi ngắm mầu nhiệm Thánh Giá của Chúa, chúng ta học tiếng “Xin Vâng” mà Chúa gửi đến trong những đau khổ hằng ngày. Và qua đó chúng ta có được một tâm hồn rộng mở để có được sự cảm thông của mọi người, và qua đó chúng ta sẽ trở nên một nơi tương tựa xứng đáng để anh em chúng ta có thể tìm được chút an ủi mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn can đảm để con dám dấn thân theo Chúa và làm chứng cho Chúa trọn đời con. Amen.

Bài chia sẻ của  LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.

1/ Câu truyện Vườn Nho của Tân-ước: Sở dĩ chúng ta gọi như vậy là để phân biệt với câu truyện Vườn Nho của Cựu-ước mà Tiên-tri Isaiah tường thuật (Isa 5:1-7). Chúa Giêsu dùng thể văn lọai suy mà người nghe hiểu ngay Ngài đang muốn ám chỉ ai và về điều gì:

Vườn nho là nhà Israel và gia chủ là chính Thiên Chúa. Các tá điền là những người lãnh đạo trong Israel: tư tế, kinh sư, và biệt phái. Đầy tớ của chủ là các tiên tri qua các thời đại. Điểm khác biệt giữa hai câu truyện Vườn Nho là sự sai đi của Người Con. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!" Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. Chúa Giêsu muốn đối thọai với khán giả để chính họ ra bản án cho các tá điền:

- “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?"

- Họ đáp: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông."

2/ Sự quan phòng của Thiên Chúa: Đức Giêsu bảo họ: "Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” Câu Kinh Thánh Chúa Giêsu trích dẫn ở đây là Thánh Vịnh 118:22-23. Chúa Giêsu muốn cắt nghĩa cho họ biết Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa đang được thực hiện ngay trong sự ghen ghét và ác độc của các tá điền. Ngài chính là Tảng Đá mà các nhà lãnh đạo Do-Thái sắp giết chết; nhưng chính cái chết của Ngài sẽ đem lại lợi ích cho mọi người: Do-thái cũng như Dân-ngọai. Từ nay, Nước Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong dân tộc Do-thái nữa; mà sẽ mở rộng đến mọi dân tộc. Sẽ có những dân tộc biết sinh hoa lợi cho Thiên Chúa nhiều hơn dân tộc Do-thái.

Các Thượng-tế và Biệt-phái hiểu ngay là Người đang nói về họ qua dụ ngôn Người kể. Như là một sự sắp đặt, “Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.” Họ chưa thi hành kế họach được, vì giờ của Ngài chưa đến. Khi giờ đến, họ sẽ làm theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa đã vạch sẵn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa đang điều khiển và quan phòng mọi sự xảy ra trong thế giới này. Con người có thể nghĩ họ là người điều khiển, nhưng thực ra họ đang làm những gì đã được xếp đặt trong sự quan phòng của Ngài.

- Dĩ nhiên con người vẫn có tự do để cộng tác hay làm nghịch lại ý của Thiên Chúa; nhưng họ không thể làm cho những gì Thiên Chúa họach định đừng xảy ra. Ngài có thể dùng tất cả những cái tốt cũng như cái xấu của con người để đạt những gì Ngài họach định.

- Sự quan phòng của Thiên Chúa nhiều khi không dễ hiểu; nhưng chúng ta phải tin, vì nếu chúng ta hiểu được mọi sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta không còn là người nữa.

 

Thứ bảy, 03/03/2018

Đề tài: Tình thương bao la

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 15,1-3.11-32)

1 Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này :
11 “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng : ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng ; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ...’ 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời : ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha : ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !’
31 “Nhưng người cha nói với anh ta : ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.’”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Những con người trót lỡ lầm, sau khi đã chịu hình phạt trong lao tù. Nay trở về, họ rất được gia đình bà con chòm xóm đón nhận họ bằng một vòng tay quảng đại, cảm thông, tha thứ => Có được như thế họ mới có cơ hội làm lại cuộc đời.

2/ Chúng ta rất dễ có cái nhìn “dán nhãn” nếu có ai đó có một lần lỗi phạm, thì cả đời họ luôn phải chịu tiếng xấu! Khi xét xử sự như thế là một cách vô tình chúng ta lại đẩy họ vào ngõ cụt và dập tắt đường về của họ.

3/ Thiên Chúa là đại dương mênh mông, tội lỗi của chúng ta là những tảng đá. Thiên Chúa đầy tình yêu thương nên Ngài xử sự rất khác, mọi lỗi lầm ta phạm, Ngài ném hết xuống đáy biển.

4/ Đó là hình ảnh người cha nhân hậu đang giang rộng đôi tay để đón đứa con lầm lạc trở về. Với tâm tình người cha, thì trước mặt ông không phải là một thằng con ngông cuồng bất hiếu, kẻ đã phung phí hết tài sản để ăn chơi trác táng mà là đứa con máu mủ đáng yêu của mình.

5/ Người Cha đã dành tất cả tình yêu thương của mình để xây dựng lại cuộc đời cho đứa con. Hôm nay chúng ta đang sống trong tội lỗi quay về với Chúa, cũng bởi vì yêu thương nên Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta.

6/ Bài Tin Mừng (vừa là Dụ Ngôn) hôm nay với tựa đề: Người con phung phá, người con hoang đàng, đứa con bụi đời biết ăn năn hay là tình cha bao la. Đây chính là hình ảnh một Thiên Chúa của tình thương đối với các tội nhân, đây chính là mục tiêu mà Chúa Yesus muốn dạy chúng ta hôm nay.

7/ Một người cha có thể đối xử với đứa con hư hỏng của mình theo 3 cách: a)Ông ta có thể mắng, đuổi đi/ b) Ông có thể thử thách đứa con của mình một thời gian. Đây là điều mà bất cứ đứa con hư hỏng nào quay về đều rất mong được hưởng, như đứa con trong bài Tin Mừng đã nói: “Cha cứ coi con như người làm thuê” / c) Người cha có thể làm thinh, không thèm nói năng gì đến con. Đây có lẽ là cách phạt nặng nề nhất, người con sẽ rất đau buồn và lo lắng không biết cha sẽ đối xử với mình thế nào?

8/ Người cha trong Dụ Ngôn hôm nay không chọn cách nào trong 3 cách mà chúng ta vừa nói ở trên. Thay vào đó là thái độ ông vui mừng sung sướng như một đứa trẻ khi thấy cha mẹ mình đi xa vừa trở về.

9/ Ông còn bộc lộ cử chỉ âu yếm để chứng tỏ tình yêu của ông bao la dành cho đứa con. Ông đã phục hồi địa vị và quyền lợi cho con một cách đầy đủ như một đứa con ngoan.

10/ Người ta diễn tả rằng: Đứa con trở về đó như đã mất mà nay lại tìm thấy! Nó lại được thương mến hơn trước. Đây quả là điều có thật nhưng khó tin vì nó ở trong Dụ Ngôn.

11/ Đọc qua tiêu đề, chúng ra tưởng đứa con đóng vai chính, nhưng thật ra người cha mới là vai chính. Đó là cách Thiên Chúa đối xử với tội nhân khi họ quay về với Ngài, khi họ đổi mới cách ăn nết ở của họ. Đây là một tâm tình đích thực của Thiên Chúa nên điều mà Dụ ngôn muốn nói với chúng ta là cách họ diễn tả về trái tim từ bi nhân hậu của Ngài.

12/ Thiên Chúa yêu thương và chờ đợi, chúng ta thấy rằng trước khi người con trở về thì người Cha ngày ngày vẫn đứng ở cửa trông chờ con. Cho nên khi nó trở về từ đàng xa thì ông đã thấy nó, ông chạy ra đón nó chứ không đợi nó về gặp ông và nói lời gì.

13/ Trong việc sám hối của chúng ta, ơn Chúa đi trước, kêu gọi và mời đón. Tất nhiên chúng ta phải đáp lại tiếng gọi của Chúa thì công việc sám hối của ta mới hoàn thành.

14/ Tội lỗi của chúng ta dù nặng nề đến đâu, nhưng nếu chúng ta thành thực ăn năn sám hối và quay về thì chắc chắn sẽ được Chúa tha thứ. Chúng ta hãy nghe tiếng gọi của Mùa Chay để quay về.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là người cha đầy lòng nhân ái, xin ban cho con ơn can đảm để từ bỏ đường tội lỗi và quay về. Amen.

Bài chia sẻ của  LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Người Cha nhân hậu

1/ Người tội lỗi cần tình thương của Thiên Chúa: Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisees và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Chúa Giêsu đưa ra 3 dụ ngôn để giúp họ nhận ra tình thương Thiên Chúa, và dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” tuyệt vời hơn cả, vì nó bao hàm tất cả các tiến trình phạm tội, xám hối, trở về, và tình thương tha thứ.

(1) Tội lỗi và tự do: Tội lỗi xảy ra khi con người lạm dụng quyền tự do của mình. Thiên Chúa ban cho con người quyền tự do chọn lựa, và Ngài tôn trọng quyền tự do của con người. Dĩ nhiên Ngài có thể bắt con người làm theo ý Ngài, nhưng làm như thế là mâu thuẫn với chính Ngài, và con người cũng không thỏai mái khi bị bắt làm như thế. Người con thứ cho chúng ta nhìn thấy cách xử dụng tự do không đúng của con người. Người cha để cho con hòan tòan tự do, mặc dù ông rất đau khổ trong lòng, vì ông biết có thể đây là lần cuối được nhìn thấy con. 

(2) Tội lỗi và hình phạt: Tự do chọn lựa là phải lãnh nhận hậu quả mang lại. Người biết dùng tự do là người biết cân nhắc kỹ các hậu quả sẽ mang lại của từng lựa chọn. Người con thứ đã không nhìn thấy trước hậu quả của lối sống anh ta đã chọn; và khi hậu quả xảy ra, anh mới biết mình đã lựa chọn không đúng. Vì không có nghề, nên anh phải chăn heo, là một nghề mà người Do-Thái khinh thường. Chưa hết, vì quá đói nên anh ước ao được ăn những đồ heo ăn, mà cũng chẳng ai cho. Danh dự của một con người giờ còn thua cả một con vật nhơ bẩn. 

(3) Tội lỗi và xám hối: Đau khổ cần thiết vì nó giúp con người biết phân biệt phải trái; trong đau khổ, con người nhận ra nhu cầu phải ăn năn xám hối. Người con thứ nhận ra mình đã không sống xứng đáng với địa vị làm con, nên muốn xin trở nên như một người làm công để có cơm ăn cho khỏi chết đói. Và anh ta mạnh dạn đứng lên ra về. 

(4) Tội lỗi và tha thứ: Có một chi tiết nhỏ, nhưng nhiều người đã nhận ra và viết về nó: Làm sao người cha biết khi nào con trở về mà chạy ra đón con? Có người suy đóan: chắc ngày nào ông cũng ra đón vì thương con. Điều hợp lý hơn có lẽ Chúa Giêsu muốn ám chỉ Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa mới biết những gì xảy ra trong tâm hồn con người. Ngài tha thứ mà chẳng đòi điều kiện nào cả; cũng chẳng cần con kịp nói hết lời. Không những sẵn sàng tha thứ mọi tội mà còn phục hồi quyền làm con qua việc mặc áo đẹp nhất, xỏ nhẫn, mang giầy, và ăn mừng.

2/ Con người không thể hiểu được tình thương Thiên Chúa: Tình thương quá tuyệt vời của người cha làm nhiều người bất mãn, trong đó có người anh của người con thứ.

(1) Phản ứng của người anh cả: Khi biết lý do của buổi tiệc, Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ, và cậu được dịp để bày tỏ nỗi tức giận của mình:

- Kể công phục vụ: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.”

- Từ chối không nhận em mình: “Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”

(2) Phản ứng của người cha: Ông vẫn bênh vực người con thứ và kiên nhẫn cắt nghĩa cho người con cả: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta khó tha thứ cho kẻ thù và cầu nguyện cho người xúc phạm; vì chúng ta không chịu xét mình để nhìn ra tình thương tha thứ và cách cư xử của Thiên Chúa với chúng ta.

- Một khi chúng ta nhìn ra tình thương tha thứ của Thiên Chúa và cách cư xử của Thiên Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ cho anh chị em hơn; và nhận ra những gì họ xúc phạm đến chúng ta không thể so sánh với những gì chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa.

- Sau cùng, tất cả chỉ là tình thương. Nếu chúng ta đã nhận được tình thương từ Thiên Chúa, chúng ta cũng phải chia sẻ tình thương cho nhau.


Trở lại      In      Số lần xem: 2530
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  7
 Hôm nay:  1428
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11406837
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top