Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần II Phục Sinh B 2018

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần II Phục Sinh (09/04 -> 14/04/2018)

Thứ hai, 09/04/2018

Đề tài: LÝ GIẢI VỀ ĐỜI SỐNG SIÊU NHIÊN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 3,1-8)

1 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái. 2 Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người: "Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy." 3 Đức Giê-su trả lời: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên." 4 Ông Ni-cô-đê-mô thưa: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao? " 5 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. 6 Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. 7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy."

 

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Chân lý là một sự thật dễ bị làm lu mờ, dễ trở nên điều giả dối nếu có ai đó quá đề cao. Nếu không có lòng yêu chân lý, người ta khó lòng mà nhận biết đâu là chân lý.

2/ Tiến sĩ Luật Nicodemo chỉ được nhắc đến trong Tin Mừng Yoan. Ông là bậc thầy trong Israel (Yn 3,10), ông thuộc nhóm các nhà lãnh đạo Do Thái, ông có lòng tin vào Đức Yesus nên đã đến gặp Đức Yesus vào ban đêm.

3/ Nhờ gặp Đức Yesus, ông đã nhận ra chân lý và sự thật nơi Đức Yesus. Nhờ đó ông đã bước ra khỏi bóng tối, ông đã tuyên xưng rằng: “Thầy là vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến”.

4/ Chúng ta thường phê phán thái độ của các lãnh đạo Do Thái vì họ luôn chống đối Chúa. Nhưng chúng ta cần biết rằng: Không phải tất cả bọn họ đều xấu xa như thế bởi cũng còn có những người tốt như Nicodemo dám xuất đầu lô diện để bênh vực Chúa. Nhưng cũng còn số người khác cũng tin Chúa nhưng vì họ sợ mất quyền lợi và địa vị hiện có, nên chẳng dám ra mặt bênh vực Chúa.

5/ Nicodemo là một tiến sĩ luật, là một Đầu Mục Do Thái/ Đầu Mục được hiểu như là đại biểu, đại diện cho dân, ông là thành viên quan trọng trong Hội đồng cộng tọa gồm 70 người, đứng ra xét xử việc nước của dân tộc Do Thái.

6/ Ông đã để ý nghe Chúa giảng và các phép lạ Chúa làm. Ông có cảm tình và có lòng tin phục Chúa, nhưng ông chưa hiểu thấu đáo mọi chân lý nên hôm nay ông đến gặp Chúa để xin giải đáp.

7/ Chúa Yesus hiểu lòng ông nên Chúa bảo ông: Thấy phép lạ thôi thì chưa đủ, còn phải thấy được nước trời và vào được nơi đó. Điều kiện là phải được ơn tái sinh, nghĩa là phải tiếp nhận sự sống thần linh, mà sự sống này vượt cao hẳn sự sống nhân loại mà ông đang hiện có.

8/ Nghe tới từ “tái sinh”, Nicodemo đã không thể nào hiểu. Vì thế nên Chúa Yesus đã phải dùng một tiếng khác được cắt nghĩa theo tinh thần Kinh Thánh để ông dễ hiểu hơn, đó là: Phải sinh lại trong Nước và Thánh Thần. Có nghĩa là phải chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần.

9/ Chúa Yesus đưa ra hai cách sinh khác nhau. Một là sinh ra theo kiểu xác thịt, là lối sinh tự nhiên; hai là sinh theo đường lối Thánh Thần qua việc chịu phép rửa tội, đây là lối sinh siêu nhiên do Thánh linh.

10/ Chúng ta là Ki-tô hữu, chúng ta đã chịu phép rửa tội, tức là chúng ta đã được sinh ra 2 lần. Lần đầu tiên do cha mẹ, lần thứ hai do Thiên Chúa, Ngài ban cho ta sự sống siêu nhiên.

11/ Bí Tích Rửa Tội được gọi là Bí Tích Tái Sinh. Phép rửa này biến chúng ta thành một thụ tạo mới, mà còn biến đổi chúng ta từ một tội nhân trở thành một Thánh nhân.

12/ Nói rõ hơn: Nếu sinh ra bởi cha mẹ thì ta trở thành con cái của cha mẹ, nếu sinh ra theo đường lối siêu nhiên thì chúng ta trở thành con Thiên Chúa, nhờ phép rửa tội.

13/ Chúng ta phải cố gắng giữ gìn đức tin bằng mọi giá, kể cả phải hy sinh mạng sống mình. Chúng ta mất đời sống linh hồn mình khi chúng ta phạm tội, chúng ta mất sự sống đời đời nếu chúng ta chối bỏ đức tin.

14/ Một cựu thủ tướng nước Anh, ông Toma More bị tống ngục vì không chịu chối bỏ đức tin Ki-tô giáo, sau đó ông bị kết án tử hình. Người vợ lo lắng hỏi ông: “Sao anh không tự cứu mình?”, “Theo em nghĩ, anh sẽ sống ở trần gian này bao lâu nữa, cao lắm thì thêm được 20 năm nữa, nhưng nếu chỉ vì 20 năm tuổi già đó mà anh phải hy sinh cả sự sống đời đời của anh thì quả là dại dột”.

15/ Ông thủ tướng này đã hiểu được giá trị của cuộc sống siêu nhiên nên ông đã chấp nhận từ bỏ tất cả để giữ lấy sự sống đời đời ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con hiểu được ánh sáng chân lý của Chúa, để con yêu mến và gìn giữ nó suốt đời con. Amen.

Bài chỉa sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Phải sinh ra một lần nữa bởi Nước và Thần Khí.

1/ Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa từ trên.

(1) Tiểu sử Nicodemus: “Trong nhóm Pharisees, có một người tên là Nicodemus, một thủ lãnh của người Do-thái.” Ông là một thành viên của Thượng Hội Đồng, và đã lên tiếng bênh vực Chúa Giêsu cách gián tiếp khi THĐ âm mưu bắt Chúa Giêsu (Jn 7:50-51). Ông cũng là người đã cùng ông Joseph Arimathea tháo đanh và táng xác Chúa trong hang đá (Jn 19:38-39). Tại sao ông đến với Chúa Giêsu ban đêm? Có người cho rằng vì ông sợ người khác thấy. Kẻ khác cho tại vì truyền thống Do-thái có thói quen học Kinh Thánh ban đêm.

Ông để ý quan sát và nhận xét về Chúa Giêsu không giống như các người Pharisees khác: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” Lời nhận xét của ông giống như lời nhận xét của người mù từ lúc mới sinh trong Jn 9: Nếu Chúa Giêsu không đến từ Thiên Chúa, Ngài không thể nào chữa lành bệnh tật cho anh. Ông phải là người thành tâm thiện ý đi tìm sự thật; nhưng chưa có Thánh Thần để giúp ông hiểu lời Chúa nói và can đảm tin vào Chúa. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu thảo luận với ông về sự hiện diện cần thiết của Thánh Thần. Có lẽ ông đã tin vào Chúa sau khi táng xác Chúa.

(2) Điều kiện để vào Nước Thiên Chúa: Đức Giêsu nói với ông: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên." Ông Nicodemus thưa: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?"

Trong tiếng Hy-lạp, trạng từ "anothen"có thể mang một trong 3 nghĩa sau: (1) từ trên cao; (2) một lần nữa; (3) từ ban đầu (Lk 1.3). Nicodemus hiểu lời Chúa Giêsu nói theo nghĩa thứ hai.

Theo W. Barclay, Chúa Giêsu có thể ám chỉ cả 3 nghĩa: “Để có thể tái sinh hoàn toàn mới, một người cần phải trải qua một sự thay đổi lớn mà nó gần như là một sự sinh ra mới (nghĩa 2); đó là cần phải có những gì xảy ra cho linh hồn mà nó chỉ có thể mô tả là được sinh ra bắt đầu lại từ đầu (nghĩa 3); và tòan thể tiến trình này không phải do công lao con người, vì nó đến từ ơn thánh và uy quyền của Thiên Chúa (nghĩa 1).”

2/ Chúa Giêsu cắt nghĩa cho Nicodemus:

(1) Sinh ra bởi Nước và Thánh Thần: Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” Các tông đồ phân biệt 2 phép rửa: phép rửa bằng nước của Gioan để tha tội, phép rửa ban Thánh Thần của Chúa Giêsu.

(2) Việc làm của Thánh Thần: Chúa Giêsu so sánh Thánh Thần với gió: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”

Trong tiếng Hy-lạp và Do-thái, họ chỉ dùng cùng một tiếng để chỉ “gió” và “thần khí:” ruah trong tiếng Do-thái và pneuma trong tiếng Hy-lạp. Con người thấy hậu quả những việc làm của Thánh Thần, tuy không bao giờ thấy Ngài. Ví dụ, khi nhìn thấy các tông đồ mạnh dạn làm chứng cho Chúa Giêsu hay nói tiếng lạ, chúng ta phải đặt câu hỏi: Ai đã biến các ông từ chỗ nhút nhát sợ sệt đến chỗ can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Khi lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta đã có Thánh Thần trong linh hồn.

- Các tín hữu phải được tái sinh bởi Thánh Thần mới có thể hiểu Lời Chúa và can đảm làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.

 

Thứ ba, 10/04/2018

Đề tài: ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC SỐNG ĐỜI SỜI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 3,7b-15)

7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy." 9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: "Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?" 10 Đức Giê-su đáp: "Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy! 11 Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. 12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được?" 13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Thiên Chúa là cây nho, chúng ta là cành nho. Điều kiện để cành nho được sống là phải liền cành với cây nho, để cây nho thông ban nhựa sống.

2/ Ngày xưa ông Moise treo con rắn đồng ở trong Sa Mạc (Ds 21,4-9), ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng với lòng tin vào Thiên Chúa thì được cứu sống. Con rắn đồng là dấu hiệu để chúng ta được cứu thoát.

3/ Con người muốn được cứu thoát, cũng phải nhìn lên Đấng được giương cao. Nghĩa là tin vào Ngài, lắng nghe và thực thi giáo huấn của Ngài, giương cao có nghĩa là Đức Yesus vừa bị chết treo trên Thập Giá, sau đó đã được Thiên Chúa Cha tôn vinh.

4/ Đối với Chúa Yesus, chết không hề là một sự thất bại. Nhưng mục đích cái chết của Ngài là để đổi lại sự sống cho con người, cho những ai tin vào Ngài, nhờ đó họ trở thành con Thiên Chúa (Yn 1,12).

5/ Trong mọi hoàn cảnh khốn khó của cuộc đời, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy ngước nhìn lên Thánh giá của Chúa Yesus. Vì Thánh Giá là biểu tượng của nguồn ơn cứu độ, là niềm hy vọng, là niềm tự hào của mọi Ki-tô hữu.

6/ Chúa Yesus cho ông Nicodemo biết có hai điều kiện để được sống đời đời: Thứ nhất phải được ơn tái sinh, thứ hai phải tin vào Chúa Yesus và vui lòng vác Thập Giá mình mà đi theo Ngài.

7/ Tái sinh là phải lãnh nhận phép rửa tội để trở nên một thụ tạo mới, là con của Chúa được Thần linh Thiên Chúa hướng dẫn.

8/ Sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần như luồng gió. Gió thổi từ đâu, thổi đi đâu, không ai biết được, và dừng lại ở đâu. Không ai biết vì không ai thấy  gió, người ta chỉ thấy được hiệu quả từ gió mà thôi => Gió thổi bay tà áo, gió thổi tắt ngọn nến, gió làm dịu sức nóng và cho chúng ta sự mát mẻ.

9/ Không ai thấy Chúa Thánh Thần vì Ngài vô hình. Ngài vẫn hoạt động nơi chúng ta nhưng chúng ta không trông thấy Ngài / 

10/ Để đổi mới cuộc đời, chúng ta cần đến quyền năng sáng tạo của Ngôi Ba Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần. Như Thiên Chúa đã sáng tạo và ban cho con người sự sống phần xác thế nào, thì Thánh Thần cũng có thể tạo dựng nên một con người mới và ban cho con người ấy sự sống mới như vậy.

11/  Chúa Yesus còn dạy thêm: Như ông Moisen treo con rắn lên thế nào thì con người cũng phải bị treo lên như vậy, để ai tin vào Ngài thì sẽ không phải chết. Chúa Yesus cũng có ý nói về chính Ngài: Khi Ngài chịu treo trên Thập Giá thì Ngài mới có thể kéo mọi sự lên cùng Ngài và ai tin vào Ngài thì sẽ được sống muôn đời.

12/ Thập Giá chính là nguồn ơn cứu độ để Chúa ban sự sống Thần Linh cho những ai tin vào Ngài và cũng trở thành điều kiện cho những ai muốn theo Ngài: “Ai muốn theo ta, hãy từ bỏ mình, vác Thập Giá mình mà theo ta”.

13/ Chúa Yesus vẫn luôn vác Thập Giá. Người Ki-tô hữu cũng phải vác Thập Giá của mình mà theo Chúa, chúng ta cũng cần biết rằng: Thập Giá chính là những gian nan, đau khổ, trái ý, những thử thách trong cuộc đời mình.

14/ Khi chúng ta lãnh phép rửa tội, là chúng ta đã được ơn tái sinh, là chúng ta có được sự sống Thần Linh, chúng ta đang được Chúa Thánh Thần soi dẫn. Nhưng sự sống Thần Linh này không miễn trừ cho chúng ta khỏi những đau khổ, trái ý , mà trái lại, cuộc đời chúng ta đầy những đau khổ, khó khăn, thử thách => Đó là Thập Giá / nó luôn đe dọa lòng tin yêu Chúa của chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con luôn chấp nhận Thập Giá, bất kỳ ở cấp độ nào. Con chỉ xin Chúa luôn nâng đỡ con trên mọi nẻo đường đầy gian nan thử thách này , để chúng con luôn vững tin vào Chúa. Amen.

Bài chỉa sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Phải được tái sinh bởi Thánh Thần để hiểu các mầu nhiệm Nước Trời.

1/ Phải được tái sinh bởi Thánh Thần:

(1) Không ai có thể tiên đoán các công việc của Thánh Thần: Chúa Giêsu nói: “Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy."

Gió có thể đem sự thoải mái cho con người, tạo năng lực thay điện; nhưng gió có thể tàn phá nặng nề nhà cửa và gây thiệt hại tính mạng cho con người. Không ai có thể đoán chắc gió từ đâu tới và sẽ đi đâu, vì gió có thể chuyển hướng và tăng tốc độ bất cứ lúc nào. Tương tự như thế trong cách hoạt động của Thánh Thần nơi con người: Ngài có thể thay đổi và dẫn một cá nhân hay một cộng đoàn tới một nơi hay một công việc mà họ không bao giờ dám nghĩ tới.

(2) Ông Nicodemus hỏi Người: "Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?" Đức Giêsu đáp: "Ông là bậc thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy! Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được?"

2/ Cần Thánh Thần hướng dẫn để hiểu những Mầu Nhiệm Nước Trời: Con người chỉ có thể hiểu và tin những gì nằm trong giới hạn con người. Để có thể tin vào Thiên Chúa và những mầu nhiệm thuộc về Ngài, con người cần được sự trợ giúp của Thiên Chúa qua việc ban Thánh Thần cho con người. Chúa Giêsu liệt kê hai mầu nhiệm điển hình cho Nicodemus:

(1) Mầu nhiệm Nhập Thể: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.” Để tin Chúa Giêsu vừa là Chúa vừa là người cần có sự soi sáng của Thánh Thần.

(2) Mầu nhiệm Cứu Chuộc qua Cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu: “Như ông Moses đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” Con người không thể hiểu nổi tại sao một Thiên Chúa uy quyền lại muốn con mình đi qua con đường Thập Giá để cứu chuộc con người! Thánh Thần có thể làm cho con người hiểu mầu nhiệm này.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Khi chịu Bí tích Rửa Tội là chúng ta đã được đóng ấn Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Ngài. Ngài sẽ làm cho chúng ta hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời và hướng dẫn chúng ta tới sự thật toàn vẹn.

- Những quà tặng Chúa Thánh Thần ban cho mỗi cá nhân là cho sự phát triển của cộng đoàn; mỗi cá nhân cần sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để đóng góp vào việc xây dựng và phát triển cộng đoàn và mở mang Nước Chúa. 

 

Thứ tư, 11/04/2018

Đề tài: QUYỀN ĐÓN NHÂN VÀ KHƯỚC TỪ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 3,16-21)

16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. 19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa."

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Chúng ta được lôi kéo đến cùng Thiên Chúa nhưng không mất đi sự tự do. Chúng ta được cuốn hút đến với Chúa bằng một lực hút thánh thiêng, êm ái.

2/ Chúa Yesus chính là ánh sáng mà Thiên Chúa dùng để chiếu soi thế gian. Chúa Yesu cũng là nguồn mạch sự sống dành cho những ai tin vào Ngài.

3/ Bài Tin Mừng hôm nay cũng là một bản án dành cho những ai chối từ ánh sáng và ưa chuộng bóng tối, có nghĩa là họ luôn thích làm điều xấu xa nên muốn khước từ Chúa Yesus, cũng là khước từ chính Đấng ban sự sống.

4/ Những ai tin vào Chúa Yesus là đón nhận ánh sáng, thì không bị kết án, nhưng được hưởng sự sống muôn đời. Đón nhận ánh sáng là sống theo đường lối Chúa dạy.

5/ Chúa muốn tôi không ham mê của cải vật chất, ham mê danh vọng, quyền thế. Nhưng phải sống trong sạch, bác ái và thờ phượng Chúa.

6/ Hôm nay Chúa Yesus bảo ông Nicodemo, chẳng những phải tin vào Đức Ki-tô mà còn phải tin vào Thiên Chúa Cha. Vì yêu thương, Chúa Cha đã ban con một xuống thế để cứu chuộc nhân loại và ban cho họ sự sống vĩnh cửu. Người con ấy chính là Chúa Yesus, Ngài cũng chính là ánh sáng ban sự sống.

7/ Người Do Thái đang mong chờ một Đấng Thiên Sai, một quan xét, một quan tòa đến để phân tách kẻ lành người dữ , Phân tách người Do Thái khỏi lương dân.

8/ Hôm Chúa Yesus báo cho họ biết điều mà họ trông mong đó đã thành tựu vì Đức Ki-tô đã đến. Sự xét xử phân tách ở đây chính là sự hiện diện của Đức Ki-tô: ai tin Ngài là được cứu rỗi, ai từ chối Ngài là bị phạt.

9/ Chúa báo ông Nicodemo rằng: Có rất nhiều người, nhất là các đồng nghiệp Phariseu của ông đã cứng lòng, cố chấp, không chịu tin vào Ngài, còn làm khó dễ Ngài. Như vậy là họ đang ưa chuộng tối tăm hơn ánh sáng, họ sợ ánh sáng sẽ phơi bày việc xấu xa của họ và lên án họ; ngược lại những ai đến với ánh sáng, đến với Ngài sẽ được cứu rỗi.

10/ Chúa Yesus dùng hình ảnh ánh sáng để chỉ về Ngài. Chúng ta biết ánh sáng rất quan trọng đối với con người, nếu không có ánh sáng thì không có sự sống.

11/ Từ thảo mộc, cây cỏ, đến con người. Nếu không có ánh sáng thì mọi vật đều phải chết, ánh sáng giúp con người nhìn thấy nhau, thấy được vật chất, thấy được màu sắc.

12/ Trong lãnh vực thiên nhiên. Chúa Yesus cũng muốn nói đến sự cần thiết phải có Ngài, Ngài là ánh sáng của thế gian, không có Chúa thì không có ơn cứu rỗi, con người phải đến với Ngài mới có được ơn cứu rỗi.

13/ Chúng ra rất cần ánh sáng của Chúa. Khi ở trong bóng tối, chúng ta dám làm bất cứ điều tồi tệ nào, chúng ta dám coi trời bằng vung; ngược lại, nếu có ánh sáng của Chúa, chúng ra sẽ sống tốt lành, chúng ta sẽ như hạt giống nẩy mầm , trổ sinh niềm tin và hy vọng cho anh em chúng ta.

14/ Suy nghĩ kỹ lại: Hiện giờ chúng ta có ánh sáng của Chúa không? Chúng ta có sống đúng vai trò là ánh sáng của thế gian không? Không ai có thể cho cái mà mình không có.

15/ Chúng ta không có ánh sáng thì chúng ta không soi sáng cho ai được. Lòng có đầy thì mới tràn ra bên ngoài, xem quả thì biết cây. Hãy sống sao để mọi người nhìn vào và biết chúng ta là con cái sự sáng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ bóng tối tội lỗi để được sống trong ánh sáng của Chúa . Amen.

Bài chia sẻ LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng.

1/ Thiên Chúa yêu thương con người: Chúa Giêsu xác tín tình yêu Thiên Chúa dành cho con người khi Ngài nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”

Mục đích của Thiên Chúa khi sai Người Con đến thế gian, không phải là để lên án thế gian; nhưng là để cứu độ thế gian. Một Thiên Chúa đã yêu thương nhân lọai đến độ hy sinh Người Con Một của mình, điều này chứng tỏ Ngài không nghĩ đến việc lên án, mà chỉ nghĩ đến việc cứu chuộc. Nếu Thiên Chúa không lên án, tại sao vẫn có người phải hư mất? Thực tế, con người lên án chính mình khi quay lưng lại với tình yêu Thiên Chúa và không tin vào Đức Kitô.

2/ Xung đột giữa ánh sáng và bóng tối: là sự xung đột thể lý, những gì mà con người thấy được. Chúa Giêsu được ví như ánh sáng đến để xua tan bóng tối đang bao trùm thế gian. Con người có quyền tự do lựa chọn: hoặc chấp nhận ra ngòai ánh sáng: tin vào Chúa Kitô, hoặc chấp nhận ở trong bóng tối: không tin vào Chúa Kitô. Chính sự lựa chọn này mà con người được cứu độ hay bị lên án.

Đàng sau sự xung đột thể lý là sự xung đột luân lý: giữa sự thiện và sự ác, như Chúa Giêsu nói: “Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.” Chúa Giêsu muốn nói lý do tại sao con người không chấp nhận ánh sáng không phải vì họ không biết ánh sáng tốt lành và lợi ích, nhưng vì có những điều ác (tội lỗi) họ đã quá quen thuộc và không muốn từ bỏ. Nếu chọn ra ngòai ánh sáng hay tin vào Chúa Kitô, họ phải chấp nhận bỏ những điều này. Sau cùng, đây là sự xung đột tâm linh: giữa Thiên Chúa và thế gian. Thiên Chúa muốn cứu độ con người trong khi ma quỉ và các quyền lực thế gian muốn lôi kéo con người về phía chúng. Để thuộc về Thiên Chúa, con người phải “đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta luôn bị đặt trong tình trạng xung đột giữa ánh sáng và bóng tối, giữa uy quyền Thiên Chúa và sức mạnh của ma quỉ và thế gian, cho đến ngày chúng ta từ giã cuộc đời này.

- Chúng ta luôn bị đặt phải lựa chọn để sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa hay tiêu chuẩn của thế gian. Chúa Giêsu báo trước đau khổ nếu chúng ta chọn sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa: Họ sẽ ghét anh em vì anh em không thuộc về họ.

- Ngài cũng báo trước cho chúng ta sự toàn thắng của lối sống theo Thiên Chúa: “Trong thế gian, anh em sẽ bị người đời ghét bỏ; nhưng đừng sợ vì Thầy đã thắng thế gian.”

 

Thứ năm, 12/04/2018

Đề tài: HÃY TÍN THÁC MỌI SỰ CHO CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 3,31-36)

31 Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; 32 Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. 33 Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. 34 Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. 35 Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. 36 Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy."

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Hãy phó thác mọi sự cho Chúa. Hãy chọn Chúa chứ không chỉ chọn việc của Chúa.

2/ Phúc Âm hôm nay diễn tả lại sự việc Chúa chữa lành cho người mù từ thưở mới sinh. Ngài xức bùn vào mắt và bảo anh hãy đi rửa ở Hồ Silo-ác, anh tin tưởng làm theo và đã được sáng mắt.

3/ Đức Yesus vừa chữa lành cặp mắt thể lý và Ngài còn vừa chữa lành cả cặp mắt đức tin của anh, bởi vì anh đã biết tín thác vào Ngài.

4/ Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy tín thác mọi sự vào người Con. Bởi vì Thiên Chúa đã trao phó mọi sự vào tay người Con của mình.

5/ Đức Yesus có toàn quyền của Cha mình. Ngài sẽ ban thần khí dồi dào và ban sự sống vĩnh cửu cho những ai tín thác vào Ngài. Vậy chúng ta cần biết lắng nghe Lời Chúa mời gọi, luôn tín thác đời mình cho Chúa.

6/ Chọn Chúa, tin Chúa, yêu Chúa là phải đi tìm kiếm Chúa trước hết, mọi sự khác Ngài sẽ ban cho sau.

7/ Những Lời Chúa nói cùng Nico-demo trước hết được áp dụng vào chính Ngài. Ngài bởi trời mà đến, nên Ngài chỉ nói về những chuyện trên trời.

8/ Các Tông đồ cũng chỉ nói về những chuyện trên trời, đến nỗi người Do Thái phải ngỡ ngàng bực tức. Người Do Thái thấy các Tông đồ là những người thất học mà nay nói được những chuyện cao siêu , hơn hẳn họ.

9/ Trước đây các ông đâu có như vậy. Nhưng từ khi Chúa sống lại, các ông được ban Thánh Thần, nên mọi sự đã thay đổi hẳn, nay các ông chỉ sống như những người đang ở trên trời, không ham sống sợ chết, không mưu cầu danh lợi. Các ông sẵn sàng hy sinh tất cả, chỉ để được thuộc về nước trời mà thôi.

10/ Chúng ta hôm nay cũng phải như vậy. Cũng phải nói với nhau về những chuyện trên trời, tức là nói những chuyện tốt lành đạo đức, những điều đem lại yêu thương an bình cho nhau.

11/ Chúng ta cần sống như những người thuộc về thượng giới, tức là sống tốt đẹp, hòa thuận, công bình, bác ái, yêu thương với mọi người. Nếu xét theo lý lịch thiêng liêng, chúng ta là Ki-tô hữu, chúng ta thuộc về Đức Ki-tô và chúng ta cần sống đúng với danh hiệu đó.

12/ Câu chuyện người lính Nhật thất trận lẩn trốn ở khu rừng Philippin. Sau hơn 20 năm, bộ dạng anh đã trở thành người rừng, nhưng bộ quần áo trận của anh vẫn mới nguyên, người ta thắc mắc: Tại sao lúc đói khổ trong rừng, anh không mang bộ quần áo đó ra mặc mà lại giữ gìn nó kỹ lưỡng như vậy. Anh trả lời: Tôi là người lính Nhật, tôi phải giữ trang phục của người lính Nhật để khi về trình diện với Nhật Hoàng thì tôi có thứ để mặc mới xứng đáng là người lính của xứ Mặt trời mọc chứ.

13/ Người Ki-tô hữu chúng ta nên lấy đó làm gương. Chúng ta có chiếc áo trắng ngày rửa tội, chúng ta phải cố gắng gìn giữ để khi về trình diện với Chúa, chúng ta mới xứng đáng được Chúa khen thưởng. Đây chính là tinh thần người lính Nhật mà cũng chính là tinh thần của người Ki-tô hữu. Người lính Nhật luôn hướng lòng mình về nước Nhật, chúng ta cũng phải luôn hướng lòng mình về quê hương của chúng ta trên trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn hướng lòng về với Chúa, bởi chúng con luôn nhớ Chúa, yêu Chúa, yêu quê hương trên trời của chúng con ,xin giúp con trung thành với Chúa cho đến cùng , Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Ai tin vào Người Con thì được sự sống đời đời.

1/ Chúa Giêsu mặc khải cho con người những gì từ Thiên Chúa: Chân lý căn bản con người cần khiêm nhường nhìn nhận: “Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người.” Tiên tri Isaiah cũng từng tuyên sấm những gì Thiên Chúa nói: “Trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn các ngươi bấy nhiêu (Isa 55:9).

Vì có sự khác biệt lớn lao như thế, nên con người không thể hiểu những gì từ Thiên Chúa, nếu những điều đó không được mặc khải và soi sáng cho con người. Chúa Giêsu đến để mặc khải cho con người những mầu nhiệm của Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần soi sáng cho con người để họ có thể hiểu những chân lý này. Chúa Giêsu nói: “Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật.”

Sở dĩ con người không tin vào Đức Kitô là vì từ trước tới giờ họ chỉ tin có Một Thiên Chúa. Tuy họ biết, theo lời các ngôn sứ, Thiên Chúa sẽ gởi Đấng Thiên Sai đến để cứu chuộc dân; nhưng họ tin Ngài là Đấng sẽ dùng uy quyền mà cứu chuộc và thống trị dân, chứ không phải bằng khiêm nhường chịu đau khổ như Đức Kitô. Chúa Giêsu đến cắt nghĩa cho họ biết về sự liên hệ giữa Thiên Chúa và Ngài, Người được Thiên Chúa sai đến, nhưng họ từ chối không tin vào lời chứng của Người. Chúa muốn nhắc nhở cho họ biết nếu họ chưa thông suốt việc dưới đất, làm sao có thể thông suốt việc trên trời.

2/ Hậu quả của việc nhìn nhận hay chối từ Con Thiên Chúa: Nếu một người nhìn nhận Đức Kitô là Đấng được Thiên Chúa sai đi, họ sẽ được hưởng sự sống đời đời, được nhận lãnh Thánh Thần, và được hưởng muôn hồng ân mà Thiên Chúa Cha đã trao vào tay Người Con. Nếu họ từ chối không tin Đức Kitô là Đấng được Thiên Chúa sai đến, họ sẽ không được hưởng sự sống đời đời, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần học hỏi để nhận biết sự khôn ngoan và uy quyền của Thiên Chúa. Chúng ta cũng phải nhìn nhận khả năng giới hạn và sự yếu đuối của mình. Có như vậy, chúng ta mới biết cách sống làm sao cho đúng và đạt được kết quả tốt đẹp cho cuộc đời.

- Ai tuyên bố phải hiểu mới tin là người kiêu ngạo và rồ dại. Kiêu ngạo vì cho mình có thể thông suốt mọi sự trên trời cũng như dưới đất. Rồ dại vì không biết giới hạn của mình và bỏ lỡ cơ hội để học hỏi những điều mới lạ.

 

Thứ sáu, 13/04/2018

Đề tài: ƠN CHÚA LUÔN DƯ THỪA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 6,1-15)

1 Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a.

2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. 5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?" 6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7 Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." 8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người:

9 "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! " 10 Đức Giê-su nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." 13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Khi chứng kiến phép lạ Chúa Yesus hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn dư thừa, nên đám đông xem Người là Moise mới, là một Ngôn sứ đang chăm sóc dân Chúa bằng một loại Mana mới.

2/ Thức ăn mới hay Mana mới đều nằm trong lời Mạc Khải của Chúa Yesus nên ta phải đón nhận bằng niềm tin. “Chính tôi là bánh trường sinh, ai đến với tôi không hề phải đói, ai tin vào tôi thì chẳng khát bao giờ”.

3/ Dân chúng chỉ muốn nhìn Chúa Yesus bằng con mắt trần thế nên mới quyết định tôn Chúa lên làm vua. Đối với chúa Yesus, việc làm vua trần thế không khác gì một cơn cám dỗ, Ngài quyết trung thành với Thánh ý Chúa Cha nên đã lên núi một mình để kết hiệp mật thiết với Cha mình.

4/ Theo gương Chúa Yesus, ta hãy dành nhiều giây phút thinh lặng bên Chúa để chúng ta dễ dàng lãnh nhận Thánh ý Ngài.

5/ Trong 3 năm rao giảng Tin Mừng, có hai lần Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Hôm nay là lần làm phép lạ hóa bánh đầu tiên, phép lạ này đã xảy ra trên một triền núi, là nơi Chúa Yesus và các Môn đệ muốn lui về đó để nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng sau những tháng ngày rao giảng mệt nhọc.

6/ Nơi đây là nơi hoang vắng ít người ở, nhưng vì dân chúng quá ái mộ Chúa, họ đoán biết Chúa sẽ đến đây nên đã kéo đến thật đông đảo.

7/ Thấy như vậy nên Chúa động lòng thương, và đó cũng là lý do khiến cho Chúa làm phép lạ. Chúa hỏi để thử lòng các Môn Đệ coi liệu có cho dân chúng ăn được không.

8/ Ông Philipphe thành thật trả lời: Thưa Thầy, dù có mua đến 200 đồng bánh thì cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút, / 200 đồng bánh thời đó tương đương với tiền lương công nhật của 200 người thợ / bằng ấy tiền cũng khá lớn nhưng không thấm tháp gì so với số đông người như thế này.

9/ Một Tông đồ khác là Anre báo cáo với Chúa ở đây họ chỉ tìm thấy một em bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ. Với số bánh và cá ít ỏi này, Chúa Yesus đã làm phép lạ hóa ra nhiều để các Môn đệ đem ra chia cho mọi người cùng ăn.

10/ Đây là một phép lạ lớn lao nhất, có tất cả mọi người cùng chứng kiến và tất cả mọi người đã ăn no theo ý thích. Số người ăn là năm ngàn đàn ông, nếu kể đàn bà và trẻ con ,con số này có thể là 15 ngàn người . Ăn xong, các Môn đệ đi thu gom lại còn những 12 thúng đầy mẩu bánh và cá dư thừa.

11/ Mọi người phấn khởi và cảm phục Chúa hết lòng nên ai cũng muốn tôn Ngài lên làm vua. Nhưng Chúa Yesua không đồng tình như thế và Ngài đã lánh lên núi một mình để cầu nguyện.

12/ Phép lạ này Chúa có mục đích chuẩn bị lòng tin vào phép Thánh Thể sau này. Đây là phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi phần xác, Chúa Yesus cho chúng ta biết có thứ bánh nuôi sống linh hồn, tức là bánh hằng sống. Chính Chúa đã quả quyết sự quan trọng của phép Thánh Thể: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.

13/ Thánh Thể ban sự sống cả hồn lẫn xác. Hồn được phục sinh ngay trong đời sống hiện tại vì nhận ngay được sự sống thần linh của Chúa và xác sẽ được sống lại vào ngày sau hết.

14/ Chúng ta hãy kết nối các việc làm hằng ngày vào việc rước lễ để xứng đáng được thưởng muôn ngàn ơn phúc do việc rước lễ mang lại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nuôi sống thân xác linh hồn con bằng thứ lương thực thiêng liêng là Mình và Máu Chúa, để con có được sự sống đời đời. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

“Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.”

1/ Chúa Giêsu muốn nuôi ăn dân chúng: Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philíp: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?"

(1) Các môn đệ muốn Chúa thay đổi ý định: Có lẽ các ông quan niệm Chúa Giêsu cũng giống như một Rabbi, chỉ có bổn phận lo dạy dỗ và cắt nghĩa Lề Luật cho dân chúng, chứ không có bổn phận phải cho dân chúng ăn.

- Ông Philíp nại lý do không có tiền: "Thưa Thầy, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút."

- Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, nại lý do không đủ thực phẩm: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!"

(2) Chúa Giêsu biết những gì Ngài sắp làm: Tuy gặp sự can ngăn của các Tông-đồ và nỗi khó khăn phải tìm lương thực trong nơi hoang dã, Chúa Giêsu vẫn bảo các ông: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Ngài dùng uy quyền làm bánh hóa ra nhiều: “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.”

Khi họ đã ăn no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.

Đây là hình ảnh của Bí-tích Thánh Thể trong Tin Mừng Gioan, tuy Gioan không tường thuật sự kiện Chúa Giêsu lập BT Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, nhưng Gioan dùng công thức truyền phép và diễn từ về sự quan trọng của Bí-tích này trong Chương 6. Chúa Giêsu muốn lập Bí-tích Thánh Thể để ở lại và cho dân chúng ăn Ngài mỗi ngày. Giống như thái độ của các Tông-đồ, con người ở mọi thời tiếp tục cho đây là điều không thể, hay chỉ là biểu tượng …, và nghi ngờ sự hiện diện đích thực của Chúa trong Bí-tích. Họ quên đi rằng: chẳng có gì là không thể đối với Thiên Chúa; một khi Ngài muốn, Ngài sẽ có cách để thực hiện.

2/ Dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua: Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm, họ nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" Lý do họ muốn tôn Ngài làm vua là để Ngài lo cho họ có bánh ăn; nhưng Chúa Giêsu muốn họ phải làm mới có bánh ăn. Khi Ngài cho họ ăn, Ngài không chỉ nuôi dưỡng phần xác; nhưng còn tăng nghị lực cho phần hồn của họ, để họ có sức mạnh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Khi Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, Người lánh mặt và đi lên núi một mình. Ngài không muốn làm vua họ như một ông vua thế gian vì họ đã có rồi; Ngài chỉ muốn làm vua trong tâm hồn của họ và trên Nước Trời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Khi làm việc tông đồ mà gặp khó khăn, chúng ta cần tin tưởng: “Nếu quả thật là việc do Thiên Chúa, không ai có thể phá huỷ được.” Nói cách khác: nếu là việc Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ làm cho thành; nếu không phải là việc Thiên Chúa muốn, hãy để chúng tiêu tan, đừng quá bận tâm lo lắng. Không ai có thể chống lại ý Thiên Chúa muốn.

- Chúng ta cần để cho thời gian gạn lọc sự giả tạo và sai trá trong cuộc đời. Đừng vội chạy theo những giáo lý mới hay những trào lưu mới, mà gạt bỏ những giá trị nền tảng của đạo và những truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội, của quê hương, hay của gia đình. 

 

 Thứ bảy, 14/04/2018

Đề tài: THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 6,16-21)

16 Chiều đến, các môn đệ xuống bờ Biển Hồ, 17 rồi xuống thuyền đi về phía Ca-phác-na-um bên kia Biển Hồ. Trời đã tối mà Đức Giê-su chưa đến với các ông. 18 Biển động, vì gió thổi mạnh. 19 Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ. 20 Nhưng Người bảo các ông: "Thầy đây mà, đừng sợ! " 21 Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Chúng ta chiếm được Thiên Chúa, trở nên giống Chúa, không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn trở nên như Người. Nhưng theo nghĩa chúng ta trở nên hình ảnh phản chiếu của Người hết mức có thể.

2/ Khi nhìn thấy một bóng người đi trên mặt biển hồ đang tới gần thuyền, các Môn đệ hoảng sợ. Phần vì các ông đang hoảng sợ vì sóng to gió lớn, biển động mạnh.

3/ Theo quan niệm của Người Do Thái thì biển là thế lực của ma quỷ, thế lực của sự dữ đang luôn muốn nuốt chửng con người và mọi thứ vào nó. Các ông cũng sợ rằng cái bóng người đi trên mặt biển cũng thuộc về thế lực của sự dữ, đang đến để diệt trừ họ.

4/ Trong tình cảnh đó, Đức Yesus đã đến gần và trấn an các Môn đệ: “Thầy đây, đừng sợ”. Với giọng nói quen thuộc, các Tông đồ xác định người đang đi đến thuyền chính là Đức Yesus, vì thế họ vội vàng rước Người lên thuyền.

5/ Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi phải nhận ra sự hiện diện của Chúa qua các dấu chỉ của thời đại để chúng ta hiểu biết chương trình và ý định của Thiên Chúa.

6/ Chúa Yesus là Thiên Chúa, Ngài là Đấng tạo dựng muôn loài muôn vật nên cũng có toàn quyền trên thiên nhiên. Bài Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng cho lời quả quyết này .

7/ Sau khi Chúa Yesus làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Chúa lên làm vua, chắc các Môn đệ cũng muốn như thế. Nhưng Chúa thì không muốn như thế nên đã bảo các Môn đệ chèo thuyền đi trước qua bên kia bờ hồ.

8/ Chúa ở lại một mình nên Ngài lên núi cầu nguyện. Các Tông đồ vừa ra đi cách khoảng 5 cây số thì gặp sóng to gió lớn. Thánh Mattheu cho biết: Gió ngược thổi dữ dội, lúc ấy vào khoảng canh tư (3 giờ sáng).

9/ Lúc ấy các Môn đệ mệt mỏi lắm vì đang cố sức chèo chống. Giữa lúc ấy Chúa Yesus hiện đến / vừa mệt mỏi, vừa là đêm tối nên các ông tưởng là ma quái và rất hoảng sợ.

10/ Nhưng ngay lúc ấy các ông nghe một giọng nói quen thuộc: “Thầy đây, đừng sợ”, thì các ông nhận ra Chúa. Cũng chính lúc ấy, theo lời Mattheu kể lại, thì sóng gió yên lặng ngay, khi các Môn đệ định mời Chúa lên thuyền thì một phép lạ thứ hai xảy ra : đó là thuyền đã vào đến bờ.

11/ Đối với Chúa thì không có gì là khó khăn, đối với chúng ta thì cũng chẳng có gì khó hiểu. Bởi vì Chúa Yesus là Thiên Chúa, Ngài là Đấng tạo dựng vũ trụ, chính Chúa cầm quyền trên mọi định luật vật lý, nên việc Chúa đi được trên sóng nước thì không có gì là phản khoa học hay bất hợp lý, nhưng điều này minh chứng rõ uy quyền của Thiên Chúa.

12/ Các Môn đệ hôm ấy đã ghi nhận rõ sự kiện là Chúa có quyền trên biển cả, đi được trên sóng nước và truyền cho chúng phải im lặng.

13/ Điều này giúp cho các Môn đệ gia tăng niềm tin và biết rõ Thầy mình là ai => Quả thật Ngài là con Thiên Chúa, các Môn đệ chưa cầu xin gì thì Chúa đã khiến cho sóng gió phải yên lặng.

14/ Chỉ cần có Chúa hiện diện thì sóng gió đã phải vâng lệnh. Nếu ta đặt Chúa vào trong đời sống của mình thì chúng ta sẽ có được bình an trong mọi thử thách / chỉ trong khoảnh khắc, mọi sự sẽ thay đổi vì có Chúa hiện diện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy đến để giúp con vượt qua mọi giông tố, thử thách của đời con. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Đừng sợ hãi khi phải đương đầu với các khó khăn trong cuộc sống.

Khó khăn trong cuộc sống không thể thiếu trong tiến trình thăng tiến và làm cho con người trưởng thành. Những khó khăn có thể do Thiên Chúa gởi đến để thử thách đức tin hay do tha nhân gây ra qua cuộc sống chung đụng. Trình thuật trong Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến trường hợp thứ nhất.

1/ Biển động làm các ông hỏang sợ: Trình thuật này xảy ra sau khi phép lạ Bánh hóa nhiều và dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua của họ. Chúa Giêsu truyền cho các Tông-đồ qua bờ bên kia trước, còn Ngài lên núi cầu nguyện. Đứng trên núi của vùng Tiberias, Chúa Giêsu có thể quan sát rõ ràng thuyền của các ông trong Biển Hồ. Nhiều tác giả của các bài thánh ca đã so sánh Giáo Hội và cuộc đời con người như chiếc thuyền lênh đênh trên biển cả trong hành trình tiến về quê trời; ví dụ: Lạy Mẹ là ngôi sao sáng. Chúa Giêsu có thể đã nhìn thấy trước những khó khăn mà các Tông-đồ phải đương đầu với khi các ông phải hướng dẫn con thuyền Giáo Hội sau này; nên Ngài chuẩn bị cho các ông bằng biến cố biển động hôm nay.

Từ Tiberias, nơi các Tông đồ khởi hành khởi hành, đến Capernaum, nơi các ông muốn tới không xa lắm; nhưng đêm ấy biển động vì gió thổi mạnh. Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Chúa Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Điều này làm các ông hoảng sợ, vì từ trước tới giờ, các ông chưa từng được chứng kiến một con người đi trên nước. Chỉ có ma quỉ với làm được việc ấy. Vì thế, nỗi lo sợ các ông tăng gấp đôi.

2/ Chúa Giêsu trấn an các ông: "Thầy đây! Đừng sợ!" Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến. Nhiều lần trong cuộc đời công khai rao giảng, Chúa Giêsu đã nói những lời tương tự với các môn đệ: Khi hiện ra với các Tông-đồ sau khi sống lại, Chúa nói với các ông: “Đừng sợ!” (Mt 28:10). Những lời từ giã cuối cùng của Ngài với các ông: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Jn 14:27).

Hay khi chọn Phêrô để xây dựng Giáo Hội, Ngài đã nói với ông “Phêrô! Con là đá, và trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời và quyền lực của hỏa ngục cũng không thắng được” (Mt 16:18). Một khi sống trong sự bảo vệ của Ngài, con người không có gì phải sợ hãi nữa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Khi phải đương đầu với khó khăn và xung đột, cả hai thái độ tức giận chửi rủa và từ chối rút lui đều phải tránh. Chúng ta cần phối hợp cả hai: sự trợ giúp tinh thần của Chúa và sự tế nhị trong cách đối xử, để giải quyết vấn đề cách khôn ngoan và bác ái.

- Tất cả các tín hữu đều có bổn phận góp phần trong việc mở mang Nước Chúa. Những nhà lãnh đạo cần biết khôn ngoan hướng dẫn để mọi thành phần của Dân Chúa đều có cơ hội đóng góp tùy khả năng và hoàn cảnh của họ.

- Khi những khó khăn xảy đến, đừng sợ! Hãy bình tĩnh, cầu nguyện, và tìm cách đối phó.


Trở lại      In      Số lần xem: 2339
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  8
 Hôm nay:  2193
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11407602
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top