Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần IV Phục Sinh B 2018 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày
Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần IV Phục Sinh (23/04 -> 28/04/2018)

Thứ hai, 23/04/2018

Đề tài: CỬA CHUỒNG CHIÊN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 10,1-10)

1 "Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ." 6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. 7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

SUY NIỆM:

1/ Một du khách đến một trại cừu ở xứ Palestine. Ông ta tò mò hỏi người Mục Tử: “Đó là trại cừu, kia là đoàn cừu, đây là lối vào, vậy thì cửa nằm ở đâu?”. Chính tôi là cửa, ban đêm tôi nằm giữa lối đi này, không một con cừu nào dám bước ra, không một con sói nào dám bước vào mà không phải bước qua tôi.

2/ Hôm nay Chúa Giêsu nói cho mọi người biết: Ngài đến trần gian để cho mọi người được sống, Chúa ví mình như cửa để cho mọi người vào được nước trời. Tuy nhiên nếu muốn đem lại sự sống cho mọi người, Chúa Ki-tô đã phải chết cho họ.

3/ Chúng ta là đoàn chiên đang đói khát cỏ xanh, nước mát hay là sự sống đời đời, nhờ có Đức Ki-tô chúng ta mới được no thỏa.

4/ Nhờ Đức Ki-tô có nghĩa là tin vào Người và thực hiện những điều Người dạy. Thực hiện những điều người dạy đòi hỏi chúng ta phải hy sinh rất nhiều thứ ở trần gian, nhờ đó chúng ta có thể trở thành người dẫn lối đưa đường cho kẻ khác để họ đến được với Chúa và lãnh nhận sự sống đời đời.

5/ Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu nói: Những kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, họ không qua cửa chính mà vào chuồng chiên, họ đã trèo qua lối khác mà vào! Vậy bọn họ là ai? Một điều nữa: Chúa tự ví mình như cửa chuồng chiên, điều này có nghĩa là gì?

6/ Những kẻ đến trước mà Chúa Giêsu gọi là bọn trộm cướp thì chắc chắn không phải là các Ngôn Sứ, nhưng là những thủ lãnh chính trị của người Do Thái, là những người đã dùng quyền hành của họ như môt phương tiện để thỏa mãn những tham vọng, những kiêu căng của họ. Ở đây Chúa muốn nói tới các tư tế và Phariseu, Kinh Sư, họ đã phỉnh gạc dân chúng, dẫn dắt dân chúng đi sai con đường đích thực, ngăn chặn mọi người đừng đáp lại lời mời gọi của nước trời. Vì thế Chúa Giêsu thường khiển trách bọn họ nặng lời: “Khốn cho các ngươi …”.

7/ Các Ngôn Sứ thì được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi, còn những con người này không được Thiên Chúa ủy nhiệm, nhưng họ đã tự ý đặt mình cai trị dân, họ sống giả hình để hòng lừa dối dân chúng, họ đã không qua cửa chính mà vào chuồng chiên nên Chúa Giêsu gọi họ là quân trộm cướp.

8/ Chúa Giêsu tự ví Ngài là cửa chuồng chiên, có nghĩa là ai muốn vào thì phải đi qua cửa này thì người ta mới tới được đồng cỏ non, dòng suối mát=> Tức là đi đến cuộc sống vĩnh cửu.

9/ Chúa Giêsu xưng Ngài là cửa chuồng chiên, nghĩa là Ngài là điều kiện duy nhất và cần thiết nhất để được cứu rỗi, bất cứ ai muốn được cứu rỗi đều phải đến với Ngài và tin vào Ngài.

10/ Giáo huấn này rất quan trọng vì nó dạy cho chúng ta biết: Không có người hướng dẫn nào khác, không còn một vị Thầy nào khác, không còn một lối đi nào khác có thể dẫn đưa chúng ta đến nguồn hạnh phúc thật sự, ngoài Chúa Giêsu ra.

11/ Khi tự xưng mình là cửa vào chuồng chiên, Chúa Giêsu có ý quả quyết rằng: Ngài là Đấng Cứu Thế, Ngài đến trần gian để cứu chuộc mọi người, bất cứ ai muốn được ơn cứu độ, đều phải đến với Ngài, tin vào Ngài, và sống theo lời Ngài chỉ dạy.

12/ Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên, mà chuồng chiên đây là Giáo Hội, mà cửa để vào được Giáo hội là phải tin nhận vào Chúa Giêsu. Hơn nữa, chuồng chiên là nước trời thì cửa chính cũng phải qua là Chúa Giêsu, tin vào Chúa và sống bác ái yêu thương chính là điều mà Chúa dạy chúng ta phải sống. Vì vậy chúng ta phải cố gắng chiến thắng về mọi mặt thì chúng ta mới được ơn cứu chuộc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con Đức tin, lòng mến Chúa và yêu thương anh em để chúng con được ơn cứu độ. Amen.

 

Thứ ba, 24/04/2018

Đề tài: CON CHIÊN NGOAN ĐẠO

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 10,22-30)

22 Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông.23 Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn.24 Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: "Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết."25 Đức Giê-su đáp: "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.27 Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.30 Tôi và Chúa Cha là một."

SUY NIỆM:

1/ Qua đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định: Người rất thấu hiểu và rất yêu thương chúng ta, Chúa sẽ ban cho chúng ta sự sống đời đời, chúng ta sẽ không phải diệt vong cũng như không ai có thể cướp được chúng ta ra khỏi tay Chúa Giêsu.

2/ Những việc Chúa Giêsu làm đều nhân danh Chúa Cha, những việc đó đã làm chứng rằng “Tôi bởi Chúa Cha mà đến, nhưng các ông đã không tin tôi”.

3/ Nhờ Bí Tích rửa tội, chúng ta được gia nhập vào đoàn chiên của Chúa và trở thành con của Chúa, Chúa Giêsu là Mục Tử, Ngài đã chết vì tội lỗi của chúng ta.

4/ Với trách nhiệm của một người con, chúng ta cần phải hiểu và yêu mến Người. Chúng ta hãy sống xứng đáng là người con ngoan bằng cách nghe Lời Chúa và sống đúng với Tin Mừng.

5/ Chúa Giêsu đã Mạc Khải về Chúa Cha, về chính mình trong Kinh Thánh, nên chúng ta cần lắng nghe bằng cách đọc Lời Chúa, suy gẫm mỗi ngày và đem ra thực hành.

6/ Trong một dịp lễ kỷ niệm ngày khánh thành đền thờ Yerusalem, tức là lễ cung hiến đền thờ vào tháng 12 năm 29 (SCN), Chúa Giêsu cũng về Đền Thánh để dự lễ. Hôm đó Chúa đang đi bách bộ ở hành lang Salomon thì bọn biệt phái và Kinh sư đến vây quanh Chúa, không phải để họ nghe Chúa giảng nhưng là tìm cách để hại Chúa.

7/ Họ đang mong đợi Đấng Thiên Sai đến để giải phóng dân tộc nên họ chất vấn Ngài: “Nếu Ngài là Đấng Ki-tô, xin nói công khai cho chúng tôi biết”.

8/ Chúa Giêsu không trả lời thẳng: “Tôi đã nói rồi mà các ông không tin, các ông không tin bởi vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi, chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”.

9/Ai là đoàn chiên của Chúa, ai không và Chúa biết chiên của Chúa như thế nào?

10/ Theo nghĩa rộng thì tất cả mọi người đều là chiên của Chúa. Bất cứ ai, dù khác màu da tiếng nói, dù khác tôn giáo, và cho đến tận thế, mọi người đều là chiên của Chúa, bởi vì ai cũng được Chúa Giêsu đỗ máu để cứu chuộc.

11/ Theo nghĩa hẹp thì: Chiên của Chúa là tất cả những ai đã chịu phép rửa tội, Bí tích này cho phép họ chính thức gia nhập vào đoàn chiên của Chúa, vì bí tích này là cửa đưa chúng ta vào Hội Thánh.

12/ Có tên thì cũng có quyền lợi và cũng có nghĩa vụ. Có nghĩa là có tên Ki-tô hữu thì được hưởng mọi ơn phúc Chúa ban thì phải giữ mọi điều răn và luật lệ Chúa và những điều Giáo hội dạy.

13/ Cho dù chúng ta thuộc loại chiên nào thì Chúa Giêsu cũng đều biết cả. Bởi vì Thiên Chúa biết hết mọi sự, thông biết mọi loài. Ở đây Chúa Giêsu muốn nói rằng: với tâm hồn của một Mục tử nhân lành, thì Ngài thương yêu, lo lắng, săn sóc cho đoàn chiên và nuôi dưỡng những kẻ tin theo Ngài, mọi sự ở đây đều tóm tắt, tóm gọn trong câu nói: “Mục Tử nhân lành”.

14/ Nếu chúng ta tung hô Chúa là Mục Tử nhân lành thì chúng ta cũng phải là một con chiên tốt, ngoan đạo. Cha mẹ muốn con mình ngoan ngoãn thế nào thì Thiên Chúa cũng muốn chúng ta như thế.

15/ Người con ngoan thì phải biết vâng lời cha mẹ, luôn yêu mến và không bao giờ muốn làm buồn lòng Ngài. Chúng ta hãy sống như thế với Cha chúng ta là Thiên Chúa: luôn vâng lời là luôn giữ đầy đủ mọi điều Chúa dạy, luôn yêu mến và phó thác mọi sự cho Chúa, cố gắng hết sức để không làm điều gì khiến cho Chúa buồn lòng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin soi trí mở lòng con để con hiểu Lời Chúa và sống đúng Lời Chúa dạy để con trở nên người con ngoan của Chúa. Amen.  

 

Thứ tư, 25/04/2018

Đề tài: CHÚA GIÊSU LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN

Kính Thánh Catarina Siena (Tiến sĩ Hội Thánh)

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 12,44-50)

44 Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: "Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; 45 ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. 46 Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. 47 Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. 48 Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. 49 Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. 50 Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi."

SUY NIỆM:

1/ Năm 16 tuổi, Thánh Catarina được mặc áo Dòng Ba Đa-Minh. Thánh nữ sống khổ chế và chuyên cần cầu nguyện, chăm sóc bệnh nhân và người nghèo. Khi ngôi Giáo Hoàng bị lưu vong sang Avignon (Pháp), Thánh nữ đã khuyên Đức Thánh Cha và đã đưa ngai tòa Giáo Hoàng về Rô-ma. Ngày 13/06/1376, Đức Thánh Cha Gregorio 16 đã rời Avignon về Rô-ma.

2/ Ánh sáng là nguồn năng lượng ấm áp, sáng soi, cho nên rất cần cho sự sống. Ánh sáng có thể xua tan băng giá và mọi tối tăm trên trái đất.

3/ Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian, là nguồn sống đích thực mà nhân loại rất cần. Chúa Giêsu đến để soi đường, để dẫn dắt chúng ta về với Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời.

4/ Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tin vào Ngài để hưởng nguồn ánh sáng bất diệt và sự sống đời đời. Nhưng ai tin vào Chúa thì cũng phải có bổn phận làm chứng cho Chúa.

5/ Theo gương Thánh Catarina, chúng ta phải trở nên chứng nhân để bảo vệ đức tin, bảo vệ Giáo hội và trở nên nguồn sáng giúp cho người khác đến với Chúa.

6/ Tác giả Xendaki Nhật Bản có ghi lại một câu chuyện khá thú vị về một người mù và chiếc lồng đèn. Người mù thì không cần đèn nhưng nhưng người sáng thì cần, người mù vì không thấy nhưng người sáng cần cái đèn để nhìn thấy anh mù mà tránh.

7/ Ánh sáng là một đề tài nổi bật trong Phúc Âm mà Chúa Giêsu vẫn thường rao giảng. Ngài tự xưng là sánh sáng và mời gọi mọi người nên đi theo ánh sáng của Ngài, Ngài còn ví nước Thiên Chúa như một bàn tiệc cưới, trong đó có 5 cô phù dâu luôn cầm đèn cháy sáng trong tay để đón chàng rể.

8/ Chúa Giêsu nói với các Môn Đệ: Các con là ánh sáng thế gian, không ai đốt đèn rồi lại để ở đáy thùng. Cây nến Phục Sinh mà Giáo Hội đốt lên trong đêm Phục Sinh để rồi san sẻ ánh sáng cho mọi người hiện diện trong nhà thờ. Ánh sáng ấy biểu tượng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh, người Ki-tô hữu phải đi trong ánh sáng ấy.

9/ Người Ki-tô hữu còn có bổn phận san sẻ ánh sáng ấy cho mọi người. Trong nghi thức rửa tội, Giáo Hội cũng trao cho mỗi người một cây nến cháy sáng và nhắc nhở mọi người hãy chăm sóc cho ngọn nến ấy luôn sáng mãi trong cuộc đời.

10/ Người Ki-tô hữu cho dù có cuộc sống âm thầm đến đâu thì vẫn phải là nguồn ánh sáng cho đời. Niềm tin của chúng ta cần phải cháy sáng để người đời có thể nhìn thấy và nhận ra đó là tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

11/ Chúng ta cần đốt lên gương sáng và niềm tin yêu hy vọng, để người đời còn tìm thấy hướng đi và ý nghĩa của cuộc sống.

12/ Nếu cuộc sống đạo không chiếu sáng bằng những hành động cụ thể: Tin tưởng, phó thác, yêu thương, quảng đại thì chẳng khác nào ánh lửa đã tắt ngúm trong chiếc lồng đèn.

13/ Cuộc sống như thế chẳng khác nào một tai họa. Tai họa cho tha nhân đã đành mà con tai họa cho chính bản thân mình nữa. Tha nhân sẽ mất đi một điểm tựa cho cuộc sống, mà chính chúng ta cũng đang phải ngụp lặn trong bóng tối của tội lỗi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con trong ánh sáng của Chúa Ki-tô, để cho dù chúng con luôn phải lao đao vất cả vì cuộc sống, chúng con vẫn luôn là những chứng nhân trung thành của Chúa. Amen.

 

Thứ năm, 26/04/2018

Đề tài: ĐÓN TIẾP CHÚA GIÊSU NƠI CÁC LINH MỤC

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 13,16-20)

16 Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.

17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! 18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. 19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy." 21 Nói xong, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: "Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy."

SUY NIỆM:

1/ Ngày mà Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta đến bệnh viện Gemelly để nhận bằng danh dự y khoa của bênh viện.  Mẹ Thánh đã khuyên nhủ các bác sĩ ở đó rằng: bất cứ giá nào, xin các vị đừng phá thai vì Dòng Thừa Sai Bác Ái có một nhà dành riêng cho các bà mẹ độc thân, nhà này luôn sẵn sàng đón nhận những bà mẹ đang gặp hoàn cảnh khó khăn.

2/ Hằng ngày chúng ta gặp gỡ và giao tiếp với biết bao hạng người. Nhưng chúng ta có thật sự nhận ra hình ảnh Chúa nơi họ không?

3/ Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng, ta phải biết quan tâm đón tiếp những người chung quanh. Bởi vì Chúa nói: “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp chính Thầy”. Đón tiếp tha nhân chính là yêu thương và trợ giúp những người cần đến ta.

4/ Chúa muốn Mẹ Thánh lập Dòng Thừa Sai Bác Ái để đón tiếp những con người bất hạnh, nghèo khổ, già cả, neo đơn và mang lại phẩm giá cho họ.  Chúa luôn muốn chúng ta quan tâm đón tiếp những người nghèo khổ, như Chúa luôn đón tiếp chúng ta.

5/ Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Người Môn Đệ của Chúa không thể lớn hơn Chúa được, nhưng Chúa đã khuyến khích an ủi các ông: “Ai đón tiếp anh em và nghe lời các anh em rao giảng là đón tiếp chính Thầy.

6/ Chúa Giêsu đã đặt các Môn Đệ ngang hàng với Ngài. Do đó chúng ta có thể nói: Các Tông Đồ là những Chúa Ki-tô thứ hai, những Chúa Ki-tô khác; cũng được Thiên Chúa sai đi thi hành sứ mạng là rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

7/ Kể từ đó đến nay, các Linh Mục cũng là những Chúa Ki-tô thứ hai. Sau khi lãnh nhận chức Thánh, các Linh Mục trở nên dụng cụ được Thiên Chúa dùng để ban đời sống siêu nhiên cho các linh hồn. Mục đích chính của Linh Mục là đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của dân chúng.

8/ Nhờ bàn tay Linh Mục mà tình yêu Thiên Chúa được loan truyền trong các dân tộc. Nhờ Linh Mục mà Giáo dân biết yêu mến Thiên Chúa và được Thiên Chúa mến yêu. Nơi Linh Mục, Thiên Chúa trao ban mọi công nghiệp thập giá, ban bảy phép bí tích, dạy đạo lý trong Kinh Thánh cho hết mọi linh hồn giáo dân.

9/ Nhìn vào đời sống thực tế, chúng ta thấy mọi trường hợp quan trọng trong đời sống giáo dân đều có bàn tay của Linh Mục. Linh Mục rửa tội, nhờ đó chúng ta trở nên con cái Chúa. Khi tới tuổi khôn, chính các Linh Mục dạy bảo cho chúng ta hiểu biết Chúa và đủ điều kiện để rước mình Thánh Chúa.

10/ Tới tuổi thanh niên, khi bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc đời. Linh Mục đứng ra chứng kiến, làm phép bí tích hôn phối và chúc lành cho việc thành hôn của chúng ta.

11/ Rồi tới tuổi già, Linh Mục thường xuyên khuyên bảo giảng dạy, giải tội, trao Mình Thánh Chúa cho chúng ta. Đến lúc sắp thở hơi cuối cùng, Linh Mục lại đến bên giường chúng ta, an ủi, giải tội, xức dầu. Nếu chúng ta chết, Linh Mục sẽ làm lễ đưa chân và tiễn chúng ta đến nơi an nghỉ cuối cùng.

12/ Có một cao nhân nói: Cứu người hoạn nạn là cử chỉ nhân đạo, chiến đấu bảo vệ tổ quốc là anh hùng, thi hành việc bác ái là công việc của môt tâm hồn đầy yêu thương, nhưng nâng đỡ những tâm hồn là công việc đáng ca tụng hơn hết => Đó là việc của Linh Mục.

13/ Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã tiên liệu cho chúng ta những con người kế thừa công việc của Chúa. Đó là các Linh Mục để đem Chúa đến cho chúng ta và dạy bảo chúng ta sống theo đạo Chúa => Vậy ai đón tiếp Linh Mục là đón tiếp Chúa.

14/  Cũng như Thánh Thể Chúa trên bàn thờ, không phải chỉ để trên bàn thờ cao cho chúng ta chiêm ngưỡng, nhưng được phân phát cho mọi người ăn để nuôi dưỡng linh hồn. Thì Linh Mục cũng là người tự ban phát mình cho giáo dân, và cho dù bất cứ thứ gì trong đời Linh Mục, dù nhỏ bé tầm thường đến đâu, cũng trở nên của ăn cho người đời. Tương tự như những vụn bánh trên đĩa bánh, cho dù nhỏ bé đến đâu thì cũng là Mình Thánh Chúa. Thì một lời nói, một nụ cười, một cái nhìn, một cử chỉ nhỏ bé của Linh Mục cũng đem lại lợi ích cho mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở mắt chúng con, để chúng con nhận ra Chúa qua những người chúng con gặp hằng ngày và nhất là nhận ra Chúa nơi các Linh Mục, là những người suốt đời làm ích cho chúng con. Xin Chúa thương ban bình an và trả công bội hậu cho các Ngài ở đời này và đời sau. Amen.

 

Thứ sáu, 27/04/2018

LỄ THÁNH YUSE THỢ - B – 01/05/2015

ĐỀ TÀI : LAO ĐỘNG MANG LẠI VINH QUANG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 13,54-58)

54Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: "Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?55 Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao?56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? "57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi."58 Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

SUY NIỆM:

Bài 1: Ý NGHĨA LAO ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC KI-TÔ GIÁO

1/ Lý do chúng ta mừng kính Thánh Yuse Lao Động: Hôm nay toàn thể Giáo Hội cùng hiệp dâng Thánh Lễ Mừng Kính Thánh Yuse Thợ, bổn mạng của tất cả những người lao động, và cũng được Thế Giới chọn làm ngày quốc tế lao động. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nhu cầu cần thiết của việc lao động đối với con người.

2/ Lao động giúp gì cho con người: Lao động là để làm ra của cải vật chất để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt đời sống của con người. Lao động còn giúp cho cơ thể kéo dài sự dẻo dai để vượt thắng những áp lực, những khó khăn bất chợt xảy ra trong đời sống con người. Lao động còn giúp cho con người tránh ra xác dịp tội thường xảy ra trong cuộc sống. Người ta vẫn thường nói: “Nhàn cư vi bất thiện”.

3/ Có bao nhiêu hình thức lao động? Có nhiều cách lao động như là: lao động trí óc, lao động chân tay, lao động bằng máy móc, lao động bằng đồng tiền (chứng khoán,…). Nhưng cho dù hình thức lao động có khác nhau, nhưng mục tiêu cuối cùng cũng chỉ là tìm kiếm hạnh phúc cho con người.

4/ Hệ quả của khoa học phát triển: Khi khoa học phát triển thì máy móc cũng dần dần chiếm ưu thế và đẩy lùi lao động chân tay vào đường cùng, để rồi khi đồng tiền trở thành sức mạnh thống trị thì nó có thể biến con người lao động thành nô lệ. Khi con người muốn thoát khỏi sự thống trị của đồng tiền, nhiều người đã không ngần ngại lao mình vào vòng xoáy của nó để tìm kiếm, càng tìm kiếm thì con người càng trở nên nô lệ cho nó. Sau cùng, mục đích tốt lành của lao động (như là tìm kiếm hạnh phúc, tìm thăng tiến bản thân, tăng thêm tình bằng hữu và tinh thần hiệp nhất…) cũng dần dần biến mất.

5/ Chúng ta cần tìm kiếm những chỉ dẫn hữu ích ở đâu?  Nếu muốn hiểu cho đúng ý nghĩa cao quý của việc lao động và con người lao động, chúng ta cần chạy đến với Thiên Chúa, với Hội Thánh để xin những chỉ dẫn hữu ích.

6/ Bài học từ sách Sáng Thế: Sách Sáng Thế Ký cho chúng ta biết: Thiên Chúa Đấng đầu tiên lao động để tạo dựng muôn loài, trong đó có con người. Tất cả mọi sự đều tốt lành mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại để chúng ta sử dụng. Điều cốt lõi của việc sáng tạo được phát xuất từ tình yêu trao ban của Thiên Chúa, Ngài trao ban nhưng không!

7/ Bài học từ việc tạo dựng: Chúa làm mọi việc cũng chỉ vì yêu! Vì yêu nên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, vì yêu nên Chúa tạo dựng mọi sự cách tốt lành và trao cho con người sử dụng, cai quản, hưởng dùng và làm sinh sôi nảy nở.

8/ Con người cần phải làm gì? Để được sống hạnh phúc bên Thiên Chúa, và hưởng dùng những tạo vật Chúa ban cho, con người phải luôn luôn cố gắng, để mỗi ngày càng trở nên giống Thiên Chúa. Đồng thời con người phải lao động, cộng tác với ơn Chúa để làm cho mọi tạo vật càng ngày càng trở nên hoàn hảo hơn.

9/ Cơn cám dỗ dành cho Tổ Tông: Tổ Tông loài người vì quá ỷ lại vào tình thương của Thiên Chúa, nên đã bị ma quỷ xâm nhập, dụ dỗ, phỉnh gạt. Con  người đã không chịu canh tân cuộc sống mỗi ngày để được ở gần Thiên Chúa, và lắng nghe lời Thiên Chúa nên đã nghe lời ma quỷ mà bất tuân lệnh Chúa. Để rồi khi con người không chịu cộng tác với ơn Chúa để lao động và làm cho mọi vật mỗi ngày thêm tốt hơn, sau đó con người sẽ bị cám dỗ chỉ biết hưởng thụ và trở thành nô lệ cho vật chất.

10/ Khi con người biết lắng nghe Lời Thiên Chúa thì sao? Khi con người biết nghe lời Thiên Chúa, ra sức lao động và đặt hết tình yêu vào trong đó, thì nó sẽ đem lại cho mình bình an, hạnh phúc và niềm vui. Cũng như khi cha mẹ nỗ lực lao động vì yêu thương, vì muốn con cái ấm no và phát triển, thì dù có mệt mỏi cha mẹ cũng cảm thấy vui. Ngược lại, khi mục đích lao động để được giàu có và hơn người thì khi thành công rồi sẽ sinh ra kiêu ngạo vì mình hơn người và dễ coi khinh kẻ khác. Hậu quả sau đó sẽ là không ai đến với mình, còn như khi thất bại thì đâm ra chán nãn, thất vọng, đau khổ và xa lánh mọi người.

11/ Lao động theo gương của Chúa Giêsu: Khi Chúa Giêsu trả lời cho những người Do Thái rằng: Việc làm của Chúa Giêsu là nhân danh Chúa Cha, làm theo ý muốn của Chúa Cha. Người quả quyết: “Tôi nói với các ông rồi mà các ông không tin, những việc tôi làm đều nhân danh Cha tôi, những việc đó đã làm chứng cho tôi” (Yn 10,25)

12/ Ý muốn của Chúa Cha đối với con người: Ý muốn của Chúa Cha là muốn con người được sống và sống hạnh phúc. Như thế lao động là tìm kiếm vật chất cho mình được sống sung túc hơn và lao động là mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Là làm theo ý Thiên Chúa để được sống hạnh phúc.

13/ Điều khó cho thế giới hôm nay: Thế Giới  đang phát triển vượt bật, đã đưa tiền tài, vật chất, danh vọng lên ngôi và luôn đẩy chúng ta vào vòng khống chế của nó. Ngày nay người ta lao động là để kiếm được nhiều tiền, để giàu có hơn người khác, để thỏa mãn mọi nhu cầu tiêu thụ vật chất của mình, để tìm một chỗ đứng danh vọng trong xã hội. Vì thế con người đang đi vào một sự bế tắc không lối thoát trong thân phận nô lệ cho đồng tiền.

14/ Mặt tốt, mặt xấu của đồng tiền: Nếu suy nghĩ như thế không có nghĩa là tất cả mọi người đều lôi kéo trở thành nô lệ cho vật chất. Nhưng cũng còn có rất nhiều người biết lắng nghe Lời Chúa và luôn để Thánh Ý Chúa soi sáng dẫn đường cho đời mình, nên họ không bị lệ thuộc vào đồng tiền mà họ còn biến đồng tiền thành cơ hội để gặp gỡ Thiên Chúa và giúp ích cho tha nhân.

15/ Bài học từ Lễ Thánh Yuse Thợ: Hôm nay chúng ta mừng kính Thánh Yuse Thợ, đã được Giáo Hội chọn Ngài làm bổn mạng cho những người lao động, như một mẫu gương chúng ta noi theo để thăng tiến. Khi nhìn đến đời sống thầm lặng của Thánh Yuse mà Thánh Kinh chỉ đôi lần nhắc đến.

16/ Thái độ tuyệt vời của Thánh Yuse: Ngài thật tuyệt vời khi biết đặt Thánh Ý Chúa trên hết mọi suy nghĩ và hành động của mình, nhờ đó người mới xứng đáng với danh hiệu “Người công chính”. Được chọn làm cha nuôi Chúa Giêsu, và người chồng khiết trinh để chăm sóc và bảo vệ Đức Maria.

Bài 2: LƯỜI BIẾNG LÀ NGUỒN GỐC CỦA SỰ DỮ

17/ Ý nghĩa của ngày lễ lao động: Không phải tình cờ mà Thế Giới lại chọn ngày 01/05 làm ngày “Quốc Tế Lao Động”, nhưng muốn cho mọi người lao động trên Thế Giới biết đề cao sức lao động không phải chỉ để mưu sinh mà còn góp phần xây dựng cho Thế Giới mỗi ngày càng thêm tốt đẹp hơn như ý Chúa mong muốn khi trao cho nhân loại quyền cai quản trái đất.

18/ Vì sao chúng ta cần cảm tạ Chúa? Dịp lễ mừng kính Thánh Yuse Thợ hôm nay, chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng ta làm Môn Đệ, làm con cái Chúa. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta mẫu gương Thánh Yuse lao động cần cù, khiêm tốn và tín thác. Mọi người chúng ta cần noi gương Thánh Yuse biết tin tưởng, tín thác và sống đúng trách nhiệm của một người chồng, người cha trong gia đình, chu toàn bổn phận trong đời sống đức tin và nhiệt tình hăng say trong đời sống chứng nhân.

19/ Lao động theo quan niệm Tôn Giáo: Thánh Kinh khẳng định: Lao động không phải là hình phạt do tội, nhưng là trong điều kiện sống bình thường của con người; trước khi con người sa ngã, Thiên Chúa đã đặt Tổ Tông trong vườn Eden để họ canh tác và giữ vườn (ST 2,15). Nếu thập giới có buộc giữ ngày Sabat thì đó là vì con người đã làm việc 6 ngày (Xh 20,8).

20/ Ý muốn của Thiên Chúa như thế nào? Hình ảnh Kinh Thánh mô tả việc Chúa sáng tạo vũ trụ trong sáu ngày nhấn mạnh rằng: Việc làm của con người rất hợp với ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời nó cũng phản ánh hành động của tạo hóa. Câu chuyện Sáng Thế giúp cho ta hiểu: khi tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài, Thiên Chúa muốn tháp nhập việc lao động của con người vào trong chương trình của Ngài sau khi đã xếp đặt vũ trụ, Ngài lại đặt quyền lao động vào tay con người và ban quyền chiếm hữu, sử dụng và cai trị quả đất.

21/ Kinh Thánh mô tả thế nào về việc Thiên Chúa tạo dựng con người? Chúng ta không phải ngạc nhiên khi động tác tạo dựng của Thiên Chúa được mô tả rõ nét bằng cử chỉ của người thợ gốm đang nắn con người (ST 2,7), chế tạo bầu trời và định vị các tinh tú chỉ bằng ngón tay (Tv 8,4).

22/ Tại sao Kinh Thánh lại nghiêm khắc với sự ở không? Kinh Thánh nghiêm khắc chỉ vì người lười biếng thì không có gì ăn (Cn 13,4), và có nguy cơ chết đói (Cn 21,25). Thánh Phaolo cũng dùng lý chứng này để chỉ rõ sự sai lầm nghiêm trọng của những kẻ ngán ngẫm lao động “Ai không làm thì đừng có ăn”.

23/ Hệ lụy của sự ở không: Ở không là một sự hư đốn. Kinh Thánh thán phục người đàn bà luôn tỉnh thức, nàng không hề ăn bánh của sự ở không (Cn 31,27), đồng thời chế nhạo kẻ lười biếng rằng: “Kẻ lười biếng luôn trăn trở trên giường chẳng khác nào cánh cửa xoay trên bản lề” (Cn 26,14). Tuy nhiên, Kinh Thánh lại không tỏ chút thương hại đối với kẻ tạc ngẫu tượng, bởi vì những sự cố gắng của kẻ ấy không được tích sự gì (IS 40,19/IS 41,6).

24/ Cần phân biệt lời chúc dữ của Thiên Chúa như thế nào? Bởi vì lao động là nền tảng của đời sống con người nên xem ra nó bị ảnh hưởng bởi tội. Căn cứ vào lời Thiên Chúa phán với Adam : “Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có ăn”  (St 3,19). Chúng ta cũng cần hiểu cho đúng : đối tượng của lời Thiên Chúa chúc dữ không phải là lao động, cũng không phải là việc sinh nở của người phụ nữ, nhưng vì mặt đất bị chúc dữ, đã trở nên đối kháng lại con người nên con người cần phải chinh phục nó.

25/ Nhãn quan của con người sau khi phạm tội: Sau khi phạm tội, con người đã nhìn thế giới bằng một con mắt khác, người Ki-tô hữu phải quan niệm về lao động với ý nghĩa cao cả của nó như thế. Tuy nhiên, trong sự cố gắng lao động, thì nó lại phát sinh một điều tệ hại nhất, đó là lao động có thể đưa tới những thành công tốt đẹp, sau đó cái chết chợt đến và mọi thứ sẽ trở nên vô ích, bởi vì như sách Huấn Ca, đoạn 2, câu 22 có nói : “Tất cả chỉ là phù vân”.

26/ Chúa Giêsu lý giải về lao động như thế nào: Cái chết là một thực tại hiển nhiên có thể phá đỗ mọi điều con người dự tính. Vậy thì con người phải thất vọng, phải buông xuôi ư? Nhưng Chúa Giêsu đã đến, Ngài đã soi sáng, giải trình những nghịch lý bằng ánh sáng Tin Mừng. Chúa Giêsu vẫn đề cao lao động, nhưng khuyên chúng ta không nên dừng lại ở đó, vì nếu không thì con người lại tự mình đi vào ngõ cụt không lối thoát.

27/ Vì sao Chúa Giêsu đề cao lao động? Chúa Giêsu không bao giờ loại trừ lao động ra khỏi cuộc sống của con người, những đồng hương của Chúa đã nhầm lẫn khi gọi Ngài là con bác thợ mộc (Mt 13,35), ông thợ mộc (Mc 6,3). Chúa Giêsu đã sống bằng cái nghề ấy trong suốt 30 năm tại Nazaret.

28/ Lao động là cứu độ: Chúng ta phải nên nói rằng: Với Đức Giêsu thì lao động đã mang một ý nghĩa cứu độ. Trong suốt 30 năm lao động âm thầm, Đức Giêsu chẳng những đã thánh hóa công việc, nhưng Ngài còn biến nó thành một phương tiện khi liên kết nó với tất cả công trình cứu độ của Người. Và nếu cái chết của Người là cao điểm của việc cứu độ thì mỗi hành vi của Người, trong đó có hành vi lao động đã mang một ý nghĩa cứu độ này rồi. Bởi vì lao động thật ra là một thành phần trong mầu nhiệm nhập thể của Đức Ki-tô, nếu không thì những năm tháng mà Chúa ẩn dật ở Nazaret chẳng mang một ý nghĩa cứu độ nào cả mà chỉ là vì miếng cơm, manh áo thôi sao ?

29/ Cách Chúa đề cao lao động: Lao động phải được đề cao. Tuy nhiên Chúa có ý dạy ta không nên dừng lại ở đó, bởi vì lao động chỉ có giá trị của một bậc thang trong toàn bộ cây thang giá trị mà thôi. Cho nên Chúa căn dặn : “Hãy lao động đừng vì lương thực hay hư nát, nhưng phải vì lương thực sẽ lưu lại mãi mãi đến sự sống đời đời” (Yn 6,27). Đó là một câu châm ngôn của người Ki-tô hữu.

 

Thứ bảy, 28/04/2018

Đề tài: TIN THIÊN CHÚA QUA NGƯỜI CON.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 14,7-14)

7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người." 8 Ông Phi-líp-phê nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện." 9 Đức Giê-su trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"?

10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. 13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. 14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.

SUY NIỆM:

1/ Một ông vua nọ ra lệnh cho bất cứ ai theo Chúa thì phải làm cho vua thấy được Chúa. Mọi người có đạo ai cũng lo sợ, thế nhưng một anh chăn chiên nói: “Vua cứ nhìn vào trời thì vua sẽ thấy Thiên Chúa”. Nhà vua nổi giận đùng đùng: “Ngươi muốn làm mù mắt ta hay sao?”. Anh ta đáp: “Chỉ mỗi một vật nhỏ do tay Chúa tạo dựng mà bệ hạ còn sợ chói mắt, thì làm sao bệ hạ có thể thấy Thiên Chúa được?”.

2/ Khoa học muốn chứng minh mọi thứ bằng việc thực nghiệm và quan sát, sau đó họ mới tin. Nhưng làm sao chúng ta có thể thấy Thiên Chúa vô hình? Chỉ còn cách nhìn vào các công trình Ngài tạo dựng để mà tin.

3/ Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhận biết Chúa Cha qua việc nhìn ngắm chân dung Chúa Giêsu. Sự kết hợp giữa Chúa Cha với Chúa Con quá cao siêu, tuyệt hảo, đến nỗi ta không thể hiểu điều đó bằng lý trí, cũng chẳng thể thấy bằng cặp mắt vật lý, cũng chẳng thể chứng minh bằng khoa học thực nghiệm.

4/ Chúa Giêsu dự biến mình thành người phàm để cứu độ con người. Chính Tin Mừng làm chứng cho lời nói và hành động của Chúa Ki-tô, vì thế khi chúng ta tin vào Tin Mừng thì con mắt đức tin sẽ mở ra cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Sau khi thấy Chúa Ki-tô, ta sẽ thấy Chúa Cha bởi vì: “Ai thấy Thầy là thấy Cha, vì Ta và Cha là một”.

5/ Tất cả giá trị cứu chuộc của Chúa Giêsu hệ tại ở sự kết hợp giữa hai bản tính nơi Chúa Giêsu => Bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người.

6/ Bản tính loài người của Ngài thì ai cũng thấy rõ nên không cần phải chứng minh. Nhưng bản tính Thiên Chúa thì lại vô hình, không thể xem thấy, nên cần phải được chứng minh thì mới có thể chấp nhận và tin được. Nhưng qua việc chiêm ngưỡng các phép lạ Chúa làm, chúng ta có thể chứng minh rằng: “Ngài là Thiên Chúa”.

7/ Nếu như lý trí và giác quan cũng chưa bảo đảm cho những việc chúng ta tin. Thì qua các phép lạ, cho dù có phi thường, cũng không thể bảo đảm để chứng minh điều gì cả, nếu người ta không thành thật nhìn nhận và không muốn tin.

8/ Đã bao lần người Do Thái, nhóm Phariseu đã yêu cầu Chúa làm phép lạ, để chứng minh con người và sứ mệnh của Ngài. Nhưng Chúa không muốn thỏa mãn những yêu cầu của họ, vì Chúa biết lòng họ không sẵn sàng để tin khi mà Chúa đã làm nhiều phép lạ rồi.

9/ Một ví dụ cụ thể: Hôm trước Chúa làm phép lạ hóa bánh cho năm nghìn người ăn no nê. Thế mà hôm sau khi nói về bí tích Thánh Thể, họ không tin và còn đòi xem phép lạ. Họ quá sổ sàng khi yêu cầu Chúa: “Ông làm dấu lạ gì để chúng tôi tin”.

10/ Đã có biết bao lần Chúa làm phép lạ: Trừ quỷ, chữa người bất toại, chữa người mù mắt, cho người điếc được nghe, người câm nói được, người chết sống lại. Thế mà họ đành lòng tuyên bố: “Ối dào, ông ấy lấy phép quỷ mà trừ quỷ”.

11/ Chúa làm bao nhiêu dấu lạ, nhưng cũng chẳng ích gì cho những kẻ cứng tin, thiếu thiện chí và không thành thật. Thời đại nào cũng có đầy những con người như thế, ví dụ như những phép lạ ở Lộ Đức, Fatima, nhưng cũng có khối người viết sách xuyên tạc Đức Mẹ. Như vậy các phép lạ, những việc phi thường, tự nó đâu có đưa lại đức tin cho ta, những phép lạ đó chẳng ích gì khi người ta thiếu thiện chí, thiếu sự thành thật. Đức Tin là ơn Chúa ban nhưng không, nhưng đòi hỏi chúng ta phải biết thành thật đón nhận, chúng ta cần cầu xin Chúa ban thêm đức tin để dù gặp hoàn cảnh nào chúng ta vẫn vững tin mà không cần phải nhìn thấy phép lạ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm Đức Tin cho con, để con có thể thấy Chúa trong bí tích, nơi các bệnh nhân, nơi các Linh Mục. Amen.

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2230
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  12
 Hôm nay:  1802
 Hôm qua:  2348
 Tuần trước:  18164
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11397860
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top