Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần XV Thường Niên B - 2015 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần XV  Thường Niên B (13/07 -> 18/07/2015)

Thứ hai, 13/07/2015

Đề tài: MỌI VIỆC LÀM VÌ CHÚA ĐỀU CÓ GIÁ TRỊ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 10,34-11,1)

34 "Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.35 Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng.36 Kẻ thù của mình chính là người nhà. 37 "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.39 Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. 40 "Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.  41 "Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. 42 "Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu."

1 Khi Đức Giê-su ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Người rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.

SUY NIỆM:

1/ Bài Tin Mừng hôm nay có ý dạy những ai muốn tìm kiếm Đức Ki-tô. Điều kiện để gặp được Chúa, lắm khi người Môn Đệ phải chấp nhận nhiều mất mát thua thiệt: từ bỏ của cải vật chất, tình cảm riêng tư, thậm chí ngay cả mạng sống của mình .

2/ Nhiều bà mẹ mang thai, khi phải chọn giữa mạng sống mình và đứa con trong bụng, bà phải có một sự lựa chọn dứt khoát. Cũng thế, ai muốn gặp được Chúa cũng phải có một thái độ từ bỏ dứt khoát như vậy.

3/ Muốn đến với Chúa, ta phải kiên quyết từ bỏ những gì không phù hợp với Chúa: Như là tội lỗi, lòng gian tham, tình cảm riêng tư, thì chúng ta mới gặp được Chúa.

4/ Trước mặt Chúa, không có gì bị bỏ quên, cũng không có việc làm nào kém giá trị. Chúng ta làm vì Chúa thì không bao giờ bị mất phần thưởng, chỉ sợ là chúng ta chưa đủ trung thành để thực thi bổn phận.

5/ Bổn phận thì cho dù là công khai hay âm thầm, dù to lớn nặng nề hay nhẹ nhàng nhỏ bé, cũng vẫn luôn là điều cần thiết.

6/ Thiên Chúa luôn cần những con người nhiệt thành rao giảng, làm chứng cho Chúa , Thì Chúa cũng cần những âm thầm tiếp tay hỗ trợ cho những con người ấy. Đây chính là niềm an ủi cho người Ki-tô hữu.

7/ Với tài hèn sức kém, chúng ta không thể làm nhà lãnh đạo, không thể gánh vác những trách vụ lớn, không thể chu toàn những việc nặng nề, nhưng chúng ta có thể đóng góp và giúp đỡ cho những con người ấy.

8/ Những đóng góp ấy không bao giờ là tầm thường, không bao giờ là vô ích mặc dù có rất ít người biết đến. Lịch sử chỉ nhớ đến các vĩ nhân, chứ lịch sử không đủ giấy bút để ghi lại những khuôn mặt đã góp phần vào sự thành công của vĩ nhân. Dù lịch sử không nhớ, nhưng Thiên Chúa lại nhớ hết, Ngài chẳng bỏ sót một gương mặt nào và phần thưởng của họ cũng đáng giá như của các vĩ nhân.

9/ Các việc đạo đức của chúng ta không sáng chói để được gọi là người công chính, là vị Thánh/ Nhưng nếu chúng ta góp phần vào bằng sự cầu nguyện, hy sinh, bằng những công việc thật nhỏ bé, thì chúng ta cũng được lãnh triều thiên của người công chính.

10/ Nếu chúng ta yếu kém về tài năng và nhân đức, chúng ta không thể làm được những điều lớn lao/ Thì hãy biểu lộ lòng trung thành với Chúa và Giáo hội bằng những đóng góp nhỏ bé trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

11/ Chúng ta không làm được những điều lớn lao để rao giảng về Chúa cho kẻ khác/ Thì chúng ta hãy góp phần bằng những việc nhỏ bé âm thầm, khiêm tốn, trong tầm tay của chúng ta/ Cho dù người đời không để ý, không biết, nhưng Chúa thông biết hết và Ngài sẽ sẵn lòng bù đắp cho chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu Chúa thật nhiều, để trong mọi lúc con đều sẵn sàng làm mọi việc cho vinh danh Chúa. Xin Chúa ban cho con tấm lòng yêu Chúa trên hết mọi sự. Amen. ***

 

Thứ ba, 14/07/2015

Đề tài: LỜI CẢNH BÁO DÀNH CHO NHỮNG KẺ CỨNG LÒNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 11,20-24)

20 Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: 21 "Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối.22 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.23 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay.24 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi."

SUY NIỆM:

1/ Một cây Thánh Giá, tiếp theo là một niềm an ủi, rồi lại tiếp theo là cây Thánh Giá. Những kẻ làm con Chúa thường quá quen cách Chúa đối đãi với tôi tớ của Ngài, điều này cũng nói lên rằng: Thập Giá rồi sẽ tới vinh quanh, kiếp này sung sướng, coi chừng kiếp sau khốn khổ, tất cả đều là ơn Chúa ban, điều này còn tùy thuộc vào cách ta sử dụng ơn Chúa như thế nào.

2/ Ngày nay nhiều gia đình sau khi được may mắn trúng số, có một số tiền lớn, sau đó gia đình này thường rơi vào cảnh đau buồn: Chồng có tiền thì nhậu nhẹt suốt đêm, sinh ra vợ lớn vợ bé/ vợ có tiền thì sửa sang sắc đẹp, cờ bạc, mua sắm/ con cái thì xài tiền như nước, biếng nhát học hành, mau sa vào các tệ nạn xã hội.

3/ Sử dụng không hợp lý ơn huệ Chúa ban là nguyên nhân gây ra sự khốn khó này, sau đó lại trách móc là đồng tiền xui xẻo.

4/ Ba thành mà Chúa Yesus khiển trách hôm nay là những thành giàu có. Tuy nhiên vì họ không biết sử dụng đồng tiền, của cải này để gia tăng sự yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa cũng như sống bác ái với mọi người.

5/ Những thành này ngập chìm trong sự hưởng thụ vui chơi và luôn dửng dưng với lời mời gọi hoán cải của Tin Mừng. Đó là dấu chỉ cho thấy họ đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của họ, vì thế Chúa Yesus khiển trách 3 thành này (Khoradim, Betsaida, Capharna-um).

6/ Chúng ta cũng được Thiên Chúa ban cho nhiều thời gian, phương tiện, của cải, sức khỏe, tài năng,… Liệu chúng ta có sống đáng trách giống như dân 3 thành ấy không?

7/ Bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến 3 thành mà Chúa Yesus thường lui tới giảng dạy trong khi thi hành sứ mạng tại miền bắc Galile. Chúa đã làm nhiều phép lạ để minh chứng cho lời Ngài giảng dạy và kêu gọi dân chúng tin vào Ngài.

8/ Kết quả cũng có những kẻ tin vào Ngài nhưng chỉ là con số rất nhỏ, còn đám người chống đối và không tin thì nhiều hơn. Như vậy là họ đã cố ý từ chối ơn Chúa, từ chối là tự hủy đời mình.

9/ Ơn sủng của Chúa đòi hỏi mỗi người phải giữ vững lập trường. Ai từ chối, né tránh đều phải chịu trách nhiệm, và Chúa đã ban cho ai nhiều thì cũng đòi hỏi người ấy nhiều, vì thế chúng ta cần sử dụng ơn Chúa cho nên.

10/ Dân chúng của 3 thành phố trên đây đã được hưởng nhiều ơn lành của Chúa hơn những nơi khác. Nhưng họ đã không biết điều, chúng ta cũng đang ở trong tình trạng đó, có biết bao người được Chúa ban cho có điều kiện hơn những người khác như là họ có quá nhiều thời giờ rảnh rỗi, nhưng họ lại lãng phí vào những chuyện không đâu.

11/ Có nhiều người được Chúa cho họ có nhiều tiền, nhưng họ lại tiêu xài phung phí vào những chuyện vô bổ. Họ không hề nghĩ đến việc từ thiện hay chia sẻ, có người được Chúa cho nhiều cơ hội, nhưng họ lại để cho cơ hội qua đi uổng phí.

12/ Chúng con tự kiểm điểm xem có mắc lỗi lầm thiếu sót nào không, đời sống của chúng ta có đáng bị Chúa cảnh báo hay quở trách không?  Chúng ta có dùng ơn Chúa ban để đem lại lợi ích cho mình và cho kẻ khác không ?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết dùng những của cải Chúa ban để đem lại lợi ích cho Chúa và cho mọi người. Amen.**

 

Thứ tư, 15/07/2015

Đề tài: THIÊN CHÚA HAY GHEN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 11,25-27)

25 Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.

26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

27 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.

SUY NIỆM:

1/ Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất, độc quyền và hay ghen. Ngài không muốn có ai hơn mình hay bằng mình, Ngài không muốn chúng ta tôn thờ bất cứ ai khác, và Ngài cũng không bao giờ chịu ở gần những con người kiêu ngạo. Những ai đơn sơ, hèn mọn, bé nhỏ mới được ở với Ngài.

2/ Chúa Yesus cảm tạ Chúa Cha về việc cha Ngài đã mạc khải nước Trời cho những con người bé mọn, còn những kẻ khôn ngoan thông thái kiểu thế gian thì không bao giờ.

3/ Những con người khôn ngoan thường ỷ lại vào sự hiểu biết nhiều của mình, để rồi sinh tính kiêu ngạo và coi thường Thiên Chúa.

4/ Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhu. Khiêm nhường là những con người khiêm tốn, đơn sơ, luôn có một trái tim rộng mở và khao khát tình yêu Thiên Chúa.

5/ Cuộc đời của Chúa Yesus là luôn cầu nguyện. Ngài cầu nguyện để kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, cuộc đời của Chúa Yesus là một lời cầu nguyện liên lỉ không ngừng, các sách Tin Mừng có ghi lại một số lời cầu nguyện của Chúa.

6/ Lời cầu nguyện của Chúa Yesus hôm nay cũng ngắn thôi, ngắn như một lời than thở. Lời cầu nguyên tuy ngắn nhưng lại là một lời cầu nguyện tiêu biểu, chúng ta thấy Chúa luôn tha thiết với điều đó, nghĩa là Chúa muốn tôn vinh Chúa Cha và chúc tụng ngợi khen Người.

7/ Qua lời cầu nguyện hôm nay, Chúa Yesus muốn cho chúng ta biết: Thiên Chúa là Cha, là chủ tể vũ trụ này, Ngài hoàn toàn tự do và đầy yêu thương, Ngài muốn tỏ mình, muốn chỉ bảo cho ai điều gì là do ý của Ngài.

8/ Có nghĩa là Chúa không muốn tỏ mầu nhiệm nước Trời cho những con người kiêu căng tự phụ mình khôn ngoan thông thái theo kiểu thế gian, mà Chúa chỉ tỏ cho những con người đơn sơ, bé mọn.

9/ Những ông Phariseu và Kinh Sư là những người được coi là trí thức, thông thái, họ đã không tiếp nhận Tin Mừng của Chúa và không nhận Ngài là Đấng phải đến.

10/ Trái lại, những kẻ đơn sơ như các Tông Đồ, là những người ít học/ mà các Kinh Sư khinh thường, nhưng những kẻ bé mọn đó lại đón nhận Tin Mừng và tin nhận Chúa Yesus là Đấng Cứu Thế và đã thực thi lời Ngài dạy.

11/ Riêng phần chúng ta, nếu chúng ta muốn đón nhận những lời Chúa dạy bảo. Chúng ta cần phải trở nên những người bé mọn, nghĩa là chúng ta cần phải sống khiêm tốn, biết lắng nghe.

12/ Tâm hồn chúng ta không thể chứa đựng những thứ kiêu căng, tự phụ. Lòng chúng ta không được có những thành kiến nào, không được tự hào về những thứ mà mình đã biết, một tâm hồn thanh thoát mới tiếp thu được và hiểu biết lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở rộng lòng chúng con, để chúng con biết lắng nghe lời con của Chúa với tâm hồn đơn sơ và yêu mến. Amen.

 

Thứ năm, 16/07/2015

Đề tài: NGUỒN GỐC LỄ KÍNH ĐỨC MẸ NÚI CAMÊLÔ

AI LÀ THÂN NHÂN CỦA ĐỨC GIÊ-SU

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 12,46-50)

46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.47 Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy."48 Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? "49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."

SUY NIỆM:

1/ Lịch sử và tên gọi: Đức Mẹ núi Camêlô được biết đến với tên gọi Đức Mẹ Cát Minh, là một danh hiệu dành cho Mẹ Maria trong vai trò là Đấng bảo trợ Dòng Camêlô. Dòng Camêlô lúc đầu chỉ bao gồm những ẩn sĩ Ki-tô giáo sống trên Núi Carmel ở Đất Thánh Palestina sát cạnh biển Địa Trung Hải và làng Nazaret miền bắc Galilê-a, núi này có độ cao 531 mét trên mực nước biển.

2/ Camêlô được coi như núi thánh: Truyền thống cho rằng đây là nơi tiên tri Elia đã lên núi để bảo vệ niềm tin của mình trong cơn bách hại. Tiên tri Elia đã chọn núi Camêlô làm địa điểm thách đố 450 sư sãi của thần Ba-al. Họ đã giết một con bò tơ để rồi 2 bên cùng khấn Thần của mình. Sư sãi thì khấn thần Ba-al từ sáng tới tối, còn tiên tri Elia thì khấn Đức Yaveh. Của lễ dâng lên Yaveh được chấp nhận và được Yaveh cho thiêu cháy (1V 18,20-40), còn thần Ba-al thì không làm gì được.

3/ Nhà dòng được thành lập: Vào thể kỷ thứ 12, Thượng phụ Giáo chủ Albertô thành Yêrusalem đã quy tụ tất cả các ẩn sĩ thành một Dòng và Ngài dâng họ cho Đức Mẹ để cho họ sống đời chiêm niệm. Vào năm 1226, Đức Giáo Hoàng Honori-o 3 đã ban hành cho họ một quy luật và chuẩn nhận dòng / Cũng năm ấy Đức Giáo hoàng cho phép mừng trọng thể lễ Đức Bà núi Camêlô.

4/ Vì Dòng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đất Thánh bị quân Hồi Giáo chiếm đóng, Dòng Camêlô phải di chuyển về Cambridge nước Anh/ Thánh Simon Stock lúc đó là tu viện trưởng, đã kêu xin Đức Mẹ cứu giúp.

5/ Bộ áo Dòng của các tu sĩ được cho là bắt nguồn từ sự kiện Đức Mẹ Maria hiện ra ngày 16/7/1251/ Mẹ hiện ra với thánh Simon Stock và nói: “Hãy nhận lấy bộ áo Dòng này Mẹ ban cho Dòng và cho các Tu Sĩ, như dấu chỉ của lòng ưu ái và sự săn sóc của Mẹ dành cho các con”. Đây là dấu hiệu cứu rỗi, giải thoát mọi hiểm nguy/ ai chết mà mang theo biểu hiện bình an này, sẽ khỏi bị lửa thiêu đời đời/ vì Mẹ sẽ cứu họ khỏi lửa luyện tội vào ngày thứ bảy sau khi họ qua đời.

6/ Lòng sùng kính Đức mẹ của Dòng Camêlô: Các Tu Sĩ Dòng Camêlô đã nhìn thấy ở Mẹ Maria một hình mẫu hoàn hảo của đời sống nội tâm, của cầu nguyện và chiêm niệm/ một hình mẫu đạo đức, cũng như người gần gũi nhất với Chúa Ki-tô.

7/ Kinh cầu xin với Đức Mẹ CamêlôLạy Maria đầy ơn phúc, không mắc tội truyền. Mẹ là vẻ đẹp cùng là vinh hiển núi Cát Minh. Mẹ lấy lòng từ bi nhân hậu đoái nhìn các kẻ mang áo Thánh Mẹ. Xin khấng đoái xem đến con, và che chở con dưới áo Mẹ. Con yếu đuối, xin uy quyền Mẹ nâng đỡ. Xin đức khôn ngoan Mẹ soi sáng tâm trí u ám của con. Xin in vào lòng con đức tin cậy và đức mến. Xin hãy dùng ơn Thánh sủng và Đức Hạnh mà trang điểm linh hồn con, để con được chính là con của Mẹ và được Mẹ yêu thương. Xin hãy phù hộ con khi sống và trong giờ lâm chung. Xin Mẹ âu yếm đến viếng thăm và yên ủi con, và dâng trình cho Chúa Ba Ngôi : con là con cùng là đầy tớ tận tình của Mẹ hầu con được ngợi khen, chúc tụng Mẹ đời đời trên thiên đàng. Amen. Lạy Nữ Vương là Mẹ xinh đẹp của núi Cát Minh, xin cầu cho chúng con. Amen.

8/ Đức Mẹ Camêlô được xem là người cứu rỗi các linh hồn nơi luyện ngục với tên gọi: “Đặc ân thứ bảy”: Truyền thống cho rằng, Ðức Mẹ đã hiện ra với Giáo Hoàng Gioan 22 truyền dạy phải công bố cho hết những ai mang áo Ðức Mẹ biết: "Ngày thứ bảy đầu tiên sau khi họ lìa trần, họ sẽ được Đức Mẹ cứu thoát khỏi luyện ngục"/ Điều này được nhiều vị Giáo Hoàng công nhận: như là : Piô 5, Grêgôriô 8, Phaolô 5. Piô 12 cũng nói: "Mẹ rất dịu hiền không trì hoãn nhưng sớm bao nhiêu có thể, Mẹ cầu bầu cùng Thiên Chúa sớm mở cửa Thiên Ðàng cho con cái của Mẹ đang phải đền bù tội lỗi trong luyện ngục, trong đặc ân ngày thứ Bảy mà Mẹ đã phán hứa.

9/ Trong thời gian người Hồi Giáo tấn công Thánh Địa, người Công Giáo bị tàn sát. Các Thầy Dòng phải rời bỏ núi Camêlô, chạy về nước Pháp, thành lập nhà Dòng ở đây và đến lập Dòng tại nước Anh. Chính nơi đây nhà Dòng được tiếp nhận Thánh Simon Stock vào Dòng vào năm 1245, Thánh nhân nhận làm bề trên Dòng.

10/ Thánh Simon Stock chỉnh đốn lại nếp sống của đan sĩ, Ngài củng cố lòng sùng kính Đức Mẹ. Thánh nhân tha thiết xin Đức Mẹ ban cho nhà Dòng một ân huệ. Tương truyền ngày 16/07/1251, Đức Mẹ đã hiện ra với Ngài/ Đức Mẹ mặc áo Dòng Camêlô, xung quanh có Thiên Thần hầu cận, nét mặt tươi cười, tay cầm chiếc áo Đức Bà Camêlô, trao cho Ngài và bảo: “Hãy nhận lấy bộ áo Mẹ ban cho Dòng và cho Tu Sĩ như dấu chỉ của lòng ưu ái và sự săn sóc mà  Mẹ dành cho các con. Đây là dấu hiệu cứu rỗi, giải thoát khỏi mọi hiểm nguy. Ai chết mà đang mang dấu hiện bình an này, thì khỏi phải lửa thiêu đời đời/ và Mẹ sẽ cứu họ khỏi lửa luyện tội vào ngày thứ bảy sau khi họ qua đời”. (Đây là lời hứa).

11/ Ngày lễ Đức Bà Camêlô hôm nay nhắc lại việc Đức Mẹ ban ân huệ đó, và gốc tích Áo Đức Bà Camêlô phát xuất từ đây. Từ nay, những ai không có điều kiện gia nhập Dòng, mà tin tưởng ở lời hứa của Đức Mẹ, đều xin nhận áo Đức Bà Camêlô và mang trong mình hằng ngày cho đến chết/ Những ai mong được chết lành đều luôn mang áo Thánh này.

Cầu nguyện: Lạy mẹ, xin Mẹ luôn bênh đỡ, che chở chúng con/ xin cho mỗi chúng con biết chạy đến cậy nhờ nơi tình thương của Mẹ, xin Mẹ giải quyết những khó khăn bất trắc trong cuộc sống  và trong giờ lâm chung của chúng con . Amen.

 

Thứ sáu, 17/07/2015

Đề tài: YÊU CHÚA BẰNG CẢ TẤM LÒNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 12,1-8)

1 Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: "Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!" 3 Người đáp: "Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao? 6 Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát."

SUY NIỆM:

1/ Sống trong một xã hội văn minh với đầy đủ mọi thứ tiện nghi vật chất/ lẽ ra con người phải vui vẻ hạnh phúc hơn nhiều/ Thế nhưng con người càng văn minh lại càng đau khổ và bất hạnh hơn. Vì sao thế giới lại gặp phải vấn nạn này? Thưa, vì con người không muốn đối xử với nhau bằng một tấm lòng.

2/ Gia đình kia có 2 người con trai, người con thứ ở gần cha mẹ, cuộc sống nghèo khổ, nhưng anh lại luôn hiếu thảo và hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Người con cả ở xa nhưng lại giàu có, hàng tháng anh vẫn gửi tiền về cho cha mẹ, nhưng lại rất ít khi viếng thăm, an ủi cha mẹ trong những lúc ốm đau, bệnh tật.

3/ Nền công nghiệp hiện đại hóa giúp con người năng động, nhạy bén trong mọi công việc/ nhưng cũng rất dễ khiến con người đối xử máy móc với nhau và biểu lộ cách cư xử vô tâm nhiều hơn.

4/ Chúa Yesus kêu mời tất cả chúng ta hãy đối xử với nhau bằng một tấm lòng nhân hậu/ Tấm lòng nhân hậu này đáng quý hơn tất cả những thứ lễ vật khác như là hoa, nến. Đó cũng chính là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả.

5/  Việc các Môn Đệ bứt mấy bông lúa thì không phạm vào một luật chính thức nào/ cũng chẳng phải là tội gặt lúa trong ngày lễ nghỉ, mà chỉ là một luật cấm do các nhà chú giải luật đặt ra để cấm làm trong ngày Sabat.

6/ Chúa Yesus giải thích thêm cho họ hiểu: Luật ngày lễ nghỉ chỉ mong mang lại lợi ích cho con người/ cho nên có những lúc vì nhu cầu cần thiết cho con người mà không nên áp dụng những luật đó. Ở đây, Chúa đưa ra hoàn cảnh cho thấy: ở những hoàn cảnh này thì luật không còn buộc tội nữa.

7/ Ở đây Chúa Yesus cũng muốn nhấn mạnh: Luật trên hết các lề luật, chính là thi hành bác ái/ mọi lề luật sẽ trở nên giả dối, trống rỗng nếu như thực thi những luật đó mà không vì lòng bác ái.

8/ Chúng ta cần chú ý đến điều chính yếu trong khi thực thi hay tuân giữ lề luật. Những người Phariseu đã quên mất điều đó nên có thái độ, có cái nhìn và cách hành xử sai lệch/ họ chỉ mang nặng một đầu óc: phê bình, chỉ trích, hạch sách, bắt bẻ.

9/ Vấn đề ở đây không phải là họ đưa ra vấn đề tôn trọng lề luật và thi hành nó vì lòng yêu mến Chúa/ Nhưng ý đồ của họ là muốn bắt bẻ, hạch hỏi và tìm cách tố cáo Chúa.

10/ Việc hạch hỏi này càng tố cáo tính hay soi mói, thêu dệt và cắt nghĩa trái chiều cho những khuyết điểm nhỏ của người khác/ Chứng tỏ đầu óc và lòng dạ họ hẹp hòi xấu xa, thiếu hẳn đức bác ái của họ.

11/ Chúa muốn dạy con phải biết sống theo tinh thần bác ái khi thực thi và tuân giữ lề luật và các điều răn của Chúa/ Chúa muốn con loại bỏ óc nhỏ nhặt, soi mói, phê bình, xét đoán người khác.

12/ Hãy tập cư xử với nhau cách quảng đại bao dung/ và dễ dàng cảm thông với những yếu đuối của mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi lòng chúng con, nhờ đó chúng con có thể vui sống với nhau trong tình mến Chúa và hòa đồng với nhau mỗi ngày một tốt hơn. Amen.

 

Thứ bảy, 18/07/2015

Đề tài: NGƯỜI TÔI TỚ CỰC HIỀN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 12,14-21)

14 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su. 15 Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. 16 Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. 17 Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói:

18 "Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. 19 Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. 20 Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, 21 và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.

SUY NIỆM:

1/ Từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa thường nổi cơn thịnh nộ/ Nhưng sách Thánh cũng viết: Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ, Thiên Chúa luôn thương xót con người qua các Dụ Ngôn: Con chiên lạc, người con hoang đàng, đồng bạc bị mất, người phụ nữ ngoại tình. Chúa quăng những tội lỗi của con người xuống đại dương để Chúa không còn nhớ đến nó nữa (Mk 7,14-15;18-20)

2/ Ngôn Sứ Isai-a mô tả chân dung của Đấng Cứu Thế như sau: Ngài không cãi vã, la lối, Ngài không nỡ bẻ gãy cây lau đã giập, không nỡ dập tắt tim đèn còn khói. Đó chính là hình ảnh một Thiên Chúa đầy lòng yêu thương và nhân hậu.

3/ Thế nhưng, sự hiền lành mà chúng ta thấy ở đây không phải là một thái độ yếu thế, buông xuôi, nhu nhược/ Nhưng là một sự hiền lành, để thâm nhập sâu xa vào trong cõi lòng con người/ thâm nhập vào trong thế giới cho đến lúc sự công bình, chính trực, chân lý tình thương toàn thắng và muôn dân được cứu rỗi.

4/ Là những người tự nguyện đi theo làm Môn đệ cho Chúa, Chúng ta cũng được mời gọi phải sống theo, phải bắt chước Người / liệu trong đời chúng ta đã bắt chước Người với những cử chỉ tốt đẹp này được bao nhiêu lần rồi?

5/ Trước những lời giảng đầy uy quyền và gây nhiều ảnh hưởng của Chúa Yesus/ Người Phariseu lấy làm ghen tức, nên nhiều lần họ đã bày mưu tìm cách hãm hại Ngài, loại trừ Ngài. Trước tình hình bất ổn đó, nhiều lần Chúa Yesus tạm rút lui và điều này khiến cho người Phariseu tạm yên lòng.

6/ Người Phariseu yên tâm là phải/ Vì rao giảng mà không có tiếng nói thì cũng như cờ không có gió, cũng như người bơi thuyền mà không có mái chèo.

7/ Tuy nhiên, tiếng nói không đơn thuần là lời trên môi miệng mà còn có những thứ tiếng nói khác: Nói bằng hành động, nói bằng con tim/ Tiếng nói của lòng nhân từ chẳng những không có gì có thể dập tắt mà nó còn có thể xuyên suốt mọi rào cản, đi qua mọi bức tường ngăn cách.

8/ Tiếng nói chung của nhân loại mà dân tộc nào cũng có thể hiểu được, đó chính là ngôn ngữ yêu thương. Hai kẻ xa lạ gặp nhau, không sử dụng được tiếng nói của nhau, nhưng vẫn có thể hiểu nhau nhờ thứ ngôn ngữ phát xuất từ con tim, từ ánh mắt, từ cử chỉ.

9/ Đây cũng chính là trường hợp của Chúa Yesus/ Một điều đã vượt qua mọi tiên liệu của hội đường Do Thái. Nếu Chúa Yesus không giảng bằng lời nói thì Ngài lại giảng bằng hành động/ nếu Chúa không lớn tiếng ngoài đường phố thì mỗi bước chân của Chúa lại vang lên tiếng nói của tình thương, Chúa đi tới đâu thì bệnh tật lùi xa tới đó.

10/ Cách Chúa giảng dạy như là: Ngài không bẻ gãy cây sậy bị giập, không dụi tắt tim đèn còn khói/ Đây là cách rao giảng mà bất cứ trình độ kiến thức hay ngôn ngữ nào cũng đều có thể hiểu được/ nó diễn tả trọn vẹn tiếng nói của Đấng Cứu Thế/ và đây cũng là cách Chúa Yesus giới thiệu lòng thương xót của Thiên Chúa Cha .

11/ Lòng thương xót của Thiên Chúa gợi lên cho con người biết bao niềm tin tưởng và hy vọng/ Cho dù tâm hồn đó có tội lỗi, có đau thương, có bị dập nát, sức sống có lụi tàn thì Thiên Chúa vẫn không bao giờ chê bỏ, chối từ.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết lấy chính đời sống của mình làm lời rao giảng để cho dù chúng ta đang làm bất cứ thứ gì thì Thiên Chúa cũng được vinh danh. Lạy Chúa, con xin dâng sự yếu hèn của con, chỉ mong Chúa luôn được an ủi và vinh danh. Amen.

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2380
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  8
 Hôm nay:  199
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11403015
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top