Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần XVI Thường Niên B - 2015 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần XVI  Thường Niên B (20/07 -> 25/07/2015)

Thứ hai, 20/07/2015

Đề tài: NHỮNG KẺ MÃI MÃI CỨNG LÒNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 12,38-42)

38 Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ."39 Người đáp: "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na.40 Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy.41 Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.42 Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.

SUY NIỆM:

1/ Người Phariseu đòi Chúa Giêsu làm một phép lạ. Họ chỉ đòi dấu lạ để thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ, để xem cho biết quyền năng của Chúa Giêsu/ nhưng vì đây là một thách thức nên Chúa đã không làm, vì nó không ích lợi gì cho linh hồn họ.

2/ Nhiều khi con cũng xin dấu lạ chỉ dành cho những ích kỷ nhỏ nhen, hay vì muốn của cải vật chất nên Chúa chẳng ban cho con điều đó/ Vì Chúa biết rằng nó chẳng có ích gì cho linh hồn con.

3/ Trong thời gian đi giảng đạo, Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ/ Người Phariseu và Kinh Sư đã luôn được chứng kiến, nhưng họ vẫn không tin nhận Chúa là Đấng Mesia, là Đấng Thiên Sai.

4/ Hôm nay họ muốn thách đố Chúa, đòi Chúa làm một dấu lạ/ Chúa đã không chấp nhận làm theo yêu cầu của họ / trái lại Chúa đã phàn nàn về thái độ cố chấp của họ bằng hai câu chuyện trong quá khứ: Ngôn Sứ Yona và nữ hoàng Saba.

5/ Ngôn Sứ Yona có nhiệm vụ loan báo về Đấng Cứu Thế cho dân thành Ninive và kêu gọi họ tỏ lòng sám hối, họ đã nghe lời và thực hành việc sám hối. Còn hôm nay Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, là Đấng mà các Ngôn Sứ đã loan báo / cho dù dân chúng được nghe chính Chúa Giêsu rao giảng, nhưng họ vẫn không ăn năn sám hối.

6/ Chúa lại trưng dẫn thêm câu chuyện về nữ hoàng Saba / Bà nghe biết danh tiếng tài giỏi khôn ngoan của Vua Salomon, bà đã cất công tìm đến để diện kiến và được tận tai nghe lời khôn ngoan của ông.

7/ Vua Salomon dù sao cũng chỉ là người phàm, ông chỉ được một chút khôn ngoan do chính Thiên Chúa ban cho / Còn hôm nay, dân Do Thái không phải vất vả đi đâu xa, bỡi vì Chúa Giêsu đang ở giữa họ.

8/ Chúa Giêsu lại cao trọng hơn Salomon gấp bội phần. Ngài là Thiên Chúa đầy quyền năng và khôn ngoan, thượng trí/ thế mà dân Do Thái lại chẳng thèm nghe theo, họ nhẫn tâm từ chối Chúa nên tội của họ rất nặng.

9/ Chúng ta là Ki-tô hữu, chúng ta biết Chúa đã lâu, đã nghe lời Chúa giảng dạy trong suốt cuộc đời chứ không phải chỉ có 3 năm như dân Do Thái. Hôm nay Chúa bảo: Chúng ta đừng nên cứng lòng như dân Do Thái, hãy bắt chước dân Thành Ninive và Nữ hoàng Saba, thực hành lời Chúa dạy bảo, thành thực ăn năn sám hối/ cho dù chúng ta cũng đầy tội lỗi, nhưng  Chúa cũng sẽ tha thứ cho.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con chỉ tìm Chúa, chỉ tin Chúa và chỉ thực hành lời Chúa dạy qua miệng các Đấng bề trên, qua lời Chúa trong Kinh Thánh . Amen.****

 

Thứ ba, 21/07/2015

Đề tài: ĐIỀU ĐẸP LÒNG CHÚA NHẤT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 20,46-50)

46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47 Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." 48 Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? " 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."

SUY NIỆM:

1/ Vì khao khát được chạy chơi và nô đùa cùng các bạn, mà cô bé Wilma Rudolph đã kiên trì tập luyện cho dù cô bị bại liệt từ nhỏ. Cô bé bắt đầu cuộc sống khổ luyện trong việc tập đi và tập chạy. Cuối cùng cô trở thành vận động viên thể thao xuất sắc và đã đạt ba huy chương vàng thể thao điền kinh tại thế vận hội Olympic Roma năm 1960.

2/ Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta trong việc thi hành ý muốn của Chúa Cha/ nên Ngài đã rời bỏ gia đình, lên đường đi rao giảng Tin Mừng khắp mọi nơi. Tuy nhiên vì Mẹ Maria và các anh em của Chúa khao khát được gặp gỡ và chuyện trò với Chúa nên họ đã lặn lội đường xa đến để tìm gặp Ngài.

3/ Theo thống kê: Thành phố HCM là nơi có nhiều nhà thờ nhất nước/ nhưng trừ ngày lễ Chúa Nhật ra thì số người đi lễ ngày thường rất ít, nên các nhà thờ cũng vắng. Vì sao có tình trạng như vậy? Câu trả lời là: Vì con người không còn khao khát gặp Chúa nữa.

4/ Chúa Giêsu đã đề cao Mẹ mình là mẫu gương trong việc tuân theo ý Chúa. Chúa khẳng định: Ai làm theo ý Thiên Chúa thì người đó là cha mẹ, là anh chị em với Ngài.

5/ Chúa muốn chúng ta không nên hiểu theo nghĩa thông thường như tình cảm ruột thịt ở đời/ Nhưng là mang ý nghĩa thiêng liêng, là được gia nhập vào gia đình của Ngài, là được hưởng hạnh phúc, là được cùng dự phần vinh hiển với Ngài.

6/ Nhưng làm theo ý Chúa là thế nào? Các Thánh, các nhà đạo đức đã chỉ cho chúng ta 3 cách sống: Thứ nhất là tuân giữ đầy đủ các điều răn của Chúa, tức là chu toàn các bổn phận hằng ngày một cách vui vẻ và sốt mến.

7/ Thứ hai là: Tuân theo ý Chúa là sẵn sàng đón nhận trực tiếp mọi thử thách như là đau yếu bệnh tật phần xác, âu lo phần hồn/  hoặc phải chia lìa người thân khi người thân chết, hoặc phải mất của cải khi làm ăn thua lỗ.

8/ Thử thách gián tiếp bởi những kẻ khác như là bị dèm pha, bị đặt điều, bị nói xấu, bị khinh chê, bị hất hủi.

9/ Điều thứ ba: Tuân theo Thánh Ý Chúa là bằng lòng với những khuyết điểm, những thiếu sót tự nhiên của mình như là: Kém sức khỏe, kém trí tuệ, kém tư cách, kém khả năng, kém nhan sắc.../ Không phàn nàn kêu trách vì những khuyết điểm của mình / không tự ti, mặc cảm, không buồn chán/ Trái lại, luôn bằng lòng với những gì mình đang có.

10/ Vâng theo Ý Chúa, hoặc thực thi Ý Chúa: Mới nghe qua tưởng đâu là dễ, nhưng thực tế cho thấy điều này rất phức tạp. Trước hết, ta phải nhận biết Thánh Ý Chúa, sau đó mới phải chấp hành nghiêm túc. Cả hai điều đó, không có điều nào là dễ làm.

11/ Nhưng nếu chúng ta tuân thủ theo những nguyên tắc trên đây, chúng ta hãy an tâm là: Chúng ta đang sống theo Thánh ý Chúa, đang thực thi Thánh Ý Chúa.

12/ Tóm lại, vâng theo Thánh Ý Chúa là chúng ta chu toàn bổn phận hàng ngày / sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn thử thách và bằng lòng với con người , với những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể mà mình đang có.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn khao khát và siêng năng tìm gặp Chúa qua Bí Tích Thánh Thể, qua Lời Chúa trong Kinh Thánh, qua lệnh truyền của Đấng bề trên và qua những con người khó nghèo, bệnh tật, để chúng con luôn yêu Chúa và luôn làm điều tốt cho mọi người.  Amen.***

 

Thứ tư, 22/07/2015

Đề tài: LỄ THÁNH NỮ MARIA MADALENA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Yn 20,1-2;11-18)

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."

11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc?" Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!" 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?" Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." 16 Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a! " Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni! " (nghĩa là "Lạy Thầy"). 17 Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em." 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

SUY NIỆM:

1/ Thánh Nữ Maria Madalena quê tại Macdala, gần biển hồ Galile. Thánh nữ bị quỷ ám cho tới khi được Đức Giêsu trừ quỷ cho/ sau đó bà đi theo Đức Giêsu, làm Môn Đệ và là một trong những phụ nữ thánh thiện/ đã đi theo giúp đỡ Chúa Giêsu và các Tông Đồ.

2/ Thánh Nữ thuộc nhóm phụ nữ đi theo Chúa Giêsu/ và lấy tài sản của mình mà giúp đỡ Ngài. Thánh Maria Madalena có mặt trên đồi Canve khi Chúa Giêsu chịu tử nạn, và là người thứ hai sau Đức Mẹ, bà được phúc gặp Đấng Cứu Thế vào sáng ngày Phục Sinh. Thánh Nữ đã gặp được Chúa sau khi Chúa Giêsu gọi đích danh bà.

3/ Lòng sùng kính của Giáo hội đối với người nữ Môn Đệ hết mực trung thành của Chúa Kito đã được phổ biến khắp thế giới Phương Tây trong thời trung cổ. Thánh Nữ Maria Madalena, không phải người phụ nữ trùng tên Maria, là người đã vì lòng sám hối mà đổ dầu thơm quý giá xức chân Chúa Giêsu tại nhà ông Simon tật phong.

4/ Maria Madalena có một ảnh hưởng bền bỉ lâu dài/ là đề tài gợi hứng cho nhiều nghệ sĩ, tội nhân lẫn các Thánh nhân/ và các Môn Đệ của Chúa Kito qua mọi thời đại. Tiếng tăm bà không dễ dàng gì giải thích, mà chỉ dựa vào các thông tin bà trong Kinh Thánh. Điều mà sách Tân Ước nói về bà thật ít ỏi, dễ gây thất vọng, các tác giả Tin Mừng chỉ đơn giản gọi bà là Maria Thánh Magdala, nhưng có một chi tiết nhỏ có ý nghĩa gây kinh ngạc/ vì cả 4 Tin Mừng đều khẳng định bà là người Môn Đệ gương mẫu cho mọi thời đại.

5/ Có điều gì đó mang chút hấp dẫn về tên người phụ nữ này trong các bài Tin Mừng: Một người phụ nữ mà tên riêng lại không đi kèm với tên một người đàn ông nào khác/ chính vì có nhiều óc tưởng tượng bình dân đã gán ghép bà với người phụ nữ khác trong Tân Ước, tạo nên một chút rối mù.

6/ Thỉnh thoảng Maria Madala bị đồng hóa hay nhầm lẫn cách sai lầm với một người phụ nữ xức dầu thơm lên chân Chúa Giêsu. Sự đồng hóa này càng thêm phức tạp vì người ta nhầm lẫn câu chuyện xức dầu với một người phụ nữ tội lỗi, một cô gái điếm. Điều này càng góp phần khiến cho vấn đề càng trở nên tệ hại hơn là hình ảnh của Maria Madalena bị nhầm lẫn với một phụ nữ bị cáo buộc tội phạm ngoại tình trong Tin Mừng Thánh Yoan lại nhập nhằng với nhau.

7/ Thánh Marco và Mattheu đưa ra trình thuật nói về một phụ nữ vô danh xức dầu cho Chúa Giêsu/ Có ý nói về cuộc mai táng của Ngài/ Lúc ấy Chúa Giêsu đang ở nhà của ông Simon tật phong, ở Betania, gần Yerusalem. Thánh Yoan cũng thuật lại câu chuyện xức dầu chân Chúa Giêsu không lâu trước cái chết của Chúa/ xác định là phụ nữ thành Betania, bà làm thế để tỏ lòng biết ơn Chúa đã cứu sống Lazaro em bà, bởi vì Maria là cái tên rất thông dụng và có lẽ chính vì thế mà hai bà có tên là Maria đã lẫn lộn vào nhau trong truyền thống Kito giáo sau đó.

8/ Thánh Luca kể về một phụ nữ vô danh đã xức dầu chân Chúa Giêsu khi Ngài đang ngồi bàn ăn trong lúc thực hiện sứ vụ (Lc 7, 26-50)/ chứ không phải ở lúc cuối đời. Lúc ấy, Chúa Giêsu đang dùng bữa tối tại nhà ông Simon người Phariseu. Có lẽ Maria Madalena đã nhầm lẫn với người phụ nữ này, bởi vì bà Maria Madalena lần đầu tiên được gọi đích danh trong câu chuyện tiếp liền ngay sau trình thuật xức dầu của Thánh Luca (Lc 8,2), góp phần tạo thêm nhầm lẫn là người phụ nữ này đôi khi được miêu tả là người tội lỗi công khai (một cái tên nhẹ để gọi cho cái nghề làm gái điếm). Người đã đổ nước mắt thống hối và hành động như thế vì lòng hối hận/ thế nhưng người phụ nữ xức dầu chân Chúa Giêsu là một phụ nữ vô danh trong tin mừng Luca, và nếu bà được ghi nhớ chỉ vì tội lỗi của mình hơn là tình yêu dẫn đến hành động xức dầu chân Chúa, thì điều đó vừa trái với ý nghĩa dụ ngôn mà Chúa Giêsu vừa mới nói đến trong dịp này, lại vừa không phải là mục đích của Thánh Luca khi kể câu chuyện.

9/ Vấn đề càng thêm phức tạp hơn khi có vài đoạn tin mừng của Thánh Yoan (Yn 7,53/ Yn 8,11) nói về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình/ và gán ghép chị này với Maria Madalena. Một truyền thống lâu đời trong văn chương, và nghệ thuật Kito giáo đã vẽ nên một Maria Madalena là người tội lỗi ăn năn sau khi gặp được Chúa Giêsu/ thì bà đã trải hết phần đời còn lại để khóc than tội lỗi mình hoặc tệ hại hơn nữa lại là một cô gái điếm.

10/ Tóm lại, Thánh Nữ Maria Madalena mà Giáo hội kính nhớ ngày 22/07: Bà là một phụ nữ Thánh thiện, bà đi theo Chúa suốt cuộc đời, bà đứng dưới chân Thánh giá/ bà được Chúa Giêsu phục sinh hiện ra đầu tiên/ bà không phải là phụ nữ ngoại tình cũng không phải là người đàn bà tội lỗi/ cũng không phải là Maria chị của Lazaro. Bà là gương mẫu cho các Môn Đệ, bà là người duy nhất được Giáo hội công giáo Roma kính nhớ, bà là người được Chúa trừ bảy quỷ. Chúng ta không bao giờ được nhầm lẫn với những bà Maria khác, mà các họa sĩ công giáo đã vẽ lên những hình ảnh, những tác phẩm khiêu gợi.

11/ Hôm nay chúng ta suy về tình yêu bùng cháy trong trái tim người phụ nữ đã không rời mộ Chúa/ mặc dù các Tông Đồ đã bỏ trốn tất cả. Thánh nữ vẫn liên lỉ tìm kiếm đấng mà trước kia bà không tìm được, thánh nữ đã tìm kiếm trong nước mắt và bừng cháy ngọn lửa tình yêu. Bà khao khát tìm thấy đấng mà bà đang tưởng nhớ/ và với hy vọng gặp được Chúa/ và bà là người duy nhất đã gặp được Ngài. Đúng như lời Chúa đã cho chúng ta biết: Ai trung thành đến cùng, người ấy sẽ được cứu độ.

12/ Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: Chúa đang ở rất gần bên chúng ta trong những biến cố của cuộc sống/ mặc dù chúng ta không nhận ra Người, Người luôn ở bên chúng ta.

13/ Hôm nay chúng ta hãy xin Thánh nữ ban cho chúng ta lòng trung kiên/ và chia sẻ lòng trung kiên của Ngài trong việc đi tìm Chúa/ xin Thánh nữ giúp chúng ta vững bước theo Chúa, cho đến cùng như Ngài đã từng đứng dưới chân Thánh Giá, theo Chúa trên mọi bước đường sứ vụ, và đưa Chúa đến nơi huyệt đá, đợi chờ để được ướp xác Chúa kỹ hơn. Nhờ thế Thánh nữ đã gặp được Chúa, đã có được niềm vui trọn vẹn cho cuộc đời mình. Xin Chúa Kito phục sinh cũng cho con được như vậy. Amen.

 

Thứ năm, 23/07/2015

Đề tài: CÓ PHÚC HAY VÔ PHÚC

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 13,10-17)

10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Sao Thầy lại dùng Dụ Ngôn mà nói với họ?"

11 Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. 12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. 13 Bởi thế, nếu Thầy dùng Dụ Ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. 14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; 15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. 16 "Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. 17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

SUY NIỆM:

1/ Một Linh Mục coi xứ miền bắc kể chuyện: Vì điều kiện khó khăn nhiều mặt, nên ở đó chẳng có sinh hoạt tâm linh Tôn Giáo nào/ lễ lạt lâu lâu mới có một lần. Một Linh Mục phải coi một Xứ gồm cả chục Giáo Họ/ Giáo dân thì ở rải rác nên họ rất buồn vì không có dịp gặp gỡ thường xuyên, nên cũng ít được sinh hoạt để học hỏi thêm về giáo lý, về lời Chúa.

2/ Đa số người dân thành phố có đời sống dễ chịu/ các sinh hoạt tôn giáo được tổ chức khá dễ dàng. Các cuộc rước kiệu, lễ lạy, kinh kệ, ca múa hay các lớp giáo lý đều được tổ chức thường xuyên. Vì vậy, người giáo dân không cảm thấy niềm vinh dự khi được thường xuyên tham dự thánh lễ, và niềm vui phấn khởi khi được sinh hoạt trong các hội đoàn.

3/ Đối với các anh em giáo dân ở các vùng xa xôi hiểm trở thì những điều kiện vừa kể ở trên chỉ có ở trong mơ. Vì thế Chúa mới nói với các Môn Đệ năm xưa và cả với chúng ta hôm nay: “Mắt anh em có phúc vì được thấy, tai anh em có phúc vì được nghe”

4/ Kể từ khi bắt đầu sứ vụ công khai/ Chúa Giêsu đã giảng dạy về nước Trời và luôn kêu gọi mọi người hãy mau ăn năn hối cải để đón nhận Tin Mừng cứu độ. Nhưng phần đông dân chúng vẫn dửng dưng không muốn quan tâm gì nên cũng chẳng muốn sửa đổi đời sống/ vì thế Chúa Giêsu muốn thay đổi qua cách giảng dạy bằng Dụ Ngôn.

5/ Chính vì có sự thay đổi đột ngột nên các Môn Đệ rất ngạc nhiên thắc mắc/ Chính khi các ông nghe giảng Dụ Ngôn đầu tiên về hạt giống, các ông cũng chưa hiểu.

6/ Chúa Giêsu cắt nghĩa rõ hơn: Bởi vì anh em được ơn hiểu biết nước Trời/ còn với dân chúng thì không/ ai có thì được cho thêm, còn ai không có thì chính cái họ đang có, cũng sẽ bị lấy đi.

7/ Mới nghe qua câu trả lời của Chúa có vẻ mâu thuẫn. Chúa giảng dạy nhằm mục đích cho dân chúng hiểu, cho nên việc Chúa thay đổi cách giảng cũng không ngoài mục đích đó.

8/ Dụ Ngôn là cách Chúa diễn tả sự việc qua một cuộc so sánh/ một việc cụ thể để cho người nghe có thể hiểu một giáo huấn trừu tượng.

9/ Ý Chúa muốn giảng Dụ Ngôn để chỉ cho các Môn Đệ hiểu thôi. Sau khi Chúa giảng Dụ Ngôn người gieo hạt giống, Chúa tuyên bố: “Ai có tai thì nghe”. Chúa muốn dùng Dụ Ngôn mà giảng để gợi lên trong đầu thính giả một sự tò mò/ sau đó nếu ai không hiểu mà đi hỏi Chúa thì người ấy sẽ được Chúa giải thích cho.

11/ Trong đám thính giả, không ai hỏi Chúa về ý nghĩa Dụ Ngôn. Họ nghe Chúa giảng cho vui tai vậy thôi chứ họ không có thiện chí/ không có ý muốn tìm hiểu rõ về giáo huấn của Chúa, vì thế họ càng không thể hiểu về mầu nhiệm nước Trời.

12/ Chỉ có các Môn Đệ đã đến để xin Chúa giải thích ý nghĩa Dụ Ngôn nên các ông có phúc vì biết được mầu nhiệm cao cả/ điều mà các Ngôn Sứ ước ao được thấy, được nghe mà không được.

13/ Chúa Giêsu còn nói rõ thêm: Ai biết sử dụng đúng những ơn Chúa ban, thì được Chúa ban thêm nhiều ơn khác nữa/ Còn ai sử dụng không nên, thì không được Chúa ban thêm ơn cho, mà những ơn Chúa đã ban thì Chúa sẽ lấy lại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con sốt sắng và nhiệt thành trong việc tham dự thánh lễ và các sinh hoạt đoàn thể, để chúng con có thể học hỏi nhiều về Chúa, và chia sẻ kinh nghiệm sống đạo cho nhau/ hầu giúp chúng con cùng nắm tay nhau đi về nhà Chúa đông đảo hơn. Amen.

 

Thứ sáu, 24/07/2015

Đề tài: THÁI ĐỘ LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 13,18-23)

18 "Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. 19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. 20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. 21 Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. 22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. 23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục."

SUY NIỆM:

1/ Vào thế kỷ thứ 19, để chế tạo thành công chiếc đèn điện đầu tiên, ông Thomas Edison đã phải thử đi thử lại phát minh của mình hơn 900 lần bằng các phương án khác nhau.

2/ Ngày xưa, muốn thuyết phục được Khổng Minh nhận lời giúp mình, Lưu Bị đã không quản ngại đường xa, ông đã lui tới nhà Khổng Minh 3 lần mới mời được ông này về dưới trướng để giúp mình.

3/ Kiên trì là yếu tố quan trọng nhất có thể dẫn tới thành công trong công việc. Người xưa có câu: “có chí thì nên”, còn Chúa Yeuss lại nói: “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát”.

4/ Lời Chúa được gieo vào lòng con người/ liệu con người có đủ kiên trì để giúp lời Chúa mọc lên và sinh hoa kết quả không?

5/ Bền đỗ đến cùng là chìa khóa thành công trong cuộc sống đời thường cũng như trong đời sống tâm linh/ Để sống thánh, chúng ta phải kiên cường vượt qua mọi khó khăn, từ bỏ mọi nết xấu, thắng lướt mọi cơn cám dỗ.

6/ Con người thường mau chán nản khi gặp cơn gian nan thử thách/ nên con người dễ dàng thất bại và chìm đắm trong tội. Như lời Chúa dạy hôm nay: “Khi gặp gian nan hay ngược đãi là nó vấp ngã ngay”.

7/ Bài Tin Mừng hôm nay nói về ý nghĩa dụ ngôn người gieo giống/ Sau khi đọc – suy, chúng ta có thể đưa ra 3 nhận xét sau đây:

8/ Nhận xét thứ nhất: Chúa muốn chúng ta biết kết quả khác nhau của lời Chúa tùy thuộc vào tâm hồn và thái độ của người nghe. Hạt giống bao giờ cũng tốt và hạt giống thì gieo vào chỗ nào thì nó cũng mọc lên, nhưng kết quả sẽ khác nhau/ cho nên điều kiện đất đai là yếu tố quan trọng để cho ra kết quả thu hoạch, có nghĩa là hạt giống lời Chúa hoàn toàn tùy thuộc vào mảnh đất tâm hồn là thái độ người nghe.

9/ Số phận của lời Chúa tùy thuộc vào những trở ngại của người nghe/ Những trở ngại này đã được Chúa lần lượt sắp đặt thứ tự như sau: Thứ nhất là trí khôn người nghe không chịu chú ý lắng nghe, không ý thức, không muốn hiểu. Đó là hạt giống rơi ở vệ đường.

10/ Thứ hai là do trở ngại từ ý chí: Là những người nghe lời Chúa cách hời hợt, nông cạn nên khi gặp khó khăn thử thách hay bị cám dỗ là ngã lòng ngay. Đây là loại hạt giống rơi trên sỏi đá.

11/ Trở ngại do tình cảm: Những người nghe lời Chúa mà không chịu đem ra thực hành, không muốn sống theo lời Chúa mà chỉ muốn sống theo xác thịt, thế gian/ nên những thứ này bóp nghẹt chết lời Chúa. Giống như lời Chúa rơi vào bụi gai.

12/ Nhận xét thứ ba: Số phận lời Chúa khi gieo vào đất tốt, giống như hạt giống gặp đất tốt/ dĩ nhiên sẽ cho ra kết quả tốt, nhưng kết quả cũng sẽ khác nhau, chỉ được diễn tả bằng 3 hạng số: 30/60/100.

13/ Như vậy kết quả lời Chúa đều tùy thuộc vào người nghe/ nên cuối cùng Chúa Giêsu mới nói: “Ai có tai thì nghe”. Nói rõ hơn, Chúa muốn nhắc nhở: Chúng ta có đầu óc, có trí khôn, biết suy nghĩ, nên kết quả của lời Chúa đều tùy thuộc vào chúng ta/ Vì thế nên lời giảng có hay mấy mà nếu chúng ta không muốn thực hành, không muốn sống lời Chúa thì cũng vô ích thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con bền tâm vững chí theo Chúa suốt đời. Amen.

 

Thứ bảy, 25/07/2015

Đề tài: LỄ MỪNG KÍNH THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Matheu (Mt 20,20-28)

20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. 21 Người hỏi bà: "Bà muốn gì? " Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy." 22 Đức Giê-su bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? " Họ đáp: "Thưa uống nổi." 23 Đức Giê-su bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầ y đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được." 24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. 25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. 27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."

SUY NIỆM:

1/ Trong dánh sách 12 Tông Đồ Chúa chọn/ có 2 người cùng mang tên Giacôbê: Một người là anh của Thánh Yoan Tông Đồ, cả hai cùng là con ông Giêbêđê, Ông có tên là Giacôbê Tiền, còn một người là Giacôbê nữa con ông Alphe, mang tên là Giacôbê Hậu. Giacôbê Tiền được kính vào ngày 25/07 hàng năm.

2/ Giacôbê Tiền xuất thân trong một gia đình ngư phủ tương đối khá giả ở Betsaida. Thân sinh là ông Giêbêđê (Mc 1,19-20). Giacôbê là một trong 4 Môn Đệ được kêu gọi đầu tiên tại biển hồ Galile (Mc 1, 16-20).

3/ Trong các biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu thì vị Tông Đồ này luôn có mặt. Ông đã chứng kiến Chúa chữa cho bà nhạc mẫu Thánh Phê-rô khỏi bệnh (Mt 1,29-31), con gái ông Giairô sống lại (Mc 5, 37-43), Chúa biến hình trên núi (Mc 9,2-8), và lúc chúa Giêsu hấp hối ở vườn cây dầu (Mt 26,37).

4/ Hai anh Hai anh em Giacôbê và Gioan được Chúa đặt cho một biệt hiệu khá nổi là: "Boanergès": Có nghĩa là con thần sấm sét (Mc 3,17). Chắc cũng vì cá tính của Giacôbê nóng nảy khi Chúa Giêsu và các Môn Đệ đi vào một làng Samari và dân làng này không đón tiếp. Thấy vậy, Giacôbê và Gioan cùng đề nghị xin Chúa thiêu đốt thành này (Lc 9, 54).

5/ Theo sách Công vụ kể lại thì Thánh Giacôbê chịu tử đạo đầu tiên dưới thời vua Hêrôđê Agrippas I, vào khoảng năm 44 (SG): Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê (Cv 12,1-2). Đây là thời kỳ bách hại dữ dội trong suốt ba thế kỷ đầu và chỉ tạm lắng sau sắc chỉ Milan của hòang đế Constantinople vào năm 313.

6/ Thi hài của Thánh nhân được cải táng về Santiago De Conpostela bên Tây Ban Nha/ và nơi đây trở thành một trong những nơi hành hương nổi tiếng thời trung cổ, và là đền thánh đức tin cho toàn thể Châu Âu.

7/ Giacôbê được Chúa yêu thương cách riêng: Ngài là một trong ba vị được chứng kiến biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, Ngài là một trong ba Tông Đồ cùng đi với Chúa Giêsu vào vườn Cây Dầu lúc khởi đầu cuộc Thương Khó.

8/ Bà mẹ của các con ông Giêbêđê cùng với các con đến gặp Chúa Giêsu/ Bà xin Chúa dành cho các con của bà hai chỗ ưu tiên trong nước vinh quang mà Ngài sắp đến. Chúa Giêsu quay sang hai anh em và hỏi họ có thể chia sẻ số phận với Người không? Và Chúa đề nghị họ uống chung chén với Người. Đây là một dấu chỉ của tình thân hữu. Cả hai người cùng đáp: “Thưa được”.

9/ Thánh Clementê thành Alexandria kể lại: Khi vị tông đồ nước Tây Ban Nha được điệu ra trước tòa xử, thần thái của Ngài liêm chính đến độ kẻ tố cáo Ngài sau đó đã đến xin Ngài tha lỗi. Thánh Giacôbê đã ôm hôn kẻ tố cáo mình, và nói: “Anh hãy bình an”. Hai người sau đó cùng được hưởng triều thiên tử đạo.

10/ Khi suy về cuộc đời thánh Giacôbê: Chúng ta được lợi khi nhìn thấy những khuyết điểm của thánh nhân, cũng như của các Tông Đồ khác. Các ngài thiếu can trường, thiếu khôn ngoan, cũng chẳng đơn sơ. Các ngài cũng ham hố, hiếu thắng, thích tranh cãi và thiếu đức tin. Tuy nhiên, thánh Giacôbê là vị Tông Đồ được tử đạo. Như thế, thì Thiên Chúa cũng có thể ban ơn phù trợ, cũng có thể thực hiện phép lạ nơi chúng ta.

11/ Ngày nay trên thiên quốc, thánh Giacôbê ắt phải tri ân Thiên Chúa rất nhiều vì đã hướng dẫn thánh nhân đi con đường khác với con đường mà ngài đã mơ tưởng trước đó.

12/ Thiên Chúa là Đấng tốt lành, vô cùng khôn ngoan, và tràn  đầy yêu thương vượt quá trí hiểu của chúng ta. Trong nhiều trường hợp, Chúa không ban cho chúng ta những điều chúng ta xin (như thánh Giacôbê xin), nhưng đó lại là điều thích hợp và lợi ích nhất cho chúng ta.

13/ Thánh Gioan Kim Khẩu viết: Chúng ta hãy xem xét cách  Chúa Giêsu đặt câu hỏi với Thánh Giacôbê như một lời vừa mời gọi, vừa nói khích. Chúa không nói: “Ngươi có dám chịu đổ máu không?” Nhưng Chúa lại hỏi: ‘Ngươi có thể uống chén Ta sẽ uống hay không?”

14/ Chúa Giêsu gọi cuộc Khổ Nạn của chúa là phép rửa, để nhấn mạnh đến những đau khổ của Người, sẽ là nguyên nhân, là khởi đầu cho cuộc thanh tẩy toàn thể nhân loại. Chúa cũng đang mời gọi chúng ta. Chúa cũng khuyến khích chúng ta đừng đầu hàng, đừng chán nản khi những khuyết điểm, yếu đuối của mình quá lớn, quá rõ rệt. Nếu chúng ta đến với Chúa Giêsu để xin ơn trợ giúp, Chúa sẽ ban cho chúng ta ơn can đảm để tiếp tục trung thành với sứ mạng, vì Chúa luôn nhẫn nại và cho chúng ta có đủ thời gian cần thiết để cải thiện tính nết xấu và luyện tập nhân đức.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Thánh Giacôbê vinh dự là Tông Đồ đầu tiên chịu tử đạo, để làm chứng cho Tin Mừng. Xin Chúa ban cho con được ơn sức mạnh nhờ vào lời chuyển cầu của Thánh nhân, để con luôn được ơn nâng đỡ, phù trì. Amen.


Trở lại      In      Số lần xem: 2333
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  10
 Hôm nay:  2090
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11407499
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top