Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần XX Thường Niên B - 2015 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần XX  Thường Niên B (17/08 -> 22/08/2015)

Thứ hai, 17/08/2015

Đề tài: CÓ CÁCH NÀO ĐỂ THEO CHÚA?

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 19,16-22)

16 Bấy giờ có một người đến thưa Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời? " 17 Đức Giê-su đáp: "Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn." 18 Người ấy hỏi: "Điều răn nào? " Đức Giê-su đáp: "Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. 19 Ngươi phải thờ cha kính mẹ", và "Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình." 20 Người thanh niên ấy nói: "Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không? " 21 Đức Giê-su đáp: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi."  22 Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

SUY NIỆM

1/ Các nhà tâm lý học sau khi bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu về tâm tính con người. Họ nhận ra rằng: Lời nói hay cách cư xử của một con người phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thói quen.

2/ Người thanh niên trong bài Tin Mừng là một người giàu có và có lòng đạo đức:. ông tuân giữ luật Chúa cách nghiêm chỉnh, những tội như giết người, trộm cắp, ngoại tình thì ông không bao giờ phạm. Ông lại thảo hiếu với cha mẹ và thương yêu kẻ khác. Nói chung ông là con người thật tốt đối với thời đó và đối với chúng ta hôm nay nữa.

3/ Rõ ràng, khi anh thanh niên này vẫn cho rằng làm như thế là chưa đủ, và anh đang khao khát sự sống đời đời. Vì thế anh đã cất công đi tìm kiếm và muốn đến với Đức Giêsu để học hỏi. Marco tả  rằng: “Anh quỳ xuống để xin Chúa chỉ dạy!”.

4/  Chúa Giêsu đã đưa ra câu hỏi về điều răn hiếu thảo với cha mẹ ở cuối cùng mà lẽ ra Chúa phải đưa ra đầu tiên. Chúa muốn đặc biệt nhấn mạnh đến điều răn đó. Có thể người thanh niên này trở nên giàu có mà quên rằng cha mẹ mình đang sống nghèo. Có thể là do anh lớn lên từ chỗ bần cùng nên đã lấy làm hỗ thẹn với người khác về nguồn gốc của cha mẹ mình. Và rất có thể người này đã biện minh một cách hoàn toàn hợp pháp bằng luật Korban mà Chúa Giêsu đã từng lên án nặng nề (Mt 15,1-6/ Mc 7,9-13).

5/ Chúng ta nên đọc một đoạn khác kể về biến cố này trong sách Phúc Âm của người Do Thái. Một trong những cuốn Phúc Âm đầu tiên không được sáp nhập vào Kinh Thánh Tân Ước. Đoạn văn đó cho chúng ta những chi tiết sau đây:

+ Người giàu có thưa với Đức Giêsu rằng: Thưa Thầy! Tôi có thể sống và làm điều lành nào?” Ngài nói cùng người ấy rằng: “Ngươi hãy giũ trọn lề luật và lời các Ngôn Sứ”. Người ấy trả lời rằng: “Tôi đã giữ những điều ấy”. Chúa Giêsu lại nói: “ Hãy đi bán tất cả của cải ngươi có, phân phát cho kẻ nghèo, rồi đến đây theo Ta”. Nhưng người giàu có gãi đầu vì anh không muốn. Chúa Giêsu lại nói cùng người ấy rằng: “Làm sao ngươi nói ngươi đã giữ trọn lề luật và lời Ngôn Sứ. Vì luật ấy có chép rằng: Ngươi hãy yêu người lân cận như chính mình, và kìa có nhiều con cái của Abraham là những anh em ngươi đang rách rưới và chết đói; còn ngươi thì có dư thừa  những của tốt lành , nhưng ngươi lại không có thứ nào để có thể đem cho họ cả!”.

6/  Đây là điểm chìa khóa then chốt của cả đoạn: Người này cho là mình đã chu toàn luật. Nếu xét theo nghĩa pháp lý thì có thể là đúng, nhưng theo nghĩa tinh thần thì điều đó không đúng. Bởi vì toàn thể thái độ của anh ta đối với người đồng loại là hoàn toàn sai trái. Phân tích cuối cùng cho thấy toàn bộ thái độ của anh ta là hoàn toàn ích kỷ. Vì thế chúng ta có thể hiểu tại sao Chúa Giêsu lại đặt anh ta trước một thách thức khó là phải bán hết tài sản để cho kẻ nghèo. Bỡi vì người này bị trói buộc vào của cải quá đổi cho nên phải cần một mũi dao thật bén mới có thể cắt bỏ sợi dây trói buộc ấy được.

7/ Người nào xem của cải của mình như những phương tiện ấm cúng của riêng mình, thì của cải đó chính là sợi dây xích cần phải cắt đứt. Còn người nào xem của cải của mình như một phương tiện để giúp đỡ người khác thì của cải đó như một triều thiên vinh quang dành cho chính họ.

8/ Vì vậy điều cốt yếu của sự sống đời đời không phải là cẩn thận vâng giữ các giới răn, các luật lệ và nguyên tắc. Nhưng sự sống đời đời được đặt nền tảng trên thái độ yêu thương, lòng hy sinh, rộng lượng đối với người đồng loại.

9/ Nếu chúng ta muốn tìm thấy Nước Thiên Đàng, muốn tìm thấy hạnh phúc, tìm thấy sự thỏa mãn, tìm được sự bình an trong tâm hồn. Chúng ta sẽ không thể tìm được bằng cách tuân giữ các giới răn, nhưng ta sẽ tìm thấy bằng cách làm theo tiếng gọi yêu thương của con tim đối với người đồng loại của mình và đó cũng là cách chúng ta tỏ lòng mình rất yêu mến Thiên Chúa .

10/ Đi theo Chúa Ki-tô cũng đồng nghĩa với việc phục vụ cách nhân hậu dành cho tất cả những ai mà Chúa Giêsu đã chết thay cho họ.

11/ Cuối cùng anh buồn bã bỏ đi, anh đã khước từ thách đố của Chúa vì anh quá giàu. Thảm kịch cho thấy rằng anh quá yêu của cải hơn anh em đồng bào của mình, yêu chính mình hơn bất cứ ai khác. Đây là điều chắc chắn rằng : anh đã quay lưng lại với Chúa Giêsu.

12/ Từ bỏ của cải không nhất thiết phải từ bỏ quyền sở hữu. Từ bỏ ở đây có nghĩa là: Có của mà không hề tham lam, không làm nô lệ cho của cải. Có của mà biết dùng nó để mua sắm kho tàng trên Trời không hư nát. Có của mà luôn quan tâm đến nhu cầu của kẻ khác, biết chia sẻ cho bất cứ ai đang cần sự giúp đỡ của mình. Đó là cách sống đúng nhất của tất cả những ai muốn làm Môn Đệ Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin giúp con luôn tìm kiếm sự sống đời đời là Thánh Ý Chúa luôn muốn con thực thi ,để hằng giây phút con yêu Chúa và lo cho anh em trong suốt cuộc đời còn lại của con. Amen.****

 

Thứ ba, 18/08/2015

Đề tài: KHẮC TINH CỦA NƯỚC TRỜI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 19,23-30)

23 Bấy giờ Đức Giê-su nói với các môn đệ của Người: "Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. 24 Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa." 25 Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: "Thế thì ai có thể được cứu?" 26 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: "Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được." 27 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?" 28 Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. 29 Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp. 30 "Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu."

SUY NIỆM

1/ Một em bé cho tay vào bình sứ cổ và không sao lấy ra được. Người mẹ muốn cứu em nhưng vô phương, cuối cùng bà quyết định hy sinh chiếc bình cổ. Nhưng sau khi đập vỡ chiếc bình thì bà thấy trong tay đứa con trai mình đang nắm chặt một viên bi. Chính vì viên bi này mà em không sao rút bàn tay ra được /

2/ Một trong những điều kiện để vào nước Trời: Đòi buộc chúng ta phải thực thi bác ái qua việc chia sẻ giúp đỡ mọi người. Nhưng muốn thực hiện được điều này, chúng ta cần phải hy sinh tiền của, thời gian, sức khỏe nếu muốn giúp đỡ cho người khác.

3/ Người giàu luôn muốn giàu thêm chứ không muốn nghèo đi: Vì lòng tham khiến cho họ ngại ngùng khi phải theo Chúa. Nếu ta cứ tham lam mãi thì đành phải mất Nước Trời, như em bé trên đây chỉ vì tham một viên bi mà phải đập bỏ chiếc bình sứ cổ quý giá để đổi lấy bàn tay của em.

4/ Ngày xưa khi các Môn Đệ theo Chúa, các ông cũng tính toán coi thử mình sẽ được gì. Khi chúng ta theo đạo, chúng ta cũng hạch toán coi thử mình sẽ được gì? Cuộc đời người Ki-tô hữu khi theo Chúa, tính kỹ ra đã không được gì, lại còn phải từ bỏ nhiều thứ như danh vọng, tiền tài, thú vui; và còn phải lấy của mình ra để bố thí. Phải giữ luật Chúa, phải vâng lời Giáo Hội; phải đi lễ, cầu nguyện… Đúng là theo Chúa thì có thể  rước vào mình biết bao phiền toái, thua thiệt ngay trước mắt.

5/ Theo như lời Chúa hứa thì chúng ta sẽ được gấp bội, nhưng đó chỉ là lời hứa cho cuộc sống mai sau. Nếu muốn đạt được lời hứa này, tức là sẽ được hưởng một gia tài to lớn là Nước Trời, và còn được chung phần vinh quang với Chúa Giêsu. Lời hứa này thật hấp dẫn nhưng lại chỉ xảy ra trong tương lai, vì thế chúng ta cần suy tính kỹ , lựa chọn và cố gắng.

6/ Suy tính, lựa chọn và cố gắng là gì? Theo ý của bài Tin Mừng mà Chúa Giêsu muốn day, đó là: Nếu giàu có thì chúng ta phải biết sống cái giàu của mình, và nếu nghèo khó thì chúng ta cũng phải biết sống cái nghèo của mình.

7/ Giàu có: Trước hết chúng ta phải biết cảm tạ Chúa, phải biết chia sẻ của cải cho người nghèo, phải biết đóng góp vào công việc chung. Tức là nếu chúng ta giàu tiền của thì chúng ta cũng phải giàu lòng nhân ái nữa, vì nếu giàu của mà không giàu lòng thì khác chi con lạc đà đứng trước lỗ kim và bó chân ,không thể đi qua được .

8/ Ngược lại, nếu chúng ta nghèo khó, luôn làm ăn vất vả, nhưng chúng ta cũng phải biết lợi dụng kiếp nghèo để leo lên trời. Bởi vì Chúa ưu tiên chúc phúc cho những người nghèo. Đừng thấy mình nghèo rồi ghen tương, đố kỵ, hận thù, tham lam / dù nghèo nhưng đừng bao giờ lỗi đức công bằng. Người nghèo dễ có nhiều cơ may để vào Nước Trời hơn.

9/ Chúng ta cần nhớ rằng: Đời này hết rồi thì đời sau nối tiếp, mỗi người chỉ có một con đường để đi đến với Chúa. Dù nghèo hay giàu thì bổn phận phải đi về cái đích cuối cùng là Thiên Chúa, là hạnh phúc vĩnh cửu. Nếu vì một lý do gì đó chúng ta không về đích được thì cũng có nghĩa là chúng ta không thể gặp nhau trong Nước Trời mai sau. Đây là điều rất đáng tiếc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cho dù con là người có đạo hay lương dân, chúng con đều là những người luôn có những yếu đuối lỗi lầm. Nếu chúng con không làm gì để chuộc lỗi lầm của mình thì chúng con khó lòng mà gặp được Thiên Chúa. Xin Chúa giúp con luôn quảng đại và bền lòng theo Chúa đến cùng, để con xứng đáng nhận được phần thưởng mà Chúa hứa ban trong cuộc đời mai sau . Amen.****

 

Thứ tư, 19/08/2015

Đề tài: MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC TRẢ CỘNG BỘI HẬU

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 20,1-16a)

1 "Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng." 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: "Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?"

7 Họ đáp: "Vì không ai mướn chúng tôi." Ông bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!" 8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: "Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất." 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: 12 "Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt."

13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?" 16 Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. (Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.)

SUY NIỆM

1/ Thánh Toma Tiến Sĩ, trong tác phẩm “Tổng luận thần học” Ngài cho rằng: Hai tội lớn nhất của ma quỷ là kiêu ngạo với Thiên Chúa và ganh tỵ với con người. Vì vậy nó là phường xấu xa tội lỗi nhất.

2/ Bài Tin Mừng thuật lại việc ông chủ trả công cho mọi người: Dù làm trước hay làm sau đều được trả 1 đồng. Họ cằn nhằn với ông chủ điều mà họ đã thỏa thuận ngay từ lúc đầu và ganh tức với những người vào làm trể. Chúng ta thấy họ quá nhỏ mọn với những con người được cho là kém may mắn hơn họ.

3/ Trong cuộc sống, hiếm có người trong chúng ta thoát khỏi được tính đố kỵ với những người chung quanh khi thấy họ được sung sướng và thành công hơn mình. Để rồi chúng ta ghen tức với họ và bực bội với Thiên Chúa, vì cho rằng Chúa đối xử tốt với họ hơn ta.

4/ Lúc ấy chúng ta trở nên con người ích kỷ, xấu xa và còn tệ hơn thế nữa. Điều này bộc lộ rõ nét sự vô ơn của chúng ta khi Chúa ban ơn lành , ta không biết cảm ơn mà chỉ biết cằn nhằn, so bì, bội bạc.

5/ Thuê mướn công nhân làm việc trong xưởng hay ngoài đồng là chuyện quá bình thường ở mọi thời đại. Nhưng trong vườn nho hôm nay chúng ta lại thấy có chuyện không bình thường.

6/ Tại sao ông chủ lại trả công đồng đều cho tất cả mọi người? Dù là làm sớm hay trể, làm mau hay chậm, làm dở hay siêng. Và điều rõ nét nhất là ông đã trả lương cho người làm cả ngày lại bằng với người chỉ làm có một giờ.

7/ Thật ra ngay từ đầu ông đã thỏa thuận với những người vào làm từ sáng sớm. Nếu không có điều gì bất thường xảy ra, thì có lẽ những người này sẽ ra về rất vui vẻ và cảm ơn ông chủ khi được lãnh lương vào lúc cuối ngày.

8/ Chỉ vì ông chủ trả lương hậu hỉnh hơn cho những người vào làm sau (họ làm ít giờ hơn). Thành ra những người làm đầu tiên thay vì vui vẻ, biết ơn; thì họ lại đánh giá tiêu cực cho ông chủ, đã xảy ra cự cải nên họ đã nghĩ không tốt về ông chủ của mình.

9/ Qua Dụ Ngôn này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta nhiều điều hay: Thiên Chúa luôn tốt lành hơn những ông chủ thế gian gấp bội lần, sự tốt lành của Thiên Chúa vượt trên tất cả mọi cách thức trả công của con người.

10/ Tuy nhiên Thiên Chúa cũng không làm cách tùy tiện: Không bất chấp luật lệ, không phá vỡ sự công bằng. Đối với Thiên Chúa, con người cần cầu xin lòng thương xót của Chúa chứ đừng đem công cán ra mà đòi hỏi với Ngài .

11/ Điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa không thưởng chúng ta theo công việc của chúng ta làm khi còn sống ở đời này. Nhưng cho dù Thiên Chúa có thưởng đi nữa thì đó cũng là vì lòng tốt của Ngài mà thôi và tất cả đều là ân huệ. Chứ còn công trạng của chúng ta thì không có ý nghĩa ,không đáng giá bao nhiêu.

12/ Thiên Chúa thật tốt lành khi Ngài kêu gọi mọi người phục vụ Ngài. Tuy rằng mỗi người mỗi thời điểm, mỗi lứa tuổi, trình độ, công việc đều khác nhau; nhưng Ngài không tính theo thời gian hay công việc nhưng chỉ tính theo tinh thần chúng ta làm. Vì thế cho nên khi dấn thân phục vụ Chúa , không bao giờ là muộn màng cả, cũng đừng ghen tỵ với người khác, mỗi người hãy chu toàn bổn phận của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dạy con biết cách tạ ơn Chúa cho xứng đáng và đừng bao giờ tỏ thái độ ganh tỵ hẹp hòi đối với anh em khác kém may mắn hơn con. Amen.****

 

Thứ năm, 20/08/2015

Đề tài: ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC VÀO DỰ TIỆC CƯỚI

LỄ KÍNH THÁNH BENADO – TIẾN SĨ / VIỆN PHỤ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 22,1-14)

1 Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: 2 "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!" 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, 6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới."

10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. 11 "Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."

SUY NIỆM

1/ Theo phong tục các nước, cũng như phong tục Việt Nam: Khi chúng ta được ai đó mời đi dự tiệc cưới, điều cần thiết nhất là tóc tai, quần áo chúng ta phải chỉnh tề, không ai muốn mình phải bị mang tiếng là con người bê bối.

2/ Ca dao Việt nam có câu: "Nhập gia tùy tục, đáo xứ tùy nhân". Mỗi một người dù đi đâu, ở đâu cũng phải giữ phong tục tập quán (hoặc là của mình, hoặc là ở nơi xứ người). Nếu không làm như thế thì chúng ta sẽ bị người khác khinh bỉ và ghép mình vào thứ hạng người chậm tiến , bê bối .

3/ Lời Chúa hôm nay cho ta thấy: Bữa tiệc đã sẵn sàng, các thực khách cũng đã yên vị. Tuy nhiên lại xuất hiện một con người không chịu mặc y phục dành cho lễ cưới.

4/ Theo văn hóa thời đó: Trước khi vào phòng tiệc, các thực khách phải vào một phòng riêng dành để thay lễ phục. Vì thế hôm nay có một vị không mặc lễ phục, chứng tỏ rằng anh không có lòng tôn trọng chủ tiệc.

5/ Hằng ngày Thiên Chúa đều mời gọi mỗi người hãy đến tham dự tiệc của Ngài chính là Thánh Lễ. Thế nhưng chúng ta đã đáp trả lời mời gọi đó như thế nào?

6/ Chúng ta có chuẩn bị tâm hồn cách chu đáo, thân xác có sạch sẽ chỉnh tề không? Và tâm hồn của chúng ta có sốt sắng khi tham dự thánh lễ không?

7/ Bài Tin Mừng hôm nay Chúa có điều gì muốn dạy? Chúng ta có nhìn ra điều gì đó không bình thường? Cách cư xử của chủ tiệc có gì đặc biệt không?

8/ Trong thực tế không có buổi tiệc cưới nào lại diễn ra như thế cả. Hình như đây không phải làm một tiệc cưới bình thường, tiệc cưới này chỉ có thể là tiệc cưới Nước Trời. Đây là một tiệc cưới mà Thiên Chúa khoản đãi loài người, tất cả mọi người, không có điều gì phân biệt. Chỉ có điều kiện tối thiểu là phải mặc áo cưới.

9/ Theo lý giải của các Đấng giáo phụ ngày xưa: Thì áo cưới ám chỉ đức bác ái và điều tối thiểu là ăn ngay ở lành. Còn theo các nhà chú giải thời nay thì áo cưới ám chỉ sự sám hối quay về với Chúa, tức là tinh thần sám hối chân thật.

10/ Sám hối là gì? Muốn sám hối cần có 3 điều kiện: a) Nhìn ra tội lỗi của mình xấu xa, gớm giếc, vì nó mà ta xúc phạm đến Chúa. b) Nhìn lên Thánh Giá, chúng ta thấy Chúa Giêsu yêu thương chúng ta đến nỗi đã chết vì chúng ta. c) Chính vì 2 điều trên mà chúng ta quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi và quay về với Chúa để chuộc lại lỗi lầm.

11/ Bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta 3 điều: a) Ơn cứu độ Thiên Chúa dành cho mọi người, tất cả đều do sáng kiến của lòng nhân từ. b) Ơn  cứu độ của Thiên Chúa là ơn nhưng không, nhưng muốn nhận lãnh thì phải thống hối, hoán cải, phục thiện. Nói cách khác Chúa thương ta, ta phải có chút gì để đáp trả, như vậy mới xứng đáng lãnh nhận. c) Chúng ta phải cố gắng để: Không những trở nên những người được gọi, mà còn là những người được chọn nữa.

12/ Được rửa tội không có nghĩa là sẽ được cứu rỗi. Vào giáo hội không có nghĩa là đương nhiên được vào Nước Trời, nhưng còn phải tỉnh thức, lập công và bền đỗ đến cùng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con lòng tin Chúa, mến Chúa và luôn làm theo lời Chúa dạy, để con trở nên con cái Chúa. Amen.****

 

Thứ sáu, 21/08/2015

Đề tài: ĐIỀU RĂN QUAN TRỌNG NHẤT

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 22,34-40)

34 Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: 36 "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?" 37 Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy."

SUY NIỆM

1/ Thánh Martin da đen, Thánh Vinh Sơn Phaolo, Mẹ Thánh Teresa Calcutta đều là những vị Thánh của lòng bác ái. Suốt đời các Ngài tận tụy chăm sóc những ai bị xã hội ruồng bỏ, những kẻ khó nghèo, cô nhi, bệnh tật hay các tội nhân trong các nhà tù. Các Ngài yêu thương họ như chính mình.

2/ Khi ta yêu thương ai đó ta thường tặng một món quà hay tặng một bó hoa. Nếu yêu thương nhiều hơn thì ta tặng nhà, tặng xe. Và nếu yêu mến hơn nữa thì ta tặng cả cuộc đời qua một đám cưới để cùng nhau vui buồn sướng khổ.

3/ Tuy nhiên cuộc sống cho thấy: Có nhiều đôi hôn nhân tan vỡ vì họ chỉ yêu thương chính mình mà không yêu thương người bạn đời, nên khi gặp khó khăn trở ngại họ không muốn cùng nhau cố gắng vượt qua mà chỉ muốn quay lưng lại, đường ai nấy đi.

4/ Những điều trên đây cho chúng ta thấy rõ đặc tính của tình yêu con người: Yêu tha nhân bao giờ cũng kém hơn là tình yêu vị kỉ dành cho chính mình.

5/ Trong bài Tin Mừng: Chúa mời gọi chúng ta hãy vượt qua giới hạn của tình yêu chính mình để chúng ta có thể yêu người khác như yêu bản thân mình.

6/ Hôm nay bài Tin Mừng Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta đến cao điểm của tình yêu. Đó là yêu Chúa hết lòng và yêu anh em như chính mình. Các Kinh Sư và Biệt Phái đều biết rõ hai điều răn này, nhưng có một điểm độc đáo mà họ không biết.

7/ Hôm nay Chúa Giêsu cho họ biết bằng cách nối kết hai điều răn này lại với nhau và nó trở nên một.

8/ Hai điều răn này giống nhau ở một điểm. Đó là tầm quan trọng chứ không phải ở bản chất hay ở đối tượng. Nghĩa là không thể đồng hóa việc yêu Chúa và yêu anh em là một, nhưng cũng không thể yêu Chúa mà lại ghét anh em. Hai điều răn này tuy khác nhau nhưng không thể tách biệt nhau.

9/ Nếu ta chối bỏ điều răn này cũng có nghĩa là ta chối bỏ điều răn kia. Không yêu thương anh em cũng đồng nghĩa với việc chối bỏ Thiên Chúa, mà chối bỏ Thiên Chúa cũng là chà đạp lên chính con người.

10/ Chúng ta nên nhớ lời Chúa Giêsu dạy: Điều răn thứ hai cũng giống như điều răn thứ nhất, giống không có nghĩa là có thể thay thế mà là cùng lúc phải giữ cả hai. Ta vừa phải thực lãnh việc thờ phượng để chứng tỏ ta yêu Chúa, vừa phải thể hiện bác ái để chứng tỏ ta cũng yêu thương anh em.

11/ Nếu ta siêng đi lễ, siêng đi nguyện kinh nhưng lại sống ích kỷ tham lam với anh em, quá tệ với những người chung quanh là không được; nếu làm ngược lại cũng không được. Cả hai thái độ đều có sai sót vì không ai yêu Chúa đích thực mà lại không yêu tha nhân, và cũng không ai yêu tha nhân mà lại không xuất phát từ lòng mến Chúa.

12/ Chúng ta nhận tình yêu của Chúa qua kinh nguyện, qua suy niệm Lời Chúa, qua bí tích Thánh Thể. Rồi sau đó chúng ta hâm nóng tình người bằng những việc làm cụ thể, bằng những cử chỉ yêu thương nho nhỏ của chúng ta, như một lời an ủi khích lệ, một nụ cười cảm thông chia sẻ, một ý kiến xây dựng, một lời hỏi thăm, một cử chỉ yêu thương hay một sự chia sẻ vật chất nào đó.

13/ Hôm nay thứ sáu, ngày kính nhớ thánh tâm Chúa Giêsu. Chúng ta được sống trong tình yêu Chúa, và luôn suy gẫm về lòng yêu thương vô bờ bến của Ngài. Vậy thì khi ra về, chúng ta hãy sống chan hòa tình thân trong gia đình, và tràn đầy tình người trong hội đoàn, trong Xứ đạo của chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã hết lòng yêu con khi đổ ra đến giọt máu cuối cùng. Xin cho chúng con ít ra cũng biết chia sẻ một chút an vui, ấm no, hạnh phúc cho anh em con. Amen.

 

Thứ bảy, 22/08/2015

Đề tài: ĐIỂM KHỞI ĐẦU CỦA ƠN CỨU ĐỘ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 1,26-38)

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” 35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

SUY NIỆM

1/ Bất cứ ai trên cõi đời này cũng có một người mẹ để yêu thương, tôn kính và nhớ đến. Văn Quyến khi đạt danh hiệu quả bóng vàng, anh ta đã dành tặng danh hiệu cao quý này cho mẹ mình. Và tôi cũng có một người mẹ để nhớ đến nhưng vì bất tài nên tôi chẳng có chút vinh quang nào để dâng lên mẹ mình. Thật là buồn!

2/ Theo lẽ thường tình: Khi người con thành công thì người mẹ cũng được vinh hiển. Khi Đức Ki-tô lên ngôi Vua vũ trụ thì Mẹ Maria cũng được tôn vinh làm Nữ Vương trời đất.

3/ Vương quyền của Mẹ Maria cũng phát xuất từ vương quyền của Chúa Giêsu. Khi được làm Nữ Vương trời đất thì Mẹ là đỉnh cao nhất của loài người, Mẹ là người vượt trên mọi người. Thiên Chúa đã cho Mẹ một chức vị vượt trên mọi Thần Thánh và Thiên Chúa đã đổ tràn trên Mẹ mọi ân sủng.

4/ Hôm nay nhân ngày kính Đức Maria Nữ Vương. Chúng ta thử tìm hiểu về nguồn gốc của tước hiệu Nữ Vương của Đức Maria, và tìm căn bản giáo lý của tước hiệu này.

5/ Giáo Hội thời sơ khai gọi Đức Maria là “Đức Bà” hoặc là “Bà Chúa”. Đến thế kỷ 15, Đức Giáo Hoàng Sisto thứ 4 gọi Đức Maria là Nữ Vương Thiên Quốc. Từ đó danh hiệu Nữ Vương được các Đức Giáo Hoàng sử dụng cách phổ biến. Đức Phaolo 5 gọi Đức Mẹ là Nữ Vương trời đất, Đức Lê-ô thứ 13 gọi Đức Mẹ là Bà Chúa của vũ trụ, Đức Pi-ô 10 gọi Đức Mẹ là Nữ Hoàng, còn Đức Pi-ô 12 gọi Đức Mẹ là Nữ Vương vũ trụ.

6/ Tất cả những văn kiện trên đây không phải là những tín điều buộc ta phải tin, nhưng nó rất có giá trị thuộc về giáo lý Công Giáo.

7/ Phụng vụ của Giáo Hội gọi Đức Mẹ là Nữ Vương ở bài hát Salve Regina, hay bài hát Ave Regina Caelorum (Kính chào Nữ Vương Thiên Quốc). Trong Kinh cầu Đức Mẹ có 10 câu tuyên xưng Mẹ là Nữ Vương, các câu này được hát ở nhà thờ Loretta năm 1531.

8/ Đức Giáo Hoàng Pio 12 đã lập lễ “Đức Maria Nữ Vương”, kính nhớ đúng 1 tuần sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, và Ngài đã long trọng dâng hiến cả loài người cho Đức Mẹ. Đức Phaolo 6 trong một tông huấn sùng kính Đức Maria nói lên ý nghĩa của Lễ Đức Maria Nữ Vương.

9/ Về văn bản giáo lý của giáo hội công giáo nói về chức “Đức Maria Nữ Vương” thật rõ ràng, dễ hiểu. Chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu là con Đức Bà Maria, mà Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, một vị Vua tối cao chí Thánh. Thì khi ta nhận Đức Maria là Nữ Vương là quá hợp tình, hợp lý. Bởi theo lẽ thường thì hễ con làm Vua thì mẹ làm bà Chúa, là Quốc Mẫu, là Hoàng Thái Hậu.

10/ Thánh Athanasia quả quyết: Nếu người con sinh ra đã có thiên tính là một đế vương, thì tất nhiên người mẹ sinh ra người con ấy cũng chắc chắn 100% là thái hậu, là nữ vương. Cách xưng tụng như thế là quá chính đáng.

11/ Đức Maria được Thiên Chúa rước về Trời và đặt làm Nữ Vương Trời Đất. Một đàng để tôn vinh Đức Maria, một đàng để Đức Mẹ cầu bầu cho chúng ta đắc lực hơn.

12/ Đức Maria đã nói với Thánh Nữ Birgitta rằng: Mẹ là Nữ Vương trời đất và là Mẹ tình thương, Mẹ là niềm hân hoan của những người lành thánh cũng như kẻ tội lỗi.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ, xưa nay chúng con luôn tôn kính, yêu mến Mẹ, xin Mẹ ban cho chúng con một lòng tin tưởng, cậy trông, cầu xin cùng Mẹ. Xin Mẹ luôn che chở, cứu giúp chúng con mọi lúc, mọi nơi. Xin Mẹ hãy là Mẹ chúng con mãi mãi. Amen. ****


Trở lại      In      Số lần xem: 2672
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  12
 Hôm nay:  1273
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11406682
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top