Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

TIM HIỂU Tin Mừng CN 19 TN C / Giuse Luca

CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN C 

ĐỀ TÀI: THẾ NÀO LÀ NGƯỜI TÔI TỚ KHÔN NGOAN .

 

 

Tung hô Tin Mừng: Mt 24,42a.44

Haleluia. Haleluia. Anh em hãy canh thức và hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến  . Haleluia.

PHÚC ÂM:  Lc 12, 32-48

Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.

32 Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.

33 "Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. 34 Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.

35 "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. 39 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến."

41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: "Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người? " 42 Chúa đáp: "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? 43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. 45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: "Chủ ta còn lâu mới về", và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, 46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. 47 "Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

1/Cho là gì?

2/Câu chuyện Bà Goá Sarepta dạy ta điều gì ?

3/Cách Chúa dạy sử dụng của cải có khác với ý chúng ta không ?

4/Giá trị của cho đi là gì ?

5/Khuynh hướng con người thích sống như thế nào ?

6/Muốn sống bác ái, chúng ta cần phải làm gì ?

7/Chúa Giêsu tự ví mình là ai ? Phần thưởng của ông chủ như thế nào ?

8/Phần thưởng của ông chủ như thế nào ?

9/Ông chủ có muốn bắt quả tang ai đang ngủ không ?

10/Chúa đến có bất ngờ không ?

11/Tại sao Chúa lại ví mình như kẻ trộm ?

12/Thiên đàng có gì đặc biệt mà ta chưa biết ?

13/Chúa Giêsu là ông chủ như thế nào ?

14/Quyền bính của Giáo hội bắt nguồi từ đâu ?

15/Người tôi tớ do đâu có thể bị phạt ?

16/Nét nào tương phản nơi gương mặt Chúa Giêsu ?

17/Vì sao phải chuẩn bị sẵn sàng ?

18/Chúng ta nhìn ra điều gì nơi gương mặt Chúa ?

19/Của cải Chúa ban cho ta bao gồm những gì ?

20/Tư cách của người quản lý tốt sẽ như thế nào ?

21/Thế nào là người quản lý trung tín ?

22/Thế nào là người quản lý khôn ngoan ?

23/Hôm nay bài Tin Mừng dạy ta điều gì ?

24/Kho tàng trên trời khác kho tàng dưới đất ở chỗ nào ?

25/Ai là người tỉnh thức, ai là kẻ ngây ngô, ai là người khôn ngoan ?

26/Chết là đi về đâu ?

27/Thế nào là người biết sống ?

28/Tỉnh thức đòi hỏi chúng ta phải sống thế nào ?

29/Nếu trông chờ Chúa đến thì ta phải sống như thế nào ?

30/Người Ki-tô hữu đang hướng tới điều gì ?

31/Chúng ta đang bị giằng co bởi điều gì ?

=>  *Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: ĐIỀU BẤT NGỜ THÚ VỊ

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

1)Cho đi là gì ? Là lấy của mình đang có mà cho / Tốt hơn hết là lấy của mình đang cần mà cho đi thì sẽ đẹp lòng Chúa hơn.

2)Câu chuyện: bà già và đôi giày ? Có một bà già kia, khi đi tham dự Thánh Lễ, đã gặp một cô bé đang ngồi van xin bố thí / Em bé nói: xin bà thương cho cháu một đôi giày / vì chân cháu lạnh cóng / Bà ấy đã hứa cho cô bé ấy một đôi giày vào chiều ngày lễ Giáng Sinh / Thế rồi bà ấy quên khuấy đi mất / Đúng hẹn, cô ấy tìm hỏi và bà ấy chỉ biết mĩm cười xin lỗi rồi bước vào nhà thờ / Khi đang ngồi tham dự Thánh Lễ / bà cảm thấy chẳng được an tâm chút nào / Thế là bà ấy đứng lên đi ra ngoài để gặp cô bé, rồi bà ấy nói với cô bé: Này nhé, chúng ta trao đổi giày cho nhau / Em sẽ đi giày của tôi, còn tôi sẽ đi giày của em / Cô bé ngập ngừng giây lát rồi mới chấp nhận / Trên đường về, đôi giày của cô bé đã làm cho đôi chân bà lạnh cóng và trầy xước vì đôi giày quá nhỏ. Thế nhưng vừa về tới nhà thì có một người đàn ông đang chờ bà / Ông này là thân nhân của một người bệnh mà lúc trước bà từng chăm sóc / Ông ta nói mấy lời cảm ơn và trao cho bà một món quà tặng và bảo: Đây là chút quà tượng trưng nhân dịp lễ Giáng Sinh để tỏ lòng tôi biết ơn chị vì đã nhọc công chăm sóc mẹ tôi! Món quà ấy là một đôi giày mới rất hợp với đôi chân của bà / Chính lúc ấy bà nhớ lại lời Chúa nói: Hãy cho thì sẽ được cho lại (bà góa thành Serepta).

3)Ý Chúa về của cải đi ngược lại với ý của chúng ta không? Tư tưởng của Chúa không giống với tư tưởng của chúng ta / “Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu” / Chúng ta thường ích kỷ, chỉ muốn chiếm hữu, muốn càng thâu lượm bao nhiêu hay bấy nhiêu / Nền kinh tế của loài người được đặt trên căn bản của sự tích lũy / trong khi đó nền kinh tế của Thiên Chúa lại đặt trên nền tảng sự cho đi / Một nguyên tắc hoàn toàn khác hẳn, đi ngượt lại.

4)Của cho đi có phải là của để dành không ? Người xưa có câu: Người ăn thì còn, con ăn thì mất / Càng cho đi, càng trở nên giàu có / càng chia sẻ thì càng dư dật. Bởi vì những thứ chúng ta cho đi, những thứ chúng ta chia sẻ, trở thành những thứ chúng ta tích lũy được cho mình ở nơi Thiên Chúa.

5)Khuynh hướng sống của con người ra sao ? Người ta có khuynh hướng sống theo cá nhân chủ nghĩa, chỉ lo đáp ứng những nhu cầu của riêng mình / Chẳng hạn, khi chúng ta đến với Chúa, chỉ lo xin ơn này ơn nọ cho bản thân / Thế nhưng cách nhìn của Chúa thì hoàn toàn khác hẳn: hãy chia sẻ, hãy bố thí tất cả những gì chúng ta có cho người khác.

6)Muốn sống bác ái, chúng ta cần phải làm gì ? Dĩ nhiên khi muốn thực hiện điều này, đòi hỏi chúng ta phải có một tình yêu dạt dào, muốn có thứ tình yêu ấy, chúng ta phải tập luyện hằng ngày / Đó chính là bổn phận mà cũng là ơn gọi của mỗi người Kitô hữu / Bởi vì chúng ta được mời gọi để sống mối dây yêu thương với Thiên Chúa và với mọi người xung quanh.

7)Đức Giêsu tự ví mình là ai ? Chúa ví mình như ông chủ đi ăn cưới tới khuya mới về, chắc chắn ông sẽ về nhưng chẳng biết là vào giờ nào / Vì thế những người giữ cửa phải chờ đợi / Phúc cho người đầy tớ nào tỉnh thức khi chủ về.

8)Ông chủ sẽ vui sướng như thế nào khi thấy người đầy tớ còn tỉnh thức ? Ông chủ rất vui sướng khi thấy đầy tớ còn chờ mình, nhạy cảm với tiếng gõ đầu tiên, mau mắn ra mở cửa, trong tay cầm đèn sáng / Sau đó ông chủ có một hành vi quá tốt bất ngờ, từ địa vị ông chủ, ông đã hạ mình làm người tôi tớ / ông thắt lưng, mời các đầy tớ vào bàn ăn và phục vụ.

9)Chúa có muốn bắt quả tang ai không ? Ông chủ không có ý về vào lúc đầy tớ đang ngủ / Chúa Giêsu không đến bất ngờ để bắt quả tang ai / Nhưng Ngài mời gọi con người phải kiên trì chờ đợi / Khi ai đang yêu thì rất vui sướng được chờ đợt / Người biết chờ đợi cũng là người biết yêu.

10)Chúa có đến bất ngờ không ? Thật ra Chúa không đến bất ngờ / Chúa đến bất ngờ với những ai không sẵn sàng tỉnh thức / Chúa chỉ bất ngờ khi chúng ta nghĩ rằng: Ngài không thể đến vào lúc này, trong hoàn cảnh này / Nếu chúng ta tin Chúa vẫn đến trong mọi tình huống, thì chúng ta sẽ gặp được những bất ngờ thú vị.

11)Người đầy tớ bất ngờ về điều gì ? Dù Chúa Giêsu ví mình đến bất ngờ như kẻ trộm, nhưng Ngài không phải là Đấng thích gieo tai họa / Trái lại, Ngài thích đem đến những niềm vui bất ngờ / Bất ngờ hơn khi ta thấy Chúa phục vụ mình giống như kẻ hầu bàn, cúi xuống rửa chân cho các môn đệ / Chúa thích phục vụ hơn là được cung phụng.

12)Thiên đàng có gì đặc biệt, có điều gì lạ thường ? Thiên đàng là nơi Thiên Chúa tiếp tục phục vụ con người / Ngài thết tiệc cho mọi người từ đông tây nam bắc đến tham dự.

13)Chúa Giêsu ví mình là một ông chủ như thế nào ? Chúa ví mình như một ông chủ vắng nhà/ Ông chủ này không độc đoán, không nắm hết mọi quyền hành / Ông tin vào các gia nhân và giao trách nhiệm cho họ / Người quản gia được cử làm đại diện để ông cắt đặt công việc và phân phát lương thực cho các đầy tớ khác.

 

Bài 2: NGƯỜI QUẢN LÝ KHÔN NGOAN

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

14)Quyền bính của Giáo Hội bắt đầu từ đâu ? Bắt nguồn từ Đức Kitô / Quyền bính là phương tiện để phục vụ dân Chúa / nhưng nó cũng có thể bị lạm dụng để phục vụ bản thân / Việc đánh đập tôi trai tớ gái, chè chén say sưa vì nghĩ rằng còn lâu chủ mới về / đó luôn là nguy cơ đang rình rập các vị lãnh đạo tôn giáo.

15)Một Tông đồ như Phêrô có dễ bị phạt không ? Cũng có thể bị phạt / Tông đồ là người đã biết ý chủ nên sẽ bị đòn nhiều hơn nếu không làm theo ý đó.

16)Chúa Giêsu là ông chủ như thế nào ? Chúa vừa hiền lành, vừa bao dung, vừa đòi hỏi nghiêm túc / Vừa đòi hỏi đầy tớ phải phục vụ mình / vừa phục vụ như đầy tớ. Có nhiều nét tương phản nơi gương mặt Chúa Giêsu / Làm sao để chúng ta trở thành người đầy tớ trung tín và khôn ngoan?

17)Ý nghĩa thực tế của việc chuẩn bị sẵn sàng là như thế nào ? Có những cái chết được báo trước và được chuẩn bị sẵn sàng / nhưng cũng có rất nhiều cái chết bất ngờ, gây bàng hoàng cho mọi người / Vì thế đòi hỏi mỗi người cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết của mình.

18)Khi nhìn vào gương mặt Thiên Chúa, chúng ta nghĩ gì về gương mặt của Hội Thánh ? Đức Giêsu cho thấy Ngài là gương mặt của Thiên Chúa đang cuối xuống phục vụ như tôi tớ / Ước gì các vị lãnh đạo trong Giáo Hội cũng học thuộc được bài học này.

19)Thế nào là làm sai nhiệm vụ ? Chúng ta thử nhìn vào chính trường các nước Châu Á, chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện ra đi của các lãnh tụ: trước hết là cuộc chạy trốn của ông Fujimori, đang làm tổng thống nước Pêru ở nhiệm kỳ thứ 2 / vì bị buộc tội tham nhũng nên phải chạy trốn về Nhật / Ông Estrada, tổng thống Philippin, ông thắng cử với số phiếu áp đảo, nhưng cuối cùng phải từ chức vì tội tham nhũng / Ông Wahid, tổng thống Indonesia cũng sang Mỹ tỵ nạn vì tham nhũng / Tất cả họ bị như thế vì đã làm sai nhiệm vụ / Họ quản lý đất nước họ, nhưng họ đã không làm tốt nhiệm vụ quản lý / nên họ bị sa thải.

20)Của cải Chúa ban cho chúng ta bao gồm những gì ? Chúng ta cũng là những nhà quản lý của Thiên Chúa / Thật vậy: sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khỏe, sắc đẹp, tất cả đều là ơn Chúa ban / Tóm tắt: Tất cả những gì ta có được từ vật chất, tất cả những gì ta có được từ tâm linh, đều là của Chúa / Chắc không ai trong chúng ta dám tự hỏi: tại sao tôi không cao hơn, tại sao tôi không mập hơn / tại sao tôi không có tóc vàng / tại sao tôi không có mắt xanh, tại sao tôi không là họa sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, bác sĩ,… / Tôi không thể hỏi như vậy vì tôi không có quyền / Tất cả đều là của Chúa ban / Chúng ta chỉ là người quản lý / Chúa giao những thứ đó cho tôi quản lý một thời gian / Sau này tôi sẽ phải trả lại cho Chúa.

21)Khi nào thì Chúa đòi ta tính sổ ? Sẽ có một ngày Chúa đòi ta tính sổ / Lúc đó ta sẽ phải nộp cho Chúa cả vốn lẫn lãi / Nếu ta là người quản lý, thì ta phải trung tín, khôn ngoan / phải biết làm sinh lời tài sản Chúa ban / phải biết làm sao cho thân xác ngày càng khỏe mạnh, trí thông minh ngày càng sáng suốt / các tài năng kia phải đạt tới mức tinh vi hoàn hảo.

22)Tư cách người quản lý tốt phải như thế nào ? là người quản lý trung tín/ ta phải biết chia sẻ / Chúa ban cho ta sức lực, tài năng, không phải để ta ích kỷ, vun vén cho bản thân, nhưng để ta dùng mà phục vụ / Người có của thì mắc nợ người nghèo, người có tài thì mắc nợ xã hội / nghệ sĩ mắc nợ khán giả / giám đốc mắc nợ công nhân / bác sĩ mắc nợ bệnh nhân, Linh mục mắc nợ giáo dân / cha mẹ mắc nợ con cái.

23)Thế nào là người quản lý trung tín ? Là quản lý trung tín, ta không được phản bội, không được dùng ơn Chúa ban để chống lại Chúa / Đừng dùng sức mạnh để áp bức người khác / đừng dùng tài năng để phục vụ lợi nhuận riêng / đừng dùng trí thông minh để gieo rắc nọc độc tư tưởng / đừng biến thân xác mình thành món hàng để mua bán trao đổi / nhưng dùng để phục vụ Chúa, để làm cho Chúa được yêu mến nhiều hơn, được vinh danh hơn.

24)Thế nào là người quản lý khôn ngoan ? Quản lý khôn ngoan phải biết nhìn xa tất cả: sự sống, tài năng, sức lực, trí thông minh chỉ ở trọ trong chúng ta một thời gian / Chúng ta phải biến những thứ đó thành vĩnh cửu / Nhiều lần Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: hãy dùng tiền của chóng qua để mua lấy bạn hữu / để sau này họ sẽ đón tiếp các ngươi vào chốn đời đời.

25)Hôm nay qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lại dạy thêm ta điều gì ? Hãy sắm lấy túi tiền không bao giờ cũ rách / một kho tàng không thể hao hụt, mất mát / là kho tàng trên trời, nơi đó trộm cắp không thể bén mảng, cũng không có mối mọt đục phá.

26)Kho tàng trên trời và kho tàng dưới thế khác nhau thế nào ? Muốn gầy dựng kho tàng ở trần gian, chúng ta phải hà tiện, ích kỷ, thu tích cho mình / Trái lại để gầy dựng kho tàng trên trời, ta phải biết cho đi, càng cho đi ta càng giàu có / càng phân phát ta càng có dư thừa / càng ban tặng ta lại càng phong phú / Là quản lý khôn ngoan, ta phải tỉnh thức là như thế .

 

Bài 3: BỔN PHẬN PHẢI CHU TOÀN

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

27)Như thế nào gọi là sẵn sàng, tỉnh thức ? Cuộc đời ở trọ thì mau qua / Chúa lại đến bất ngờ / nên ta phải tỉnh thức đợi chờ / Chờ không phải là thụ động, khoanh tay ngồi đó / Đợi chờ là phải tích cực làm việc, thắt lưng vào, thắp đèn lên để làm việc cho minh chính, như giữa ban ngày , để phục vụ không bao giờ ngừng / cho dù Chúa có đến lúc nào / Chúa cũng nhìn thấy ta mặc quần áo công nhân phục vụ / cho dù Chúa có đến bất ngờ / Chúa cũng thấy người quản lý đang phục vụ anh em.

28)Lời Chúa nhắc nhớ ta điều gì ? Chúa nhắc: Ta luôn là người quản lý của Chúa, để dù ở đâu, làm việc gì, ta cũng luôn làm cho Chúa, luôn tỉnh thức và sống dưới con mắt đang quan sát của Chúa.

29)Câu chuyện anh hề ở cung điện nhà vua: Một anh hề ở cung điện của vua / anh được vua trao phủ việt, là biểu tượng của vương quyền / để làm hề cho vua giải sầu / Một hôm vua gọi anh hề lại và dặn: ngươi hãy giữ lấy phủ việt này cho đến khi tìm được một người ngây ngô hơn ngươi thì ngươi hãy trao lại cho hắn / Từ đó mỗi khi vua có tiệc tùng chiêu đãi thì anh hề cầm phủ việt trong tay, dáng điệu vênh váo, ngông nghênh, cốt để chọc cười mua vui cho vua >< Mấy năm sau nhà vua lâm bệnh nặng, biết mình sắp chết nên vua cho gọi anh hề lại, vua buồn bã nói: ta sắp đi du lịch xa / - Nhà vua đi tận đâu? – Ta chẳng biết nữa / - Nhà vua đi có lâu không? – Đi hoài không về đây nữa! – Nhà vua chuẩn bị hành trang chưa? – Chưa hề! Anh hề liền cười hóm hỉnh và lễ phép tâu: Vậy hoàng thượng hãy cầm lấy phủ việt này, hạ thần xin trao lại cho hoàng thượng vì nay hạ thần đã tìm được người ngây dại hơn hạ thần rồi.

30)Tại sao phải sẵn sàng ? Vì lúc anh em không ngờ… / Cuộc sống mỗi người là một cuộc hành trình tiến về một nơi xa xôi, một chân trời mới lạ / nhưng có mấy ai chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc hành trình đi không trở lại ấy? Một cuộc hành trình đơn độc, đi một mình / cuộc hành trình này có một không hai.

31)Chết là đi đâu? Chết là đi về cuộc sống vĩnh cửu, là đi về với Chúa, Đấng luôn yêu thương chúng ta / Thế sao chúng ta vẫn lo âu? Phải chăng có cái gì đó khiến cho ta lo sợ không thể gặp được Chúa?  Chúa đang chờ đợi chúng ta mà!

32)Tại sao chúng ta lại sợ chết ? Có phải tại vì chúng ta chưa sẵn sàng để gặp Chúa / Có phải vì lòng chúng ta còn quá nhiều thứ ngổn ngang / còn nhiều tội lỗi / còn nhiều đam mê, còn nhiều quyến luyến?

33)Triết gia Platon đã nói gì ? Ông nói: ai không bao giờ nghĩ đến cái chết thì người đó chưa biết cách sống / Câu này càng đúng hơn với đời sống Kitô hữu / Làm sao một Kitô hữu có thể sống trong thái độ chờ đời sẵn sàng cho ngày Chúa đến nếu người đó không hiểu gì về chân lý đời sống vĩnh cửu, về ngày Chúa trở lại và cho rằng đó chỉ là những điều mờ ảo, xa xôi, phi thực tế trước trào lưu sống thực dụng của xã hội hôm nay!

34)Đức tin đã giúp ích gì cho người tín hữu ? Đức tin chỉ cho người tín hữu thấy mình phải đi tới đâu và không cho phép người tín hữu hy sinh số phận vĩnh cửu của mình để đổi lấy những lợi ích ngắn hạn ở đời này / Người Kitô hữu phải thấy được tất cả chiều dài của con đường mình đang đi tới.

35)Tỉnh thức đòi hỏi chúng ta phải sống như thế nào ? Vậy người Kitô hữu phải luôn tỉnh thức, sẵn sàng / Thái độ này đòi hỏi chúng ta đừng để lòng mình bám chặt vào những của cải vật chất trần gian / mà phải sống với tâm hồn siêu thoát, luôn hướng lòng về ngày Chúa trở lại / Ai đang mong chờ Chúa đến đều tự nhiên cảm thấy mình cần phải sống siêu thoát / và sống siêu thoát là cách đúng nhất để chuẩn bị đón Chúa, “Vì kho tàng ở đâu thì lòng cũng ở đó”.

36)Trông chờ Chúa đến, ta phải sống như thế nào? Lạy Chúa, xin Chúa mau đến / Đó là lời cầu nguyện khẩn thiết với niềm tin mạnh mẽ của các Kitô hữu buổi ban đầu / Chính vì thế mà Giáo Hội sơ khai là Giáo Hội sốt mến, luôn cầu nguyện và bẻ bánh, họ sống trong tình huynh đệ, để của xài chung / chia sẻ của cải cho anh em nghèo túng / Còn chúng ta ngày nay thì không được như vậy!   Mạnh ai nấy lo, mạnh ai nấy sống

37)Lòng khao khát Chúa đến sẽ chi phối cuộc sống như thế nào ? Mối ưu tư hàng đầu của đông đảo người tín hữu hôm nay là: có còn lòng khao khát mến Chúa nữa không / nếu còn thì lòng khao khát này sẽ chi phối cuộc sống của chúng ta / Chúa luôn thúc dục chúng ta phải tỉnh thức, thắt lưng, chờ đợi, cầm đèn sáng trong tay / Lời khuyến cáo này còn ám chỉ những việc chúng ta cần làm để chuẩn bị ngày Chúa đến!

38)Chúng ta đang hướng tới điều gì ? Tất cả đời sống của người Kitô hữu là một cuộc chuẩn bị và đợi chờ / nó hướng tới sự hoàn tất cuối cùng / hướng tới sự chung cuộc của lời hứa từ Thiên Chúa / Vì thế tất cả đời Kitô hữu cũng như toàn thể lịch sử loài người là một Mùa Vọng kéo dài / Mùa Vọng trường kỳ, trong đó tâm tình tiêu biểu nhất chính là lòng khao khát Thiên Chúa.

39)Trong đời sống Kitô hữu đang có cuộc giằng co nào ? Cuộc đời người Kitô hữu luôn có sự giằng co, căng thẳng giữa 2 chiều cùng kéo: giữa niềm hy vọng cánh chung là từ bỏ mọi sự để mong chờ Chúa đến và dấn thân vào đời để phát triển thăng hoa kinh tế gia đình, xã hội / Mỗi chiều kéo đều có những đòi hỏi riêng của nó / và chúng ta phải đáp ứng cả hai, không được chọn bên này mà bỏ bên kia / không được dấn thân vào đời mà quên cái đích là ngày Chúa đến, cũng không đợi chờ ngày Chúa đến mà quên bổn phận phải xây dựng trần gian / Tuy có 2 chiều kéo nhưng không mâu thuẫn nhau, vì cả hai cùng nhằm thực hiện ơn gọi toàn diện con người ở 2 lĩnh vực và 2 bổn phận.

 

Bài 4: CHU TOÀN BỔN PHẬN VÌ YÊU

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

40)Hy vọng vào ngày cánh chung có làm cho chúng ta bỏ bê trách nhiệm ở cuộc sống hiện tại không ? Đương nhiên là không thể miễn trừ trách nhiệm trần thế / mà còn là một động lực thúc đẩy chúng ta chu toàn trách nhiệm đó một cách tận tụy và chu đáo như người quản gia khôn ngoan và trung tín, biết quản lý, biết phân phát của cải cho gia nhân, tôi tớ / Chu toàn trách nhiệm cũng là một cách tỉnh thức, sẵn sàng chờ đón Chúa đến.

41)Điều nào giúp chúng ta luôn tỉnh thức ? Mỗi lần hiệp dâng Thánh Lễ là chúng ta tuyên xưng Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu / Ngài đã chết, đã sống lại / lên trời, đồng thời chúng ta trông đợi Ngài lại đến / Xin cho niềm khao khát Chúa đến sẽ làm cho chúng ta luôn tỉnh thức, sẵn sàng / nhờ đó ta có cơ hội đón nhận Chúa cách trọn vẹn trong mọi thời điểm bất ngờ nhất của cuộc đời.

42)Biến cố nào bất ngờ nhất trong cuộc đời của con người ? Cái chết là biến cố lớn nhất / Tuy nhiên, nhiều người bị nó tóm lấy mà không hay biết / Đối với một số người: nó đến như kẻ trộm vào ban đêm / tuy nhiên sự bất ngờ quả là một ân sủng, nó theo sát chúng ta trong gang tất / nó buộc chúng ta phải luôn chuẩn bị.

43)Thế nào là chuẩn bị sẵn sàng ? Đã chuẩn bị không có nghĩa là đã hoàn thành hết mọi công việc / nhưng phải luôn sống trung thực với trách nhiệm của mình ở giây phút hiện tại / Một ngày nọ, một tu sĩ đang quét sân trong tu viện / khi được hỏi nếu chút nữa đây ông sẽ chết, vậy thì bây giờ ông sẽ làm gì? – “Tôi sẽ tiếp tục công việc quét nhà” ông đáp/ Nói cách khác, ông cứ tiếp tục làm bổn phận của mình.

44)Hạnh phúc là gì ? Nhiều người cho rằng: hạnh phúc gắn liền với sự tự do / không phải đáp ứng điều gì cho ai / không bị ai trói buộc mình / nhưng thật ra, muốn có hạnh phúc thì phải có điều ngược lại mới đúng: hạnh phúc không nằm trong sự tự do, nhưng trong sự chấp nhận của bổn phận / Người ta chấp nhận làm việc bổn phận này với tấm lòng yêu thương.

45)Thế nào là làm tròn bổn phận ? Nếu ai đó chỉ muốn làm tròn bổn phận mình, thì sẽ không làm hết bổn phận đó / Khi chúng ta làm nhiệm vụ bằng một tình yêu, sẽ làm cho chúng ta cao quý hơn / Tôi chỉ làm hết bổn phận khi thấy bổn phận là một niềm vui.

46)Thế nào là hạnh phúc tràn đầy? Là đến ngày nào đó chúng ta cảm thấy mình sống với bổn phận đã hoàn thành và làm được những việc đáng làm / Ngày ấy niềm vui sẽ lớn lao / và chúng ta sẽ coi những chuyện buồn phiền là chuyện nhỏ / Đẹp biết bao nếu cái chết đến khi chúng ta đã làm xong mọi việc, hoàn thành mọi nhiệm vụ đâu vào đó / nhưng chúng ta không thể biết chắc chắn đó có phải là trường hợp của mình không, bởi vì giờ chết được giấu kín đối với chúng ta.

47)Sống và chết, điều nào quan trọng hơn ? Vấn đề không phải là chúng ta chết lúc nào và chết như thế nào / mà là chúng ta đã sống như thế nào / nhưng chúng ta phải cố gắng sống thật tốt, sống nhiệt tình / chứ không chờ khi bệnh tật hoặc tai họa xảy đến, lúc đó chúng ta mới nhận ra sự bấp bênh của kiếp con người.

48)Câu chuyện về một vị tu sĩ dòng Phanxicô: Một tu sĩ dòng Phanxicô hoạt động để giúp đỡ trẻ em mồ côi / ông tham gia vào một cuộc chạy đua bằng xe đạp để gây quỹ bảo trợ / Trong lúc đang chạy, ông bị một chiếc xe hơi đâm vào và kết quả là ông đã chết / Đúng là một cái chết không đẹp / tuy nhiên nếu nhìn từ quan điểm Kitô giáo thì đó là một cái chết rất đẹp à ông chết trong lúc đang làm việc cho Chúa / Ông giống như đầy tớ trung tín mà Chúa nói trong bài Tin Mừng.

49)Đời sống ở thế gian này có quý giá không ? Rất quý giá, rất đáng yêu nếu chúng ta tìm được niềm hạnh phúc từ nơi Chúa ở giữa thế gian / Thế nhưng chúng ta không thể vui hưởng hạnh phúc thế gian này luôn mãi được / Phúc cho những ai sống có ý thức với bổn phận / sự cao cả luôn gắn liền với chu toàn trách nhiệm / Mẹ Terêxa nói: Chúng ta không được kêu gọi để sống thành công nhưng chỉ để sống trung thành với Chúa.

50)Lý luận của Chúa Giêsu đằng sau câu chuyện ông phú nông dại khờ như thế nào ? Chúa cảnh cáo các môn đệ đừng để cho tâm trí bận bịu với việc lo làm giàu một cách ích kỷ / nhưng phải biết đặt niềm tin nơi Chúa quan phòng và quên đi những âu lo về cơm áo gạo tiền hằng ngày / Nhưng phải hết sức quan tâm đến Nước Thiên Chúa và phải chuẩn bị thật kỹ khi gặp Ngài trở lại.

51)Chúa Giêsu biểu lộ chân lý về sự đến bất ngờ như thế nào ? Chúa cho biết những biến cố trước khi Ngài trở lại và những hậu quả của sự trở lại ấy / Ở đây Ngài dạy họ thái độ canh thức rằng: hãy để tâm trí hướng về sự trở lại của Chúa, thì họ sẽ ở ngoài vòng cương tỏa của của cải trần thế, như thế mới có thể tận tụy phục vụ Ngài.

52)Chúa Giêsu minh họa thái độ canh thức như thế nào ? Chúa minh họa bằng các dụ ngôn: ông chủ trở về bất ngờ và kẻ trộm đến / Tôi tớ trong nhà ăn mặc tươm tất, chong đèn đứng đợi / Khi về nhà, ông chủ thấy họ luôn kiên tâm như vậy, ông đã biểu lộ niềm vui bằng cách cho họ cùng ngồi đồng bàn trong bữa tiệc mà họ đã dọn sẵn để đợi ông.

 

TÓM Ý

1/Cho là gì? Là lấy những thứ mình đang sở hữu mà trao cho người khác. Điều này rất đẹp lòng Chúa.

2/Câu chuyện Bà Goá Sarepta dạy ta điều gì ? Hãy cho đi thì sẽ được trao lại. Bà đã làm một cái bánh duy nhất và trao tặng cho Tiên Tri Eli-a nhưng sau đó Thiên Chúa đã ban lại cho bà nhiều gấp bội : Hũ bột không cạn, bình dầu không vơi.

3/Cách Chúa dạy sử dụng của cải có khác với ý chúng ta không ? Tư tưởng của Chúa luôn khác xa chúng ta: Chúng ta ích kỷ, chỉ muốn chiếm hữu, chỉ muốn tích luỹ. Trong khi đó chân lý của Chúa dạy là cho đi. Đây là nguyên tắc đi ngược lại với ý chúng ta.

4/Giá trị của cho đi là gì ? Người xưa có câu : Người khác ăn thì còn, con mình ăn thì hết. Chân lý của Chúa là : Càng cho đi thì càng trở nên giàu có. Càng xởi lởi thì Trời gởi cho, càng so đo thì càng nghèo khó. Bởi vì theo như lời Chúa dạy : Của cho đi là của ta để dành ở nơi Thiên Chúa.

5/Khuynh hướng con người thích sống như thế nào ? Con người có khuynh hướng sống ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, mac-ke-no. Họ chỉ lo đáp ứng nhu cầu của riêng mình, khi đến với Chúa thì chỉ muốn xin ơn này ơn nọ. Nhưng khi anh em chìa tay ra thì họ lại ngoảnh mặt làm ngơ.

6/Muốn sống bác ái, chúng ta cần phải làm gì ? Muốn thực hành đức ái, chúng ta cần có một trái tim biết yêu thương, muốn có được tình yêu thương, chúng ta phải tập luyện mỗi ngày. Đây chính là ơn gọi và là bổn phận của người Ki-tô hữu.

7/Chúa Giêsu tự ví mình là ai ? Chúa ví mình như ông chủ đi dự tiệc về trễ, và ông chủ muốn rằng : Người giữ cửa phải luôn tỉnh thức. Ông chủ sẽ trọng thưởng cho người đầy tớ nào tỉnh thức.

8/Phần thưởng của ông chủ như thế nào ? Từ địa vị ông chủ, ông sẽ hạ mình xuống làm tôi tớ để phục vụ. Ông thắt lưng chạy bàn, còn đầy tớ thì được ngồi vào bàn ăn.

9/Ông chủ có muốn bắt quả tang ai đang ngủ không ? Ông chủ không có ý về vào lúc đầy tớ đang ngủ. Ông Chủ không muốn phạt ai, nhưng Ngài mời gọi con người phải biết kiên trì, tỉnh thức chờ đợi. Ý Chúa muốn dạy rằng : Ai biết chờ là người ấy biết yêu. Chúa minh chứng việc này qua câu nói : Ta không muốn kẻ có tội phải chết…/

10/Chúa đến có bất ngờ không ? Chúa không đến bất ngờ, nhưng Chúa luôn cho ta một điều báo trước. Khi Chúa muốn phạt thì Chúa phải cảnh báo đã . Sau đó, Chúa mới phạt. Nếu ta bịt tai nhắm mắt là do ta cố tình và dám dùng sự tự do để chống lại Chúa.

11/Tại sao Chúa lại ví mình như kẻ trộm ? Chúa chỉ là nói ví dụ cho ta dễ hiểu chứ Ngài không phải là ông kẹ, ông hung thần hay là một kẻ thích gieo tai họa. Trái lại, Chúa thích đem lại niềm vui bất ngời. Điều bất ngờ nhất chính là ta thấy Chúa như kẻ hầu bàn, hay là Ngài cúi xuống rửa chân cho ta .

12/Thiên đàng có gì đặc biệt mà ta chưa biết ? Thiên đàng là nơi Thiên Chúa tiếp tục phục vụ những tôi tớ tốt lành của Chúa. Vì Ngài thết tiệc đãi mọi người từ Đông-Tây-Nam-Bắc đến dự tiệc trong nước của Ngài.

13/Chúa Giêsu là ông chủ như thế nào ? Một ông chủ quảng đại, không độc đoán, không nắm hết mọi quyền hành, ông tin tưởng các gia nhân nên giao hết nhà cửa, của cải cho họ, ông còn giao trách nhiệm điều hành công việc, ông giao cho người quản gia có quyền ban phát lương bổng, của cải cho mọi người .

14/Quyền bính của Giáo hội bắt nguồi từ đâu ? Quyền bính của Giáo Hội bắt nguồn từ Chúa Ki-tô, quyền bính là phương tiện để phục vụ dân Chúa. Nó rất dễ bị lạm dụng để tư lợi cho bản thân. Đây là mối nguy hại luôn muốn hãm hại các Vị lãnh đạo tôn giáo.

15/Người tôi tớ do đâu có thể bị phạt ? Đã biết ý chủ nhưng lại không chịu làm theo, nên sẽ bị đòn nhiều.

16/Nét nào tương phản nơi gương mặt Chúa Giêsu ? Chúa vừa hiền lành, vừa bao dung nhưng cũng đòi hỏi rất nghiêm túc. Ông bắt đầy tớ phải phục vụ mình, nhưng ông cũng đã phục vụ như tôi tớ để làm gương. Vì vậy, Chúa đòi chúng ta phải trở nên đầy tớ trung tín và khôn ngoan.

17/Vì sao phải chuẩn bị sẵn sàng ? Có những cái chết được báo trước như những người bị bệnh lâu ngày, lâu tháng. Và họ đã chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng cũng có những cái chết bất ngờ. Nhưng dù gì thì Chúa cũng đã báo trước luôn luôn, Chúa vẫn kêu gọi là mọi người phải sẵn sàng/

18/Chúng ta nhìn ra điều gì nơi gương mặt Chúa ? Gương mặt Chúa luôn là gương mặt hy sinh, phục vụ. Chúa muốn các vị lãnh đạo Giáo hội cũng phải học thuộc bài học này.

19/Của cải Chúa ban cho ta bao gồm những gì ? Chúng ta là người quản gia của Chúa, vì thế sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ, sắc đẹp, tất cả đều là ơn Chúa ban, những gì ta đang có đều là của Chúa. Chúa để cho ta quản lý một thời gian. Sau này ta phải trả lại cho Chúa kèm theo số tiền lời.

20/Tư cách của người quản lý tốt sẽ như thế nào ? Những thứ Chúa ban cho ta, ta phải làm sinh lợi. Không được ích kỷ, vun vén cá nhân. Nhưng là để phục vụ anh em. Người có của nhiều thì mắc nợ người nghèo, mọi người đều mắc nợ kẻ khác.

21/Thế nào là người quản lý trung tín ? Nhận ơn Chúa ban, ta không được phản bội, không được dùng chính ơn Chúa để chống lại Chúa. Không dùng ơn Chúa ban để áp bức người khác, không dùng tài năng để gieo rắc nọc độc, xuyên tạc chân lý của Chúa, không được dùng chính thân xác mình để mua bán trao đổi, nhưng phải làm cho Chúa được vinh danh.

22/Thế nào là người quản lý khôn ngoan ? Là người biết nhìn xa trông rộng, biết biến những vật chất chóng qua thành những công phúc vĩnh cửu. Chúa cũng dạy con phải dùng tiền để mua lấy bạn hữu.

23/Hôm nay bài Tin Mừng dạy ta điều gì ? Chúa bảo hãy sắm lấy túi tiền không bao giờ bị cũ rách, bị mối mọt, không hao hụt, không bị mất mát. Đó là thứ kho tàng trên trời.

24/Kho tàng trên trời khác kho tàng dưới đất ở chỗ nào ? Kẻ muốn tạo dựng kho tàng trần gian thì họ phải hà tiện, ích kỷ, mưu mô xảo quyệt, mua gian bán lận và tích trữ. Trái lại, người gầy dựng kho tàng trên  trời thì chỉ biết cho đi, càng cho đi thì càng giàu có trước mặt Chúa, càng ban tặng thì càng phong phú, cho nên người quản lý phải tỉnh thức.

25/Ai là người tỉnh thức, ai là kẻ ngây ngô, ai là người khôn ngoan ? Cuộc đời tại thế luôn tạm bợ. Chúa lại đến bất ngờ, chúng ta không được thụ động ngồi đó đợi chờ. Chúng ta vẫn phải làm việc để làm sinh lợi cho Chúa. Người ngây ngô là người không biết chuẩn bị, người khôn ngoan là người vẫn làm việc trong khi đợi chờ.

26/Chết là đi về đâu ? Chết là lìa cõi trần tạm bợ, chết là đi về với cuộc sống vĩnh cửu. Chết là đi về với Chúa, về với Đấng yêu thương, về với cha mình. Tại sao chúng ta lại sợ chết. Tại sao chúng ta lại không muốn gặp lại Cha mình ?

27/Thế nào là người biết sống ? Người biết sống là người biết nghĩ đến cái chết ,là người biết nhận ra giá trị của cuộc sống, nhận ra thời gian mà ta có thể tồn tại. Nhận ra mục đích sống, và cố gắng sống cho có ích, sống sao cho đẹp lòng Chúa.

28/Tỉnh thức đòi hỏi chúng ta phải sống thế nào ? Đòi hỏi chúng ta không dại dột bám chặt vào của cải trần thế mau qua. Nó không mau qua sao được khi những thứ chúng ta đang chiếm hữu lại trở thành của người khác mà họ chẳng có chút công sức mệt nhọc nào.

29/Nếu trông chờ Chúa đến thì ta phải sống như thế nào ? Thì phải luôn cầu nguyện, cùng nhau bẻ bánh, cùng nhau sống trong tình huynh đệ. Làm việc để có của cải mà chia sẻ cho anh em nghèo túng, kém may mắn. Hiện tại chúng ta đang sống kiểu mạnh ai nấy lo, mạnh ai nấy sống /

30/Người Ki-tô hữu đang hướng tới điều gì ? Chúa kêu mọi người hãy chuẩn bị và đợi chờ. Mọi người hãy cùng hướng tới lời hứa chung cuộc. Cố gắng làm vinh danh Chúa qua việc làm cho mọi người biết Chúa. Chúng ta đang sống trong một mùa vọng kéo dài, và ai trong chúng ta cũng phải có lòng khao khát Chúa.

31/Chúng ta đang bị giằng co bởi điều gì ? Chúng ta có 2 bổn phận khiến chúng ta bị giằng co. Thứ nhất -> Bổn phận xây dựng trần gian, tiếp tục công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa. Thứ hai ->  Bổn phận phải làm vinh danh Chúa, làm cho muôn người nhận biết Chúa. Sống giữa 2 lực kéo đó, chúng ta vẫn phải mong chờ ngày Chúa đến bằng cách từ bỏ mọi sự để chuẩn bị cho công tác cuối cùng là đón Chúa đến. Chúng ta vừa phải dấn thân lại vừa phải sẵn sàng. Xin Chúa ban cho chúng ta có thể chu toàn cả hai bổn phận, để cho Chúa được vinh danh.  **R

Giuse Luca / KT  Emmaus

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1464
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  6
 Hôm nay:  128
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11350432
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top