Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tim hiểu Tin Mừng CN 4 Mùa Chay / C / Giuse Luca

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY  C

ĐỀ TÀI: NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

PHÚC ÂM:  Lc 15, 1-3.11-32   

"Em con đây đã chết mà nay lại sống."

TUNG HÔ TIN MỪNG:   Lc 15, 18

Tôi sẽ trỗi dậy, trở về với cha tôi và thưa người rằng:

Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha.

PHÚC ÂM:  Lc 15, 1-3.11-32   

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca:

1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

11 "Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

14 "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”.

21 Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa.22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.

25 "Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời: "Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!

31 "Nhưng người cha nói với anh ta: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

1/ Tại sao có câu chuyện dụ ngôn này ?

2/ Tại sao Chúa Giêsu muốn khiển trách họ ?

3/ Đích nhắm của câu chuyện là gì ?

4/ Tên của bài dụ ngôn là gì ? 

5/ Cá tính của người con thứ ra sao ?

6/ Đứa con thứ ước ao điều gì ?

7/ Người con thứ ước ao điều gì trước khi ra đi ?

8/ Anh con thứ cảm thấy thế nào sau khi trở về ?

9/ Tính tình của anh con thứ ra sao ?

10/ Truyền thống của phương Đông về chia tài sản:

11/ Khi có tiền, con thứ làm gì ?

12/ Hậu quả của việc tiêu xài phóng túng là gì ?

13/ Thế nào là một toan tính ích kỷ ?

14/ Sự khác biệt giữa người cha với đứa con ở đâu ?

15/ Tình yêu của đứa con như thế nào ?

16/ Tại sao con thứ cứ đứng ì ra ?

 

17/ Cá tính của người con cả ra sao ?

18/ Tình cảm của anh con cả ra sao ?

19/ Người ta phát hiện điều gì thêm nơi người con cả ?

20/ Anh nhìn thấy sự bất công ở đâu ?

21/ Phản ứng của người con cả như thế nào ?

22/ Tâm tình của 2 người con thế nào ?

23/ Tâm tình của người con cả ra sao ?

24/ Tâm hồn của con cả ở đâu ?

25/ Vì sao con cả cũng cần trở về ?

26/ Tâm tình của người cha là gì ?

27/ Tình thương của cha ở chỗ nào ? 

28/ Điều gì khiến cha vội vã ?

29/ Tình thương của cha là gì ?

30/ Người cha có gây bất công không ?

31/ Cha làm gì khi đứa con ra đi ?

32/ Tâm tình của cha như thế nào ?

33/ Tình yêu mù quáng có ý nghĩa gì trong trường hợp này ?

34/ Tại sao ông không chú trọng đến lễ nghĩa ?

35/ Vì sao tình yêu của người cha như điên như dại ?

36/ Ông là người cha nhân hậu hay người cha phung phí ?

37/ Bài họchôm nay là gì ?

38/ Vậy chừng nào đến lượt chúng ta ăn năn sám hối và quay về ?  **R

 

Bài 1: TÂM TÌNH CỦA BA CHA CON

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

1/Vì sao Chúa Giêsu đưa ra Dụ ngôn này ? Câu chuyện dụ ngôn người con phung phá chưa nói lên hết ý nghĩa của câu chuyện mà cần phải đề cập đến tấm lòng nhân hậu bao la của người cha. Đây chính là câu trả lời trực tiếp cho những lời xầm xì bàn tán của bọn biệt phái khi thấy Chúa Giêsu thường đi lại ăn uống với người thu thuế.

2/Dụ ngôn này được chia ra làm mấy phần? Phần thứ nhất của dụ ngôn nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa qua hình ảnh của người cha luôn mong ngóng tin con trở về. Khi cậu trở về thì ông mở tiệc ăn mừng và trao lại đầy đủ quyền bính cho con. Phần thứ hai diễn tả cách xử sự của người anh cả lúc đứa em tội lỗi trở về. Đây cũng chính là những rắc rối mà Chúa luôn gặp phải trong suốt 3 năm đi rao giảng của Ngài.

3/Tội lỗi của người con thứ nặng, nhẹ thế nào? Tội của người con thứ quá lớn. Nó sử dụng đồng tiền mồ hôi nước mắt của cha mình vào các cuộc truy hoan, để rồi sau đó kết thúc trong sự khốn khổ tận cùng.

4/Thực tế của việc chăn heo là gì? Đối với mọi người : Con heo tượng trưng cho một con vật dơ bẩn hôi hám. Chăn heo là một công việc kinh khủng nhất. Tình cảnh khốn quẫn đã đưa đứa con thứ lọt ra ngoài xã hội văn minh của loài người. Anh ta hầu như đã bị mất đi nhân phẩm khi ước ao ăn chút cám trộn bã dành cho súc vật,

5/Thái độ và tấm lòng của người Cha ra sao ? Điều làm mọi người xúc động khi câu chuyện diễn tả rằng : Người cha đã thấy đứa con từ đàng xa, điều này nói lên rằng : Từng giây phút ông vẫn cố ý mong đợi con về. Và khi đã nhận ra con mình ,dù mắt ông đã mờ, ông vội chạy đến ôm chầm lấy con một cách hết sức nồng nhiệt. Ông hôn nó bất chấp là nó đang hôi thối, dơ dáy như thế nào. Sau đó ông đã phục hồi quyền lợi, địa vị cho con và mở tiệc mừng.

6/Thái độ và tâm tư của anh con cả ra sao ? Anh ta là một con người chí thú làm ăn, luôn làm tròn trách nhiệm với cha, nhưng xem ra không yêu thương cha mình bao nhiêu. Tuy thể xác anh ở bên cha, nhưng lòng anh lại xa cách. Kết quả là anh không chia sẻ được nỗi niềm tâm tư của cha mình đối với đứa em khốn khổ vừa trở về. Thay vì chạy vào chia vui với cha thì anh đã dừng lại ở cửa, anh tự cảm thấy mình không thích hợp với niềm vui của gia đình.

7/Chúa Giêsu muốn dạy gì qua bài Tin Mừng ? Đây là một tín hiệu vui cho những người muốn quay trở lại với Thiên Chúa. Nhưng đây cũng là một lời cảnh báo cho những người đang ở trong nhà khi tự đánh giá mình là những con người tốt, thánh. Câu chuyện trên đây cho thấy những người như anh con cả cũng cần phải quay trở lại, bởi vì tuy xác anh ở gần cha nhưng tâm hồn anh lại ở cách xa cha.

8/Bộ mặt của người con thứ được nhìn rõ như thế nào ? Anh con thứ chỉ là một thứ dân chơi cầu ba cẳng, là dân chơi không có đẳng cấp, không có gốc, nói rõ hơn anh chỉ là một đứa con trai hèn nhát. Giả như anh trở về vì thương nhớ cha mình thì đã khá , đằng này anh phải quay về vì quá đói đến độ cám heo mà anh cũng chẳng có để ăn. Thật là buồn cười khi anh sắm sẵn mấy câu để ca cho qua câu chuyện.

9/Tấm lòng của người cha sâu thẳm thế nào ? Ông là người cha thật tuyệt khi suốt ngày ông luôn mong ngóng tin con. Ông đã nuôi sẵn một con bê khi đứa con rách nát đang trở về thì ông đã nhận ra nó từ đàng xa. Ông chạy ra ôm chầm lấy nó hôn lấy hôn để / ông đã tha thứ cho nó lâu rồi nên ông cũng đâu cần nghe những câu nó ca với ông.

10/Ông đã đối xử ra sao đối với đứa con hư đốn ? Ông truyền phục hồi địa vị và quyền lợi cho anh ta qua việc : mặc áo đẹp, xỏ nhẫn, xỏ giầy. Đây là một biểu tượng của người con trong gia đình. Dù nó chỉ muốn ở vị thế đầy tớ nhưng ông đã phục hồi cho nó địa vị một đứa con và hưởng mọi quyền lợi. Rồi ông truyền giết con bê béo để ăn mừng vì đứa con của ông không chết.

11/Tâm sự và hình ảnh của anh con cả ra sao ? Anh là một con người siêng năng, cần cù, hết mình vì công việc, luôn tận tuỵ với cha. Nhưng lại đầy tự ái và ích kỷ. Anh là con trưởng nhưng chỉ biết sống như một tên đầy tớ, như một tên nô lệ, một kẻ làm mướn/  anh quên rằng: đã là con thì có quyền thừa kế tài sản của cha mình. Anh không ý thức được địa vị làm con nên anh chẳng có chút tình nghĩa gì với đứa em trai của mình. Anh đã không chia vui với cha mình , mà lại muốn hằn học, ghen tương với em mình.

12/Chúa Giêsu muốn ám chỉ về ai ? Biệt phái khi nghe câu chuyện này thì họ biết ngay cái ý của Chúa Giêsu muốn nhắm tới họ . Người cha chính là Thiên Chúa, đứa em giang hồ là những quân thu thuế và kẻ tội lỗi mà Chúa thường quan tâm ưu ái. Cậu con cả ích kỷ, ghen tuông là chính bọn họ, bởi vì họ luôn cảm thấy chướng tai gai mắt khi thấy Chúa giao lưu với phường tội lỗi.

13/Bộ mặt thật của người biệt phái ra sao ? Điều Chúa Giêsu muốn khiển trách họ đó là : Tuy họ tự hào mình là đạo đức, đọc kinh nhiều, ăn chay lắm / nhưng trong lòng không có chút nhân ái nào, họ thiếu tình thương, thiếu thứ mà Thiên Chúa luôn đòi hỏi: Ta muốn lòng nhân chứ không phải của lễ.

14/Chúng ta nên hiểu dụ ngôn này thế nào ? Chúng ta thuộc típ người vốn tự hào là con chiên ngoan đạo /vậy chúng ta có dám chấp nhận mình là hình ảnh cậu cả hay không ? Người có đạo luôn sẵn sàng lên án, ném đá những kẻ ngoại tình, tội lỗi / không thiếu những người xem ra rất đạo đức nhưng lại hành xử quá khắt khe với kẻ tội lỗi, tệ hơn ta còn nhân danh sự thánh thiện để xử phạt họ.

15/Thế nào là đi ngược với tinh thần của Chúa ? Chúa Giêsu luôn tỏ lòng khoan dung của người cha chí ái. Qua đó Chúa nhắm thẳng vào những con người thiếu tình huynh đệ, họ có cõi lòng chai đá. Họ thiếu cảm thông và chẳng hề biết chia vui với Thiên Chúa khi có được những đứa con hư hỏng biết đường quay về.

16/Chúng ta cần làm gì ? Nếu ta là kẻ tội lỗi, hãy can đảm quay trở về cùng Cha, đồng thời chúng ta phải có thái độ khoan dung với anh em, như tâm tình của Chúa Giêsu đối với những kẻ sa đoạ qua câu chuyện dụ ngôn chúng ta vừa nghe.**R

Bài 2: CHỈ MUỐN CHO CON VUI LÒNG

17/  Vì sao người cha không đi tìm con ? Người cha không đi tìm con như một con chiên lạc. Bởi vì đứa con đã dùng quyền tự do để ra đi và người cha thương con nên tôn trọng quyết định của con. Nhưng ông vẫn nuôi niềm hy vọng, ông vẫn luôn ngóng chờ con. Ông đã thấy nó nhưng ông không xa tránh ,cho dù nó hôi hám bội bạc.

18/ Người cha đã cư xử thế nào với con thứ ? Vì quá thương con nên bước chân cha vội vã, vòng tay cha giang rộng, nụ hôn cha nồng nàn, áo đẹp, giầy mới, nhẫn đeo tay, tiệc tùng. Người cha chỉ muốn thông báo cho mọi người biết là con tôi đã trở về, anh lúc nào cũng là con tôi.

19/ Tâm sự bên trong người con cả như thế nào ? Người cha không chỉ thương anh con thứ mà ông cũng thương anh con cả nữa. Anh quá hiếu thảo, quá vâng phục, anh không đi hoang, anh không hoang phí, anh chỉ chăm lo đồng áng. Ai cũng tưởng anh là người con mẫu mực.

20/ Anh con cả đã trách cha anh như thế nào ? Sự kiện người em trở về đã làm lộ ra con người thật của anh. Tuy anh  ở trong nhà cha anh, nhưng anh lại ở bên ngoài tim lòng cha anh. Anh thắc mắc sao cha anh lại nhu nhược, lại bao dung đến độ khiến cho anh cảm thấy bất công. Ông đã đãi tiệc mừng thằng con trời đánh, trong khi anh chăm chỉ, chí thú thì cha lại không đãi ngộ anh chút nào. Anh cảm thấy tức giận khi quyền lợi của anh bị chèn ép. Anh phản ứng bằng cách không vào nhà.

21/ Cả hai người con giống nhau ở chỗ nào ? Cả hai đều đang ở bên ngoài nhà cha mình. Chấp nhận chịu đói chứ không muốn ở cùng. Anh con thứ không thấy hạnh phúc bên cha nên đòi ra đi, anh con cả không muốn hạnh phúc cùng cha nên không vào nhà.

22/ Sám hối là gì trong trường hợp này ? Sám hối là trở về sống trong tình cha. Cả hai đứa con đều cần trở về và trở vào. Sám hối là trở về với tình yêu, nhưng trở về đâu phải là chuyện dễ làm. Đâu có ai chịu nhận mình đã đi lầm đường, người con cả cần dẹp bỏ tự ái, ích kỷ, ghen tỵ để đi vào nhà. Người con thứ cần khiêm tốn mới có thể gặp cha, gặp anh, gặp gia nhân trong tình trạnh thất bại đưa đến cảnh thân tàn ma dại. Trở về là đứng lên, rời bỏ chỗ mình đang đứng. Từ bỏ thì có chút đớn đau nhưng hạnh phúc nhận được thì thật lớn lao.

23/ Hạnh phúc lớn nhất của hai người con là gì ? Hạnh phúc không phải là tìm ra của cải vật chất, nhưng khám phá ra rằng mình có chỗ quan trọng trong lòng cha mình. Cha vẫn yêu mình dù mình hư hỏng, bất xứng. Cha yêu mình không phải vì mình ngoan nhưng vì mình là con, vì cha thì không muốn mất con mình.*

24/ Người cha đòi hỏi ở con mình điều gì ? Muốn trở về với cha thì đòi hỏi mình phải giang tay ra đón lấy đứa em mình. Nó không phải là “thằng con của cha”. Nhưng nói với vẻ yêu thương : “Nó là đứa em của con”. Trở về với tha nhân cũng chính là trở về với cha.

25/ Điều nào giống với việc đứa con thứ trở về ? Mỗi khi đi xưng tội, chúng ta có thể nghĩ rằng bí tích này giống với việc đứa con thứ đã trở về và được cha nó tha thứ. Lý do đứa con thứ trở về chính là vì nó đói quá. Nó nghĩ đến cơm ở nhà cha mình đang dư thừa, gia nhân ăn không hết. Trong khi mình ở đây chưa bằng con heo.

26/ Chúng ta đang rơi vào trường hợp nào? Người con thứ đã muốn tự định đoạt đời mình. Chúng ta cũng rơi vào tội của người con thứ khi cho rằng cha mình là người cản trở hạnh phúc đời mình. Chúng ta thích tự do bay nhảy ngoài vòng kiểm soát của cha. Nhưng tự do ấy đã biến chúng ta thành một tên nô lệ. Hạnh phúc thế gian thì bèo bọt

27/ Chúng ta muốn xin gì cùng cha mình ? Thiên Chúa là người cha đầy lòng bao dung. Xin Ngài hãy điều chỉnh chúng con khỏi những đam mê lệch lạc. Xin Chúa dạy cho con biết tình Chúa yêu con lớn hơn mọi tội con phạm. Xin cha hãy dạy con mỗi khi con vấp ngã và đứng lên khiến con càng lớn lên thêm, cảm nhận lòng cha đầy lòng rộng lượng, nhận ra con yếu đuối, mong manh. Lạy Chúa, ước gì mỗi khi cha tha thứ cho con, sẽ giúp con rộng lượng hơn với anh em con.

28/ Chúa muốn dạy gì qua dụ ngôn này ? Nếu gọi dụ ngôn này là người con hoang đàng thì không đủ tính chính xác vì đứa con thứ này không đáng làm gương mẫu cho ta. Hơn nữa xét theo bối cảnh và các khía cạnh cũng như nội dung của dụ ngôn này, Chúa Giêsu lại muốn đề cao tình khoan dung nhân hậu của người cha. Nên Chúa bảo chúng ta hãy mau nhận ra tình Chúa yêu thương và mau mau trở về cùng Ngài.

29/ Chia gia tài nói lên điều gì ? Sự ích kỷ là biểu lộ rõ nét nhất của việc xin cha chia gia tài. Đang ở chung mà lại muốn vun vén riêng, không đóng góp mà lại muốn rút tỉa, không làm việc mà chỉ đòi hưởng thụ. Sự ích kỷ đáng kinh tởm nhất chính là việc đứa con thứ xin chia gia tài. Vì gia tài chỉ được chia ra sau khi cha mẹ đã mất. Chia gia tài lúc cha còn sống thì có khác gì trù cho cha mẹ mau chết.

30/ Người con thứ ích kỷ ở chỗ nào ? Khi nắm được tiền trong tay thì nó bắt đầu phung phí, cách ăn tiêu nói lên tính ích kỷ của con. Nó tiêu tiền mà không hề nghĩ đến những giọt mồ hôi của cha mình. Nó tiêu tiền vì chỉ muốn thoả mãn dục vọng. Có tiền nó chỉ nghĩ đến bản thân chứ không thèm nghĩ đến ai ,nên khi hết tiền rồi thì chẳng còn ai gắn bó, sẵn sàng giúp nó qua cơn ngặt nghèo. Khi túng thiếu quá buộc nó phải quay trở về.

31/ Lúc trở về nó cũng còn mang theo tính ích kỷ, tại sao ? Người con thứ khi quay trở về cũng còn mang tính ích  kỷ, nó không hề nghĩ đến người cha. Nó cũng không hề biết đáp lại tình thương, nó chỉ nghĩ đến cái bụng, nó chỉ muốn ăn no.

32/ Người cha quên mình vì ai ? Ông quên mình vì con, khi đứa con xin chia gia tài, ông chia cho ngay. Ông không tự ái, không nghĩ đến bản thân, không tính toán so đo, không hạch sách gây khó khăn. Chỉ mong sao cho con cái được vui lòng.

33/ Tâm tình của người cha ra sao ? : Khi con ra đi, ông chỉ biết ngày đêm thương nhớ. Ngày nào ông cũng ra ngõ đứng chờ, thật tội nghiệp. Còn đứa con, nó chẳng nhớ nhung gì đến cha. Còn người cha thì lúc nào cũng nhớ con. Con chỉ biết tìm vui thoả trong khi cha thì mỏi mòn mong đợi. Con chỉ biết tiêu tiền, còn người cha chẳng quan tâm đến tiền. Ông chỉ cần có đứa con.

34/ Cử chỉ nào nói lên tình thương của người cha ? Hãy chiêm ngắm kỹ lại giây phút gặp gỡ. Tuy nó ngắn ngủi nhưng lại nói lên hết về tình thương của người cha: Khi con còn ở đàng xa. Khi con chưa thấy cha, thì cha đã thấy con. Mắt trai trẻ đáng lẽ phải tinh, phải thấy nhưng nó lại không thấy. Mắt ông già đã nhạt nhoà vì dòng lệ thương nhớ, thế ma cha đã nhìn thấy con trước, ông ôm lấy con và hôn lấy hôn để.

35/ Người cha nhìn con bằng cặp mắt nào ? Cha không dùng mắt thường để thấy mà ông dùng con mắt của trái tim. Trái tim thương nhớ nên có đôi mắt tinh tường giúp nhận ra con ngay. Còn trái tim đứa con vì hết yêu cha mình nên chẳng còn nhìn thấy cha. Mắt nó sáng mà chẳng khác chi đôi mắt mù loà, còn trái tim cha đầy yêu thương nên dù có loà mà ông vẫn còn nhìn thấy rõ khi đứa con ở đàng xa.

36/ Vì sao ông không nhớ lỗi lầm của con mình ? Vì trái tim ông đầy lòng yêu thương nên ông không còn nhớ đến lỗi lầm của con mình, Tình cảm trong tim ông không phải là tiếc xót nửa gia tài đã mất. Cũng không phải để tức giận thằng con phá nhà, nhưng là tấm lòng đầy yêu thương. Vì quá yêu nên người cha không còn nhìn thấy thứ gì khác ngoài đứa con tiều tuỵ đói khổ / trái tim ông chỉ có tình yêu thương.

37/ Nếu đúng lễ nghi phép tắc thì ông phải hành xử ra sao ? Ông chạy ra ôm cổ con hôn lấy hôn để. Người cha không chờ đúng thủ tục, nghi lễ, phép tắc. Tình thương thúc đẩy ông có niềm vui dạt dào khiến cho ông không thể chần chờ. Bất chấp thân phận cao quý của mình, ông chạy ra như một đứa trẻ mừng mẹ đi chợ về. Bất chấp tuổi cao, ông chạy nhanh như một thanh niên.

38/ Sao đứa con lại kém nhanh nhẹn ? Con ông tuổi trẻ mà không nhanh nhẹn bằng một ông già. Vì trong tim nó thiếu tình yêu, trái tim không tình yêu chẳng khác nào cơ thể không sức sống. Ông không chạy bằng đôi chân nhưng ông chạy bằng đôi cánh của tình yêu.

39/ Điều nào diễn tả niềm vui lớn lao của người cha ? Chẳng còn bút mực nào tả cho xiết niềm vui của người cha. Hôn lấy hôn để: những nụ hôn không ngớt nói lên tình cảm quá dạt dào mà ông dành cho con. Ông ôm chặt như là không để cho nó ra đi nữa.

40/ Phản ứng chậm lụt của chàng trai ra sao ? Khi đứa con còn đang ngỡ ngàng thì người cha đã có 4 động tác: Nhìn thấy, chạnh lòng thương, chạy ra ,ôm hôn / ông là người cha nhanh nhẹn. Vì thế ta có thể gọi ông là người cha phung phí. Ông phung phí tiền bạc, phung phí nhớ nhung, phung phí trông chờ và phung phí tình cảm trong cuộc gặp gỡ đứa con trở về. Phung phí áo quần mới, phung phí nhẫn mới, giầy mới.

41/ Điều nào nói rõ tính cách phung phí của người cha? Ông phung phí tình yêu thương khi ôm hôn, khi phục chức, khi làm tiệc mừng. Ông yêu quá độ, yêu đến vô lý ,yêu mà không lý giải được. Đó mới chính là tình yêu thương.

42/ Đứa con cả đang ở đâu ? Đứa con cả luôn ở trong nhà, luôn ở ngoài đồng. Thật ra anh chỉ có cái xác ở trong nhà còn tâm hồn thì anh đi hoang từ lâu. Tuy anh ở với cha nhưng hồn anh không thuộc về cha, anh làm việc không phải bằng tâm tình của người con hiếu thảo mà anh chỉ muốn vun vén riêng tư. Vì anh làm việc bằng tinh thần nô lệ, mong được trả công bằng một con bê nhỏ để nhậu với bạn bè của anh.

43/ Vì sao đứa con cả lại xa cha mình ? Người cha có đầy tình thương nhưng đứa con lại đầy lòng ích kỷ. Người cha thì bao dung nhưng đứa con lại hẹp hòi. Tâm hồn cha thì rộng mở nhưng lòng con thì khép kín. Cha luôn tha thứ nhưng lòng con thì chỉ biết kết án. Thật là xa cách ngàn trùng.

44/ Người cha lại đi tìm ai nữa ? Người cha một lần nữa lại phải ra đi. Bỏ cả bữa ăn để đi tìm đứa con cả. Đứa con có tâm hồn đi hoang, ông vẫn dịu dàng ,ông vẫn ôn tồn, ông vẫn bao dung, ông đang cố gắng thuyết phục anh con cả trở về.

45/ Anh con cả cần phải làm gì ? Nếu anh con út trở về với cha mình, chỉ một lần thôi, thì anh con cả phải trở về tới 2 lần. Anh cần về với cha và cần về với em mình. Đi xa trong tâm hồn thì xa diệu vợi hơn, khó về hơn.

46/ Tôi đã đi hoang lần nào chưa ? Cho dù tôi là con út hay con cả, tôi đều cần phải trở về . Nếu tôi chưa đi hoang trong đời sống gia đình, thì chắc chắn tôi đã nhiều lần đi hoang trong tâm hồn. Tôi có ý tưởng khác với Thiên Chúa. Và tôi cũng chưa có chút nào thông cảm với anh em tôi.

47/ Chúa mời gọi chúng ta điều gì ? Qua dụ ngôn này, Chúa bảo tôi hãy an tâm trở về, Chúa yêu tôi trước khi tôi yêu Ngài. Chúa tha cho tôi quá nhiều lần trước khi tôi có thể tha thứ cho anh em tôi. Vậy tôi hãy xin lỗi Ngài và chạy đi làm hoà với anh em tôi. Hãy mau lên đi!**R

 

TÓM Ý

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

1/Tại sao có câu chuyện dụ ngôn này ? Bởi vì nhóm biệt phái và kinh sư luôn chê trách Chúa vẫn thường ngồi ăn đồng bàn với những kẻ tội lỗi / Để trả lời họ, Chúa Giêsu đã đưa ra 3 dụ ngôn: con chiên lạc / đồng bạc bị mất  và  người cha nhân hậu.

2/Tại sao Chúa Giêsu muốn khiển trách họ ? Chúa muốn cảnh báo họ rằng: tuy họ luôn tỏ ra đạo đức, đọc kinh nhiều, ăn chay lắm / nhưng lại thiếu lòng nhân ái, thiếu  tình yêu thương / Họ đang thiếu những điều mà Thiên Chúa đang đòi hỏi: “Ta muốn lòng nhân từ chớ không cần lễ tế ”.

3/Đích nhắm của câu chuyện là gì ? Chúa muốn nói đến người con cả (là bọn biệt phái, luật sĩ) / Anh ta tỏ ra quá hiếu thảo, anh vâng phục cha từng chút một, anh không ăn chơi, không hoang đàng / chỉ chăm lo việc đồng áng / ai thấy anh cũng nhận ra anh là người con mẫu mực!

4/Tên của bài dụ ngôn là gì ? Trước kia bài dụ ngôn này có tên là người con hoang đàng / nếu hiểu theo cách gọi này thì không chính xác / Trước hết, vì sự trở về của người con này không đáng làm khuôn mẫu cho chúng ta / hơn nữa khi xét về hoàn cảnh, nội dung của dụ ngôn này/ Chúa Giêsu chỉ đề cao tình thương của người cha / chứ không có ý khen 2 người con /

5/Cá tính của người con thứ ra sao ? anh ta chỉ là dân chơi cầu ba cẳng / chơi không biết tính toán / một tay giang hồ chập chờn, hèn nhát / Khi anh trở về,không phải vì bị lương tâm cắn rứt / cũng chẳng phải vì thương nhớ mẹ cha / Anh ta trở về chỉ vì đói khát,nhục nhã / vì thèm ăn cám heo mà chẳng có / anh đành trở về để ca mấy câu với cha cho xong chuyện.

6/Đứa con thứ ước ao điều gì ? Anh ta ước ao chỉ cần làm người đầy tớ cho cha để được ăn no/ Nhưng ông đã phục hồi đầy đủ quyền lợi cho anh / lại còn làm tiệc mừng khoán đãi ngày anh trở về / Thật quá với niềm ao ước của anh.

7/Người con thứ ước ao điều gì trước khi ra đi ? Anh ta cảm thấy mình quá mất tự do / anh không được quyền làm chủ lấy đời mình / anh muốn mình có quyền định đoạt đời mình / anh thích tự do bay nhảy bên ngoài vòng tay của cha anh.

8/Anh con út cảm thấy thế nào sau khi trở về ? Anh cảm nhận được sự tự do hạnh phúc ấy sao ngắn ngủi thế / Vì sau những giây phút hạnh phúc ấy lại là những tháng ngày dài sống trong nô lệ / Hạnh phúc do thế gian ban tặng sao quá hời hợt, bọt bèo / anh cảm thấy mình  bỗng chốc từ trên đỉnh cao, rơi xuống vực sâu .

9/Tính tình của anh con út ra sao ? Anh ta là một đứa con ích kỷ / chỉ nghĩ đến bản thân / Sự ích kỷ biểu lộ rõ nhất qua hành động đòi chia gia tài / Anh ở chung nhà nhưng chỉ muốn vun vén riêng / không muốn đóng góp công sức nhưng lại muốn rút tỉa / không làm việc nhưng lại muốn hưởng thụ / Sự ích kỷ đã đạt đến mức tồi tệ khi anh mở miệng đòi chia gia tài ngay lúc  cha anh đang còn sống.

10/Truyền thống của phương Đông về chia tài sản: Gia tài chỉ được chia sau khi cha mẹ qua đời / Anh xin chia gia tài lúc này không khác gì mong cho cha mẹ anh mau chết sớm.

11/Khi có tiền, con út làm gì ? Tiền vô túi như cờ vô tay / anh bắt đầu ăn tiêu phung phí / Cách xài tiền nói lên tính ích kỷ của đứa con / nó tiêu tiền nhưng nào có nghĩ đến mồ hôi nước mắt của cha mẹ / nó tiêu tiền chỉ để thỏa mãn dục vọng / nó dùng tiền chỉ để cung phụng bản thân.

12/Hậu quả của việc tiêu xài phóng túng là gì ? Vì khi có tiền, nó chẳng nghĩ đến ai / nên khi hết tiền cũng chẳng có ai gắn bó với nó / chẳng ai thèm giúp nó qua cơn túng thiếu / Vì túng quá mà chẳng có tài sức để vượt qua nên mới toan tính tìm đường trở về.

13/Thế nào là một toan tính ích kỷ ? Đây quả là một toan tính ích kỷ / Vì lúc trở về nó không hề nghĩ đến cha mẹ / nó cũng chẳng nghĩ đến tình thương / Nó chỉ nghĩ đến cái bụng / Về nhà để được ăn no, trong đầu nó không có thứ gì khác ngoài miếng ăn tồi tệ .

14/Sự khác biệt giữa người cha với đứa con ở đâu ? Khi anh còn đàng xa thì cha anh đã trông thấy / Khi con chưa thấy, thì cha đã thấy con trước / mắt chàng trai trẻ tinh anh nhưng lại không sáng bằng mắt người cha / Đáng lẽ mắt ông cụ phải lòa vì dòng lệ nhớ thương / thế mà ông cụ lại thấy con trước / Vì cha không nhìn bằng mắt thường mà bằng trái tim / Trái tim yêu thương giúp ông nhận ra con ngay, cho dù đôi mắt thật đã mù lòa.

15/Tình yêu của đứa con như thế nào ? Mắt con dù còn tinh nhưng vì tình thương trong tim con đã cạn nên chẳng thể nhìn thấy cha / Trái tim đứa con khô cằn nên tuy mắt sáng mà chẳng khác chi đôi mắt đã mù lòa / Đôi mắt cha đầy yêu thương nên tuy mù lòa mà vẫn còn thấy rất rõ hình dáng đứa con ngay từ đàng xa.

16/Tại sao con thứ cứ đứng ì ra ? Anh còn trẻ nhưng sao chậm chạp hơn ông già ? Tại vì trong tim nó thiếu tình yêu / thiếu tình yêu nên cơ thể thiếu sức sống / Ông già chạy bằng trái tim chứ không chạy bằng đôi chân / Vì ông đã được tình yêu chấp cánh / Tình yêu là tất cả đối với ông.

17/Cá tính của người con cả ra sao ? Anh ta là người siêng năng cần cù / luôn hết lòng tận tụy với công việc cha giao / nhưng tính tình thì hay tự ti, ích kỷ / Anh tuy là con trưởng nhưng lại thích đóng vai đầy tớ, sống như kẻ nô lệ / Vì anh không chịu ý thức rằng anh là con / nghĩa là anh có quyền thừa kế / nghĩa là anh có quyền làm chủ gia sản đó / Trái lại anh chỉ muốn sắm vai đầy tớ, đóng vai một kẻ xa lạ dù anh đang sống trong chính gia đình của mình .*

18/Tình cảm của anh con cả ra sao ? Vì không ý thức mình là ông chủ con, nên anh chẳng thể hiện một chút tình cảm gì với đứa em / Chẳng thèm chia sẻ niềm vui với cha anh / lại tỏ ra hằn học, trách móc, ghen tỵ với em .

19/Người ta phát hiện điều gì thêm nơi người con cả ? Khi em anh ta trở về / nó làm lộ ra con người thật của anh / Tuy anh ở nhà, nhưng anh lại không thương cha anh / anh chỉ nhìn thấy sự nhu nhược của cha anh / anh chỉ nghĩ đến sự bất công của cha anh chứ không chịu nhìn thấy lòng bao dung của ông!

20/Anh nhìn thấy sự bất công ở đâu ? Cha anh có thể làm thịt bê béo để đãi đứa con hoang đàng / còn anh, anh chỉ ước ao một con dê nhỏ cũng không có.

21/Phản ứng của người con cả như thế nào ? Anh không còn tâm tình nào để chia vui với cha / Anh càng không có cớ để vui với đứa em / lòng anh cảm thấy sôi sục tức giận vì mình không có được quyền lợi gì! Cho nên anh không vào nhà.

22/Tâm tình của 2 người con thế nào ? Cả 2 người con điều muốn ở bên ngoài nhà cha mình, không muốn ở trong nhà / Con út cảm thấy không có tự do nên muốn  đi ra  / Con cả không muốn chia sẻ hạnh phúc với cha nên không thèm vào.

23/Tâm tình của người con cả ra sao ? Nếu muốn vào nhà với cha mình, đòi hỏi anh phải giang tay ra đón lấy đứa em mình / Đứa em đó không phải là “thằng con của cha” nhưng chính là “đứa em của con” / Trở về với cha cũng chính là trở về với tha nhân / cũng chính là trở về với bản thân mình/ Vì yêu anh em là yêu chính mình.

24/Tâm hồn của con cả ở đâu ? Đứa con cả tuy ở nhà nhưng tâm hồn nó đã đi xa từ lâu / xác nó tuy ở đây nhưng hồn thì ở mãi tận đâu đâu / Nó làm việc không phải vì tình con thảo / nhưng với tâm tình của kẻ nô lệ.

25/Ví sao con cả cũng cần trở về ? Nếu đứa em cần một cuộc trở về, thì người anh phải cần đến 2 cuộc trở về / Trở  về với cha và trở về với em / Tâm hồn đi hoang chẳng khác chi một quảng đường xa diệu vợi!

26/Tâm tình của người cha là gì ? Người cha là một ông bố tuyệt vời / Ông luôn mỏi mòn chờ đợi đứa con hoang / Ngày ngày ông trông ngóng, ông vừa chăm sóc con bê béo / Lúc nào ông cũng mong ngóng, nhớ thương, chờ đợi đứa con mau trở về.

27/Tình thương của cha ở chỗ nào ?  Đứa con rách nát quay về thì ông đã nhận ra nó ngay tự đàng xa / Ông chạy mau đến trước và ôm hôn nó / vì ông đã tha thứ cho nó từ lâu / nên cũng chẳng cần để ý đến câu nó vừa ca.

28/Điều gì khiến cha vội vã ? Tình thương của ông quá lớn nên bước chân ông bớt run và thêm vội vã / Vòng tay của ông quá rộng để cho ông có thể ôm lấy tấm thân ốm đói của con ông / Nụ hôn quá nồng nàn thay vì nói lên rằng: nó luôn luôn là con tôi / và bao giờ nó cũng vẫn là con tôi.

29/Tình thương của cha là gì ? Yêu là luôn cho đi / yêu là hy sinh / yêu là cho đi mãi mãi và không bao giờ đòi lại.

30/Người cha có gây bất công không ? Cha anh có thể làm thịt con bê béo để ăn mừng thằng con hoang đàng / trong khi anh chỉ ao ước một con dê nhỏ cũng không có !

31/Cha làm gì khi đứa con ra đi ? Cha ở nhà ngày đêm thương nhớ / Ngày nào ông cũng ra đứng chờ / không phút giây nào ông hết nhớ thương / Người con chỉ biết ham chơi / trong khi người cha thì ở nhà mỏi mòn chờ đợi / Người con chỉ biết đến tiền bạc / còn người cha thì chỉ cần có con.

32/Tâm tình của cha như thế nào ? ông chạnh lòng thương con / Trái tim ông dạt dào nên ông quên hết lỗi lầm của con / Tình cảm trong tim ông không phải là sự tiếc xót phân nửa gia tài đã mất / không phải là ông đang tức giận đứa con phá gia chi tử / nhưng là ông chạnh lòng thương con.

33/Tình yêu mù quáng có ý nghĩa gì trong trường hợp này? Vì yêu con quá nên ông chẳng còn thấy điều gì khác hơn là hình ảnh đứa con đang đói khát, rách nát / Yêu con quá nên ông chẳng còn nhìn thấy lỗi lầm của nó / mà ông chỉ còn nhìn thấy nỗi khổ của đứa con / Trong tim ông: chỉ có tình thương dành cho con, nên vừa gặp nó là tim ông quá rộn ràng.

34/Tại sao ông không chú trọng đến lễ nghĩa ? Ông chạy lại ôm cổ con / ông không chờ theo đúng lễ nghi phép tắc mà vội vàng chạy đến ôm nó / Vì thương quá nên ông không muốn chờ / bất chấp địa vì cao của mình / ông chạy đi như đứa trẻ sắp được quà / bất chấp tuổi tác, ông nhanh nhẹn như một con sóc.

35/Vì sao tình yêu của người cha như điên như dại ? chỉ một thoáng khi đứa con chưa nhúc nhích thì ông đã làm liền 4 động tác: nhìn thấy, chạnh lòng thương, chạy đến, ôm hôn.

36/Ông là người cha nhân hậu hay người cha phung phí ? Ông đã phung phí tiền của khi chia gia tài / Ông đã phung phí sức lực khi luôn mong nhớ con và trong cuộc gặp gỡ / Ông càng phung phí hơn khi đem nhẫn, áo giày mới cho con cùng với tiệc mừng và đàn hát.

37/Bài họchôm nay là gì ? Chúa muốn dạy chúng ta: dù ta là con cả hay con út / chúng ta đều cần phải quay trở về / Vì nếu thể xác tôi chưa lần nào đi hoang thì chắc chắn trong tâm hồn đã có rất nhiều lần tôi đã đi hoang.

38/Câu hỏi: Vậy chừng nào đến lượt chúng ta ăn năn sám hối và quay về ? Ngay hôm nay, ngay trong mùa chay này / ngay trong năm thánh này / Lạy Chúa, xin cứu giúp con . Amen .**R

GIUSE LUCA / KBX / KT EMMAUS

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1983
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  3526
 Hôm qua:  2155
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11421360
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top