Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 16 Thường Niên A (Giuse Luca)

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN A 

ĐỀ TÀIDỤ NGÔN CÂY LÚA VÀ CỎ LÙNG

 

 

Tung hô Tin Mừng:  x.Mt 11,25

Haleluia. Haleluia. Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 13, 24-43

Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu.

24 Hôm ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?" 28 Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó!" Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?" 29 Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."

31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được."

33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."

34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35 hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ đã nói: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." 37 Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ. 40 Vậy, như người ta gom cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.

Đó là lời Chúa.

 

 NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/ Tại sao lại có những nụ cười nghịch lý?

2/ Đường lối của Chúa có gì bất hợp lý không ?

3/ Những điều nào nghịch lý trong Tân Ước ?

4/ Giáo hội có gì xem ra bất hợp lý?

5/ Chúa bảo chúng ta điều gì?

6/ Ông chủ ruộng có gì khó hiểu ?

7/ Thiên Chúa đối xử như thế nào ?

8/ Vì sao Thiên Chúa nhẫn nại ?

9/ Chúng ta phải sống thế nào?

10/ Đâu là dấu chứng của sự ác ?

11/ Sự ác hiện diện ở đâu?

12/ Muốn cho hạt giống Lời Chúa nảy mầm, chúng ta cần làm gì?

13/ Dụ Ngôn Cỏ lùng nhắc chúng ta điều gì?

14/ Chúa gieo loại hạt giống nào?

15/ Bổn phận của chúng ta là gì ?

16/ Cỏ lùng có tác hại gì?

17/ Ta thấy gì qua dụ ngôn này?

18/ Nếu Chúa phạt ngay thì sao?

19/ Lợi ích nào từ sự rộng lượng ?

20/ Sự dữ giúp gì cho ta?

21/ Sự dữ có lợi như thế nào?

22/ Thiên Chúa khoan dung để làm gì?

23/ Bởi đâu có Cỏ lùng ?

24/ Chúa muốn chúng ta sống như thế nào?

25/ Chúng ta nên noi gương ai?

26/ Lúc nào Chúa mới hết đổ máu?

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: LÒNG NHẪN NẠI CỦA THIÊN CHÚA

1/ Qua dụ ngôn này, Chúa muốn giới thiệu điều gì ? Chúa muốn cho chúng con biết : Giáo hội trần gian luôn có những người xấu sống cạnh những người tốt. Cái thiện và cái ác lẫn lộn. Nhưng thật trớ trêu thay, có khi người xấu lại gặp may hơn những người tốt. Như vậy thái độ của chúng ta phải như thế nào ?

2/ Câu trả lời sẽ như thế nào ? Chúng ta phải sống theo gương Chúa, phải có thái độ như Chúa trong bài Tin Mừng. Hãy bắt chước lòng kiên nhẫn của Chúa, Chúa cho kẻ lành kẻ dữ sống chung với nhau và đợi đến ngày tận thế Chúa mới phân xử.

3/ Trong khi chờ đợi thì chúng ta cần phải làm gì ? Chúng ta phải yêu thương mọi người, nhất là phải tạo điều kiện cho kẻ dữ, kẻ tội lỗi biết sám hối quay trở về đường lành, còn việc xét xử thì hãy dành phần cho Chúa.

4/ Trong bài đọc 1 của sách Khôn Ngoan dạy điều gì trước tiên ? Đầu tiên, Sách Khôn Ngoan muốn chúng ta tìm hiểu về cách hành xử của Thiên Chúa. Lúc đó dân Do Thái đang bị kẻ thù hãm hại đủ kiểu. Nên dân Do Thái cứ nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ dùng bạo lực để giúp họ tiêu diệt kẻ thù / nhưng không, Thiên Chúa đã đối xử với đám thù địch của dân Chúa bằng sự kiên nhẫn và nhân hậu.

5/ Dân Do Thái đã hiểu lầm như thế nào ? Dân Do Thái nghĩ rằng Thiên Chúa của họ quá yếu ớt, không thể can thiệp giúp họ. Nhưng Chúa muốn họ biết rằng : kẻ thù của họ cũng chính là những thụ tạo của Chúa nên Chúa cũng yêu thương đám người đó. Chúa có đủ quyền năng để tiêu diệt chúng, nhưng Chúa chỉ dùng quyền năng để tiêu diệt những ai ngoan cố mà thôi. Còn những ai mà Chúa xét thấy cần / vì Ngài vẫn còn hy vọng là họ sẽ hoán cải, thì Ngài vẫn sẽ kiên nhẫn chờ đợi họ sám hối.

6/ Thánh Phaolo dạy gì trong bài đọc 2 ? Thánh Phaolo đề cao vai trò trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Ngài biết chúng ta yếu đuối, không biết cầu nguyện thế nào cho đúng với ý Chúa. Nên Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta cầu nguyện thế nào cho hiệu quả.

7/ Hôm nay Chúa Giê-su cố giải thích thế nào về Nước Trời? Chúa muốn dùng 3 dụ ngôn để nói đến từng khía cạnh của Nước Trời. Đó là: hạt giống và cỏ lùng, sau đó là hạt cải và nắm men làm bánh.

8/ Dụ ngôn cỏ lùng nói lên điều gì ? Dụ ngôn cỏ lùng giải thích cho chúng ta biết tại sao lại có sự thiện, ác trên thế gian, tại sao hội thánh lại có người lành kẻ dữ. Tại sao Thiên Chúa để cho kẻ dữ sống chung với người lành mà không tiêu diệt chúng đi.

9/ Hai dụ ngôn hạt cải và nắm men nói lên điều gì? Cả hai dụ ngôn nói đến sự tăng triển của Nước Trời. Nước Trời lúc đầu chỉ là cộng đoàn nhỏ, nhưng sẽ phát triển mạnh mẽ trong âm thầm, trong những hoàn cảnh đầy khó khăn thử thách mà cụ thể là những cấm cách, bắt đạo,

10/ Qua dụ ngôn này chúng ta rút được bài học gì? Chúa muốn cảnh giác chúng ta: Đừng ảo tưởng về một hội thánh hoàn hảo trên thế gian này mà trong đó ta chỉ gặp toàn những người thánh thiện. Trái lại hai loại người lành và kẻ dữ sống chung với nhau. Qua đó, chúng ta mới thấy Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được Chúa tha thứ.

11/ Dụ ngôn cho thấy công việc nước Thiên Chúa sẽ như thế nào? Công việc của Nước Chúa vẫn có xen lẫn với những công việc của ma quỷ, vì khi ở trần gian chúng ta không thể nào triệt bỏ hết được. Chỉ đợi đến ngày tận thế thì mọi việc mới có thể phân định rõ ràng.

12/ Dụ ngôn cỏ lùng diễn tả điều gì? Mục đích là để diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa. Ngài chấp nhận tốt xấu lẫn lộn, ngài đợi đến ngày cuối cùng rồi mới lấy quyền mà phân xử.

13/ Tai hại của cỏ lùng là gì? Cỏ lùng là loại cỏ dại mà khi nó còn non thì rất khó phân biệt với cây lúa non, phải đợi cho tới lúc nó lớn, đâm bông thì mới nhận ra sự khác biệt cách dễ dàng. Nhưng đến lúc này thì rễ của cả hai thứ đã đan chặt vào nhau, đến nỗi nếu nhổ cỏ lùng thì cây lúa cũng bật gốc theo.

14/ Nhưng cuối cùng thì chúng ta phải làm như thế nào? Khi chúng đã phát triển thì không ai có thể tách riêng chúng ra được.  Nhưng nhất định là phải tách, vì hạt cỏ lùng có nhiều chất độc, lại có vị đắng khó chịu, không thể ăn cơm mà lẫn với nó được. Nên cuối cùng ta phải lựa chúng riêng ra bằng tay.

15/ Hình ảnh cụ thể của người tốt kẻ xấu là gì?  Thế giới chúng ta đang sống có cả ánh sáng và bóng tối, còn điều thiện, điều ác thì ở trong lòng mọi người. Đó cũng là hình ảnh cánh đồng lúa mà trong đó cỏ lùng lại mọc xen lẫn với cây lúa. Kẻ xấu người tốt xen lẫn nhau như vàng thau lẫn lộn, vì không phân biệt được ai tốt, ai xấu nên đôi khi đánh giá lầm , có khi coi người tốt ra kẻ xấu và ngược lại.

16/ Nếu xét về phương diện hội thánh thì sao? Ở nơi Hội Thánh cũng như ở nơi mỗi người, vẫn có một sự pha trộn giữa thánh thiện và tội lỗi, giữa thiện và ác. Điều này không sao tránh khỏi, bản chất của hội thánh là thánh thiện, nhưng ở những con người trong đó lại yếu đuối và tội lỗi. Chúng ta tuy đã nhận được nhiều ân sủng nhưng trong bản thân mỗi người vẫn có khuynh hướng phạm tội.

17/ Thánh Phaolô đã nói về bản chất của con người như thế nào? Ông nói: Điều thiện tôi muốn nhưng tôi lại không làm, còn điều ác tôi không muốn nhưng tôi lại cứ làm. Bởi thế con người là bất toàn. Khi còn sống ai cũng có thể phạm tội, chỉ khi chết rồi, khi bước vào cõi sống của Thiên Chúa thì điều này mới chấm dứt.**R

 

Bài 2: TẤM LÒNG KHOAN DUNG

18/ Cách hành xử của con người như thế nào ? Con người vốn tội lỗi và bất toàn nhưng cách hành xử lại muốn tiêu diệt hết những kẻ bất toàn. Vì chúng ta không muốn bao dung. Chúng ta lại cảm thấy khó chịu khi chung quanh mình lại có những kẻ xấu, những kẻ bách hại đạo Chúa, những kẻ gây đau khổ cho người khác, nhưng họ lại cứ nhởn nhơ, tự tại, lại có khi còn may mắn hơn chúng ta.

19/ Thái độ của con người với nhau như thế nào ? Hai anh em Giacobe và Gioan thì muốn khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt dân thành Samari. Còn người đầy tớ trong dụ ngôn cũng thế, anh thưa với ông chủ: Vậy ông có muốn chúng tôi nhổ cỏ lùng đi không?

20/ Thái độ của Gioan tẩy giả ra sao ? Gioan đã vẽ bức tranh đầy ấn tượng trước đám đông dân chúng theo ông về đấng Messia sắp đến: Tay người cầm nia, người sẽ rê sạch lúa trong sân, thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn trấu lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi (Mt3,12) / Thái độ chung của chúng ta cũng thế.

21/ Phản ứng của Gioan như thế nào ? Ông hụt hẫng vì thấy Đấng Messia đã đến rồi, nhưng ông lại nghe thấy cách xét xử của Chúa Giê-su không diễn ra như những gì mình đã loan báo trước, nên từ trong ngục tù, ông đã sai hai môn đệ đến hỏi Chúa rằng: Thầy có thật là đấng phải đến không? Hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?

22/ Dân chúng nghĩ gì về Chúa Giê-su? Dân chúng đã rất ngỡ ngàng khi nghe lời Đức Giê-su loan báo : Nước Trời đã đến gần, thế nhưng họ chẳng thấy có gì giống như cách phác hoạ về sự xét xử mà dân chúng vẫn trông đợi khi Nước Trời đến.

23/ Thiên Chúa hành xử như thế nào ? Con người thì muốn tiêu diệt cái xấu, diệt cả những con người xấu. Nhưng Thiên Chúa thì lại làm khác, điều này tỏ rõ qua câu trả lời của ông chủ: Đừng, cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt… Sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, các anh cũng làm bật luôn rễ lúa!!!

24/ Thời kỳ nhẫn nại của Thiên Chúa là vào lúc nào ? Từ mùa gieo hạt cho đến mùa gặt là khoảng thời gian đủ dài, rồi đến lúc đập lúa. Hiện tại đang là thời kỳ chờ lúa lớn lên, nói lên thời gian nhẫn nại của Thiên Chúa. Cho dù Thiên Chúa có ghét sự ác, nhưng Ngài vẫn cứ yêu thương con người.

25/ Tại sao Thiên Chúa lại nhẫn nại ? Thiên Chúa biết rõ khả năng lạ kỳ cùa Lời Ngài trong lòng mỗi người. Khi đến giờ thu hoạch, Ngài sẽ cho lọc lựa. Ông chủ sẽ bảo đầy tớ nói với nhóm thợ gặt: hãy nhặt cỏ lùng trước đã, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.

26/ Cỏ lùng và con người tội lội khác nhau ở điểm nào ? Điều này nói lên lòng kiên nhẫn đợi chờ của Thiên Chúa. Cỏ lùng thì không có sự thay đổi. Nhưng ở những con người tội lỗi thì khác xa. Vì con người có thể cải tà quy chính. Có thể từ một tên khốn, biến thành một vị thánh. Trong lịch sử giáo hội đã có biết bao gương cỏ lùng biến thành lúa như thế. Như Phaolo, như Augustino, như Charles de Foucauld. Họ là những chứng tích sáng chói trong giáo hội.

27/ Tại sao chúng ta không ở với Chúa ? Khi chúng ta phạm tội, là chúng ta xa lánh Ngài. Ngài vẫn chực chờ cho đến lúc chúng ta sám hối. Vì thế Chúa luôn ở với những người tội lội để ban ơn thúc giục họ. Vì vậy, chỉ có chúng ta là không chịu ở với Ngài thôi.

28/ Chúng ta cần có thái độ nào ? Đứng trước tình trạng xấu xa của những con người đang sống trong trần gian, cũng như những Kito hữu đang ở trong giáo hội. Chúng ta nên có thái độ nào? Hoặc là tích cực, hoặc là tiêu cực. Nếu chúng ta có thái độ tiêu cực thì thế gian này đúng là đồ bỏ đi. Một thế giới đầy tội lỗi, thì cứ để cho nó qua đi. Như thế là chúng ta đang sống trong tuyệt vọng, không còn tin vào ai nên cứ ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối, điều này khiến Chúa không hài lòng chút nào.

29/ Tại sao ta phải sống tích cực ? Thái độ này giúp chúng ta hướng lòng mình lên Chúa, phải biết chấp nhận nó, phải biết thắp lên một ngọn nến. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-su nói : các con là ánh sáng thế gian, không ai đốt đèn rồi để ở đáy thùng, nhưng phải để ở trên giá cao, để nó soi sáng cho mọi người.

30/ Làm sao chúng ta có thể đốt đèn lên được ? Vì thế giới đang quá tăm tối nên chúng ta phải cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ mang lại cho chúng ta niềm hy vọng, mà hy vọng chính là sự sống, là hơi thở của linh hồn. Nếu thế giới ngày nay đang ngập tràn sự ác, thì chúng ta cần phải đốt lên một ngọn nến như vậy.

31/ Điều nào nói lên lòng khoan dung của Chúa ? Chúa cho người lành kẻ dữ sống chung với nhau, là để gây ích lợi cho nhau. Như lời Thánh Augustino nói : kẻ dữ, người lành đều là con cái Chúa, được Chúa yêu thương tất cả. Chúng ta phải yêu thương nhau và cần có thái độ bao dung mà bao dung là nhân từ, kiên nhẫn chịu đựng lẫn nhau, kiên nhẫn chịu đựng họ và tìm mọi cách để hoán cải họ.

32/ Kiên nhẫn và cam chịu có khác nhau không ? Cam chịu là đè nén cơn giận trong cay cú, thất vọng. Chúa khuyên chúng ta hãy học kiên nhẫn ở nơi Chúa. Kiên nhẫn là bình thản đợi chờ kẻ tội lỗi có cơ may ăn năn trở lại ,bằng cách cho họ thêm nhiều cơ hội.

33/ Đặc tính của Thiên Chúa là gì ? Chúa là đấng tuyệt đối thánh thiện, Chúa ghét tội nhưng lại yêu tội nhân, vì họ còn có thể ăn  năn thống hối để được tha thứ (Rm2,4). Nếu Chúa không kiên nhẫn thì chúng ta sẽ như thế nào? nên nhớ: Kiên nhẫn là do muốn giải thoát chứ không phải là dung túng.

34/ Câu chuyện thánh Anton và anh thợ giày nói lên điều gì ? Lúc đầu Ngài cho rằng: Ông thợ giày không có gì thánh thiện hơn Ngài. Vì Ngài bố thí tất cả của cải và cầu nguyện cả ngày. Còn ông thợ giày phải làm việc 8 tiếng, cầu nguyện 8 tiếng và ngủ 8 tiếng. Còn của cải thì ông thợ giày dành cho bản thân 1/3, còn 2/3 còn lại là đóng góp cho người nghèo và cho Giáo hội. Tuy nhiên có 1 điều khác biệt mà người thợ giày hơn Ngài, đó là: Ông ta sống giữa thế gian đầy gương mù, và tội lỗi. Ông luôn cầu xin cho kẻ có tội, còn thánh nhân thì lánh đi và sống nơi rừng vắng và một mình an phận với nếp sống ẩn tu. Cho nên thánh nhân phải thua !

35/ Bài phúc âm hôm nay muốn dạy điều gì ? Trong thế gian luôn có một thế lực thù địch, đang tìm cơ hội để phá huỷ những hạt giống tốt. Trong đời sống này có 2 ảnh hưởng trái ngược nhau ; 1/ Ảnh hưởng tốt giúp cho hạt giống lời Chúa được tăng trưởng ; 2/ Một ảnh hưởng xấu thì đi tìm và huỷ hoại hạt giống tốt, không cho nó phát triển và trổ sinh hoa trái. Vậy nên chúng ta cần đề cao cảnh giác.

36/ Người đời thường nói câuxanh cỏ, đỏ ngực” là gì ? Vinh quang nào cũng phải trải qua đau thương.  Muốn có vinh dự thì phải kiên trì chiến đấu. Bởi thế khi đối diện với cái ác, chúng ta không run sợ, đầu hàng, không nản chí. Hãy kiên tâm để đứng vững trong hàng ngũ con cái Chúa. Và chắc chắn Chúa sẽ đội triều thiên cho ta. Khi chiến đấu như thế, chúng ta cần có cái nhìn bao dung, quảng đại, cảm thông và luôn tìm dịp giúp họ quay trở về. Có như thế chúng ta mới đáng gọi là con của Cha trên trời. Ngài luôn cho mưa trên kẻ dữ, người lành. **R

 

Bài 3: NHẬN DIỆN SỰ DỮ

37/ Người Tây Phương có câu gì khiến Ki-tô hữu chúng ta phải suy nghĩ? Họ thường bảo: “Một vị Thánh buồn là một vị Thánh đáng buồn” Bởi thế niềm vui trên gương mặt phải là nét chính yếu trên khuôn mặt của một Vị Thánh/

38/ Những nụ cười trong Cựu Ước : Cựu Ước vẫn nói : “Thiên Chúa là Đấng làm hoan lạc tuổi xuân tôi” Nếu ta đi được vào tận cõi lòng Ngài là ta đã tìm được nụ cười muôn thuở của Ngài. Nụ cười vừa thể hiện một niềm vui mà còn nói lên mặt khác của hoàn cảnh bi đát/ Chúng ta hãy nhìn vào nụ cười của bà Sara vợ của Abraham /giữa cảnh già nua nhưng phải chịu son sẻ / khi Thiên Chúa báo cho biết Bà sẽ thụ thai trong lúc tuổi đã già, bà liền bật cười trong cay đắng.

39/ Tại sao nụ cười lại mang điều nghịch lý? Thiên Chúa vẫn khơi dậy những nụ cười như thế ,bởi vì tư tưởng, cũng như đường lối của Chúa lại xem ra là những nghịch lý đối với con người. Chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống, những lời rao giảng, cái chết nhục nhã và sự phục sinh của Chúa như là những điều nghịch lý trước mặt thế gian/

40/ Những nghịch lý trong Tân Ước: Đang khi người đời chạy theo tiền bạc, địa vị, danh vọng, thì Chúa Giê-su lại tuyên bố: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó” Trong khi người đời thích gây bạo động và gieo rắc hận thù thì Chúa Giê-su lại truyền dạy: “Phúc cho những ai ăn ở thuận hòa”/ Đang khi người đời cho cái chết là điều bất hạnh tột cùng, thì Chúa lại dạy điều đó như là : “Khởi đầu của Ơn phúc, là cửa ngõ dẫn vào cõi sống!”

41/ Những nghịch lý từ Nước Trời : Qua đoạn tin mừng, chúng ta thấy thêm nhiều điều nghịch lý về Nước Trời : Hạt cải nhỏ bé lại mọc lên thành cây to/ Một nhúm men ít ỏi nhưng sẽ làm dậy cả thúng bột/ Hai hình ảnh này nói lên sức mạnh của Nước Trời mà Chúa Giê-su muốn thể hiện qua Giáo Hội của Chúa/

42/ Khởi đầu từ Giáo Hội như thế nào? Giáo Hội bắt đầu từ một nhóm người nhỏ bé, dần dần Giáo Hội quy tụ lại hết mọi dân tộc trên thế giới. Giáo Hội được xây dựng từ một đám dân chài dốt nát; Ngày nay, Giáo Hội đã trở thành phổ quát/ Trải qua bao nhiêu cuộc bách hại mà Giáo Hội vẫn đứng vững đến hôm nay/

43/ Từ đâu chúng ta có thể tìm được nụ cười của Thiên Chúa? Là con cái Giáo Hội chúng ta được mời gọi phải đặt tất cả vào niềm tin tưởng vào Chúa, Chúng ta luôn tiến bước trong sự quan phòng và phù trợ của Chúa/ Cho dù trải qua bao gian nan thử thách, chúng ta luôn xác tín rằng : “Với những ai yêu mến Chúa, thì Ngài sẽ làm cho mọi sự đều quy về sự thiện hảo”. Với niềm tin tưởng ấy, chúng ta đã tìm được nụ cười muôn thuở của Thiên Chúa /

44/ Thái độ khó hiểu của ông chủ ruộng : Thái độ của ông chủ ruộng trong Tin Mừng xem ra quá bất hợp lý/ Thật vậy, đâu có ông nông dân nào mà lại không chịu khó xịt thuốc, làm cỏ, mà để cho cỏ dại mọc xả láng trong ruộng của mình/

45/ Nhưng tại sao đó lại là thái độ hợp lý? Nếu chúng ta hiểu rằng : Ông chủ ruộng ấy chính là Thiên Chúa và cỏ lùng chính là những con người tội lỗi/ thì chúng ta thấy cách cư xử này lại quá tuyệt vời / Vừa đúng lại vừa hợp lý/

46/ Thiên Chúa đồng lõa, nhu nhược hay quá nhân hậu? Quả là đúng khi Ngài không đồng lõa với kẻ tội lỗi/ Nhưng Ngài đã đối xử với họ theo lòng khoan dung nhân ái/ Ngài đang đợi chờ kẻ tội lỗi ăn năn sám hối và chừa cải/

47/ Vì sao Thiên Chúa cần phải khoan dung nhân hậu? Nếu Thiên Chúa tiêu diệt sự ác ngay bây giờ thì chắc chắc không ai trong chúng ta có thể sống sót/ Bởi vì như lời Thánh Vịnh diễn tả => Từ trong lòng mẹ, tôi đã là tội nhân nên khi vừa mới sinh ra là tôi đã mắc tội rồi /

48/ Vì sao Thiên Chúa nhẫn nại? Chúng ta đều biết Thiên Chúa là tình thương mà tình thương thì nhẫn nại, nên Thiên Chúa luôn chờ đợi sự thiện chí hoán cải của mỗi người/ Đồng thời người còn ban ơn nâng đỡ họ trên đường đời, để rồi cuối cùng ngày công phán mới tới, đó là ngày tuyệt đối xét xử công minh/ Sau đó không ai có thể trách cứ Ngài : Là sao Ngài không dủ lòng xót thương?

49/ Tại sao chúng ta phải luôn cố gắng => Nếu Thiên Chúa không đồng lõa hay dung túng sự ác thì chúng ta không được phép thở dài, ngao ngán, thất vọng, buông xuôi/ Nhưng phải cố gắng trở thành người tốt để cộng tác với Ngài trong công việc xây dựng Nước Trời/

50/ Chúng ta nên làm gì trước tiên? Trước tiên chúng ta phải nhận diện sự ác, tiêu chuẩn để chúng ta nhận diện sự ác/ Là chúng ta đừng vì những sở thích riêng tư, nhưng phải vì Tin Mừng, sống đúng với những gì mà Chúa đòi hỏi/

51/ Nhờ đâu chúng ta có thể nhận diện sự ác? Nhờ tiêu chuẩn của Tin mừng chúng ta mới có thể nhận ra đâu là dấu chứng của sự ác đang hoành hành trong tâm hồn mọi người, cũng như trong thế giới hôm nay/

52/ Đâu là dấu chứng của sự ác? Là sự kinh rẻ nhau giữa người với người, là cướp đi quyền sống, là thờ các loại ngẫu tượng như : Tiền tài, quyền lực, lạc thú / Là sống trong ảo tưởng khi cho rằng khoa học có thể đáp ứng được mọi thứ, là đánh mất niềm hy vọng, đánh mất tương lai/ là đánh mất chính mình không còn biết rõ con người mình là thế nào nữa/

53/ Khuôn mặt của sự ác như thế nào? Sự ác có thể ẩn dấu dưới nhiều khuôn mặt/ Thông thường là những khuôn mặt thật dễ dương, quyến rũ và đầy hấp dẫn/ Có như thế nó mới đánh lừa được mọi người/**R

 

Bài 4: TẤT CẢ ĐỀU LÀ HỒNG ÂN

54/ Sự ác hiện diện ở đâu? Sự ác hiện diện trên khắp thế giới, hiện diện trong cộng đồng nhân loại, mà còn hiện diện trong chính cõi lòng của mọi người/ Bởi thế Chúa Giê-su ví cõi lòng của chúng ta như một thửa đất ,trong đó có cỏ lùng đang mọc xen lẫn với lúa tốt/

55/ Làm sao để hạt giống lời Chúa nảy mầm? Muốn hạt giống lời Chúa nảy mầm, chúng ta phải cố gắng kiện toàn bản thân và thực hiện đúng những giá trị Tin Mừng trong chính đời sống của chúng ta/ Bởi vì muốn góp phần vào việc kiến tạo Nước Trời, chúng ta cần phải khởi sự từ chính bản thân chúng ta, để Lời mà Chúa gieo vãi sẽ nảy mầm, lớn lên và đâm bông kết trái/

56/ Dụ ngôn cỏ lùng muốn dạy chúng ta điều gì? Dụ ngôn cỏ lùng là một trong những dụ ngôn hiếm hoi mà chính Chúa Giê-su đã giải thích rõ ràng/ Điều đó góp phần hữu ích cho đời sống đạo của chúng ta/ Dụ ngôn nhắc chúng ta về sự hiện diện của ma quỷ/ chúng luôn có mặt để gieo rắc cái ác, cái xấu/

57/ Chúa Giê-su đã chuẩn bị thửa ruộng như thế nào? Chúa đã chuẩn bị  những thửa ruộng tốt, đó là thế giới, là Giáo Hội, là tâm hồn mọi người/ Chúa đã gieo hạt giống tốt, hạt giống Lời Chúa. Là ơn Chúa, là thiện chí, là những ý hướng cao đẹp vào trong tâm hồn con người/ Nhưng ma quỷ cùng lúc đã gieo vào đó hạt giống xấu/

58/ Chúa đã gieo vào thứ hạt giống gì? Chúa gieo vào thứ hạt giống khát vọng hòa bình, một thứ hạt giống huynh đệ thắm đượm tình người/ một thứ hạt giống mà huynh đệ cùng nắm tay nhau/ Nhưng tiếc thay, cánh đồng đang tươi tốt lại mọc lên những thứ cỏ của tham vọng, ích kỷ, ác độc ,làm hoen ố tất cả/ Lịch sử thế giới được ghi lại bằng những trang buồn, bởi ngày nào cũng có chiến tranh, chết chóc.

59/ Làm sao để có một thế giới tươi đẹp? Thế giới sẽ tươi đẹp nếu mọi người đều dùng trí thông minh, dùng tài nguyên, dùng mọi năng lực để góp phần xây dựng, nhưng tiếc thay mọi người đều nỗ lực dùng trí thông minh, dùng tài nguyên, dùng năng lực để hủy hoại, để tha hóa, để làm cho thế giới trở thành nô lệ cho mọi thứ nhu cầu!

60/ Cỏ lùng đang mọc ở đâu? Cỏ lùng đang mọc trong cõi lòng của mỗi người/ Không thiếu những sáng kiến, những chương trình mà lúc đầu xem ra rất tốt đẹp/ Nhưng dần dà làm vẩn đục tàn phai, bị biến tướng trở thành những thứ nặng mùi trần tục, khoe khoang, hư danh, lợi lộc trần thế/ Đó chính là hạt cỏ xấu mà ma quỷ đã gieo vào/

61/ Dụ ngôn cho ta thấy điều gì? Dụ ngôn cho ta thấy lòng kiên nhẫn và sự bao dung rộng lượng của Thiên Chúa/ Chúa chờ đợi vào ngày tận thế mới cho thu lúa cùng với cỏ lùng/ Chúa chờ vì Ngài luôn hy vọng người tội lỗi sẽ ăn năn sám hối/ Chúa không nỡ trách phạt họ ngay bây giờ /

62/ Chúa tin tưởng vào điều gì? Vì yêu thương nên Chúa tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt/ Chứ nếu Chúa phạt ngay thì chúng ta đâu còn dịp để chiêm ngưỡng ông Thánh trộm lành/ Nếu Chúa thẳng tay thì ta đâu có Thánh nữ Madalena => Tông đồ của các tông đồ/ Thánh Augustinô, vị tiến sĩ lừng danh/ Thánh Phaolô => Tông đồ dân ngoại/ Nếu Chúa chấp tội thì bản thân chúng ta là người bị phạt đầu tiên/ Vì trong tâm hồn chúng ta đầy tội lỗi xấu xa/ Trong tâm hồn chúng ta cũng mọc đầy cỏ lùng/

63/ Dụ ngôn cho ta biết điều gì?Dụ ngôn cho ta biết tất cả đều là Hồng ân của Thiên Chúa/ có sự lành để ta nhận biết sự lành của Thiên Chúa mà ước ao, quí chuộng/ Có sự dữ để ta gớm ghét, tránh xa và càng thêm gắn bó với Chúa/ Có sự lành để ta hưởng nếm sự ngọt ngào, có sự dữ để ta phấn đấu, vượt qua và luôn chứng minh lòng mình trung thành với Chúa/ Có thuận lợi để ta tiến bước trên đường nhân đức/ Có khó khăn để ta rèn luyện thêm nhân đức /

64/ Mọi sự dữ đều xem ra rất tốt cho kẻ lành, tại sao?Chúng ta hãy nhìn xem : Sự cấm đạo là sự dữ, nhưng nhờ đó mà Giáo Hội có nhiều chứng nhân anh hùng/ Đau khổ bệnh tật là những bất an trong cuộc sống, nhưng nó lại giúp chúng ta thông phần đau khổ với Chúa/

65/ Sự dữ có hữu ích như thế nào?Thánh Têrêxa đã nhìn thấy tất cả đều là Hồng Ân của Thiên Chúa, dù sự lành hay sự dữ, dù hạnh phúc hay khổ đau, dù thành công hay thất bại/ Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp, thăng tiến người lành!

66/ Chúa thì khoan dung, còn chúng ta phải làm gì? Chúa luôn khoan dung, kiên nhẫn đợi chờ để cho chúng ta có dịp ăn năn hối cải/ Chúa  đòi chúng ta cũng phải biết đợi chờ, kiên nhẫn với người khác, nhờ đó chúng ta sẽ biết cách cư xử hiền lành, độ lượng hơn/

67/ Bởi đâu có cỏ lùng? Thửa ruộng vốn chỉ được gieo giống tốt vậy mà khi mọc lên thì cỏ lùng cũng xuất hiện, Bởi đâu có người xấu, có cỏ lùng? Bởi đâu mà lòng trí ta lại vẩn đục? Đấy là do tác động của thần dữ, do sự tự do mà con người lựa chọn /là chiều theo sự quyến rũ của thần dữ/

68/ Vì sao các đầy tớ lại muốn nhổ cỏ lùng đi? Chúa có muốn chúng ta tiêu diệt kẻ xấu/ Ông chủ có muốn chúng ta nhổ hết cỏ lùng không? Ngài có muốn chúng con xây dựng Giáo Hội toàn những người tốt không? Lắm khi chúng ta là những kẻ bất toàn mà lại muốn bắt chước sự nóng nảy của Yacobê, Yoan => Đòi đốt cả ngôi làng người Samari vì họ không chịu tiếp đón Chúa/ Nhưng ông chủ trả lời : Đừng, sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, lại làm hư rễ lúa, cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt/

69/ Vì sao Chúa chịu để vàng thau lẫn lộn? Thiên Chúa để cho cỏ mọc chung với lúa ,Ngài chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn, Ngài tỏ ra nhẫn nại với tội nhân mà hình bóng của họ là cây cỏ lùng/ Cỏ lùng không bao giờ thành lúa được/ Nhưng người xấu có thể hoán cải để trở thành người tốt, chính vì thế nên Thiên Chúa cứ kiên tâm đợi chờ/

70/ Vì sao Thiên Chúa lại kiên tâm đợi chờ? Ngài chờ đợi vào sự  hoán cải của con người/ Chúa chờ đợi vì tôn trọng sự tự do lựa chọn của họ/ Chúa chờ đợi vì Ngài nuôi dưỡng niềm hy vọng/ Sự thánh thiện của Thiên Chúa nằm ở nơi sự chờ đợi/ Ngài chờ đợi cho đến tận thế/*

71/ Cỏ lùng thường nằm ở đâu? Trong thế giới, trong Giáo Hội luôn có hai hạng người cỏ lùng và lúa tốt/ Nó nằm ở con tim của mỗi người/ Lòng chúng ta thường giao du với cả cỏ lùng và lúa tốt, giữa cái thiện và ác, giữa thiên thần và ác quỷ/

72/ Tánh vị kỷ, xấu xa thường nằm ở đâu? Ngay trong những hành vi tốt đẹp nhất của chúng ta cũng tìm thấy đôi chút vị kỷ, muốn chiếm đoạt/ Thiên Chúa vẫn chấp nhận có chút cỏ lùng ở trong tôi, bởi vì tôi là thụ tạo thấp hèn/ Ngài chờ đợi tôi cố gắng thanh luyện dần dần, để rồi mong muốn cho tôi trở thành lúa tốt/

73/ Ki-tô hữu khác người thường ở chỗ nào? Theo gương Chúa Giê-su, người Ki-tô hữu không dung túng sự dữ/ Họ dám hy sinh để xây dựng một thế giới yêu thương . Nhưng Ki-tô hữu không được dùng bạo lực để chống lại kẻ ác/ Họ nhẫn nại mong biến đổi trái tim của kẻ thù / Vì họ tin vào sức mạnh của tình yêu/ Họ tin vào Chúa Giê-su, Đấng đã từng bị sự chết nuốt chửng, thế nhưng cuối cùng Ngài đã là Đấng toàn thắng/ Như Tiên Tri Yona trong bụng cá 3 ngày mà vẫn sống /**R

 

Bài 5: THIÊN CHÚA NHẪN NẠI

74/ Ý nghĩa Dụ Ngôn “Cây lúa và Cỏ lùng”: Đây là cơ hội tốt để ta suy niệm về sự Thánh thiện của Giáo Hội. Giáo Hội như một thửa ruộng lớn, nơi đó Chủ đã gieo hạt giống tốt là sự “Thánh thiện’, nhưng người ta cũng thấy cỏ dại mọc lên là “tội lỗi”.

75/ Hạt giống tốt và cỏ dại là những ai? Muốn hiểu, ta hãy áp dụng trực tiếp vào Thế Giới:Hạt giống là thần dân vương quốc Nước Trời, cỏ dại là những ai nghe theo lời kẻ dữ (ma quỉ).

76/ Vì sao Ông chủ không chống lại kẻ dữ?Ông chủ không muốn dùng hành động mạnh để chống lại kẻdữ,vì không muốn gây tổn thương cho những ai đang cố gắng sống theo điều thiện.

77/ Làm sao trong Giáo Hội lại có sự lẫn lộn “lành, dữ”? Tự bản thể thì Giáo Hội là Thánh thiện trong cội rễ, trong nhựa sống, trong sự tăng trưởng. Nhưng Giáo hội lại được tạo cho những con người có tội. Giáo Hội được bắt nguồn từ Đức Kitô, nhựa sống lại là nguồn sống của Đức Kitô;qua Giáo Hội, nhân loại lớn lên trong Đức Kitô.Nhưng nhân loại lại làm bằng những con người yếu đuối,Một đàng những con người ấy như những gié lúa mà không thể nào chín ngay được, không ai có thể hoàn thiện trong tình trạng tội lỗi hiện thời.

78/ Tại sao hạt giống tốt lại có thể trở thành cỏ? Đàng khác, hạt giống tốt của Thiên Chúa phát triển hay không ,lại còn tùy thuộc vào sự tự do của mỗi người, nên nó cũng có thể trở thành hạt giống của ma quỉ. Giáo Hội luôn chịu sự giằng co từ bên trong, khi mà Thánh thiện vừa nhờ vào động lực của nguồn gốc mình, vừa khổ vì tội lỗi của những con người hợp thành mình.

79/ Chúa Giê-su Thánh thiện, nhưng Giáo hội sao toàn là tội nhân? Đó là một sự kiện lạ lùng, bởi vì không ai có thể bắt bẻ Đức Giê-su một tội nào; trong khi Giáo hội lại làm bằng tội nhân. Nhưng cũng nói luôn rằng: “Đức Kitô cấu tạo một Hội Thánh Thánh thiện bằng sức mạnh ơn Thánh hóa của mình”.

80/ Giáo hội Thánh thiện nhờ đâu? Nhờ kết hợp với Đức Kitô, nhờ Giáo lý của Ngài, nhờ các phép Bí Tích và cũng nhờ năng lực Thánh thiện đang biến cải những người tội lỗi.

81/ Hội Thánh được ví như điều gì? Giáo Hội như một linh hồn Thánh, đã không ngừng cố gắng hồi sinh từ một thân thể bệnh tật và đầy thương tích. Điều đáng ngạc nhiên không phải là việc Giáo hội đang gặp khốn cùng vì tội lỗi, nhưng là nghị lực của Giáo hội nhờ ơn Chúa để thúc đẩy sự Thánh thiện.

82/ Nhìn Giáo Hội toàn diện như thế nào? Khi đề cập đến những khiếm khuyết bên trong Giáo Hội (các lầm lỡ, các lạm dụng, các sai lầm,…), người ta thường nghĩ đến Giáo Hội hiện tại hay trong quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên nghĩ đến một Giáo Hội toàn diện, từ khởi sự tiến đến hoàn thành, như Giêrusalem mới ở trên trời mà Thánh Yoan đã nói đến.

83/ Tại sao Thiên Chúa không loại trừ hết mọi cái xấu? Sẽ là một điều may phúc lớn lao, nếu như Thiên Chúa loại trừ khỏi chúng ta: những kẻ phá thai, những đứa trẻ vô giáo dục, những tên nát rượu, những trùm du đãng, những tên giết người, những nhà độc tài, những người lạm dụng và bóc lột kẻ khác… Nhưng điều đó sẽ không xảy ra!

84/ Sách Khôn Ngoan nói với chúng ta điều gì? Sách Khôn Ngoan nói rằng: Thiên Chúa ban cho loài người niềm hy vọng, người cho phép và đợi chờ họ thống hối tội lỗi. Nói cách khác, Thiên Chúa luôn chờ đợi và Ngài luôn tôn trọng sự tự do của chúng ta.

85/ Khi ban sự tự do cho chúng ta, Thiên Chúa phải chịu đựng thứ gì? Người coi sự tự do của chúng ta là một tặng ân quý giá, khiến Người phải chịu đựng sự dữ, ít nhất là cho đến ngày phán xét.

86/ Ý nghĩa của sự tự do: Thiên Chúa không bắt buộc ai phải tránh sự dữ và làm điều lành, nhưng Người muốn cho tất cả chúng ta có đủ thời giờ để hiểu , để thống hối, và thay đổi cuộc sống của chúng ta.

87/ Cây Lúa mì và Cỏ lùng, phân biệt thế nào? Loại Lúa mì được trồng nhiều ở vùng Palestina , lúc còn nhỏ rất khó phân biệt với cây cỏ. Đây là một sự thật ẩn trong câu dặn dò =>Khi nhổ cỏ, các anh sẽ nhổ cả lúa mì lẫn trong cỏ; chỉ khi hai thứ lớn lên, cây lúa trổ đòng, lúc đó mới dễ phân biệt.

88/ Quyền kết án thuộc về ai? Chúng ta có thể dễ dàng xét đoán một người nào đó, hay một điều gì là sự xấu mà ta chịu đựng nó và không thể chấp nhận được theo quan điểm của chúng ta=>Đó có thể là một sai lầm nghiêm trọng.Sự thật là chúng ta không có quyền xét đoán tội lỗi của bất cứ ai, vì quyền này luôn thuộc về Thiên Chúa.

89/ Một thực tế từ việc phá thai: Phá thai là một trọng tội mà Cộng đồng Vatican II lên án gắt gao. Tuy vậy, có những người phá thai nhưng lòng vẫn chưa dứt khoát (mù mờ, lẫn lộn hoặc bị ép buộc,…). Trong trường hợp đó thì tội được giảm nhẹ theo một cách nào đó.*

90/ Hành động là xấu hay là con người xấu? Đây là một tai họa cho xã hội, khi người ta từ chối trách nhiệm và dự định bào chữa cho mọi loại tội xấu xa.Từ đó, chúng ta không có quyền kết án cho người nào, vì chỉ có hành động mới xấu xa mà thôi.

91/ Gương mù trong Giáo Hội: Thực tế luôn rắc rối vì ngay trong Giáo Hội, dù được mọi người cho là Thánh thiện, nhưng chúng ta luôn có kinh nghiệm về những gương mù, gương xấu. “Có những cỏ dại ngay trong cánh đồng của Giáo Hội”, những gương mù ấy sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên, vì như Mười hai Tông đồ mà chính Chúa Giê-su đã chọn cũng có một người phạm tội phản bội đấy thôi .

92/ Tại sao Chúa không loại trừ Yuđa? Chúa không loại trừ Yuđa dù khi đã phát giác ra những hành động gian dối hay những tư tưởng xấu của ông. Người không nhổ bỏ cây cỏ (là Yuda) ra khỏi những Tông đồ khác (là các cây lúa mì).

93/ Cách xử sự của các lãnh đạo thế gian:Các lãnh đạo quân đội hay các kẻ cầm đầu chính trị, thì sẽ loại trừ kẻ thù của mình ngay khi vừa phát giác ra họ. Nhưng Thiên Chúa thì không làm như thế! Cách xét xử của Thiên Chúa được diễn tả trong bài Thánh Vịnh của chúng ta: “Lạy Chúa, Chúa là Đấng nhân từ và hay tha thứ”.

94/ Đặc tính của Thiên Chúa là gì? Chính chúng ta may mắn khi có một Thiên Chúa nhân từ. Ai ở trong thế gian này mà lại là người vô tội? Ai có thể là Lúa mì sạch mà không có pha một chút cỏ dại?

95/ Ai là người trong sạch trước mặt Chúa? Chúng ta đâu muốn Thiên Chúa đem chúng ta ra khỏi thế gian để đối diện với một Thiên Chúa công minh, chính trực, khi mà đời sống của chúng ta còn đầy cỏ dại không ?

96/ Khi đến rước Chúa, chúng ta có hoàn hảo không? Chúng ta phải nhận biết rằng, Chúa mời gọi chúng ta đến dự tiệc Thánh Thể là dấu hiệu lòng Ngài kiên nhẫn. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải hoàn hảo trước khi nhận lãnh Mình Thánh Chúa khi hiệp dâng Thánh Lễ.Chúng ta nên ý thức rằng, đó không phải là một phần thưởng nhưng là một ân huệ giúp ta nên tốt hơn.

97/ Thiên Chúa đã kiên nhẫn thế nào? Thiên Chúa đã kiên nhẫn với hết mọi người trong cuộc sống đầy đấu tranh này, Người cũng kiên nhẫn với hết mọi người nên mới để cho đến ngày tận thế Người mới sai các Thiên Thần đi gom hết cỏ lùng mà đốt đi, còn lúa thì Ngài thu vào kho lẫm.

98/ Câu chuyện Thầy dòng Sébastien: Thầy thường đến cầu nguyện tại một Nhà nguyện vắng vẻ trên núi, nơi đây dân chúng tôn kính Thánh Giá Chúa với khẩu hiệu là “Chúa ban ơn”. Dân chúng rất tin tưởng nơi này nên thường đến đây xin ơn. Một hôm, Thầy cũng đến đây, chân thành quỳ trước tượng Thánh Giá và cầu nguyện rằng : “Lạy Chúa, con ao ước được chia sẻ khổ đau với Chúa, xin cho con được thế chỗ Chúa trên Thánh Giá”, rồi Thầy quỳ yên lặng, mắt nhìn lên Thánh Giá, để mong được đáp lời. Một lúc lâu sau, Thầy mới nghe từ trên Thánh Giá có tiếng phán bảo: “Được, ta bằng lòng cho con thế chỗ, nhưng với một điều kiện: Bất cứ điều gì xảy ra mà tai con nghe, mắt con thấy, con buộc phải giữ im lặng, không được nói năng gì hết”.

99/ Khi Thầy đã hứa, Chúa Giê-su bèn cho Thầy thế chỗ. Ngày qua ngày, dân chúng vẫn đến đó cầu nguyện trước tượng Thánh Giá, nhưng không ai hay biết về việc đổi chỗ giữa Chúa Giê-su và ông Thầy Sébastien. Một hôm, có một ông Phú hộ đến quỳ cầu nguyện. Xong, ông đứng dậy ra về, bỏ quên lại dưới ghế một túi đầy những đồng tiền vàng. Thấy vậy, Thầy vẫn yên lặng. Một lúc sau, có người nghèo đói vào nhà Nguyện, ông ta vui mừng trố mắt nhìn vào túi tiền, tưởng là của Chúa ban cho, rồi xách túi tiền ra về. Kế đó, có một thanh niên vào quỳ gối khẩn nguyện, xin ơn che chở vì phải đi xa bằng tàu thủy. Khi chàng thanh niên vừa bước ra thì gặp ngay ông Phú hộ trở lại tìm túi tiền, không tìm thấy nên ông nghĩ là chàng thanh niên đã lấy trộm nên điệu chàng đến đồn cảnh sát. Không thể cầm lòng được nữa, Thầy Sébastien hô lớn tiếng: “Đứng lại!”. Mọi người ngạc nhiên dừng lại và nghe Thầy phân trần sự việc. Sau đó ông Phú hộ ra đi tìm người nghèo đói kia để đòi lại túi vàng, chàng thanh niên cũng vội ra đi cho kịp chuyến tàu. Khi không còn ai trong nhà Nguyện, Chúa Giê-su lên tiếng phán bảo thầy Sébastien“Con hãy xuống ngay khỏi Thập Giá, con không xứng đáng thế chỗ cho ta, vì con đã không biết giữ im lặng như lời đã hứa”. Thầy Sébastien vội vã phân trần: “Nhưng làm sao con có thể chịu đựng được cảnh bất công đó?”.

100/  Vì sao chúng ta thường nóng vội? Nhiều khi chúng ta hay nóng vội trước cảnh kẻ tốt người xấu sống lẫn lộn, Cỏ dại và Lúa mọc chen nhau trong cánh đồng Thế giới. Chúng ta tự đặt câu hỏi: Liệu Chúa có muốn chúng ta nhổ cỏ vứt đi không? Chúa có muốn chúng ta tiêu diệt hay trục xuất kẻ gian ác, tội lỗi ra khỏi cộng đoàn không? Chúa trả lời: “Cứ để đấy…”.

101/  Do Thái và các Môn đệ Chúa thắc mắc điều gì? Họ thắc mắc: Làm sao trong nước Trời, nước của Thiên Chúa lại có thể lẫn lộn giữa Lúa tốt và Cỏ dại? Làm sao chính Chúa Giê-su rao giảng “nước Trời đang đến rồi” mà chẳng thấy những hiện tượng tiên báo được ứng nghiệm,là những người gian ác, tội lỗi phải bị tiêu diệt. Riêng Ngôn sứ Isaia cũng mơ ước và loan báo một dân Chúa chỉ toàn những người công chính (Is 60,31). Yoan Tẩy Giả cũng loan báo ngày Đấng Mêsia xuất hiện, Ngài đang cầm sẵn chiếc nia trong tay để rê rạch lúa trong sân, Lúa tốt thì Ngài thu vào kho lẫm, lúa lép, trấu rác thì Ngài sẽ đốt bằng lửa không bao giờ tắt (Mt 3,12).

102/  Chúa Giê-su đã làm sai điều gì? Không lẽ Chúa Cứu Thế làm sai? Chúa chẳng tiêu diệt người tội lỗi, mà lại còn lo cứu gỡ họ; Chúa cứu gỡ những người phụ nữ ngoại tình, Chúa cứu tất cả những người mà thế gian cho là Trời phạt nhãn tiền, đến độ phải mang tật nguyền từ khi mới sinh ra như: đui mù, què quặt, câm điếc, cùi hủi,… mà ai cũng xa lánh.

103/  Chúa Giê-su đã xử sự thế nào với kẻ tội lỗi? Đáng lẽ Chúa chỉ nên cho phép một ít người có chức vụ cao, giàu sang mới được ngồi chung bàn tiệc với mình, thì Chúa lại đi lân la nhậu nhẹt với những kẻ tội lỗi và bất lương. Đối với kẻ thù, đáng lẽ Chúa không đội trời chung, phải tiêu diệt tận gốc rễ mới phải lẽ, mới đúng đạo. Đàng này, Chúa lại bảo phải cầu nguyện cho họ, thậm chí còn buộc chúng ta phải yêu thương họ.

104/  Ai là Quan án xét xử? Với dụ ngôn Cỏ lùng trong ruộng Lúa, Chúa đã trả lời bằng những giải đáp sâu sắc, đã Mạc Khải cho chúng ta biết tâm tình của Thiên Chúa.Ngoại trừ Đấng thấu suốt tâm can con người, thì không ai có quyền tự phong cho mình chức vụ Quan tòa mà xét xử anh em: “Ai là Lúa tốt, ai là Cỏ lùng”.

105/  Con người phải đối xử với anh em như thế nào? Bao lâu chúng ta còn đang sống, chúng ta còn dùng sự tự do để lựa chọn hành động, thì con người cũng chưa đạt đến mức độ vững vàng để cho rằng mình đã hết hẳn tật xấu, hoặc đã dứt khoát trở thành kẻ ác. Quá nóng vội để kết án anh em là một hành động trái ngược với tấm lòng quảng đại, với chương trình cứu độ của Thiên Chúa như:Đòi nhổ cỏ lùng giữa mùa Lúa đang đơm bông, đòi làm Thầy dạy cho Thiên Chúa, đòi phá hoại cả đồng Lúa và phá mùa gặt của Ngài.

106/  Ý nghĩa của Dụ Ngôn hạt cải: Theo như lời diễn giải của Chúa Giê-su thì cài là một loại cây có khả năng phát triển kỳ diệu, đến độ trở thành cây lớn cho chim trời về xây tổ, để nói về điều kỳ diệu trong tương lai của Nước Trời.

107/  Ý nghĩa nhúm men trong thúng bột: Dụ Ngôn này cũng có ý nghĩa tương tự, một chút men không đáng kể so với số lượng bột trộn chung, đủ cho trăm người ăn no. Số lượng men thật khiêm tốn, có sức tác dụng thầm lặng, nhưng hiệu quả vô cùng mãnh liệt.

108Ý nghĩa của cả hai Dụ Ngôn: Hai Dụ Ngôn cùng mang một đường lối, một chủ trương: Nhỏ bé ở bước đầu thầm lặng, nhưng tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt, vượt xa mọi ước đoán và chiến thắng mọi sức cản của thù địch !

109/  Ý nghĩa sự kiên trì của Thiên Chúa: Yếu tố chủ yếu là thời gian và tình thương của Thiên Chúa, Thiên Chúa kiên trì đợi đến mùa gặt mới cho nhổ Cỏ lùng. Chúa kiên trì chờ đợi người tội lỗi trở về.Thời gian kiên trì là tạo điều kiện để cho cây Lúa đủ thời gian để nuôi hạt, cho hạt cải thành cây, cho nhúm men dậy nở thúng bột, cho mầm sống được nhân lên, để hạt Lúa trở thành tấm bánh nuôi con người. Chúng ta phải tin tưởng, cố gắng / còn Thiên Chúa thì kiên nhẫn đợi chờ, để hai bên cùng có lợi.**R

 

TÓM Ý

1/ Tại sao lại có những nụ cười nghịch lý? Sara vợ của Abraham khi nghe Chúa báo tin vui là bà sẽ có thai con trai, bà đã cười cay đắng, bởi bà là người son sẻ.

2/ Đường lối của Chúa có gì bất hợp lý không ? Tư tưởng và đường lối của Chúa:Nếu ta không suy xét cặn kẽ, chúng ta sẽ cho nó là bất hợp lý=>Hãy nhìn vào đường lối cứu độ của Chúa Yesus.

3/ Những điều nào nghịch lý trong Tân Ước ? Người ta ai cũng cần tiền thì Chúa lại chúc phúc cho những ai nghèo khó. Trong khi Thế giới đang xử sự với nhau theo kiểu “ăn miếng trả miếng” thì Chúa lại chúc phúc cho những ai ăn ở thuận hòa. Trong khi thế gian ai cũng sợ chết thì Chúa lại bảo chết là đi vào cõi sống=> Hạt cải nhỏ bé lại lớn lên thành cây to, chút men lại có thể làm dậy cả thúng bột, Cỏ lùng lại để cho sống chung với Cây lúa.

4/ Giáo hội có gì xem ra bất hợp lý? Giáo Hội được thành lập:Khởi đầu từ một nhóm người nghèo hèn, dốt nát.Thế mà ngày nay đã trở thành một Giáo Hội phổ quát, toàn cầu=> trải qua bao cuộc bách hại, thế mà Giáo hội vẫn đứng vững.

5/ Chúa bảo chúng ta điều gì? Chúng ta là con cái Chúa, hãy đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa, hãy làm theo ý Chúa thì mọi việc sẽ thành công tốt đẹp.

6/ Ông chủ ruộng có gì khó hiểu ? Thái độ quá khó hiểu của Chủ ruộng:Để cho Cỏ lùng sống chung với Lúa, trong khi ý thế gian thì phải nhổ bỏ Cỏ lùng, phải tiêu diệt kẻ thù, phải loại trừ kẻ tội lỗi.

7/ Thiên Chúa đối xử như thế nào ? Thiên Chúa đối xử quá nhân hậu và hợp lý: Nếu Chúa tiêu diệt kẻ có tội thì chẳng có ai trong chúng ta còn sống, bởi vì khi chúng ta còn trong lòng mẹ ,thì đã là tội nhân đáng chết rồi.

8/ Vì sao Thiên Chúa nhẫn nại ?Thiên Chúa nhẫn nại vì Ngài là Thiên Chúa của tình thương: Thiên Chúa luôn tỏ thiện chí và nhẫn nại đợi chờ, mong con người sớm ăn ăn hối cải. Ngài đợi chờ chúng ta đến cuối đời mới lên án xét xử=> Chúa chỉ phạt những ai ngoan cố.

9/ Chúng ta phải sống thế nào? Trước tiên chúng ta phải nhận diện sự ác:Đừng sống theo sở thích riêng tư, nhưng phải sống theo tiêu chuẩn của Tin Mừng, sống đúng với ý Chúa đòi hỏi.

10/ Đâu là dấu chứng của sự ác ?Dấu chứng của sự ác:Đó là khinh người, là cướp đi quyền sống của kẻ khác, là thờ các loại ngẫu tượng, là sống ảo tưởng dựa vào khoa học kỹ thuật, là đánh mất niềm hy vọng, là chạy theo danh ,lợi, thú.

11/ Sự ác hiện diện ở đâu? Sự ác hiện diện khắp mọi nơi:Trong cộng đồng nhân loại, trong chính cõi lòng của chúng ta. Bởi thế Chúa Yesus ví cõi lòng chúng ta như một thửa đất mọc đầy Cỏ lùng.

12/ Muốn cho hạt giống Lời Chúa nảy mầm, chúng ta cần làm gì? Muốn cho hạt giống Lời Chúa nảy mầm, sinh hoa kết trái:Hãy dọn lòng chúng ta cho sạch hết mọi thứ dục vọng, tham lam, ích kỷ, cố gắng kiện toàn bản thân, mở lòng ra đón nhận và sẵn sàng thực thi điều Chúa dạy.

13/ Dụ Ngôn Cỏ lùng nhắc chúng ta điều gì? Dụ Ngôn Cỏ lùng nhắc chúng ta:Nhớ đến sự hiện diện của ma quỉ, luôn gieo rắc sự dữ, ngăn cản chúng ta làm điều lành, đặt mọi chướng ngại để chúng ta không thể đến được với Chúa.

14/ Chúa gieo loại hạt giống nào? Hạt giống Chúa gieo:Là khát vọng hòa bình, là đối xử với nhau bằng tình huynh đệ, là chia sẻ với nhau mọi ơn huệ Chúa ban, là giúp anh em đến được với Tin Mừng.

15/ Bổn phận của chúng ta là gì ?Thế Giới đang tha hóa, đang đầy tràn tội lỗi: Bổn phận của chúng ta là phải dùng trí thông minh, dùng tài nguyên, dùng năng lực, dùng thời gian để góp phần xây dựng một Thế Giới thắm đượm tình người, một thế giới công bình và thịnh vượng.

16/ Cỏ lùng có tác hại gì? Là những thứ nọc độc mà ma quỉ đang quậy vào những sáng kiến, những chương trình mà khởi đầu xem ra rất tốt đẹp. Nó làm cho mọi người xem cái tôi của mình là to lớn, làm mọi sự để cầu danh, cầu lợi cho bản thân chứ không vì Chúa, vì anh em.

17/ Ta thấy gì qua dụ ngôn này? Dụ Ngôn Cỏ lùng cho ta thấy:Sự bao dung, rộng lượng, đầy kiên nhẫn của Thiên Chúa, Chúa chờ đến ngày tận thế mới tiêu diệt kẻ thù, mới đốt Cỏ lùng, mới phán xét kẻ có tội => Chúa luôn hy vọng người tội lỗi sớm ăn năn hối cải.

18/ Nếu Chúa phạt ngay thì sao?Vì yêu thương nên Chúa tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt: Nếu Chúa phạt ngay thì ta sẽ không có dịp để chiêm ngưỡng gương mặt của ông Thánh trộm lành, cũng chẳng thấy được Thánh nữ Mađalêna, cũng chẳng có Thánh Phaolô Tông đồ, cũng chẳng có Thánh Augustinô. Ta cũng sẽ là người bị Chúa phạt trước tiên.

19/ Lợi ích nào từ sự rộng lượng ?Sự rộng lượng của Chúa:Giúp ta nhận ra sự lành, sự dữ. Sự lành để ta nếm hương vị ngọt ngào. Sự dữ để ta phấn đấu vượt qua, và chứng minh được lòng thành của ta đối với Chúa. Ta có đủ thời giờ để lập công chuộc tội là rèn luyện nhân đức.

20/ Sự dữ giúp gì cho ta? Sự dữ xem ra cũng có lợi cho ta: Hãy nhìn xem việc cấm đạo là sự dữ, nhưng nhờ đó Giáo Hội có nhiều chứng nhân anh hùng.Đau khổ bệnh tật lại giúp ta thông phần đau khổ với Chúa,để lập công đền tội.

21/ Sự dữ có lợi như thế nào?Tất cả mọi thứ xem ra là sự dữ, đều giúp ta thăng tiến, lập công. Tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa. Chúa Yesus đã đi con đường đau khổ để cứu chúng ta và cũng chỉ có một con đường duy nhất ấy dẫn ta đến với hạnh phúc nước Trời.

22/ Thiên Chúa khoan dung để làm gì? Thiên Chúa khoan dung, kiên nhẫn với ta: Dạy ta phải biết kiên nhẫn và khoan dung với anh em, giúp chúng ta biết cách cư xử hiền lành, rộng lượng hơn.

23/ Bởi đâu có Cỏ lùng ? Thiên Chúa chỉ gieo vào lòng ta điều tốt đẹp:  còn cỏ lùng là do thần dữ gieo vào Đó là do dục vọng tính xác thịt của ta hợp tác với mưu mô ma quỉ. Cũng là do chúng ta có sự tự do nhưng lại chọn làm theo lời ma quỉ.

24/ Chúa muốn chúng ta sống như thế nào? Chúa muốn chúng ta đừng nóng nảy như Yacôbê, như Yoan, muốn tiêu diệt kẻ xấu ngay, muốn nhổ hết Cỏ lùng. Ngày nào còn sống là chúng ta còn phạm tội.Làm sao có thể có được một Giáo Hội chỉ toàn là người tốt, người Thánh. Chúa đã bảo: “Đừng vội nhổ Cỏ lùng, e  làm hư luôn rễ Lúa, vả lại đâu có ai hoàn toàn tốt đâu”.

25/ Chúng ta nên noi gương ai? Chúa bảo chúng ta noi gương Chúa, hãy nhẫn nại với tội nhân vì chúng ta cũng là tội nhân. Chúng ta luôn cầu xin Chúa thứ tha, thế sao chúng ta không chịu tha thứ cho anh em, không cho anh em cơ hội. Bởi lúc trước, hôm nay, hay sau này, có thể chúng ta còn tồi tệ hơn anh em. Hãy nhìn vào gương của Phêrô, ông đã thề thốt không bỏ Chúa, rồi cũng chính ông thề thốt để chối Chúa.

26/ Lúc nào Chúa mới hết đổ máu? Chúa Yesus vẫn bị treo trên Thánh Giácho đến tận thế:Hằng ngày Máu Chúa vẫn đổ ra cách thiêng liêng trên Bàn thờ. Hằng giây, hằng phút Chúa phải chịu sự phụ bạc, vô phép của loài người trong nhà Tạm. Nếu chúng ta muốn chia sẻ nỗi khổ nhục với Chúa Yesus, chúng ta mỗi người hãy thôi, đừng phạm tội nữa, đừng làm điều xấu nữa”. Có như thế chúng ta mới chứng tỏ mình rất yêu Chúa.**R

 

Giuse Luca / Kinh Thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 1621
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  4
 Hôm nay:  164
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11350468
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top