Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 30 Thường Niên A (Giuse Luca)

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN A - 29/10/2017

ĐỀ TÀI: ĐIỀU RĂN NÀO QUAN TRỌNG NHẤT

Lời Chúa: Mt 22,34-40

 

ĐỀ TÀI : ĐIỀU RĂN NÀO QUAN TRỌNG NHẤT

 

Tung hô Tin Mừng:     Ga 14,23

Haleluia. Haleluia. Chúa nói: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 22, 34-40

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và yêu người thân cận như chính mình.

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu.

34 Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: 36 "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?" 37 Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy."

Đó là lời Chúa.

 

 NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI D HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/ Hôm nay Chúa Giesu và nhóm Phariseu tranh luận về điều gì ?

2/ Luật Do Thái có bao nhiêu điều ?

3/ Hôm nay Chúa Giê-su đưa ra điều luật nào ?

4/ Đỉnh cao của sự thánh thiện Kitô giáo là gì ?

5/ Làm đủ mọi thứ việc lành phúc đức nhưng không làm vì đức ái thì sao ?

6/ Căn bệnh thế kỷ là gì ?

7/ Phải mến Chúa như thế nào ?

8/ Con người không thể thấy Thiên Chúa vì họ không muốn thấy. Tại sao ?

9/ Thiên Chúa là ai ?

10/ Nhìn vào vũ trụ, chúng ta thấy gì ?

11/ Con người đang tiến về đâu ?

12/ Chúng ta nên tin ai ?

13/ Chúng ta có nên cậy dựa vào khoa học không ?

14/Chúa sẽ hỏi ta điều gì vào ngày phán xét ?

15/Tại sao trong gia đình luôn bất hòa ?

16/ Tại sao thế giới mãi bất an ?

17/ Mục sư Luther King tranh đấu cho ai ?

18/ Mẹ Thánh Têrêxa đã làm những gì ?

19/ Chúa Giê-su đã trả lời thế nào ?

20/ Chúa Giê-su đã làm gì ?

21/ Phải yêu người như thế nào ?

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

1/ Bối cảnh câu chuyện Phúc Âm: Sau khi nhóm SaDoc chất vấn chúa Giê-su về sự sống lại  đã bị Chúa bẻ gãy, nên không còn ai dám hỏi nữa. Nghe biết như vậy nên bọn biệt phái muốn tấn công lại cho nên một nhà thông luật lại đưa ra vấn đề khác để thử Chúa : “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất”.

2/ Luật Do Thái có bao nhiêu điều? Gồm cả thảy có 613 điều được chia thành 2 nhóm luật : Có 248 điều phải làm và 365 điều phải tránh (cấm). Đồng thời có những điều nặng, điều nhẹ. Phạm điều nhẹ thì chịu phạt, đền tội, còn phạm phải điều nặng thì có thể bị kết án tử hình. Bởi thế các nhà thông luật thường tranh luận với nhau xem điều luật nào quan trọng nhất.

3/ Điểm đặc sắc từ câu trả lời của Chúa Giê-su nằm ở chỗ nào? Trước điều khúc mắc được đặt ra, Chúa Giê-su đã đưa ra câu trả lời rõ ràng và xác đáng : Ngươi hãy kính mến Chúa hết lòng -> Đó là giới răn quan trọng nhất, nhưng giới răn thứ hai cũng quan trọng không kém: Hãy yêu thương anh em như chính mình. Chúa Giê-su đã đem giới luật yêu thương đặt ngang hàng với luật mến Chúa, đó là điểm đặc sắc nhất trong bài giảng của Chúa Giê-su.

4/ Đỉnh cao của sự thánh thiện Kitô giáo là gì? Khi đi theo chiều hướng đúng như lời rao giảng của Chúa Giê-su, các Tông đồ cũng nhấn mạnh ở điểm này. Thánh Yoan đã quả quyết rằng: Thiên Chúa là tình yêu, ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa. Thánh Phao-lô dặn dò rằng: Anh em hãy mặc lấy Đức Ái, Vì đó là nguồn mạch của sự trọn lành // như vậy mến Chúa hết lòng và yêu anh em như chính mình là đỉnh cao của sự thánh thiện là mục tiêu mà chúng ta quyết tâm theo đuổi và thực hiện ở trong cuộc sống tại trần thế.

5/ Nên Thánh là gì? Nhiều người cho rằng nên Thánh là phải làm phép lạ. Điều này không đúng vì có những vị Thánh suốt đời chẳng làm một phép lạ nào. Nên Thánh cũng không phải là vị ấy không phạm tội bao giờ.

6/ Những vị Thánh từng là những người tội lỗi: Có nhiều vị Thánh tội lỗi nặng nề như Thánh Phao-lô, Augustinô. Nên Thánh không phải là ăn chay, đánh tội, thức khuya dậy sớm, làm mỏi mòn thân xác// thực hiện những hy sinh to lớn là điều đáng khen, nhưng không phải những điều đó là cốt yếu của sự thánh thiện.

7/ Những phương tiện giúp chúng ta nên Thánh -> Nên Thánh không hệ tại ở việc đọc kinh nhiều, dài, không phải là rước lễ hằng ngày và đọc kinh lâu giờ. Thật ra những việc đạo đức này rất tốt, song đó chỉ là những phương tiện giúp ta nên Thánh chứ không phải là bản chất của sự thánh thiện hay là điều kiện tối cần.

8/ Cốt lõi của sự thánh thiện là gì? Là lòng mến Chúa, yêu người. Bất kỳ những việc gì, dù kín đáo, dù nhỏ bé đến đâu, tầm thường đến đâu, song được làm vì lòng Mến Chúa yêu người thì nó sẽ mang lại hiệu quả lớn lao cho chúng ta.

9/ Thánh Augustinô đã nói gì về lãnh vực này? Ngài nói: “Hãy yêu mến đi, rồi làm gì cũng được”. Có lòng yêu mến thì làm gì cũng thành công!

10/ Thế nào là chiếc mặt nạ của đạo đức? Có nhiều người muốn xây dựng một căn nhà đạo đức nhưng lại xây không đúng cách vì không đặt lòng mến Chúa yêu người làm nền tảng. Cho nên không bao lâu sau, chiếc mặt nạ đạo đức ấy sẽ rơi xuống. Họ chỉ là kẻ giả hình, chỉ muốn sống gian dối mà thôi. Chúa không kể thời gian lâu mau hay xét việc đó lớn hay nhỏ.

11/ Chúa xét duyệt việc lành dựa trên nền tảng nào? Chúa không đánh giá việc làm đó vất vả hay nhẹ nhàng, nhưng Chúa chỉ đo mọi hành vi của chúng ta bằng thước đo tình yêu. Chúa dùng mức độ tình yêu để đánh giá và ấn định công trạng của đời sống chúng ta. Bởi thế, yêu nhiều là làm nhiều và làm nên nhiều công nghiệp trước mặt Chúa. Chúng ta hãy nhìn vào gương sống thánh của Thánh Terexa nhỏ để thấy rõ ràng hơn.

12/ Căn bệnh nào của thế kỷ? Có một loại bệnh mỗi ngày trầm trọng hơn trong xã hội ngày nay. Đó là bệnh cô đơn, cô độc. Giữa thời buổi kinh tế thị trường, người ta đổ xô về thành phố để sống. Dân số thành phố ngày càng tăng thì chứng bệnh cô đơn càng trầm trọng hơn.

13/ Nghịch lý của một thời đại: Người ta sống cách nhau chỉ một bức tường mà không hề biết đến tên tuổi nhau. Trong một chung cư giữa người ở lầu trên và lầu dưới mà chẳng hề quen nhau. Tất cả đều muốn biến mình thành những ốc đảo, những pháo đài biệt lập. Đời sống càng chen chúc thì con người càng cảm thấy cô đơn. Thời tiết mỗi ngày thêm oi bức mà lòng người mỗi ngày càng thêm lạnh lùng , băng giá !

14/ Phương thuốc nào để chữa bệnh? Thiên hạ đối xử với nhau mỗi ngày càng thêm xa lạ lạnh lùng. Vậy đâu sẽ là phương thuốc hiệu nghiệm? Không có phương thuốc nào hiệu nghiệm cho bằng lòng mến Chúa và yêu người. Hay đúng như những gì Chúa Giê-su nói trong đoạn Tin Mừng hôm nay: Hãy yêu Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình.

15/ Vì sao hai giới răn là một? Đây không phải là hai giới răn riêng biệt nhưng chỉ là một giới răn duy nhất. Yêu người là biểu lộ hiệu quả của lòng mến Chúa. Có lòng yêu người thì mới có thể mến Chúa và ngược lại.

16/ Vì sao con người sống lệch lạc? Nguyên nhân sâu xa của chứng bệnh cô đơn chính là vì con người đã lìa xa Thiên Chúa. Con người dựa vào óc thông minh và những thành quả khoa học vừa đạt được, con người luôn muốn truất phế Thiên Chúa. Ngày xưa dân Do Thái nói : Chúng tôi không muốn nó cai trị trên chúng tôi .

17/ Vì sao con người truất phế Thiên Chúa ? Chúng ta còn nhớ khi phi thuyền Spoutnick được phóng lên không gian thành công, phi hành gia Gargarine đã tuyên bố với báo chí : ‘Từ nay sẽ không còn ai dám nói rằng : Có một Thiên Chúa điều khiển trăng sao nữa!’. Thật ra đây chỉ là một tiếng kêu của một con ếch ở đáy giếng, cũng không khác gì một anh mù xem voi !****

 

Bài 2: CHƠI TRÒ HÒA BÌNH

18/ Hãy thử so sánh quyền năng của Thiên Chúa và năng lực của loài người: Nếu quan sát và suy nghĩ thật kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng đối với chục chiếc phi thuyền nhỏ xíu, di chuyển trong một thời gian ngắn trên không trung; thì làm sao có thể sánh ví với hàng tỷ tỷ ngôi sao đang quay cuồng trên bầu trời /xem ra cũng chưa bằng một hạt cát trong sa mạc hay một giọt nước trong đại dương.

19/ Dale Carnegie đã phát biểu thế nào? Ông nói: “Về phương diện khoa học kỹ thuật, loài người đã tiến một bước khá xa, nhưng về phương diện tôn giáo và tinh thần thì con người đang đi thụt lùi, hay nói cho dễ hiểu loài người vẫn còn dậm chân tại chỗ ở thời kỳ ấu trĩ ,ăn lông ở lỗ . Chúng ta có quần áo tốt, có nhà cao hơn, có xe đẹp, chạy nhanh hơn nhưng lại thiếu thốn của ăn tinh thần // càng ngày càng mất niềm tin vào Thiên Chúa và đang quay lại với thời tiền sử ,không khác gì những con thú trong rừng.

20/ Hậu quả từ việc loại trừ Thiên Chúa: Niềm tin như sức sống, như khí trời, thiếu nó chúng ta sẽ cảm thấy bất an, căng thẳng, Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống và tình thương. Nếu không tin Chúa, chúng ta cũng chẳng thể tin vào tình người vì đâu có ai chân thành và bền bỉ như Thiên Chúa. Lòng yêu người chỉ là hoa trái của tình mến Chúa. Vì mến Chúa nên con người mới có thể làm những điều tốt đẹp.

21/ Khoa học có thể giúp gì cho chúng ta? Suy cho cùng, trước sau gì con người cũng phải quay về với Thiên Chúa. Nhà Bác học Von Braun đã tuyên bố: Nhờ những khám phá và hiểu biết về không gian, nhiều người ngày nay cho rằng chúng ta cần phải tin có Thiên Chúa, hơn hẳn những con người sống vào thời trung cổ. Càng dựa dẫm vào khoa học, con người càng bộc lộ sự hẹp hòi nông cạn của mình mà thôi.

22/ Pascal đã nói gì? Khoa học khô khan và nông cạn chỉ làm cho con người xa lìa Thiên Chúa. Nhưng khoa học khôn ngoan sẽ dẫn con người tới gần Ngài.

23/ Khi tới gần bên Chúa, chúng ta sẽ được gì? Khi đã được ở bên Chúa, chúng ta sẽ không còn cô đơn, không còn tuyệt vọng. Nhưng sẽ tràn đầy hy vọng. Thánh Vịnh 17 cũng diễn tả: “Dù có đi giữa bóng tối hãi hùng của sự chết, tôi không còn lo sợ vì có Chúa ở cùng tôi”

24/ Tại sao tôi phải yêu người khác? Vì chúng ta có chung một Thiên Chúa là Cha, nên mọi người đều là anh em. Cho nên phải yêu thương nhau, hơn nữa các hành động bác ái yêu thương còn có một giá trị vĩnh cửu, bởi vì khi giúp đỡ cho người khác là chúng ta giúp đỡ cho chính Chúa vậy.

25/ Chúa tra hỏi chúng ta về điều gì trong ngày phán xét? Chúa chỉ xét hỏi chúng ta về luật Bác Ái yêu thương rồi dựa vào đó để ấn định số phận đời đời của mỗi chúng ta.

26/ Những trò chơi mà trẻ em thường chơi: Một nhà văn Nga, Ông Masca, đi ngang qua  một sân chơi của trẻ em, ông dừng lại một chút để quan sát, thấy chúng đang chơi một trò chơi lạ, ông cất tiếng hỏi các em đang chơi trò gì?. Chúng trả lời: Bọn con đang chơi trò đánh nhau. Nghe thế: Ông gọi chúng nó đến và ôn tồn giải thích : Tại sao tụi con chỉ chơi trò đánh nhau mà không chơi trò Hòa Bình. Trò chơi chiến tranh đâu có gì hay ho đâu! Nhưng một em bé cất tiếng hỏi: Ông ơi! Trò hòa bình thì chơi làm sao, chúng cháu đâu biết!

27/ Trò chơi của người lớn là gì? Trong khi người lớn cứ chơi trò chiến tranh thì làm sao các trẻ em có thể biết chơi trò hòa bình?. Trong gia đình, cha-mẹ, anh-chị em thường bất hòa, cãi cọ, đánh nhau. Khi ngoài ngõ xóm người lớn cũng thường chửi bới, đánh nhau, làm sao trẻ em biết chơi trò hòa bình trong khi hằng ngày chúng vẫn thấy trên ti vi, trên báo chí, toàn những cảnh chiến tranh, khủng bố chém giết dã man.

28/ Thế giới đã giải quyết tranh chấp thế nào? Thế giới ngày nay chỉ muốn giải quyết những tranh chấp, những xung đột bằng bạo động, bằng mọi thứ vũ khí giết người. Cho dù thế giới cũng đang có thứ vũ khí vạn năng là tình yêu, nhưng có rất ít người muốn sử dụng.

29/ Mục sư Luther King đã ngã xuống, vì sao? Luther King là người da đen, đã sử dụng khí giới của tình yêu. Ông đã ngã gục nhưng hàng triệu người da đen đã được đứng lên làm người, ngang hàng với những người da trắng.

30/ Mẹ Thánh Terexa Calcutta đã giúp gì cho người nghèo? Mẹ Thánh Terexa đang dùng khí giới của tình yêu để những người không có nhà cửa, những bệnh nhân hấp hối nơi đầu đường xó chợ được sống, được chết như những con người. Tất cả những tấm gương trên đây là để phản ảnh cho một thứ tình yêu trọn vẹn hơn. Đó là tình yêu của Đấng sẵn sàng chết cho người mình yêu.

31/ Chúa Giê-su đã đáp lại câu hỏi như thế nào? Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã đáp lại câu hỏi của nhà thông luật Pharisêu về điều luật trọng nhất, bằng cách ghép lại hai điều luật của tình yêu: Yêu Chúa với tất cả trái tim (ĐNL 6,5) và yêu người như yêu mình (Lv 19,18).***

32/ Điều luật Chúa Giê-su đưa ra có mới mẻ không? Chúa chẳng đưa ra điều luật nào mới mẻ. Nhưng điểm độc đáo của Ngài đã vạch ra cho chúng ta thấy đâu là điều cốt yếu, đâu là cái quan trọng nhất của luật Moisen : “Yêu Chúa hết lòng và yêu người như chính mình”

33/ Chúa Giê-su đã giúp cho con người như thế nào? Chúa Giê-su đã giải phóng con người khỏi một khối lượng lớn của các điều răn là 613 điều (365 điều cấm, 248 điều nên). Để rồi tập trung vào việc tuân giữ chỉ hai điều luật chủ yếu : “Mến Chúa, yêu người” ai giữ trọn vẹn 2 điều luật ấy là đã chu toàn cả pháp luật. Vì yêu người là thước đo lòng mến Chúa. Ai không thể yêu người là kẻ mình thấy trước mắt, thì cũng không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà mắt mình không thể thấy được (1Yn 4,20) ****

 

Bài 3: LÝ DO ĐỂ SỐNG YÊU THƯƠNG

34/ Người Do Thái tuân giữ lề luật như thế nào? Người Do Thái có tới 613 điều luật. Họ lại có cách sống đạo thiên về việc giữ luật. Họ rất chi ly tỉ mỉ về mọi điều luật nên không thể phân biệt điều nào chính, điều nào phụ. Họ càng không biết điều luật nào quan trọng nhất.

35/ Hôm nay họ hỏi Chúa điều gì? Từ một câu hỏi của người Do Thái. Chúa Giê-su đã cho chúng ta biết về điều luật mến Chúa yêu người; Chúa còn nói rõ hơn cả hai khía cạnh của điều luật này.

36/ Chúng ta phải yêu mến Chúa như thế nào? Phải yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Nghĩa là phải yêu hết khả năng, hết sức lực. Phải yêu mến Chúa như thế mới đúng đô và hợp tình, hợp lý.

37/ Vì sao chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa như thế? Vì Thiên Chúa đáng yêu mến vô cùng. Chúa là nguồn mạch mọi ơn và mọi sự thiện hảo. Ở nơi Ngài chúng ta mới biết được ngài là đấng toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ. Tình yêu ở nơi ngài không có chút tì vết, khiếm khuyết. Trong đời sống của chúng ta, ai cũng yêu mến những điều tốt đẹp, mà Chúa là đấng vô cùng hoàn hảo. Cho nên việc ta yêu mến ngài là lẽ đương nhiên. Ai có chút hiểu biết thì cũng đều yêu mến ngài.

38/ Lý do nào chính đáng hơn nữa? Chúa tạo dựng nên ta, ban cho ta muôn ơn ta có ở trên đời này là do Chúa thương. Tất cả những gì ta có được cũng đều bởi Chúa . Cho nên Chúa là vị đại ân nhân lớn nhất đời ta. Vì vậy yêu mến Thiên Chúa là lẽ phải, là lẽ tự nhiên vì đây chính là bổn phận làm con.

39/ Chúa Giê-su dạy gì về điều răn thứ hai? Yêu người, yêu người thân cận như chính mình mà Chúa Giê-su khẳng định nó cũng quan trọng như điều răn thứ nhất. Thật ra cả hai chỉ là một điều răn.

40/ Tại sao hai điều lại có thể nhập một? Yêu Chúa và yêu người chỉ là 2 khía cạnh của tình yêu. Tình yêu mà chân thật thì nó không có giới hạn, sẽ không có loại trừ, miễn trừ. Vì thế nên nếu ai yêu Chúa thì phải yêu người. Nếu tình yêu nào còn có giới hạn thì tình yêu đó chỉ là giả tạo.

41/ Làm sao để ta có thể kiểm chứng tình yêu? Tình yêu tha nhân sẽ giúp ta kiểm chứng tình yêu với Thiên Chúa. Thánh Gioan tông đồ nói : Nếu tôi yêu Chúa mà ghét bỏ anh em mình, thì tôi là kẻ nói dối vì ai không yêu thương người anh em, là kẻ mình có thể nhìn thấy, thì kẻ ấy không thể yêu mến Thiên Chúa, đấng mà họ không nhìn thấy. Và đây chính là điều răn mà ta nhận trực tiếp từ nơi Chúa Giê-su: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình (Mt 25,40).

42/ Điều nào là lý giải thực tế? Chúa nói: Ai yêu anh em là yêu chính chính Chúa. Vì Chúa luôn hiện diện trong anh em. Và Chúa cũng thường ẩn thân nơi những người anh em bé mọn. Cho nên trong ngày phán xét, Chúa sẽ nói với chúng ta rằng: Ta bảo thật cho các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho những người anh em bé nhỏ nhất của ta đây. Là các ngươi đã làm cho chính ta (Mt25,40).

43/ Vì sao điều răn yêu mến lại tóm gọn tất cả mọi điều răn? Nếu chúng ta giữ trọn vẹn giới răn yêu mến thôi. Thì không những ta đã chu toàn mọi lề luật mà còn góp phần kiến tạo, xây dựng một thế giới mới. Một thế giới chan hoà tình yêu thương, chan hoà tình người. Vì điều này chính là điểm khởi đầu của con đường lên thiên đàng mai sau.

44/ Chúng ta học được gì nơi Chúa Giê-su? Cho dù Chúa biết họ rất ghét Chúa. Cho dù Chúa biết họ đang thử Chúa, nhưng Chúa vẫn trả lời. Noi gương Chúa, chúng ta đừng đối xử quá tiêu cực, đừng xa lánh những người xấu với mình, mà không tìm cách đem lại lợi ích cho họ.

45/ Chúa Giê-su dựa vào đâu để trả lời bọn họ? Chúa Giê-su đã dựa vào thánh kinh để trả lời cho những kẻ ghét mình. Chúng ta cũng phải dựa vào lời Chúa để đối thoại với tha nhân. Nhất là những kẻ đang muốn làm hại ta.

46/ Chúa Giê-su đòi ta phải như thế nào? Chúa đòi ta phải yêu Chúa thật tình, trọn vẹn và trên hết mọi sự. Chúa cũng đòi ta phải yêu thương tha nhân như cách thế mà chúng ta yêu chính mình.

47/ Làm thế nào để kiểm tra lòng yêu Chúa nơi chúng ta? Muốn biết chúng ta có yêu Chúa hay không thì phải kiểm điểm xem chúng ta có yêu người chung quanh hay không. Ta hãy xét thái độ của ta đối với người chung quanh. Vì nếu tôi nói tôi yêu Chúa mà lại ghét anh em thì rõ ràng tôi đang nói dối (Ga4,20).

48/ Con người ta thường yêu thích điều gì? Con người ai cũng nhạy cảm về tình yêu kể cả những người không có lòng bác ái. Vì thế người ta rất dễ nhận ra tình yêu Chúa của những người đi theo Chúa: Chính vì điều này mà người ta biết các con là môn đệ ta, ấy là các ngươi có lòng yêu mến lẫn nhau (Ga13,35).

49/ Chúa Giê-su đã trăn trối điều gì? Chúa Giê-su là mẫu gương tuyệt hảo về lòng yêu mến. Chúa để lại di thư: hãy yêu mến nhau như cha yêu mến các con. Vì Người yêu mến nên đã chịu chết vì chúng ta.

 

Bài 4: YÊU ANH EM NHƯ CHÍNH MÌNH

50/ Đại ý của bài Tin Mừng hôm nay là gì? Đây là cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su với một thầy thông luật thuộc nhóm biệt phái. Chúa Giê-su đã cho ông ta biết về giới răn quan trọng nhất: Đó là mến Chúa yêu người.

51/ Bối cảnh câu chuyện là gì? Trong những năm tháng đi truyền giáo. Chúa Giê-su gặp phải nhiều chống đối. Trong đó xảy ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi giữa Chúa Giê-su và các phe nhóm chống đối về nhiều vấn đề như là:

a/ Nộp thuế cho vua Cesare (Mt 22,15-22).

b/ Kẻ chết sống lại (Mt 23,22-33)

c/ Về nguồn hốc Đức Giê-su (Mt22,41-46).

d/ Giới răn trọng nhất (Mt 22,34-40).

52/ Tại sao họ phải họp nhau lại?  Nhiều kẻ đứng lên chống lại tôi. Ở đây tác giả Mattheo đang diễn tả âm mưu của các thượng tế, kỳ lão và Caipha đồng tình muốn giết Chúa Giê-su. Họ họp lại, chúng ta có thể nghĩ đến điều không tốt sắp xảy ra (Mt2,4), (Mt 22,41).

53/ Lý do nào khiến cho phe Sadoc câm miệng? Trong lãnh đạo Do Thái giáo có nhiều phe phái khác nhau. Phái Sadoc không tin Thiên Chúa quan phòng, không tin có các thiên thần, không tin có linh hồn bất tử và có sự sống lại. Cho nên phái này tranh luận với Chúa Giê-su về sự sống lại. Họ đặt ra câu chuyện người phụ nữ lấy 7 đời chồng. Họ gián tiếp nhạo báng về sự sống lại. Nhưng Chúa Giê-su trả lời họ bằng câu kinh thánh: ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isa-ác, Thiên Chúa của Giacobe (Xh 3,6).

54/ Tại sao nhóm biệt phái lại muốn tấn công Chúa Giê-su? Khi nghe tin nhóm Sadoc đã thất bại, nhóm biệt phái lại muốn bày keo khác. Họ muốn tấn công lại nên sai một thầy thông luật đến tranh luận với Đức Giê-su. Họ thử Chúa bằng một điều răn quan trọng nhất, cũng chỉ để gài bẫy Chúa.

55/ Trong lề luật, điều nào quan trọng nhất? Ở đây họ muốn ám chỉ tất cả lề luật trong Cựu ước. Họ không nhắm chủ đích vào trường hợp nào. Nhưng ý họ là tìm điểm cốt yếu trong lề luật. Thay vì phải nhớ hết 613 điều trong đó có 365 điều cấm. Còn lại 248 điều nên làm. Ý người thông luật hỏi xem Chúa có thể đơn giản lề luật được không?

56/ Tại sao họ đưa ra câu hỏi như vậy? Bởi vì luật thì có quá nhiều điều cho nên các phe nhóm không đồng quan điểm với nhau. Về giới luật nào quan trọng nhất. Đàng khác họ cũng muốn thử Chúa để gài bẫy ngài. Nếu Ngài trả lời không ý họ thì thế nào Chúa cũng bị quy lỗi là thuộc nhóm phe này, nhóm kia, và như vậy là Chúa cũng thiên vị người này người họ, và sẽ không còn được bọn họ kính nể nữa.

57/ Chúa Giê-su đã trả lời thế nào? Để trả lời cho bọn họ. Chúa đưa ra điều luật đầu tiên của thập giới mà Thiên Chúa đã truyền cho Moisen (ĐNL 6,5). Tầm quan trọng của điều luật này không phải vì nó nằm ở hàng đầu. Nhưng vì ý nghĩa của điều luật và vì việc yêu mến Thiên Chúa là điều luật quan trọng nhất. Đến nỗi người Do Thái đã kết điều luật này thành một bản kinh mỗi ngày đọc 2 lần. Kinh này được kết thành do 3 đoạn kinh thánh : ĐNL 6,4-9/ĐNL13-21/Tv 15,36-41.

58/ Yêu Chúa hết lòng là làm sao? Ý muốn diễn tả toàn diện con người. Tình mến Chúa phải có tính cách  toàn diện nghĩa là phải động viên toàn phần con người. Ở đây có nghĩa là nó đứng đầu hết vì nó quan trọng nhất cả về hình thức lẫn nội dung.

59/  Tại sao nó lại là giới răn quan trọng nhất? Vì nó là giới răn đứng hàng đầu so với các giới răn khác. Nhưng là đứng hàng đầu tất cả nếu xét về phương diện ý nghĩa vì chính giới răn đó đem lại ý nghĩa đích thực cho mọi giới răn.

60/ Ý nghĩa của giới răn thứ hai là gì? Giới răn thứ hai không phải là giới răn hạng hai nếu xét về thứ bậc quan trọng. Nhưng nó có ý nghĩa cũng quan trọng gần như giới răn thứ nhất. Tuy tình yêu có khác đôi chút nhưng tình yêu tha nhân phải bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Và yêu tha nhân được thì mới chứng minh chúng ta yêu Chúa được, và cũng khẩn thiết như chúng ta yêu Chúa vậy.

61/ Kẻ khác và tha nhân có khác nhau không? Theo quan niệm Do Thái thì: tha nhân là những người đồng chủng, đồng hương, đồng xứ sở (Lv19,18). Còn ở đâu Chúa nói kẻ khác là Chúa có ý dạy phải yêu thương mọi người chứ không được giới hạn chỉ là đồng hương với nhau (Mt5,43). Gương mẫu của loại tình yêu này chúng ta thấy nó có ở nơi Chúa Cha, Đấng cho mặt trời soi chiếu trên kẻ dữ người lành (Mt5,45).

62/ Thế nào là yêu như yêu chính mình? Chúa Giê-su muốn đồng hoá người được yêu đồng hoá với người yêu. Vì vậy phải yêu tha nhân bằng thứ tình yêu ta dành cho chính bản thân mình.

63/ Sự quan trọng của giới luật này như thế nào? Sự quan trọng của hai giới răn này dựa trên lời cắt nghĩa, giải thích của Chúa Giê-su là Chúa tóm kết tất cả các điều luật chép trong kinh thánh. Chúa Giê-su đã ban bố giới luật mới, chính là giới luật yêu thương: Hãy yêu mến nhau như ta đã yêu mến các ngươi (Ga13,34).

 

CHÚ GIẢI

1/ Đoạn 22, câu 34: Như trong câu 12 (Mt 22,12) Câu này cũng dùng một từ Hy Lạp, có nghĩa là: “Câm miệng không nói được gì”, nghĩa đen là: “Bịt miệng, buộc rọ vào mõm”, nghĩa bóng là: Làm cho ai đó phải im lặng, phải câm miệng.

2/ Đoạn 22 câu 35: Sau khi đã chứng kiến những người thuộc nhóm Sadoc thất bại khi phải đối đầu với Chúa Giêsu. Người Pharisêu không sai người của họ tới với Chúa Giêsu nữa (câu 16). Thay vào đó họ kéo vào trong nhóm của họ một thầy thông luật. Thầy thông luật ở đây không nên hiểu theo nghĩa “luật sư” của thời nay, mà chúng ta nên hiểu là một thầy thông hiểu luật Moisen. Theo Marcô thì đó là một kinh sư (Mc12,28). Nhưng ở vào thời Chúa Giêsu thì không có sự phận biệt rõ ràng cho cả hai chức vụ này.

3/ Chữ “thử”: Không ám chỉ việc người này cố tìm ra cớ có thể dùng để tố cáo người khác trước tòa. Chữ này được hiểu theo nghĩa đơn giản là: kiểm chứng, nắn gân, thử tài, xem thử ai đó giỏi cỡ nào (1V 10,1) (2Cor 13,5) (Kh 2,2). Trong tin mừng Marcô, Chúa Giêsu đã nói với người kinh sư rằng: Ông không còn xa nước Thiên Chúa (Mc 12,34). Như vậy rõ ràng: Trình thuật Marcô cũng nói về trường hợp này (Mc 12,28)

4/ Đoạn 22, câu 36: Luật Do Thái gồm có 613 điều luật, tương ứng với 613 ký tự của thập điều. Trong đó có 248 điều luật buộc phải làm: “Anh em hãy”365 điều luật cấm không được làm “Anh em không được…”. Rồi những điều luật buộc làm hay cấm làm lại còn được chia thành những luật có mức độ nặng nhẹ, quan trọng ,chính yếu khác nhau, Chính vì sự phân chia này càng làm cho việc tuân giữ lề luật trở nên rắc rối và khó khăn hơn. Vây nên ai cũng muốn biết điều luật nào quan trọng nhất.

5/ Đoạn 22, từ câu 37-39: Chúa Giêsu không muốn đi sâu vào việc tranh luận xem đâu là điều răn trọng nhất. Chúa chỉ trích dẫn những đoạn sách quen thuộc (Đnl 6,5) và (Lv 19,18). Là những đoạn tóm lược trọn vẹn lề luật vào hai giới luật quan trọng (Đnl 6,5) là một phần của kinh Shema là tiếng Hipri có nghĩa là “Hãy nghe” là Kinh Tin kính của Do Thái giáo sau này. Đây là kinh mà mọi người nam trưởng thành phải đọc mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối.

6/ Kinh Shema đề cập trước hết đến Thiên Chúa, khẳng định Thiên Chúa là Đấng duy nhất, vì Đức Chúa Yaweh là Thiên Chúa, Đấng trung tín với giao ước và là Đấng tự mạc khải chính mình qua công việc vĩ đại mà Người thực hiện để giải thoát toàn dân, Người đã chứng tỏ sự quan tâm bằng tình thương của Người và Người đáng được các tín hữu mến yêu.

7/ Người là Thiên Chúa Êlôhim trong tiếng Hipri, xuất phát bởi một từ có nghĩa là uy quyền, quyền năng nên Người là Đấng toàn năng và là Đấng mà những kẻ theo Người có thể đặt trọn niềm tin và hết lòng yêu mến.

8/ Cụm từ: “Hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” muốn diễn tả sự quy phục, tận hiến hoàn toàn chứ không lưng chừng nửa vời. Tâm lòng là khởi nguồn cảm xúc của tình yêu, tâm hồn cũng là trung tâm của nhân cách. Như vậy yêu bằng cả tâm hồn là yêu hết linh hồn, là tình yêu thấm nhập tận xương tủy trong bản tính cũng như trong ý chí của mỗi người.

9/ Đệ nhị luật 6,5 không đề cập đến một lý trí riêng biệt, còn trong tiếng Hipri thì có nghĩa là “lòng”, được bao gồm cả lý trí, vì thế Chúa Giêsu lưu ý họ về yếu tố này.

10/ Lý trí đóng góp phần rất quan trọng để có thể yêu trong chân lý (1Yn 3,18) nghĩa là yêu đúng với ý định mà Thiên Chúa muốn tỏ bày. Cụm từ “những lời này” trong (Đnl 6,6) được hiểu là trong thập điều = Israel phải yêu mến Thiên Chúa trước, rồi sau đó mới có thể nói đến việc tuân giữ lề luật.

11/ Dù nhà thông luật chỉ hỏi về giới răn quan trọng nhất, nhưng Chúa Giêsu cũng đã cho ông biết thêm một giới răn quan trọng nữa để tạo nên sự liên hệ giữa hai điều này vốn thường bị bỏ qua. Người thân cận là người mà ta có mối liên hệ cách này hay cách khác.

12/ Người thân cận: Theo não trạng Do Thái thì từ này được hiểu là đồng bào Do Thái, mặc dù trong sách Levi chương 19 (Lv 19,34) Đức Chúa đã truyền cho họ phải yêu người ngoại kiều như yêu người đồng bào của họ. Vì họ cũng từng là ngoại kiều trên đất Ai-Cập.

13/ Đức Chúa là Đấng yêu thương, đã yêu thương họ lúc họ còn là ngoại kiều. Đức Chúa chính là Thiên Chúa yêu thương người ngoại kiều, và Người muốn dân tộc Người cũng yêu thương những người ngoại kiều như vậy. Chúa Giêsu đã nói rõ điều này trong dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,30-37)

14/ Đoạn 22, câu 40: Khi nói tới tất cả luật Moisen và các sách ngôn sứ, Chúa Giêsu muốn nói tới tất cả sách thánh (trong Cựu Ước) và cũng được chia ra làm hai phần như vẫn quen (Xem Mt 5,17 kiện toàn lề luật)

15/ Đức Giêsu cũng nói rằng: Tất cả các sách thánh (câu 37-39) đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy, giống như cánh cửa được gắn vào hai bản lề. Hai giới răn này chính là trọng tâm đáng lưu ý của toàn bộ sách thánh. Do vậy, có thể hiểu là: Mọi giới luật, cách này hay cách khác cũng đều bắt nguồn hoặc là được diễn dịch từ hai giới răn này.****

 

TÓM Ý

1/ Hôm nay Chúa Giesu và nhóm Phariseu tranh luận về điều gì ? Sau khi nhóm Sadoc tranh luận về sự sống lại và đã bị Chúa Giê-su bẻ gãy , nên sau đó không ai dám hỏi nữa, nghe biết vậy nên bọn biệt phái cử một nhà thông luật đến hỏi Chúa về điều răn trọng nhất.

2/ Luật Do Thái có bao nhiêu điều ? Luật Do Thái có 613 điều, gồm 248 điều nên làm và 365 điều cấm làm , trong đó có vấn đề nặng nhẹ phức tạp nên bọn họ muốn thử Chúa để biết điều răn nào trọng nhất.

3/ Hôm nay Chúa Giê-su đưa ra điều luật nào ? Chúa Giê-su đưa ra một điều luật quan trọng của sách Nhị luật (ĐNL 6,5) và một điều luật của sách Lêvi (Lv19,18). Đó là “yêu mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận như chính mình!”. Luật yêu người xuất phát từ luật mến Chúa.

4/ Đỉnh cao của sự thánh thiện Kitô giáo là gì ? là Đức mến Chúa, yêu người. Thánh Yoan quả quyết : Thiên Chúa là tình yêu, ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa. Thánh Phao-lô  bảo: Đức ái là nguồn mạch mọi sự trọn lành, là đỉnh cao của sự thánh thiện , chứ không phải là ăn chay, đánh tội, hãm mình phạt xác hoặc đọc kinh sách nhiều đâu .

5/ Làm đủ mọi thứ việc lành phúc đức nhưng không làm vì đức ái thì sao ? thì chỉ là đạo đức giả vì Chúa không kể thời gian lâu mau hoặc việc làm đó lớn hay nhỏ nhưng phải làm vì yêu . Chúa chỉ xét việc chúng ta làm bằng thước đo tình yêu, Chúa dùng mức độ yêu để đánh giá việc làm của chúng ta. Hãy nhìn vào đời sống của Thánh Terexa nhỏ.

6/ Căn bệnh thế kỷ là gì ? Là căn bệnh cô đơn, cô độc. Người ta sống cạnh nhau nhưng không cần biết nhau, mọi người tự sống trong ốc đảo, như những pháo đài, lòng người mỗi ngày càng thêm lạnh lùng, băng giá. Bệnh băng giá chỉ được chữa bằng thứ thuốc mến Chúa, yêu người. Hãy yêu Chúa hết lòng và yêu anh em như chính mình thì mọi thứ sẽ được sáng tỏ.

7/ Phải mến Chúa như thế nào ?Mến Chúa yêu người chỉ là một giới răn nhưng dành cho 2 đối tượng. Yêu người là hiệu quả của lòng mến Chúa, có yêu người thì mới có thể mến Chúa được. Con người sống lệch lạc nên đã xa lìa Thiên Chúa. Con người chỉ dựa vào chút kiến thức khoa học để truất phế Thiên Chúa.

8/ Con người không thể thấy Thiên Chúa vì họ không muốn thấy. Tại sao ? Họ đã nhìn thấy mọi thứ vĩ đại trong vũ trụ, trong thiên nhiên, trong bản thân  của vạn vật nhưng không muốn nhìn nhận ra Thiên Chúa là chủ tể vạn vật.

9/ Thiên Chúa là ai ? Khi so sánh quyền năng của Thiên Chúa với khả năng của loài người, chúng ta chỉ có thể so sánh mình như một hạt cát mà Thiên Chúa là bãi sa mạc, mình là giọt nước mà Thiên Chúa là đại dương mênh mông.

10/ Nhìn vào vũ trụ, chúng ta thấy gì ?Chúng ta có thể so sánh khả năng loài người với vài chục vệ tinh bé xíu bay trong không trung trong một thời gian ngắn và hàng tỉ tỉ ngôi sao khổng lồ trên bầu trời tồn tại hàng tỷ tỷ năm / đây mới chính là quyền  năng của Thiên Chúa.

11/ Con người đang tiến về đâu ? Về phương diện khoa học thì con người tiến khá xa, nhưng về phương diện tinh thần thì con người đang đi bước thụt lùi, hay nói đúng ra chúng ta đang dậm chân tại chỗ ,đang đi lùi vào thời tiền sử.

12/ Chúng ta nên tin ai ? Niềm tin như sức sống nhờ khí trời, không có Chúa chúng ta cảm thấy bất an, lạnh lẽo. Nếu chúng ta không tin Chúa thì làm sao chúng ta có thể tin vào con người, một thứ sinh vật mỏng dòn, yếu đuối lại mau chết ?

13/ Chúng ta có nên cậy dựa vào khoa học không ? Khoa học có thể giúp chúng ta nhận ra Thiên Chúa, nhưng càng dựa dẫm vào khoa học, con người càng bộc lộ sự nông cạn, hẹp hòi và mau nhận ra sự bất tài của mình. Pascal nói: “Khoa học nông cạn khô khan làm cho con người lìa xa Thiên Chúa , nhưng khoa học khôn ngoan thì dẫn con người tới bên Ngài”/ Khi đến với Chúa, chúng ta không còn cô đơn, tuyệt vọng nhưng tràn trề hy vọng.

14/Chúa sẽ hỏi ta điều gì vào ngày phán xét ? Chúa chỉ hỏi chúng ta về những việc bác ái yêu thương rồi dựa vào đó để ấn định số phận đời đời.

15/Tại sao trong gia đình luôn bất hòa ? Vì người lớn luôn bất hòa, cãi cọ nhau, chửi nhau, đánh nhau, ti vi báo chí, phim ảnh cũng đưa tin những cảnh chiến tranh, khủng bố, chết chóc. Trẻ em cũng như người lớn, ai cũng muốn được chơi trò chiến tranh, nên trẻ em không bao giờ biết đến trò chơi hòa bình.

16/ Tại sao thế giới mãi bất an ? Thế giới chỉ muốn giải quyết tranh chấp bằng vũ lực, bằng các loại vũ khí giết người, nhưng chẳng ai muốn sự dụng vũ khí tình yêu.

17/ Mục sư Luther King tranh đấu cho ai ? Mục sư Luther King suốt đời đã tranh đấu cho quyền lợi của người da đen, ông luôn mong muốn họ được sống đúng nhân phẩm con người .

18/ Mẹ Thánh Têrêxa đã làm những gì ? Mẹ Thánh Têrêxa đã dùng thứ khí giới của tình yêu, để những người nghèo khó, cùng khổ, bệnh tật có nơi nương tựa, được sống và chết như một con người.

19/ Chúa Giê-su đã trả lời thế nào ? Chúa Giê-su đã trả lời cho nhà thông luật bằng cách đưa ra điều luật của tình yêu / một  điều luật quan trọng nhất là Mến Chúa và yêu tha nhân. Chúa đã đưa ra một điều luật cũ nhưng độc đáo, là điều luật quan trọng nhất trong các sách thánh và luật Moisen, là luật trên hết các luật.

20/ Chúa Giê-su đã làm gì ? Chúa Giê-su đã giải phóng con người khỏi một số lượng lớn của lệ luật trong khi chỉ tập trung vào tuân giữ hai điều luật chủ yếu là mến Chúa, yêu người. Ai giữ trọn vẹn hai điều luật này được coi như đã chu toàn lề luật.

21/ Phải yêu người như thế nào ? Yêu người là thước đo của lòng mến Chúa, ai không thể yêu người mà mình đang nhìn thấy trước mặt, thì làm sao có thể yêu Đấng mà mình không hề nhìn thấy bao giờ (1 Yn 4,20). Coi chừng họ chỉ là kẻ nói dối. **R

 

Giuse Luca / Trưởng Nhóm Kinh Thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 1881
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  5
 Hôm nay:  1137
 Hôm qua:  7763
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11349627
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top