Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 31 Thường Niên A (Giuse Luca)

CHÚA NHẬT   31 TN  A 

ĐỀ TÀI : HÃY CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG GƯƠNG XẤU CỦA ĐÁM BIỆT PHÁI.

 

Tung hô Tin Mừng:     Mt 23,9b.10b

Haleluia. Haleluia. Anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời; anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Ki-tô. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 23, 1-12

Họ nói mà không làm.

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu.

1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: 2 "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là Thầy.

8 "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là Thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI D HIỂU BÀI TIN MỪNG

1/ Bài Tin Mừng hôm nay Chúa muốn cảnh báo điều gì?

2/ Bài sách tiên tri Malakhi muốn cho chúng ta thấy điều gì?

3/ Tại sao Chúa muốn chất vấn hàng tư tế trước?

4/ Tội của hàng tư tế như thế nào?

5/ Tội lớn nhất của các tư tế là gì?

6/ Tiên tri trách dân chúng tội gì?

7/ Vi phạm luật bác ái mang lại hậu quả nào?

8/ Như vậy tội của mỗi người ra sao?

9/ Trách nhiệm của tư tế là gì?

10/ Kinh sư là những ai?

11/ Hiểm hoạ từ đám biệt phái là gì?

12/ Tại sao Chúa bảo dân chúng đừng bắt chước họ? 

13/ Truyền thống của tiền nhân là gì?

14/ Chúa chê trách bọn họ điều gì?

15/ Họ phô trương để làm gì? 

16/ Những điều nào dân chúng không nên làm?

17/ Những điều xấu nào họ thường làm?

18/ Họ háo danh như thế nào?

19/ Tại sao họ lại thích được vái chào? 

20/ Xã hội có mấy danh xưng cao trọng?

21/ Ý Chúa muốn dạy gì về điều này?

22/ Những người đang nắm quyền bính, phải cư xử thế nào?

23/  Ý nghĩa của việc nâng lên, hạ xuống là gì?

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: CHÚA TRÁCH PHẠT ĐÁM TƯ TẾ

1/ Dụng ý của Thánh Mattheu khi biết bài Tin Mừng này là gì? Lời cảnh báo của Chúa Giêsu hôm nay dành cho các Luật sĩ, Biệt phái xem ra rất nặng, nhưng không phải Chúa chỉ nói cho riêng họ, mà còn nói cho dân chúng và các Môn Đệ. Nói chung Chúa muốn dạy mọi người một bài học / Đúng ra: Mattheu dùng một câu chuyện thời sơ khai để cảnh báo hội thánh thời hiện đại không được có thái độ như vậy.

2/ Lời giáo huấn trên đây được áp dụng trực tiếp cho ai? Dĩ nhiên Chúa muốn nói đến hàng tư tế trong hội thánh. Mặc dù là một vấn đề khá tế nhị, và nếu nói một lần thì cũng không đủ để lột tả hết mọi khía cạnh. Nhưng tại sao chúng ta không nghĩ rằng nó liên hệ đến hết mọi người, vì thế tại sao chúng ta không lợi dụng bài Kinh Thánh này để nói đến những quan hệ trong Hội Thánh? Đây cũng là một dịp rất quý hóa mà chúng ta không thể bỏ qua, nhờ đó chúng ta sẽ học được nhiều điều lý thú ,rất cần thiết cho đời sống tốt đẹp của hội thánh.

3/ Bài sách Tiên tri Malakhi cho chúng ta thấy điều gi? Lời Chúa trong Bài đọc I không chỉ muốn nói riêng với hàng tư tế, vì ở câu cuối cùng ông muốn chất vấn mọi người và gợi ý cho mọi người thấy rằng: Ai cũng cần phải thay đổi nếp sống để sống làm sao cho phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa.

4/ Tại sao Chúa lại chất vấn hàng tư tế trước? Cho dù tư tế hay dân chúng, ai cũng có tội với Chúa, ai cũng vi phạm giao ước. Chúa các đạo binh đã bắt đầu đặt mọi người trước uy danh của Người, Người là vị đại đế rất uy phong giữa các dân tộc. Tục ngữ có câu: “Gần chùa thì gọi Bụt bằng anh”. Có lẽ hàng tư tế vì quá quen với các nghi lễ ở bàn thờ nên nhiều khi họ mất ý thức , không còn tôn kính uy danh của Thiên Chúa nữa.

5/ Chúng ta tạm diễn tả về danh Thiên Chúa như thế nào? Tiên tri Malakhi sống vào thời hoàng đế Ba Tư cực thịnh với giàu sang phú quý và uy quyền trong thiên hạ. Tiên tri đã mượn hình ảnh của ông vua này để nói về Thiên Chúa, và ví Ngài như một vị đại đế cho chúng ta dễ hiểu.

6/ Dân ngoại nghĩ gì về Đức Gia-vê? Dân ngoại vẫn có truyền thống khiếp sợ danh Gia-vê là vua cả trời đất. Tiên tri thâm tín về quyền phép bao la của Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài cai trị cả trời đất vạn vật, cho nên giờ đây Ngài đang chất vấn hàng tư tế.

7/ Tội của hàng tư tế như thế nào? Hàng tư tế được đặt lên để làm vinh danh Chúa nhưng họ lại vơ tất cả những vinh dự đó về mình. Họ có nếp sống hiếu danh, hiếu thắng / cho nên Thiên Chúa thay vì giáng phúc thì sẽ chúc dữ cho họ. Cho nên Thiên Chúa sẽ để cho họ trở thành đồ đáng khinh, lũ mạt hạng.

8/ Tội lớn của các tư tế là gì? Thật ra đâu phải chỉ tội hiếu danh mà thôi, nhưng vì muốn làm cho mình nổi danh mà họ đã đi chệch đường và làm cho người khác đi lầm đường. Lẽ ra họ phải chỉ đường cho người khác đến với Thiên Chúa, nhưng vì họ không lưu tâm làm vinh danh Chúa mà chỉ lo vơ về mình, cho nên họ giáo huấn sai lạc và làm cho người khác không thấy hướng đi đến Thiên Chúa.

9/ Tại sao Thiên Chúa lại cho rằng đám tư tế đang phá hoại giao ước? Chức vụ của Lê-vi là giúp người ta giữ luật Chúa và thờ phượng Người, thế mà họ không quan tâm đến việc làm vinh danh Chúa, họ phản bội lời giao ước. Vì chính họ đã tự biến mình thành đồ đáng khinh, là một lũ mạt hạng chứ chưa cần Thiên Chúa đánh phạt họ. Thật đúng với câu: Gieo gió thì gặt bão, và tội nào thì vạ ấy. Ai cũng tưởng Thiên Chúa khắt khe nhưng Chúa đâu có khắt khe với đám tư tế hơn là bậc giáo dân.

10/ Malakhi trách dân tội gì? Là tội thiếu bác ái, vì người ta chỉ muốn biến nhau thành thù địch thay vì phải coi nhau như anh em cùng một Cha trên trời, và như là con cái của Đấng tạo thành. Malakhi nhìn Thiên Chúa như vua cả trời đất, hơn nữa Người đã ký một giao ước và coi dân Israel như là sở hữu riêng của Người.

11/ Vi phạm luật bác ái mang lại hậu quả như thế nào? Vi phạm luật bác ái là không duy trì tình huynh đệ, là phản bội nhau, là phá hoại giao ước, là phủ nhận quyền của người Cha chung trên Trời.

12/ Như vậy tội của mỗi người ra sao? Cả tư tế, lẫn giáo dân đều phạm tội, đều vi phạm giao ước. Tư tế thì hám danh nên giảng dạy sai lạc, không đưa người ta đến với Chúa / còn giáo dân thì ham lợi nên phản bội anh em, gây chia rẽ trong gia đình của Chúa, cho nên cả hai đều phải ăn năn trở lại.

13/ Đoạn văn Tin Mừng hôm nay Chúa muốn nói gì? Chúa muốn nói với cả Môn Đệ và dân chúng. Đây là những lời giáo huấn dẫn nhập vào phần giáo huần các Môn Đệ. Trong thế giới Do Thái, không khỏi có những người có khuynh hướng tổ chức giáo hội theo kiểu Do Thái và hàng tư tế đạo mới cũng muốn bắt chước kiểu tư tế đạo cũ.

14/ Trách nhiệm của tư tế như thế nào? Ký lục và Biệt phái trước tiên được công nhận như những người có quyền ngự cao trên tòa Moisen. Bổn phận của họ là giáo huấn và trông coi luật pháp. Tòa Moisen ngày xưa dùng để ký kết giao ước, được đặt trên núi Sinai/ Tòa Moisen được tham dự vào uy phong của Thiên Chúa, có sấm chớp nổ vang. Dân chúng khi ấy hãi hùng khiếp sợ, họ chấp nhận mọi điều Moisen nói thay mặt Chúa. Ngày nay đám tư tế tiếp nối địa vị của Moisen, cho nên họ cũng có quyền giáo huấn, họ dạy luật pháp mà không chịu thi hành, họ chỉ thêm thắt ý đồ của loài người vào, cho nên họ dạy truyền thống của loài người chứ không phải là dạy luật của Chúa nữa.  **R

 

Bài 2: THÓI PHÔ TRƯƠNG LÒNG ĐẠO ĐỨC

15/ Giáo huấn hôm nay Chúa muốn dành cho ai? Chúa dành cho các Môn Đệ và cả đám đông dân chúng nữa. Hôm nay không những Chúa muốn vạch mặt chỉ tên những thói hư tật xấu của các Kinh sư, Biệt phái, mà Chúa còn nhắm đến giáo hội trong tương lai. Chúa cảnh báo coi chừng bị tiêm nhiễm men Biệt phái.

16/ Đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa muốn nói về điều gì ? Chúa muốn nói về thói hư tật xấu của đám Kinh sư, Biệt phái, và đưa ra lời cảnh giác với các Môn Đệ.

17/ Kinh sư là những ai? Kinh sư xuất thân từ nhóm Biệt phái. Vì thế Chương 23 này Chúa liên kết giữa Kinh sư và Biệt phái. Kinh sư có nhiệm vụ dạy luật truyền khẩu và chính thức công bố những quy định, luật lệ theo Tora. Họ là chuyên viên về bản văn Kinh Thánh. Thường thì các vị này làm việc với các lãnh đạo Do Thái (Thượng tế và các kỳ mục trong thượng hội đồng), do đó họ cũng có một số quyền về chính trị cũng như tôn giáo, nghề của họ là viết các tư liệu. Họ là những chuyên viên về luật Moisen, họ được coi như là những người chống đối Chúa Giêsu. Mattheu thì không phân biệt 2 loại người này, nhưng cho thấy Phariseu mới là kẻ thù của Chúa Giêsu. Còn Luca thì cũng không phân biệt.

18/ Biệt phái, Phariseu là những ai? Đây là một phái phức tạp, nhất là vào thời Chúa Giêsu. Họ có khoảng 6.000 người chia ra làm 7 loại Phariseu. Phariseu được định nghĩa là những người tách biệt, họ tổ chức thành một tập thể tôn giáo với mục đích sống sốt sắng và trung thành với lề luật. Họ là thủ lãnh tinh thần của dân Do Thái. Đa số họ kịch liệt chống đối giáo lý cũng như bản thân Chúa Giêsu / cũng có ít người Phariseu muốn tạo quan hệ với Chúa bằng cách mời Ngài dùng bữa, có vài người công khai bênh vực Chúa, họ có ưu điểm là có lòng nhiệt tâm, lo lắng về sự trọn lành và trong sạch (Mt 5,20). Họ giữ luật Moisen cách tỉ mỉ.

19/ Hiểm họa từ đám Biệt phái là gì? Một số đông trong bọn họ vì quá thông hiểu luật đã muốn giết chết giới răn của Thiên Chúa dưới những truyền thống cha ông theo kiểu nhân loại (Mt 15,1-20). Họ khinh chê kẻ ít học, ngạo mạng về sự công chính của riêng họ, cho nên họ không giao tiếp với kẻ tội lỗi , nhưng vì họ không sống được với nhưng lý tưởng đó nên bị Chúa chê trách là giả hình.

20/ Biệt phái có biệt danh là gì? Họ nói mà không làm (Mt 23,2-4) cho nên Chúa Giêsu liên kết giữa hai nhóm người này và luôn gọi: Kinh sư và Phariseu. Chúa gọi họ là những người ngồi trên tòa Moisen, là một chỗ cao dùng để giảng dạy mà chúng ta có thể hiểu đó là tòa giảng, cao hơn mặt đất từ 2-3 mét, chúng ta có thể thấy loại tòa giảng này nơi các nhà thờ cổ xưa. Tòa này ám chỉ dành cho những người có thẩm quyền giảng dạy luật Moisen. Ông Moisen nhận luật từ Thiên Chúa và chuyển giao, còn Kinh sư thì dạy luật cho dân chúng.

21/ Tại sao Chúa Giêsu bảo dân chúng đừng bắt chước họ? Chúa Giêsu công nhận thẩm quyền giảng dạy của họ, nhưng Chúa cảnh giác mọi người phải biết phân định những lề luật mà các ông Kinh sư này công bố trong các hội đường , giống như cách sống của cha ông họ. Chúa bảo: hãy nghe, thực hành, nhưng đừng làm theo họ.

22/ Sau này Thánh Phaolo đã nói gì với họ? Sau này khi Phaolo đối diện với đám Biệt phái đồng môn trước đây của mình, Thánh nhân đã chê trách họ “Vậy bạn biết dạy người khác mà lại không thể dạy chính mình ư ? Nếu bạn tự hào vì mình có luật mà lại vi phạm luật, như vậy bạn đã làm nhục Thiên Chúa”. Thật đúng như có lời chép: Chính vì các người mà danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân (Rm 2,21-24).

23/ Thế nào gọi là “Truyền thống của các tiền nhân” ? Họ bó những gánh nặng mà đặt lên vai người ta. Họ chuyên giải thích luật. Những giải thích này tạo thành quy tắc bó buộc chi ly mà các Kinh sư áp đặt lên dân chúng như những điều cấm và điều buộc. Trước đây Chúa Giêsu gọi đó là ách vào cổ, là cái gánh đè lên vai dân chúng. Chúa đã tranh luật với họ về những quy tắc này, như khi họ kết án Chúa và các Môn Đệ vào bàn ăn mà không chịu rửa tay và việc bức bông lúa ăn trong ngày Sabat.

24/ Tại sao họ lại không buồn động ngón tay vào? Ở đây Chúa không nói đến tính nghiêm khắc của quy tắc, nhưng là tính cách giả hình của những ông thầy này. Họ làm tất cả chỉ để lấy tiếng khen, họ ra luật để cho người khác giữ, còn họ thì không. Họ xác định mức độ dễ dàng cho riêng họ / họ luôn đòi buộc mức độ khắc khe, cho người khác, còn họ thì thích chỉ tay năm ngón.

25/ Tại sao họ làm cốt để cho thiên hạ thấy? Đây là kiểu phô trương dáng vẻ đạo đức bề ngoài của các Kinh sư này, họ làm cốt để người khác khen chứ không phải vì lòng mến. Và Chúa muốn dẫn chứng cho thói xấu này là việc đeo hộp kinh và mang tua áo (Dựa vào lời dạy của sách dân số 15,37-39).

26/ Thế nào là đeo hộp kinh thật lớn? Đây là 2 cái hộp bằng da, đựng 4 bản văn Kinh Thánh (ĐNL 11,13-22). Tập tục đeo hộp Kinh trên trán rất được tôn kính vì nó nói lên ý tưởng: mỗi người Do Thái phải thường xuyên ghi nhớ luật Thiên Chúa và cam kết thi hành. Để cho mọi người thấy mình đạo đức, những người Kinh sư, Biệt phái này thích đeo những hộp Kinh thật lớn trên trán.

27/ Tại sao phải mang tua áo thật dài ? Đây là dây vải ghi những câu Kinh Thánh mà người Do Thái thường đính nó trên cánh tay áo hay vạt áo. Đây là dấu chỉ để cho mọi người thấy mình đạo đức, họ thường mang những tua áo thật dài màu xanh sáng. Chúa Giêsu phê phán tập tục đạo đức này như là việc phô trương trình diễn lòng đạo đức của họ.   **R

 

Bài 3: NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM 

28/ Hôm nay Chúa Giê-su căn dặn dân chúng điều gì? Chúa Giê-su dạy dân chúng phải cảnh giác trước những gương xấu của đám biệt phái và Chúa cũng khuyên nhủ các môn đệ và đám đông hãy có tinh thần khiêm nhường khi thi hành các bổn phận của mình.

29/ Chúa Giê-su khởi đầu bài giáo huấn như thế nào? Chúa dạy mọi người bằng cách nêu lên những thói hư tật xấu của của đám biệt phái để cho mọi người biết đường mà cảnh giác đề phòng.

30/ Chúa Giê-su xử sự khôn khéo như thế nào? Chúa không tấn công trực tiếp vào cách hành đạo của đám biệt phái. Nhưng tìm cách giải thoát dân chúng khỏi cái ách nặng nề tinh thần mà đám biệt phái đang cố tình đè lên cổ họ.

31/ Quyền hành của các luật sĩ như thế nào? Bọn biệt phái là những người kế vị Moisen cho nên họ có quyền giải thích luật Moisen. Họ có quyền chính thức cho nên mọi người phải lắng nghe và tuân giữ những lời họ nói.

32/ Những điều mà dân chúng không nên làm là gì? Chúa Giê-su cảnh giác dân chúng và các môn đệ về các gương xấu của bọn luật sĩ, biệt phái, chính là họ nói mà không làm. Có nghĩa là họ dạy người khác điều hay lẽ phải còn họ thì không thực hành. Họ không làm được những gì họ nói.

33/ Thói xấu xa của bọn biệt phái là gì? Họ “bó những gánh nặng” là cái ách, để chỉ lề luật và những điều nặng nề kiểu truyền thống Do Thái (Mt 11,28-30)/ Có nghĩa là họ nghiêm khắc với dân chúng trong việc giữ luật,  nhưng lại dễ dãi với chính bản thân họ.

34/ Họ thường làm những việc gì xấu? Họ hám danh, tranh lợi, đó là kiểu sống đạo của luật sĩ biệt phái. Họ đeo những thẻ kinh thật lớn ra bộ ta đây luôn ghi nhớ và tuân giữ luật Chúa. Họ làm như vậy để gây chú ý cho mọi người. Ngụ ý rằng họ là những con người đạo đức.

35/ Ý nghĩa của việc may dài tua áo là gì? Áo khoác ngoài của người Do Thái thường mỏng như tấm khăn, 4 đầu đính tua bằng len làm dải buộc có màu da trời ,tượng trưng cho trời, mục đích nhắc người Do Thái nhớ đến các giới răn (Dt 15,38-41). Chúa Giê-su cũng có mang tua áo (Mt 14,36). Người Do Thái cũng có mang tua áo nhưng luật sĩ biệt phái thì tăng kích thước quá đáng, họ có ý khoe mình là đạo đức hơn người.

36/ Những người này háo danh như thế nào? Tính háo danh của hai hạng người này còn thúc đẩy họ có những tham vọng đáng trách nữa, vì họ chỉ muốn được biệt đãi ở khắp mọi nơi, nhất là trong các đám tiệc, nơi hội đường cũng như ngoài phố chợ, công trường, nơi nào họ cũng muốn chỗ nhất.

37/ Điều đáng trách hơn nữa là gì? Ở nơi đám tiệc hay hội đường, người Do Thái  thường xếp chỗ theo tuổi tác, chức vụ hay tài trí. Tuổi tác hay chức vụ thì ai cũng nhận ra. Nhưng tài trí thì khó nhận ra, sự khôn ngoan cũng vậy. Đám người này đi đâu cũng muốn tỏ ra mình là người tài trí khôn ngoan nên họ thường chọn chỗ cao, ghế nhất.

38/ Ai phải được chào trước? Các dân tộc đều có phong tục chào người trên mình / người Do Thái cũng vậy. Nhưng luật sĩ biệt phái thì ưa được bái chào nơi công cộng vì họ tự cho mình là người trên của mọi người. Họ cũng thích tước hiệu thầy vì họ tự cho mình là bậc thầy của mọi người.

39/ Có mấy danh xưng cao trọng? Có 3 danh xưng giống nhau: Thầy, Cha, và Người chỉ đạo. Sau khi đưa ra những khuyết điểm của luật sĩ, biệt phái. Chúa muốn mọi người làm điều ngược lại. Khi nói đến Cha trên trời, Chúa có ý nói đến Chúa Cha. Khi nói đến một Thầy, một người chỉ đạo, là ngài có ý nói đến Đức Ki-tô. Chúa có ý dạy rằng: Chỉ có Thiên Chúa tự mình có bản tính là Cha, là thầy, là Người chỉ đạo. Chúa cũng có ý dạy rằng: những người được mang danh hiệu này chỉ là thông phần vào tước hiệu của Thiên Chúa, là do Thiên Chúa ban, chứ không phải tự nhiên họ có, hoặc đủ tiêu chuẩn để so sánh cùng Thiên Chúa.

40/ Chúa Giê-su muốn giải thích rõ điều này như thế nào? Các môn đệ sau này sẽ được làm công việc của bậc thầy, là đi dạy dỗ dân chúng. Nhưng họ phải biết mình là ai nên không được kiêu căng tự phụ, hám danh. Vì họ làm những công việc đó là nhân danh Chúa Ki-tô mà thôi (Gc 3,1) (Đnl 1,10-11).

41/ Ý nghĩa của 3 danh xưng này trong xã hội nghĩa là gì? Chữ Cha, chữ thầy được dùng trong học đường hay tôn giáo đều mang một ý nghĩa là những người này được thông phần vào chức Cha, Thầy là những danh xưng của Chúa Giê-su, của Thiên Chúa, cho  nên những người thi hành những chức vụ này cần ý thức rằng mình chỉ là người đại diện cho Thiên Chúa, cho Chúa Giê-su. Họ không được coi những danh xưng đó như của riêng mình mà không cần biết gì tới Thiên Chúa và những luật lệ của Ngài. Đây mới là điều đáng trách.

42/ Những người đang nắm quyền bính trong giáo hội phải cư xử thế nào? Chúa Giê-su nhắn nhủ các môn đệ phải khiêm nhường, tự hạ và luôn tôn trọng người khác. Công đồng Vatican II đã nêu cao tính cách phục vụ của những người đang nắm quyền bính trong giáo hội.

43/ Ý nghĩa của hai chữ nâng lên, hạ xuống là gì? Ai muốn phục vu tha nhân thì cần phải hạ mình xuống, càng phục vụ càng có thêm công phúc. Và sẽ được Chúa nâng lên. Nâng lên hạ xuống cũng diễn tả việc thưởng phạt của Thiên Chúa.    **R

 

Bài 4: VẠCH MẶT TỘI KIÊU NGẠO VÀ CÁCH CHỐNG TRẢ

44/ Nói một đàng làm một nẻo, là như thế nào? Có một người đàn bà lớn tuổi nọ, ngày ngày vẫn đi lễ sáng sớm ở nhà thờ, một sáng nọ vừa ra khỏi nhà thờ bà đi bộ thanh thản về nhà, vừa đi vừa ca hát những ca khúc đạo mà bà yêu thích. Khi vừa về đến trước cửa nhà, chợt bà nhìn thấy một bãi phân của chó nhà ai đã thải ra trước cửa nhà bà, máu trong người bà sôi lên, không dằn được cơn nóng giận, bà đưa tay sắn hai vạt áo dài lên, mắt đảo quanh, miệng bà thét lên những câu chửi có vần có điệu, ai mà nghe qua cũng phải thất kinh hồn vía, những câu chửi mà vừa nghe qua thì Chúa Giê-su cho dù mới ngự vào trong lòng bà lúc nãy, Ngài cũng phải nhảy ra và chạy trốn. Chúa vừa chạy vừa bỏ lại một câu nói ở phía sau: “Ôi, kinh hãi quá”.

45/ Bá nhân bá tánh là gì? Thiên Chúa tạo dựng nên mỗi con người là một thế giới riêng, không ai giống ai. Và mỗi người đều có một điều kiện, hoàn cảnh sống khác nhau, không ai giống tính tình của ai. Vì thế hôm nay Chúa khuyên mọi người hãy sống khiêm tốn thì thế giới mới có trật tự được. Nếu ai cũng hành xử theo tánh ý riêng thì thế giới sẽ hỗn loạn, mất trật tự, không khác gì hỏa ngục.

46/ Nhìn lên chẳng bằng ai, ngó xuống chẳng ai bằng mình là ý gì? Đây là câu tục ngữ nói lên sự so sánh, giúp chúng ta nhận ra cái ưu cái khuyết của mình, của người, giúp chúng ta nhận ra chân giá trị của mình của người. Từ đó giúp chúng ta tôn trọng người khác. Cũng như nhận ra sự bất toàn của mình. Giúp chúng ta có mối tương quan đúng và tốt đẹp với mọi người. Từ đó chúng ta có cách suy nghĩ và ứng xử sao cho phù hợp.

47/ Làm sao để ta chọn cách sống đúng nhất? Nếu hiểu ra được như vậy thì đây là thái độ sống khiêm nhường đúng nghĩa nhất. Nếu chúng ta không hiểu được các điều vừa nói trên đây thì chúng ta dễ bị rơi vào cách nghĩ, cách sống ở hai thái cực khác nhau, đó là hoặc quá tự ti mặc cảm hoặc là quá vênh vang tự đắc.

48/ Thế nào là người mắc chứng tự ti? Người tự ti nhút nhát, nhu nhược, cắn răng chịu nhục, luôn mặc cảm mình bị thua kém, từ đó dễ bị khuất phục bởi những lời đe dọa, cho dù mình biết điều đó rất phi lý, mà không dám bênh vực sự thật, thì đó không phải khiêm nhường mà là hèn nhát. Người tự ti sẽ ngược lại với người tự đắc.

49/ Thế nào là người khiêm nhường? Người khiêm nhường thật sự là người hết sức khéo léo, tế nhị, kiên nhẫn, nhường nhịn, vừa phải, đúng lúc, tùy cơ ứng biến, có thể đối chất, dễ thuyết phục và có thể giảng hòa.

50/ Như thế nào là người kiêu ngạo? Người kiêu ngạo luôn coi mình là cái rốn của vũ trụ, mặt vênh váo, luôn coi thường mọi người. Họ thường có 2 thái độ: 1) Vơ vào; 2) tránh né. Khi thấy ai được may mắn, vinh dự thì họ thường tự hỏi: Vì sao người đó lại được, mà không phải là mình? Tại sao không ai hỏi ý kiến tôi mà lại đi hỏi người đó, ngược lại, khi gặp điều không may, bị trách cứ vì chính mình bị lầm lỗi, thì người kiêu ngạo tìm cách né tránh, đổ thừa, tại sao không trách ai mà lại đi trách tôi ?

51/ Lòng dạ của kẻ kiêu ngạo thì như thế nào? Cả hai trường hợp trên đây đều dùng để diễn tả cái gian manh, xảo trá, lừa lọc và những nết xấu này thường đi kèm với người kiêu ngạo. Họ tự cho mình là tất cả, không chấp nhận ai trên mình hay tài giỏi hơn mình.

52/ Người khiêm nhường thì sao? Người khiêm nhường luôn chấp nhận sự thật, luôn nhìn ra mối tương quan trên dưới, giỏi dở và họ luôn có cách sách phù hợp một cách hài hòa tốt đẹp với mọi người. Họ luôn nhận mình yếu đuối lầm lỗi và vui vẻ nghe lời người khác chỉ giáo để học hỏi và trở nên tốt hơn.

53/ Thế nào là những cám dỗ của kiêu ngạo? Chúng ta thường dựa vào một ít khả năng, một số quyền lợi của mình rồi cho rằng mình có quyền trên tất cả, đôi khi chúng ta chỉ thành công một chút thôi, rồi lại tưởng rằng mình đang thành công trên mọi mặt, rồi cho rằng mình chẳng kém ai, chẳng ai bằng mình, chúng ta thích đưa mình lên cao tới trời và muốn hạ anh em xuống tận bùn đen.

54/ Người kiêu ngạo thường nghĩ gì? Kiêu ngạo thường có thái độ khoe mẽ, cầu danh,  hợm mình, luôn tự hào về những chuyện nhỏ nhen. Nếu thấy ai hơn mình thì lấy làm bực tức khó chịu và tìm mọi cách để bôi nhọ, hạ giá họ / bao lâu thấy họ còn tồn tại thì mình khổ tâm, dằn vặt, bực tức. Đó là tự làm khổ mình. Đó chính là kẻ kiêu ngạo thượng hạng.

55/ Ta tập tính khiêm nhường như thế nào? Khước từ một lời khen thì có thể dễ, nhưng chấp nhận một tiếng chê thì quá khó, phủ nhận ưu điểm mà người khác đề cao thì dễ, nhưng nhìn nhận một khuyết điểm mà người khác phê phán thì quá khó. Nếu có ai khen thì ta im lặng, phổng mũi thích thú. Nhưng nếu có ai chê ta điều gì thì liệu chúng ta có đủ bình tĩnh để im lặng, hay là ta nóng mặt bực tức đốp chát lại ngay. Rõ ràng cái tôi quá lớn mà .

56/ Khiêm nhường là gì? Là hạ mình xuống chấp nhận xóa bỏ cái tôi của mình, nhận ra trong anh em còn có nhiều kẻ hơn mình, nhận ra những ưu điểm mà mình đang có là do ơn Chúa ban. Hôm nay Chúa ban, lát nữa đây Chúa rút ơn lại ,thì ta sẽ như thế nào ?

57/ Những hình thức cám dỗ kiêu ngạo sẽ xuất hiện vào lúc nào? Lúc ta ước muốn thống trị người khác, lúc ta muốn gây ấn tượng với mọi người, có khi ngoài mặt tỏ thái độ nhún nhường, nhưng trong lòng lại ngầm chứa ý định cố tạo ảnh hưởng cho mình.

58/ Bài học khiêm nhường mà Chúa muốn dạy là gì? Bài học khiêm nhường luôn mang tính thời sự nóng bỏng khi sống trong cộng đoàn xã hội, ai dám bảo đảm rằng mình luôn từ tốn. Khiêm nhường trước mặt Chúa, trước anh em đồng loại. Tánh kiêu căng tự cao tự đại luôn ẩn nấp trong ta và nó có thể xuất đầu lộ diện bất cứ lúc nào. Vì thế chúng ta phải tỉnh táo đề phòng luôn. Hãy cố gắng luyện tập và xin ơn Chúa trợ giúp để chống trả thần dữ.   **R

 

TÓM Ý

1/ Bài Tin Mừng hôm nay Chúa muốn cảnh báo điều gì? Bài Tin Mừng hôm nay Chúa cảnh báo cho đám biệt phát luật sĩ / Chúa cũng muốn nói với các môn đệ và dân chúng. Thánh Mattheo cũng muốn dùng câu chuyện thời sơ khai này để cảnh báo Hội Thánh thời hiện đại, không được sống đạo kiểu như vậy.

2/ Bài sách tiên tri Malakhi muốn cho chúng ta thấy điều gì? Chúa không chỉ nói riêng với hàng tư tế, mà Chúa còn muốn cho mọi người thấy rằng: Bất cứ ai cũng phải thay đổi để sống sao cho phù hợp với ý Thiên Chúa.

3/ Tại sao Chúa muốn chất vấn hàng tư tế trước? Tục ngữ có câu: Gần chùa gọi bụt bằng anh, có lẽ hàng tư tế vì quá quen với các nghi lễ ở bàn thờ nên nhiều khi họ mất hết ý thức, không còn tôn kính uy danh Thiên Chúa nữa.

4/ Tội của hàng tư tế như thế nào? Hàng tư tế được chọn ra để làm vinh danh Chúa, nhưng họ lại vơ tất cả những vinh dự đó về mình. Họ có nếp sống háo danh, hiếu thắng, cho nên thay vì được Thiên Chúa chúc phúc thì lại bị Ngài chúc dữ.

5/ Tội lớn nhất của các tư tế là gì? Không phải họ chỉ phạm tội háo danh mà thôi, mà vì muốn nổi danh nên họ đã đi trật đường và dẫn người khác đi trật đường luôn. Lẽ ra họ phải chỉ đúng đường cho người khác đến với Thiên Chúa thì họ lại đưa ra những giáo huấn sai lạc, làm cho người khác càng không đến được với Chúa.

6/ Tiên tri trách dân chúng tội gì? Là tội thiếu lòng bác ái, vì người ta chỉ muốn biến mọi người thành thù địch của nhau / tất cả đều là con một Cha trên trời, thì đáng lẽ mọi người phải là anh em của nhau mới phải .

7/ Vi phạm luật bác ái mang lại hậu quả nào? Phạm luật bác ái là không duy trì tình huynh đệ, là phản bội nhau, là phá hoại giao ước, là phủ nhận quyền của người Cha ở trên trời.

8/  Như vậy tội của mỗi người ra sao? Cả tư tế lẫn giáo dân đều vi phạm luật giao ước, tư tế thì hám danh, dạy đường lối sai lạc nên không thể đưa người khác đến với Chúa, còn giáo dân thì hám lợi, nên đã phản bội lại anh em, gây chia rẽ trong gia đình của Chúa. Nên cả hai đều phải sửa sai, đều phải ăn năn trở lại.

9/ Trách nhiệm của tư tế là gì? Bổn phận của họ là trông coi dân chúng và giáo huấn luật pháp. Moisen được tham dự vào uy phong của Thiên Chúa nên dân chúng chấp nhận mọi điều Moisen nói thay mặt Chúa / ngày nay đám tư tế tiếp nối địa vị của Moisen nên họ cũng có quyền giáo huấn. Họ dạy luật pháp cho dân chúng, nhưng chính họ thì không chịu thi hành, họ chỉ thêm thắt những ý đồ của loài người như là dạy luật truyền thống, chứ không chịu dạy luật Thiên Chúa.

10/ Kinh sư là những ai? Kinh sư xuất thân từ biệt phái, kinh sư có nhiệm vụ dạy luật truyền khẩu. Họ là chuyên viên về các văn bản kinh thánh, họ thường làm việc với các lãnh đạo Do Thái. Họ cũng có một số quyền về chính trị cũng như tôn giáo. Họ là những chuyên viên về luật Moisen. Họ là những người chống lại Chúa Giê-su.

11/ Hiểm hoạ từ đám biệt phái là gì? Số đông trong bọn họ vì thông hiểu luật nên đã thêm vào luật những truyền thống của cha ông họ. Họ còn chê bai kẻ ít học, ngạo mạn dựa vào sự công chính của họ, họ không giao tiếp với kẻ tội lỗi, họ có lý tưởng quá cao siêu, nhưng lại không sống được với những lý tưởng đó nên bị Chúa Giê-su chê trách là bọn giả hình.

12/ Tại sao Chúa bảo dân chúng đừng bắt chước họ? Chúa Giê-su công nhận quyền giảng dạy của họ, nhưng lại cảnh giác mọi người hãy nghe và thực hành những điều họ nói, nhưng đừng bắt chước cách sống của họ, đừng làm theo họ.

13/ Truyền thống của tiền nhân là gì? Họ bó những gánh nặng mà đặt lên vai người khác, họ chuyên giải thích luật, và những kiểu giải thích này đã tạo thành những quy tắc bó buộc chi ly, rồi áp đặt lên cho dân chúng như những điều cấm, điều buộc, mà điển hình là họ lên án Chúa và các môn đệ khi vào bàn ăn mà không rửa tay, hoặc vụ việc bứt bông lúa ăn trong ngày hưu lễ.

14/ Chúa chê trách bọn họ điều gì? Ở đây Chúa không nói đến tính nghiêm khắc của quy tắc, nhưng là tính cách giả hình của bọn họ. Họ làm chỉ vì muốn có tiếng khen, họ ra luật và bắt người khác tuân giữ, còn họ thì không, họ đòi buộc khắc khe, nhưng lại thích chỉ tay năm ngón.

15/ Họ phô trương để làm gì?  Họ muốn phô trương dáng vẻ đạo đức bề ngoài, họ làm cốt để lấy tiếng khen, chứ không phải vì lòng mến và Chúa đã dẫn chứng cho chúng ta thấy các thói xấu này qua việc họ đeo hộp kinh lớn và mang tua áo thật dài .

16/ Những điều nào dân chúng không nên làm? Chúa Giêsu cảnh giác dân chúng và các môn đệ về những gương xấu của bọn biệt phái luật sĩ, chính họ nói mà không làm, họ dạy người khác điều hay lẽ phải, còn họ thì không thực hành, họ không làm những gì họ nói.

17/ Những điều xấu nào họ thường làm? Họ hám danh, tranh lợi, họ đeo thẻ kinh thật lớn, ra bộ họ luôn ghi nhớ và tuân giữ luật Chúa, họ làm vậy chỉ muốn gây chú ý để mọi người nghĩ rằng họ là những người đạo đức.

18/ Họ háo danh như thế nào? Tính háo danh đã thúc đẩy họ có những tham vọng đáng trách: Họ chỉ muốn được biệt đãi ở khắp nơi nhất là ở đám tiệc, hội đường, ngoài phố chợ, ngoài công trường, nơi nào họ cũng muốn có chỗ nhất.

19/ Tại sao họ lại thích được vái chào?  Các dân tộc đều có phong tục vái chào người trên mình, người biệt phái thì thích được mọi người chào mình nơi công cộng, họ tự cho mình là người trên của mọi người.

20/ Xã hội có mấy danh xưng cao trọng? Có 3 danh xưng: Cha, Thầy và Người chỉ đạo, Chúa đưa ra những khuyết điểm của biệt phái khi tự cho mình là người cao trọng và khuyên mọi người hãy làm điều ngược lại. Mọi người chỉ có một người Cha, Chúa Giê-su có ý nói đến Chúa Cha / một người Thầy , ý Chúa nói đến Đức Kitô / Người chỉ đạo. ý Chúa nói đến Chúa Thánh Linh, ngoài Thiên Chúa ra thì không ai xứng đáng với những danh hiệu này. Nếu ai có những tước hiệu này, thì chỉ là họ được thông phần vào những tước hiệu của Thiên Chúa và đều là do Ngài ban cho , chứ không ai tự nhiên mà có, hoặc có đủ tiêu chuẩn để có thể so sánh cùng Thiên Chúa.

21/ Ý Chúa muốn dạy gì về điều này? Các môn đệ sau này sẽ được làm những công việc của bậc thầy là đi dạy dỗ dân chúng. Nên họ phải biết mình là ai, nên không được hám danh, kiêu căng tự phụ. Họ chỉ nên làm những việc đó vì danh vinh danh Chúa Kitô mà thôi.

22/ Những người đang nắm quyền bính, phải cư xử thế nào? Chúa khuyên các môn đệ phải khiêm nhường, tự hạ và luôn tôn trọng người khác, công đồng Vatican II đã nêu cao tinh thần phục vụ, và phải vục vụ như thế nào khi nắm các quyền bính trong giáo hội.

23/ Ý nghĩa của việc nâng lên, hạ xuống là gì? Ai muốn phục vụ tha nhân thì phải hạ mình xuống, càng hạ mình càng có thêm công phúc. Sau đó sẽ được Chúa nâng lên. Nâng lên, hạ xuống mang ý nghĩa của việc thưởng phạt của Thiên Chúa.  **R

 

 

Giuse Luca / Kinh Thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 3300
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  1418
 Hôm qua:  3790
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11415041
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top