Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 34 Thường Niên A (Giuse Luca)

CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN A - 26/11/2017

ĐỀ TÀI: VỊ VUA CỦA VŨ TRỤ

Lời Chúa:  Mt 25, 31-46

 

Tung hô Tin Mừng:     Mc 11, 9-10

Haleluia. Haleluia. Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít tổ phụ chúng ta. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 25, 31-46

Con Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau.

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu.

31 Một hôm, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. 32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. 34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." 37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? 39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?" 40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." 41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; 43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng." 44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?" 45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy." 46 Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời."

Đó là lời Chúa.

 

 NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI D HIỂU BÀI TIN MỪNG

1/ Đức Kitô làm Vua theo tiêu chuẩn nào ?

2/ Dân Do thái ước mơ một vị vua như thế nào?

3/ Sứ mệnh của Chúa Giêsu là gì ?

4/ Vua Giêsu là vị vua như thế nào ?

5/ Chúa Giêsu làm Vua theo kiểu nào ?

6/ Vương quốc của Chúa có những điều khác biệt nào ?

7/ Tại sao Chúa phải xét xử ?

8/ Sự thật thứ tư là gì ? 

9/ Chúa muốn tỏ lộ điều gì ?

10/ Thánh nữ Têrêsa Calcutta say mê làm việc bác ái. Vì sao ?

11/  Chúa Giêsu như một vị Vua như thế nào ?

12/ Vị Vua Giêsu thường ở đâu ?

13/ Chúa Giêsu đang ngự ở đâu ?

14/ Chúa xét xử chúng ta dựa trên tiêu chuẩn nào ?

15/ Hôm nay Chúa bảo ta nên giúp những ai ?

16/ Chúng ta cần phải làm những gì ?

17/ Chúa muốn đo chỉ số cảm xúc để làm gì ?

18/ Những điều Chúa muốn chúng ta giúp tha nhân là gì ?

19/ Chúa muốn chúng ta giúp họ như thế nào ?

20/ Hình thức bác ái phô trương là như thế nào ?

21/ Thế nào là một kiểu giúp của thế gian ?

22/ Những gương nào chúng ta cần học hỏi ? 

 

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: NHỮNG BÍ MẬT CỦA NƯỚC TRỜI 

Đức Ki-tô là Vua theo tiêu chuẩn nào? Đức Ki-tô là Vua không phải như là thủ lĩnh của một đảng đối lập hay theo kiểu cha truyền con nối. Ngài chẳng phải là một vị vua –chúa theo kiểu người đời vẫn quan niệm. Suốt cả cuộc đời công khai, Ngài không bao giờ chấp nhận tước hiệu Messia hay là tước hiệu Vua theo như sự mơ ước  của dân chúng.

2/ Vị Vua mà dân chúng thường mơ ước phải như thế nào? Sự mơ ước của dân chúng có pha trộn quá nhiều những yếu tố trần tục, quá nhiều tham vọng chính trị. Sứ mệnh của Chúa Giê-su khác với sứ mệnh của quận vương Hêrôđê. Quyền bính của Chúa không giống với quyền bính của Hoàng Đế La Mã hay một vị vua nào ở trần gian.

3/ Sứ mệnh của Đức Ki-tô là gì?: Sứ mệnh của Chúa Giê-su thuộc lãnh vực khác. Vì thế nhiều lần Chúa từ chối cách tôn phong Ngài lên làm Vua của dân chúng. Khi làm phép lạ hóa bánh, dân chúng muốn tôn Ngài lên làm Vua, nhưng Ngài đã lẩn trốn. Nhưng cũng có một lần Ngài cố tình biểu dương trước mặt dân chúng khi Ngài hiên ngang tiến vào thành Yerusalem. Lần đó Ngài đã xuất hiện trong những phương tiện khiêm tốn, đúng với lời tiên báo của tiên tri Giacaria và đã để cho dân chúng tung hô Ngài là Vua Israel.

4/ Trước tòa án Philatô, Chúa Giê-su đã nói gì? Trong phiên tòa dân sự tại dinh Philatô, đề tài mà họ đem ra xét xử chính là vương quyền của Ngài. Khi Philatô hỏi  : Ông có phải là Vua dân Do Thái không? Chúa Giê-su không phủ nhận tước hiệu ấy, nhưng Chúa đã minh xác rằng : Nước tôi không thuộc về thế gian này!

5/ Vua vũ trụ khác như thế nào? Chúa Giê-su là vua vũ trụ, là vua mọi dân tộc là vua trên muôn vua. Thế nhưng Ngài lại là một vị Vua chịu đóng đinh, hoàn toàn bị tước lột khỏi quyền lực trần thế. Đức Ki-tô đã lên ngôi bằng con đường thập giá vì yêu. Kẻ thù của Ngài chính là Satan ,là tội lỗi, là chia rẻ, là thù hận.

6/ Vương quyền của Chúa Ki-tô như thế nào? Các ngai vàng và vương miện, mũ triều thiên và áo cẩm bào của thế gian chỉ là đồ trang sức tạm bợ chóng qua, chúng ta đừng hiểu vương quyền của Đức Ki-tô qua những hình ảnh đó. Chính Chúa cũng tách mình ra khỏi những hình ảnh của các thủ lãnh trần gian, nên Chúa Giê-su phán : Vua chúa các nước thì cai trị dân, còn những người làm lớn thì lấy quyền mà đàn áp dân. Đức Ki-tô không phải là một thủ lãnh áp chế. Trái lại, cai trị theo kiểu của Chúa là lột sạch mọi sự tự cao tự đại, mọi thứ hào nhoáng, mọi kiểu vênh vang. Cai trị theo kiểu của Ngài là phục vụ.

7/ Chúa Giê-su cai trị kiểu nào ? Đức Ki-tô phục vụ dân chúng và Ngài phục vụ một cách hết sức khiêm tốn, thận trọng và kín đáo. Ngài phục vụ tận cùng đến độ hiến mạng sống mình làm giá để cứu chuộc muôn người. Sự phục vụ của Chúa đã đạt tới chỗ đồng hóa với những kẻ bé mọn, hèn kém nhất. Còn chúng ta đã phục vụ anh em theo kiểu nào ?

8/ Sự thật thứ nhất mà Chúa muốn nói : Thế giới này sẽ có ngày chấm dứt không có thứ gì vĩnh cửu ở đời này. Mọi sự sẽ qua đi, những thứ gì được coi là bền vững lâu dài rồi cũng sẽ tan theo cát bụi. Của cải, tài năng, danh lợi cũng sẽ trở thành hư vô, con người cũ cũng không còn. Sau cùng mọi người đều bằng nhau và phải đến trước tòa Chúa để chịu phán xét.

9/ Sự thật thứ hai là gì ? Ai cũng sẽ bị xét xử. Tất cả mọi người khi ra trước tòa Chúa đều phải trả lời hết những gì mình đã làm trong cuộc đời. Cuộc xét xử sẽ công khai, minh bạch, mọi sự liên đới trách nhiệm đều được làm sáng tỏ. Những điều thầm kín đều sẽ được phơi bày. Nếu các phiên tòa ở thế gian còn có thể gây bất công thì trong phiên xử cuối cùng này sẽ công bằng tuyệt đối. Chẳng ai, cũng chẳng có thứ gì có thể mua chuộc được vị quan tòa quyền uy và công thẳng này.

10/ Sự thật thứ ba là gì ? Sẽ có một vương quốc mới, thế giới cũ sẽ không phải chấm dứt bởi vì thế giới cũ sẽ đưa nhân loại vào thế giới mới. Thế giới này sẽ không còn bị thời gian chi phối, vì nó vĩnh cửu. Nó chấm dứt đau khổ và mở ra một không gian tràn đầy hạnh phúc , vì đó là một vương quốc tình yêu.

11/ Tại sao phải xét xử ? Cuộc xét xử chính là cuộc tuyển lựa những công dân cho vương quốc mới. Vì là vương quốc tình yêu nên chỉ có những ai có tình yêu mới được vào. Vương quốc này chỉ có một thứ luật duy nhất -> Luật tình yêu . Việc cai trị cũng theo một nguyên tắc duy nhất : Tình yêu. Vì Chúa Giê-su là vua tình yêu.

12/ Sự thật thứ tư : Đây là cơ hội duy nhất, nhưng vương quốc tình yêu này không phải bất ngờ mà có, nó đã được xây dựng từ đời này. Đời này tuy chóng qua nhưng lại là cơ hội để ta trở thành công dân của vương quốc mới, ai thương anh em hèn mọn, nghèo khó thì sẽ được chọn vào Nước Trời. Đời tuy ngắn nhưng lại là cơ hội duy nhất. Hết đời này là hết cơ hội vì nó sẽ đi đến chung cuộc, vậy ta phải thật mau  mắn mới bắt kịp nó !

13/ Chúa Giê-su đã tỏ lộ bí mật gì ? Với dụ ngôn ngày phán xét, Chúa Giê-su muốn tỏ lộ bí mật cho chúng ta biết về vận mệnh của thế giới. Và chỉ vẽ cho ta con đường để được nhận vào Nước Thiên Chúa. Hãy thực hành yêu thương bằng những việc làm cụ thể : Cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới mặc, thăm viếng kẻ đau yếu, tù đày. Đây là những việc mà ai cũng làm được, ai cũng có điều kiện để làm.****

 

Bài 2: TIÊU CHUẨN ĐỂ XÉT XỬ 

14/ Vì sao Thánh Têrêxa Calcutta mê làm việc bác ái? Bà Thánh rất mê sống đoạn tin mừng này. Bà bị cuốn hút bởi những người đau khổ vì dưới con mắt của bà chẳng những họ là những con người đáng thương mà họ còn  là hiện thân của chính Chúa Giê-su. Tình yêu Chúa và yêu người quyện vào nhau, vì yêu Chúa nên bà yêu người càng mãnh liệt hơn. Hãy tập nhìn ra Chúa nơi mỗi con người cho dù họ có dáng vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa.

15/ Đoạn Tin Mừng mô tả Chúa Giê-su như thế nào? Ở đoạn Tin Mừng  này, Chúa Giê-su được mô tả như một vị vua, có thiên sứ theo hầu, Ngài ngồi trên ngai vinh hiển. Ngài là thẩm phán xét xử muôn dân, Ngài thưởng – phạt công minh. Những phán quyết của Ngài làm ai nấy cũng thấy bất ngờ, số phận được chúc phúc hay bị nguyền rủa đều dựa trên những việc họ làm hay không làm cho chính Chúa, điều mà không ai trong chúng ta hay biết  nên cảm thấy rất bất ngờ .

16/ Vua Giê-su sẽ ngự ở đâu? Vua Giê-su chẳng ở đâu xa. Ngài chẳng ở trong cung vàng điện ngọc, nhưng Ngài ở trong những kẻ cùng khốn. Vua Giê-su đồng hóa mình với những người đói khát, trần trụi, khách lạ, đau yếu, ở tù mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày, Ngài ẩn mình trong những con người hèn kém đáng thương và Chúa vinh quang không ngại nhận họ là anh em.

17/ Chúng ta phải tìm Chúa ở đâu? Chúng ta không phải tìm Chúa ở nơi xa xôi, Ngài không chỉ ở trong nhà thờ, trong bí tích, Ngài còn ở những nơi , những người đang cần chúng ta. Mỗi một người khốn cùng là một ngai vua, nơi chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Giê-su, có những lần Chúa đi ngang qua đời ta như một vị vua giả trang làm người hành khất. Ngày phán xét, chúng ta không thể giả vờ ngạc nhiên khi nghe biết mình đã để Ngài đi qua tay trắng.

18/ Chúa sẽ xét xử chúng ta dựa trên tiêu chuẩn nào? Chúa sẽ xét xử chúng ta dựa trên tiêu chuẩn tình yêu. Tội chúng ta phạm lớn nhất là tội thiếu sót vì không chịu làm điều phải làm.

19/ Hôm nay Chúa xin ta điều gì? Hôm nay Chúa ngửa tay ra xin ta cứu giúp các anh em bé mọn nhất của Ngài, Những người mù chữ, những trẻ em đường phố, những người bị suy sụp tinh thần cần được yêu thương giúp đỡ, những người không thể tìm được cho đời mình một chỗ trọ. Những người tự nhốt mình trong những chốn đam mê, những người trần trụi vì phải sống nhờ bám vào thân xác.

20/ Chúng ta cần làm gì nếu muốn cho Nước Chúa mau lan rộng? Chúng ta phải làm những việc gì đó thật cụ thể để Nước Chúa có thể lan ra trong cái thế giới mênh mông này. Phải xây dựng một ngai tòa thật đẹp  để Vua Giê-su thật sự là Vua của vũ trụ, cả vũ trụ bên ngoài và bên trong lòng con người.

21/ Chúa sẽ dựa vào yếu tố nào để xét xử chúng ta? Đây là câu chuyện sống động và cũng là một bài học khá rõ ràng. Chúa chỉ xét chúng ta theo chỉ số cảm xúc của chúng ta đối với những nhu cầu của anh em chúng ta. Chúa không xét theo kiến thức, không xét theo tiếng tăm mà chúng ta có được, nhưng lại tùy thuộc vào những sự chia sẻ mà chúng ta đã làm. Bài học này dạy chúng ta phải có nghĩa vụ giúp đỡ người khác.

22/ Chúa muốn chúng ta giúp thế nào? : Chúa chỉ cần chúng ta giúp họ những nhu cầu đơn giản. Những điều mà Chúa nói rõ ra là : Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, tiếp đón khách lạ, an ủi người bệnh, thăm viếng kẻ bị tù đày. Đó là những việc ai cũng có thể làm, đó là những việc làm đơn giản dành cho mọi người mà chúng ta có thể gặp hằng ngày không có dụ ngôn nào mở ra một con đường dễ dàng bằng dụ ngôn này.

23/ Chúa muốn chúng ta giúp đỡ theo kiểu nào? Chúa muốn chúng ta giúp đỡ với tinh thần không tính toán. Tất cả những người ra tay giúp đỡ, họ không nghĩ rằng họ đã giúp đỡ Chúa Giê-su và đang tích trữ công phúc cho đời mình. Họ giúp vì không thể không giúp vì họ có lòng rộng lượng và có bản chất tự nhiên không tính toán xuất phát từ lòng thương người.

24/ Một kiểu chống chế : Những người không muốn giúp người khác thường tỏ ra rằng : Nếu tôi biết là anh thì tôi sẵn sàng giúp, nhưng vì chúng tôi tưởng đó là một người khác, một kẻ không đáng giúp. Có những người làm việc bác ái chỉ mong được khen ngợi, được công bố tên ra cho nhiều người biết. Như thế không phải vì họ muốn giúp đỡ ai mà chỉ là chiều theo lòng tự ái, tự tôn của họ. Giúp như vậy không phải là do họ rộng lượng nhưng là do họ ích kỷ, trá hình. Nếu đã giúp đỡ vì đẹp lòng Chúa thì sẽ không còn mục đích nào khác nữa cả.

25/ Một kiểu giúp đỡ theo sự thường thế gian : Nếu chúng ta thật sự muốn làm vui lòng người nào đó, nếu chúng ta muốn làm cho người đó biết ơn, thì cách tốt nhất là chúng ta nên giúp đỡ con cái của họ. Chúa là người Cha vĩ đại và cách làm cho Ngài vui lòng nhất là giúp đỡ con cái của Ngài, mà họ lại chính là đồng bào, đồng loại của chúng ta.

26/ Ai đã nhìn thấy điều này, ai đã học hỏi được điều này? Thưa! Có 2 người : Một là Phanxicô khó khăn, ông thuộc dòng dõi danh giá, quyền thế, nhưng ông không cảm thấy sung sướng, ông thấy đời mình như thiếu thiếu cái gì đó. Một ngày nọ, ông ra đi gặp một người cùi lở loét, xấu xí. Có cái gì làm cho Phanxicô cảm động khiến ông đưa tay ôm chầm lấy con người đau khổ ấy và kìa! trong đôi tay của Phanxicô, gương mặt người cùi đã trở thành gương mặt của Chúa Giê-su. Người thứ hai là : Thánh Martinô thành Tours, ông là một võ quan ngoại giáo, một ngày mùa đông giá lạnh, ông đi vào một thành phố, có một hành khất chặn ông lại để xin ông bố thí / ông trông anh hành khất xanh xao đang run rẩy vì lạnh. Martinô không có tiền để cho, ông cởi áo khoác ra cắt làm đôi, cho người hành khất một nửa. Tối hôm đó ông ngủ nằm mơ thấy Chúa Giê-su hiện đến, có các thiên sứ theo hầu, ông thấy Chúa mặc một nửa chiếc áo của ông. Chúa nói với những người theo hầu rằng : Đây là Martinô, người bổn đạo mới của ta, và áo này là của anh đã cho ta đêm qua. ****

 

Bài 3: LỘ TRÌNH XÉT XỬ  

27/ Cấu trúc của bài Phúc Âm hôm nay: Khung cảnh bài Phúc Âm, đây không phải là một câu chuyện dụ ngôn nhưng là một bài văn miêu tả việc Chúa báo trước ngày chung thẩm.

28/ Lý do tại sao Chúa Giê-su nói đề tài này? Nhân dịp các môn đệ hỏi Chúa về ngày giờ và các dấu hiệu báo trước cuộc quang lâm của Chúa và ngày tận thế (Mt 24,3). Nên Chúa Giê-su đã giảng dạy họ về đề tài này, đàng khác Chúa cũng muốn dùng cơ hội này để kêu gọi người ta phải tỉnh thức (Mt 24,42), phải trung thành (Mt 24,25). Nếu muốn có được phần thưởng vào ngày cánh chung thì ngay bây giờ phải sống bác ái, mọi công việc khác đều sẽ qua đi. Riêng việc bác ái sẽ tồn tại và có giá trị chung cuộc.

29/ Chúa Giê-su đến với tư cách gì? Khi Chúa Giê-su đến trong màu nhiệm nhập thể thì với tư cách của Thiên Chúa làm người, còn khi Chúa đến trong vinh quang thì lại với tư cách là Thiên Chúa làm chủ vũ trụ muôn loài. Vì thế, nên Chúa Giê-su chỉ tỏ hiện vinh quang đầy đủ vào ngày tận thế. Trong thời gian sống tại thế, mọi tạo vật đều ngóng chờ ngày nầy, cho nên nếu đem đau khổ đời này để so sánh thì đau khổ đó chẳng đáng gì so với hạnh phúc mà chúng ta sẽ nhận được ! (Rm 8,18-19)

30/ Có hết thảy mọi thiên thần hầu cận: Các Thiên Thần thường phụng sự Thiên Chúa và thực thi các mệnh lệnh của Ngài (Mt 13,39-41). Nhưng đặc biệt trong lần Chúa đến phán xét lần này thì các Thiên Thần tụ họp đầy đủ và tháp tùng Chúa cách long trọng hơn các lần khác.

31/ Ý nghĩa của “ngai uy linh”: Ngai uy linh là ngai vinh quang, người Do Thái quan niệm ngai vinh quang chỉ dành cho Thiên Chúa, các ngai khác thì dành cho các tông đồ (Mt 19,28). Ở đây khi nói đến Chúa ngự trên “ngai uy linh” là một cách mạc khải hiển nhiên Chúa Giê-su là Thiên Chúa.

32/ Tìm hiểu về chương trình cứu chuộc: Thiên Chúa đã chọn Israel làm dân riêng để chuẩn bị chương trình cứu chuộc, nhưng đó chỉ là giai đoạn tạm thời. Chương trình cứu chuộc của Chúa nhằm hướng tới mọi dân tộc (Mt 28,19), vì thế khi nghe chữ “muôn dân” thì phải hiểu là khắp mọi dân, mọi nước.

33/ Thiên Chúa phân chia họ ra: Ý nói Chúa Giê-su là vị quan xét, theo quan niệm Do Thái thì quyền xét xử họ thuộc về Thiên Chúa, nhưng ở đây quyền đó được trao cho Người Con, đúng như (Yoan 5,23). Người con thực hiện được điều này chính là bằng cớ minh chứng Đức Giê-su là Thiên Chúa.

34/ Khi nào thì Chúa Giê-su mới dùng quyền xét xử? Người Con không dùng quyền xét xử đó khi được sai xuống trần gian, vì Thiên Chúa không sai người Con đến thế gian để xét xử thế gian, nhưng để nhờ Người mà thế gian được cứu (Yn 3,17). Thời gian Ngài thi hành quyền xét xử khi thời vinh quang của Ngài đến.

35/ Mục tử tách chiên ra khỏi dê: Ở Palestin chiên và dê được chăn chung trong một đoàn thú vật, nhưng đến chiều tối người ta tách chúng ra vì ban đêm chiên cần được sưởi ấm nhiều hơn. Chiên cũng đắt giá hơn dê, vị trí của chiên bên phải được coi là vị trí danh dự.

36/ Vua phán với người bên hữu: Vua chính là Chúa Giê-su, là Con người trong ngày cánh chung, chính Chúa Giê-su sẽ là vị phán quan, Người sẽ phân định kẻ lành, kẻ dữ. Cũng chính ở đây Chúa thưởng công người lành và phạt kẻ dữ.

37/ Hãy nhận lãnh phần gia nghiệp: Chính Chúa Giê-su là con Thiên Chúa là đứa Con thừa tự của Chúa Cha (Mt 12,29). Chúa Giê-su cũng cho loài người là anh em, là những kẻ đồng thừa tự (Mt 12,49) Thiên Chúa đã dành Nước Trời cho những người lành thánh. Phần gia nghiệp được hiểu là hai mối phúc trong tám mối . (Mt 5,3 và Mt 5,4).

38/ Vì xưa ta đói: Đây là 6 chuỗi việc thiện tiêu biểu mà người Do Thái có thể làm đối với tha nhân. Tất nhiên Chúa sẽ phán xét chúng ta về tất cả những việc chúng ta đã làm. Mattheô chỉ kể những việc phải làm thuộc đức bác ái và chỉ giới hạn vào những việc bác ái đối với kẻ khác. Bởi vì ai chu toàn bác ái là đã chu toàn mọi lề luật.

39/ Ai là người cần được giúp đỡ? Những người cần được giúp đỡ không cần phải xác định là họ thuộc thành phần nào, là Kitô hữu hay lương dân. Điều này chứng tỏ rằng mọi người chúng ta đều có liên đới với nhau trong mọi cơn khốn khó của nhân loại, cả chiều rộng lẫn chiều sâu của nó.

40/ Ý nghĩa của những việc mà người lành làm: Câu này không có ý bảo người lành hãy quên những việc họ làm, nhưng Chúa có ý nhấn mạnh rằng: Họ không biết mình đã làm những việc ấy cho chính Chúa, trong chính bản thân của những kẻ khốn khó mà họ vừa giúp đỡ. Ý nghĩa của những việc làm của họ dành cho người khác chỉ được mạc khải cho họ biết vào chính giờ phán xét “và Cha ngươi Đấng thấu suốt mọi kín nhiệm, sẽ trả công cho ngươi” (Mt 6,4)

41/ Lời vị Vua đáp lại: Ở đây cũng nhắc chúng ta nhớ lại rằng: “Ai tiếp nhận các con, là tiếp nhận chính Thầy (Mt 10,40). Ai tiếp nhận một trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là tiếp nhận Thầy (Mt 18,5)”

42/ Ý nghĩa của câu mà Chúa đã nói với Phaolô: Saolê, Saolê, sao ngươi tìm bắt ta (Cv 9,4). Thánh Phaolô đã nghiền ngẫm câu này và đã viết ra giáo điều về thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô (Mt 12,49). Chúa Giê-su đã tự đồng hóa mình với những kẻ bé mọn, nhờ đó người ta mới có cơ hội phụng sự Chúa bằng chính những công việc bác ái đối với tha nhân.

43/ Lời Chúa nói với những kẻ bên trái: Ở đây chúng ta thấy những việc bác ái là tiêu chuẩn để xét xử, vì vậy những kẻ dữ đã không thi hành việc bác ái nên bị trừng phạt trong lửa muôn đời. Khi nói với kẻ dữ, Chúa chỉ nói trống mà không nói là bị chúc dữ bởi Cha ta. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa không chúc dữ ai bao giờ, chỉ chúc lành thôi, vì Thiên Chúa muốn cho mọi người đều được ơn cứu rỗi. Khi Chúa nói đến lửa muôn đời là vì tình trạng này (tức là lửa hỏa ngục) sẽ không bao giờ thay đổi nữa.

44/ Vì sao mọi người lại bỡ ngỡ? Cả người lành lẫn kẻ dữ đều bỡ ngỡ trước cách xét xử của Chúa. Vì cách xét xử của Chúa quá khác, vì nếu chúng ta không chứng thực được lòng luôn yêu mến tha nhân thì làm sao có thể chứng thực được lòng yêu mến Thiên Chúa.

45/ Những đối tượng cần được yêu thương: Anh em bé mọn được hiểu là tất cả những ai đang cần được giúp đỡ. “Của ta”: được hiểu là những kẻ đáng thương, là những đối tượng tình thương của Chúa, vì vậy khi ta giúp đỡ những kẻ đáng thương, chính là cách chúng ta thể hiện tình thương của ta đối với Chúa.

46/ Hậu quả của việc không thi hành luật bác ái: Những kẻ dữ vì đã không thi hành luật bác ái cụ thể đối với những đối tượng đáng thương nên đã cản trở tình thương của Thiên Chúa xuống trên con người, vì thế nó là một tội trọng đáng bị lửa thiêu muôn đời.***

 

Bài 4: TIÊU CHUẨN ĐỂ CHỌN LỰA

47/ Hôm nay là lễ gì? Hôm nay là lễ Chúa Kitô vua, từ ngữ làm vua này mới nghe qua có vẻ quá tầm thường, chẳng có gì hấp dẫn nên nhiều người vẫn ngại nghe, cũng có khối người công giáo chẳng quan tâm đến việc Chúa Giêsu có thật sự là vua hay không. Nhưng theo con hiểu : Chúa Giêsu không làm vua theo kiểu chính trị như vua trần gian.

48/ Theo Kinh Thánh thì quan niệm vua như thế nào ? Dân tộc Do Thái cũng như các dân tộc khác cũng đều đã đi qua chế độ quân chủ / cho nên chữ vua trong Kinh Thánh cũng ám chỉ một vị hoàng đế cai trị một quốc gia. Nhưng cho dù dân Chúa có nghĩ đến chế độ ấy, thì Kinh Thánh cũng có một lý luận và một lập trường rất khác về vị vua của vũ trụ.

49/ Tiên tri Samuel đã trả lời như thế nào khi dân Do Thái xin một vị vua? Tiên tri đã phản kháng mạnh mẽ khi cho dân chúng biết: Quân chủ sẽ là một chế độ bóc lột, chỉ chuyên làm khổ dân, nhưng cuối cùng ông cũng phải nhượng bộ, nói đúng hơn là ông đã vâng lời Thiên Chúa. và chính Chúa cũng tỏ ý nên chiều sự cứng lòng, cứng dạ của một dân tộc bướng bỉnh. Như thế cũng có nghĩa là ngay từ đầu thì Thánh Kinh cũng không ủng hộ chế độ quân chủ.

50/ Kinh nghiệm cho chúng ta thấy như thế nào với vị vua Do Thái đầu tiên? Vị vua đầu tiên không tốt / Chúa đã ra tay cứu vớt, Chúa không áp đặt nhưng sửa chữa và hoàn thiện tư tưởng của con người, Chúa đã sử dụng quyền năng của Ngài một cách êm ái.

51/ Thiên Chúa đã sửa chữa bằng cách nào? Thiên Chúa không huỷ bỏ chế độ quân chủ, nhưng là ban cho dân Chúa một vị vua lý tưởng hơn . Đó chính là Vua Đavít, lúc đầu Đavít chỉ là đứa trẻ nhóc, tóc đỏ hoe đang chăn chiên ngoài đồng, Chúa đã bảo Samuel gọi về, xức dầu và phong vương cho chàng. Mặc dầu Đavít cũng có nhiều lỗi lầm. Nhưng rốt cuộc Đavít vẫn là vị vua lý tưởng của kinh thánh vì ông biết kính sợ Thiên Chúa, rất mực khiêm nhu và có lòng từ tâm/ Ông luôn nhớ nguồn gốc chăn chiên của mình.

52/ Thành tích của Đavít sau khi được phong vương là gì?  Ông dám đương đầu với tên địch thủ khổng lồ là Goliat. Đavít đã thắng y bằng một phương pháp của một kẻ chăn chiên đạo đức, luôn cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa.

53/ Tại sao Chúa lại ví các lãnh đạo như là mục tử?  Kinh thánh đã dùng thể loại văn thời ấy để mô tả các Hoàng đế cai trị dân giống như người mục tử chăn dắt đoàn chiên. Kinh Thánh luôn gợi lại hình ảnh Đavít, vị vua mục tử rất đẹp lòng Thiên Chúa. đặc biệt khi loan báo Đấng Thiên Sai sẽ có huy hiệu Hoàng Đế. Trong Kinh Thánh không hề nghĩ đến các vua chúa lân bang, nhưng lại nghĩ ngay đến Đavít và quan niệm Đấng Thiên Sai sẽ là một vị vua mục tử khiêm cung, tận tuỵ và rất từ tâm.

54/ Bài sách Ezeki-el hôm nay mô tả điều gì? Vị tiên tri loan báo Thiên Chúa sẽ cứu dân Người ra khỏi cảnh lưu đày, và tái lập một vương quốc ngay trên xứ sở của họ. Người sẽ làm như một vị mục tử đã làm và coi dân lưu đày như đàn chiên tan tác, Người sẽ giải thoát họ ra khỏi ách nô lệ ,đưa tất cả về trên núi thánh. Họ sẽ được nghỉ ngơi bên dòng suối mát, chính Người sẽ lãnh đạo họ.

55/ Thiên Chúa đã tuyên bố thế nào?  Thiên Chúa tuyên bố: Người sẽ là vị vua mục tử, là một mục tử tốt, người sẽ săn sóc từng con, Ngài sẽ không để cừu dê lẫn lộn kẻo chúng làm hại nhau, là Chúa sẽ phân biệt kẻ dữ người lành, để đàn chiên Chúa, là dân thánh, được bình an hạnh phúc.

56/ Lời sấm ấy loan báo thế nào? Vị tiên tri loan báo việc Chúa dẫn dắt dân trở về. Nhưng chẳng nói khi nào để họ thành một vương quốc có vua cai trị, mà làm họ thành một dân có sứ mạng thiêng liêng là phổ biến và loan truyền ơn cứu độ và có Thiên Chúa lãnh đạo một cách vô hình. Chúa có ý nói sẽ tập họp muôn dân lại thành một hội thánh, và ngài sẽ là mục tử tốt, cắt đặt các bậc lãnh đạo trong hội thánh.

57/ Viễn cảnh của tiên tri muốn nói đến là gì?  Ở vào thời cánh chung, mọi con chiên tản mác, sẽ vĩnh viễn được thu về núi thánh, được nghỉ ngơi vô tận bên dòng suối mát hạnh phúc tuôn trào từ cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi chảy ra. Khi ấy mọi người sẽ nhận ra vị vua mục tử cụ thể như thế nào/ Lúc ấy mọi người sẽ hân hoan, sung sướng nhận người làm vua một cách hết sức thắm thiết, cung kính/**

58/ Chúa Giê-su tượng trưng cho điều gì? Chúa Giê-su sống lại tượng trưng cho hoa quả đầu mùa. Người sống lại và đã cho mọi tạo vật sống lại, người như Adam mới/ Adam cũ và tạo vật cũ đã hư hỏng, thì Adam mới sẽ kéo mọi tạo vật hư đi, được vào cõi sống muôn đời. Nhưng bây giờ chưa được như thế. Vì Chúa Giê-su còn phải lôi kéo tất cả vào trong thân mình Ngài, giúp họ thoát khỏi vòng nô lệ, Ngài sẽ tiêu diệt kẻ thù, lúc ấy Ngài mới xong việc. Lúc đó Chúa Giê-su sẽ dâng tất cả lên cho Thiên Chúa Cha .

59/ Tính cách vương quyền của Chúa Giê-su như thế nào?  Vương quyền mà Chúa Giê-su nhận được sau cuộc tử nạn phục sinh có tính cách vĩnh viễn. Như thế có nghĩa là Chúa Giê-su được làm vua trong  mầu nhiệm thập giá, mà mầu nhiệm thập giá là Đức vâng lời của Người, Người luôn làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Cho nên Người đã được tôn vinh lên trên hết thảy từ đó danh Chúa Giê-su được cả trên trời dưới đất điều thờ lạy. Vậy nên nếu chúng ta muốn vào được Nước Chúa, thì muốn được kết hợp với thân thể mầu nhiệm của Chúa thì chúng ta cũng phải vâng lời Thiên Chúa. Tức là thi hành mọi giáo huấn của Người.**

60/ Adam cũ khác Adam mới như thế nào?  Adam cũ phạm tội vì bất phục tùng./ Còn Adam mới thì được tôn vinh nhờ Đức vâng lời. Như vậy Đức Kitô nhờ vâng lời tuyệt đối mà được lên làm vua, thì chúng ta muốn vào được Nước Thiên Chúa thì chúng ta cũng phải hết mực vâng lời. Chúng ta cần phải dựa vào bài Tin Mừng hôm nay để xác định cách sống đạo kể từ hôm nay.

61/ Tiêu chuẩn mà Chúa chọn lựa trong ngày chung thẩm dựa trên tiêu chuẩn nào? Bên người lành là những kẻ thi hành lòng nhân ái, bên kẻ dữ là những kẻ đối xử thiếu lòng nhân đạo. Chúa xét xử công trạng của mỗi người tuỳ theo cách mỗi người đối xử với Ngài, nhưng nào có ai có thể gặp ngài ở trần gian mà lòng đối xử nhân ái với Người.

62/ Một câu trả lời lạ lùng, vì sao? Khi các ngươi làm hay không làm những điều tốt cho những anh em bé mọn của Ta, cũng là làm hay không làm với chính Ta.

63/ Các anh em hèn mọn nhất, là những ai? Câu này đang ám chỉ đến những người thiếu thốn đau khổ mà chúng ta vẫn thường gặp, Chúa xác định mọi người đã trở thành anh em của Chúa kể từ ngày Chúa chấp nhận mặc lấy bản tính nhân loại. Hiểu được điều này là chúng ta có thể khẳng định rằng: Sau này Chúa sẽ phán xét chúng ta theo thái độ bác ái của chúng ta đối với tha nhân, và đó cũng là lệnh truyền mà Chúa đã để lại cho chúng ta trước khi về trời.

64/ Thánh Mattheo và Phaolô có cùng chung ý hướng như thế nào? Cả hai vị cùng hợp ý với nhau khi nói rằng: Ai muốn vào được Nước Chúa thì phải vâng nghe và thực thi lời Người và phải yêu thương bác ái với anh em.

65/ Thánh Mattheo cụ thể muốn diễn tả? Các anh em hèn mọn là những ai? Thánh nhân muốn diễn tả cách đẹp đẽ hơn khi muốn nói đến các tông đồ, môn đệ của Chúa. Ở trong cả hai trường hợp (Mt 12,50) và (Mt 28,10). Thánh nhân đều nói đến họ, thật vậy các môn đệ đều là những người hèn mọn vì gia thế của họ đều không có gì và nhất là họ luôn sống khiêm nhu, tự hạ để trở nên giống Chúa. Cụ thể như ở thời Mattheo các tông đồ thừa sai đều bị tầm nã, bắt bớ, đánh đập, phỉ báng vì danh Chúa. Họ cũng đang sống bằng mầu nhiệm thập giá cho nên những ai đón họ, là đón Chúa. Những ai cho họ một ly nước lã vì họ là môn đệ thì như đã cho chính Chúa. Họ thật xứng đáng để Chúa ban thưởng Nước Trời.

66/ Muốn vào được nước trời thì chúng ta phải làm sao? Muốn vào Nước Trời thì ta phải đón nhận các tông đồ của Chúa, cho dù bề ngoài của họ  là những người hèn mọn. Họ là những anh em của Chúa trong Tin Mừng cứu độ.

67/ Theo đạo là gì? Theo đạo là hội nhập vào một cộng đoàn khiên tốn, gần những người nghèo khó. Bởi vì Chúa Giê-su tuy là vua, cũng sống như một mục tử và Ngài đã bỏ mạng vì đàn chiên. Cho nên người ta có thể hiểu rõ vì sao lệnh truyền của ngài là bác ái và ai tuân giữ lệnh truyền của Ngài thì mới vào được Nước Trời.

68/ Chúng ta thấy gì nơi bí tích Thánh Thể? Ta thấy Chúa Giê-su thật là vua của chúng ta, Người là mục tử, đã chia sẻ máu thịt cho đàn chiên. Khi nhận lương thực của Ngài, ta cũng muốn chia sẻ, xã kỷ hy sinh cho anh em. Nếu làm được như vậy là ta đã loại bỏ được bao nhiêu khuynh hướng xấu xa của chúng ta là tội lỗi, là óc kiêu ngạo, là bất phục tùng, là đè đầu cỡi cổ người khác.

 

TÓM Ý

Đức Kitô làm Vua theo tiêu chuẩn nào ? Đức Kitô làm Vua không theo tiêu chuẩn thế gian, như những thủ lĩnh các đảng phái ,hay làm Vua theo kiểu cha truyền con nối. Ngài không làm Vua theo kiểu người đời thường quan niệm, cho dù dân chúng có tán dương, có đòi hỏi hay mơ ước.

2/ Dân Do thái ước mơ một vị vua như thế nào? Dân Chúng mơ ước có một vị Vua có nhiều yếu tố trần tục, có tham vọng chính trị / nhưng sứ mệnh của Chúa Gie su khác với sứ mệnh của các vua-chúa trần gian.

3/ Sứ mệnh của Chúa Yesus là gì ? Sứ mệnh của Chúa Yesus không phải là để làm vua thế gian nên nhiều lần Ngài đã từ chối. Chỉ có một lần Chúa hiên ngang vào thành Yerusalem bằng những phương tiện khiêm tốn như tiên tri Giacaria đã có lần tiên báo . Trước tòa án Philatô, Chúa Yesus xác nhận mình là Vua nhưng nước của Chúa không thuộc về thế gian này.

4/ Vua Giesu là vị vua như thế nào ?Chúa Yesus là Vua vũ trụ, là Vua muôn vua, nhưng Ngài là một vị Vua chịu đóng đinh, bị tước đoạt mọi quyền lực trần thế. Chúa đã lên ngôi bằng con đường thập giá và đội vương miện bằng triều thiên mão gai. Kẻ thù của Ngài là Satan ,là sự chết .*

5/ Chúa Yesus làm Vua theo kiểu nào ? Ngài cai trị theo kiểu phục vụ, Ngài là vị Vua khiêm nhu, đơn sơ, nghèo khó và đầy yêu thương. Ngài phục vụ đến độ hiến mạng sống mình vì chúng ta và tự đồng hóa với những kẻ bé mọn, hèn kém , nghèo khó nhất.

6/ Vương quốc của Chúa có những điều khác biệt nào ? Sự thật thứ nhất Chúa muốn nói: Thế giới này chỉ là tạm bợ và sẽ chấm dứt, mọi sự đều là hư vô / vì  mọi người phải đến trước tòa Chúa để chịu phán xét.  Sự thật thứ hai : Mọi người đều phải bị xét xử, mọi người phải phơi bày tất cả những việc mình đã làm. Phiên tòa này sẽ công bằng tuyệt đối và không ai có thể mua chuộc được vị phán quan .  Sự thật thứ ba: Thế giới cũ sẽ chấm dứt, sẽ có một vương quốc mới. Thế giới mới không còn bị chi phối bởi thời gian, không gian vì nó vĩnh cửu và đầy  tràn hạnh phúc. Vì đó là vương quốc tình yêu!.

7/ Tại sao Chúa phải xét xử ? vì là một cuộc tuyển lựa công dân cho vương quốc mới, vương quốc này chỉ có một thứ luật, đó là luật tình yêu. Vì Chúa Yesu là Vua tình yêu.

8/ Sự thật thứ tư là gì ?  Vì đây là cơ hội duy nhất, vương quốc này đã được chuẩn bị ngay từ đời này. Đời này tuy chóng qua nhưng lại là cơ hội để trở thành công dân của vương quốc mới. Ai biết thương anh em mình thì sẽ được chọn vào Nước Trời. Đây chính là cơ hội duy nhất / hết đời này là hết cơ hội, chỉ những ai mau mắn mới kịp.

9/ Chúa muốn tỏ lộ điều gì ? Với dụ ngôn ngày phán xét, Chúa muốn tỏ lộ cho chúng ta biết về vận mệnh của thế giới. Chúa đã chỉ cho ta một con đường để vào được Nước Trời bằng những việc làm thật dễ dàng và cụ thể. Những việc này quá dễ nên ai cũng làm được.

10/ Thánh nữ Têrêsa Calcutta say mê làm việc bác ái , vì sao ? Vì bà rất mê sống đoạn Tin mừng này. Bà bị cuốn hút bởi những con người đau khổ vì dưới con mắt của bà, họ là những con người đáng thương mà họ còn là hiện thân của Chúa Yesus. Tình yêu Chúa và yêu người, cả 2 thứ tình yêu quyện vào nhau // Hãy tập nhìn Chúa qua những con người đau khổ.

11/ Chúa Yesus như một vị Vua như thế nào ? Đoạn tin mừng mô tả Chúa Yesus như một vị Vua có thiên sứ theo hầu. Ngài là ThẩmPhán xét xử muôn dân, Ngài xét xử công minh, phán quyết của Ngài làm ai cũng bất ngờ. Số phận tội hay phúc đều dựa trên những việc họ đã làm .

12/ Vị Vua Yesus thường ở đâu ? Vị Vua Yesus tự đồng hóa với những người đói khát, trần trụi, ốm đau, tù đày mà ai cũng có thể gặp mỗi ngày.Chúa ẩn mình trong những con người hèn kém và không ngại khi nhận họ là anh em.

13/ Chúa Yesus đang ngự ở đâu ? Ngài luôn ngự trong nhà tạm, trong các bí tích, nơi những con người đau khổ đang cần chúng ta. Mỗi cung lòng của những con người khốn cùng là một ngai Vua. Chúa có thể đi ngang qua chúng ta như một vị Vua giả trang, nhưng ngày phán xét chúng ta đâu thể giả vờ ngạc nhiên khi đã để Ngài đi qua với bàn tay trống rổng .

14/ Chúa xét xử chúng ta dựa trên tiêu chuẩn nào ? Là tiêu chuẩn tình yêu. Tội chúng ta phạm là tội thiếu sót, là tội đã bỏ qua những điều tốt mà khộng chịu làm /

15/ / Hôm nay Chúa bảo ta nên giúp những ai ? Hôm nay Chúa ngửa tay ra xin ta cứu giúp các anh em bé mọn của Ngài, những con người ở bên lề xã hội, họ bị đời ngược đãi, bỏ rơi, những người không nhà, những kẻ tội lỗi, trần trụi cả xác lẫn hồn.

16/ Chúng ta cần phải làm những gì ? Chúng ta cần phải làm những việc thật cụ thể , để giúp cho thế giới mênh mông này có được những Ngai tòa thật đẹp để cho Vua Giê-su ngự vào.

17/ Chúa muốn đo chỉ số cảm xúc để làm gì ? Chúa chỉ xét xử chúng ta tùy theo chỉ số cảm xúc (EQ) mà chúng ta có được khi đối diện với anh em khốn khổ của chúng ta. Chúa không dựa theo tiếng tăm hay kiến thức mà chúng ta đang có. Nhưng Ngài chỉ dựa vào những sự chia sẻ mà chúng ta đã dành cho anh em chúng ta.

18/ Những điều Chúa muốn chúng ta giúp tha nhân là gì ? Chúa chỉ cần chúng ta giúp họ bằng những nhu cầu thật đơn giản: Những điều Chúa muốn là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, tiếp đón khách lạ, an ủi người bệnh, thăm viếng kẻ tù đày. Những việc này ai cũng làm được, một công việc thật dễ dàng .

19/ Chúa muốn chúng ta giúp họ như thế nào ? Chúa muốn chúng ta giúp bằng tinh thần không tính toán. Giúp vì có lòng rộng lượng, giúp vì xuất phát từ lòng thương người.

20/ Hình thức bác ái phô trương là như thế nào ? Người ta không giúp vì người ta không muốn giúp nhưng lại chống chế rằng : Nếu tôi biết anh thì tôi sẽ sẵn lòng giúp. Tôi chỉ tưởng anh là một người khác không đáng giúp // người ta làm việc bác ái chỉ mong được khen ngợi , muốn được công bố cho nhiều người biết, họ giúp đỡ chỉ vì lòng tự tôn, tự ái mà thôi. Giúp như vậy không phải do lòng rộng lượng mà chỉ vì muốn phô trương thôi.

21/ Thế nào là một kiểu giúp của thế gian ? Nếu ta muốn làm vui lòng người đó thì tốt nhất là ta nên giúp đỡ con cái họ. Nếu ta muốn Chúa vui lòng thì ta nên giúp đỡ con cái Chúa, vì họ chính là anh em chúng ta.

22/ Những gương nào chúng ta cần học hỏi ?  Khi Thánh Phanxicô ôm người cùi lở loét, xấu xí vào lòng thì gương mặt người cùi trở thành gương mặt của Chúa Yesus. Nửa chiếc áo khoác Thánh Martinô thành Tours cho người nghèo mặc hôm trước , thì ngay hôm sau Chúa Yesus hiện ra mặc nửa áo ấy cho ông thấy. Chúa đã khen ông trước mặt đoàn tùy tùng .**R 

 

Giuse Luca / Trưởng Nhóm Kinh Thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 1688
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  12
 Hôm nay:  2825
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11408234
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top