Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu TM CN 27 Thường Niên B -2015 (Yuse Luca) - 04/10/2015

ĐỀ TÀI: BÍ TÍCH BẤT KHẢ PHÂN LY

TUNG HÔ TIN MỪNG:  1 Ga 4,12

Halêluia. Halêluia. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo. Ha-lê-lui-a.

PHÚC ÂM:  Mc 10, 2-12

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô:

2 Một hôm, có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?" Họ hỏi thế là để thử Người. 3 Người đáp: "Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?" 4 Họ trả lời: "Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ." 5 Đức Giê-su nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. 6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; 7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. 9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." 10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. 11 Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; 12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình."

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

1/ Mục đích của Biệt Phái hỏi Chúa Yesus về ly dị ?

2/ Âm mưu của họ thâm độc như thế nào ?

3/ Cách Chúa Yesus vạch trần âm mưu của họ.

4/ Mối quan hệ giữa người nam và người nữ.

5/ Ý định của Thiên Chúa về hôn nhân như thế nào ?

6/ Vì sao ông Moisen lại cho phép ly dị ?

7/ Cách người Do Thái đánh giá phụ nữ .

8/ Quan niệm của Do Thái về hôn nhân .

9/ Vợ chồng trong hôn nhân được kết hợp với nhau bằng thứ gì ?

10/ Bài học từ Bài đọc I .

 

11/ Ý định của Thiên Chúa về Bí Tích Hôn Nhân.

12/ Ý nghĩa thật sự của Bí Tích Hôn Nhân.

13/ Chúa Yesus muốn dạy chúng ta điều gì ?

14/ Thánh Phaolo dạy gì về vấn đề này ?

15/ Cuộc khủng hoảng hôn nhân của thời đại hôm nay.

16/ Lập trường của Chúa Yesus và Biệt Phái khác nhau thế nào ?

17/ Tình trạng ly dị hiện nay ra sao ?

18/ Điều nào đã làm xáo trộn mọi sự ?

19/ Ý người Phariseu hỏi Chúa Yesus để làm gì ?

20/ Khi bước vào hôn nhân, mọi người mong muốn điều gì ?

21/ Cuối cùng, Chúa Yesus quyết định như thế nào ?**R

 

Bài 1: LỆNH TRUYỀN CỦA THIÊN CHÚA

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/  Mục đích của biệt phái hỏi Chúa Yesus là gì? Hôm nay, Biệt phái hỏi Chúa về vấn đề ly dị không phải là để học thêm kiến thức. Cũng chẳng phải là bọn họ muốn ủng hộ Chúa, nhưng là để giăng bẫy. Họ đưa ra một cái bẫy thâm độc. Bọn chúng lựa lúc có dân chúng tụ tập đông đảo để buộc Chúa Yesus phải tỏ rõ lập trường.

2/  Âm mưu của bọn họ thâm độc như thế nào? Uy tín của Chúa sẽ tuỳ thuộc vào cách Chúa trả lời. Theo thâm ý của họ thì Chúa không dễ gì thoát được bẫy. Nếu Chúa trả lời được phép ,thì rõ ràng Chúa đã đi ngược lại lề luật của Thiên Chúa, còn nếu Chúa trả lời không được ,thì Ngài đang chống lại những điều mà Moisen đã quy định.

3/  Cách Chúa Yesus vạch trần âm mưu của bọn họ: Bằng cách Chúa kéo họ về đúng với điều Thiên Chúa muốn mọi người phải thực hiện. Chúa nói: “Khởi đầu công cuộc sáng tạo con người, Thiên Chúa đã dựng nên người nữ để phụ tá cho người nam, nghĩa là để làm vợ người nam, làm người bạn đường và được bình đẳng với người nam.”

4/  Mối quan hệ giữa người nam và người nữ như thế nào? Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa dựng nên người nữ không phải bằng bụi đất mà bằng chính xương thịt của người nam, Theo quan niệm của người Do Thái: Lồng ngực được bảo vệ bởi bộ xương sườn ,nơi đó chính là trung tâm sự sống của con người. Như thế giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng có quan hệ xương máu với nhau, một thứ quan hệ thật mật thiết.

5/  Ý định của Thiên Chúa về việc này như thế nào? Trong ý tưởng của Thiên Chúa thì nam và nữ được tạo dựng để trở nên một huyết nhục và Thiên Chúa đã lệnh truyền rằng: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly”.

6/  Tại sao ông Moisen lại cho phép ly dị? Theo Chúa Yesus thì việc làm của Moisen không có tính cách như một lề luật quy định. Bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền ban bố lề luật. Moisen làm vậy chỉ là một sự nhượng bộ ,nương theo sự cứng lòng của dân Do Thái vào thời đó mà thôi.

7/  Ý nghĩ của Do Thái về người phụ nữ: Thay vì phải thực thi lệnh truyền của Thiên Chúa như lúc ban đầu của cuộc sáng tạo: là coi vợ mình như một người bạn đường, như một phần cuộc sống của mình, thì bọn họ đã coi vợ mình như một phương tiện để thoả mãn thú tính ích kỷ của mình, để rồi khi đã chán chê thì dễ dàng vứt bỏ như một món đồ không cần thiết nữa.

8/  Quan niệm của người Do Thái về hôn nhân: Sự ích kỷ đó đã quá phổ biến đến nỗi Moisen phải nhượng bộ nhằm giải quyết những rối rắm do sự xấu xa của những con người cùng thời với ông gây ra. Đồng thời nó cũng phản ánh rõ ràng cái quan niệm về hôn nhân thời bấy giờ. Là người vợ không được nhìn nhận là bình đẳng với người chồng.

9/  Tính cách pháp lý của bí tích hôn nhân: Đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, được sử dụng nhiều trong các lễ cưới và câu Chúa Yesus nói: “Sự gì Thiên Chúa liên kết thì loài người không được phép phân ly”. Vốn được coi là nền tảng của các gia đình công giáo.

10/ Vợ chồng trong hôn nhân kết hợp với nhau bằng thứ gì? Chúng ta thường coi hình thức kết hợp này như một nghi lễ mang tính cách pháp lý. Nhưng thật ra là sự kết hợp với nhau bằng tình yêu qua việc yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Cũng có nghĩa là chúng ta đặt mình vào trong kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa bằng việc cả hai trở nên một huyết nhục và họ sẽ yêu thương nhau suốt đời.

11/ Bài học từ bài đọc I: Từ sách sáng thế ký, chúng ta thấy con người trong bàn tay tạo dựng của Thiên Chúa là một người nam và một người nữ. Người nữ lại bởi xương thịt của người nam, cả hai có cùng một bản chất, cùng giống hình ảnh của Thiên Chúa. Đây là một câu chuyện cổ xưa mang tính cách thơ mộng và bình đẳng giữa người nam và người nữ.

12/ Ý định của Thiên Chúa về bí tích hôn nhân: Bí tích hôn nhân mà Thiên Chúa thiết lập chính là sự kết hợp giữa người nam và người nữ. Đây chính là cuộc sống lứa đôi. Cuộc sống hôn nhân gia đình, đây không phải là một lời chúc dữ như những người không vừa ý về hôn nhân vẫn quan niệm. Đây cũng không phải là một chuyện chẳng đặng đừng. Nhưng đây là một sự thật làm nền tảng cho tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa. Bí tích hôn nhân chính là khởi điểm cho sự hiện diện và làm chủ của con người trên mặt đất này.

13/ Ý nghĩa thật sự của bí tích hôn nhân: Người nam sẽ lìa bỏ cha-mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thân thể. Đây là một sự kết hợp mang tính thánh thiện, thiêng liêng. Bởi vì từ sự kết hợp đầy tình yêu thương này ,sẽ nảy sinh những con người mới có tự do, có hiểu biết, có yêu thương và cũng mang hình ảnh của Thiên Chúa. Hôn nhân chính là sự cộng tác của con người , là tiếp nối công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

14/ Ý Chúa Yesus muốn dạy gì qua đoạn Tin Mừng? Chúa Yesus chính thức gạt bỏ những dễ dãi do sự cứng lòng của con người và dẫn con người về với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Sự gắn bó nên một giữa vợ chồng là do Thiên Chúa thiết lập.

15/ Thánh Phao-lô đã xác quyết như thế nào? Sự gắn bó giữa nam và nữ tượng trưng cho sự kết hợp giữa nam và nữ như Đức Ki-tô và Giáo hội. Sự kết hợp này làm nên một cuộc sống mới, vì thế ai phá đổ sự kết hợp này chính là phá đổ công trình của Thiên Chúa. Chúa Yesus đã chúc phúc cho đôi lứa hôn nhân bằng phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana.

16/ Cuộc khủng hoảng của thời đại hôm nay: Hôn nhân gia đình ngày nay đang gặp những khủng hoảng trầm trọng, vợ chồng bỏ nhau ,con cái bơ vơ vất vưởng. Nền tảng tình yêu do Thiên Chúa thiết lập đã đổ vỡ, hạnh phúc gia đình đang lung lay ,toà nhà xã hội không còn vững chắc nữa. Giáo hội cũng bị vạ lây, chúng ta phải làm sao đây ?**R

 

Bài 2: THÁNH HOÁ HÔN NHÂN VÀ CHÚC PHÚC CHO TRẺ EM

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

17/  Lý do người Phari-siêu đặt câu hỏi cho Chúa Yesus? Họ muốn lôi kéo Chúa Yesus vào cuộc tranh luận về các lý do cho phép ly dị / Chúa Yesus không đi vào tranh luận về các lý do hợp pháp cho phép ly dị / nhưng Chúa muốn đưa bọn họ trở lại với Kinh Thánh, về cách xử sự và ý muốn của Thiên Chúa là đấng tạo hóa từ thuở khai thiên lập địa.

18/ Chúng ta nên hiểu mối tương quan giữa người nam và người nữ như thế nào? Đây không phải là điều mà con người có thể tự do định liệu, bởi vì mối tương quan này không xuất phát từ ý muốn của con người, nhưng là từ nơi Thiên Chúa trong tư cách là Đấng tạo hóa, Ngài đã tạo dựng loài người trong sự khác biệt nam và nữ / Ngài đã nhắm người này cho người kia, và Thiên Chúa đã quy định rằng: Nếu họ kết hợp với nhau, sẽ trở nên một xương một thịt.

19/ Ai là người dám phá hỏng sự bố trí này của Thiên Chúa? Người nào dám phá hỏng công trình của Thiên Chúa / đây được coi như một hành động xuyên tạc thô bạo, phá hỏng và chống lại ý muốn của Thiên Chúa / Chúa Yesus coi đây như là hành động tiêu cực nên đã cấm ly dị và cấm tái kết hôn! Cho nên, sau đó Chúa Yesus đã tuyên bố với các môn đệ rằng: ly dị và cưới vợ, lấy chồng khác là phạm tội ngoại tình.

20/ Các lập trường của biệt phái và Chúa Yesus khác nhau như thế nào? Biệt phái có 2 lập trường trái ngược nhau: lập trường của bậc thầy Hi-llen cho phép ly dị về những duyên cớ rất bình thường, đây là lập trường dễ dãi / Bậc thầy do Sham-mai đứng đầu là lập trường khắt khe, chỉ cho ly dị trong trường hợp ngoại tình / Tuy hai lập trường này có khác nhau nhưng bọn họ có điểm chung là: cho phép ly dị / Còn lập trường của Chúa Yesus là tuyệt đối không được ly dị “Điều gì Thiên Chúa kết hợp…”.

21/ Nhân dịp này Chúa Yesus dạy gì? Chúa dạy phải yêu thương nhau (luyến ái) và cùng đồng tâm nhất trí với nhau (nên một huyết nhục).

22/ Tình trạng ly dị hiện nay ra sao? Những biểu hiện tật xấu của người thời nay là không trung thành và thích thay đổi, từ đó tình trạng ly dị ngày càng gia tăng / họ chỉ muốn sống theo sở thích hơn là sống theo trách nhiệm / Tình trạng ly dị gia tăng, giúp chúng ta hiểu rằng: sống chung thủy cho một tình yêu là rất khó.

23/ Lời cầu nguyện: Lạy Chúa, mới ngày nào con cảm thấy rất yêu mến Chúa, sao hôm nay lòng con đã bớt nồng nàn, và không biết ngày mai sẽ còn lại gì, sẽ ra sao? Phần Chúa thì muôn đời Chúa vẫn một mực yêu thương chung thủy với con / Xin Chúa hãy giữ gìn con mãi mãi trong tình yêu của Chúa.

24/ Đời sống độc thân của những kẻ dâng mình cho Chúa là một bằng chứng, một dấu chỉ, một sự khích lệ cho những người sống ở bậc hôn nhân / Đó là một dấu chỉ về một tình yêu hoàn toàn không vị kỷ / là một bằng chứng trung thành với một tình yêu đã cam kết / Vì là dấu chỉ và bằng chứng nên nó đã trở nên một sự khích lệ lớn lao / Xin cho các Linh mục, Tu sĩ sống đời tận hiến của mình cách trung thành, bền đỗ và vui vẻ đến cùng.

25/ Khi mở đầu cuộc tranh luận với Chúa Yesus về vấn đề ly dị, có thể họ thật lòng muốn biết ý kiến của Chúa, cũng có thể họ muốn thử Chúa về phương diện giáo lý chính thống, cũng có thể họ muốn thấy Ngài tự mâu thuẫn với chính mình / Cũng có thể họ tìm cách đẩy Ngài vào chỗ thù địch với vua Hero-dê vì ông ta là người vừa ly dị để cưới vợ khác / Họ cũng muốn nghe Chúa nói điều trái ngược với luật pháp Moi-sen / Sau đó họ sẽ tố cáo Ngài là kẻ tà giáo / Có một điều chúng ta cần nên hiểu là vấn đề họ đặt ra không phải là vấn đề thuần về giáo lý / cũng có thể chỉ liên quan đến trường phải của các Rabbi (bậc thầy) mà thôi! Chúng ta cũng nên biết đây là đề tài tranh luận gay gắt nhất trong thời Chúa Yesus!

26/ Về lý thuyết, không có gì cao hơn lý tưởng về hôn nhân trong Do Thái giáo / Sự trinh khiết vẫn được xem như đức hạnh quan trọng nhất của mọi đức hạnh / Chúng ta thấy rằng Thiên Chúa có thể nhịn nhục đối với mọi tội khác , ngoại trừ tội không giữ gìn tinh khiết.

27/ Điều cơ bản làm xáo trộn mọi sự ở đây, đó là theo luật Do Thái, phụ nữ vốn bị xem như một đồ vật/ Phụ nữ không có quyền lợi pháp định, hoàn toàn đặt dưới quyền sử dụng của người đàn ông đang làm chủ trong gia đình / Hậu quả là người đàn ông có thể ly dị vợ với bất kỳ lý do gì, trong khi hầu như có rất ít lý do để người phụ nữ được phép ly dị / cùng lắm người vợ chỉ có thể xin chồng ly dị mình mà thôi / Phụ nữ bị chồng ly dị dù có thuận ý hay không / nhưng đàn ông thì có thể tự ý ly dị vợ/ Chỉ có lý do để người phụ nữ được quyền ly dị chồng, là khi người chồng mắc bệnh phong, hoặc khi người ấy hiếp dâm một trinh nữ khác, hoặc khi người chồng cáo gian vợ phạm tội trước khi kết hôn với nhau.

28/ Lý do khiến người ta đem trẻ nhỏ đến với Chúa Yesus là gì? Là để Ngài đặt tay lên chúng và chúc lành cho chúng.

29/ Lý do khiến các môn đệ khiển trách các em là gì? Là vì thời đó người Do Thái coi khinh trẻ nhỏ vì chúng chưa biết luật, trẻ nhỏ còn bị coi là hạng ở bên ngoài xã hội.

30/ Phản ứng của Chúa Yesus là gì? Chúa muốn dạy các môn đệ một bài học là hãy mở rộng vòng tay đón tiếp rất cả mọi người, không được loại bỏ bất kỳ ai / Chúa còn nói: người lớn phải có tâm thế như trẻ nhỏ thì mới được vào Nước Trời.

31/ “Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta”, Ta phải hiểu trẻ nhỏ theo nghĩa rộng / Chúa bảo tôi hãy sống làm sao để tất cả mọi người đều có thể gần gũi, hơn nữa ,đều cảm thấy thoải mái khi ở gần bên tôi, tức là những người nhỏ bé, những người kém cỏi, vụng về, chậm trí,…

32/ Trẻ nhỏ hoàn toàn phó thác, tin tưởng nơi cha mẹ mình, không lý luận xem tại sao cha mẹ lại làm như thế, trẻ nhỏ không tính toán lời lỗ, hơn thiệt / Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ luôn là thần tượng, cha mẹ nói gì cũng đúng, cũng hay / Tôi đối với Chúa như thế nào? Tôi có giống những nét trên của trẻ nhỏ hay không?**R

 

Bài 3: Ý THÍCH VÀ HẬU QUẢ

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

33/ Vào thời đó, việc chồng rẫy (bỏ) vợ trên nguyên tắc được mọi người chấp nhận, do sách Đnl 24,1 có viết rằng: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có nhiều điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà” / Người ta chỉ bất đồng ý kiến về những lý do mà người đàn ông viện dẫn ra để rẫy bỏ vợ mình.

34/ Phái bảo thủ (môn phái Sham-mai) muốn bênh vực quyền lợi cho người đàn bà trong xã hội do người đàn ông thống trị, họ chỉ nhận duy nhất một lý do và cho đó là cớ hợp pháp để ly dị đó là thói lăng loàn bất trị của người vợ, hoặc là một hành động của nàng khiến cho người chồng có thể nghi ngờ lòng chung thủy của nàng!

35/ Phái tự do (môn phái Hi-llen) cho phép bỏ vợ vì bất cứ lý do nào, thí dụ như vô sinh, hiếm muộn, gặp người đàn bà khác mình thích, hay chỉ vì nàng nấu ăn dở.

36/ Nhóm Phari-siêu có ý muốn hỏi xem Chúa Yesus sẽ gia nhập môn phái nào, nhưng họ cũng biết quá rõ là dù chọn môn phái nào thì Ngài cũng sụp bẫy / Vì người ta sẽ có cớ để chụp mũ Người là “cứng cỏi” hoặc “buông thả” đối với lề luật Thánh / Nếu bị như vậy thì chẳng ai còn tin vào giáo huấn của Ngài nữa!

37/ Chúa Yesus không dễ dàng rơi vào cạm bẫy của họ / Người đã trả lời bằng một câu hỏi: thế ông Moi-sen đã truyền dạy ra sao? Khi dùng từ truyền dạy, Ngài buộc bọn chất vấn phải nhìn nhận công khai / đó không phải là một lệnh truyền của Moi-sen / mà chỉ là một sự nhân nhượng vì lý do nhân đạo / Họ thú nhận: ông Moi-sen đã cho phép viết giấy ly dị và rẫy vợ.

38/ Bây giờ Chúa Yesus mới nại đến một quyền lực cao trọng hơn quyền lực của Moi-sen trong việc cắt nghĩa lề luật / Ở đây Chúa Yesus nại đến ý muốn của Thiên Chúa từ thuở ban đầu: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ, vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” / Việc bỏ vợ dù rằng có trao tờ ly hôn, cũng chỉ là một sự nhân nhượng / Nó không thể nào hủy bỏ ý muốn ban đầu của Thiên Chúa và tính cách vĩnh viễn của lời cam kết trong hôn ước / Kinh Thánh nói tiếp: “Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

39/ Sách Sáng Thế ra đời trước sách Đn luật rất lâu, Chúa Yesus đã dùng nó để trích dẫn, đã trình bày cách Thiên Chúa phối hợp giữa người nam và người nữ như một nền tảng vững chắc, nhờ đó nhân loại được xây dựng và tiếp tục phát triển chớ không phải để hủy diệt / Con người được tạo dựng nên có nam có nữ, có hai phái tính cho nên đàn ông và phụ nữ đều là hình ảnh của Thiên Chúa / Nét cao quý của sự kết hợp là ở chỗ đó/ Sau đó Chúa Yesus kết luận : Đấng Tạo Dựng mong muốn rằng: “Sau khi kết hợp thì cả hai sẽ trở nên một xương một thịt”/ Lời Chúa thật hết sức rõ rệt / đàn ông và phụ nữ được kêu gọi làm nên một tế bào gia đình tự lập / Đôi uyên ương đã trở nên một đơn vị nền tảng phát xuất từ tình yêu giới tính / cái đơn vị đầu tiên này, gia đình đầu tiên này được tạo lập nên do ý định của Thiên Chúa / cho nên gia đình cần phải được chúng ta bảo vệ bằng mọi giá / Do đó Chúa Yesus đã cương quyết truyền dạy: “Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

40/ Bước vào hôn nhân, mọi người mong muốn điều gì? Ai cũng muốn được hạnh phúc, trọn đời yêu thương và cuộc tình không phải là chuyện chỉ tính tháng tính ngày, vui thì ở mà chán thì chia tay, nhưng trái lại, ai cũng muốn ăn đời ở kiếp, bền vững, tươi đẹp / Chúa Yesus cũng luôn mong muốn như thế, nên Ngài đã nâng lên hàng Bí Tích, nghĩa là bằng một sự kết hợp thánh thiện, bền chặt, mà biểu tượng của sự kết hợp này là Mầu Nhiệm giữa Chúa Kitô và Hội Thánh / Sự kết hợp này phải như keo sơn gắn bó, bền chặt, nên ngoài sự chết thì không có sức mạnh nào có thể chia lìa họ .

41/ Ý của người Phari-siêu như thế nào? Khi họ chất vấn Chúa, ý họ muốn hỏi là: có được phép ly dị để lấy người khác không? Họ cũng có ý muốn hỏi: có được phép thay vợ đổi chồng không? có được phép đa phu thê không? Họ còn nại đến thế giá của ông Moi-sen để hỏi thử Chúa.

42/ Thái độ của Chúa Yesus ra sao? Chúa vẫn điềm đạm nhắc lại cho họ biết về luật nguyên thủy của Thiên Chúa là: một vợ một chồng / còn việc ông Moi-sen cho phép bỏ nhau để lấy người khác là vì lòng dạ dân chúng cố chấp nên Moi-sen đành nhượng bộ.

43/ Cuối cùng Chúa Yesus quyết định thế nào? Chúa Yesus đã chính thức rút lại luật Moi-sen và thay thế những gì là hủ tục trong thời Cựu Ước bằng luật Tân Ước / Nghĩa là Chúa chính thức xác nhận: “Nhất phu nhất phụ” và tính bất khả phân ly trong hôn nhân Kitô giáo.

44/ Chúa Yesus đòi hỏi điều gì? Chúa đòi hỏi mọi người phải sống theo luật mới này / Vì thế từ xưa đến nay Giáo Hội vẫn trung thành tuân giữ.

45/ Đặc tính của hôn nhân là gì? Đây là tình yêu chân chính, không chấp nhận có sự chia sẻ, phân tán, hoán đổi, hối hận / Khi yêu ai cũng muốn chiếm trọn, muốn được chung tình, chứ không ai chịu chung chạ hay nửa đường đứt gánh.

46/ Tại sao có nhiều người liều mình vì tình yêu? Bất cứ khi nào tình yêu bị sứt mẻ, bị chia sẻ, bị phản bội, người ta sẽ không quản ngại gian nguy, không ngại tai tiếng, không ngại hy sinh, để nhứt quyết bảo vệ cho kỳ được tình yêu đó như: đánh ghen, đập phá, chém giết, thuê côn đồ hành hung, thuê người tạt acid tình địch,… / Tất cả những hành động đó đều không ngoài mục đích là đòi quyền được yêu và quyền yêu trong hôn nhân một cách tuyệt đối / Cũng không nằm ngoài mục đích bảo vệ sự chung thủy của vợ chồng!

47/ Gia đình không thể hạnh phúc khi chồng đèo bồng,người vợ lang chạ, sợi dây tơ hồng bị xé lẻ thì tang thương hỗn loạn sẽ xảy đến trong gia đình / Vợ chồng sẽ không còn quảng đại tha thứ cho nhau để cảm thông nhau như trước nữa / Bầu khí gia đình sẽ ngột ngạt, nghi kỵ, hằn học, tính ăn miếng trả miếng sẽ bùng nổ từ đây và không sớm thì muộn, hai người sẽ đưa nhau ra tòa đòi ly dị / Hậu quả bi đát sẽ xảy ra cho hai người và tình trạng bi đát này sẽ kéo dài đến hết đời / Những trẻ thơ vô tội sẽ mặc cảm, hoang mang, chán chường / Hậu quả là các em sẽ thiếu tình thương, sẽ gào thét, đập phá, quấy rối và sau cùng sẽ trở thành những trẻ em hư hỏng / **R

 

Bài 4: BÍ TÍCH BA KHÔNG

(KHÔNGHỐI HẬN, KHÔNG HOÁN ĐỔI, KHÔNG CHIA LÌA)

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

48/ Biệt phái đem vấn đề ly dị ra hỏi Chúa, không phải để học hỏi thêm kiến thức hay là để tranh thủ biết ý kiến của Chúa, nhưng là để gài bẫy, một cái bẫy thâm độc / Họ chọn lúc có đông đảo dân chúng để đòi Chúa phải bày tỏ lập trường.

49/ Uy tín của Chúa còn hay mất sẽ tùy thuộc vào câu Ngài trả lời, theo ý nghĩ của bọn họ thì Chúa Yesus không dễ gì thoát được cạm bẫy của họ.

50/ Nếu Chúa trả lời “Được phép” thì Chúa Yesus đã đi ngược lại lề luật của Thiên Chúa / Còn nếu Ngài trả lời “không được phép” thì Ngài sẽ vi phạm vào điều mà ông Moi-sen đã quy định.

51/ Chúa Yesus vạch trần âm mưu của họ bằng cách kéo họ về với điều mà Thiên Chúa muốn họ thực hiện / Chúa Yesus đã gợi lại từ lúc khởi đầu cuộc sáng tạo con người, Thiên Chúa đã dựng nên người nữ để làm vợ người nam, đồng thời cũng làm người bạn đường và được quyền bình đẳng với người nam vì cùng một xương một thịt.

52/ Thiên Chúa đã lấy gì để tạo nên người nữ? Không phải bằng bụi đất mà chính bằng xương thịt của người nam / Theo quan niệm của người Do Thái thì lồng ngực con người được cấu tạo bởi xương sườn, đó cũng chính là trung tâm của sự sống con người.

53/ Như thế giữa người nam và người nữ, giữa người vợ và người chồng có một mối quan hệ mật thiết với nhau, đó là quan hệ xương máu, quan hệ sự sống / Và ý Chúa là người nam và người nữ được tạo dựng nên để trở thành một huyết nhục / Sau đó Thiên Chúa tuyên bố: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”.

54/ Tại sao Moi-sen cho phép ly dị? Việc làm của Moi-sen không phải là quy định một lý tưởng tốt đẹp phải theo đuổi mà chỉ là một sự nhượng bộ, một sự chẳng đặng đừng bởi sự cứng lòng của người Do Thái.

55/ Ý muốn của Thiên Chúa được phân tách rõ như thế nào? Thay vì loài người phải thực hiện lý tưởng khởi đầu công cuộc sáng tạo là phải coi vợ mình như một người bạn đường, như một phần không thể thiếu của cuộc sống người chồng / thì người ta đã dám coi vợ mình như một phương tiện để thỏa mãn tính ích kỷ, dâm ô, độc ác của mình, sau đó sẽ rẫy bỏ người vợ khi không còn thấy cần thiết nữa!

56/ Moi-sen phải nhượng bộ, vì sao? Vì sự ích kỷ đó đã quá phổ biến và cũng nhằm giải quyết sự yếu đuối cho những con người cùng thời với ông / và đây cũng phản ảnh một quan niệm hôn nhân của thời bấy giờ.

57/ Theo quan niệm ở đây, người vợ không được nhìn nhận là bình đẳng với người chồng / Ngoài ra Chúa cũng muốn sửa đổi cái nhìn của con người với nhau trong xã hội / Cho nên ở đây Chúa Yesus đã dạy các Tông đồ phải có thái đột tốt đối với trẻ nhỏ / vì trẻ nhỏ chính là hình ảnh mẫu mực cho những ai muốn vào Nước Thiên Chúa / Mẫu mực là sự đơn sơ vô tội, mẫu mực là sự đón nhận tất cả mọi sự với lòng chân thành, và luôn tin tưởng phó thác mọi sự trong tay Cha mình!

58/ Câu nói nào của Chúa Yesus làm nền tản cho sự bền vững của gia đình Kitô giáo? Là câu: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” chúng ta nên hiểu việc Thiên Chúa liên kết như thế nào cho đúng? Sự liên kết này không mang tính cách nghi lễ hay pháp lý / mà vợ chồng phải kết hợp bằng chính sự tôn trọng lẫn nhau / Họ tự đặt mình vào trong kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa / bằng cách hai người tự nguyện trở thành huyết nhục lẫn nhau, qua hành động săn sóc yêu thương nhau trong cuộc sống hằng ngày mà sự chọn lựa này phải được diễn ra từng giây từng phúc trong đời sống vợ chồng!

59/ Mỗi người chúng ta hãy coi sợi dây ràng buộc trong hôn nhân là sợi dây liên kết trong tình yêu thương hơn là sự ràng buộc của pháp lý để rồi cứ phải tìm cách tháo gở, để đi đến dang dở cho đời nhau và gây hụt hẫng cho con cái phải cô đơn, côi cút!

60/ Chúng ta rút ra được gì từ bài đọc I? Thiên Chúa tạo dựng nên người nam và người nữ, người nữ được tạo dựng nên từ xương thịt của người nam / cả hai có cùng một bản chất và cùng giống hình ảnh Thiên Chúa.

61/ Chẳng có một tài liệu cổ xưa nào, có được một sự quan niệm vừa rõ ràng vừa bình đẳng thơ mộng cho bằng câu chuyện của sách Sáng Thế Ký / Đồng thời sự kết hợp giữa 2 người với nhau hay nói rõ hơn là cuộc sống lứa đôi của họ đã được Thiên Chúa chúc lành / mà cuộc sống ấy cũng là khởi điểm cho sự hiện diện của con người trên mặt đất này.

62/ Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình và cả hai sẽ trở nên một thân thể / Đây là sự kết hợp rất thánh thiện, rất thiêng liêng / Cũng từ sự kết hợp này sẽ nảy sinh những con người mới có tự do, có hiểu biết, có yêu thương và cũng được mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa.

63/ Như vậy hôn nhân chính là hành động cộng tác, cũng là công cuộc tiếp nối chương trình tạo dựng của Thiên Chúa.

64/ Qua bài học từ đoạn Tin Mừng, mọi người hãy thẳng thắn gạt bỏ hết mọi dễ dãi cho sự cứng lòng và ích kỷ của con người / để trở về với ý muốn ban đầu của Thiên Chúa / Từ đó chúng ta có thể khẳng định rằng: sự gắn bó keo sơn giữa vợ chồng chính là lệnh truyền do Thiên Chúa thiết lập và đòi buộc chúng ta phải tuân giữ.**R

 

TÓM Ý

1/ Mục đích của biệt phái hỏi Chúa Yesus về ly dị: Họ hỏi Chúa không phải là để học thêm kiến thức, cũng chẳng phải là họ muốn ủng hộ Chúa. Nhưng là giăng bẫy để buộc Chúa trả lời tỏ rõ lập trường, họ chỉ mong làm mất uy tín của Chúa.

2/ Âm mưu của họ thâm độc như thế nào? Họ có chủ ý nên nghĩ rằng Chúa không thể nào thoát bẩy được. Nếu Chúa trả lời được phép ly dị thì Chúa đã đi ngược lại với lề luật của Thiên Chúa. Nếu Chúa bảo không thì Chúa chống lại những quy định của luật Moisen.

3/ Cách Chúa Yesus vạch trần âm mưu của biệt phái: Chúa Yesus đã đưa về đúng với lệnh truyền của Thiên Chúa. Từ khởi đầu công cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã tạo dựng nên người nữ để làm phụ tá cho người nam, nghĩa là làm vợ người nam.

4/ Mối quan hệ giữa nam và nữ: Thiên Chúa tạo dựng nên người nữ không phải bằng bụi đất, nhưng bằng xương thịt của người nam. Như thế giữa nam và nữ, giữa vợ với chồng có quan hệ xương thịt với nhau, một thứ quan hệ mật thiết.

5/ Ý định của Thiên Chúa về việc này như thế nào? Khi Thiên Chúa tạo dựng nên người nam và nữ, hai người đã trở nên một huyết nhục. Sau đó Chúa lệnh truyền rằng: Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly.

6/ Vì sao ông Moisen lại cho phép ly dị? Theo ý Chúa Yesus thì việc làm của Moisen không mang tính cách như một lề luật quy định. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền ban lề luật. Moisen làm như vậy cũng chỉ là một sự nhượng bộ do sự cứng lòng của dân Do Thái mà thôi.

7/ Cách người Do Thái nhìn phụ nữ: Thay vì phải thực thi lệnh truyền của Thiên Chúa như thở ban đầu, thì họ coi vợ mình như món đồ chơi để thỏa mãn thú tính, để rồi khi đã chán chê thì họ sẵn sàng vứt bỏ.

8/ Quan niệm của Do Thái về hôn nhân: Sự ích kỷ thái quá của đám đàn ông Do Thái, đã khiến cho Moisen phải nhượng bộ nhằm giải quyết những rối rắm của những con người cùng  thời đại ông gây ra. Điều này cho ta thấy rõ rằng: Thời đó người phụ nữ không được tôn trọng và không có đình đẳng như với người chồng.

9/ Vợ chồng trong hôn nhân được kết hợp với nhau bằng thứ gì? Hôn nhân không phải là nghi lễ mang hình thức pháp lý, nhưng là một sự kết hợp giữa nam và nữ bằng một tình yêu qua việc hai người yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.

10/ Bài học từ bài đọc I: Hai người nam và nữ cùng được Thiên Chúa tạo dựng, cả hai cùng một xương một thịt, cả hai có cùng một bản chất ,cùng giống hình ảnh của Thiên Chúa.

11/ Ý định của Thiên Chúa về bí tích hôn nhân: Bí tích hôn nhân do Thiên Chúa thiết lập, và cũng do Thiên Chúa kết hợp. Đây chính là cuộc sống hôn nhân gia đình. Nhiều người cho hôn nhân là một lời chúc dữ khi họ sống không hòa hợp với nhau. Hoặc là như một sự bó buộc rằng khi lớn lên thì phải có gia đình để truyền giống. Nhưng đây chính là nền tảng của tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa. Nhờ bí tích này mà con người hiện diện và làm chủ mặt đất này.

12/ Ý nghĩa thật sự của bí tích hôn nhân: Hai người nam và nữ sẽ lìa bỏ cha-mẹ để kết hiệp với nhau và cả hai sẽ trở nên một thân thể. Bí tích hôn nhân mang tính thánh thiện, thiêng liêng. Hôn nhân chính là sự cộng tác, là tiếp nối công việc tạo dựng của Thiên Chúa.

13/ Chúa Yesus muốn dạy chúng ta điều gì? Chúa Yesus muốn loại bỏ những dễ dãi do sự cứng lòng và quá tự do của con người. Chúa Yesus muốn dẫn đưa con người về với ý định ban đầu của Thiên Chúa.

14/ Thánh Phao-lô đã dạy gì về vấn đề này? Sự gắn bó giữa nam và nữ trong hôn nhân tượng trưng cho sự kết hợp giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh. Sự kết hợp này sẽ phát sinh nhiều cuộc sống mới. Vì thế ai phá đổ điều này cũng đồng nghĩa với việc chống lại Thiên Chúa.

15/ Cuộc khủng hoảng hôn nhân ở thời buổi hiện nay: Hôn nhân ngày nay đang gặp khủng hoảng trầm trọng. Vợ, chồng bỏ nhau con cái bơ vơ, vất vưởng. Nền tảng tình yêu do Thiên Chúa thiết lập đã bị tan vỡ. Hạnh phúc gia đình đang lung lay, xã hội và giáo hội phải gánh chịu hậu quả xấu từ việc này.

16/ Lập trường của Chúa Yesus và biệt phái khác nhau như thế nào? Biệt phái có 2 lập trường: Phái Hi-llen là phái dễ dãi, cho phép ly dị vì những duyên cớ rất bình thường. Phái Sham-mai thì khắt khe nên chỉ cho phép khi phụ nữ ngoại tình, cả hai phái trên đây đều cho phép ly dị. Riêng Chúa Yesus thì không cho phép.

17/ Tình trạng ly dị hiện nay ra sao? Tật xấu của người thời nay là không muốn trung thành vì họ thích thay đổi. Vì họ chỉ muốn theo sở thích riêng tư nên không chịu chiều ý ai cả và không thích sống theo trách nhiệm. Điều này nói lên rằng: Sống chung thủy là một chuyện quá khó, hơn nữa họ lại thích : “mới chuộng, cũ dong”.

18/ Điều cơ bản làm xáo trộn mọi sự là gì? Theo luật Do Thái, phụ nữ thường bị coi như một món đồ. Họ không có quyền lợi pháp định, họ hoàn toàn bị đặt dưới quyền của đàn ông làm chủ gia đình. Hậu quả là người đàn ông có thể ly dị vợ vì bất cứ lý do gì. Còn người phụ nữ thì không có quyền, ngoại trừ chồng mình bị bệnh phong cùi hay phạm tội hiếp dâm người khác.

19/ Ý người Phariseu hỏi Chúa Yesus để làm gì? Khi họ chất vấn Chúa, ý họ muốn hỏi là: Có được phép ly dị để lấy người khác không? Có được phép thay vợ đổi chồng không? Có được phép đa phu thê không? Họ muốn nại thế giá của Moisen để thử Chúa.

20/ Khi bước vào hôn nhân, mọi người mong muốn điều gì? Ai cũng muốn được hạnh phúc, được trọn đời yêu thương. Chuyện này không ai muốn tính tháng tính ngày, vui thì ở chán thì chia tay. Nhưng trái lại, ai cũng muốn ăn đời ở kiếp! Chúa Yesus cũng muốn thế nên Ngài đã nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Chúa đã chính thức xác nhận khi làm phép lạ nước hóa rượu ở tiệc cưới Cana.

21/ Cuối cùng, Chúa Yesus quyết định thế nào? Chúa Yesus hủy bỏ luật Moisen và những hủ tục của Cựu Ước để thay thế bằng luật Tân Ước, có nghĩa là Chúa xác nhận: “Nhất phu nhất phụ, và bất khả phân ly” trong hôn nhân Ki-tô giáo.**

Bài viết của Yuse Luca / Trưởng Nhóm Kinh Thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 1479
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  8
 Hôm nay:  335
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11350639
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top