Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 1 MÙA VỌNG B (Giuse Luca)

CHÚA NHẬT I  MÙA VỌNG B /  03/12/2023

ĐỀ TÀI: CÁC CON HÃY TỈNH THỨC

 

Tung hô Tin Mừng:     Tv 84, 8

Haleluia. Haleluia. Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa và ban ơn cứu độ cho chúng con. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mc 13, 33-37

Anh em phải canh thức: Anh em không biết khi nào chủ nhà đến.

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-cô.

33 Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. 34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. 35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. 36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. 37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!"

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/ Bài Tin Mừng, Chúa muốn nhắc chúng ta điều gì ?

2/ Tỉnh thức có quan trọng không ?

3/ Điều nào bất ngờ nhất trong cuộc sống ?

4/ Cái chết sẽ xảy ra vào lúc nào ?

5/ Làm sao để có thể chết lành ?

6/ Tin sự sống đời sau thì có gì sai ?

7/ Tỉnh thức là gì ?

8/ Mùa vọng là mùa gì ?

9/ Mê ngủ là gì ?

10/ Chúa đến như thế nào?

11/ Thế nào là tỉnh thức ?

12/ Phải tỉnh thức như thế nào ?

13/ Giữ linh hồn luôn tỉnh thức có dễ không ?

14/ Ai đang ngủ, ai đang thức ?

15/ Thức đêm để làm gì ?

16/ Vì sao ta mất ngủ ?

17/ Làm sao có thể ngủ nhưng vẫn thức ?

18/ Chu toàn bổn phận là gì ?

19/ Tinh thần tỉnh thức là gì ?

20/ Mùa vọng là gì ?

21/ Dân Do Thái chờ đợi điều gì ?

22/ Những Lần nào Chúa đến cũng bất ngờ ?

23/ Chúa đã đến như thế nào ?

24/ Chúng ta nên sống Mùa vọng như thế nào ?

 

=> Xem trả lời câu hỏi ở phần ″TÓM Ý″

 

Bài 1: Ý NGHĨA MÙA VỌNG

1/ Khi chọn bài tin mừng này, Chúa muốn nhắc ta điều gì? Đây là đề tài chúng ta cần suy ngẫm trong đầu năm phụng vụ. Giáo Hội muốn nhắc chúng ta về một bài học hữu ích và cần thiết. Đó là : Hãy tỉnh thức và sẵn sàng để đón nhận Chúa vào ngày giáng sinh cũng như ngày Chúa kêu gọi chúng ta đến tính sổ với Ngài.

2/ Nhìn vào đời sống, chúng ta thấy việc tỉnh thức và sẵn sàng luôn là điều kiện cốt yếu và tối cần để được tồn tại. Một đất nước, một xã hội, một thành trì, một đoàn súc vật, bất cứ nơi đâu cũng cần người canh gác để bảo vệ. Đoàn súc vật đang gặm cỏ cũng cần có những con canh gác, báo động hiểm nguy.

 3/ Trong thế giới loài vật cũng cần có một con canh gác, nếu cả đoàn bị giết hại hay mất an toàn thì con vật canh gác sẽ bị xử phạt trước. Nơi loài vật còn cảm thấy huống chi là con người.

4/ Chữ “ngờ” trong cuộc sống: Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe nói : “mấy ai học được chữ ngờ”/ Nghĩa là có rất nhiều biến cố xảy ra ngoài dự kiến của chúng ta. Nhưng có một cái bất ngờ, tuy không do chúng ta trù liệu, nhưng lại tùy thuộc chúng ta định đoạt -> Đó là cái chết.

5/ Cái chết đang ẩn nấp ở đâu? Đọc báo chí của các cơ quan truyền thông, chúng ta thấy cái chết phảng phất ở khắp nơi, trong mọi lúc. Nào là do thiên tai, bão lụt; nào là núi lửa, động đất; nào là chiến tranh, dịch bệnh, đói khổ. Cho dù ai cũng biết là mình sẽ chết, nhưng có mấy ai tỉnh thức và sẵn sàng chuẩn bị cho cái bất ngờ ấy.

6/ Sống làm sao, chết làm vậy. Mới nghe qua câu này, nếu không nghĩ sâu xa thì thấy ý nghĩa nó rất tầm thường. Nhưng suy cho cùng, cho sâu thì câu này không khác gì một câu nguyền rủa. Nếu muốn được chết tốt lành, muốn cho cái chết không trở thành sự cay đắng bẻ bàng thì ngay lúc này chúng ta phải lo sống tốt lành.

7/ Lý luận của Pascal như thế nào?: Ông là nhà toán học lừng danh của Pháp, ông lý luận như sau : Có đời sau hay không? điều này khó mà minh chứng rõ rệt. Tuy nhiên tôi vẫn tin có là hơn, vì dù không có, thì tin như vậy cũng không thiệt hại gì. Còn trong trường hợp mà có, thì không tin quả là điều quá nguy hiểm cho nên tin và sống niềm tin ấy là một quyết định khôn ngoan.

8/ Ý nghĩa của tỉnh thức và sẵn sàng: Ở đây có nghĩa là hãy khử trừ tội lỗi ra khỏi cuộc sống và tích trữ cho mình một kho tàng quý giá bằng những hành động bác ái, là những công nghiệp mà chúng ta lập được khi còn sống ở đời này, để bất cứ khi nào Chúa cất tiếng gọi, thì chúng ta cũng sẵn sàng thưa lên : Lạy Ngài! Con đây!

9/ Mùa vọng là gì?: Là mùa chờ Chúa đến, Chúa sẽ đến nhưng ta khó gặp được Ngài bởi Ngài đến rất bất ngờ và âm thầm như vậy muốn gặp được Ngài đòi hỏi chúng ta phải tỉnh thức.

10/ Tỉnh thức là gì? Nghĩa là đừng có ai mê ngủ, Chúa thường đến vào ban đêm vào lúc ta bất ngờ. Đời sống là bóng đêm ru ta ngủ say mê khiến cho ta khó lòng gặp Người.

11/ Có mấy loại bóng đêm? Có 5 loại bóng đêm:

          a) Bóng đêm tội lỗi, giam cầm ta trong giấc ngủ bạc nhược khiến cho ta không còn đủ sức thoát ra, tội lỗi lôi kéo tội lỗi. Giống như tảng cối đá ghìm cổ ta xuống vực sâu vô tận.

          b) Bóng đêm danh vọng, ru hồn ta ngủ quên trong vinh quang chói lọi. Vinh quang như ngọn lửa đốt cháy biết bao con thiêu thân.

          c) Bóng đêm xác thịt, cuốn hồn ta vào giấc mộng lạc thú như chiếc lưới rất mềm mại, rất nhẹ nhàng nhưng rất hiểm độc. Linh hồn đã sa vào đó thì khó mà thoát ra.

          d) Bóng đêm của ích kỷ, chỉ biết sống cho bản thân mình, ích kỷ giống như một hang sâu, càng đi vào càng tối tăm.

          e) Bóng đêm của tiền tài, bao phủ ta trong giấc mộng giàu sang phú quý. Khi đã chìm đắm trong những giấc mộng này, chúng ta sẽ khó lòng nghe được bước chân Chúa đang đi qua.

12/ Tỉnh thức là gì? là tỉnh táo phân định, Chúa đến trong tư thế âm thầm nhỏ bé, Ngài không đến bằng cờ quạt, trống phách, nhưng đến trong âm thầm lặng lẽ. Ngài không đến trong uy nghi lẫm liệt, Người đến trong hiền lành, khiêm nhường như một người tôi tớ phục vụ. Người ăn mặc đơn sơ trong y phục dân dã.

13/ Chúa đến trong vai nào? Chúa không đến như vị quan tòa nghiêm khắc, nhưng đến trong vai Người Cha nhân hậu, một người bạn dễ thương, Người đến với ta như một người bạn hiền lành bé nhỏ quanh ta, Người đến như một con người khốn khổ, túng cùng. Trong những tấm thân gầy guộc, người là những kẻ bị loại ra ngoài lề xã hội, Người ẩn mình giữa đám người ăn xin, đang rét run, đói khát, trong thân phận các nạn nhân bão lụt. Cho nên phải tỉnh táo mới nhận ra Người, phải tỉnh thức mới gặp được Người.

14/ Một kiểu tỉnh thức khác: Tỉnh thức không có nghĩa là ngồi không mà chờ đợi, nhưng phải bắt tay vào hành động. Chúa sẽ như ông chủ đi vắng, Chúa cho ta tự do hành động, giao mọi sự cho ta trông coi, quản lý nên ta phải có trách nhiệm.

15/ Tỉnh thức nên mới nhìn thấy: Nhìn thấy những nhu cầu của anh em và luôn đáp ứng những nhu cầu đó. Tỉnh thức là nhìn thấy ý Chúa trong trào lưu thời đại, tỉnh thức là nhìn thấy ý Chúa trong những tâm hồn đầy thiện chí. Tỉnh thức là quên mình phục vụ anh em mình.

16/ Tỉnh thức là bước ra khỏi giấc ngủ lười biếng, đoạn tuyệt với giấc mộng phù hoa. Thôi theo đuổi những đam mê dục vọng. Hãy nói không với đồng tiền bất chính.

17/ Có tỉnh táo thì mới nhận ra dung mạo của Đức Ki-tô, đừng chạy theo những khuôn mặt cao sang quyền quý, đừng chạy theo những khuôn mặt nặng nề quyền lực.

18/ Tỉnh thức là làm việc không ngừng để hy sinh phục vụ quên mình, phục vụ cho lợi ích của đồng loại.

19/ Tỉnh thức không phải việc dễ làm: Tự sức chúng ta khó mà tỉnh thúc, nên ta phải xin Chúa ơn trợ giúp. Có ơn Chúa thúc đẩy ta mới có thể dứt bỏ con đường tội xưa cũ, có ơn Chúa soi sáng, ta mới đủ tỉnh táo để nhận ra dung mạo của Đức Ki-tô.

 

Bài 2: TỈNH THỨC TRONG KHI NGỦ

20/ Ý niệm về sự thức ngủ trên trái đất này: Trên trái đất, không lúc nào mà không có người thức, đang khi ở đây chúng ta lên giường ngủ thì ở bên bán cầu bên kia, một nửa nhân loại đang vươn vai thức dậy, ăn uống, làm việc, vui chơi, để rồi lại đi ngủ khi chúng ta vừa thức dậy.

21/ Thế nào là Thánh Lễ liên tục?: Vì có sự ngủ, thức khác giờ nhau nên các Thánh Lễ cũng được hiến dâng liên tục ngày đêm. Nếu chỉ có 2/3 trong số các Linh Mục dâng lễ mỗi ngày, thì mỗi giờ có ít nhất 2.000 Linh Mục cử hành Thánh Lễ. Như vậy mỗi phút, mỗi giây, ngày cũng như đêm đều có Linh Mục dâng lễ cầu nguyện cho chúng ta.

22/ Những mục đích thức đêm thông thường: Khi màn đêm buông xuống, vẫn có những người vẫn thức. Họ thức vì không ngủ được, thức để xem một cuốn truyện hay, một bộ phim video nhiều tập. Nhưng cũng có người thức để làm việc : trực ở phòng cấp cứu, ở trạm cứu hỏa, ở cơ quan an ninh, ở bưu điện. Họ là những công nhân ca ba, những tài công xe lửa, những chuyến bay đêm.

23/ Thức đêm có dễ không? Thức đêm không phải là điều tự nhiên nên cũng không dễ dàng chút nào. Cả ba môn đệ thân tín của Chúa Giê-su đều có kinh nghiệm về điều đó. Trong vườn cây dầu, mặc cho Chúa Giê-su phải gọi họ 2 lần : Hãy tỉnh thức!. Song họ vẫn ngủ li bì, mê mệt. Có lẽ lúc đầu Chúa Giê-su cũng tưởng họ thức cả đêm với mình để chia sẻ nỗi đau, nhưng cuối cùng Chúa cũng cảm thấy rất đau lòng khi họ chẳng thức nổi một giờ với Ngài (Mc 14,34-37)

24/ Một trong những căn bệnh của thời đại : Đó là căn bệnh mất ngủ. Nhiều người phải dùng thuốc an thần để tìm một giấc ngủ không tự nhiên. Hoặc khi chán đời, người ta tìm đến thuốc ngủ quá liều để tìm giấc ngủ ngàn thu.

25/ Thế nào là thái độ tỉnh thức? Hôm nay qua bài tin mừng, Chúa kêu gọi : Anh em hãy tỉnh thức kẻo bất thần ông chủ về bắt gặp anh em đang ngủ. Phải chăng Chúa Giê-su muốn chúng ta phải thức suốt đêm để chờ Ngài? Chắc là không rồi. Vậy thì Chúa bảo chúng ta phải tỉnh thức như thế nào?

26/ Tỉnh thức là vẫn ngủ: Năm cô trinh nữ khôn ngoan cũng như năm cô trinh nữ khờ dại (Mt 25,1-13). Điểm khác biệt là vào lúc giữa đêm, khi chàng rể đến, các cô khôn ngoan có thể ra đón chàng rể với đèn cháy sáng trên tay, vì các cô có mang theo dầu dự trữ. Còn đèn các cô khờ thì đã tắt ngấm mà lại không mang theo dầu. Lúc đó mới chạy đi mua thì không còn kịp nữa. Vậy tỉnh thức là sẵn sàng đón Chúa bất cứ lúc nào dù là khi đang ngủ.

27/ Tỉnh thức là chu toàn bổn phận: Người quản gia được giao trach nhiệm phân phát lương thực cho các gia nhân (Mt 24, 45-51) nếu chủ về mà gặp thấy anh đang làm những công việc được giao, thì đúng là anh đang tỉnh thức, mê ngủ là bỏ bê trách nhiệm, lạm dụng quyền hành, chè chén say sưa (Mt 24,49)

28/ Tỉnh thức là làm sinh lời nén bạc: (Mt 25,31-46) Số nén bạc được lãnh nhận nhiều hay ít tùy mỗi người. Mỗi người cần sinh lợi tùy theo số vốn đã nhận. Mê ngủ là đào lỗ chôn giấu nén bạc của mình, không dám đầu tư vì sợ mất vốn. Nhưng cũng có thể vì lười biếng, cũng có thể là muốn làm theo ý riêng.

29/ Tỉnh thức là trợ giúp anh em: Chúa Giê-su xuất hiện dưới dáng dấp của những con người đói khát, rách rưới, yếu đau, lỡ đường, thậm chí là một phạm nhân (Mt 25,31-46) mê ngủ là để cho Chúa Giê-su ngửa tay đi qua đời mình mà không nhận được chút gì làm quà tặng.

30/ Tỉnh thức là luôn cầu nguyện: Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ (Mc 14,38) chúng ta đã làm được nhiều việc cho Chúa, nhưng có thể chúng ta chưa phải là con người tỉnh thức và luôn cầu nguyện. Lúc nào chúng ta cũng có nguy cơ ngủ quên trong thành công của việc tông đồ, trong chăn êm nệm ấm.

31/ Thế nào là bầu khí mùa vọng? Bầu khí mùa vọng là mùa tỉnh thức để chờ đợi ngày Chúa đến. trong cuộc sống có biết bao lần chúng ta phải chờ đợi, chờ đợi làm ta sốt ruột, khó chịu. Nhưng có những lúc chờ đợi như thế sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta mang nhiều ý nghĩa hơn.

32/ Dân Do Thái chờ đợi từ khi nào? Từ hơn 2000 năm trước đây cho đến nay họ vẫn chờ đợi Đấng cứu thế, Đấng Mêssia, Đấng Thiên Sai. Biết sống là biết đợi chờ, sống mà không còn gì để đợi, kể như đã chết vì sống như thế làm mất hết hy vọng.

33/ Lần nào Chúa đến cũng bất ngờ: Mùa vọng là mùa chờ, lịch sử nhân loại được đánh dấu bằng những lần Chúa xuất hiện bất ngờ: Chúa đến bất ngờ ở Bêlem mang hình hài trẻ thơ yếu đuối. Bằng cuộc sống, bằng cái chết, bằng sự phục sinh của Ngài cũng là bất ngờ khiến cho các môn đệ phải ngỡ ngàng. Kitô hữu là những người đang chờ ngày Chúa trở lại trong vinh quang, đây cũng là bất ngờ vì không ai biết được ngày, giờ Chúa trở lại (Mc13, 33-37).

34/ Chúa đã đến chưa? Chúa đã đến, sẽ đến, Chúa vẫn đang đến trong thế giới hôm nay, trong từng người, trong từng tập thể, cộng đoàn. Nếu chúng ta biết lắng nghe, chịu khó nhận ra tiếng bước chân của Ngài. Chúa đã đến qua các biến cố trong cuộc sống, từ những biến cố đau buồn đến những biến cố mang lại sự rạng rỡ hạnh phúc.

35/ Chúng ta sẽ làm gì trong mùa vọng ? Chúng ta vừa bước vào mùa vọng, đang cùng với Giáo Hội sống một mùa vọng mới, chúng ta cần mở rộng tâm hồn mình ra để đón tiếp Chúa. Một lời cầu nguyện phải luôn ở trên đôi môi của mỗi người: Lạy Chúa!, xin hãy đến vì con vẫn luôn mong đợi Chúa đây.

 

Bài 3: CHÚ GIẢI

36/ Đoạn 13, câu 33: Đây là lần thứ tư trong chương 13 này, Chúa Giê-su nói với các môn đệ của Ngài là: “Phải ở trong tư thế sẵn sàng (cảnh giác)” trong các câu: 5,9,23. Chúa nhấn mạnh rằng: “Sự an toàn của họ là phải luôn canh thức, luôn chăm chỉ cầu nguyện và phải chuẩn bị sẵn sàng khi Người đến”.

37/ Đoạn 13, câu 34: Trong tất cả bốn cuốn tin mừng, chỉ có Marcô ghi lại dụ ngôn người chủ vắng nhà này một cách vắn tắt. Ông chủ trao quyền cho các đầy tớ của ông và chỉ định mỗi người một công việc. Riêng công việc của người giữ cửa là phải luôn theo dõi, trách nhiệm của người này được nhấn mạnh là phải canh thức suốt đêm. Nhưng ông chủ lại không cho đầy tớ biết lúc nào thì ông sẽ về. Do biết như vậy nên nếu họ khôn ngoan thì phải luôn luôn sẵn sàng.

38/ Đoạn 13, câu 35: Sau đó Chúa Giê-su quay trở lại việc nhắc nhở các môn đệ của mình: Anh em phải tỉnh thức. Người cho họ hiểu rằng: Chính Chúa là ông chủ sẽ xa rời họ trong một khoảng thời gian dài. Thời gian mà ông chủ vắng mặt bằng với thời gian mà Người chịu chết, phục sinh và lên trời. Chúa Giê-su đã để lại cho họ những trọng trách mà Người đã trao, việc quan trọng nhất bây giờ là họ phải luôn canh thức, chờ ngày Ngài trở lại.

39/ Thực tế trong tin mừng Marcô chương 13 với tin mừng Matheô chương 24 và Luca chương 21, Đức Giê-su có ý nói về hai sự kiện: Có lúc Người nói về đền thờ bị phá hủy, lúc khác Ngài lại nói về việc Ngài sẽ đến trong đám mây và tỏ vinh quang vào ngày tận thế. Những giải thích của Chúa về hai sự kiện này hòa quyện vào nhau và trong mức độ nào đó hai sự kiện đó gối lên nhau. Sau khi xem xét đoạn này và so với các trích đoạn trong sách Daniel và khải huyền, chúng ta có thể hiểu sự kiện nào là trọng tâm.

40/ Sau những nỗ lực để các lời ngôn sứ được ứng nghiệm hoàn toàn, dẫn đến nhiều giáo huấn được hiểu sai lầm, phát sinh ra thuyết hậu thiên niên kỷ Postmillennialism: Cho rằng Đức Giê-su sẽ tái giáng lâm sau một nghìn năm và thuyết phi ngàn năm Amillennialism. Những người đang tuân giữ lời Đức Giê-su ngày hôm nay đang tỉnh thức chờ Người đến (1Tx 4,16-17/Kh 3,10-11).

41/ Bốn thời khắc được chỉ ra trong đêm đó là: Lúc chập tối từ 6g00 -> 9g00, lúc nửa đêm từ 9g00 -> 12g00, lúc gà gáy từ 12g00 -> 3 giờ sáng, lúc tảng sáng từ 3 giờ đến 6 giờ!

42/ Đoạn 13, câu 36: Bị ngủ quyên trong khi canh thức đang chờ đợi là khó tránh khỏi. Chúa Giê-su nhiều lần căn dặn chúng ta sự cần thiết tuyệt đối của việc tỉnh thức tinh thần (Kh 3,3  1Tx 5, 2-10 / Rm 13, 11-14)

43/ Đoạn 13, câu 37: Đức Giê-su không chỉ dạy các môn đệ đang ở đây với Người nhưng Người cũng muốn dạy chung tất cả những ai sẽ đi theo Ngài cho đến tận thế. Có thể người  ta sẽ không hiểu tất cả các dấu hiệu khi Người trở lại, tuy nhiên tốt nhất họ phải luôn sẵn sàng.

44/ Có thể là lời quở trách nghiêm trọng: Chúa Giê-su bảo rằng:  không ai biết ngày giờ nào Ngài sẽ tái lâm (Câu 32). Có rất nhiều điều Chúa giao trọn vào bàn tay Thiên Chúa mà không hề thắc mắc! Không có lời cảnh cáo và quở trách nào nghiêm trọng hơn cho những kẻ muốn tính ngày giờ cho việc Chúa tái lâm. Chắc chắn, nếu chúng ta muốn truy tìm, tra vấn cho ra điều mà Chúa Giê-su bằng lòng không muốn tìm biết, tội đó quả là tội phạm thượng.

45/ Chúa Giê-su muốn rút ra một kết luận thực tiễn: Chúng ta như người đầy tớ biết chủ mình sẽ về nhưng lại không biết lúc nào. Chúng ta đang sống trong sự chờ đợi, hy vọng không có lý do gì để sợ hãi hoặc sốt ruột chờ trông. Điều đó có nghĩa là: Hằng ngày chúng ta nên chu toàn bổn phận của mình, chúng ta nên sống, nên coi việc Chúa tái lâm là rất bình thường. Nhiệm vụ quan trọng của chúng ta là phải làm việc mỗi ngày để rồi Ngài sẽ xem xét, nên bất cứ giờ nào chúng ta cũng phải sẵn sàng để giáp mặt Ngài. Bởi vì cả đời sống của chúng ta là chỉ lo việc chuẩn bị để gặp mặt Vua Giê-su mà thôi.

46/ Tại sao phải tỉnh thức? Trước tiên đây là ý muốn và là mệnh lệnh của chủ nhà, ông muốn cho cửa nhà luôn êm ấm, an toàn và trường tồn, phận sự của người canh cửa không phải chỉ lo bảo vệ ngôi nhà mà thôi, mà còn phải lưu tâm đến những người sống ở bên trong đó nữa.

47/ Thái độ tỉnh thức của ai? Tỉnh thức còn là thái độ của một gia nhân trung thành đối với Người đã tín nhiệm ủy thác trách vụ cho mình và chắc chắn niềm vui ngày tái ngộ sẽ trọn vẹn nếu chủ nhà gặp được giai nhân trong tư thế chờ đợi sẵn sàng.

48/ Tỉnh thức theo nghĩa kinh thánh là gì ? Tỉnh thức là để khỏi rơi vào giấc ngủ, mà thường người ta chỉ ngủ lúc ban đêm, trong bóng tối. Theo Kinh Thánh: Ban đêm và bóng tối nói lên một môi trường đầy nguy hiểm, đầy thử thách. Bóng tối luôn đối nghịch với ánh sáng ban ngày, nó là thử thách của cuộc sống, nó đưa ta đến tội lỗi, đau khổ, sự dữ, nó đưa đến sa ngã, nản chí, nghi ngờ, người canh cửa có thể phản bội người thân để chạy theo những quyến rũ của kẻ khác, của ngẫu tượng của đồng lõa, của bóng đêm.

49/ Tỉnh thức để làm gì? Tỉnh thức để chờ Chúa đến, môn đệ Chúa phải nhẹ lòng đối với của cải trần thế, dứt khoát với những quyến rũ của các ngẫu tượng. Khi làm như thế, người môn đệ đang thực sự cầm đèn trong tay, sẵn sàng đợi Đức Kitô, vì ngày trở lại của Ngài sẽ xảy ra bất chợt. Đồng thời nếp sống của người môn đệ Chúa sẽ là ánh sáng thức tỉnh mọi người đang mê ngủ, để họ nhận ra Đức Kitô là Đấng cứu thế đích thực. Giáo hội đang mang trong lòng sức sống và động lực thúc đẩy cho chính mình và cho cả thế giới tiến lên gặp gỡ Đức Kitô. Thế nên tỉnh thức là phận sự cần thiết của những con người làm chứng cho ánh sáng và Giáo hội là kho dự trữ sức sống cho nhân loại và là niềm hy vọng cho toàn thế giới chờ ngày Đức Kitô trở lại.   **R

 

Bài 4: TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI TÔI TỚ

50/ Dụng ý của Giáo Hội với bài tin mừng hôm nay là gì? Vào ngày chúa nhật đầu năm phụng vụ ,trước khi chúng ta mừng lễ giáng sinh. Giáo hội muốn nhắc chúng ta phải chuẩn bị, phải dọn mình để đón nhận Chúa đến trong hiện tại cũng như sẵn sàng đón Chúa trong ngày sau hết.

51/ Bối cảnh câu chuyện đang xảy ra tại đâu ? Chúa Giê-su đang ngồi bên dưới chân núi cây dầu. Ngài đang giảng dạy cho 4 môn đệ thân tín về những điềm báo trước cho ngày cánh chung. Chúa đang dạy các môn đệ nhưng đồng thời Chúa cũng muốn nói điều này với hết thảy mọi người.

52/ Có mấy điều Chúa muốn nhắn nhủ? Có 3 điều/ Thứ nhất là hãy coi chừng những kẻ thừa dịp này để mạo danh thầy hòng lừa gạt anh em. Thứ hai : đừng mê ngủ nhưng hãy tỉnh thức để ứng phó với yếu tố bất ngờ, hãy đón nhận việc Chúa đến bất thình lình / thứ ba: Phải cầu nguyện luôn là có ý muốn dạy mọi người phải kết hiệp với Chúa là nguồn sức mạnh để giữ vững tinh thần và đầu óc sáng suốt thì sự sống đời đời mới được bảo đảm.

53/ Vì sao Chúa phải đến bất ngờ? Chúa chỉ muốn nhấn mạnh đến yếu tố bất ngờ để nhấn mạnh đến việc phải tỉnh thức và sẵn sàng.

54/ Tại sao Chúa lại ví như người đi phương xa trở về? Lý do để tỉnh thức sẵn sàng là vì chúng ta phải chờ đợi ngày Chúa đến. Ông chủ đi xa, để lại mọi thứ lại cho con người. Có nghĩa là Chúa trao lại quyền hành cai quản vũ trụ và các phương tiện Chúa ban cho con người. Mỗi người có một việc, một khả năng, một cơ hội khác nhau / là Chúa muốn nói đến trách nhiệm của mỗi người, dụng ý Chúa muốn nhắc đến dụ ngôn nén bạc.

55/ Chúa dặn tỉnh thức để làm gì? Người giữ cửa là người quản lý. Tỉnh thức là phải làm theo ý chủ đã căn dặn. Ý Chúa muốn con người phải nhận được ơn cứu rỗi. Vì vậy con người phải biết dùng mọi phương tiện Chúa ban để lo phần rỗi đời đời cho chính mình và cho tha nhân nữa.

56/ Tại sao không biết chủ sẽ về lúc nào? Ở đây muốn diễn tả yếu tố bất ngờ của việc Chúa đến/ Việc ông chủ sẽ trở về vào ban đêm là có ý muốn nhấn mạnh rằng: Vì ban đêm thường ít ai để ý, thông thường là ai cũng mê ngủ. Vì thế mọi người cần đề cao cảnh giác, phải tỉnh thức và sẵn sàng luôn luôn.

57/ Dụng ý khi Chúa nói về ban đêm là gì? Ban đêm là lúc tối tăm, là thời gian khi ta còn sống ở trần gian, để phân biệt với thời gian ở nước trời mai sau,là lúc sáng láng, là ban ngày. Khi sống ở trần gian thì cần phải tỉnh thức, có nghĩa là ta phải luôn sống trong ơn nghĩa Chúa thì mới đủ điều kiện để vào được Nước Trời.

58/ Ý nghĩa của ban đêm là gì? Theo dân tộc Do thái :Mỗi đêm được chia làm 4 canh, mỗi canh có 3 giờ . Đêm có thể hiểu là cuộc đời của mỗi người ở trần gian. Giờ chết sẽ đến với bất cứ tuổi nào, không có định hạn, không có định luật, không quy định tuổi tác. **

59/ Điểm nhấn của bài Tin Mừng là gì? Chúa bảo phải tỉnh thức và sẵn sàng để đón chờ ngày Chúa đến. Chúa đã đến qua việc nhập thể, tử nạn và phục sinh. Tin vào Chúa là nghe theo Chúa, là đi theo Chúa và sống như Chúa.

60/ Thế nào là sống như Chúa? Sống như Chúa là đón nhận ơn thánh, là đón nhận Chúa qua các bí tích và gia tăng làm các việc lành phúc đức. Chúng ta biết Chúa sẽ đến phán xét mỗi người vào giờ chết nên chúng ta phải dọn mình để chết lành.

61/ Dựa vào dịp lễ giáng sinh, giáo hội căn dặn chúng ta điều gì? Giáo hội căn dặn chúng ta dọn lòng đón nhận Chúa qua các bí tích. Gia tăng làm các việc lành, đồng thời phải luôn sống trong tư thế sẵn sàng đón Chúa trong giờ chết bằng cách phải luôn sống trong ơn nghĩa Chúa.

62/ Tại sao Chúa dặn các môn đệ phải coi chừng? Là phải cảnh giác trước những đam mê lôi cuốn của những thói xấu thế gian đưa đến và trước những dối gạt, quyến rũ của những tà thuyết.

63/ Tại sao phải tỉnh thức? Vì thế gian được ví như đêm tối mù mịt, dễ bị nhầm lẫn, lạc lối. Vì thế chúng ta cần phải tỉnh thức bằng một đời sống hoàn thiện để đón chờ Chúa đến với một tâm hồn đầy ơn thánh sủng khi nào giờ chết đến.

64/ Tại sao phải cầu nguyện? Cảm nhận được sự yếu đuối của mình nên chúng ta phải khiêm nhường, biết cậy dựa vào ơn Chúa trợ giúp bằng việc cầu nguyện luôn, cầu nguyện hằng ngày.

 

65/ Tại sao phải đặt mình vào địa vị tôi tớ?  Chúng ta ý thức rằng: Tất cả mọi ơn lành phần hồn phần xác đều do Chúa ban và Chúa muốn chúng ta phải làm vinh danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi bản thân và cho tha nhân. Vì thế chúng ta phải làm việc hết sức chăm chỉ mà không được đòi phần công xá , vì chúng ta chỉ là những tôi tớ.  **R

 

Bài 5: PHẢI TỈNH THỨC NHƯ THẾ NÀO?

66/ Ba bài đọc Kinh Thánh hôm nay muốn cho ta thấy điều gì? Các bài đọc chúa nhật I mùa vọng năm nay muốn cho chúng ta thấy vài thái độ sống của dân Chúa ngay giữa đêm tối của thử thách, của tội lỗi. Dân Chúa đã tự thú tội lỗi của mình đã phạm và cương quyết sống trung kiên chờ ngày Chúa quang lâm trong niềm tin tưởng và thái độ tỉnh thức.

67/ Dân Chúa sau thời lưu đày, họ đã nhận ra điều gì? Có nhiều kinh nghiệm ê chề của những năm tháng sống kiếp nô dịch trên đất ngoại bang, đã giúp họ nhận ra những lỗi phạm của cả một dân tộc.

68/ Tâm trạng hối lỗi của dân Do Thái được thể hiện như thế nào? Họ ngước nhìn lên Chúa Cha để tha thiết thốt lên lời khẩn nguyện. Tâm trạng tha thiết khẩn khoản nài xin ơn cứu độ đã giúp dân Chúa nhận ra ơn gọi của mình ,để họ sống trọn vai trò nhân chứng trung thành của Thiên Chúa giữa muôn dân qua kiếp sống hèn yếu của mình.

69/ Về sau này Thánh Phaolô đã nhận ra điều gì? Thánh Phaolô đã nhắc nhớ mọi người, không những ý thức những sai lỗi của mình, mà còn phải sống vươn lên sao cho trọn hảo hơn để chờ ngày Đức Kitô trở lại, cho nên các tín hữu tiên khởi thời đó đã luôn sống trong hoàn cảnh hồi hộp, nao nức, mong chờ ngày Chúa Kitô trở lại (1Cor 16,22).

70/ Tâm trạng xao xuyến mệt mỏi của họ đã diễn ra như thế nào? Họ luôn xúc động, xao xuyến cho nên mới nghĩ rằng: Ngài ở đây, Ngài ở kia, và nhiều khi vì mệt mỏi chờ đợi nên họ cũng đã thốt lên: Có lẽ Ngài đến chậm…/

71/ Nỗi mong chờ khắc khoải đó được xoa dịu bằng cách nào? Họ được xoa dịu và soi sáng bởi lời Đức Kitô trong đoạn tin mừng mà chúng ta vừa nghe đọc (Mc 13,33-37). Thiên Chúa như chủ nhà phải ra đi, phải xa vắng khá lâu, ông đã trao quyền quản lý cả sản nghiệp cho các gia nhân, mỗi người tùy theo khả năng và chức vụ của mình.

72/ Ông chủ đã căn dặn thế nào? Vì Ngài đặc biệt tín cẩn họ, nên đã căn dặn người canh cửa: Hãy tỉnh thức, phải tỉnh thức để chờ ngày gặp lại. Vì cuộc tái ngộ có thể sẽ xảy ra bất thình lình vào một lúc nào đó , một đêm nào đó .

73/ Các gia nhân phải quyết tâm như thế nào? Họ phải tỉnh thức, nhất là người canh cửa luôn phải tỉnh thức, luôn phải sống trong ánh sáng và không được ngái ngủ để không thất hứa với chủ nhà trước lúc ông ra đi.

74/ Thái độ tỉnh thức dành cho ai? Thái độ tỉnh thức phải là thái độ của giáo hội, của toàn thể dân Chúa và nhất là những người phụ trách lãnh đạo trong các cộng đoàn.

75/ Tại sao phải tỉnh thức? Trước tiên đó là ý muốn, là mệnh lệnh của ông chủ, để cho nhà cửa êm ấm, an toàn và trường tồn. Như vậy phận sự của người canh cửa không những chỉ lo bảo vệ ngôi nhà và tài sản trong nhà, mà còn phải lưu tâm đến tính mạng của những người đang sống trong đó nữa .

76/ Thái độ tỉnh thức là của ai? Là thái độ của người gia nhân trung thành và của những người được ông chủ tín nhiệm, đã ủy thác cho mình. Như vậy niềm vui tái ngộ sẽ trọn vẹn nếu như ông chủ gặp người gia nhân trong tư thế sẵn sàng.

77/ Bóng đêm và giấc ngủ có liên hệ gì với nhau? Tỉnh thức là để khỏi rơi vào giấc ngủ, thông thường người ta chỉ ngủ vào ban đêm, ngủ trong bóng tối / theo kinh thánh thì ban đêm và bóng tối tuy là hai, nhưng lại một môi trường đầy nguy hiểm, đầy thử thách. Bóng đêm là đối nghịch của ánh sáng ban ngày.

78/ Bóng đêm chứa đựng những gì? Bóng đêm chứa đựng tội lỗi, đau khổ và sự dữ, nó thường đưa con người đến sự sa ngã, nản chí, nghi ngờ. Người giữ cửa có thể phản bội người thân đang xa vắng để chạy theo sự quyến rũ của kẻ khác / có thể là ngẫu tượng, là đồng lõa, là bóng đêm.

79/ Vậy tỉnh thức là gì? Tỉnh thức không phải là đốt đèn ngồi chờ, là sống trong tâm trạng mơ mộng viễn vông, đợi chờ / Theo kinh thánh, chờ không phải là thái độ thụ động mà là sự hiểu biết của con người đã biết rõ lý do chờ đợi.

80/ Thái độ tỉnh thức của giáo hội là gì? Người canh thức trong dân Chúa phải sống động và mang đầy tính chất sáng tạo / đó là thức tỉnh bằng cách hiệp thông với những người bạn của mình. Đó là thái độ trung thành, cởi mở, luôn biết lắng nghe lời bạn mình nói. Tỉnh thức của giáo hội chính là tinh thần luôn chiến đầu để sinh tồn, để trung thành với sứ vụ cứu độ. Cho dù Ngài đang đi vắng nhưng lời hứa , tiếng nói và sự quan tâm của Ngài luôn xoáy động trong lòng giáo hội. Lời Ngài luôn như ánh đèn soi sáng, sưởi ấm giáo hội qua các biến cố trong cuộc sống , như là những dấu chỉ của thời đại.

81/ Sự giằng co phát xuất từ đâu? Sự giằng co, căng thẳng phát xuất từ sự đối nghịch của bóng tối và ánh sáng. Nhờ đó chúng ta nương vào đó như một đà tiến lên. Giáo hội có bổn phận rút kinh nghiệm các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ và hiện tại để sữa chữa lỗi lầm, để tự thanh luyện mình, để tiến tới sự hoàn thiện mình như ý Chúa Ki-tô mong muốn. Đặc biệt giáo hội cũng sẵn sàng từ bỏ địa vị cao sang mà mình đang có, để chấp nhận thân phận của một đầy tớ phục vụ cho chủ nhà và cho anh em.

82/ Làm sao giáo hội có thể tỉnh thức? Muốn tỉnh thức thì giáo hội phải coi nhẹ của cải trần thế, phải dứt khoát với các quyến rũ, phải chặt đứt sự thu hút của các ngẫu tượng. Nếu làm được như thế, thì giáo hội mới thực sự đang cầm đèn cháy sáng trong tay và đang chờ đợi Đức Ki-tô tái lâm, vì ngày mà Chúa trở lại sẽ xảy ra bất chợt.

83/ Chúng ta thấy gì khi nhìn vào hội thánh?  Nếp sống của Giáo hội như ánh sáng giúp thức tỉnh mọi người, để họ nhận ra Chúa Ki-tô là Đấng cứu thế đích thực. Giáo hội mang trong mình động lực để thúc đẩy chính mình và mọi người tiến tới để gặp Đức Ki-tô. Cho nên thức tỉnh rất cần thiết cho những ai muốn làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô. Và giáo hội luôn phải là kho dự trữ sức sống sung mãn, chuẩn bị cho tất cả mọi người đón nhận ơn cứu độ. Cho nên khi ta hướng lòng về Chúa Ki-tô thì giáo hội chính là niềm hy vọng và là vị lãnh đạo của toàn thể vũ trụ.   **R

 

Giuse Luca / Kính Thánh Emmaus

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1854
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  2428
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11407837
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top