Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 2 MÙA VỌNG B (Giuse Luca)

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG  B 

Đề tài : HÃY DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA ĐẾN.

 

 

Tung hô Tin Mừng:     Lc 3, 4.6

Haleluia. Haleluia. Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mc 1, 1-8

Hãy sửa lối cho thẳng để Chúa đi.

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mác-cô.

1 Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa: 2 Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. 3 Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. 4 Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. 5 Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. 6 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. 7 Ông rao giảng rằng: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. 8 Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần."

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/ Sự khác biệt giữa người sống và kẻ chết là gì ?

2/ Người tốt khi chết rồi , họ có được thứ gì ?

3/ Thứ gì quan trọng nhất trong mùa vọng ?

4/ Ai là thần tượng của người Kyto hữu ?

5/ Lời Chúa hôm nay muốn dạy chúng ta điều gì ?

6/ Sự khác biệt giữa những con người đã chết là gì ? 

7/  Chúng ta nên chuẩn bị thế nào?

8/ Vậy hôm nay tôi sẽ làm gì? 

9/ Sứ vụ của Gioan là gì ?

10/ Thiên Chúa đang cần những ai ?

11/ Gioan có lối sống như thế nào ?

12/ Chúng ta nên sống như thế nào ?

13/ Tại sao đạo Chúa chưa hiển trị ?

14/ Con đường dùng để làm gì ?

15/ Tại sao con người lại xa cách nhau  ?

16/ Tại sao con người lại xa cách nhau  ?

17/ Tại sao con người lại xa cách nhau  ?

18/ Tại sao con người lại xa cách nhau  ?

19/ Tại sao con người lại xa cách nhau  ?

20/ Tại sao chúng ta phải sửa đường  ?

21/ Tại sao chúng ta phải sửa đường  ?

22/ Tại sao chúng ta phải sửa đường  ?

23/ Tại sao ta phải vào nơi hoang vắng ?

24/ Tại sao phải ăn mặc đơn sơ ?

25/ Tại sao phải sống khắc khổ ?

26/ Gioan Tẩy giả đã sống thế nào ?

27/ Thế nào là sống từ bỏ ?

28/ Hoang địa là gì ?

29/ Kinh nghiệm sống trong hoang địa của dân Israel là gì ?

30/ Khi Gioan tẩy giả từ sa mạc trở về, ông đã làm gì ?

31/ Kito hữu nên sống đạo như thế nào ?

=> Xem trả lời câu hỏi ở phần ″TÓM Ý″

 

Bài 1: SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HAI LOẠI NGƯỜI

1/ Một câu chuyện hay: Vào một buổi sáng chúa nhật, tại một câu lạc bộ dành riêng cho những con người khỏe mạnh, giàu sang, thành đạt. Anh Cordell, một con người bệnh tật đau yếu, anh được mời đến để nói chuyện với những con người có đầu óc tinh tế, nhanh nhạy này. Suốt 20 phút, anh đã nói với họ về lòng nhân từ của Thiên Chúa đã thể hiện trong đời sống của anh.

2/ Để kết thúc, anh đã giải thích câu trích dẫn của Thánh Phaolô: “Nhưng nhờ ơn Chúa mà tôi được như thế này”. Quý vị có thể thành công suốt cả cuộc đời và thu nhập hàng năm cả hàng chục triệu đô. Nhưng khi ngày giờ Chúa đến, thời khắc mà quý vị phải nhắm mắt xuôi tay từ giã cuộc sống. Chúng ta cùng gặp nhau dưới lòng đất lạnh thì quý vị cũng đâu khác gì tôi. Đó là giây phút tất cả chúng ta đều giống nhau, lúc đó tôi không cần có những thứ mà quý vị đã có trong cuộc sống. Nhưng tôi tin chắc rằng quý vị cần một thứ  mà tôi đang có,  đó là Đức Ki-tô.

3/ Điều gì là ưu tiên một trong cuộc sống? Câu chuyện trên đây  nó làm cho nhiều  người thích thú vì nó rất thích hợp với bầu khí mùa vọng. Nó mời gọi chúng ta mỗi người hãy kiểm điểm lại xem điều  gì thật sự quan trọng đối với chúng ta. Cái gì là ưu tiên trong cuộc sống, và sự có  mặt của Đức Ki-tô quan trọng như thế nào trong đời sống của chúng ta.

4/ Cuộc đời của chúng ta đang quy hướng về ai? Trong lúc này đây, Chúa Giê-su có phải là thần tượng chiếm chỗ nhất trong lòng chúng ta hay không? Như trái đất luôn xoay quanh mặt trời, liệu đời sống của chúng ta có luôn quy hướng về Ngài không? Chúng ta có đang xoay quanh Ngài không ?

5/ Chúng ta đi đúng hay sai đường? Trong chiều hướng ấy, Lời Chúa hôm nay thôi thúc chúng ta hãy đặt lại vấn đề xem chúng ta đã đi đúng hay sai đường?. Chúng ta đang đặt trọng tâm vào đâu / cũng như chúng ta xây dựng cuộc sống trên nền tảng nào?

6/ Sự khác biệt của mỗi người khi giờ chết đến: Tại London, trong một ngôi nhà nguyện dành để tưởng niệm những người đã bị thiệt mạng do các máy bay địch oanh tạc thời Đệ nhị thế chiến. Trong ngôi nhà nguyện có 4 quyển danh sách lớn ghi tên sáu nghìn nạn nhân, mỗi ngày họ mở ra một trang để xướng tên. Khi đọc tên các nạn nhân ấy thì không ai có thể biết được người ấy giàu hay nghèo, da màu hay da trắng, trẻ đẹp hay xấu xí. Bởi vì họ không còn có sự khác biệt nào nữa, nếu có chăng thì sự khác biệt duy nhất mà các nạn nhân đó đã tạo ra khi còn sống ở trần gian này mà thôi.

7/ Những  việc nào chúng ta cần phải làm ngay? Chúng ta đã làm gì nếu như chúng ta sống không đúng với cách thức chúng ta phải sống. Chúng ta đã làm gì nếu như Chúa Kitô không chiếm được chỗ nhất trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta đã làm gì nếu chúng ta chưa chuẩn bị để gặp gỡ Đức Kitô trong giờ sau hết?.

8/ Những việc nào chúng ta cần làm ngay? Hôm nay, Gioan tiền hô đã đưa ra nhửng việc mà chúng ta cần làm ngay đó là ăn năn, sám hối, từ bỏ đường tội, làm lại cuộc đời  nghĩa là hãy dọn sạch đường cho Chúa đến.

9/ Một ví dụ cụ thể cho cuộc đời: Mỗi ngày trôi qua là một bước đi tới nấm mồ, hãy sống cẩn thận để không phải hối tiếc. Khi tôi còn là em bé, thì thời gian như là đang bò tới. Khi tôi là thanh niên thì thời gian như đang đi tới, khi tôi đã quá tuổi trưởng thành thì thời gian như là đang chạy tới. Khi tôi già thì thời gian như đang bay tới. Khi tôi cận kề cái chết thì thời gian như đã chấm dứt. Vậy tôi đã làm gì để đón chờ Chúa đến.

10/ Thiên Chúa đã chuẩn bị thế nào khi đưa Con của Ngài đến trần gian? Để chuẩn bị cho con Chúa xuống trần gian, Thiên Chúa đã cần nhiều người dọn đường theo dòng lịch sử. Gioan tẩy giả là người dọn đường nổi bật, Gioan là nhịp cầu để đưa Chúa Kitô đến gặp dân Ngài và để dân Ngài đón nhận Đức Kitô cứu độ. Ông là người cùng quen biết cả hai bên và ông đã rất hạnh phúc khi làm người mai mối giữa Đức Kitô và Dân Chúa chọn.

11/ Thiên Chúa đang cần gì? Thời nào Thiên Chúa cũng cần những sứ giả, cũng cần người dọn đường, cũng cần những Gioan tẩy giả mới. Đây là sự khiêm tốn muôn thuở của Thiên Chúa vì chẳng bao giờ Chúa đến cách đường đột với Dân Người. Hôm nay Chúa muốn đến với mọi người, Chúa đang cần chúng ta làm người giới thiệu, nhờ chúng ta mà Tin Mừng được một số người biết đến, cũng như khi xưa Tin Mừng được khởi đầu nhờ vào Gioan .

12/ Chúng ta nhận xét thế nào về Gioan? Chúng ta hãy nhìn lối sống của Gioan, ông sống trong hoang địa, ăn toàn châu chấu, uống toàn mật ong, mặc áo bằng lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, lối sống khắc khổ ấy đã trở nên một dấu hỏi trước mắt mọi người.

13/ Gioan đã chọn một lối sống phù hợp: Phù hợp với lời ông giảng, ông kêu gọi mọi người hãy dọn sạch tâm hồn để đón Chúa Giê-su, một Đấng có quyền thế hơn ông, chính ông đã sống thẳng thắn -> Ông mời gọi người ta sám hối thì chính đời sống khắc khổ của ông đã mang một nét sám hối rồi. Bởi thế tiếng kêu gọi của ông có sức thu hút mãnh liệt.

14/ Chúng ta phải làm sao? Có biết bao người từ khắp nơi kéo đến với ông để khiêm tốn thú tội và chịu phép rửa nhằm chuẩn bị đón Đấng Messia sắp đến. Chúng ta không thể vào hoang địa như Gioan, cũng không thể ăn mặc như Gioan, nhưng nếu muốn làm chứng cho Đức Kitô, chúng ta có thể sống tâm tình ăn chay thống hối như Gioan.

15/ Ơn gọi Kitô hữu như thế nào? Chúng ta có thể phải từ khước một cuộc sống tiện nghi, đam mê, dễ dãi để đi tìm một cuộc sống có ý nghĩa hơn, không phải chúng ta thích lập dị, nhưng lời Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta phải lội ngược dòng với thế gian, dám sống khác thường để mưu cầu lợi ích cho đời sau của chúng ta.

16/ Làm sao chúng ta có thể thu hút người khác? Muốn đưa người khác đến gặp Chúa chúng ta phải thay đổi lối sống để khi người ta nhìn vào đời sống của chúng ta và họ sẽ tin vào lời chúng ta rao giảng.

17/ Vì sao người ta không đón nhận Tin Mừng? Chỉ vì họ nhìn thấy gương xấu ở nơi chúng ta và chung quanh chúng ta. Đức Kitô vẫn đang cần những con người dọn đường  và sống gương mẫu như Gioan.  **R

 

Bài 2: HÃY DỌN ĐƯỜNG

18/ Công dụng của những con đường: Lợi ích của những con đường thật là nhiều và quan trọng, có đường đi giúp cho những người gặp nạn có thể thoát ra, có thể giúp họ nhận được quà cứu trợ. Con đường giúp nối liên lạc giữa người với người, khi đường sá hư hỏng thì giao thông sẽ ngừng trệ, việc cứu trợ bị chậm trễ, làm ngăn cách giữa người với người. Muốn giao thông được mau lẹ, muốn việc cứu trợ có kết quả, muốn cho con người gần gũi nhau thì đường đi phải được bảo trì, sửa chữa cho thật tốt.

19/ Chúng ta cần những con đường nào? Đường đi là đường vật lý, mọi xã hội đều cần. Về phần tâm linh thì con đường tâm linh còn cần hơn, nếu con đường tâm linh bị hư hỏng thì cho dù nhà ở sát cạnh nhau người ta vẫn không thể biết nhau. Cho dù cùng làm chung cơ quan ,người ta cũng chẳng thể thân thiện nhau.

20/ Con đường bị vướng bởi những đỉnh đồi cao: Là đỉnh đồi kêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém kẻ khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, và chẳng bao giờ chịu tha thứ.

21/ Con đường bị vướng hố sâu: Là những hố sâu tham lam, muốn thu vén tất cả. Muốn chiếm đoạt tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta cũng có những hố sâu đam mê, miệt mài theo đuổi danh, lợi, thú. Tâm hồn ta cũng có những hố sâu dục vọng, nặng nề xác thịt thú tính.

22/ Tâm hồn bị những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa và với người khác, không thành thật ngay cả với chính mình. Khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu suy xét để điều chỉnh lương tâm.

23/ Tâm hồn có những gợn sóng, gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì thói lười biếng, không chịu sửa mình để tiến lên. Tâm hồn ta gồ ghề vì chỉ muốn phê bình chỉ trích người ,nhưng thiếu tính cách xây dựng.

24/ Hôm nay Gioan tẩy giả đã mời gọi chúng ta làm gì? Hôm nay Gioan tẩy giả đã mời gọi chúng ta hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để có thể đón Chúa Giê-su đến. Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những gợn sóng, gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với tâm hồn ta.

25/ Chúng ta phải sửa đường như thế nào? Ông kêu gọi chúng ta hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hòa. Hãy lấp đi những hố sâu đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh giả hình. Hãy san phẳng những gợn sóng gồ ghề, độc ác, nói hành, nói xấu.

26/ Làm sao để đổi mới con người mình ? Đổi mới con đường đi tuy có tốn kém nhưng còn dễ hơn là đổi mới một tâm hồn đã nhiễm nặng những thói mê tật xấu. Ngoài những cố gắng của ý chí dành cho bản thân, chúng ta còn cần có những phương thế, Thánh Gioan đã đưa ra cho chúng ta những phương thế rất tốt sau đây:

27/ Hãy vào trong sa mạc như Gioan tẩy giả: Sa mạc là nơi hoang vu, vắng vẻ, giúp ta sống cô tịch. Trong cô tịch ta dễ lắng đọng tâm hồn để gặp gỡ Chúa. Một mình ta với một mình Chúa đối diện trong thâm tình, thân mật. Chúa sẽ dạy ta cho biết Thánh Ý để chúng ta thi hành. Đức Giê-su trước khi ra rao giảng công khai, Ngài cũng đã vào sa mạc 40 đêm ngày để tìm biết ý Chúa. Sa mạc ở đây cũng được hiểu là những giờ cầu nguyện riêng tư một mình ta với Chúa ở nơi thanh vắng hay trước nhà Chầu Thánh Thể.

28/ Hãy mặc áo da thú: Đời bây giờ mặc áo lông thú chỉ dành riêng cho những con người giàu sang, nổi tiếng. Nhưng trong lĩnh vực thiêng liêng, mặc áo da thú là ăn mặc đơn sơ, không chải chuốt, trang điểm cầu kỳ. Là một tâm hồn biết sống thật với chính mình, biết nhìn nhận con người đầy yếu đuối, lỗi lầm và cầu xin Chúa tha thứ. Thái độ khiêm nhường như thế chính là khởi điểm của sự tiến lên trên con đường trọn lành.

29/ Chỉ ăn châu chấu và uống mật ong rừng : Châu chấu đâu phải lúc nào cũng có, bởi thế người ta thường đem phơi khô và để dành. Món châu chấu khô chỉ là để cứu đói, với một con người tay không bắt giặc thì kiếm châu chấu để ăn cho đầy bụng một ngày ba bữa là chuyện không tưởng. Còn mật ong cũng vậy, làm sao có mãi để đáp ứng nhu cầu, thi thoảng mới có và đương nhiên là một bữa no thì có thể là 5,10 ngày đói. Ở đây có ý nói về một đời sống khổ hạnh, hãm phạt thân xác. Dẹp bỏ những tính mê tật xấu, hạn chế mọi đòi hỏi của thân xác để bắt nó phải quy phục tâm hồn. Giảm tối đa mọi nhu cầu của thân xác để bồi dưỡng đời sống tâm linh.

30/ Đời sống của Gioan tẩy giả: Đời sống của Gioan chủ yếu thực hành ở 3 điều khoản này, nên ông đã trở thành người mở đường cho Đấng cứu thế. Nếu chúng ta áp dụng 3 điều khoản ấy trong mùa vọng này, chúng ta sẽ biến tâm hồn mình thành một con đường thẳng tắp cho Chúa giáng sinh đến và ngự vào.

31/ Hình ảnh của Gioan tẩy giả: Gioan tẩy giả được trình bày ở phần mở đầu Phúc Âm Marcô, với dáng vẻ cường tráng, mạnh mẽ, trung kiên và khiêm hạ. Chúng ta ghi nhận Gioan tẩy giả đã sống trong sa mạc, trong cô tịch, thiếu thốn mọi tiện nghi phần xác, trống vắng vật chất, thoáng mát tâm hồn. Đời sống của ông được loại bỏ tất cả những gì xem ra không cần thiết, ông đã cởi bỏ tất cả mọi vướng mắc và để cho Thiên Chúa sử dụng ông.

32/ Hoang địa là một sự chuẩn bị cho sứ vụ tông đồ sắp tới: Hoang địa được hiểu là một khoảnh khắc cầu nguyện trong vắng vẻ, những giây phút suy tư, suy niệm trong yên lặng. Cố gắng loại bỏ mọi cái dư thừa / ân sủng chính của hoang địa chính là thời khắc mà tâm hồn ta thuộc trọn về Chúa.

33/ Kinh nghiệm sống nơi hoang địa của dân Israel : Khi dân Israel trốn chạy khỏi đất Ai Cập để về đất Chúa hứa. Trước hết là tâm hồn họ hoàn toàn tùy thuộc vào sự chăm sóc của Thiên Chúa mà sự chăm sóc ấy không bao giờ thiếu vắng vì Thiên Chúa luôn ở cùng họ. Người Kitô hữu cũng vậy, họ phải biết sức mạnh đó và phải mạnh dạn loại bỏ tất cả những gì ngăn chặn không cho Chúa đến, để chuẩn bị đón tiếp Chúa trong lễ giáng sinh này .

34/ Sự lôi cuốn người khác của Gioan tẩy giả: Giống như Gioan tẩy giả từ sa mạc trở về. Ông đã lôi cuốn đám đông dân chúng, nhờ thời gian lâu dài ông sống vắng vẻ bên Chúa nên nhiều người thắc mắc : Sống vắng vẻ bên Chúa phải chăng là cuộc sống ngoài trần thế, trong khi người Môn đệ của Chúa lại phải dấn thân vào thế gian để khi ở trong thế gian thì họ trở nên một thứ men sinh động cho đời sống tiến hóa của thế gian. Lời đáp nằm ở chỗ : Người ta chỉ có thể cống hiến điều gì mà người ta đã được hấp thụ, đời sống tâm hồn của mỗi người chỉ có thể hấp thụ được sức mạnh từ nơi Thiên Chúa. Chính trong lúc gặp gỡ Chúa dù chỉ vài ba phút tĩnh tâm cầu nguyện trong vắng vẻ, khi đã quyết tâm từ bỏ mọi ngổn ngang rườm rà của tâm hồn mình mà người môn đệ mới có thể trở nên chiến sĩ của Kitô giữa thế gian, như men trong thúng bột.  **R

 

Bài 3: CHÚ GIẢI

35/ Đoạn 1, Câu 1: Marcô muốn nói ở đây rằng: Khởi đầu tin mừng, là việc xuất hiện của người loan báo là Gioan tẩy giả. Tin mừng được hiểu là tin tốt lành ở Đế Quốc Rôma. Tin mừng của Đức Giê-su Kitô nghĩa là tin mừng về Ngài hoặc liên quan đến Ngài. Ở đây tác giả muốn nói Đức Kitô là con Thiên Chúa, là những tước hiệu và là sự chuẩn bị trước cho hai lời tuyên xưng quan trọng nhất về Đức Giê-su.

36/ Phần giữa của tin mừng, trước khi Đức Giê-su bắt đầu cuộc hành trình dài lên Yerusalem, Phêrô là người Do Thái đầu tiên đã tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Kitô (Mc 8, 27-29).

37/ Đỉnh điểm của Tin mừng là lời tuyên xưng của viên sĩ quan người dân ngoại rằng: Đức Giê-su là con Thiên Chúa (Mc15.39). Đức Giê-su cũng là Đấng Kitô và cũng là con Thiên Chúa. Cả người Do Thái và dân ngoại đều nhận biết thần tính và sự thánh thiện của Chúa Giê-su trong tin mừng này.

38/ Đoạn 1, câu 2 và 3: Một số sách Thánh thời Cựu ước được diễn tả những điều có liên quan nên thường được trích dẫn cũng như được quy về một nguồn mạch. Ở đây tác giả Marcô cũng đang trích dẫn một số sách Thánh (Is 40,3 /Ml 3,1/Xh 23,20) mà các thầy Rabbi đã kết hợp và họ đã quy hướng tất cả về vị tiền hô của Đấng Mêssia mà họ lại cho rằng đó là ông Êlia. Nhưng Marcô lại cho biết vị tiền hô này chính là Ông Gioan.

39/ Việc ông được sai đến để thi hành một nhiệm vụ đặc biệt là để hối thúc dân chúng chuẩn bị con đường cho Đức Chúa sẽ đến. Hình ảnh của một sứ giả, một người xuất hiện trước một người cao trọng để thực hiện việc chuẩn bị cho vị ấy đến. Trong sách Isaia và Malakia, Đấng mà sứ giả phải dọn đường cho chính Thiên Chúa, như vậy điều hợp lý ở đây là để áp dụng vào Chúa Giê-su, vì chính Ngài là Thiên Chúa nhập thể.

40/ Có tiếng người hô trong hoang địa: Có thể tiếng nói của Gioan là tiếng nói duy nhất của Israel, nhưng nó có thể được hiểu là để nhấn mạnh tính duy nhất của tiếng nói ngôn sứ của ông. Như vậy, sau một khoảng thời gian dài lặng tiếng, khoảng hơn 400 năm không có ngôn sứ, một tiếng nói như vậy sẽ rất có ý nghĩa.

41/ Đoạn 1, câu 4: Ông Gioan làm phép rửa trong hoang địa, cụ thể là ở vùng hạ lưu thung lũng sông Yodan, chữ “trong hoang địa” mang ý nghĩa biểu tượng. Trong tin mừng Marcô, chữ  “ hoang địa”  tượng trưng cho sự cần thiết phải có để được ơn cứu độ.

42/ Ngày xưa trong hoang địa, lần đầu tiên Thiên Chúa thiết lập mối tương quan với dân Israel và cứu chuộc họ. Giờ đây họ đang được mời gọi trở về hoang địa để thú nhận tội lỗi của mình và cảm nghiệm ơn cứu độ của Thiên Chúa một lần nữa. Do đó, điều cần thiết là chúng ta phải chuẩn bị một con đường trong tâm hồn.

43/ Trong Tân Ước, cho dù phép rửa, lòng sám hối và ơn tha thứ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng phép rửa không mang lại hai yếu tố kia. Cụm từ: Phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội có thể bị hiểu sai theo nghĩa: Là phép rửa tỏ lòng sám hối, hướng đến việc miễn khỏi tội lỗi cách này hay cách khác, làm cho tội lỗi được tha. Không phải như vậy, như dân thành Ninivê sám hối là do bởi lời giảng của ông Gio-na . Vì vậy có rất nhiều người đến với Gioan để sinh hoa trái xứng với lòng sám hối (Mt 3,8). Sám hối đưa đến việc được ơn tha thứ và phép rửa hay cùng có cả hai.

44/ Sử gia Josephus giải thích rằng: Ông Gioan làm phép rửa cho dân chúng chỉ sau khi họ đã sám hối: Ông Gioan là người tốt lành và truyền cho những người Do Thái thực hành nhân đức vừa sống công chính đối với nhau và sùng mộ Thiên Chúa và rồi đến chịu phép rửa. Vì vậy phép rửa bằng nước mà họ lãnh nhận từ ông không phải là để trút bỏ một số tội, nhưng là để tẩy rửa thân xác trong khi giả thiết rằng: Linh hồn được tẩy sạch nhờ sự công chính. Vì vậy cụm từ ấy có thể được hiểu là: Phép rửa là chỉ để tỏ lòng sám hối, còn ơn tha thứ là do sự ăn năn hối cải.

45/ Đoạn 1, câu 5: Người Do Thái biết nghi thức tẩy rửa khi gia nhập Do Thái giáo, phép rửa của ông Gioan khác với phép rửa của Do Thái giáo là họ không tự làm cho mình. Trong trường hợp này, dân chúng quy phục lời rao giảng của Gioan và được ông làm phép rửa cho. Lòng ao ước cứu độ của dân chúng được diễn tả bằng việc đi vào hoang địa, hàm ý họ tuân giữ và phục tùng lời rao giảng của Gioan, phép rửa có công hiệu bởi vì họ đã sám hối tội lỗi của mình.

46/ Đoạn 1, câu 6: Sự mô tả về Gioan có ý nhấn mạnh đến đời sống đơn sơ trong hoang địa, nhưng có lẽ cũng muốn đồng hóa ông với ông Êlia (2 V 1,8) việc mô tả đời sống của ông thật rõ ràng và có thể hiểu theo nghĩa đen, y phục của ông là áo lông lạc đà, thắt đai lưng bằng da thú, thức ăn là châu chấu và mật ong rừng là hai thứ có sẵn trong hoang địa. Không phải là ông chỉ ăn những thứ đó, nhưng có ý diễn tả lối sống khắc khổ của ông, vì tính cấp bách của việc loan báo tin mừng cứu độ cho nên không có thời giờ cho những tiện nghi và các món ăn ngon khác .

47/ Đoạn 1, câu 7 : Qua ngòi bút của Marcô, ông diễn tả sứ điệp của Gioan hết sức sâu sắc, việc cởi giày là thói quen trong đời sống hằng ngày, khi có khách đến thăm, họ được chủ nhà sai đầy tớ đến cởi giày và rửa bụi đất ở chân họ. Gioan coi Chúa Giê-su là người cao trọng hơn ông nên ông không xứng đáng làm công việc hầu hạ cho Ngài.

48/ Đoạn 1, câu 8: Khi cảm nhận về sự thua kém của Gioan so với Đức Giê-su bằng việc so sánh những công việc của hai vị thực hiện, Gioan chỉ có thể làm phép rửa bằng nước, nhưng Chúa Giê-su lại làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần. Sự khác biệt này mang ý nghĩa giao ước mới tương phản với giao ước cũ. Nên lưu ý rằng những người được Gioan làm phép rửa cho, đã xưng thú tội lỗi của họ (Câu 5) để được ơn tha tội (câu 4) không phải Gioan, cũng chẳng phải phép rửa của Gioan có thể xóa bỏ tội lỗi của họ, nhưng ở đây hệ tại ở con người và hành động của Đức Giê-su.

49/ Phép rửa trong thánh thần là dấu chỉ của thời đại mới, trong đó con người được canh tân / ngôn sứ Giêrêmia đã tiên báo ngày ấy sẽ đến khi mà không chỉ tội lỗi được tha thứ mà cả những tội xét trong trạng thái con người được gỡ bỏ. Vì vậy lề luật không chỉ là luật được viết bằng chữ được thể hiện bên ngoài, nhưng là những ước muốn bên trong của con người cũng được hòa giải với Thiên Chúa (Gr 31, 31-34) mà theo Thánh Phaolô đó là công trình của Đức Kitô (2 Cor 5,17)   **R

 

 

Bài 4: ẢNH HƯỞNG TỪ TIẾNG KÊU CỦA GIOAN

50/ Tiếng kêu hôm nay phát xuất từ đâu? Tiếng kêu là âm thanh phát xuất từ mỗi con người dành cho nhau. Tiếng kêu của Gioan dành cho ai và ông muốn nói gì? Tiếng kêu hôm nay phát xuất từ Thiên Chúa, ông muốn loan báo một sứ điệp / cuộc đời của Gioan là một tiếng kêu nơi hoang địa: Hãy dọn đường cho Chúa, khúc quanh co hãy uốn cho ngay, chỗ gồ ghề hãy san cho bằng ( Mc 1,1-3).

51/ Thiên Chúa nói với con người bằng cách nào? Từ xa xưa, Thiên Chúa vẫn đưa ra những tiếng kêu dành cho con người, Ngài nói qua miệng các ngôn sứ, qua tiếng lương tâm và qua các tình huống trong đời mỗi con người.

52/ Tại sao Thiên Chúa lại phải  kêu lên? Vì những tiếng kêu của loài người bi thiết, trầm bổng của mọi thời đại đã vang lên tới tai Thiên Chúa. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã phải trả lời bằng cách nhắn gởi với các ngôn sứ. Chúng ta hãy nghe lời Thiên Chúa nói qua miệng tiên Isaia: hãy an ủi dân ta, hãy nói cho Giê-ru-sa-lem biết rằng: Nó không phải mang kiếp tôi đòi nữa vì tội của nó đã được tha (Is 40,1-2).

53/ Có mấy loại tiếng kêu? Có 3 thứ tiếng kêu: Kêu cứu, kêu cầu, kêu gọi. Tiếng kêu của Chúa là tiếng kêu khác biệt, khác với tiếng kêu của con người, chúng ta quen nghĩ tới tiếng kêu cứu vì mình đang bị lâm nguy. Tiếng kêu cầu, để van xin giúp đỡ. Kêu gọi là để nhắc bảo, yêu cầu làm một điều gì. Tiếng kêu của Thiên Chúa chỉ là = kêu gọi.

54/ Chúa kêu gọi ta để làm gì? Chúa kêu gọi là muốn lay động, thức tỉnh ta, bắt ta chú ý điều gì hay bảo ta chuẩn bị đón nhận một sứ điệp. Cho dù tiếng kêu của Gioan ở giữa nơi thanh vắng, nhưng cũng có tác dụng đánh thức, gây chú ý mục đích là để quy tụ dân chúng lại để  nghe ông nói.

55/ Sứ điệp mà Isaia loan báo vào thế kỷ thứ 6 là gì? Sau khi dân Do Thái vừa thoát khỏi cảnh lưu đày ở Babylon. Trước đó Chúa đã thẳng tay trừng trị Giê-ru-sa-lem ,nhưng giờ đây họ không còn phải làm nô lệ nữa, vì tội của họ đã được tha thứ.

56/ Sứ điệp của Gioan là gì ? Gioan bảo : hãy dọn đường cho Chúa, chỗ gập gềnh, khúc khỷu hãy uốn lại cho ngay. Rồi mọi người sẽ được nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa vì người sẽ đến đầy vẻ lẫm liệt, oai phong. Người sẽ lãnh đạo dân Chúa như mục tử chăn dắt đoàn chiên (Is 40,1-5/9-11).

57/ Dân Do Thái đã nhận ra điều gì qua những năm tháng lưu đày? Giúp họ hồi tâm, nhận thức lý do đem tới đau khổ chính là vì tội lỗi của họ (Gr 7,25-28). Từ đó phát sinh trong lòng họ tâm tình sám hối, dẫn đến thái độ dứt khoát với tội lỗi, khi làm được như là họ đã sửa sang đường lối trong tâm hồn ngay thẳng để đón tiếp vinh quang Thiên Chúa đến. Đó mới chính là điều mà các ngôn sứ mong muốn khi các ngài gióng lên những tiếng kêu.

58/ Tiếng kêu của Gian tẩy giả có ảnh hưởng gì không? Dân chúng đã ngạc nhiên, rồi băn khoăn, khiến cho họ phải đối diện nhiều vấn đề ở phạm vi lương tâm và công bằng xã hội (Lc 3,7-14). Sau đó họ xin chịu phép rửa thống hối, xin ơn tha tội, dễ dọn lòng đón nhận Đấng Cứu Thế.

59/ Tiếng kêu ấy có ảnh hưởng gì đến chúng ta không? cả 2 sứ điệp : Sứ điệp của Isaia và của Gioan tẩy giả đều thúc bách mỗi người chúng ta hãy dọn đường cho Chúa, là để đón Chúa trở lại trong vinh quang. Họ đã có quá nhiều kinh nghiệm sau 2 biến cố: Biến cố thứ nhất xuất hành khỏi Ai Cập về đất hứa và biến cố thứ hai trên đường hồi cư từ vùng đất nô lệ Babylon trở về quê hương.

60/ Dân Chúa có kinh nghiệm gì về những năm tháng trong sa mạc? Chính trong sa mạc, dân Chúa đã chịu nhiều thử thách và phải luôn chiến đấu để giữ lòng trung thành với giao ước / cũng chính trong sa mạc, con người phải chịu thanh luyện để xứng đáng với ân tình của Thiên Chúa.

61/ Giáo hội hôm nay cần học điều gì nơi dân Chúa năm xưa? Giáo hội hôm nay cũng phải trải qua những kinh nghiệm sa mạc bằng cuộc sống chiến đấu đầy thử thách để minh chứng lòng trung thành với ơn gọi Ki-tô hữu của mình và phải tự thanh luyện để xứng đáng gặp lại Đức Ki-tô  khi Ngài đến thiết lập trời mới, đất  mới (2 Pr 3,13).

62/ Lúc nào thì trời mới, đất mới, mới hình thành? trời mới, đất mới đã xuất hiện ngay từ bây giờ khi mỗi người thi hành sứ điệp dọn đường cho Chúa đến. Và biến cõi đời tạm này thành nơi đáng sống hơn. Cho nên ở nơi mỗi người, mỗi ngày phải bớt dần đi những sự tàn ác, bất công. Mọi người phải kính trọng nhân phẩm của nhau và mong các quyền lợi căn bản của con người được bảo đảm, và điều quan trọng nhất chính là anh em phải giữ thái độ hoà giải với Thiên Chúa và với anh em của mình.

63/ Khi nào thì vinh quang Thiên Chúa sẽ xuất hiện? Theo lời thánh Irene thì con người là vinh quang của Thiên Chúa. Con người không ngừng xây dựng trời mới, đất mới , để tiến tới ngày viên mãn rực rỡ, ngày mà Đức Ki-tô trở lại để hoàn tất chương trình cứu độ và thu hồi vạn vật về một mối và trao phó lại cho Thiên Chúa Cha. Lúc đó Chúa Ki-tô sẽ trở nên mọi sự cho mọi  người (1 Cor 15,28).

64/ Chúng ta có thể hiểu gì từ bài đọc II? Ngày đó các tầng trời sẽ sụp đổ, mọi thứ khác sẽ bị thiêu cháy tiêu tan, ý muốn nói đến các công trình do con người xây dựng đều bị thiêu đốt (2 Pr 3,10). Có nghĩa là Đức Ki-tô sẽ dùng năng lực của Thánh Thần để nung nấu, để siêu thăng để biến đổi tất cả trở nên rực rỡ tốt đẹp cách nhiệm mầu, chứ không huỷ diệt chúng. Đó là cuộc biến hình cả hoàn vũ mà cuộc biến hình trên núi Tabor chỉ là một chút khía cạnh tiêu biểu cho chúng ta thấy đây là điểm khởi đầu.

65/ Tiếng kêu của Gioan đem lại cho chúng ta điều gì? Gioan kêu là tiếng vọng lại của Thiên Chúa, Chúa đang gọi chúng ta. Vậy nên chúng ta hãy mau đứng lên, ngước mắt hướng về tương lai. Viễn tưởng Chúa đến trong vinh quang sẽ đem lại cho chúng ta niềm tin yêu hy vọng để chúng ta phấn khởi vượt qua những khó khăn của sa mạc trong thời hiện tại. Vì thế, tiếng kêu của Gioan sẽ mang lại cho chúng ta đầy niềm tin yêu và hy vọng. **R

 

Bài 5: CÁCH GIOAN THỰC THI SỨ VỤ

66/ Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến ai?  Bài Tin Mừng hôm nay nói về sứ vụ của thánh Gioan tẩy giả, người được Thiên Chúa sai làm kẻ dọn đường cho Chúa cứu thế đến.

67/ Đoạn văn hôm nay diễn tả về điều gì?  Khởi đầu Tin Mừng Marco hôm nay giới thiệu về sự xuất hiện của Gioan tẩy giả. Ông không tự xưng tên tuổi, chức vụ của mình. Nhưng ông đã mượn lại lời của tiên tri Isaia để tự xưng mình là tiếng kêu nơi hoang địa và ông có bổn phận dọn đường cho Chúa đến.

68/ Đâu là gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước?  Ở đây là điểm cuối của Cựu Ước và cũng là điểm khởi đầu của Tân Ước, có nghĩa là Cựu Ước đã sửa soạn cho Tân Ước và công cuộc cứu độ được sửa soạn nơi Cựu Ước và thành tựu nơi Tân Ước.

69/ Hoang địa mang ý nghĩa nào?  Hoang địa là nơi thanh vắng là nơi con người dễ gặp gỡ, tiếp xúc với Thiên Chúa. Điểm khởi đầu cho công cuộc truyền giáo là ở nơi hoang địa. Hoang địa là nơi Chúa Giê-su tiếp xúc với Chúa Cha. Chúa cũng thường dạy các môn đệ hãy đi vào nơi thanh vắng để tịnh dưỡng và cầu nguyện.

70/ Thiên Chúa thường đến với con người ở nơi nào?  Thiên Chúa cũng thường tiếp xúc với con người ở nơi thanh vắng: Với Moisen thì nơi bụi gai (Xh 2,1-7)/ Thiên Chúa ban lề luật cho Moisen ở trên núi Sinai (Xh 19, 1-2)/ Thiên Chúa gặp Elia trên núi Horeb (Is 19,11)…./

71/ Tại sao Gioan lại phải sống ở nơi hoang địa?  Chúa có ý muốn dạy rằng: Ai muốn gặp Chúa thì phải sống ở nơi yên tĩnh với tâm hồn siêu thoát. Ai muốn đem Chúa đến cho người khác cũng phải biết sống nơi yên tĩnh. Vì vậy, phải có đời sống nội tâm yên tĩnh là điều kiện để gặp gỡ Thiên Chúa, để cải tạo đời sống.

72/ Gioan rao giảng phép rửa sám hối để làm gì?  Gioan khuyên mọi người hãy ăn năn hối cải để chuẩn bị cho việc nhập tịch Nước Trời. Nước mà Thiên Chúa đang thiết lập .

73/ Gioan mặc áo lông lạc đà nói lên điều gì? Gioan có đời sống khổ hạnh khi mặc áo lông lạc là, lưng thắt dây da, lương thực nuôi sống ông chính là mật ông rừng và châu chấu khô. Châu chấu chỉ là thứ để cứu đói, dành cho những người nghèo.

74/ Tại sao dân chúng cả miền Giu-đa và Giê-ru-sa-lem tuôn đến?  Dân chúng thấy chuyện lạ vì họ đã để ý đến con trẻ Gioan / vì việc bà Elizabet sinh ông ra đã là một chuyện lạ. Hơn nữa mùa này dân chúng vừa mới gặt hái xong, người ta đang rảnh rang nên đã tuôn đến nghe Gioan rao giảng rất đông.

75/ Gioan đã rao giảng những gì?  Gioan kêu gọi mọi người rằng: nếu muốn được ơn tha tội thì phải mau ăn năn sám hối. Ông đặt ra 2 nghi thức và bắt mọi người phải nghe theo, đó là: tắm rửa và thú tội. Dân Do Thái không cho những việc làm này là kỳ dị. Vì họ quen quá với phong tục tắm rửa phần xác để làm tiêu chuẩn cho việc tắm rửa phần linh hồn.

76/ Ông đã giới thiệu thân thế của mình như thế nào?  Ông đã cho thấy sự cách biệt giữa thân thế và sứ mạng của ông với thân thế và sứ mạng của Chúa Giê-su. Về thân thế thì thua kém Chúa Giê-su vì ông thấp hèn đến độ không đáng địa vị tôi tớ để cởi dép cho Chúa Giê-su và tuy Chúa Giê-su đến sau nhưng lại cao trọng hơn ông.

77/ Về phép rửa giữa 2 người thì sao?  Phép rửa chính là sứ mệnh, phép rửa của Chúa quan trọng hơn phép rửa của Gioan vì những lẽ sau đây: Phép rửa của Gioan là sự sám hối, tự nó không phát sinh ơn tha tội. Nhưng là do bởi lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Chúa nhận tấm lòng ăn năn của họ mà tha tội cho họ. Còn phép rửa của Chúa Giê-su sinh công hiệu là do chính quyền năng của Chúa Thánh Thần. Tuy cũng chỉ là phép rửa bề ngoài nhưng lại được ơn Thánh Thần tẩy rửa khỏi tội, cho nên bí tích rửa tội và giải tội do Chúa Giê-su lập, có giá trị tha tội qua việc làm.

78/ Ta có gì để có thể cắt nghĩa cụ thể?  Ta lấy ví dụ: Phép rửa của Gioan chỉ là hình ảnh, còn phép rửa của Chúa Giê-su chính là sự thật, thực tế. Hai phép rửa này giải thích ý nghĩa của sự vượt trội. Chúa Giê-su vượt trội trên Gioan, cho nên phép rửa của Chúa Ki-tô cũng trên phép rửa của Gioan, nói rõ hơn: Là sự tác động của Thánh Linh trong phép rửa tội qua tính cách mầu nhiệm của Nước .

79/ Gioan tẩy giả là ai?  Ông là lời chứng cuối cùng của Cựu Ước, ở nơi ông đã ứng nghiệm từ lời sấm Isaia về việc Thiên Chúa sẽ can thiệp để khai mở một thời đại mới ,để tụ tập một dân mới dưới sự dẫn dắt của Chúa Cứu Thế. Ông là vị ngôn sứ đứng ở giữa 2 giao ước của 2 thời để loan báo về đấng sẽ đến đồng thời qua phép rửa hối cải của ông. Gioan đã chuẩn bị lòng dân để đón nhận giao ước mới và họ sẽ trở thành dân riêng mới.

80/ Chúng ta nhìn thấy ở Gioan tấm gương gì?  Gioan là con người mẫu của sự hối cải để đón Chúa đến. Ông là hình ảnh cho chúng ta thấy hình ảnh của con cái Chúa khác xa con cái thế gian (ma quỷ). Bằng một đời sống hoàn thiện “ Công bình, bác ái, phục vụ, khiêm nhường, ngay thật, vị tha”.

81/ Gioan đã làm được những gì?  Ông đã tạo cho mình một hình ảnh gương mẫu phản ảnh được chính Thiên Chúa, để người ta nhìn ông mà nhận ra hình ảnh, tình thương và quyền năng của Thiên Chúa , cũng như qua chúng ta.

82/ Đúc kết qua bài Tin Mừng, chúng ta phải làm gì?  Chúng ta nên sống đạo với niềm tin vững chắc và một lòng phó thác vào tình thương của Thiên Chúa để chúng ta làm chứng cho Chúa để mọi người biết là : Có sự sống đời sau.

83/ Chúng ta nên bắt chước Gioan ở những điểm nào?  Chúng ta phải yêu thích việc thinh lặng nội tâm để gặp Chúa. Tĩnh tâm hàng năm, mỗi tháng, và cầu nguyện mỗi ngày, cầu nguyện trước mỗi việc làm, thường xuyên đến với Chúa bằng các giờ cầu nguyện. Cố gắng tạo cho mình một tâm hồn yên tĩnh, bằng cách loại bỏ mọi lo toan trần thế. Thực tế là sống tinh thần phó thác vào Chúa.

84/ Noi gương Gioan ta nên làm gì?  Chúng ta nên dùng những phương tiện Chúa ban để giúp cho tha nhân thăng tiến và hoàn hảo hơn để họ xứng đáng đón nhận ơn cứu độ của Chúa. Hãy siêng năng cầu nguyện, ăn chay, hãm mình. Sống gương sáng bằng lời nói, việc làm , với ý muốn làm vinh danh Chúa và lợi ích cho tha nhân.

85/ Gioan thực thi sứ vụ như thế nào?  Gioan chỉ dẫn cho mọi người, cách thức sám hối bằng việc tắm rửa và thú tội. Ta sẽ chỉ cho tha nhân cách sống thánh bằng đời sống gương sáng, bằng làm các việc lành, bằng lời nói mang tính cách bác ái yêu thương.

86/ Gioan làm việc tông đồ như thế nào? Gioan dùng lời nói và chứng tích sống đạo, để rao giảng vì Gioan sống khổ hạnh để làm chứng rằng mình đang sám hối. Chúng ta muốn rao giảng về Chúa Ki-tô thì chúng ta phải sống như Chúa Ki-tô đã sống , thì mới có thể làm chứng bằng đức tin của mình được. **R

 

 

TÓM Ý

1/ Sự khác biệt giữa người sống và kẻ chết là gì ? Những con người khỏe mạnh, giàu sang, thành đạt và những con người đau yếu, bệnh tật nghèo khổ thì khác nhau lúc sống ở trần gian, giống nhau khi chết và rất khác xa khi đi vào đời sống vĩnh cửu.

2/ Người tốt khi chết rồi , họ có được thứ gì ?Khi chết rồi, có những thứ mà người giàu không thể có và rất ước ao một thứ mà người nghèo đang sở hữu, đó chính là Đức Kitô.

3/ Thứ gì quan trọng nhất trong mùa vọng ? Mùa vọng, mỗi người hãy kiểm điểm lại xem điều gì quan trọng nhất và cái gì là ưu  tiên nhất. Sự có mặt của Đức Kitô trong đời sống của chúng ta có quan trọng lắm không? Vậy nên trong lòng có Chúa là quan trọng nhất /

4/ Ai là thần tượng của người Kyto hữu ? Trái đất luôn xoay quanh mặt trời. Chúa Giê-su có là thần tượng, có chiếm chỗ nhất trong lòng chúng ta không?, chúng ta có quy hướng về Ngài không?. Chúng ta có quay chung quanh Ngài không?

5/ Lời Chúa hôm nay muốn dạy chúng ta điều gì ? Lời Chúa hôm nay đặt vấn đề chúng ta đi đúng hay sai đường? Chúng ta đặt trọng tâm vào đâu, chúng ta xây dựng cuộc sống dựa trên nền tảng nào?

6/ Sự khác biệt giữa những con người đã chết là gì ?  Không kể giàu nghèo, không kể màu da tiếng nói, chẳng còn sự khác biệt nào, có khác chăng là khác ở những việc mỗi người làm khi còn sống ở trần gian.

7/ Chúng ta nên chuẩn bị thế nào? Những việc chúng ta cần làm ngay đó là phải chuẩn bị để gặp gỡ Đức Kitô trong giờ sau hết.  Hôm nay, Gioan tiền hô đưa ra những việc cần làm ngay đó là: Ăn năn sám hối, từ bỏ đường tội, làm lại cuộc đời, dọn sạch đường cho Chúa đến!

8/ Vậy hôm nay tôi sẽ làm gì?  Mỗi ngày trôi qua là một bước đi tới nấm mồ. Khi tôi còn nhỏ, thời gian như đang bò tới; khi là thanh niên, thời gian như đang đi tới; khi tôi tới tuổi trưởng thành thời gian như đang chạy tới; khi tôi già, thời gian như đang bay tới; khi tôi cận kề cái chết, thời gian như ngừng trôi.

9/ Sứ vụ của Gioan là gì ? Khi Thiên Chúa muốn đưa con Ngài xuống trần gian, để chuẩn bị điều này, Thiên Chúa cần người dọn đường. Gioan là người dọn đường nổi bật, Gioan là nhịp cầu để đưa Chúa Kitô đến gặp dân Ngài. Ông là người cùng quen biết với cả hai bên, nên rất thích hợp để làm mai mối cho Đức Kitô và cho dân Chúa chọn.

10/ Thiên Chúa đang cần những ai ? Thiên Chúa đang cần những sứ giả, đang cần những người dọn đường. Chúa cũng cần những Gioan tẩy giả mới. Đây là sự khiêm tốn muôn thuở của Thiên Chúa, vì chẳng bao giờ Chúa đến cách đường đột. Hôm nay Chúa đang cần chúng  ta làm người giới thiệu, nhờ ta mà có nhiều người biết đến tin mừng, cũng như khi xưa tin mừng được bắt đầu nhờ vào Gioan.

11/ Gioan có lối sống như thế nào ? Chúng ta nhận thấy cách sống, cách ăn mặc, lối sống khắc khổ khiến cho nhiều người đặt dấu hỏi. Gioan chọn một lối sống phù hợp với lời ông rao giảng, ông kêu gọi mọi người dọn sạch tâm hồn để đón Chúa đến, ông kêu gọi mọi người sám hối và họ đã nghe ông rao giảng. Bởi đời sống khắc khổ của ông có sức thu hút mãnh liệt.

12/ Chúng ta nên sống như thế nào ? Chúng ta không thể sống đúng như Gioan, nhưng chúng ta có thể sống tâm tình ăn chay thống hối như Gioan.  Chúa Giê-su đòi chúng ta phải từ khước cuộc sống tiện nghi, Chúa đòi chúng ta phải lội ngược dòng với thế gian, dám sống khác thường để mưu cầu lợi ích đời sau.

13/ Tại sao đạo Chúa chưa hiển trị ? Người ta không muốn đón nhận tin mừng vì họ chỉ thấy toàn gương xấu ở nơi chúng ta và chung quanh chúng ta. Đức Kitô vẫn luôn cần những con người gương mẫu như Gioan.

14/ Con đường dùng để làm gì ? Con đường thật quan trọng, nó giúp ta thoát nạn, giúp ta giữ liên lạc được với nhau, để con người có thể gần gũi nhau và để chia sẻ cho nhau những điều cần thiết. Muốn được như thế, chúng ta phải bảo trì, sửa chữa đường sá cho thật tốt.

15/ Tại sao con người lại xa cách nhau 1 ? Đường vật lý khi hư hỏng thì khó đi, dễ mất liên lạc. Con đường tâm lý nếu đã hư hỏng thì hậu quả thật nghiêm trọng vì có khi nhà ở cạnh nhau nhưng họ chẳng thể biết nhau, chẳng thể thân thiện nhau.

16/ Tại sao con người lại xa cách nhau 2 ? Con đường bị vướng bởi những đỉnh đồi cao là kiêu ngạo, muốn nâng mình lên, muốn khoe khoang, tự ái ngút trời, chẳng bao giờ nhận lỗi và không bao giờ muốn tha thứ.

17/ Tại sao con người lại xa cách nhau 3 ? Con đường bị vướng hố sâu lá chỉ muốn tư túi, luôn tham lam, đam mê miệt mài theo danh lợi thú, của xác thịt nặng nề, thú tính.

18/ Tại sao con người lại xa cách nhau 4 ? Con đường bị những khúc quanh co là sự dối trá, sống không thành thật, luôn giả hình, không bao giờ chịu suy xét để điều chỉnh lương tâm.

19/ Tại sao con người lại xa cách nhau 5 ? Tại sao con người lại xa cách nhau ? lời nói, hành động độc ác, chỉ muốn phê bình chỉ trích chứ không bao giờ muốn xây dựng.

20/ Tại sao chúng ta phải sửa đường 1 ? Hôm nay Gioan kêu gọi chúng ta hãy sửa đường thiêng liêng cho thật tốt đẹp để có thể đón Chúa đến. Tất cả những thứ kia chặn đứng không cho Chúa đến với tâm hồn ta.

21/ Tại sao chúng ta phải sửa đường 2 ? Chúng ta phải bạt đi thói kiêu căng, bạt đi tính tự ái ngang ngạnh, hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hòa. Hãy từ khước những đam mê dục vọng, hãy uốn thẳng những khúc quanh giả hình, hãy san phẳng những gợn sóng gồ ghề độc ác.

22/ Tại sao chúng ta phải sửa đường 3 ? Sửa đường sẽ gây tốn kém, nhưng cũng dễ hơn là sửa con đường thiêng liêng đang bị nhiễm nặng bởi thói mê tật xấu.

23/ Tại sao ta phải vào nơi hoang vắng ? Hãy vào sa mạc, là nơi hoang vu vắng vẻ, cô tịch giúp chúng ta lắng đọng tâm hồn để gặp gỡ Chúa, một mình ta với Chúa giúp ta tìm biết thánh ý Ngài. Chúa Giê-su trước khi ra đi rao giảng, cũng đã vào hoang mạc để tìm biết ý Chúa Cha. Sa mạc là những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình ta với Chúa Giê-su thánh thể.

24/ Tại sao phải ăn mặc đơn sơ ? Áo da thú là ăn mặc đơn sơ không chải chuốt cầu kỳ, là một tâm hồn biết sống thật với chính mình, biết nhìn nhận mình là một con người  yếu đuối đầy lỗi lầm và cầu xin ơn tha thứ, thái độ khiêm nhường giúp ta mau tiến tới đỉnh trọn lành.

25/ Tại sao phải sống khắc khổ ? Ăn châu chấu và uống mật ong rừng, ý nói đời Gioan sống rất khắc khổ, chỉ có bữa đói chứ không có bữa no, ý nói về một đời sống khổ hạnh. Hạn chế những đòi hỏi của thân xác, bắt nó phải quy phục linh hồn, giảm tối đa mọi nhu cầu của thân xác để bồi dưỡng đời sống tâm linh.

26/ Gioan Tẩy giả đã sống thế nào ? Đời sống của Gioan tẩy giả bao gồm những điều khoản sau đây: a)Ăn năn sám hối; b) Hãm phạt thân xác; c) Quy phục Thánh ý Thiên Chúa. Ông trở thành người mở đường cho Chúa cứu thế. Nếu chúng ta áp dụng các điều khoản của Gioan tẩy giả, tâm hồn chúng ta sẽ trở nên con đường thẳng tắp cho Chúa Giáng Sinh ngự vào.

27/ Thế nào là sống từ bỏ ? Đời sống của Gioan là loại bỏ tất cả những gì không cần thiết, ông đã dẹp bỏ mọi vướng mắc để cho Thiên Chúa sử dụng ông.

28/ Hoang địa là gì ? Hoang địa được hiểu là một khoảnh khắc cầu nguyện trong vắng vẻ, những giây phút suy tư, suy niệm trong thinh lặng. Loại bỏ mọi thứ dư thừa để tâm hồn ta luôn thuộc trọn về Chúa.

29/ Kinh nghiệm sống trong hoang địa của dân Israel là gì ? Ở trong hoang địa, tâm hồn họ hoàn toàn thuộc về Chúa, tùy thuộc vào sự chăm sóc của Chúa. Bởi vì Thiên Chúa luôn ở bên cạnh họ. Người Kitô hữu luôn biết sức mạnh đó và phải mạnh dạn loại bỏ những gì có thể ngăn chặn Chúa đến, và chuẩn bị đón tiếp Chúa trong lễ Giáng sinh.

30/ Khi Gioan tẩy giả từ sa mạc trở về, ông đã làm gì ? ông đã lôi cuốn đám đông dân chúng, sống vắng vẻ bên Chúa không phải là sống bên ngoài thế gian, người môn đệ Chúa phải dấn thân vào thế gian và họ trở nên một thứ men sinh động để giúp cho thế gian biến đổi , tiến hóa.

31/ Kito hữu nên sống đạo như thế nào ? Người ta chỉ có thể cống hiến những gì người ta đã hấp thụ, người Kitô hữu chỉ có thể hấp thụ sức mạnh từ nơi Thiên Chúa. Chính trong lúc gặp gỡ Thiên Chúa nơi vắng vẻ nhờ vào những giây phút tĩnh tâm mà người ta có thể quyết tâm từ bỏ mọi rườm rà của tâm hồn mình mà người môn đệ mới có thể trở nên chiến sĩ của Đức Kitô giữa thế gian, như men trong thúng bột.  **R     

Giuse Luca /  Kinh Thánh Emmaus

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1510
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  10
 Hôm nay:  2202
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11407611
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top