Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Giáo lý Sống Đạo - Khóa II / Dành cho bổn Đạo Mới / Bài số: 020

TẤT CẢ CHO VINH DANH CHÚA 

BÀI SỐ: 020

   ĐỀ TÀI :  TA PHẢI CHU TOÀN MẤY BỔN PHẬN ?          

   CN TRONG TUẦN BÁT NHẬT / MÙA GIÁNG SINH / C

LỄ KÍNH THÁNH GIA THẤT / Lc 2, 41-52 .

   Thứ sáu , ngày 28 / DEC / 2018

 

I. GIÁO LÝ HÔN NHÂN:
 
ĐỀ TÀI:    TÍNH DỤC TRONG HÔN NHÂN (Phần I)
 
1. Tại sao vợ chồng đừng nên từ chối nhau? Vì vợ, vì chồng không có quyền trên thân xác của mình, nhưng là bạn mình / Vậy, vợ chồng không nên từ chối nhau, trừ trường hợp cả 2 người đều đồng ý như vậy để chuyên lo việc cầu nguyện / rồi 2 người lại ăn ở với nhau, kẻo vì tiết dục mà một trong 2 người sẽ bị Satan lợi dụng (1 Cor 7, 4-5).
2. Giao ước hôn nhân bao gồm những điều gì? Giữa 2 người nam- nữ, khi ký kết giao ước này thì họ phải hoàn toàn tự do và hiểu được trách nhiệm của mình, để có thể trọn đời yêu thương nhau. Sau đó là sinh sản và giáo dục con cái theo Thánh ý Chúa .
3. Tại sao giới tính lại có liên hệ đến giao ước hôn nhân? Vì hôn nhân có liên hệ đến giới tính, đó là tính dục và tình dục. Có nghĩa là yêu thương và sinh sản con cái, nhiều người hiểu sai nên cho rằng vấn đề này là tội lỗi, xấu xa. Cũng có người quá lạm dụng tình dục rồi phát sinh cách sống quan hệ bừa bãi.
4. Làm sao để chúng ta có thể hiểu đúng? Chúng ta cần biết 4 điểm sau đây,để chúng ta có thể sống tốt, sống hạnh phúc trong bậc vợ chồng: a) Tính dục là gì ? b)Vai trò quan trọng của nó; c) Tính dục phục vụ cho tình yêu vợ chồng; d) Các nguyên tắc luân lý về tính dục.
5. Tại sao ta phải hiểu để biết phân biệt? Ta cần hiểu giới tính là gì, tính dục là gì, tình dục là gì? Giới tính là những điểm để phân biệt giữa nam và nữ. Tính dục là bản chất của con người, là ước muốn được thể hiện ra bên ngoài. Tình dục là khuynh hướng tự nhiên nơi người nam và người nữ. Họ vận dụng giới tính để tìm kiếm, hiểu biết và thương yêu nhau .
6. Tình dục là gì? Tình là cảm xúc trong tâm hồn, dục là ước muốn được thể hiện ra bên ngoài. Tình dục là toàn bộ những ước muốn mà cả người nam lẫn người nữ đều vận dụng bản năng giới tính của mình để yêu thương và ước muốn kết hợp với nhau như vợ chồng.
7. Qua cách giải thích trên đây, chúng ta nghiệm ra điều gì? Ta thấy giới tính chỉ là đặc điểm của một giới, còn tính dục là khi một trong hai người sử dụng giới tính để cùng gặp gỡ và yêu thương nhau.
 
8. Tính dục khác với tình dục như thế nào? Tính dục là nói chung đến các mối quan hệ như bạn bè, người yêu , vợ chồng . Còn tình dục chỉ nói riêng về quan hệ vợ chồng.
9. Thiên Chúa và Giáo hội dạy thế nào? Giới tính là những đặc điểm khác nhau giữa nam và nữ. Còn tính dục và tình dục là những hoạt động mà mỗi giới vận dụng giới tính của mình để gặp gỡ người khác phái để yêu thương, trao hiến và nên một với nhau. Tất cả những đặc điểm và ân huệ này đều là do Thiên Chúa phú ban, để cả hai người có thể bổ sung cho nhau về những thiếu vắng trong thể xác cũng như tâm hồn của hai người / để họ có thể bổ sung cho nhau, để cả hai đều hướng đến mục đích là tìm được hạnh phúc trong bậc sống hôn nhân gia đình.
10. Vai trò của tính dục có ý nghĩa như thế nào trong tình yêu vợ chồng? Giới tính hay tính dục đều là ân huệ Chúa ban cho con người, mà con người là một tạo vật có một thực thể là thân xác và linh hồn, Cả hai phần này không hề bị cô lập hay tách biệt nhau, nhưng chúng có liên hệ mật thiết với nhau. Vậy chúng sẽ tác động lên nhau cách rất sâu xa.
11. Giới tính có ý nghĩa như thế nào? Khi hai con người chấp nhận đến chung sống với nhau, họ sẽ sử dụng giới tính để nên một với nhau, và sinh con đẻ cái. Cho nên đây không phải chỉ là nhu cầu sinh lý thuần tuý, mà còn liên luỵ đến nhân vị của con người, và vì con người giống hình ảnh Chúa, nên con người cũng là tình yêu.
12. Tính dục có giá trị thế nào trong hôn nhân? Vì thể xác cũng như tâm linh liên kết với nhau cho nên tính dục có giá trị nhân linh đích thực, và nó là thành phần không thể thiếu trong tình yêu, nó như là chất keo trong đời sống vợ chồng, vì cả hai đã ký cam kết là sẽ hiến thân trọn vẹn cho nhau trong suốt cả cuộc đời.
13. Thế nào là tình yêu cao cấp nhất?Tình yêu vợ chồng mang đặc tính là vị tha, trao hiến, đón nhận nhau suốt đời, nên nó là thứ tình yêu cao cả, cao cấp nhất giữa con người với con người. Chính vì thế mà tính dục có một vai trò rất quan trọng trong hôn nhân, nó là thứ ngôn ngữ tình yêu giúp cho hai người có thể thông đạt với nhau một cách sâu thẳm và trọn vẹn nhất.
14. Tính dục có chính đáng không? Hành vi tính dục, tự bản chất của nó là giúp đem lại niềm hoan lạc cho tình yêu vợ chồng. Vợ chồng có thể vận dụng năng lực tự nhiên về giới tính để trao hiến trọn vẹn cho nhau, hầu giúp nhau cảm nhận được sự hoan lạc sâu xa, giúp ảnh hưởng tốt đến sức khoẻ, quân bình cho trí não và còn giúp cho tình yêu đôi lứa ngày càng trưởng thành hơn / nghĩa là nhờ trao hiến và đón nhận mà cả hai sẽ phát sinh sự tôn trọng và yêu thương nhau thắm thiết hơn. Nó trở thành một thứ keo sơn gắn bó, nó rất có ý nghĩa trong sự thuỷ chung, hạnh phúc và đầm ấm trong gia đình.
 
15. Tính dục có mang lại nhiều lợi ích không? Tính dục chính là điều là mà Thiên Chúa ban cho loài người. Trong khi loài người chu toàn nhiệm vụ truyền sinh thì cũng đồng thời cảm nhận được sự vui thú, hoan lạc, thoả mãn nơi thân xác cũng như tinh thần. vì vậy, khi vợ chồng tìm kiếm nhau để tận hưởng sự hoan lạc ấy thì chẳng có gì là xấu cả. Vì họ đang đón nhận những hồng ân do Thiên Chúa ban. Tuy nhiên, với điều kiện là không được... lạm dụng mà phải biết giữ …tiết độ.
16. Lợi ích nào mà đời sống tính dục của vợ chồng sẽ mang lại? Tình yêu vợ chồng bao gồm một tình bạn thân thiết, sau đó tiến đến tình yêu vợ chồng. Họ đã trao hiến trọn vẹn cho nhau theo giới tính của mình. Nhờ đó, hôn nhân gia đình đã trở thành một cộng đồng thu nhỏ bao gồm các ngôi vị. Từ hai ngôi vị đầu tiên, Thiên Chúa muốn có những con người khác sẽ hình thành, được sinh ra và lớn lên. Đó là những đứa con do tình yêu cha mẹ mang lại. Ôi, thật cao quý thay.
17. Thiên Chúa muốn như thế nào ? Ngài truyền rằng : Hãy sinh sản cho đầy mặt đất. Thiên Chúa muốn vợ chồng không dừng lại ở hạnh phúc lứa đôi, mà còn nối tiếp công cuộc tạo dựng của Ngài, để cộng tác với Ngài qua việc truyền sinh sự sống cho những con người khác. Đây chính là giá trị đích thực mà tình yêu vợ chồng có thể mang lại. Đây chính là mục đích mà Thiên Chúa mở ra để đòi hỏi con người phải thực hiện, đó là vợ chồng tạo ra được nhiều lợi ích khi đã đạt được sự phong phú về nhân bản cũng như về tâm linh khi sinh con cái, giáo dục chúng theo đường lối mà Thiên Chúa muốn.
18. Thế nào là tình yêu trọn vẹn mà ta đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa? Thiên Chúa chính là tình yêu, và Ngài đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Ngài tạo dựng con người có nam có nữ / con người thì có giới tính , nhưng Ngài thì không, vì Ngài không cần nó. Vì vậy khi con người sống với nhau, mang lại hạnh phúc cho nhau, thì lúc đó con người mới có thể diễn tả trọn vẹn hình ảnh của một Thiên Chúa tình yêu.
19. Thiên Chúa đáng ca tụng như thế nào khi Ngài dựng nên con người ? Thiên Chúa đầy quyền năng và tình thương. Ngài làm cái gì cũng hoàn hảo và đáng ca tụng. Cho nên giới tính của con người cũng là một ân sủng của Thiên Chúa, nó vừa có tính chất cao sang lại vừa trần tục. Chính vì Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ, rồi sau đó lại muốn cả hai thành một xương một thịt, Vậy nên đây cũng là một cách diễn tả sự phong phú của Thiên Chúa.
20. Tình yêu vợ chồng nói lên điều gì ? Bản chất một xương một thịt trong tình yêu hôn nhân diễn tả việc vợ chồng bổ sung cho nhau. Vì cả hai là một nửa của nhau ,đang đi tìm nhau. Tình yêu của họ tăng trưởng góp phần xây dựng văn minh tình yêu. Vì thế khi những hành vi tính dục bị lạm dụng sai lệch sẽ khiến cho 2 con người đó trở thành những đồ vật bị lạm dụng,và trong bối cánh của thế giới tội lỗi , thì tình dục hôm nay trở thành một thứ giải trí cho người nam, và những đứa con mà họ sinh ra bất đắc dĩ sẽ trở thành chướng ngại vật , nên họ đã quyết tâm loại bỏ. họ đã trở thành thứ cha mẹ ác độc.
21. Các bạn trẻ trước khi bước vào cánh cửa hôn nhân, họ nên làm gì ? Ước gì họ được Lời Chúa chiếu soi vào tận đáy lòng họ, để họ hiểu rằng : Thân xác của anh em chính là đền thờ Chúa Thánh Thần. Vậy nên anh em không còn thuộc về chính mình nữa, mà anh em đang thuộc về Thiên Chúa. Ngài là đấng tạo dựng nên anh em. Nên thân xác linh hồn anh em phải là đền thánh xứng đáng cho Thiên Chúa ngự, và anh em cũng phải  luôn nhớ rằng : lẽ ra anh em phải chết khốn nạn một lần rồi, nhưng may nhờ có máu Con Chúa đã đổ ra để cứu sống anh em. Vì thế anh em đừng có phạm tội nữa, mà hãy quý trọng thân xác của mình cũng như thân xác của bạn mình, để anh em sống bậc vợ chồng cho thật xứng đáng, đúng với ý muốn của Thiên Chúa.**R
 
Các bạn ơi ! Nếu cố gắng, các bạn sẽ làm được hết .
 
 
II. BÁC ÁI  KITÔ GIÁO:
ĐỀ TÀI:     BÁC ÁI THÌ KHÔNG GHEN TỴ
 
1. Thánh Phao-lô dạy các giáo đoàn như thế nào? Anh em đừng làm điều gì vì tranh giành hư danh / nhưng hãy khiêm nhường, hãy coi mọi người ai cũng có điều hơn mình.
2. Những chuyện ghen tỵ trong Cựu Ước như thế nào? a/ Ca-in giận lắm hắn sa sầm nét mặt / Lý do mà nó giận là vì của lễ của em nó luôn được Thiên Chúa nhận, còn của lễ của mình thì bị từ chối. b/ Đám các con của tổ phụ Giacob, họ ghen với số phận của Giuse, các anh em ghét ông. Họ không bao giờ đủ bình tĩnh để nói với ông điều gì. c/ Vua Saul ghét Đavit bởi chính miệng ông từng thốt ra: Dân chúng hoan hô : Tao chỉ giết được 1000 quân địch, còn Đavit giết được một vạn. Vậy chi bằng đem ngai vàng dâng tiến cho  y cho rồi.
3. Tính ghen tương có mấy bậc? Thưa có 4 : a/ Đua tranh: Là cử chỉ tốt, giúp nhau thi đua phấn khởi; b/ Ganh gổ: Là hành động không tốt nữa ví nó giảm đi sự trọn lành. c/ Phân bì: Đến đây là xấu rồi, vì lương tâm đang vấn vương điều lỗi. d/ Ghen tương: Có tội, vì tánh này do ma quỷ xúi giục, vì nó đã từng ghen với tổ tông loài người.
4. Khởi điểm của việc lỗi đức ái là gì? Nguyên do là ở tính nhẹ dạ. Chính vì nhẹ dạ nên nó kéo theo nhiều ác quả khác. Chúng ta nên coi chừng tính nhẹ dạ (không có lập trường) Vì ở đàng sau nó luôn ẩn nấp những tình ý cay độc hoặc ghen tương dung làm khởi điểm.
5. Tính cách của ghen tương là gì? Người ghen tương thường có tâm tình rầu rĩ, không bằng lòng ai đó, nó bắt đầu khi ta có ý nghĩ rằng: Người nọ, người kia không có gì hơn ta, nhưng sao nó lại được ưu đãi. Đây nói về cả hai lĩnh vực: Tinh thần hay vật chất, và ta luôn tin rằng: Có Ai đó đang xử sự bất công với mình.
 
6. Có dụ ngôn nào trong Tân Ước đã phơi bày tính ghen tương? Trong dụ ngôn người con hoang đàng, khi biết cha mình mở tiệc khoản đãi chú em của mình, anh cả tỏ ra bực bội hờn dỗi. Thằng em là thằng em hư, còn tôi là thằng con luôn trung thành, thế mà ông chẳng hề biệt đãi tôi chút nào.
7. Câu chuyện nào trong Tân Ước cũng nói lên tính ghen tương? Người ghen tương thì trong lòng luôn âu sầu vì mình tính một đường nó lại ra một nẻo khác. Giống như là mình đang bị ai đó lường gạt. Chúa Giê-su đi đâu thì làm ơn tới đó, người Do Thái thì cho rằng Thiên Chúa ở trong đền Thánh gierusalem ,nên họ gạt dân Samaria ra ngoài, vì thế khi nghe Chúa Giê-su đi về đền Thánh Giê-ru-sa-lem chứ không phải là tới núi Garizim, nơi người Samaria thờ Thiên Chúa của họ. Vì vậy họ nổi cơn ghen tức và không thèm đón tiếp Chúa. Còn các tông đồ thì muốn dùng lửa trời để thiêu cháy họ.
8. Thế nào là ghen tương? Là do mình thấy người khác được chú ý, được biệt đãi hơn mình. Cảm thấy số phận mình bị bỏ rơi. Hay ít ra là trong lòng mình luôn nghĩ như vậy. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong dụ ngôn đám thợ làm vườn nho, có toán làm từ sáng có toán làm giờ trưa / có toán làm xế xế / có toán làm chỉ 1 giờ. Thế mà khi lãnh công ông chủ lại phát tiền công bằng nhau. Những người làm từ sáng, tự cho mình có công  nhiều hơn nhưng họ cũng chỉ lãnh có một đồng. Thế là tính ghen tương bốc lên, họ kêu ca và đã không được trả thêm / mà còn bị ông chủ dạy cho một bài học.
9. Ghen tương do còn lý do nào khác nữa? Ghen khi thấy người khác làm được việc thiện, những việc mà mình không làm được. Cũng có thể là không biết làm, hoặc không muốn làm. Trường hợp các tông đồ kêu ca với Chúa về một người đã lấy danh Giê-su mà trừ quỷ. Chỉ vì họ không ăn cánh, không phe với chúng tôi, nên chúng tôi phải cấm họ. Chúa lại dạy các tông đồ một bài học khác nữa .
10. Ghen tương còn là do phân bì? Bắt nguồn từ việc đương sự cho rằng : Ai đó đã đối xử bất công như là: Nhất bên trọng, nhất bên khinh. Trong trường hợp này là vào cảnh tiếp khách của Matta và Maria. Người chị thì tất bật còn đứa em thì ngồi ôm chân Chúa để nghe Chúa nói chuyện / nhưng Chúa không đồng ý và đã bênh vực cho cô em Maria.*
11. Ghen tương là do đầu mối của tính xấu nào ? Ghen tương luôn gây nguy hiểm cho những linh hồn tự cho mình là người tốt hoặc tập làm người đạo đức. Họ tự ti mặc cảm thay vì phải vui vẻ phụng sự Chúa, họ làm chậm đà tiến, đi trật đường lối của Chúa, hủy hoại tinh thần bác ái , dẫn tới việc tạo ra hố sâu hiềm thù, ghen ghét. Trường hợp của hai anh em Gioan và Giacobe xin Chúa địa vị. Câu 22 thì hai anh em xin, còn câu 24 thì mười người kia giận 2 ông nầy. Cũng may, các ông đã được Chúa kịp thời ngăn chặn nên chưa thể nào đi xa hơn / chưa gây ra hiềm thù sâu sắc. Do hoài bão của 2 ông này đã bị Chúa đánh tan ngay từ lúc đầu. **R
 
III. TÔN VINH LỜI CHÚA :  CHÚA NHẬT  TRONG TUẦN BÁT NHẬT / MÙA GIÁNG SINH  / C   
 
ĐỀ TÀI:      BỔN PHẬN NÀO CAO TRỌNG HƠN.        
 
PHÚC ÂM :   Lc 2, 41-52
"Cha mẹ Đức Giê-su tìm thấy con mình đang ngồi giữa các bậc thầy Tiến sĩ ."
 
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca:
41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. 43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền thờ, đang ngồi giữa các thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con! " 49 Người thưa: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? " 50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. 52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.
Đó là lời Chúa.
 
SUY NIỆM : LỄ GIÁNG SINH VÀ LỄ THÁNH GIA
 
ĐỀ TÀI:   TA CÓ MẤY BỔN PHẬN PHẢI CHU TOÀN . 
 
1. Chúng ta nên hiểu thế nào về lễ Chúa Giáng  Sinh? Lễ Giáng sinh mô tả về thời gian mà con Thiên Chúa giáng trần làm người. Tuy là Con Thiên Chúa nhưng Ngài lại nhập thể làm người, sinh ra trong cảnh khó nghèo. Nhưng Ngài lại là Thiên Chúa quyền năng, Ngài đã bị người đời hắt hủi, chỉ có các Thiên thần và mục đồng ca hát , đón chào. Chúa sinh ra trong kiếp nghèo để đồng cảm với những người nghèo như …các mục đồng và mời gọi chúng ta hãy yêu thương nhau.
2. Một số phe nhóm Do Thái đang trông đợi ai? Họ cũng đang trông đợi một vị cứu tinh giàu có, quyền năng như là mẫu người của Alexandre Đại đế / Ông có tài điều binh khiển tướng, đánh đông dẹp bắc, đã mang lại vinh quang cho quê hương ông . Trong khi Chúa Giêsu giáng trần không đúng với hoàn cảnh như lòng Dân Do thái mong muốn, nên họ không chịu đón nhận.
3. Hoàng đế Cesare Augusto là ai ? Ông là hoàng đế Rôma, cai trị từ năm 29 trước công nguyên và cho đến năm 14 sau công nguyên / ông trị vì 43 năm.
4. Thành nào là thành của vua Davit? Tước hiệu thành của vua Đavit là dành cho Bêlem (Mt2, 6). Tin mừng Matthe-o dựa vào lời sấm ngôn của tiên tri Mikha nói trước về quê hương của Đấng Cứu Thế (Mk 5, 1).
5. “Người đã đính hôn với Giuse, lúc đó bà Maria đang mang thai” nhắc ta tới điều gì? Câu này nhắc tới việc sứ thần Gabri-en đến truyền tin cho Đức trinh nữ Maria (Lc 1, 27).
6. Bà sinh con trai đầu lòng.../ Nghĩa là gì? là sinh đứa con thứ nhất, và không nhất thiết phải sinh thêm những đứa con kế tiếp. Ở đây tác giả đề cập đến con trai đầu lòng để nhắc lại quy định của luật Moisen / quy định là phải dâng đứa con trai đầu lòng cho Thiên Chúa (Xh 13, 2) và cũng nhắc lại việc cha mẹ phải chuẩn bị lễ vật để chuộc con (Lc 2, 23).
7. Vì sao ông bà không tìm được chỗ trọ? Các chủ quán từ chối không muốn cho hai ông bà ở trọ là vì dáng vẻ quê mùa, nghèo khó của các ngài. Hơn nữa họ cũng không muốn đón một phụ nữ mang bầu sắp sinh vào trong nhà / họ sợ bà sẽ mang lại điều xui xẻo đến và làm lỡ việc kinh doanh tốt đẹp của họ.
8. Đấng Kitô của Đức Chúa là gì? Chúa Giêsu là Đấng Messia, Ngài là vị vương đế, Ngài là Chúa tể vũ trụ /và quyền năng nầy đã được chính Chúa Cha trao ban.
 
9. Tại sao lại có bình an dưới thế? Ngoài lời chúc tụng của các thiên sứ, thì sứ mệnh của Hài Nhi cứu thế chính là: Làm vinh danh Thiên Chúa trên trời và thiết lập nền hoà bình vĩnh cửu cho nhân loại dưới thế (Is 6, 5-6) (Mk 5, 4).
10. Khi bàn đến việc đồng trinh của Đức Maria, thì chữ “cho đến khi” phải được hiểu như thế nào? Ông Giuse phải làm 3 việc sau nầy khi tỉnh giấc: 
a)Tổ chức lễ cưới với Đức Maria; 
b) Ông không ăn ở như vợ chồng với Đức Maria, vì mẹ Maria đã được Thánh hiến cho Thiên Chúa, ta có thể hiểu mẹ Maria như một nữ tu đã khấn trọn; 
c) Cho đến khi sinh con thì ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu, để nhìn nhận trẻ Giêsu như là đứa con chính thức của mình về mặt luật pháp (Lc 3, 23), 
Tin mừng không viết là: Ông bà đã không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con , rồi thì lại ăn ở với nhau / đã có rất nhiều người lầm tưởng về điều nầy.
11. Chúa Giêsu có anh chị em không? Tin mừng có nhắc đến những người anh em của Chúa, nhưng họ chỉ là những anh em bà con mà thôi (Mt 12, 46-47). Chúa Giêsu là người con duy nhất, vì thế trước khi chết, Chúa Giêsu đã trối mẹ Maria lại cho thánh Gioan và trối thánh Gioan cho mẹ Maria, để nhờ thánh Gioan phụng dưỡng Bà sau đó /(Ga 19, 26-27). Nếu mẹ Maria có nhiều người con khác thì Chúa Giêsu không cần phải trối lại làm gì ?
12. Tại sao phải có thiện tâm mới có bình an? Người có tâm địa độc ác thì không bao giờ có bình an, vì lòng họ luôn gian tham, độc ác / chỉ có những ai theo Chúa, sống giống Chúa, thì mới yêu thương, chia sẻ, bình an. Chính vì thế, Chúa muốn thế giới này phải học theo cách sống của Chúa: hy sinh, chia sẻ, phục vụ / Nếu được như vậy thế giới mới có bình an, hạnh phúc.
13. Nguồn gốc của lễ Giáng sinh? Ở những thế kỷ đầu, đạo Kitô giáo chưa được xã hội công nhận, Giáo Hội Roma bị cấm cách bách hại suốt 3 thế kỷ đầu. Vì thế không ai dám nghĩ đến chuyện tổ chức mừng lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu cách công khai / nên người ta dựa vào ngày 25/12 là ngày mà dân ngoại thờ mừng thần mặt trời, chứ không ai dám nghĩ đến chuyện mừng riêng cách công khai, và lâu dần điều nầy đã thành tục lệ cho cả thế giới .**
14. Thái độ đón nhận của con người như thế nào? Ngôi Hai Thiên Chúa là ánh sáng, là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, Ngài đến vì loài người và để cứu rỗi con người, Ngài biểu lộ tình thương khi xót thương nhân loại tội lỗi, luôn sống trong bất an, bệnh tật, chiến tranh, nghèo đói. Ngài như là ánh sáng chiếu soi nhân loại tội lỗi / ai đón nhận ánh sáng, ai tin Chúa, ai thực thi lời Chúa dạy ,sẽ trở nên con cái Chúa, sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết.
15. Chúng ta suy nghĩ gì về mầu nhiệm giáng sinh? Bản tính của Thiên Chúa đã kết hôn với bản tính nhân loại nơi chính con người của Hài Nhi Giêsu. Nhờ đó Ngài đã có thể cứu chúng ta, giờ đây chúng ta có thể hiểu rằng: Nếu muốn đời sống trần thế của chúng ta có giá trị, ta phải quy hướng đời sống của chúng ta giống như Chúa Kitô đã sống / Ta nên phải sống đúng theo lời dạy của Thánh Phaolô: Dù ăn, dù uống, dù khi làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm vì Đức Kitô. Đây là cách thánh hoá bản thân, cũng là cách sống mầu nhiệm Giáng sinh.
16. Gia đình Kitô hữu phải như thế nào? Gia đình công giáo là cái nôi của tình thương, là một mái trường, nơi đó đào tạo cho chúng ta tư cách làm người / nhìn hình ảnh Thánh Gia chính là mẫu gương sáng chói mà các gia đình công giáo phải noi theo.
 
17. Thế nào là một Kitô hữu đúng nghĩa? Nhưng ở đây, qua bài học trong Tin Mừng để lại, Chúa không muốn tia nhìn của chúng ta bị đóng khung trong một gia đình truyền thống như thế / có nghĩa là Chúa muốn chúng ta học thêm một bài học làm người trong xã hội, Chúa không chỉ vun vén cho gia đình riêng của mình, mà Chúa còn muốn chúng ta cùng Ngài đi xây dựng một gia đình to lớn hơn. Đó là gia đình nhân loại mà Ngài phải chu toàn nhiệm vụ khi mang ơn cứu chuộc đến cho muôn người .
18. Bài học nào từ cuộc đời niên thiếu của Chúa Giêsu? Tin Mừng cho chúng ta thấy: Ngay từ khi mới sinh ra, Chúa đã có một cuộc đời bôn ba khi phải chạy trốn quyền lực thế gian, con đường mà Chúa chạy sang Ai Cập cũng chính là con đường mà dân Chúa đã đi qua thuở xưa. Đây là con đường của kiếp nô lệ 400 năm / rồi cũng tới lúc Chúa phải về lại Galilê, tượng trưng cho cuộc xuất hành từ Ai Cập trở về của dân Chúa sau khi đã trải qua kiếp nô lệ tại Ai Cập. Như vậy cuộc đời của Chúa cũng nằm trong lịch sử của dân Chúa.
19. Ý nghĩa của việc Chúa trở về từ Ai cập: Con đường từ Ai Cập trở về Chúa không chỉ đi với cha mẹ Ngài mà thôi, mà còn đi với dân của Ngài, và chúng ta có thể nhìn thấy từ cái chết và sự sống lại của Chúa. Từ đó một dân mới được thiết lập, và các tông đồ, môn đệ của Chúa đã được sai đến tận cùng trái đất / không phân biệt ngôn ngữ, sắc tộc, màu da,  / tất cả mọi người phải biết rằng: họ là con của Thiên Chúa ,nên cũng là anh em với nhau.
20. Gia đình ruột thịt có gì khác biệt với gia đình nhân loại? Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng: Gia đình nhân loại phải vượt trên mọi quyền lợi của gia đình ruột thịt. Điều này Chúa đã khẳng định khi dõng dạc tuyên bố cho mọi người hiểu rằng: Ngài đến không phải để đem lại hoà bình mà là đem gươm giáo, gây chia rẽ con cái ra khỏi cha mẹ, nàng dâu khỏi mẹ chồng, làm cho các thành viên trong gia đình trở thành kẻ thù của nhau. Đây quả là chuyện lạ lùng và hết sức khó nghe , khó hiểu .
21. Chủ trương của Chúa về gia đình phải như thế nào? Chúng ta đừng nên nghĩ Chúa có chủ trương phá hoại gia đình, Ngài không coi nhẹ giá trị gia đình, nhưng Chúa muốn chỉ cho chúng ta thấyà Có một gia đình khác lớn hơn mà chúng ta cũng cần phải xây dựng / là mối quan hệ mà chúng ta cần phải vun xới / không phải chỉ là mối quan hệ cha con hay anh em cùng máu huyết, mà chính là quan hệ cha con, anh em theo đúng chỉ thị của Chúa, đó là thực thi ý Chúa và phải coi mọi người khác là cha mẹ, là anh em mình. Việc nầy Chúa đã nói quá rõ trong câu trả lời: “Ai là cha mẹ, ai là anh em ta. Đó là những người nghe và thực hành mọi thánh ý của Cha Ta”.
22. Thế nào là một gia đình sống đạo gương mẫu? Tất cả  mọi thành viên trong gia đình phải cùng nhìn về một phía, cùng theo đuổi một lý tưởng, cùng phục vụ cho hạnh phúc của xã hội. Đó mới là gia đình thánh thiện theo tiêu chuẩn của Tin Mừng / muốn được như vậy, mọi người phải siêng năng học hỏi, tìm hiểu và đào sâu Tin mừng, phải thấy rõ trách nhiệm của người môn đệ Chúa trong xã hội và trong thế giới hiện tại, và cùng giúp nhau chu toàn nhiệm vụ ấy.
23. Mái ấm Nazaret đã huấn luyện Chúa Giêsu như thế nào? Chúa sống 30 năm ở Nazaret, mái ấm này tuy bình thường nhưng lại hết sức khác thường, vì gia đình này có đầy ắp bầu khí yêu thương và đạo hạnh. Gia đình này đã huấn luyện, đã chuẩn bị cho Chúa cách gánh vác sứ mạng mà Chúa Cha đã giao / nơi đây đã dạy cầu nguyện, dạy giáo lý, dạy lao động, dạy yêu thương và dạy hiến mình cho người khác. Nhờ thế Chúa Giêsu đã biết vâng phục, Ngài chững chạc lớn lên, quân bình tâm sinh lý, mạnh khỏe nơi thể xác và minh mẫn nơi trí tuệ, gia đình này đã thành công khi đưa một người con ra cho xã hội, một Giêsu khôn ngoan, đạo đức, vâng phục và nhân hậu khi chỉ mới ở tuổi đời 30. Một người con có thể đáp ứng mọi đòi hỏi của Thiên Chúa lẫn  tha nhân.
24. Chúa Giêsu có mấy bổn phận? Từ lúc lên 12 tuổi, Chúa Giêsu đã ý thức được mình là  Con Thiên Chúa, yêu mến Đấng mà Ngài luôn gọi là Cha / chính vì Ngài còn có mối thân tình này, nên Chúa Giêsu luôn cảm thấy mình phải có bổn phận ở lại và lo các việc của Cha mình. Đây mới chính là sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận khi nhập thể làm người.
25. Thế nào là bổn phận, thế nào là sứ mệnh mà Chúa phải chu toàn? Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể làm người nên Ngài cũng cần có cha mẹ, có mái ấm, nhưng đây mới chỉ là sợi dây thân tình tự nhiên, đã đến lúc Chúa phải hy sinh mối thân tình nầy vì không muốn nó cản trở sứ mạng mà Cha Ngài đã trao phó.
 
26. Tại sao Chúa ở lại đền thờ mà không báo trước ? Như ta đã biết: Chúa Giêsu hết sức khôn ngoan, ngay từ khi còn niên thiếu, nhưng sao Chúa ở lại đền thờ mà không muốn cho cha mẹ biết, Ngài là người con hiếu thảo cơ mà / nhưng có lẽ Ngài biết sau này sẽ có lúc Ngài phải chia tay với mẹ mình, nhưng trên hết Ngài còn phải vâng phục lệnh truyền của Chúa Cha. Cho nên đây mới là ưu tiên vượt trên tất cả mọi ưu tiên.
27. Vì sao mẹ Maria lại ngỡ ngàng trước câu trả lời của Con mình? Dù mẹ đã nghe nhiều lời mạc khải về con mình từ miệng sứ thần Gabriel, từ tiên tri Sime-on, nhưng mẹ vẫn ngỡ ngàng, vì  mẹ vẫn không hiểu nổi, cũng có thể là mẹ không hiểu hết hoặc không thể hiểu ngay, nhưng mẹ vẫn để trong lòng bằng sự cung kính, vâng phục của lòng tin và mẹ cứ nghiền ngẫm mãi về các sự kiện này.
28. Cho tới lúc nào thì mẹ mới có thể hiểu hết? Dù vậy, mẹ cũng không dám giữ Con lại trong vòng tay của mình, mẹ vẫn phải để Con lên đường, mẹ vẫn phải dâng Con lên núi Sọ để sát tế / chỉ đến khi nhìn thấy Con phục sinh thì Mẹ mới thật sự hiểu rõ sứ mạng của Con.
29. Hoàn cảnh của gia đình trong thế giới hiện nay là gì? Nếu gia đình muốn cung ứng cho đời những công dân tốt, những tín hữu nhiệt thành, đạo đức thì bậc cha mẹ phải hiểu rằng: Mỗi đứa con mình sinh ra cũng là một mầu nhiệm mà bậc cha mẹ cũng cần phải tôn trọng. Giáo dục con cái chính là giúp nó tự lèo lái cuộc đời rất riêng của nó theo chiều hướng mà Thiên Chúa đã đặt để, đã muốn nó phải chu toàn / chứ không phải là buộc nó phải làm theo ý của mình. Ước gì các bà mẹ đều theo khuôn mẫu của mẹ Maria, để chỉ sinh và dạy những đứa con giống như tính cách của Chúa Giêsu.
30. Chúng ta giáo dục con cái theo cách nào? Gia đình ở hoàn cảnh nào cũng đều có những khó khăn thử thách: thiếu thốn vật chất, nền giáo dục không phù hợp, môi trường sống quá xấu, vậy thì làm sao khắc phục. Trước hết cha mẹ phải làm gương / làm gương trong cách sống yêu thương chung thuỷ, hiếu thảo, trách nhiệm, làm gương trong cách sống đạo: gắn bó với Chúa , với Lời Chúa, với luật Chúa, siêng năng cầu nguyện, kết hiệp với Chúa qua các bí tích / có như thế gia đình mới bình an, hạnh phúc, con cái mới có thể nên người tốt, hữu dụng cho giáo hội, cho đời.
31. Hình ảnh Thánh gia diễn tả điều gì? Đây là một gia đình gương mẫu ,chuẩn mực , ấm êm hạnh phúc, thư thái, bình an, không hề biết khổ đau /vì nó phẳng lặng như nước hồ thu , nhưng không phải vậy đâu / thánh gia cũng có nhiều sóng gió,  thử thách đang đến.
32. Làm sao để vượt qua cảnh nghèo? Gia cảnh nghèo khó dễ sinh mối bất hoà. Vì nghèo nên thánh gia bị xua đuổi, nên phải trú ngụ ở chuồng bò lừa, nên phải sinh con ra giữa bầy súc vật, nên phải chịu lạnh giá mà không có chăn màn hay lò lửa để sưởi ấm.
33. Tại sao Chúa bị săn đuổi? Cho dù Thánh gia sống khiêm nhường, nghèo khó, ẩn dật / thế mà vẫn bị vua Hêrôđê thù ghét, săn đuổi. Cho nên vừa mới sinh ra đã phải trốn chạy.
34. Làm sao để vượt qua sự hiểu lầm? Việc Mẹ Maria xin vâng theo ý Chúa khiến cho Giu-se hiểu lầm / ai đã từng bị hiểu lầm vì phản bội như Thánh Giu-se, thì mới cảm nhận được sự đau đớn trong lòng ngài như thế nào!
 
35. Cha mẹ sẽ cảm thấy thế nào khi con cái bỏ nhà ra đi ? Chúa Giê-su là đứa con ngoan nhưng lại tự ý vắng nhà mà không hề thông báo hay xin phép / cha mẹ khổ thì ít mà lo buồn thì nhiều. Làm sao không buồn khi bị con cái cãi lời cha mẹ. Dù sóng gió là thế, nhưng thánh gia vẫn giữ được bình tĩnh, bình an. Bởi vì trong lòng các Ngài, trong gia đình các Ngài luôn có Thiên Chúa ngự trị . Dù hình thức đang vắng Chúa, nhưng nội tâm vẫn có Chúa. Bởi vì gia đình Thánh Gia là kiểu mẫu của tình đoàn kết trong yêu thương.
36. Thánh gia đang tìm điều gì? Chúa Gie-su đang tìm mọi cách để chu toàn Thánh ý Chúa Cha, còn mẹ Maria và Thánh Giu-se thì đang đi tìm Chúa Giesu . Điều này có nghĩa rằng : Các Ngài, cả 3 người đều đang đi tìm Thánh ý Chúa để mà thực thi, cho nên các Ngài chẳng thể nào mất bình an được .
37. Các Ngài làm gì khi biết được Thánh ý Chúa? Các Ngài đã mau mắn vâng lời bằng cách thực thi ngay. Mẹ Maria muốn giữ mình đồng trinh nhưng khi biết ý Chúa Cha muốn mẹ làm mẹ Đấng Cứu Thế, mẹ đã vâng lời ngay. Thánh Giu-se muốn bỏ đi, nhưng khi biết mọi việc xảy ra là do ý Chúa thánh Thần, Giu-se đã ở lại, đã vâng lời ngay mà không hề thắc mắc. Chúa Gie-su ở lại trong đền thờ để giảng dạy, nhưng khi biết được ý Chúa qua cha mẹ mình, thì Chúa đã vâng phục ngay , đã trở về sống ẩn dật, đợi đến lúc đúng thời đúng buổi , đến lúc nào Chúa Cha cho phép.
38. Chúng ta có được bài học gì? Bài học là luôn tìm Thánh ý Chúa / mỗi khi gặp gian nan thử thách, các Ngài không tìm ý riêng mình, cũng không tìm ý thích của người đời, nhưng là đi tìm ý Chúa. Tìm ý Chúa qua các biến cố, tìm ý Chúa trong các thánh lễ, qua các buổi cầu nguyện, qua ý kiến của các vị bề trên đại diện.
39. Bí quyết của Thánh Gia là gì? Thánh Giu-se là gia trưởng, nhưng luôn phục vụ Đức Mẹ và Chúa Con. Mẹ tuy là mẹ Thiên Chúa, nhưng lại đặt mình vào địa vị tôi tớ, còn Chúa Giê-su tuy là Thiên Chúa, nhưng đã trở thành người con bé nhỏ nhất trong gia đình.
40. Còn chúng ta thì sao? Khi gặp khủng hoảng trong gia đình như là: cơm không lành, canh không ngọt, thì chúng ta không chịu áp dụng các bí quyết của Thánh Gia. Thay vì cầu nguyện, đọc Phúc Âm, hỏi ý Bề Trên, thì chúng ta đi tìm ý kiến ở thầy pháp, thầy bói, và các kiểu mê tín dị đoan khác . Thay vì vâng lời thì lại đi làm theo ý riêng của mình. Thay vì khiêm nhường phục vụ thì lại muốn trèo đầu cỡi cổ người khác /đó là kiêu ngạo, là bắt mọi người phải làm theo ý của mình.
41. Bí quyết có được hạnh phúc gia đình là gì? 
a/ Bỏ ý riêng, tìm ý Chúa.
b/ Khiêm nhường, phục vụ trong quên mình .
c/ Làm mọi việc chỉ vì tình yêu thương
d/ Kết hiệp mật thiết với Chúa qua lời cầu nguyện.
 
Ước gì các bạn cũng cố gắng thực hành như thế, để được Chúa ban hạnh phúc lứa đôi / cho đến khi …răng long đầu bạc.**R
 
GIUSE LUCA / ĐẠI DIỆN CỘNG ĐOÀN KT EMMAUS 
GX TÂN THAI SƠN /TGP SAI GON /VN
 
 

Trở lại      In      Số lần xem: 755
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  7
 Hôm nay:  1030
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11406439
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top