Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tim hiểu Ơn Hiểu Biết

3  / ƠN HIỂU BIẾT

 MINH LUẬN  (Science) THÔNG MINH

Thiên Chúa dẫn dắt người công chính đi đúng đường lối và ban cho họ sự hiểu biết của các Thánh (Kn 10, 10).

Ơn đạo đức: Là ơn sau khi đã tạo cho linh hồn những tình cảm yêu thương của đứa con thảo đối với Thiên Chúa, và những thuận lợi để nó đi đến với tha nhân, thì cũng giúp nó vững bước trên con đường thánh thiện (hoàn thiện). Bây giờ nó phải tiến lên, đi đến với vị Thiên Chúa quá tốt lành kia, vốn là Cha của nó, nó phải sống đời sống của Người và phải trở nên hoàn thiện giống như Cha nó đang ở trên trời. 

Nhưng để tiến lên mà không hề bị lạc đường, phải chăng nó cần phải biết rõ rằng con đường nó đang đi theo, và nó cũng phải biết rằng những cạm bẫy đang rình chực nó. Thế nhưng, phải khó khăn lắm mới có thể biết được những điều đó. Thần tối tăm cũng liên tục tìm cách lừa gạt nó, thế gian với những phương châm và bao nhiêu gương mù của nó. Những đam mê với những đòi hỏi tệ hại thì cũng toa rập với nó. Vậy ai sẽ đến cứu giúp các linh hồn trong những giây phút này? Ai sẽ đem đến thứ ánh sáng mà nó đang muốn kêu xin.

Chúa Thánh Thần Đấng đã thi thố việc thánh hóa các linh hồn yêu dấu, sẽ không bỏ mặc nó trong các nhu cầu cấp bách như thế. Người sẽ đem đến cho nó ơn hiểu biết của các thánh, để luôn luôn dẫn đưa nó trên con đường ngay thẳng và giúp nó đạt đến mục tiêu của nó là cõi phúc muôn đời.

Chúng ta hãy nhìn xem bản chất của nó và tính kỳ diệu của ơn hiểu biết, và đâu là những hiệu quả mà nó hoạt động trong các linh hồn. Đâu là những phương cách để đạt được ơn hiểu biết và phát triển ơn đó trong chúng ta. Ôi! Ánh sáng diễm phúc, xin hãy thẩm thấu vào tận cùng những thớ thịt của con tim chúng con.

 

I/ Bản chất và sự kỳ diệu của ơn hiểu biết.

1/ Bản chất: Ơn hiểu biết là ơn mà nhờ đó Chúa Thánh Thần đem đến cho chúng ta một sự phán đoán ngay thẳng và vững chắc về những sự thật thuộc trật tự suy cứu hoặc trật tự thực tế, cũng như tất cả những gì đã được tạo dựng.

Theo Thánh Tôma, ơn này trước hết giúp cho chúng ta phân biệt được những sự thật thuộc phạm vi suy cứu, để chỉ rõ cho chúng ta những gì phải tin và những gì không được tin. Còn những gì thuộc lĩnh vực thực tế hay đạo đức thì nó cũng giúp chúng ta nhận định rõ ràng những điều chúng ta phải làm và những điều chúng ta phải tránh, vì chúng ta không bao giờ, cũng không được dùng bất kỳ cách nào đi ra khỏi con đường ngay thẳng của công lý.

Sau cùng, ơn thánh này giúp chúng ta quý trọng các tạo vật đúng với giá trị của chúng, hướng dẫn chúng ta canh chừng và chống lại những nguy hiểm do chúng đưa ra. Và cho chúng ta biết cách sử dụng chúng như những phương tiện giúp nâng chúng ta lên cùng Thiên Chúa.

2/ Sự diệu kỳ: Để phán đoán cho đúng về sự diệu kỳ của ơn hiểu biết đến từ Chúa Thánh Thần. Cần phải so sánh nó với sự hiểu biết đơn thuần của con người, đã được đánh giá rất cao và được thế giới hoan nghênh rất nhiều.

Trước hết, sự hiểu biết của nhân loại phải đòi hỏi rất nhiều từ sự cần cù, kinh nghiệm ,sau đó mới đạt được nó. Người ta đạt được nó bằng nhiều nghiên cứu và rất nhiều năng lực của tinh thần và những nỗ lực to lớn của thể xác. Nó trở nên một kinh nghiệm đau thương cho ai đó đã nói câu này: “Tôi đã quyết tâm đi tìm và nghiên cứu những gì đang xảy ra dưới gầm trời này với tất cả sự khôn ngoan mà tôi có thể. Thiên Chúa đã ban cho con cái loài người công việc hắc ám này để họ luyện tập trong cuộc đời mình…..Và tôi cũng nhận ra trong việc này có rất nhiều đau khổ và sầu não….”(Hc 1,13.17).

Như vậy để đạt được ơn hiểu biết, phải đòi hỏi nhiều nỗ lực và đau khổ (sự thông giỏi của thế gian). Ngoài ra sự hiểu biết của nhân loại thì bị giới hạn trong tầm mở rộng (tầm nhìn) của nó. Bởi nó không thể xâm nhập vào thế giới của tinh thần và cả những lĩnh vực bên kia cuộc sống. Nó bị dừng lại ở lĩnh vực vật chất và tự thấy bị bao vây bởi thời gian.

Sự hiểu biết của nhân loại thì bấp bênh, biết bao nhiêu lần nó đã công nhận mình sai lầm và ai đó đã phải hổ thẹn khi rút lại, hoặc nói ngược lại với những gì mình đã quả quyết lúc ban đầu. Chúng ta đừng ngạc nhiên về những chuyện đó, những phán đoán và tình cảm của chúng ta thường hay lừa dối chính chúng ta, vì chúng không có tầm nhìn xa (bị giới hạn) (Gương Phúc).

Thánh Alphonsô nói thế này: Nếu người ta muốn nói về khoa học nhân văn và tự nhiên của những chuyện dưới đất này, thì thử hỏi rằng con người đã biết được đến đâu với những nghiên cứu và học hỏi mà nó đã làm ra? Chúng ta đâu khác gì những con chuột chù mù lòa, ngoài những sự thật mà đức tin dạy, mọi thứ khác đều do giác quan và phỏng đoán mà biết, đến nỗi tất cả chỉ là chủ đề cho sự bấp bênh và lầm lạc.

 Thử hỏi: Có nhà văn nào, dù lỗi lạc đến mấy, để viết về những đề tài này, nhưng khi đưa ra cho công chúng, thì có một số người này vỗ tay hoan hô, nhưng có một số khác lại phê bình chỉ trích / khoa học nhân văn chỉ mang lại những kết quả nghèo nàn.

Từ thế kỷ 19 ,Ferdinand Brunetière ,nhà phê bình văn học đã viết trong tập: Revue des deux mondes (nhìn lại hai thế giới). Có biết bao bước tiến về vật chất được khoa học làm nên, đã không làm cho chúng ta tiến thêm một bước trong sự hiểu biết về nguồn gốc con người, về bản chất của nó, về số phận của nó. Bao lâu khoa học không trả lời được những câu hỏi đó. Như Pascal nói: Nó sẽ chỉ là một cuộc giải trí. Nghĩa là một cách để ngăn ngừa chúng ta nghĩ tới những vấn đề làm chúng ta thích thú, sự bất lực này, cái nghèo nàn hằng thế kỷ của khoa học nhân loại. Các nhà hàn lâm lỗi lạc, đã nêu lên đặc tính của nó bằng một câu nói buồn cười nhưng không kém phần hạ đẳng: Một sự phá sản, một sự thất bại hoàn toàn, một sự thua lỗ hoàn toàn.

Một quyền lực đầy khả năng khôn ngoan của con người, mà chưa có ai có thể qua mặt được, đó là vua Salomon, đã phải tuyên xưng một cách hùng hồn về cái sự nghèo nàn đáng thất vọng kia của các nhà nghiên cứu khoa học. Sau khi ông đã được mọi sự hiểu biết có thể tưởng tượng được, ông vua vĩ đại đã tuyên bố rằng: Mọi sự đều là phù du và ưu sầu cho tâm trí. Nếu người ta càng chất đầy mình bằng những nghiên cứu của khoa học, người ta càng tự tạo cho mình những lo âu (Hc 1,18).

Khoa học của loài người không chỉ nghèo nàn mà đôi khi nó trở nên rất tai hại và nguy hiểm, khi người ta không cho nó một hướng dẫn viên nào khác ngoài bản thân nó.

Thánh Phao-lô nói: Sự hiểu biết của trần thế thì sinh lòng kêu ngạo (1Cor 8,1), Nhưng Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo (Gc 4,6), Người từ chối giúp nó, nên con người bị bỏ mặc cho những ánh sáng yếu ớt có trong đầu óc nó. Nhưng nó cứ tin tưởng vào đó và không muốn ai khuyên răn, hướng dẫn, nó không quan tâm đến những ánh sáng siêu nhiên của Đức Tin, không muốn nghe lời khuyên của các vị đại diện trong Giáo hội. Những người có bổn phận giảng dạy và bênh vực sự thật ở trần gian, nó không muốn có một lề luật nào khác để tin, để sống ngoài thứ lề luật mà nó muốn tự vạch ra cho chính mình.

Chính vì thế mà nó đã sản sinh ra một thứ tà thuyết gây đau buồn cho giáo hội. Đó là nguồn gốc của chủ nghĩa canh tân mà Đức Giáo Hoàng Piô X đã mạnh mẽ lên án. Phải chăng cũng chỉ là muốn dựa vào những ánh sáng riêng tư của họ, mà những người ủng hộ tà giáo này đã đi đến chỗ lập ra một tôn giáo mới.

Họ từ chối một cách miệt thị mầu nhiệm nhập thể. Họ từ chối ngôi vị đáng kính của Đức kitô và đồng thời của chính Thiên Chúa! Theo họ khoa học không còn phải vâng phục Đức Tin, mà Đức Tin phải lệ thuộc vào khoa học, để có thể chấp nhận một sự tiến bộ không ngừng và bất định tùy theo lý trí của con người.

Vì vậy Thánh Phaolô đã nói, và Đức Piô X đã nhắc lại: Đầu óc họ suy nghĩ viễn vông và tâm trí ngu si của họ khiến họ ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ (Rm 1,21-22). Ôi vô số những kẻ đã hư mất đời đời vì cái khoa học hư danh kia, và vì họ thích nâng mình lên cao hơn và không chịu hạ mình xuống. Nên họ đã lầm lạc trong cái khôn ngoan hão huyền của họ (Gương phúc 50,1 câu3).

Đó là số phận khôn ngoan nhân loại trần thế. Đó là hoa trái mà nó sản sinh ra. Tất cả đều chứng minh rõ ràng điều mà Chúa Thánh Thần đã nói với chúng ta trong sách (Kn 13, 1): Hết thảy những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, thì tự bản chất của nó là những kẻ ngu si. Quả đúng như thế, còn điều nào ngu si hơn là tiêu hao cả cuộc đời mình để đạt được cái khôn ngoan nghèo nàn và dối trá đến thế?

Những người khôn ngoan thực sự là những ai được Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy sự khôn ngoan của các Thánh. Ôi, ở đây mới là sự hiểu biết quý giá, nó thật là cao cả và là ơn thánh hóa. Nó vượt quá mọi sự hiểu biết của con người, cũng như trời cao hơn đất bấy nhiêu vậy.

Nhưng trước hết làm sao để đạt được sự hiểu biết đó, không phải bằng những vất vả khó nhọc của tâm trí, hay bằng những năm dài lao động nghiên cứu, nhưng là bằng sự khiêm tốn, bằng con tim trong sạch và bằng nguyện cầu.

Chúa nói: Chính Ta ban sự hiểu biết cho con người, Ta cho những kẻ bé mọn một sự thông minh sáng suốt, hơn là cái mà con người có thể ban cho họ, Chính Ta nâng kẻ có lòng khiêm nhường lên, đến mức chỉ cần trong giây lát, nó có thể thấu hiểu được những điều bí ấn nhất của đời sống vĩnh hằng, hơn một kẻ khác sẽ phải học trong các trường trong 10 năm, Ta dạy dỗ trong âm thầm, không cần phải ồn ào trong lời nói, cũng không có sự lẫn lộn trong các quan điểm, không có sự vinh quang giả trá, không có lộn xộn trong các luận chứng (Gương phúc 50,3,43). Không có gì vững chắc hơn sự hiểu biết này, nó đem đến sự đúng đắn tuyệt hảo cho sự phán đoán, một lương tri độc đáo, một tinh thần cao thượng, một cái nhìn vững chắc đáng nể. Nó làm cho người ta phân biệt rõ ràng giữa cái tốt, cái xấu, giữa cái đúng, cái sai, cái chắc chắn và cái chập chờn, cái hiện tại và cái vô thực.

Cha Thánh xứ ARS nói: Những ai được Chúa Thánh Thần hướng dẫn thì có những ý tưởng đúng đắn, cũng vì thế mà có biết bao kẻ đốt nát lại tinh thông hơn nhiều những kẻ mang danh là thông thái, khi người ta được hướng dẫn bởi Thiên Chúa và ánh sáng, của sức mạnh, thì người ta không thể bị lầm lạc. Không gì rộng mở hơn, Thánh Tôma nói: Sự hiểu biết này như một sự thông phần vào chính sự hiểu biết của Thiên Chúa và như thế, nó bao quát cả hiện tại, cả quá khứ và tương lai, cả trời đất, cả thế giới hữu hình lẫn vô hình, cả sự sống sự chết, cả thời gian hữu hạn và sự vĩnh hằng.

Không có gì phong phú, dồi dào hơn: Nó sản sinh mọi nhân đức, nó dạy cho con người biết khinh chê những gì đáng khinh chê. Đó là những của cải giả tạo của thế giới này. Biết yêu mến và tìm kiếm những gì xứng đáng cho con người, biết tàng trữ những của cải vô giá và vô tận.

Cha Thánh xứ ARS nói: Chúa Thánh Thần là ánh sáng là sức mạnh, chính người giúp chúng ta phân biệt cái đúng, cái sai, cái tốt cái xấu, cũng như cặp kính cho thấy sự vật to ra, Chúa Thánh Thần cho ta thấy rõ cái tốt, cái xấu. Người ta thấy được sự to lớn của những hành động bé nhỏ nhất mà làm vì Chúa và sự to lớn của những lỗi phạm nhỏ nhặt nhất. Cũng như người thợ ráp đồng hồ, với cặp kính của họ, ta có thể thấy được các bánh xe nhỏ xíu của chiếc đồng hồ, còn với ánh sáng của Chúa Thánh Thần ta phân biệt được mọi chi tiết của cuộc đời hiện tại này của chúng ta. Ơn hiểu biết làm cho chúng ta sống xa tội lỗi và siêng năng tập luyện các nhân đức. Thật phong phú biết bao.

Chúa Yesus nói: Ta dạy cho các linh hồn trung tín biết khinh chê và chán ghét những sự thế gian, biết tìm và nếm thử những sự trên trời, biết xa lánh những danh vọng, biết chịu đựng những bê bối của kẻ khác, biết đặt mọi tin tưởng vào Chúa, và không mơ ước điều gì ngoài Ta và biết yêu Ta trên hết mọi sự (Gương phúc 50,3 câu 58). (12  trang 78  trong sổ  )

Thánh Alphonsô đã kêu lên: Ôi! Sự hiểu biết nó tuyệt mỹ nhường nào, nó làm cho ta biết yêu mến Thiên Chúa và cứu các linh hồn. Sự hiểu biết dạy ta biết tiến lên trên đường cứu độ, và biết dùng nhiều phương cách để đạt được mục đích. Biết bao nhiêu người trên thế giới giỏi về văn, toán, ngữ học và cổ ngữ. Nhưng những thứ đó chẳng giúp ích gì cho họ, nếu như họ không biết yêu mến Thiên Chúa. Thánh Augustino nói: Phúc cho ai hiểu biết Thiên Chúa và yêu mến người, nếu nó ngu dốt về tất cả những gì kẻ khác biết, nó vẫn là kẻ thông thái hơn tất cả những kẻ thông thái, nếu những người kia không biết yêu mến Thiên Chúa.

*Khi Thánh Benado rời bỏ thế gian để đi dâng mình cho Chúa, Ngài đã dẫn theo tất cả anh em của ngài, trừ đứa em nhỏ nhất là Nivard, vì nó mới chỉ là một đứa trẻ. Vào lúc Ngài ra đi , Ngài thấy nó đang chơi với các bạn trên quảng đường, ngài gọi nó để nói lời từ biệt. Lúc đó một trong các anh em Ngài nói với em mình khi ôm hôn nó: Nivard à, em thấy cái lâu đài và đất đai kia chứ? Tất cả những thứ đó sẽ là của một mình em đó! Đứa trẻ liền trả lời với một ý nghĩ không phải là của một đứa trẻ như của nó: Cái gì? Anh dành cả bầu trời cho anh? Rồi để lại cho em mảnh đất này thôi sao? Cuộc trao đổi này không công bằng đâu đấy! Rồi nó ra đi cùng với các anh nó. Sự hiểu biết của loài người có bao giờ soi sáng cho ta có được những tình cảm như thế chăng? Ôi! Đó là sự hiểu biết của các thánh, thật đáng ước ao là dường nào?

 

II- Những hiệu năng của ơn  hiểu biết:

1/ Là đem đến cho chúng ta sự trợ giúp quý giá cho Đức tin và cho thiện chí của chúng ta, bằng cách soi sáng cho chúng ta một cách vững chắc những gì phải tin, những gì phải tránh. Qua ơn thánh này, Chúa Thánh Thần đóng thật sâu dấu ấn vào tận đáy lòng chúng ta bằng đức tin công giáo, đến mức hầu như nó được đồng nhất với linh hồn ta vậy.

Nếu một lề luật nào đó mà có con mắt để xem, nó sẽ thấy ngay tất cả những điều gì không phù hợp với sự ngay thẳng. Cũng vậy, khi linh hồn được trang bị ơn hiểu biết nó sẽ thấy ngay những gì xa lạ với đức Tin. Sự lầm lạc đập vào ngay mắt nó. Dù cho nó có ẩn nấp dưới vẻ bề ngoài của chân lý, chỉ cần thoáng qua linh hồn đã nhìn thấy sự giả dối và cái hão huyền của những biện luận mà người ta đưa ra để chống lại tôn giáo, nó đánh hơi thấy ở đâu có sự thật và không có gì  có thể lay chuyển được nó.

Chúa nói: Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của ta (Gr 31,33). Và chúng sẽ được Đức Chúa dạy dỗ tất cả (Is 54,13)

Ơn hiểu biết cũng cho ta một bản năng để nhận ra điều tốt, điều xấu. Nó cho linh hồn thấy đâu là những con đường nguy hiểm mà Satan muốn dẫn đưa nó vào. Khi Satan biến thành thiên thần ánh sáng để dễ dàng đánh lừa nó, ơn hiểu biết cũng làm cho nó phân định được, trong đời sống thiêng liêng, đâu là sự tôn sùng đích thực và đâu là sự tôn sùng chỉ dáng vẻ bên ngoài. Ơn hiểu biết làm cho linh hồn biết canh chừng khỏi những châm ngôn sáo ngữ. Những nguyên tắc phù hợp cho các linh hồn ươn hèn. Ơn hiểu biết sau cũng gìn giữ linh hồn khỏi những ảo tưởng rất dễ vướng phải. Khi linh hồn đó biết siêng năng nguyện ngắm, hãm mình và tập sống nội tâm. Đây là điều làm cho Thánh Gregori-o nói rằng:

 Lòng đạo đức sẽ hoàn toàn vô dụng nếu nó không được soi sáng bởi ơn hiểu biết.

Đó là cách Chúa Thánh Thần dẫn đưa các linh hồn trên con đường thánh thiện và cứu độ, con đường đầy chướng ngại vật và những vực thẳm (Kn 10,10).

2/ Hiệu năng thứ hai của ơn hiểu biết là sự từ bỏ trọn vẹn vật chất và các tạo vật , từ đó cho chúng ta một trái tim trong sáng.

Nhờ ánh sáng của ơn thánh này, chúng ta thấy bản chất của các vật là trống rỗng và hư vô. Chúng ta nhận ra sự bất lực của của chúng, để đem lại hạnh phúc cho chúng ta và những cái điên khùng và nguy hiểm cho những ai gắn bó với chúng. Điều bất hạnh cho những con người phải hư mất đời đời là vì không được sự soi sáng của ơn hiểu biết. Họ quý trọng những của cải giả tạo của thế gian này. Họ say mê và ước muốn sở hữu chúng và tiêu hao đời sống của họ để chạy theo chúng. Từ đó, họ mất luôn những của cải vĩnh hằng, họ không còn nghĩ đến Thiên Chúa, không nghĩ đến linh hồn họ, đến cả đời sống vĩnh cửu của họ. Hỡi ơi ! Một sự thất vọng chua cay đang chờ đợi họ, Thánh Alphonso phải kêu lên rằng:

Ôi ! Dưới ánh sáng của cây nến người ta đốt lên vào giờ chết, người ta sẽ nhìn ra cái hư ảo của tất cả của cải đời này vào ngày đó. Các thứ ảo mộng mà người ta trông đợi ở cái giàu sang, phú quý, thú vui, sẽ tan biến đi như làn khói (Tv 145,4).

Giáo Hoàng Lê-o thứ 11 đã nói khi Ngài sắp chết: Sẽ tốt hơn cho tôi biết bao, nếu được làm người gác cổng cho một đan viện, hơn là được làm Giáo Hoàng. Vua Philip II, vua nước Tây Ban Nha, lúc gần chết, đã gọi con trai đến, rồi mở áo cẩm bào cho ông thấy bộ ngực của ông, đang bị sâu bọ đục khoét và nói: Hỡi Hoàng Tử, hãy xem người ta chết như thế này đây, còn vinh quang của con người thì đi đến đâu ? Sau đó, ông kêu lên: Ôi, chớ gì tôi đã chỉ là một Giáo Sĩ bình thường, còn hơn là làm một ông vua.

Than ôi, những kẻ tội lỗi khốn khổ, bị mù lòa bởi những đam mê của mình. Họ không muốn hiểu lời của Chúa Yesus đã nói: “ Nào ích gì, nếu lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn?” Họ sẽ hiểu lời đó và sẽ lời nói đó, khi đã quá trễ. Lúc đó vì quá hối hận nên thốt lên những tiếng thở dài trong âu lo, đau đớn, họ kêu lên.

Thực ra chính chúng ta mới lạc xa con đường sự thật, đối với chúng ta, đức chính trực đã không tỏa sáng, và mặt trời đã chẳng mọc lên. Chúng ta đã thỏa thuê trong những nẻo đường tội lỗi, những nẻo đường dẫn tới diệt vong, đã băng qua những sa mạc không đường lối.

Còn con đường Đức Chúa đã vạch ra thì chúng ta không thèm biết, kiêu căng, tự mãn nào ích gì? Giàu sang hợm hĩnh nào sá chi. Tất cả đã qua đi như bóng câu vụt mất, như mẩu tin khẩn cấp loan truyền. Như con tàu  vừa vượt qua sóng nước, nào ai còn thấy dấu vết nó vừa đi qua? Ai còn thấy lằn tàu trên sóng biển?

Như con chim bay lượn giữa bầu trời, ai còn tìm được đường bay của nó. Đập đôi cánh trên làn không khí nhẹ, nó vỗ cánh lướt đi, vùn vụt băng ngang trời, và rồi không còn một chút dấu vết đường bay. Như khi mũi tên lao về đích, trời xé ra rồi lập tức khép lại và không ai biết được đường tên bay.

Chúng ta cũng thế thôi, thoạt vừa sinh ra thì đã biến mất chẳng mảy may để lại dấu vết nào, không cho thấy đời mình đã sống trong đức hạnh. Nhưng chỉ thấy đời mình đã phí hết thời giờ trong gian ác ,tội lỗi .**

Quả thế, niềm hy vọng của quân vô đạo, khác nào như vỏ trấu bị gió cuốn đi, ví như bọt nước vỡ tung trong cơn bão. Niềm hy vọng ấy sẽ tiêu tan, như khói tan trong gió, và nó sẽ qua đi, như khách trọ một ngày. Chẳng còn ai nhớ tới nữa (Kn 5, 6-16)

Các linh hồn được ơn soi sáng, sẽ không có những hối tiếc đó. Họ hiểu cái hư vô và cái giả dối của những của cải mà người đời tìm kiếm, họ dư biết rằng: Khi chết thì phải lìa bỏ tất cả, nên họ khinh chê và từ bỏ chúng cách quyết liệt ngay tự đời này. Vì lòng họ yêu Chúa ki-tô, họ chỉ mơ ước đến những của cải trên trời, và chăm lo tích lũy những của cải ấy theo sát lời khuyên của Chúa chúng ta: Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời (Mt 6, 20).

*Thánh Phanxico thành Borgi-a sống dưới triều vua Tây Ban Nha, giữa những người giàu sang phú quý. Hoàng hậu Isabelle mới vừa qua đời, Ngài có nhiệm vụ tiễn đưa linh hồn bà đến thành Grenade. Ở đây người ta mở quan tài ra để xem cái thân xác còn nguyên vẹn của Bà. Nhưng khi nhìn cái thây ma thật kinh khiếp này và mùi hôi thối nồng nặc xông ra, khiến mọi người phải bỏ chạy. Phanxico được ánh sáng ơn hiểu biết hướng dẫn, đã dừng lại để chiêm ngắm cái phù phiếm của sự xa hoa phú quý đời này đang diễn ra trên thân xác đáng thương của bà. Vì quá xúc động nên Ngài đã kêu lên: Có phải chính là bà mà tôi đang thấy đây, hỡi hoàng hậu của tôi; Bà mà mọi người đều thán phục với vẻ đẹp tuyệt mỹ; Bà, mà có biết bao hoàng tử lừng danh đã phải quỳ xuống trước mặt Bà; Ôi, bà Isabelle lẫy lừng, cái oai phong lẫm liệt của bà đâu rồi, vẻ đẹp mỹ miều của bà đã trở nên như thế này sao?

Và Ngài kết luận: Đây chính là cái phải đến cho những cao sang phú quý và những vương miện của trần gian này. Còn tôi, tôi chỉ muốn phục vụ cho một mình  Thầy Yesu , và không ai lấy được gì của tôi khi tôi chết.

Ngay sau đó, Ngài đã rời bỏ thế gian, và vào tu trong dòng tên. Nơi đây, Ngài đã trở nên một vị Đại Thánh.

3/ Nếu các tạo vật, xét theo bản chất, vốn chỉ là những gì phù phiếm hư vô. Nhưng xét về mặt tinh thần, chúng lại là những phương tiện quý giá và là những bậc thang đưa chúng ta lên tới Chúa: Omnis Creatura Scala ad Deum. Tác giả sách Gương Phúc nói: Nếu trái tim bạn trong sáng và ngay thẳng, thì mọi tạo vật là một gương soi cuộc đời cho bạn và cho toàn thể vũ trụ là một cuốn sách đầy những giáo huấn thánh thiêng.

Thánh Benado đã chẳng nói ngài đã học được giữa các cây sồi trong rừng còn hơn là trong hết mọi cuốn sách sao? Một tạo vật nào dù nhỏ bé đến đâu, cũng đều diễn tả một hình ảnh về lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

 Thánh Augustino nói: Tất cả mọi tạo vật được Thiên Chúa tạo dựng nên, đều là dấu vết mang hương thơm của bước chân Người. Là những tia sáng phản chiếu từ gương mặt của Người. Tất cả đều là tiếng vọng của lời Người. Thánh Toma thì nói: Chúng là những bản sao của sự thiện hảo Thần linh. Trước kia những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu của Người, thần tính của Người. Thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người (Rm 1, 20).(Dòng thứ 4 từ dưới lên trang 83 ngày 11.09.2015)

Nhưng để khám phá ra những dấu vết của Thiên Chúa, trong các tạo vật, thì phải có thần khí của Thiên Chúa và trái tim được soi sáng bởi ơn hiểu biết. Thánh Augustino nói: Tất cả mọi tạo vật đều cùng tôi kêu lên “Ôi ! Thiên Chúa của tôi ! Tôi phải yêu mến Người biết bao” Khi Augustino nhìn mặt trời, mặt trăng các tinh tú và núi non, sông ngòi, Ngài cảm thấy như các tạo vật này nói với Ngài: Hỡi Augustino! Hãy yêu mến Thiên Chúa của anh, Người đã dựng nên chúng tôi để đổi lấy tình yêu của anh đó. Thánh Terexa thì tưởng chừng như các tạo vật đều than trách sự vô ơn của mình đối với Thiên Chúa.**

Khi Thánh Maria Madalena thành Pazzi cầm trên tay một bông hoa đẹp hay một trái cây, bà liền cảm thấy tim thắt lại vì yêu Chúa với ý nghĩ này: Vậy là Chúa của tôi từ đời đời đã nghĩ đến dựng nên bông hoa này, trái cây này để được tôi yêu mến Người.

Thánh Philipphe Neri đã trải qua nhiều giờ để chiêm ngắm bầu bầu trời đầy sao và suy ra vẻ đẹp, quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Tất cả mọi tạo vật đối với các thánh, đều là những bậc thang để đưa các ngài lên tới Thiên Chúa, là như tấm gương soi phản chiếu sự trọn hảo của Thiên Chúa cho cái nhìn Đức Tin của họ, là như lò lửa yêu mến làm bừng lên trong trái tim họ những ngọn lửa luôn mãi đổi mới, để yêu mến Người. Họ không dừng lại trên các vật được tạo dựng này, nhưng họ từ chúng mà đến Thiên Chúa. Cũng như nguyên lý đầu tiên và cùng đích sau hết của tất cả những gì đang hiện hữu. Và nhờ đó, hằng ngày họ tiến lên từ các nhân đức này đến nhân đức khác. Khi nhìn trời, họ kêu lên: Ngợi khen Thiên Chúa- Vì lòng thương xót vô biên của Người, đã làm cho chúng con những việc lạ lùng này. Khi nhìn trái đất với những mùa màng, đồng ruộng, hoa màu của nó, họ cũng lập lại những tiếng kêu lên yêu thương như thế: Ngợi khen Thiên Chúa tình yêu, lòng nhân hậu của Người đã dựng lên tất cả những sự vật này, chứng kiến tất cả những biến cố của thế giới, họ kêu lên tới tình yêu quan phòng dẫn đưa mọi sự theo sự khôn ngoan và nhân từ đối với những kẻ được chọn. Khi nhìn thấy những tội lỗi tràn trề của thế giới, họ nâng lòng lên tới sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đang âm thầm chịu đựng biết bao nỗi ô nhục từ con người .

Khi một linh hồn được trang điểm bằng ơn hiểu biết thì mọi sự đều sáng lên bằng ánh sáng của Thiên Chúa, nó nhìn thấy những gì kẻ khác không thấy, những tia sáng đẹp đẽ của sự khôn ngoan, của quyền năng và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, nó nghe thấy những gì mà kẻ khác không nghe thấy : Nghe bản hòa tấu du dương của các sinh vật, chúng đang ca hát ngợi khen vị Chúa tể của chúng, mỗi vật có một cách riêng. Hồn của mỗi vật hòa chung tiếng ca với chúng, cùng thông ngôn cho chúng, cùng dâng lên đấng Hoá công của chúng. Các tạo vật cũng như những dây trên cây đàn, nếu chúng ta không tác động lên dây đó thì chúng im lặng. Nếu chúng ta đụng vào nó mà không có nghệ thuật, chúng sẽ đưa ra những âm thanh hỗn hợp, nhưng nếu chúng ta đụng vào chúng với bàn tay điêu luyện, chúng sẽ phát ra âm thanh dịu dàng, du dương. Nếu chúng ta không quan tâm gì đến các tạo vật, hay nếu chúng ta nhìn chúng cách dửng dưng, chúng vẫn câm lặng. Nếu chúng ta nhìn chúng bên ngoài ánh sáng của Thiên Chúa, nghĩa là nhìn theo cách tự nhiên, chúng ta ném vào lương tâm chúng ta những lời trách móc, nhưng nếu chúng ta nhìn chúng với ánh sáng của ơn hiểu biết, chúng sẽ cho chúng ta nghe một âm điệu tuyệt vời.

Cha Surin nói : Thiên Chúa đốt lên trong các linh hồn ngọn lửa của tình yêu Người qua các tạo vật mà linh hồn nhìn ngắm, khi chúng muốn rao giảng cho linh hồn những thiện hảo của Thiên Chúa. Lúc đó chúng như những hòn than cháy hồng được thêm vào cho đống than đang cháy trong linh hồn họ. Thiên Chúa cho họ thấy qua một bông hoa, một con sâu, là cả một kho tàng của sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của người.

Nếu không có ơn hiểu biết này, các tạo vật thay vì là những bậc thang đưa ta lên tới Thiên Chúa, thì lại trở thành những cái móc để lôi chúng ta ra xa Người. Nó trở thành những dụng cụ cho chúng ta phạm tội. Chúng thấm vào hầu hết những tư tưởng của ta, chúng trói buộc chúng ta và làm cho chúng ta ra hư đốn (Kn 14,11). Trong lúc này, nếu các tạo vật có nói, thì cũng chỉ nói theo cảm giác và bản năng của linh hồn. Chúng gây ấn tượng cho con tim và làm cho nó trở thành nô lệ cho những ảo tưởng, đốt cháy nó bằng một thứ lửa ô dịch, sẽ phá hủy tất cả và chỉ để lại những tàn tích,

Vô phúc cho linh hồn nào nhìn thấy những sự vật chỉ bằng con mắt của tính tự nhiên. Nó sẽ không thoát khỏi những cạm bẫy của hỏa ngục luôn giăng ra dưới chân nó, nhờ các tạo vật, không chỉ mình nó sẽ bị trầm luân, mà nó còn lôi kéo các linh hồn khác cùng rơi xuống vực thẳm với nó.

4/ Hiệu năng thứ bốn : Đó là làm cho linh hôn biết quý trọng và tìm kiếm những gì thế gian khinh chê và xa lánh, đó là : Sự nghèo hèn, bị hạ nhục, bị miệt thị, bị đau khổ, bị tra tấn. Tóm lại, đó là tất cả những thập giá của cuộc sống.

Thánh Phaolô nói : Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi không muốn biết đến chuyện gì khác, ngoài Đức Yesus Kitô, là Đấng chịu đóng đinh vào thập giá (1 Cor 2,2). Sách gương phúc thì nói : Nếu các bạn muốn học điều gì cho có lợi, thì hãy học “bị bỏ quên” và không được “coi ra gì”. Bởi đó là một trong những hiểu biết sâu xa nhất và lợi ích nhất: Hãy biết mình và khinh chê mình. Hãy siêng năng tập kềm chế các bản năng vì đó là điều lợi ích hơn cho bạn bè : Biết nhiều về các vấn đề khó khăn nhất. Dưới ánh sáng của ơn hiểu biết, linh hồn khám phá ra một vẻ đẹp tuyệt mỹ trong các nhân đức, đòi hỏi biết bao khổ luyện trên đây. Trong những thử thách của cuộc đời, linh hồn khám phá ra những kho tàng còn quý giá hơn tất cả của cải châu báu có trên mặt đất -> Những bảo đảm cho tình yêu Thiên Chúa, những phương tiện có thế lực cho việc thánh hóa bản thân.

Thánh Anrê nói với tên đao phủ sắp giết ngài : Nếu anh biết được điều nhiệm mầu của thập giá. Nếu anh biết được tất cả những gì mà mầu nhiệm này chứa đựng, đó là những kho báu và những êm ái lạ lùng, và lúc này, linh hồn được hiểu những lời của Đấng cứu chuộc : Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, phúc cho ai biết khóc thương, phúc cho ai chịu đau khổ vì sự công chính. Và cả những lời này của Thánh Phêrô : Được chia sẻ những đau khổ của Đức kitô bao nhiêu thì anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang người tỏ hiện, anh em cũng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, thì anh em thật có phúc, bởi lẽThần khí vinh hiển và uy quyền là Thần khí của Thiên Chúa ngự trên anh em.(1 Pr 4,13-14).

Từ đó chúng ta hiểu được tại sao các thánh luôn hướng tới thập giá, những cơn khát sự đau khổ đã làm cho họ không còn gì để chịu đau khổ. Thánh Têrêxa nói : Tôi sẽ không cho đi những thập giá của tôi, để đổi lấy vàng bạc châu báu của thế gian này. Cũng vì thế mà các tông đồ khi ra khỏi pháp đình, các nhà tù trong lời ca tụng tôn vinh Thiên Chúa, coi như mình được hạnh phúc vì đã chịu đau khổ vì danh Đức Yesus.**

5/ Hiệu năng thứ năm của ơn hiểu biết : Là tập cho linh hồn một sự thanh bình êm ái rất vững bền đến độ nó cảm thấy được che chở khỏi mọi xung khắc hay giận dữ.

Thánh Antonin nói : Không có gì chống đối với ơn hiểu biết bằng sự giận dữ. Quả vậy, sự giận dữ làm mù quáng, nó làm tinh thần ra tối tăm, ngăn cản nó phân định sự thật và có những phán đoán trung thực trên sự việc đang xảy ra.

Có hai thứ giận dữ :

a/ Là thứ lành thánh hợp với ơn hiểu biết và không là gì khác ngoài sự hiểu biết được trang bị vũ khí để bảo vệ sự thật. Đó cũng là sự giận dữ của Đức Yesus khi đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ, hay phẫn nộ với các người Pharisêu mà Người kêu là những “mồ mả tô vôi”. Đó cũng là sự giận dữ của người rao giảng, lớn tiếng chống lại những tính mê nết xấu.

b/ Là thứ giận dữ tội lỗi, Giám mục Gaume nói : Đó là sự ngu dốt được trang bị vũ khí để bảo vệ điều mà người ta cho là tốt, chỉ là vẻ bề ngoài, hoặc là sự ghê tởm một điều xấu mà chỉ là tưởng tượng. Sự giận dữ này bốc lên bằng những lời nói xúc phạm. Nó còn bộc lộ bằng những hành động làm tinh thần ra mù quáng, con tim ra chua chát và sự tương giao tình cảm với Thiên Chúa trở nên gián đoạn.

Mọi điều xấu này khởi phát từ những ý tưởng sai trái về những điều tốt cũng như những điều xấu của cuộc đời này. Còn ơn hiểu biết làm cho chúng ta đánh giá đúng mọi sự, linh hồn được thấm nhuần bởi những sự thật của ơn hiểu biết và giữ cho lòng trí mình ăn khớp với những hiểu biết này, sẽ trở nên dửng dưng với những điều tốt xấu nơi thế gian. Do đó, nó không có lý do gì để trở nên xung khắc, mà ngược lại, vì nhận ra những hệ quả đáng buồn phát xuất từ sự giận dữ, linh hồn sẽ canh chừng, sẽ không để cho nó lẻn vào trong tâm hồn mình.**

Như thế nguồn gốc gây nên giận dữ sẽ biến đi ngay, khi người ta không còn mong muốn điều gì ngoài thánh ý của Thiên Chúa, và người ta chỉ còn sợ một điều duy nhất là phạm tội.

Nhưng cũng vậy, khi mặt trời rời bỏ chân trời thì bóng tối liền xuất hiện, cũng vậy khi linh hồn không còn được soi sáng bởi ơn hiểu biết, tinh thần giận dữ xâm chiếm nó, làm nó sợ hãi và dao động, nó chỉ còn biết nghĩ xấu về mọi sự, nó mong muốn và tìm kiếm khắp nơi cái mà nó tưởng là điều hay cho nó, cũng như nó sợ và kinh hãi điều mà nó tưởng là điều xấu cho nó. Khi đi tìm kiếm và chạy trốn nó gặp một chướng ngại vật, nó muốn đạp đổ ngay, nhưng nó đụng đầu vào đó quá mạnh, nó té ngã và bị ập nát, từ đó nó xung đột, giận dữ và đôi khi tàn ác, vậy người ta có lý để gọi sự giận dữ là Con đẻ của sự dốt nát”.

 

III/ Phương pháp để đạt tới ơn hiểu biết :

1/ Sự khiêm nhường : Nhân đức này cần thiết nhất, nhất là đối với những ai quyết tâm học hỏi về ơn hiểu biết thần linh hay nhân bản, vì những người này hơn ai hết dễ tự mãn về mình, và dễ rơi vào sự khoe khoang và kiêu ngạo.

Sách Gương Phúc nói: Những nhà bác học thường tỏ ra mình là thông thái, là nhà hiền triết. Tuy nhiên : Hãy nhớ rằng : Để hiểu biết nhau thì còn rất nhiều điều mình chưa biết, vì vậy không nên nâng mình lên cao, mà hãy tự thú cái ngu dốt của mình.

 Nào bạn tự phụ về điều gì? Bởi có biết bao người còn biết nhiều hơn các bạn. Các bạn đừng quên rằng : Các bạn càng học thức hơn bao nhiêu, thì càng bị xét xử hơn bấy nhiêu. Vậy đừng vênh vang về những điều hiểu biết của mình, mà hãy sợ rằng mình đã không sử dụng cho tốt những gì mà sự hiểu biết đã đem đến cho mình.

Một ngày nào đó, Đức Yesus thầy trên hết các Thầy, Đức Chúa của các Thiên thần, sẽ xuất hiện và nghe báo cáo về mọi sự sinh linh, nghĩa là khảo sát các lương tâm, lúc đó đèn trong tay, Người sẽ soi rọi mọi ngóc ngách của Yerusalem. Tất cả những gì đã dấu trong bóng tối, sẽ bị đưa ra ánh sáng. Đúng thế vào ngày phán xét, Người sẽ không hỏi chúng ta đã đọc những sách gì mà là hỏi chúng ta đã làm những gì ?.

Cũng không hỏi chúng ta nói uyên bác đến đâu, mà hỏi đã sống thánh thiện như thế nào ?. Vậy, những nghiên cứu tinh vi kia trên những sự vật, và sự việc còn trong bóng tối, mà tới ngày phán xét Thiên Chúa chẳng trách chúng ta đã không biết đến chúng, vậy chúng có ích gì chăng ?

Nói về Chúa Ba Ngôi một cách thông minh sáng suốt, mà thiếu đức khiêm nhường thì bạn chỉ làm phiền lòng Chúa Ba Ngôi mà thôi.

Khi bạn thuộc lòng cả cuốn Kinh Thánh và những câu nói của các nhà hiền triết, thì có ích gì cho bạn.

Nếu bạn không có tình yêu Thiên Chúa và ân sủng của Người. Một người nông dân phụng thờ Thiên Chúa cho tốt, còn hơn một triết gia lừng danh. Quan sát hành trình của các thiên thể, nhưng bê trễ trong việc cứu rỗi linh hồn mình. Khi tôi biết được hết mọi sự trong thế giới này. Nếu tôi không có lòng bác ái, thì những hiểu biết của tôi có ích gì cho tôi trước mặt Thiên Chúa, là Đấng phán xét tôi, về những việc làm của tôi. (Gương phúc 1, câu 1-2).

Sách Gương Phúc còn nói : Sự hiểu biết khiêm tốn về mình là một lối đi vững vàng và ngắn nhất để đến với Thiên Chúa hơn là sự nghiên cứu tìm tòi về một khoa học hiện đại sâu xa. Ôi ! chớ gì người ta cũng nỗ lực như thế để tiến lên trong sự khiêm hạ như người ta tiến vào khoa học thì biết bao ánh sáng mới đã chiếu soi vào trong Giáo Hội nhiều đến thế nào. Và như thế người ta sẽ không bao giờ thấy, giữa những môn phái khác nhau, biết bao lời bàn cãi, tranh luận xúc phạm đến Đức bác ái, mà chẳng ích lợi gì cho sự thật.

Vậy không bao giờ người ta còn phải ngắm nhìn những cái đầu óc tự phụ, đầy kiêu ngạo còn hơn là khoa học. Tự cho mình có quyền phê bình tất cả, phán đoán tất cả, không tin những gì đã được mọi người xác nhận từ trước. Họ mơ tưởng đến những nguyên lý mới, lập nên những nguyên tắc khác thường, vứt bỏ những truyền thống xưa, coi như chúng là chuyện hoang đường, coi như chẳng có gì là tốt đã được làm nên trước họ. Và chỉ có họ mới được thông phần vào trí não thông minh, khôn ngoan của thế giới.

 Cũng vậy, không có ai nhân đức vững vàng  mà không có sự khiêm nhường, cũng không thể có sự hiểu biết đích thực mà không có đức khiêm nhường.

2/ Tấm lòng đơn sơ : Nhờ ơn hiểu biết, chúng ta đi tìm Thiên Chúa, và qua phương tiện là các tạo vật, chúng ta đi lên tới Người. Ở đây chính Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cách để tìm kiếm Thiên Chúa “Hãy tìm Thiên Chúa với tấm lòng đơn sơ chân thành (Kn 1,1).

 Tấm lòng đơn sơ chủ yếu là sự thật và sự ngay thẳng, nó đi thẳng ngay tới đích, và đích này chính là Thiên Chúa. Chỉ mình người mà linh hồn muốn làm đẹp lòng, tính đơn sơ là kẻ thù của tính phức tạp, nó dẫn đưa mọi sự đến sự thống nhất trong sự thông minh. Đó là sự thống nhất của cái nhìn, vì tính đơn sơ chỉ nhìn thấy Thiên Chúa. Trong ý chí, đó là sự thống nhất của lòng mến, mà Thiên Chúa là đối tượng duy nhất, Đức tính này khiến chúng ta giống như đứa trẻ, vì đứa trẻ chỉ có một ý tưởng và một tình yêu đó là ý tưởng và tình yêu của mẹ nó. Linh hồn đơn sơ, chỉ có một ý tưởng là Thiên Chúa và làm vinh danh Người, chỉ một tình yêu là tìm thánh ý Người và làm vui lòng Người trong mọi sự.

Linh hồn được dồi dào đức tính đơn sơ diễm phúc này nhìn thấy khắp nơi những dấu vết, những hình ảnh của Thiên Chúa một cách dễ dàng và không cần cố gắng.

 Tất cả đều nhắc nhở nó Đấng mà nó yêu mến và tìm kiếm, tất cả đều thúc đẩy nó yêu mến Người nhiều hơn và phục vụ Người hoàn hảo hơn. Sách gương Phúc nói : Nếu bạn có trái tim ngay thẳng, thì mọi tạo vật đều là tấm gương soi để điều khiển đời bạn và là cuốn sách để bạn kín múc trong đó một giáo lý lành mạnh.

Linh hồn có hai cách để cất nhắc mình lên trên các sự vật của trần thế. Đó là tính đơn sơ và sự trong sạch, nhờ hai đức tính này, linh hồn không chỉ đi lên tới Thiên Chúa, mà còn đem Thiên Chúa xuống tới họ, Thiên Chúa vui thích được chuyện vãn với các linh hồn đơn sơ, Người nói với họ cách thân tình và thông chia cho họ những điều bí ẩn của Người (Cn 3, 32).

Một hôm Chúa Yesu đã vui mừng thốt lên : Lạy Cha là Chúa tể trời đất ! con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, Lạy Cha ! vì đó là điều đẹp ý Cha (Mt 11,25-26).

Thánh Paulô nói: Ai là các bậc hiền triết và những người khôn ngoan này mà Thiên Chúa giấu các mầu nhiệm của Người. Nếu không phải là những kẻ xưa và nay tự cho mình là thông thái, những nạn nhân của lòng kiêu ngạo và các tính mê của họ. Họ không thể hiểu được những gì thuộc về Thiên Chúa, nhưng luôn thấy mình chạy theo giác quan hư hỏng của mình.

Ai là những kẻ bé mọn quá được ưu đãi kia ?, nếu không phải là những linh hồn đơn sơ như trẻ nhỏ. Sẵn sàng chấp nhận cái ách cao quý và êm ái của Đức tin và các giới răn của Thiên Chúa.

Vậy, đó là những kẻ bé mọn mà Thầy chí thánh đã nói, bởi sự quyết định của Chúa Cha. Họ là những kẻ có quyền được hưởng ánh sáng và sự hiểu biết về ơn cứu độ.

Thánh Augustinô nói: Các nhà triết học và những bậc thông thái của thế kỷ, họ bị mù quáng bởi tính kiêu ngạo và đời sống trụy lạc của họ, họ sẽ bị hư mất đời đời, còn những người dốt nát, nhưng được soi sáng bởi ánh sáng của Thiên Chúa, sẽ được nhấc lên và đưa về trời. (Sách tuyên ngôn 1.8 câu 8).

3/ Đọc sách Thánh và các sách đạo đức: Thánh Phaolô khẩn thiết khuyên môn đệ Timôthê-ô của Ngài nên dùng phương pháp: Atten de lactioni (1 Timôthê 4,13) mặc dù Ngài biết ông ta rất bận rộn, nhưng vẫn khuyên ông đọc sách thánh và sách đạo đức.

Khi nói các sách Thánh của đạo chúng ta, Thánh Yoan Kim khẩu đã nói: Các bạn đừng đi kiếm đâu xa các ông thầy và trường học cho mình, vì các bạn đã có Lời Chúa, không một lời nào khác có thể dạy cho các bạn bằng lời của Chúa về tất  cả những gì bạn cần phải biết.

Đây là một bổn phận của mọi giáo hữu là phải chuyên cần đọc sách Thánh. Các bài đọc này sẽ làm dịu đi những đam mê của bạn, sẽ nhổ sạch tính mê nết xấu trong bạn, sẽ giúp bạn tránh xa sự dữ, sẽ tăng sức cho bạn để làm việc lành, sẽ chuẩn bị cho trái tim bạn có những cảm nghĩ tốt lành. Sách thánh đơn sơ mà cao cả, mang một ánh sáng và một chiều sâu tuyệt vời, chứa đựng những mầu nhiệm vô cùng cao siêu sánh với những nỗ lực nghiên cứu của các bậc tài năng vĩ đại và đồng thời những sự thật vốn ở tầm hiểu biết của mọi người.

Thánh nhân đã phải thốt lên: Thật đáng xấu hổ cho chúng ta, đáng xấu hổ cho các Kitô hữu, quá lơ là và quá kém hiểu biết về sách Thánh, còn những ai thấu hiểu nó, là đã làm giàu cho mình bằng một kho tàng vô giá.

Họ chỉ cần mở miệng ra là đã lan tỏa ra chung quanh mình những hương thơm ngào ngạt, cho dù nó có bị bao vây bởi các thù địch, nó vẫn bình tĩnh chịu đựng. Bởi nó đã kín múc được những nguyên lý của một giáo thuyết làm cho nó vượt cao hơn mọi biến cố, chẳng khác gì người ngồi trên một tảng đá cao, dám thách thức những ngọn sóng đang gầm thét dưới chân nó. Cũng vậy, nó thấy các mưu chước của con người chung quanh nó đang tung hoành, mà không sao đụng được tới nó.

Sách Thánh là một kho tàng đang dâng hiến và ban phát cho mọi người, cũng như ánh sáng, nó lan tỏa mà không bị tiêu hao. Tất cả ở đó được viết ra để dạy dỗ chúng ta.

Vậy tại sao Chúa Thánh Thần khi muốn viết những sách đó, đã mượn ngòi bút của người thu thuế, người tội lỗi, người lao động làm thủ công đơn sơ, những người không tôn giáo và cả người thất học. Nếu không phải là để đặt vào tầm tay của những người kém học nhất. Họ viết ra những điều cần cho mọi người biết, thì họ đã trình bày rõ ràng bằng cách dễ hiểu nhất cho mọi người. Cũng như cho những nhà bác học trên toàn cầu (Homel)

Thánh Alphonsô đã tha thiết khuyên bảo chúng ta hãy đọc các sách đạo đức và nhờ đó linh hồn có thêm lòng đạo đức để đem nó đến sự kết hợp với Chúa nhiều hơn. Ngài đặc biệt khuyên đọc sách hạnh các Thánh. Chính trong những cuộc đời này mà người ta thấy Tin Mừng được đem ra thực hành, và có biết bao nhiêu gương sáng các nhân đức tỏa ra từ đó, và cả một ánh sáng chiếu soi còn tỏ rạng hơn những lời nói. Để đem linh hồn đến sự tự hạ vì thấy mình còn chưa làm được gì cho Thiên Chúa, và nó thúc giục ta hăng hái tiến lên con đường đạo đức hơn.

4/ Học hỏi về thập giá: Để tiến tới khoa học hiện đại, người ta đọc các cuốn sách của những tác giả nổi tiếng. Họ nghiên cứu, đào sâu và tìm thấy ở đó thứ ánh sáng mà họ đang tìm kiếm, để dạy chúng ta về khoa học  của các Thánh. Thiên Chúa đã cho chúng ta một cuốn sách còn vượt trội hơn mọi cuốn sách, một cuốn sách vô song, viết bằng máu của Đấng, mà theo Thánh Phaolô nói: Ở đó ẩn dấu các kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết của Thiên Chúa.

 Cuốn sách đó không là gì khác, ngoài Đức Yesus chịu đóng đinh, còn hiện tượng nào đau thương hơn hiện tượng một Thiên Chúa mặc lấy xác loài người như chúng ta, bị treo lên một cây thập hình khổ nhục. Bằng ba chiếc đinh đóng thâu qua tay và chân Người, làm máu trào ra từ hai tay, hai chân Người và chịu hấp hối trong cơn đau dữ dội.

Làm sao trước cảnh tượng đó, chúng ta không cảm thấy lòng mình thổn thức, xót thương Chúa chịu đóng đinh và chết ô nhục đến thế chỉ vì Ngài yêu thương chúng ta.

Thánh Phaolô nói: Tất cả sự hiểu biết của tôi và tất cả những gì tôi có thể dạy cho anh em, đó là Đức Yesus chịu đóng đinh (1Cor 2,2). Đức Yesus chịu đóng đinh, đó là cuốn sách thần linh, ở đó người ta kín múc sự hiểu biết đã làm nên các bậc Thánh. Một vị tôi tớ lớn của Thiên Chúa, sư huynh Bernard de Corleone thuộc dòng khổ tu, là một tu sĩ hoàn toàn dốt nát, các sư huynh anh em trong dòng muốn dạy Ngài ít nhất là biết đọc, nhưng trước khi nhận lời đề nghị này, vị sư huynh khiêm tốn kia đã đi hỏi ý kiến của Chúa Yesus trên thập giá, và Ngài đã nghe rõ ràng câu trả lời:

“Sao lại những sách vở, những hiểu biết trần tục, chính Ta là sách của con, con phải luôn mãi đọc ở đó tình yêu mà Ta đã dành cho con.”

 

Trong một cuộc nói chuyện thân mật, Thánh Tôma đã hỏi Thánh Bonaventura: Cuốn sách nào mà Ngài đã tham khảo để viết ra những tác phẩm đầy những lời giảng dạy quá hay đến thế. Thánh Bonaventura đã giơ cao cho Ngài xem: Một cây Thánh giá có Chúa chuộc tội, đen sì, vì Ngài thường gắn môi mình vào đó đó quá nhiều và nói:

“Đây là cuốn sách mà tôi đã kín múc tất cả những gì tôi đã viết”. Quả vậy, chính vì học hỏi về thập giá Chúa Kitô mà tất cả các Thánh đã trở nên xuất sắc trong nghệ thuật yêu mến Thiên Chúa.

Chính trong trường học êm ái này mà Thánh Phanxicô Assisi đã trở nên một thiên thần sốt mến. Ở dưới thế này, chỉ cần ghĩ đến những đau khổ của Chúa Yesus, đã làm cho nước mắt ngài chảy ra, đến nỗi Ngài hầu như bị mất thị giác. Chính cũng từ cây thập giá Chúa Yesus mà Thánh Alphonsô đã rút ra được lòng nhiệt thành hăng say thiêu đốt tâm hồn Ngài. Ngài đã muốn cho các con cái Ngài cũng đến với trường học đó để học biết yêu Thiên Chúa và các linh hồn. Ngài đã quy định cho họ phải suy gẫm mỗi buổi tối một nửa giờ về những đau khổ và cái chết của vị Thiên Chúa làm người.

5/ Lắng nghe Lời Chúa với Đức tin: Cũng như Chúa chúng ta ẩn mình dưới bức màn Thánh Thể để nuôi các linh hồn, Người cũng ẩn mình như thế dưới bức màn của Lời Chúa để hiệp thông và đổ tràn vào tâm hồn chúng ta những tia sáng của Người. Nhưng để được chiếu sáng bằng những tia sáng đó thì phải có đức tin và lòng khiêm nhường.

Nếu không, người ta nghe lời Chúa như nghe lời của loài người, và nó chỉ đem lại những kết quả của con người. Chính những người Pharisêu đã nghe Chúa nói và cũng đã cảm nghiệm như vậy, vì không thấy Chúa ở trong người, cũng chính vì thế, họ đã nói: “Ông chỉ là con bác thợ mộc” nên thay vì phải quay về với lời thầy chí Thánh, tâm hồn của họ đã ra chai cứng.

Còn những kẻ tội lỗi, khốn nạn, lại khóc lóc thảm thiết về những lỗi phạm của mình, và dốc lòng ăn năn hối cải.

Đức Mẹ Maria cũng giữ trong lòng cách sùng kính những lời của con Chí Thánh Mẹ và suy nghĩ thấm thía. Tất cả những tâm hồn muốn tiến lên trong sự hiểu biết của các Thánh, cũng phải hành động như vậy. Trong sự hiểu biết này cũng như các sự hiểu biết khác, phải có thầy dạy, và ở đây các thầy mà người ta phải nghe, đó là các vị tông đồ rao giảng mà Chúa Yesus đã nói: Vậy anh em hãy đi rao giảng cho muôn dân, ai nghe anh em là nghe Thầy (Mt 28,19).

 Người ta có thể nói là mỗi người trong họ, như tiên tri Zakaria đã nói về Yoan tẩy giả, là họ được Thiên Chúa gởi đến để: “Đem Tin Mừng cứu độ đến cho muôn dân” (Lc 1,77)

6/ Phương tiện trên mọi phương tiện, đó là cầu nguyện : Đó là cách để chúng ta đạt được ơn hiểu biết, cũng như tất cả những ơn cần thiết khác.

Thiên Chúa được gọi trong sách thánh là Thiên Chúa của mọi sự hiểu biết. Chính Người đã ban cho ông bà nguyên tổ của chúng ta sau khi tạo dựng nên họ, sự hiểu biết lạ lùng trong tình trạng vô tội của họ (Hc 16,7) Cũng chính người ban cho các linh hồn trung thành ơn hiểu biết, để làm nên các bậc Thánh (Kn 10,10)

Thánh Phaolô nói: Nơi Đức Yesus có cất giấu mọi kho tàng sự khôn ngoan và hiểu biết (Cl 2,3) vì thế nếu chúng ta khao khát sự hiểu biết của các Thánh, thì hãy đến nơi suối nguồn của nó là “ Trái tim Thiên Chúa để múc lấy”.

Vậy chúng ta hãy chạy đến cầu nguyện với Thiên Chúa, liên lỉ kêu xin Người ban cho, Như Đavit đã xin: Xin dạy cho con hiểu cho tường tận, xét cho đúng, vì con vẫn tin vào mệnh lệnh Ngài (Tv 118, 66).

Nhất là chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần. Chúa Yesus đã chẳng nói với các môn đệ của Người rằng: Thần Khí sự thật mà thầy sẽ gởi đến cho anh em, người sẽ dạy anh em mọi sự (Yn 16,13).

Ôi, Thần khí của ánh sáng và tình yêu, Người đã dạy dỗ các tông đồ và đổ tràn đầy sự hiểu biết cao cả vào biết bao linh hồn đơn sơ khiêm nhường. Xin đoái thương xua tan những bóng tối của sự ngu si trong tâm hồn con và xin Người chiếu sáng trong con bằng ánh sáng thần linh của Người.

Nhờ ánh sáng diễm phúc này, con sẽ không còn đi tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình trong các tạo vật nữa. Nhưng con chỉ dùng nó như những bậc thang để đưa con lên trời cao, như con nai khát nước bên suối nước trong, hồn con khao khát bên lòng Chúa. Chúa ơi! Con chỉ mong tìm kiếm và tìm thấy Chúa, và một ngày kia, con được ở bên Người là Đấng con yêu mến, và được nghỉ ngơi trong Người, được nhìn thấy Người tỏ tường, trước nhan Thánh Người, được Người ôm ghì lấy con trong tình yêu vô biên của Người. Ôi, Maria, mẹ của sự hiểu biết thần linh, xin cầu cho con.


Trở lại      In      Số lần xem: 3898
Tin tức liên quan
  • Ý NGHĨA CỦA 3 LOẠI DẦU THÁNH / GIUSE LUCA
  • Tim hiểu Ơn Kính Sợ
  • Tìm hiểu Ơn Đạo Đức
  • Tìm hiểu Ơn Sức Mạnh
  • Tìm hiểu Ơn Lo Liệu
  • Tìm hiểu Ơn Thông Hiểu
  • Tìm hiểu Ơn Khôn Ngoan
  • Xin 7 Ơn CHÚA THÁNH LINH
  • Tuần 9 Ngày
  • Chúng Ta Phải Làm Gì Khi Biết Có Chúa Thánh Thần?
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  16
 Hôm nay:  1437
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11351741
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top