Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chương 2: Gia Đình Sống Đạo

I. CẦU NGUYỆN

1. Cầu nguyện là gì?

Gia đình là nền tảng của xã hội, Đức Giáo Hoàng Lê-ô 13 nói: “Gia đình thế nào, xã hội thế ấy”. Gia đình còn là một tế bào sống động của Giáo Hội, là một Giáo Hội nhỏ của Chúa Kitô. Giáo Hội có thể thay đổi đường lối làm tông đồ, thay đổi hình thức các hội đoàn, nhưng sẽ không thể tiếp tục đứng vững nếu hủy bỏ cơ cấu gia đình.

Vậy muốn có một xã hội tốt đẹp, lành mạnh, muốn cho Giáo Hội lớn mạnh và chu toàn sứ mệnh: loan báo Tin Mừng cho muôn dân như Chúa đã trao phó, thì việc phải làm trước hết và căn bản là xây dựng, củng cố và thánh hóa gia đình tín hữu. Để được như vậy, gia đình tín hữu phải thực hành việc cầu nguyện, sống Lời Chúa, lần chuỗi Mân côi, tham dự cử hành các Bí Tích. Đặc biệt, việc đọc kinh tối trong gia đình là một phương thế hữu hiệu vào bậc nhất đối với tâm lý cũng như hoàn cảnh Việt Nam chúng ta.

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên tới Chúa, là tưởng nhớ tới Chúa, nghe Ngài nói và nói với Ngài. Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa như một người con thưa chuyện với cha mẹ mình, hoặc như một cuộc trò chuyện tâm sự giữa hai người bạn chân tình.

Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu giải thích: “Đối với tôi, cầu nguyện là một cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là sự nhắc lòng lên Chúa, là tiếng kêu biết ơn và đầy yêu mến lúc gặp thử thách cũng như lúc được vui mừng. Tóm lại, cầu nguyện là một cái gì cao cả, siêu nhiên, làm cho tâm hồn mở ra, và kết hợp với Chúa”.

2. Tại sao phải cầu nguyện?

Chúng ta cầu nguyện vì lời cầu nguyện đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích cả về mặt tự nhiên cũng như siêu nhiên.

a. Về mặt tự nhiên:

- Lời cầu nguyện đem lại sự bình an, thoải mái cho tâm hồn. Thực vậy, mỗi khi có gì buồn bực, ta thường muốn cởi mở tâm sự với bạn bè thân hữu để được thoải mái, đỡ ấm ức, để được nghe những lời vỗ về, an ủi, hầu vơi đi nỗi sầu. Chúa là người bạn thân thiết và đáng tín nhiệm nhất. Luôn sẵn sàng lắng nghe những lời tâm sự của ta. Và hơn mọi người bạn khác, Ngài sẽ nâng đỡ, bổ sức cho và đem lại bình an vui vẻ cho những người đau khổ trong tâm hồn: “Hỡi những ai mỏi mệt và mang gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con… rồi tâm hồn các con sẽ được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh Ta thì nhẹ nhàng”(Mt 11,28-30).

- Đàng khác, cầu nguyện còn là cơ hội quý báu giúp chúng ta suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định điều gì.

b. Về mặt siêu nhiên:

- Cầu nguyện để nên giống Chúa Giêsu: Ngài đã làm gương và dạy chúng ta cầu nguyện: Chúa thường lên núi cầu nguyện một mình (Mt 14,23). Ngài luôn cầu nguyện trước khi làm việc gì quan trọng. Trước khi giảng đạo công khai, Ngài lên rừng vắng ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày (Mt 4,2). Trước khi chọn 12 tông đồ, trong số các môn đệ (Lc 6,12). Trước khi chịu khổ hình (Mt 26,36-44). Trước khi dạy môn đệ kinh Lạy Cha (Lc 11,1),… Ngài dạy chúng ta cầu nguyện “không ngừng” và “đừng bao giờ nhàm  chán”. (Lc 18,1).

- Nên cầu nguyện, vì lời cầu nguyện có sức mạnh vô song: “Thầy nói thật với các con: hãy xin, sẽ được, hãy tìm sẽ thấy, hãy gõ sẽ mở ra cho các con” (Mt 7,7). Vì chúng ta yếu đuối, không thể làm được điều gì, nếu không có ơn Chúa giúp (Yn15,5).

- Hơn nữa, nên cầu nguyện, vì cầu nguyện chính là nền tảng của đời sống thiêng liêng, là mối dây liên kết con người với Thiên Chúa. Chúng ta chỉ thực sự thánh thiện được khi có ơn thánh nối kết chúng ta lại với Chúa, nhờ lời cầu nguyện liên lỉ.

3. Cầu nguyện thế nào?

- Cầu nguyện với Chúa cách đơn sơ chân thành, nghĩ thế nào nói như vậy, chớ không cần văn hoa, chải chuốt.

- Cầu nguyện không phải chỉ là xin ơn này ơn nọ cho mình, cho gia đình hay cho người khác, nhưng hệ trọng hơn, là dâng lên Chúa những lời ngợi khen vì những kỳ công mà Chúa đã thực hiện, cảm tạ Chúa vì những hồng ân Ngài đã thương ban, ăn năn thống hối vì những lỗi lầm đã phạm mất lòng Chúa, và quyết tâm sống xứng đáng một người con ngoan, hiếu thảo với Chúa là Cha đầy tình thương yêu…. Như Chúa đã dạy trong kinh Lạy Cha (Mt 6,9-13).

- Cầu nguyện cũng không phải bằng lời nói suông mà còn phải bằng tâm tình yêu mến, biết ơn hướng về Chúa, bằng sự hãm mình hy sinh như bông hoa nhỏ bé dâng Ngài, và nhất là bằng sự chu toàn việc bổn phận hằng ngày. Chúa đòi lòng mến hơn là lời nói, Ngài cảnh cáo: “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mt 15,8).

- Cầu nguyện với Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu thì chắc chắn sẽ được như ý: “Điều gì các con nhân danh Ta mà xin, thì Ta sẽ làm, ngõ hầu Cha được tôn vinh nơi Con” (Yn14,13). Khi cầu nguyện, ta phải có lòng tin tưởng vào Chúa: “Mọi điều các con lấy lòng tin mà kêu xin, thì các sẽ được” (Mt 21,22; Mc 11,24).

- Cầu nguyện trong tình bác ái: yêu thương, tha thứ, làm hòa, hiệp nhất như lời Chúa dạy: “Khi các con cầu nguyện, nếu thấy mình có điều gì bất hòa với ai, phải tha cho họ, để Cha các con ở trên trời cũng tha tội lỗi cho các con” (Mc 11,25). “Nếu khi các con dâng của lễ trên bàn thờ, mà sực nhớ ra anh em có điều bất bình với các con. Hãy để của lễ trên bàn thờ, đi làm hòa cùng anh em đã, rồi hãy đến dâng của lễ” (Mt.5,23-24). “Nếu hai người các con ở dưới đất đồng tâm xin bất cứ việc vì, Cha Thầy trên trời sẽ ban. Vì đâu có hai ba người hội họp lại vì Danh Thầy, thì Thầy sẽ ở giữa họ” (Mt.19-20).

- Khi cầu nguyện, nên hợp ý với toàn thể Giáo Hội và Đức Maria, theo gương các tín hữu thời sơ khai: Hết thảy họ đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện với các phụ nữ và Mẹ Maria (Cv 1,14).

- Cầu nguyện và hành động luôn phải đi đôi với nhau. Chúa không muốn chúng ta quá ỷ lại vào Ngài rồi sinh lười biếng không chịu làm việc. Ngài không phải là cái máy làm phép lạ, để khi cần, người ta tới bấm nút, Ngài muốn ta cộng tác với Ngài, vừa làm việc vừa cầu nguyện để làm chủ vũ trụ và kiện toàn chúng theo Thánh ý Ngài. Do đó, cầu nguyện mà lười biếng không chịu làm việc thì đó không phải là lời cầu đích thực, nhưng chỉ là lời nói bâng quơ một mình. Còn làm việc mà cậy sức mình, không chịu cầu nguyện, thì là dấu không phải làm vì Chúa, và dù kết quả cũng không có giá trị trước mặt Chúa.

- Trong thực tế ta nên kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Vừa thức dậy, ta dâng ngày cho Chúa, rồi trong ngày, luôn sống tùng phục Thánh ý Chúa và làm mọi việc vì lòng mến Chúa. Trước khi làm, ta dâng công việc cho Chúa và cố gắng chu toàn tốt đẹp. Mỗi tối ta xét mình về những công việc trong ngày để cảm tạ Chúa, nếu qua một ngày tốt đẹp hoặc xin lỗi Chúa, nếu có chi thiếu xót, sai lầm. Thánh Phaolô khuyên tín hữu thành Côrinthô: “Dù anh em ăn, dù anh em uống, dù anh em làm bất cứ một việc gì, anh em hãy làm tất cả và Vinh Danh Thiên Chúa” (1Cor 10,31).

4. Phương pháp cầu nguyện.

Ngoài phụng vụ: có 2 phương pháp chính

a. Đọc kinh: đọc các kinh có sẵn một mình hay với người khác.

Kinh là những lời cầu nguyện được Giáo Hội dọn sẵn cho tín hữu dùng trong những trường hợp thường gặp. Chẳng hạn trước khi làm một việc đạo đức, ta đọc kinh Chúa Thánh Thần. Phương pháp đọc kinh có nhiều ưu điểm cũng như khuyết điểm. Điều cần ghi nhớ là không phải chỉ đọc Kinh ngoài môi miệng suông mà thôi, nhưng phải miệng đọc lòng suy, biến lời kinh thành lời nói của chính mình.

b. Lời nguyện:có hai hình thức:

+ Tâm nguyện: là cầu nguyện thầm thì trong lòng,

+ Khẩu nguyện: là cầu nguyện, thưa chuyện với Chúa to tiếng ra bên ngoài.

Ta thường cầu nguyện tự phát khi cầu nguyện một mình, bất cứ lúc nào trong ngày, chỉ cần ta hướng lòng lên gặp gỡ Chúa, rồi thưa chuyện với Ngài về bất cứ chuyện gì ta muốn tâm sự. Nhưng cũng có thể áp dụng khi có nhiều người họp nhau để cầu nguyện, như: lời nguyện giáo dân trong Thánh lễ, lời nguyện tự phát trong những buổi cầu nguyện nhóm, gia đình, liên gia,….

5. Một vài lời nguyện tự phát riêng tư

- Lúc thức dậy, ta dâng ngay cho Chúa: “ Lạy Chúa, Chúa là Cha con, con cảm tạ Chúa đã cho con sống qua đêm bình an, con nguyện xin Chúa giúp con sống và làm việc cho sáng danh Chúa hơn trong ngày hôm nay”.

- Trên giường ngủ ta thầm thì: “ Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã cho con làm việc một ngày bình an và phục vụ được nhiều người trong anh chị em con như ý Chúa muốn”.

- Nhìn trời, mây, núi, đồi, ta dâng lời ca ngợi: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa là Chúa tể muôn loài, con cảm tạ Chúa đã dựng nên con và mọi sự tốt đẹp…”.

- Trước khi làm việc gì, như đi học, đi chợ, dọn bữa, may mặc,… ta nhớ tới Chúa và thân thưa: “Lạy Chúa, Chúa đang ngự trong lòng con, Chúa đang âu yếm nhìn con, con xin dâng việc này cho Chúa, con sẽ cố gắng làm chu đáo, tốt đẹp hơn vì lòng mến Chúa. Xin Chúa giúp con yêu Chúa và anh em con mỗi ngày thêm thắm thiết hơn”.

- Gặp người mà ta không ưa, ta thưa với Chúa: “Lạy Chúa, đây là người con chẳng ưa, vì họ nói xấu con nhiều, vì họ ăn nói vô duyên quá,…. Nhưng, họ cũng là con Chúa như con, họ cũng có nhiều ưu điểm đáng quý (…). Xin Chúa cho con biết vui vẻ, quảng đại, tha thứ những khuyết điểm thiếu sót của họ đối với con, như Chúa đã dạy: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Xin Chúa nhậm lời chúng con. Amen.

- Khi may mắn, thành công: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa muôn ngàn lần. Xin Mẹ Maria và triều thần thiên quốc cùng  cảm tạ Chúa cho con…”

- Khi thất bại: “Lạy Chúa, xin cất khỏi con chén đắng này, xin đừng theo ý con, chỉ theo ý Chúa mà thôi…”

- Khi bị cám dỗ, ta tin tưởng cầu xin: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi chước cám dỗ…”

- Nếu lỡ phạm tội: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi. Xin giúp cho con đứng lên trở về với Chúa như người con hoang đàng quyết định trở về với gia đình và ăn năn tội nên…”.

- Khi bối rối, lo âu, khi cần phải quyết định một việc gì: “Lạy Chúa Thánh Thần xin tới giúp con”.

- Khi chán nản không muốn cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con cầu nguyện…”.

- Ở mọi nơi và trong mọi lúc, đặc biệt khi đuối mệt không đủ sức đọc một kinh. Vì lúc đọc một kinh coi như là dài một thế kỷ, ta chỉ còn than thở… (trong tâm tư hoặc môi mấp máy) với Chúa: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”. Chúa sẽ đầy tình thương đáp lại: “Này Cha đây, Cha yêu con”, và tâm hồn ta sẽ được bồi dưỡng để đủ sức chịu đựng mọi gian khổ đớn đau ngoài thể xác cũng như trong tâm hồn.

Bạn cứ tin và làm đi, những phép mầu của ơn Thánh sẽ thực hiện trên Bạn!

Tóm lại, ta có thể cầu nguyện với Chúa mọi lúc và mọi nơi. Chắc chắn Chúa sẽ nhậm lời cầu xin của ta. Nhất là khi lời cầu xin được kèm theo những việc lành, hãm mình, hy sinh vì lòng mến Chúa.

6. Lời nguyện tự phát lúc cầu nguyện chung

Từng người cầu nguyện lớn tiếng và kết thúc bằng câu: “Xin Chúa nhậm lời chúng con”. Những người khác hiệp lòng hiệp ý và cùng lặp lại câu kết thúc theo hình thức lời nguyện giáo dân trong Thánh lễ Chúa nhật. Tùy thời giờ mà cầu nguyện nhiều hay ít. Nên phân công trước để có thể kịp chuẩn bị, nếu cần. Về ý lời nguyện thì tùy mục đích buổi cầu nguyện, như khi chia sẻ Lời Chúa thì cầu nguyện xin ơn để sống Lời Chúa, hoặc cầu xin ơn lành hồn xác, cảm tạ Chúa vì hồng ân Ngài ban. Một vài ví dụ:

a. Cầu xin ơn sống lời Chúa:

- Cách  sắp xếp lời nguyện:

* Nêu một lời Chúa dạy, hoặc một gương Chúa đã làm (hoặc Đức Mẹ, các Thánh,…).

* Nhận xét, so sánh với tư tưởng, lời nói, hành động của ta trong hoàn cảnh tương tự (cá nhân, tập thể).

* Xin Chúa giúp ta sửa mình theo gương Ngài (Đức Mẹ, các Thánh,…), hoặc theo lời Chúa dạy. Ta dốc quyết làm việc này, việc kia…

* Kết thúc bằng câu: “Xin Chúa nhậm lời chúng con”.

- Thí dụ: “Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con là “các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”. Lạy Chúa, khi xét mình, chúng con tự thấy mình còn rất nhiều khuyết điểm, lầm lỡ. Xin Chúa giúp chúng con biết thực hành Lời Chúa dạy, để chúng con mỗi ngày nên giống Chúa hơn. Xin Chúa nhậm lời chúng con”.

* Tất cả đáp lại: “Xin Chúa nhậm lời chúng con”.

b.  Cầu nguyện xin ơn:

- Cách sắp xếp lời nguyện:

* Trình bày những thiếu thốn, những nhu cầu tinh thần hay vật chất của mình, qua gia đình, khu xóm, bạn bè, họ hàng, giáo xứ,…

* Xin Chúa ban ơn giúp đỡ vượt qua khó khăn, bù đắp thiếu thốn,…

- Thí dụ: Lạy Chúa, gia đình chúng con hiện còn có người vắng xa (đau yếu, học tập,…). Xin Chúa ban cho (…) được bình an và lòng trung thành với Chúa luôn (xin Chúa ban cho … sớm khỏi ốm đau…). Xin Chúa nhậm lời chúng con.

c. Tạ ơn Chúa:

- Cách sắp xếp lời nguyện:

* Trình bày ơn Chúa đã ban cho gia đình…

* Nói lên lòng biết ơn Chúa. Hứa làm một việc gì để tỏ lòng biết ơn.

- Thí dụ: “Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ Chúa, vì Chúa đã thương đến gia đình (giáo xứ,…) chúng con cách đặc biệt. Chúa đã ban cho (ba mẹ,…) chúng con được (khỏi bệnh, có việc làm, thi đậu, được mùa, có Cha sở,…). Chúng con không biết lấy gì để cảm tạ Chúa cho cân xứng. Xin dâng lên Chúa tấm lòng yêu mến và biết ơn, chúng con hứa sẽ luôn trung thành sống xứng đáng là một gia đình (…) Công giáo sốt sắng, thánh thiện luôn mãi. Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Tóm lại, trong các buổi cầu nguyện chung, nhất là giờ kinh tốt gia đình, ngoài một số kinh đọc chung, ta nên áp dụng cách cầu nguyện tự phát. Cách cầu nguyện này làm cho giờ kinh bớt lo ra, chia trí, và giúp ta sống đạo chiều sâu, dễ dàng kết hợp mật thiết với Chúa mỗi ngày một hơn.

II/ SỐNG LỜI CHÚA

1/ Nhận xét chung về cách sống đạo của người VN

Nhìn vào lề lối sống đạo của đa số giáo dân Việt Nam, ai cũng nhận có nhiều ưu điểm như: siêng năng, chuyên cần chịu các Bí Tích, chăm chỉ dự lễ Chúa Nhật cũng như ngày thường, nhiệt thành góp công của cho việc chung, yêu mến và giúp đỡ các Linh mục, tu sĩ, trung thành giữ Đức Tin, cho mình và cho người khác, dù gặp hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, cũng không thiếu điều phải bổ khuyết cấp kỳ. Nhiều người phê bình cách sống đạo của một số tín hữu chúng ta như sau:

a) Đạo nhà thờ: chăm chỉ đến nhà thờ, đọc kinh, dự lễ, ăn năn tội khóc lóc to tiếng, rước lễ hằng ngày, nhưng trong đời sống lại chẳng tốt đẹp, gương mẫu gì, cũng gian tham của cải người khác, cũng cãi lộn chửi rủa khét tiếng, cũng đánh đập con cái cách tàn nhẫn, cũng ích kỷ chẳng biết sót thương những người cơ cực chạy đến van xin giúp đỡ.

b) Đạo hình thức: coi đạo như chỉ là một số Bí Tích phải chịu, một ít việc đạo đức phải làm (đọc kinh, lần hạt, dự lễ,…) giữ trọn các điều ấy chắc chắn khỏi mất linh hồn. Nhưng đạo đâu chỉ có thế, đạo còn hệ tại trong lòng ta nữa, ở việc ta tuân giữ Lời Chúa và sống Lời Chúa trong đời sống thế nào (Mt.15,8; 7,21).

c) Đạo xin ơn: Đối với một số người, cầu nguyện chỉ là việc xin ơn này ơn nọ, nhiều khi xin cả những điều xấu nữa, chẳng hạn xin Chúa phạt người này kẻ kia,…. Cũng vì thế, khi vào nhà thờ có khi không cần biết đến Chúa trong nhà tạm, nhưng phải đến ngay đài Đức Mẹ lâm râm cầu xin…

Những nguyên do chính yếu gây nên tình trạng sai lạc nơi một số người Công giáo như vậy là do tình trạng yếu kém về Giáo lý, thiếu sự học hỏi Thánh Kinh (Lời Chúa), đồng thời họ coi nhẹ việc sống Lời Chúa trong đời sống cụ thể.

2/ Sống đạo thực là sống Lời Chúa

 a) “Sống đối với tôi chính là Đức Kitô: từ nay tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Ph 1, 21; Ga 2, 20). Chúa Giêsu Kitô chính là lý tưởng mà mọi tín hữu phải noi gương bắt chước như Thánh Phaolô đã nói trên. Chúa suy nghĩ, phán đoán, nói năng, phản ứng, hành động thế nào thì ta phải noi gương Ngài mà làm như vậy. Chúa dạy ta sống thế nào, ta vâng lời làm theo. Người tín hữu phải trở nên những Giêsu Kitô khác, phải sống sao để người chung quanh nhận ra khuôn mặt dịu hiền của Chúa qua cách cư xử của mình. Muốn được thế, chỉ còn cách là hằng ngày say sưa đọc Lời Chúa (Mt 24, 25) rồi ghi nhớ và suy niệm trong lòng như Mẹ Maria (Lc 2, 19). Nhờ đó, Lời Chúa thấm dần vào tâm hồn và biến đổi ta nên giống Chúa, thể hiện Chúa Kitô qua nét mặt, cử chỉ, hành động bên ngoài,…

b) Ta còn phải giúp người khác sống Lời Chúa nữa, vì:

- Đó là mệnh lệnh Chúa truyền dạy: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” (Mt 28, 19). “Các con sẽ là chứng nhân của Thầy… cho đến tận cùng trái đất” (Cv.1, 8).

- Đó là dấu hiệu chứng tỏ ta là người con hiếu thảo của Chúa, có lòng mến Chúa thực sự. Vì khi yêu mến thì muốn làm vừa lòng người yêu. Thực sự yêu mến Chúa ta phải muốn ý Chúa được thể hiện: “Ta còn nhiều chiên khác chưa thuộc về đoàn này. Ta phải dắt đưa nó về, và nó sẽ nghe tiếng Ta. Rồi sẽ chỉ còn một đoàn chiên và một chủ chiên” (Yn 10, 16).

Không ai có thể cho người khác cái mà mình không có. Cũng vậy, người tín hữu không thể đem Chúa cho người khác, nếu họ không có Chúa, nếu họ không được thấm nhuần tinh thần của Chúa trong đời họ. Có thể so sánh Lời Chúa giống như điện, Kitô hữu là sợi dây nối liền giữa Chúa Kitô là Nguồn điện, với anh em họ là bóng đèn. Bóng chỉ có thể cháy sáng khi có điện do sợi dây chuyển tới. Bao lâu sợi dây không dẫn điện, bấy lâu bóng không thể cháy sáng. Cũng vậy, bao lâu người tín hữu không sống Lời Chúa, bấy lâu họ không xứng đáng là một Kitô hữu, bấy lâu họ không chu toàn sứ mệnh là đem Chúa đến cho người khác.

3/ Sống Lời Chúa trước hết từ gia đình

Gia đình chính là môi trường thuận tiện nhất để tập sống Lời Chúa và làm việc Tông đồ truyền giáo. Cha mẹ có trách nhiệm đầu tiên, cha mẹ phải làm gương sống tình yêu thương mà Chúa đòi hỏi ở ngay trong phạm vi gia đình của mình. Đồng thời, phải tập sống Lời Chúa và giúp con cái sống Lời Chúa nữa. Không gì đẹp bằng hình ảnh một gia đình trong đó mọi người thương yêu nhau, biết nghĩ đến nhau, giúp đỡ, nhường nhịn nhau và khích lệ nhau nên thánh. Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Thiên Chúa, đâu có Thiên Chúa là đó có Thiên đàng, đâu là chốn Thiên đàng, ở đó có hạnh phúc thật. Vậy nếu trong gia đình có tình yêu thương thì đó chính là Thiên đàng trần thế, và đời sống của gia đình ấy có giá trị truyền giáo rất mạnh. Người ngoài dễ nhận biết và tin thờ Thiên Chúa. Nếu các gia đình biết sống Lời Chúa, thể hiện tình yêu thương thắm thiết ngay trong gia đình mình.

Tuy nhiên, gia đình chỉ có thể sống Lời Chúa nếu biết hâm mộ Lời Chúa: hằng ngày chăm chỉ lắng nghe, tìm hiểu và quyết tâm thực hành trong đời sống cụ thể, trong chính lúc làm việc, học hành và nghỉ ngơi. Giờ kinh tốt của gia đình là cơ hội thuận tiện nhất để học hỏi, suy niệm và tìm cách để áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống.

4/ Những phương pháp giúp sống Lời Chúa

Có nhiều phương pháp giúp mỗi người, gia đình, nhóm,… học hỏi, chia sẻ, suy niệm Lời Chúa, chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa. Ở đây chỉ xin trình bày một vài phương pháp thông dụng:

a) Phương pháp đọc lại Tin mừng (cho cá nhân). Sau Thánh Lễ Chúa nhật, cố gắng đọc hay nhớ lại một câu Kinh Thánh mà mình thích nhất, viết câu đó vào những nơi thường qua lại để tự kỷ ám thị và dựa vào câu đó để kiểm điểm những thái độ, hành vi của mình mỗi ngày một ít phút. Cuối tuần ta kiểm điểm tổng kết.

b) Phương pháp gặp gỡ Lời Chúa (cho cá nhân). Dành từ năm đến mười phút vào mỗi tối, nơi yên tĩnh:

* Đọc một đoạn ngắn Lời Chúa.

* Cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp gặp gỡ Chúa Kitô qua Lời Chúa vừa phán.

* Kiểm điểm

 - Đoạn Lời Chúa đó cho tôi biết gì về Chúa Kitô?

- Qua đoạn Lời Chúa, Chúa nhắc nhở tôi điều gì? Về bổn phận của tôi đối với Chúa, đối với tôi và đối với người khác?

* Sau khi kiểm điểm, bây giờ tôi phải làm gì cho thích hợp với Lời Chúa? Dốc quyết làm một việc cụ thể (Phương pháp này do Đức Cha Alfred Ancel đã phổ biến trong giới thợ thuyền lao động).

c) Gặp gỡ Lời Chúa trong gia đình (áp dụng trong giờ kinh tối của gia đình):

- Lắng nghe Lời Chúa:  tất cả đứng nghe đọc một đoạn Tin Mừng ngắn, kết thúc bằng câu: “Đó là Lời Chúa”. Mọi người đáp: “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa” (Nên thay phiên người đọc. Bài đọc nên chọn bài thích hợp, xem phần chỉ dẫn ở dưới. Khi cần sửa một lỗi nào của con cái, cha mẹ hãy kín đáo chọn đoạn Kinh Thánh nào thích hợp nhất).

- Suy niệm và chia sẻ:

* Im lặng suy nghĩ một lát, hoặc cha mẹ nói mấy lời để hướng dẫn chia sẻ.

* Cha mẹ, con cái, lần lượt nói cảm nghĩ của mình theo đoạn Tin Mừng. Mỗi người khoản một phút. Đây là cơ hội quí báu để huấn luyện Đức Tin cho con cái, khuyên răn chúng ăn ở xứng đáng là con cái Chúa, cũng là dịp thuận tiện để sửa dạy chúng. Hãy dùng lời nói nhẹ nhàng âu yếm dạy con chừa bỏ tính hư tật xấu, và dạy chúng hứa với Chúa quyết tâm sửa mình nên tốt theo Lời Chúa dạy, noi gương Chúa làm. Nên tránh kiểu chửi bới đích danh.

- Kết thúc bằng lời nguyện tự phát. Sau khi đã nghe Lời Chúa, đã suy niệm, chia sẻ để tìm hiểu ý Chúa, bây giờ là lúc ta nói với Chúa những điều dốc quyết làm thay đổi cuộc sống cụ thể hằng ngày và xin ơn Chúa giúp để ta thực hiện được những điều dốc quyết đó.

Trong phần cầu nguyện, mỗi người tự chia sẻ tâm tình sốt sắng của mình cho người khác bằng cách cầu nguyện lớn tiếng, cuối mỗi lời nguyện hãy đọc câu: “Xin Chúa nhậm lời chúng con”. Mọi người hợp ý lặp lại (xem phần chỉ dẫn).

5/ Chia sẻ Tin Mừng (gia đình hay nhóm)

- Khoan thai đọc một đoạn Tin Mừng.

- Thinh lặng một lát để tâm hồn tiếp xúc với Lời Chúa.

- Sau đó, mỗi người tự ý phát biểu (ngồi):

* Phát biểu không theo một thứ tự nào, để người dự được tự do, khỏi có cảm tưởng bị bó buộc nói lên điều mình nghĩ.

* Không bàn cãi chuyện riêng. Buổi chia sẻ Tin Mừng là trường dạy ta nghe kẻ khác, đón nhận kẻ khác và tất cả hiệp thông trong tình yêu Lời Chúa.

* Phát biểu mỗi người tối đa một phút. Sau đó mọi người thinh lặng để suy nghĩ một chút về điều vừa nghe phát biểu, không nên nói ngay.

* Ý tưởng phát biểu phải được phát sinh từ đoạn Tin Mừng vừa nghe, không phải là tiếp tục vấn đề vừa được người khác nói lên, cũng không phải là một ý tưởng ngoài đề tài của đoạn Tin Mừng.

* Cũng có thể lặp lại những câu đánh động ta nhất.

- Kết thúc bằng một lời nguyện tự phát hay một bài hát (nếu tổ chức trong Thánh lễ chỉ nên kéo dài khoảng mười lăm phút, ngoài Thánh lễ thì chừng ba mươi phút).

6/ Chia sẻ kinh nghiệm sống (gia đình, nhóm)

- Đọc một đoạn Tin Mừng. Im lặng một lát…

- Phát biểu: mỗi người tự do phát biểu kinh nghiệm sống của mình liên quan đến đoạn Tin Mừng vừa nghe. Thí dụ: nghe về đức Khiêm nhường thì phát biểu kinh nghiệm sống về đức Khiêm nhường…

- Cần nhất là phát biểu tình trạng tâm hồn: khi hành động mình đã ý thức và thi hành thánh ý Chúa thế nào? Điều gì đánh động mình nhất?

- Tùy theo số người tham dự đã quen với phương pháp ta có thể tiến từ bình diện tự nhiên sang bình diện siêu nhiên: khởi sự từ những kinh nghiệm vui buồn, khó khăn, nhận xét, cảm tưởng,… (thường để phá vỡ mặc cảm đóng kín cá nhân), tới những ý thức, cố gắng, thất bại hay thành công của mình khi sống Lời Chúa.

- Đây không phải là cuộc mổ xẻ hành vi cá nhân hay kiểm thảo với những lời khen, chê, nhưng là nói lên cái gì cụ thể và sống động của chính mình để cùng thông cảm với anh em.

- Luôn chăm chú nghe, đón nhận lời anh em như là Lời của Chúa. Nên giữ một khoảng im lặng ngắn sau khi nghe để ghi nhớ, suy nghĩ về điều vừa nghe.

- Kết thúc bằng lời nguyện tự phát hay một bài hát để tạ ơn, xin Chúa ban sức mạnh, xin Chúa thứ tha,… (phương pháp này đòi hỏi người tham dự phải thành thật, can đảm, vì ai cũng ngại nói đời tư của mình cho người khác nghe. Chính vì thế cần phải nghiêm chỉnh giữ kín những gì nghe được trong lúc chia sẻ, nhất là những kinh nghiệm thất bại).

 


Trở lại      In      Số lần xem: 3419
Tin tức liên quan
  • NHỮNG KINH THƯỜNG ĐỌC TRONG GIA ĐÌNH / NHÀ THỜ .
  • CHƯƠNG 1: QUAN ĐIỂM CÔNG GIÁO VỀ GIA ĐÌNH
  • PHỤ LỤC 2: TÀI LIỆU GIÚP HƯỚNG DẪN GIỜ KINH TỐI
  • LÀ KYTO HỮU ,TÔI CẦN PHẢI LÀM GÌ ?
  • NGHI THỨC TÔN VƯƠNG TRONG CÁC GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO
  • PHỤ LỤC 3: GIÁO LÝ SƠ LƯỢT
  • PHỤ LỤC I: NHỮNG NGHI THỨC CẦN TRONG GIA ĐÌNH CG
  • CHƯƠNG 3 (TT): BÍ TÍCH VÀ GIA ĐÌNH
  • Chương 3: BÍ TÍCH VÀ GIA ĐÌNH
  • Chương 2 (TT): Gia Đình Sống Đạo
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  10
 Hôm nay:  2391
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11405207
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top