Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Ngày Thứ Năm

Đề chủ dẫn: GIÁO DỤC:

PHẦN I: CHUẨN BỊ (như ngày Chúa nhật)

PHẦN II: THÁNH HÓA GIA ĐÌNH:

A)Đề chủ dẫn: GIÁO DỤC:

Phải chăng để khai mào giao ước mới, Con Thiên Chúa phải trở nên “con trẻ”? Luca đã ghi lại tỉ mỉ giai đoạn thiếu thời mà Chúa Giêsu đã vượt qua: một trẻ sơ sinh trong máng lừa (2,12), một con trẻ được dâng hiến trong Đền thờ (2,27), một đứa bé vâng phục cha mẹ, nhưng vẫn độc lập với họ cách bí nhiệm và hoàn toàn tùy thuộc vào Cha người (2,43-51).

Lúc trưởng thành Chúa Giêsu cũng có một lối cư xử như Thiên Chúa đối với trẻ nhỏ, như Thiên Chúa đã chúc phúc cho người nghèo khó, Người cũng chúc phúc cho các trẻ nhỏ (Mt.10,16). Người muốn cho thấy rằng cả hai: nghèo khó và trẻ nhỏ, đều có ưu tiên vào Nước Trời. Trẻ nhỏ tượng trưng những môn đồ đích thực (Nước Trời dành cho những ai giống như chúng) (Mt.19,14)…. Hạnh phúc cho những ai tiếp nhận một trong những trẻ nhỏ này (Mt.18,5) nhưng khốn cho ai khinh chê hay nên gương xấu cho chúng  (18,6-10)

(ĐNTNTK. Tr 299)

B)Ý HƯỚNG THÁNH HÓA:

1) Kính nhớ: Chúa GIÊSU THÁNH THỂ.

2) Thánh hóa: Thiếu nhi, học sinh.

3) Truyền giáo: Những người giáo dục, trí thức.

4) Cầu nguyện: Việc giáo dục nhân bản và Đức tin

5) Bí Tích: Mình Thánh Chúa.

6) Suy niệm: Chúa yêu ta như cha yêu con.

- Mỗi tối nhắc 1 ý hay nhắc tổng quát như sau:

Ngày nay người ta nói đến trẻ em nhiều, và đặt việc giáo dục trẻ em lên hàng đầu. Điều đó dễ hiểu vì tre già măng mọc, thế hệ người lớn nay đang qua đi, để nhường chỗ cho thế hệ trẻ đó lớn lên. Những trách nhiệm quan trọng mà người lớn đang nắm giữ ít năm nữa phải trao lại cho lớp trẻ mà chúng ta đang thấy bây giờ. Hay nói cách khác, chúng ta và những bậc kỳ tài trong nhân loại, những nhà giáo dục cũng như những người thụ huấn hôm nay… trước đây mấy chục năm, cũng chỉ là những đứa trẻ thôi. Nhưng nhờ giáo dục mà một đứa trẻ lớn lên đã có đủ khả năng xây dựng cuộc sống xã hội. Ngày hôm nay dành ra cho chúng ta suy nghĩ về giáo dục trẻ em. Trước hết là cầu nguyện cho các em. Chúa Giêsu có lòng ưu ái đối với trẻ thơ, cái đó dễ hiểu, cha mẹ nào cũng thương con cái. Các nhà giáo dục hy sinh cả đời mình cho thế hệ trẻ, cho tương lai xã hội, thật đáng khen chừng nào. Là cha mẹ, nhà giáo, phụ huynh thì không thể lơ là chuyện này được. Đời sống gương sáng rất quan trọng trong việc giáo dục. Ngôn hành bất nhất thì hỏng. Hãy cầu nguyện, hãy chạy đến với Chúa Giêsu trong Thánh Thần, cha mẹ sẽ biết cách dạy con, cô thầy biết cách dạy trẻ, phụ huynh biết lo cho con em, và các em nhỏ sẽ biết vâng lời chịu khó ngay. Rồi nhờ đó, chính các em sẽ lo cho các bạn mình nên thánh nữa. Thiếu nhi làm tông đồ cho thiếu nhi,… dưới sự hướng dẫn của cha mẹ và người trên.

C)HỌC HỎI:

1) Hát Thánh vịnh: ĐC: Từ các tầng trời (Tv.143)

X.1) Từ các tầng trời, hãy ca tụng Thiên Chúa, hãy ca tụng Chúa trên chốn cao xa. Hãy ca tụng Chúa, hết thảy các Thiên thần, hãy ca tụng Chúa hỡi toàn thể đạo thiên binh.

Đ. Alleluia

X.2) Các vua trên địa cầu và muôn dân thiên hạ, vương hầu và quan xét của thế gian, các thanh niên và trinh nữ, phụ lão với thiếu nhi, hãy ca tụng danh Chúa.

X.3) Vì chỉ có danh Người là cao cả, uy phong, Người vượt khỏi đất trời, Người đã tăng cường cho dân Người.

X.4) Vinh dự cho toàn thể dân thánh Chúa là con cái Israel, dân tộc thân cận của Người.

2) Thánh Kinh: (một người đọc):

Bài trích thơ thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi giáo dân Corinto ( 1Cor.10,16-17).

Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là hiệp thông với Máu Chúa Giêsu sao? Tấm bánh mà chúng ta bỏ ra chẳng phải là thông hiệp vào Mình Chúa sao? Vì chỉ có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần vào cùng một tấm bánh…

Đó là Lời Chúa.       Tạ ơn Chúa.

a/ Quảng diễn vắn tắt:

Việc cử hành tiệc Thánh Thể là thông hiệp vào Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Thánh thể luôn nói lên sự hiệp nhất. Một bánh, Một chén, Một Thân thể, chúng ta nhiều mà tham dự vào “MỘT” đó, đòi hỏi chúng ta nên một trong tinh thần.

b/ Góp ý kiến:

Chúa lập Phép Thánh Thể như thế nào? Chuẩn bị? Thực hiện? Tiếp tục mãi?

Hình ảnh rượu bánh có từ thời Melkisede?

Tình yêu Chúa Kitô được phân phát cho tất cả chúng ta, còn tình yêu của chúng ta như thế nào?

c/ Đúc kết thực hành:

Hãy năng thông hiệp với Thánh Thể để ta kết hợp với Chúa bền chặc hơn, và thân mật hơn.

Sống với Chúa thế nào, ta cũng sống với anh em ta như vậy, hy sinh mình vì mọi người, gần gũi mọi người hơn, thân thiết mọi người hơn.

3) Giáo lý công giáo: (theo sách GLCG)

Bài V (phần II): Bí Tích Thánh Thể.

Bài VI (phần II): Thánh Lễ Misa.

Bài V (phần I): Ngôi Hai xuống thế làm người.

Bài VI (phần I): Ngôi Hai cứu chuộc. (đọc 1,2 câu học thuộc lòng, rồi giải thích và kiểm điểm)…

4) Giáo huấn cộng đồng:

“Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, do phẩm giá con người đều có một quyền bất khả nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục, đáp ứng với sứ mệnh phù hợp với tính của từng người, từng phái, thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời mở rộng sự hợp tác huynh đệ hòa bình trên mặt đất. Vậy nền giáo dục chân chính là việc đào tạo con người, nhằm đạt tới cùng đích của mình cũng như lợi ích của các đoàn thể mà họ là đoàn viên, và họ sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành.”

(Tuyên ngôn về GD Kitô giáo số 1)

“Vì là người truyền sự sống cho con cái nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng, mà vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên, và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi, nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được. Thực vậy chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình có một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để hỗ trợ cho việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội. Do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể. Nhưng đặc biệt trong gia đình Kitô giáo, vì đã nhận lãnh ân sủng cũng như bổn phận của Bí Tích Hôn phối, nên cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ, để chúng nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo đức tin chúng đã đón nhận khi chịu phép Rửa Tội. Chính tại nơi đây con trẻ có kinh nghiệm đầu tiên về xã hội lành mạnh của nhân loại và về Giáo Hội. Sau hết, nhờ gia đình chúng được hướng dẫn dần dần vào cộng đoàn nhân loại cũng như vào dân Thiên Chúa. Bởi vậy cha mẹ phải ý thức sâu xa tầm quan trọng của gia đình Kitô giáo đích thực trong đời sống và đà thăng tiến của Dân Thiên Chúa.

(TN về GD số 3)

+ Sứ điệp gửi giới trí thức, CD nói:

“Xin hãy tiếp tục tìm kiếm không mệt nhọc, không nản chí bao giờ về việc tìm tòi chân lý. Xin nhớ tới lời của một người bạn vĩ đại của quý vị, là Thánh Augustino: Hãy tìm tòi với khát vọng gặp thấy và gặp thấy với khát vọng tìm tòi thêm mãi. Hạnh phúc cho những ai gặp thấy chân lý, vẫn còn đi tìm kiếm mãi để đổi mới, để đào sâu chân lý, và mang chân lý đến cho người khác. Hạnh phúc cho những ai chưa gặp gỡ chân lý nhưng vẫn thành tâm hướng tới chân lý: xin hãy tìm ánh sáng ngày mai, nhờ ánh sáng hôm nay, cho đến bao giờ có ánh sáng chan hòa sung mãn.”

D) THỰC HÀNH:

1) Luật sống: Điều răn thứ V: về lòng thương người

Thương người hay bác ái tiêu cực: không làm hại ai, không nói xấu ai, không làm ngơ trước bất công và đau khổ của tha nhân…

Thương người tích cực: yêu thương giúp đỡ, tôn trọng, nể vì, bênh vực, muốn và làm điều có lợi cho người khác.

Thương người như thể thương thân, như Chúa thương ta, ta yêu Chúa nơi mọi người không trừ ai.

2) Tu đức:

Tập vâng lời chịu khó: Chúa làm gương cho ta, khi Chúa vâng lời Đức Chúa Cha cho đến chết trên thập giá, khi Chúa vâng lời Thánh Giuse và Đức Mẹ tại Nazareth. Muốn vâng lời phải kiêm tốn, phải chịu khó, phải quên mình đi.

Coi mình là quan trọng thì khó vâng lời.

Không thật lòng vâng lời thì không phải là đức vâng lời (nhân đức vâng lời phải có lòng mến mộ thật).

3) Gương sống Thánh:

Những vị Thánh có tinh thần vâng lời và mộ mến Thánh Thể như: Thánh Đaminh Savio, T.xisio , Teresa HĐ, Goretti, Phaolo Bột, Pio X, Don Bosco…

*** Riêng Thánh trẻ Savio:

Là mẫu gương của Thiếu nhi, Savio luôn luôn sống trong đức vâng lời, vâng lời mẹ không chơi với bạn xấu, chịu khó học hành. Vâng lời thầy dạy, chăm chỉ bài vở. Vâng lời Cha Don Bosco hoàn toàn để cha dẫn dắt trên đường nên thánh. Savio đã làm Thánh vì biết vâng lời có lẽ Savio đã học vâng lời nhiều nhất nơi Chúa Giêsu Thánh Thể. Yêu Chúa hết lòng và không hề làm gì mất lòng Chúa “Thà chết chứ KHÔNG PHẠM TỘI”.

Theo gương Savio:

Muốn nên Thánh, ta hãy sống vâng lời: vâng giữ luật Chúa, nghe theo lời dạy của Bề trên thay mặt Chúa trong Giáo Hội.

E) Ý NGUYỆN CHUNG:

1) Đề nghị điều dốc quyết: Tôi quyết thực hiện bác ái với mọi người, đặc biệt trong gia đình tôi và lối xóm của tôi. Không bao giờ nói xấu ai cả.

2) Lời nguyện chung:

ND. Vì yêu thương chúng ta, Chúa đã lập nên Bí Tích Thánh Thể, để Người trở nên của ăn uống nuôi sống linh hồn và cũng để Người ở gần gũi ta mỗi ngày cho đến tận thế. Nhưng để thực hiện Bí Tích tình yêu này cần có chức Linh mục. Cho nên Chúa đã lập chức Linh mục cho loài người. Linh mục cũng góp phần đặc biệt trong việc giáo dục thanh thiếu niên, thiếu nhi, trẻ em… để chuẩn bị đón nhận Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho công cuộc này:

X.1) Trước hết chúng ta hãy tạ ơn Chúa, mà vì yêu thương chúng ta, Chúa đã lập Phép Thánh Thể để ở với chúng ta. Xin cho mọi người được lòng mến Thánh Thể Chúa. Ai yêu mến Thánh Thể Chúa, thì cũng quý mến chức Linh mục. Vì không có Linh mục thì không có Thánh Thể. Chúng ta cùng cầu xin.

Đ. Xin Chúa nhậm lời chúng con.

X.2) Các cha mẹ và các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục là những người đang trực tiếp lo cho thế hệ tương lai nơi con em các gia đình. Xin Chúa ban cho họ được ơn khôn ngoan, lòng dũng cảm, chí cương quyết để thực hiện công cuộc giáo dục này được kết quả tốt đẹp. Chúng ta cùng cầu xin.

X.3) Chúa Giêsu xưa kia rất yêu quý trẻ nhỏ vì các em đơn sơ sạch tội, biết vâng lời, chịu khó, những ai giống được như những trẻ nhỏ đó, thì sẽ được Chúa yêu thương và xứng đáng gia nhập Nước Trời. Xin Chúa gìn giữ các trẻ em, đừng để các em bị lôi cuốn bởi gương mù gương xấu nơi những người lớn xấu nết chung quanh. Chúng ta cùng cầu xin.

X.4) Xin Chúa ban cho các trẻ em được giáo dục đầy đủ về Đức Tin Kitô giáo, xin cho các em mồ côi được nâng đỡ xác hồn. Xin cho các trẻ em tàn tật được mọi người thương mến, xin cho những trẻ em nghèo được ăn học đầy đủ. Xin cho những trẻ em đói khổ hàng ngày phải lao động cực nhọc cũng được sống xứng đáng nhân - phẩm của mình. Chúng ta cùng cầu xin.

X.5) Xin Chúa ban cho con em chúng ta luôn sống ngoan ngoãn, vâng lời, chịu khó, biết quảng đại làm tông đồ, biết nghĩ đến người khác hơn nghĩ đến mình. Xin cho các trẻ em ngoại giáo được ơn biết Chúa. Xin cho người lớn biết tôn trọng trẻ em và nêu gương sáng cho các em noi theo. Chúng ta cùng cầu xin.

+++ Lạy Chúa, nơi trẻ em có nhiều đức tính cao quý mà người lớn đã đánh mất, như ngay thẳng, thành thật, đơn sơ, sạch tội, tín nhiệm, vâng lời. Xin Chúa thương gìn giữ các trẻ em luôn sống đẹp lòng Chúa trong suốt cuộc đời các em.

Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

PHẦN III:TÔN SÙNG ĐỨC MẸ (như ngày Chúa nhật)

PHẦN IV:CẦU HỒN:

1) Gợi ý:

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những linh hồn nơi luyện ngục, nhất là những linh hồn ông bà, cha mẹ, thân nhân chúng ta. Có những ân nhân mà chúng ta không bao giờ quên được họ, đó là những người đã góp phần dạy dỗ giáo dục chúng ta nên người như hôm nay. Họ đã chết, họ là ân nhân ta phải biết ơn họ. Xin Chúa thương đến những linh hồn đó. Xin Chúa trả ơn cho họ xứng đáng.

2) Lời cầu hồn:

Lạy Chúa, xin thương đến những linh hồn đã an nghỉ trong Chúa, nhất là những linh hồn ân nhân tinh thần của chúng con, nhờ công ơn giáo dục của họ, mà chúng con biết Chúa và phụng sự Chúa. Xin cho họ sớm được về trời, và được phần thưởng xứng đáng. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

3) Kinh vực sâu: (hay hát cầu hồn)

PHẦN V: KẾT THÚC

1) Lời Chúa giáo huấn: (1Tx.5,23)

Nguyện chính Thiên Chúa Bình An thánh hóa toàn diện con người anh em, để Thần trí tâm hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ngự đến.

2) Lời nguyện ban tối: Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con, sau một ngày làm việc vất vả, xin cho chúng con nghỉ ngơi lại sức, để nhờ ơn Chúa luôn bồi dưỡng, chúng con hiến dâng trọn xác hồn phụng sự Ngài.

Nhờ Đức Kitô Chúa… Amen.

3) Lời chúc lành:

Xin Thiên Chúa toàn năng ban cho ta nghỉ đêm yên lành và kết thúc cuộc đời viên mãn.

Amen.


Trở lại      In      Số lần xem: 2264
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  5
 Hôm nay:  432
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11350736
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top