Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Những điều cấm kỵ trong tu dưỡng đạo đức

1- KỴ SỰ GIẢ DỐI LẠNH NHẠT

Một con người có trái tim lạnh giá thì cuộc sống của họ sẽ không có ước mơ, tình thương và lòng nhiệt tình chân thật.

Cá tính lạnh nhạt được chia làm 3 dạng:

 

- Có người chịu quá nhiều đau khổ trong cuộc sống, họ cố tình làm ra vẻ lạnh nhạt để che đậy và bảo vệ chút hi vọng còn lại trong tim.

- Có người mất niềm tin trong cuộc sống vào những người xung quanh, họ cảm thấy ai cũng giả dối, sự chân thành của họ bị tổn thương nghiêm trọng.

- Còn dạng người cuối cùng là lạnh nhạt do bẩm sinh. Tự tư tự lợi là qui tắc bất di bất dịch của họ, họ không những lạnh nhạt ở vẻ mặt mà còn giả dối trong cả cử chỉ và trong tận đáy lòng.

Một cuộc sống đầy đủ và có giá trị, cần phải xây dựng trên cơ sở của sự nhiệt tình và chân thật. Lạnh nhạt sẽ khiến con người mất đi vẻ vui tươi hạnh phúc. Cuộc đời hầu như chỉ còn là giấc mơ hão huyền.

Làm thế nào để xóa đi nỗi lạnh nhạt kia?

Xin đề xuất vài qui tắc để các bạn tham khảo:

1/ Giữ nếp sống hóm hỉnh vui tươi. Tôi từng thấy một mẫu quảng cáo ở một cửa tiệm nọ: “Hãy đến dùng cơm ở chỗ chúng tôi, nếu không tôi và bạn đều bị đói”. Lời lẽ hóm hỉnh cho thấy chủ tiệm và người vui tính. Mẫu quảng cáo này vừa khơi dậy nhu cầu ăn của khách, đồng thời toát lên một tình cảm đằm thắm giữa chủ tiệm và khách hàng.

2/ Nhiệt tình trong công việc. Sự thật cho thấy, những ai không yêu thích công việc của mình sẽ sinh ra thái độ máy móc và lạnh nhạt. Điều này dẫn đến tác hại về sức khỏe và tâm lý. Trái lại ai luôn cảm thấy hứng thú trong cuộc sống, người đó sẽ rất nhiệt tình, chân thật trong mọi quan hệ xã hội.

3/ Giao du kết bạn. Nếu bạn tích cực tham dự vào cuộc sống, cuộc sống vui tươi sẽ luôn ở bên cạnh bạn. Khi bạn chỉ quay nhìn quá khứ, không có ước vọng ở tương lai, bạn sẽ dần dần già nua, trở nên lạnh nhạt và giả dối.

4/ Tự tin lành mạnh, tránh nghi ngờ người khác. Đa nghi là thiếu niềm tin ở chính mình và với mọi người. Con người nhiệt tình chân thật luôn yêu đời, vui tươi. Một con người luôn bị dằn vặt bởi mối nghi ngờ lo âu, họ sẽ chẳng bao giờ có niềm vui.

 

2- KỴ SỰ CHỊU ĐỰNG VÀ Ở ẨN

Đây là sự tự lừa dối mình và lừa dối người khác, nhưng chịu đựng tuy có làm dịu đi cơn giận trong lòng, nhưng lâu ngày tích tụ, khi bộc phát hậu quả sẽ không lường. Ở ẩn càng là sự không tưởng và hoang đường.

Tóm lại, đôi khi nổi nóng cũng có điều tốt như sau:

1/ Thư giãn tinh thần: Cuộc sống quá căng thẳng, khiến thần kinh chịu áp lực quá nặng, rất cần có chỗ điều tiết, xả hơi và thư giãn. Ở Hoa Kỳ có một câu lạc bộ để bạn trút cơn giận, chuyên để cho những ai cảm thấy tâm trạng căng thẳng tìm đến giải khuây, tìm lại thăng bằng trước khi ra về.

2/ Làm nảy sinh ý nghĩa sáng tạo: Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng: Ta chấp nhận đôi khi cần có sự nổi nóng để tạo sự cân bằng về tâm lý. Nhưng điều này phải được xây dựng trên cơ sở bình đẳng và thành khẩn, không được gây sự hoặc cố tình kích động.

Hơn nữa, các bạn trẻ có thể chuyển sự chú ý vào các sáng tác âm nhạc, hội họa và sách vở, để tìm cách điều tiết tâm lý, cho cơn nóng giận trôi đi, để không gây trở ngại đối với người khác.

 

3- KỴ SỰ SỢ HÃI KHI GẶP TRỞ NGẠI

Con người nếu không dám nhìn nhận và chịu đựng khó khăn, sẽ luôn sống trong tâm trạng đau khổ, tinh thần hỗn loạn, thậm chí sinh ra bệnh tật. Tuy nhiên cũng có người không chịu khuất phục trước sự khó khăn, trở ngại mà cố gắng chịu đựng tìm cách vượt qua.

Nhìn nhận chính xác những trở ngại, bạn sẽ khắc phục được tâm trạng lo âu buồn bã. Điều đó có tác dụng giữ gìn sức khỏe cho tâm lý và cơ thể của bạn.

Biện pháp như sau:

1/ Xây dựng nhân sinh quan đúng đắn, thế giới quan chính xác. Những ai có cái nhìn lý tưởng, tích cực đối với xã hội và cuộc sống, thì sức chịu đựng trở ngại của họ sẽ rất lớn.

2/ Nếu gặp phải những trở ngại khó tránh và lớn lao như “sinh, lão, bệnh, tử” hoặc thiên tai, cần phải nhận biết đây là qui luật tự nhiên khó chống đỡ, để tự nhắc nhở chính mình chấp nhận với tâm trạng điềm đạm.

3/ Học cách trút bỏ giận dữ, tạo sự thăng hoa và chuyển dịch sự chú ý, như tham gia hoạt động văn thể mỹ, du lịch,..

4/ Chấp nhận trở ngại vì đây là điều khó tránh trong cuộc đời, phân tích nguyên nhân thất bại, tìm ra bài học kinh nghiệm và tiếp tục tiến lên.

5/ Thay đổi khung cảnh sống, tham gia các hoạt động ngoài trời như du lịch, ngắm cảnh, leo núi,.. để tinh thần phấn chấn, mở rộng tầm nhìn, vừa thư giãn tinh thần vừa rèn luyện sức lực, thay đổi tâm trạng và giữ gìn sức khỏe.

 

4- KỴ TÂM LÝ LỆ THUỘC

Trong cuộc sống, có nhiều người bất giác đưa linh hồn mình cho kẻ khác khống chế. Đó là một tâm lý lệ thuộc khiến cho họ đi đứng và làm việc trái với ý nguyện của mình một cách bất đắc dĩ.

1/ Lệ thuộc vào sự đánh giá của người khác:

“Người khác sẽ nghĩ về mình như thế nào?” đó là một hình thái tâm lý phổ biến, nó như một nhà tù kìm hãm sức sáng tạo và khả năng về nhân cách của bạn. Điều này cũng giải thích được tại sao có nhiều người trên đời lại thích theo đuôi người khác. Tham khảo ý kiến người khác là cần thiết, nhưng người đó phải là cố vấn chuyên muôn, mới đem lại tư vấn tốt cho bạn, và trước khi hành động, bạn cũng phải tự mình đưa ra quyết định cuối cùng.

2/ Lệ thuộc vào định mệnh thất bại:

Tâm trạng này cũng khá phổ biến. Đó là tâm lý xem nhẹ mình, cho rằng mình kém cỏi, thua thiệt hơn người khác nên cảm thấy mọi người xung quanh ghét bỏ mình,…

Qua điều tra phát hiện, người ta thấy rằng suy nghĩ của bản thân mỗi người thật sự có ảnh hưởng đến sự phát triển của sự việc. Ví dụ, nếu tự cho mình thiếu khả năng, không chú tâm đến công việc, bạn tất nhiên không thể đi đến thành công mà càng thất bại, con người càng mất niềm tin. Cuối cùng thì suy nghĩ của bản thân đã trở thành sự thật.

Muốn khắc phục nhược điểm này, ta cần thay đổi sự suy nghĩ, có một nguyên tắc đã nêu rõ: Khi con người nghĩ mình ra sao, thì nó sẽ như vậy.

3/ Tự cho rằng mình đã đánh mất cơ hội và thời gian:

Ví dụ như: Tuy mới 26 tuổi mà đã cho là mình đã già, không thể vào trường đại học; ở góa ở tuổi 40, đã tưởng mình hết thời, không thể tái giá.

4/ Tâm lý cầu an không muốn thay đổi:

Đặc trưng của loại tâm lý này là khả năng sử dụng trí tưởng tượng kém cỏi. Họ lo lắng trước những điều bất hạnh sẽ xảy ra nên họ cố giữ lấy cảm giác an toàn. Với những người sống có mục đích cao xa, giỏi điều tiết trí tưởng tượng họ sẽ luôn nghĩ về sự vật một cách tốt đẹp và sống hạnh phúc. Thực ra, cuộc sống không tránh khỏi những điều bất trắc, nếu chỉ giậm chân tại chỗ, khoa học khó có thể phát triển. Mà loài người cũng là kết quả phấn đấu không ngừng, để xóa đi những trở ngại, những bất trắc vốn có.

5/ Lệ thuộc vào sự sai lầm của quá khứ:

Bị ám ảnh bởi sự thất bại đã qua, những người này sợ tìm đến cái mới. Họ không nắm được chân lý: “Thất bại là mẹ của thành công”, nên không biết tìm ra bài học kinh nghiệm.

Sự lệ thuộc này làm cho họ tự bó buộc, khó có thể vươn lên được.

6/ Lệ thuộc vào hoàn cảnh:

Hoàn cảnh có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ nhìn nhận sự việc và triết lý sống. Nó có thể trở thành sức mạnh kìm hãm hao mòn nhiệt tình công tác và lý tưởng phấn đấu của bạn, thậm chí nó còn làm nhân cách bạn bị méo mó.

Dưới đây xin đề xuất 14 biện pháp, giúp bạn xóa đi tâm trạng lệ thuộc gò bó, dám đối mặt với những thử thách, để tiến lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp.

a/ Bốn biện pháp tránh lệ thuộc vào người khác:

- Người khác chẳng phải kẻ tiên tri. Vì vậy không nên rập khuôn theo họ, bạn cứ sống theo ý muốn và cách thức của mình, chỉ cần điều đó không làm hại đến xã hội và người khác.

- Đừng sợ bị người khác chê trách.

- Kết bạn với những người dám nghĩ dám làm, giúp đỡ lẫn nhau và có cùng chí hướng.

- Nên nghĩ rằng: Mọi người ai cũng có nỗi lo riêng. Họ cũng đau khổ như mình mà thôi.

b/ Ba biện pháp phá vỡ xiềng xích của “Định mệnh thất bại”.

- Khi tự hỏi lòng mình, cần giữ thái độ rất tốt, tích cực và có tính xây dựng, cố gắng suy nghĩa: “Làm sao để thực hiện được”, đừng quanh quẩn trong tâm trạng: “Sao không thực hiện được”, tránh hao phí sức lực.

Con người thường bỏ qua những sáng kiến bất ngờ của minh. Nguyên nhân chính là sợ bị người khác xem thường những sáng kiến đó.

- Phải luôn nghĩ: “Tôi sẽ thành công” chứ không phải là thất bại, khi bạn nghĩ nhiều đến thành công, đầu óc bạn sẽ vận động theo chiều hướng tốt đẹp.

- Phải luôn nghĩ: “Tôi là người thắng lợi”, không phải là kẻ thất bại.

c/ Hai biện pháp ngăn chặn suy nghĩ: “Quá muộn màng”.

- Quan sát những người có cuộc sống vui vẻ, sôi nổi, xem họ là tấm gương sáng để noi theo. Việc xem nhẹ “hạn chế về tuổi tác” sẽ giúp ta giải tỏa được tâm lý trên.

- Trong cuộc sống không được lười biếng cầu an, phải quyết tâm phấn đấu đến hơi thở cuối cùng.

d/ Hai biện pháp khắc phục “Tâm lý cầu an”:

- Tập cho mình thói quen sống linh hoạt lạc quan yêu đời.

- Thích thách thức với khó khăn, đón tiếp tương lại một cách can đảm.

e/  Hai biện pháp xóa đi sự lệ thuộc vào sai lầm của quá khứ:

- Xem mọi thất bại và tổn thất là bài học kinh nghiệm. Đừng quá ân hận giày vò về những sai lầm đã qua, nhất là sai lầm được phát hiện kịp thời. Không nên vì thất bại của quá khứ mà để mất ý chí.

- Hãy ghi nhớ, cảm giác về sự thành công hoặc thắng lợi chỉ là trạng thái tâm lý, chỉ cần biết tìm ra bài học bổ ích, thì có khi thất bại và tổn thất là điều bổ ích.

f/ Muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào hoàn cảnh, bạn hãy hạ quyết tâm chế ngự cho được hoàn cảnh.

 

5- KỴ VIỆC THIẾU SỨC CHỊU ĐỰNG

 Cuộc đời chẳng bao giờ thuận buồm xuôi gió. Không phải tất cả nguyện vọng đều được thực hiện, cũng chưa chắc không thể sửa đổi hoặc rời bỏ. Tăng sức chịu đựng là cách làm tiêu tan tâm trạng tuyệt vọng tốt nhất.

Có 5 biện pháp làm tăng sức chịu đựng:

1/ Thăng hoa: Sau khi gặp trắc trở, nếu chúng ta vẫn tiếp tục phấn đấu, chuyển tình cảm sức lực sang hoạt động có ích, là một sự tự vệ tích cực nhất.

2/ Bù đắp: Nếu mục tiêu trước đó bị trục trặc, ta có thể tìm hướng đi khác, hoặc đổi mục tiêu mới, tìm đến thắng lợi mới.

3/  Trút bầu tâm sự: Trút hết tâm trạng buồn bã, ủ rũ khi gặp ngang trái, để lòng được thanh thản. Ta có thể tìm người thân hoặc bạn bè tâm sự, cũng có thể gào thét một mình nơi hoang vắng. Tham gia các hoạt động mình yêu thích hoặc luyện tập thể thao cũng có tác dụng làm cân bằng trạng thái tâm lý.

4/ Tạo niềm hy vọng: hãy nhìn về phía trước để tìm đến sự an ủi từ tương lai.

5/ Thỏa mãn:  Mỗi người đều có thể căn cứ vào khả năng thực tế và sức lực của mình để tự thỏa mãn yêu cầu: Đừng ước quá cao những gì khó với tới mà chỉ nên thỏa mãn những gì có thể được. Hãy để sự mất mát qua đi, như vậy bạn sẽ bớt phiền não.

Hãy nhìn thẳng vào sự ngang trái, chỉ cần ngẩng cao đầu, đi về phía ánh sáng, bóng đen sẽ bị bỏ lại phía sau bạn.

 

6- KỴ SỰ NẢN LÒNG

Sự nản lòng có sức phá hoại rất lớn, làm ảnh hưởng đến bước đi, đường phấn đấu của bạn. Ta cần tìm rõ nguyên nhân dẫn đến sự nhụt chí, nản lòng.

1/ Sự sợ hãi: Chúng ta lớn lên trong một thế  giới luôn biến động. Tất cả đều có thể khiến mình sợ hãi, dù là người may mắn nhất cũng không tránh khỏi. Nếu bạn luôn sống trong tâm trạng lo sợ, bạn sẽ không đủ can đảm để bước tới.

Không nên xem tâm trạng lo âu và căng thẳng là sự sợ hãi. Khi bạn đã định ra mục tiêu, chỉ vì tạm thời chưa chọn được trong quá trình sáng tạo, và vậy bạn vẫn có niềm tin. Chỉ khi nào bạn mất đi mục tiêu phấn đấu, lúc đó mới thực sự đáng sợ.

2/ Sự lùi bước: Là yếu tố cơ bản của sự nản lòng, là xu hướng đi ngược lại với cuộc sống tự nhiên.

Thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức để đi tiếp, là hữu ích cần thiết, điều đó khác với lùi bước hoặc chùn bước.

Nếu bạn dừng chân, rồi lùi bước thì dù thế nào, bạn cũng chỉ là kẻ chạy trốn cuộc sống và hiện thực, không tránh khỏi con đường tự hủy diệt.

3/ Ảo tưởng về ngày mai: Bạn mong rằng tương lai sẽ có cuộc sống tốt đẹp, mục tiêu sẽ dễ thực hiện, trở ngại không tồn lại… Tất cả đều là ảo vọng. Tư tưởng này khiến bạn ngày càng tiêu cực và lười biếng, không còn đặt ra mục tiêu để phấn đấu thực hiện.

4/ Phản bội chính mình: Tự mình bước vào cạm bẫy của sự đuối chí, tiêu cực, không cố gắng, không sôi nổi, tự phản bội lời hứa phấn đấu của mình và trách nhiệm đối với xã hội, bạn sẽ tự đánh mất giá trị tồn tại của bản thân.

5/ Chạy trốn khổ đau và phiền muộn: Đổ tội cho định mệnh may rủi.

6/ Đè nén: Hạn chế tiếp xúc với cuộc sống sôi nổi, sống trong tâm trạng buồn tẻ u uất.

7/ Tinh thần tiêu cực: Con người cần chú ý “vệ sinh cơ thể”. Nhưng ít ai xem trọng “vệ sinh tâm lý”. Nên đa số có tâm trạng: “tôi đã già, đã hết thời”, “tôi không thể tham gia việc đó”… Chính suy nghĩ tiêu cực này khiến người ta dễ nản lòng.

Nếu bạn cứ nhắc lại mãi những điều thất bại trước đây dần dần bạn sẽ có thói quen, nản lòng nhụt chí. Bạn phải tránh xa nó càng nhanh càng tốt.

 

7- KỴ SỰ NHỤT CHÍ

Nhiều bạn trẻ viết thư đến báo đài, than rằng vì gặp trắc trở trong sự nghiệp và tình yêu, nên nản lòng, nhụt chí. Cuộc sống trở thành một chuỗi dài những đau khổ.  Phải! Khi ta để sự nhụt chí trở thành căn bệnh mãn tính thì tính cách dần dần bị khuyết tật, bạn chẳng thể khôi phục lại được thái độ vui tươi như trước.

Theo các nhà tâm lý học, con người nhụt chí thường hay thay đổi quan niệm sống, rồi thay đổi cử chỉ hành động. Cho nên, muốn khắc phục khuyết tật này, trước hết cần làm rõ điều gì khiến bạn thay đổi quan niệm sống? Ví dụ, bạn nhụt chí là vì thi rớt hoặc thất tình? Cần phân tích cơ sở của tâm lý trong thực tế cuộc sống và trưởng thành, mới có thể phát hiện được bạn nhụt chí về điều gì.

Muốn thoát khỏi tâm trạng nản chí vốn có, bạn phải xây dựng niềm tin, sự lạc quan vui vẻ để tinh thần phấn chấn, tự tin hơn. Các nhà tâm lý học khuyên rằng: Chớ nên cười ngạo, cười ruồi, vì nụ cười đó không mang lại tâm trạng vui tươi. Phải cười mỉm, rồi cười sảng khoái, cười lớn. Nếu bạn chưa nghĩ ra những gì để cười thì trước hết hãy mỉm cười để cho tâm trạng tỉnh táo.

Nụ cười là tiêu chí cho sự tự tin, cũng là phép tắc xã giao, khiến cho người ta dễ có cảm giác thân thiện với bạn. Nụ cười còn có tác dụng xoa dịu sự căng thẳng của bạn.

Muốn làm tan biến sự chán nản về tâm chí, bạn nên tìm cách để mình được vui cười, tốt nhất là được cười to trong vài giờ, để nội tâm rộn ràng niềm vui, giữ được nét ngây thơ, hồn nhiên.

Muốn thoát khỏi bóng tối của sự bị quan, hãy cố gắng khai thác niềm vui trong cuộc sống, như nghe một bài hát hay, cắm một cành hoa đẹp, tản bộ dưới ánh tráng, tâm tình với bạn bè,… tất cả sẽ giúp bạn có được nụ cười tươi và một tâm hồn nhẹ nhõm.

 

8- KỴ SỰ PHIỀN MUỘN

 Phiền muộn là một căn bệnh tinh thần. Triệu chứng thường là ủ rủ, mất niềm tin, nóng nảy, ăn uống thất thường, mất ngủ, cô độc, không thích kết bạn,…

Làm thế nào để điều trị bệnh này, xin bạn tham khảo năm cách dưới đây:

1/ Rèn luyện sức khỏe: Thể thao sẽ làm thay đổi hàm lượng Hóocmôn của máu, tăng chất hóa học trong não, cải thiện hệ thống thần kinh.

Những bài tập trị liệu bệnh phiền muộn thường là môn thể thao cần lượng ôxy cao như chạy bộ, nhảy dây, thể dục nhịp điệu… hằng tuần tập 3 đến 5 lần, 1 lần 15-20 phút. Bạn có thể chạy bộ 600m trong 15 phút, rồi tăng cường đến 2000m/30 phút.

2/ Cải thiện dinh dưỡng: Trong các chất dinh dưỡng, Vitamin và Acid amin là những chất rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần. Cho nên bác sĩ thường xuyên khuyên nên ăn nhiều chất giàu Vitamin B như ngũ cốc, cá, rau, trứng và các loại thuốc Vitamin.

3/ Xem xét vấn đề bằng 2 cách: Một là chủ quan, hai là khách quan. Ví dụ khi bạn nghĩ rằng: “Lúc nãy ở ngoài phố mình gặp một người quen, anh ta chẳng thèm chào hỏi, có phải anh ta đang giận mình?”. Bạn hãy nghĩ cách khác, khách quan hơn: “Có lẽ anh ta không nhìn thấy mình, hoặc đang mải mê suy nghĩ vấn đề gì đó nên không chào hỏi!”. Nhìn vấn đề bằng hai mặt, bạn sẽ bớt được sự thiên kiến để cho tấm lòng rộng mở.

4/ Dặt ra thời gian biểu sinh hoạt hợp lý: Làm việc và nghỉ ngơi theo quy định, không uống rượu khi ăn cơm, ngủ sớm, nghỉ sớm.

5/ Mở rộng giao thiệp: Mở rộng quan hệ với người khác, khiến tâm trạng vui tươi. Tốt nhất là kết được bạn tâm giao, nếu chưa gặp được thì cũng có bạn trò chuyện tâm sự để giải khuây.

 

9- KỴ TÂM LÝ CÔ ĐỘC

 Cảm giác cô độc, thường là do không được ai giúp đỡ, không ai thông cảm, không có đối tượng để giao du.. Đây là sự cô độc ngoại tại, chỉ cần thay đổi điều kiện nào đó, cảm giác cô độc sẽ biến mất.

Nếu là cô độc nội tâm thì sao? Bạn hãy thử biện pháp sau đây:

1/ Tự cởi mở: Chủ động và chân thành giao du với người khác, quan tâm đến người khác, bạn sẽ tìm được nhiều bạn bè, sự cô độc sẽ biến mất.

2/ Hòa đồng với tập thể: Khắc phục tính cao ngạo hoặc tự ty, tự tìm hiểu bản thân, tập thể và chủ động quan hệ với mọi người, sống trong cuộc sống tập thể quan tâm chan hòa với đám đông, bạn sẽ hết cô độc.

3/ Tìm cách bù đắp: Khả năng bù đắp của con người rất mạnh. Khi bạn thấy cô độc, hãy tự làm  giàu cuộc sống tinh thần của mình như nghe nhạc, xim phim, học vẽ.. để bù đắp vào khoảng trống cô độc vì việc giao du kết bạn thất bại. Làm bạn với tri thức, làm nảy nở sức sáng tạo, sẽ giúp bạn xoa dịu được cảm giác cô độc.

 

10- KỴ CÁ TÍNH LẬP DỊ

Người có cá tính lập dị là người trong quan hệ xử thế có những phản ứng tình cảm và hành vi ý thức, trái ngược với mọi người và cuộc sống xung quanh.

Cá tính lập dị được phân ra nhiều dạng:

1/ Dạng cố chấp: Chủ quan, cố chấp, đa nghi, hẹp hòi và thích trả đũa. Loại người này thường tự cao, khi gặp trở ngại lại trở nên tự ty, dễ sinh mâu thuẫn với cấp trên và đồng nghiệp, thích gây sự một cách vô lý.

2/ Dạng phân biệt: Tính cô độc, cử chỉ lời nói quái dị, nhạy cảm đa nghi, đối xử với người khác rất lạnh nhạt, có lúc phóng đãng khinh đời, thích suy nghĩ vẩn vơ, hay giam mình trong công việc nghiên cứu, đôi lúc có thể tạo ra kết quả có giá trị.

3/ Dạng tình cảm: Gồm  dạng nóng nảy và dạng phiền muộn. Dạng đầu, luôn hưng phân, thích kết bạn giao thiệp, nhưng biểu hiện thường nóng nảy, nông cạn, thiếu thận trọng, không đầu không đuôi. Dạng sau thuộc loại phiền muộn thiếu quyết đoán, đa sầu đa cảm.

4/ Dạng ép buộc: Tính gò bó, cố chấp, rập khuôn, luôn có yêu cầu quá khiêm khắc với mình và người khác. Có tính hà tiện, sạch sẽ quá đáng, ưa cầu toàn. Nếu không như ý, tỏ ra lo lắng bồn chồn.

5/ Dạng tâm thần: Ấu trĩ, tâm trạng thiếu ổn định, ích kỷ, ý chí bạc nhược, dễ bị lừa gạt. Dạng người này thích ảo tưởng, dễ khóc dễ cười thích chơi trội trước đám đông.

6/ Dạng suy nhược thần kinh: Tỏ ra thiếu quyết đoán, thường do dự, thiếu tự tin, làm việc tùy hứng, rất đa nghi và dễ nổi nóng, thiếu hoạt động ý chí, sức tập trung kém, phản ứng chậm.

Còn nhiều dạng khác như: Vô kỷ luật, hiếu thắng, ỷ lại, ngược đãi và bị ngược đãi, tất cả  đều mang lại sự phiền phức cho gia đình và xã hội thậm chí dẫn đến phạm tội.

Một khi cá tính lập dị hình thành sẽ khó sửa đổi, bạn nên cần đề phòng, chú ý “vệ sinh tâm trí” lúc còn nhỏ tuổi. Nhưng nếu đã thành tính cách như vậy cũng đừng nản chí, chỉ cần có quyết tâm và nghị lực, bạn vẫn có hy vọng sửa đổi. Có thể làm các việc sau đây:

Tăng cường sức khỏe, làm phong phú cuộc sống. Tạo nên thói quen tốt, để khắc phục điểm yếu trong quá trình đào luyện tính tình.

Khi gặp mâu thuẫn, cần xử lý một cách bình tĩnh, đừng để mâu thuẫn gây nên tâm trạng bất an. “Tạm lánh mâu thuẫn”, để tìm ra nguyên nhân chủ quan tạo trạng thái bình tĩnh, ôn hòa.

Trị liệu về tâm lý: Tìm sự giúp đỡ của bác sĩ tâm thần và tâm lý, uống thuốc phụ trợ.

 

11- KỴ CÁ TÍNH CỐ CHẤP

Đặc điểm của cá tính cố chấp là tự đánh giá quá cao về mình, ưa đổ lỗi cho người khác, hiếu thắng, sợ bị phê bình, nhìn vấn đề một cách phiến diện chủ quan, đồng thời cũng dễ tự ty, đố kỵ; khi gặp thất bại thì dễ tha thứ cho chính mình và đổ lỗi cho người khác. Họ thường cho rằng mình là vật hy sinh cho âm mưu của kẻ khác, nên họ thường có ánh mắt hoài nghi trong cái nhìn đối với sự việc. Tuổi thanh niên có cá tính như vậy, thường thì được gia đình quá chiều chuộng, nhiều lúc họ biết mình sai lầm, nhưng vì sĩ diện họ thường không chịu sửa đổi.

Dạng cá tính này khiến con người trở nên đa nghi, thường cho rằng người khác ganh ghét mình, nên tạo ra nhiều sự hiểu lầm không cần thiết, ảnh hưởng đến sự đoàn kết. Khi gặp nghịch cảnh, cá tính này sẽ trầm trọng đến nỗi trở thành bệnh tâm thần. Cần phải chú ý dự phòng bằng cách:

1/ Xác lập thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, vạch ra mục tiêu đeo đuổi suốt đời. Điều này sẽ giúp bạn nhận biết chính xác quan hệ của bản thân với hiện thực cuộc sống, phát hiện thiếu sót của mình tìm cách sửa đổi, rèn luyện, bồi đắp, tu dưỡng tri thức văn hóa, thẩm mỹ, giao thiệp, khi có nhu cầu tinh thần cao thượng thì cuộc sống sẽ trở nên phong phú tích cực, hướng thượng.

2/ Cha mẹ giáo dục rèn luyện cho con cái từ nhỏ, tránh hình thành cá tính cố chấp.

3/ Nếu biết bản thân có khuyết điểm trên, nên cố gắng sửa đổi bằng cách đặt niềm tin ở người khác, tôn trọng sự thật, khiêm tốn, bỏ qua sơ sót của người khác, khắc phục tư duy phiến diện.

4/ Tập luyện năng lực tự kiềm chế.

5/ Chấn chỉnh kịp thời nếu thói quen có những hành vi xấu nêu trên.

 

12- KỴ SỰ THIẾU CHỦ KIẾN

Thiếu chủ kiến trong cuộc sống, dễ gây nên tình trạng lúng túng khó xử. Bạn muốn khắc phục tính thiếu chủ kiến, thử áp dụng các biện pháp sau:

1/ Tự tin: Người thiếu chủ kiến thường không tin vào khả năng phán đoán của mình, nên thường theo đuôi người khác. Một con người tự tin, sẽ xử sự khác hẳn. Anh ta sẽ nghĩ, đây là chuyện của mình, phải có chủ trương của mình và do mình quyết định. Tự tin không phải tự nhiên mà có, mà phải có học thức uyên bác, có tư duy nhạy bén, có kinh nghiệm xã hội phong phú, thì lúc gặp chuyện mới có sức phán đoán, tìm ra chủ trương độc lập chính xác.

2/ Học các suy xét:  Tự tin không có nghĩa là khăng khăng làm theo ý mình. Tự tin hình thành qua con đường tập trung trí tuệ của số đông, tiếp thu những ý kiến hữu ích của người khác. Nhưng cũng không nên tiếp thu một cách mù quáng, cần phải có sự phán đoán và so sánh, tìm ra quyết định thích hợp. Khi một sự việc gây nên tranh luận, có những ý kiến bất đồng (thường vì việc đó có cả hai mặt lợi và hại), ta cần căn cứ vào tình tình thực tế, phát huy cái lợi, hạn chế cái hại, đây chính là con đường đi tới sự quyết đoán chính xác.

3/ Cần có tinh thần tự lập: Người thiếu tính tự lập, dù có chủ trương, cách nhìn đúng, vẫn không dám kiên trì mà vẫn thất bại, bạn cũng không nên lo ngại, vì thất bại là chuyện thường trên đời. Muốn hình thành chủ kiến chính xác, tất phải trả giá bằng thất bại và trở ngại.

 

13- KỴ SỰ LO LẮNG BẤT AN

Lo âu là điều cần thiết cho cuộc sống. Nó giúp bạn đề cao cảnh giác với những trở ngại khó khăn có thế có trong cuộc sống. Khi có tâm lý chuẩn bị, dù có sự cố phát sinh, bạn vẫn có sức chịu đựng và vượt qua.

Lo lắng bất an nhắc đến ở tâm lý học, thường biểu hiện như:

1/ Thường xuyên lo lắng, ngờ vực, như sắp có tai nạn.

2/ Luôn than thân trách phận, đau buồn vô cớ. Tâm trạng này là thất thường, không thể thích nghi với cuộc sống xung quanh.

Sở dĩ có tâm trạng lo lắng bất an như vậy là vì: Thời trai trẻ thiếu sự chăm sóc cần thiết, mất tâm lý an toàn từ nhỏ. Cũng có thể vì cha mẹ quá cưng chiều, dẫn đến khả năng tự lập kém, ấu trĩ, ỷ lại,.. nên tạo tâm lý bất an.

Con người có khả năng xử lý thỏa đáng công việc dồn dập, dù sống đến 55 tuổi, sức khỏe vẫn tốt. Nếu bạn luôn có cảm giác bị áp lực tinh thần, bạn sẽ thường xuyên bị căng thẳng, tốc độ lão hóa sẽ nhanh hơn.

Hai biện pháp dưới đây giúp bạn xóa đi tâm trạng lo âu bất an:

- Can đảm đối diện với lo âu, bình tĩnh tự hỏi: việc này phát sinh hậu quả xấu đến mức nào? Sau khi trả lời, lo âu của bạn sẽ biến mất.

- Lập ra kế hoạch hành động, định ra mục tiêu công tác có ý nghĩa, và cố gắng thực hiện. Sự chú ý của bạn sẽ tập trung vào đó, bạn không còn nhọc tâm lo âu nữa.

 

14 – KỴ SỰ BỰC TỨC, NỔI NÓNG

Bực tức, nổi nóng là cách để người ta bộc lộ sự bất mãn trong lòng khi gặp phải một việc không vừa ý. Có nhiều cách tỏ thái độ bực tức: một là đi thẳng vào vấn đề, oán trách người này người nọ, lời lẽ thường quá khích. Hai là nói bóng nói gió. Ba là đóng cửa lại tự trút cơn giận bằng những phản ứng tuy kịch liệt, nhưng cũng mau nguội lạnh. Bốn là nổi cáu trước mặt mọi người, ăn nói thô lỗ, không kiềm chế..

Qua phân tích, sự bực tức là do tâm trạng không vui gây nên. Nó là hoạt động tình cảm xấu, cần tìm cách chế ngự như sau:

1/ Khuyên cản và hướng dẫn: Gặp chuyện bất bình, sự bực tức là lẽ thường tình. Nhất là các bạn trẻ, tính bồng bột, kém tự kiềm chế, rất khó tránh nổi cáu. Ta nên thông cảm, tìm cách khuyên bảo và ngăn cản, làm dịu tâm trạng nóng giận của họ, mở rộng tầm nhìn, bỏ qua sự thiên kiến.

2/ Tự khống chế: Mọi phản ứng tâm trạng xấu, đều cần ngăn cản và khống chế, nhất là sự bực tức. Ta cần hiểu rõ tính nguy hại của cơn giận điên rồ, tự cảnh giác và phải tự nhắc nhở rằng, bực tức không giải quyết được vấn đề, mà chỉ gây nên rắc rối. Khi xảy ra tranh chấp, đôi bên nên ngồi vào bàn bạc, tìm cách giải quyết, không vì bực tức mà gây sự.

3/ Chuyển dịch và thăng hoa. Khi cảm giác thấy bực tức, cần mau chóng chuyển dịch giác tư duy, nghĩ đến những điều vui tươi, tránh để tâm trạng tiêu cực tiếp diễn. Có người bất mãn khi nhìn thấy tệ nạn xã hội hoặc bất công, lúc đó cần để nỗi bực tức thăng hoa, chuyển thành nguồn tự khích lệ bằng nỗ lực lớn nhất để góp phần khắc phục nhân tố bất lợi trong điều kiện khách quan. Nếu ai cũng làm được như vậy, nhiều mâu thuẫn sẽ được giải tỏa.

 

15- KỴ THÓI QUEN XẤU

Đa số người có thói quen xấu như khạc nhổ bừa bãi, ăn nói kém văn minh, nói tục, móc lỗ mũi, ngoái lỗ tai trước đám đông… Thói quen xấu làm hạ thấp nhân phẩm của con người. Theo phân tích của các nhà tâm lý học, khi chưa xác lập được điều kiện phản xạ mới, thói quen cũ luôn có bản năng trở lại. Muốn sửa đổi cần có ý chí kiên định, xây dựng phản xạ có điều kiện mới, để biến thành “Định hình động lực” mới có khả năng khắc phục loại bỏ thói quen xấu.

1/ Phải nhận thức rằng thói quen xấu dễ khiến mọi người chê trách, từ đó tăng cường quyết tâm sửa chữa.

2/ Nâng cao văn hóa, đạo đức: Một con người có văn hóa và đạo đức, ít có thói quen xấu, dù mắc phải cũng mau chóng sửa đổi.

3/ Người ưa nói tục tĩu, cần mau chóng tìm ra câu nói tục nhiều nhất, tập trung sức khắc phục, trước khi nói chuyện, nên tự nhắc nhở, hãy tạm ngưng giây lát, để thay đổi điều kiện phản xạ trước đây. Sau một khoảng thời gian thực hành, bỏ câu nói tục nhiều nhất, các câu còn lại cũng dễ dàng được khắc phục.

4/ Nhờ người khác giám sát, luôn nhắc nhở để chính mình cảnh giác.

5/ Không nên quá nôn nóng, vì thói quen không thể sửa đổi một sớm một chiều, cần thực sự cầu thị, từng bước khắc phục.

 

16- KỴ SỰ GANH TỊ

Ganh tị làm khổ chính mình và kẻ khác. Biện pháp khác phục ganh tị là:

1/ Nhận biết nguy hại của sự ganh tị. Khi ta ganh tị với sự tiến bộ, thành tích và cống hiến của người khác, sẽ dẫn đến tai hại như sau:

-        Đả kích người khác.

-        Bản thân mắc sai lầm.

-        Làm ô nhiễm nếp sống.

Từ đó phải hạ quyết tâm khắc phục, sửa chữa.

2/ Tại sao phải ganh tị với sự tiến bộ của người khác để tự mình phải buồn lòng? Đây chính là tự mình đối lập với người khác. Bạn có thấy ai ganh tị với người thân mình đâu? Dù có cũng rất ít. Muốn xóa đi tâm trạng ganh tị, cần loại trừ những suy nghĩ ích kỷ, mở rộng tấm lòng.

3/ Nhận thức chính mình. Không chịu thua, không muốn lạc hậu là tốt, cũng là động lực thúc đẩy con người tiến bộ. Nhưng ta không thể vượt qua tất cả mọi người. Điều này ta hơn, điều kia người khác hơn là sự thực khách quan. Tom lại, nên làm rõ việc không chịu thua chỉ để tiến bộ thêm và học thêm người khác. Nghĩ như vậy sẽ giảm bớt lòng ganh tị, nhất là với người hiếu thắng.

4/ “Trao đổi vị trí tâm lý”, hãy nghĩ xem khi ta bị người khác ganh tị, ta sẽ cảm thấy ra sao? Khi một ý niệm sai lầm xuất hiện, ta thường chưa nhận thức rõ, lúc này ta cho “trao đổi vị trí tâm lý” để qua thể nghiệm, nhắc nhỡ mình sửa đổi sai lầm.

 

 17- KỴ SỰ MẤT CÂN BẰNG VỀ TÂM LÝ

 Sự đời thường khó như ý muốn của chúng ta, nếu không chịu bình chân như vại, sẽ gây nên tâm trạng mất cân bằng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Hội vệ sinh tâm lý nước Mỹ đề xuất 11 bí quyết khắc phục sự mất cân bằng tâm lý như sau:

 1/ Không quá hà khắc với chính mình: Đừng định ra yêu cầu quá cao với mình, một khi không đủ sức thực hiện thì sẽ tạo ra sự phiền muộn u buồn. Có người quá cầu toàn, luôn tự trách mình làm chưa hoàn thiện. Để tránh tâm trạng trên, ta nên lập kế hoạch thực hiện mục tiêu trong phạm vi khả năng của mình, biết thưởng thức thành tựu của chính mình, lòng sẽ thấy vui hơn.

2/ Đừng kỳ vọng quá cao đối với người khác: Nhiều người thích đặt hy vọng lớn lao đối với người thân. Một khi đối phương không đạt được yêu cầu như ý muốn, sẽ cảm thấy thất vọng. Thực ra mỗi người đều có tư tưởng riêng, ưu khuyết điểm riêng, cớ sao yêu cầu họ phải như mình?

3/ Làm tan biến cơn giận: Khi nóng giận, ta dễ bị sai lầm. Nếu như sau này phải hối hận thì thà là ta biết kiềm chế, các bạn nên đi xem ca nhạc, chơi thể thao.

4/ Đôi khi cần khuất phục: Nếu sự việc không ảnh hưởng đến những vấn đề lớn, mà chỉ có việc cỏn con thì cũng không nên cố chấp để giảm bớt sự phiền trái.

5/ Tạm xa lánh: Khi cuộc sống gặp trở ngại, nên tạm để cho sự phiền muộn lắng dịu xuống bằng cách thực hiện những việc bạn thích như xem phim, chơi thể thao, hoặc ngủ một giấc dài… Chờ cho tâm trạng bình phục, mới bắt đầu tìm cách giải quyết.

6/ Tìm người tâm sự giải sầu: Đừng nên giữ kín những chuyện không vui trong lòng, vì như thế càng khiến mình buồn tủi thêm.

7/ Làm việc cho người khác: Giúp đỡ người khác, chẳng những giúp mình quên đi phiền toái, còn khẳng định giá trị tồn tại của chính mình, tạo được tình hữu nghị quí báu.

8/ Chỉ làm công việc trong một khoảng thời gian nhất đinh: Muốn giảm bớt gánh nặng tinh thần, đừng nên tiến hành cùng một lúc nhiều công việc, tránh lao tâm, lao lực.

9/ Đừng cạnh tranh với người khác: Có người tâm trạng mất cân bằng là do họ luôn ganh đua với người khác, vì thế họ tự tạo nên tâm trạng căng thẳng. Trong quan hệ giữa con người với nhau, nên “dĩ hòa vi quí”, đừng xem người khác là đối thủ thì người khác sẽ không xem bạn là kẻ địch.

10/ Thân thiện với người khác: Người bị bài xích thường là người có tính đa nghi, cảnh giác với người khác, giao du bạn bè nhiều hơn để giảm bớt kẻ thù. Như vậy tâm trí ta sẽ thanh thản hơn.

11/ Giải trí: Đây là biện pháp tốt nhất để giảm áp lực tinh thần. Hình thức giải trí không quan trọng, chỉ cần đem lại cho ta sự vui vẻ thoải mái.

 

18- KỴ SỰ GIẬN LÂY SANG NGƯỜI KHÁC

Khi gặp trở ngại trong công việc hoặc không vui trong sinh hoạt, hoặc vì tranh cãi với ai đó, có người thích trút cơn giận lên đầu người khác, đó chính là giận lây (giận cá chém thớt).

Dễ nổi giận là thói xấu, giận lây càng xấu hơn. Vì tuy mình được hả dạ, nhưng người khác lại đau khổ. Đó là sự tuần hoàn ác tính. Nhất là khi người bị giận lây không chịu bỏ qua, sẽ sinh chuyện rắc rối khác.

Người thích giận lây, là người không có lòng tự trọng, cũng không có lòng thương người. Trong cuộc sống, ai cũng đều có niềm vui nỗi buồn, nếu ta biết tự an ủi, biết nghĩ đến và thông cảm với người khác, thì tuy trong lòng không vui ta vẫn có thể kiềm chế để không trút cơn giận sang người khác.

Muốn sửa thói giận lây không khó, chỉ cần tăng cường việc tự rèn luyện và học cách tôn trọng người khác.

 

19- KỴ SỰ NGHE LỜI DÈM PHA

Nếu cuộc sống không có những lời gièm pha thì lỗ tai của mọi người sẽ được yên tĩnh. Nhất là cấp lãnh đạo. Làm lãnh đạo, cần phải biết lắng nghe ý kiến của nhiều bên. Sợ nhất là người có lỗ tai “mềm”, thích nghe những lời gièm pha nguy hại làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp, tiền đồ, thanh danh của một  hoặc nhiều đồng sự.

Những vấn đề có liên quan đến nhân cách, cuộc sống của người khác thường gây được sự chú ý, làm xao động tâm trí của người đối thoại. Đó là tâm lý bình thường. Quan trọng là người nghe phải có thái độ như thế nào đối với việc đó.

Ta nên biết rằng: Có những ưu điểm trong cách đánh giá, nhìn nhận của người này, có thể trở thành khuyết điểm trong con mắt người kia. Cộng thêm mức độ tự nhận xét và đánh giá lại khác nhau. Một sự việc không bao giờ có thể hoàn hảo thỏa mãn nhu cầu của cả một tập thể, huống gì có sự gièm pha, thêm bớt.

Cho nên, một người lãnh đạo có đạo đức cần biết giữ thái độ bình tĩnh trước những lời gièm pha, phải suy nghĩ xem lời nói đó có căn cứ hay không? Đem lại cho mình và người khác những gì? Người nói là người như thế nào? Tại sao họ nói với mình những lời đó?

Phán xát kỹ càng, có sự đánh giá khách quan công bằng, đi đến quyết định chính xác, đó mới là bản lãnh của người lãnh đạo sáng suốt.

 

 

20- KỴ VIỆC TRỞ THÀNH “CON MỌT SÁCH”

Đây là một trạng thái tâm lý khác thường, nó thường xuất hiện ở tầng lớp trí thức, có thể do những nguyên nhân sau:

1/ Không biết thích ứng hoàn cảnh, không biết đối xử, giao thiệp nên thường đụng chạm với người khác mà không hay biết.

2/ Có cá tính hướng nội, chỉ say mê những gì mình yêu thích, phớt lờ mọi thứ khác, trở thành đãng trí.

3/ Thường nhìn vấn đề một cách phiến diện, cực đoan.

4/ Thiếu năng lực tổ chức, quản lý và quyết đoán, không biết tùy cơ ứng biến, cố chấp, tự cao tự đại.

5/ Có lối sống lãng mạn, thiếu kế hoạch, hoặc quá khiếp nhược, hoặc quá nghiêm túc.

Dạng người có tính “mọt sách” hoàn toàn không phải là kẻ tối dạ. Trái lại, chỉ số trí tuệ của họ rất cao, tri thức về mặt nào đó còn phong phú hơn người thường, tiếc là họ chỉ giam mình trong phạm vi yêu thích, không chịu quan tâm đến những sự việc xung quanh, để lại cho người khác ấn tượng là có quan niệm cổ hủ.

Muốn tâm lý phát triển bình thường, ngoài tri thức sách vở ra, chúng ta cần có kinh nghiệm sống, nghĩa là có sự  giao lưu thông tin giữa người với người. Nếu cứ sống cô độc thì khó thích ứng với cuộc sống xã hội.

Có người chưa biết mình có thói quen “mọt sách”, nên chỉ cảm thấy mình thiếu kinh nghiệm sống và gặp khó khăn trong xử sự. Có người tự cho mình là thanh cao, xem thường người tinh nhanh; có người không chịu thừa nhận chân lý hoặc tỏ ra mặc cảm, mất niềm tin… Thực ra chúng ta hoàn toàn có cách sửa đổi và khắc phục thói quen này.

Hãy nghe theo lời khuyên sau đây của các nhà tâm lý học:

1/ Giải trừ cơ chế phòng vệ tiêu cực. Căn cứ vào lý luận nhận thức về sự mất cân bằng của tâm lý học là: con người khi đã nếm mùi đau khổ do tâm lý mất cân bằng gây nên, lúc đó mới chịu sửa đổi thái độ sống. Muốn khắc phục thói “mọt sách”, cũng cần thấy rõ tệ nạn do thói xấu này gây ra, mới không tìm cách tự biện bạch để có quyết tâm sửa chữa.

2/ Bắt buộc mình giao du với người khác: Tham dự các hoạt động tập thể, cảm nhận được niềm vui thú của sinh hoạt tập thể, bồi dưỡng sự tò mò khoa học đối với sự vật mới mẻ. Qua các cuộc tiếp xúc chủ động tìm hiểu về thế thái nhân tình, nắm bắt được nghệ thuật xử thế. Nhưng tránh đặt yêu cầu quá cao về mình để khỏi ảnh hưởng đến niềm tin trong giao tiếp.

 

21- KỴ SỰ MẶC CẢM XẤU XÍ

Con người ai cũng ưu chuộng cái đẹp, các cô gái thường thích các chàng đẹp trai và các chàng trai cũng thích các cô gái đẹp. Những người có gương mặt đẹp, sẽ nắm được phần chủ động trong tình yêu. Trái lại, gương mặt không xinh xắn thậm chí xấu xí, thường bị thiệt thòi, và tạo ra tâm trạng thẹn thùng. Phải làm sao để khắc phục tâm trạng đó.

1/ Đừng quá chú trọng đến sắc đẹp của mình: Theo một nhà tâm lý học, ngoại hình đẹp hay xấu có quan hệ nhất định trong giao thiệp, nhưng dù bạn có nhan sắc hơi kém, thì chỉ cần bạn có tâm hồn đẹp, có tài và học thức bạn vẫn được mọi người kính trọng và yêu mến.

2/ Nhìn nhận một cách thực tế: Đừng vì ngoại hình xấu mà buồn bã khóc than, tự ti chán nản. Nên chấp nhận sự thật, tỏ ra tự nhiên thoải mái, không e dè sợ sệt trước mọi người.

3/ Hơn nữa, cách đánh giá về cái đẹp hoặc xấu của mọi người thường có sự khác nhau: Đôi lúc mình cho là “xấu”, nhưng dưới con mắt người khác lại “không đến nỗi nào”, vì vậy cần đề cao tự tin.

4/ Tìm cách bổ khuyết: Bổ khuyết bao hàm ý nghĩa là cả về mặt sinh lý và tâm lý. Nhà tâm lý học cho rằng, con người trong quá trình phát triển, sự tự hoàn thiện về ý thức có tác dụng quan trọng trong việc bổ sung khiếm khuyết kể trên. Khi bạn cố gắng trở thành con người sáng tạo có trí tuệ và có đạo đức thì những khuyết tật về sinh lý sẽ không còn là điều quan trọng. Người khác chỉ chú ý đến thành tựu và tài năng của bạn, chứ không phải là chú ý đến những khiếm khuyết của bạn nữa.

 

22- KỴ SỰ NÓNG GIẬN

Nóng nẩy là sự biểu hiện của sự ẩu trĩ về cá tính, nhưng lại thường xuất hiện ở người lớn.

Nóng giận có hại cả về mặt sức khỏe lẫn tâm lý. Oán hận, bất mãn, phẫn nộ, ganh tị, thù hận sẽ tạo ra sự mất cân bằng về tâm sinh lý, dẫn đến nhiều bệnh tật. Muốn giữ gìn sức khỏe và nâng cao năng suất công việc, cần biết cách kiềm chế sự nóng giận. Biện pháp kiềm chế như sau:

1/ Làm chậm lại nhịp sống: Giúp bạn có tâm trạng bình tĩnh, vì bạn càng nhẹ nhõm, thoải mái, bạn sẽ càng không thấy mệt mỏi. Điều này không có nghĩa là hạ thấp năng suất làm việc, vì “dục tốc bất đạt”, vận động viên chạy cự ly đường dài đều hiểu rõ việc điều tiết tốc độ là then chốt của thắng lợi.

2/ Nhẫn nại: Luôn nghĩ đến hậu quả của sự việc. Kẻ yếu mềm trong cuộc sống hoặc có tinh thần suy nhược thường rất dễ nổi nóng, cáu giận. Nên phải tự biết kiềm chế, đừng như loài ong dồn hết vào một lần chích đốt kẻ thù, đừng đưa ra những lời lẽ ác độc hoặc tự tiết lộ bí mật, sẽ đưa đến hậu quả khó cứu vãn.

3/ Tập tính hóm hỉnh, để điều tiết tình cảm và sự xung đột. Dùng tính hóm hỉnh để đối phó với sự căng thẳng và thách thức, điều đó sẽ có tác dụng làm dịu cơn thịnh nộ và bất an.

4/ Tích lũy kinh nghiệm sống vui vẻ: Sắp xếp công việc, dành thời gian rảnh rỗi tham gia hoạt động xã hội, nên tập thể dục thể thao hoặc vui chơi giải trí để làm tăng không khí vui tươi trong cuộc sống. Dù gặp phải sự không vui, bạn cũng không đến nỗi phát cáu để đùng đùng nổi giận.

5/ Tập thói quen nhìn việc đời theo chiều hướng lạc quan. Cùng một sự việc, khi ta nhìn với những góc độ khác nhau, ta sẽ có kết luận không giống nhau. Vận may khiến người khác thèm thuồng, nhưng chiến thắng được sự không may mắn càng khiến mọi người khâm phục. Tài năng và đức tin của một con người thường được chứng minh và khẳng định qua các thử thách. Nhìn sự đời bằng ánh mắt lạc quan, ta sẽ phát hiện ra nhiều mặt tích cực, từ đó sẽ tránh được sự phiền muộn.


Trở lại      In      Số lần xem: 4838
Tin tức liên quan
  • Những Cấm kỵ trong giao tiếp, ứng xử
  • Những điều cấm kỵ trong công việc và nuôi dạy con cái
  • Những điều cấm kỵ trong tình yêu và hôn nhân
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  7
 Hôm nay:  825
 Hôm qua:  7763
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11349315
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top