Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa TUẦN 1 Phục Sinh A.2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH A (17/04 -> 22/04/2017)

Thứ hai, 17/04/2017

Đề tài: CHÚA GIÊSU HIỆN RA VỚI CÁC PHỤ NỮ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 28,8-15)

8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. 9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: "Chào chị em! " Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy  gười. 10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó." 11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. 12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, 13 và bảo: "Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. 14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự."15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

SUY NIỆM:

1/ “Chị em đừng sợ”, đó là lời của chính Đức Giêsu nói với các chị em phụ nữ ra viếng mộ vào sáng sớm ngày Chúa phục sinh. Vào ngày đăng quang triều đại Giáo Hoàng, của vị Thánh Giáo Hoàng Gioan Paul II, khi Ngài kêu gọi toàn thể giáo hữu: “Anh chị em đừng sợ”.

2/ Tin Mừng hôm nay có đề cập đến 2 thái độ: Một của các chị em phụ nữ, và một của đám lính canh mộ. Khi đối diện với ngôi mộ trống, các chị nhận ra dấu chỉ của sự Phục Sinh, là điểm khởi đầu cho niềm hy vọng. Còn với nhóm lính canh, ngôi mộ trống cũng là khởi đầu cho sự xa rời niềm tin chỉ vì họ vừa sợ hãi, vừa tỏ lòng ham mê chút lợi lộc thấp hèn.

3/ Các chị từ tình trạng sợ hãi khi thấy Chúa chịu khổ nạn, được chuyển sang tình trạng kính sợ khi thấy quyền năng của Thiên Chúa. Được chuyển sang và được thể hiện rõ nét nơi Đức Ki-tô Phục sinh. Lòng kính sợ đi kèm theo với nỗi vui mừng hớn hở vì các chị đã gặp được Thầy chí ái.

4/ Chúa Ki-tô có sống lại thật không? Đây là câu hỏi mà trong suốt tuần bát nhật Phục Sinh này, các bài Tin Mừng sẽ lần lượt trả lời cho chúng ta. Trong suốt tuần này, các bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta những lần Chúa Giêsu hiện ra: khi thì với người này, khi thì với kẻ khác, lúc chỗ này, lúc thì chỗ kia, để minh chứng là Chúa đã Phục sinh.

5/ Bài Tin Mừng hôm nay kể lại Chúa Ki-tô Phục sinh hiện ra với các phụ nữ đến thăm mộ Chúa vào buổi sáng sớm, gồm có: Bà Magđala, Maria Alpha, Yoanna, Salômê và các bà khác nữa.

6/ Khi tới cửa mộ, các bà thấy tảng đá che mộ đã được lăn sang một bên, bên trong mộ thì trống trơn, xác Chúa không còn. Quá thất kinh, bà Magđala đã chạy về báo ngay cho các Môn đệ.

7/ Các bà còn lại muốn biết rõ việc gì đang xảy ra nên đã vào bên trong mộ và được Thiên Thần trấn an, báo cho các bà biết là: “Chúa đã sống lại rồi, hãy về mà báo tin cho các Môn đệ biết”.

8/ Trong khi các bà ra về, thì Chúa hiện ra chào các bà, xác nhận Ngài đã sống lại. Đồng thời nhắc lại sứ mạng mà Thiên Thần đã nói với các bà, các bà mừng quá nên phục xuống hôn chân Chúa, rồi chỗi dậy đầy lòng tin tưởng đi thi hành sứ mạng Chúa trao phó.

9/ Phần còn lại của đoạn Tin Mừng cho thấy thái độ của những người không tin Chúa sống lại, đó là giới lãnh đạo tôn giáo, những người đã ra lệnh giết Chúa.  Họ đã đút lót cho bọn lính canh để tung tin gian dối là các Môn đệ đã đến để trộm xác Chúa.

10/ Thánh Augustino đặt lại vấn đề này như sau: Bọn lính canh một là thức, hai là ngủ. Nếu họ thức thì sao thấy các Môn đệ đến lấy xác Chúa mà họ không kháng cự? Mấy người Môn đệ là những anh thuyền chài, không vũ khí, vài ngày trước họ rất sợ hãi trốn chạy, đến hôm nay vẫn còn hoảng hồn thì sao có gan dám ăn trộm xác Chúa và đem đi dấu được? Nếu sự việc đúng như vậy thì tại sao cả 2 lớp chính quyền đều để yên mà không truy tố?

11/ Nếu các lính canh ngủ thì sao biết các Môn đệ đến ăn cắp? Mà lính đông như thế thì lẽ nào bọn họ lại ngủ quên cả? Việc hệ trọng như vậy mà sao bọn họ không chia phiên ra để canh gác? Chúng thật đáng tội chết, thế mà cả 2 lớp chính quyền đều không trị tội họ. Hay là tất cả chỉ là gian dối thôi?

12/ Việc Chúa sống lại và hiện ra với các phụ nữ là quá rõ ràng. Chính điều này đã minh chứng rằng: Chúa Ki-tô sống lại thật.

Cầu nguyệnLạy Chúa Ki-tô, xin ban cho chúng con một lòng tin mạnh mẽ để con tin rằng: Chúa Phục Sinh là để ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen.**

 

Thứ ba, 18/04/2017

Đề tài: CHÚA GIÊSU HIỆN RA VỚI BÀ MAGĐALA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh  Gioan (Ga 20,11-18)

11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.

13 Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc?" Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!" 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?" Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." 16 Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a!" Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni!" (nghĩa là "Lạy Thầy").

17 Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em."" 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa," và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

SUY NIỆM:

1/ Khi thấy ngôi mộ trống, bà Maria Magđala khóc và chạy đi tìm xác Thầy. Hai Thiên Thần hỏi lý do bà khóc, hai vị chỉ hỏi chứ chưa nói việc Chúa đã sống lại.

2/ Chính Chúa đã hiện ra với bà. Ban đầu bà không nhận ra Ngài, đợi khi Chúa gọi tên bà mới nhận ra. Chúa Giêsu đã giải thích việc sống lại và việc Ngài phải đi về cùng Chúa Cha.

3/ Việc Chúa sống lại đã làm thay đổi hẳn ý nghĩa và tình cảm con người trước cái chết. Chúa sống lại, đây là một chân lý và cũng là một mầu nhiệm.

4/ Tin có Chúa Phục sinh, chúng ta sẽ không còn than khóc và chạy đi tìm người sống nơi kẻ đã chết. Chúng ta phải luôn tin tưởng rằng: một ngày kia, tất cả những ai sống công chính đều sẽ được Phục sinh, cùng được hưởng nhan Thánh Chúa đời đời.

5/ Vào sáng sớm ngày Phục sinh, Maria Magđala đi đến mộ của Chúa Giêsu. Trong tất cả những người thân quen với Chúa, không ai có lý do để yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn là Magđala, bởi vì cô ta có một quá khứ mà có rất nhiều điều chúng ta có thể quả quyết như vậy.

6/ Cô là môt phụ nữ tội lỗi nổi tiếng mà không có một người đàn ông có thế giá nào lại muốn bị bắt gặp đang tiếp chuyện với cô. Còn những người mà cô từng quen biết thì họ chỉ quan tâm đến vấn đề tình dục.

7/ Tình trạng này kéo dài cho đến khi cô gặp được Chúa Giêsu, Chúa đã trò chuyện với cô và đưa cô về con đường ngay chính. Vì thế đây cũng là lần đầu tiên cô cảm nhận về tiếng yêu mà không cảm thấy nó dơ bẩn.

8/ Thế là một hôm cô đi mua một chai dầu thơm và khi cô nghe Chúa Giêsu đang có mặt ở một đám tiệc, cô liền chạy đến quỳ sụp dưới chân Chúa, khóc lóc ăn năn, đổ dầu thơm xức chân Chúa, rồi lấy tóc mà lau. Hôm đó, Chúa Giêsu tha thứ cho cô tất cả, Chúa đã đem đến cho cô một niềm hy vọng và kể từ đó cô đã đổi đời.

9/ Khi nghe biết Chúa Giêsu bị kết án tử hình, bị hành hạ cực khổ, bị giết chết trên Thập giá. Cô đã xúc động vô cùng nhưng làm sao cô có thể giúp được Chúa với thân phận hèn kém của mình.

10/ Bây giờ thì Chúa đang an nghỉ trong mộ đá, vì vậy trong lúc trời còn chưa rạng đông của ngày đầu tuần, tức là vào sáng sớm Chúa Nhật. Magđala đã đi ra mộ Chúa và trong lòng chẳng chút sợ hãi nào, đến nơi cô chỉ biết đứng ở ngoài mà khóc.

11/ Chính vào lúc đó, Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra và gọi tên cô. Thật vui mừng và vinh dự cho cô biết bao, như vậy sau khi hiện ra với các phụ nữ, Chúa Giêsu đã hiện ra với Magđala.

12/ Nếu chúng ta đang sợ chết, hoặc chúng ta đang mất người thân và xem ra chúng ta không thể sống mà vắng bóng người ấy, thì chúng ta hãy nhớ đến trường hợp của Magđala.

13/ Hoặc nếu chúng ta là một con người tội lỗi, chúng ta cũng hãy nhớ đến câu chuyện Magđala, tội lỗi của cô, cách cô ăn năn sám hối, nỗi đau khổ và niềm vui của cô cũng chính là câu chuyện của chúng ta.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho con biết chạy đến với Chúa, biết sám hói, biết yêu mến Chúa như Magđala, để chúng con cũng có được niềm vui như Magđala là được Chúa yêu thương gọi tên. Amen.**

 

Thứ tư, 19/04/2017

Đề tài: CON ĐƯỜNG VỀ EMMAUS

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 24,13-35)

13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.

16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? " Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. 18 Một trong hai người tên là Cleopas trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." 19 Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy?" Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy." 25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. 28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" 33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn."

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

SUY NIỆM:

1/ Gặp được Đức Ki-tô, cuộc đời mình được biến đổi. Gặp được Đấng Phục Sinh, đời mình được sống trường sinh.

2/ Được gặp, được trò chuyện, được giảng giải bởi Chúa Ki-tô Phục Sinh. Cuộc đời của hai Môn Đệ trên đường về Emmaus từ thất vọng đã biến đổi thành hy vọng, từ buồn bã đã trở thành niềm vui, từ một nông dân chân lấm tay bùn hai ông đã trở thành Tông Đồ loan truyền tin vui Chúa Phục Sinh.

3/ Sau khi gặp được Chúa, nhận ra Chúa. Hai ông không chút do dự đã vội vã lên đường trở lại Giêrusalem để chia sẻ niềm vui với các anh em khác, hai ông còn được củng cố thêm niềm tin nhờ vào lời của Phê-rô và của các Tông Đồ khác.

4/ Hai ông lại tiếp tục ra đi rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa Phục Sinh cho mọi người ở khắp mọi nơi.

5/ Hôm nay chúng ta nghe lại cuộc hành trình của hai Môn Đệ trên đường về Emmaus. Chúng ta cũng được mời gọi cất bước đi tìm Chúa Phục Sinh, khi gặp được Ngài, chúng ta cần phải biết lắng nghe để hiểu được cách đón nhận tình yêu thương cứu độ của Người.

6/ Cuộc đời của các vĩ nhân trên thế giới đều chết là chấm dứt. Chỉ còn lại những tác phẩm mà người đời ngưỡng mộ sẽ tiếp tục sống theo thời gian, cuộc đời Chúa Giêsu thì không như thế.

7/ Theo như bài Tin Mừng. Thì trong thời kỳ đầu, khi các Môn đệ thấy Thầy mình đã chết, các ông cũng tỏ ra buồn phiền, chán nản, thất vọng. Tất cả mọi kỳ vọng mà các ông đặt vào Thầy mình đã tan biến hết. Hôm nay các ông chỉ muốn quay về với thôn làng cũ, với nghề nghiệp của gia đình mình mà thôi. 

8/ Tâm trạng của hai Môn đệ đi về làng Emmaus có lẽ cũng giống với tâm trạng của mỗi người chúng ta. Trước những đau khổ, thất bại, chán chường, hiểu lầm mà chúng ta đã và đang gặp phải trong cuộc sống, đã không làm cho chúng ta nhìn ra ánh sáng Phục Sinh của Chúa qua những biến cố đó.

9/ Thế rồi hai Môn đệ đã bỏ Giêrusalem và quay về làng Emmaus => Chúng ta cũng có khi gặp chán nản, muốn xa dần Giáo hội, xa dần Cộng đoàn, xa dần tổ ấm mà chúng ta đang sống để ra đi mà chẳng biết mình sẽ đi về đâu.

10/ Nhưng kìa, bất ngờ một khách lạ đang đến, ông ghé thăm, ban đầu xem ra khá xa lạ, nhưng rồi lại vô cùng gần gũi. Chúa đến với chúng ta qua hoàn cảnh, từ một cuộc gặp gỡ, từ một cuốn sách, một câu chuyện, một lời an ủi.

11/ Chỉ khi nào chúng ta có được cặp mắt Đức tin, chúng ta mới có thể nhìn ra Chúa qua các sự kiện đó mà thôi. Chỉ khi nào chúng ta có cái nhìn đức tin, lúc đó tâm hồn chúng ta như được hâm nóng lại, cũng như hai Môn đệ kia đã cảm nhận sốt sắng khi được đàm đạo với Chúa.

12/ Nói chuyện với Chúa Phục Sinh mà các ông cứ tưởng là một khách bộ hành. Một người mà các ông tình cờ mới gặp.

13/ Thông thường dưới con mắt trần tục, những biến cố xem ra xui xẻo, đen đủi, rủi ro, bất hạnh thường là những dung mạo của Chúa Phục Sinh, hoặc khi gặp những con người mà chúng ta không ưa, không thích, không muốn gặp họ.

14/ Nhưng khi chúng ta gặp được Chúa Phục Sinh, tâm hồn chúng ta trở nên dũng cảm, dám hy sinh, dám phục vụ, dám làm mọi sự vì Chúa, vì anh em. Có Chúa chúng ta sẽ an tâm đủ sức mạnh để lướt thắng tất cả.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho tất cả mọi người đều nhận ra Chúa và cùng con yêu kính tôn thờ Chúa hết lòng. Amen.**

 

CÂU CHUYỆN LỮ KHÁCH ĐI VỀ EM-MAUS

1)  Chỉ có Tin Mừng Luca ghi lại câu chuyện này. Trong những ngày xảy ra cuộc khổ hình thập giá của Đức Giêsu, hai người khách bộ hành này phải lưu lại Giêrusalem, bởi họ không thể đi về nhà vì vướng ngày Sabát. Ngày Sabát họ chỉ được đi 1 km, trong khi quãng đường này dài 11 km.

2) Hai môn đệ này không thuộc nhóm 12. Ông Clê-ô-pát được nêu đích danh, còn môn đệ kia thì không. Họ nhận được tin tức từ các phụ nữ, họ cũng được Chúa Giêsu tiên báo “sau 3 ngày” sẽ có điều gì đó xảy ra. Nhưng xem ra họ đã mất hy vọng nên quyết định không phiêu lưu  mà tìm đường trở về Em-maus. Vì ngày sắp tàn nên họ muốn trở về nhà trước khi trời tối.

3) Chẳng có điều gì cho thấy hai môn đệ này hy vọng Đức Giêsu sẽ chỗi dậy từ cõi chết. Việc họ dứt khoát không chịu ở lại Giêrusalem thêm một ngày nào nữa cho thấy: Họ không hiểu và cũng chẳng tin vào lời Đức Giêsu đã tiên báo về cuộc phục sinh của Người. Họ đã từng xem Người là một ngôn sứ và cũng trông chờ Người cứu chuộc Israel (câu 21).

4) Đoạn 24, câu 15+16: Câu chuyện trên đường Em-maus chứa đầy những tình tiết trớ trêu và ngạc nhiên, diễn tả tình yêu vô bờ mà Chúa Giêsu đã dành cho các môn đệ. Dù các môn đệ đã bỏ mặc Chúa Giêsu suốt 3 ngày qua, nhưng Chúa Giêsu cũng đã tiến lại gần, bất chấp sự sợ hải, ngờ vực, bối rối của họ. Bất chấp những điều đáng buồn đó, Chúa Giêsu cũng tiếp tục hiện diện với những người mà Chúa vẫn sẵn sàng chết vì họ.

5) Cụm từ “tiến lại gần”: Ý nghĩa là triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Ý nghĩa việc Chúa tiến lên Giêrusalem là nơi Người chịu chết, từ này cũng diễn tả việc Chúa Giêsu đến lại lần thứ 2.

6) Chúa Giêsu không chỉ đến gần, mà còn cùng đi với họ, có nghĩa là Chúa Giêsu vẫn hiện diện với họ trước cuộc tử nạn và còn sau cuộc tử nạn nữa. Cho dù khi Chúa cần được nâng đỡ thì tất cả những người quen, những môn đệ đều đứng đằng xa (Ga23,49). Thế nhưng Chúa không bỏ mặc những ai cần đến Người, hôm qua, hôm nay và mãi mãi, hễ ai cần đến Người thì đều được Người nâng đỡ.

7) Họ không nhận ra. Có nghĩa là mắt họ bị ngăn cản, ý nghĩa là Thiên Chúa là Đấng siêu vượt, còn cái nhìn của con người luôn bị giới hạn, bản chất nước Thiên Chúa vốn là điều bị che khuất khiến mắt Giêrusalem không thấy được (Ga19,42), mắt ấy đã không biết giờ mà Thiên Chúa đến viếng thăm.

8) Đoạn 24 câu 17: Sự thiếu hiểu biết của hai môn đệ này khiến cho họ không nhận ra Đức Giêsu, vị Thầy mà họ đang thương tiếc. Tin mừng không nói vì sao.

9) Đoạn 24 câu 18: Clê-ô-pát được nêu đích danh, câu này có vẻ như là đang châm biếm, nhưng chỉ có Chúa Giêsu mới thật sự biết những gì đang xảy ra. Rõ ràng cho đến lúc này, các ông còn hồ nghi, mù mờ cũng giống như tất cả các môn đệ khác.

10) Đoạn 24 câu 19+20: Chúa Giêsu dùng câu: Chuyện gì vậy ?, để nghe họ trình bày quan điểm về những sự kiện xảy ra trong mấy ngày qua. Họ đã hăng say trả lời Người.

11) Hai người lữ khách tuyên bố Chúa Giêsu là một ngôn sứ, điều này rất có ý nghĩa. Bởi vì tính đến khi Yoan Tẩy Giả xuất hiện thì dân Israel trải qua 400 không có ngôn sứ. Sứ vụ của Yoan Tẩy Giả trở thành sứ vụ đi trước Chúa.

12) Điều quan trọng nhất là gì? Đức Giêsu không chỉ là ngôn sứ, nhiều tôn giáo khác cũng công nhận  Đức Giêsu là ngôn sứ. Nhưng ngôn sứ thì không có quyền tha tội (Gioan 4  đã chứng minh điều đó). Lúc đầu chị phụ nữ Samari, chị nói Đức Giêsu là một ngôn sứ (Ga4,19), cuối cùng khi chị kể cho những Người trong thành rằng chị đã thấy Đức Kitô (Ga4,29), nhưng khi kết thúc câu chuyện thì chị và người dân trong thành đã tin và tuyên xưng: Ngài là Đấng cứu độ trần gian (Ga4,42).

13) Tương tự như ở trên, Chúa Giêsu đã khơi dậy nhận thức của hai môn đệ về Người để các ông hiểu rõ rằng : Người không chỉ là ngôn sứ, nhờ đó các ông đã mạnh dạng loan báo: Chúa đã chỗi dậy thật rồi (Ga24,34).

14) Clê-ô-pát cho biết Chúa Giêsu “đầy uy thế trong việc làm” như sau: Ông vẫn nhớ các phép lạ Thầy mình làm :  a) cho kẻ chết sống lại.  b) Ngài ban lời tha tội (Mt 9,2).  c) Thầy ban bình an cho anh em (Ga 14,27).  d) Ai sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném chị này trước đi (Ga 8,7). Người ta cũng đã nói về Chúa Giêsu như sau: Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy (Ga7,46).

15) Đoạn 24 câu 21 : Có nghĩa là Đấng giải thoát cho Israel. Ý Thiên Chúa không phải chỉ là giải cứu cho mỗi dân tộc Israel, nhưng là cho toàn thể  loài người .

16) Họ cũng hình dung được cách thức mà Chúa Giêsu mang lại ơn cứu độ bằng vinh quang trần thế chứ không phải là sự đau khổ, sự chết, sự phục sinh của con Thiên Chúa.

17) Vấn đề Chúa chết nằm trong mồ 3 ngày, đã gây ra không ít tranh cãi. Họ đã hiểu lời tiên báo đó theo nghĩa đen là 3 ngày + 3 đêm. Nhưng thật sự chỉ là đêm thứ sáu, ngày thứ 7, và rạng sáng ngày Chúa nhật => như vậy chúng ta có thể hiểu Chúa đã ở trong nơi chôn cất 3 ngày : Thứ sáu  + thứ bảy + Chúa nhật và 3 đêm là: đêm thứ sáu, đêm thứ bảy, đêm Chúa nhật.

18) Đoạn 24, câu 22 : Clê-ô-pát tiếp tục giải thích về những lời chứng của các bà. Những gì các bà kể lại, chẳng gợi thêm chút gì về niềm tin, hay đáng tin, mà làm cho họ còn bối rối thêm, sửng sờ về những lời chứng ấy (Lc2,47 / Cv2,7.8.9).

19) Đoạn 24 câu 23+24: Nhắc lại việc các bà không thấy thi hài của Người đâu cả, nhiều người trong nhóm của Phêrô quyết định kiểm chứng lại câu chuyện của các bà, họ đã chứng kiến ngôi mộ trống, nhưng nếu chỉ mỗi chuyện ngôi mộ trống thì chưa đáng tin.

20) Đoạn 24 câu 25: Niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh không phải có được từ việc xem thấy ngôi mộ trống, nhưng là từ việc tin vào sách Thánh và lời Chúa Giêsu tiên báo về sứ vụ của Người. Đây là bài học quan trọng mà Chúa Giêsu muốn truyền đạt trong thời gian tại thế, lòng tin không phải là một vấn đề có thể nhận thấy. Nếu đã là một con người tội lỗi, luôn hoài nghi thì cũng chẳng thể tìm được lý chứng nào để thuyết phục họ. Để hiểu thì không cần đôi mắt thể lý, nhưng là cần con mắt đức tin. Bao nhiêu người đã chứng kiến các phép lạ Chúa làm, nhưng họ chỉ xem bằng con mắt thường chứ đâu có xem bằng con mắt đức tin, thế nên họ vẫn không tin. Chúa muốn chúng ta thấy và nghe bằng niềm tin, nên Chúa vẫn bảo: Ai có tai thì hãy nghe (Ga8,8).

21) Chúa Giêsu phê bình các môn đệ : Chúa đã phê bình thật chính xác khi các môn đệ đã đọc những đoạn sách Thánh có liên quan đến Đấng Messia cùng lúc họ còn được chứng kiến các việc Chúa làm. Thế nhưng vì họ ngờ nghệch, chậm hiểu nên không sẵn sàng để tin tất cả các lời ngôn sứ nói.

22) Chúa chê là phải, vì sao ? Chúa nói tất cả, là bao gồm cả dân Do Thái và các môn đệ => Họ chỉ chú trọng đến phần Cựu Ước là lời hứa khi Đấng Messia xuất hiện, sẽ mở ra một thời kỳ an bình, thịnh vượng, được giải thoát, mà không cần màng đến phần sách Thánh nói về : “Người tôi trung đau khổ”, sẽ phải hy sinh mạng sống để chuộc lấy điều tốt lành cho chúng ta. Sách Isaia từ chương 42-53, đã nói về Người tôi trung này, sẽ phải chịu đau khổ bởi thù địch để đem lại ơn cứu độ cho chúng ta.

23) Khi câu trả lời đã được ứng nghiệm, các môn đệ thường hỏi : Người là ai ? Các ông chẳng thể chối tội bởi Chúa Giêsu đã thường xuyên dạy họ rằng : Người phải lên Giêrusalem để chịu đau khổ, chịu chết và ngày thứ 3 sẽ chỗi dậy (Ga 9,22-27) Tác giả thư gửi tín hữu Hipri đã cảnh báo những người gia nhập Kitô giáo rằng : Họ sẽ không tránh khỏi bị xét xử vì những gì Chúa Giêsu đã nói với họ và đã làm cho họ.

24) Đoạn 24 câu 26 : Những biến cố (chịu đau khổ và chết) không phải vì điều đó đã được tiền định, nhưng vì Chúa Giêsu đã làm theo ý Chúa Cha. Cái chết trên thập gía không phải là cái chết không thể tránh, nhưng là cái chết mà Chúa Giêsu đã chọn, ngay từ nhỏ khi Chúa Giêsu đã ở lại trong đền thờ 3 ngày và cho biết Ngài cón có bổn phận với Cha Ngài (Ga 2,49). Nơi vườn cây dầu, Người cũng cầu nguyện và xin được thể hiện theo ý Chúa Cha (Ga22,42).

25) Đường vinh quang mà Chúa Giêsu đạt được, chính là con đường thập giá.

26) Đoạn 24 câu 28 : Các Sách Thánh đều chứng thực về lời hứa ban ơn cứu độ mà Đức Giêsu là nhân vật chính của tin mừng, nhưng điều đáng ngạc nhiên ở chỗ các môn đệ cũng vẫn không nhận ra Đức Giêsu, cho dù Người đã giải nghĩa các sách Thánh một cách tỉ mỉ.

27) Khi về gần đến làng, Chúa Giêsu không có ý muốn đánh lừa 2 ông là Người còn muốn đi xa hơn nữa. Ý Chúa ở đây là thay vì giải đáp những thắc mắc của các môn đệ, mà là muốn minh chứng cho họ thấy những điều sách Thánh đã viết về Người.

28) Đoạn 24 Câu 29 : Hai môn đệ cố thuyết phục Chúa Giêsu ở lại, vì họ bị Chúa Giêsu lôi cuốn. Đây là thời điểm căng thẳng của sự chờ đợi vì lúc này đã gần hết ngày thứ 3, là ngày mà Ngài đã tiên báo là sẽ chỗi dậy (Lc 9,22 / Lc 18,33).

29) Đoạn 24 câu 30 :  Lúc này hai môn đệ đang cảm nhận tình bằng hữu ấy tại nhà họ.

30) Đoạn 24 câu 31 : Mắt họ mở ra, họ cảm nhận được Chúa, họ trông thấy Người thật sự. Người không còn bị giới hạn bởi điều kiện thể lý thuộc về xác loài người mà Người đã mặc lấy trong cuộc nhập thể.

31) Đoạn 24 câu 32 : Giờ đây họ mới nhớ lại cảm giác kỳ lạ mà họ đã cảm nghiệm những gì Chúa Giêsu đã nói với họ trong suốt cuộc hành trình, tâm hồn chai cứng của họ đã bị tan chảy, việc bẻ bánh đã mở mắt các môn đệ, cho họ thấy được bản chất đích thực của Chúa Giêsu. Giêrusalem đã mù lòa nên không thấy được sự bình an mà Cháu Giêsu ban tặng, họ không nhận ra giờ mà Thiên Chúa đến viếng thăm họ.

32) Đoạn 24 câu 33 : Câu này cho thấy sự cấp bách và tình trạng quá phấn chấn của 2 môn đệ. Lúc trước họ lấy lý do ngày sắp tàn để mời người khách ở lại, nay thì họ lại muốn đi ngay lên Giêrusalem vào ban đêm ở quãng đường xa 11 km.

33) Đoạn 24 câu 34 : Giờ đây mọi người đang tụ họp và cùng hiện diện, họ có sẵn những tin vui để nói cho hai môn đệ nghe. Từ những chứng cứ rõ ràng nên họ có thể quả quyết : Chúa đã trỗi dậy rồi.

34) Đoạn 24 câu 35 : Giờ đây, hai môn đệ vừa trở về từ Em-maus đã có cơ hội để khẳng định sự phục sinh, họ kể sách Thánh đã tỏ lộ thế nào, mắt họ đã mở ra sao. Bầu khí sôi nổi đã nhanh chóng lan tỏa khi họ chia sẻ với nhau về tin mừng Chúa Giêsu đã phục sinh từ cõi chết.**

 

Thứ năm, 20/04/2017

Đề tài: ƠN BÌNH AN CỦA CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 24,35-48)

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. 36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!" 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? " 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?" 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. 44 Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này. 

SUY NIỆM:

1/ Đừng nên hiểu bình an của Chúa là thiếu vắng những gian nan, thử thách, thống khổ. Bình an của Chúa là ơn Thánh giúp ta không xao xuyến khi phải đối diện với những Thánh Giá, trái ý và Chúa còn giúp ta vượt qua những thử thách đó cách can trường.

2/ Cái chết của Chúa Giêsu làm cho các Môn đệ hoang mang, thất vọng, làm cho các ông sống trong vô vọng. Người thì bỏ cuộc, người lo âu, không dám bước ra khỏi nhà, các ông buồn lo cho số phận của mình. Chúa Giêsu đã xuất hiện và chúc bình an cho các ông.

3/ Các ông đang lo buồn, lòng thấp thỏm cho số phận của mình không biết rồi mai đây sẽ đi về đâu. Phần thì hối hận khi Thầy mình gặp nạn mà chẳng đền đáp được gì. Thế nên lời ban bình an trong lúc này là cần thiết nhất.

4/ Từ khởi đầu của ơn cứu độ, khi Chúa Giêsu sinh ra làm Người. Thì ở hang Belem đã vang lên lời hát chúc bình an của các Thiên Thần, bình an dưới thế cho người Chúa thương.

5/ Trong 8 mối Phúc Thật, kẻ đi xây dựng hòa bình, kẻ đi kiến tạo sự bình an, thì sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Bình an của Chúa ban không giống như bình an của loài người.

6/ Trong khi các Môn đệ đang họp nhau ở trong phòng đóng kín, lòng hoang mang lo sợ về những điều vừa xảy ra cho Thầy mình. Họ cũng đang bàn tán về những vấn đề mà sáng nay đã xảy ra với các chị phụ nữ, trong đó có cô Magđala.

7/ Vào sáng sớm hôm nay, Chúa lại hiện ra đứng giữa họ và chúc lành cho họ: “Bình an cho anh em”. Họ hốt hoảng sợ hãi, ngỡ là mình thấy ma; nhưng Chúa đã trấn an họ, tìm mọi cách để giúp họ tin là Chúa vẫn đang sống, đang ở giữa họ.

8/ Trước hết Chúa trấn an họ bằng cách cho họ xem các vết đinh nơi chân tay Ngài, để họ nhận ra đúng là Ngài.

9/ Chúa bảo họ sờ vào thân thể Ngài và nhìn cho kỹ để thấy Ngài không phải là ma quái hiện hình, hay do trí óc ảo tưởng của họ.

10/ Tiếp đến Chúa cho họ thấy một bằng chứng thuyết phục hơn đó là cho họ thấy Ngài ăn cá nướng và mật ong. Chúa đã ăn trước mắt họ.

11/ Sau cùng Chúa trưng ra lời sách Thánh đã báo trước: Đức Ki-tô phải chịu đau khổ, và chết nhục nhã, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại.

12/ Như vậy có nghĩa là những gì sách Thánh báo trước về Ngài đều đã được ứng nghiệm. Sau khi đã đưa ra tất cả những bằng chứng đáng tin, chứng minh rằng Ngài đã sống lại thật, sau đó Chúa bảo các Môn đệ hãy đi làm chứng về tất cả những điều ấy cho mọi người.

13/ Sau khi đã có kinh nghiệm về cuộc đời của Chúa Giêsu cũng như hiểu về sự Phục Sinh của Đức Ki-tô. Chúng ta thấy đi đâu các Tông đò cũng hiên ngang tuyên bố, bất chấp những đe dọa, tù đày, đòn vọt, tòa án, cấm đoán không được rao giảng danh Đức Ki-tô Phục Sinh. Các Ngài đã khẳng khái trả lời: “Xin quý vị xét cho, chúng tôi không thể không nói những điều mắt thấy tai nghe”.

14/ Không những các Ngài làm chứng bằng lời nói, việc làm, mà còn làm chứng bằng chính mạng sống của mình. Các Ngài sẵn sàng chịu vất vả, tù ngục, cái chết vì Chúa Giêsu. Các Tông đồ đã làm tròn vai trò nhân chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh.

15/ Chúng ta hôm nay cũng phải suy xét coi mình đã làm chứng cho Chúa thế nào. Chúng ta phải rao truyền bằng đời sống Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa hãy đến và ngự giữa chúng con, để đời chúng con luôn có sự bình an hạnh phúc của Chúa. Amen.**

 

Thứ sáu, 21/04/2017

Đề tài: MẺ CÁ LẠ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 21,1-14)

1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. 4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư? " Các ông trả lời: "Thưa không." 6 Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.

7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: "Chúa đó! " Vừa nghe nói "Chúa đó! ", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. 9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây! " 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói: "Anh em đến mà ăn!" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai? ", vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

SUY NIỆM:

1/ Chúng ta luôn được mời gọi để nhận ra sự hiện diện của Chúa qua các dấu chỉ của thời đại. Mẻ cá lạ hôm nay cũng là phép lạ cuối cùng của Chúa trước khi Ngài về trời.

2/ Phép lạ này diễn ra trong khoảng thời gian 40 ngày sau khi Chúa sống lại và trước khi Chúa về trời tại biển hồ Tiberias, gần Thành Betsaida, quê hương của Phê-rô và Yoan.

3/ Khi thấy sự kiện lạ lùng, Yoan liền nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!”, ông nhận ra Chúa nhờ kỷ niệm mà mẻ cá lạ giúp ông nhớ lại. Đang khi đó lòng ông Phê-rô vẫn đang ngổn ngang với nhiều cảm xúc tội lỗi, hối hận, nhớ Thầy, rất mong được gặp lại Thầy. Bởi vậy khi Phê-rô vừa nghe Yoan nói: “Chúa đó”, ông liền khoác áo vào rồi nhảy xuống biển để đến với Người.

4/ Nhiều lúc vì những bận rộn của trần thế khiến cho lòng chúng ta không thể nhận ra sự hiện diện của Chúa. Lời Chúa mời gọi chúng ta phải lắng đọng tâm hồn để nhạy bén mà nhận ra Chúa trong mọi biến cố trong cuộc đời chúng ta.

5/ Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại phép lạ này. Đây là lần thứ ba Chúa hiện ra với các ông sau ngày Chúa sống lại: lần thứ nhất vào chính ngày Chúa Phục Sinh, lần thứ hai lúc có đủ 11 người (có mặt ông Toma), lần thứ ba chỉ có 7 người tại bờ biển hồ Tiberias.

6/ Đa số các Môn Đệ đều làm nghề đánh cá chài lưới ở biển hồ Tiberias. Họ đã bỏ nghề để đi theo Chúa, họ đã sống với Chúa và lúc đó họ đang ấp ủ một tương lai huy hoàng.

7/ Nhưng sau khi Chúa bị bắt, bị giết chết thì mọi hy vọng của họ đều tiêu tan. Và rồi sau 3 ngày Chúa đã sống lại, Ngài đã hiện ra với nhóm của họ hai lần rồi, đó là không kể những lần hiện ra với những người khác. Dầu vậy, lòng họ vẫn còn ngờ vực, nghi ngờ, bán tín, bán nghi, rồi họ trở về Galilea để chờ đợi Chúa như lời Người đã căn dặn, nhưng chờ mãi mà không thấy nên họ đã rủ nhau đi đánh cá.

8/ Tin Mừng hôm nay có bảy người đó là: Phê-rô, Toma, Nathanaen (Batolomeo), Yacobe, Yoan và 2 người khác không rõ tên.

9/ Đây là đêm ra quân đầu tiên kể từ khi họ bỏ nghề theo Chúa, họ trắng tay vì không bắt được gì cả. Khi họ đã chèo thuyền vào đến gần bờ thì có Chúa Giêsu hiện đến đứng ở trên bờ mà họ không biết là Chúa.

10/ Sau vài câu chào hỏi, Chúa bảo họ thả lưới. Có một điều đặc biệt là họ đã thả lưới suốt đêm ở những chỗ mà họ hy vọng là có cá mà chẳng bắt được gì. Bây giờ đã quá mệt nhọc, lại có người bảo hãy thả lưới gần bờ thì hy vọng gì?

11/ Vậy mà không hiểu sao họ lại làm ngay theo lời đề nghị đó, và họ đã vớ được một mẻ cá lớn, tới 153 con. Tông đồ Yoan là người đầu tiên phát giác ra người lạ đó chính là Chúa Giêsu mọi người liền tin ngay; nhất là trong bữa ăn sáng đó, Chúa đã cầm bánh trao cho họ, cũng cùng một cử chỉ như Chúa đã làm trong bữa tiệc ly. Lúc đó niềm tin của họ càng vững chắc hơn, vì chúng ta có thêm một bằng chứng nữa về Chúa Phục Sinh.

12/ Một điều rất đáng cho chúng ta ghi nhớ, đó là: Các Môn đệ đánh cá suốt đêm mà không được gì, đó là một giới hạn của họ và cũng là bài học cho chúng ta.

13/ Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên (không Thầy đố mầy làm nên). “Không có Ta, các ngươi không làm được gì”.

14/ Trong trần gian này, mọi sự đều có giới hạn của nó, đó là một định luật => Giới hạn vật chất, giới hạn khả năng.

15/ Đừng thất vọng khi không thành đạt, không có Chúa chúng ta không làm được gì.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho con thấy Chúa ở mọi nơi, trong mọi người và trong mọi sự. Xin cho con luôn hết lòng tin tưởng ở Chúa. Amen.**

 

Thứ bảy 22/04/2017

Đề tài: TIN VÀO CHÚA KI-TÔ PHỤC SINH

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Marco (Mc 16,9-15)

9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. 12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. 14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo."

SUY NIỆM:

1/ Trong một đám cháy nhà, mọi người trong nhà chạy tán loạn ra ngoài, nhưng còn sót một bé trai trên lầu không ra được. Em đứng ở cửa sổ trên lầu và la hét “Ba ơi, cứu con!”. Trong lúc khói lửa đang mịt mù, người cha ở dưới đất thấy con trai mình, nhưng đứa con vì quá sợ nên không thấy gì, miệng nó không ngớt la hét. Người cha bảo con trai: “con cứ nhảy xuống, ba sẽ cứu con”. Đứa bé tin lời cha, nó buông mình xuống, người cha đã hứng được nó, và cậu bé đã được cứu sống.

2/ Các Môn đệ không tin mặc dù các ông đã nghe các phụ nữ kể lại. Các ông cũng không tin khi hai Môn đệ trở về từ làng Emmaus, mãi đến lúc Chúa Giêsu hiện đến thì các ông mới tin.

3/ Đức tin không đơn thuần là do suy luận của lý trí, nhưng đức tin là do ơn Chúa ban, là việc Chúa làm. Đức tin cần có một trải nghiệm thực tiễn qua một cách nào đó mà chúng ta có thể gặp gỡ, tiếp xúc với Thiên Chúa.

4/ Đức tin của chúng ta cũng giống như tình huống của đứa bé trong đám cháy nhà với cha mình. Chúng ta không thấy Chúa bằng con mắt thường, nhưng Chúa lại thấy chúng ta, Ngài luôn đợi chờ, nâng đỡ chúng ta trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn được mời gọi hãy vững tin vào Chúa, hãy hăng say loan báo tin mừng cho mọi người.

5/ Bài Tin mừng hôm nay Thánh Marco muốn làm nổi bật thái độ cứng lòng của các Tông đồ khi các ông nghe thuật lại việc Chúa Giêsu sống lại và hiện ra.

6/ Sau khi bà Magđala được Chúa hiện ra, bà chạy đi báo tin cho các Tông đồ biết. Tin Mừng ghi lại rằng: “họ không tin”. Tiếp đến hai Môn đệ đi về từ làng Emmaus, sau khi họ gặp, được trò chuyện và dùng bữa với Ngài, các ông vui mừng trở lại Giêrusalem thuật lại những gì các ông đã nghe, đã thấy. Tin mừng cũng ghi lại rằng: Các ông khác không tin.

7/ Họ không tin! Rõ ràng đây là một điệp khúc được lặp đi lặp lại, không chỉ ở thời kỳ các Môn đệ của Chúa Giêsu mà còn kéo dài cho đến tận hôm nay.

8/ Thời của Thánh Phaolo. Khi Ngài đến thủ đô Athen của Hy Lạp, nơi đây là cái nôi của triết học để giảng về Chúa Phục Sinh, thì dân chúng ở đây đã nhạo cười Ngài.

9/ Tại Thesxalonica, khi các Tông đồ đi rao giảng về Chúa Phục Sinh, người ta đã tố cáo các Ngài, họ còn xúi giục dân chúng nổi loạn.

10/ Tại Ephê-sô. Các Tông đồ bị kết án là những người đã gây xáo trộn cho nền kinh tế của nước này được xây dựng khấm khá bằng nghề đúc ngẫu tượng.

11/ Thế rồi sau 2000 năm rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa Phục Sinh. Ở đâu Giáo hội cũng gặp phải sự chống đối, ở đâu giáo hội cũng phải đối đầu với những kẻ không tin.

12/ Giáo hội vẫn luôn tin rằng: Chúa Giêsu luôn có mặt trong Giáo hội và phù hộ cho Giáo hội trong việc rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa Phục Sinh/

13/ Chúa đã ở với Giáo hội sơ khai và Ngài vẫn ở với Giáo hội hôm nay. Giáo hội ngày xưa đã trải qua biết bao thử thách, nhưng nhờ có Chúa hiện diện và nhờ các Tông đồ kiên trì trong đức tin, Giáo hội đã vượt qua muôn ngàn thử thách, để ngày càng thêm lớn mạnh.

14/ Ngày nay Giáo hội vẫn phải chịu thử thách về niềm tin khi phải đương đầu với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực. Và khía cạnh này đang lung lạc niềm tin của nhiều người.

15/ Chúng ta cần khẳng định rằng: Cho dù ngày nay con người không còn tin Chúa Giêsu đi nữa thì Ngài vẫn hiện diện, vẫn hướng dẫn và phù hộ cho Giáo hội, cho những người tin Chúa miễn sao họ vẫn còn trung thành với niềm tin của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, vì đã ban đức tin cho chúng con, xin giúp chúng con trung thành với niềm tin ấy cho đến cùng, xin giúp con luôn sống đẹp lòng Chúa. Amen.

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1327
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  31
 Hôm nay:  2713
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11353017
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top