Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN A 2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần XXIII  Thường Niên A (11/09 -> 16/09/2017)

Thứ hai, 11/09/2017

Đề tài: CÁCH THỨC LÀM ĐIỀU LÀNH

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh  Luca (Lc 6,6-11)

6 Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải.7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người.8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây! " Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó.9 Đức Giê-su nói với họ: "Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt? "10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: "Anh giơ tay ra! " Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường.11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

SUY NIỆM:

1/ Người quân tử là người luôn làm mọi công việc cách quang minh chính đại, kẻ tiểu nhân luôn núp lén, tìm cách hại người. Chúa muốn chúng ta theo gương Chúa, sống công chính, làm việc gì cũng vì lợi ích cho người khác, không làm vì cái tôi ích kỷ.

2/ Trong khi dân chúng đang lắng nghe Chúa Giêsu giảng dạy, và xin Chúa cứu giúp họ qua việc chữa lành các bệnh tật. Thì các Kinh Sư, Biệt Phái lại đi rình mò xem Chúa Giêsu có phạm vào điều luật nào hay không.

3/ Cho dù là vi phạm một điều luật nhỏ nhất trong sách Thánh thì họ cũng nhằm tố cáo, bắt bớ và loại trừ Chúa. Họ chẳng thèm đếm xỉa đến những việc lớn lao tốt đẹp mà Chúa đã từng làm, bởi vì lòng họ không có chút tính bác ái yêu thương nào.

4/ Chúa quở trách cách sống của Biệt Phái, Kinh Sư, nhưng cũng có ý căn dặn chúng ta: Đừng rình mò, bới móc những lỗi lầm của người khác, để rồi không nhìn thấy những việc tốt, việc thiện của anh em mình.

5/ Một câu chuyện buồn cười: Một người Do Thái qua đời, có giấy xác nhận của bác sĩ chứng thực để người ta làm thủ tục chôn cất. Giữa lúc mọi người chuẩn bị hạ huyệt thì người ta nghe có tiếng khua mạnh trong quan tài. họ mở quan tài ra  /Mọi người ngạc nhiên khi thấy kẻ chết sống lại. Thế nhưng vị giáo trưởng chủ trì tang lễ lại ra hiệu cho mọi người thinh lặng, rồi ông nói với kẻ vừa sống lại như sau: “Chúng ta không biết rõ ông đang sống hay chết, nhưng căn cứ theo giấy chứng tử thì chúng tôi phải chôn ông”. Nói xong, ông truyền cho ban lễ tang đóng nắp quan tài lại, và cứ tiếp tục nghi thức an táng.

6/ Có lẽ tác giả câu chuyện muốn chế giễu tính cách máy móc, cứng nhắc của những con người khi tuân giữa các lề luật tôn giáo, cũng như cách con người cư xử ác độc với nhau.

7/ Vào thời Chúa Giêsu, những người Phariseu cũng có thái độ như thế đối với lề luật / họ như những khúc gỗ. Họ quá tuân giữ lề luật đến độ đành hy sinh cả tính mạng người.

8/ Chúa Giêsu tuyên bố: Ngài đến để kiện toàn lề luật, nên đã chữa bệnh làm phúc trong ngày Sabat. Qua thái độ này, Chúa muốn dạy chúng ta: cốt lõi của việc tuân thủ lề luật là tinh thần yêu thương. Con người nếu không có tình yêu, thì đâu có khác gì một thây ma hôi thối.

9/ Thái độ tuân giữ lề luật như là nô lệ, như là máy móc, khiến cho bao nhiêu người có cái nhìn sai lạc về Thiên Chúa. Dưới bàn tay của bọn Kinh Sư, họ vẽ Chúa như là một vị thần lúc nào cũng hẹp hòi, so đo, tính toán, luôn rình rập để áp dụng luật lệ trên con người. Họ cứ tưởng Thiên Chúa như một vị quan tòa, chỉ thưởng phạt theo tâm trạng và thái độ của một con người xấu xa như bụng dạ của họ.

10/ Chúa Giêsu muốn đánh đổ quan niệm sai lầm này, bằng cách đến với người thu thuế, tội lỗi, gái điếm. Qua cách hành xử này, Chúa muốn cho mọi người thấy bộ mặt đầy yêu thương nhân từ của Thiên Chúa, tình thương ấy vượt qua mọi cân lường của con người.

11/ Thiên Chúa luôn yêu thương con người. Đó là chân lý, là nền tảng của đạo Kito giáo, là niềm hy vọng và chờ đợi của con người. Chúa mời gọi chúng ta đến với Ngài bằng trọn niềm tin yêu, phó thác. Chúa mời gọi chúng ta phải tỉnh thức để đón nhận, và Ngài cũng bảo chúng ta hãy chia sẻ tình thương ấy cho anh em, bằng tấm lòng quảng đại, cảm thông và yêu mến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn biết sống vì Chúa, vì anh em. Amen. ****

 

Thứ ba, 12/09/2017

Đề tài: TIN TƯỞNG VÀO LỜI CẦU NGUYỆN

DANH THÁNH ĐỨC MARIA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 6,12-19)

12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Nhiệt Thành, 16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

SUY NIỆM:

1/ Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn các Tông đồ, cho thấy Chúa luôn ý thức về sứ vụ của mình trong tương quan với Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu biết rằng: Chỉ có sống kết hiệp với Chúa Cha mới mong có thể chu toàn sứ vụ được giao.

2/ Trong các hoạt động sứ vụ, chúng ta dễ đi tìm vinh quang cho riêng mình hơn là đi tìm cho vinh quang Thiên Chúa.

3/ Chúng ta là những môn sinh, là những Tông đồ được sai đi. Chúng ta đang thuộc về Chúa và đang thi hành những công việc Ngài sai làm, nên chúng ta phải luôn tìm kiếm Thánh ý Chúa chứ không được tìm làm theo ý riêng mình. Vì thế chúng ta phải phó thác vào Chúa và cần kết hợp mật thiết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện.

4/ Trước khi Chúa Giêsu về trời, tuy Chúa Giêsu để lại số Môn đệ quá ít ỏi, kém khả năng, khó có thể chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới, nhưng Chúa vẫn hoàn toàn tin tưởng nơi các ông.

5/ Nhưng chính từ những ngư phủ quê mùa dốt nát này cùng với một số ít Môn đệ khác, Chúa Giêsu đã trao phó trọn vẹn sứ mạng phải hoàn tất chương trình biến đổi xã hội trần thế thành nước trời cho các ông.

6/ Sau ngày các Tông đồ nhận lãnh Thánh Thần, các ông như những con người vừa được hồi sinh, không còn ẩn nấp trong căn phòng đóng kín để trốn tránh vì sợ nữa.Các ông đã ra đi rao giảng khắp nơi bất chấp mọi cấm cách, đòn roi, tù đày, các ông đã xem nhẹ cái chết.

7/ Tất cả các Tông đồ đã can đảm dùng máu đào để minh chứng niềm tin và lời mình rao giảng, trừ một mình Thánh Yoan. Nhờ đó, nước Trời như từ một hạt cải bé nhỏ, đã trở thành một cây to lớn, bao phủ cả trái đất. Từ đây chim trời đã tìm được nơi trú ngụ.

8/ Suốt hơn hai mươi thế kỷ trôi qua, có biết bao lớp người, đủ mọi tầng lớp, đã đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu. Đấng đã luôn minh chứng: “ta là Đường, là sự thật và là sự sống”

9/ Hôm nay đến lượt chúng ta, những người mang danh là Ki-tô hữu của những thập niên đầu thế kỷ 21. Chúng ta có dám đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu, có dám sống niềm tin của mình, có dám làm chứng cho lời mình rao giảng không ?

10/ Mỗi người chúng ta phải là một Tông đồ, một Môn đệ, một tôi tới trung thành rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu cho mọi người biết về một Thiên Chúa nhân lành và đầy lòng yêu thương hay không?

11/ Chúng ta có dám dùng đời sống gương mẫu của mình để minh chứng cho mọi người thấy những điều mình tin, mình rao giảng là thật, là đáng tin theo hay không?

Cầu nguyệnLạy Chúa, chúng con là những Giáo dân thấp hèn, dốt nát. Nếu không có ơn Chúa, chúng con chẳng làm gì được. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết cầu nguyện và cố gắng sống đời bác ái để minh chứng chúng con là Môn đệ của Chúa. Amen.

 

Thứ tư, 13/09/2017

Đề tài: PHÚC HAY HỌA DO TỰ NƠI MÌNH

THÁNH GIOAN KIM KHẨU – GIÁM MỤC, TSHT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh  Luca (Lc 6,20-26)

20 Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: "Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. 21 "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. 22 "Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24 "Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. 25 "Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. "Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. 26 "Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

SUY NIỆM:

1/ Những người thường ra tay làm phúc, giúp đỡ kẻ khác thì không giàu. Tuy không giàu có gì, nhưng vì lòng họ quảng đại nên luôn thương giúp những kẻ cơ nhỡ. Những người giàu thường keo kiệt, cho nên Chúa Giêsu nói: Con lạc đà khó lòng chui qua lổ kim.

2/ Người đời vẫn thường cho rằng “nghèo là một cái tội”. Vì có tội nên bị trời đọa đày. Khi Thiên Chúa chúc phúc cho các tổ phụ, Ngài không chúc cho ai nghèo khổ cả, chính vì thế nên Thiên Chúa không muốn cho ai phải nghèo khổ đến độ sống mất nhân phẩm cả.

3/ Hôm nay Chúa Giêsu lại rao giảng một điều xem ra rất trái ngược: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó.

4/ Nếu theo trí khôn của một con người bình thường sẽ rất khó hiểu về mối phúc này. Vì nó xem ra trái ngược với ước muốn tự nhiên, Chúa Giêsu cũng không có ý ca ngợi những khổ đau và bất hạnh, bằng chứng là Chúa luôn cứu chữa và an ủi những người đau yếu, bệnh tật, nghèo khổ.

5/ Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta hiểu rằng: Thập giá là điều kiện ắt có của Mầu Nhiệm Phục Sinh, bởi vì không đi qua khổ giá, không thể đi tới vinh quang.

6/ Chúng ta cần làm một cuộc so sánh các mối phúc giữa hai bản văn của Mattheu và Luca: Mattheu ghi rõ 8 mối phúc nhưng lại viết theo ngôi thứ ba; còn Luca cũng viết ra 8 mối, nhưng có 4 mối phúc và 4 mối họa, nhưng lại ở ngôi thứ hai. Luca viết 4 điều mang lại ơn phúc, còn 4 điều lại cảnh cáo mất hạnh phúc, cho nên Phúc Âm của Luca chỉ có 4 mối phúc thôi.

7/ Những lời chúc phúc của Thánh Mattheu nhắm tới việc hoàn thiện đời sống luân lý: Khuyên răn con người sống cho tốt, mà phần thưởng là nước trời, hãy sống như thế này thì được nước trời.

8/ Còn Thánh Luca thì có tính cách như là các hồng ân Thiên Chúa ban vô điều kiện.Vì Thiên Chúa là Đấng cứu độ nên Ngài sẽ rộng tay ban phát cho mọi người.

9/ Ai trong chúng ta cũng mong được sống hạnh phúc, nhưng thế nào là hạnh phúc đích thực? Chúng ta có thể tìm được hạnh phúc ở đâu? Lời giải đáp là ở bài Tin Mừng.

10/ Khi mới nghe bài Tin Mừng này, chúng ta thường thấy khó chịu vì nó chói tai. Bởi vì lời chúc phúc của Chúa Giêsu xem ra quá nghịch lý. Đã có không ít người cho rằng: Giáo hội của Chúa chẳng thực hiện được lời chúc này, vì giáo hội công giáo xem ra quá giàu có nên không thể sống nghèo được, vì có quá nhiều tài sản, cơ sở đồ sộ.

11/ Nhưng chúng ta cần hiểu Lời Chúa bằng con mắt đức tin để thấy rằng: Chúa không muốn chúng ta sống nghèo khó, đói khát. Lời một bài hát sau đây khiến cho ta phải suy nghĩ: Con không xin Chúa sang giàu, cũng đừng để con quá nghèo; vì nếu quá giàu thì con sẽ bỏ Chúa, còn nếu quá nghèo, có sẽ liều mình trộm cắp, làm ô danh Chúa Trời.

12/ Chúng ta cần hiểu rằng: Mọi lời chúc này phải được đặt vào đúng đời sống tinh thần. Bởi vì Chúa không cấm giáo hội cũng như người Kito hữu có những phương tiện để hoạt động, miễn là đừng để tâm hồn mình dính bén của cải vật chất, đừng làm tôi tiền của.

13/ Chúa cũng khẳng định rằng: Người giàu có ở đời này khó vào được nước trời, nên hãy biết dùng tiền của để mua lấy nước Thiên Đàng. Điều Chúa mong muốn là tâm hồn ta hãy trở nên nghèo khó, hãy đói khát sự công chính, hãy tìm kiếm những gì mang lại hạnh phúc đời đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa Ngôi Hai, đã mặc lấy xác phàm mà chẳng có chút vấn vương đến tiền bạc của cải. Xin cho con biết dùng những thứ chóng qua như là những thứ phụ thuộc, để lòng con chỉ tha thiết những sự trên trời. Amen.

 

Thứ năm, 14/09/2017

Đề tài: CHÌA KHÓA NƯỚC TRỜI

LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 3,13-17)

13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

SUY NIỆM:

1/ Khi yêu nhau, đôi uyên ương thường tặng nhau những món quà mang biểu tượng tình yêu, cũng có thể gọi là một chiếc chìa khóa để mở cửa trái tim. Riêng Chúa Giêsu, Ngài lại dành tặng cho chúng ta một biểu tượng tình yêu đó là “Cây Thập Giá”.

2/ Trong Tin Mừng Thánh Yoan, Chúa Giêsu dùng cái chết thập giá như một sự được tôn vinh. Thập giá chính là lời tôn vinh tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Thiên Chúa Cha.

3/ Tình yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại lại là một tình yêu mãnh liệt vô bờ, qua việc ban Người Con Một cho thế gian, để ai tin vào Người Con trên thập giá thì được sống.

4/ Thập Giá cũng là một lời tôn vinh tình yêu của Ngài dành cho nhân loại. Thập Giá của người Roma đã trở thành Thánh Giá, cũng chính là biểu tượng tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho nhân loại.

5/ Thập Giá còn là dấu chỉ của niềm hy vọng, sự tự hào và vinh quang của mọi người tín hữu. Thánh Phaolo đã thốt lên: “Ước chi tôi chẳng còn hãnh diện về điều gì ngoài Thập Giá của Đức Kitô” (Gl 6,14).

6/ Tại sao có lễ suy tôn thánh giá vào ngày 14/09 ?  Theo sử liệu kể rằng: Năm 327, bà Thánh Helena, thân mẫu của vua Contantinop, hoàng đế Roma, có lẽ bà muốn đền tội cho con về cái tội giết vợ, con. Vì hai con người này đã phản động, âm mưu cướp ngôi vua, nên bà đã đi hành hương đất Thánh Yerusalem, với mục đích tìm kiếm cây thánh giá đã được dùng để đóng đinh Chúa Giêsu. Sau nhiều ngày cố gắng vất vả tìm kiếm, bà đã tìm được cây Thánh Giá Chúa. Sau đó bà cho xây một đền thờ to lớn nguy nga ngay trên đồi Golgotha, nơi Chúa đã chịu tử nạn. Tại đền thờ này, bà để lại một phần Thánh Giá Chúa, được đặt trong một hòm bằng bạc rất đẹp. Phần Thánh Giá còn lại bà đem về cho vua Contantinop ở Roma. Đền thờ xây trên đồi Golgotha được long trọng làm lễ cung hiến vào ngày 14/09/ 335.

7/ Đến năm 625, dưới thời hoàng đế Heralito, vua Cot-so-ret nước Ba Tư đã đem quân xâm chiếm Thánh địa, chiếm lấy chiếc hòm bạc đựng phần Thánh Giá thật mà bà Helena đã để lại. Vì thế vua Heralito nhất định chiếm lại, vua đã chiến thắng và lấy lại chiếc hòm bạc đựng phần thánh giá và đem về Contantinop. Nhưng mãi đến năm sau, vua Heralito mới đem thánh giá Chúa trở về đền thờ trên đồi Golgotha trước kia. Khi hoàng đế uy nghi tiến vào Yerusalem, nhưng lúc đến chân núi Sọ thì có một sức mạnh vô hình nào đó đã giữ chân vua lại khiến vua không thể nào bước đi được. Khi đó Giám Mục Da-caria mới nói: “Tâu đức vua, chắc chắn phẩm phục của đức vua không xứng hợp với cảnh nghèo hèn và khiêm nhường của Chúa Giêsu  khi vác Thánh Giá, nên đức vua không đi được”. Nghe vậy, hoàng đế Heralito liền cởi bỏ phẩm phục và mặc vào một chiếc áo thường dân, tức thì hoàng đế tiến bước lên núi cách dễ dàng. Vì thế, để ghi nhớ lễ cung hiến đền thờ, cũng như ghi nhớ biến cố lạ lùng nói trên. Giáo hội đã lập lễ suy tôn thành giá vào ngày 14/09.

8/ Tại sao chúng ta suy tôn Thánh Giá? Đối với người Đông Phương thì thập giá là một hình phạt để trừng trị những người phạm tội đáng chết. Người Roma dùng hình phạt này để trừng trị những người nô lệ hoặc những người không phải công dân Roma phạm những tội nặng như: Cướp của, giết người, phản quốc, nổi loạn. Như vậy thập giá là một hình phạt độc ác nhất và cũng nhục nhã nhất dành cho những kẻ phạm trọng tội.

9/ Cũng vậy, Chúa Giêsu bị giết chết trên thập giá là vì có trọng tội. Nhưng đó lại là tội của loài người, của chúng ta.  Chúa chết trên thập giá là để chết thay, là để đền tội cho chúng ta. Vì vậy, dưới cái nhìn đức tin, cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm là bởi vì chúng ta không thể hiểu được tại sao con Thiên Chúa lại phải trả giá bằng cái chết đau thương như thế !

10/ Nhưng với đức tin, chúng ta hiểu rằng: Chính vì tội lỗi chúng ta mà Chúa Giêsu đã chịu treo trên thập giá. Thập giá tự nó chẳng có giá trị gì, chỉ là một cây gỗ bình thường, nhưng vì Chúa Giêsu chết trên đó, nên thập giá đã trở thành Thánh Giá và rất xứng đáng được chúng ta suy tôn.

11/ Do đó, phụng vụ lời Chúa hôm nay đều quy hướng về ý nghĩa giương cao thánh giá. Con rắn đồng cũng đã được treo cao lên đầu cột. Đó là dấu chỉ của ơn cứu độ. Chúa Giêsu đã tự hạ mình, trút bỏ mọi sự và vâng phục cho tới chết, chết trên thập giá, nên Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài. Tức là Chúa Giêsu phải chịu treo cao trên thập giá, thì mới mang lại ơn cứu độ cho mọi người. Như chính Chúa đã tuyên bố: “Khi nào tôi bị treo lên, tôi sẽ kéo tất cả lên với tôi”. Vì thế giáo hội muốn chúng ta chiêm ngưỡng Thánh Giá Chúa, chiêm ngắm trái tim bị đâm thâu qua, mà từ đó đã trào ra nguồn suối yêu thương, tha thứ mọi tội lỗi cho nhân loại, và đó cũng là nguồn hy vọng lớn lao, đầy khích lệ cho chúng ta.

12/ Vì thế, Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo tôi, hãy vác Thập Giá mình hằng ngày mà theo tôi”. Đây là điều kiện Chúa đã đề ra để đòi hỏi ý chí tự do của mỗi người trên con đường theo Chúa. Thập giá Chúa bảo chúng ta vác không phải là hai cây gỗ đóng chồng chéo lên nhau theo hình chữ thập, mà là những đau khổ chúng ta thường gặp phải trong cuộc đời. Hiểu như thế thì ai cũng phải vác thập giá của mình vì ai cũng có đau khổ. Hữu sinh, hữu khổ, có mặt trên đời là đã khổ.

13/ Thật vậy, tất cả chúng ta đã, hoặc đang, hoặc sẽ gặp đau khổ. Có người đã trải qua, có người đang quằn quoại, có người đang bị đau khổ rình rập. Không ai dám quả quyết rằng mình không gặp đau khổ, giàu hay nghèo, tu sĩ hay trần tục đều có những đau khổ của riêng mình. Vì thế đau khổ nhiều hay ít chưa phải là điều quan trọng, điều quan trọng chính là thái độ của chúng ta như thế nào trước đau khổ.

14/ Vì vậy, khi nào gặp đau khổ, chúng ta đừng bao giờ kêu trách Chúa. Chúa không gởi đau khổ cho chúng ta, Chúa không muốn chúng ta phải khổ. Vì thế nếu chúng ta phàn nàn kêu trách là oan cho Chúa, là xúc phạm đến Chúa. Chúng ta cũng đừng rủa mình, đừng than thân trách phận, đừng chán nản buông xuôi, đừng tuyệt vọng. Vì như thế cũng đâu giải quyết được gì, càng bực tức thì càng làm liều, càng làm bậy thì càng gặp nguy hiểm.

15/ Chúng ta cần phần đấu, cần cố gắng hết mình, tìm mọi cách chân chính để thoát khỏi đau khổ. Nhất là theo gương Chúa, chúng ta lúc nào cũng phải có ý thức, sẵn sàng vượt qua mọi đau khổ, bất hạnh. Chúng ra cần cầu nguyện cho nhau, nhất là cầu nguyện cho những ai đang đau khổ trên đường tình, trên đường công danh sự nghiệp. Hãy biết mở rộng tấm lòng để đón nhận lời mời gọi của Chúa: “Hãy theo ta”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh giá để cứu con, xin cho con biết lợi dụng những khổ đau trái ý thường ngày để cộng tác vào ơn cứu độ của Chúa trong việc cứu thoát bản thân con và anh em chung quanh con. Amen.**R

 

Thứ sáu, 15/09/2017

Đề tài: NGƯỜI MẸ KHỔ ĐAU

LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 19,25-27)

25 Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà."27 Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

SUY NIỆM:

1/ Đức Maria là người Mẹ đau khổ khi bà chỉ cứu được một trong hai đứa con,  đứa còn lại thì bà phải tận mắt chứng kiến cái chết của nó ,đó là Chúa Yesu /  Cũng có một người mẹ khổ đau khác kể lại: khi bà chỉ cứu được đứa em trong khi phải chứng kiến cái chết của đứa anh trong một vụ hỏa hoạn ở một cửa hàng xăng dầu .

2/ Mẹ Maria cũng đang mang một tâm trạng như thế khi chứng kiến cái chết của người Con yêu dấu. Nhưng trái với nỗi đau của người mẹ trên đây, Đức Mẹ đã sống nỗi khổ đau này từ khi Chúa Giêsu còn rất bé qua lời tiên báo của Tiên Tri Simé-on.

3/ Hình ảnh một người mẹ bị lưỡi gươm đâm thâu tim mình, nhưng cũng không thể diễn tả hết nỗi đau đứt ruột của Mẹ. Thế nhưng dưới chân Thập Giá, Mẹ không la, không hét, không oán than, kêu khóc. Mẹ đứng đó để thông phần nỗi đau đớn cùng con mình, người Con yêu dấu đang chu toàn sứ vụ cứu độ nhân loại.

4/ Giáo hội dùng ngày 15/09 để kính nhớ Đức Mẹ Sầu Bi. Bởi vì Chúa Giêsu đã tự nguyện chấp nhận những gian lao khốn khó để cứu chuộc loài người. Chúa cũng muốn rằng người Mẹ mà Chúa yêu hơn cả, cũng thông phần đau khổ để đồng công cứu chuộc nhân loại.

5/ Thực sự Đức Mẹ đã được tuyên xưng là đấng đồng công cứu chuộc. Tin mừng đã cho chúng ta thấy bảy sự đau khổ đáng được kính nhớ của Đức Mẹ.

6/ Khi dâng Chúa Giêsu vào đền Thánh, cụ Tiên Tri Simé-on đã nói với Mẹ: “Con trẻ này sẽ nên như mũi gươm đâm thâu qua lòng bà”. Nếu Mẹ biết trước như vậy thì Mẹ có yên tâm và bình thản sống được không?

7/ Khi nghe tin vua Herode đang đi tìm con trẻ mà giết đi, Mẹ phải bồng ẵm con đi trốn, đi lánh nạn sang xứ người. Nhà cữa không có, nơi ăn chốn ở ra sao? Lời tiên tri đã bắt đầu ứng nghiệm.

8/ Khi Mẹ lạc mất Con ở đền thờ. Có người mẹ nào lạc mất con mà không đau khổ? mà lại là người Con duy nhất. Chắc chắn Mẹ lo lắng buồn khổ vô cùng.

9/ Trên đường lên Núi Sọ, Mẹ gặp con vác Thánh Giá, lòng Mẹ thật nát tan vì thấy thân hình con bầm dập, cây Thánh Giá thì quá nặng nề, Chúa bị người thế gian chê cười, bị quân dữ đánh đập. Mẹ còn nỗi khổ nào hơn không?

10/ Khi nhìn thấy con bị treo lên Thập giá, Mẹ đứng nhìn lên con yêu dấu. Một người mẹ bình thường nếu nhìn thấy con như vậy mà không ngất xỉu ư? Nhưng Mẹ vẫn can đảm nhìn lên Thánh Giá, con chết đi trong thân xác, thì Mẹ cũng chết đi trong tâm hồn.**

11/ Mẹ nhìn cảnh hạ xác con xuống khỏi Thập Giá, Mẹ ôm xác con lạnh giá để dâng lên Thiên Chúa, như vị chủ tế đang hiến dâng của lễ tế .

12/ Mẹ tận mắt chứng kiến xác con được an táng trong mồ đá. Trước đây nhìn con khổ, con chết thì Mẹ đã đau khổ lắm rồi; bây giờ chẳng còn nhìn thấy xác con nữa, thì Mẹ còn đau khổ biết bao. Mẹ không nói được nhưng Mẹ hoàn toàn xin vâng, xin phó thác mọi sự cho Thiên Chúa.

13/ Khi suy đến mầu nhiệm đau khổ của Đức Mẹ, chúng ta xin Đức Mẹ cho chúng ta hiểu được ý nghĩa Thánh Giá trong suốt cuộc đời chúng ta. Hãy xin Mẹ trợ giúp cho chúng ta có đủ sức nhẫn nại, chịu đựng, can đảm vác Thánh Giá trong suốt cuộc đời của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì yêu con nên Chúa đã chịu chết trên Thánh Giá, xin Chúa giúp con nhờ vào lời chuyển cầu của Mẹ Maria, cho con mau ăn năn sám hối, quay về với Chúa để đáng được Chúa xót thương con. Amen.**R

 

Thứ bảy, 16/09/2017

Đề tài: TẠI SAO CÁC CON KHÔNG THỰC HÀNH ĐIỀU THẦY DẠY BẢO?

THÁNH CORNRLIO – GH, TĐ VÀ THÁNH CYPRIANO – GM,TĐ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh  Luca (Lc 6,43-49)

43 "Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. 44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! 45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.

46 "Tại sao anh em gọi Thầy: "Lạy Chúa! Lạy Chúa! , mà anh em không làm điều Thầy dạy? 47 "Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. 48 Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc. 49 Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành."

SUY NIỆM:

1/ Nói được nhưng làm không được, nói hay làm dở: Là điều mà chúng ta dễ bắt gặp trong cuộc sống hôm nay. Đây là thái độ sống giả hình mà người Phariseu thời Chúa Giêsu thường mắc phải.

2/ Chúa Giêsu đã chỉ ra điều này cho các Môn Đệ thấy rõ: Khi so sánh việc “nói mà không làm”, giống như việc xây nhà trên cát, không có nền móng vững chắc.

3/ Người Môn Đệ phải đem lời Chúa ra thực hành. Nếu chỉ nghe-đọc lời Chúa thôi thì chưa đủ mà phải sống, phải đem ra thực hành. Chỉ đem lời Chúa ra cầu nguyện thôi thì chưa đủ, mà phải thay đổi cách nghĩ, cách nói ,cách làm, rồi đem ra áp dụng.

4/ Miệng thường nói ra những điều đang chất chứa trong lòng. Nếu đó là những tư tưởng tốt đẹp thì sẽ hướng dẫn hành động đến một mục đích hoàn hảo. Nếu là tư tưởng xấu sẽ dẫn chúng ta đến hành vi độc ác, xấu xa.

5/ Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn cảnh cáo những người Phariseu chỉ sống đạo giả hình. Lúc nào họ cũng tự kiêu, nghĩ mình đang đứng ở vị thế cao, được mọi người kính trọng. Họ chỉ quan tâm đến hình thức và điệu bộ bên ngoài, chỉ để tạo thêm uy tín và danh vọng.

6/ Mỗi người Kitô hữu cần ý thức rằng: Để tâm hồn luôn có những tư tưởng tốt đẹp và không bị quyến rũ bởi những ý nghĩ đen tối, tránh có những tư tưởng đen tối, độc ác. Chính những tư tưởng này hướng dẫn đến những hành động trong cuộc sống của chúng ta.

7/ Khi giáo hội muốn chúng ta đọc bài tin mừng hôm nay, ý giáo hội muốn dạy chúng ta: Phải đặt đức tin lên trên nền tảng viên đá góc là chính Đức Giêsu Kitô, mà Đức Giêsu chính là Ngôi lời Thiên Chúa nhập thể.

8/ Như vậy, lời Chúa chính là đèn, là nền tảng đức tin cho mọi người. Chữ "đá" nhắc chúng ra nhớ đến viên đá tảng của hội thánh chính là Phê-rô. Hội thánh ấy chính là cộng đoàn dân Chúa hôm nay, mà mỗi chúng ta là một thành viên.

9/ Hội thánh là hiền thê của Chúa Giêsu, mà hiền thê với tân lang phải nên một với nhau như điều mà Thiên Chúa đã phối hợp. Hội thánh cũng là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, mà mỗi chúng ta là một chi thể trong thân thể ấy. Đương nhiên chúng ta phải liên kết để trở nên một thân thể với Chúa Phục Sinh.

10/ Chúng ta hãy siêng đọc lời Chúa, học hỏi lời Chúa, suy gẫm lời Chúa. Dùng lời Chúa để cầu nguyện, để sống, sau đó đem lời Chúa đi gieo khắp nơi.

11/ Ước mong lời Chúa luôn thấm nhập vào tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và cuộc sống của chúng ta. Để từ đó những suy nghĩ, lời nói, việc của chúng ta đều được lời Chúa làm chủ và hướng dẫn, để đem lại hoa trái tốt đẹp.

12/ Chúng ta hãy nhìn vào gương sống thánh của Mẹ Maria. Mẹ là mẫu gương tuyệt vời “lắng nghe lời Chúa và suy nguyện trong lòng”. Mẹ hoàn toàn sống theo thánh ý Chúa, vì thế cuộc đời Mẹ luôn hoàn hảo, trọn vẹn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhắc chúng con nhớ rằng: Đời sống của chúng con phải là thành quả của việc nghe, học hỏi và thực hành lời Chúa. Xin giúp con biết sống theo gương Mẹ Maria. Amen. ****R

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1780
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  7
 Hôm nay:  1893
 Hôm qua:  1986
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11404709
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top