Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN A 2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần XXV Thường Niên A (25/09 -> 30/09/2017)

Thứ hai, 25/09/2017

Đề tài: LÃNH NHẬN VÀ THÔNG TRUYỀN

Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 8,16-18)

16 Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông dân chúng rằng : “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. 17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. 18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”

SUY NIỆM:

1/ Trong Cựu Ước, Dung mạo Thiên Chúa là điều bí nhiệm so với trí hiểu của con người. Nhưng vào thời Tân Ước, Chúa Giêsu đã Mạc Khải tất cả cho loài người: Thiên Chúa là Đấng yêu thương, người cũng không muốn tỏ lộ cách riêng cho một nhóm người nào, nhưng muốn cho mọi người đều biết.

2/ Người Ki-tô hữu đã được hưởng ánh sáng Lời Chúa, thì họ đừng giữ cho riêng mình, cũng đừng dập tắt. Nhưng phải tìm cách làm cho nó lan tỏa ra mọi người chung quanh bằng những việc làm hằng ngày.

3/ Sự hiện diện của một chứng nhân Đức tin giữa lòng xã hội, một Ki-tô hữu sống bác ái chính là cách làm cho Tin Mừng được lan tỏa khắp nơi trong Thế giới hôm nay.

4/ Mục đích của đèn là để soi sáng cho mình và cho người khác. Một khi chúng ta đã biết một chân lý, chúng ta ta không được phép làm thinh, nhưng phải biết áp dụng chân lý ấy vào đời sống cụ thể của mình.

5/ Nói cách khác,  khi chúng ta nhận lãnh Đức Tin, chúng ta không được giữ nó cho riêng mình, nhưng phải chiếu giải Đức Tin ấy cho mọi người chung quanh, phải đốt niềm tin ấy cháy sáng lên nơi tâm hồn của kẻ khác.

6/ Một cái đèn được thắp lên thì hy vọng sẽ thắp sáng lên được nhiều cái đèn khác.Ngược lại, nếu cái đèn ấy tắt đi là gây tối tăm cho nhiều người. Nghĩa là nếu ta sống tốt đẹp, thì chúng ta sẽ gây ảnh hưởng cho nhiều người khác, trái lại nếu ta sống chẳng ra gì, ta sẽ gây ảnh hưởng xấu cho nhiều người khác. Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

7/ Càng gần đèn thì càng sáng tỏ, càng nhiều đèn thì đèn càng sáng. Đừng nên sống theo kiểu đèn nhà ai nấy sáng, nhưng phải sống theo kiểu: “Sáng trăng, sáng cả vườn đào!”

8/ Mỗi người là một cái đèn,  đèn cần được thắp sáng lên, mỗi người phải tự thắp sáng đèn mình lên. Một đèn cháy sáng, rồi hai, rồi ba, rồi hàng trăm, hàng ngàn, thế giới này sẽ bớt tăm tối. Tất cả mọi người đều thắp đèn, thế giới này sẽ sáng rực lên, vừa ấm cúng, vừa vui tươi.

9/ Người Ki-tô hữu phải là những chiếc đèn sáng đặt ở trên cao  để xua đuổi tăm tối và chiếu sáng cả căn nhà. Căn nhà thế giới, căn nhà của Giáo hội, căn nhà của mỗi gia đình.

10/ Gia đình nào cũng cần thứ ánh sáng đó biết bao, Chúa cần chúng ta là những cây đèn sáng như vậy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ánh sáng Đức Tin là món quà Chúa trao ban nhưng không, xin cho chúng con biết quảng đại trao ban cho anh em theo khả năng của mỗi người, để nước Chúa mau lan rộng, để thế giới hết tăm tối. Amen.

 

Thứ ba, 26/09/2017

Đề tài: AI ĐƯỢC THUỘC TRỌN VỀ CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 8,19-21)

19 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông.20 Người ta báo cho Người biết: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy."21 Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."

SUY NIỆM:

1/ Con người luôn có thành kiến về nguồn gốc tốt xấu của mình. Ca dao Việt Nam có câu: “Con vua thì được làm vua…” Đây là một điều quá hiển nhiên, con nhà nghèo thì khó lòng có thể vượt qua số phận.

2/ Thiên Chúa tạo dựng nên con người. Tuy chúng ta có một nửa phẩm chất thần linh, còn nửa kia là phần yếu đuối nhọc nhằn của số kiếp con người. Chúa Giêsu khi nhập thể làm phàm nhân, Ngài cũng phải từ bỏ tất cả ,vượt qua số phận, nhận lấy và thi hành lệnh truyền của Chúa Cha, sau đó Chúa Giêsu mới được khải hoàn vinh hiển, được lên Trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.

3/ Thiên Chúa vẫn ban đủ nguồn ơn trợ giúp để chúng ta cũng có thể vượt qua số phận bằng cách đi theo đúng con đường Chúa Giêsu đã đi, đó là vác Thập Giá mình mà theo Ngài. Sau đó chúng ta cũng sẽ được chung phần vinh hiển và được làm con Thiên Chúa như Chúa Giêsu.

4/ Con người xưa kia khi chưa phạm tội, chúng ta cũng là thần linh, được làm con Chúa, được hưởng hạnh phúc lớn lao, nhưng hạnh phúc đó đã mất khi chúng ta phạm tội. Chúa Giêsu đã chịu phạt thay và đem lại cho chúng ta cơ hội thứ hai. Nếu chúng ta dùng sự tự do Chúa ban để đoái công chuộc tội, thì chúng ta có cơ may được trở lại làm con Thiên Chúa, mọi sự đều tùy thuộc ở ta.

5/ Thiên Chúa đã sai con mình xuống trần gian để đưa chúng ta trở về với nguồn hạnh phúc ban đầu. Chúa Giêsu đã tận tình chỉ dạy chúng ta một con đường trở về, đó là lắng nghe và thực hành lời Chúa Giêsu dạy.

6/ Điều Chúa muốn dạy qua đoạn Tin Mừng hôm nay có ý nghĩa rõ ràng rằng: Nếu chúng ta biết Chúa, chúng ta tin Chúa, miệng chúng ta nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa” mà chúng ta chưa đem giáo huấn của Chúa ra thực hành, thì chúng ta chưa phải là con Chúa, chưa phải là anh em của Chúa.

7/ Hôm nay Chúa Giêsu chính thức xác nhận: Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành. Nếu mới nghe đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta rất dễ hiểu lầm. Chúng ta có thể cho rằng: Chúa Giêsu Nhập Thể, Ngài chỉ nhớ nhiệm vụ cứu độ, mà quên mất nguồn gốc gia đình của mình.

8/ Có hai dẫn chứng trong Kinh Thánh khiến chúng ta có thể  hiểu lầm. Lần thứ nhất khi Chúa Giêsu ở lại đền thờ, Mẹ Maria và Thánh Yuse đã vất vả tìm kiếm Chúa ba ngày sau mới gặp. Mẹ Maria đã buông ra một câu nhẹ nhàng trách móc. Chúa Giêsu đã thẳng thắn trả lời: “Tại sao cha mẹ lại đi tìm con?”. Một câu nói mà mới nghe qua, ai cũng cho là một người con quá vô tình.

9/ Rồi đến bài Tin Mừng hôm nay đây, Mẹ Maria và các anh em họ của Chúa, vì nhớ thương nên mới đi tìm Chúa, thế mà Chúa lại một lần nữa nói lên một câu rất dễ gây hiểu lầm: “Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).

10/ Nhưng thật sự câu trả lời của Chúa không phải là một lời từ chối tình thân thuộc, ruột thịt, mà Chúa có ý nói đến một mối tình thân cao quý hơn. Đó là sự liên kết với nhau trong Thiên Chúa qua việc nghe và thực hành lời Chúa.

11/ Cần nói rõ hơn: Ý bài Tin Mừng hôm nay không bao giờ có nghĩa là Chúa Giêsu muốn phủ nhận tình thương gia đình, Chúa cũng không hạ giá người mẹ yêu quý của Ngài. Trái lại, Chúa Giêsu đã gián tiếp đề cao mẹ mình, bởi vì đâu có ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trọn vẹn cho bằng Mẹ Maria.

12/ Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu muốn mọi người hiểu rằng: Mối quan hệ mà Chúa quan tâm nhất đối với Ngài đó là liên hệ trong đức tin.

13/ Bất cứ ai nghe lời Chúa Giêsu và đem ra thực hành, thì người đó có liên hệ với Ngài, ai càng thực hành thì càng kết hiệp mất thiết với Ngài.

14/ Chúng ta là người Kito hữu, Chúa Giêsu đã nhận chúng ta là Môn Đệ Ngài, là anh em trong gia đinh Ngài, không phải vì chúng ta mang danh Ki-tô hữu. Nhưng là hoa trái  chúng ta làm trổ sinh do chúng ta thực hành lời Ngài.

15/ Hoa trái đó chính là những gì chúng ta làm trổ sinh trong cuộc sống, hoa trái là những hành động yêu thương, hòa bình, tha thứ, nhịn nhục, hy sinh, khiêm nhường. Cuộc sống của chúng ta nếu được dệt bằng nhiều hành động yêu thương thì quan hệ giữa chúng ta và Chúa Giêsu càng thắm thiết, bền chặt hơn.

16/ Lời Chúa luôn là thứ hồng ân quá quý giá, thế nhưng làm sao để Lời Chúa trổ sinh hoa quả tốt đẹp. Trước hết phải đọc, phải nghe, phải học, phải hỏi, phải hiểu; tiếp theo là suy gẫm, cầu nguyện; cuối cùng là đem ra thực hành và đi rao truyền khắp nơi.

17/ Nếu học mà không hành, nghe mà không hiểu thì chẳng khác chi nước đổ đầu vịt, thì sự hiểu biết ấy cũng ra vô ích và không mang lại lợi ích là ơn cứu độ.

18/ Chúng ta càng chú tâm tìm hiểu Lời Chúa và khi có dịp thì mau mắn đem ra thi hành. Như lúc Chúa kêu gọi Giakeu, Mattheu, chúng ta càng thực hành Lời Chúa là chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa. Như thế cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con được hân hạnh mang danh là Kito hữu, là con cái Chúa.Nếu chúng con muốn thật sự được hạnh phúc, được sống bên Chúa thì chúng con phải mau mắn đem lời Chúa ra thực hành. Xin Chúa giúp con sống đúng những gì con biết, con tin. Amen.  **R

 

 

Thứ tư, 27/09/2017

Đề tài: TƯ CÁCH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ KHI ĐI RAO GIẢNG

THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ – LINH MỤC

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 9,1-6)

1 Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.2 Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.3 Người nói: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.4 Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi.5 Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."6 Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

SUY NIỆM:

1/ Trước khi đi du lịch, đi làm ăn xa, chúng ta cần chuẩn bị hành trang. Quan trọng nhất là vật dụng cá nhân, giấy tờ, tiền bạc, quần áo, giày dép và tấm bản đồ.

2/ Hôm nay Chúa Giêsu sai các Môn Đệ đi loan báo Tin Mừng cho mọi người với chỉ có 1 lời nhắn nhủ: “Anh em đừng mang bị gậy, lương thực, tiền bạc, đừng mang 2 áo”. Vì sao?

3/ Vì Chúa muốn các ông không bị chia trí bởi những thứ của cải vật chất. Chúa chỉ muốn các ông tập trung vào một công việc duy nhất, đó là những thứ có giá trị tinh thần ,có ích cho công việc chu toàn sứ vụ.

4/ Hành trang duy nhất của người Môn Đệ chính là phó thác tuyệt đối vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Với hành trang này, khi đi tới đâu, các ông trao chính niềm tin này cho mọi người, niềm tin này được cụ thể hóa qua chính lối sống đơn sơ, phó thác nên không cần sở hữu bất cứ thứ gì.

5/ Trong 3 năm giảng đạo, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số Môn Đệ, cho họ sống ngày đêm bên cạnh Ngài để họ biết rõ Chúa sống thế nào, và biết cách thức Chúa giảng dạy. Vì thế, cũng có vài lần Chúa sai họ đi thực hành việc giảng dạy.

6/ Trước khi sai đi, Chúa Giêsu đã căn dặn họ nhiều điều. Trong các điều quan trọng đó, có một điều mà Chúa căn dặn thật kỹ lưỡng là đừng mang theo gì cả, lời khuyên này xem ra thật khó hiểu và cũng thật trái với quy luật thông thường khi phải đi đâu xa.

7/ Lời khuyên này thật khó hiểu và có thể nói là đầy nghịch lý. Khi được sai đến một nơi xa lạ, mà chẳng biết được ai chuẩn bị đón tiếp, thế mà họ phải ra đi với 2 bàn tay trắng, có nghĩa là không có gì cả.

8/ Rõ ràng là nghịch lý, nhưng Chúa Giêsu lại muốn các Môn Đệ phải sống như thế. Ngài muốn họ sống trong cảnh khó nghèo và nhờ đó họ sẽ có thể khám phá ra đâu là sự giàu có đích thực.

9/ Chúa muốn người Môn Đệ sống nghèo, không phải vì họ không có khả năng làm giàu, cũng không phải là họ không được phép hưởng dùng sự giàu sang, nhưng phải sống nghèo khó để giúp họ khám phá ra sự giàu sang đích thực. Bên cạnh đó giúp họ nhận ra thế nào là tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.

10/ Ai mà không lo lắng đến cái ăn, cái mặc, đến sự an vui của bản thân. Thế nhưng khi ra đi rao giảng mà không có chút nào dự phòng, sẽ cho người Môn Đệ cảm nhận được sự quan tâm săn sóc của Đấng tối cao đang ở thật gần mà trong những lúc no đủ thì không ai có thể nhận ra.

11/ Chỉ những lúc họ bó tay, hay đang vất vả với các toan tính, lúc đó sự trợ lực của Chúa mới chói sáng. Một khi người Môn Đệ nhận ra sự trợ lực, họ mới cảm thấy an lòng để dồn hết mọi sức lực mà thi hành sứ vụ.

12/ Công việc mà họ được trao phó chính là rao giảng Tin Mừng cứu rỗi, mang bình an cho đến kẻ khác, chứ không phải chỉ lẩn quẩn đi tìm cái ăn, cái mặc.

13/ Ngoài ra khi trong tay chẳng có phương tiện gì, người Môn Đệ càng phải nỗ lực hơn, vì chính Chúa sẽ hành động với họ, phương tiện mà họ phải có, phải mang theo, đó là tình yêu. Rao giảng Tin Mừng là giới thiệu tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, một Thiên Chúa vì yêu thương nên muốn cứu thoát con người, và Ngài luôn mời gọi mọi người đón nhận tình yêu đó.

14/ Đối với chúng ta hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Ngài. Thiên Chúa là một người cha luôn yêu chúng ta vô vàn, mọi sự gì sắp xảy đến với chúng ta, Chúa đều biết hết.

15/ Chúng ta hãy luôn biết phó thác mọi sự cố lớn nhỏ trong đời chúng ta cho Chúa, xin Chúa gìn giữ , trợ giúp.

16/ Một điều chúng ta cần nên nhớ: Chúng ta thiếu nợ Chúa một món nợ, đó là rao giảng Tin Mừng bằng cách phổ biến tình yêu Chúa cho mọi người biết bằng chính đời sống gương sáng, gương mẫu sống đạo của chúng ta cho mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn biết sống đơn sơ phó thác vào Chúa, nhờ đó chúng con có thể giới thiêu Chúa bằng một hình ảnh Thiên Chúa đầy lòng yêu thương và muốn cứu rỗi mọi người, muốn mọi người được hưởng phúc với Chúa. Amen. **R

 

Thứ năm, 28/09/2017

Đề tài: ĐIỀU GÌ KHIẾN CHO HERODE QUAN TÂM ?

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 9,7-9)

7 Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: "Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy." 8 Kẻ khác nói: "Ông Ê-li-a xuất hiện đấy! " Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại." 9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói: "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? " Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

SUY NIỆM:

1/ Herode là con người có cá tính vô liêm xỉ. Thay vì đi đến một kết luận sai lầm ở Mc 6,16; thì ông ta đã trở lại vấn nạn chính. Để giải đáp được thắc mắc này, chỉ còn một cách là ông phải gặp mặt Chúa Giêsu.

2/ Tuy nhiên số phận mà ông dành cho Gioan Tẩy Giả đã chứng tỏ rằng không phải niềm tin đã hướng dẫn ông. Ông chỉ muốn thỏa mãn ước vọng của ông, đó là được tận mắt xem Chúa Giêsu làm một-hai phép lạ, chứ không phải vì ông lưu tâm đến con người của Chúa.

3/ Sau khi làm nhiều phép lạ, danh tiếng Chúa Giêsu được đồn ra khắp nơi. Rất nhiều người tò mò, bàn tán về Chúa, nhiều người đoán Chúa Giêsu là một trong các vị Tiên Tri. Vậy thật sự Đức Giêsu là ai? Nhiều người không biết, kể cả vua Herode.

4/ Còn con người ngày nay thì sao? Họ có biết Chúa Giêsu là ai không? Công đồng Vaticano II đã trả lời rồi: Có nhiều người không biết Chúa Giêsu là ai, không phải vì tin tức về Ngài không được loan truyền, nhưng là vì gương xấu của các Kito hữu. Nghe thật là đau lòng!

5/ Tin Mừng nhắc đến vua Herode, đây là vua Herode con. Herode cha chết rồi, ông vua cha  là người đã giết chết các hài nhi từ 2 tuổi trở xuống ở Bê-lem , còn Herode con là người đã giết chết Gioan Tẩy Giả.

6/ Chúa Giêsu gọi Herode con là con cáo, ông ta rất dâm ô, xảo quyệt, háo thắng. Khi nào Tin Mừng nói tới ông thì luôn nhấn mạnh đến vai trò của ông trong vụ án của Chúa Giêsu.

7/ Herode con đã nghe nói nhiều về Chúa Giêsu như chính ông ta xác nhận: “Ông Gioan ta đã chém đầu, vậy thì ông này là ai?” Ông luôn tìm cách gặp Chúa Giêsu nhưng mãi đến khi dân Do Thái đem Chúa Giêsu đến trình diện để nhờ xử án theo yêu cầu của quan Philato thì ông mới gặp được mặt Chúa.

8/ Herode gặp được Chúa Yesu thì quá mừng rỡ vì ông mong muốn điều này từ lâu. Ông luôn hy vọng thấy Chúa làm một điều gì đó phi thường.

9/ Quả thật, vua Herode rất vui, vì thế ông đã hỏi Chúa nhiều điều, không phải thuộc về giáo lý hay giáo luật như là thượng tế Anna, Caipha; mà chỉ là những điều ông tò mò muốn biết.

10/ Nhưng mặc cho vua hỏi gì thì hỏi, Chúa Giêsu không hề hé môi, không muốn nói dù nửa lời. Vì sao? Vì tâm hồn Herode đã chết rồi, tai linh hồn ông đã điếc đặc trước các tiếng gọi của lương tâm, kể cả lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả, nếu có thêm tiếng gọi của Chúa Giêsu nữa, cũng chỉ làm cho ông mang thêm tội mà thôi. Tiếng Chúa không thể lọt vào tai ông nữa.

11/ Tuy Chúa Giêsu không nói lời nào với vua Herode, nhưng sự im lặng đó đáng sợ hơn là những lời khiển trách của Gioan Tẩy Giả.

12/ Kinh nghiệm của chúng ta cũng vậy, sự im lặng của ai đó làm cho chúng ta kinh hãi, lo sợ hơn khi họ nói, người ta gọi đó là sự im lặng đáng sợ.

13/ Khi Chúa để cho một người tội lỗi nào đó được bình an, yên tĩnh, thì chắc chắn đó là một hình phạt khủng khiếp nhất. Không một âm thanh, không một lời trách móc, không một lay động lương tâm, thật là một sự im lặng đáng sợ.

14/ Cuối cùng, Herode đã chết nhục nhã đau thương. Ông ta và bà vợ bất chính là Herodiade đã bị vua Areta kéo quân tấn công, bắt đi lưu đày ở Ly-ong vào năm 39 (SCN), và chết cô độc ở đó. Chẳng có ai nhớ đến những việc lớn lao ông đã làm, nhưng ai cũng nhớ đến tội ác ông đã gây ra.

15/ Herode là một bài học nhắc nhở chúng ta: Đừng bao giờ lì lợm, chai đá, nhưng hãy khiêm nhường, mau nhìn nhận tội lỗi của mình, để khi cuộc đời chúng ta qua đi, mọi người sẽ nhắc đến chúng ta trong tình yêu thương, chứ đừng để khi chết rồi mà vẫn còn bị người chê bai, thương hại, nguyền rủa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn sống bác ái yêu thương, gương mẫu. Để khi con chết, sẽ được mọi người nhắc nhớ và được Chúa ban thưởng. Amen. **R

 

Thứ sáu, 29/09/2017

Đề tài: KÍNH CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL, GABRIEL, RAPHAEL

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 1,47-51)

47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối." 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi? " Đức Giê-su trả lời: "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi." 49 Ông Na-tha-na-en nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! " 50 Đức Giê-su đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa." 51 Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."

SUY NIỆM:

1/ Thánh Kinh nhiều lần nói đến các Thiên Thần. Hôm nay Chúa Giêsu lại xác quyết về sự kiện hiện hữu của các Thiên Thần, đây cũng là một phần quan trọng gắn liền với mầu nhiệm Thiên Chúa.

2/ Mầu nhiệm về các Thiên Thần giúp chúng ta cảm nghiệm sâu xa hơn về tình yêu Thiên Chúa. Sự hiện diện của các Thiên Thần nhắc nhở về sự quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời. Thiên Chúa luôn yêu thương mỗi người bằng cách dùng các Thiên Thần hướng dẫn chúng ta trong từng bước đi của cuộc đời.

3/ Sách nói về các Thiên Thần là những loại sách bán rất chạy tại Mỹ, vì ngày càng có nhiều người tin vào sự hiện diện và che chở của các Ngài trong cuộc sống con người. Tạp chí Times thăm dò: Có 69% dân Mỹ tin có Thiên Thần, một cuộc thăm dò của viện Kemdor trước đó cũng cho thấy 75% dân Mỹ tin có Thiên Thần.

4/ Có 3 Tổng lãnh Thiên Thần mà Thánh Kinh thường nhắc đến: Đó là Mica-e, Gabiri-e và Rafa-e, các Ngài là những người bạn thân thiết của chúng ta.

5/ Tổng lãnh Micae có nghĩa là: Ai bằng Thiên Chúa, Ngài là người bạn luôn có mặt ở cạnh chúng ta để giúp chung ta chiến đấu chống lại sự dữ. Kinh Thánh nói đến Thiên Thần Mica-e trong việc Ngài trung thành với Thiên Chúa chống lại Luxiphe và lũ bất trung phản nghịch. Kính Thánh cũng thuật lại vai trò của Mica-e trong việc giữ gìn và khích lệ dân Do Thái trong thời gian lưu đày.

6/ Truyền thống Công giáo tin tưởng Thiên Thần Mica-e đặc biệt bảo vệ Mình Thánh Chúa, bảo vệ Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội. Ngài luôn hiện diện bên những người đang hấp hỗi để trợ giúp họ trong trận chiến cuối cùng chống lại ma quỷ, đưa các Linh hồn ấy đến trước tòa Chúa.

7/ Tổng lãnh Thiên Thần Gabiri-e: Có nghĩa là sức mạnh của Thiên Chúa, Ngài luôn có mặt bên cạnh chúng ta để loan báo tin vui của Thiên Chúa. Trong chương 8 của sách Daniel cho thấy Gabiri-e đóng vai trò người mang tin vui.

8/ Trong Tân Ước, chúng ta thấy Gabiri-e được sai đến để báo tin vui cho ông Dacari-a về sự thụ thai huyền diệu của vợ ông, rồi nhất là việc Gabiri-e báo tin vui cho Đức Mẹ Maria đã được tuyển chọn để trở thành Mẹ của con Thiên Chúa.

9/ Sau hết, tổng lãnh Thiên Thần Rafa-e: Có nghĩa là Thiên Chúa chữa trị, Ngài là bạn, luôn giữ gìn từng đường đi nước bước của chúng ta trong suốt cuộc hành trình Đức tin.

10/ Theo lời Ngài tự giới thiệu với ông Tobia, thì Ngài là một trong bảy Thiên Thần luôn đứng hầu cận bên ngai Thiên Chúa, chính Ngài được sai đến để giúp đỡ cho gia đình Tobi-a trong cơn hoạn nạn và thưởng công cho ông vì các hoạt động bác ái, vị tha.

11/ Tin Mừng thuật lại một hoạt động khác của Thiên thần Rafa-e có liên quan tới công tác chữa bệnh.  Đó là khoảng thời gian nhất định nào đó, Thiên thần Rafa-e làm cho nước trong hồ hoạt động, ai bò xuống nước trước thì được chữa lành.

12/ Qua các hoạt động trên, Thiên thần Rafa-e được coi là bổn mạng của các du khách, bảo trợ cho thanh niên và các người bệnh tật.

13/ Thiên Chúa tạo dựng nên các Thiên Thần để phụng sự, ngợi khen, chúc tụng và cũng để giúp đỡ chúng ta. Khi nào bị cám dỗ, thử thách, hãy chạy đến với Tổng lãnh Thiên Thần Mica-e, khi gặp buồn phiền chán nản, hãy cầu xin với tổng thần Gabiri-e, khi đau yếu bệnh tật hãy chạy đến với tổng thần Rafa-e.

Cầu nguyện: Kính lạy các Tổng lãnh Thiên Thần, xin thương gìn giữ và cứu giúp chúng con trong mọi nơi mọi lúc, phần xác, phần hồn. Amen.

 

=> Mời mọi người xem thêm tại: 

KÍNH CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICA-EN, GÁPRI-EN, RAPHA-EN  (Ga 1, 47-51)

 

 

Thứ bảy, 30/09/2017

Đề tài: BÁO TRƯỚC CUỘC THƯƠNG KHÓ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 9,43b-45)

43 Mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa. 44 "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời." 45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

SUY NIỆM:

1/Trong cuộc đời luôn có những điều khó hiểu, điều khó hiểu nhất chính là người tốt luôn gặp tai nạn, đau khổ. Đứng trước những điều khó hiểu này, con người luôn cảm thấy bức xúc, khó chịu, căm phẫn. Tại sao họ bị như vậy?

2/Hôm nay Chúa Giêsu báo trước cho các Môn Đệ: Ngài sẽ bị nộp, chịu đánh đập và bị giết chết. Các ông không thể hiểu nên bàng hoàng, sợ hãi: “Tại sao Thầy mình là người tốt lành mà phải chịu oan ức, nhục nhã như vậy?

3/“Không qua khổ giá, không thể tới vinh quang”. Chính nhờ trải qua cuộc khổ nạn đau thương này mà Chúa Giêsu bước vào sự phục sinh vinh hiển, mang lại ơn cứu độ cho mọi người. Chính vì thế mà Chúa Giêsu vui lòng chấp nhận điều đó.

4/Trên đời này bất cứ sinh vật nào cũng phải chết, có sinh có tử, nhưng không ai có thể đoán biết mình sẽ chết cách nào: người thì chết bệnh, kẻ khác chết vì tai nạn, người thì chết trong tù, người thì bị tra tấn, kẻ khác do bị xử tử,…

5/Cái chết không ai biết trước, càng không thể nói trước mình chết thế nào. Chỉ có Chúa Giêsu biết trước, Ngài đã báo trước một cách chính xác và dứt khoát, Ngài không chỉ nói một lần, mà đã nói nhiều lần.

6/Hôm nay Chúa Giêsu báo trước cái chết như một lần điển hình Ngài nói cho các Môn Đệ biết những cực hình Ngài phải chịu. Ngài sẽ bị bắt, bị nộp, bị đánh đòn.

7/Lần khác Chúa Giêsu nói rõ hơn: Ngài bị nộp vào tay các Thượng Tế, Kinh Sư và họ sẽ xử tử Ngài. Ngài bị nộp cho lương dân, và lương dân sẽ sỉ vả Ngài, họ đánh đòn, đóng đinh và giết chết Ngài trên Thập Giá.

8/Chúa báo trước như vậy, và Ngài còn nói thêm: “Ngài sẽ sống lại”. Cái chết của Chúa có giá trị vô song, nếu Chúa chết luôn thì ta chẳng tin Ngài. Đúng như Thánh Phaolo đã nói: Chúng ta là những kẻ dại dột nhất, vì đức tin của chúng ta sẽ uổng công nếu như Chúa chết luôn.

9/Thánh Gioan Tông Đồ đã nói gì về Chúa Giêsu? Ngài nói: “Chúa Kito hoàn toàn tự do lựa chọn vận mệnh của mình, Ngài không để bị bắt nhưng là tự nộp mình, Ngài không muốn người khác vác Thánh Giá thay, nhưng là Ngài tự vác nó lên vai, Ngài chọn lựa phải chết lúc nào và chết cách nào.

10/ Chúa lựa chọn cái chết khổ nhục chỉ vì yêu thương chúng ta. Cuộc đời của Chúa Giêsu là một mầu nhiệm yêu thương, tự hiến đời mình cho kẻ Ngài yêu thương.

11/ Chúng ta hãy suy niệm tường tận về cuộc khổ nạn của Chúa, nhờ đó dù ai có chai lì cách mấy thì cuối cùng chúng ta cũng nghe thấy tiếng kêu rên của trái tim Ngài: “Này con! Hãy xem đây, một trái tim đã hết lòng yêu thương con”.

12/ Chúng ta hãy sống cuộc khổ nạn của Chúa qua tâm tình của Mẹ Maria. Vì Giáo Hội luôn dành ngày thứ bảy để kính nhớ nỗi đau của Mẹ Maria, Mẹ thật là một người đàn bà ngập tràn đau khổ vì thương yêu 2 đứa con.

13/ Mẹ đau đớn từ lúc cưu mang con, cho đến lúc Mẹ ôm lấy xác Chúa, từng giây phút Mẹ đau khổ, nhưng mẹ luôn có Chúa trong lòng. Nhờ đó mẹ đã đi trọn cuộc hành trình đức tin. Xin mẹ giúp con biết vui sống như Mẹ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết lợi dụng những khổ đau ở đời này, để con biết kết hiệp với những đau khổ của Chúa, hầu mang lại ơn cứu rỗi cho con và cho mọi người. Amen.

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1995
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  8
 Hôm nay:  543
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11350847
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top