Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN A 2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần XXVII Thường Niên A (09/10 -> 14/10/2017)

Thứ hai, 09/10/2017

Đề tài: AI LÀ ANH EM CỦA TÔI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 10,25-37)

25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia ì. 26 Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? "27 Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình."28 Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi? "30 Đức Giê-su đáp: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác."36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? "37 Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

SUY NIỆM:

1/ Nếu chúng ta hỏi một em bé: “Ai là người em yêu thương nhất?”.Em bé ấy sẽ không có chút do dự khi trả lời ngay: “Ông bà, cha mẹ, anh chị em của con”.

2/ Nếu chúng ta hỏi một người đã trưởng thành: “Ai là người thân cận nhất của anh?”. Người thân cận là: Cha mẹ, vợ con, là anh em họ hàng, là đồng nghiệp, là bạn bè chung chí hướng, là những ân nhân trong cuộc đời. Đây có lẽ là câu trả lời chung của mọi người.

3/ Đối với Đức Giêsu thì lại không phải như thế, nhưng là tất cả mọi người, mà còn là những con người nghèo đói, bệnh tật. Vì tình yêu của Chúa không bị giới hạn về màu da, tiếng nói hay huyết thống, ngôn ngữ hay tôn giáo giai cấp, mà là những ai yêu mến và thực thi lời Chúa dạy như Mẹ Maria.

4/ Chúng ta cần đặt lại câu hỏi: Ai là thân cận của tôi? hay: Tôi dã trở nên thân cận với mọi người hay chưa?C

5/ Người Kito hữu có một lý tưởng riêng là: Yêu mến Chúa như người Cha, sau đó yêu thương mọi người như anh em của mình. Và tình yêu thương kẻ khác đâu cần phải đi đâu xa, tình yêu đó phải trải rộng đến tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, tiếng nói, địa vị, giai cấp.

6/ Chắc chắn đạo Do Thái có quy định về tình yêu thương đối với người khác, nhưng các Kinh Sư vì quá tỉ mỉ nên đã tìm cách để giới hạn tình yêu thương đó. Vì thế trong câu trả lời của Chúa Giêsu cho bọn trẻ, Chúa đã phá tan mọi rào cản, mà bọn họ muốn ẩn nấp để tránh bớt những đòi hỏi của luật bác ái do Chúa dạy.

7/ Các Kinh Sư đã đưa ra một câu hỏi biểu lộ sự hẹp hòi của lòng dạ các ông: “Ai là người thân cận”. Chúa Giêsu không trả lời thẳng vấn đề mà lại đưa ra một câu chuyện để ngầm giải thích.

8/ Qua những lời đối đáp của các nhân vật trong câu chuyện, chúng ta có thể rút ra vài tư tưởng chính yếu. Bất cứ ai biết đối xử nhân nghĩa và xót thương đối với người khác thì đã trở nên anh em của người ấy.

9/ Ở đây người Samari là người đã có hành động như thế, cho nên anh ta chính là anh em của người bị nạn, mà người Samari lại không đồng đạo, đồng đẳng, đồng chí hướng với người bị nạn, thì tình thương con người Samari càng trở nên cao quý biết bao.

10/ Một sự thật chúng ta cần lưu ý là: Tất cả mọi người đều có thể là anh em với nhau: “Tứ hải giai huynh đệ”. Nói khác đi, bất cứ hai người nào gặp nhau dù quen hay lạ, dù bạn hay thù đều có thể trở thành anh em với nhau, không có ranh giới hay huyết thống, không có ý thức hệ, không có giai cấp, không khác biệt tôn giáo.

11/ Một mặt trái của cách sống đạo: Trong khi hai người kia cho dù họ là thầy tư tế hay thầy Levi, dù họ là đồng đạo, đồng hương, nhưng hành động xa lánh của họ đã nói lên rằng: Họ không trở thành anh em với người bị nạn, vì họ đã không biết thể hiện tình anh em.

12/ Rút ra bài học từ câu chuyện trên đây: Chúa Giêsu cho chúng ta biết: Giới răn yêu thương, ngoài việc đòi hỏi phải có việc làm cụ thể, mà còn phải được thể hiện với tất cả mọi hạng người, kể cả kẻ thù, hễ họ gặp khó khăn, hoạn nạn thì chúng ta đều phải yêu thương cứu giúp.

13/ Chúng ta phải sống, phải thể hiện đúng như cách Chúa Giêsu đã làm gương và đã dạy bảo chúng ta. Kito giáo là đạo tình yêu, một Kito hữu nếu không viết lên hai chữ “tình yêu”, không thể hiện hành động yêu thương cụ thể đối với tha nhân, thì người đó chỉ là một Kito hữu giả hiệu.

14/ Một lòng mến và không sinh hoa trái thì chỉ là lòng mến giả tạo. Một thứ hoa trái bằng nhựa, một môi miệng chỉ biết kêu “Lạy Chúa, Lạy Chúa” mà không chịu thực thi ý Chúa, thì cũng như giả tràng xe cát biển đông .

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nếu biết tuyên xưng Chúa bằng môi miệng, thì cũng biết tuyên xưng niềm tin bằng những việc làm cụ thể. Để mỗi Kito hữu chúng con là những Môn Đệ đắc lực của Chúa. Amen.**R

 

Thứ ba, 10/10/2017

Đề tài: ĐIỀU NÀO ĐẸP LÒNG CHÚA NHẤT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 10,38-42)

38 Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà.39 Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! "41 Chúa đáp: "Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."

SUY NIỆM:

1/ Trên thị trường thức uống cho trẻ em thì có nhiều loại sữa ngoại, giá đắt, rẻ tùy theo từng loại sữa và chất dinh dưỡng mà nó mang lại cho em bé. Nhưng sữa mẹ vẫn là thứ phù hợp nhất, bổ dưỡng nhất mà em bé có thể nhận được.

2/ Trong cuộc sống đạo, cũng có nhiều việc tốt chúng ta có thể làm cho Chúa. Những việc đó đều thể hiện tâm tình chúng ta đối với Chúa qua việc săn sóc, chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Tuy nhiên, nó chưa phải là những việc làm hài lòng Chúa nhất.

3/ Thiên Chúa là đấng nhân lành, quyền năng và đầy lòng yêu thương. Chúa ban cho chúng ta tất cả mọi thứ chúng ta cần. Cho nên chúng ta cần dành cho Ngài là một tâm tình đầy lòng yêu mến được thể hiện qua việc yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự: là luôn nhớ đến Người, cầu nguyện, thưa chuyện với Người như cô Maria đã làm.

4/ Điều quan trọng là chúng ta phải luôn nhớ đến Chúa trong từng giây từng phút của cuộc đời, cho dù lúc đó ta đang làm bất cứ công việc gì, để chứng tỏ rằng chỉ có Chúa ở trong lòng ta chứ không phải là một ai khác.

5/ Thái độ phục vụ của Matta trong bài Tin Mừng là một điều rất tốt và không phải là không cần thiết khi đón tiếp Chúa. Nhưng con đường nên Thánh của chúng ta không thể dừng lại ở việc chăm lo ăn uống cho phần xác, cũng không phải chỉ dừng lại ở công lao của mình. Lời kêu trách của Matta nói lên nhiều tâm trạng của cô.

6/ Matta có thể nghĩ rằng: Mình đang bị mọi người lãng quen nên cô ta đâm ra bực bội, hoặc vì thấy em mình sung sướng quá vì được sống vô tư, hoặc vì thấy Chúa Giêsu và em mình quá tâm đầu ý hợp nên Matta ghen tỵ, hoặc là vì Matta muốn kể công.

7/ Việc làm của Matta tự nó đã là rất tốt, đây cũng là một cách nhiệt tình phục vụ.Nhưng cô sai ở chỗ là cô tự đưa mình vào thái độ tự mãn, cô cho mình là quan trọng và không muốn ai được phép lãng quên.

8/ Chúa Giêsu đã cho chị biết: Đừng băn khăn lo lắng về quá nhiều việc, và Chúa cho biết là chỉ có một việc là cần thiết mà thôi. Đó là điều mà Maria đã chọn lựa .

9/ Chúa Giêsu có ý dạy Matta, và cả chúng ta rằng: Đừng lo lắng quá nhiều chuyện, bao gồm tất cả những công việc trần thế, bởi vì chỉ có một việc là cần thiết nhất mà thôi, đó là lắng nghe và thực hành lời Chúa. Và một điều cần thiết nữa là: Khi phục vụ thì hãy quên chính mình đi. Maria đã chọn phần tốt nhất.

10/ Hãy đón Chúa với 2 bàn tay trắng, Chúa không cần vàng bạc của cải, Chúa chỉ cần một đôi bàn tay rộng mở, một tâm tình yêu mến và lắng nghe. Và điều này không ai có thể lấy mất được, cũng không ai tranh giành được.

11/ Chắc chắn Chúa Giêsu cũng đánh giá cao sự hy sinh bận rộn của Matta, đó là sự biểu hiện của lòng yêu mến cao độ. Tuy nhiên qua cử chỉ của Maria, Chúa Giêsu đã nhận được một tâm tình cao đẹp hơn.

12/ Điều đẹp lòng Chúa nhất phải là: Đặt Ngài vào chỗ nhất trong tâm hồn mình, chọn Ngài là tất cả và luôn lắng nghe và thực thi lời Ngài dạy. Chúa Giêsu muốn dùng cử chỉ này để nói lên biểu tượng lựa chọn đúng nhất của con người: Đó là hãy chọn Chúa làm gia nghiệp và đặt Chúa làm trung tâm của cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con vượt qua những suy nghĩ nhỏ nhen, ích kỷ. Để biết sống quảng đại với Chúa, với anh em, và tỏ lòng rộng lượng với hết mọi người. Xin giúp con yêu Chúa trên hết mọi sự. Amen.**R

 

Thứ tư, 11/10/2017

Đề tài: CHÚA GIÊSU DẠY CẦU NGUYỆN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 11,1-4)

1 Khi ấy, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” 2Người bảo các ông : “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói :
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
3xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy ;
4xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

SUY NIỆM:

1/ Cầu nguyện là hơi thở trong đời sống Đức Tin vì nó rất quan trọng. Cầu nguyện để cho ý Chúa được thể  hiện trong mỗi hoàn cảnh sống.

2/ Thái độ cần có khi cầu nguyện là phải tỏ lòng khiêm nhường, phó thác để nhận ra lòng thương xót của Chúa, từ đó chúng ta mới đón nhận ơn Chúa và biết tha thứ cho anh em.

3/ Chúng ta đang sống trong một thế giới hưởng thụ với biết bao cơn cám dỗ. Xin Chúa gìn giữ để chúng ta khỏi sa vào chước cám dỗ của ma quỷ, thế gian. Và xin Chúa ban cho lương thực hằng ngày, để mỗi người chúng ta biết sống tâm tình tin tưởng, phó thác vào Chúa.

4/ Xin cho con của ăn hằng ngày dùng đủ, kẻo vì quá no nê mà bị mê hoặc và chối Chúa. Xin đừng để cho con vì quá thiếu thốn mà phải đi trộm cắp làm ô danh Chúa của con (CN 30,6-9)

5/ Trong 3 năm giảng dạy, Chúa chỉ dạy có một Kinh thôi. Đó là Kinh Lạy Cha, là tâm tình, là cách sống thế nào cho xứng đáng con cái Chúa, đáng được gọi Thiên Chúa là Cha và nên xin Chúa những điều gì?

6/ Mở đầu, Chúa dạy chúng ta mở miệng kêu lên cùng Thiên Chúa là Cha ở trên trời. Lời xưng hô này đặt chúng ta vào tâm trạng người con tôn kính mến yêu Cha mình.

7/ Vì Chúa là Cha trên trời, chúng con nhìn nhận Chúa vượt trên muôn loài muôn vật, Chúa cai quản tất cả, không có gì có thể vượt ra ngoài quyền phép của Chúa.

8/ Chúng con ước mong mọi người nhận biết Chúa, nhận Chúa là Đấng dựng nên mọi sự và là Cha rất nhân từ. Chúng con ước mong danh Chúa luôn hiển vinh trước mặt mọi người.

9/ Nước Cha là nước Thiêng liêng dành cho mọi người nhưng hiện tại số người biết Chúa còn quá ít, chúng con nguyện cho số người ấy ngày càng thêm đông đảo.

10/ Xin cho mọi người luôn vâng theo ý Chúa, tức là chúng con xin cho mọi người biết tuân giữ những điều Chúa dạy một cách mau mắn và tự nguyện.

11/ Chúng con cũng xin cho những nhu cầu của chúng con và của mọi người. Chúng con chỉ xin cho có đủ cơm bánh để luôn được sống trong tình mật thiết với Chúa và với mọi người.

12/ Chúng con xin Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng con và chúng con cũng hứa tha cho anh em. Đồng thời chúng con cũng xin Cha gìn giữ chúng con khỏi ngã gục trước các cơn cám dỗ và sự dữ đang có đầy dẫy trong cuộc sống trần gian.

13. Nhờ Chúa Giêsu mà con biết con cần phải cầu xin những gì, xin điều gì trước, điều gì sau. Đây là một mẫu Kinh quý giá đem lại nhiều lợi ích, quan trọng và hoàn hảo nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết quý chuộng và siêng năng đọc Kinh Lạy Cha, xin thêm lòng sốt sắng và giúp chúng con sống đúng tinh thần Chúa đã dạy. Amen.

 

 

Thứ năm, 12/10/2017

Đề tài: HÃY KIÊN TRÌ TRONG LỜI CẦU NGUYỆN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 11,5-13)

5 Người còn nói với các ông: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh,6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả";7 mà người kia từ trong nhà lại đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.?8 Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

9 "Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó?12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? "

SUY NIỆM:

1/ Nhịp sống con người thời đại hôm nay: Ai cũng vội vàng, hối hả; ăn thì có thức ăn nhanh như: mì ăn liền, Hamburger / đi xe nhanh, máy bay cũng nhanh. Người Kito hữu dường như cũng bị cuốn hút vào cuộc sống một cách tự nhiên, cho nên họ làm gì cũng vội vàng.

2/ Đi lễ họ cũng cần Linh Mục dâng lễ cho nhanh, giảng lời Chúa ngắn gọn. Khi về nhà họ không có thời giờ để dành cho Chúa, không còn thời giờ để cầu nguyện, và nếu có cầu nguyện thì họ cũng dễ mất đi tính kiên trì nhẫn nại.

3/ Nhưng cho dù họ có hối hả ,thì thời giờ cũng cứ trôi đi miên man, không dừng lại bao giờ. Họ vội vàng bao nhiêu thì họ cảm thấy thiếu sót bấy nhiêu, cho nên cuộc sống của họ cứ trôi đi trong vô vọng. Cuối cùng họ cũng chẳng có giờ để tìm thấy đức tin, hoặc có thấy đi chăng nữa thì họ cũng dễ dàng mất đức tin và ngã lòng.

4/ Đa số con người chúng ta thiếu kiên trì trong lời cầu nguyện. Nhiều người khi xưng tội đều nói rằng: Khi dâng dễ, con có chia trí, khi ít, khi nhiều, không lúc nào là không có.

5/ Có lẽ chúng ta nên nói rõ hơn rằng: Con thiếu tin tưởng và kiên trì trong lời cầu nguyện thì đúng hơn. Bởi vì chúng ta chưa đủ tin tưởng, chưa biết phó thác mọi sự vào Chúa quan phòng.

6/ Những khó khăn, thử thách, và những cám dỗ trong cuộc sống dễ làm chúng ta thất vọng và mất niềm tin, chúng ta vẫn cầu xin nhưng lòng trí lại không đủ tin tưởng rằng sẽ được Thiên Chúa nhậm lời.

7/ Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn xin bánh ban đêm. Ý Chúa muốn kêu gọi chúng ta phải kiên trì cầu nguyện, tức là cầu nguyện bằng sự nhẫn nại.

8/ Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta về thái độ cầu nguyện như thế, không phải vì Chúa không biết chúng ta kêu xin, cũng không phải Chúa làm ngơ, hay không muốn ban ơn, nhưng Chúa sẽ ban thêm đức tin khi chúng ta cầu xin.

9/ Nếu chúng ta xin mãi mà chưa được thì đó là ý Chúa muốn chúng ta phải kiên trì, để thử thách lòng tin, lòng cậy của chúng ta có vững chắc hay không.

10/ Chúng ta cần phân biệt 2 điều: a) Chúa nghe lời chúng ta/ b) Chúa ban cho điều chúng ta xin. Thiên Chúa có thể không ban ơn mà vẫn nghe lời chúng ta cầu xin, bởi vì khi chúng ta cầu xin, Thiên Chúa có nhiều cách để đáp ứng: hoặc ban chính điều chúng ta xin, hoặc thay vì ban ơn này thì Chúa lại ban ơn khác.

11/ Cũng có khi chúng ta không xin, nhưng Thiên Chúa nhìn xa, Ngài ban một ơn rất cần thiết mà chính chúng ta lại không nghĩ tới. Cũng có khi chúng ta xin hoài mà Chúa chưa cho, vì Chúa muốn tăng thêm đức tin cho chúng ta.

12/ Một điều cần nhớ nữa: Nhiều khi chúng ta xin nhưng lại thiếu kiên nhẫn, nên khi thấy lời cầu xin của mình chưa được đáp ứng thì liền ngã lòng, có khi còn phàn nàn kêu trách Chúa nữa.

13/ Vì vậy trước khi cầu xin, chúng ta nên xác tín rằng: Thiên Chúa là người Cha đầy lòng yêu thương, Ngài có đáp ứng hay không, hoặc Ngài có nhận lời cầu xin của chúng ta theo cách nào thì cũng đều là vì lợi ích cho linh hồn chúng ta mà thôi. Bởi thế khi cầu nguyện, ta hãy luôn tin tưởng, cậy trông và biết phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con luôn ghi nhớ rằng: “Làm bởi bay mà ban bởi Ta!” Xin cho con luôn biết yêu Chúa trên hết mọi sự. Điều con xin là con xin Chúa chứ không phải là con ra lệnh cho Chúa, xin cho con luôn sống trong tâm tình con thảo. Amen.**R

 

Thứ sáu, 13/10/2017

Đề tài: AI  BẰNG THIÊN CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 11,15-26)

15 Nhưng trong số đám đông có mấy người lại bảo: "Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ."16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: "Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia.18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? ... bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông.20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.21 Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn.22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.

23 "Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.

24 "Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: "Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi."25 Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi.26 Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước."

SUY NIỆM:

1/ Là con cái, chúng ta luôn nương tựa vào mẹ cha, các anh chị, những người thân thuộc. Về lãnh vực thiêng liêng, chúng ta luôn nương tựa vào Mẹ Maria và thánh cả Yuse là cha mẹ, các Thánh là anh chị, các đẳng linh hồn là những người thân.

2/ Thấy Đức Giêsu trừ được quỷ, bọn người Do Thái cứng lòng bảo rằng: Chúa Giêsu mượn thế quỷ vương để trừ quỷ, chứ thực sự Ngài không có quyền năng gì?

3/ Để trả lời những lý luận ngạo mạn của họ, Chúa Giêsu giải thích rằng: Ma quỷ đâu có dại dột khi đi hại chính thuộc hạ của nó, nếu nước nó lộn xộn như vậy thì làm sao có đủ sức mạnh để tồn tại.

4/ Như vậy do đâu Chúa Giêsu có thể trừ được ma quỷ? Đó là nhờ sức mạnh của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dùng chính sức mạnh Thiên Chúa của mình để trừ quỷ, rồi sau này các Môn Đệ của Chúa sẽ dùng sức mạnh của Chúa để trừ. Như vậy, cũng có nghĩa là Chúa Giêsu có quyền phép trên ma quỷ, điều này khiến cho chúng ta có đủ niềm tin để trông cậy và đi theo Chúa. Vì chính Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa.

5/ Phúc Âm hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu cứu chữa một người bị quỷ ám. Trước phép lạ hiển nhiên như vậy, đám đông dân chúng rất kinh ngạc và phấn khởi, nhưng cũng có một số ít người đưa ra một lời giải thích đầy ác ý. Họ muốn bêu xấu, muốn phủ nhận việc làm của Chúa nên cho rằng: Chúa Giêsu phải cậy nhờ tướng quỷ.

6/ Lời giải thích của Chúa Giêsu thay cho câu trả lời: Chúa Giêsu kêu gọi mọi người hãy có cái nhìn và cách phán đoán khách quan, trung thực hơn. Chúa kêu gọi mọi người hãy mở rộng tâm hồn ra để đón nhận nước Thiên Chúa đang đến.

7/ Chúa Giêsu quả quyết: Chúa làm mọi phép lạ đều nhờ vào quyền lực của Thiên Chúa, chứ không phải của bất cứ thế lực nào, lại càng không thể mượn thế lực của ma quỷ. Chúa nêu ra một nguyên tắc thông thường: Nước nào tự chia rẽ thì nước đó sẽ sụp đổ, điêu tàn.  

8/ Chúa lại đưa ra một nguyên tắc đáng thuyết phục hơn khi đưa ra một dụ ngôn về một cuộc chiến giữa những địch thủ với nhau. Ai là người chiến thắng để có thể nắm giữ tiền đồ, nếu không phải là kẻ mạnh hơn?

9/ Các giáo phụ khi giải thích về dụ ngôn này đã đặt một câu chuyện trong bối cảnh cuộc giao tranh giữa 2 đối thủ thiện và ác. Chúa Giêsu là thủ lãnh của sự thiện, còn bên ác lại là Satan.

10/ Con người sau khi phạm tội nguyên tổ, đã bị thần dữ khống chế, vây bọc, chèn ép bằng những hận thù, ghen ghét, ích kỷ.

11/ Riêng đối với người Kito hữu chúng ta, cho dù sức mạnh đó có ghê gớm mạnh mẽ, đáng sợ đến đâu, cũng không bao giờ cho phép chúng ta buông xuôi, thất vọng. Vì chính Chúa Giêsu mới là người mạnh nhất.

12/ Chúa Giêsu đã dùng cái chết trên Thập Giá để chiến thắng tử thần, cứu thoát thế gian. Chúa đã ra một mệnh lệnh cho những kẻ đang tin theo Chúa: “Đừng sợ! Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, Thầy đã chiến thắng thế gian”.

13/ Lời nói của Chúa ở trên đây đã khích lệ để chúng ta luôn vững tin vào Chúa. Điều quan trọng là chúng ta phải biết chọn lựa nên đứng vào phe nào. Chúa Giêsu đã nói: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngoài Chúa ra, chúng con không còn con đường nào khác để chiến thắng quỷ dữ. Xin giúp con luôn đứng về phe Chúa bằng cách lắng nghe và tuân giữ lời Chúa dạy, để chúng con trở nên chứng nhân của Chúa. Amen.**R

 

Thứ bảy, 14/10/2017

Đề tài: NGƯỜI ĐƯỢC THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 11,27-28)

27 Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! "28 Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa."

SUY NIỆM:

1/ Gia đình nào có người làm lớn trong cơ quan nhà nước thì được kể là người có phúc, vì có quyền cao chức trọng, sung sướng cả một đời, vì phúc lộc ăn nhiều đời không hết.

2/ Bố mẹ nào có con làm Linh Mục, Giám Mục thì bố mẹ đó được mọi người xưng tụng là ông bà cố, và được ca ngợi là người có phúc, phúc cả đời này lẫn đời sau.

3/ Khi Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, Mẹ Maria cũng được các phụ nữ khác cho là có phúc. Có phúc vì được làm Mẹ Thiên Chúa, là Nữ Vương thiên đàng, làm Đấng đồng công cứu chuộc, làm mẹ cho mọi kẻ cậy trông. Như trong kinh cầu Đức Mẹ mà chúng ta vẫn thường đọc.

4/ Nhưng những quan niệm thường tình ấy đã được Thiên Chúa đính chính ngay:"Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.". Nói thế Chúa Giêsu có phạm vào lỗi là coi thường Mẹ mình hay không?

5/ Khi Chúa Giêsu nói thế, không phải là Chúa có ý coi thường Mẹ Maria, nhưng là một cách gián tiếp Chúa đã đề cao mẹ mình. Chúa Giêsu có ý nhắc đến việc mẹ Maria có phúc khi hạ sinh Đấng Cứu Thế, và còn có ý đề cao Mẹ Maria là người chú ý lắng nghe và tuân giữ lời Chúa trách trọn vẹn, xứng đáng là mẫu gương cho chúng ta bắt chước.

6/ Qua câu nói này, Chúa Giêsu đã nâng cao công phúc và đức độ của Mẹ Maria. Cuối cùng, cũng nhờ vào câu nói này mà chúng ta là những người không có họ hàng máu mủ gì với Chúa, cũng được Thiên Chúa chúc phúc nếu như chúng ta cũng biết lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy.

7/ Mẹ Maria có 2 diễm phúc: Một là chức Mẹ Đấng Cứu Thế, hai là thực hành Lời Chúa. Diễm phúc thứ nhất có biết bao thiếu nữ Do Thái hồi đó mơ ước mà không được. Kinh Thánh có ghi: “Mẹ được chúc phúc giữa những người phụ nữ như lời bà chị họ Elizabet, như lời khen ngợi của người phụ nữ trong bài Tin Mừng”.

8/ Trong câu nguyện truyền tin, đã ghi rõ Đức Mẹ tự ý chấp nhận thiên chức làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Điều này quá rõ ràng, chúng ta không cần nói thêm gì nữa.

9/ Diễm phúc thứ hai là Mẹ đã thực hành Lời Chúa. Tin Mừng hôm nay cũng đã xác nhận điều đó, chính Chúa Giêsu đã dành cho Mẹ Ngài một lời ca tụng đẹp đẽ nhất : “Đã nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” Phúc cho Mẹ không phải vì Mẹ đã cho Chúa bú mớm, nhưng còn vì Mẹ đã ân cần đón nhận, Mẹ đã suy niệm và để lời Chúa thành chính sự sống của Mẹ.

10/ Không ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành bằng Đức Mẹ. Đức Mẹ vừa là mẹ Chúa Giêsu, vừa sống đời sống của Chúa nên Mẹ đã được diễm phúc: Sinh ra Chúa, dưỡng dục Chúa, và thực hành lời Chúa, nên Mẹ là người hoàn hảo nhất.

11/ Chúng ta cũng có 2 diễm phúc: thứ nhất chúng ta được làm con Chúa qua Bí Tích Rửa Tội. Diễm phúc thứ hai chúng ta có được hay không là tùy chúng ta có thực hành lời Chúa hay không (đúng như lời Chúa nói).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe, suy niệm và thực hành lời Chúa. Đón nhận để gặp được Ngài, suy niệm để hiểu ý Ngài và thực hành là sống như Ngài đã sống. Xin Mẹ Maria trợ giúp chúng con. Amen.**R

 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2085
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  15
 Hôm nay:  2761
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11353065
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top