Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 27 (TN A)

Thứ hai, 06/10/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 10,25-37)

Đề tài: Anh em của mọi người

25 Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 26 Người đáp : “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?” 27Ông ấy thưa : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28 Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

29 Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : “Nhưng ai là người thân cận của tôi ?” 30 Đức Giê-su đáp : “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’ 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” 37 Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:/nhóm kinh thánh Emmaus .

1/ Một người xe ôm ở Biên Hòa, nhờ uy tín và lao động miệt mài, ông đã có dư một số tiền kha khá, nên bàn với vợ mua một chiếc ô-tô để chở người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu. Nhiều người đã rất bất ngờ khi biết chiếc xe này chỉ dùng để làm từ thiện chứ không lấy tiền.

2/ Người thông luật hỏi Chúa Yesus làm cách nào để có sự sống đời đời: Chúa Yesus đã trả lời bằng trích dẫn một câu Cựu Ước, “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa … và yêu mến người thân cận như chính mình”.

3/ Nhưng ai là người thân cận, ai là người tôi thân yêu: Đức Yesus kể một Dụ Ngôn “Người Samari nhân hậu để cho thấy rằng: Người thân cận là những ai cần sự giúp đỡ mà mình gặp trên đường đi, người thân cận sẽ vượt qua mọi giới hạn về dân tộc, giai cấp, ý thức!

4/ Không có khoảng cách và giới hạn trong việc biểu lộ tình yêu đối với tha nhân: Vì nếu giúp đỡ có điều kiện thì chẳng còn là bác ái yêu thương đúng nghĩa nữa!

5/ Người Ki-tô hữu yêu mến Thiên Chúa như người Cha và yêu thương kẻ khác như anh em, nhưng tình yêu thương kẻ khác phải đi tới đâu, người Samari nhân hậu đã trả lời cho chúng ta: Tình yêu đó phải trải rộng ra khắp cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, địa vị, xã hội tôn giáo nào.

6/ Chắc chắn đạo Do Thái đã quy định tình yêu thương đối với kẻ khác, nhưng các Kinh Sư vì quá tỉ mỉ đã tìm cách giới hạn quan niệm trong tình yêu thương đó. Vì thế trong câu mà Chúa Yesus trả lời cho bọn họ: Chúa Yesus muốn đạp đổ mọi hàng rào kiên cố mà người ta muốn ẩn núp sau đó để khỏi phải sống theo đòi hỏi của luật Bác ái.

7/ Trước câu hỏi biểu lộ tấm lòng hạn hẹp của ông Kinh Sư “Ai là người thân cận của tôi”. Chúa Yesus không đưa ra một câu trả lời ngay mà đưa ra một câu chuyện có ý giải thích. Qua những câu hỏi đối đáp, chúng ta có thể rút ra những tư tưởng chính:

8/ Tư tưởng thứ nhất: Bất cứ ai biết đối xử nhân nghĩa xót thương đối với người khác, chẳng kỳ người ấy là ai, thì đã trở nên anh em của người ấy! Ở đây người Samari đã biết đối xử như thế, nên người Samari là anh em của người bị tai nạn.

9/ Người Samari không đồng đạo hay đồng hương gì với người bị nạn. Hơn nữa còn bị coi như kẻ thù của người bị nạn, thì tình thương của người Samari còn cao quý biết bao. Như vậy, sự thật là tất cả mọi người đều có thể trở thành anh em với nhau “Tứ hải giai huynh đệ!”

10/ Bất cứ khi nào hai người gặp nhau, cho dù quen biết hay xa lạ, dù bạn hữu hay thù địch đều có thể trở nên anh em với nhau, không có gì có thể trở thành ranh giới ngăn cách, huyết thống, ý thức hệ, giai cấp xã hội, Tôn giáo!

11/ Tư tưởng thứ hai: Câu chuyện trên cho thấy Chúa Yesus muốn khẳng định rằng: Hai người kia là tư tế, lê vi; dù là đồng đạo, đồng hương nhưng đã không trở thành người thân hay anh em với người bị nạn vì họ đã không biết thể hiện tình yêu thương.

12/ Một điều cần ghi nhớ :*** trước đây ,khi mới bắt  đầu học kinh thánh , con thường rất ấn tượng với những lời Chúa dạy như là :thực hành lời Chúa ,sống bác ái yêu thương / thế nhưng với đôi bàn tay vừa nhỏ vừa ngắn ,con sẽ làm được gì với một thế giới rộng lớn lại tràn- ngập- đau-thương như thế này ? Mọi chuyện cứ lặng lẽ trôi qua với thời gian mà con không hề để ý tới /thế nhưng hôm nay khi con đọc lại đoạn tin mừng này ,với một chút suy niệm và xin ơn soi sáng ,Chúa đã cho con biết phải  sống dạo ,phải cư xử như thế nào cho đúng ý Chúa .Con chợt nghĩ (do Chúa giúp ): con không có khả năng để ôm cả thế giới , không có tiền ,không có sức ,không đủ tay , cho nên con chỉ có thể giúp ai đó trên đường đi mà Chúa để cho con gặp , chứ đừng cố tránh qua một bên để đi  như 2 vị Tư tế và Lêvi trong bài tin mừng / tóm lại :hãy chu toàn từng việc mà Chúa yêu cầu , thế  thôi / (nếu hôm nay con từ chối Chúa , ngày sau Chúa cũng sẽ từ chối con ,mong con đừng hối tiếc )***

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con biết đạo Ki-tô giáo là đạo tình thương, xin cho con biết viết lên hai chữ tình yêu bằng những hành động cụ thể như Chúa đã làm. Amen.

Bài chia sẻ của  LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Ai là người thân cận của tôi?

1/ Phải làm gì để được sự sống đời đời? Đây là câu hỏi rất quan trọng và thực tế của cuộc đời, nhưng người hỏi là thầy thông luật: tuy ông đã biết câu trả lời nhưng vẫn hỏi để thử Chúa Giêsu. Thay vì cho ông câu trả lời, Chúa Giêsu hỏi lại ông: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi (Dt 6:5), và yêu mến người thân cận như chính mình (Lev 19:18)." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."

 

2/ Ai là người thân cận của tôi? Tuy Jericho cách Jerusalem khỏang 20 dặm nhưng độ cao khác biệt là 3,600 ft. Đây là đọan đường rất nguy hiểm vì lối đi hẹp và có rất nhiều hang động, chỗ ẩn của trộm cướp. Rất ít ai dám đi một mình trên quãng đường này. Người bị đánh trọng thương rất có thể là người Do-Thái vì đi từ Jerusalem xuống. Chúa Giêsu liệt kê ra 3 lọai người và phản ứng của họ khi nhìn thấy người bị thương:

(1) Thầy tư tế: là người Do-Thái. Lý do tại sao ông tránh có thể vì sợ sẽ bị không sạch trong 7 ngày (Num 19:11) nếu động tay vào xác chết, và sẽ không được phục vụ trong Đền Thờ. Ông đặt việc tế tự trên lòng thương xót khi ông tránh qua bên kia mà đi.

(2) Thầy Lêvi: cũng là người Do-Thái. Nhiệm vụ của Levites là phục vụ cung điện nơi Hòm Bia của Thiên Chúa ngự. Giống như thầy tư tế, ông có lẽ cũng sợ bị không sạch, nên tuy cũng thấy người bị trọng thương, nhưng rồi cũng tránh qua bên kia mà đi.

(3) Người Samaria xem người Do-Thái như thù địch và không muốn chung chạ gì với họ. Nhưng khi thấy người bị trọng thương, người Samaria không để ý đến nạn nhân là người Do-Thái hay không, ông chạnh lòng thương nạn nhân đau khổ: một niềm thương xót giữa người với người.

Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác."

 

3/ Chúa Giêsu hỏi thầy thông luật: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? " Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần phải học hỏi thì mới có thể biết cái chân chính và cái giả tạo; nếu không sẽ lầm lẫn đi trong bóng tối và dễ bị đánh lừa.

- Mến Chúa yêu người là phương thức để đạt được sự sống đời đời.

- Chúng ta không chỉ mến Chúa yêu người bằng miệng, nhưng phải thể hiện bằng cuộc sống thờ phượng Thiên Chúa và thực hành các việc bác ái. 

 

Thứ ba, 07/10/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca  (Lc 1,26-38)

Đề tài: Hãy sống theo gương Mẹ Maria

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”
35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Nếu không có những người mẹ dằn xé lòng để đưa con đi nhập ngũ bảo vệ Tổ Quốc. Trái tim người mẹ đâu phải bằng gỗ đá khi đem hiến dâng mạng sống con mình , nếu không có những tấm lòng vĩ đại ấy thì làm sao Đất Nước chúng ta có thể vượt qua ngần ấy cuộc chiến dai dẳng để bảo vệ biên cương ,lãnh thổ ?

2/ Hãy vui mừng lên hỡi Đấng đầy ân sủng, vì từ nay Mẹ sẽ cưu mang Ngôi Lời, là con Thiên Chúa làm người!

3/ Người Ki-tô hữu là người có Chúa Ki-tô ở cùng và được mời gọi đem Ngài đến cho thế giới! Vì vậy, tất cả chúng ta đều được mời gọi sống hành trình đức tin như Mẹ qua thái độ Xin Vâng, tin tưởng, lắng nghe, và mau mắn thi hành Thánh Ý Chúa trong mỗi biến cố của cuộc đời.

4/ Sống Xin Vâng theo gương Mẹ là bền lòng thực thi Thánh Ý Chúa và can đảm theo Chúa đến cùng.

5/ Ngày nay ở khắp nơi trên Thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam, trên các Thành phố lớn, việc cầu nguyện đang bị khủng hoảng.

6/ Cầu nguyện là việc mà các người trẻ, có học thức khó lòng chấp nhận, vì họ cho đó là những buổi đọc kinh dài dòng.

7/ Chủ nghĩa thực dụng đang lấn át nên họ cảm thấy quá mất thời giờ mà chẳng giải quyết được việc gì cụ thể liên quan đến cuộc sống của họ, thành ra coi như họ không cần cầu nguyện, hay rất ít cầu nguyện.

8/ Ở đây chỉ nói nói đến việc cầu nguyện chung, còn việc đọc kinh Mân Côi tại các nhà thờ thì số thanh niên giảm sút rõ rệt, có người hầu như chẳng có mặt bao giờ, chỉ còn ông bà già và một ít trẻ em.

9/ Họ không đọc kinh chung, vậy họ đọc kinh riêng sao. Khó lắm! Nếu có cũng rất ít. Từ hình ảnh này cho thấy có một chút xót xa để thấy rõ tình hình đọc kinh Mân Côi.

10/ Đây cũng là dịp để chúng ta đánh giá lại tình hình, để đem lòng yêu mến kinh Mân Côi hơn.

11/ Đức Giáo Hoàng Phao-lô 6 đã cho biết giá trị của kinh Mân Côi ở chỗ các bài Kinh vừa đọc bằng môi miệng vừa suy niệm mầu nhiệm cứu chuộc ở trong lòng!

12/ Kinh Mân Côi là những Kinh đẹp nhất bao gồm: Kinh Lạy Cha do chính Yesus dạy; 10 kinh Kính Mừng chúng ta lập đi lập lại lời Sứ Thần truyền và của bà Isave Mẹ Yoan Tiền Hô chào mừng Đức Mẹ; tiếp đến là Kinh Sáng Danh. Bởi vì khi ta suy niệm về ơn cứu độ, nghĩ đến cái phúc lớn lao mà ta lãnh nhận, mới thấy rõ ơn Chúa ban cho chúng ta thật lớn lao, nên chúng ta chỉ biết chúc tụng, cảm tạ, đội ơn Thiên Chúa Ba Ngôi đã làm điều kỳ diệu cho chúng ta.

13/ Kinh Mân Côi là vừa đọc, vừa suy niệm các Mầu nhiệm của ơn cứu độ, được trình bày theo hình thức dàn cảnh, được chia ra làm 4 phần: Vui, Sáng, Thương, Mừng!

14/ Kinh Mân Côi được xem là bản tóm tắt của Tin Mừng chúng ta vừa đọc các kinh đẹp lòng Chúa nhất: Vừa suy niệm việc Chúa làm Người và dùng cái chết để cứu chúng ta thế nào.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con cách cầu nguyện, nhưng lòng chúng con luôn lo ra chi trí. Xin giúp chúng con kiên trì thể hiện lòng yêu mến Chúa, yêu mến Mẹ qua việc đọc Kinh Mân Côi.

 

Thứ tư, 08/10/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 11,1-4)

Đề tài: Chúa Yesu dạy cầu nguyện

1 Khi ấy, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” 2Người bảo các ông : “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói :
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
3xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy ;
4xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Cầu nguyện là hơi thở trong đời sống Đức Tin vì nó rất quan trọng. Cầu nguyện để cho ý Chúa được thể  hiện trong mỗi hoàn cảnh sống.

2/ Thái độ cần có khi cầu nguyện là phải tỏ lòng khiêm nhường, phó thác để nhận ra lòng thương xót của Chúa, từ đó chúng ta mới đón nhận ơn Chúa và biết tha thứ cho anh em.

3/ Chúng ta đang sống trong một thế giới hưởng thụ với biết bao cơn cám dỗ. Xin Chúa gìn giữ để chúng ta khỏi sa vào chước cám dỗ của ma quỷ, thế gian. Và xin Chúa ban cho lương thực hằng ngày, để mỗi người chúng ta biết sống tâm tình tin tưởng, phó thác vào Chúa.

4/ Xin cho con của ăn hằng ngày dùng đủ, kẻo vì quá no nê mà bị mê hoặc và chối Chúa. Xin đừng để cho con vì quá thiếu thốn mà phải đi trộm cắp làm ô danh Chúa của con (CN 30,6-9)

5/ Trong 3 năm giảng dạy, Chúa chỉ dạy có một Kinh thôi. Đó là Kinh Lạy Cha, là tâm tình, là cách sống thế nào cho xứng đáng con cái Chúa, đáng được gọi Thiên Chúa là Cha và nên xin Chúa những điều gì?

6/ Mở đầu, Chúa dạy chúng ta mở miệng kêu lên cùng Thiên Chúa là Cha ở trên trời. Lời xưng hô này đặt chúng ta vào tâm trạng người con tôn kính mến yêu Cha mình.

7/ Vì Chúa là Cha trên trời, chúng con nhìn nhận Chúa vượt trên muôn loài muôn vật, Chúa cai quản tất cả, không có gì có thể vượt ra ngoài quyền phép của Chúa.

8/ Chúng con ước mong mọi người nhận biết Chúa, nhận Chúa là Đấng dựng nên mọi sự và là Cha rất nhân từ. Chúng con ước mong danh Chúa luôn hiển vinh trước mặt mọi người.

9/ Nước Cha là nước Thiêng liêng dành cho mọi người nhưng hiện tại số người biết Chúa còn quá ít, chúng con nguyện cho số người ấy ngày càng thêm đông đảo.

10/ Xin cho mọi người luôn vâng theo ý Chúa, tức là chúng con xin cho mọi người biết tuân giữ những điều Chúa dạy một cách mau mắn và tự nguyện.

11/ Chúng con cũng xin cho những nhu cầu của chúng con và của mọi người. Chúng con chỉ xin cho có đủ cơm bánh để luôn được sống trong tình mật thiết với Chúa và với mọi người.

12/ Chúng con xin Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng con và chúng con cũng hứa tha cho anh em. Đồng thời chúng con cũng xin Cha gìn giữ chúng con khỏi ngã gục trước các cơn cám dỗ và sự dữ đang có đầy dẫy trong cuộc sống trần gian.

13. Nhờ Chúa Yesus mà con biết con cần phải cầu xin những gì, xin điều gì trước, điều gì sau. Đây là một mẫu Kinh quý giá đem lại nhiều lợi ích, quan trọng và hoàn hảo nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết quý chuộng và siêng năng đọc Kinh Lạy Cha, xin thêm lòng sốt sắng và giúp chúng con sống đúng tinh thần Chúa đã dạy. Amen.

 

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Sự quan trọng của cầu nguyện trong Tin Mừng Luca.

2.1/ Không phải ai cũng biết cách cầu nguyện: Theo phong tục của Do Thái, các Rabbi thường dạy cho các môn đệ một kinh đơn giản để họ có thể dùng hằng ngày để cầu nguyện. Gioan Tẩy Giả cũng làm như thế cho các môn đệ của ông. Và hôm nay, một người trong nhóm môn đệ của Chúa Giêsu cũng đến và nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông." Lý do tại sao phải dạy là vì các môn đệ không biết cách cầu nguyện làm sao cho đúng: cái gì cũng xin, xin những điều hại cho người khác, chỉ biết ích kỷ xin cho mình …

2.2/ Chúa Giêsu dạy cho môn đệ cách cầu nguyện: Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: "Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ."

Quan sát những lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy có những nguyên tắc sau:

(1) Những gì liên quan tới Thiên Chúa: Trước tiên, lời cầu nguyện được dâng lên Thiên Chúa là Cha chứ không phải bất cứ ai khác; Người luôn yêu thương và quan tâm đến nhu cầu của con cái mình. Tất cả những gì thuộc Thiên Chúa phải được con người quan tâm đến trước những nhu cầu của cá nhân con người: xin làm cho thánh danh Cha vinh hiển chứ không xin làm vinh danh con, xin cho triều đại Cha mau đến chứ không xin cho triều đại của con đến trước Cha. Cầu nguyện nhưng cũng nhận ra bổn phận của người con: làm vinh danh Cha và làm cho triều đại Cha mau đến bằng những công việc và cách sống của mình; để mọi người nhìn thấy và ngợi khen Cha trên trời.

(2) Những gì liên quan tới con người: cả quá khứ, hiện tại, và tương lai.

- Hiện tại: Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy;

- Quá khứ: Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con.

- Tương lai: Và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải hành động theo những nguyên tắc nhất định trong đời sống cá nhân, gia đình, và cộng đòan; để bảo vệ sự hiệp nhất của tập thể. Cần hiểu biết lý do và sự quan trọng của các nguyên tắc trước khi hành động và dạy người khác làm như thế.

- Chúng ta cần phải nhận ra và tôn trọng sứ vụ của mọi người trong kế họach cứu độ của Thiên Chúa.

 

Thứ năm, 09/10/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 11,5-13)

Đề tài: Kiên trì trong lời cầu nguyện

5 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói : ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, 7 mà người kia từ trong nhà lại đáp : ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi : cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’ ? 8 Thầy nói cho anh em biết : dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.
9 “Thế nên Thầy bảo anh em : anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ? 12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp ? 13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Lời hứa của Chúa Yesus: “Cứ xin thì sẽ được”. Chúng ta phải hiểu như thế nào khi thực tế cho thấy rằng không phải ai cũng được như ý.

2/ Chúa Yesus mời gọi: Hãy kiên trì cầu nguyện, Thiên Chúa thấy và thấu hiểu nhu cầu của mọi người. Sở dĩ ta chưa nhận được điều mình xin vì Thiên Chúa cần sự cậy trông, cần sự kiên trì của con người.

3/ Phải cầu nguyện với lòng kiên trì và lòng tín thác vào Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn yêu thương và sẽ ban những gì tốt đẹp nhất cho phần rỗi linh hồn mỗi người.

4/ Được chăng hay chớ là tính cách cầu nguyện của phần đông trong chúng ta. Nhiều người vẫn nhận ra lỗi lầm của mình khi dâng lễ, khi cầu nguyện (ai cũng lo ra chia trí), khi ít, khi nhiều, lúc nào cũng có => Đó là do chúng ta cầu nguyện nhưng thiếu kiên trì, thiếu tin tưởng.

5/ Đúng hơn là do chúng ta chưa tin tưởng, chưa phó thác vào Chúa quan phòng. Những khó khăn trong cuộc sống dễ làm chúng ta thất vọng, chúng ta vẫn xin nhưng chưa đủ tin tưởng rằng: Thiên Chúa sẽ nhận lời chúng ta.

6/ Tin Mừng hôm nay Chúa đưa ra Dụ Ngôn: “Người bạn xin bánh ban đêm”, để kêu gọi chúng ta kiên trì cầu nguyện, tức là cầu nguyện trong sự kiên trì, nhẫn nại!

7/ Chúa dạy chúng ta phải có thái độ cầu nguyện như thế không phải Chúa không biết chúng ta kêu xin, không phải Chúa có ý làm ngơ hay là không muốn ban ơn.

8/ Chúa muốn ban thêm Đức Tin cho chúng ta khi cầu nguyện,  nếu chúng ta xin mãi mà chưa được thì đó là dấu chắc chắn Chúa muốn chúng ta kiên trì, nhẫn nại để xem lòng tin, lòng cậy của chúng ta có vững chắc không!

9/ Chúng ta cần phân biệt: Chúa nghe lời chúng ta và Chúa cho điều chúng ta xin. Thiên Chúa có thể không cho điều chúng ta xin mà Ngài vẫn nghe lời chúng ta. Thiên Chúa có nhiều cách để đáp ứng lời cầu xin của chúng ta.

10/ Hoặc Chúa ban điều chúng ta xin, hoặc chúng ta xin một ơn nhưng Chúa lại ban một ơn khác. Cũng có khi ơn đó chúng ta không xin, nhưng Thiên Chúa nhìn xa, Ngài ban một ơn cần thiết mà lúc này chúng ta chưa nghĩ tới, cũng có khi chúng ta cầu xin một ơn hoài mà Chúa vẫn chưa cho vì Chúa muốn tăng thêm Đức Tin cho chúng ta khi cầu xin.

11/ Khi chúng ta cầu nguyện, nhiều lúc chúng ta thiếu kiên nhẫn nên khi thấy lời cầu của mình chưa được đáp ứng thì đâm ra nản lòng! Có lúc còn phàn nàn kêu trách Chúa nữa!

12/ Chúng ta cần xác tín rằng: Thiên Chúa là Cha nhân từ, luôn yêu thương chúng ta, Ngài có đáp ứng hay không, hay Chúa muốn nhận lời cầu xin của ta theo cách nào thì cũng đều là lợi ích cho linh hồn chúng ta.

13/ Khi cầu nguyện, điều quan trọng nhất là: Phải luôn tin tưởng, cậy trông, phó thác cho tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì Chúa vô hình nên con không thấy Chúa, không thấy được tình thương của Chúa dành cho chúng con. Xin Chúa ban thêm Đức  Tin cho chúng con. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Kiên trì xin cho tới khi được.

1/ Khi cần, phải xin cho dẫu phải quấy rầy người khác: Sự lỡ đường của người bạn lúc nửa đêm đặt người phải vay trong tình trạng khó xử: hoặc im lặng để người bạn lỡ đường chịu đói hoặc phải hy sinh gõ cửa hàng xóm mà vay. Sau cùng, vì tinh thần hiếu khách nên anh quyết định hy sinh đi vay dù biết rằng mình sẽ làm phiền hàng xóm. Anh gõ cửa hàng xóm và van nài: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả." Người hàng xóm từ trong nhà đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.”

2/ Kiên trì xin cho tới khi được: Mặc dù bị từ chối nhưng anh vẫn kiên trì gõ cửa và van nài cho đến khi được như lời Chúa nói: “dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ “lỳ” ra đó.” Người hàng xóm phải chỗi dậy cho vay bánh vì ông không muốn cả gia đình phải mất ngủ suốt đêm. Tiếng Hy Lạp dùng ở đây là avnaideia, danh từ này có 2 nghĩa: (1) tiêu cực: không biết nhạy cảm trước sự khước từ hay khinh thường của người khác: không biết xấu hổ, lỳ lợm, chai lỳ; (2) tích cực: kiên nhẫn, kiên trì cho tới khi đạt được, không cần biết thời gian phải chờ đợi bao lâu, nơi chốn nào có thể tìm thấy, hay con người nào có thể xin được. Đây là thái độ mà Chúa muốn các môn đệ phải có khi muốn xin sự gì với Thiên Chúa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.” Lý do tại sao phải có thái độ này là vì người xin không thể làm cách nào khác hơn được nữa.

3/ So sánh người cha dưới đất với người Cha trên trời: Để nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa cho con người, Chúa Giêsu dùng một ví dụ cụ thể về tình thương của người cha trần thế: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải kiên trì trong đức tin và giữ vững đạo lý; đừng có thái độ ai nói gì cũng nghe, ai bảo sao cũng làm. Để có thể kiên trì, chúng ta cần học hỏi để hiểu tường tận Kinh Thánh và những Giáo Huấn của Giáo Hội hết sức có thể.

- Chúng ta phải kiên trì trong tình thương và lời cầu nguyện dẫu có phải đương đầu với thử thách và đau khổ. 

 

Thứ sáu, 10/10/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 11,15-26)

Đề tài: Tự do đón nhận hay từ chối.

15 Khi ấy, Đức Giê-su trừ một tên quỷ, nhưng có mấy người lại bảo : “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.” 16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. 17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói : “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. 18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được ?... bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ. 19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. 20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. 21 Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. 22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.
23 “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.
24 “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói : ‘Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.’ 25 Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. 26 Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Đức Yesus rao giảng về nước Thiên Chúa, Ngài mong mọi người đón nhận. Nhưng để thuộc về vương quốc đó, Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng sự tự do của con người. Con người có quyền đón nhận, cũng có quyền từ chối.

2/ Ai đang ngụp lặn trong tội lỗi thì muốn khước từ sự sống, ai đang làm nô lệ cho ma quỉ thì lại muốn đánh đổi chức vị con Thiên Chúa.

3/ Ai từ chối, không muốn tin vào Đức Yesus thì tự mình tách lìa khỏi thân thể của Chúa, là chính Giáo hội => Hậu quả của việc đó là mất sự sống đời đời. Vậy, hạnh phúc hay trầm luân chính là sự lựa chọn của mỗi cá nhân.

4/  Bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Yesus cứu chữa cho một người bị quỉ ám. Đây rõ ràng là một phép lạ hiển nhiên cho nên phần đông dân chúng đều tỏ thái độ kinh ngạc, phấn khởi. Nhưng cũng có những người giải thích nó một cách ác ý nhằm bêu xấu Chúa, họ tìm cách phủ nhận và cho rằng: Chúa có quyền năng này là do cậy nhờ vào tướng quỉ.

5/ Để giải thích cho điều này, Chúa Yesus đã kêu gọi đến lương tri và lý trí trong sáng của những con người hiện diện => Hãy có cái nhìn và phán đoán một cách khách quan, trung thực hơn.

6/ Chúa Yesus kêu gọi: Hãy mở rộng tâm hồn ra, để đón nhận nước Thiên Chúa. Sau đó Ngài quả quyết rằng: Chúa đã hành động, Chúa đã thực hiện phép lạ nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải nhờ vào bất cứ thế lực nào, cho dù là thế lực của ma quỉ.

7/ Chúa đưa ra một nguyên tắc thông thường nhưng rất căn bản: Nước nào tự chia rẽ, sẽ điêu tàn. Chúa còn muốn phản biện mạnh mẽ hơn: Chúa đã đưa ta một Dụ Ngôn về cuộc chiến của những kẻ mạnh, chỉ có ai mạnh mới chiến thắng, mới chiếm hữu thành trì, lâu đài. Chẳng  phải đó mới là kẻ mạnh hơn hay sao?

8/ Các Thánh Giáo phụ đã giải thích Dụ Ngôn này và đặt câu chuyện xảy ra là bối cảnh của cuộc chiến giữa thiện và ác: Chúa Yesus là thủ lãnh của sự thiện đang giao chiến với thủ lãnh của sự ác là Satan.

9/ Con người sau khi nguyên tổ phạm tội, đã bị lệ thuộc vào thần dữ và luôn bị các thế lực hận thù, ghen ghét, ích kỷ, tàn ác vây bọc, chèn ép. Nhưng đối với chúng ta, là các Ki-tô hữu, thì dù sức mạnh đó có ghê gớm tới đâu, không bao giờ cho phép chúng ta ngã lòng, buông xuôi, thất vọng vì chính Chúa Yesus là thủ lãnh của chúng ta, lại là người mạnh nhất.

10/ Chúa Yesus đã chiến thắng thần dữ, chiến thắng quyền lực của bóng tối và thần chết. Chúa Yesus đã ra một mệnh lệnh cho mọi kẻ tin vào Chúa, một mệnh lệnh của lòng cậy trông và tình thuơng: “Đừng sợ, hỡi đoàn chiên bé nhỏ, Thầy đã thắng thế gian”.

11/ Nghe được lời này, chúng ta luôn vững tin. Điều quan trọng là chúng ta phải biết lựa chọn sáng suốt để biết mình đang đứng về phía nào, phe nào. Chúa Yesus còn nói: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi”.

12/ Chúng ta chẳng còn con đường nào khác, nếu muốn chiến thắng sự dữ, sự ác, sự chết, chúng ta phải đứng về phía Chúa Yesus bằng cách sống theo Lời Chúa chỉ dạy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Yesus, con xin chọn Chúa làm gia nghiệp, xin Chúa che chở chúng con luôn luôn . Amen.

 

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Chúa Giêsu trừ quỷ bằng ngón tay Thiên Chúa.

Chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu trừ quỷ, có 3 phản ứng của con người:

- Có mấy người vì ghen tương bảo: "Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-el-dê-bun mà trừ quỉ." Đối với hạng người này, Chúa hỏi họ 2 câu: (1) Nếu Ta dựa thế quỉ vương Beelzebul mà trừ quỉ, thì con cháu các ngươi nhờ ai mà trừ quỉ; (2) Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?

- Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. Phép lạ Chúa làm là để khơi dậy niềm tin. Nếu đã chứng kiến phép lạ rồi mà vẫn chưa tin thì chẳng có gì bảo đảm sẽ tin khi chứng kiến phép lạ nữa. Hơn nữa, đức tin dựa trên phép lạ sẽ không bền vững.

- Đa số đám đông đều tin vào Ngài vì họ tin chỉ Thiên Chúa mới có thể làm được phép lạ như vậy.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

Không một ai trong chúng ta có thể trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa bằng việc giữ cẩn thận các giới răn vì không ai có thể giữ tất cả mọi điều.

- Chúng ta chỉ có thể trở nên công chính bằng cách tin vào Chúa Giêsu Kitô, chính Ngài đã chịu chết thay cho chúng ta; và nhờ Ngài chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa và lãnh nhận mọi ơn cần thiết cho đời này và đời sau.

- Khi chứng kiến những việc kỳ diệu của người khác làm, chúng ta hãy thành thật khen ngợi tài năng của họ. Đừng để tính kiêu ngạo ghen tương làm mờ mắt khiến chúng ta khinh thường họ hay phủ nhận những gì họ đã làm.

 

Thứ bảy, 11/10/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 11,27-28)

Đề tài: Nghe và thực hành Lời Chúa

27 Khi ấy, Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người : “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm !” 28 Nhưng Người đáp lại : “Đúng hơn phải nói rằng : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Công Cha, nghĩa Mẹ, ơn Thầy: Công ơn của cha mẹ không ai là không ghi nhớ. Vì thế việc tán dương công lao của người mẹ là công việc hết sức bình thường, cho nên đã có người nói: “Phúc thay người mẹ nào đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”.

2/ Lẽ ra là như thế, nhưng hôm nay Chúa Yesus cho thấy còn có một mối phúc cao trọng hơn, vượt trên mọi quan hệ huyết thống tự nhiên của con người; mối phúc này dựa trên mối liên hệ Đức Tin dành cho những ai biết lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy.

3/ Chúa Yesus cho rằng:  Bất cứ ai nghe và thực hành lời Thiên Chúa, kẻ đó mới chính là anh chị em của Người. Đời sống Đức tin của người Ki-tô hữu luôn được mời gọi vượt qua khỏi những giới  hạn tự nhiên như là: gia đình, danh vọng, tiền tài, để hướng con người đến một thực tại siêu nhiên là tìm kiếm nước Thiên Chúa và thực hành Thánh ý của Ngài.

4/ Đức Maria nhận được hai điều diễm phúc: Một là chức làm Mẹ Chúa Cứu Thế, hai là thực hành Lời Chúa.

5/ Diễm phúc thứ nhất: Là làm mẹ Con Thiên Chúa ,một chức vị mà có biết bao thiếu nữ Do Thái ước mơ mà không được, vì Mẹ được chúc phúc giữa các người phụ nữ.

6/ Đúng như lời Kinh Thánh đã ghi chép, như lời bà chị họ Isave, lời Kinh ngợi khen và lời khen của người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay.

7/ Câu chuyện truyền tin đã ghi rõ: Đức Mẹ tự ý chấp nhận thiên chức làm mẹ Đấng Cứu Thế, điều này rõ ràng rồi.

8/ Diễm phúc thứ hai: Đức Mẹ thực hành Lời Chúa. Tin Mừng hôm nay cũng xác nhận điều đó, chính Chúa Yesus đã dành cho Mẹ mình một lời ca tụng đẹp đẽ nhất: Đã nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.

9/ Phúc cho Mẹ không phải chỉ vì Mẹ đã cho Chúa bú mớm, nhưng còn vì Mẹ đã ân cần đón nhận Lời Chúa, Mẹ đã suy niệm và để chính Lời Chúa trở thành  sự sống của Mẹ.

10/ Không có ai đã nghe Lời Chúa, và thực hành Lời Chúa bằng Đức Mẹ. Mẹ chính là mẫu gương nên Giáo hội đã đề cao mẹ là Nữ Vương các Thánh Tông Đồ, Nữ Vương của mọi vị Thánh trên Thiên Đàng.

11/ Mẹ Maria là Mẹ Chúa Yesus, Mẹ vừa sống đời sống của Chúa, Mẹ vừa sống đúng Lời Chúa, nên Mẹ đã có được 2 diễm phúc: Một là sinh ra Chúa, dưỡng dục Chúa; hai là thực hành Lời Chúa, nên Mẹ trở nên người hoàn hảo nhất.

12/ Chúng ta cũng có hai diễm phúc: Chúng ta được làm con Chúa qua bí tích rửa tội, diễm phúc thứ hai có hay không còn tùy thuộc vào chúng ta có thực hành Lời Chúa hay không, đúng như lời Chúa đã nói.

13/ Điều Chúa luôn mong muốn: Ước  gì chúng ta biết đón nhận Lời Chúa, suy niệm và thực  hành. Đón nhận là để gặp gỡ, suy niệm là để hiểu ý Chúa, thực hành là sống với Ngài và như Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ là mẫu gương sống Lời Chúa, xin Mẹ cầu bàu và trợ  giúp để chúng con biết sống theo gương mẫu của Mẹ. Amen.

 

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.

1/ Đặc quyền được làm Mẹ Chúa: Khi Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!" Người Việt-Nam cũng quan niệm giống như người phụ nữ này khi nói “Phúc đức tại mẫu.” Người con được khôn ngoan, thánh thiện, tài giỏi là do công ơn của bà mẹ đã 9 tháng cưu mang, 3 năm bú mớm. Không phải chỉ có người phụ nữ nhận ra diễm phúc của Đức Mẹ, sứ thần Gabriel cũng chào Đức Mẹ trong giây phút Truyền Tin: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà" (Lk 1:28). Bà Elisabeth, người chị họ của Đức Mẹ, cũng đã thốt lên: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lk 1:42).

2/ Mẹ Chúa cũng phải nghe và giữ Lời Chúa: Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." Thọat nghe những lời này, một người có thể cho là lời khinh thường Đức Mẹ, vì Chúa đối xử với Đức Mẹ cũng như đối xử với những người khác, chẳng có gì đặc biệt hơn. Nhưng cuộc đời Đức Mẹ đúng là cuộc đời mà cụ già Simeon đã tiên báo: “Còn phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc 2:35). Đức Mẹ cũng phải đồng công chịu đựng đau khổ với Chúa. Trong mọi biến cố, Đức Mẹ không bao giờ mở miệng trách con; nhưng luôn lắng nghe con và giữ mọi sự trong lòng để suy niệm (Lk 2:52).

3/ Mọi người đều có cơ hội trở nên mẹ, anh/chị/em của Chúa: Đây là điều đáng mừng cho tất cả chúng ta, vì Chúa Giêsu cho mọi người đều có cơ hội bình đẳng để trở nên người thân thiết với Ngài. Từ chối không nghe hay không thực hành Lời Chúa là cách duy nhất không được trở nên mẹ và anh/chị/em của Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Tất cả những ai tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa là trở nên một thân thể với Ngài; vì thế, mọi phân biệt phải được xóa bỏ: giai cấp, chủng tộc, phái tính… Mọi người đều là con Thiên Chúa và anh chị em với nhau.

- Tiêu chuẩn được hưởng đặc quyền của Thiên Chúa không giống như tiêu chuẩn của con người. Ngài mở rộng cho tất cả mọi người chứ không chỉ giới hạn vào một gia đình, một số người thân quen, hay một quốc gia được chọn.

- Điều kiện để trở nên thân nhân của Chúa là nghe và giữ Lời Chúa. Không ai được miễn trừ điều kiện này cho dẫu là Mẹ của Thiên Chúa.


Trở lại      In      Số lần xem: 2124
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  11
 Hôm nay:  2592
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11408001
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top