Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 28 (TN A)

Thứ hai, 13/10/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 11,29-32)

Đề tài: Đòi thấy dấu lạ mới tin

29 Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói : “Thế hệ này là một thế hệ gian ác ; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. 30 Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn ; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. 32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng ; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca /  nhóm kinh thánh Emmaus

1/ Khi nhìn lên Thánh Giá, chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa. Mỗi khi chúng ta vẽ dấu Thánh Giá lên trán, chúng ta muốn ca tụng tình yêu Thiên Chúa. Dấu Thánh Giá nhắc nhở mọi người: Chúa yêu thương ta, ta phải thương yêu anh em, chung sống hòa bình với mọi người chung quanh.

2/ Dấu chỉ vĩ đại nhất dành cho hạnh phúc con người, đó chính là tình yêu. Khi yêu chúng ta sống thật an ủi, phấn khởi , khi yêu chúng ta sống thật an vui, hạnh phúc; khi yêu chúng ta làm lan tỏa tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người xung quanh.

3/ Trong thế giới của giác quan, tình yêu không có tiếng nói. Bởi vì tình yêu là: Nhẫn nhục, hiền hậu, rộng lượng, tha thứ. Tình yêu chữa lành mọi thứ bệnh, nhất là bệnh chia rẽ, tàn ác và làm cho mọi người được hợp nhất .

4/ Yêu như Chúa yêu. Đó chính là dấu chứng để mọi người nhận biết chúng ta là Môn đệ của Chúa Yesus.

5/ Chính lời Thánh Phao-lô xác nhận: (Cor 1,22), dân Do Thái xưa kia luôn thích đòi xem dấu lạ. Đây là điểm nổi bậc nhất của dân tộc này; họ luôn thách thức những ai tự xưng là bậc thầy; hoặc là ai xưng mình là sứ giả của Thiên Chúa. Họ đòi làm dấu lạ để minh chứng cho sứ điệp mà các vị đang rao giảng.

6/ Chúa Yesus khi đi rao giảng cũng phải chịu bao thách thức như thế. Họ thách thức Chúa làm dấu lạ để minh chứng về Lời Chúa rao giảng và cũng để làm chứng về con người của Ngài.

7/ Khi dân Do Thái đòi xem dấu lạ, họ muốn kết nối dấu lạ với niềm tin Tôn Giáo, nhưng họ đã xây dựng trên cơ sở hoàn toàn sai lầm, họ chỉ muốn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa qua các dấu lạ, trong những hoàn cảnh lạ thường. Họ quên rằng Thiên Chúa luôn ở bên cạnh họ, Ngài không ngừng tỏ mình ra trong những biến cố thông thường trong cuộc sống hằng ngày.

8/ Khi Thiên Chúa sai con Ngài xuống trần Nhập thể để sống cuộc sống của nhân loại trong lòng xã hội loài người. Cho nên kể từ khi Chúa Yesus giáng thế, Ngài luôn là dấu lạ cả thể của Thiên Chúa.

9/ Ngài chỉ làm những dấu lạ khác với mục đích duy nhất là minh chứng cho sự thật này: Chúa Yesus chính là dấu lạ của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra tình yêu của Chúa trong cuộc đời, để chúng con bắt chước được tình yêu đó hầu làm thay đổi đời sống của chúng con sao cho phù hợp với ý Chúa. Amen.

 

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Hưởng đặc quyền càng nhiều, bị phán xét càng nặng.

1/ Đòi hỏi phép lạ: Người Do-Thái tìm kiếm phép lạ, và Chúa đã làm nhiều phép lạ giữa họ. Nhưng mục đích của phép lạ là để khơi dậy niềm tin. Sau khi đã làm nhiều phép lạ mà họ vẫn không tin nên Đức Giê-su bắt đầu nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Jonah. Quả thật, ông Jonah đã là một dấu lạ cho dân thành Nineveh thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” Tại đây Chúa Giêsu muốn nói: như tiên tri Jonah đã ở trong bụng cá 3 ngày 3 đêm, Chúa Giêsu cũng ở trong mồ 3 ngày 3 đêm như vậy, và sau đó Ngài sẽ sống lại.

2/ Cần phản ứng thích đáng khi được hưởng đặc quyền: Chúa Giêsu đưa ra 2 ví dụ cho người Do-Thái phải suy nghĩ:

2.1/ Nữ Hòang Phương Nam: là người đến với Vua Solomon từ Phi Châu để học sự khôn ngoan của Vua. Thế mà Chúa Giêsu còn khôn ngoan hơn Vua Solomon đang ở giữa và dạy dỗ họ, họ đã từ chối không nghe và tin vào Ngài. Vì thế, “trong cuộc Phán Xét, Nữ Hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Solomon; mà Chúa Giêsu còn hơn vua Solomon nữa.”

2.2/ Dân Thành Nineveh: là thành của Dân Ngọai (Bắc của Iraq hiện giờ). Họ đã sẵn sàng nghe lời giảng dạy của tiên tri Jonah dù chỉ một lần và đã ăn chay, xức tro, và mặc áo nhặm trở về với Chúa. Thế mà Chúa Giêsu còn cao trọng hơn tiên tri Jonah đang đứng giữa họ để dạy dỗ và kêu gọi họ bỏ đàng tội lỗi, ăn năn trở lại với Thiên Chúa, mà họ vẫn giả điếc làm ngơ. Vì thế, “trong cuộc Phán Xét, dân thành Nineveh sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải siêng năng học hỏi để nhận ra những đặc quyền mình đang được hưởng. Đừng ngoan cố như những người Do-Thái, mặc dầu đã được thánh Phaolô chỉ dạy cho là họ không thể nào được cứu rỗi bằng việc giữ Luật (giao ước cũ), mà chỉ có thể được cứu độ bằng việc tin vào Chúa Kitô (giao ước mới); thế mà họ cứ ngoan cố trong niềm tin của họ vào Luật và dạy các tín hữu Galat làm như thế.

- Chúng ta cần biết nắm lấy cơ hội Thiên Chúa gởi đến trong cuộc đời. Như Nữ Hòang Phương Nam lặn lội tìm đến để học sự khôn ngoan của Vua Solomon, chúng ta cũng cần chạy đến với những người rao giảng để học hỏi sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Như dân Thành Nineveh đã nghe lời giảng dạy của tiên tri Jonah mà ăn năn trở lại, chúng ta cũng cần biết nghe lời mời gọi của Mẹ Giáo Hội qua các Mục Tử để năng kiểm điểm cuộc sống và quay trở về làm hòa cùng Thiên Chúa.

- Nếu không biết tận dụng các cơ hội của Chúa ban, chúng ta sẽ không có lý do nào để trách Chúa trong Ngày Phán Xét; vì sẽ có nhiều người tố cáo chúng ta là nếu họ có được những cơ hội như chúng ta đã có, thì họ đã ăn năn trở lại từ lâu rồi.

Thứ ba, 14/10/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 11,37-41)

Đề tài: Cần sạch cả trong lẫn ngoài.

37 Khi ấy, Đức Giê-su đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. 38 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn. 39 Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng : “Này, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. 40 Thật là ngốc ! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao ? 41 Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Cơn cám dỗ bao đời nay của con người là muốn nổi danh, và khía cạnh chính của nó là chuộng hình thức bề ngoài mà quên đi cốt lõi của đạo là thực thi tình yêu thương.

2/ Khi quên đi cốt lõi của Tin Mừng là chúng ta loại bỏ cốt lõi của đạo Công giáo là đạo tình yêu . Có nghĩa là chúng ta muốn lọai bỏ chính Chúa ra khỏi cuộc đời của mình.

3/ Quên đi cốt lõi của tình yêu khiến cho lời Kinh chúng ta đọc trở nên trống rỗng, nói lên đời sống đạo chỉ là một mớ hình thức giả dối ở bên ngoài.

4/ Qua bài Tin Mừng, Chúa mời gọi mỗi người hãy nhìn sâu tận bên trong để có thể thấy, có thể khám phá ra giá trị đích thực của cuộc sống theo tiêu chuẩn của Tin Mừng.

5/ Trong cuộc sống, có rất nhiều người không thể phân biệt đâu là điểm chính yếu, đâu là phụ thuộc. Vì không có khả năng phân biệt nên dễ gây nên lầm lẫn, dùng cái chính làm cái phụ, cái phụ làm chính, rồi  hãnh diện về những cái sai lầm của mình.

6/ Người Pha-ri-sêu thuộc hạng người đó, họ để ý dò xét hoạnh họe, bắt bẻ Chúa Yesus và các Môn đệ của Ngài về những hiểu biết liên quan đến lề luật của họ, chẳng hạn như vấn đề rửa tay trước khi ăn trong bài Tin Mừng hôm nay.

7/ Họ mời Chúa dùng bữa với họ, trước một đám đông cử tọa toàn khách quý, Chúa đã bước thẳng tới bàn ăn mà không hề rửa tay như luật Lê-vi dạy.

8/ Hành động của Chúa làm cho người Pha-ri-sêu ngạc nhiên, khó chịu, chống đối. Họ cho rằng: có rửa tay, rửa chén thì mới đẹp lòng Thiên Chúa; làm trọn ý Chúa là chu toàn những nghi thức bên ngoài đã được lề luật chỉ dạy.

9/ Ý Chúa muốn dạy rằng: Điều căn bản ở nội tâm, ở tâm hồn, là ở trong con tim trước hết; nó được bộc lộ ra bên ngoài bằng hình thức này nọ, cho nên thái độ trong tâm hồn quan trọng hơn những hình thức bên ngoài.

10/ Tục ngữ có câu: Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon cơm. Điều này rất đúng, nhưng nêu bát sạch mà không có gì ăn thì hỏi có no bụng được không? Nếu bưng bát cơm đầy mà lòng chẳng vui thì cũng đâu có ngon cơm!

11/Chúa Yesus muốn nói: Chén bát sạch, rửa tay sạch chỉ là hình thức bên ngoài, còn món ăn chính là tâm hồn người ăn mới là quan trọng.

12/ Muốn tâm hồn được sạch, Chúa đưa ra một lời khuyên: Là hãy làm phúc bố thí, hay nói cho dễ hiểu là biết chia sẻ. Bởi vì đây là một trong 3 điều chính yếu của đời sống Ki-tô giáo => Cầu nguyện, ăn chay, bố thí. Bố thí chính là chia sẻ tình yêu thương bác ái.

13/ Chúa dùng bài Tin Mừng để dạy chúng ta 2 điều. Không nên coi thường hình thức bên ngoài, nhưng đừng làm theo kiểu giả hình, mà phải làm sao để thích ứng với tâm hồn tốt lành, mà việc tốt lành đó được kiểm chứng bằng hành động bác ái yêu thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống chân thật và nhận ra điều nào quan trọng cần làm, để chúng con luôn sống trong tâm tình yêu thương như Chúa. Amen.

 

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Trong sạch tâm hồn thì quí trọng hơn sạch sẽ bên ngòai.

 1/ Người Pharisêu sửng sốt Chúa vì không rửa tay trước khi ăn: Cũng tương tự như đối phương của Thánh Phaolô tranh luận về sự quan trọng của sự cắt bì, đối phương của Chúa Giêsu là một người Pharisêu sửng sốt vì Người không rửa tay trước bữa ăn. Đối với người Do-Thái, việc rửa tay trước khi ăn không chỉ thuần túy là để cho hợp vệ sinh, nhưng là việc giữ Lề Luật. Người Pharisêu sửng sốt vì một người như Chúa lại không giữ các Lề Luật căn bản.

2/ Trong sạch tâm hồn thì quí trọng hơn sạch sẽ bên ngòai: Chúa Giêsu biết những gì ông đang tự hỏi, nên Người thẳng thắn nói với ông ấy rằng: "Thật, nhóm Pha-ri-sêu các ngươi, bên ngoài chén đĩa, thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy cho đi những gì đang có bên trong như của làm phúc, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”

Một câu Hy-Lạp rất khó dịch trong đọan này là “plh.n ta. evno,nta do,te evlehmosu,nhn.” Nhóm PVCGK dịch “Tốt hơn, hãy bố thí những gì bên trong.” Theo văn mạch của đọan này, điều Chúa Giêsu đang muốn nói là sự trong sạch của tâm hồn, và câu 39 đang nói tới những tật xấu bên trong của người Pharirêu: “nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” Tổng hợp tất cả, chúng ta có thể dịch: “hãy cho đi những gì đang có bên trong như của làm phúc.”

Điều Chúa muốn họ lưu ý ở đây là sự thanh sạch trong tâm hồn mà Thiên Chúa muốn họ có, vì Thiên Chúa đã dựng nên con người, và Ngài biết tất cả mọi sự: bên trong cũng như bên ngòai. Họ có thể đánh lừa được mọi người bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật nhưng không thể đánh lừa được Thiên Chúa vì Ngài thấu suốt mọi toan tính trong tâm hồn của họ. Một khi họ đã vất đi những toan tính thấp hèn, họ sẽ trở nên trong sạch thực sự và biết yêu thương tha nhân hơn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta không thể trở nên công chính bằng sức mình qua việc cẩn thận giữ các Lề Luật, nhưng chỉ có thể trở nên công chính bằng lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc tin tưởng vào Người Con của Ngài. Chính Người Con này đã chết thay cho chúng ta.

- Lề Luật của Thiên Chúa trong Cựu Ước vẫn có giá trị căn bản của chúng. Tuy nhiên, những giới răn của Chúa Giêsu dạy làm hòan hảo những Lề Luật của Cựu Ước. Nếu chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta phải giữ các giới răn của Người.

- Các Lề Luật đều tóm trong hai giới răn quan trọng nhất: “Mến Chúa, yêu người.” Sự thanh sạch trong tâm hồn cao trọng hơn sự thanh sạch bên ngòai.

 

Thứ tư, 15/10/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 11,42-46)

Đề tài: Đừng sống như mồ mả tô vôi

42 Khi ấy, Đức Giê-su nói : “Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu ! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ. 43 Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu ! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng. 44 Khốn cho các người ! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.”
45 Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói : “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa !” 46 Đức Giê-su nói : “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật ! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”

 

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Chúa Yesus lại khiển trách người Pha-ri-sêu vì lối sống giả  hình. Họ thích khoe khoang cái vẻ mặt đạo đức, làm cho mọi người nhìn thấy cái vẻ công chính của họ ở bề ngoài hơn là đời sống cốt lõi từ Tin Mừng.

2/ Chúa Yesus kêu gọi chúng ta hãy chu toàn bổn phận với Chúa vì lòng yêu mến và phục vụ tha nhân được khởi đầu bằng Đức công bình.

3/ Yêu là dám từ bỏ chính mình để sống vì người mình yêu. Yêu là dám chia sẻ với tha nhân trong tất cả những yếu đuối tội lỗi của thân phận con người. Yêu là dám trao hiến vì người khác như Chúa Yesus đã yêu!

4/ Trong bài Tin Mừng, Chúa Yesus đưa ra bốn điều trách: 3 điều trách dành cho Pha-ri-sêu và 1 điều trách dành cho Kinh sư.

5/ Thứ nhất: Chúa Yesus trách Pha-ri-sêu nhiệt thành trong việc nhỏ nhưng lại bỏ qua việc lớn. Luật chỉ buộc nộp thuế thập phân cho ngũ cốc, nhưng họ lại bảo phải nộp thuế cho cả rau cỏ nữa và cho rằng đây là việc bác ái cần làm. Chúa trách họ đừng lấy bác ái mà che lấp công bằng, phải giữ công bằng trước khi thực thi đức bác ái.

6/ Thứ hai: Chúa trách Pha-ri-sêu về tật hám danh, thích ngồi chỗ cao, thích được vái chào ngoài đường và vênh vang trong nhà hội; nghĩa là họ muốn được vinh dự trong nhà hội là nơi họ có chút chức vụ, còn ở nơi phố xá chẳng có chút gì liên quan mà họ cũng muốn vênh váo. Chứng tỏ lòng họ quá kiêu căng.

7/ Thứ ba: Chúa trách Pha-ri-sêu về tội giả hình: Là giả bộ, là hình nộm với bộ mặt không thật. Đó là lối sống che đậy giấu giếm như mồ mả bên ngoài tô vôi, mà bên trong chỉ toàn là xác chết thối tha.

8/ Giả hình là có nếp sống như đóng kịch, ngôn hành bất nhất;  trống đánh xuôi, kèn thổi ngược Vẻ bề ngoài không thể che cái xấu xa bên trong, cho nên Chúa bảo họ hãy sống thành thật.

9/ Khi nghe Chúa trách Pha-ri-sêu  thì đám Kinh Sư giật mình, họ nhột nên hỏi, và Chúa trả lời: Các ông chỉ giỏi khắc khe với người khác, đặt ra đủ các thứ điều nhỏ nhặt, tỉ mỉ để gò bó kẻ khác, còn các ông thì khỏi phải giữ thứ gì cả, chỉ muốn chất gánh nặng lên đôi vai của kẻ khác, còn các ông thì không thèm động tới ngón tay.

10/ Từ những quan điểm trên đây, chúng ta hãy tự xét mình:

- Có lỗi Đức công bằng với ai không?

- Có coi thường người khác không?

- Có sống đạo giả hình không?

- Có phải vì mình quá yếu kém trong khi chỉ muốn chỉ trích phê phán kẻ khác không?

11/ Hãy nhớ:

Chân mình thì lấm mê mê

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

Cái nết đánh chết cái đẹp.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Đấng chân thật, xin giúp chúng con biết sống chân thật với Chúa và với mọi người. Amen.

 

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Tai hại của việc sống theo Lề Luật

1/ Chúa Giêsu mắng chửi các Biệt-phái: Thuế Thập Phân là 10% cho tất cả các hoa mầu ruộng đất, trả trực tiếp cho những người Levites; và họ sẽ trả 10% những gì họ thu được cho các tư tế. Chúa Giêsu không kết tội họ vì bắt người ta nộp thuế Thập Phân, nhưng trách họ về bốn tội sau đây:

(1) Xao lãng lẽ công bằng: cất giấu các lợi nhuận thu được để dùng riêng;

Thiếu lòng yêu mến Thiên Chúa: vì quá chú trọng đến các nghi lễ bên ngòai (Mk 7:6);

(3) Thích hư danh: thích ngồi ghế đầu trong hội đường để mọi người nhìn thấy, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng để thấy mình quan trọng;

(4) Đánh lừa thiên hạ: “Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.” Lề luật dạy: hễ động vào mồ mả là trở thành ô uế cho dù có biết hay không. Chúa ví các Kinh-sư cũng nguy hiểm như các mồ mả không làm dấu vì sự giả hình của họ.

2/ Mắng chửi các Luật-sĩ: Lề Luật tự nó không xấu mà còn giúp để giữ trật tự; nhưng Chúa mắng chửi các Luật-sĩ vì họ lợi dụng Lề Luật để ức hiếp tha nhân. Ví dụ: để tránh giữ luật đi xa trong ngày Sabbath, họ dùng giây để làm cho giới hạn của nhà họ được rộng lớn hơn; để lấy tài sản của một người phải giúp cha mẹ, họ dùng luật Coban: của dâng cho Thiên Chúa không ai được đụng tới (Mk 7:11). Và còn trăm ngàn cách khác họ có thể đi chung quanh để buộc tội người khác và kiếm lợi nhuận cho mình. Vì thế, Đức Giêsu nói với họ: "Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Người Công Giáo không phải là người chỉ tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô rồi muốn làm gì thì làm; nhưng họ phải từ bỏ lối sống theo xác thịt và học sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.

- Mười hai dấu hiệu để thấy nếu một người sống theo lối sống của Thánh Thần: bác ái, vui tươi, bình an, kiên nhẫn, đại lượng, trung thành, từ tâm, tốt lành, hiền hậu, đơn giản, tiết độ, và trong sạch.

- Ngược lại lối sống theo Thánh Thần là lối sống theo xác thịt hay Lề Luật mà Chúa Giêsu mắng chửi các Kinh-sư và Luật-sĩ. Họ coi thường Thiên Chúa, háo danh, và dùng Lề Luật để đối xử bất công và đánh lừa tha nhân.

 

Thứ năm, 16/10/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 11,47-54)

Đề tài: Đừng tìm cách loại bỏ nhau

47 Khi ấy, Đức Giê-su nói với mấy nhà thông luật rằng : “Khốn cho các người ! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy ! 48 Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng.
49 “Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán : “Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng : chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia. 50 Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, 51 từ máu ông A-ben đến máu ông Da-ca-ri-a, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết : thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu.
52 “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật ! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết : các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.”
53 Khi Đức Giê-su ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, 54 gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Trên thế giới, nơi nào, ngành nào cũng có những cảnh lọc lừa. Các nhà khoa học trên thế giới cũng từng bị một nhà khoa học Hàn quốc lừa về dòng tế bào gốc phôi thai người; nhưng đến năm 2006, sự nghiệp của ông Hwang đã sụp đỗ khi bị các chuyên gia khác cáo buộc là giả mạo.

2/ Chúa Yesus vạch trần thói giả hình của các nhà thông luật khi họ tự tiện giải thích Kinh Thánh theo ý riêng và đòi buộc người khác phải tuân giữ, còn bản thân họ thì trốn tránh.

3/ Thái độ giả hình của các Kinh sư cũng là lời nhắc nhở chúng ta : đã được học hỏi kiến thức tôn giáo nhưng chúng ta có dám sống tinh thần tôn giáo đó hay không?

4/ Chúng ta lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày nhưng chúng ta có thành tâm sống theo Giáo huấn của Tin Mừng hay không, phải chăng chúng ta sợ những giáo huấn đó làm xáo trộn cuộc sống tự do của bản thân?

5/ Chúng ta thường có khuynh hướng phân biệt xã hội thành hai loại người: Tốt và xấu; nếu xấu thì ta cần xa lánh, kẻ thù thì phải bị ghét bỏ; sự phân chia ngăn cách ấy khiến cho xã hội trở thành ngột ngạc, khó thở.

6/ Sống mà cứ phải canh chừng nhau, nhòm trước, ngó sau; để đề phòng kẻ xấu. Sống như thế là quá căng thẳng, buồn chán; bởi vì khi chúng ta loại bỏ người khác thì cũng là lúc chúng ta tự giam mình trong sợ hãi, cô đơn!

7/ Cách sống của người Pha-ri-sêu thời Chúa Yesus là một kiểu sống cần phải loại bỏ. Vì thế Chúa đến để đánh đổ óc biệt phái  và những kẻ mà họ cho là xấu, là tội lỗi, lại trở thành bạn hữu của Ngài.

8/ Chúa đã nhìn mọi người bằng cặp mắt cảm thông, yêu thương để chỉ thấy con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa. Trong cái nhìn này thì cái hàng rào của bạn và thù, của xấu và tốt đã bị tháo gỡ. Trong cái nhìn mới mẽ này thì mọi người đều có chung một  danh xưng, đó là: Anh em  của nhau.

9/ Qua bài Tin Mừng, Chúa Yesus đã dùng nhiều lời phiền trách những người Pha-ri-sêu và Kinh Sư. Vì họ đã đặt quá nhiều luật lệ để cản trở hơn là dạy bảo hướng dẫn người khác vào nước Trời!

10/ Chính họ đã không được vào, mà những người muốn vào họ cũng ngăn cản. Chúa cho biết: Chúa đến trần gian không phải để kết án, Chúa không chúc dữ hay kết tội ai, nhưng Ngài không chấp nhận cách sống thiếu chân thực, thiếu bác ái. Vì thế, Chúa đã bảo ban họ bằng những lời khá nặng nề.

11/ Người Ki-tô hữu phải nhìn người khác bằng chính cặp mắt của Chúa Yesus. Giữa một xã hội luôn lấy sự phân biệt tốt xấu, bạn thù làm nguyên tắc sống, chúng ta cần thể hiện tinh thần bác ái yêu thương của Chúa Yesus.

12/ Cho dù người ta có lừa lọc, cắn xé, phản bội, độc ác với chúng ta, thì bàn tay của chúng ta luôn chìa ra để san sẻ, hòa giải và bằng một cái nhìn khoan dung tha thứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù cho cả thế giới này có lọc lừa, gian ác, trộm cắp; thì chúng con cũng quyết tâm sống chân thật như Chúa. Có như thế chúng mới mới trở nên Môn đệ đích thực.  Amen!

 

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Chúa mắng chửi các Luật-sĩ vì 2 tội:

1/ Cách đối xử của các Luật-sĩ đối với ngôn sứ rất mâu thuẫn: Họ tôn kính các ngôn sứ bằng việc xây lăng tẩm; nhưng họ chỉ tôn kính những ngôn sứ nào đã chết. Còn khi đối diện với các ngôn sứ đang sống, họ lại tìm đủ mọi cách để làm khó, bắt bớ và giết chết. Vì thế, Chúa Giêsu thẳng thắn tố cáo họ: “Các ngươi vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các ngươi.” Tại sao họ ghét các ngôn sứ sống đến với họ? Câu trả lời đơn giản là vì các ngôn sứ vạch trần những tật xấu và sự giả hình của họ.

Họ xây lăng cho các ngôn sứ để chứng minh cho dân chúng thấy rằng: "Nếu như chúng tôi sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng tôi đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ" (Mt 23:30). Nhưng các hành động trong hiện tại của họ đối với các ngôn sứ sống chứng minh họ đang theo vết chân của cha ông họ. Vì thế, Chúa Giêsu tuyên án họ: “Vì vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông Aben đến máu ông Dacaria, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu.”

2/ Cách đối xử của họ với dân chúng: Chúa Giêsu tố cáo họ: “Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.” Hiểu biết Kinh Thánh là điều mà mọi người dân đều mong muốn, nhưng không phải ai cũng có thể sở hữu Sách Thánh và được huấn luyện để hiểu. Vì thế, người dân phải trông chờ vào các Luật-sĩ để đọc và giải thích ý nghĩa của Kinh Thánh cho họ. Nhưng các Luật-sĩ nhiều khi vì tư lợi, họ cũng chẳng muốn cho dân hiểu. Họ muốn trở thành những người duy nhất sở hữu và giải thích Kinh Thánh theo cách họ mong muốn. Cai trị những ngu dân dễ dàng hơn cai trị những người hiểu biết. Họ sợ một khi dân chúng hiểu biết, họ sẽ mất hết các đặc quyền.

Được chỉ cho thấy sự thật, họ vẫn ngoan cố không nhận ra để sửa sai. Trái lại, các Kinh-sư và Luật-sĩ bắt đầu căm giận Chúa Giêsu ra mặt, và vặn hỏi Ngài về nhiều chuyện. Họ cố tình gài bẫy để xem có bắt được Ngài nói điều gì sai chăng. Một lần nữa, họ đang toan tính để giết chết một ngôn sứ cao trọng hơn hết mọi ngôn sứ; và nợ máu họ phải trả sẽ nặng hơn gấp triệu lần các ngôn sứ khác.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Vì yêu thương Thiên Chúa đã có Kế Họach Cứu Độ con người bằng việc hy sinh Người Con là Đức Kitô. Nhờ Máu Thánh Tử đổ ra mà chúng ta được tha thứ tội lỗi và được cứu độ.

- Đối với Thiên Chúa, những giả hình bên ngòai không thể che giấu những ý đồ bên trong; vì thế, chúng ta cần biết sống thành thực cả trong lẫn ngòai.

- Kinh Thánh là kho tàng chung của mọi tín hữu; vì thế, không ai có thể giữ riêng cho mình. Trái lại, người hiểu biết Kinh Thánh có bổn phận phải làm cho người khác hiểu bằng cách cắt nghĩa đúng sự thật và thích hợp với trình độ của người nghe.

 

Thứ sáu, 17/10/2014

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 12,1-7)

Đề tài: Đừng sống kiểu giả hình

1 Khi ấy, đám đông tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau. Bấy giờ Đức Giê-su bắt đầu nói, trước hết là với các môn đệ : “Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả. 2 Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. 3Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày ; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.
4 “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết : Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. 5 Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai : hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết : anh em hãy sợ Đấng ấy. 6 Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không ? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. 7 Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Vấn nạn của Thế giới từ bao đời nay là lũ chuột, là tham nhũng, là đồ giả hiệu. Riêng mặt hàng giả thì quá nhiều và ngày càng quá tinh vi: Từ bình dân đến cao cấp; từ kinh tế đến giáo dục, bằng giả tràn lan.

2/ Bằng giả để giữ ghế, để bảo đảm vào biên chế. Bằng giả, học giả, đội lốt thầy tu để lừa đảo, để giả danh, để lừa cả tình lẫn tiền.

3/ Đối với người Do Thái, Men Biệt phái là hình ảnh của sự dữ mà các Môn đệ ngày xưa, cả người Công giáo chúng ta hôm nay cũng cần phải tránh.

4/ Men biệt phải chính là lối sống giả hình. Giả hình là đóng giả vai người khác không phải là mình; người giả hình trau chuốt bên ngoài để che dấu con người thật đầy khiếm khuyết bên trong.

5/ Chúa Yesus cảnh báo: Không có gì che dấu mà không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người khác không thể biết.

6/ Tin Mừng kêu gọi chúng ta hãy nhìn bằng cái nhìn của Thiên Chúa, chứ không bằng sự giả dối hay tô vẽ bên ngoài vì Thiên Chúa là Đấng thấu suốt và trung tín.

7/ Trong bài Tin Mừng, Chúa Yesus đưa ra hai lời khuyên: a) Hãy cẩn thận với thói giả hình của bọn Pha-ri-sêu/ b) Đừng sợ gì cả, hãy tin tưởng vào Thiên Chúa.

8/ Trong mọi sinh hoạt của cả hai lĩnh vực: Tôn giáo và trần thế. Người Pha-ri-sêu thường biểu lộ sự giả hình; ngôn ngữ và hành vi của họ luôn mâu thuẫn nhau, lòng đạo đức của họ chỉ là cách sống trang nghiêm, giả dối; một thứ đạo đức bằng cái vỏ bên ngoài. Nhưng cái vỏ bên ngoài không thể nào che dấu sự xấu xa ở bên trong.

9/ Sống giả hình thì trước sau gì cũng bị người khác biết được, như Chúa Yesus vẫn nói: Không có gì che dấu mà không bị bại lộ, không có gì bí mật mà người khác không biết.

10/ Giả hình, giả đò, giả trá, giả dối cũng đều mang một nghĩa và cũng xấu xa như nhau. Cần phải sửa chữa, loại bỏ. Chúng ta đừng giao lưu, tiếp xúc với những hạng người ấy, Thiên Chúa lại càng không ưa họ.

11/ Họ chỉ sống giả hình để đánh lừa kẻ khác, nhưng không thể lừa được lâu; thế  nào cũng cháy nhà lòi ra mặt chuột. Hãy đừng bao giờ đánh lừa Thiên Chúa, nên tốt nhất chúng ta hãy sống thành thật.

12/ Lời khuyên thứ hai: Chúa bảo chúng ta đừng sợ gì cả. Khó khăn, bách hại khiến con người lo sợ là lẽ tự nhiên. Chúa khuyên chúng ta hãy can đảm làm chứng cho Chúa.

13/ Trước những trò vu oan, bất công, Chúa bảo chúng ta đừng sợ vì không có gì ẩn khuất mà không bị bại lộ.

14/ Trunh thành với sự thật, đôi khi khiến chúng ta phải trả giá, có khi bằng chính mạng sống của mình.

15/ Chúa Yesus cũng  nhắc chúng ta đùng sợ những kẻ chỉ làm hại được thân xác mà không thể làm gì được linh hồn. Chúng ta đừng sợ gì cả vì chúng ta cao quý hơn tất cả mọi thứ ở trần gian. Chúng ta quý giá hơn nhiều so với những con chim sẻ. Hãy an tâm dấn thân làm chứng cho Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sống ngay thật với Chúa và với mọi người; để chúng con luôn nhìn tha nhân bằng cái nhìn trìu mến yêu thương của Chúa.   Amen.

 

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Tin vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa

1/ Tránh cuộc sống gỉa hình như các Kinh-sư: Mặc dù các Kinh-sư là những người hiểu biết và tuyên xưng đức tin của họ nơi Thiên Chúa, nhưng cuộc sống giả hình của họ đã không chứng minh sự hiểu biết và niềm tin của họ vào Ngài. Nếu họ hiểu biết Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự thì làm sao họ có thể giấu Ngài lối sống gỉa hình của họ. Vì thế, Chúa Giêsu dặn các môn đệ phải đề phòng: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.”

2/ Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác: Khuynh hướng của con người là ham sống và sợ chết; nhưng nếu con người hiểu những gì sẽ xảy ra sau khi chết, con người sẽ dễ dàng chấp nhận cái chết hơn. Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ biết những điều này: “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy.” Vì thế, nếu phải chấp nhận cái chết để làm chứng cho Chúa, thì con người cũng phải làm vì biết họ sẽ nhận lại cuộc sống trong Vương Quốc đời sau.

3/ Tin vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa: Ngòai cái chết, con người còn lo sợ về những nhu cầu sinh sống hay bệnh tật. Chúa Giêsu dạy các môn đệ cũng phải vứt đi những lo sợ này và tin tưởng hòan tòan nơi tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài bảo các ông: “Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Không hiểu biết, thiếu hiểu biết, hay hiểu biết sai là những nguyên nhân làm cho đức tin con người lung lạc và hay lo sợ viển vông. Chúng ta cần học hỏi để hiểu biết sự Quan Phòng và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.

- Có những điều xảy ra trong cuộc đời trong sự Quan Phòng của Thiên Chúa, nhưng ngòai sự kiểm sóat của con người: bệnh tật, già yếu, sự chết… Con người có lo sợ cũng chẳng thóat khỏi, chi bằng phó thác hòan tòan vào tình yêu Thiên Chúa và Kế Họach Cứu Độ của Ngài.

 

Thứ bảy, 18/10/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 10,1-9)

Đề tài: Thánh hiến vì Sứ vụ -         (Kính thánh Luca, Thánh sử)

1 Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : ‘Bình an cho nhà này !’ 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’.”

Bài chỉ sẻ của Yuse Luca:

1/ Theo hãng thông tấn Fibes thuộc bộ Phúc Âm hóa các dân tộc, thì trong năm 2011 , có 26 nhà truyền giáo thuộc Giáo hội công giáo bị giết chết. Họ là những chứng nhân của Tin mừng trong những  hoàn cảnh đau khổ, bị bách hại, căng thẳng do bất ổn xã hội; họ chết vì mục tiêu duy nhất là loan báo Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô.

2/ Chúa Yesus sai các Môn đệ ra đi như Chiên đi vào giữa sói. Ơn gọi của người Môn đệ là chấp nhận sự bách hại vì sứ vụ; đó cũng chính là con đường để trở nên giống Chúa Ki-tô là vâng lời cho đến chết để chu toàn sứ mạng.

3/ Ngày nay cũng có biết bao người tín hữu bị bách hại vì niềm tin vào Đức Yesus; Nhưng họ vẫn bình thản, tha thứ và sống lạc quan qua các nghịch cảnh đó.

4/ Chúng ta cũng được mời gọi dâng những hy sinh hằng ngày, để làm bằng chứng cho sự hiện diện của nước Thiên Chúa tại trần gian.

5/ Thánh Luca là người ngoại giáo, sinh tại Antiokia nước Syria. Vì nghe Thánh Phao-lô giảng nên Ngài xin theo đạo và đi theo làm Môn đệ vào năm 49 CN. Như thế có nghĩa là Ngài không được chứng kiến đời sống của Chúa Yesus, không được trực tiếp nghe Chúa giảng dạy, cũng không được ở trong nhóm các Tông đồ, các Môn đệ của Chúa.

6/ Trước khi trở lại đạo, Luca là một y sĩ nên trong các sách Tin mừng của Ngài có nhiều tiếng thường gặp trong các loại sách y học thời đó nhất là trong sách Công Vụ Tông Đồ của Ngài cho biết rõ: Ngài là một thầy thuốc, chính Ngài đã săn sóc , giúp đỡ Thánh Phao-lô trong những lúc ốm đau, tù đày; ngoài ra Ngài còn là một họa sĩ, và là người đầu tiên vẽ chân dung của Đức Maria.

7/ Luca là Môn đệ, là cộng sự viên, là một người bạn đồng hành thân tình của Thánh Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo thứ hai tới Troa và Philiphê, Ngài thường sống bên cạnh Phao-lô cả những lúc tù đày cũng như khi phải ra trước tòa án Roma, và đã ở bên cạnh cho tới khi Thánh Phao-lô chết.

8/ Chính Luca cũng bị giam tù 2 lần, sau khi Thánh Phao-lô chết. Ngài đến rao giảng cho dân chúng thành Akai-da và viết sách Tin Mừng vào khoảng năm 63, viết sách Công vụ Tông đồ vào năm 70. Ngài qua đời lúc 84 tuổi, theo truyền khẩu thì Ngài chịu tử đạo ở Bacti-ca.

9/ Như vậy, Thánh Luca là tác giả 2 cuốn sách. Qua các tác phẩm ấy, chúng ta thấy Ngài là một Ki-tô hữu có học thức nhất thời Giáo hội sơ khai; dù vậy Ngài rất khiêm tốn, chỉ muốn sống âm thầm, đến nỗi dù một chút gì nếu chúng ta muốn biết về Ngài, cũng phải đọc những dòng chữ của Ngài bằng kính phóng đại.

10/ Ngài là con người dịu dàng, hiền hòa. Tất cả lối hành văn của Ngài đều quan tấm đến con người, thông cảm con người, liên hệ tới người nghèo, hào hiệp với phụ nữ.

11/ Ngài đã thu thập và kể lại những lời nói và việc làm đầy nhân nhân hậu của Chúa Ki-tô, Ngài nhấn mạnh: Đức ki-tô nhân từ vô cùng, những người tội lỗi là đối tượng tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa.

12/ Chúng ta biết ơn Ngài. Vì nhờ Ngài mà chúng ta có được những Dụ Ngôn cây vả khô chồi, đứa con hoang đàng, người Samari nhân hậu. Chúng ta biết ơn Ngài vì câu chuyện người trộm thống hối, và cả 5 mầu nhiệm mùa vui Mân Côi, vì chỉ có một mình Ngài tường thuật những sự kiện ấy.

13/ Ngoài ra sách Công vụ Tông đồ của Ngài được coi là cuốn Lịch sử đầu tiên của Giáo hội Công giáo, kể lại mọi hoạt động của các Tông đồ, nhất là Phê-rô, Phao-lô. Điều quan trong mà sách Luca muốn chứng minh là: Mặc dù có nhiều nhân vật hoạt động nhưng đó chỉ là những vai phụ, còn vai chính là Chúa Thánh Thần; nên sách Công vụ Tông đồ được gọi là sách Tin mừng của Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con sống ngây thơ, hiền hòa và ngay thẳng như Thánh Luca của con .   Amen.

 

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

"Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông."

1/ Khác biệt về văn bản: Theo Lucas, Chúa Giêsu không chỉ chọn 12 Tông-đồ, nhưng còn nhiều môn đệ khác, để huấn luyện và sai đi rao giảng Tin Mừng. Trong Lucas, có hai lần sai đi: Lần thứ nhất, Chúa Giêsu sai 12 tông đồ (Lk 9:1-6; Mt 10:1, 7-16; Mk 6:7-13). Lần thứ hai, chỉ có trong Lucas, theo trình thuật hôm nay: “Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.”

2/ Môn đệ là sứ giả mang Tin Mừng.

(1) Phải ý thức sứ vụ cuả mình: Chúa Giêsu biết những nguy hiểm người môn đệ phải đương đầu khi Ngài nói với các ông: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” Hai điều Ngài muốn đề phòng cho các ông:

- “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”: Đây là những thứ ngăn cản việc rao giảng Tin Mừng. Lo lắng quá nhiều về phương diện sinh sống sẽ ngăn cản các ông dành mọi cố gắng cho việc rao giảng Tin Mừng.

- “Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”: Chúa Giêsu không dạy các môn đệ bất lịch sự hay sống cách biệt. Ngài chỉ muốn các môn đệ biết tính khẩn cấp của việc rao giảng Tin Mừng để các ông đừng trò chuyện vô ích dọc đường, làm mất thời gian rao giảng (cf. 2 Kgs 4:29).

(2) Chấp nhận Tin Mừng là điều kiện để có bình an: Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này!"” Điều này chứng tỏ Tin Mừng cứu độ được trao cách nhưng không cho mọi người. Theo Lucas, sự bình an này được liên kết với ơn cứu độ mà Đức Kitô mang đến cho mọi người (cf. 1:79, 2:14-29, 7:50, 8:48, 12:51, 19:38). Chấp nhận Tin Mừng là có bình an: “Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.” Điều Chúa Giêsu muốn ám chỉ ở đây là sự bình an trong các môn đệ có năng lực làm cho người khác cũng cảm thấy được bình an.

3/ Môn đệ là sứ giả của Nước Trời.

(1) Đừng tìm kiếm những sự thế gian: Nhiều người nói “nếu không đem theo tiền bạc và bao bị thì lấy gì mà ăn.” Nói như thế là khinh thường sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài coi các môn đệ là những người làm cho Ngài, và “thợ làm đáng được trả công đời này” (1 Tim 5:18; cf. 1 Cor 9:7-14). Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh: “người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó.” Người rao giảng không được đòi hỏi, họ phải có khả năng ăn thức ăn của địa phương dâng tặng. Họ cũng không thể sống theo luật Kosher của Do-thái nữa. Người môn đệ cũng “đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia” để tìm lợi nhuận vật chất hay chỗ ăn ở sung sướng hơn.

(2) Làm cho triều đại Thiên Chúa mau đến: Chúa Giêsu nhắc lại bổn phận chính của người môn đệ: “Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông."” Triều đại của Thiên Chúa đã đến với sự xuất hiện của Đức Kitô và các môn đệ loan báo Tin Mừng này đến cho mọi người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta hãy noi gương hai thánh Lucas và Phaolô để biết hy sinh dành trọn cuộc đời cho việc rao giảng Tin Mừng.

- Chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc rao giảng Tin Mừng vì đó là những giá trị ngược lại với những giá trị của thế gian; nhưng ai bền vững đến cùng sẽ được cứu thoát.


Trở lại      In      Số lần xem: 2646
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  2
 Hôm nay:  1443
 Hôm qua:  2176
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11402273
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top