Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 32 (TN A)

Thứ hai, 10/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 17,1-6)

Đề tài: Cớ  vấp  phạm

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã ; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã ! 2 Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. 3 Anh em hãy đề phòng !

“Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó ; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. 4 Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh : ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó.”

5 Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng : “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” 6 Chúa đáp : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Hiến chế Mục vụ lên án mạnh mẽ rằng: Nguyên do phát sinh thuyết vô thần không ai khác hơn mà chính là trách nhiệm của người Ki-tô hữu khi không chú trọng đến việc giáo dục Đức tin; có khi vì trình bày giáo lý sai lạc hoặc do cách sống có quá nhiều thiếu sót về mặt luân lý trong đời sống xã hội.

2. Trước khi Chúa Yesus lên trời, Ngài đã sai các Môn đệ đi rao giảng Tin Mừng nước trời và làm phép rửa cho muôn dân: Ngày nay khi mỗi người chịu phép rửa tội, cũng được Chúa Yesus mời gọi tiếp tục sứ vụ đó. Bởi thế việc tuyên xưng và giới thiệu niềm tin là một trách nhiệm quan trọng, bắt buộc và hết sức cao cả của mỗi Ki-tô hữu.

3. Đức Giáo Hoàng Le-ô Cả mà chúng ta Mừng kính hôm nay dạy rằng: Phụng vụ Ki-tô giáo không phải chỉ là nhớ lại các biến cố của Đức Ki-tô trong quá khứ mà là thực tại hóa việc Chúa chịu khổ nạn và phục sinh, và còn đem áp dụng vào trong cách sống của người Ki-tô hữu.

4. Mỗi người Ki-tô hữu hôm nay phải là: Những chứng nhân trung thành của Thiên Chúa trước mặt mọi người bằng những hành động cụ thể một cách hết sức nhiệt thành và đầy lòng bác ái yêu thương.

5. Chúa Yesus nghiêm khắc trong việc lên án tội làm gương mù, gương xấu. Vậy thì thế nào là gương xấu? Theo các Giáo sư luân lý: Gương xấu là một lời nói, một cử chỉ, một hành động không thích  hợp với cách sống đạo, làm cớ cho người khác vấp phạm, sa ngã, phạm tội.

6. Tuy nhiên gương xấu không chỉ là hai hành vi nói trên mà thôi, mà ngay cả việc bỏ sót những trách nhiệm đáng lẽ mình phải làm mà lại không làm ,cũng sẽ là gương xấu vì nó làm dịp cho kẻ khác phạm tội và bị thiệt hại về đường thiêng liêng.

7. Một ví dụ cụ thể: Người có trách nhiệm phải lên tiếng về một tình trạng bất công, nhưng vì nhát sợ nên đã giữ thái độ im lặng cho yên thân , thì đó là một gương xấu cho kẻ khác.

8. Xét về tội tạo nên gương xấu, có hai loại: Gương xấu trực tiếp là hành động của một người có chủ ý như là tạo ra một dịp cho người khác sa ngã; gương xấu gián tiếp là hành động của một người dự đoán là hành vi của mình có thể là cớ vấp phạm cho kẻ khác, nhưng thật sự mình không muốn như vậy.

9. Gương xấu nào cũng cần tránh nhưng gương xấu nào chủ ý thì tội luôn nặng hơn. Còn những gương xấu gián tiếp thì cũng cần phải tránh.

10. Chúng ta phải tránh mọi gương xấu: Phải sửa chữa những thiệt hại về tinh thần, việc sửa chữa này phải thực hiện bằng lời cầu nguyện, bằng gương sáng để đền bù lại bằng những hành động thiết thực khác.

11. Chúa nói: Người gây ra gương xấu thì thà rằng cột thớt cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển. Hình phạt này coi như rất nặng, coi như chết mất xác, chúng ta đừng ai cố tình vì phải trả lẽ nặng nề trước mặt Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dìu dắt, nâng đỡ, chỉ bảo con, để con không làm cớ cho người khác hư đi. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Đời sống đạo của người Kitô hữu

Trình thuật hôm nay đưa ra 3 điều liên quan đến đời sống của Kitô hữu, mỗi điều tóm gọn trong 2 câu:

1/ Cớ làm cho người ta vấp ngã: Tiếng Hy-Lạp dùng chữ cớ làm cho người ta vấp ngã, skandalon. Từ ngữ này có 3 ý nghĩa:

(1) cái bẫy: để bắt chuột, cái đinh trên đường để làm nổ bánh xe người khác;

(2) nguyên nhân cho tội: các sòng bài, tửu lầu, nhà chứa, websites xấu, nói hành, nói chơi giỡn; ngay cả Thập Giá của Chúa Giêsu cũng là nguyên nhân cho tội nơi những người không tin;

(3) người làm cho người khác sa ngã: khách đưa đường, người mặc quần áo khêu gợi, khinh thường trẻ nhỏ … Chúa Giêsu gọi Phêrô là Satan vì ông trở thành cớ cho Chúa phạm tội.

Không có lửa thì làm sao có khói! Không có cớ thì sẽ không có tội. Không thể không có cớ làm con người sa ngã trong thế giới; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người khác vấp ngã. Những người làm cớ cho các trẻ nhỏ phạm tội nặng hơn vì chúng chưa đủ trí khôn để suy nghĩ tốt xấu. Đối với hạng người này, cần buộc cối đá vào cổ mà ném xuống biển cho chết.

2/ Sửa lỗi và tha thứ: Trình thuật của Matthêu về 2 đề tài này rõ ràng hơn (x/c Mt 18:15, 21-22). Trong Luca, 2 đề tài được tóm gọn lại trong 2 câu: (1) Phải sửa lỗi trước và tha thứ nếu ăn năn: Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy đề phòng! Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận thì hãy tha thứ cho nó.” (2) Phải luôn luôn tha thứ: “Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: "Tôi hối hận", thì anh cũng phải tha cho nó.”

3/ Sức mạnh của đức tin: Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con," vì không dễ để tránh làm cớ cho người khác phạm tội và không dễ để luôn tha thứ cho người xúc phạm đến mình. Chúa đáp: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em.” Thái độ tin tưởng cần thiết để ra tay làm việc: nếu không có thái độ này, sẽ không thể hòan tất bất cứ điều gì. Thiên Chúa không truyền cho con người làm điều không thể: Nếu con người tin nơi Thiên Chúa, họ có thể làm những chuyện không ngờ; vì không có điều gì là không thể đối với Thiên Chúa. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh những điều này: các phép lạ thực sự xảy ra.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải tin mình có thể xây dựng thế giới tốt đẹp hơn: (1) bằng việc rao giảng Tin Mừng hay bằng việc cắt cử những nhà lãnh đạo tốt lành; hay (2): tạo môi trường sống lành mạnh: dạy cho mọi người biết làm gương sáng, tránh gương mù, sửa dạy, và tha thứ cho nhau. 

 

Thứ ba 11/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 17,7-10)

Đề tài: Tinh thần phục vụ trong khiêm tốn

7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng : “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó : ‘Mau vào ăn cơm đi’, 8 chứ không bảo : ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau !’ ? 9Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ? 10Đối với anh em cũng vậy : khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Người nào muốn làm Môn đệ Chúa Ki-tô, phải mặc lấy tinh thần khiêm nhường. Chỉ khiêm tốn mới thấy được tình yêu của Thiên Chúa thật cao vời; còn con người của chúng ta chỉ là tạo vật mỏng dòn, yếu đuối.

2. Khiêm tốn là phó dâng mọi sự của ta vào tay Thiên Chúa với niềm tin xác tín rằng: Mọi sự do Thiên Chúa làm đều tốt đẹp.

3. Người đầy tớ vô dụng mang ý nghĩa một người đầy tớ  không cần thiết,  dư thừa   cũng có thể là không xứng đáng.

4.  Sau khi chấp hành mệnh lệnh xong, người Môn đệ không có quyền đòi hỏi bất cứ điều gì cho mình. Bởi lẽ nếu chúng ta có được điều gì, cũng là do ơn Chúa ban mà thôi (1 Cor 15,10).

5. Trong bài Tin Mừng, Chúa Yesus lấy cách phục vụ của người đầy tớ trong xã hội phong kiến ra làm ví dụ để có hình ảnh nói về thái độ làm việc của con người cần phải có trước mặt Thiên Chúa; đó là thái độ làm việc trong khiêm tốn.

6. Dụ Ngôn hôm nay trình bày hình ảnh một người đầy tớ chăm chỉ, siêng năng, làm hết mọi việc từ trong nhà ra đến ngoài đồng. Anh bao thầu hết mọi việc và phục vụ ông chủ rất chu đáo.

7. Trong xã hội phong kiến, ông chủ rất có quyền trên các tôi tớ của mình, ông không cần phải biết ơn người đầy tớ. Nói rõ hơn, bổn phận người đầy tớ là phải phục vụ ông chủ liên tục, ông chủ không phải áy náy, mang ơn / anh đầy tớ cũng chẳng thể nghĩ đến chuyện đòi ơn. Đó là mối tương quan ngày xưa giữa chủ và tớ.

8. Dụ Ngôn trên đây muốn nói rằng: Tất cả chúng ta là tôi tớ của Thiên Chúa, chúng ta được Thiên Chúa tạo nên để phục vụ cho Thiên Chúa qua các bổn phận, mà bổn phận chính yếu mà Chúa đòi hỏi là chúng ta phải chăm sóc anh em  chúng ta cách chu đáo.

9. Ý Chúa muốn dạy rằng: Khi chúng ta làm xong công việc theo bổn phận của mình thì đừng có tự cao tự đại, đòi Thiên Chúa phải thưởng công chúng ta.

10. Chúa dạy chúng ta phải luôn ý thức là thân phận tôi tớ trước mặt ông chủ: Thái độ Chúa đòi chúng ta phải có là: Không được nghĩ tới mình, không được đòi công xá, không được tìm danh vọng.

11. Chúa dạy chúng ta phải có tâm tình khiêm nhường. Bởi vì tất cả những thứ chúng ta có được từ khả năng đến thành công ,việc lớn việc nhỏ cũng đều do ơn Chúa ban. Không có ơn Chúa, chúng ta chẳng thể làm gì được, chúng ta chỉ là dụng cụ trong tay Chúa, không được huênh hoang tự đắc, không được đề cao cái tôi, khuếch đại thanh danh, tự hào vì công trạng và tưởng rằng có mình mới xong công việc.

12. Những ý nghĩ đó chỉ là kiêu ngạo mà thôi. Chúng ta phải làm mọi việc vì ý ngay lành là luôn làm việc trong tinh thần nhỏ bé khiêm nhường.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con sống trên đời này để làm vinh danh Chúa, làm ích cho anh em con. Xin hãy biến con thành một công cụ sinh lợi ích và niềm an vui cho anh em con. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.

1/ Bổn phận và việc thiện nguyện: Để hiểu ý nghĩa đọan văn ngắn này, chúng ta cần phân biệt 2 hành động:

(1) Bổn phận phải làm: Bổn phận của đầy tớ là phải phục vụ chủ, không cần biết việc phải làm nhiều đến đâu: "Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi!" chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!” Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?”

(2) Việc thiện nguyện: Nếu một người không phải là đầy tớ, mà tình nguyện phục vụ người khác; đó mới là việc thiện nguyện. Người lãnh nhận phải biết ơn người tình nguyện phục vụ.

2/ Thiên Chúa có cần phải biết ơn con người? Cũng vậy, con người có bổn phận phục vụ Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên con người; đồng thời Ngài đầu tư vào con người tất cả những gì cần thiết để làm việc sinh lời cho Ngài: ơn thánh, thời gian, sức khỏe, tài năng… Khi con người ra sức làm việc để sinh lời tương xứng cho Chúa, đó mới chỉ là hòan tất bổn phận hay công bằng, vì mượn vốn thì phải trả cả lời lẫn vốn. Vì mọi sự trên đời là của Thiên Chúa, nên Ngài không cần phải biết ơn con người như Chúa Giêsu nói hôm nay: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa ưu đãi và đối xử tốt với con người như trong trình thuật khác của Luca: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lk 12:37); đó là vì Ngài quá thương yêu con người mà thôi.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Bổn phận của người lãnh đạo cộng đòan là phải giáo dục đức tin và nhân bản cho mọi thành phần trong giáo đòan. Để có thể chu tòan bổn phận, người lãnh đạo trước tiên phải có một đức tin vững mạnh, khôn ngoan học hỏi, dạy dỗ mọi thành phần, và phải làm gương sáng cho mọi người.

- Chúng ta phải ra sức tận dụng những quà tặng Thiên Chúa ban: sự sống, ơn thánh, thời gian, khôn ngoan, tài năng, của cải vật chất, để sinh lời cho Ngài.

- Cho dẫu hòan tất tốt đẹp và trả lại tương xứng cho Thiên Chúa, con người cũng không có quyền đòi Thiên Chúa phải biết ơn họ; vì họ mới chỉ làm tròn bổn phận đã được giao phó mà thôi. 

 

Thứ tư,  12/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (c 17,11-19)

Đề tài: Lòng biết ơn

11 Khi ấy, trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13 và kêu lớn tiếng : “Lạy thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi !” 14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ : “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17 Đức Giê-su mới nói : “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? 18Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” 19 Rồi Người nói với anh ta : “Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Y Vân là một nhạc sĩ nghèo tại các nhà hàng ở Sài Gòn. Ông đã quá cảm kích tình người mẹ nên đã viết ra bài hát lòng mẹ khiến cho nhiều kẻ có tâm sự đã phải rơi lệ khi nghe hát bài này.

2. Biết ơn Cha mẹ, thầy cô, ân nhân xem ra là một việc rất bình thường, nhưng nó lại là một bổn phận rất quan trọng nếu ai đó muốn làm một con người trọn vẹn.

3. Từ khi sinh ra đến giờ, mỗi người đã nhận lãnh biết bao nhiêu hồng ân của Thiên Chúa; vì thế Thánh Phao-lô đã phải cảm xúc mạnh khi thốt lên: Tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa.

4. Đối với Chúa, một lời cảm tạ của ta không thêm gì cho Chúa nhưng lại mưu ích cho chính chúng ta.

5. Mỗi khi chúng ta dâng lễ, là chúng ta cử hành một hy tế tạ ơn. Lòng biết ơn còn phải được thể hiện qua những hành động thể hiện sự chia sẻ cho tha nhân về của cải vật chất cũng như tinh thần.

6. Bài Tin Mừng thuật lại phép lạ Chúa chữa 10 người phong khỏi bệnh, nhưng chỉ có một người quay lại tạ ơn Chúa. Tỷ lệ 1/10 thật đáng buồn => Đây cũng là điều nói lên sự biết ơn và vô ơn của con người chúng ta.

7. Con người ta thường hay ích kỷ, mình muốn người khác biết ơn mình, trả ơn mình; còn mình thì chẳng để ý để cảm ơn ai. Con người dễ quên ơn và rất mau quên ơn; lẽ ra thì phải uống nước nhớ nguồn thì con người lại thích ăn cháo đá bát, có trăng phụ đèn, vắt chanh bỏ vỏ, kẻ muốn được ơn thì nhiều mà kẻ biết ơn lại quá ít.

8. Làm ơn thì không nên đòi trả ơn, nhưng chịu ơn thì phải biết ơn. Không thiếu những con người, những học trò vô ơn, hòn đất ném đi thì hòn chì phải ném lại, có đi có lại mới toại lòng nhau.

9/ Biết ơn không có nghĩa là đổi chác , bồi hoàn, nhưng đó là một sự bày tỏ mình nhận biết giá trị tinh thần hay là vật chất mà mình đã nhận được.

10. Một món quà chúng ta nhận được nếu tính ra tiền thì không bao nhiêu, nhưng nó gói ghém biết bao yêu thương, ân tình, hy sinh trong đó.

11. Có những món quà mà vật chất chỉ là lớp vỏ tầm thường, xù xì, còn ruột của nó lại là tình yêu thương, ai hiểu được như thế, nhận ra như thế mới biết được ân huệ là gì và chúng ta phải thể hiện lòng biết ơn như thế nào cho xứng đáng.

12. Bài học trên đây nhắc nhở chúng ta phải biết ơn Chúa, Cảm ơn Chúa và cũng phải cảm ơn nhau. Bởi vì tất cả những gì chúng ta nhận được từ nơi Chúa cũng đều phải qua trung gian, đó là những người anh em của chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành Chúa ban, xin giúp con biết lấy thứ gì quý giá nhất của lòng con để dâng cho Chúa, hầu xứng đáng được Chúa ban thêm ơn. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Lòng biết ơn

Bài Phúc Âm này được đọc trong ngày Lễ Tạ ơn mỗi năm. Mục đích là để nhắc nhở cho con người biết nhận ra ơn và cám ơn Thiên Chúa.

1/ Phải biết ơn trước khi cám ơn: Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!"

- Tình trạng bi thảm của những người phong cùi: Vì người Do-Thái rất chú trọng đến vấn đề thanh sạch bên ngòai, những người phong cùi không được ở chung với dân; mà phải sống cách biệt bên ngòai làng của dân ở (Lev 13:46, Num 5:2). Họ không được phép tiếp xúc trực tiếp với dân và phải la lớn để mọi người được biết sự có mặt của họ mà tránh đi (Lev 13:45).

- Để chứng tỏ mình đã hết bệnh phong cùi, họ phải được xem xét cẩn thận bởi các tư tế. Khi nào các tư tế tuyên bố họ đã sạch; bấy giờ họ có thể trở về sinh họat bình thường với dân trong làng (Lev 14:2-3). Đó là lý do tại sao Đức Giêsu bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch.

2/ Những người “ở ngòai” dễ nhận ra ơn hơn những người “ở trong”:

- Tâm tình biết ơn của người Samaria: Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samaria. Đức Giêsu nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?"

- Người Do-Thái khinh thường và sống xa cách với người Samaria. Điểm lạ ở đây là 9 người phong Do-Thái khi bị chính dân mình khai trừ đã mở rộng vòng tay cho người phong Samaria được sống chung với họ. Khi con người bị đau khổ và bỏ rơi, có lẽ con người dễ đòan kết và sống chung với nhau hơn.

- Người Samaria, tuy bị người Do-Thái khinh thường, nhưng nhiều lần được chính Chúa Giêsu khen tặng. Trong câu truyện “Ai là người thân cận của tôi?” Chúa Giêsu đã đề cao người Samaria Nhân Hậu hơn các thầy tư tế và Lêvi, vì ông là người biết tỏ lòng thương xót với người bị đánh trọng thương dọc đường: ông đã vực người trọng thương lên lừa và đưa về quán trọ săn sóc cẩn thận và hứa sẽ trả mọi phí tổn tương lai cho chủ quán trọ (Lk 10:30-37). Trong cuộc đàm thọai giữa Đức Kitô và người phụ nữ xứ Samaria, chị đã trở thành nhà truyền giáo đầu tiên của Chúa Giêsu, nhiệt thành loan báo về Người cho các dân trong làng của chị (Jn 4:39-41).

- Biết ơn là xứng đáng đón nhận thêm ơn: Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." Không phải chỉ được thanh sạch bên ngòai, anh còn được thanh sạch cả bên trong. Chính vì lòng tin mà anh đã xứng đáng được hưởng ơn cứu độ.

3/ Tại sao con người vô ơn? Có nhiều lý do: (1) vì con người không chịu suy nghĩ để nhận ra ơn, họ nghĩ mọi sự trên đời tự nhiên mà có mà không cần suy nghĩ tại sao nó có; (2) họ giả sử tất cả mọi người phải hành động như vậy: là Thiên Chúa phải ban ơn; là cha mẹ phải nuôi nấng con cái; là thầy phải dạy dỗ học sinh; và (3) họ sợ nếu nhận ra ơn, họ phải trả ơn. Vì thế, họ vô ơn:

(1) với Thiên Chúa: Đấng đã dựng nên và không ngừng ban mọi ơn lành cho họ. Ngày Lễ Tạ Ơn là dịp để con người nhận ra và tạ ơn Thiên Chúa qua việc tham dự Thánh Lễ và làm ơn cho những người kém may mắn; nhưng thử hỏi được bao nhiêu người làm những điều này? Thay vào đó, họ lo tổ chức ăn uống vui chơi cho bản thân và cho gia đình họ.

(2) với cha mẹ: những người đã cưu mang, nuôi nấng, và dạy dỗ họ trong suốt một phần tư của cuộc đời. Lẽ ra, khi cha mẹ về già không còn tự săn sóc mình được nữa, họ phải phụng dưỡng và săn sóc trở lại, thì họ lại cho vào các nhà hưu dưỡng rồi tự an ủi mình: “chính phủ sẽ săn sóc các ngài tốt hơn ta.”

(3) với tha nhân: những người đi trước nhiều khi đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, xây dựng, và phát minh ra những tiện nghi mà chúng ta đang được hưởng. Bổn phận của những người thụ hưởng là tiếp tục để làm cho thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn chứ không phải chỉ ù lỳ thụ hưởng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Phải biết nhìn nhận và so sánh để nhận ra ơn. Đã nhận ơn phải biết nói lời cám ơn.

- Cám ơn xuông chưa đủ, mà còn phải biết thi ơn cho người đã làm ơn hay cho người khác để sự tốt lành tiếp tục lan tràn.

 

Thứ năm, 13/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 17,20-25)

Đề tài: Nước Thiên Chúa đang ở đâu?

20 Khi ấy, người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời : “Triều Đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. 21 Và người ta sẽ không nói : ‘Ở đây này !’ hay ‘Ở kia kìa !’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”
22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. 23 Người ta sẽ bảo anh em : ‘Người ở kia kìa !’ hay ‘Người ở đây này !’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo. 24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. 25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Cuộc đời con người là một chuỗi của những hành động lập đi lập lại một cách hết sức nhàm chán: (Ngủ, thức dậy, ăn, học, làm việc, lao động, giải trí...; nếu sống mà không có mục đích gì thì rõ ràng là nhàm chán , rời rạc.

2. Nếu có yếu tố tình yêu Thiên Chúa vào đó, đời con sẽ đổi mới, khác hẳn => Tất cả mọi hoạt động của con từ đây sẽ là những nét biểu lộ chứng tích tình yêu Thiên Chúa trong con người của con.

3. Nước Thiên Chúa là một thực tại sống động;  Hay nói cho đúng hơn khi có mặt Chúa  Yesus thì nước Thiên Chúa cũng đã có mặt.

4. Qua biến cố nhập thể, Đức Yesus đã khai mở kỷ nguyên nước Thiên Chúa giữa nhân loại => Ngày nay nước Chúa vẫn đang tồn tại và phát triển mạnh mẽ không ngừng.

5. Ơn gọi của Ki-tô hữu là làm chứng cho nước Trời bằng cuộc sống chứng nhân thánh thiện noi  gương thầy chí thánh Yesus. Nhờ thế nước Chúa mới mau trị đến và ý Cha thể hiện khắp mọi nơi.

6. Người Pharisêu hỏi Chúa: Khi nào triều đại Thiên Chúa đến? Chúa trả lời: Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông! Ý Chúa , chúng ta phải hiểu như thế nào?

7. Nước Thiên Chúa chính là Đấng cứu thế, đây là chủ đề chính mà các Ngôn sứ luôn rao giảng. Tuy nhiên, những nét phát họa ấy còn rất mơ hồ, gián tiếp, gói gọn trong những hình ảnh có tính cách thời sự.

8. Ví dụ: Thời lưu đày của Dân Chúa chấm dứt, dân Chúa sẽ được giải phóng, Gierusalem sẽ tràn đầy vinh quang, nhưng khi đọc lại Tân Ước, chúng ta sẽ thấy những lời ám chỉ trong Cựu Ước đã trở nên thật rõ ràng, sống động ,dễ hiểu.

9. Khi Chúa Yesus xuất hiện và rao giảng Tin Mừng: Chúa chú trọng loan báo, giới thiệu, trình bày rõ ràng về nước Thiên Chúa. Ngài vừa loan báo vừa giải thích cho mọi người hiểu về nước Thiên Chúa.

10. Ngài dùng Dụ Ngôn để rao giảng, Mỗi Dụ Ngôn mang một ý nghĩa của nước đó. Chúa Yesus còn nhấn mạnh: Nước Thiên Chúa không còn xa xôi, cũng chẳng còn là một lời hứa, nhưng đã thật sự hình thành qua sự hiện diện của Ngài, nước ấy đã đến khi Ngài đến!

11. Chính Chúa Yesus đã thiết lập nước Thiên Chúa ở trần gian: Ai tin, xám hối, và đón nhận Ngài là đã vào nước Thiên Chúa.

12. Trước câu hỏi của Người Phariseu: Khi nào triều đại Thiên Chúa đến, Chúa đã trả lời nay: Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông.

13. Nghĩa là nước Thiên Chúa không phải là một địa điểm hay một nơi chốn: Nước Thiên Chúa không thuộc về thế gian nên chẳng ai có thể nói: Nước Thiên Chúa ở đây, ở kia!.

14. Nước Thiên Chúa chẳng phải là một thế lực, không thể căn cứ vào sổ rửa tội hay số người đi lễ, đọc kinh để có thể phỏng đoán được hình ảnh nước Thiên Chúa.

15. Không ai vẽ được bản đồ, không ai thống kê được số người. Bởi nước Thiên Chúa là đời sống nội tâm, ai sống trong chân lý, tình thương và ân sủng thì nước Thiên Chúa ở  giữa họ.

16. Nước Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc ở cuối cuộc đời. Chúa sẽ ban cho chúng ta ngay trong hành trình chúng ta đang đi, nghĩa là ngay khi còn sống ở trần gian => Cho nên nếu không nỗ lực xây dựng nước Chúa trong hiện tại thì khó lòng được Chúa thu nhận vào nước Trời đích thực mai sau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra Chúa ,hiểu được chân lý của Chúa để chúng con luôn sống trong tình yêu thương của Chúa bằng việc sống bác ái yêu thương mọi người suốt đời con , Amen .

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Triều Đại của Thiên Chúa đang ở giữa các ông

1/ Khi nào triều đại của Thiên Chúa đến? Các động từ chính liên quan đến “triều đại của Thiên Chúa” trong câu 21 và 22 đều được dùng ở thời hiện tại. Điều này chứng tỏ Thánh Luca muốn phân biệt triều đại của Thiên Chúa đến trong trần gian với Ngày Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai trong 4 câu kế tiếp. Triều đại của Thiên Chúa đã đến trong trần gian, nhưng để nhận ra con người không thể:

- dựa vào những dấu chỉ bên ngòai như lời Chúa Giêsu tuyên bố: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! hay Ở kia kìa!” nhưng phải nhận ra nhờ những dấu chỉ bên trong như đức tin vào Thiên Chúa, sống bác ái với mọi người.

- triều đại của Thiên Chúa đang ở giữa (hiện tại) các ông: Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa. Nhận ra Đức Kitô và tin vào Ngài là dấu hiệu Triều Đại của Thiên Chúa đã đến trong lòng mỗi tín hữu.

2/ Khi nào Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai? Các động từ chính của cả 3 câu 22, 23, 24 đều được dùng ở thời tương lai. Câu 25 là lời tiên tri: Chúa Giêsu báo trước những gì sắp xảy ra cho Ngài trong tương lai gần. Về Ngày Chúa Giêsu sẽ đến lần thứ hai:

- Không ai biết được thời gian: “Vì thế, khi người ta sẽ bảo anh em: Người ở kia kìa! hay Người ở đây này! Anh em đừng đi, đừng chạy theo.”

- Không ai biết được nơi chốn: “Vì như ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong Ngày của Người.”

- Các môn đệ biết những gì sắp xảy ra cho Chúa Giêsu trong tương lai gần: “Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.” Khi chứng kiến những sự kiện này, các môn đệ sẽ biết triều đại của Thiên Chúa đã đến trong thế gian. Sau đó, Chúa Giêsu sẽ được cất đi khỏi các ông. Lúc đó, các ông sẽ mong sống lại những ngày với Chúa Giêsu, nhưng không còn nữa: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta có thể nhận ra Triều Đại của Thiên Chúa đã đến với chúng ta bằng niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô, biểu lộ qua việc bác ái chúng ta đối xử với những người chung quanh, nhất là những người kém may mắn, như Phaolô khuyên Philemon đối xử với Onesimo, người nô lệ.

- Triều đại của Thiên Chúa đến không từ bên ngòai để chúng ta có thể nhận ra như những vương quốc của trần gian; nhưng chúng ta có thể nhận ra triều đại của Thiên Chúa đã đến trong tâm hồn nhờ vào những dấu chỉ bên trong như ăn năn xám hối, tin vào Đức Kitô, và sống bác ái với mọi người.

- Về Ngày Chúa đến lần hai, Chúa Giêsu đã nói rõ: Chắc chắn Ngày đó sẽ xảy ra, nhưng không ai biết được thời gian và nơi chốn. Vì thế, đừng tiên đóan hay tin ai cho biết về Ngày đó. Tốt hơn, chúng ta nên chuẩn bị và sẵn sàng chờ đợi. 

 

Thứ sáu, 14/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 17,26-37)

Đề tài: Khi nào Chúa đến

26 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. 27 Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thuỷ ập tới, tiêu diệt tất cả. 28 Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót : thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. 29 Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. 30 Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.
31 “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. 32 Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. 33 Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. 34 Thầy nói cho anh em biết : đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 35 Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 36 Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” 37 Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su : “Thưa Thầy, ở đâu vậy ?” Người nói với các ông : “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Núi lửa Vésuve tại Italia đã chôn vùi thành phố Pompei vào năm 79 sau công nguyên: Thành phố đã bị chôn vùi dưới 6 mét nham thạch; hình ảnh thảo cổ cho thấy một cảnh tượng cảm động “một thiếu phụ ôm chặt đứa con trong lòng”.

2. Hôm nay Chúa Yesus cũng cảnh tỉnh chúng ta về thái độ ngủ vùi trong tội lụy và những mê man của cám dỗ cõi tạm bợ này => Đối với người Ki-tô hữu thì cõi thế gian chỉ là nơi tạm bợ.

3. Đời sống ở thế gian chỉ là một cuộc lữ hành đi về quê trời vinh phúc: Nếu nói đến hành trình thì phải đề cập đến hành trang; mà hành trang của người Ki-tô hữu phải là chiếc đèn đầy dầu, hay là thập giá Chúa Ki-tô.

4. Cuộc sống của người Ki-tô hữu phải luôn tỉnh thức, tràn đầy ơn Chúa: Một khi ta chuẩn bị hành trang sẵn sàng thì ta sẽ được Thiên Chúa ban thưởng => Như thế ta sẽ không phải sợ cái chết đời đời.

5. Tin Mừng hôm nay thuật lại nhóm Pharisêu hỏi Chúa: Ngày Chúa đến sẽ là ngày nào? Ngày nào Chúa sẽ quang lâm, ngày nào Chúa sẽ giáng trần lần thứ hai.

6. Hôm nay Chúa muốn tỏ lộ cho chúng ta biết dấu hiệu của ngày Chúa đến: Thình lình như tia chớp trên bầu trời; sự xuất hiện rất bất ngờ trước nỗi vô lo của người trần thế, hôm nay Chúa đưa ra 2 ví dụ điển hình vào thời Cựu Ước.

7. Ví dụ thứ nhất là sự kiện vào thời ông Noe: Thời đó người ta làm ăn phồn thịnh nên chỉ lo ăn chơi phè phỡn phạm tôi thả giàn. Trong khi đó chỉ một mình ông Noe đóng tàu để tránh lụt, mọi người ai cũng cười chê ông là khùng, mát, ba trợn; bạn bè chê ông là kỳ khôi dị thường. Còn họ thì ăn chơi, an lạc, hưởng thụ, tha hồ dựng vợ gả chồng. Họ chỉ lo vật chất và cái bụng của họ mà thôi, nhưng giữa lúc như thế thì lụt Đại Hồng Thủy ập đến cuốn trôi tất cả! Đấy, sống sao thì chết làm vậy, gieo gió thì gặt bão. Thiên Chúa đến thật bất ngờ”.

8. Ví dụ thứ hai là sự kiện thời ông Lót: Cả Thành Sodoma đang phồn vinh thịnh vượng, người ta cũng ăn chơi và phạm tội thả giàn; tất cả bọn họ đang hưởng thụ một sự bình an giả tạo trong đống tội. Giữa lúc họ đang ngụp lặn trong tội ác như thế thì lửa bởi trời xuống thiêu hủy tất cả, chỉ một mình nhà ông Lót thoát chết, còn bà vợ thì thành tượng muối vì đã tiếc của nên dám quay đầu nhìn lại.

9. Thiên Chúa đến gọi chúng ta thật bất ngờ: Ngày Ngài phán xét nhân loại cũng bất ngờ lắm, mỗi người chưa ai biết khi nào mình chết, cả nhân loại cũng không biết khi nào Chúa trở lại.

10. Đời người ở trần gian là một cuộc lữ hành: Cũng không khác gì một bông hoa chóng tàn; cuộc đời chúng ta cũng ngắn ngủi. Thiên Chúa luôn giữ bí mật giờ chết của chúng ta, chúng ta hãy sống sao, đừng để phải chết trong tình trạng đáng tiếc; hãy kết thúc cuộc đời cách tốt đẹp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con kể từ hôm nay biết sống tiết độ, tỉnh thức, sẵn sàng cầm đèn sáng ra đón Chúa cho dù Chúa tới bất kỳ giờ nào thì con cũng sẽ vui vẻ đón Chúa. Amen!

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Ngày Chúa đến lần thứ hai

1/ Con người không chuẩn bị: Mặc dù đã được báo trước về tai họa sắp xảy ra, nhưng con người vẫn ngoan cố không chịu chuẩn bị. Tại sao con người không chịu chuẩn bị? Họ có thể nghĩ chuyện đó không bao giờ có thể xảy ra: Kinh nghiệm dạy con người: không ai học được chữ ngờ; chẳng hạn: vụ không tặc khủng bố 9/11 hay cơn bão Katrina. Hay chuyện đó còn lâu mới tới: cứ việc vui chơi ăn uống cho tới khi nhận ra những tín hiệu báo trước rồi ăn năn cũng không muộn. Nhưng một lý do có lẽ chính đáng hơn cả là vì con người quí trọng vật chất hơn Đấng đã tạo dựng ra chúng. Chúa Giêsu gợi lại 2 biến cố đã xảy ra và được ghi lại trong Sách Sáng Thế Ký để dẫn chứng sự khờ dại của những người không chịu chuẩn bị:

(1) Nạn lụt Hồng Thủy: “Cũng như thời ông Nôê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả.”

(2) Mưa lửa diêm sinh từ trời: “Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. Nhưng ngày ông Lot ra khỏi Sođom, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả.”

Và Chúa kết luận: “Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, Ngày Con Người được mặc khải.”

2/ Những gì sẽ xảy ra và việc cần làm trong Ngày Tận Thế.

(1) Sự việc sẽ xảy ra nhanh chóng, con người sẽ không có thời giờ chuẩn bị. Khi sự việc đó xảy ra, con người cần ý thức:

- Không phải là lúc để bảo vệ của cải: “Ngày ấy, ai ở trên mái nhà mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy.”

- Không phải là lúc quay trở về nhà: Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót: vì không nghe lời sứ thần Thiên Chúa dạy nên tiếc của ngóai đầu trở lại, đã bị hóa thành cột muối.

- Phải can đảm để trốn thóat: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.”

(2) Không có sự lẫn lộn giữa người lành và kẻ dữ trong ngày đó: Sứ thần của Thiên Chúa biết phân biệt rõ người lành ra khỏi kẻ dữ; các ngài sẽ đóng ấn trên các tôi tớ của Thiên Chúa trước khi các sứ thần khác ra tay tàn sát. Chúa Giêsu trưng dẫn 3 ví dụ cho sự chính xác này: “Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.”

(3) Đâu là chỗ người lành được đem đi và kẻ dữ bị bỏ lại? Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giêsu: "Thưa Thầy, ở đâu vậy?"

- Nơi của kẻ dữ: Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp nhưng nói với các ông câu châm ngôn: "Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó." Tất cả những người khinh thường không chịu chuẩn bị sẽ bị tiêu diệt; và xác của họ sẽ bị diều hâu bâu tới rúc rỉa.

- Chỗ của người lành: Chúa Giêsu không cho biết ở đây; nhưng như gia đình của Noe và của Lot, họ sẽ thóat mọi nguy hiểm và được sống muôn đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Hai điều kiện cần để chuẩn bị cho Ngày Chúa đến là vững tin nơi Đức Kitô và sống yêu thương mọi người.

- Chúa đã cảnh cáo con người nhiều lần và khuyên con người phải tỉnh thức sẵn sàng trong khi chờ đợi Ngày Chúa đến lần thứ hai. Dẫu vậy, sẽ có rất nhiều kẻ khinh thường không chịu chuẩn bị cho đến giây phút cuối và bị hư đi.

 

Thứ bảy, 15/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 18,1-8)

Đề tài: Chuyên cần cầu nguyện

1 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2 Người nói : “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3 Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông : ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ 4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng : ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’.”
6 Rồi Chúa nói : “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó ! 7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao ? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi ? 8 Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1. Khi sứ thần truyền tin, cũng là Đức Mẹ đang cầu nguyện, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, cũng là lúc Đức Mẹ đang cầu nguyện cùng các Tông Đồ => Hình ảnh này luôn là một gương sáng cho các Ki-tô hữu trên con đường sống Thánh.

2. Chúa Yesus cũng cầu nguyện luôn luôn để xin ý, để kết hiệp với Chúa Cha: Khi chúng ta cầu nguyện liên lỉ, Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta cho dù đêm tối có kìm kẹp, tù đày chúng ta, Chúa sẽ giúp chúng ta đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, gian khổ của cuộc sống kể cả những trù dập, áp bức, bách hại.

3. Khi chúng ta cầu nguyện, Chúa luôn hiện diện để nâng đỡ chúng ta trong mọi khó khăn của cuộc sống: Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Thân thể cần hơi thở, thì linh hồn cũng cần cầu nguyện mới sống được.

4. Trong bài Tin Mừng Chúa Yesus khuyên: Hãy cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ, hãy xin thì sẽ được; làm sao chúng ta có thể thực hiện điều đó trong khi hằng ngày chúng ta phải đối diện với hàng núi công việc?

5. Làm cách nào để chúng ta vừa làm việc, vừa cầu nguyện? Thưa! Bằng cách biến đổi công việc thành lời cầu nguyện; cầu nguyện luôn không phải là gia tăng các hành vi cầu nguyện, nhưng là lòng luôn hướng về Chúa và luôn hướng tất cả mọi công việc về với Ngài.

6. Chúng ta học hành vì Ngài, làm việc chỉ vì Ngài: Lao nhọc, khổ đau, ăn uống, nghỉ ngơi cũng vì Ngài; ngay cả chết cũng vì Ngài. “Vì Ngài mà thôi!”

7. Làm mọi việc vì Chúa cũng có nghĩa là nối dài hành vi sáng tạo của Thiên Chúa. Đồng thời cũng nối dài hành vi cứu chuộc của Đức Ki-tô, nhằm thực hiện nhiều chương trình của Thiên Chúa trên thế giới. Lúc đó mọi việc chúng ta làm đều biến thành những hành động làm vinh danh Chúa.

8. Chính nhờ cách cầu nguyện mà chúng ta chu toàn được lệnh Chúa truyền là phải cầu nguyện luôn.

9. Cách cầu nguyện cụ thể bằng công việc: Buổi sáng khi thức dậy, chúng ta bước ngay vào thế giới siêu nhiên qua việc dâng ngày sống của chúng ta bằng vài lời nguyện vắn tắt: “Con xin dâng một ngày mới cho Chúa”.

10. Rồi khi bắt đầu vào ngày với tràn đầy công việc, thỉnh thoảng chúng ta dành ra ít phút để hướng lòng về Chúa; để tìm kiếm những của trên trời, để đón nhận nơi Chúa sức mạnh Thánh linh và ánh sáng Chúa Ki-tô.

11. Tối đến trước khi đi ngủ, chúng ta hãy đọc thêm vài lời kinh vắn tắt như lúc ban sáng để tạ ơn Chúa một ngày bình an vừa qua. Sau đó còn là tâm tình sám hối để xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm đã trót phạm, và quyết tâm sống tốt hơn vào ngày hôm sau.

12. Khi thực hiện được như thế, chúng ta đã biến cuộc đời mình thành một lời cầu nguyện liên lỉ không ngừng, sống như thế ai cũng có thể và ai cũng làm được.

13. Chúng ta phải xác tín rằng: Cầu nguyện là lẽ sống của người Ki-tô hữu, ai không cầu nguyện sẽ mất linh hồn, cầu nguyện chính là nhịp cầu giúp chúng ta đến với Chúa và giúp Chúa đến được với mỗi người chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức rằng: “Thân xác chúng con sống bằng hơi thở thì linh hồn chúng con sống nhờ lời cầu nguyện”. Như thế chúng con sống được là do chúng con kết hợp mật thiết với Chúa. Amen!

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Trung thành trong việc cầu nguyện

1/ Ông quan tòa vô đạo và bà góa quấy rầy: Mục đích tại sao Chúa Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn này là để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.

(1) Ông quan toà: chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, huống hồ một bà góa nghèo. Một thời gian khá lâu, ông không chịu nghe lời kêu xin của bà góa; nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc."

(2) Bà góa: Bà là người cô thân cô thế, chẳng có chồng để nương nhờ; vì thế, trở thành mồi ngon cho người khác hãm hại. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông quan tòa: "Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.” Bị ông quan tòa từ chối nhiều lần, nhưng Bà không nản chí và nhất định kiên trì xin cho tới khi được.

2/ Thiên Chúa yêu thương các con của Ngài: Chúa Giêsu so sánh ông quan tòa vô đạo đó với Cha của Ngài, và bảo đảm sự đáp trả: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.”

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Thiên Chúa sẽ ban cho con người tất cả những gì họ xin, vì:

- con người có thể xin những gì có hại cho mình: Con người không nhìn được trước tương lai nên không biết hậu quả của những gì mình xin; ví dụ: việc xin cho trúng số có thể đưa tới tan nát gia đình, hay xin cho được quyền hành có thể đưa con người đến chỗ thiệt mạng.

- con người có thể xin những gì làm hại người khác: chẳng hạn, xin tiêu diệt kẻ thù. Họ quên đi kẻ thù cũng là con của Chúa.

Cách xin tốt nhất là hãy để cho Chúa chọn những gì có lợi cho mình và mọi người. Có một câu truyện kể về một vị vua kia muốn để gia tài lại cho các con của mình. Để dạy cho các con một bài học, Vua cho để những món quà quí giá trong những hộp xấu xí và để những món quà xòang trong những hộp đẹp. Các hòang tử được nhà Vua cho tự ý chọn lựa, và hầu hết chọn những hộp đẹp. Khi đến lượt chàng hòang tử út, anh tần ngần một lúc rồi nói với Vua Cha: “Con không biết chọn, xin cha chọn cho con.” Vua Cha đã chọn phần quà tốt nhất cho con, vì chỉ Vua biết đâu là món quà giá trị nhất.

Sau đó Chúa nói: "Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?" Đức tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho con người, nhưng để bảo vệ đức tin và làm cho đức tin ngày một tăng trưởng là bổn phận của con người. Để đức tin được tăng trưởng, đau khổ thử thách là điều không thể thiếu. Nếu xin chưa được, con người không được nản chí thất vọng, nhưng càng phải kiên trì xin cho tới khi được.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải học kiên nhẫn chờ đợi và vuợt mọi khó khăn thử thách thì mới có thể thành công trong cuộc đời.

- Chúng ta phải trung thành làm việc lành cho tất cả mọi người, nhất là giúp đỡ các nhà truyền giáo trong việc mở mang Nước Thiên Chúa.

- Chúng ta phải kiên trì trong việc cầu nguyện và xin ơn. Thiên Chúa có thể thử thách không ban ngay để chúng ta có thời giờ nhìn ra giá trị của điều đang xin, hay Ngài có thể ban cho chúng ta điều khác tốt hơn nếu Ngài thấy điều chúng ta xin không có lợi sau này.


Trở lại      In      Số lần xem: 2598
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  13
 Hôm nay:  814
 Hôm qua:  2155
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11418648
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top