Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN A 2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần XXXIII Thường Niên A (20/11 -> 25/11/2017)

Thứ hai, 20/11/2017

Đề tài: CÓ MẮT MÀ NHƯ MÙ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 18,35-43)

35 Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường.36 Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì.37 Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó.38 Anh liền kêu lên rằng: "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! "39 Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! "40 Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi:41 "Anh muốn tôi làm gì cho anh? " Anh ta đáp: "Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được."42 Đức Giê-su nói: "Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

SUY NIỆM:

1/ Một vị Thiền Sư hỏi các Môn Đệ của mình: Lúc nào thì đêm tàn, ngày đến? Mỗi người đều có một kiểu trả lời khác nhau: người thì nhìn hướng đông, người thì nhìn chỏm núi, người thì nhìn ngọn cau. Sau cùng có một Môn Đệ trả lời: Khi ta nhìn mọi người và nhận ra họ là anh em của ta.

2/ Anh mù mong muốn được nhìn thấy cảnh vật xung quanh nên đã xin Chúa cho anh được nhìn thấy. Tuy đôi mắt thể xác của anh mù, nhưng đôi mắt đức tin của anh lại sáng tỏ. Vì anh đã nhận ra Chúa Yesus là Đấng có thể cứu chữa anh, là con vua Đavit, nên anh đã tin tưởng vào Người, nhờ đó anh được sáng mắt.

3/ Trong cuộc sống, có khi chúng ta mù nhưng lại không biết. Đúng vậy, mỗi khi chúng ta không thấy, không nghe, không biết những nỗi thống khổ của anh em xung quanh thì cũng chính là lúc chúng ta đã bị mù.

4/ Chúng ta thật sự mù nếu chỉ nhìn thấy những thứ có giá trị, ngắn ngủi, giống như 5 anh mù xem voi. Nếu chúng ta chỉ khát khao của cải danh vọng mà không chịu nhìn thấy những thứ có giá trị vĩnh cửu trên nước Trời.

5/ Trên đường lên Yerusalem, khi Chúa Yesus, các Môn Đệ và đám đông đi ngang qua Yerikho, khi vừa ra khỏi cổng thành thì có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường nghe biết có Chúa Yesus đang đến, anh đã lớn tiếng kêu xin Chúa cứu chữa. Chúa chữa cho anh do lòng tin sâu xa của anh.

6/ Khi biết được có Chúa Yesus đang đến, anh không những đã lớn tiếng kêu xin bằng tên Chúa mà còn kêu xin bằng tước hiệu, như để nhấn mạnh đến lời van xin của anh và mong Chúa nghe rõ và thương chữa lành cho anh.

7/ Điểm nổi bậc trong lời cầu xin của anh đó là anh xưng tụng Chúa Yesus là con vua Đavit. Theo Cựu Ước, tước hiệu con vua Đavit nói lên niềm hy vọng của dân Do Thái, họ tin một vị cứu tinh sẽ giải thoát họ khỏi ách nô lệ và đem lại vinh quang cho đất nước.

8/ Trong Tân Ước, tước hiệu con vua Đavit đã được Thiên Sứ Gabriel nhắc tới khi truyền tin cho Đức Mẹ. Đó cũng là lời dân chúng tung hô Chúa Yesus khi Ngài khải hoàn vào Thành Thánh Yerusalem vào ngày lễ rước lá.

9/ Ở đây khi anh mù kêu xin Chúa bằng tước hiệu con vua Đavit, có nghĩa là anh ta đã nhận ra Chúa Yesus là Đấng Messia, Đấng Thiên Sai. Một sự thật mà có biết bao kẻ sáng mắt không thể nhận ra hay không dám nói lên.

10/ Chắc chắn trong thâm tâm anh nhận ra Chúa Yesus là Đấng uy quyền, dư khả năng để chữa lành anh, nên anh đã công khai tuyên xưng danh Chúa để Chúa thương chữa cho anh.

11/ Người ta càng cấm thì anh càng kêu to cho Chúa nghe rõ hơn. Anh không xin tiền bạc, bánh, gạo, những thứ mà hằng ngày anh vẫn xin; anh chỉ xin Chúa cho anh được thấy.

12/ Rõ ràng anh có một lòng tin sâu xa và Chúa đã thưởng cho lòng tin của anh, nên Chúa chỉ nói một lời, và anh được sáng mắt ngay.

13/ Trong lời anh mù van xin, chúng ta thấy anh hết lòng tha thiết xin Chúa. Điều này nhắc nhớ: Chúa sẽ giải quyết mọi vấn đề theo cấp độ tin và lời cầu xin của chúng ta, Chúa đời hỏi chúng ta  phải vững tin vào uy quyền của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở mắt con, xin làm cho con hết mù lòa, để con nhìn thấy Chúa quyền năng, đáng tôn kính mến yêu; và con nhìn thấy Chúa trong anh em để con cũng yêu thương họ như Chúa dạy. Amen.**R

 

Thứ ba, 21/11/2017

Đề tài: AI THUỘC TRỌN VỀ THIÊN CHÚA

LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH VÀO ĐỀN THỜ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 12,46-50)

46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.47 Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy."48 Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? "49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."

SUY NIỆM:

1/  Khi một ca sĩ lên sân khấu hát, người ta thường mang hoa lên dâng tặng để hoan hô, cổ võ. Một Linh Mục kia sau khi giảng xong trong một giờ lễ của thiếu nhi, một bé gái mang một cành hoa lên dâng tặng. Ngài mới hỏi: Vì sao con tặng hoa cho ta? --Vì con mến Ngài. --Vậy con có dâng gì cho Chúa không? --Con dâng lên Chúa cả cuộc đời của con.

2/ Giữa đám đông dân chúng, Chúa Giêsu đã ca tụng Mẹ Maria là người đã biết lắng nghe và thi hành lời Chúa. Trọn đời Mẹ được gói gọn trong hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ là mẫu gương thực thi ý Chúa cho mỗi người chúng ta.

3/ Qua bí tích rửa tội, chúng ta đã chính thức gia nhập vào gia đình của Thiên Chúa, được Chúa đón nhận và yêu thương. Nhưng nếu muốn sống xứng đáng với tình yêu thương đó, chúng ta phải biết đón nhận và thực thi ý Chúa.

4/ Luật lệ Do Thái cho phép các Trinh nữ Do Thái được dâng mình để phục vụ Thiên Chúa tại đền Thánh. Về trường hợp của Mẹ Maria, theo truyền thuyết, Mẹ đã dâng mình cho Chúa từ rất sớm, ngay khi vừa có chút khả năng hiểu biết ở tuổi khôn. Theo ngụy thư, thì Đức Mẹ được ông Yoakim và bà Anna dâng hiến vào đền Thánh lúc mới 3 tuổi. Đức Mẹ đã ở lại trong đền thánh rất nhiều năm.

5/ Dựa vào lưu truyền trên đây, người Hy Lạp, Armenia và Latinh đều mừng lễ Mẹ dâng mình vào ngày 21/11. Theo ông Simon Metaphorat thì lễ này được mừng chính thức vào năm 730 tại Contantinopoli, đó là tại Giáo hội Đông phương.

6/ Còn Tây Phương thì mãi đến thế kỷ 11 mới có cử hành lễ này. Trải qua nhiều thăng trầm, bãi bỏ, rồi lập lại, cuối cùng Đức Sisto 5 tái lập lại và duy trì cho đến hôm nay.

7/ Ngay từ khi bắt đầu có sự hiểu biết cho đến hết cuộc đời, không một giây phút nào mà Mẹ Maria không hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa. Thánh Yoan mô tả Đức Maria “chân đạp mặt trăng”, có nghĩa là Mẹ khinh chê của cải thế gian, Mẹ mau mắn từ bỏ tất cả để dâng mình cho Thiên Chúa.

8/ Mẹ dâng mình cho Thiên Chúa như thế nào? Mẹ dâng trí khôn để chỉ tìm biết ý Chúa, Mẹ dâng trái tim để chỉ yêu mến một mình Thiên Chúa, Mẹ dâng đôi mắt chỉ để chiêm ngưỡng một mình Thiên Chúa, Mẹ dâng miệng lưỡi chỉ để ngợi khen, tôn vinh Thiên Chúa.

9/ Mẹ dâng cả hồn xác cho Chúa làm chủ cai trị. Mẹ hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa, chỉ làm theo ý Chúa mà không bao giờ làm theo ý riêng mình, Mẹ dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa nên đã được Thiên Chúa ban lại trọn vẹn đầy đủ mọi ơn, mọi đức tính tự nhiên cũng như các nhân đức siêu nhiên.

10/ Từ đây chúng ta nhận ra một chân lý: Càng dâng hiến trọn vẹn cho Chúa thì Chúa càng lo lắng hoàn toàn cho chúng ta. Chúng ta cần xét lại xem chúng ta đã dâng mình cho Chúa thế nào, có dâng hết không hay chừa lại một phần, để cho một thần tượng nào đó xâm chiếm lòng mình như tiền bạc, của cải, thú vui, danh vọng, rượu chè, sái thuốc, dục tình ?

11/ Chúa muốn trước khi dâng mình, chúng ta phải dẹp bỏ tất cả, sau đó mới mời Chúa vào làm chủ, như thế chúng ta có chịu không, có vui lòng không ?

12/ Giáo hội luôn khuyến khích chúng ta: Chúng ta hãy nhờ Mẹ Maria dâng chúng ta cho Chúa, như vậy chúng ta hãy dâng hết những thứ chúng ta có cho Chúa. Có nghĩa là chúng ta dâng hết cuộc đời của chúng ta cho Mẹ bằng tâm tình phó thác, yêu mến, tin tưởng, cậy trông.

13/ Chúng ta không thể biết cuộc đời chúng ta sẽ ra sao, nên chúng ta hãy mau phó thác mọi sự cho Mẹ, đặt mình dưới sự chở che, lo lắng của Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng ta luôn sống đẹp lòng Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa có một người Mẹ gương mẫu, thánh đức là Đức Maria. Xin cho chúng con luôn sống tin tưởng, vâng phục và thực thi thánh ý Chúa như Mẹ. Amen. **R

 

Thứ tư, 22/11/2017

Đề tài:  HAI NGƯỜI TÔI TỚ TÀI NĂNG

THÁNH CÊCILIA – TRINH NỮ, TỬ ĐẠO

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 19,11-28)

11 Khi dân chúng đang nghe những điều ấy, thì Đức Giê-su lại kể thêm một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giê-ru-sa-lem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi.12 Vậy Người nói: "Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về.13 Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: "Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến."14 Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: "Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.

15 "Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu.16 Người thứ nhất đến trình: "Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.17 Ông bảo người ấy: "Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.18 Người thứ hai đến trình: "Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.19 Ông cũng bảo người ấy: "Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.

20 Rồi người thứ ba đến trình: "Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ.21 Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.22 Ông nói: "Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.23 Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!24 Rồi ông bảo những người đứng đó: "Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén.25 Họ thưa ông: "Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi!26 -"Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.

27 "Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi." 28 Nói những lời ấy xong, Đức Giê-su đi đầu, tiến lên Giê-ru-sa-lem.

SUY NIỆM:

1/ Một người học trò đến bên vị sư phụ và hỏi rằng: Thưa thầy, con phải làm gì để có được niềm an vui?. Sau một thoáng suy nghĩ, vị sư phụ trả lời: Hãy đem hết khả năng của mình ra để phục vụ kẻ khác.

2/ Qua Dụ Ngôn những nén bạc hôm nay, Chúa muốn mỗi người chúng ta tự kiểm điểm lại xem những ngày tháng chúng ta sống trên trần thế, chúng ta đã phục vụ Chúa và anh em như thế nào?

3/ Mỗi chúng ta đều là con cái Chúa, chúng ta đều được Chúa trao ban một số vốn. Kẻ ít người nhiều: đó là tài năng, thời gian, sức khỏe. Chúng ta đã sử dụng chúng như thế nào? Chúng ta đã tiến bộ hay sa sút, chúng ta đã làm vinh danh hay làm ô danh Chúa, chúng ta đã làm sinh lợi được bao nhiêu công phúc.

4/ Chúa không đòi những gì vượt quá khả năng chúng ta, Chúa chỉ muốn chúng ta cộng tác với những ơn lành Chúa ban, để phụng sự Chúa và phục vụ anh em.

5/ Bài Tin Mừng hôm nay là Dụ Ngôn 10 nén bạc của ông chủ được trao cho 10 người đầy tớ. Thế nhưng chỉ có 3 người được nhắc tới. Người thứ nhất dù chỉ lãnh 1 nén nhưng vì đã làm việc cật lực nên sinh lời được 10 nén, anh là người quá giỏi, quá tốt. Người thứ hai cũng chỉ lãnh 1 nén, nhưng vì khả năng anh ít hơn nên tuy đã làm việc cật lực nhưng anh cũng chỉ làm lợi được 5 nén. Cả hai người cùng đáng khen và đã được ông chủ thưởng công theo tỷ lệ.

6/ Riêng người thứ ba, tuy cũng được lãnh 1 nén như bao người khác, nhưng vì tính quá ích kỷ nên khi anh suy nghĩ về ông chủ, anh chỉ thấy toàn những mặt tiêu cực, nên thay vì làm sinh lời theo đúng chức năng và quyền hạn ,khả năng của mình; thì anh toan tính quá già nên hóa non. Đầu óc anh tối tăm nên anh nhìn mọi sự vật đều ra một màu ảm đạm. Tuy anh không bớt xén hay làm hư hại hao tốn gì cho ông chủ nhưng anh có lỗi vì đã không làm theo ý chủ. Anh lại quá lười biếng, không chịu bỏ số bạc đó vào ngân hàng để có chút lời, anh đáng chịu phạt theo đúng với suy nghĩ và hành động của anh.

7/ Dụ Ngôn cố ý dạy mọi người chúng ta đều được Chúa trao cho một số vốn giống nhau, tuy không giống về khả năng nhưng phải giống nhau về cố gắng, thà cố gắng mà thất bại còn hơn là có tài mà lại lười biếng , không cố gắng.

8/ Không có việc gì quá nhỏ mà không đáng làm, cũng không có việc gì quá nhỏ mà không mang lại lợi ích. Vấn đề là chúng ta có chịu làm việc hay không.

9/ Chúng ta nên bắt chước 2 người đầy tớ 1 và 2: Chăm chỉ, siêng năng làm việc, chứ đừng có tánh giống với người thứ ba. Hắn quá lười biếng không chịu làm gì cả.

10/ Chúng ta nên nhớ: Khả năng, ơn lộc, cơ hội, dịp may đều đòi hỏi mọi người phải có ý chí cương quyết cao hơn, đòi hỏi trách nhiệm nhiều hơn.

11/ Khi nhận được trách nhiệm càng nặng, chúng ta đừng nên phân bì, so sánh, tị hiềm. Bởi đến lúc ra trước tòa Chúa, Chúa sẽ xét xử tất cả các công việc của chúng ta, bất kỳ lớn nhỏ, nó đều có cái giá và phần thưởng tương xứng với nó. Và căn cứ vào đó để Chúa thưởng phạt chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra trách nhiệm phải làm, xin ban ơn trợ  giúp để con luôn chu toàn mọi công việc lớn nhỏ chỉ với một lòng muốn làm vinh danh Chúa thôi. Amen **R

 

Thứ năm, 23/11/2017

Đề tài: HÃY BIẾT ƠN CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 19,41-44)

41 Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương 42 mà nói: "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề.44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm."

SUY NIỆM:

1/  Nếu chúng ta có con mắt đức tin, chúng ta sẽ nhận ra rằng: Tất cả mọi ơn Chúa ban cho ta đều vì lòng yêu thương ta. Thánh Phanxico khi nằm dưới bóng cây nghỉ mát, Ngài đã nghĩ đến tình yêu của Chúa đã dành cho Ngài từ muôn thuở: một bóng cây mát, một dòng suối để cho Ngài nghỉ ngơi, Ngài liền chỗi dậy dâng lời tạ ơn Chúa.

2/ Chúa Yesus nhìn ngắm Yerusalem và đã rơi lệ khóc thương vì họ đã không chịu nhận ra Chúa để lãnh nhận ơn cứu độ của Ngài.

3/ Đó cũng chính là thân phận của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa đã yêu thương, đã tuyển chọn, đã hứa hẹn và muốn chúng ta làm con để được hưởng phúc với Chúa.

4/ Thế nhưng ai trong chúng ta cũng muốn quay lưng lại với tình yêu thương của Ngài, ai cũng chạy theo lối sống tội lỗi và quay lưng lại với Chúa. Ai cũng muốn phản bội Ngài bằng cách chạy theo những đam mê, vui thú xác thịt thế gian và lời dụ dỗ của ma quỷ.

5/ Chúng ta đang ở vào thời điểm cuối năm phụng vụ, chúng ta hãy sám hối, hãy thành thật kiểm điểm đời sống, và mau quay về với tình yêu của Thiên Chúa.

6/ Bài Tin Mừng kể lại việc Chúa Yesus vừa khải hoàn vào thành Yerusalem. Buổi chiều lúc đi ra khỏi thành, từ núi cây dầu Ngài nhìn lên Thành Thánh với ánh sáng chiếu tỏ một màu thật đẹp. Chúa đã không cầm được nước mắt, Chúa đã khóc thương Thành Thánh, nơi chứa hòm bia , là đền thờ nguy nga tráng lệ. Chúa khóc vì nhận thấy trong tương lai, đền thờ này sẽ bị phá hủy tan tành, trường thành nát vụn, đền Thánh ra tro tàn đến nỗi không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Cung Thánh bị dân ngoại giày xéo mịt mù khói lửa. Để rồi, từ đó cho đến nay, hàng năm mọi người chứng kiến cảnh đoàn người hành hương đến đây than khóc.

7/ Những giọt nước mắt Chúa khóc thương tiên báo về Thành Yerusalem đã thành sự thật. 38 năm sau kể từ khi Chúa về trời, tức là vào năm 70, đoàn quân Roma dưới quyền của tướng Tito, ông đã kéo quân đến bao vây Thành Thánh và đốt cháy bình địa, không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào.

8/ Giọt nước mắt Chúa khóc thương dân Do Thái và tất cả những kẻ tội lỗi nói chung đã trở thành sự thật. Vì chẳng những họ khinh chê những ơn lành của Chúa, mà họ còn khinh chê chính Chúa nữa. Họ đã chống đối , đã giết chết Ngài bằng cái chết tủi nhục trên Thập Giá.

9/ Đó chính là sự vô ơn tệ bạc mà không bút mực nào tả nổi. Vì những lý do trên đây nên Chúa phải phiền sầu ứa lệ.

10/ Ngày xưa Chúa bảo các chị phụ nữ hãy khóc cho chính mình và cho con cháu của mình. Ngày nay Chúa bảo chúng ta hãy thương chính mình, chúng ta hãy khóc than tội mình, vì nó sẽ đưa ta đến với tâm tình hối cải. Hãy khóc vì quá khứ đen tối, lỗi lầm, gây bao ưu phiền cho Chúa và cho người khác người khác.

11/ Ngoài ra chúng ta cũng phải biết khóc thương cho anh em mình nữa. Hãy vui cùng kẻ vui, và khóc cùng kẻ khóc. Hãy khóc trước những đau thương, tai họa của anh em mình; hãy khóc vì tội lỗi mình, gia đình mình và thôn xóm của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra lỗi của mình, cho con biết khóc thương chính mình, gia đình mình và xứ đạo. Để tất cả những đớn đau sầu khổ được Chúa biến đổi thành niềm vui cứu độ cho con . Amen.**R

 

Thứ sáu, 24/11/2017

Đề tài: MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

HÃY VINH DỰ VÌ TỔ TIÊN MÌNH 

BỔN MẠNG HỘI THÁNH CÔNG GIÁO VIỆT NAM

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 9,23-26)

23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

SUY NIỆM:

1/ Một vinh dự đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam: Lần đầu tiên trong lịch sử giáo hội công giáo được phong thánh cùng một lúc đạt kỉ lục 118 vị. Đa số giáo dân Việt Nam đã chịu khổ hình và chết vì đạo trên đất nước Việt Nam trong các thế kỷ 18 và 19, từ 1773 đến 1862, đã được phong chân phước 5 đợt, vào các năm 1900- 1906 -1909 – 1951- 2000.

2/ Xếp theo thời gian:

- Trịnh Nguyễn: 4 vị; Cảnh Thịnh: 2 vị; Minh Mạng: 58 vị; Thiệu Trị: 3 vị; Tự Đức: 50 vị.

- Còn một vị riêng lẻ là Thầy An-rê Phú Yên tử đạo ngày 26/7/1644 tại Kẻ Chàm, được phong chân phước vào năm 2000.

3/ Năm đợt phong chân phước:

a) 27/5/1900: Do Đức Lê-ô 13 => 64 vị

b) 5/4/1906: Do Đức Pi-ô 10 =>    8 vị

c) 02/5/1909: Do Đức Pi-ô 10 => 20 vị

d) 29/4/1951: Do Đức Pi-ô 12 => 25 vị

e) 05/3/2000: Do Đức Gioan Phaolo II  => 1 vị

TỔNG CỘNG: 118 Vị  (Chúng ta vẫn quen nghe các Linh mục giảng là chỉ có 117 vị)

4/ Quốc tịch của từng vị Thánh

· 97 Người  Việt Nam

· 11 Người  Tây Ban Nha

· 10 Người Pháp

5/ Thành phần:

-  Nước ngoài: 8 Giám Mục, 13 Linh Mục

-  Việt Nam: 37 Linh Mục, 1 chủng sinh, 15 thầy giảng và 44 giáo dân.

6/ Các Giám Mục và Linh Mục Châu Âu có công rất lớn, nhưng tòa Thánh xét thấy đa số các thánh tử đạo là người Việt, nên bộ phong thánh chấp nhận để tên các vị Thánh Việt Nam lên hàng đầu trên danh hiệu chính thức của bán án phong Thánh, theo thỉnh nguyện của Việt nam. Bản án không kể hết tên, chỉ nêu danh đại diện cho mỗi thành phần, mỗi nước. Riêng Việt Nam có 3 vị đứng đầu đại diện cho Bắc Trung Nam là một nhà Việt Nam.

7/  Các vị Thánh đại diện cho 3 miền:

a)  Miền Bắc: An-rê Trần An Dũng Lạc (Linh Mục)

b) Miền Trung: Toma Trần Văn Thiện (Chủng Sinh)

c)  Miền Nam: Emmanu-en Lê Văn Phụng (Giáo dân)

8/ Thời điểm phong Thánh: Vào lúc 9h00 sáng ngày 19/6/1988 = 15h00 cùng ngày tại Việt Nam. Trước 8.000 người Việt Nam cư ngụ tại 40 nước, 11.000 người Tây Ban Nha, 3.000 người Pháp. Rất đông giáo dân Ý và khách thập phương. Tại Tiền đường Thánh Phê-rô, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II cùng với 2 vị Hồng Y phụ tá, và 22 vị đồng tế, có một giám mục Việt Nam. Đức Giáo Hoàng tuyên bố phong thánh.

9/ Chi tiết bổ sung: Có khoảng 130.000 người tử đạo trong 42 cuộc bách hại lớn nhỏ ròng rã trong 3 thế kỷ 17->19 , nghĩa là trong 235 năm. Gồm 7 lần thời Chúa Nguyễn, 16 lần thời Chúa Trịnh, 6 lần thời Tây Sơn, 6 lần thời Minh Mạng, 2 lần thời Thiệu Trị, 5 lần thời Tự Đức.

10/ Ngoài các vị Thánh đã được tôn phong, Giáo hội Việt nam còn một hồ sơ thứ hai đã trình tòa Thánh từ 14/10/1917, xin phong chân phước cho 1.315 vị đáng kính, là cấp bậc đầu tiên phải trải qua trước khi xin phong Thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban đức tin cho chúng con, nhờ vào máu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã đổ ra. Amen. **R

 

Thứ bảy, 25/11/2017

Đề tài: AI THUỘC TRỌN VỀ THIÊN CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 20,27-40)

27 Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su : “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này : Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết.30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ ?”

34 Đức Giê-su đáp : “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” 39 Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói : “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” 40 Thế là họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.

SUY NIỆM:

1. Thời nay nhiều người chú ý nghiên cứu về kinh nghiệm của những người “chết hụt”: Họ chỉ ngất đi trong một thời gian, nhưng sau đó lại sống lại, các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người, những điều họ kể lại họ cũng thống nhất với nhau rằng:“Cuộc sống bên kia hạnh phúc hơn bên này”.

2. Nhóm Sadoc không tin vào sự sống lại, cuộc sống đời sau => nên họ chất vấn Chúa Yesus về đời sống của con người sau khi chết.

3. Chúa Yesus trả lời họ rằng: Chúa xác nhận về cuộc sống đời sau và cho biết: “Đời sau con người sẽ bất tử, không chết nữa vì ngày đêm họ được hưởng nhan Thánh Chúa”.

4. Chủ nghĩa thực dụng hôm nay: Con người chỉ biết sống có hiện tại mà chẳng để ý gì đến hạnh phúc đời sau; chính các Ki-tô hữu phải là dấu chỉ về đời sau khi chỉ biết tìm kiếm Thiên Chúa và mong muốn được hưởng thánh nhan Ngài.

5. Phái Sadoc dựa vào luật Moisen (DNL 25,5-6) đưa ra câu chuyện để chế giễu về sự sống lại, về sự sống đời sau. Chúa Yesus lại dựa vào sách (XH 3,6) để chứng minh là có sự sống lại và sự sống đời sau.

6. Chúa Yesus đã dựa vào sách Thánh để minh chứng chân lý vè sự sống lại: Những lời Chúa cũng có thể bị con người lợi dụng bằng cách bẻ cong và cắt nghĩa ý riêng mình như nhóm Sadoc đã dựa vào (ĐNL 25,5-6) để từ chối không tin có sự sống lại.

7. Chúng ta cần dựa vào Lời Chúa để đưa đến sự sống chứ đừng lợi dụng Lời Chúa để đưa chúng ta đến sự chết, để phủ nhận các chân lý và đưa ra sự chia rẻ, đố kỵ, ghen ghét.

8. Từ chối sự sống lại sẽ gây ra cho ta tâm trạng bi quan, chán nãn về cùng đích của con người, hoặc sống buông thả để hưởng thụ mọi thú vui đời này cách bất chính.

9. Lời Chúa chiến thắng bè phái Sadoc là tin mừng cho những kẻ vững tin vào Chúa:Thiên Chúa tạo nên con người để ban cho con người được thông phần với sự sống của Ngài => Nhờ đó con người được tồn tại mãi mãi vì chỉ có Thiên Chúa mới cho con người được sống lại sau khi chết.

10. Ngôn ngữ của loài người không thể diễn tả hết về ý nghĩa của sự sống lạị, nên Chúa phải diễn tả bằng cách so sánh với các Thiên Thần.

11. Ý Chúa muốn nói rằng: Con người sau khi chết, cũng được sống lại giống như thân xác Chúa Ki-tô phục sinh, sẽ không còn bị hạn chế bởi sinh lão bệnh tử, có thể đi xuyên qua tường và ẩn hiện theo như ý mình muốn. Đọc lại câu chuyện Chúa Phục Sinh trong Tin Mừng (Yn 20,19-31), chúng ta sẽ thấy rõ như vậy.

12. Theo kiểu nói ngang hàng với các Thiên Thần, còn có nghĩa là chẳng phải lo lắng gì khác ngoài việc phụng vụ và ca tụng Chúa mà thôi.

13. Một câu khen tặng của nhóm Kinh Sư (Lc 20,39) thuộc nhóm biệt phái: Họ mừng vì thấy đối thủ của mình là phái Sadoc bị thua (hai phái này luôn kình chống nhau). Chúng ta cũng thấy họ khen Chúa vì thấy Chúa có cùng một ý với họ trong vấn đề chống lại phái Sadoc không tin có sự sống lại.

14. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta đừng bám víu vào bất cứ thứ gì ở đời này: Vì tất cả sẽ qua đi. Trái lại chúng ta chỉ nên tìm kiếm và xây dựng đời sống vĩnh hằng bằng việc luôn tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể và nhất là việc lắng nghe và sống Lời Chúa, theo gương Mẹ Maria.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con mở rộng tâm hồn đón nhận sự sống của Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể, để sau này chúng con cảm mến được niềm vui và hạnh phúc nơi bàn tiệc Nước Trời. Amen.

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1958
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  39
 Hôm nay:  7710
 Hôm qua:  2155
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11425544
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top