Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 4 Mùa Chay A.2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 4 Mùa Chay A (27/03-> 01/04/2017)

Thứ hai, 27/03/2017

Đề tài: CỨ VỮNG TIN VÀO CHÚA

Tin mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 4,43-54)

43 Sau hai ngày, Đức Giê-su bỏ nơi đó đi Ga-li-lê.44 Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình.45 Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.

46 Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um.47 Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết.48 Đức Giê-su nói với ông: "Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu! "49 Viên sĩ quan nói: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất! "50 Đức Giê-su bảo: "Ông cứ về đi, con ông sống." Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về.51 Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi.52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: "Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt."53 Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: "Con ông sống", nên ông và cả nhà đều tin.54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.

SUY NIỆM:

1/ Một người leo núi bị trượt chân rơi xuống vực sâu, may thay ông bám được vào một cành cây. Đang khi treo lủng lẳng tuyệt vọng chờ chết, ông liền nhớ đến Chúa nên hét to lên “Lạy Chúa, xin cứu con”. Bng ông nghe một giọng nói: “Được! Ta sẽ cứu ngươi, nếu bây giờ ngươi tin Ta thì hãy buông tay ra”. Nhưng ông không chịu buông tay mà cố gắng ngước lên và la thật lớn hơn: “Còn ai trên đó không, cứu tôi...”

2/ Vì được nghe nhiều về quyền năng của Chúa Giêsu nên Viên sĩ quan đã tìm đến với Chúa để xin Chúa chữa bệnh cho đứa con sắp chết. Ông đã nghe Chúa Giêsu nói và ông đã tin, và kết quả là con ông được cứu sống.

3/ Tin là phó thác đời mình cho Chúa. Tin là không cần phải thấy dấu lạ hay điều thiêng, nhưng vẫn xác tín rằng: “Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng và luôn yêu thương”.

4/ Lòng tin của Viên sĩ quan trong bài Tin Mừng rất đáng cho chúng ta chú ý. Ông có lòng tin vào quyền năng của Chúa Giêsu nhưng ông chưa tin Chúa Giêsu có thể làm phép lạ từ xa nên ông muốn mời cho bằng được Chúa đến nhà. Ông vẫn chưa tin là Chúa có thể cho người chết sống lại nên ông cố nài Chúa đến trước khi con ông chết.

5/ Lòng tin của Viên sĩ quan này mang tính cách vụ lợi, hời hợt bề ngoài nên Chúa mới buông ra một câu trách móc: "Các ông mà không thấy dấu lạ thì các ông chẳng tin đâu".

6/ Tuy nhiên Chúa cảm thông nỗi lo lắng của người cha, và Chúa cũng muốn tăng niềm tin cho ông và cho gia đình ông nên Chúa đã làm một phép lạ từ xa mà không cần đến gặp mặt.

7/ Viên sĩ quan đến xin Chúa chữa bệnh cho con ông, đồng thời ông cũng đến để xin Đức tin. Việc Chúa chữa khỏi bệnh cho con ông là một sự gia tăng niềm tin cho chính ông và cả gia đình ông.

8/ Chúng ta cũng cần lưu ý những biến cố xảy ra trong đời mình. Không nhất thiết là phải nhận được phép lạ như người cha trên đây, nhưng nếu càng gặp khó khăn thử thách chúng ta càng phải tin tưởng vào Chúa hơn, và nhất là, nhờ đó mà những người chung quanh sẽ được gia tăng niềm tin.

9/ Điều này nhắc cho chúng ta nhớ rằng: Nhiều khi chúng ta hay xin cho được ơn này ơn nọ nhưng điều cần thiết nhất chúng ta lại quên, đó là xin Chúa "ban thêm đức tin".

10/ Đức tin của chúng ta còn rất yếu, rất dễ bị lung lay. Nên chúng ta cần xin Chúa ban cho chúng ta vững tin vào điều chúng ta đang cầu xin và tin chắc vào sự bảo bọc, quan phòng của Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết chúng con hời hợt trong đức tin nên chỉ tin những điều mắt thấy tai nghe mà không tin vào những điều khác Chúa có thể ban, xin giúp con sống phó thác, trông cậy mọi sự vào Chúa. Amen.--

 

Thứ ba, 28/03/2017

Đề tài: LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô Theo Thánh Gioan (Ga 5,1-16)

1 Sau đó, nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem.2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang.3 Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, (chờ cho nước động,4 vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi).5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: "Anh có muốn khỏi bệnh không? "7 Bệnh nhân đáp: "Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi! "8 Đức Giê-su bảo: "Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi! "9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.

Hôm đó lại là ngày sa-bát.

10 Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: "Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng! "11 Nhưng anh đáp: "Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: "Anh hãy vác chõng mà đi! "12 Họ hỏi anh: "Ai là người đã bảo anh: "Vác chõng mà đi"? "13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy.14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: "Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước! "15 Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh.16 Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.

SUY NIỆM:

1/ Trên một chuyến xe lửa đi về miền Darjeeling để chữa bệnh. Mẹ Thánh TereSa Calcutta thấy có rất nhiều con người đầy những thương tích đau đớn cùng với các trẻ em bơ vơ lạc lõng. Chúa đã thúc giục Mẹ hãy phục vụ những con người khốn khổ này.

2/ Chúa Giêsu khi đi ngang qua một bờ hồ, Người thấy người tàn tật nằm đó,  Chúa biết tình trạng khốn khổ của anh ta nên động lòng thương, và rồi một phép lạ đã xảy ra, anh ta đã được khỏi bệnh.

3/ Con người thời đại hôm nay đang đối diện với muôn vàn khổ đau bệnh tật phần xác, Và còn đuôi-mù-què quặt trong tâm hồn. Họ đang chìm ngập trong tội lỗi, ích kỷ, gian ác, xấu xa, lừa lọc.

4/  Chúa Giêsu là Thiên Chúa tình thương. Ngài luôn mang nhân loại đến với người để được kết hiệp với Người và được Người chữa lành.

5/ Luật ngày hưu lễ nói riêng, hay lề luật nói chung. Tất cả đều được lập ra để phục vụ con người, làm cho con người được hạnh phúc hơn, chứ không phải biến con người thành nô lệ cho lề luật một cách máy móc.

6/ Những tranh luận giữa Chúa Giêsu và các Kinh sư thường cho thấy điều đó. Chúa Giêsu muốn cho mọi người hiểu điều cốt lõi của lề luật chính là sống bác ái yêu thương, nếu thiếu tình bác ái thì lề luật chỉ còn là hành động mù quáng, nô lệ.

7/ Chúa Giêsu không có chủ tâm bãi bỏ lề luật, nhưng Ngài kiện toàn chúng bằng cách mặc cho chúng một tinh thần bác ái. Từ nay mọi lề luật sẽ trở nên trống rỗng nếu như chúng không được thực thi vì lòng bác ái đối với tha nhân.

8/ Phép lạ Chúa chữa cho người bại liệt 38 năm ở hồ Betsaida vào ngày Sabat là một trường hợp điển hình.

9/ Chủ trương của người Phariseu: Trong ngày Sabat không được làm việc kể cả việc chữa trị và chăm sóc sức khỏe.Thà để bệnh nhân chịu đau khổ và chết còn hơn là xúc phạm đến Thiên Chúa.

10/ Đối với Chúa Giêsu, Ngài đặt các giá trị vào đúng vị trí của chúng. Thiên Chúa chỉ được tôn vinh bằng tấm lòng thiện hảo, Nơi nào con người tỏ lòng tốt với người khác thì nơi đó Thiên Chúa được tôn vinh.

11/ Chính vì dạy như thế, Chúa Giêsu đã không ngần ngại chữa bệnh ngày Sabat. Chúa muốn minh chứng ngày Sabat là ngày của bác ái, ngày của tình thương, không chỉ thương phần xác mà còn phải thương cả phần hồn.

12/ "Hạnh phúc của con người là vinh quang của Thiên Chúa": Đây là lời của một vị Thánh giáo phụ, Chúa chữa người bại liệt cũng là một bài học nhắc nhở chúng ta: "Nơi nào mà phẩm giá con người được nhìn nhận được tôn trọng thì nơi đó Thiên Chúa được tôn vinh".

13/ Mỗi một hành động thực thi bác ái đều là một hành động thờ phượng dâng lên Thiên Chúa. Ai chối từ người khác, ai khước từ giúp đỡ người khác thì đó cũng là hành động xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

14/ Mùa Chay là Mùa sửa đổi, là mùa quay về, là mùa sám hối để giải thoát mình khỏi tội lỗi, giúp đỡ người khác vì lòng bác ái yêu thương cũng là cách đền bù tội lỗi nhanh chóng nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết xưng thú sự yếu đuối của mình và tin tưởng phó thác vào tình thương xót của Chúa, nhờ đó chúng con được ơn cứu rỗi. Amen.--

 

Thứ tư, 29/03/2017

Đề tài: KIỂU SỐNG CỦA ĐỨC KI-TÔ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 5,17-30)

17 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc."18 Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.

19 Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng: "Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.20 Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc.21 Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.22Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử,23 để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.24 Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.

25 Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống.26 Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy,27 lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người.28Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con29 và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.  30 Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.

SUY NIỆM:

1/ Tết sắp đến, các đoàn thể, các cơ quan ai cũng nô nức làm từ thiện giúp đỡ cho người neo đơn bệnh tật, tặng quà cho người già yếu,... Nhưng sau tết thì mọi việc đâu lại vào đấy, người già tiếp tục chịu cô đơn, người nghèo tiếp tục đói khát, người xa quê tiếp tục sống vất vưởng.

2/ Công việc mà Chúa Cha sai Chúa Giêsu làm là thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa. Như người mẹ luôn yêu thương săn sóc con mình thế nào thì Thiên Chúa cũng không ngừng ban phát tình thương của Người xuống cho đàn con cái loài người như vậy.

3/ Thiên Chúa ban phát tình thương không bao giờ ngừng nghỉ, Ngài ban vô hạn, ban mãi mãi. Tình yêu thương của con người cũng mệt mỏi, cũng có giới hạn, Thiên Chúa thì luôn luôn tìm đến những người cùng khổ, cơ nhở,... Còn con người thì chỉ giúp có thời, thương có lúc, có điều kiện.

4/ Biệt phái luôn hạch hỏi Chúa Giêsu về việc chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Chúa Giêsu đã minh chứng, đã giải thích Ngài là con Thiên Chúa, Ngài ngang hàng với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tỏ cho Ngài hết mọi sự, ban cho Ngài hết mọi điều, mọi quyền, quyền xét xử, quyền tái sinh, quyền lên án.

5/ Chúa Giêsu muốn báo cho người Do Thái biết: Kiểu mẫu của Ngài là Thiên Chúa, Cha của Ngài. Cha của Ngài luôn là tiêu chuẩn mọi suy tư, ước muốn và cung cách xử thế của Ngài.

6/ Mối bận tâm của Chúa Giêsu là thực hành Thánh ý Cha Ngài: "Lạy Cha, này con đây, con xin đến để thi hành Thánh ý Cha". Chúa Giêsu cũng khẳng định: Suốt đời Ngài luôn làm theo ý của Cha Ngài: "Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc và tôi vẫn làm việc". Chúa Giêsu vẫn luôn sống như Chúa Cha và Ngài luôn lấy Cha mình làm mẫu mực.

7/ Vì Chúa Giêsu luôn lấy Cha mình làm mẫu mực cho đời sống, nên Chúa nói: "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên Trời". Chúng ta chỉ cần sống giống như Chúa Giêsu vì Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa. "Ta và Cha là một. Ai thấy Ta, là thấy Cha".

8/ Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người. Và tiêu chuẩn sống của chúng ta là Đức Ki-tô, ta chỉ cần sống như Chúa đã sống. Thánh Phao-lô nói: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, nhưng là Đức Ki-tô sống trong tôi".

9/ Chúa Ki-tô sống trung thực và đầy yêu thương. Chúng ta sống giống Chúa thì phải minh bạch, thành thật và sống bác ái yêu thương thì chúng ta sẽ nên giống Đức Ki-tô.

10/ Chúa muốn chúng ta tập trung đời sống đạo vào Ngài, nghĩa là luôn cố gắng đi theo con đường mà Chúa đã đi. Mà con đường Chúa chọn, Chúa đi là con đường cứu độ qua cuộc khổ nạn Thập Giá, Nếu chúng ta đi theo con đường Chúa đi là chúng ta có thể cứu mình và cứu anh em chung quanh mình.

11/ Tập trung lòng đạo vào Đức Ki-tô là chúng ta phải học đạo, dạy đạo, giữ đạo và truyền đạo. Bổn phận của chúng ta là phải luôn biết cảm ơn Chúa và làm cho nhiều người biết và tin vào Chúa.

cầu nguyện: Lạy Chúa, trong Mùa Chay này xin Chúa giúp con đổi mới tâm hồn, đổi mới trái tim, đổi mới cách nghĩ, đổi mới đời sống, để đời sống chúng con luôn phản chiếu hình ảnh của Chúa Ki-tô cứu độ. Amen**

 

Thứ năm, 30/03/2017

Đề tài: HÃY TIN ĐỨC GIÊSU LÀ CON THIÊN CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (Ga 5,31-47)

31 Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật.32 Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật.33 Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật.34 Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.35 Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian.36 Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.37 Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người.38 Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến.39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi.40 Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.

41 Tôi không cần người đời tôn vinh.42 Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa.43 Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận.44 Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?

45 Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy.46 Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi.47 Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói? " 

SUY NIỆM:

1/Tác giả Tin Mừng thứ tư, là Thánh Gioan Tông Đồ và cộng đoàn của Ngài đã tuyên tín Đức Kito qua danh xưng “con Thiên Chúa”, Ngài là con Thiên Chúa nhập thể đã đến trần gian.

2/Mỗi khi chúng ta tham dự cử hành thánh lễ Chúa Nhật qua Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Đức Kito là con một Thiên Chúa. Chúng ta hãy tuyên xưng Chúa bằng hết cả tấm lòng và với niềm tín thác sâu xa, chính con Thiên Chúa đã chuộc lại lỗi lầm và giúp chúng ta trở thành con nghĩa tử của Thiên Chúa.

3/Thật là phấn khởi và hạnh phúc khi chúng ta biết rõ Chúa Giêsu là ai, và chúng ta có mối tương quan thế nào với Ngài và với Thiên Chúa. Hạnh phúc ấy sẽ hoàn hảo hơn khi chúng ta cố gắng sống đúng phẩm giá và vị thế mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

4/Mỗi khi đọc sách Tin Mừng, chúng ta ngạc nhiên tại sao người Do Thái lại từ chối không chịu tin vào Chúa Giêsu. Nhưng nếu đặt mình vào trường hợp của họ cách đây hơn 2.000 năm liệu chúng ta có dễ dàng nhìn nhận Ngài không?

5/Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng một đấng Cứu Thế có thể sinh ra và sinh sống như vậy? Chúng ta thử tưởng tượng: Một thanh niên làm cùng sở, ở cùng xóm với chúng ta từ xưa tới giờ, cùng thường ngồi quán uống cà phê với chúng ta, mà hôm nay người thanh niên đó lại tự nhận mình là con Thiên Chúa.

6/Liệu chúng ta có thể tin Ngài, hay chúng ta cũng cho Ngài là người mơ mộng, lừa đảo, nói khoác khi tự nhận mình là Đấng mà tổ tiên và cả họ cũng đang trông chờ? Đối với người Do Thái ngày xưa cũng vậy: Đấng Cứu Thế mà như ông thợ mộc Giêsu thì không phù hợp với quan niệm họ chút nào, cho nên họ không nhận, không tin cũng phần nào có lý do.

7/Chúa Giêsu hôm nay muốn nói với họ: Có 4 thứ chứng cớ làm chứng cho Chúa: a) Bằng chứng của Gioan Tẩy Giả/ b) Chính lời nói và việc làm của Chúa làm chứng cho Chúa/ c) Chúa Cha làm chứng cho Ngài/ d) Bằng chứng trong Kinh Thánh đều đúng với những việc Ngài làm. Chứng cứ rõ ràng như vậy nhưng người Do Thái vẫn không nhìn nhận Ngài.

8/Tuy nhiên, cho dù là năm xưa, cách nay hai ngàn năm, hay hôm nay, sự thật mãi mãi vẫn là sự thật, cho dù thiên hạ có muốn bóp méo, vo tròn thì sự thật vẫn cứ là sự thật: Chúa Giêsu chính là con Thiên Chúa làm người, Ngài là người thật nếu xét về nhân tính, và là Thiên Chúa thật nếu xét về thiên tính.

9/Trong hơn 20 thế kỷ qua, suốt chiều dài lịch sử liên tục, chúng ta thấy: Không có một nhân vật nào có thể để lại một dấu ấn xuyên suốt, lâu dài mãi mãi như Chúa Giêsu được. Không có một Giáo sư, một Bác học, một Triết gia nào có thể biến đổi thế giới như Ngài, không có vị tôn sư nào có số đồ đệ đông đảo như Ngài, không có tên ai được nhắc nhiều và liên tục như Ngài, không có vị ân nhân nào được mọi người quý mến và suy phục nhiều như Ngài, không có nhân vật nào được say mê nhiều như Ngài.

10/ Thế mà chỉ có một con người xuất thân thấp hèn, bình thường, nghèo nàn, ít học như Ngài có thể làm nên một cuộc biến đổi vĩ đại ấy chính là do một người, một “Người Chúa”, vì Ngài chính là con Thiên Chúa.

11/ Chúng ta tin Chúa, đây là điều dĩ nhiên và cũng là điều hiển nhiên, chúng ta tin Chúa, là điều chắc chắn rồi. Như vậy chúng ta tin Chúa, chúng ta thể hiện niềm tin của mình như thế nào?

12/ Người lương dân khi nhìn chúng ta liệu họ có thấy được đức tin của chúng ta không? Nếu họ chỉ thấy chúng ta đi lễ, đọc Kinh, đi nhà thờ mà cách sống của chúng ta có khi còn thua họ thì cách giữ đạo của chúng ta như vậy là chưa đủ, chưa thuyết phục.

13/ Phải làm sao cho họ thấy: Chúng ta tin Chúa trên lý thuyết, bằng lời nói thôi thì chưa đủ, mà chúng ta phải đem luật Chúa, lời Chúa ra sống hằng ngày nữa. Có như thế họ mới nhận ra cách sống đức tin của chúng ta khác xa với những điều họ đang tin, đang sống. Sau đó họ sẽ không còn nói câu đạo nào cũng tốt, thay vào đó họ sẽ nói “Đạo Chúa tốt hơn”, nếu chúng ta chưa làm được chứng tỏ rằng con người của chúng ta chưa được thấu nhuần ơn Chúa, chưa được Thiên Chúa biến đổi, chưa có Chúa Giêsu sống trong ra và ta chưa thật sự giống Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, sống đạo là sống giống Chúa, là sống bằng niềm tin của mình và minh chứng lòng mến ấy bằng hành động. Xin Chúa ban cho con dám minh chứng đức tin của con bằng cách sống đạo như Thánh Giuse. Amen.

 

 Thứ sáu, 31/03/2017

Đề tài: CÁCH ĐÁP TRẢ TÌNH YÊU CỦA HAI HẠNG NGƯỜI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 7,1-2.10.25-30)

1 Khi ấy, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê ; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người. 2 Lễ Lều của người Do-thái gần tới.

 10 khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật.

25 Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói : “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao ? 26 Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô ? 27 Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi ; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” 28 Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng : “Các ông biết tôi ư ? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư ? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. 29 Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”

30 Bấy giờ họ tìm cách bắt Người ; nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

SUY NIỆM:

1/ Vào cuối năm 2013, một đứa con trai ở một tỉnh miền Trung vì muốn đua đòi chơi tết với chúng bạn, đã xin tiền mẹ mình để mua 1 chiếc xe gắn máy. Nhưng vì kinh tế quá khó khăn nên người mẹ không cho, y đã cầm rựa dọa chém mẹ, rồi sau đó đã phóng hỏa đốt nhà rồi bỏ đi. Hàng xóm phải đau lòng khi nhìn thấy một đứa con bất hiếu như thế.

2/ Tình yêu là hai từ ngữ mà ngày hôm nay người ta sử dụng khắp nơi. Nhưng khó có ai hiểu được đâu là tình yêu đích thực để chúng ta có thể đáp lại tình yêu đó cách đúng mực.

3/ Tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho loài người là loại tình yêu tuyệt hảo. Người Do Thái đã không đón nhận tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ qua Đức Giêsu nên họ cũng không muốn đáp trả. Hay nói cách khác: Họ muốn đáp trả tình yêu đó theo cách họ muốn.

4/ Chính vì họ coi Chúa như một cái gai trong mắt họ, vì thế họ đã tìm mọi cách để loại trừ Ngài. Họ chỉ nhìn thấy Chúa qua một thành kiến không tốt nên tất cả những gì Chúa làm cho họ thì họ đều đánh giá ngược lại.

5/ Chúng ta cũng là người luôn nhận được ơn Chúa hằng ngày, nhưng chúng ta đã nhận ra người luôn ban ơn lành cho ta là ai chưa? Qua các biến cố trong cuộc đời, chúng ta đã nhận ra tình yêu của Thiên Chúa chưa? Chúng ta đã đáp trả tình yêu ấy thế nào? Hay chúng ta cũng cư xử với Chúa như dân Do Thái ngày xưa thù ghét và luôn truy bắt Chúa.

6/ “Lễ Lều” là lễ lớn nhất và vui nhất của người Do Thái. Mọi người phải đến đền thờ Yerusalem để dâng của lễ cầu xin Thiên Chúa ban cho mưa thuận gió hòa.

7/ Chúa Giêsu cũng lên dự lễ nhưng Chúa lại đi cách âm thầm. Nhưng sau đó dân chúng cũng nhận ra Ngài, họ chất vấn, họ tranh luận, đám người có chức quyền thì tìm cách hại Ngài, tìm cách thủ tiêu Ngài. Họ ghen tức vì  thấy Ngài được dân chúng ái mộ và nhất là họ rất ghét những lời Chúa tuyên bố.

8/ Họ biết rõ Chúa là con bác thợ mộc nhưng lại dám xưng mình là con Thiên Chúa.Cho dù họ thấy Ngài giảng hay, làm được nhiều phép lạ, nhưng bấy nhiêu bằng chứng cũng chưa đủ đánh động được lòng chai đá của họ, họ nhất quyết từ chối, họ nhất quyết sử dụng quyền tự do Chúa ban để chống lại Thiên Chúa.

9/ Người Phariseu thì luôn tự cho mình là biết Thiên Chúa, biết nguồn gốc nhân loại của Chúa. Nhưng họ không thể nào biết nguồn gốc thần linh của Ngài, nên Chúa đã chỉ rõ cho họ biết: Họ cũng nhìn nhưng không thấy, lắng tai mà không nghe, không hiểu vì lòng họ quá chai đá.

10/ Một lần nữa Chúa tự khẳng định: Ngài là con Thiên Chúa, Ngài bởi Chúa Cha mà đến. Chính Chúa Cha đã sai Ngài /// Với những lời tuyên bố dứt khoát đó, khiến cho những người chống đối Chúa lại càng tức giận hơn, họ ráo riết tìm cách khử trừ Ngài càng sớm càng tốt.

11/ Thế gian có hai loại người: Loại luôn kiêu hãnh, cứng lòng không hề chịu nhận ra lỗi lầm của mình lại còn nuôi ảo vọng, tự cho mình là vô tội, là công chính, họ là những người trên đây.

12/ Còn một loại người nữa, họ biết xót xa về tội lỗi của mình.  Họ biết rằng: Họ chỉ nên trông cậy vào lòng thương xót Chúa nên họ khiêm tốn cầu xin Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con luôn là tội nhân, chúng con luôn cần đến lòng thương xót Chúa, xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra lỗi mình để xứng đáng được Chúa xót thương. Amen.****

 

Thứ bảy, 01/04/2017

Đề tài: QUYỀN TỰ DO TRONG ĐỨC TIN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 7,40-53)

40 Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: "Ông này thật là vị ngôn sứ."41 Kẻ khác rằng: "Ông này là Đấng Ki-tô." Nhưng có kẻ lại nói: "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? 42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao? " 43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. 44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt. 45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây? " 46 Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy! " 47 Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? 48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? 49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa! " 50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ:

51 "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không? " 52 Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả." 53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.

SUY NIỆM:

1/ Có một ca sĩ gặp phải một khủng hoảng nợ nần. Thái độ của dư luận quần chúng rất khác nhau: Có kẻ thì cảm thông, người thì sẻ chia, giúp đỡ, có người thờ ơ, có người chỉ trích, cũng không thiếu những kẻ hả hê ra mặt.

2/ Khi nghe Chúa Giêsu giảng dạy và làm phép lạ khắp nơi, dân chúng cũng tỏ thái độ rất khác nhau về Ngài:  Có kẻ trầm trồ thán phục, nhiều kẻ sững sờ, kinh ngạc, cũng có nhiều kẻ khác tỏ vẻ khinh bỉ, miệt thị.

3/ Còn chúng ta là các Ki-tô hữu, Chúng ta xác định Ngài là ai? Đức Ki-tô là ai mà tôi phải tin, phải chạy đến kêu cầu Ngài cứu giúp? Ngài là ai mà tôi phải chạy lại xin Ngài thương xót, Ngài là ai mà tôi phải hy sinh cả cuộc đời ?

4/ Chúng ta cần tỏ thái độ dứt khoát. Chúng ta mỗi người cần tìm ra một câu trả lời chính xác và thể hiện lòng tin của mình một cách tuyệt đối vào Ngài.

5/ Điều quý nhất mà Chúa ban cho mỗi người chính là sự tự do, chúng ta có quyền chấp nhận hay từ chối Chúa. Thiên Chúa không áp đặt hay cố tình mê hoặc hay lừa dối ai. Ngài không áp đặt điều gì trên chúng ta.

6/ Quyền tự do luôn là con dao 2 lưỡi chúng ta cần phải cẩn thận khi sử dụng nó. Người khôn ngoan bao giờ cũng cần dè dặt, chúng ta thử đặt mình vào vị thế của những người thời đó khi nghe Chúa Giêsu giảng dạy, Sau đó chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Chê bai, dửng dưng, chấp nhận hay từ chối Chúa?

7/ Trước những lời giảng dạy và các phép lạ Chúa Giêsu làm, dân chúng có những phản ứng khác nhau: Người bình dân thì cho rằng Chúa Giêsu là một vị Ngôn sứ cao cả đã được Moisen báo trước, một số người hiểu biết nhiều hơn thì cho Ngài là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế, như lời Isaia loan báo.

8/ Còn giới lãnh đạo Do Thái thì phủ nhận hoàn toàn. Họ cho rằng: Ngài không phải là Ngôn sứ, cũng chẳng phải là Đấng Cứu Thế vì Ngài không đúng với địa dư, cũng chẳng thích hợp là hậu duệ của Vua Đavit.

9/ Nhưng đây chưa phải là lý do chính yếu để họ chống đối nhưng lý do quan trọng hơn: Họ sợ sứ điệp của Chúa có nguy cơ làm cho dân chúng quên mất cuộc đấu tranh chính trị. Còn một lý do khác cũng không kém phần quan trọng, đó là lời giảng và hành vi của Chúa Giêsu đụng chạm là làm giảm uy tín của họ, quyền lợi của họ nên họ quyết định phải thanh toán Ngài.

10/ Có vài người có tính thẳng thắn, dám biện hộ cho Chúa như ông Nicodemo, một thành viên của Hội đồng lập pháp, một tiến sĩ luật danh tiếng. Ông phát biểu rằng: Muốn bắt bớ ai, chúng ta cần thẩm vấn, cần có nhân chứng và cần phải xét xử theo luật. Nhưng số ít không thể thắng số đông và luật của lãnh đạo Do Thái là luật rừng.

11/ Thời nay người ta cũng hoàn toàn tự do đón nhận. Họ cũng có quyền từ chối Chúa, khi người ta chưa biết Chúa người ta có quyền tự đi tìm con đường giải thoát theo ý của mình. Nhưng sau bao thời gian thiện chí, có thể người ta sẽ gặp Chúa.

12/ Còn chúng ta, chúng ta đang tin nhận Chúa, nhưng hãy coi chừng. Chúa Giêsu cho biết: Chúng ta đón nhận và  giúp đỡ ai là chúng ta làm cho chính Chúa. Ngược lại, chúng ta chối từ không giúp đỡ ai cũng chính là chúng ta đang từ chối giúp đỡ cho chính Chúa.

13/ Cách chúng ta tin, chúng ta đón nhận Chúa ngày hôm nay là như vậy đó. Hãy cẩn thận để khỏi phải hiểu sai, thực hành sai, chỉ là tốn công vô ích thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Ngày hôm nay là thời buổi công nghệ thông tin với biết bao thông tin trái chiều, xấu tốt lẫn lộn, đủ loại. Xin Chúa giúp con có tâm tình khiêm tốn hơn để chúng con có thể dễ dàng nhận ra Chúa và yêu Chúa trong anh em con. Amen.**

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1666
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  4
 Hôm nay:  326
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11350630
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top