Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 5 Thường Niên A.2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 5 Thường Niên A (06/02 -> 11/02/2017)

Thứ hai, 06/02/2017

Đề tài: SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN

THÁNH PHAOLÔ MIKI VÀ CÁC BẠN – TỬ ĐẠO

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 6,53-56)

53 Khi ấy, qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ. 54 Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su. 55 Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. 56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người ; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.

SUY NIỆM:

1/ Họa sĩ Hunt vẽ một bức tranh trong đó Chúa Giêsu đang đứng trước một căn nhà và gõ cửa. Điểm khác thường ở đây cho ta thấy cánh cửa ấy không có tay nắm mà cũng chẳng có ổ khóa, điều này giúp chúng ta hiểu rằng: Cánh cửa đó chỉ có thể mở từ bên trong.

2/ Bất cứ ai chạm đến Chúa đều được khỏi. Điều này cũng có nghĩa là: Tất cả những ai dù mắc bệnh thể lý hay tâm linh, hễ khi chạm được đến Chúa đều được khỏi, lòng tin đã giúp họ được chữa lành.

3/ Còn chúng ta hôm nay. Khi đã ý thức mình đầy tội lỗi và nết xấu, liệu chúng ta có tin tưởng để chạy đến với Chúa, để được Chúa chữa lành không? Hay là chúng ta tìm cách xa lánh Chúa vì chúng ta chưa dám tin.

4/ Qua phép lạ hóa bánh và Chúa Giêsu đi trên mặt biển chưa đủ làm cho các Tông đồ tin vào Chúa. Nay Chúa đưa họ vào miền đất dân ngoại để tiếp tục dạy dỗ các ông thêm.

5/ Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại: Việc Chúa chữa lành nhiều bệnh nhân để trình bày về sứ vụ cứu thế của Chúa, để cũng cố niềm tin cho các Tông đồ.

6/ Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất (Mc 6,34-44). Chúa Giêsu và các Tông đồ đã phải tránh đám đông dân chúng vì sợ họ tôn vinh Người không hợp lúc, có thể làm hỏng chương trình của Chúa. Nhưng khi qua biển hồ, dân chúng lại nhận ra Đức Giêsu và kéo đến với Người rất đông.

7/ Dân chúng vùng này hay tin Chúa hay làm phép lạ chữa trị mọi loại bệnh tật nên họ đã lũ lượt đến với Người và đem theo các bệnh nhân để xin Người cứu, chữa lành.

8/ Đây là dân ngoại ở ngoại ô nên dân chúng đối với Chúa còn mang nặng đầu óc mê tín, vì họ chỉ mong chạm đến gấu áo Chúa thì cũng sẽ được chữa lành.

9/ Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: Tính chất phổ cập của đạo Công giáo khi thấy Chúa ban ơn lành cho cả lương dân khi họ đến xin Người cứu chữa, tính cách này ngược lại với tinh thần hẹp hòi ích kỷ của đạo Do Thái giáo trong hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ.

10/ Chúa Giêsu đến Ghen-nê-xa-rét là vùng dân ngoại, người Tông đồ cần vượt qua những ngăn cách địa lý, hành chánh, tôn giáo, văn hóa, dân tộc, phong tục tập quán để đến và phục vụ cho tha nhân theo tinh thần của Chúa.

11/ Nghe tin Chúa có mặt ở đâu, người ta đem các bệnh nhân đến ở đó. Chúa Giêsu có sức thu hút lạ lùng đối với dân chúng.

12/ Sở dĩ người ta ùn ùn kéo đến với Người, chính vì họ cảm thấy Ngài luôn luôn cho họ cái họ cần, luôn luôn có đôi tay mở rộng chào đón, luôn trao ban hết mọi thứ cho họ. Sức hút hiện tại của Chúa Giêsu chính là những gì Người đang quảng đại cho đi.

13/ Noi gương Chúa, các Tông đồ cũng như tất cả chúng ta cần biết cho đi, biết hiến thân, biết trao ban không ngừng những gì mà tha nhân đang cần đến.

14/ Bất cứ ai chạm đến Chúa đều được khỏi bệnh. Chúa Giêsu rất quý trọng những con người đau khổ bệnh tật. Người Tông đồ cũng phải biết quý trọng những con người xấu số đang cần nâng đỡ, an ủi, khích lệ, chữa trị.

15/ Bệnh tật khổ đau thường làm cho con người trở nên bất ổn. Chúng tượng trưng cho sự dòn mỏng của thân phận con người, cũng chỉ có một mình Chúa Giêsu mới có thể chữa trị chúng ta khỏi mọi tình trạng bất ổn ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở rộng lòng con ra để con luôn chờ đón Chúa, xin đừng để con là cánh cửa ngoan cố, luôn ngăn cách khiến cho Chúa không thể đến với con. Amen.**

 

Thứ ba, 07/02/2017

Đề tài: TRUYỀN THỐNG NGƯỜI PHARISEU

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 7,1-13)

1 Khi ấy, có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân : họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận ; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn ; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su : “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?” 6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. 7Chúng có thờ phượng Ta thì cũng  ô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. 8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” 9 Người còn nói : “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống của các ông. 10 Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng : ‘Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’ và ‘kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử !’ 11 Còn các ông, các ông lại bảo : ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ đều là ‘co-ban’ nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’ rồi, 12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. 13 Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa !”

SUY NIỆM:

1/ Có rất nhiều người, khi nói chuyện với người khác thì họ khoe rằng: Họ sống đạo rất tốt, bàn thờ đặt ở nơi cao ráo, hoa nến đầy đủ. Thế nhưng khi ra trước tòa Chúa thì công phúc của họ chẳng có gì, phải chăng đời sống đạo của họ chỉ toàn giả trá, sai lầm trong cách hành xử và minh chứng niềm tin, khiến cho Chúa không thể nào ban thưởng cho họ được, bởi họ chỉ giữ đạo hình thức.

2/ Thế giới hôm nay đầy những gian dối, giả trá, nên đức tính trung thực xem ra rất quý hiếm và cần thiết cho mối tương quan giữa cộng đoàn và xã hội.

3/ Thái độ giả hình của Luật sĩ, Biệt phái nhắc nhở chúng ta: Phải sống chính trực, ngay thẳng, công minh hơn, trong mối tương quan đối với Thiên Chúa và tha nhân.

4/ Người ta có thể lừa dối nhau, sống giả nhân giả nghĩa trước mặt nhau, nhưng không thể nào qua mặt được Thiên Chúa.

5/ Bài học từ Tin Mừng hôm nay qua cuộc tranh luận với Biệt phái và Kinh sư, về việc rửa tay trước khi ăn. Giáo hội muốn nhắn nhủ chúng ta đừng quá lo lắng, chú trọng để tuân giữ những tập tục của loài người, mà sao lãng những giới luật của Thiên Chúa.

6/ Cuộc tranh luận nhắm đến hai tục lệ: a) Rửa tay trước khi ăn/ b) Của để phụng dưỡng cha mẹ. Họ dạy rằng nếu đã dâng cho Chúa thì khỏi phải giúp đỡ cha mẹ, như vậy họ muốn lấy tập tục của loài người để giết chết tinh thần của Lời Chúa.

7/ Rửa tay bên ngoài thì rất tốt, nhưng chúng ta cũng cần quan tâm rửa sạch tâm hồn mình qua việc sám hối.

8/ Cặn kẽ qua việc dâng của lễ cho Thiên Chúa thì quá đúng, quá tốt, nhưng cũng không được sao nhãng điều răn Chúa dạy là phải thảo kính cha mẹ. Bởi vì cha mẹ là Đấng thay quyền Thiên Chúa để chăm sóc, dạy dỗ nuôi nấng chúng ta nên người tốt. Điều này chúng ta không được phép quên.

9/ Cần chú trọng hình thức bên ngoài, nhưng cũng cần phải sống nghiêm túc bên trong. Ví dụ: Thi hành những việc đạo đức thì phải nghiêm trang, đúng giờ, nhưng trong lòng thì không được lo ra chia trí, thiếu niềm tin, cậy, mến Chúa.

10/ Khi đi truyền giáo cho lương dân, cần chú trọng đến cái cốt yếu của lề luật. Đừng bận tâm đến cái tục lệ, đừng tìm cách gây cản trở cho những anh em ngoại giáo nhưng lại thành tâm thiện chí.

11/ Chúa trách Biệt phái, hay trách chúng ta?

a) Chỉ chuộng hình thức bề ngoài.

b) Chỉ nên chú trọng đến nội dung của các việc đạo đức.

c) Mau mắn nhiệt tình tuân giữ luật Chúa.

12/ Vệ sinh, lịch sự, xã giao bên ngoài, nó cũng là những dấu chỉ nhắc chúng ta phải giữ sạch tâm hồn mình, đây là điều mà Chúa muốn con cái mình phải thực hiện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn biết sống và thực hành điều Chúa dạy bằng một Đức tin và lòng mến chân thành. Amen.**

 

Thứ tư, 08/02/2017

Đề tài: LÀM CHỨNG BẰNG HÀNH ĐỘNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 7,14-23)

14 Khi ấy, Đức Giê-su gọi đám đông tới mà bảo : “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ : 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được ; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. 16 Ai có tai nghe thì nghe !”

17 Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy. 18 Người nói với các ông : “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao ? Anh em không hiểu sao ? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, 19 bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài ?” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. 20 Người nói : “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. 21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

SUY NIỆM:

1/ Có những hạng người xấu mà cha ông chúng ta gọi họ bằng cái bụng độc ác. Nguyễn Du đã diễn tả những con người này trong truyện Kiều như sau:

“Bề ngoài thơn thớt nói cười

Bề trong nham hiểm giết người không dao”

2/ Chúa Giêsu dạy các Môn đệ rằng: Cái có thể làm cho người ta ra ô uế không phải là những thứ từ bên ngoài vào, mà là những cái từ bên trong thoát ra.

3/ Luật thanh sạch và ô uế của các Kinh sư và Biệt phái làm cho người ta rơi vào lối sống giả hình, chỉ coi trọng hình thức bên ngoài. Điều Thiên Chúa đòi không phải là sự sạch sẻ bên ngoài, nhưng là sự trong sạch trong tâm hồn, sự sạch của con tim.

4/ Sau khi khiển trách thói giữ luật vụ hình thức của các Kinh sư, Chúa Giêsu đã giải thích cho họ bằng dụ ngôn để họ hiểu giữa cái thanh sạch và cái ô uế.

5/ “Ai có tai thì nghe”: Kiểu nói có ý phân biệt kẻ thiện chí và người chống đối với những lời Chúa dạy.

6/ Chúa giải thích cho các Môn đệ về Dụ ngôn cái thanh sạch và ô uế: Không phải từ cái bên ngoài vào bên trong con người, nhưng từ bên trong con người xuất ra mới làm cho con người ra ô uế.

7/ Chúa dựa vào hình ảnh ăn uống, tiêu hóa để diễn tả: Mọi sự Chúa tạo dựng đều tốt đẹp, nhưng do những tư tưởng, những ý định, những tâm tình bất chính của con người làm biến đổi thành những hành động xấu.

8/ Kinh sư và Biệt phái nhấn mạnh đến việc thanh tẩy phần xác hơn là sự trong sạch phần hồn, họ coi trọng hình thức bề ngoài hơn là sống bác ái và công bằng xã hội.

9/ Họ coi trọng việc rửa tay và chén dĩa trước khi ăn vì cho rằng tay bẩn sẽ làm ô uế con người. Trong khi đó họ lại coi nhẹ cõi lòng là nơi chất chứa bao sự ghen tuông, thù ghét tha nhân và đủ thứ toan tính phạm tội.

10/ Chúa Giêsu đặt sự thanh sạch tâm hồn lên trên sự thanh sạch thân xác. Vì chính từ cõi lòng mà con người xây dựng cuộc sống chân lý của mình. Tâm hồn trong sạch hay không, không do các hoàn cảnh phụ thuộc bên ngoài nhưng do con người quyết định chọn lấy một cách ý thức sự tự do trong thâm tâm của mình.

11/ Chúa Giêsu dạy rằng:  Tư tưởng, ý muốn, hành động là trong sáng hay vẫn đục, tốt hay xấu, đạo đức hay tội lỗi thì tùy vào nguồn gốc của chúng, tức là tùy vào cõi lòng con người.

12/ Hôm nay Chúa dạy các Tông đồ rằng: Khuôn khổ hẹp hòi của tôn giáo cũ không còn hợp với những đòi hỏi của một tôn giáo mới mà người sẽ thiết lập. Bởi vì các Tông đồ sẽ được sai đến với các dân tộc thuộc mọi nền văn hóa rất khác biệt với môi trường ở Do Thái. Các ông cần chú ý đế những điều chính yếu, đừng lúng túng hay quan tâm đến những tục lệ cổ truyền là những cái có thể ngăn cản những anh em ngoại giáo có thành tâm thiện chí không thể gia nhập vào giáo hội Chúa được.

13/  Luật thanh sạch làm cho người ta thêm sống giả hình, vụ hình thức bên ngoài. Bởi vì điều Thiên Chúa đòi hỏi không phải là những hình thức bên ngoài nhưng là sự trong sạch trong tâm hồn.

14/ Hãy chú ý đến tính chất công việc hơn là hình thức công việc, sống tinh thần luật hơn là hình thức bên ngoài của luật. Cần có 1 lương tâm chân chính, trong sạch, rộng mở. Chúng ta sẽ yêu Chúa đích thực và yêu tha nhân chân thành, vì yêu là chu toàn luật.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sống ngay thẳng, trong sạch để con có thể nhìn thấy Chúa luôn luôn. Amen.**

 

Thứ năm, 09/02/2017

Đề tài: ĐỨC TIN CHẤT PHÁC

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 7,24-30)

24 Khi ấy, Đức Giê-su đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. 25 Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. 26 Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. 27 Người nói với bà : “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” 28 Bà ấy đáp : “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ.” 29Người nói với bà : “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” 30 Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường, và quỷ đã xuất khỏi.

SUY NIỆM:

1/ Một người bị lạc lối trong sa mạc, anh ta kể lại rằng: Lúc ấy anh ta hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng rồi anh lấy hết lòng tin tưởng, anh đã quỳ xuống cầu nguyện. “Thế Chúa có giúp anh không?” một người bạn hỏi. “Tôi không biết!”. Nhưng một lúc sau có một nhà thám hiểm xuất hiện và ông ta đã chỉ lối cho tôi.

2/ Qua cuộc đối thoại với người đàn bà dân ngoại, Chúa đã gián tiếp lên án quan niệm sai lầm của họ về ơn cứu độ của dân Do Thái.

3/ Với câu trả lời đầy khôn ngoan và trọn niềm tin tưởng của người đàn bà. Chúa Giêsu đã làm sáng lên một chân lý: Ai mở lòng trước tình thương và quyền năng của Thiên Chúa thì đều được hưởng trọn vẹn ơn cứu độ của Ngài.

4/ Sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu không phải là một chương trình cứng nhắc, đó là phải để cho con cái ăn no trước đã. Người Do Thái luôn tự hào mình là dân riêng, Chúa Giêsu đã phải hủy bỏ nguyên tắc hành động ấy để giúp cho mẹ con người đàn bà này thoát khỏi khốn cùng, vì con bà bị quỷ ám.

5/ Công việc truyền giáo không nên cứng nhắc về nơi chốn, hay hình thức, đối tượng, hoàn cảnh, phương tiện. Miễn sao chúng ta đáp ứng được nhu cầu cứu giúp tha nhân.

6/ Việc Chúa chữa cho đứa con gái của người đàn bà ngoại giáo, ý Chúa muốn chứng tỏ cho các Môn đệ biết: Một ngày kia tất cả lương dân cũng được hưởng ơn cứu độ, đó là tính cách phổ quát của ơn cứu độ mà Thiên Chúa muốn ban cho loài người.

7/ Bài học từ đoạn Tin Mừng: Ý Chúa muốn dạy chúng ta trong các hoạt động tông đồ, chúng ta đừng để cho tình cảm đời thường, tạm bợ, bồng bột chi phối mà phải ý thức tầm quan trọng của việc chúng ta đang làm.

8/ Đức tin của người đàn bà gốc dân ngoại thì khiêm tốn và mạnh mẽ. Bà sấp mình dưới chân Chúa và tự nhận mình bất xứng, nhưng vẫn tin tưởng để xin Chúa nhận lời mình cầu xin.

9/ Mạnh mẽ vì bà đã không nản lòng khi bị Chúa xua đuổi, thách thức gần như là bị bỏ rơi, bị từ chối lời van xin. Và vì bà đã tin theo lời Chúa dạy chứ không cần nại đến bằng chứng bên ngoài để nâng đỡ niềm tin của bà.

10/ Bà là mẫu gương cho những ai có lòng tin khiêm nhường và mạnh mẽ, kiên trì khi cầu xin điều gì với Chúa.

11/ Nếu con gái của người đàn bà này được Chúa trừ quỷ là do hiệu quả của Đức Tin bền của người Mẹ. Vì thế công phúc của người này có thể ảnh hưởng tốt đến phần rỗi của người kia.

12/ Nếu đã tin mạnh mẽ thì tâm hồn sẽ không bị xao xuyến cho dù có gặp Chúa thử thách. Ngay cả khi Thiên Chúa che dấu sự hiện diện, sự lắng nghe của Ngài.

13/ Ơn cứu độ của mỗi người đều có sự tác động của cộng đoàn, của người khác cầu nguyện cho. Vì thế nếu chúng ta năng xin người khác cầu nguyện cho mình thì ngược lại mình cũng phải siêng năng cầu nguyện cho kẻ khác để đáp lễ (Lc 5,17-26).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn tin tưởng cậy trông vào Chúa cho dù tâm hồn chúng con đầy tội lỗi. Với Chúa, Chúa chỉ yêu kẻ có tội sớm biết ăn năn trở lại, xin cho con luôn biết ăn mày lòng thương xót Chúa. Amen.

 

Thứ sáu, 10/02/2017

Đề tài: HÃY MỞ TAI, MỞ MIỆNG RA

THÁNH SCHOLASTICA – TRINH NỮ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 7,31-37)

1 Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói : Ép-pha-tha, nghĩa là : hãy mở ra ! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói : “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả : ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

SUY NIỆM:

1/ Thiên Chúa tạo nên con người, Ngài ban cho tiếng nói, một thứ ngôn ngữ đặc biệt mà không có loài thụ tạo nào khác có được. Tiếng nói là sự biểu lộ sinh động nhất của sự sống, khi chúng ta nói cũng chính là lúc chúng ta cho mọi người biết là chúng ta đang sống. Tiếng nói cũng giúp chúng ta sống cùng và sống với người khác.

2/ Câm điếc là một bất hạnh. Bất hạnh ở chổ người ta có miệng mà không thể thốt lên lời nói yêu thương, có tai mà không nghe được những lời góp ý tốt lành và chân thành.

3/ Chúa chữa bệnh câm điếc cũng là dịp để bày tỏ việc Chúa đến cứu độ nhân loại, qua việc cứu con người khỏi bị điếc trong tâm hồn.

4/ Chúa chữa bệnh điếc để con người có thể nghe lời Chúa. Chữa bệnh câm để con người có thể tuyên xưng niềm tin và ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa.

5/ Khi Chúa muốn chữa bệnh câm điếc, Chúa chỉ cần một quyết định dễ dàng và thoáng qua. Nhưng ở đây Chúa phải đón tiếp anh ta, sờ tai, sờ lưỡi, cầu xin Chúa cha cho anh ta, và nói lên một lời cứu chữa. Những cử chỉ kia Chúa dùng để chăm sóc anh ta, cho chúng ta thấy Chúa muốn lưu tâm đến anh ta và muốn can thiệp vào đời sống của anh ta bằng quyền năng siêu việt của Ngài.

6/ Khi chúng ta muốn cứu giúp ai, chúng ta cần có việc làm cụ thể, thiết thực liên hệ đến chính những nhu cầu hiện tại của người được cứu chữa để giúp họ nhận ra tình thương đích thực.

7/ Bài Tin Mừng mô tả cách Chúa chữa như một thầy thuốc thông thường: Lấy ngón tay, bôi nước miếng vào lưỡi. Chúa làm như vậy để: đánh tan một quan niệm có sẵn về Đấng Thiên sai của người Do Thái: một Đấng uy quyền luôn thể hiện bằng những việc lừng lẫy, hiển hách, hào nhoáng bề ngoài.

8/ Mặc khác Chúa muốn người ta đón nhận mầu nhiệm Thập giá, mầu nhiệm Cứu thế bằng cách chịu khổ nạn. Chúa sẽ cứu nhân loại khỏi bệnh câm điếc về tinh thần bằng cái chết treo trên thập giá, một điều khiến cho chẳng có ai có thể ngờ trước được.

9/ Muốn nhận ơn cứu độ của Chúa để chữa trị bệnh câm điếc về tinh thần, Chúng ta phải tự hủy mình đi để lắng nghe Lời Chúa, để ca tụng Chúa và thờ lạy vinh quang của Người.

10/ Chúa Giêsu ngước mắt lên trời, kêu một tiếng. Cử chỉ này được giải thích là Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha với một lời cầu xin khẩn thiết, Chúa Giêsu cầu xin với toàn thân của Ngài. Đàng khác cũng nói lên rằng Người rất cảm thương người bệnh.

11/ Khi cầu nguyện cho người đau khổ, chúng ta cần có tâm tình cảm thông, hiệp thông bằng cử chỉ, lời nói và việc làm thích hợp; đồng thời phải biết hướng lòng lên Thiên Chúa với tấm lòng tha thiết nguyện cầu cho họ.

12/ Khi lãnh nhận bí tích rửa tội. Người Ki-tô hữu đã được Chúa mở tai, mở miệng, để chúng ta có thể lắng nghe Lời Chúa và ca tụng Thánh danh Chúa trong cuộc đời của chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở tai con để con biết lắng nghe lời con của Chúa, xin cũng mở miệng con để con biết ca tụng Chúa suốt đời con. Amen.**

 

Thứ bảy, 11/02/2017

Đề tài: HÃY CỘNG TÁC VỚI CHÚA

ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 8,1-10)

1 Trong những ngày ấy, có rất đông dân chúng, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói : 2 “Thầy chạnh lòng thương dân chúng, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn ! 3 Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.” 4 Các môn đệ thưa Người : “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no ?” 5 Người hỏi các ông : “Anh em có mấy chiếc bánh ?” Các ông đáp : “Thưa có bảy chiếc.” 6 Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho dân chúng. 7 Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn luôn cá nữa. 8 Dân chúng đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa : bảy giỏ !9 Số người ăn độ chừng bốn ngàn người. Người giải tán họ. 10 Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.

SUY NIỆM

1/ Một Giáo lý viên hỏi một bạn Dự tòng: Điều gì khiến anh theo học lớp giáo lý này? Vì công việc nên tôi thường vắng nhà, mẹ tôi già lại thường hay đau bệnh và cần được chăm sóc. Khi đó, có một nhóm từ thiện công giáo thường đến chăm sóc cho mẹ tôi, vì thế tôi thường tự hỏi: Vì sao những người này lại dám hy sinh như thế? Đạo công giáo đã dạy điều gì khiến họ dám sống quảng đại bác ái như vậy? Sau thời gian tìm hiểu, tôi đã quyết định theo đạo.

2/ Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều và trao cho các Tông đồ phân phát, Chúa muốn chúng ta học hỏi cách làm của Chúa bằng cách đóng góp phần nhỏ để tình yêu Chúa được thể hiện tới tay anh em chúng ta.

3/ Phép lạ xảy ra thường bắt đầu bằng những đóng góp nhỏ mọn, tầm thường nhất của chúng ta, Chúa chỉ cần một chút quảng đại của chúng ta là Người có thể thực hiện những điều kỳ diệu mà ít có ai ngờ tới.

4/ Trong trình thuật thứ nhất phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất (Mc 6,34-44), Chúa thương đám đông vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Còn ở đây, hôm nay (Mc 8,1-10), Chúa Giêsu chạnh lòng thương đám đông vì tình trạng khốn quẩn của họ. Phép lạ hôm nay diễn tả lòng từ bi thương xót của Chúa.

5/ Trong hai trình thuật: Tác giả dùng những từ ngữ giống nhau hay có đặc tính tương đương để miêu tả các động tác của Chúa Giêsu khi Người làm phép lạ: "Cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra....". Nhờ những thành ngữ quen thuộc đó nên cả hai trình thuật nối kết với trình thuật Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể.

6/ Phép lạ hóa bánh lần thứ nhất (Mc 6,35-44): Trong địa hạt Do Thái, cho người Do Thái, Chúa Giêsu đọc lời chúc tụng. Đây là những từ ngữ quen thuộc với người Do Thái, còn dư 12 thúng là kiểu của người Do Thái, con số 12 chỉ dân tộc Israel.

7/ Cộng đoàn đầu tiên của người Do Thái đạo Ki-tô được thành lập chung quanh nhóm 12, như là 12 tổ phụ Israel tiên khởi.

8/ Phép lạ hóa bánh lần hai (Mc 8,1-10): Giữa miền thập tỉnh, vùng lương dân. Đức Giêsu tạ ơn! Từ ngữ quen thuộc với anh em lương dân trong tiếng Hy Lạp.

9/ "Bảy": Là con số của 7 phó tế, những người điều hành đầu tiên của cộng đoàn Hy Lạp. Đây là biến cố rất quan trọng để anh em Hy Lạp gia nhập Ki-tô giáo và tạo cho họ có cảm tưởng là họ cùng chung một bàn tiệc (Cv 6), bàn tiệc do Chúa Giêsu hiến tặng được mở rộng ra đón tiếp mọi người.

10/ Ở xa, đây được hiểu về xa địa lý; nhưng hiểu về tinh thần, đó là anh em lương dân; và hiểu về luân lý, đó là những người xa Chúa do tội lỗi, do khô khan, nguội lạnh. Vì thế Chúa cho những người này tham dự bữa ăn bánh hóa nhiều là dấu chỉ Chúa mời gọi mọi người đến tham dự tiệc cưới nước trời, và ngay từ bây giờ là bàn tiệc Thánh Thể.

11/ Người Môn đệ chia bánh cho dân chúng bằng cách rao giảng Tin Mừng của Chúa cho mọi người, để mọi người đều được dự tiệc Thiên Quốc, vì thế Phụng vụ Lời Chúa, trong Thánh lễ được gọi là bàn tiệc Lời Chúa.

12/ Các Môn đệ cộng tác với Chúa để nuôi dưỡng đám đông. Họ được Chúa sai đi, họ biết rõ những gì cần làm nhưng họ lại thiếu phương tiện => "Nơi hoang địa lấy đâu ra bánh..."

13/ Ngày nay chúng ta cũng luôn gặp như thế: Chúa mời gọi chúng ta cộng tác, chúng ta phải làm hết những gì theo khả năng, còn lại những thứ khác chúng ta thiếu, Chúa sẽ hoàn tất. Chúng ta không được phép ngồi không để đòi hỏi phải đủ phương tiện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con mau mắn đóng góp phần mình vào chương trình cứu độ của Chúa. Amen.**

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2914
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  2030
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11352334
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top