Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 8 Thường Niên A.2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần 8  Thường Niên A (27/02 -> 04/03/2017)

 

Thứ hai, 27/02/2017

Đề tài: GIA TÀI VĨNH CỬU

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Marco (Mc 10,17-27)

17 Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?"18 Đức Giê-su đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ." 20 Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ." 21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." 22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. 23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: "Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!" 24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: "Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa." 26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: "Thế thì ai có thể được cứu?" 27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được."

SUY NIỆM:

1/ Trong Cựu Ước, Vua Salômon là hình mẫu của tuýp người khôn ngoan. Bởi vì nhà vua hiểu rằng: Ai khôn ngoan thì người ấy có thể chiếm hữu được cuộc sống, vì khôn ngoan là kho tàng quý giá nhất.

2/ Chúa đưa ra câu trả lời cho người thanh niên và cho cả mọi người chúng ta, cho tất cả những ai muốn dấn thân bước theo Chúa, muốn làm Môn đệ Chúa và muốn có được sự sống đời đời.

3/ Muốn có được sự sống đời đời. Thường chúng ta phải có một lương tâm ngay lành, phải tuân giữ trọn vẹn các điều răn, con người còn phải từ bỏ tội lỗi; bỏ cái kiểu sống trái với Tin Mừng, bỏ tâm địa sống hẹp hòi, ích kỷ.

4/ Sự từ bỏ ấy chỉ mang lại ý nghĩa và lợi ích khi chúng ta chọn bước theo Ngài. Chính điều này nói lên sự khôn ngoan đích thực mà ta cần có.

5/ Người giàu có thì khó vào nước Thiên Chúa. Giàu có đâu phải là cái tội, khó không phải vì Thiên Chúa không cho vào, nhưng khó vì người giàu thường lấy của cải làm mục đích sống, họ chỉ nhìn vào nó nên không còn khả năng nhìn thấy Thiên Chúa. Vì của cải như bức tường che chắn tầm nhìn khiến cho họ chỉ nhìn thấy sự hào nhoáng của vật chất, của cải.

6/ Một thanh niên trẻ, có chút nhiệt tình, muốn hỏi Chúa Giêsu: Làm sao để có sự sống đời đời”. Anh ta vừa giàu sang, sung túc, nhưng bên cạnh đó anh ta chỉ biết nghĩ đến đời sống trọn lành. Chúa thương vì anh biết lo xa, như vậy anh cũng muốn làm Môn Đệ Chúa vì anh đã giữ được nhiều giới răn. Nhưng anh ta chỉ còn thiếu có một điều, nhưng điều kiện này lại tối cần nếu muốn làm Môn Đệ Chúa.

7/ Chính điều kiện cuối cùng đã làm anh chùn bước, anh không chấp nhận được chỉ vì anh là người giàu có, nên anh đã buồn bã rút lui.

8/ Câu chuyện kể đến đây đã có một kết cuộc rõ ràng: Giữa Chúa và của cải, giữa đời sống trọn lành và tiện nghi vật chất, anh đã chọn của cải, anh đã chọn tiền.

9/ Bài học tiếp theo, Chúa Giêsu đề cập đến vấn đề tiền của và sự giàu có. Chúa buồn bã khi cho biết: Người giàu có khó vào nước Trời như con lạc đà chui qua lỗ kim.

10/ Đây chỉ  là kiểu nói sánh ví thôi, để chỉ một việc làm rất khó. Việt Nam cũng có một câu mang ý nghĩa tương tự: “Đội đá vá trời”, “Tát biển đông cũng cạn”. Ý nghĩa Chúa muốn nói khó lắm chứ không phải hoàn toàn bó tay hay hoàn toàn bất lực.

11/ Chúa không bao giờ lên án kẻ có tiền hay lên án tiền của. Chúa quá biết đồng tiền đi liền khúc ruột, cần có tiền mới có thể sống tốt, có thực mới vực được đạo, Chúa chỉ lên án kẻ ham mê tiền bạc quá mức.

12/ Tiền của dễ làm cho lòng người ra đen bạc, khó vào nước Trời. Tiền rất tốt khi nó làm ích cho con người, nó chỉ xấu khi ta sử dụng vào mục đích xấu.

13 Vì tiền người ta có thể dễ dàng đánh mất lý tưởng cuộc đời, đánh mất niềm tin. Vì tiền người ta có thể làm điều bất chính, tội ác, vì tiền có thể quên cả Chúa, chối cả đạo, giết chết cha mẹ, anh em, bà con thân thuộc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con có tiền để sống, xin cũng ban cho con sử dụng tiền cho đúng ý nghĩa. Amen.**

 

Thứ ba, 28/02/2017

Đề tài: HY SINH CHỈ MỘT, ĐƯỢC ĐỀN GẤP TRĂM

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Marco (Mc 10,28-31)

28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!" 29 Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. 31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu."

SUY NIỆM:

1/ Người thanh niên hỏi Chúa Giêsu có cách nào giúp anh sống hạnh phúc. Chúa hỏi anh về các luật Moisen, anh đã chu toàn, thế nhưng muốn được hạnh phúc thì phải biết thi ân giáng phúc => Đó là việc làm bác ái.

2/ Từ bỏ tất cả là điều kiện để bước theo Chúa Giêsu, đây là cách từ bỏ triệt để nhất. Theo như lời Chúa Giêsu: Hãy từ bỏ mình, vác Thập Giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Từ bỏ chính là con đường Tin Mừng, mà con đường Tin Mừng luôn luôn hẹp, con đường này lại dẫn đưa ta về nước Trời.

3/ Người đời chỉ bỏ cái này để lấy cái kia khi biết cái kia giá trị hơn cái này. Người ta thường từ bỏ khi đã chán chê, thế thì từ bỏ kiểu đó không có giá trị gì.

4/ Ở đây Chúa Giêsu kêu gọi các Môn Đệ hãy từ bỏ mọi sự vì Tin Mừng. Muốn việc từ bỏ có giá trị, muốn từ bỏ mà lòng vẫn vui thì tôi phải yêu Chúa và chọn Tin Mừng hơn tất cả mọi thứ khác.

5/ Chúa Giêsu bảo các Môn Đệ: Ai muốn theo Chúa thì phải từ bỏ tất cả và sẽ được đền bù gấp trăm, và Chúa kết thúc bằng câu: Có nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.

6/ Để trả lời một câu hỏi thắc mắc của Thánh Phê-rô: “Thầy coi, chúng con đã từ bỏ mọi sự mà theo Thầy…”. Chúa Giêsu đã nêu ra một loạt các loại từ bỏ và Chúa trả lời rằng: “Từ bỏ như vậy sẽ được gấp trăm”.

7/ Ở đây Chúa không muốn giải thích vấn đề này theo kiểu toán học, nhưng ở đây chúng ta cần hiểu theo nghĩa phẩm chất. Một ví dụ: Từ bỏ cha mẹ không thể hiểu là sẽ được một trăm cha mẹ, nhưng phải hiểu là sẽ được điều quý giá hơn cha mẹ, đó là cộng đoàn anh em sống hiệp nhất trong Đức tin. Bằng chứng là Cộng đoàn tín hữu ở Yerusalem mà Sách Công Vụ đề cập như là một Cộng đoàn mẫu lý tưởng.

8/ Trong Cộng đoàn mẫu này, người ta sẽ cảm nhận được sự gấp trăm ấy, tức là tình thương và sự chia sẻ huynh đệ chân thành thắm thiết. Hơn nữa, được gấp trăm còn có nghĩa là được hạnh phúc nước Trời, mà ở trần gian không thể có thứ gì quý giá bằng.

9/ Sau khi Chúa bảo cho các Môn đệ biết phần thưởng là sự đền bù thật xứng đáng dành cho những người bỏ mọi sự mà theo Chúa. Sau đó Chúa lưu ý rằng: Có nhiều người đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót,…

10/ Ở đây Chúa muốn nói đến giá trị thật quan trọng ở sự bền đỗ, vì ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi.

11/ Ở đời chúng ta thường nghe nói: “Đầu xuôi đuôi lọt”. Câu này có thể đúng ở nhiều phạm vi, nhưng lại không hoàn toàn đúng ở phạm vi ơn cứu rỗi. Có những người đầu thì không xuôi nhưng đuôi lại lọt, vì kẻ được gọi thì nhiều nhưng được chọn lại ít. Có kẻ thì trước tốt, sau xấu; và ngược lại, ở trên Thiên Đàng thì lại có khối kẻ trước xấu sau tốt.

12/ Điều quan trọng là ở mức cuối cùng thì chúng ta là tốt hay xấu. Để được như vậy, đòi hỏi chúng ta phải kiên trì, bền đỗ đến cùng. Bản tính con người hay thay đổi, có mới nới cũ, ưa chuộng hào nhoáng, dễ theo thị hiếu của mình mà quên mất mục đích chính yếu của mình.

13/ Nhiều người ỷ y khi nói rằng: Cứ việc sống thoải mái rồi sau đó ăn năn cũng không muộn. Có ai dám bảo đảm khi đã sa đà trong lầm lạc, sau đó chúng ta có thể tự tin quay lại con đường thánh thiện? Ai dám bảo đảm là mình có đủ nghị lực, đủ ơn Thánh để quay đầu trở về? Ai bảo đảm mình có thể ăn năn để sửa đổi?

14/ Trên con đường chinh phục nước Trời  luôn luôn gặp phải muôn vàn khó khăn vất vả. Đừng cho rằng nước Trời có thể dễ dàng chinh phục trong khoảnh khắc, mà nó là một công trình đòi hỏi mất rất nhiều thời gian, nhiều công sức, nhiều sự kiên nhẫn bền bỉ. Như lời Chúa Giêsu nói: Ai bền đỗ đến cùng thì kẻ ấy mới được cứu thoát.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con tràn ngập tình yêu Chúa để con có thể quảng đại từ bỏ mọi sự và bước theo Thầy chí thánh đến cùng. Amen.**

 

Thứ tư, 01/03/2017

LỄ TRO – GIỮ CHAY & KIÊNG THỊT

Đề tài: HÃY NHỚ MÌNH LÀ BỤI TRO

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 6,1-6.16-18)

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả : chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em : chúng đã được phần thưởng rồi. 6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16 “Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả : chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”

SUY NIỆM:

1/Trong Cựu Ước, việc xức tro và mặc áo nhám dùng để biểu lộ lòng thống hối của mỗi cá nhân, hay toàn thể cộng đồng con cái Israel. Tro ám chỉ thân xác chúng ta khi chết rồi, sẽ trở thành bụi tro (St 3,18-27/ G34,17).

2/Hôm nay Chúa Giêsu dạy 3 điều tiêu biểu mà người Do Thái cần làm, đó là: Cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí. Ba điều này dùng để diễn tả 3 chiều kích sống đạo. Cầu nguyện là tạo mối tương quan giữa bản thân mình với Chúa . Ăn chay là lo lắng cho phần rỗi của mình. Làm phúc bố thí là mối tương quan giữa bản thân mình với anh em chung quanh.

3/Chúa Giêsu còn nhấn mạnh rằng: ba việc trên chỉ có ý nghĩa khi chúng ta làm việc đó với tinh thần khiêm tốn và kín đáo. Kín đáo không có nghĩa là không minh bạch, nhưng là làm với sự thật tâm và vì lòng yêu mến Chúa.

4/Hôm nay Giáo hội cử hành nghi thức xức tro lên đầu những con người phạm tội công khai. Những người này được mời ra trước cộng đồng, tự tay bốc nắm tro bỏ lên đầu và xoa cho đầu mình thành nhơ bẩn. Đây là hình thức khiêm tốn công khai, nó biểu lộ lòng ăn năn sám hối.

5/Cùng với thời gian và các cuộc canh tân đổi mới trong Giáo hội nên việc xức tro lên đầu trước cộng đồng không còn nữa. Hôm nay Giáo hội cử hành nghi thức này mang ý nghĩa rằng: không phải chỉ những người phạm tội công khai mới xức tro mà phải là toàn thể mọi người, vì ai trong chúng ta cũng có tội và ai cũng cần ăn năn sám hối.

6/Tuy rằng Linh Mục và Thừa tác viên chỉ xức lên đầu chúng ta một ít tro, nhưng ý nghĩa của việc xức tro vẫn đầy đủ như trước, nói lên ý chí mỗi người là ai cũng muốn ăn năn sám hối, tự nhận mình là người tội lỗi và quyết tâm đổi mới đời sống.

7/Lễ tro nhắc chúng ta bước vào một mùa Phục vụ mới, vì lễ tro là khởi điểm của Mùa chay kéo dài 40 ngày. Theo công đồng Vatican II, thì đặc tính của Mùa chay là sám hối, và sám hối không mang hình thức bên ngoài mà nói lên phần nội tâm của mỗi người khi biết quay trở về với Chúa.

8/Tại sao phải trở về ? Phải trở về với Chúa vì Ngài là Đấng nhân hậu và yêu thương, Ngài lúc nào cũng yêu thương và muốn ban ơn tha thứ. Trước khi trở về với Chúa, chúng ta phải trở về với chính bản thân mình, vì mình là tội nhân, do tội lỗi là khuynh hướng xấu, biết mình xấu để sửa đổi, cần ăn năn để thăng tiến hơn.

9/Trở về với bản thân để nhận ra mình xấu xa, trở về với Chúa để nhận ra Chúa đáng tôn trọng, yêu thương, trở về với tha nhân để đền bù tội lỗi. Thay vì giam hãm mình trong nơi khép kín, trong đố kỵ, trong nhỏ nhen, Chúa gọi chúng ta hãy đến với anh em để biết cảm thông, tha thứ, để biết san sẻ, chia sớt. Vì chỉ ai sống bác ái mới xứng đáng được Chúa ban ơn tha tội.

10/Trở về với Chúa là việc chúng ta phải làm mỗi ngày, đặc biệt là trong Mùa chay. Ước gì Mùa chay là dịp để chúng ta cầu xin ơn Chúa để thay đổi cách sống và cũng là thay đổi số phận cuộc đời mai sau của chúng ta.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin giúp con chừa bỏ nết xấu và làm việc đền tội cho cân xứng với những gì chúng con đã phạm. Amen.**R

 

Thứ năm, 02/03/2017

Đề tài: ĐAU KHỔ CHỈ VÌ YÊU THƯƠNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Luca (Lc 9,22-25)

22 Chúa  nói: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."

23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?

SUY NIỆM:

1/  Người đàn bà vì muốn cứu mạng con mình, bà đã cứu được đứa con nhưng chính bà đã phải chết.

2/  Chúa Giêsu biết rõ: Người sẽ mất mạng nếu đi vào con đường khổ giá, nhưng Chúa đã chấp nhận mọi đớn đau, sỉ nhục để cứu mạng nhân loại chúng ta, để chúng ta được sống đời đời.

3/  Hôm nay Chúa Giêsu cũng kêu gọi mọi người Kitô hữu đi theo con đường Ngài đã đi, qua việc vác Thập Giá, là chấp nhận những vất vả, khó khăn hằng ngày, bằng một tâm tình yêu mến, phó thác, nhờ đó chúng ta có thể mang lại hạnh phúc cho tha nhân.

4/  Chính Chúa Giêsu vừa loan báo cái chết của chính mình: Vì bị người ta lên án và giết chết. Đây là điều kiện mà Chúa đòi hỏi những ai muốn đi theo để làm Môn Đệ. Cũng chính con đường đó, tùy theo hoàn cảnh đòi hỏi thì người Môn Đệ cũng phải dám chết đi để làm chứng.

5/  Làm chứng là chứng tỏ mình luôn trung tín với Chúa.  Việc trung tín này phải minh chứng bằng 3 mệnh lệnh: Từ bỏ mình, vác Thập Giá của chính mình, hy sinh cả mạng sống mình.

6/  Từ bỏ mình không có nghĩa là ghét mình, bởi vì Chúa cũng đã dạy: Yêu người lân cận như yêu chính mình (Lc 10, 27). Từ bỏ mình là không tập trung mọi thứ về mình, vác Thập Giá của riêng tôi, thứ Thập Giá mà đời đã áp đặt cho tôi, tôi chẳng cần phải mơ một thứ Thập Giá nào khác, cũng không nên nghĩ ở đây là sự tự hành hạ mình, nhưng phải xác tín rằng: Tôi không thể yêu Chúa nếu tôi không tự hy sinh một chút gì đó cho Chúa, nếu tôi không trải qua đau khổ thì tôi không phải là Môn Đệ đích thực của Đức Kitô.

7/  Kẻ nào tìm an toàn trong cuộc sống hôm nay thì không khác gì người phú ông khờ dại, vì ông ta không thừa hưởng được một cuộc sống viên mãn trong thế giới mới đang đến.

8/  Chúa còn căn dặn rõ ràng: Ai phó thác tương lai đời mình cho Chúa, ai hy sinh mạng sống mình cho kẻ khác vì Chúa Kitô, thì sẽ lãnh nhận được chính sự sống của Thiên Chúa.

9/  Chúa còn khuyến khích các Môn Đệ nên trung thành cho đến chết vì đạo, và lời khẳng định tiếp theo ý Chúa muốn nói: Con người không phải là chủ nhân, nhưng chỉ là hạng tôi tớ. Hãy nhìn vào dụ ngôn ông nhà giàu khờ dại, cho nên tiền bạc và quyền bính không có gì để bảo đảm an toàn cho những ai đang nắm giữ nó vào giờ chết đâu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn trung thành bước đi theo Chúa trên con đường Thập Giá, để con cũng được thông phần sự sống vĩnh cửu mai sau. Amen.**

 

Thứ sáu, 03/03/2017

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mattheu. (Mt 9,14-15)

Đề tài: HÃY VUI KHI CÒN CHÀNG RỂ

14 Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? "15 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.

SUY NIỆM:

1/Theo quan niệm của người Á Đông thì hôn lễ là ngày đại hỷ, là ngày đặc biệt chứa chan niềm vui. Những vị khách mời là những người đến để chia vui và cũng là những người đến để góp phần tạo niềm vui cùng với cô dâu, chú rể. Vì thế nếu khách mời mà lại giữ chay trong ngày này thì không phù hợp tí nào.

2/Để trả lời các câu hỏi của ông Yoan: Tại sao các Môn Đệ của Thầy Giêsu lại không ăn chay ? Chúa Giêsu liền kết hợp giữa 2 hình ảnh ăn chay và tiệc cưới. Trong tiệc cưới, chàng rể là trung tâm, là động lực để khách dự tiệc đến trao cho nhau tình yêu chân thành, thân thiết và quý mến nhất với tâm tình tràn ngập niềm vui.

3/Qua cuộc sánh ví hôm nay, Chúa muốn chúng ta quy chiếu toàn thể cuộc sống của chúng ta về Người. Vui mừng vì được sống cùng Người, khi phải xa Người vì tội lỗi thì phải mau mau ăn năn sám hối để được gặp lại Người.

4/Hôm nay chúng ta đang sống đạo thế nào ? Đang gần gũi hay đang xa cách Chúa ? Nếu vì một lý do nào đó mà chàng rể bị đem đi khỏi tâm hồn tôi, thì việc ăn chay sám hối là phương thế duy nhất để tôi được quay lại với tình yêu của Ngài.

5/Nhân cuộc tranh luận về ăn chay, Chúa muốn bộc lộ bản thân và sứ mạng của Ngài cho mọi người cùng biết. Lý do là vào ngày này Môn Đệ của Yoan và đám Phariseu cùng ăn chay, nhưng Môn Đệ của Chúa thì không. Đây có lẽ là cử ăn chay một ngày trong mỗi tuần của họ, họ thấy Môn Đệ Chúa không ăn chay nên mới chất vấn Chúa.

6/Chúng ta thấy Chúa không trả lời cho họ theo kiểu bình thường mà trả lời bằng một ý nghĩa cao siêu hơn. Câu trả lời của Chúa hôm nay vừa là Dụ Ngôn vừa là ám ngôn khi Chúa đem câu chuyện tiệc cưới ra để so sánh.

7/Chúng ta biết tiệc cưới Do Thái thường kéo dài 1 tuần lễ, dĩ nhiên trong những ngày ấy thì khách mời không phải ăn chay. Chúa tự coi mình là chàng rể. Chúng ta nên biết rằng trong Cựu ước, Thiên Chúa so sánh mình là chàng rể và dân Israel là cô dâu. Như thế khi Chúa Giêsu tự nhận mình là hình ảnh mà Cựu ước vẫn dùng để nói về Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn mạc khải cho chúng ta biết, cũng như chính Ngài đã tuyên bố Ngài chính là Thiên Chúa đã đến ở giữa lòng loài người.

8/Chúa Giêsu đã trả lời bằng một cách so sánh rất xúc tích, có nghĩa là Ngài đã tự mạc khải mình về bản thân, về sứ mạng của Ngài. Chúa ngầm nói cho họ biết rằng: sao lại bắt các Môn Đệ của Tôi ăn chay giống như các anh, họ đang dự tiệc cưới mà, chính Tôi là chàng rể đây, chàng rể mà dân Israel trông chờ, bao lâu Tôi còn ở đây thì họ đâu cần phải ăn chay.

9/Các anh ăn chay là để trông chờ Đấng Messia, còn Môn Đệ của Tôi đã nhận ra Tôi là Đấng Messia. Vì vậy nếu họ cũng ăn chay để trông chờ đấng Mesisa như các anh thì thật là phi lý. Cũng như thực khách đang dự tiệc cưới mà lại phải ăn chay vậy. Chờ khi nào tôi bị giết, lúc đó họ ăn chay, than khóc cũng chưa muộn mà .

10/Chúa Giêsu không phủ nhận việc ăn chay, nhưng Chúa muốn nói cho người Phariseu biết: người mà họ đang trông chờ đã đến rồi, đó chính là Ngài. Đối với chúng ta hôm nay thì điều đó đã quá rõ, Chúa Giêsu chính là Đấng Messia, đấng thiên sai, đấng cứu thế. Ngài đến để hướng dẫn chúng ta đi vào thế giới của ân sủng, của lòng xót thương tha thứ tràn đầy.

11/Điều chúng ta cần nhớ là: Chúa vẫn chờ đợi chúng ta bước ra khỏi đám bùn nhơ tội lỗi, thoát khỏi những nết xấu ràng buộc bằng cách giúp chúng ta tỏ lòng sám hối chân thành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã tự ví mình như chàng rể trong tiệc cưới, xin giúp chúng con biết quý trọng hy tế thánh lễ, để chúng con luôn dọn lòng rước Chúa vào lòng cho xứng đáng. Amen. **R

 

Thứ bảy, 04/03/2017

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca. (Lc 5,27-32)

Đề tài: CHÚA GIÊSU CHỈ ĐẾN VÌ NGƯỜI TỘI LỖI

27 Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! "28 Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. 29 Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài.30 Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: "Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi? "31 Đức Giê-su đáp lại họ rằng: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.32 Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn."

SUY NIỆM

1/Mục đích Chúa Giêsu là bỏ trời để tìm cách cứu con người, Ngài luôn mời gọi chúng ta. Vậy nếu chúng ta muốn được hạnh phúc vĩnh cửu, chúng ta hãy tìm kiếm Chúa mỗi ngày.

2/Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa và ông Levi: “Hãy theo Tôi”. Ông đã đứng dậy, từ bỏ mọi sự đi theo ngay. Cách Chúa gọi và cách ông đáp trả quá đột ngột, cả hai cùng có tính cách quyết liệt.

3/Levi đã diễn tả niềm vui của ông bằng một bữa tiệc, trong đó ông mời hết bạn bè đồng nghiệp để chia tay và cũng để giới thiệu Đức Giêsu chọ họ.

4/Bữa tiệc này khiến cho đám Kinh Sư và Phariseu nóng mặt nên lẩm bẩm trách móc Chúa. Nhưng Chúa cho họ biết: Ngài là một lương y, chuyên chữa lành cho các bệnh nhân, Ngài đến đây không ngoài mục đích nào khác, Ngài đến để đón nhận kẻ tội lỗi, chữa lành họ, chứ không phải để lên án, để phán xét, để loại trừ họ.

5/ Trong mùa Chay Thiên Chúa muốn ngỏ lời mời gọi chúng ta, cũng là mùa để chúng ta lắng nghe lời mời gọi của Chúa. Chúng ta hãy mau đến để lãnh nhận ơn chữa lành, ơn cứu độ.

6/Levi trong bài Tin Mừng chính là Thánh Mattheu, là một người thu thuế, là kẻ thù của người Do Thái. Người thu thuế có tội là lạm dụng quyền hạn để đánh thuế và thu nhiều hơn luật định, họ làm giàu cho chính mình cách bất chính .

7/Người thu thuế là người cộng tác với đế quốc để bóc lột đồng bào mình. Khi Chúa nhìn thấy Mattheu, Chúa nhìn ở khía cạnh khác, Chúa đã khám phá ra điểm tích cực nơi con người của ông chứ không nghi kỵ, không vơ đũa cả nắm. Chúa quăng một cái phao để cứu ông khỏi chết đuối, và đúng như lòng tin tưởng của Chúa, ông đã dứt khoát đứng dậy, từ bỏ chỗ ngồi hái ra tiền để đi theo Chúa.

8/Điều này chứng tỏ lương tâm ông vẫn còn rất bén nhạy, cho dù đang sống trong tội nhưng ông vẫn đem lòng trí lên tưởng nhớ đến Chúa và đợi cơ hội để quay trở lại. Hôm nay dịp may đã đến, ông không muốn trể hẹn vì bất cứ lý do gì, cho dù là quyền thế hay sự giàu sang phú quý. Ông đã chấp nhận đi theo một con người mà không hề nghĩ đến tương lai đời mình sẽ đi về đâu.

9/Với một cái nhìn quảng đại, một câu nói đánh động lương tâm. Chúa Giêsu đã có thể biến thù thành bạn, biến kẻ mánh mung gian dối thành Môn Đệ, biến một đôi tay chuyên dùng để đếm tiền, để bòn rút trong túi người dân lành, một khối óc mánh mung bất chính, trở thành một con người nhiệt tâm lo việc nhà Chúa và viết Tin Mừng.

10/Chẳng những Chúa có cái nhìn đối với cá nhân, mà Chúa còn có cái nhìn khoan dung với cả tập thể khi Chúa tiếp xúc và ngồi ăn uống với những người bị xã hội thời đó loại bỏ, khinh thường và coi họ như phường tội lỗi.

11/Trong bài Tin Mừng, Chúa biện minh một cách hết sức hợp lý cho hành động của mình khi ví mình như một y sĩ, một thầy thuốc tốt phải tìm đến bệnh nhân trước, điều cần làm nhất của một thầy thuốc là phải có cái nhìn tích cực về họ, phải tin tưởng người nào cũng có khía cạnh tốt, những đức tính hay, và ai dù tội lỗi thế nào cũng đều có thể hoán cải, ai dù thế nào cũng được Thiên Chúa yêu thương.

12/Chúa Giêsu luôn có cái nhìn cảm thông và tích cực với mọi người. Chúa luôn hòa đồng chứ không xa lánh ai, và luôn mong muốn đưa họ trở về với Thiên Chúa. Chúng ta hãy noi gương Chúa về điều này, đừng thành kiến, đừng phân cách, đừng chụp mũ, đừng kết án ai, cũng đừng đóng cửa rút cầu, hãy cho anh em mình một cơ hội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con một đôi mắt sáng, có đôi tai thính để con có thể nhìn thấy điểm tốt nơi anh em con, để con có thể nghe tiếng Chúa gọi vào bất cứ lúc nào, và có tấm lòng rộng mở để đón nhận mọi người dù họ có điểm khác biệt. Xin cho con luôn sống bằng tâm tình yêu thương của Chúa. Amen. **R

 

 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 2677
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  5
 Hôm nay:  1858
 Hôm qua:  2348
 Tuần trước:  18164
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11397916
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top