Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 10 Thường Niên - C 2016 / Giuse Luca

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7  /  Tuần 10  Thường Niên C (06/06 -> 11/06/2015)

 

Thứ hai, 06/06/2016

Đề tài: TÁM CÁNH CỬA ĐỂ VÀO NƠI HẠNH PHÚC       

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 5,1-12)

1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2 Người mở miệng dạy họ rằng: 3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. 4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. 5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. 8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. 9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. 11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. 12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

SUY NIỆM:

1/ Thánh Nữ Monica đã có một đời sống đau khổ vì chồng, vì con, nhưng Thánh Nữ vẫn tha thiết cầu nguyện để kiên nhẫn chịu đựng. Nhờ đó, về cuối đời, người chồng đã đón nhận đức tin Công giáo, còn người con trai thì đã bỏ lạc giáo để trở về với Chúa.

2/ Cuộc đời con người luôn gặp phải những trái ý, bệnh tật, tuổi già, nghèo đói, lao động vất vả và cái chết. Đó là những Thánh Giá cuộc đời.

3/ Chúa Giêsu không muốn chúng ta trốn tránh những thực tại trần thế. Nhưng dám chấp nhận những đau khổ vì Ngài, nhờ đó Ngài sẽ ban nhiều ơn phúc cho ta.

4/ Cuộc đời ai cũng bị Thánh Giá đè nặng, nhưng Chúa Giêsu hứa sẽ nâng đỡ những ai trông cậy Người. Chúa hứa sẽ ban ơn an ủi nâng đỡ họ.

5/ Thánh Nữ Monica đã đến với Chúa trong những lúc khổ đau. Chúng ta hãy tin tưởng và phó thác vào quyền năng của Chúa bằng cách kiên trì cầu nguyện.

6/ Như vậy: Những ai chịu đón nhận khổ đau bằng niềm tin phó thác vào Chúa, đây cũng là cách chúng ta học ở Chúa để biến những sầu khổ trong cuộc đời, thành hạnh phúc vĩnh cửu.

7/ Bài giảng này thường được gọi là bài giảng trên núi, vì hôm đó Chúa Giêsu ngồi trên đám cỏ xanh của một vùng núi đồi, giữa một đám đông dân chúng.

8/ Chúa muốn cho loài người biết, muốn đạt được hạnh phúc thật của Ngài thì con người cần phải làm gì? Chúa cũng nói rõ cho biết: Có tám cách, có tám phương thế, cho nên chúng ta thường gọi đây là Tám Mối Phúc Thật.

9/ Phúc thứ nhất: Phúc cho kẻ có tâm hồn nghèo khó, nghèo khó trong tinh thần là đừng để cho lòng mình tôn thờ tiền của vật chất, sử dụng tiền sao cho đúng. Giàu có thì phải biết chia sẻ của cải cho người khác, không nên hưởng thụ cách ích kỷ, nghèo nhưng không than van, phàn nàn, nhưng luôn trông cậy vào Chúa.

10/ Phúc cho kẻ hiền lành, hiền hòa, dễ thương, dễ mến. Là người biết loại bỏ tự ái cá nhân, sẵn sàng cảm thông tha thứ, cho dù có bị oan ức, thiệt thòi, không tức giận, phẫn nộ với bất cứ ai.

11/ Phúc cho kẻ khóc lóc: Không phải là phúc cho ai hay khóc và mau chảy nước mắt, nhưng là phúc cho ai biết khóc than vì lầm lỗi của đời mình. Hoặc biết đem đau khổ đời mình dâng lên cùng với đau khổ của Chúa Giêsu hoặc là biết rung động trước những đau khổ của kẻ khác.

12/ Phúc cho ai biết thương xót: Tức là biết thương người như thể thương thân, là con người nhân từ, rộng rãi, quảng đại biết lấy lá lành đùm lá rách, biết cho hơn nhận, biết khóc cùng kẻ khóc, họ có tấm lòng tốt như Thiên Chúa.

13/ Phúc cho kẻ khao khát sự công chính: Là khao khát được thờ phượng Chúa trong tinh thần và trong chân lý, là luôn đi tìm Thánh Ý Chúa, là biết đi tìm nước Trời trước hết.

14/ Phúc cho kẻ có lòng trong sạch: Sạch tự đáy lòng, lòng tốt sinh ra tư tưởng tốt và việc làm tốt, là người có lòng công chính Thánh thiện trước Thiên Chúa, trước mọi người chứ không chỉ có vẻ bên ngoài.

15/ Phúc cho kẻ gây ra sự hòa thuận: Hòa thuận có 2 chiều như cây Thánh Giá, chiều đứng giữa Thiên Chúa với con người lầm lỗi, giữa tội nhân với Thiên Chúa, chiều ngang là làm hòa với anh em. Công thức của sự bình an là như thế.

16/ Phúc cho ai đau khổ vì đạo ngay: Ở đời luôn có nhiều cái khổ, nhưng chỉ có đau khổ nào hòa hợp với đau khổ của Chúa Yesu , chỉ có đau khổ nào vì Chúa và vì Tin Mừng thì mới có giá trị và đáng được Thiên Chúa chúc phúc.

Cầu nguyện: lạy Chúa ,xin ban cho con ngọn lửa yêu mến để con dám sống đúng bản chất Kyto hữu của mình là dám làm chứng cho Chúa suốt cuộc đời con , amen /

 

Thứ ba, 07/06/2016

Đề tài: BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI KI-TÔ HỮU

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-to theo Thánh Mattheu (Mt 5,13-16)

13 "Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.14 "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời. 

SUY NIỆM:

1/  Nhiều người có đạo, sau một thời gian sống đạo, lại muốn bỏ đạo.  Nhiều người ngoại giáo có cảm tình với đạo, nhưng sau một thời gian tiếp xúc với người có đạo, thì họ lại thôi.

2/ Lý do là vì họ thấy người công giáo sống cũng chẳng tốt lành gì. Chỉ nghe họ đọc kinh như con sáo, nhưng khi sống đạo thì cũng ăn gian nói dối, độc ác, bất công, lừa đảo chẳng thua kém ai.

3/ Câu chuyện trên đây cho thấy các nhân chứng luôn sống phản lại Tin Mừng đã gây tác hại xấu lên những người khác. Chúng ta không thể làm sáng danh Chúa, nếu cứ sống ích kỷ, khinh ghét người nghèo khổ và sẵn sàng loại trừ lẫn nhau.

4/ Hôm nay qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho biết: Bản chất con người Ki-tô hữu là muối, là ánh sáng của Thiên Chúa giúp cho người đời nhận ra Thiên Chúa là chân lý, là Đấng giàu tình thương, là ơn cứu độ, là nguồn hạnh phúc.

5/ Người khác sẽ nhận biết chúng ta là muối, là ánh sáng qua lời nói và hành động bác ái yêu thương. Và nếu một Ki-tô hữu sống đúng với bản chất của mình là khi chúng ta sống đúng với giáo huấn của Tin Mừng.

6/ Chúa Giêsu dùng 2 biểu tượng, hai Dụ Ngôn ngắn để nói lên bản chất và sứ mệnh của người Ki-tô hữu đó là: Muối và ánh sáng, Anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian.

7/ Muối là nước biển cô đặc, vị mặn, tính hàn. Muối là một vị tối cần cho cơ thể con người và cho các loài động vật có vú, người Do Thái dùng muối rắc vào phân lạc đà làm chất đốt, tốt nhất là muối ở biển chết vì có nhiều Clorua Magnesium.

8/ Chúng ta thì dùng muối để nêm đồ ăn cho các vị mặn mà. Muối để ướp đồ ăn cho khỏi hư thối, trong y học người ta dùng muối để bảo vệ sinh tố, làm thuốc thang cho tiêu hóa và thận. Kinh Thánh dành nhiều cảm tình cho muối.

9/ Trong Cựu Ước, muối tượng trưng cho sự trung thành của Thiên Chúa. Trong sách Dân Số nói Thiên Chúa Yave đã ký kết một khế ước bằng muối.

10/ Trong Tân Ước, Chúa Giêsu nói: Anh em là muối cho đời, muối ở đây có 2 ý nghĩa: Thứ nhất là thêm sức sống ơn Thiên Chúa (thêm hương vị), thứ hai là bảo vệ đồ ăn khỏi hư: bảo vệ chân lý hằng sống.

11/ Người Ki-tô hữu sống giữa trần gian như con diều tung bay giữa bầu trời, mà cái dây vẫn bị buộc chặt ở mặt đất. Chúng ta là con cái Chúa cũng vừa là một phần tử trong xã hội loài người mà chúng ta đang sống.

12/ Chúng ta sống ở đời này với vai trò là muối đất, là người đại diện cho Thiên Chúa. Nhưng trên hết, chúng ta là công dân nước trời, là con cái Thiên Chúa, cho nên chúng ta không được quên lối về trời. Thánh Phao dặn: Chúng ta sống ở trần gian như lữ khách, nhưng định mệnh là chúng ta phải về trời.

13/ Cho nên dù đi đâu, dù sống ở đâu, chúng ta cũng phải như là muối mặn, chúng ta phải luôn thêm hương vị cho đời như những con én bay lên làm tăng niềm vui cho mùa xuân.

14/ Chúng ta càng sống càng phải thêm khôn ngoan, thêm nhân đức như Chúa Giêsu, là thêm sức sống, thêm hy vọng, thêm tình yêu cho gia đình, cho thôn xóm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm lửa mến vào trong lòng con, để con dám sống đúng với bản chất Ki-tô giáo của mình là làm chứng cho Chúa mỗi ngày. Amen.

 

Thứ tư, 08/06/2016

Đề tài: LỀ LUẬT VÌ CON NGƯỜI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 5,17-19)

17 "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời. 

SUY NIỆM:

1/ Một ông lão đói quá, đã ăn cắp một ổ bánh mì, người ta đem đến cho ông thị trưởng NewYork xử. Theo luật thời đó, ông lão phải chịu phạt 10 đô-la, ông thị trưởng đã bỏ ra 10 đô nộp phạt cho ông lão, sau đó ông thị trưởng đã yêu cầu mỗi người có mặt trong phiên tòa hôm ấy phải nộp phạt 50 xu vì đã để cho một người trong thành phố này nghèo đến mức phải đi ăn cắp. Tổng số tiền thu được, ông thị trưởng đã trao hết cho ông lão.

2/ Người ta đặt ra lề luật là để mang lại sự công bằng và trật tự cho xã hội. Tuy nhiên trong thực tế, người ta đã lợi dụng luật để bắt bẻ và làm khổ lẫn nhau.

3/ Luật Moisen thời đó đề cập đến sự công bằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Chúa Giêsu đã kiện toàn bằng luật yêu thương, do đó luật được lập ra là vì con người, luật để mang lại hạnh phúc cho con người.

4/ Chính Chúa Giêsu đã thực hành luật yêu thương qua việc chữa lành kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong ngày Sabat. Và bằng cái chết thập giá, Chúa đã cứu độ con người, Chúa cũng muốn chúng ta biểu lộ yêu thương bằng hành động như thế.

5/ Chúa Giêsu khẳng định: Anh em đừng tưởng thầy đến để bãi bỏ luật Moisen hoặc lời các Ngôn sứ, nhưng là để kiện toàn.

6/ Từ ngày xưa, ông Moisen đã dạy luật Thiên Chúa cho dân Do Thái. Đến lượt các Ngôn sứ cũng dạy cho họ biết những điều Thiên Chúa muốn truyền dạy, sau đó lại có các kinh sư là những người chuyên môn về kinh thánh, họ đã làm sáng tỏ những điều Thiên Chúa muốn truyền dạy và không quên đặt thêm ra nhiều thứ luật, khi đến thời Chúa Giêsu thì đã có tới 613 điều, nhưng họ đã đi quá lố đến độ đã làm nô lệ cho lề luật vì thế Chúa Giêsu đã nhiều lần khiển trách họ.

7/ Người Phariseu đã hiểu lầm vì tố cáo Chúa Giêsu là vi phạm pháp luật và coi thường truyền thống tổ tiên. Nhưng Chúa đã nói rõ cho họ biết: Chúa đến để kiện toàn, để làm cho mọi người tuân giữ luật lệ một cách hoàn hảo hơn.

8/ Cách Chúa Giêsu kiện toàn: Chúa nhấn mạnh đến giá trị tinh thần của luật lệ, luật Chúa phải bắt đầu từ trong lòng, trong lương tâm chứ không câu nệ vào hình thức bên ngoài. Sau đó, luật còn phải đặt trên nền tảng bác ái yêu thương chứ không nên đối xử với nhau một cách sòng phẳng như là máy móc.

9/ Còn một điều nữa là không nên coi những luật lệ do con người làm ra còn quan trọng hơn luật do Chúa dạy. Rồi như để minh chứng cho sự kiện toàn lề luật chứ không phải để phá bỏ, Chúa Giêsu nói thêm: Dù một chấm một phẩy cũng sẽ không qua đi, bởi vì đó là luật của Thiên Chúa, thì cho dù là điều thật nhỏ mọn thì con người cũng phải tuân giữ. Đó cũng là ý nghĩa của câu cuối cùng của bài Tin Mừng.

10/ Chúa Giêsu nhắc nhở người Do Thái ngày xưa cũng như muốn nhắc nhở tất cả chúng ta ngày hôm nay: Đừng bao giờ coi luật mình đặt ra hơn luật của Thiên Chúa, nếu đã là luật do Chúa truyền thì ta phải tuân giữ đàng hoàng, đầy đủ thì mới hy vọng vào được nước trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đừng vì quá coi trọng lề luật mà nhẫn tâm nhìn người khác nghèo khổ, đói khát. Xin cho con biết yêu thương anh em nhiều hơn, bởi vì bác ái là đã chu toàn mọi lề luật. Amen.

 

Thứ năm, 09/06/2016

Đề tài: THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 5,20-26)

20 "Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

21 "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh,24thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục.26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

SUY NIỆM:

1/Một thần học gia Tin Lành cho rằng: Tha thứ là trả tự do cho chính mình.

2/Thông thường chúng ta chỉ lo việc thờ phượng Chúa mà quên mất bổn phận phải yêu thương tha nhân.

3/Chúa Giêsu dạy: Hãy tha thứ cho anh em mình trước khi muốn cử hành việc thờ phượng Chúa.

4/Người đời cho rằng: Tha thứ là món quà lớn dành cho người được tha thứ. Tuy nhiên cũng có người cho rằng: Tha thứ là món quà dành cho chính người đi tha thứ cho kẻ khác.

5/Của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất chính là lòng yêu thương tha thứ mà chúng ta dành cho nhau.

6/Chúa Giêsu đến thế gian không phải để bãi bỏ lề luật của các Ngôn sứ, nhưng Chúa đến để kiện toàn lề luật, giúp người ta hiểu rõ và giữ đúng lề luật đó.

7/Bài Tin Mừng hôm nay kể lại điều luật mà Chúa Giêsu muốn kiện toàn, đó là cấm giết người. Tội giết người ở vào thời nào cũng là tội nặng, đáng xử án, thời Do Thái cũng cấm tội giết người, tuy nhiên luật pháp cũng chỉ cấm giết người, cấm làm đổ máu mà không đề cập và cấm những nguyên nhân.

8/Luật người xưa lại không cấm những nguyên nhân như là: Hận thù, ghen ghét, giận dữ, vu khống. Trong Tân ước Chúa Giêsu lại xét đến tận gốc của vấn đề, chứ không xét theo hành động bên ngoài.

9/Nghĩa là tòa chỉ cấm hành động như là bạo hành, cố sát. Còn luật Chúa thì cấm ngay từ gốc của vấn đề, cho nên qua hành động giết người thì Chúa cấm sự tức giận vì đó là căn nguyên, là nguồn gốc của vấn đề.

10/Trước con mắt của Chúa, sự sát nhân hay bạo hành chỉ là kết quả của sự giận dữ. Hay nói rõ hơn: giận dữ là nguyên nhân gây ra hành động giết người, cho nên tội giận dữ cũng là tội ngang bằng với tội giết người.

11/Một tội nữa Chúa cũng kể ngang bằng với tội giết người đó là khinh dễ anh em. Nghĩa là rủa sả, mắng chửi anh em là đồ ngốc, đồ khùng, đồ ngu. Các tội này cũng bị Chúa luận xử nặng.

12/Tại sao khinh người lại bị liệt vào tội sát nhân? Thưa, khinh người là muốn làm hại thanh danh, nhân phẩm của họ, làm hại như vậy là làm hại cả sự nghiệp của họ, mà sự nghiệp được lập ra bằng cả cuộc đời họ. Như vậy chúng ta đã phạm tội giết người không cần gươm giáo.

13/Giết người trong phạm vi thân xác mà giết cả trong phạm vi tinh thần, làm cho họ tủi nhục, buồn phiền, chán nản, tuyệt vọng mà chết. Đó là cách làm cho họ chết mau hơn, vì thế Chúa cấm chúng ta không được khinh bỉ, sỉ vả người khác.

14/Chúa là Cha, muốn dạy chúng ta là con cái của Ngài: Hãy làm hòa trước khi những tai họa sẽ xảy ra, đây là một lời khuyên thật quan trọng, chẳng những chúng ta không được hại ai, mà còn không được có tư tưởng hại người khác, mà phải đi trước một bước là làm hòa.

15/Chúng ta hãy mau giàn xếp với nhau cách nhanh chóng và tốt nhất. Chúng ta cần nhớ: con người còn sống là còn phạm lỗi, bao lâu ta còn sống thì ta cần phải tha thứ cho nhau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban ơn hiền lành và khiêm nhường, xin cho con biết lắng nghe, thông cảm và nhẫn nhục, để Chúa ban bình an cho con và con có thể đem bình an đến cho anh em con. Amen.----

 

Thứ sáu, 10/06/2016

Đề tài: NGOẠI TÌNH, NGUYÊN NHÂN VÀ LỖI PHẠM

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Matheu (Mt 5,27-32)

27 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình.28 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.29 Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.30Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.

31 "Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị.32 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.

SUY NIỆM:

1/Thánh Yoan Bosco cho rằng: nguyên nhân của những khổ đau, bệnh tật chính là do tội lỗi. Vậy nếu chúng ta muốn loại bỏ những khổ đau do tội lỗi gây ra và muốn thoát khỏi sự thống trị của chúng ta thì hãy tránh xa mọi nguyên nhân.

2/Chúa mời gọi mọi người phải tránh xa dịp tội, không thể khoan nhượng với chúng cho dù phải mất mát thiệt thòi. Muốn sống theo lời Chúa dạy thì không dễ dàng gì, nhưng nếu chúng ta biết chạy đến với Chúa, xin ơn Chúa trợ giúp thì việc gì chúng ta cũng có thể làm được.

3/Muốn sống đẹp lòng Chúa, ta phải vâng nghe lời Chúa dạy, hãy sống đúng với tư cách là con Chúa, cắt đứt mọi sự thỏa hiệp với tội, nhờ đó chúng ta có thể sống thánh thiện như ý Chúa muốn.

4/Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến tội trong tư tưởng. Đối với giáo huấn của Chúa Giêsu: tội bắt đầu hình thành từ trong tư tưởng, trong ước muốn.

5/Chúa đưa ra một điển hình đó là trường hợp có người nhìn người phụ nữ mà lại ước muốn, thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình với người ấy rồi.

6/Chúa muốn ngăn cản tội từ khi nó vừa hình thành trong ước muốn, chứ không đợi cho tới khi xảy ra hành động, Chúa muốn nhấn mạnh đến cách chúng ta phạm tội bằng tử tưởng xấu dễ dàng nhất chính là do sự nhìn xem.

7/Cái thứ giúp ta nhìn xem sự xấu chính là con mắt. Chúa Giêsu hiểu tâm lý loài người hơn ai hết, Chúa vạch rõ cho chúng ta biết: con mắt là một trong những giác quan dễ đưa chúng ta đến chỗ phạm tội, nhất là tội tư tưởng.

8/Đôi mắt là giác quan tinh tế và cũng tế nhị nhất giúp con người có thể nhìn vạn vật, để xem, để thấy và để xét đoán ngoại vật, con mắt cũng là cơ quan giao cảm tinh tế nhất giữa con người với con người.

9/Con mắt có thể diễn tả tâm tư, tình cảm không phải bằng lời nói, nhưng bằng những nét rất riêng mà chỉ có nó mới có, khiến cho hai người có thể trao đổi tâm ý cũng như tà ý.

10/Nhìn vào đôi mắt, người ta có thể đoán ra thái độ cũng như tâm tính của người đó, chúng ta có thể tạm hiểu được đôi mắt của mình qua bài hát “Đôi mắt” của nhạc sĩ Xuân Hồng, đôi mắt để ghen, để hờn, là cửa ngõ tâm hồn, là tuyệt tác của thiên nhiên.

11/Đôi mắt là chiếc cửa bỏ ngỏ giúp cho thần chết dễ dàng leo qua đó mà vào tâm hồn ta, con mắt luôn luôn đói: “no bụng đói con mắt”, người ta luôn tìm cách để thỏa mãn con mắt.

12/Bao nhiêu cách ăn mặc lộ liễu, gợi tình, xa hoa, khiêu khích. Bao nhiêu bài nhạc, điệu vũ, bức họa, tác phẩm, tiểu thuyết, báo chí, phim ảnh, ca kịch, tivi, video, quảng cáo sự gợi cảm thân xác qua con mắt.

13/Chúa bảo ta phải làm chủ đôi mắt. Phải có kỹ luật sắt, bởi vì con mắt dễ làm cho chúng ta bị vấp ngã, mười thương con mắt hữu tình với ai.

14/Thế gian đầy cạm bẫy, cám dỗ. Nếu một hình ảnh nào đó có thể làm cho chúng ta sa ngã phạm tội, chúng ta hãy can đảm ngoảnh mặt đi, chúng ta đừng để rơm gần lửa rồi cầu xin Chúa cho rơm đừng cháy, đó là liều mình. Các Thánh nhân đã dạy: Đào vi thượng sách, riêng đối với điều răn thứ sáu, hãy xin Chúa cho ta khỏi sa chước cám dỗ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con giữ lòng trong sạch với Chúa và luôn chung thủy với người bạn đời của con. Xin Chúa giúp con mạnh dạn loại bỏ mọi hình ảnh xấu ra khỏi mắt mình, để linh hồn con luôn trong sạch, xứng đáng là nơi Chúa ngự. Amen.----

 

Thứ bảy, 11/06/2016

Đề tài: HUẤN TỪ DÀNH CHO SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO

Kính Thánh Tông Đồ Barnabas

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 10,7-13)

7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.9 Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng.10Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
11 "Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.12Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy.13 Nếu nhà ấy xứng đáng, thì -bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.

SUY NIỆM:

1/ Trước khi bắt đầu sứ mạng công khai truyền giáo, Chúa Giêsu đã kêu  gọi, tuyển lựa một số Môn Đệ, Chúa bắt đầu dạy dỗ, cho các ông chứng kiến các phép lạ, cho các ông thấy việc Chúa làm, nhìn vào gương sáng đời sống của Chúa.

2/ Sau thời gian dài thụ huấn bên Chúa, hôm nay Chúa sai các ông đi thực tập, Chúa cũng nói trước cho các ông biết: việc ra đi rao giảng lời Chúa không phải là một công việc dễ làm, bởi nó vẫn có những bất trắc đi kèm, các ông cần phải hiểu rõ việc mình sắp làm để khỏi phải ngỡ ngàng, thất vọng. Trước khi ra đi, Chúa căn dặn các ông ba điều:

3/ Điều thứ nhất :Rao giảng nước Trời. Đó là nội dung của sứ điệp, đó là loan báo sự xuất hiện của Chúa Giêsu. Có nghĩa là nước Trời đã đến / nước Trời đã đến khi Chúa Giêsu xuất hiện; và qua Ngài, Thiên Chúa sẽ ban hồng ân xuống cho nhân loại / mỗi người hãy chuẩn bị đón nhận hồng ân của Thiên Chúa.

4/ Điều thứ hai: Khi thi hành sứ vụ này, các ông phải hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa.  Nghĩa là người Môn Đệ phải có tấm lòng từ bỏ, phải thoát ly ra khỏi sự kềm kẹp của tiền bạc, các ông sẽ có cuộc sống bấp bênh / như vậy các ông chỉ còn một cách là bám chặt vào Thiên Chúa, là người đã sai các ông đi, tức là phải sống từ bỏ. Hành trang mà các ông mang theo chỉ có niềm tin vào tình thương và Lời của Thiên Chúa, còn những thứ nhu cầu khác thì chỉ nhờ vào lòng hiếu khách của dân chúng.*

5/ Điều thứ ba: Rao giảng Tin Mừng không phải là điều dễ làm. Bởi vì có người chấp nhận, có người không. Vậy đâu là thái độ và cách cư xử của chúng ta ? Chúa dạy rằng: Ai niềm nở đón tiếp thì hãy ở lại với họ, đó là sự kính trọng, sự chân thành và sự biết ơn đối với lòng hiếu khách của họ. Có nơi người ta không chấp nhận mà còn ngược đãi, trong trường hợp này, Chúa cho phép các ông ra đi nơi khác và dũ bụi chân để cho họ biết lỗi lầm bất kính của họ.

6/ Các Tông Đồ nên chấp nhận mọi hoàn cảnh cho dù thành công hay thất bại, lúc nào cũng đều phải nhiệt thành ra đi mở mang nước Chúa, làm cho mọi người biết Chúa.

7/ Mỗi người chúng ta hôm nay sau khi gia nhập đạo bằng phép rửa tội và phép thêm sức. Chúa Giêsu cũng kêu gọi và sai chúng ta ra đi rao giảng nước Trời, tức là rao giảng về Chúa Giêsu, về tình yêu thương của Ngài , bằng tình yêu thương của Thiên Chúa.

8/ Khi thực thi sứ vụ truyền giáo, có người rao giảng bằng lời nói, có người rao giảng bằng việc làm, có người dùng chính đời sống gương sáng của mình để rao giảng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, xin Chúa sai thêm những người thợ lành nghề và nhiệt thành để cho mọi dân tộc cùng biết Chúa , để cho nước Chúa mau trị đến. Amen.   **R

Kính Thánh  Barnabas  Tông Đồ

TIỂU SỬ:

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Barnaba tông đồ. Là một người Do Thái sinh trưởng tại đảo Sýp ,vào thời khởi đầu của đạo Kitô giáo , Barnaba có tên là Giuse, thuộc dòng tộc Lêvi. Có lẽ thánh nhân từng sống tại Giêrusalem trước khi Chúa Giêsu chịu tử nạn. Vì nhiệt tình và sự thành công trong công tác rao giảng, cho nên thánh nhân được các thánh tông đồ tặng cho biệt hiệu là Barnaba, nghĩa là "người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi". Sau khi ăn năn trở lại, thánh Phaolô đến Giêrusalem, nhưng cộng đoàn tín hữu tại đây vẫn còn ngờ vực thiện chí của ngài.

Chính thánh Barnaba là người đứng ra bảo đảm và giới thiệu thánh Phaolô với các tông đồ khác , nhưng sau đó thánh Phaolô lui về ẩn dật trong nhà ngài tại Tácxô trong nhiều năm và Barnaba vẫn ở lại Giêrusalem. Sau này các thánh tông đồ sai Barnaba đến Antiokia để điều tra về sự thành công của thánh Phaolô trong công tác rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, Barnaba đã nhận ra ngay ơn Chúa trong công việc của thánh Phaolô. Ðây là lý do để nối kết hai người lại với nhau trong cánh đồng truyền giáo của dân ngoại. Cả hai sát cánh bên nhau tại Antiokia trong vòng một năm. Một trận đói lớn đã tàn phá Giêrusalem, Barnaba và Phaolô đã quyên góp để mang về Giêrusalem cứu trợ. Sau công tác này, cả hai trở về Antiokia và mang theo một người bà con họ hàng với Barnaba là Marcô, vị thánh sử trong tương lai.

Từ Antiokia, cùng với Marcô, Barnaba và Phaolô lên đường đi đến đảo Sýp, quê hương của Barnaba và từ đó sang Tiểu Á. Tại một trạm đầu tiên ở Tiểu Á, Marcô đã chia tay với Barnaba và Phaolô. Barnaba và Phaolô bắt đầu những trạm truyền giáo cam go nhất. Mỗi một bước đi là mỗi một lần bị chống đối và bách hại từ phía những người Do Thái. Những người này cũng xúi giục dân ngoại chống lại các vị tông đồ.

Tại Lít-ra, sau khi thánh Phaolô chữa lành một người tàn tật, dân thành xem các ngài như những vị thần. Họ định giết bò để tế cho các ngài nhưng liền sau đó bị người Do Thái xúi giục họ lại quay ra tấn công hai ngài. Riêng thánh Phaolô bị gây thương tích. Dù bị chống đối và bách hại, hai vị tông đồ vẫn hoán cải được nhiều người cũng như tổ chức được giáo đoàn. Bị người Do Thái và dân ngoại chống đối và bách hại, Barnaba và Phaolô còn gặp khó khăn ngay cả từ phía cộng đoàn Giêrusalem. Vấn đề xoay quanh việc có nên cắt bì cho dân ngoại không. Hai vị thánh này đã tranh đấu và cuối cùng đã tìm được giải pháp trong cộng đoàn Giêrusalem.

Về sau, trong chuyến đi trở lại để viếng thăm các cộng đoàn, Barnaba và Phaolô đã chia tay nhau mỗi người một ngả. Barnaba đi với Marcô đến Sýp; Thánh Phaolô cùng với một người môn đệ tên là Xila trở lại Tiểu Á. Những năm tháng còn lại của Barnaba không còn được nhắc đến nữa. Nhưng cũng như thánh Phaolô, thánh Barnaba vừa rao giảng Tin Mừng vừa tự lực cánh sinh. Khi thánh Phaolô bị giam tại Rôma, Marcô đã trở thành môn đệ của ngài. Ðiều này cho thấy rằng Barnaba không còn nữa.

Theo truyền thuyết, thánh Barnaba là vị giám mục đầu tiên của thành Milanô. Dù thế nào đi nữa, tất cả mọi truyền thuyết đều gặp nhau trong cùng một điểm là xem Barnaba như con người được mến chuộng nhất trong thế hệ Kitô giáo đầu tiên. Trong sách Tông Ðồ Công Vụ, thánh sử Luca gọi ngài là một con người tốt, đầy tràn Chúa Thánh Thần. Thái độ của ngài đối với thánh Marcô chứng tỏ một trái tim nhân hậu và đại lượng.

Bài học từ thánh Barnabas :

Một trong những điều tệ hại nhất vẫn xảy ra trong cộng đồng, xã hội, gia đình, giáo xứ, trường học, công sở, hội đoàn,… là luôn biểu hiện các động thái tiêu cực đới với người khác – nhất là đối với những người không “hợp nhãn”, không “cùng phe”, không “đồng quan điểm” với mình. Rất đa dạng! Vậy phải làm sao? Hãy thử áp dụng mấy “liệu pháp” này:

1. Khiêm nhường. Coi mình là người thua kém. Mà thật vậy, dù chúng ta có là gì cũng bởi nhờ Ơn Chúa (1 Cr 10:15). Thế thì chẳng có lý do gì mà “nổ”, mà “chảnh”, mà nhìn người bằng nửa con mắt. Nếu thấy người ta không ưa mình, hãy xét mình. Và cứ can đảm chấp nhận là mình bất xứng vì bất tài và vô dụng. Thế là an tâm. Thiên Chúa thấu suốt tâm can bạn hơn chính bạn biết mình. Đừng suy diễn hoặc thể hiện các động thái không có tính nhân bản.
2. Giữ lập trường. Chúng ta nghĩ xấu về người khác vì chúng ta có chút thông tin gì đó về họ, qua người này hay người nọ, nhưng chúng ta không xét xem thông tin đó có đáng tin không và người nói có chính xác, có ý ngay lành không? Chẳng hạn trên internet có biết bao thông tin, biết tin cái nào? Tức là chúng ta phải có khả năng phán đoán chính xác và khả năng chắt lọc với sự khôn ngoan – chứ đừng “không ngoan” (khác nhau chỉ một mẫu tự G thôi)! Đừng vội tin những gì bạn nghe. Phải có lập trường chứ đừng nhẹ dạ, cả tin. Kẻ xấu có thể lợi dụng sự cả tin của mình. Cái gì cũng có “mặt trái” của nó. Cần phải “dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”!
3. Thẳng thắn. Người Việt nói: “Ba mặt, một lời”. Ba mặt chứ không chỉ hai mặt. Nghĩa là công khai với nhiều người, có người làm chứng giữa hai người. Nếu có “vấn đề” gì với ai đó, hãy thẳng thắn và cởi mở nói chuyện với nhau, đừng ngại hoặc “úp-mở”. Nếu cảm thấy khó thì nhờ người khác cùng đối thoại. Đúng vậy, thực sự đối thoại, chứ đừng “đối thọi”!
4. Phục vụ. Phục vụ là động thái được Chúa Giêsu luôn đề cao, Ngài không chỉ nói (Mc 10:45) mà chính Ngài còn nêu gương khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly (Ga 13:1-20), trước khi Ngài chịu khổ nạn. Mình phục vụ người khác, rồi người khác sẽ phục vụ mình. Đó cũng là tính xã hội vậy. Phục vụ là thể hiện yêu thương, khiêm nhường, tha thứ,... Sự liên kết tuyệt vời!
5. Nhận lỗi. Đừng đổ lỗi cho người khác. Thường thì người ta có xu hướng lẩn tránh trách nhiệm, chỉ tìm cách đổ lỗi cho người khác. Dù không phải là lỗi của mình, nhưng cứ khiêm nhường mà nhận lỗi. Rồi mọi sự sẽ được làm sáng tỏ, như chúng ta vẫn nói: “Trời có mắt”. Chắc chắn Thiên Chúa không để cho ai phải chịu hàm oan đâu!
6. Trưởng thành. Trưởng thành tâm lý, tức là chín chắn, chứ không chỉ trưởng thành thể lý. Một số người thích tỏ ra mình là người “đáng thương” để được người khác tội nghiệp mình. Họ “nhõng nhẽo” như vậy không chỉ là tự tôn mà thậm chí còn là kiêu ngạo. Động thái này thật là ấu trĩ! Vì con trẻ thường hờn dỗi để nũng nịu với cha mẹ hoặc người lớn. 
7. Không than phiền. Người ta dễ than phiền, ai cũng than phiền, dù trẻ hay già, dù giàu hay nghèo, dù nam hay nữ. Than phiền cũng là “bệnh truyền nhiễm”, nó có sức lây lan rất nhanh. Vì dễ than phiền mà có thể dẫn tới việc nói xấu hoặc chỉ trích người khác. Cẩn tắc vô ưu!
Thánh Barnabas được đầy Chúa Thánh Thần và Hồng Ân. Ngài là người cổ vũ, động viên, giúp đỡ hoặc khuyến khích. Ngài vừa đại lượng vừa lạc quan và uy tín. Ngài đã dám đi gặp Thánh Phaolô ngay khi nhiều người khác nghi ngờ ngài, vẫn cứ mạnh dạn chịu trách nhiệm về tình huống ở Antiokhia, đồng thời can đảm rao giảng Tin Mừng. Có lần vào ngày Sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. Thấy những đám đông như vậy, người Do Thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối và nhục mạ Thánh Phaolô. Bấy giờ Thánh Phaolô và Thánh Barnabas đã mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Cv 13:46).

Cầu nguyện :Lạy Chúa ,chúng con rất ngưởng mộ các nhân đức của Thánh Barnabas ,xin giúp con luyện tập các tính tốt , tập sống quảng đại , mạnh dạng từ bỏ mọi tính mê tật xấu ,để con có thể trở nên tông đồ cho Chúa như Thánh Barnabas, amen /    **R

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1342
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  11
 Hôm nay:  1483
 Hôm qua:  2593
 Tuần trước:  22065
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11406892
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top