Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 2 MV - C (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 2 Mùa Vọng C (07/12 -> 12/12/2015)

Thứ hai, 07/12/2015

Đề tài: ĐẤNG CÓ QUYỀN THA TỘI .

(ĐỨC TIN CỘNG ĐỒNG)

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh  Luca (Lc 5,17-26)

Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng, có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa nhiều người. Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: "Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!"

Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: "Người này là ai mà dám nói phạm thượng?  Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?" Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ: "Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: 'Các tội của ngươi đã được tha', hay nói: 'Ngươi hãy đứng dậy mà đi', đàng nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất". Người nói với người bất toại rằng: "Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà".

Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: "Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng".

Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM:

1/ Các thánh tử đạo Việt Nam là mẫu gương can đảm trước sức mạnh của thế quyền. Các Ngài đã anh dũng tuyên xưng đức tin để minh chứng niềm tin sắc son của mình vào Thiên Chúa.

2/ Bài Tin Mừng hôm nay kể lại hành động can đảm của Đức Giêsu trước các lãnh đạo Do Thái khi bọn họ cho rằng Chúa Giêsu phạm thượng vì đã tha tội cho một bệnh nhân bị bại liệt.

3/ Chúa thấu hiểu được suy nghĩ của họ nên Chúa Giêsu đã khẳng định :Chúa có quyền tha tội, và qua việc này Chúa gián tiếp cho họ thấy Ngài là Thiên Chúa nhập thể, Ngài có mọi quyền năng của Thiên Chúa nhưng lại hoàn toàn sống giống con người, ngoại trừ tội lỗi.

4/ Theo luật Do Thái, tội phạm thượng rất nặng. Nếu Chúa Giêsu không can đảm, nếu Chúa sợ lời tố cáo của các Kinh Sư thì có lẽ người bại liệt đã chẳng được chữa lành.

5/ Chúa Giêsu đã nêu gương sáng cho chúng ta về lòng can đảm kiên cường trước tà quyền, qua hành động chữa lành cho người bại liệt.

6/ Chi tiết thứ nhất trong câu chuyện hôm nay là đức tin của cộng đồng: Khi Chúa Giêsu đang giảng dạy , người ta khiêng một bệnh nhân bại liệt trên một cái giường có 4 người khiêng. Họ tìm cách đưa bệnh nhân vào trong nhà có Chúa Giêsu đang ngồi giảng, vì dân chúng quá đông nên cho dù đem 1 người vào nhà đã khó huống chi là mang cả cái giường. Sau đó họ nhanh trí tìm ra 1 giải pháp là đưa bệnh nhân lên mái nhà, dỡ mái và thòng dây thả bệnh nhân xuống, họ chỉ đặt bệnh nhân ở đó và không có ai nói gì với Chúa .

7/ Tuy không có ai nói gì, nhưng ai cũng hiểu là họ muốn gì. Thông thường thì Chúa Giêsu chữa bệnh là do lòng tin của bệnh nhân, nhưng trong câu chuyện hôm nay thì đây là đức tin của cộng đồng, đức tin của 4 người khiêng. Họ tự động thỏa thuận với chủ nhà: dỡ mái nhà, sau đó tự nguyện sửa chữa mái nhà cho chủ. Riêng người bệnh nhân bại liệt thì chẳng ai nghe anh ta nói gì.

8/ Chi tiết thứ hai: Tại sao Chúa biết anh ta cần chữa bệnh bại liệt mà câu đầu tiên Chúa nói với anh ta lại là “tha tội”. Có phải là vì anh có tội gì nên mới bị phạt bại liệt ? Người Do Thái vẫn quan niệm bệnh là do tội, bệnh càng nặng thì tội càng nhiều.

9/ Chúa Giêsu không đồng tình với quan niệm này. Đối với Chúa, bệnh là bệnh mà tội là tội, hai vấn đề riêng biệt, không có mối tương quan gì với nhau. Vì thế khi Chúa nói: “Tội anh đã được tha”. Chúa Giêsu muốn chứng minh Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền tha tội, và khi tha tội thì cũng hết bệnh. Vì vậy Ngài tha tội được, cũng có nghĩa Ngài là Thiên Chúa.

10/ Chi tiết thứ ba, đây là chi tiết tối quan trọng: Việc Chúa tha tội cho người bại liệt, đối với người Phariseu là một hành động không thể chấp nhận được, nhưng họ chưa kịp nói ra thì Chúa Giêsu đã đọc được ý nghĩ đó.

11/ Họ đang thầm nghĩ: Ông này là ai mà dám phạm thượng? Là người phàm mà dám tha tội cho người khác mặc dù họ chưa nói ra, nên Chúa mới hỏi họ: “Tha tội và chữa bệnh, điều nào khó ?”. Thực ra cả hai cùng khó, cùng quá sức người, không ai làm được. Vì thế để chứng minh cho họ thấy Chúa có quyền tha tội, Chúa liền làm phép lạ ngay trước mắt họ nên Chúa bảo anh bại liệt: “Hãy đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà”. Anh ta liền đứng dậy …trước sự ngạc nhiên của mọi người.

12/ Qua hình ảnh người bại liệt, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng: Người bại liệt là người bất lực hoàn toàn, muốn di chuyển phải nhờ người khác giúp đỡ. Mỗi khi chúng ta phạm tội, chúng ta cũng bị bất lực hoàn toàn trong việc hiệp thông với Chúa / chúng ta cần đến với Chúa Giêsu, Chúa sẽ cứu  giúp chúng ta.

13/ Mùa Vọng đang đến, tất cả chúng ta ai cũng có tội, hãy chạy đến với Chúa, hãy nghe lời Chúa dạy, hãy nghe lời Giáo hội kêu mời. Hãy đến với Chúa để được ơn tha thứ, ơn chữa lành và ban sức mạnh cho chúng ta sống Mùa Vọng cho thật tốt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa vô cùng quyền năng, Chúa có thể cứu con khỏi ách nô lệ của tội lỗi, tẩy trừ mọi tính mê tật xấu, nhờ đó thân xác linh hồn con cũng được Chúa chữa lành. Amen.**R

 

Thứ ba, 08/12/2015

Đề tài: MỪNG KÍNH ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI .

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 1,26-38)

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" 35 Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

SUY NIỆM:

1/ Vào năm 1830, Đức Mẹ đã xưng mình là Đấng “Vô Nhiễm Nguyên Tội” khi ban ảnh đức Bà cho Thánh Nữ Catarina Labourê tại tu viện của chị.

2/ Ngày 08/12/1854, Giáo hội hân hoan đón nhận lời long trọng tuyên tín của Đức Pio 9: Rất thánh trinh nữ Maria là Đấng “Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

3/ Qua biến cố truyền tin, Sứ thần cũng đã đề cập đến một tước hiệu khác của Đức Maria: Đấng đầy ơn sủng. Lời chào của Sứ thần, cũng là lời khẳng định của Đức Mẹ Maria là nữ tỳ , được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương, sự yêu thương này được thể hiện qua đặc ân “vô nhiễm nguyên tội”.

4/ Tất cả con cháu Adam không ai có thể thoát khỏi tội nguyên tổ, ngoại trừ Đức Maria. Mẹ được diễm phúc này, vì Mẹ đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể cứu độ nhân loại.

5/ “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là gì? Trước hết chúng ta cần biết tội nguyên tổ là thế nào? Theo Kinh Thánh và Giáo lý công giáo dạy rằng: Tổ tông loài người được Thiên Chúa ban cho mọi ân sủng để loài người được chia sẻ hạnh phúc với Ngài.

6/ Nhưng ông bà đã nghe ma quỷ đội lốt con rắn cám dỗ ,ông bà phạm tội trái lệnh Chúa là ăn trái cấm. Như vậy tội mà tổ tông phạm không phải là mê ăn, nhưng là tội bất tuân lệnh Chúa và kiêu ngạo không chấp nhận thân phận thụ tạo của mình, muốn trở nên giống Thiên Chúa.

7/ Hậu quả của tội nguyên tổ mà ông bà phạm, chẳng những gây thiệt hại cho chính ông bà, mà còn lưu truyền hình phạt ngàn đời cho con cháu. Có nghĩa là tất cả con cái loài người đều mắc phải tội tổ tông ấy và phải mang lấy hậu quả do tội nguyên tổ truyền lại.

8/ Tuy nhiên trong tất cả con cái loài người, chỉ một mình Đức Mẹ không vướng mắc tội này. Đó gọi là đặc ân vô nhiễm nguyên tội.

9/ Vô nhiễm nguyên tội không có nghĩa là Đức Mẹ sinh ra một cách đặc biệt về mặt thể lý, cũng không có nghĩa là việc một con người sinh ra, là kết quả của một mối tình vợ chồng có mang một cái gì đó ô uế.

10/ Không phải thế! Vì khi trong gia đình có một con người nào sinh ra, thì đó là một biến cố thánh thiện, hợp với ý định của Thiên Chúa. Vì thế giáo thuyết về vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ không có chút liên hệ gì với những điều hiểu lầm trên đây.

11/ Vậy thì qua 4 tiếng “Vô Nhiễm Nguyên Tội” của Đức Maria, Hội thánh muốn quả quyết rằng: Đức trinh nữ Maria rất Thánh, là Mẹ Thiên Chúa, đã được Thiên Chúa ban cho ân thánh sủng ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc đời Mẹ bằng vào công nghiệp của Chúa Giêsu con của Mẹ. Nghĩa là Thiên Chúa đã áp dụng hiệu quả của ơn cứu chuộc cho Mẹ trước tiên , do công nghiệp của Chúa Giêsu con Mẹ thực hiện.

12/ Do những ân thánh sủng vừa nêu ở trên, nên Mẹ Maria không có giây phút nào ở trong tình trạng gọi là tội nguyên tổ. Mà tội nguyên tổ không gì khác hơn là tội đánh mất ơn thánh sủng của Thiên Chúa trong con người, mà hậu quả này chính là do tội của con người đầu tiên phạm vào buổi đầu tiên của lịch sử nhân loại.

13/ Vậy ơn vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ Maria chỉ mang ý nghĩa là: Ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc đời Mẹ, Mẹ đã có đời sống ơn thánh trong tâm hồn, không phải là do công lao của Mẹ, nhưng là do Thiên Chúa ưu ái cách riêng. Để nhờ vào sự tràn đầy ơn thánh trong buổi đầu đời của Mẹ, mà Mẹ có đủ tiêu chuẩn để trở thành Mẹ Thiên Chúa.

14/ Như vậy Mẹ Maria đã nhận được ơn cứu chuộc cách đặc biệt. Chúa Giêsu đã cứu chúng ta bằng cách giải thoát chúng ta khỏi tội nguyên tổ. Nhưng khi Ngài cứu chuộc Mẹ thì Ngài lại gìn giữ Mẹ khỏi phải vướng mắc vào tội đó. Đây là nội dung giáo huấn mà Đức Pio 9 đã long trọng truyên bố thành tín điều vào ngày 8/12/1854 cho mọi người công giáo.

15/ Riêng thánh Yoan Tẩy Giả cũng được phúc được tẩy sạch tội lỗi khi còn ở trong lòng Mẹ, nhưng Yoan không phải là vô nhiễm nguyên tội. Bởi vì thời gian ở trong bào thai của ông trước khi được Chúa Giêsu đến viếng thăm, thánh nhân cũng phải mang vết tích của tội do ông bà nguyên tổ để lại.

16/ Còn chúng ta khi chịu phép rửa tội, chúng ta cũng được tẩy sạch vết tích của tội nguyên tổ. Tuy nhiên hậu quả của tội ấy vẫn còn gây ảnh hưởng trên con người chúng ta.

17/ Lý do tại sao Mẹ lại được đặc ân “Vô nhiễm”: Thưa, bởi vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, đây là đặc ân cao quý và duy nhất, và là nguồn gốc của mọi ơn khác, vì Mẹ là Mẹ đấng cứu thế. Nếu Đức Mẹ đã từng sống trong tội, thì người con do Mẹ sinh ra cũng phải ở trong tình trạng tội lỗi. Điều này không thể nào xảy ra được nơi Chúa Giêsu. Vì thế Thiên Chúa đã giữ gìn Mẹ không có giây phút nào vướng mắc tội lỗi cho dù là tội nhỏ mọn đến đâu.

18/ Tín điều này rất quan trọng trong đời sống chúng ta: Thứ nhất là nhờ Mạc Khải này mà chúng ta có thể học hỏi và hiểu được Đức Mẹ một cách hoàn hảo hơn, nhờ đó chúng ta mới nhận ra mình có một người Mẹ thật xứng đáng, hoàn hảo, tuyệt mỹ. Vì vậy chúng ta có thể yêu mến Đức Mẹ hơn các tạo vật khác, chúng ta sẽ rất hãnh diện vì có một người Mẹ thánh thiện như vậy.

19/ Thứ hai, Mẹ Maria là một thụ tạo được cứu rỗi một cách đặc biệt như vậy. Đây là niềm hy vọng báo trước rằng chúng ta cũng sẽ được cứu rỗi như vậy.

20/ Nhờ đặc ân này mà Đức Mẹ sẽ trợ giúp chúng ta, và niềm cậy trông của chúng ta sẽ vững chắc hơn. Và đây cũng là động lực giúp chúng ta sống giống Mẹ ở mức độ sạch tội cho dù là mức độ đó thấp kém hơn. Nhờ thế, chúng ta cũng sẽ được Thiên Chúa ban thưởng hạnh phúc trường sinh như Mẹ.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ, xin Mẹ dạy chúng con biết quý trọng đức trong sạch vì sẽ được Thiên Chúa thương yêu chúc phúc như thế nào. Xin Mẹ giúp con sống như sen giữa bùn lầy, như hoa huệ giữa bụi gai, để không bao giờ chúng con bán rẻ linh hồn mình cho những thứ dơ bẩn trần thế. Amen.**R

 

Thứ tư, 09/12/2015

Đề tài: SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 11,28-30)

28 "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."

SUY NIỆM:

1/ Có người nói rằng: Cuộc đời của mỗi người bao gồm tất cả mọi vấn đề riêng tư của nó mà mỗi người phải mang vác. Bình thường thì nó rất nặng, nhưng nếu làm vì yêu thì nó trở nên nhẹ, nếu chúng ta không chia bớt được những khó khăn cho nhau thì chớ nên chất thêm gánh nặng lên người khác 

2/ Thế mà vào thời Chúa Giêsu, dân chúng Do Thái giáo đã phải mang vác tới 613 điều luật mà các Kinh sư đã đẻ ra khi muốn giải thích các điều luật Cựu Ước. Lẽ ra luật mang lại ấm êm hạnh phúc cho con người thì nó lại trở thành một gánh quá nặng, khiến cho dân chúng hiểu lầm về đạo Chúa.

3/ Khi nhìn thấy nỗi thống khổ của dân chúng, Chúa Giêsu mời gọi họ hãy sống theo đường lối của Chúa, hãy làm Môn Đệ và tuân giữ các giáo huấn của Ngài. Chúa Giêsu khẳng định ai đi theo Chúa sẽ được hưởng bình an hạnh phúc, bởi vì ở nơi Chúa Giêsu, Ngài chỉ sử dụng một giới luật duy nhất, đó là luật “yêu thương”, đã yêu thương thì gánh nào cũng trở nên nhẹ.

4/ Hãy làm Môn Đệ Chúa, hãy đến học với Chúa. Đây là điều mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mỗi ngày, trong suốt cuộc đời, đặc biệt qua thánh lễ Misa bao gồm bàn tiệc lời Chúa và thánh thể Chúa.

5/ Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu kêu gọi tất cả những ai mang vác nặng nề, hãy đến với Chúa, Ngài sẽ cho chúng ta nghỉ ngơi bồi dưỡng. Đây quả là một lời khích lệ, an ủi giúp chúng ta thêm phấn khởi. Vậy gánh nặng mà Chúa muốn nói đến là gì ?

6/ Theo nguyên ngữ Hy Lạp: Gánh nặng ở đây được hiểu là một cái bao đựng vật dụng cá nhân mà ngày nay người ta làm gọn nhẹ lại, là cái ba lô mà người ta hay mang trên vai. Nghĩa bóng của nó là những vất vả, khó khăn, trách nhiệm mà người ta bất đắc dĩ phải lãnh nhận. Cho dù là nghĩa nào thì mỗi người đều có những vất vả khổ đau riêng, được gọi chung là gánh nặng của cuộc đời.

7/ Ở đời có quá nhiều thứ gánh nặng: Gánh nặng bản thân, gánh nặng gia đình, gánh nặng xã hội, gánh nặng bệnh tật, thất bại, mất mát, sự hiểu lầm, tình đời đen bạc, những vất vả vì trách nhiệm mưu sinh, vì miếng cơm manh áo. Đã là gánh nặng thì ai cũng phải vất vả mang vác.

8/ Gánh nặng mưu sinh: Đêm ngày phải vất vả đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm sống ,thế mà cũng có lúc làm không đủ ăn. Vất vả vì bầy con khi chúng còn nhỏ, khi chúng đã lớn, khi chúng hư hỏng, ngỗ nghịch, hoang đàng phá phách.

9/ Gánh nặng cuộc đời còn được hiểu là những đau khổ của đời người. Có mấy ai sống được 100 năm ở trần thế, nhưng thử hỏi ai không đau khổ, nhất là những đau khổ của tuổi già, bệnh tật, tinh thần, thể xác, người tục, người tu, ai cũng khổ. Nên đạo Phật nói: đời là bể khổ, là thung lũng nước mắt, nơi đâu có con người, nơi đó có khổ đau.

10/ Bởi thế, gánh nặng cuộc đời này có nhiều thứ, nhiều cỡ, nhiều kiểu. Có những thứ gánh nặng khi ta đối diện với nó, ta cảm thấy mình bất lực, không làm gì được nên đành buông xuôi, nhắm mắt, chán nản.

11/ Cũng có người gặp khó khăn, khủng hoảng, nên bỏ hết việc đạo đức, bỏ cả cầu nguyện. Làm như vậy là ta mắc sai lầm lớn. Những lúc gặp như vậy, chúng ta càng phải đến với Chúa mau hơn, lẹ hơn, nhiều hơn, hãy đến với Chúa để cảm nhận được ơn nâng đỡ, bổ sức của Chúa.

12/ Chúng ta nên nhớ, khi gặp gánh nặng, khổ đau, thử thách, chúng ta hãy chạy đến với Chúa, Chúa chỉ nâng đỡ bổ sức chứ không cất đi gánh nặng, Ngài làm cho chúng ta cảm thấy nhẹ, chứ không phải là cất đi gánh nặng.

13/ Riêng chúng ta, chúng ta phải cố gắng làm việc, phải tìm mọi cách để giải tỏa gánh nặng đời mình, rồi Chúa sẽ giúp sức thêm cho, chứ không được ngồi đó mà than khóc như trẻ nít, hoặc chỉ cầu xin khấn vái mà thôi.

14/ Chúng ta phải cộng tác bằng năng lực làm việc, để giải quyết những khó khăn, chúng ta không nên ỷ lại, cũng không được tự cao tự đại, cho rằng mình đủ sức giải quyết tất cả.

15/ Nếu ở đời này chúng ta muốn làm quen để cậy nhờ những người có quyền uy, có tài năng hơn mình . Thế thì tại sao chúng ta lại không chịu chạy đến cậy nhờ bàn tay uy quyền Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, bất cứ khi nào phải mang vác ,dù nặng, dù nhẹ con cũng sẽ chạy đến với Chúa để tỏ lòng khiêm tốn và xin ơn Chúa trợ giúp. Xin Chúa luôn thương giúp con. Amen.**R 

 

Thứ năm, 10/12/2015

Đề tài: KẺ NHỎ NHẤT TRONG NƯỚC TRỜI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 11,11-15)

11 "Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. 12 Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. 13 Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. 14 Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến.

15 Ai có tai thì nghe.

SUY NIỆM:

1/ Gía trị của con người không hệ tại ở hình thể, vóc dáng bên ngoài. Nhưng là căn cứ vào giá trị nhân cách ở bên trong.

2/ Khi Chúa Giêsu nói: Kẻ nhỏ nhất trong nước trời. Chắc chắn Chúa không có ý nói theo khía cạnh vóc dáng bên ngoài, nhưng nói về mối hạnh phúc.

3/ Ông Yoan Tẩy Giả thuộc về một tiên tri thời Cựu Ước, nên không hạnh phúc bằng một kẻ nhỏ nhất trong nước trời, bởi vì kẻ nào chết rồi, sau đó được vào nước trời, thì kẻ ấy mới là một vị thánh. Còn ông Yoan chưa chết, ông vẫn còn đang sống nên ông chưa thể vào nước trời, chưa thể làm một vị thánh. Thế nhưng khi Yoan chết, được vào nước trời thì có khi ông còn lớn hơn Thánh Yuse, điều này được minh chứng theo thứ tự qua kinh cầu các Thánh.

4/ Tuy kẻ nhỏ nhất trong nước trời, nhưng không phải là kẻ yếu nhất. Vì muốn vào được nước trời, ai cũng phải có sức mạnh, ai mạnh sức mới chiếm được. Vì thế ai đã được vào nước trời thì kẻ đó không thể nào yếu đi về đức tin, cậy, mến.

5/ Khi nói đến Mùa Vọng thì giáo hội luôn nói đến Yoan Tiền Hô. Vì tên và sự nghiệp của ông đều gắn liền với chương trình cứu độ của Chúa Giêsu, thậm chí muốn nói đến ơn cứu độ ai cũng liên tưởng đến Chúa Giêsu, thậm chí không ai có thể quên vai trò tiền hô của Yoan Tẩy Giả.

6/ Cuộc đời và sự nghiệp của Yoan rất đáng khâm phục. Chính Chúa Giêsu đã ca tụng Yoan là số một trong các con cái loài người, lại là người lớn nhất trong số con cái loài người do phụ nữ sinh ra.

7/ Bởi vì khi Yoan còn trong lòng mẹ thì ông đã được khỏi tội tổ tông. Từ khi tổ tông loài người phạm tội đến giờ, ngoài Đức Mẹ Maria là đấng không giây phút nào phạm tội, thì Yoan là người được khỏi tội tổ tông khi còn ở trong bào thai ,trước khi mình sinh ra. Còn tất cả chúng ta chỉ được khỏi tội tổ tông khi chịu phép rửa tội.

8/ Yoan Tẩy giả là người cao trọng hơn tất cả mọi người trong Cựu Ước. Yoan được xếp cao hơn các thánh tổ phụ vĩ đại của dân Do Thái như Elia, Isa-i -a, bởi vì Ngài được khỏi tội nguyên tổ lúc 6 tháng ở trong bào thai, và được diễm phúc sống cùng thời với Chúa cứu thế.

9/ Thánh Yoan đã làm tròn sứ mạng Ngôn sứ là kết thúc thời đại cũ và khai mở thời đại mới. Vì các Ngôn sứ nói về Chúa Cứu Thế đã hết hạn, còn Ngài chính là Elia ,ông đến thế gian để làm kẻ dọn đường.

10/ Một người cao trọng như thế thì tại sao Chúa Giêsu lại nói người nhỏ trong nước trời còn cao trọng hơn ? Điều đó có nghĩa là Yoan là một Ngôn sứ vượt trội, có một không hai, nhưng Chúa chỉ coi ông là người của Cựu Ước chứ không coi ông là người của Tân Ước. Hay nói cho đúng hơn ông chỉ là gạch nối giữa 2 thời.

11/ Nếu nói đến giới luật yêu thương, thì Yoan vẫn còn ở trong lề luật của đạo cũ. Cho nên nếu xét trong khía cạnh đạo cũ, thì ông là người lớn nhất, nhưng lại nhỏ nhất nếu đem so sánh với các tín hữu trong đạo mới.

12/ Nếu muốn hiểu theo ý này, thì cho dù là một người tín hữu nhỏ nhất cũng cao trọng hơn ông. Bởi vì mỗi tín hữu sau khi rửa tội , cũng đều có bổn phận tiền hô, truyền giáo, loan truyền đấng cứu thế cho anh em khác.

13/ Nếu hiểu theo nghĩa: Yoan Tiền Hô gắn liền với thời đại Cựu Ước, thì ơn gọi Kito hữu của chúng ta cũng gắn liền với thời hiện đại. Chúng ta hãy sống xứng đáng là sứ giả của Chúa của ngày hôm nay, cũng như Yoan đã toàn tất sứ vụ chứng nhân trong thời đại của Ngài. Chúng ta hãy cố thực thi đầy đủ vai trò chứng nhân của chúng ta, như vậy chúng ta là Yoan Tiền Hô của thời đại hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa. Xin giúp con cố gắng làm Tiền hô cho Chúa giữa anh em hôm nay. Amen.**R

 

Thứ sáu, 11/12/2015

Đề tài: MÂU THUẪN – CĂN BỆNH CỦA CON NGƯỜI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 11,16-19)

16 Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông rằng : “Tôi phải ví thế hệ này với ai ? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, 17 và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa ; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm  gực khóc than.’ 18 Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo : ‘Ông ta bị quỷ ám.’ 19 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo : ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”

SUY NIỆM:

1/ Ngày xưa có một anh thợ rèn, tay nghề cũng khá nhưng làm ăn lại bấp bênh. Một hôm anh nảy sinh một ý tưởng khác lạ, anh làm một cái xà mâu và đem bán, anh rao rằng: “Thứ vũ khí này đâm gì cũng thủng”; một vị tướng nghe lời anh nên mua một cái. Ít tuần sau, anh lại nghĩ và làm ra một vũ khí khác, lần này anh rao rằng: “Loại thuẩn này không có thứ gì đâm thủng được”; vị tướng kia nghe anh rao như vậy nên gọi lại và hỏi: “Nếu dùng cái xà mâu của anh đâm vào cái thuẩn của anh thì có thủng không?” Anh thợ rèn không đáp được nên bèn bỏ đi và không dám bán nữa!

2/ Câu chuyện năm người mù xem voi: Thầy này sờ cái vòi thì nói voi giống con đĩa lớn; thầy cầm ngà thì nói voi như cái đòn cán; thầy sờ tai thì khẳng định cho rằng voi như cái quạt; thầy sờ chân thì bảo voi sừng sửng như cái cột nhà; thầy sờ đuôi bèn cãi lại: nó tua tủa như cái chổi xề. Năm thầy bói ai cũng cho rằng mình đúng, không ai chịu ai, cuối cùng họ đánh nhau sức đầu mẻ trán.

3/ Những người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng giống như những thầy bói mù, họ mắc căn bệnh phê phán, chủ quan, cứ tưởng mình sáng, hóa ra mình chẳng thấy gì  !

4/ Ngày nay nhiều người Ki-tô hữu mắc phải căn bệnh như người Do Thái ngày xưa, chỉ giới hạn con người của Đức Ki-tô qua cái nhìn của họ. Họ chỉ đón nhận Chúa sao cho hợp với quyền lợi và sở thích của họ, nhưng bản thân họ lại không hề sống theo lời mời gọi của Tin Mừng.

5/ Vừa khen Yoan Tẩy Giả xong, Chúa Giêsu lại nghĩ ngay đến những kẻ cứng lòng tin là các biệt phái và luật sĩ. Người đã buông lời trách móc họ.

6/ Chúa Giêsu mượn trò chơi của trẻ con Do Thái để khiển trách kẻ cứng lòng tin. Chúa mượn Dụ Ngôn để than trách sự cứng lòng tin của họ.

7/ Trẻ em Do Thái khi chơi trò này thường chia làm 2 phe: Một bên xướng lên câu tiểu khúc điệu vui hay điệu buồn, rồi bên kia đáp lại; (nếu chúng xướng điệu ca buồn giả là đám ma thì bên kia phải khóc, đấm ngực, rên xiết; nếu bè bên này xướng ca vui, giả là đám cưới thì phe bên kia phải vui hát, nhảy múa hòa nhịp)

8/ Nếu cả 2 bên cùng xướng đáp với nhau hòa hợp thì trò chơi càng vui. Nhưng nhiều khi lại gặp những kẻ khó nết, lì lợm, hay làm theo ý riêng. Không hòa hợp thì trò chơi sẽ mất vui, bởi vì chúng tôi thổi sáo mà các anh không nhảy múa!

9/ Chúa Giêsu áp dụng ý nghĩa trò chơi: Yoan Tẩy giả sống khổ hạnh, rao giảng sự sám hối, thì thế hệ này lại cho ông là người điên, quỷ ám nên đã không ăn năn sám hối. Còn Chúa Giêsu sống hòa đồng, bình dị với mọi người nên được dân chúng mến phục thì họ lại bảo Chúa Giêsu là kẻ sống bê tha, buông thả nên đã không tin nhận Người là Đấng Cứu Thế.

10/ Chúa Giêsu quả quyết: Cả hai người với 2 nếp sống khác nhau đều phục vụ cho một chính nghĩa là Thiên Chúa, bằng chứng là cả hai đều thực hiện công việc của Chúa đầy khôn ngoan. Yoan trong sứ vụ Tiền Hô, còn Chúa Giêsu trong sứ vụ Cứu Thế, cả hai đều thi hành Thánh Ý Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con vượt qua những thành kiến hẹp hòi của căn bệnh phê phán chủ quan, để chúng con có thể mở rộng tâm hồn ra đón Chúa Giáng Sinh. Amen.**R

 

Thứ bảy, 12/12/2015

Đề tài: HAI NGÔN SỨ - MỘT NHIỆM VỤ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 17,10-13)

10 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng : “Sao các kinh sư nói rằng ông Ê-li-a phải đến trước ?” 11 Người đáp : “Đúng thế, ông Ê-li-a đến và sẽ chỉnh đốn mọi sự. 12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết : ông Ê-li-a đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” 13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.

SUY NIỆM:

1/ Giọt máu tử đạo, phát sinh người tín hữu: Vào khoảng 100 năm trước, hội truyền giáo Lyon-Pháp sai một lớp người đầu tiên gồm 10 Linh Mục sang Dohomey (Phi Châu) để truyền giáo. Bốn năm sau cả 10 vị đều bị giết chết, 100 năm sau những giọt mồ hôi và máu của những vi Thánh tử đạo đó đã sinh hoa kết quả. Ngày nay Giáo hội Dohomey đang lớn mạnh và hân hoan với vị Hồng Y đầu tiên.

2/ Yoan Tẩy Giả đã dám nói lên sự thật: Ông đã lên án cái xấu, nên kết quả là ông bị chặt đầu; nhờ việc này mà nhiều người nhận ra rằng: con người cần phải đổi mới tận căn thì Đấng Cứu Thế mới có thể đến và ngự vào lòng chúng ta.

3/ Để dọn đường cho Chúa đến, Yoan mời gọi chúng ta hãy sống quảng đại, hy sinh, khiêm nhường để chu toàn Thánh ý Thiên Chúa. Dám lên tiếng trước những bất công của xã hội, nhờ đó những kẻ thấp cổ bé miệng mới có cơ hội lấy lại nhân phẩm của mình.

4/ Sau khi chứng kiến Chúa biến hình trên núi Tabor, trên đường đi xuống núi, Chúa Giêsu căn dặn các Môn đệ đừng thổ lộ cho ai biết sự kiện mà các ông vừa xem thấy, cho đến khi con người từ cõi chết sống lại.

5/ Chúa Giêsu báo cho các ông biết: Ông Elia sẽ đến để chỉnh đốn mọi sự. Khi nói điều này, Chúa Giêsu có ý ám chỉ Yoan Tẩy Giả, các Môn đệ cũng hiểu được như thế.

6/ Khi nói như thế là Chúa Giêsu đã xác nhận lời Ngôn sứ Malaki được ứng nghiệm nơi con người Yoan Tẩy Giả. Yoan đã đến bằng tinh thần của Elia để dọn lòng dân chúng đón nhận Đấng Cứu Thế.

7/ Chúng ta nghe Chúa nói đến ông Elia, nhưng không phải bằng con người ông Elia bằng xương bằng thịt mà chỉ là tinh thần của ông, là đức tính và thế lực của Elia sẽ đầu thai vào một con người khác, con người ấy chính là Yoan Tẩy Giả.

8/ Khi Thiên Sứ Gabriel hiện ra với Dacaria, thân phụ của Yoan, Thiên sứ cũng đã nói như vậy: Yoan sẽ có được tâm tính và tài năng của Elia mà đi trước mặt Chúa; hơn nữa nếu ám chỉ tinh thần của Elia, thì chính Chúa Giêsu cũng là Elia phải đến  !

9/ Chúng ta thấy dân Do Thái không biết Elia đến trong con người của Yoan nên đã cư xử quá tệ với ông. Họ cũng không biết Elia đến trong con người của Chúa Giêsu nên cũng đã xử tệ với Ngài.

10/ Ngày nay, chúng ta cũng cần kiểm điểm lại thái dộ sống đạo của mình, chúng ta là gì của Chúa Giêsu (đang là bạn hay là kẻ thù), đi với Chúa hay đang phản Chúa, có khi nào chúng ta là bạn của Chúa nhưng lại nghi ngờ, thiếu tin tưởng vào Chúa không ?

11/ Cũng có khi chúng ta chọn thái độ trung lập, không bạn không thù. Điều này Chúa đã khẳng định: “Ai không cùng phe với tôi là phản bội tôi”.

12/ Chúng ta chỉ có cái tên là Ki-tô hữu, mang danh Ki-tô hữu thôi, còn cách sống thì không phải. Không phải thế, chúng ta phải gắn bó với Chúa không những bằng danh xưng, mà còn phải bằng lời nói, việc làm, bằng đời sống chứng nhân, để không ai chê chúng ta là “Hữu danh vô thực”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con lòng mến Chúa, và ban thêm cho con lòng nhiệt thành từ tàn lửa nơi trái tim Chúa, để chúng con có thể mang lửa ấy sưởi ấm anh em chúng con. Amen.**R

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1736
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  7
 Hôm nay:  1085
 Hôm qua:  7763
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11349575
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top