Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 2 Thường Niên - C / Giuse Luca.

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 2 Thường Niên C (18/01/2016-> 23/01/2016)

Thứ hai, 18/01/2016

Đề tài: Bình tĩnh trong mọi biến cố

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 2,18-22)

18 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay ; có người đến hỏi Đức Giê-su : “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 19 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. 21 Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 22Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới !”

SUY NIỆM:

1/ Con người bình tĩnh có thể hưởng thụ niềm vui tột đỉnh cũng như bình tĩnh lãnh nhận những nỗi buồn lớn lao. Bởi vì họ luôn bình tĩnh để đối diện với mọi biến cố đang xảy ra trong cuộc sống. Vì thế lúc nào họ cũng vui tươi, an thân, thư thái.

2/ Đây cũng chính là thái độ mà Chúa Giêsu muốn mỗi Ki-tô hữu chúng ta chấp nhận. Bởi chúng ta luôn tin rằng Chúa luôn hiện diện bên cạnh chúng ta trong cuộc sống.

3/ Chúa Giêsu sánh ví sự hiện diện của Ngài như chàng rễ trong đám cưới. Chúa kêu gọi chúng ta hãy vui mừng khi có Chúa bên cạnh.

4/ Chúa đến và muốn làm cho trần gian trở nên một tiệc cưới hầu để chúng ta luôn cảm thấy có được niềm vui đó nơi cuộc sống trần gian này.

5/ Có chúa là có niềm vui, chúng ta cần giữ mãi Chúa ở trong lòng mình để chúng ta luôn có niềm vui ngập tràn. Nếu ta trót phạm tội, làm mất Chúa ở trong lòng mình, chúng ta hãy ăn năn sám hối, xin Chúa thứ tha và mau mau trở lại.

6/ Theo quan niệm Do Thái vào thời Chúa Giêsu, việc ăn chay là sự liên kết với việc mong đợi Đấng Cứu Thế đến. Người dân bất mãn vì mãi chịu đế quốc đô hộ nên nóng lòng chờ Đấng Thiên Sai đến.

7/ Các Môn đệ của Yoan Tẩy Giả và các thầy biệt phái chỉ biết giữ chay mà không nắm được tinh thần chay tịnh. Nên khi thấy Chúa và các Môn đệ không ăn chay thì ra sức kêu trách.

8/ Họ là những kẻ sống đạo chỉ dựa vào hình thức, là cách sống đạo vụ lợi và mù quáng nên họ chỉ đòi hỏi phải giữ đúng luật mà không bao giờ để ý để hiểu được tinh thần luật dạy.

9/ Những con người có bụng dạ như vậy thì luôn có ý muốn phê bình, chỉ trích người khác. Và lấy cớ để gây chia rẽ trong cộng đoàn.

10/ Các Môn đệ bị chỉ trích về việc không ăn chay, chứng tỏ rằng các ông có liên hệ mật thiết với Chúa vì các ông đang sống tinh thần của Chúa, các ông không ăn chay để chờ mong nhưng Đấng Thiên Sai lại đến rồi.

11/ Đây là bài học Chúa muốn chúng ta sống bằng tính chất của công việc hơn là chỉ sống bằng hình thức. Là sống đúng với tinh thần luật hơn là chỉ sống hình thức của luật.

12/ Những người biệt phái ăn chay nhưng lại thích hạch sách các Môn đệ Chúa Giêsu là những người không ăn chay. Những người thích sống đạo theo kiểu hình thức bề ngoài thường muốn phân biệt mình với những người không giống mình.

13/ Ăn chay theo tinh thần luật cũ là đang mong chờ Chúa đến. Nhưng Chúa Giêsu là Đấng cứu độ đã đến rồi nên việc ăn chay thời Tân Ước chỉ là việc sám hối để xứng đáng đón nhận ơn cứu độc của Chúa.

14/ Ngày nay Giáo Hội đòi hỏi những người ăn chay là phải có ý tỏ lòng sám hối để xứng đáng được ơn tha tội.

15/ Chúa ví Cựu Ước như bầu da cũ, và Tân Ước là bầu da mới. Thời đại này đã có Đấng Cứu Thế đến nên cần sống theo tinh thần mới.

16/ Qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã cởi bỏ con người cũ, con người bị nô lệ ma quỷ; để mặc lấy con người mới, con người được tự do đang thuộc về Chúa Ki-tô. Vì thế chúng ta cần cởi bỏ những thói hư tật xấu theo kiểu thế gian để sống hoàn thiện theo tinh thần Tin Mừng của Đức Ki-tô.

17/ Là Ki-tô hữu chúng ta không được sống theo kiểu sống của lương dân nữa.

18/ Đã là tu sĩ thì không được sống theo kiểu người giáo dân nữa, vì như vậy là không phù hợp và nó có thể gây tại họa cho chính mình.

19/ Giáo huấn của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa có ý dạy rằng: Chúng ta đang sống giữa thế gian, nhưng cần phải nêu cao tinh thần không còn thuộc về thế gian nữa từ tư tưởng lời nói đến việc làm của mình, để thế gian thấy và nhận biết mình là Môn đệ của Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con biết thế gian là bể khổ đau, nhưng nếu có Chúa ở cạnh con thì thế gian đã trở thành Thiên Đàng, xin Chúa giúp con sống thật tốt ở thế gian để chúng con có thể hưởng được phần nào Thiên Đàng ở đời này. Amen.

 

Thứ ba, 19/01/2016

Đề tài: Môn đệ bứt bông lúa ngày sa-bát

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 2,23-28)

23 Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su : “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia ? Điều ấy đâu được phép !” 25 Người đáp : “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng ? 26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.”

27 Người nói tiếp : “Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát. 28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”

SUY NIỆM:

1/ Có một sứ điệp quan trọng nhất và cũng đơn giản nhất mà Thiên Chúa muốn Hội thánh chuyển giao cho mọi người. Đó là “Thiên Chúa yêu thương con người vô hạn”.

2/ Khi con người bị quá đói thì việc đi kiếm chút gì đó để ăn vì đói khi đi ngoài đường được xem là chuyện chính đáng. Nhưng nhóm Phariseu lại phản đối khi thấy các Môn đệ Chúa làm vào ngày Sa bát và họ cho rằng làm như thế là phạm luật.

3/ Thiên Chúa yêu thương chúng ta nên đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Người, ban cho chúng ta linh hồn, trí tuệ và sự tự do. Đồng thời cũng ban cho chúng ta một lề luật cụ thể để giúp chúng ta sống tốt,chúng ta có thể sống đúng phẩm giá con Thiên Chúa.

4/ Luật được đặt ra vì con người chứ không phải con người vì lề luật. Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh rằng: Các lề luật, ngay cả những lề luật thánh thiện nhất, lại càng nhắm đến mục đích là sự sống, sự hạnh phúc, là sự cứu độ dành cho con người.

5/ Nguyên nhân của sự xung đột giáo lý chỉ là việc các Môn đệ ngắt lấy mấy bông lúa khi các ông đi ngang qua cánh đồng lúa. Sự việc này nhỏ mọn, tầm thường không đáng kể, nhưng chính vì cái tính ghen tuông, nghi ngờ, cái thói thích vạch lá tìm sâu, cái bản chất kiêu ngạo không muốn thấy ai Thánh hơn mình và cả cái tật bới lông tìm vết.

6/ Biệt phái đã tìm cái cớ gây xung đột giữa họ với Chúa Giêsu về việc kiêng việc xác. Chính cái nhìn ghen tuông là đầu mối gây ra các sự chia rẻ trong cộng đoàn, xã hội.

7/ Ngày nghỉ lễ, bứt mấy bông lúa thôi, như thế làm gì có tội. Dt 23,24-25. Luật chỉ cấm gặt lúa, trục lúa mà thôi, nhưng ở đây biệt phái lại coi việc bứt lúa là gặt lúa, bé xé ra to, là một việc cấm làm trong ngày Sabat.

8/ Đây là tính xét nét, khắc khe, bói ra ma quét nhà ra rác, có ít xít ra nhiều. Nguyên do của việc mất lòng nhau.

9/ Bài học trong câu chuyện này: Các biệt phái thì tố cáo các Môn đệ vi phạm luật Sabat, còn Chúa Giêsu lại tỏ ra mình là Chúa, Ngài đang mang nơi mình quyền năng của Đấng Cứu độ: Con người thì làm chủ ngày Sabat.

10/ Rút kinh nghiệm: Chúng ta đừng nên đòi hỏi người khác giữ luật quá mức mà luật đòi hỏi, vì luật được đặt ra chỉ để phục vụ đời sống con người.

11/ Qua đoạn Tin Mừng: Chúng ta có thể rút ra bài học về kinh nghiệm thực hành việc kiêng việc xác các ngày Chúa Nhật.

12/ Theo sách Samuel (1Sm 21,1-7) theo lẽ thường thì vua Đavit đã vi phạm luật tế tự. Nhưng vì phải tuân giữ nhiệm vụ duy trì sự sống (đói mà không có gì ăn) đã phá hủy hiêu lực pháp lý của luật đó. Vì thế luật kiêng việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng trong năm là để giải thoát con người khỏi bị quá ràng buộc vào của cải trần thế và các công việc khác ở đời hầu có đủ thời giờ và có đủ cơ hội để phượng thờ Thiên Chúa mà mưu cầu phần rỗi linh hồn mình.

13/ Nhưng nếu vì nhu cầu cần thiết cho sự sống con người như thiếu ăn, nghèo đói, làm ngày nào ăn hết ngày đó, làm mà không có của để dành cho ngày hôm sau thì không còn buộc phải giữ luật này nữa.

14/ Nhưng vì Hội Thánh là một tổ chức hữu hình nên ai muốn được miễn chước khỏi phải giữ luật này thì phải trình lên và được sự đồng ý cho phép của Đấng bản quyền.

15/ Con người làm chủ ngày Sabat: Được hiểu theo nghĩa ngày Sabat đòi hỏi con người phải dành riêng ngày này để thờ phượng Thiên Chúa như: đi dâng lễ, làm việc bác ái, phục vụ tha nhân, truyền giáo. Chúng ta cần dùng ngày này để sống thân tình với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết giữ luật Chúa vì con yêu Chúa chứ không phải vì câu nệ vào lề luật. Amen.

 

Thứ tư, 20/01/2016

Đề tài: ĐIỀU LÀNH LÀ ĐIỀU CẦN LÀM NHẤT

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 3,1-6)

1 Khi ấy, Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. 2Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tố cáo Người. 3 Đức Giê-su bảo người bại tay : “Anh đứng dậy, ra giữa đây !”4 Rồi Người nói với họ : “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết người ?” Nhưng họ làm thinh. 5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn bực vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay : “Anh giơ tay ra !” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. 6Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

SUY NIỆM:

1/ Người ta hỏi Mẹ Thánh Tê-rê-xa: Tại sao bà lại từ bỏ tất cả để đến Ấn Độ giúp đỡ những người nghèo, Tê-rê-xa vui vẻ đáp: “Vì Chúa muốn tôi giúp họ sống hạnh phúc”.

2/ Theo quan niệm Do Thái: Quyền lực của sự chết nằm trong tất cả các loại bệnh tật, khổ đau trong thân xác. Còn theo Chúa Giêsu: chữa lành bệnh, bảo vệ sự sống dù thời điểm đó là ngày nào, giờ nào!

3/ Chúa Giêsu là thượng tế muôn đời. Theo phẩm trật của Menkisede, sứ mạng của Chúa là đem lại bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ cho nhân loại.

4/ Chúa chữa anh bại tay trong ngày lễ nghỉ hôm nay cũng đều nằm trong tâm tình và ước muốn đó. Cũng chính vì thế mà Chúa vui lòng chịu chết để mang lại ơn hòa giãi giữa nhân loại và Thiên Chúa, hiệu quả là con người sẽ được hạnh phúc mãi mãi.

5/ “Họ rình”:Thâm ý của những người chống đối là tìm đủ mọi cách để bắt lỗi và làm mất uy tín của Chúa, họ rình xem Chúa có phạm luật trong ngày Sabat không!

6/ Chúa muốn dạy mọi người qua một việc công khai, khi truyền cho anh bệnh nhân ra đứng ở giữa hội đường để giúp mọi người thấy rõ.

7/ Chúa dạy giáo huấn bằng cách gây ý thức cho mọi người và dạy bằng hành động cụ thể khi bảo anh đưa tay ra (Câu 3-5).

8/ Qua phép lạ, Chúa muốn cho mọi người hiểu rằng: Làm điều lành thì ngày nào cũng được phép làm, làm điều dữ thì ngày nào luật cũng cấm.

9/ Chúa Giêsu luôn gắn bó với hợp đồng, vì Ngài coi đó là nơi để Ngài rao truyền ơn cứu độ.

10/ Noi gương Chúa, chúng ta tôn kính và yêu quý nhà thờ vì đây là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa => Vì thế ai cũng phải siêng năng tham sự các giờ phụng vụ và các việc đạo đức.

11/ Chúa Giêsu giận giữ rảo mắt nhìn quanh, chứng tỏ rằng Chúa rất ghét thái độ cố chấp trầm trọng ở nơi họ, vì họ không muốn đón nhận lời giáo huấn của Chúa.

12/ Tiếp xúc với Lời Chúa mà không tìm hiểu, không thực hành đó là cố chấp, là cứng lòng khiến Chúa buồn lòng.

13/ Khi nghe Chúa truyền lệnh, anh bại tay thi hành ngay, đó là cách ta phải mau mắn đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

14/ Tin và thực hành theo Lời Chúa dạy thì sẽ nhận được vô số ơn, và ơn lớn nhất mà ta nhận được chính là ơn cứu độ.

15/ Người bệnh tật, người tội lỗi là những đối tượng tình thương của Chúa. Vì thế Chúa sẽ mau mắn chữa lành, nếu ta kêu xin.

16/ Khi ta nhận ra sự yếu đuối, lỗi lầm của mình và biết vâng nghe Lời Chúa dạy bảo.Thì chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận tình thương và ơn cứu độ của Chúa, trong đó còn bao gồm biết bao nhiêu ơn khác nữa.

17/ Càng tin tưởng vào Chúa, càng dễ tuân phục ý Chúa, và tuân phục ý Chúa là cách ta tỏ lòng mến Chúa mạnh mẽ và chân thật vì: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy”.

18. Qua việc Chúa chữa người bại tay trong ngày Sabat. Chúa muốn chúng ta trân trọng tuân giữ ngày Chúa Nhật, ngày đem lại niềm vui sống. Vì thế hãy dùng ngày Chúa Nhật để tôn kính Chúa và làm việc từ thiện, bác ái, cứu giúp tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con yêu Chúa trên hết và yêu tha nhân như chính mình con, vì đó là điều đem lại lợi ích cho linh hồn con và đem niềm vui cho mọi người. Amen

 

Thứ năm, 21/01/2016

Đề tài: Dân chúng đến với Đức Giêsu

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 3,7-12)

7 Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ lui về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê, 8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. 9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. 10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến tất cả những ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. 11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì phủ phục trước mặt Người và kêu lên : “Ông là Con Thiên Chúa !” 12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

SUY NIỆM:

1/ Theo sự mô tả của bài Tin Mừng: Chúng ta thấy việc dân chúng theo Chúa Giêsu, ngoài việc tin Chúa, còn có một chút gì đó mang tính hiếu kỳ và vụ lợi.

2/ Người ta đến với Chúa vì những việc người làm. Vì quyền lợi của họ hơn là họ nô nức đi tìm chân lý. Vì thế Chúa Giêsu đã phải đi tìm thuyền để khỏi bị đám đông chen lấn, Chúa muốn làm dịu đi những ham muốn vụ lợi của họ.

3/ Lời rêu rao của thần ô uế: “Ông là con Thiên Chúa”. Chưa chắc phải là lời tuyên xưng mà có thể là lời xúc giục dân chúng hãy nhìn đến khía cạnh quyền phép của Chúa Giêsu thay vì họ phải nhận ra đúng sứ vụ của Chúa.

4/ Chúng ta thường đến với Chúa bằng thái độ nào? Có khi nào chúng ta đến chỉ để lợi dụng Chúa, muốn kiếm lợi cho bản thân mình những lợi lộc trần thế, Chúa chỉ mong muốn con người đến với Ngài bằng sự thật tâm, tôn kính, mến yêu mà thôi.

5/ Hoàn cảnh phát sinh câu chuyện: Sau những cuộc tranh luận với nhóm các Kinh sư và biệt phái, Chúa Giêsu và các Môn đệ phải lánh về vùng biển hồ. Tại đây, nhìn sức hút của Chúa Giêsu đối với đám đông dân chúng làm nên một bức tranh tương phản với bầu không khí thù địch của các phe nhóm chống đối Chúa.

6/ Đọc qua đoạn Tin Mừng, chúng ta thấy những người đến với Chúa gồm có 3 đối tượng: Các Môn đệ, dân chúng gồm nhiều nơi tuôn đến, ma quỉ biết Chúa là Đấng Thiên Sai.

7/ Nhóm đầu là các Môn đệ thân thiết, các Ngài được chọn riêng, được Chúa dạy dỗ riêng, nhiều. Nhưng các ông chưa hiểu Chúa ngay, phải đợi đến biến cố phục sinh, các ông được ban thánh thần, lúc ấy các ông mới hiểu Chúa và mới dám dấn thân theo Chúa trọn vẹn.

8/ Dân chúng tìm đến từ nhiều nơi, nhưng chỉ mới có chút niềm tin hời hợt. Họ tìm đến chỉ để hưởng các phép lạ chữa bệnh, hoặc tò mò để xem phép lạ mà thôi. Họ chỉ gắn bó với Chúa cách nông cạn. Tuy vậy Chúa vẫn cho qua, và Chúa lại quý những niềm tin mới vừa chớm nở.

9/ Ma quỉ biết rõ Chúa là Đấng Thiên Sai, nhưng chúng lại bị cấm vì Chúa chưa cho phép vì nó chỉ là bọn giả hình, chỉ cố ý làm hỏng việc Chúa.

10/ Nhìn hình ảnh của 3 hạng người này, chúng ta tự đặt mình vào loại hạng người nào? Hãy rút cho mình một kinh nghiệm sống cho phù hợp xứng với phẩm giá của người Môn đệ chân chính.

11/ Bài học 1 từ đoạn Tin Mừng: Chúa đối xử cách nhẹ nhàng kín đáo đối với những người chống đối Chúa bằng cách lánh mặt, đi về Miền biển hồ, Chúa muốn các Tông đồ học hỏi sự hiền lành khiêm nhường.

12/ Bài học 2: Chúa cấm quỷ tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Thế vì Người không muốn đề cao mình, không muốn khua chiên gõ mõ, quảng cáo ồn ào, Chúa muốn các Tông đồ học cái tính vô vị lợi.

13/ Bài học thứ 3: Chúa chữa nhiều bệnh nhân khiến cho ai cũng muốn đến để được đụng chạm với Người. Chúa muốn dạy các Tông đồ tấm gương thu hút tha nhân bằng sự yêu thương bác ái chứ không bằng tài nghệ, quyền năng.

14/ Dân chúng đến từ nhiều nơi khác nhau, Chúa muốn các Tông đồ phải tập thích nghi với mọi người để có thể đến và phục vụ mọi người.

15/ Ai có bệnh cũng được chữa lành, Chúa muốn các Tông đồ thực hiện sứ vụ cách vị tha, vô điều kiện, có như thế mới có thể phục vụ cho nhiều người.

16/ Người ta lũ lượt đến với Chúa vì nghe thấy và biết những việc Chúa làm. Người làm Tông đồ phải loan truyền mọi việc Chúa làm, những giáo huấn của Chúa dạy để mọi người biết và tin yêu Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là gia nghiệp và là cùng đích của đời con, xin cho con dám chọn Chúa, theo Chúa và yêu Chúa đến cùng. Amen.

 

Thứ sáu, 22/01/2016

Đề tài: CHÚA CHỌN MƯỜI HAI TÔNG ĐỒ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 3,13-19)

13 Khi ấy, Đức Giê-su lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Các ông đến với Người. 14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, 15 với quyền trừ quỷ. 16 Người lập Nhóm Mười Hai gồm có : ông Si-môn –Người đặt tên là Phê-rô–, 17 ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê –Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi–, 18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, 19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

SUY NIỆM:

1/ Các Tông đồ được xem là cánh tay nối dài của Chúa. Là cộng tác viên trong việc rao giảng Tin Mừng cứu độ. Như thế các Tông đồ đã đóng một vai trò có ý nghĩa rất quan trọng.

2/ Điều kiện để được làm Tông đồ của Chúa: Chúa Giêsu đã chọn một số người, sau đó thành lập nhóm “12”. Điều kiện duy nhất này là do Người muốn. Như thế để trở thành Tông đồ của Chúa trước hết phải là do ơn Chúa ban, là do Chúa chọn, Chúa gọi phần mình, chúng ta có bổn phận phải cộng tác với Chúa.

3/ Từ sau khi Chúa Giêsu xuất thân ra đi truyền giáo, dân chúng rất nhiệt liệt hoan hô Người. Họ say sưa lời Người giảng dạy, số người muốn đi theo Người làm Môn đệ rất đông đảo. Trong số những người được chọn, có năm ông đã được Chúa chọn riêng trước. Hôm nay Chúa muốn chọn thêm một số nữa để huấn luyện và sau này có thể tiếp tục công việc của Người, trước sau tổng cộng Chúa chọn 12 người.

4/Trong Cựu Ước, núi là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa (1V 19,18). Núi là nơi Thiên Chúa lập giao ước (Xh 19,3). Núi là nơi Người Mạc Khải, kêu gọi có ý diễn tả Người đi gặp Chúa Cha trước khi chọn 12 Tông đồ làm nổi bật lên ý nghĩa: Việc chọn Tông đồ là việc của Thiên Chúa, là một việc rất quan trọng.

5/ Chúa gọi đến những kẻ Người muốn: Chi tiết này cho thấy ơn gọi Tông đồ là ơn nhưng không của Thiên Chúa chứ không phải do loài người muốn, cũng không do công lao của con người.

6/ Các Tông đồ đáp lại lời mời gọi bằng cách luôn đồng hành và luôn sống bên Chúa.

7/ Con số 12 ám chỉ mười hai chi tộc Israel. 12 người là đại diện cho Israel, mới là hội thánh, hội thánh được bắt đầu xây dựng nơi bản thân của ông Tông đồ.

8/ Các ông được Chúa Giêsu trao nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng quyền trừ quỷ. Các ông được sai đi làm các công việc đó là các ông đang tham dự vào việc cứu thế của Chúa.

9/ Việc Chúa chọn Phê-rô đứng đầu danh sách, và việc đặc biệt cho Simon Phê-rô là để sau này Chúa chọn ông làm lãnh đạo, làm nền móng cho hội thánh của Người.

10/ Chúa gọi những người Chúa muốn. Ơn gọi xuất phát từ Thiên Chúa vì thế những người muốn đáp trả ơn gọi của Thiên Chúa cần phải vâng phục Chúa cách trọn vẹn và hoàn hảo.

11/ Các Tông đồ đến với Chúa: Sự đáp trả ơn Chúa gọi bằng cách luôn sống và đồng hành với Chúa. Vì thế các ông cần phải gắn bó với Chúa để sống theo khuôn mẫu của Chúa hầu có thể đồng hành đồng dạng với Người.

12/ Các Tông đồ đáp trả ơn Chúa gọi bằng cách từ bỏ mọi sự để đến với Chúa. Sống và đồng hành với Chúa trong công tác truyền giáo, ý thức được ơn Chúa gọi. Mọi người phải sống xứng đáng với ơn gọi ấy bằng cách từ bỏ mọi sự quyến luyến thế gian để sống trọn vẹn cho Chúa và nhiệt thành thi hành các công việc Chúa giao.

13/ Các Tông đồ là những con người hăng say nối tiếp sứ mạng Đấng Cứu Thế của Chúa, và trở nên những cộng sự viên đắc lực của Người trong việc mở mang nước trời ở trần gian.

14/ Các Tông đồ chỉ là những con người bình thường yếu đuối, giới hạn. Nhưng Chúa đã ban cho các ông được thông phần sứ mạng cứu thế của Người.

15/ Cảm nghiệm được ơn Chúa gọi, chúng ta hãy mạnh dạng tin tưởng phó thác vào Chúa và trọn vẹn hiến dâng chính con người và cuộc sống của mình cho Chúa trong công việc truyền giáo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thực hiện nơi con những điều Chúa muốn và giúp con cộng tác hết mình để nước Chúa mau lan rộng khắp nơi. Amen.

 

Thứ bảy, 23/01/2016

Đề tài: Sống Lời Chúa hết mình

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 3,20-21)

20 Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

SUY NIỆM:

1/ Lòng tốt rất dễ bị lạm dụng, rất dễ gây hiểm lầm. Hên xui 50/50. Thánh Martin khi còn bé, mỗi khi mẹ sai đi mua chút gì cho gia đình thì Martin thường bớt chút ít tiền ấy để giúp người nghèo, rất nhiều lần Ngài bị mẹ cho ăn đòn nhưng lâu dần bà đã hiểu ra và đã ủng hộ cậu con trai.

2/ Theo lẽ thường tình, lòng tốt sẽ được mọi người chấp nhận, tán thành và ủng hộ.Tuy nhiên hôm nay thân nhân của Chúa lại có thái độ khác, họ cho rằng Chúa bị rơi vào tình trạng bất thường, mất đi ý thức công việc mình làm trong cuộc sống hiện tại, họ kết luận “Ngài mất trí”.

3/ Bà con đã không nhận ra con người thực của Chúa. Không tin lời Người giảng, không ủng hộ các việc Người làm.

4/ Trong cuộc sống hiện tại, nhiều lúc chúng ta vô tình hay cố ý dập tắt những thiện chí, những ước muốn tốt, những niềm hy vọng / phá bỏ sự cố gắng và dẫm nát niềm hy vọng, sự nhiệt thành của những người chung quanh.

5/ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta có cách nhìn đúng đắn hơn về người khác .Chúng ta cần đặt một tia nhìn yêu thương , đầy thiện cảm vào những công việc của người khác, mỗi người phải ra sức cộng tác với Chúa với Giáo hội , với anh em ,để đem chân lý và tình thương của Chúa đến với  mọi người.

6/ Khi Chúa ra đi giảng đạo , dân chúng ái mộ nên đến nghe giảng rất đông và còn được Chúa chữa lành bệnh tật nữa. Dân chúng ở xa thì dành cho Chúa những tâm tình tốt như thế, trong khi bà con thân thuộc thì lại không tán thành việc Chúa làm, không thích nghe lời Chúa giảng, lại còn cản trở công việc của Chúa. Thật rất đúng với câu “Bụt nhà không thiêng”.

7/ Qua câu 20: Thánh Marco cho chúng ta thấy, trong thời gian đầu của đời sống công khai, Chúa Giêsu đã khơi dậy lòng nhiệt thành sùng mộ của mọi tầng lớp dân chúng.

8/ Chúa Giêsu phục vụ cách vô vị lợi, vì nơi nào Chúa cũng hoạt động: Dù là nơi hội đường (Mc 3,1-5), dù ở ngoài trời (Mc 7,12). Và hôm nay ,dù ở ngay tại nhà (Mc 20-21) => Chứng tỏ rằng: Chúa làm việc cách trọn vẹn, Chúa miệt mài với nhiệm vụ, Chúa làm việc hết mình nên không còn có thời gian dành cho việc riêng!

9/ Những hoạt động nhiệt tình của Chúa  được dân chúng ái mộ vang dội khắp nơi,đến tai của những người thân nên họ đi bắt Người về.

10/ Người thân của Chúa không muốn Chúa bị kẻ thù hãm hại nên muốn đi bắt nhốt.Họ cũng muốn tránh những biện pháp chính trị của nhà cầm quyền có thể làm liên lụy đến họ.

11/ Chính quyền cũng như giáo quyền, ngay cả bà con thân thuộc cũng nhìn Chúa Giêsu như một tên cách mạng nguy hiểm.

12/ Họ cho là Chúa bị mất trí vì quá cuồng nhiệt nên có thể đi đến chỗ làm những việc bất thường, động trời, gây tại hại.

13/ Noi gương Chúa: Chúng ta khỏi cái tôi và không sống cho mình nữa, hãy tận tụy sống cho tha nhân.

14/ Từ sáng tới chiều Chúa dồn vào việc phục vụ dân chúng, bất kỳ lúc nào họ đến Chúa cũng tiếp đón họ.

15/ Vì Người muốn để cho mọi người xâu xé, quấy rầy nên chẳng còn thời giờ để ăn uống => Chúa muốn trở thành tấm bánh cho mọi người.

16/ Dân chúng thích thú nghe Chúa giảng và vui vì được Chúa chữa bệnh tật, nhưng bà con của Chúa lại có thái độ ngược lại.

17/ Chúa nói chuyện khôn ngoan tài trí thì họ lại cho là Chúa nói sảng, vì thế họ định đi bắt  giam, họ cản trở không cho Chúa giảng đạo .

18/ Chúa bị Kinh sư biệt phái chống đối bên ngoài, còn bên trong thì bị bà con thân thuộc chống đối, cản trở => Thật không khác gì bị nội công ngoại kích.

19/ Người làm Tông đồ cũng thường bị  y như thế.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra thiện chí của anh em để con biết hết lòng cộng tác với họ  ,hầu mở mang nước trời. Amen.

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1938
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  7
 Hôm nay:  198
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11350502
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top