Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 3 Mùa Chay - C 2016 / Giuse Luca

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 3 Mùa Chay C (29/02/2016-> 05/03/2016)

Thứ hai, 29/02/2016

Đề tài: Thành kiến xấu

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 4,24-30)

24 Khi đến Na-da-rét, Đức Giê-su nói với dân chúng trong hội đường rằng : “Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành –thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

SUY NIỆM:

1/ Dưới mắt của dân làng Nazaret, Đức Giêsu là một anh thợ mộc nghèo, con của ông Yuse và bà Maria. Ngài cũng chỉ là một thanh niên trẻ bình thường trong thôn xóm, cũng chỉ là một thanh niên cùng lớn lên bên cạnh họ.

2/ Đối với họ, Chúa Giêsu là một người rất đỗi bình thường. Chẳng có điểm nào nổi bật, chính vì họ có một định kiến như vậy về gia cảnh và thân thế của Chúa Giêsu nên dân làng Nazaret không thể nhìn nhận Ngài là Đấng Cứu Thế.

3/ Người Ki-tô hữu cũng thế, chúng ta thường đóng một cái khung rồi nhìn người khác qua cái khung đó. Chúng ta chỉ dùng tình cảm để đo lường, chúng ta thích thì cho người này tốt, không thích thì cho người kia xấu. Chúng ta dễ có cái nhìn ngộ nhận, sai lầm cũng giống như dân làng Nazaret ngày xưa.

4/ Chúa Giêsu được Chúa Cha sai xuống trần gian nhập thể để cứu chuộc nhân loại. Điều này không phải ai cũng có thể chấp nhận dễ dàng được, khó nhất là những người cùng thời với Chúa, từng biết rõ Chúa => Vì thế ,những người Nazaret là đồng hương nên càng khó chấp nhận hơn.

5/ Tâm trạng của người Do Thái lúc bấy giờ. Họ luôn bị người ngoại bang đàn áp, đô hộ, bắt làm nô lệ như ở Ai Cập suốt 400 năm, làm tôi tớ cho Assyri và Ba Tư, làm tôi cho Á Lịch Sơn Đại Đế của Đế quốc Hy Lạp, làm tôi Syri và đế quốc Rô-ma.

6/ Trải qua nhiều cuộc đô hộ liên tiếp như vậy, kèm theo với lời giao ước của Yave Thiên Chúa. Đã làm cho người Do Thái luôn tin tưởng và trông đợi một vị cứu tinh xuất hiện để giải phóng cho dân tộc.

7/ Họ tin rằng vị cứu tinh ấy là một người siêu quần bạt chúng, thuộc dòng dõi Đa-Vít, được sinh ra tại một nơi bí mật trên cõi trần, rồi đột ngột xuất hiện một cách oai phong lẫm liệt. Ngài sẽ phục hưng nền độc lập quốc gia và mở rộng bờ cõi nước trời, vừa là nước Do Thái vừa là nước Thiên Chúa.

8/ Từ những thành kiến sai lầm nêu trên, họ đâm ra hoài nghi và yêu cầu Chúa làm phép lạ như là làm ở những nơi khác để minh chứng uy quyền của Ngài.

9/ Trước thái độ kém thân thiện và hoài nghi của họ, Chúa lý giải vấn đề bằng 2 câu chuyện: một của Elia và một của Elisa, họ biết Chúa đang ám chỉ vào họ nên họ nổi cơn phẫn nộ và đòi thủ tiêu Chúa nhưng vì giờ chết của Chúa chưa đến.

10/ Dân làng Nazaret không tin Chúa vì họ cho rằng “bụt nhà không thiêng”. Họ đóng khung Thiên Chúa vào một quan niệm hẹp hòi, có sẵn. Họ không ngờ rằng Đấng Cứu Thế lại chính là Chúa Giêsu, họ quên rằng đường lối của Thiên Chúa không thể giống với mưu tính của loài người.

11/ Thành kiến là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, là một sự in trí. Là phán đoán người khác theo một quan niệm có sẵn trong đầu của mình/ nhất là khi những tư tưởng có sẵn đó lại sai lệch làm cho ta càng mù quáng thêm , không thể nhận định cách khách quan, đúng đắn.

12/ Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta một cái nhìn sáng suốt, cởi mở và chân thành.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin tẩy rửa đôi mắt chúng con, để chúng con có thể nhìn mọi thứ cách sáng suốt, công bằng, đúng giá trị thật, để chúng con có thể nhận ra Chúa trong anh em. Amen.**R

 

Thứ ba, 01/03/2016

Đề tài: Tấm lòng quảng đại

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mattheu. (Mt 18,21-35)

21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? "22 Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."

23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách.24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng.25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ.26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết."27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao! "29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh."30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? "34Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."

SUY NIỆM:

1/Sau vụ bị ám sát, Đức Giáo Hoàng Gioan Paul II đã đích thân vào nhà tù để thăm Ali Agca. Kẻ đã một lần cố gắng giết mình, Ngài đã nói chuyện và tha thứ cho anh ta.

2/ Nhiều người trên thế giới hôm nay đã xin ơn tha thứ của Chúa Giêsu qua tràng chuỗi kính lòng Chúa thương xót.

3/ Hằng ngày chúng ta vẫn đọc kinh Lạy Cha để xin Chúa tha tội cho mình. Thế nhưng Chúa đòi buộc điều kiện là ta phải tha thứ cho anh em mình trước.

4/ Hôm nay chúng ta hãy bỏ lỗi cho nhau. Hãy làm hòa với người anh em mình bằng cách đi thăm viếng họ, bằng những câu thăm hỏi, bằng những cái bắt tay siết chặt trên thân tình bằng một nụ cười cảm thông.

5/ Qua bài Tin Mừng, Chúa bảo chúng ta hãy tha thứ cho nhau, tha thứ mãi mãi.Chúa dạy ta qua một Dụ Ngôn 2 con nợ rất chênh lệch nhau về số lượng. Chúa muốn lấy điều kiện nhẹ nhất để kêu gọi chúng ta hoán đổi một món nợ nặng hơn mà ta đang mắc với Chúa, Chúa sẵn sàng xóa bỏ mọi tội lỗi với điều kiện chúng ta tha cho anh em mình món nợ nhỏ hơn.

6/ Người tôi tớ độc ác kia có thể là nhiều người trong chúng ta. Chúng ta đối xử với anh em quá khắt khe, chúng ta không chịu tha thứ những lỗi vô tình hay cố ý mà người khác xúc phạm đến ta, Chúa đã lên án hạng người có cách đối xử tệ như vậy.

7/ Trong cuộc sống thường ngày, có rất nhiều người gây buồn khổ cho chúng ta, hay chúng ta cũng luôn gây buồn khổ cho họ.Mỗi lần như vậy, Chúa muốn chúng ta thông cảm và tha thứ cho nhau. Sở dĩ Chúa muốn chúng ta làm như vậy là để nhắc nhở chúng ta ý thức được mình còn tội lỗi nặng nề gấp mấy lần với Chúa mà Chúa còn tha thứ được.

8/ Mình cần được Chúa tha thứ bao nhiêu lần, thì hãy tha thứ cho anh em bấy nhiêu lần. Dân Do Thái ngày xưa chỉ tha 3 lần thôi, lần thứ tư là phạt. Song tới Tân Ước, Chúa Giêsu đòi tới “70 lần 7”, không phải là 490 lần nhưng là “70 lũy thừa 7”, là không giới hạn số lần.

9/ Con người là một động vật xã hội, nghĩa là chúng ta sống với, sống cùng, sống vì nhau. Không ai có thể là một ốc đảo, xã hội nhân quyền này cùng giúp nhau thăng tiến, phát triển về nhiều phương diện. Mọi người sống chung với nhau sẽ mang lại cho nhau nhiều niềm vui, an ủi nhưng cũng có nhiều phũ phàng, cay đắng, khổ đau.

10/ Mọi người ai cũng có khuyết điểm, góc cạnh, những giận hờn ghen tỵ, mặn nhạt, chua cay, vu vạ cáo gian, cọc cằn thô lỗ. Nhưng chúng ta cần nhớ: Bá nhân bá tánh, có hàng trăm cách cư xử với nhau. Tuy nhiên cho dù chúng ta có bá nhân bá tánh nhưng chúng ta chỉ cần cư xử với nhau bằng tình yêu, mà tình yêu thì ai cũng có nên khi yêu nhau thì quả ấu cũng tròn.

11/ “Lấy oán báo oán, oán chất chồng/ Lấy đức báo oán, oán sẽ tiêu tan”. Chúng ta hãy lấy tình thương xóa bỏ hận thù. Mùa Chay đối với Chúa là Mùa tha thứ, Mùa Chay đối với chúng ta là mùa chừa bỏ tội lỗi. Nếu muốn Chúa tha, hãy hứa với Chúa là chúng ta cũng sẽ tha thứ cho nhau.

Cầu nguyệnLạy Chúa, khi con tha thứ cho ai, chính là lúc con đón nhận hồng ân tha thứ của Chúa. Xin Chúa xót thương con. Amen.**R

 

Thứ tư, 02/03/2016

Đề tài: Cách giữ luật Chúa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mattheu. (Mt 5,17-19)

17 "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

SUY NIỆM:

1/ Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu kêu gọi hãy tuân giữ luật Chúa cách triệt để. Và cố gắng dấn thân trọn vẹn để đạt được hạnh phúc nước trời.

2/ Luật Chúa không hề khắt khe, gò bó, nhưng chỉ là dây cương để giữ con người khỏi sai đường lạc lối. Đồng thời luật Chúa giúp con người đến được với Chúa để cùng hưởng hạnh phúc với Chúa.

3/ Ai tuân giữ luật Chúa cách trọn vẹn thì được Chúa yêu thương và ban thưởng. Một hình thức làm người có địa vị cao trong nước trời, mà luật Chúa là luật tình yêu, ai càng yêu thì càng giống Chúa bởi vì Thiên Chúa là tình yêu.

4/ Chúa đến để kiện toàn chứ không phải là để bãi bỏ lề luật. Vậy thì Chúa đã thực hiện, đã lý giải lời tuyên bố này thế nào ?

5/ Luật lệ mà Chúa Giêsu nói ở đây đã có trước ở trong Kinh Thánh. Luật là Lời Chúa phán qua miệng các Ngôn Sứ. Ví dụ: mười điều răn, giao ước cũ, luật tế tự, luật nên Thánh.

6/ Đến thời người Phariseu, và Kinh sư thì số luật này đã lên đến 613 điều. Vào thời Chúa Giêsu bọn này được coi như những người đạo đức, họ có quyền đặt ra những tiêu chuẩn sống cho mọi người. Nhưng rồi họ đã lạm dụng quá mức đến chỗ con người phải làm nô lệ cho lề luật của mình.

7/ khi Chúa Giêsu đến, Chúa đặt từng bậc thang giá trị của lề luật, Chúa giải thích rõ và đòi hỏi mọi người phải sống theo lề luật của Chúa. Kết quả này đã gây hiểu lầm cho đám Phariseu, họ tố cáo Ngài phá luật, vi phạm luật Chúa, luật tổ tiên, luật Cựu Ước.

8/ Chúa tuyên bố và giải thích như sau: Chúa đến không phải để bãi bỏ luật nhưng để kiện toàn. Đối với Chúa: Chừng nào luật cũ vẫn còn phù hợp với thánh ý Chúa Cha thì Ngài vẫn chấp nhận, kể cả những luật nhỏ mọn nhất. Nhưng khi nào luật ấy đã đi chệch ra ngoài hay đi ngược lại với giới luật yêu thương thì Ngài phải điều chỉnh, sửa lại cho phù hợp.

9/ Kiện toàn lề luật là làm cho nó nên tốt, nên đúng hơn. Chúa không hề phản đối luật Moisen, Chúa cũng không bãi bỏ luật cũ, “phi cổ bất hành kim”, không có cũ làm sao có mới.

10/ Chúa chỉ muốn người ta sống luật được hoàn chỉnh hơn. Ví dụ luật Talion là luật báo thù, “mắt đền mắt, răng đền răng”. Đây là luật công bằng, mà công bằng là ác độc. Ta không hại người thì người không hại ta; trái lại, ai hại ta, ta có quyền hại lại.

11/ Khi Chúa kiện toàn, Chúa muốn chúng ta sống cao thượng hơn, sống cao hơn luật công bằng là sống yêu thương. Thật ra giữ được công bằng đã khó lắm rồi, nhưng Chúa còn đòi ta phải sống hơn thế nữa, Chúa đòi ta phải tha thứ và yêu thương.

12/ Chúa dạy chúng ta phải cư xử với nhau bằng tình bác ái. Còn lối trả thù ăn thua đủ, kiện tụng nhau thì “oán sẽ chồng oán, bạn hóa thành thù”, thay vì có một thù lại thêm hai,..

13/ Tình yêu luôn là nền móng căn bản cho cuộc sống, nhưng luật công bằng Chúa dạy vẫn còn đó. Điều Chúa muốn dạy thêm là đừng đòi quyền trả thù mà hãy xử với nhau bằng tình yêu thương.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho chúng con biết sống với nhau không phải bằng lý nhưng bằng tình, phải đối xử với nhau như Chúa đối xử với chúng con. Amen.**R

Thứ năm, 03/03/2016

Đề tài: Ghen ghét là mất đoàn kết

Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 11,14-23)

14 Bấy giờ Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên.15 Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: "Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ."16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: "Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia.18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? ... bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông.20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.21 Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn.22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.

23 "Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.

SUY NIỆM:

1/ Gladston, một cựu thủ tướng Anh nổi tiếng, ông có lòng chăm lo cải tạo các phụ nữ hư hỏng của thành phố Luân Đôn. Thế nhưng các kẻ thù của ông lại cho rằng ông làm việc đó chỉ vì lý do thấp hèn.

2/ Chúa dạy chúng ta hãy vui với người vui, nhưng theo lẽ thường thì ta dễ khóc với người khóc hơn, bởi vì họ gặp nổi bất hạnh. Còn những người vui thì ta khó lòng vui với họ được vì thông thường ta khó lòng vui mừng cho những thành công của họ mà thường là ta ganh tỵ với họ.

3/ Người Do Thái hôm nay được Thánh Luca nhắc đến, họ cũng là những con người ghen tỵ. Chúa Giêsu trừ được quỷ, thay vì họ phải vui mừng thì họ lại cho rằng: Ngài dựa thế quỷ vương /  Họ muốn hạ thấp uy tín của Chúa.

4/ Chúng ta thường cũng là những con người ghen tỵ,.Thay vì nhìn vào những anh em có cuộc đời gương mẫu để mình cũng tự kiểm điểm và tu chỉnh, thì lắm khi chúng ta lại bĩu môi, dèm pha, nói xấu, đặt điều bôi nhọ họ. Khi đó chúng ta cũng chỉ là những con người hẹp hòi, tự ái, cố chấp.

5/ Chúa Giêsu nói: Nước nào tự chia rẽ sẽ bị điêu tàn, ai không cùng tôi thu góp là phân tán. Chúa dạy chúng ta sống ở đời, chúng ta cần sống bên nhau bằng một tình tương thân, tương ái. Ai sống khác đi người đó đã nghịch lại với ý muốn của Thiên Chúa.

6/ Chúa truyền lệnh: Chúng ta phải yêu thương giúp đỡ nhau / chúng ta phải thi hành ở mọi lúc, mọi nơi, cho dù là ở gia đình hay chốn học đường, công sở,....

7/ Tình thương thân tương ái sẽ được thể hiện rõ nhất khi người bên cạnh chúng ta gặp khó khăn, hoạn nạn, chúng ta sẵn sàng vui vẻ mau mắn giúp đỡ họ / “Nay người mai ta”, có khi ngày mai chính ta lại cần người khác giúp đỡ lại; chúng ta đừng sống như ốc đảo nhưng cần sống tương trợ lẫn nhau.

8/ Người ta kể lại một cuộc tranh luận giữa các phần chi thể với nhau, đó là sự đôi co giữa đôi tay, cái miệng và hàm răng. Cả 3 đều bất mãn và nói rằng: Tại sao cái dạ dày không làm gì mà lại được hưởng, chúng quyết định “làm reo” để cho cái dạ dày thấy là chúng rất quan trọng. Ngày đầu và ngày thứ hai thì tạm ổn nhưng đến ngày thứ ba thì dạ dày bắt đầu la lối, cào cấu. Mặc kệ, chúng vẫn đình công. Rồi sau đó dần dần toàn thân bãi hoãi, bũn rũn, rã rời. Lúc ấy chúng mới thấy tất cả mọi chi trong cơ thể đều không thể sống riêng lẻ, mọi chi thể đều phải liên đới làm việc với nhau và chi thể nào cũng cần cho nhau cả.

9/ Một câu chuyện khác: Một người đi qua một đoạn đường đèo, đêm qua có mưa dông nên đá sụt xuống chắn ngang đường, không thể đi qua được, anh đành ngồi sang một bên mà đợi chờ. Người thứ hai, người thứ ba,… cũng thế, có người còn cầu trời khẩn Phật giúp mình nhưng trời Phật cũng làm thinh. Khi đó có một người trong bọn họ la lên: Tại sao chúng ta không chung sức lại? Rồi bọn họ sắn tay áo lên, ra sức đẩy hòn đá sang một bên để có lối đi. Thế là họ đi qua được.

10/ Đời người ai cũng có một Thánh giá. Nếu ta chẳng làm nhẹ được cho ai, thì cũng đừng bao giờ làm cho Thánh giá của người khác nặng thêm. Chúng ta đừng bao giờ cố tình gây thiệt hại cho ai về tinh thần hay vật chất. Hãy tìm cách giúp đỡ họ, hãy cùng chia vui sẻ buồn cho nhau.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin hãy loại bỏ tính ghen tỵ trong con, và ban cho con một trái tim biết yêu thương người khác, Amen.**R

 

Thứ sáu, 04/03/2016

Đề tài: Điều duy nhất ta cần làm

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 12,28b-34)

28b Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng : “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu ?” 29 Đức Giê-su trả lời : “Điều răn đứng hàng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” 32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” 34Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu !” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

SUY NIỆM:

1/ Đức Hồng Y Thuận viết trong “Đường hy vọng”: Tình yêu của Chúa Ki-tô không biên giới, chúng ta cần có một con tim quảng đại tột bậc như Chúa thì chúng ta mới có thể yêu thương hết mọi người.

2/ Kinh Thánh dạy rằng: Ai nói yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương anh em thị họ là kẻ nói dối, Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta: Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân lân cận chung quanh ta.

3/ Mùa Chay, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy sám hối tội lỗi, mà tội chúng ta thường phạm nhiều nhất chính là lỗi đức yêu thương. Hãy quay trở về, hãy sửa đổi con người mình, hãy thay đổi cách sống, đó là cách chúng ta thanh tẩy tâm hồn mình.

4/ Những con người có hoàn cảnh khốn khó chung quanh chúng ta quá nhiều, họ đang trông chờ lòng thương xót của ta. Hãy thể hiện điều chúng ta hứa với Chúa và chứng tỏ chúng ta là đồ đệ của Ngài qua việc yêu thương chia sẻ cho anh em.

5/ Các Kinh Sư luôn tranh luận về các điều luật nào quan trọng, bởi họ có tới 613 điều bao gồm 248 điều dạy làm và 365 điều cấm làm.

6/ Trong bọn họ có nhiều môn phái, mục đích họ hỏi là để biết quan niệm của Chúa thuộc phe phái, bè phái nào. Hai là họ cũng muốn thử cho biết trình độ Kinh Thánh của Chúa ra sao.

7/ Lần nào họ cũng ra về tay không. Họ thất bại, họ ngạc nhiên, họ cảm phục về những câu trả lời chí lý của Chúa Giêsu khi nghe Chúa trích dẫn 2 câu Kinh Thánh: Một câu trong sách Nhị Luật và một câu trong sách Lê-Vi; đó là kính mến Thiên Chúa hết lòng và yêu anh em như chính mình.

8/ Yêu Chúa hết lòng, là chúng ta phải yêu chân thành, yêu tận đáy lòng tràn trề ra bên ngoài. Cũng có nghĩa là yêu thủy chung, yêu không bao giờ thay lòng đổi dạ, không có ngoại lực nào làm sức mẻ dù có phải hy sinh mạng sống, yêu hết sức tức là yêu đến mức tôn thờ.

9/ Còn về yêu người: Yêu người là thông cảm với người trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tình yêu chân thực là tình yêu san sẻ trong mọi hoàn cảnh vui buồn sướng khổ.

10/ Yêu người xây dựng cho người, chúng ta là bá nhân bá tánh cho nên tính tình, sở thích đều khác nhau, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không yêu nhau được. Vậy khi thấy anh em làm điều gì sai, chúng ta nên khuyên bảo, nhắc nhở,..

11/ Yêu là biết nhường nhịn, nhịn là nhận thiệt thòi về phần mình. Yêu là không chấp nhất, yêu là hy sinh, bỏ qua, tha thứ. Tình yêu chân chính khi bỏ vào máy ép nó sẽ chảy ra 2 chữ hy sinh.

12/ Mến Chúa, yêu người là 2 bộ mặt khác nhau của một tình yêu. Khi ta bỏ một nửa kia đi thì ta chưa đủ tiêu chuẩn để trở thành một Ki-tô hữu, một con Thiên Chúa => Yêu là đặc điểm của một con người theo Chúa.

Cầu nguyệnLạy Chúa, mến Chúa yêu anh em là điều răn cao trọng nhất, xin giúp con sống điều răn này mỗi ngày suốt đời con. Amen.**R

 

Thứ bảy, 05/03/2016

Đề tài: Tâm tình sống đạo của người thu thuế

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 18,9-14)

9 Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác : 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14 Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

SUY NIỆM:

1/ Kẻ nào cậy vào sức riêng thì sẽ sớm ngã lòng. Kẻ ngã lòng thì không có lòng khiêm nhường, bởi vì họ đang cậy vào một thứ gì đó ngoài Chúa ra.

2/ Người thu thuế hướng thẳng lòng mình lên với Chúa khi ông ta cầu nguyện, ông van nài lòng thương xót Chúa => Chính nhờ vào điều này mà ông được tha thứ và trở nên công chính.

3/ Điều kiện của việc được tha thứ không dựa trên công đức của một con người, cũng không căn cứ vào việc chay tịnh hay có lập được một công phúc nào xứng tầm với tội lỗi mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa mà được.

4/ Liều thuốc duy nhất có thể cứu sống nạn nhân lúc này chính là lòng khiêm tốn, tự thú, tin tưởng lao mình vào vòng tay nhân từ của Thiên Chúa. Để sau đó có thể đón nhận được tình yêu vô biên của người.

5/ Chúa muốn dạy cho chúng ta biết sức mạnh của Đức khiêm nhường. Lời cầu nguyện trong tâm tình khiêm nhường có thể chọc thủng 9 tầng mây, có nghĩa là sẽ được Thiên Chúa chấp nhận.

6/ Chúa Giêsu chỉ ra cho ta thấy có 2 cách cầu nguyện: Người Phariseu cầu nguyện theo kiểu cột chung nhân đức với kiêu ngạo. Đứng cầu nguyện là một kiểu của người Do Thái, nhưng đứng cái kiểu dương dương tự đắc, ngực ưỡn, đầu ngẩng cao và mắt có vẽ thích láo liên liếc nhìn người khác cách khinh bỉ.

7/ Ông đang rất hãnh diện trước mắt Chúa. Tuy là ông đang nói với Chúa nhưng là nói với chính mình. Thái độ ông luôn ăn khớp với lời cầu nguyện của ông, tuy ông tạ ơn Thiên Chúa nhưng thực tâm ông đang đề cao mình và buộc tội kẻ khác là gian tham là bất lương.

8/ Sau khi buộc tội rồi thì ông bắt đầu kể công: Tôi ăn chay ,nộp thuế sòng phẳng đúng luật, tôi gương mẫu sống công chính, là một vị thánh theo tinh thần Cựu Ước.

9/ Còn thái độ người thu thuế: Ông đã cột chung tội lỗi của mình với thái độ khiêm nhường: “Chúa ơi, xin thương con vì con tội lỗi”. Đây rõ ràng là lời tuyên xưng đức tin thật mạnh bởi vì khi nhận ra mình tội lỗi thì cũng chính là lúc ông tuyên xưng sự cao cả thánh thiện của Thiên Chúa, còn mình thì xấu xa ,tội lỗi , nhỏ bé.

10/ Thái độ của người thu thuế cũng đi đôi với lời cầu nguyện. Ông cũng đứng nhưng đứng mãi đằng sau cúi đầu mắt nhìn xuống đất như một tội đồ bị bắt quả tang, ông tự nhận mình không đáng đứng gần Chúa, không đang ngước mặt lên trời, ông đấm ngực tỏ lòng sám hối ăn năn. Ông chỉ thưa với Chúa chứ không thèm nói với mình, ông không có gì hay để khoe với Chúa, ông chỉ biết thưa: “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Ông chỉ xin Chúa xót thương ông thôi.

11/ Chúng ta đều biết chính xác kết quả của 2 lời cầu nguyện này: Một người thì được sạch tội, còn người kia thì không, đây là kết quả tất yếu và cũng là bài học khôn cho chúng ta. Thiên Chúa không chỉ nghe ta nói mà Ngài còn thấu suốt cõi lòng của những kẻ nói nữa.

12/ Thiên Chúa luôn ban ơn cho kẻ khiêm nhường và luôn từ chối lời khẩn cầu của kẻ kiêu ngạo. Chỉ có người khiêm nhường mới thật sự có tâm hồn bình an hạnh phúc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin xót thương con vì con là kẻ tội lỗi. Amen. **R

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1631
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  27
 Hôm nay:  3241
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11353545
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top